11. Tâm Sở Tín – Quét Sạch Bóng Quân Thù – Bảo Hiểm Tâm

Tâm Sở Tín – Saddha cetasika
Quét Sạch Bóng Quân Thù

Tín là sự vững tin vào những điều hợp lý một cách trong sáng. Có những tin tưởng vào điều chân thật, nhưng cũng có những tin tưởng vào điều không chân thật. Người có tín tin vào nghiệp báo luân hồi, sự tiếp nối từ kiếp này sang kiếp khác, sự giác ngộ, con đường chân chính và ba ngôi Tam Bảo. Nhờ vậy con người có nơi nương tựa và vượt thắng nhiều sự sợ hãi. Bất tín là không vững tin vào các yếu tố vừa kể, đồng thời cho đó là sự điên rồ, trốn chạy và phản khoa học. Đau khổ có mặt chỉ vì không dám tin vào sự thật, phản đối sự thật và thậm chí biết rõ sự thật nhưng không đủ can đảm để nắm lấy. Chỉ có niềm tin vững chắc vào sự thật, không xa lìa sự thật và dám biết rõ bản thể chân thật của mọi hiện tượng, hạnh phúc mới có mặt. Tín chi phối con người ghê gớm. Tin vào điều hợp lý dẫn đến con đường thiện và không tin vào điều hợp lý dẫn đến con đường không thiện. Sự tin tưởng không hàm chứa các yếu tố vụ lợi làm cho tín có bản chất trong sáng. Tin tưởng vào một học thuyết chính trị với sự can thiệp của nhu cầu vì cho rằng thế lực ủng hộ học thuyết này sẽ bảo trợ cho đời sống, đây là tín không trong sáng. Ngược lại, bố thí cho người khác nhưng không mong cầu hưởng phước báu, lại còn cầu mong người nhận phước thí có nhiều thuận duyên tu học và sống hạnh phúc, đây là tín trong sáng. Tín xóa bỏ mọi nghi ngờ, phân vân và đem ánh sáng chân lý lại gần hơn. Tín có thể được nói là sự hoàn toàn tin cậy, làm cơ sở cho mọi hành động thiện và xấu hổ với những hành động bất thiện. Dù làm bất cứ việc gì, tín cũng có chân lý soi sáng và đó là tiếng chuông báo động ngăn cản người phạm giới. Biết một hành động xấu sẽ tạo nghiệp xấu trong hiện tại và tương lai, con người dứt trừ tâm tà dục và quyết gìn giữ giới. Tin tưởng vào luật nhân quả, tín chính là sự tốt đẹp.

Trong sáng là thích thú với sự tin tưởng hợp lý. Công ty làm từ thiện với mục đích quảng cáo không còn trong sáng nữa. Bản chất con người là trong sáng và bị các cảnh trần làm cho ô nhiễm. Nhận biết sự thật về các cảnh trần, tâm hồn sẽ trong sáng trở lại. Tin tưởng sai lầm trở thành mù quáng hay cuồng tín. Người tin rằng chết là hết nên ra sức hưởng thụ và gây nghiệp xấu, đây gọi là mù quáng. Người tin rằng giết chết một sinh mạng, dù con người hay loài vật, thì sẽ được sanh lên thiên đàng, đây gọi là cuồng tín. Sư sợ hãi khiến người nhẹ dạ cả tin, phát sinh đủ thứ tà kiến, buôn thần bán thánh…, đây gọi là mê tín, tức là tin vào điều mê muội  và tìm cách xa rời sự thật. Trong vở cải lương Đoạn Tuyệt, đứa con bị bệnh nhưng không được chữa chạy bằng thuốc men, nhưng lại cho rằng đứa con bị tà nhập nên làm đủ thứ kiểu ngoại đạo vẫn không khỏi bệnh, thậm chí gây hậu quả nghiêm trọng. Kinh Nền Tảng Đức Tin được đức Phật dạy rõ về cái gì nên tin vào và cái gì không nên. Một câu chuyện được chính người trong cuộc kể lại còn không đúng nói chi nghe người khác kể lại. Con người thích nghe những câu chuyện gây sốc hơn là những câu chuyện hạnh phúc và để tạo hứng thú, rất nhiều tình tiết được thêm thắt. Khi nhìn thấy một đám đông đều nói về một câu chuyện như nhau rồi cho đó là đúng thì hết sức sai lầm. Dù một triệu người khai báo cùng một chuyện cũng không nên tin. Văn hoá nói dối là kết quả của việc lợi dụng sự cả tin và suy nghĩ bạo động. Chính văn hoá này giết chết sự thật và niềm tin vào sự thật. Trường hợp về cúng dường chùa cũng vậy. Người tự tay kiếm tiền và sử dụng tiền mình kiếm được ủng hộ việc xây chùa với mong mỏi duy trì cơ sở tôn giáo để hoằng pháp. Người khác là viên chức Nhà nước, sử dụng tiền tham nhũng đi ủng hộ xây chùa. Đây chỉ là hành động rửa tiền nhằm che lấp hành động tội lỗi của mình mà thôi. Người khác nhìn vào thấy người này có phước, và niềm tin đó khiến họ sùng bái  quan tham. Niềm tin này hết sức nguy hiểm.

