16. Tâm Sở Vô Tham – Cái Gì Là Không Quan Trọng – Bảo Hiểm Tâm
Cái Gì Là Không Quan Trọng
Vô tham là không dính mắc hay không thích thú vào một đối tượng nào đó. Người có nhu cầu cần thiết như ăn, uống, mặc ở… nhưng không vì vậy mà đòi hỏi quá mức làm cho dư dả hay chật vật. Đây là căn bản của điều thiện và ngăn cản không rơi vào con đường bất thiện. Người biết dừng lại khi cần thiết, đồng thời chấp nhận tình trạng hiện có, không phải là sự an phận thủ thường, mà biết cách hài lòng và hạnh phúc với hiện tại. Vô tham bao gồm không tham muốn, không đắm đuối, không đam mê, không luyến ái, không luyến tiếc, không ham làm điều bất thiện. Không tham muốn tích lũy tài sản, buôn bán kiếm lời hay tìm đường kinh doanh quá mức mang lại sự an toàn và tin cậy đến người. Không đắm đuối sắc dục, các mối quan hệ nguy hiểm hay sản phẩm độc hại là cơ hội gìn giữ sức khỏe, thân tâm an lạc và đời sống thảnh thơi. Không đam mê giải trí thế gian, tranh giành quyền lợi hay trò chơi thế giới ảo để có nhiều thì giờ tu tập và chuyển hoá khổ đau. Không luyến ái vào chuyện tình cảm, tiện nghi tinh thần, tiện nghi vật chất và buông bỏ chúng, chia sẻ với người thiếu thốn. Không luyến tiếc quá khứ, hối hả về tương lai, kể cả hạnh phúc hay khổ đau cho phép thân tâm an trú trong thực tại. Không ham làm điều bất thiện, không phạm giới, không khuyến khích người phạm giới nên cuộc đời không còn sợ hãi, sống vui và vững chãi với từng tế bào của thân tâm.
Vô tham còn có nghĩa không làm cho tham. Bất cứ ai cũng có tham lẫn không tham nhưng khi nhận biết mình đang tham, người đã làm cho mình không còn tham. Người tu vẫn còn tham như tham tu, tham viết sách, tham được tôn trọng, tham thuyết pháp, tham nổi tiếng hay tham được nhắc tới. Nếu nhận biết mình đang dính mắc vào một trong các đối tượng này, người tu ngay lập tức làm cho mình không tham nữa. Nói vậy để biết tham nhưng không biết mình tham thì sẽ tham nhiều và tinh vi hơn. Không làm cho tham đòi hỏi sự quán chiếu về lòng tham và các hậu quả có thể có của tham. Thực tập sống đơn giản, thanh bạch và khiêm cung vì đây là cuộc sống đúng mực, không chỉ bảo vệ được mình mà còn bảo vệ các yếu tố môi trường do không khai thác nhiều. Thực tập tiêu thụ ít, hài lòng với những gì mình có nên không cần thiết vận động quá mức cho dư thừa và đổ bỏ. Thực tập chia sẻ bằng sức lực của mình không mệt mỏi và liên tục, lấy hạnh phúc được chia sẻ của người làm hạnh phúc của mình. Người vô tham có rất nhiều thì giờ vì không bận bịu sắp đặt chỗ này, thu xếp chỗ kia, lo toan chỗ nọ mà tận tuỵ cho việc xây dựng hạnh phúc chân thật cho mình và người. Tâm không bám víu, không nắm giữ, không bám lấy cảnh. Chỉ cần nhìn cảnh bằng con mắt bình đẳng và đơn thuần như nó đang là thì dù tham hay không tham không làm người vướng bận. Nếu nhìn cảnh bằng tâm trạng hay bằng sự phán xét, cảnh không còn thực nữa vì cái mình đang nghĩ chưa chắc là sự biểu hiện của cảnh. Tâm an tịnh sẽ nhìn cảnh một cách an tịnh và mọi thứ đều trở nên an tịnh. Tâm không tham dù nhặt được số tiền lớn, tài sản quý giá để hớ hênh hay khả năng tạo vật chất mạnh, cũng không tham. Hơn nữa, khả năng có thể tạo ra nhiều tiện nghi nhưng không bị kẹt vào chúng mà sẵn sàng buông bỏ, chia sẻ hoặc không kiêu ngạo trong hầm hố tiện nghi đó.
Cảnh có ba loại: cảnh bên ngoài, cảnh bên trong, cảnh bên ngoài lẫn bên trong. Nhưng dù cảnh loại nào cũng không tham đắm. Không tham đắm cảnh bên ngoài như không cần nhìn sắc đẹp, sắc đẹp và sắc xấu đều như nhau, không cần nghe âm thanh rộn ràng, rộn ràng hay chói tai đều như nhau, không cần ngửi mùi thơm, thơm hay không thơm đều như nhau, không cần tìm kiếm sự ăn ngon, ngon hay không ngon đều như nhau, không cần xúc chạm dịu êm, dịu êm hay khó chịu đều như nhau. Không tham đắm cảnh bên trong như người phải có con mắt to như thế này, cái tai dài như ông Phật, cái mũi cao xinh, cái miệng hình trái tim,… bởi vì cái gọi là đẹp kia chỉ là ý niệm mà ý niệm thì không thật, làm người thêm đau khổ vì tính tham lam cái đẹp. Không tham cảnh bên trong lẫn bên ngoài như sự áp đặt người khác theo cách của người, bắt người này người kia phải nghe lời, đòi hỏi người khác tuân theo quan điểm hay những cảm giác nhất thời phát sinh giúp người không còn dính mắc vào các cảm giác nữa. Người tu thực tập thiền cũng phải nhận biết các thọ lạc hay thọ xả vì nếu không sẽ lâm vào tình trạng ham thích sự an lạc và vô tình làm cho khổ đau len lỏi vào tiến trình của hiện tượng gọi là an lạc kia. Mục đích của thiền nhằm an tịnh thân tâm và khi đạt an tịnh, người biết người đang an tịnh nhưng không tham đắm vào sự an tịnh. Ngay cả an tịnh cũng phải buông bỏ, huống chi an lạc, nhẹ nhàng, thảnh thơi vì có gì an tịnh đâu, bản chất của mọi thứ đều an tịnh rồi. Nhiều pháp môn đi theo con đường Hiện Pháp Lạc Trú nhưng buông bỏ được sự an lạc thì mới đạt được an lạc chân thật còn nếu mắc kẹt vào sự an lạc, an lạc này là đau khổ trá hình. Vì vậy vô tham là không tham vào các điều bất thiện nhưng những điều thiện cũng không tham vì còn ham làm điều thiện cũng còn gọi là tham. Bây giờ người thế gian tham gia làm việc thiện rất nhiều như xây nhà tình nghĩa, tài trợ học bổng hay xóa đói giảm nghèo và dành cả đời để làm việc đó. Tuy nhiên, vô tham là không cần công nhận việc làm việc thiện vì việc người đang làm đó chỉ là diễn tiến của nhân duyên và nhân duyên đã đưa đẩy người vào công việc thiện. Trường hợp người muốn được công nhận đã làm việc thiện bằng giấy chứng nhận hay bằng khen thì tâm tham của người đã khởi lên rồi. Bởi vậy mới có câu bố thí không cần đền đáp, không cần người mang ơn, không cần bản thân được công nhận.
