Từ thị xã Châu Đốc, chúng tôi về huyện Tri Tôn (An Giang, cách Châu Đốc khoảng 40km) để đến viếng chùa Xà Tón – ngôi cổ tự còn lưu giữ bộ kinh viết trên lá độc đáo. Nằm ngay trung tâm huyện lỵ Tri Tôn, chùa Xà Tón (còn gọi Xvayton) hiện ra khá đẹp.
Có thể nói, ít ngôi chùa Khmer nào có được không gian rộng và kiến trúc đẹp tinh tế như ngôi chùa này. Ngay từ cổng bước vào, các cụm kiến trúc dàn trải và có vẻ đẹp riêng cuốn hút lữ khách đến thăm. Chùa có nhiều cây cổ thụ cả vài trăm năm tuổi. Những bảo tháp cổ kính, rêu phong đứng trầm mặc tôn vinh thêm cho vẻ đẹp xưa cũ của ngôi cổ tự. Đặc biệt, trong chùa có hồ nước khá rộng, cây cối soi bóng xuống hồ làm cho cảnh trí thêm nên thơ và an lành. Một sư thầy ở đây cho biết, hồ này được đào vào năm 1896 để lấy đất nâng nền chùa.
Chùa Xà Tón được xây dựng vào năm 1696, tính đến nay đã hơn 300 năm tuổi. Đây là một trong số ít ngôi chùa cổ nhất và mang phong cách kiến trúc chùa tháp tiêu biểu nhất của đồng bào Khmer Nam bộ. Chính vì nét đặc biệt đó, năm 1986, chùa Xà Tón đã được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là “Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia”. Trong các hạng mục, ngôi chánh điện được xem như trái tim của chùa. Chánh điện chùa Xà Tón có nóc nhọn, hai mái cong gộp lại. Trên nóc tháp chùa chính có cấu trúc thần rắn Naga nằm dài, tượng trưng cho sự dũng mãnh và bất diệt. Mái chánh điện lợp ngói được cấu trúc tam cấp, lợp ngói đỏ, xanh, vàng. Chung quanh ngôi chánh điện là các tháp nhỏ để lưu giữ hài cốt của các sư sãi ở chùa sau khi đã hỏa táng. Bên trong chánh điện rộng, có bốn hàng cột bằng gỗ căm xe, mỗi hàng bảy cây, nền chùa được lát gạch, tường gạch, vôi, ô dước. Theo truyền thống, chánh điện của chùa là nơi hành lễ, thuyết pháp.
Và bộ kinh viết trên lá
Điều độc đáo nhất là chùa Xà Tón còn lưu giữ nhiều bộ kinh cổ được viết trên lá buông. Có bộ kinh đã hơn 100 năm tuổi những vẫn còn nguyên vẹn, chữ viết rất rõ nét và hầu hết các sư ở chùa đều đọc được. Lá buông là loại lá dài, có bản nhỏ. Ngày xưa lá buông có tại một số vùng ở Nam bộ, còn ngày nay rất hiếm, chỉ còn lại ở một số tỉnh của nước bạn Campuchia. Người ta cắt lá buông đem về bào, cắt các lá cho bằng nhau, phơi khô, rồi dùng bút sắt để viết. Sau đó lấy than củi nghiền nát pha với dầu hôi rồi dùng giẻ chấm dung dịch này chà lên lá buông và hàng chữ sẽ hiện ra. Năm 2006, Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục “Xà Tón là ngôi chùa lưu giữ bộ kinh lá nhiều nhất Việt Nam”.
Có thể nói, chùa Xà Tón là điểm tham quan, hành hương hấp dẫn của An Giang. Từ ngôi cổ tự này, du khách có thể kết hợp tham quan nhiều danh thắng khác như: Núi Ông Két, đồi Tức Dụp, nhà mồ Ba Chúc, tìm hiểu về cuộc sống của đồng bào Khmer Nam bộ.
Sưu tầm