Cần phân biệt lòng tin với sự luyến ái. Người có thân hình đẹp đẽ, khuôn mặt khả ái, giọng nói dễ thương, dành giải quán quân hay được vinh danh rồi tin tưởng vào những lời nói hay hành động của họ có thể bị sụp đổ thần tượng. Đây chỉ là sự luyến ái, ham thích về sắc dục hay tài năng. Sắc dục và tài năng chưa bao giờ mang đến sự giải thoát. Tin vào chân lý đích thực rồi thực hành theo mới mong có ngày đạt giải thoát và trước mắt có hạnh phúc trong hiện tại. Sư tổ, thầy tổ, người truyền giới, giáo thọ hay giảng sư có thể ăn nói lưu loát, giảng pháp thật hay và hình tướng của họ có thể làm mê mẫn người nghe. Nhưng đặt niềm tin hoàn toàn vào họ thì coi chừng rơi vào cuồng tín. Lời giảng chỉ giúp ta thức tỉnh và soi sáng những tháng ngày mê mờ của mình. Bản thân nghe pháp chỉ để nghe pháp thôi, không quá tin tưởng vào lời dạy. Nếu lời dạy chân thật và hành trì nó có thể mang lại hạnh phúc chân thật trong hiện tại, thì tin tưởng và thực hành theo, còn tin vào người thuyết giảng càng nhiều thì thất vọng càng cao. Vấn đề là tu tập, không phải thuyết giảng giỏi hay không. Thuyết pháp giỏi nhưng thân tâm đầy dẫy những tà dục thì thuyết giảng hay cách mấy cũng như không. Lòng tin phải tách rời sự luyến ái và nếu luyến ái quá lớn, lòng tin sẽ mù quáng và cái mình cho là tin cần phải xem lại. Một người học trò của tôi ở trường Kent tuyên bố hùng hồn là sau này sẽ viết tiếp học thuyết của Mark-Lenin. Tôi nói muốn viết thì cứ viết, nhưng muốn làm vậy thì làm ngay bây giờ đi, đừng đợi mai mốt. Con người hay tin vào ngày mai hơn ngày hôm nay. Niềm tin này khiến họ bị lôi ra khỏi hiện tại và quên đi sự sống vào lúc này ở đây. Bản thân bị đánh mất trong hiện tại rồi thì làm sao mai mốt viết được học thuyết nào nữa.

Chánh niệm về tín để biết mình đang tin tưởng vào điều gì, có phù hợp với sự thật và niềm tin đó có trong sáng hay không. Không có chánh niệm về tín thì niềm tin sẽ sai lạc và cái sai luôn được cho là đúng. Sự luyến ái không phải là xấu nếu nó có chánh niệm. Chánh niệm không làm cho sự luyến ái khởi tâm tà dục. Thích một bông hoa vừa nở thì biết mình đang thích bông hoa, nhưng nếu ý thích này làm khởi tâm chiếm hữu bông hoa hay mong muốn ngắm nhìn bông hoa mới có hạnh phúc, sự luyến ái trở thành đau khổ. Niềm tin vào hạnh phúc chân chính làm phát khởi tâm niệm trong sáng ở con người và vì trong sáng nên gọi tâm niệm phát khởi nhưng thực chất chẳng có gì phát khởi cả. Mọi thất điên bát đảo được chuyển hóa do tín trỗi dậy, lấn át tất cả tâm bất thiện, thức dậy các tâm thiện và tín bắn bước pháo khai mạc cho các tâm thiện bùng nổ.

Kệ Tâm Sở Tín

Tín vun bồi niềm tin
Sự thật cứ đinh ninh
Tâm hồn thật trong sáng
Điều hợp lý an bình.

Một niềm tin rõ ràng
Hết nghi hoặc hoang mang
Nương tựa vào chân lý
Tìm về chốn địa đàng. 

Không luyến ái dính mắc
Xây hiện tại vững chắc
Luôn tu tập hết lòng
Quét sạch bóng quân giặc.

Biết rõ tin điều gì
Đời người có mấy khi
Phát triển tâm hành thiện
Chánh niệm thật diệu kỳ

12. Tâm Sở Cần – Đam Mê Hiểu Biết Và Yêu Thương – Bảo Hiểm Tâm

Tâm Sở Cần – Viriya cetasika
Đam Mê Hiểu Biết Và Yêu Thương 

Cần là hiện trạng của người đầy sinh lực và khí thế. Cần tạo sự quyết tâm nơi người và thúc đẩy sự cố gắng. Các công việc có sẵn nhưng không cố gắng thì chúng cũng trở nên vô nghĩa. Cần sắp xếp cố gắng hay năng lực nhằm thực hiện công việc. Sự phấn đấu không mang tính hủy diệt mà mang tính xây dựng. Người cố gắng xây dựng hoà bình và người cố gắng tạo ra chiến tranh nhưng tính chất của những sự cố gắng này hoàn toàn khác nhau. Sự thành đạt có mặt là do cần bởi yếu tố chánh tinh tấn phát huy mọi cố gắng tích cực và đem lại quả thiện tốt đẹp. Người đạt niệm, định và tuệ không thể thiếu vắng chánh tin tấn mà đa phần được cần mang lại. Cần đi kèm với tâm thiện nên cần đáng được phát huy. Người đam mê hiểu biết và yêu thương, tận dụng tối đa năng lượng của cần đem lợi ích cho bản thân và những người xung quanh.