Chánh niệm về vô tham để biết mình đang tham hay không tham để tuỳ cơ mà ứng biến. Sự đòi hỏi hưởng thụ không chỉ nằm ở hưởng thụ vật chất mà còn hưởng thụ tinh thần. Hưởng thụ vật chất như tiêu hoá nhà cửa rộng lớn, xe cộ bóng loáng hay đi du lịch khắp nơi. Hưởng thụ tinh thần như mong muốn được khen, được vỗ tay, được cấp bằng, được chú ý. Lòng không tham thì những đòi hỏi này không quan trọng nữa, nhà lớn nhà nhỏ không quan trọng, xe đạp xe hơi không quan trọng, khen chê không quan trọng, chú ý thờ ơ không quan trọng, quan trọng là biết lòng mình không tham, không bị lôi kéo, không bị làm chủ bởi các đối tượng. Người không lên án tâm tham và cũng không tự công nhận người có tâm không tham. Tham và không tham cũng là ý niệm. Chỉ có điều người phải biết mình đang đi trên con đường nào và con đường đó có giúp người đạt niềm vui chân thật trong từng giây phút của đời sống hay không. Đừng bao giờ lên án người tham hay không tham, giống như đừng lên án tu sĩ tu sai hay tu đúng, thành công hay thất bại mà hãy nhìn lại mình liên tục. Khi lên tiếng phán xét là lòng tham của người đã nổi lên vì người muốn lời nói của người được lắng nghe và được công nhận. Người chưa bao giờ hết tham và chưa bao giờ đoạn diệt được nó nên hãy theo dõi mình, tham nổi lên thì chuyển hóa và không tham nổi lên thì phát huy nhưng đừng kiêu ngạo với tính không tham đó. Đức Phật từng nói ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành, nên dù người tu kia đúng hay sai đi chẳng nữa đến lúc nào đó cũng sẽ đạt giác ngộ dù mau hay chậm, vấn đề là không khinh chê bất cứ người nào, đó mới là biểu hiện của vô tham, tức là không tham lam trong việc nhìn lỗi của người.
17. Tâm Sở Vô Sân – Đời Đẹp Như Thần Tiên – Bảo Hiểm Tâm
Đời Đẹp Như Thần Tiên
Vô sân là trạng thái không phiền muộn, không khó chịu, thân thiện, ôn hoà, điềm đạm và nhẹ nhàng. Hoàn cảnh có thể dễ chịu hay khó chịu nhưng không vì thế người nổi sân hay bực bội. Không phiền muộn có thể trá hình do bị lấp đầy bởi sự hưởng thụ và tiêu thụ. Đáp ứng nhu cầu đang có và người không nổi sân, đây không là vô sân. Ôn hoà được trụ vững khi có nhu cầu nhưng dù được đáp ứng hay không đáp ứng vẫn không sao. Đứa trẻ thích xem phim hoạt hình và khóc lóc đòi cha mẹ mở ti vi. Nếu được xem ti vi, chúng không khóc nữa và vui vẻ với sở thích của mình. Tuy nhiên, sự khóc lóc của nó không hề bị mất đi mà tạm thời lắng dịu do được nuông chiều. Người lớn cũng vậy, thất nghiệp thì buồn rầu, có việc thì hết phiền muộn nhưng cái phiền muộn này sẽ phát khởi vào đúng dịp. Vô sân không nằm những chỗ này mà trường hợp xem hay không xem ti vi, có việc hay không có việc, người vẫn thân thiện, không nổi giận. Gặp những nghịch cảnh, không vừa ý hay không hài lòng, người không nổi sân mới gọi là vô sân. Còn gặp cảnh thuận duyên, vừa ý, không nổi sân là chuyện bình thường. Cũng có người gặp cảnh vừa lòng nhưng vẫn nổi sân vì muốn chứng tỏ, muốn được chú ý và từ đó sanh ra bất mãn vì không được quan tâm như mong muốn. Thuận duyên hay nghịch duyên là do ý niệm nên không ảnh hưởng đến tâm an tịnh. Hoàn cảnh có thể thuận duyên với người này nhưng lại thuận duyên với người kia nên nghịch duyên có thể là thuận duyên, chỉ vì tâm không chấp nhận hay thỏa mãn. Cơn mưa chiều là điều kiện thuận lợi cho người làm ruộng lúa nhưng lại không thuận lợi cho người làm muối. Nhìn cơn mưa bằng con mắt trong sáng, mưa đến hay không mưa không làm người nông dân buồn bực, nổi giận và than trời trách đất.
Vô sân phản ánh thái độ không khó chịu dù yếu ớt, vừa vừa hay mạnh mẽ. Khó chịu yếu ớt làm giận hờn, khó chịu vừa vừa làm giận dữ bực tức và khó chịu mạnh mẽ làm phẫn nộ, nổi cơn tam bành. Nhẫn nhục là biểu hiện của vô sân, thản nhiên và bình tĩnh trước các hiện tượng như hù doạ, đánh đập, triệt tiêu, trù dập, oan trái, chỉ trích, lên án, chửi mắng, tham đắm, hy sinh, thô lỗ, cộc cằn, tranh chấp, đâm thọc, khen chê, ngu muội, nóng lạnh, tấn công, thay đổi, vô thường, êm dịu… Có những cảm giác dễ chịu và những cảm giác không dễ chịu nhưng bằng con mắt bình thản, người không tham đắm sự dễ chịu và lên án không dễ chịu. Vô sân không phải là yếm thế, sợ hãi hay rút lui mà là biểu hiện của lòng từ bi đang được thử thách. Người kia đang có nhiều đau khổ và im lặng trước hoàn cảnh không dễ chịu để nó tự nhiên trở nên dễ chịu, giúp người kia vơi đi phần nào đau khổ. Nói vô sân là vật phẩm ban tặng hạnh phúc là không có gì quá. Người kia ban cho mình sự sân hận và nếu lòng vô sân to lớn, có thể lấp đầy và chuyển hoá cơn giận kia. Người không hờn giận bất cứ việc gì, không tỏ thái độ hờn giận, tâm không mảy may chất chứa hạt giống hờn giận nào, đích thực là người vô sân. Đơn giản người không cảm thấy đau khổ, không cảm thấy hạnh phúc, mà an nhiên với thịnh suy của thế cuộc. Người không nằm trong tư thế kháng cự, không phát khởi các âm mưu tàn hại, chuyển hoá nóng nảy và xây dựng điều nhẹ nhàng. Doanh nhân làm giàu bằng cách gây ô nhiễm môi trường là người sân hận, vì không thể kiềm chế tâm tham và hãm hại môi trường, mang lợi ích cho mình bằng con đường triệt tiêu đối thủ khác. Sự thô bạo thể hiện ra ngoài như hành vi xả rác, la mắng con cái, giết hại động vật, đàn áp tinh thần… Vô sân không làm như vậy mà quyết tâm gìn giữ các mối quan hệ, tha thứ, ăn nói nhẹ nhàng, im lặng khi cần thiết, chấp nhận hy sinh, thậm chí thiệt thòi về phía mình.
