Chap đến Yên Tử lần đầu cách đây hơn 6 năm về trước. Ở cái thời không có mấy nhận thức về việc rèn luyện thân tâm đó, Chap đã tự hỏi tại sao các vị xuất gia ngày xưa có thể tìm đến một nơi xa xôi như vậy để tu hành được nhỉ? Chẳng những nơi đây biệt lập với đời sống dân cư mà đường lên núi còn khá cao và dốc. Nếu không có các bậc đá được xây dựng vững chắc như ngày nay thì chắc hẳn để lên đến đỉnh núi Yên Tử, người ta phải vượt qua rất nhiều khó khăn và nguy hiểm. Thế nhưng, lần trở lại vừa rồi, với một tâm thế hoàn toàn khác, Yên Tử đã không còn là một ngọn núi quá đỗi hùng vĩ như trong ấn tượng của Chap trước đây.

Đoàn của Chap đặt chân đến Yên Tử vào khoảng 9 giờ sáng. Thời tiết cuối thu dịu mát báo hiệu thời điểm thích hợp để leo núi. Theo kinh nghiệm từ các năm trước của một số người trong đoàn thì quá trình chinh phục Yên Tử sẽ khiến cả đoàn không cùng đi được với nhau. Mỗi người tùy vào điều kiện thể chất mà lên đến đỉnh nhanh hay chậm. Chap vì thế mà cũng xác định cách thức leo núi riêng cho mình để hoàn tất hành trình một cách trọn vẹn.

Đường lên tới đỉnh chùa Đồng tương đối dài, nhiều đoạn khá dốc. Dù phần lớn đường lên núi là các bậc đá đã được xây dựng để phục vụ du lịch nhưng không ít người phải vất vả lắm mới đến được đích, thậm chí còn phải bỏ cuộc giữa chừng như đội của Chap trước đây. Lần này, Chap quyết định dàn đều sức lực cho cả hành trình, bước đi chậm rãi hơn, giữ sự dẻo dai thông suốt. Một điều đặc biệt đó là Chap kết hợp hơi thở trên từng bước đi của mình.

Yên Tử ngày trở lại

Nếu như trước đây, mỗi lần leo núi, Chap thường nhìn lên đỉnh núi và quãng đường phía trước để hạ quyết tâm cho những bước tiến tiếp theo. Những tưởng với mục tiêu trước mặt thì mình sẽ có động lực để cố gắng hơn, tuy nhiên, Chap đã phát hiện ra rằng chính điều này lại tạo nên một áp lực lớn, khiến mình rơi vào thế bị động và dù có chinh phục được mục tiêu đó hay không thì mình cũng phải đánh đổi bằng rất nhiều năng lượng. Kinh nghiệm là đừng nhìn lên và mong ngóng tới đích. Bạn đã biết được đích đến, biết được hướng đi. Vậy bạn cứ bước đi và đừng suy nghĩ quá nhiều hay đặt ra các câu hỏi nghi vấn về bản thân hay con đường trước mặt. Hãy nhìn vào mình, từng bước chinh phục những giới hạn của mình thì sẽ đến lúc bạn chinh phục được mục tiêu lúc nào mà không hay biết.

Chap đã bước từng bước như vậy, chậm rãi và theo nhịp thở đều đặn với sự tập trung tâm trí hoàn toàn vào hơi thở và những bước đi của mình. Cứ mỗi ba bậc, Chap lại hít một hơi thật sâu. Ba bậc tiếp theo lại từ từ thở ra thật chậm. Chap chỉ chú tâm vào các bước đi của mình, không nhìn lên cũng chẳng ngoảnh mặt lại. Chap cứ thế từng bước vượt qua các bậc đá ngay dưới chân mình. Chẳng quan tâm quãng đường phía trước còn bao xa, dốc đá khúc khuỷu thế nào, người khác đã vượt qua mình hay đang leo được tới đâu, Chap chỉ biết mình cần bước lên bậc kế tiếp bằng tất cả tâm trí và sự tập trung. Mỗi lúc hơi thở trở nên gấp gáp, khó kiểm soát, Chap mới dừng lại để nghỉ ngơi cho tim đập chậm lại, lấy lại cân bằng trong hơi thở rồi mới tiếp tục hành trình.