Tính lười biếng của người được ngăn chặn nhưng lười biếng này không có nghĩa ăn không ngồi rồi và bắt người khác phục tùng. Lười biếng là khả năng thờ ơ với thực tại, không dám buông bỏ và không chịu trao dồi các tâm thiện. Cần nhận diện sự lười biếng và chuyển hóa nó thành ra tinh tấn. Suy nghĩ về bản thân và người khác với mong muốn đem lợi ích tốt lành đến cả hai đối tượng nên mong muốn được siêng năng. Tính siêng năng không có nghĩa đầu tắt mặt tối và không thể ngồi yên mà siêng năng này có nghĩa là tinh tấn trong việc thực tập chánh niệm, giữ tâm định, trao dồi trí tuệ, lợi dụng mọi tâm thiện để hành thiện trong các cơ hội có được không ngừng nghỉ. Cần vượt thắng những đòi hỏi về lười biếng hay nhàn hạ theo nghĩa của thế gian, đồng thời phát huy mãnh liệt tính siêng năng hay tinh tấn theo nghĩa của xuất thế gian. Lười biếng hay siêng năng sai có thể tạo phiền não nên ngồi không hay nhảy lung tung cũng là các yếu tố bất thiện. Người có khả năng lười biếng và siêng năng chân chính nên phục hồi các khả năng này nhanh chóng không thể thiếu vắng cần. Một người lính trong rừng sâu đang bị kiệt sức bởi bệnh tật, muỗi mòng, thời tiết khắc nghiệt và thiếu đói trầm trọng nhưng nhờ nghị lực, anh vượt thắng tất cả, tiếp tục hành quân bằng các điều kiện hết sức thiếu thốn. Nhưng nghị lực tiếp sức mạnh cho anh đi tiếp và chính nghị lực giúp anh giàu có khao khát về sự tồn tại, chiến thắng điều kiện khó khăn và vươn lên trong gian khổ. Người tu sĩ cũng vậy, cần khiến nghị lực mạnh mẽ, nhẫn nhục được những thứ tưởng chừng sức người không thể làm được. Giống như một người gần như chết khô giữa sa mạc vì thời gian dài không có nước, nhưng một trận mưa rào đổ xuống hay vài giọt xương đọng trên cây xương rồng, người cũng đủ vươn dậy và tiếp tục cuộc hành trình. Trong đau khổ tột cùng, lời an ủi dù chỉ một câu cũng làm vơi bớt khổi đau, thậm chí tiêu tan hết. Bộ phim Cinderela thời hiện đại do diễn viên Hilary Duff thủ vai cô bé Lọ Lem. Cứ tưởng cô sẽ buông bỏ mọi ước mơ sau khi tình cảm tan vỡ, mẹ kế hất hủi, bạn bè chế giễu hay bị từ chối vào đại học, nhưng chỉ với câu nói khích lệ ẩn hiện không đầy đủ sau bức tường bị che khuất bởi cây đàn nhỏ, cô lấy lại nghị lực rất nhanh và có quyết định không ai nghĩ cô sẽ làm được. Cần khuyến khích mọi nghị lực biểu hiện và người làm nên nhiều chuyện vĩ đại.

Sự rút lui hay thối chí không có nghĩa không có nghị lực, nó cũng mang tính cần vì người nhận ra mình đã siêng năng không đúng chỗ nên sự siêng năng kia không cần thiết. Biết mình làm cái gì sẽ không sa vào con đường sai trái hoặc điều chỉnh lại con đường cho đúng. Người có khuynh hướng xem cần là bản ngã nên xem nó là đối trọng với đối thủ khác. Thực ra nó lại là pháp hữu vi và mang tính vô thường như mọi pháp hữu vi khác. Cần rất hữu dụng nhưng cũng không dính mắc vào nó vì sự dính mắc sẽ làm các tâm bất thiện phát khởi và siêng năng vào cái bất thiện hết sức nguy hiểm. Mọi ý thức của giác quan là khả năng bẩm sinh của chúng và cần ý thức được điều đó, đưa trí nhớ vào niệm, an trú trong cảnh đạt định và biết cảnh biến đổi không ngừng là biểu hiện của tuệ. Cần đi vào trong tuệ và giúp tuệ phát sinh. Cái tuệ này không phải là sự chế tác hay tạo mới mà chỉ là sự phát hiện, tìm ra cái sẵn có từ lâu. Mọi công việc đạt mức hoàn hảo hay cố gắng để đạt mức hoàn hảo vì con người có khuynh hướng đòi hỏi sự hoàn hảo và nghị lực thúc đẩy người đi đến chỗ hoàn hảo đó. Thực sự hoàn hảo này không phải là cái để đến vì nó không nằm ở đâu để mà đến cả và cũng không phải là cái để chờ vì nó không nằm ở thời điểm nào để mà chờ. Tinh tấn, nghị lực, hay cần nằm ở chỗ này và vào lúc này. Nên nói chánh niệm phải thực tập khắp mọi nơi, vào rừng thẳm hay xuống biển sâu đều phải thực tập, không chừa khoảng không gian hay thời gian nào. Cần làm nhiệm vụ cho tâm bất thiện chính là sự sai quấy và cần làm nhiệm vụ cho tâm thiện chính là chánh tinh tấn. Nhà chính trị cho vũ khí hạt nhân có thể gìn giữ hoà bình nên ra sức chế tạo nó, điều này chỉ làm hoà bình thêm biến mất vì sự siêng năng đặt nhầm chỗ. Nhà chính trị cho rằng chỉ có phi hạt nhân và thực tập từ bi mới đem lại hoà bình cho nhân loại nên ra sức ngăn chặn việc chế tạo vũ khí và đề xướng thực tập tình thương vì sự siêng năng đặt đúng chỗ.

Chánh niệm về cần để biết nghị lực đang nằm ở tâm thiện hay tâm bất thiện nhằm đưa nó trở về với đối tượng đáng phải có. Bố thí cần là bố thí vào việc hành thiện, trì giới, tham thiền và hướng con người vào nẻo lành. Người làm điều thiện một cách không đắn đo do bố thí cần đúng đắn, đem nghị lực vào chỗ đúng đắn. Người làm sai nhưng không biết mình làm sai do vô minh che lấp, nên đặt cần vào chỗ nguy hiểm. Giống như người đi cướp của người giàu phân phát cho người nghèo vì ý niệm làm như vậy là đúng đắn nhưng kỳ thực hành động cướp bóc dù cướp người giàu hay nghèo đều là sai trái cả. Cần là chất xúc tác làm con người chuyển hóa phiền não hoặc bỏ mặc nó. Biết phiền não này làm người khổ nên nghị lực thúc đẩy việc chuyển hóa và trị liệu. Người khác biết phiền não này làm người khổ nhưng lại dùng nghị lực làm cho khổ thêm, khổ không những không được chuyển hóa mà người ngày càng xa rời hạnh phúc cũng như xem khổ là điều phải làm. “Cái tôi” hay “bản ngã” là phiền não và nghị lực cần chuyển hoá chúng, chấp nhận buông bỏ cái tôi và không phân biệt cái tôi nào nữa. Xã hội thường hay đề cao cái tôi nên tận dụng mọi nghị lực chứng minh điều đó, nên xã hội phải mang cái khổ chẳng trách ai được vì tự mình vươn lấy. Chánh niệm về cần cũng nhận biết tính khẩn trương hay bị kích động. Tu tập không mang tính khẩn trương hay bị kích động vì nếu các yếu tố này phát khởi, người sẽ mất niệm và định ngay. Chánh niệm yêu cầu sự từ tốn, khoan thai và an nhiên. Sự thực là cần làm nhiệm vụ của từ tốn, siêng năng khoan thai và thúc đẩy an nhiên.