Vô sân không phải là làm điều lợi ích cho mọi người bằng cách chế tạo các hoàn cảnh tốt lành mà giữ vững sự an tịnh của mình trong mọi hoàn cảnh. Thời tiết nóng bức và nhìn mọi người trong gia đình sức khỏe sa sút, người mua máy lạnh về để tạo không khí mát mẻ. Đây là tạo dựng hoàn cảnh, không phải là tượng trưng của vô sân. Cũng như thế người bất đồng chính kiến với chính phủ vì muốn tạo cảnh thuận lợi nên nói những lời hợp ý kiến để được ưu đãi và tránh người kia không nổi giận. Trời lạnh hay nóng, bất đồng hay đồng thuận, người vẫn giữ thái độ kiên định, không phản kháng, đối đầu và phán xét, tâm người đầy dẫy vô sân và không có gì có thể khiến người này nổi giận được. Có khi người cho sự sân hận chỉ là trò đùa của thiên hạ tạo nên cho hết thì giờ và có cảm giác mình đang sống, đồng thời tội nghiệp cho những người còn sống trong sân hận. Các đối tượng hay hiện tượng có tính cách khiếu khích, bắt ép, đòi hỏi người sân nhưng với người không chịu sự chi phối của hoàn cảnh, họ sẽ không sân hận dù sống giữa môi trường sân hận. Người đánh đập và la mắng người khác vì người đang đau khổ, tuyệt vọng, bế tắc nên người bị cho là bạo động, ngang tàng rất đáng thương, hết sức tội nghiệp, cần được chăm sóc. Người chỉ muốn hủy diệt đối tượng do ganh ghét và đố kỵ nhưng thử tưởng tượng trong hai trăm năm nữa hay vài năm nữa thôi, mình có cơ hội gặp người nữa không, nên hãy cho qua mọi chuyện và thương người nhiều hơn. Mọi hiện tượng đều có sự nhàm chán của nó, vì chẳng có gì đáng để tham cầu và dính mắc. Giận cách mấy cũng qua. Không ai giận đến một nghìn năm. Giận một nghìn năm là dại dột, nên tại sao phải còng lưng vì những cơn giận vô bổ kia.
Chánh niệm về vô sân để biết mình không cần thiết phải nổi giận vì nổi giận sẽ làm cái ta hay cái tôi đã ngu xuẩn càng trở nên ngu xuẩn hơn. An trú trong vô sân, người tìm về với bình yên, nhẹ nhàng, an tịnh và có cơ hội học hỏi, hiểu biết. Đừng bao giờ dính mắc vào sân hận. Có một giáo viên dạy tiếng Pháp tại IDÉCAF tự hào về sự nổi tiếng của mình trong việc la mắng và nói lời ác ngữ với học sinh. Đó là thứ tự hào dại khờ vì mình sẽ sa ngã và xấu xí trong cái tự hào ảo đó. Người ta nổi tiếng vì lòng từ bi, nhân đạo, tha thứ, cởi mở, yêu thương, còn mình tự hào về sự chửi mắng thì tự hào cái gì. Làm nô lệ cho tà dục và ngụy biện cho tà dục của mình là cách hằng hà sa số chúng sinh mê muội đi theo, vì thế thế giới ngày càng úa tàn, khô héo. Một khi lòng tham không còn, người không còn sân và dẫn tới nhiều thứ không còn khác. Nhưng người thật sự giàu có, như tình thương, điềm đạn, dễ chịu, bình dị… Vô sân là tâm sở đẹp, là biểu hiện của hoà bình, hành xử với hoà bình một cách trọn vẹn và không chạy theo tiếng gọi của chiến tranh. Người không đối kháng với điều gì, cho dù hạnh phúc hay khổ đau. Nếu đối kháng với khổ đau, người tìm cách triệt tiêu khổ đau không phải là mục tiêu của người tu. Tu là chuyển hóa các khổ đau và có chấp nhận khổ đau mới tu được. Nếu triệt tiêu khổ đau, người đang tìm cách trốn chạy thực tại và tâm sân nổi lên với mong muốn nhấn chìm khổ đau. Đau khổ quá nên người muốn đập phá nhằm lấp liếm sự nóng nảy của mình. Câu hỏi đặt ra là tại sao không sử dụng năng lượng đó vào việc ngồi thiền hay quán chiếu nguyên nhân của khổ đau mà lại lạm dụng nó vào các yếu tố gia tăng thêm khổ đau. Không ai làm người khổ, cũng không ai làm người giận, chỉ tại người tự cho phép mình dung chứa nó mà thôi. Chánh niệm về không giận để biết người không giận và duy trì. Chánh niệm về giận để biết người đang giận và thực tập chuyển hóa cơn giận. Nhưng chánh niệm không giận liên tục, giận không có cơ hội phát khởi và không cần đến giận nữa. Nhiều lúc giận là yếu tố thiện, giúp người nhận ra vô sân quan trọng như thế nào và ý thức sự hiện tiền của nó.
Kệ Tâm Sở Vô Sân
Con người không phiền muộn
Mọi khó chịu được buông
Thân thiện và điềm đạm
Tìm về nơi cội nguồn.
Đây là tâm vô sân
Luôn thực tập chữ nhẫn
Thản nhiên trước hiện tượng
Không ôm ấp hiềm hận.
Giữ vững tâm an tịnh
Làm mát mẻ thân mình
Bỏ phản kháng đối đầu
Sáng tỏ những sự tình.