Nhờ sự hỗ trợ từ Zen, Chap có thêm những kinh nghiệm leo núi mới. Nhiều người có thể nhìn Chap Zen với ánh mắt kỳ quặc khi thấy chúng mình đi ngang như những con cua, nhưng điều này chẳng đáng kể gì với 50% sức lực được tiết kiệm so với cách leo núi thông thường là… đâm thẳng xuyên thủng :P. Thay vì bước thẳng từng bước như bình thường, Chap Zen xoay thân mình và bước chân ngang với bậc đá để bước lên. Hướng người mình vì thế cũng không hướng lên trên mà theo chiều ngang của con đường. Cách leo núi này sẽ giúp chúng ta không dồn toàn bộ lực lên đùi và đầu gối mà sẽ chia nó ra toàn bộ cẳng chân cũng như cổ chân, bàn chân. Nhờ cách thức này mà Chap Zen leo núi mà cứ khỏe re, dù có chậm hơn bình thường một chút nhưng không phải dừng lại nghỉ nhiều lần.

Chap cứ nhẹ nhàng như vậy mà chinh phục Yên Tử. Hóa ra đỉnh núi hùng vĩ năm nào lại nằm gọn ghẽ trong tầm tay mình đến vậy. Dù có đi chậm hơn một chút so với các thành viên khác trong đoàn nhưng Chap vẫn bảo toàn phần lớn được sức khỏe của mình, không cảm thấy mệt hay sự khó khăn trong suốt hành trình. Đỉnh cao hiện ra mà mình còn không có cảm giác là vừa phải trải qua một con đường dài với nhiều khúc quanh dốc đứng tạo nỗi ngán ngẩm cho biết bao người. Sự nhẹ nhàng trong từng bước đi khiến Chap có sự chủ động và vững vàng. Ý niệm chinh phục đỉnh cao vốn không hiện hữu trong Chap ngay từ ban đầu. Đôi lúc, Chap thấy mình như trong tâm thế của các vị thiền sư trước đây, thong dong và tự tại, làm chủ mình, làm chủ đất trời. Và Chap cũng đã hiểu dù có phải trèo đèo lội suối vất vả đến mấy thì chẳng điều gì có thể làm chùn bước các nhà tu hành vì tâm họ đã không còn ngăn ngại. Khó khăn vốn phần lớn xuất phát bởi tâm người chất chứa những âu lo, tham vọng cùng những so sánh hơn thua, được mất. Khi gạt bỏ được tất cả những điều đó thì đỉnh cao nào cũng dễ dàng vượt qua.

Yên Tử ngày trở lại

Đối với nhiều người, hành trình lên Yên Tử cũng giống như một chuyến du lịch tâm linh, trở về với thánh địa thiêng liêng nhất của Phật giáo Việt Nam. Chẳng những phong cảnh tuyệt vời mà bầu khí thiêng chất ngất nơi đây còn khơi dậy cho lòng người cảm xúc lâng lâng thoát tục khó tả. Thế nhưng, đến với Yên Tử đâu phải chúng ta chỉ biết leo lên đến đỉnh núi rồi lễ bái cầu xin sự bình an, may mắn. Nếu đã cảm nhận không khí tâm linh tràn ngập khắp núi rừng Yên Tử thì bạn hãy hòa mình vào bầu không khí đó. Hãy giữ cho mình tâm thế và phong thái của những con người đang trút bỏ những nỗi lo toan thế tục để trở về với chính mình, với sự nhẹ nhàng, thảnh thơi trong tâm trí và trong cả từng bước chân, từng hơi thở. Đó mới chính là hành trình tâm linh đúng nghĩa nhất trên miền đất Phật linh thiêng.

Chẳng có đỉnh núi nào là không thể vượt qua nếu bạn có ý chí. Ngọn núi chỉ là hình ảnh biểu tượng cho những khó khăn, những chướng ngại lớn lao trong cuộc sống của bạn. Hành trình đến với sự an nhiên, tự tại, đến với tự do thảnh thơi của tâm thức chẳng khi nào hết những ngọn núi khó khăn kì vĩ ấy. Nhưng, trên tất cả, chỉ bạn mới nhận biết chúng có thực sự lớn đến như thế không và bạn sẽ chinh phục được nhờ điều gì. Và cũng chỉ có bạn, tự kiểm chứng và vượt qua.

(Chap Zen)