13. Tâm Sở Xả – Không Choáng Ngợp Bởi Hạnh Phúc Và Khổ Đau – Bảo Hiểm Tâm

Tâm Sở Xả – Tatramajjahattatà cetasika
Không Bị Choáng Ngợp Bởi Hạnh Phúc Và Khổ Đau

Xả là trạng thái làm cho quân bình, ngăn ngừa sự thiếu hụt hay dư thừa, nâng cao khả năng kiềm chế, tránh các sự thiên vị, tạo dựng diễn tiến đồng đều. Tâm có thể tạo ra nhiều vấn đề và người bị kẹt vào đó nhưng tính quân bình gỡ bỏ các rối rắm rồi sự bình thường trở lại. Niềm vui hay buồn rầu sẽ không còn và người không do dự hoặc lung lay giữa hai trạng thái này. Niềm vui được nhận biết nhưng bị kẹt vào cái vui, buồn rầu được nhận biết nhưng không bị kẹt vào cái buồn, nên niềm vui hay buồn rầu xảy ra, người xem như chuyện bình thường. Thái độ vô tư tạo ra sự quân bình, không thiên vị. Giống như người thầy đối xử với hai đệ tử như nhau mặc dù một người rất siêng năng còn người kia kém hơn. Tâm bất thiện lôi kéo vào con đường của tà dục nên xả khó biểu hiện, đơn giản vẫn còn do dự giữa đúng sai, hơn thua, được mất. Tâm thiện lôi kéo vào con đường không có tà dục nên xả dễ biểu hiện, sự thông cảm dẫn đến quyết định yêu thương nhiều hơn. Người có tâm hồn quảng đại, bao dung, tha thứ nên dễ xả bỏ những giận hờn, tham đắm, tranh chấp, hận thù, ganh ghét. Tính quảng đại mang lại sự thoải mái, thảnh thơi và buông bỏ những dính mắc không đáng có. Khi mệt mỏi thì nghỉ ngơi và khi khoẻ mạnh thì làm việc. Xả đem lại sự trung hoà giữa mệt mỏi và dư thừa sức khỏe. Người đang mệt cố gắng làm việc tiếp sẽ sinh bệnh và người quá sung sức nhưng không làm gì dễ nghĩ đến tà dục. Xả không cho phép cái gì thái quá như vậy. Xả không phải là vô cảm mà điều chỉnh tâm được cân bằng. Quả tim được đo huyết áp với con số 12 là bình thường, trạng thái của xả. Nếu vượt xuống hoặc lên trên mức này, quả tim không còn bình thường nữa, trạng thái của xả không có mặt.

Tâm xả xuất hiện nên hạnh phúc và đau khổ không làm choáng ngợp. Với hạnh phúc, người không kiêu ngạo, không bị kích thích hay không bị xao xuyến bồn chồn. Người an trú trong hạnh phúc nhưng không hả hê với nó. Với đau khổ, người không mất kiên nhẫn, không quên quán chiếu nguyên nhân, không buông lung bản thân vào các hành vi khiếm nhã. Người an trú trong đau khổ nhưng không mệt mỏi, chán chường với nó. Xả là một tâm trong bốn tâm vô lượng gồm từ, bi, hỷ và xả. Những người thực tập các tâm này sẽ làm phát triển năng lượng an lạc trong cơ thể và quay trở lại làm cho bốn tâm thêm to lớn, vững chãi. Mỗi người thực tập theo nhiều phương pháp khác nhau khiến năng lượng của xả khác nhau nhưng tính tuyệt đối chỉ là một. Giống như giọng nói mỗi người khác nhau nhưng khi im lặng thì đó là im lặng tuyệt đối, giống nhau không phân biệt được. Kệ Bốn Tâm Vô Lượng dạy rõ về việc thực tập tâm từ, tâm bi và tâm hỷ thì tâm xả tự nhiên biểu hiện và ngày càng phát triển. Khi diệt trừ sân hận, tâm từ sẽ sống dậy, và nếu tâm từ lớn mạnh, sân hận không còn nữa. Khi diệt trừ nóng giận, tâm bi sẽ sống dậy, và nếu tâm bi lớn mạnh, nóng giận không còn nữa. Khi diệt trừ phiền não, tâm hỷ sẽ sống dậy, và nếu tâm hỷ lớn mạnh, phiền não không còn nữa. Sự việc sân hận, nóng giận và phiền não được chuyển hoá là điều kiện để tâm xả lên ngôi, và nếu tâm xả lớn mạnh mọi ái dục không còn nữa. Tất cả chúng sinh đều bình đẳng và xả phát hiện ra điều đó. Người chị và đứa em cùng cha mẹ sinh ra, có thể khác nhau giới tính, giọng nói, cách ăn mặc, sở thích… nhưng cũng cùng dòng máu cha mẹ. Xả là tôn trọng quyền bình đẳng vốn có của muôn loài, dù họ sanh ở bất cứ nơi nào vào bất cứ thời điểm nào. Nói Phật trong tâm hay tâm Phật trong tâm người không có gì khác nhau. Sở dĩ phát ngôn được như vậy là vì đã thực tập tâm xả đúng đắn. Người chỉ có thể phân biệt ở nghiệp của họ nên hành vi có thể khác nhau. Người tạo nghiệp tốt được hưởng quả tốt, người tạo nghiệp xấu nên hưởng quả xấu. Đem nghiệp ra để phân biệt người này người kia nghe có vẻ có lý nhưng với xả, tất cả các nghiệp đều bình đẳng. Xả tức là không phân biệt gì nữa thì tại sao lại phân biệt nghiệp.