An trú trong bình yên
Sự sống thật dịu hiền
Hãy thương yêu tha thứ
Đời đẹp như thần tiên.
18. Tâm Sở Si/ Vô Minh – Đừng Làm Cằn Cỗi Thân Tâm – Bảo Hiểm Tâm
Đừng Làm Cằn Cỗi Thân Tâm
Si còn gọi là vô minh hay ngu dốt. Ở đây ngu dốt không có nghĩa là không có học thức vì những người có học thức nếu không tu tập vẫn vô minh. Người thiếu hiểu biết, không chịu hiểu biết, không đủ khả năng đón nhận các tuệ giác và sự thật, có suy nghĩ ngây thơ đến mức điên rồ, thậm chí làm những công việc sai trái nhưng vẫn cho là đúng, có hành vi ngăn cản người khác tu tập hoặc làm viêc thiện, xem việc tu hành không đáng có, đây là người vô minh hay ngu si. Người này có thể thành công trong sự nghiệp ngoài đời nhưng vẫn si vì trí tuệ bị che lấp tháng ngày.
Si khiến cho người mù quáng, không biết rõ việc mình đang làm và bỏ đi các hành vi quan trọng. Như người say mê nghe một khúc nhạc quên bẵng mình phải làm việc hay định tâm. Si bao trùm cả đối tượng, nhìn chỗ nào cũng là cái nhìn của ngu si. Người quá coi trọng bằng cấp mà quên đi năng lực thực sự của nhân viên mới đáng quan tâm, người này cũng đang ở trong tình trạng si đây. Sự cố chấp cũng là biểu hiện của vô minh, như chấp đúng sai, có không, cái tôi, bản ngã, cố tình tạo lập sự khác biệt và dày vò trong đau khổ. Người không có hạnh phúc vì chấp vào những thứ như vậy. Tri thức khác với trí tuệ. Nhà khoa học có nhiều kiến thức, nghiên cứu đủ thứ yếu tố và diễn thuyết rất giỏi, nhưng chưa chắc có trí tuệ. Người học càng giỏi nhưng tư tưởng u mê, suy nghĩ tối tăm hay quấn quýt điều bất thiện, vậy học giỏi làm gì, cái giỏi đó chỉ nhằm phục vụ cho ngã mạn của họ thôi. Không học gì nhiều nhưng tấm lòng trong sáng, biết gìn giữ bản thân, lo người này, chăm sóc người kia, thấy rõ bản chất của vạn vật và giải thoát được mình, trí tuệ được phát triển đúng đắn. Người vô minh không bao giờ biết mình là vô minh và bác bỏ mọi hành vi liên quan đến đạo đức. Do ngu xuẩn, người làm điều ác không gớm tay, tất cả các giới hầu như đều phạm, hạnh phúc trên khổ đau của người khác và đến lúc nào đó trở nên điên dại. Điên dại không phải là bị mất trí hay bệnh tâm thần mà là một người hoàn toàn tỉnh táo, nên nhớ tỉnh táo chứ không tỉnh thức và vì không tỉnh thức, người làm mồi cho cái si.
Bất cứ ai cũng có thể hành động điên rồ, được bù đắp bởi lời nói điên rồ và suy nghĩ điên rồ. Họ cổ xúy cho sự ăn chơi, tha hóa, mất nhân cách và vu khống lẫn nhau. Điều thiện và không thiện không phân biệt được. Gặp điều thiện thì cho là không thiện, gặp điều không thiện thì cho là thiện. Chẳng hạn, người kiểm soát sự gia tăng dân số bằng cách chấp nhận việc phá thai hay để tìm các phương thức cứu người, họ cam tâm hủy diệt tế bào gốc. Đó là hành động vô đạo đức tột cùng nhưng lại được khuyến khích, thậm chí quảng bá cho nó. Làm sai nhưng không biết là sai, người ngày càng lún sâu vào tội lỗi, trở thành con người mù quáng hơn bao giờ hết. Tâm si nên mong cảnh si tức là muốn thấy sắc đẹp, muốn ăn ngon, muốn ngửi mùi thơm, muốn nghe tiếng hay, muốn xúc chạm dễ chịu hay muốn suy nghĩ ái dục. Tâm quyết định cảnh và với tâm bình an, mọi cảnh sẽ bình an. Thực tập các pháp thiền định, giữ giới, hành trì các lời dạy của đức Phật, người có thể làm lắng dịu vô minh, trí tuệ bừng dậy và cởi bỏ những dính mắc ngu xuẩn. Người không làm được như vậy đơn giản vì không dám chấp nhận, không dám buông bỏ và kể cả không dám ban phát tình thương. Luyến ái vào cảnh nên tâm si biểu hiện và dù chỉ một chút thôi, người đã đau khổ đến mức vô biên rồi. Một bác lớn tuổi khi ăn cơm phải có ớt, tức là vị cay của ớt kích thích ông ăn ngon miệng. Vì thương cái miệng nên khi ăn cơm không có ớt, ông bứt rứt khó chịu, thậm chí thấy khổ sở vô cùng. Suy nghĩ về cảnh khoái lạc, người bị khoái lạc làm chủ và chìm đắm, không thấy được những nguy hiểm nằm tiềm ẩn phía sau khoái lạc đó, hoặc biểu hiện ra rành rành nhưng vì vô mình, người cho đó là hạnh phúc. Chàng trai thương cô gái và cô nói gì nghe nấy, không có thảo luận, bàn bạc hay chia sẻ, chàng trai đang si tình, đây là cái si dại dột vì đang làm nô lệ cho cái si đó. Người tu mê đắm vào danh vọng, địa vị, chức vụ giáo phẩm, nơi ăn chốn ở, sự cúng dường, sự khen ngợi, họ đang hết sức vô minh. Đã quyết tâm tu hành dù tu sĩ hay cư sĩ phải thực tập buông bỏ. Muốn tu trước hết phải buông bỏ, từ bên trong cho đến bên ngoài.
