Chúng tôi có phước duyên được nghe Sư Cô Thích Nữ Hương Nhũ giảng về chủ đề “Hơi Thở Nhiệm Mầu”. Bài giảng của cô thật súc tích, sâu sắc, lôi cuốn và chinh phục người nghe. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin trình bày về sự thực tập Quán Niệm Hơi Thở để mọi người thấy được sự lợi lạc và nhiệm mầu của hơi thở.
Đó cũng chính là điều mà Sư Cô Hương Nhũ muốn chia sẻ cho chúng ta, vì chỉ có sự thực tập mới có được lợi ích thật sự, mới là chìa khóa mở cánh cửa đi vào con đường tuệ giác mà Đức Phật đã chỉ bày.
Chúng ta đi nghe quý thầy cô giảng dạy. Chúng ta đọc những sách dạy đạo lý rất hay. Chúng ta trầm trồ khen ngợi: “Sao mà Sư đó, thầy đó giảng hay quá. Sách viết sao mà ý nghĩa thâm sâu quá. Qua đó ta học được biết bao điều hay lẽ phải.
Nhưng rồi chúng ta chỉ dừng lại ở đó, thì thật là tiếc.
Đến một lúc nào đó ta sẽ thấy – sao mình đi chùa bao nhiêu năm rồi – cũng đã nghe quý thầy cô giảng dạy nhiều đạo lý rồi, mà vẫn không có chút tiến bộ nào cả.
Đụng chuyện thì tham, sân, si, phiền não vẫn còn nguyên.
Đó chính là do ta không khéo áp dụng những lời dạy của quý thầy, cô vào cuộc sống hằng ngày.
Học mà không hành, Phật ví như: Đếm châu báu cho người, bản thân mình không có gì.
Chỉ khi công phu tu tập ta mới thấy được sự lợi ích. Mới nhận ra ẩn dưới ngôn từ là những điều bất khả tư nghì.
Giờ thì chúng ta hãy dành ra ít phút để thực tập Quán Niệm Hơi Thở.
Trước tiên chúng ta hãy giữ lưng cho thẳng, toàn thân buông lỏng không gồng cứng, mắt hơi khép lại.
Nếu như có thể ngồi kiết già thì rất tốt còn không ta ngồi bán già cũng được hoặc ngồi trên ghế cũng không sao
Miễn là ta phải giữ lưng cho thẳng. Sau đó, ta thở vào nhè nhẹ và từ từ thở ra.
Nhớ là hơi thở của ta phải thật nhẹ nhàng, êm dịu và sâu lắng. Không thô tháo ồn ào. Trước tiên ta tập phương pháp quán sổ tức ( hay còn gọi là đếm hơi thở).
Khi ta ngồi thiền thì sẽ có bao nhiêu là vọng tưởng thi nhau kéo đến. Tâm ta không lúc nào yên mà như vượn chuyền cành.
Quán sổ tức là ta cột tâm vào sự đếm để định tâm.
Thở vào, thở ra ta đếm một, thở vào, thở ra ta đếm hai,… Khi đếm đến mười thì ta bắt đầu trở lại từ một và cứ thế.
Khi đã thuần thục phương pháp quán sổ tức rồi thì ta chuyển sang theo dõi hơi thở ( hay còn gọi là phương pháp tùy tức).
Thực tập theo dõi hơi thở ta phải có ý thức rõ rệt: thở vào ta có ý thức ta đang thở vào. Thở ra ta có ý thức ta đang thở ra. Thở vào một hơi dài ta có ý thức ta đang thở vào một hơi dài. Thở ra một hơi dài ta có ý thức ta đang thở ra một hơi dài…
Khi ta ý thức được sự vận hành của hơi thở, là ta đang có chánh niệm tỉnh giác.
Ta nên nhớ chính sự tỉnh giác về sự vận hành của hơi thở là chánh niệm chứ không phài sự lập đi lập lại câu: “Ta đang thở vào, ta đang thở ra là chánh niệm”.
Những khi tâm ta bất an phiền muộn, lo âu, giận dữ, căng thẳng hay những lúc ta cảm thấy mệt mỏi, ngao ngán vì cuộc sống bộn bề, vì mâu thuẫn bất đồng với mọi người quanh ta, vì áp lực công việc, vì thất bại, vì mong muốn mà không được toại nguyện… thì thay vì để những cảm xúc không kiểm soát được bộc phát qua những hành vi bạo lực hoặc những lời nói thô tháo gây đau khổ, tổn thương cho những người quanh ta. Lúc đó, ta hãy nhớ quay về thực tập quán niệm hơi thở.
Ta ý thức được, cảm nhận được hơi thở vào – hơi thở ra một cách nhẹ nhàng thong thả.
Khi tập trung tâm ý vào quán niệm hơi thở. Ta sẽ thấy sự chuyển hóa trong tâm ta một cách rõ rệt. Tâm ta sẽ đi dần vào định.