Xả mang yếu tố của sự chấp nhận. Hạnh phúc hay khổ đau vẫn chấp nhận vì bình đẳng tức là chấp nhận. Hai quốc gia khác biệt hệ tư tưởng chính trị nhưng vì bình đẳng nên chấp nhận các ý niệm khác nhau. Chỉ có xả mới giúp họ làm điều đó, bằng không họ sẽ chỉ trích, lên án rồi hiềm khích và đánh nhau. Tính tham lam, ích kỷ và ác độc khiến người không bao giờ có xả. Hậu quả của việc này là gì chắc ai cũng biết, đó là cảnh tương tàn, tranh giành và thậm chí gây đổ máu. Bình thản là kết quả của xả, đưa khả năng nhẫn nhục lên tầm cao mới. Bình thản trước mọi chỉ trích, người sẽ đón nhận lời chỉ trích một cách dễ dàng. Lúc này, tính nhẫn nhục làm cho người im lặng, cái mà người ta gọi là im lặng sấm sét, im lặng trước mọi lời gọi mời. Mời tranh giành nhưng vẫn im lặng, mời tham lam nhưng vẫn im lặng, mời sân hận nhưng vẫn im lặng. Năng lượng xả mạnh, nhẫn nhục dâng cao đến nỗi sét đánh ngang tai vẫn bình thản như thường. Người thân trong gia đình qua đời nếu khóc than thảm thiết có ích gì, người chết không sống lại được. Vấn đề là xem cái chết chẳng qua là một sự kiện trong hằng hà sa số các kiếp sống vì người đó có bao giờ chết, chỉ là họ đang được tiếp nối mà thôi. Nếu đời sống của họ tốt đẹp, họ sẽ được tiếp nối tốt đẹp. Nếu đời sống không tốt, họ sẽ được tiếp nối không tốt. Nên người còn sống lo tu tập, an táng người chết một cách đường hoàng, để mọi việc diễn ra bình thường như bao sự kiện khác. Người tu thiền có thể nhận diện được tâm xả như khi thấy hạnh phúc nổi lên, gọi tên hạnh phúc, khổ đau nổi lên, gọi tên khổ đau. Khi nhận diện hạnh phúc hay khổ đau được là xả đã có điều kiện để chớm nở rồi.

Chánh niệm về xả làm trung hoà các tâm, trong đó có tâm thiện và tâm bất thiện. Nếu tâm thiện nổi lên, biết đây là tâm thiện nhưng không mong cầu vào nó. Nếu tâm bất thiện nổi lên, biết đây là tâm bất thiện nhưng không sợ hãi nó. Bảy kết quả của hành thiền là niệm, trạch pháp, huệ, tinh tấn, hỷ, khinh an, thiền định và xả. Chánh niệm về xả biết người đang có xả, đang trung hoà các trạng thái và đang ở mức bình thường. Không biết về xả thì có xả cũng như không, xả đó không thật, nhưng nếu biết xả đó không thật, người đã cho xả biểu hiện trở lại. Thực tập thiền khiến xả tự nhiên biểu hiện và phát triển, đồng thời tự nhiên đời sống hàng ngày, xả được áp dụng mọi lúc mọi nơi một cách bình thản. Thiền có khả năng nhận diện và chuyển hóa tâm nhưng chuyển hóa không mang tính cách bạo động, ép buộc hay chặt khúc mà chuyển hóa mang tính xoa dịu, làm bạn và hoà hợp. Xả chính là yếu tố xoa dịu, làm bạn và hoà hợp này. Người không còn bối rối, xao xuyến hay bực bội trước những lời nói của thế gian. Khi người làm được như vậy, về thực tế, người có nhiều sự an nhiên và vững chãi nơi tâm của mình và công đức to lớn gấp bội. Nhưng người thế gian lại tiếp tục tạo nghiệp và họ sẽ phải trả nghiệp trong hiện tại hoặc tương lai. Riêng người trong trạng thái an nhiên kia đã chấm dứt được nghiệp của mình. Đạt được tâm xả trước mọi đối tượng, người vượt thắng tất cả sợ hãi, đi đâu tới đâu cũng an toàn, làm gì nghĩ gì cũng vững mạnh, bất cứ ở hoàn cảnh nào cũng thực tập được. Chánh niệm về xả còn minh chứng cho sự hài lòng với hoàn cảnh đang có và biết mình đang hài lòng. Khi không còn phán xét hay phân biệt, năng lượng xả khiến người hạnh phúc, hạnh phúc này không phải có được từ việc giải trí mà có được từ sự an lạc. Tâm xả không làm người phân biệt pháp môn, phân biệt thiền hay đặt tên thương hiệu. Mọi cái tên đều giả danh, xả tất cả thì dù được gán ghép bất cứ tên gì, người vẫn chấp nhận một cách thoải mái. Bố thí tâm xả là hành vi bố thí cao thượng.