Chánh niệm về si biết si đang hiện tiền, nhận diện si và niệm si đến khi si không còn nữa. Thực chất rất khó nhận biết si và thường cho bản thân luôn luôn đúng. Người tu cũng vậy, vẫn còn chấp vào pháp môn, như thầy của tôi hay nhất, chùa của tôi đẹp nhất, sách của tôi tuyệt vời nhất, còn ai kia đều dở tệ. Si quá nhiều, người đi về hướng của không thiện và sẵn sàng làm điều ác rất nhanh. Tu tập không miên mật, chút xíu dễ duôi cũng bị rớt mau chóng. Việt Nam có câu: Khôn ba năm dại một giờ. Một giờ dại dột phải trả giá cả đời người hay hằng hà sa số kiếp. Người có tu chuyển sang không tu rất đông trong khi người không tu chuyển sang tu rất ít. Và dĩ nhiên, người làm điều bất thiện dễ hơn rất nhiều người muốn làm điều thiện. Các tâm không thiện khác xuất hiện như sân, tham, nghi ngờ… thì đồng thời, tâm si xuất hiện và người hành xử mê muội theo. Cơn giận bắt người nói những lời gây chia rẽ và hận thù dù trước đó biết rằng nếu làm như vậy mọi thứ sẽ tan nát đổ vỡ hết. Thiếu hiểu biết về bản chất của thực tại, tức là họ cho thực tại là thường, không hề thay đổi và đưa ra những suy nghĩ ích kỷ áp đặt cho thực tại. Thực tại là cái đang là, tiếp xúc thực tại là tiếp xúc với cái đang là dầu rằng nó vô thường, luôn biến chuyển. Bản chất của nó là không sinh không diệt, không từ đâu tới và cũng không đi về đâu. Khi đầy đủ nhân duyên, nó biểu hiện và cũng khi đầy đủ nhân duyên, nó sẽ không biểu hiện. Tình trạng không biểu hiện cũng là sự biểu hiện vì nó biểu hiện tính không biểu hiện của nó. Buông bỏ cái ta, người cho si nằm im và trí tuệ có đủ điều kiện phát khởi. Thực tập chánh niệm nhận diện thực tại, đến lúc nào đó người cũng phải buông bỏ cả thực tại vì dính vào thực tại thì vẫn còn bị kẹt.
Tâm Sở Si
Si tức là vô minh
Không biết rõ việc mình
Không đón nhận sự thật
Bản thân không giữ gìn.
Cái nhìn của ngu si
Bao trùm cả đối tượng
U mê trong tư tưởng
Quên cuộc đời thuần lương.
Suy nghĩ thường điên rồ
Không phân biệt đúng sai
Hành động gây tai hại
Mù quáng cứ miệt mài.
Hay chấp vào cái tôi
Đời sống rất lôi thôi
Thiếu hiểu biết thực tại
Thân tâm thêm cằn cỗi.
19. Tâm Sở Phóng Dật – Đời Vẫn Tươi Đẹp Hoài – Bảo Hiểm Tâm
Tâm Sở Phóng dật – Uddhacca cetasika
Đời Vẫn Tươi Đẹp Hoài
Phóng dật là trạng thái tâm rong ruổi, tán loạn, không an định và bay nhảy từ chỗ này sang chỗ khác. Tâm phóng đi rất nhanh và hầu như không có giới hạnh cuối cùng. Tính vố thường của tâm làm cho nó bị trôi lăn và không được nắm rõ. Cảnh bị nhạt nhoà đối với tâm vì cảnh này vừa bắt đã vội nhả ra và tiếp xúc với cảnh khác nhanh chóng. Nếu xem phim Spiderman, người xem nhìn thấy nhân vật này nhả tơ nắm lấy một vị trí và tiếp tục buông thả nắm lấy vị trí khác. Người bước đi trên đường vừa nhấc chân lên đã phải đạp chân xuống và chân kia làm nhiệm vụ tương tự của mình. Tâm dao động do níu kéo của dục cảnh rồi cuốn sâu vào sự hun hút của nó nên không lúc nào được yên. Người không vững vàng thường để tâm kéo đi, đánh mất tình trạng tự chủ, đó là việc tà dục choáng ngợp tâm và không cho bất kỳ sự kiềm chế nào diễn ra. Khát nước tột độ cùng với mong cầu uống nước, người chộp ngay bất kỳ chai nước nào để uống ừng ực, không cần biết nó có độc hay không. Tâm lạng lách như vậy làm mồi cho tình trạng hấp tấp, mất hết lý trí và xem nhẹ lương tâm. Người không phải không hài lòng với cảnh hiện tại mà cảm thấy không đủ hay không thỏa mãn nên cố kéo lê sang cảnh tiếp theo nhằm tìm kiếm thêm thỏa mãn. Đứa trẻ đói lả ăn ngấu nghiến và miếng cơm chưa nhai xong đã vội tọng miếng khác vào miệng. Tâm tán loạn cũng như vậy.
Tâm phóng dật quá mạnh cản trờ người hành thiền và bắt buộc phải niệm cảnh liên tục cho đến khi nhận biết cảnh trôi đi vùn vụt như cuốn phim. Nhân viên làm việc căng thẳng hay bệnh nhân bị thần kinh vì không làm chủ được mình, để cho cảnh làm chủ và các cảnh đi vào tâm một cách hết sức hối hả. Phóng dật không dẫn đến khổ đau nặng nề nhưng lại là chướng ngại, dễ sinh bệnh, giảm trí nhớ và không an trú trong cảnh. Người thường chạy trốn quá khứ, hớt hải trong tương lai và vội vàng trong hiện tại. Người phóng như đua xe và tâm bay đi với tốc độ nhanh đến nỗi không máy móc nào đo được. Vì tâm không ở với thân và xa lìa thân nên tâm và thân trong tình trạng chia cắt. Lúc này, thân dễ bị xâm nhập bởi đủ thứ tà dục, không thể kiểm soát được. Bệnh tâm thần cũng cho đây là nguyên nhân. Căng thẳng dẫn đến bệnh thần kinh rất nhanh vì tâm chất chứa quá nhiều cảnh nhưng không cảnh nào được nhận biết và các cảnh cũng không rõ ràng. Người không cảm thấy an tịnh hay yên tĩnh dù ở trong cảnh rất bình yên. Vị giám đốc ngồi làm việc một mình, phong cảnh thiên nhiên hữu tình và xung quanh mọi thứ đều nhẹ nhàng nhưng tâm ông đang chao đảo với dự án A, chạy sang kế hoạch B, nhào tới chiến lược C và nhảy rock tại phương án D. Ông đang phóng tâm và tất cả các chiến lược đều được hoạch định không trọn vẹn do tình trạng tâm lấp lửng. Có người dùng từ tâm có kiến cắn hay ngồi trên đống lửa, muốn nhảy dựng lên, đau nhức và dễ dẫn đến tổn thương. Cụ bà ngồi khóc trong đau khổ vì thương nhớ cụ ông vừa mất. Không phải bà đau đớn vì cái chết của ông mà hàng vạn hình ảnh, kỷ niệm về ông tràn ngập trong bà. Bà nhớ từ chi tiết này đến chi tiết, nối tiếp nhau không ngừng và bà nhuốm bệnh vì nhớ nhung, thương tiếc quá khứ.
