1. Phương pháp thứ nhất là dùng hơi thở theo dõi hơi thở, không nghĩ gì khác. Phương pháp theo dõi hơi thở ra vào được đức Phật Thích Ca khen ngợi và trực tiếp truyền đạt cho học trò. Trong tập V kinh Tương Ưng, có cả một chương dài, ghi lời Phật nói về pháp môn đặc sắc này (kinh Tương Ưng Bộ, chương 10, từ trang 463-98, bản dịch: Thích Minh Châu). Hơi thở là biểu hiện cụ thể nhất của sự sống, khi thở mà theo dõi hơi thở ra vào với tâm an tịnh, thì tác dụng đối với thân và tâm thật không thể lường. Một điều căn dặn của các thiền sư từng tu tập lâu năm về pháp môn này, là khi tập hãy giữ cho cả thân và tâm thật sự thoải mái, không căng thẳng. Các tạp niệm có thể móng lên, hãy cứ để cho chúng qua đi, vì chúng có khác gì mây bay, bay đến rồi lại bay đi, bầu trời tức là cái chân thật của chúng ta. Không phải vì vài bóng mây thoảng mà mất đi cái lớn lao, cái trong sáng vốn có của nó. Thậm chí, các thiền sư Tây Tạng còn khuyên, khi theo dõi hơi thở ra vào cũng không cần tập trung tư tưởng quá mức, hãy tập trung khoảng 25%, còn thì 75% tâm hãy để cho thư giãn, thoải mái, tâm mình như treo giữa hư không, không vướng vào đâu hết. Đúng theo câu kinh Kim Cang: “Ưng vô sở trụ, nhi sanh kỳ tâm”, nghĩa là cái tâm không trụ vào đâu hết, không vướng vào đâu hết.

2. Phương pháp thứ hai là cột niệm vào một vật nhất định, tuỳ mình lựa chọn, có người thì chọn ảnh Phật hay là ảnh Bồ-tát, thí dụ ảnh Bồ-tát Quan Âm. Có người chọn đầu lỗ mũi hay là một điểm thường gọi là đan điền dưới lỗ rốn.

3. Phương pháp thứ ba là niệm chú Mantra, một phương pháp mà các thiền sư Tây Tạng hay dùng, họ tin rằng có những câu chú được các đức Phật hay các vị Bồ-tát truyền lại, có một sức mạnh tâm linh đặc biệt truyền lại, có một sức mạnh tâm linh đặc biệt có thể giúp cho người niệm chú dễ định tâm. Một câu chú, theo truyền thuyết là do chính Bồ-tát Quán Thế Âm tặng cho dân Tây Tạng: “AUM MA NI BÁT NÊ HỒNG” nghĩa đen của câu chú là:”AUM: Ngọc Ma-ni trong hoa sen”. Theo tôi, giá trị và tác dụng của câu chú, không chỉ là do ở Bồ-tát Quán Thế Âm mà còn là do đức tin của người niệm chú, tâm trạng của chúng ta khi niệm chú.

Nhớ lại, ngày xưa, chúa Nguyễn Khắc Chu, một chúa Nguyễn rất mộ đạo Phật, thấy thiền sư Thạch Liêm trì chú mà trời đang mưa tầm tã bỗng nhiên tạnh ráo, bèn nằn nì Sư truyền cho câu chú đó, nhưng Sư trả lời: điều quan trọng không phải ở bài chú đó, mà là người trì chú có thanh tịnh, có đức độ thì trì chú mới linh nghiệm.

Trên đây là câu chuyện của chúa Nguyễn Phúc Chu (1675-1725) và Sư Thạch Liêm. Còn hiện nay, thì chúng ta nên tự bảo vệ chúng ta không phải bằng những câu chú mà bằng một nếp sống thiện lành, bằng cách giữ cho cả ba nghiệp thân, khẩu, ý đều thanh tịnh, trong sạch. Muốn sống được an toàn trong một xã hội nhiễu nhương, thì cách bảo vệ tốt nhất là sống nếp sông thiện lành, đó là lời khuyên củsoo đức Phật trong kinh Pháp Cú, trong một xã hội đầy tội ác, thì người sống thiện cũng như bàn tay không thương tích nhúng vào bát thuốc độc không có can hệ gì.

Một cách tự bảo vệ nữa là hành thiền. Bởi lẽ nhờ hành thiền, nhất là tập phép hành thiền niệm hơi thở ra vào, thì thần kinh hệ an ổn, đỡ bệnh tật, thân có sức khoẻ, lại dẻo dai bền bỉ. Hơn nữa, nhờ tập thiền mà con người luôn thoải mái, tỉnh giác, đỡ phạm sai lầm, đỡ bị dục vọng chi phối, sai sử.

GS. Minh Chi

quangduc.com