14. Tâm Sở Tàm – Vượt Qua Mọi Cám Dỗ – Bảo Hiểm Tâm

Tâm Sở Tàm – Hiricetasika
Vượt Qua Mọi Cám Dỗ

Tàm là sự e ngại dè dặt đối với tội lỗi, theo đó lương tâm lên tiếng nhắc nhở bản thân ghê sợ và tránh xa điều không thiện. Người không can tâm làm những việc liên quan đến tội lỗi khiến lương tâm bị cắn rứt. Nhận thấy rõ điều đó, người không cho phép bị cám dỗ bởi các pháp bất thiện, đồng thời nói lên ý định hoặc đưa ra quyết định của mình trong việc hành xử mà lương tâm cho phép. Tàm nói lên tâm niệm hân hoan trong việc nhận biết tội lỗi và khao khát suy xét xem việc sắp làm hay sắp quyết định có ảnh hưởng đến thực tập đạo đức hay phẩm giá con người. Tội lỗi chưa làm nên chưa xảy ra và nhờ có tàm, tội lỗi được ngăn chặn. Sự e ngại là nguyên nhân cho việc bất thiện không phạm phải và đến việc thiện hơn, nhưng cũng cần hiểu không làm việc ác cũng có nghĩa làm việc thiện. Đi trên đường không phạm luật giao thông có thể cho là tuân thủ luật gia thông dù người này không am tường về luật lắm. Tính e ngại hiển thị một lựa chọn. Người lắng nghe tiếng gọi của lương tâm, biết hậu quả có thể xảy ra. Tuy nhiên, chính e ngại khuyến khích làm việc lành vì biết kết quả của nó. Tàm còn nói lên tính khiêm tốn, tức là sự dè dặt trước những lời khen và không sa vào việc tự tán thán mình. Khiêm tốn hay còn gọi khiêm cung đề cao tính khiêm nhường, đam mê học hỏi. Hơn nữa do e ngại những nguy hiểm có thể đến do sự kiêu ngạo, khoe khoang hay chấp vào bản ngã. Khi tàm nổi trội, người né tránh từ xa những tội lỗi nhưng không có nghĩa là trốn chạy mà vì biết rõ nên tránh. Cha mẹ khuyên con trẻ không chơi đùa với lửa vì tác hại của nó và ý thức chưa rõ ràng của trẻ thơ nhưng họ không có trốn chạy lửa, họ vẫn sử dụng lửa để nấu nướng hàng ngày.

Người e dè điều sai nhưng không lên án, chỉ trích điều đó và người phạm sai lầm. Nếu lên án và chỉ trích, người rơi vào ác ngữ, phục vụ cho lời nói bất thiện. Chỉ cần chỉ ra làm như vậy là bất thiện, cần thực tập để chuyển hóa các ý muốn làm việc bất thiện, không những giúp người có thêm tin tưởng mà còn xa lánh điều bất thiện một cách an lạc. Người thực hiện những hành vi tránh xa sự nghi ngờ hay làm người khác mất niềm tin nơi mình. Anh A không phạm tội ăn cắp nhưng cách nói chuyện và bộ vó của anh khiến người ta nghi ngờ. Nên anh cần thực tập để có cách nói chuyện hay dáng vẻ đáng tin cạy hơn. Cũng vậy, một tu sĩ nói chuyện với nữ giới ở nơi vắng người hay người khác không nghe thấy dễ bị mất niềm tin. Muốn xây dựng niềm tin, tu sĩ phải giữ giới và thực tập uy nghi không sao nhãng. Có những việc không phải là điều bất thiện nhưng khi làm chúng lại gây dsự nghi ngờ cho người khác. Như tu sĩ nói chuyện với nữ giới không có gì sai trái, nhưng người khác không nghe được câu chuyện của họ sẽ nghĩ họ đang bàn tính chuyện khi6ng hay. Giới luật vì thế cấm tu sĩ nói chuyện với nữ giới nơi vắng vẻ để bảo hộ tu sĩ không bị nghi ngờ và tránh cho người thế gian không phát tâm nghi ngờ có thể tự tạo nghiệp xấu cho họ. Tính nghi ngờ nếu không được chuyển hoá sẽ dẫn đến nghiệp xấu rất nhanh như bản thân người nghi ngờ có sự bát an và nhiều khi đi bêu xấu tu sĩ về việc mình không biết rõ hoặc phỉ báng Phật Pháp. Từ việc nghi ngờ không đáng có làm cho ác nghiệp phát sinh nên nói nghi là một trong nguyên nhân gây phiền não là như vậy. Tu sĩ phạm giới khiến người khác mất niềm tin cũng thế vì người sẽ xa lánh việc làm mà đi lại con đường bất thiện một khi không còn tin vào điều lành nữa. Cho nên tu sĩ phải dè dặt trong các điều kiện có thể làm cho phạm giới và không được dễ duôi bất cứ trường hợp nào. Giới luật là bức tường lửa bảo vệ tu sĩ không chỉ tránh khỏi những điều nhiễm ô mà còn xây dựng niềm tin nơi người thế gian để họ có thể nương tựa mà tu tập. Tu sĩ này chưa thuyết pháp hay làm gì hết đã cứu độ được chúng sanh rồi. Chính sự tu tập của bản thân là hành trang cứu độ chúng sanh hay nhất.

Tàm kêu gọi người thực tập tám con đường chân chính, hành trì giới luật, tham thiền và tụng kinh liên tục không ngừng nghỉ. Sự vững chãi hiện rõ trên nét mặt, tướng đi, giọng nói và cách hành xử. Không cần nhắc đến hay quảng cáo, người khác vẫn biết. Tính khiêm nhường giúp người được an toàn, dù không muốn đứng ở vị trí cao nhưng thực chất người đang ở đỉnh cao. Làm tu sĩ đừng bao giờ có tham vọng nổi tiếng hay làm chức vụ cao, vì như thế bản thân không có đủ thời gian để thực tập, nói chi đến cứu độ chúnh sanh. Đức Phật ví tàm như dàn xe và các phụ tùng kết nối giúp người kị binh đứng vững, không bụ ngã nghiêng hay rớt xuống đất. Tàm làm niềm tin thêm vững chắc, biết rõ con đường giác ngộ dù ngoắn ngoèo cách mấy cũng làm nó thẳng tắp được. Tàm trở nên vững mạnh nếu người thực tập liên tục, gần gũi các thiện tri thức, nghiên cứu giáo lý, hiểu rõ hạnh phúc và khổ đau đích thực, ghê sợ tội lỗi và gìn giữ khiêm cung. Thực tập liên tục rất quan trọng vì sự tiến bộ và thành công không có mặt ở người lười biếng hay bảo thủ. Ý thức cơ thể mang các yếu tố của cha mẹ, ông bà, tổ tiên và dân tộc nên thực tập là thực tập cho tất cả người thương và đất nước. Con cái là niềm tự hào của cha mẹ và tổ tiên. Ý thức tuổi càng cao, kinh nghiệm càng nhiều nên càng phải làm gương cho người trẻ để xứng đáng là thiện tri thức. Không phải ai cũng là thiện tri thức nhưng nếu tất cả đều như vậy, không phải rất tốt hay sao. Ý thức kinh điển cung cấp các lời dạy thực tập hạnh phúc nên học hỏi để áp dụng vào thực tiễn nhằm xây dựng bản thân và xã hội an toàn, lành mạnh, đồng thời tạo ra sự kế thừa đạo đức từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ý thức hạnh phúc đích thực đem lại hoà bình và đau khổ đích thức đem lại chiến tranh, người không quên thực tập hạnh phúc và chuyển hóa khổ đau, đem lại nguồn an lạc lâu dài trên thế gian. Ý thức tội lỗi chỉ có thể  làm biến chất xã hội nên người nói lên sự thật của tội lỗi để tránh và không chạy hay dính mắc vào chúng. Ý thức rằng tính khiêm cung giúp học hỏi mọi tuệ giác trên đời nên người lắng nghe mọi quan điểm và luôn soi rọi bản thân để tiến bộ. Tất cả các ý thức này làm cho tàm vững mạnh, hun đúc niềm tin và vững chãi trong việc thực tập hạnh phúc.