Khi người đang suy nghĩ về dự án A và chỉ dự án A thôi thì an trú trong dự án A, không cho tâm chạy vòng quanh, nhưng nếu dự án B, C, D chen vào, người sẽ quay mòng mòng, chóng mặt, không phải thân bệnh mà tâm bệnh, tâm bệnh kéo theo thân bệnh và ngược lại. Có những căn bệnh không cần phải chữa, chỉ cần điều phục tâm ý, bệnh không còn nữa. Sức mạnh của phóng dật quá lớn, tâm đi gần đến cái bệnh và khi vướng bệnh nặng, khó mà trị khỏi. Sống sâu sắc trong hiện tại bằng cái bài tập chánh niệm, tập thở, tập thiền quán để giúp tâm an trụ trong cảnh, không chạy lung tung, không đào bới, không kiếm tìm. Công việc có thể rất nhiều nhưng biết cách làm việc thảnh thơi, chú tâm vào công việc đang làm và các hiện tượng đang là, không bóp méo quá khứ và đòi hỏi tương lai, người an trú trong hiện tại và nếu an trú sâu sắc, người sống trong thực tại cùng tột, được chính thực tại đó chở che. Lượn lờ từ núi công việc này sang núi công việc nọ theo kiểu ôm đồm hầm bà lằng, người đánh mất mình, không nhận ra mình nữa và các tà dục xuất hiện rất nhanh. Khi bắt nhiều cảnh, tâm không ý thức rõ ràng nên có nhiều cảm tưởng sai lạc do bị che mờ bởi các ảo giác về cảnh. Doanh nhân cũng vậy, suy nghĩ đến nhiều dự án cùng lúc làm cho mỗi dự án không được chăm sóc kỹ lưỡng, tính hoàn thiện chóng vánh vụt mất. Làm dự án A thì chỉ làm dự án A thôi, khi đang làm dự án A đừng để dự án B đè chết. Phóng dật liên tục không khuyến khích các tâm thiện phát khởi do bị che lấp bởi các cảnh sai biệt. Người nghĩ đến cảnh dục có chánh niệm ngay lập tức rời khỏi cảnh dục, chấp nhận buông bỏ trở về trạng thái an tịnh. Người không có chánh niệm, cảnh dục sẽ níu kéo, xô đẩy, quyến rũ và tham ái nổi lên tràn ngập thân tâm. Cảnh địa ngục hiện tiền và nghiệp ác dễ phát sinh. Người tu không ghê sợ cảnh dục mà niệm để biết đây là cảnh dục nên buông bỏ và buông bỏ được là lúc người chuyển hóa khổ đau trong mình. Cảnh dục không phải là cái để diệt bởi vì nó đã như vậy nhưng bằng tâm an tịnh, tính chất dục đậm đà cách mấy vẫn có thể là thứ giúp mình củng cố sự an tịnh.
Chánh niệm về phóng dật để biết tâm đang đi lang thang và giúp nó ngồi yên một chỗ. Ban đầu tâm có thể giãy giụa, không chấp nhận sự dễ chịu nhưng dần dần tâm mềm ra và đón nhận những bình yên. Đi vào siêu thị, đến gian hàng bán sữa, người trông thấy hàng trăm loại sữa trưng bày, mắt quét từ nhãn hiệu này đến nhãn hiệu khác, người đang phóng dật. Nhưng khi người đã biết loại sữa nào và dù đi vào rừng sữa ngút ngàn, người chỉ đi đến cái kệ đó, xem nhãn hiệu đó và mua nó, người đang có sự tập trung, không bị hoa mắt, không phân vân, không nghiêng ngả. Vị tu sĩ tập trung vào một cảnh làm đề mục thiền quán và nhận biết có cảnh khác xuất hiện thì vẫn đang an trụ trong đề mục. Cảnh khác này được niệm đến khi biến mất và quay về đề mục. Biến mất không có nghĩa cảnh không còn mà vị tu sĩ biết chắc chắn mình đang phóng tâm và đối tượng phóng tới đó là gì. Người có quyền suy nghĩ hay phóng tới cảnh nhưng phải đem cảnh đó về hiện tại mà nghiên cứu, không để nó ngập ngụa hay nhạt nhoà trong quá khứ, tương lai. Chánh niệm về phóng dật giúp người biết điều gì đáng làm và điều gì không đáng làm. Nói vậy là vì có người niệm tà dục như niệm giận hờn, niệm tranh chấp, niệm ngu si mà cứ tưởng mình có chánh niệm. Niệm đến khi thấy tà niệm đang hiện tiền, cho phép nó nằm im và không tạo sóng to gió lớn. Người ưa trang điểm và làm điều đó có chánh niệm nhưng người đang chấp vào hình tướng, phải thôi không dính mắc vào nó để thấy trang điểm chỉ để trang điểm, không nhằm mục đích đẹp hay xấu. Tâm có chánh niệm không cho níu kéo cảnh hạnh phúc và chán chường cảnh đau khổ. Chánh niệm nhận diện tất cả các cảnh, không phân biệt nên dù hạnh phúc hay đau khổ vẫn được niệm bình thản, tâm không còn phóng dật nữa.
Kệ Tâm Sở Phóng Dật
Khi tâm không an tịnh
Không ở lại với mình
Tức là đang phóng dật
Đánh mất mọi niềm tin.
Tâm không ở với thân
Lúc nào cũng bần thần
Bởi tình trạng chia cắt
Hạnh phúc đã mất dần.
Sống sâu sắc hiện tại
Có chi mà miệt mài
Bỏ quá khứ tương lai
Đời sẽ tươi đẹp hoài.
Dừng lại những lang thang
Cho thân tâm rỡ ràng
Nếu không còn rong ruổi
Sự sống thật đường hoàng.
