Phụ lục 3

Lục Diệu Pháp Môn – Sáu Phương Pháp Thiền Tập

1. Sổ tức – Ànàpànasati

Dụng tâm điều khiển hơi thở theo ý muốn, lúc đầu thô, lúc sau tế.
Thô là hít vào bằng mũi mạnh và dài rồi ngưng.
Trong lúc ngưng thở, đếm từ một đến 10, 20 hoặc 30, vừa dùng tư tưởng đưa ô xi lên não bộ, thở ra bằng miệng mạnh và dài.
Làm như thế đến 10 hoặc 20 lần.
Tế là hít vào bằng mũi nhẹ và dài không nghe tiếng, ngưng một lát, rồi thở ra bằng miệng nhẹ và dài không nghe tiếng, đếm 1.
Lần thứ nhì đếm 2, đến 30 hay 50 lần.
Trong khi thở nên giữ thân tâm thoải mái và buông thư.
Pháp sổ tức nhằm thanh lọc không khí trong thân tâm và làm cho thế ngồi được cân bằng, vững chãi, hỗ trợ đoạn năm triền cái, thanh lọc các buồn phiền lo nghĩ trong tâm.

2. Tùy tức

Dụng tâm theo dõi hơi thở tự do ra vào nhẹ nhàng bằng mũi tùy theo nhu cầu của cơ thể, miệng ngậm lại, đầu lưỡi cong lên vòm hàm trên để hơi ra vào bằng mũi được dễ dàng.
Biết rõ hơi thở lúc ra, lúc vào, lúc ngưng.
Pháp tùy tức làm cho thân tâm được thoải mái, nhẹ nhàng, thư thái.

3. Chỉ – Samantha

Dứt trừ phiền não và vọng tưởng bằng cách tập trung tư tưởng vào một nơi trên cơ thể, như đỉnh đầu, tam tinh, chóp mũi, tim, rốn, lòng bàn tay, trong khi vẫn để hơi thở ra vào tự do như khi thực hành tùy tức.
Nếu có vọng tưởng hay phiền não xen vào mà không thể dứt trừ được thì chuyển sáng quán đối tượng của vọng tưởng hay phiền não đó.

4. Quán – Vipassanà

Quán sát tất cả các pháp đều vô thường, sinh, trụ, dị, diệt, vướng mắc vào đó đều bị phiền não và đau khổ.
Có thể thực tập quán Tứ diệu đế, quán Tứ niệm xứ, quán Ngũ đình tâm (quán bất tịnh, quán từ bi, quán nhân duyên, quán giới phân biệt, quán sổ tức), quán cửu tưởng…
Mục tiêu của quán là để nhận chân được ba cánh cửa giải thoát: vô thường, vô ngã và niết bàn.
Vô thường là tất cả sự vật đều sinh diệt, biến chuyển luôn.
Vô ngã là tất cả sự vật đều không có tự tánh chân thật.
Niết bàn là mục đích của sự tu tập dứt trừ phiền não và vọng tưởng để tâm được vắng lặng, an lạc, thanh tịnh, giải thoát.
Sau khi quán liền chuyển sang hoàn để nhận xét tâm đã dứt trừ được vọng tưởng hay phiền não đó chưa.

5. Hoàn

Quán sát tâm xem hiện đang còn vọng tưởng hay phiền não nào không.
Nếu thấy còn thì tiếp tục quán để trừ.
Nếu thấy hết vọng tưởng và phiền não thì chuyển sang tịnh.

6. Tịnh

Là hỉ và xả, không chỉ không quán, giữ tâm vắng lặng, an lạc, thanh tịnh, không nghĩ tưởng, trong khi vẫn thở theo tùy tức.

Thiền có chỉ và quán.
Tu chỉ để đạt định.
Tu quán để đạt tuệ.
Trì giới để được sạch nghiệp.
Giới, định, tuệ là ba vô lậu học, cần phải tinh tấn thực hành, là cốt tủy của chánh pháp.
Thiền giả tùy theo phẩm chất thực tập mà sẽ đạt sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền.
Tiếp theo là không vô biên xứ, thức vô biên xứ, vô sỡ hữu xứ và phi tưởng phi phi tưởng xứ.
Khi đến diệt thọ tưởng định mới thực sự giải thoát, không còn chấp pháp và chấp ngã.

T G Minh Thạnh

http://sachminhthanh.wordpress.com