Chánh niệm về tàm làm gia tăng nghị lực để chuyển hóa và vượt qua những cám dỗ của tà dục. Nghị lực mang hạnh phúc rõ rệt khi khổ đau không đủ năng lực xâm chiếm. Người có thể chịu đựng những nổi đau và không để nổi đau xâm chiếm. Nổi đau là hiện tượng có thật nhưng thày vì đàn áp nó, người ôm ấp và chuyển hóa nó. Nghị lực mới làm nổi chuyện này và khi thuần thục, người an nhiên với nổi đau và không còn sợ hãi gì nữa. Tu sĩ là một người chiến sĩ, chịu đựng được bụi mù, chịu đựng được cờ xí dựng lên, chịu đựng được tiếng la hét, không bị thương khi giáp trận và vì vậy đã thắng trận trở về oanh liệt. Nghị lực làm công việc liên tưởng đến hoà bình, niềm vui, sự hân hoan, phát khởi khả năng chiến đấu, kiên quyết xung trận và tiêu diệt kẻ địch. Nghị lực có sự rèn luyện và chỉ có đi lên chứ không đi xuống. Chánh niệm liên tục, người biết rõ nghị lực của mình như thế nào, đi lên, đi xuống hãy vẫn nằm im. Tàm đóng vai trò tối ưu trong việc xây dựng nghị lực và củng cố niềm tin. Chánh niệm về tàm để biết nghị lực của mình đến đâu để rèn luyện và vun bồi cho nó, tội lỗi không còn chỗ để xông lên và hạnh phúc có cơ hội ngập tràn.

Kệ Tâm Sở Tàm

Tâm ghê sợ tội lỗi
Làm điều thiện đâm chồi
Cho lương tâm lên tiếng
Hân hoan đến từng hồi. 

Niềm tin được xây đắp
An lạc bay cùng khắp
Xoá bỏ hết nghi ngờ
Nương tựa nhau tu tập.

Tám con đường chân chính
Vững chãi trước sự tình
Tiến bộ trong khiêm nhường
Hạnh phúc luôn theo mình.

Hãy gia tăng nghị lực
Chuyển hoá những năng lực
Vượt qua mọi cám dỗ
Thành con người mẫu mực.

15. Tâm Sở Quý – Im Lặng Sấm Sét – Bảo Hiểm Tâm

Tâm Sở Quý – Ottappacetasika
Im Lặng Sấm Sét

Quý là sự sợ hãi điều đáng sợ hãi, sợ hãi với các pháp bất thiện. Nói như vậy để thấy có người sợ hãi điều không đáng, như sợ nghe pháp thoại, sợ đọc kinh, sợ sự yên tĩnh, sợ làm điều lành… Có câu sự im lặng đáng sợ và cái im lặng này khiến con người sợ hãi, thậm chí căng thẳng vì quá yên ắng. Hay những người sợ hãi về tương lai do những tưởng tượng về chiến tranh, nghèo đói, thất nghiệp hay cho rằng mình bị ngược đãi. Quý không hàm chứa những cái sợ như vậy. Quý sợ hãi điều rõ ràng, có thật, có thể đặt tên được. Thấy được những nguy hại và hậu quả khó lường của việc làm bất thiện, người không ham thích, không dòm ngó và hết sức cảnh giác các việc làm đó, không cho nó phát sinh và làm hại bản thân, đồng thời ngăn ngừa không cho chúng biểu hiện. Một người cầm bình nước nóng chế nước vào li. Họ ý thức việc phỏng vì nước nóng có thể làm hư hại bàn tay, phải đi bệnh viện, gặp bác sĩ, uống thuốc… nên họ cẩn thận trong việc sử dụng một miếng vải để cầm ấm nước nhằm ngăn không cho sức nóng xâm nhập vào bàn tay. Người tu biết rõ các nguy hại đối với bản thân do hình dung hay mường tượng cụ thể các yếu tố do nhân dẫn đến, đây là quả và quả xấu do các yếu tố xấu trước đó mang lại. Sự mường tượng này trên cơ sở các lý luận có thật, không phải tưởng tượng, sáng tạo hay bịa đặt. Chính vì vậy, quý có sự lựa chọn trong các hành động nên làm và không nên làm. Suy nghĩ là một tiến trình lựa chọn nên quý tham gia tiến trình suy nghĩ nhằm nâng cao việc cân nhắc thực hiện hay không thực hiện hành động đang được suy nghĩ tới. Ghê sợ tội lỗi khác với sự ghét bỏ, triệt tiêu, khiếp đảm hay tự kỷ. Quý không làm nhiệm vụ ghê sợ khi có người hăm dọa, đánh đập, nói lời ác ngữ hay gây áp lực mà ghê sợ ở đây là kết quả của quá trình quán chiếu hậu quả tội lỗi có khả năng dù nhiều hay ít. Ý thức việc trộm cướp, tích trữ đầu cơ hay mua gian bán lận có thể dẫn đến việc mất hết lương tâm và rơi vào con đường tù tội nên người ghê sợ hậu quả, không dám và kiên quyết không làm điều đó. Sự ghê sợ có ý nghĩa nếu đụng tới hay chạm vào sẽ có hậu quả khó lường mang đến nhiều tai hại cho bản thân. Đây không phải là sự yếu đuối mà là nghị lực với đủ khả năng nhìn thấy điều sai trái nên hết lòng tránh việc làm bất thiện, thậm chí hỗ trợ người cùng tránh như vậy.