Và rồi tất cả những bức xúc, những lo âu phiền muộn, những bất an đau khổ sẽ từ từ lắng xuống và tan biến hoàn toàn. Ta sẽ cảm nhận được sự bình an tĩnh lặng trong tâm ta và đó chính là sự mầu nhiệm.
Nếu như có thể trong những lúc rảnh rỗi hoặc buổi sáng sớm hoặc chiều tối. Ta nên đi bách bộ quanh nhà, trên con đường nhỏ hoặc trong công viên. Ta đi chậm rãi, thong thả, nhẹ nhàng phối hợp nhịp nhàng với hơi thở vào hơi thở ra.
Ý thức rõ rệt từng bước chân ta xúc chạm với mặt đất hòa nhịp cùng với hơi thở. Hít vào ta bước chân trái, chân phải, chân trái. Thở ra ta bước chân phải, chân trái… chân phải… và cứ đều đặn như thế.
Khi ấy ta sẽ cảm nhận được sự an lạc thảnh thơi trong từng bước chân đi. Thực tập thường xuyên đến một lúc nào đó ta sẽ thấy:
Hạnh phúc là khi biết buông
Là không tham đắm vui buồn thế gian
Hạnh phúc chân thật dịu dàng
Bước chân tĩnh lặng mênh mang đất trời.
Chánh niệm là sự tỉnh giác, biết rõ hoạt động của thân, của tâm và những gì quanh ta như nó đang là mà không khởi tâm phân biệt.
Có chánh niệm tỉnh giác thì khi đang làm việc ta có ý thức rõ rệt về công việc ta đang làm. Khi đi biết ta đang đi, khi thấy biết thấy, khi nghe biết nghe…
Thực tập quán niệm hơi thở cùng với chánh niệm tỉnh giác, ta sẽ thấy được sự sinh diệt của những cảm thọ trong ta. Và rồi sẽ ý thức được sự vô thường của vạn pháp.
Khi thấy rõ sự vô thường ta sẽ thương yêu sự sống của muôn loài hơn. Ta sẽ trân quý từng phút giây mầu nhiệm đang diễn ra quanh ta. Tâm của ta sẽ trở nên từ bi và dễ dàng tha thứ cho những kẻ làm ta tổn thương.Ta sẽ không muốn gây đổ vỡ, tổn thương cho ai nữa.
Ta thường nghe nói “ Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Quả đúng là như vậy đối với những ai chưa từng thực tập quán niệm hơi thở. Tâm ta có sự muộn phiền nên nhìn đời bằng con mắt phiền muộn.
Những khi tâm ta phiền muộn, thay vì để sự buồn phiền dẫn dắt, lôi cuốn, ta hãy bước ra ngoài tiếp xúc với thiên nhiên và thực tâp quán niệm hơi thở. Như vậy là ta đã có cơ hội để đặt gánh nặng cuộc đời xuống.
Theo dõi hơi thở và quan sát mọi vật quanh ta, ta sẽ thấy được sức sống của ngọn cỏ non đang vươn mình qua khe đá. Ta sẽ thấy vẻ đẹp diệu kỳ của những bông hoa tím dại. Vẻ rực rỡ huy hoàng của những giọt sương long lanh dưới ánh nắng ban mai.
Ta sẽ thấy sự vô thường của cuộc đời biển dâu. Ta sẽ thấy những gì ta lao tâm, khổ trí cả một đời để vun đắp , bám giữ nào là danh vọng , tiền của, sắc đẹp … mà ta luôn tưởng rằng đó là hạnh phúc, tất cả những điều đó thật là tầm thường và vô nghĩa.
Khi tâm ta an định ta cũng sẽ thấy được vẻ đẹp của thời gian trong phút giây lắng đọng của tâm thức, lúc đó ta sẽ cảm nhận:
Buổi trưa im
Như một phút thăng hoa
Của cuộc sống
Quay cuồng và vội vã.
Thường xuyên thực tập quán niệm hơi thở cùng với chánh niệm tỉnh giác sẽ giúp cho ta có được an lạc và hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại. Khi mà tâm ta:
Không truy tìm quá khứ
Không ước vọng tương lai
Quá khứ đã qua rồi
Tương lai thì chưa tới
Chỉ có phút hiện tại
Tuệ quán chính là đây
Hãy thực hành như thế.
Bây giờ, chúng ta hãy cùng nhau thực tập các bạn nhé. Ta sẽ bắt đầu đếm hơi thở vào, hơi thở ra từ một cho đến mười.
Khi đã thuần thục thì ta sẽ bắt đầu theo dõi hơi thở vào hơi thở ra.
Và cứ thế trong chánh niệm tỉnh giác, ta sẽ nhận ra sự chuyển hóa trong tâm ta. Ta không còn thái độ tiêu cực trong cuộc sống. Ta sẽ cố gắng sống tốt hơn theo lời Phật dạy. Ta sẽ thương yêu mọi người quanh ta hơn. Nhân cách ta ngày càng hoàn thiện hơn và đó chính là sự nhiệm mầu của quán niệm hơi thở.
Nguồn:phathoc.net