20. Tâm Sở Tật Đố – Nếu Muốn Thắng, Xin Nhường Cho Người Thắng – Bảo Hiểm Tâm
Nếu Muốn Thắng, Xin Nhường Cho Người Thắng
Tật đố là tâm sở bất thiện được phát sinh bởi ích kỷ và đố kỵ. Tâm tham và tâm sân là hai tâm đóng góp vào tiến trình làm phát triển tâm đố kỵ. Tật đố khác với sự ích kỷ nhưng lại bao hàm sự so sánh, hiềm hận và gạnh tỵ. Người không thể chịu nổi khi có người xinh đẹp hơn, giỏi giang hơn, thành tựu hơn hay được yêu thích hơn. Vì sự ganh ghét trong việc thua kém người khác hoặc người rất giỏi nhưng lại không muốn ai khác giỏi hơn nên không muốn bất cứ ai có thành tựu, thậm chí mong muốn họ gặp thất bại trong cuộc sống. Đây gọi là tà tư duy. Người thích phân chia phe phái, thu gom những đối tượng đứng về phía mình nhằm gây áp lực với bên kia hay triệt tiêu đối thủ. Sự giàu sang của kẻ khác có thể khiến người điên tiết lên. Thấy bạn thành công trong sự nghiệp, người chịu không nổi. Sự thành công đó phải là của người hay chỉ có người mới đạt thành tựu thôi. Người dính mắc vào sự quyến luyến tài sản, địa vị, danh vọng, sắc đẹp, bản ngã, lời khen ngợi… và nếu như thế ai được như thế thì tâm hỷ bị chìm nghỉm, chỉ còn tâm tật đố. Nếu tật đố không bị kiểm soát và kiềm chế, những hành động bất thiện dễ dàng xảy ra do tâm khởi lên suy nghĩ bất thiện. Suy nghĩ bất thiện lấp đầy thân tâm và dĩ nhiên bất kỳ trường hợp nào muốn nhấn nút « delete » kẻ mà người cho là đối thủ ra khỏi vùng hiện diện của người. Trong câu chuyện Ăn khế trả vàng, người anh thì tranh giành hết những tài sản về phía mình, để lại cho người em những phương tiện kiếm sống khắc khổ và chẳng hề muốn người em thành tựu gì. Bên cạnh tâm ích kỷ, người còn có tâm tật đố. Ích kỷ vì không muốn phân chia tài sản, tật đố vì không muốn nhìn thấy em mình thành tựu. Ngay cả tại trường nơi tôi làm việc, sự tật đố diễn ra như vũ bão, nhưng tôi xem như chuyện thường tình. Nếu muốn thành tựu, xin nhường cho người. Nếu muốn chiến thắng, xin nhường cho người. Sự thắng thua chẳng là gì cả nếu như có quá nhiều sầu khổ trong cuộc chiến đó. Mọi công đức hay phước báu xin hồi hướng cho sự trong sáng, lành mạnh của tâm, không hồi hướng cho sự sáng da, dài tóc, con đường danh vọng thênh thang.
Năm loại tật đố người đời hay bày ra để làm khổ nhau. Thứ nhất là tật đố về trú xứ, như ganh tỵ nhau về nhà cửa, chỗ ở, trường học, tự viện…, thậm chí cả phương tiện sử dụng. Có tật đố thì có sự phân biệt. Còn phân biệt thì còn khổ. Nhà cửa thì muốn ở nhà cao cửa rộng hay nhìn thấy người khác nhà đẹp thì không hài lòng, cảm thấy bất mãn. Nhiều anh em tranh giành nhà cửa, làm khổ cha mẹ, gây nghiệp nặng biết dường nào. Đừng bao giờ tranh giành gì cả, nếu không có nhà cửa thì trời đất sẽ dung chứa mình, sống giữa đất trời bao la, người sẽ thấy vui vẻ hơn. Trong trường thì đố kỵ về điểm, về giảng viên, về lớp chuyên hay không lớp chuyên, tranh cãi đúng sai. Cái đúng sai làm mất thì giờ và nhiều lúc không thể nhìn thấy nhau. Cuộc đời là để yêu thương không phải ngồi tham gia vào những điều bó buộc mình. Tự viện thì tật đố về công việc, về giáo phẩm, về độ to nhỏ của chùa… Đi tu như vậy thì phiền phức lắm đúng không. Tu là để chuyển nghiệp, còn dính mắc vào những thứ tài sản vô vị thì còn gì là tu nữa hay đi tu làm cái gì. Nhiều vị chân tu đã ở ẩn, không muốn ra mặt, chỉ lo tu thôi, đơn giản vì mục đích của người tu là tu, đâu phải cái chùa hay pháp môn. Ngăn cản các pháp bất thiện và khuyến khích các pháp thiện không phải là tật đố mà làm như vậy để tạo điều kiện giữ giới và ngăn ngừa các điều kiện có thể làm cho việc phạm giới xảy ra. Người đời thường hay ngụy biện cho việc chất chứa hay chào đón pháp bất thiện, nhưng cũng không nhất thiết phải trách họ vì nghiệp xấu quá sâu dày nên chưa thể bảo vệ bản thân. Tật đố về nơi chốn sẽ đưa người đọa lạc vào cõi ngạ quỷ hay cảnh địa ngục. Ở cõi ngạ quỷ đi đâu cũng bị xua đuổi và nếu sinh làm người thì không có nơi ăn chốn ở. Ở cảnh địa ngục, thường xuyên ở nơi có lửa cháy, nóng bức hay nơi lạnh lẽo, băng đóng như trong tủ lạnh. Thứ hai, tật đố về quyến thuộc liên quan đến gia đình, người thân, bạn bè và học trò. Tâm này sẽ tạo sự xào xáo, không đoàn kết, nảy sinh mối bất hòa, không đồng thuận giữa người với người trong gia đình, cộng đồng và xã hội. Ở gia đình, cha mẹ thương đứa con này hơn đứa con kia sẽ tạo bất hòa. Người thân cư xử khác nhau không đồng đều sẽ tạo bất hòa. Bạn bè chơi với nhau không biết tôn trọng sẽ tạo bất hòa. Học trò giỏi thì quan tâm trong khi học trò không giỏi thì hời hợt sẽ tạo bất hòa. Tu sĩ chỉ muốn cư sĩ cúng dường với mình, thăm viếng chùa mình, thực tập pháp môn của mình, đọc sách kinh của mình, nghe pháp thoại của mình thì hết sức nguy hiểm, sẽ tạo bất hòa giữa các tông phái. Người tu cần thắp lại ánh sáng nội tâm và tránh xa sự khích động bằng cách không kẹt vào vật phẩm cúng dường, chùa chiền, học trò, kinh sách, pháp môn thì mới đi đúng đường đạo. Sự đau đớn về bất hòa trong quyến thuộc lớn hơn rất nhiều về bất hòa bên ngoài xã hội. Người mà mình thương yêu hết lòng nhưng lại không thương mình, phản bội mình, cư xử không đúng đắn với mình, người sẽ đau lắm, như có ai đó cắt vào da thịt hay xát muối vào tim. Tật đố trong quyến thuộc nguy hiểm đến nỗi người có thể dẫn đến sự sát sinh nhiều hơn là bên ngoài xã hội. Một người cha quăng mấy đứa con xuống biển, chỉ vì có hiềm khích với vợ. Tâm sân sinh ra tật đố và hậu quả của tật đố cũng là sân. Cái sân này chồng chất cái sân kia và người trở nên mù quáng, không làm chủ được bản thân nữa. Người sẽ dễ bị đọa lạc vào những đường ác đạo và trong những đường ác đạo đó không biết sửa đổi hay tu tập, mãi mãi sẽ bị mất thân người. Nếu không ai cầu siêu, rải tâm từ hay đọc kinh cho nghe, mãi mãi sẽ khó gặp Phật Pháp.