Thấy sợ hãi tội lỗi dù nhỏ nhặt cách mấy, người ra sức hành trì giới luật, thực tập uy nghi không mệt mỏi và không cho hép mình sa vào hầm hố của tội lỗi. Thường xuyên soi sáng bản thân và nhờ người soi sáng để thấy điều mình đã được và chưa được, góp phần vào việc thanh lọc tâm, tránh xa tội lỗi và dù có nhìn thấy tội lỗi cũng không tránh né mà biết đối diện một cách từ bi. Người khinh thường tội lỗi vẫn còn mang tính bạo động mà chỉ cần ý thức về hậu quả của tội lỗi để hành xử với nó một cách bất bạo động. Khinh thường chỉ mang tính trốn chạy, không dám đối diện trực tiếp. Vị tu sĩ bị sắc đẹp quyến rũ và nhận thấy tai hại của việc phạm giới gây ra, vị này không phải khinh thường và tránh xa sắc đẹp đó mà quán chiếu sự tàn hại rồi thực tập theo dõi hơi thở nhằm chuyển hóa các năng lượng tình dục đang vươn dậy trong cơ thể. Nếu trốn chạy và xua đuổi sự việc đang diễn ra thì vị tu sĩ thất bại trong việc thực tập. Tuy nhiên, để hiện tượng này không có mặt, vị tu sĩ cần giữ giới không ngồi nơi đồng vắng một mình hay giao tiếp với người khác phái ở nơi vắng người. Việc giữ giới vì vậy có thể ngăn ngừa những nguyên nhân sanh ra tội lỗi và dĩ nhiên vị tu sĩ có nhiều điều kiện tu tập hơn. Có bốn điều nguy hại không nên xem thường, đó là không nên xem thường người trẻ, con rắn nhỏ, ngọn lửa nhỏ và người tu trẻ. Điều vĩ đại được làm nên từ tập hợp của những thành tích nhỏ nhoi. Một lần phạm giới nếu không sửa đổi sẽ dẫn đến việc phạm giới lần thứ hai, thứ ba và rồi xem việc phạm giới trở thành chuyện bình thường. Mình chính là tội lỗi lúc nào không hay. Phải thấy được tội lỗi trong hiện tại và tương lai người phải trả cho hành động của mình để không làm sinh khởi các pháp bất thiện. Người sống trong môi trường đầy dẫy tội lỗi, biết rõ tội lỗi nhưng không bao giờ vướng vào tội lỗi, thậm chí đóng góp vào tiến trình giảm thiểu và chuyển hóa tội lỗi.

Chánh niệm về quý để biết sự ghê sợ này mang lại hạnh phúc chứ không mang lại khổ đau. Khổ đau chỉ có mặt do không biết cái gì là tội lỗi và không ghê sợ nó. Nhưng khi nhìn thấy bộ mặt thật của tội lỗi, người trở nên hạnh phúc vì ổn định và chuyển hóa được mình. Chánh niệm giúp người nhận diện nhưng không phán xét và gọi tên đầy đủ cái này là thiện, cái này là bất thiện, đồng thời lựa chọn làm điều thiện và từ chối các lời mời làm điều không thiện. Ý thức về những khổ đau do tình trạng hành xử thất niệm gây ra như suy nghĩ tán loạn, hành động tạo nghiệp ác và lời nói ác ngữ, người quyết tâm thực tập chánh niệm, đem lại nguồn an lạc cho thân tâm. Bất cứ làm việc gì cũng suy xét cho kỹ việc làm ấy có mang hạnh phúc đích thực cho mình và người, có phù hợp giới luật, có đem lại niềm vui trong giây phút hiện tại và có phục vụ cho con đường giải thoát hay không. Phải nói đến sự giải thoát vì có người là tu sĩ nhưng quên tu tập giải thoát, thích chìm đắm trong các công việc của chùa chiền và dính mắc vào đó. Mọi suy nghĩ, hành động và lời nói đều có thể là nhân dẫn đến điều tội lỗi hay không tội lỗi. Biết được như thế, người chỉ cần kiên trì trong việc thực tập suy nghĩ, hành động và lời nói an lành thì vượt thắng được mọi sợ hãi trong hiện tại cũng như tương lai. Trí nhớ hay chánh niệm giúp mình biết cái thực tại đang là, chăm sóc và gìn giữ sự trong sáng của thực tại, người sẽ không cô đơn và cảm thấy run rẩy.

Có những điều không phải tội lỗi nhưng có thể dẫn đến tội lỗi. Như đã nói ở trên, vị tu sĩ nói chuyện với nữ giới không có gì sai nhưng ở nơi trống vắng có thể dẫn đến sự hiểu lầm và tại hại là làm mất đi tín tâm của người đời. Cho nên, người không chỉ từ chối tội lỗi mà còn từ chối các điều kiện có khả năng dẫn đến tội lỗi, tai hại và nghi ngờ. Chánh niệm liên tục, người được an trú trong thực tại, không rong ruổi về những sợ hãi trong quá khứ và làm gia tăng tính sợ hãi đó trong tương lai. Người đón nhận hạnh phúc của hiện tại và hạnh phúc chính là không sợ hãi, cho dù hiện tại đang bình yên hay dậy sóng. Sự không sợ hãi khiến họ an nhiên và tự tại.

Phật Pháp Ứng Dụng chân thành cảm tạ Thiền giả Minh Thạnh đã cho phép chúng tôi sử dụng bài viết để trích đăng trên Website. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu đến quý độc giả.

TG.Minh Thạnh

http://sachminhthanh.wordpress.com

Theo Phật Pháp Ứng Dụng