Thứ ba là tật đố về ích lợi vật chất và ích lợi tinh thần. Sự không mong muốn kẻ khác thọ hưởng những tiện nghi vật chất lẫn tiện nghi tinh thần khiến người điên đảo, chịu không nổi, tức muốn chết đi được. Người chỉ muốn một mình người là duy nhất an hưởng thái bình, được khen tặng, được tưởng thưởng, được giàu sang, được thịnh vượng, còn nếu ai đạt điều đó thì máu sôi lên, chỉ muốn trù ẻo người kia chết đi cho rồi. Sự thọ hưởng của người kia là điều đáng ghét nhất trên đời không gì so sánh bằng. Đối với người tu, sự ganh ghét trong việc vật phẩm cúng dường hay được nhiều người ái mộ sẽ đưa người vào đường ác đạo, rớt xuống cõi dưới ngay trong đường tu. Người lầm đường lạc lối ngay trong thời kỳ đầu thực tập hạnh phúc. Thứ tư là tật đố về sắc đẹp hoặc danh vọng. Người nam thường không thích người nam khác đẹp hơn mình. Người nữ thường không thích người nữ khác đẹp hơn mình. Nếu quán chiếu thấy rằng sỡ dĩ người đẹp vì đã tạo nhân duyên lành bao nhiêu kiếp mới có sắc đẹp như vậy, nên tạo phước lành hồi hướng cho việc có sắc đẹp, người sẽ sanh tâm hoan hỷ. Tuy nhiên, tạo phước đức để có sắc đẹp thì vẫn còn tầm thường. Thay vì hồi hướng cho đẹp da đẹp dáng thì hãy hồi hướng cho việc thực tập sự trong sáng, tươi đẹp của tâm. Tật đố về danh vọng là không muốn ai có danh tiếng hay thành tựu vang dội năm châu bốn biển. Người dễ dàng sanh tâm phá hoại, muốn hủy bỏ những thành tựu hay gieo rắc tiếng ác cho người khác. Người chắc chắn sẽ rất mệt mỏi trong những suy nghĩ như vậy. Chết rồi sẽ bị tái sinh làm người có hình dáng xấu xí, bị khuyết tật, dị dạng hay không có sức khỏe. Về nghề nghiệp, đường công danh rất nhỏ bé, chịu nhiều tai tiếng và phạm nhiều sai lầm.
Thứ năm là tật đố về chánh pháp liên quan đến pháp môn, phương pháp hành trì, công phu tu tập. Phật giáo có khoảng 84 ngàn pháp môn và nếu thực tập đàng hoàng, người sẽ tìm về giải thoát. Lên tiếng khen chê pháp môn chẳng khác nào phỉ báng giáo pháp. Việc đúng hay sai sẽ do bản thân người hành trì tự điều chỉnh. Nếu chỉ trích hay lên án, người sẽ phạm giới. Phương pháp hành trì là để cải thiện sự tươi mát của thân tâm, không phải để chứng minh người tu giỏi hơn những tu sĩ khác hay nói pháp thoại để lấy tiếng cười, tiếng khen ngợi của người nghe, hay viết sách để tạo sự chú ý của công chúng. Công phu tu tập là để tự độ người và cứu độ chúng sinh, không phải là một sự trình diễn, được hóa trang và tô điểm để xây dựng một nền văn hóa. Chia sẻ kinh nghiệm tu tập cho người là điều nên làm, nhưng không kể công, không ganh tỵ với người khác. Nếu cho rằng tại sao người kia đệ tử nhiều hơn mình, người kia được ái mộ hơn mình, cái lề thói ganh tỵ phát khởi, thì thử hỏi làm sao người độ đời trong khi người chưa độ được chính người. Việc giáo hóa người bệnh ít trong khi người bệnh nhiều thì bỏ bê, không giáo hóa chẳng khác nào người bất tài, chưa đủ công năng tu tập. Kinh Thầy Thuốc Và Bệnh Nhân nói rõ cho dù người bệnh nặng hay bệnh nhẹ cũng đều phải ra tay chữa trị không phân biệt. Nếu tật đố về chánh pháp, đến chết sẽ bị sinh vào địa ngục lửa cháy hay sinh làm người ở nơi nóng nực, ngu điếc, ngọng ngịu, ngốc ngếch, đần độn, xa rời chánh pháp. Những quả thiện trước đây có thể bị hủy hoại như một ngọn lửa sân thiêu rụi cả một rừng công đức.
Tưởng là tâm sở bất thiện thứ ba sau tâm tham và tâm sân làm phát khởi tâm tật đố. Nhiều trường hợp tưởng là người kia đang tranh giành với mình hay đang nhắm vào mình để đoạt lợi ; hoặc tưởng chỉ có mình là trên hết và không ai có quyền qua mặt ; hoặc tưởng người kia tật đố mình nên mình tật đố trở lại cho huề cả làng ; hoặc tưởng người kia đối xử với mình thế nào thì mình phải đối xử y chang như thế hoặc nặng nề hơn… và còn hằng hà sa số cái tưởng khác. Người tu thường hay tật đố về sự phân biệt trong đối xử của trụ trì hay sự phân chia vật phẩm cúng dường không đồng đều. Muốn thấy đạo thì ngay cả thân còn phải buông, nói chi những vật phẩm chán chường kia. Người tu tại gia thì còn dính mắc nhiều hơn, nào là tài sản, nào là tình cảm, nào là những tiện nghi. Đức Phật khuyên người tu nên đi vào rừng, những nơi tĩnh mịch mà thiền quán, xa rời sự huyên náo, ồn ào, cám dỗ của thành thị. Nhiều khi sự tĩnh mịch cũng là một thứ cám dỗ. Tuy nhiên ban đầu thì cần sự tĩnh mịch, đến khi vững rồi thì đi vào chốn huyên náo cũng vậy mà thôi.
Phật Pháp Ứng Dụng chân thành cảm tạ Thiền giả Minh Thạnh đã cho phép chúng tôi sử dụng bài viết để trích đăng trên Website. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu đến quý độc giả.
TG.Minh Thạnh
http://sachminhthanh.wordpress.com
Theo Phật Pháp Ứng Dụng