Ngôi chùa tâm linh“Gió lay lắt bốn phương về dồn tụ 
Bụi thu mờ ai phủi với hai tay.”

(Bùi Giáng)

Từ Thành phố Đà Nẵng đi về phía Bắc trên quốc lộ 1 (nay gọi là đường Trường Chinh), vượt qua cổng xe lửa thường gọi là Ngã ba Huế cỡ một cây số, rẽ bên phải theo đường Nguyễn như Hạnh một quãng dài độ ba trăm mét, và rẽ phía trái theo đường bê tông. Đó chính là con đường dẫn đến khuôn viên toạ lạc của Thiền Viện Bồ Đề, có ngôi Bảo tháp Vạn Phật thờ Xá lợi Phật cao ngất vừa được khánh thành cuối năm 2009.

Theo lời kể lại của những người con Phật có thâm duyên với Hoà Thượng Viện Chủ. Thầy cũng đã vượt qua muôn vàn khó khăn, trắc trở bắt nguồn từ những uẩn khúc của biến động lịch sử, của một hoàn cảnh đất nước vừa trải qua mấy mươi năm chiến tranh ác liệt. Cùng với bom đạn và lòng hận thù đã hoà điệu cùng nhau cày xới tơi tảtừng thước đất, từng tâm hồn, để lại nhiều thương tật trên thân tâm khổ luỵ kiếp nhân sinh. Bối cảnh đó, hoàn cảnh đó, mỗi con người không còn đủ sức để tự mở trói tâm hồn mình và trong đôi mắt thế nhân, họ vẫn nhìn nhau như những người bị loạn sắc, không còn thấy màu xanh của hy vọng, màu hồng của hứa hẹn, màu đỏ của đam mê mà chỉ thấy màu nhạt nhoà của e ngại, dè dặt và chỉ thấy một màu đen của khổ.

“tôi phải khóc
Khi những đôi mắt người
Đan thành những lần phên mắt cáo”

(Nguyên Sa)

Chuyện kể lại rằng, rất nhiều năm, sau năm 1975, Thầy Viện chủ cũng phải lặn lộibôn ba đây đó, ba lần, bảy lượt, đi tìm nơi chốn xây dựng tự viện hay xây dựng Chùa để làm nơi chốn tu hành và giác ngộ kẻ khác. Có lẽ do hoàn cảnh lịch sử vừa chuyển mình đang mang trong lòng nó biết bao điều hư – thực, chân – giả và do hoàn cảnh kinh tế eo hẹp nên chưa gặp được thuận duyên. Mãi rất lâu sau, vào đầu những năm 90, Thầy mới quyết chọn được nơi nầy.

Ngôi chùa tâm linh

Theo tập quán ngàn xưa của dân tộc, hầu hết các ngôi Chùa được dựng bên núi, bên sông, trên đồi cao, mở hướng nhìn về một thảm xanh của ruộng vườn, của biển hồ mênh mông hoặc trên một thắng cảnh du lịch, sầm uất về cỏ cây hoa lá.

Không được thuận lợi với cảnh trí như thế, khu đất này không được to rộng, nguyên là một khu vườn dân cư, trồng tạp chủng hoa màu, có độ nghiêng theo trườn dốc, phần trên cao là đất tạp cát, phần dưới thấp là đất bùn. Phía tây nam là vùng đầm lầy canh tác loại rau chịu nước, phía Tây bắc cũng vẫn như thế nhưng lại tiếp giáp vùng đất cát hoang hoá có lẫn các mộ phần vô chủ chạy dài đến tận vùng dân cư sống nghề chài lưới thô sơ và nhất là mang đậm tàng tích của nhiều năm chiến tranh.

Những người thân cận với Thầy kể cả người địa phương, lấy làm ái ngại về địa điểm này, sợ rằng mai sau khi xây dựng ngôi chùa hay tu viện thì đất đai khó chiều lòng người. Đó là cái nhìn theo kinh nghiệm, kinh nghiệm của những tấm lòng một đời chật vậtáo cơm không thể nhìn xa hơn luống cày, bó rau, mãi mãi đối phó với mưa dầm, nắng quái, quen với cái mong manh không hạn định của đời sống thị dân, vùng ven nghèo khó.

Thế nhưng, đất đai đâu chỉ phải nuôi dưỡng cây xanh lá tốt, đất còn tượng trưngcho sự an nhiên bất động của Bồ-tát, đồng thời ẩn mật chứa bao điều sâu kín. Có một ngài Bồ-tát an nhẩn bất động như đại địa, sâu xa kín đáo như kho tàng bí mật. Vị ấy có danh hiệu Địa Tạng đã phát nguyên:

“Bao giờ địa ngục trống không, chúng sinh độ hết.
Tôi mới thành Phật quả.”

Trong một cách nhìn khác hơn, vượt qua định kiến hình thành từ nhận thức thường nghiệm, giới hạn các quan năng – để tiến tới những giá trị tâm linh phổ quát. Đó là cái nhìn của đôi mắt Từ. Cùng với bản hoài của tu sĩ, sống đời ly dục, lần theo bước chân của đức Phật, thể hiện lý tưởng Bồ – tát, thật dản dị, nhẹ nhàng không hề bị câu thúc trong một ước lệ nào cả. Thiên đường hay địa ngục cũng thế thôi. Chỉ có làm hay không làm, không có vấn đề muốn làm hay không muốn làm. Cho nên hạnh của Bồ Tát là không có hạnh nào nhưng là muôn hạnh.

Trên con đường lý tưởng đó, hành giả làm Thiện mà không nghĩ đến kết quả – không nghĩ đến hậu quả. Ở mức độ như vậy có thể nói thực hiện Bồ – tát hạnh không phải là “hành nhân nghĩa” mà là “nhân nghĩa hành”.

Người tu sĩ dốc hết tâm lực để làm Thiện, để hộ niệm chúng sinh nhưng vẫn luôn luôn thấy rõ thành bại, được mất, thăng trầm có chăng cũng chỉ là “hạt sương trên đầu ngọn cỏ”.

“Ta đã hái nhành hoa kia của đá
Và đã trao cho nham thạch phiêu bồng.”

(Bùi Giáng)

Kết điểm của con đường lý tưởng đó là giải thoát, là Niết bàn, nhưng không phải chỉ nghĩ với giải thoát riêng cho mình, nhưng cũng không thể tuyệt đối quên mình để chỉ nghĩ giải thoát tha nhân. Cả hai nguyện ước như vậy đều rơi vào cực đoan và chấp kiến. Khi tâm thức còn hướng về giải thoát là chưa thể giải thoát, còn hướng về Niết – bàn là không bao giờ “đi đến” Niết – bàn. Do vậy chỉ còn cách thực chứng Niết- bàn ngay tại trần gian bằng ý thức tự giác và giác tha. Đó là con đường Bồ – tát, con đường Tịnh độ, con đườnglàm Thiện. Chính vì thế mà sự thể hiện con đường Bồ-tát không những chỉ đặt tương quan giữa người và người mà phải nhìn vào tận sâu thẳm thực thể của chính mình và vào trong tất cả. Có thể nói lý tưởng đó đặt mọi tương quan trên nền tảng “tính Không”. Phật dạy Bồ – tát khi phát tâm Bồ đề Vô thượng thì nên buông bỏ tất cả khái niệm ngã – nhân – chúng sinh- thọ giả, không nên dựa vào sắc mà phát tâm, không dựa vào thanh, hương, vị, xúc và pháp mà phát tâm, chỉ nên phát tâm vô trụ.

Nhận thức của Bồ-tát không đóng khung trong những phạm trù tri thức, của nhân quả, phải vượt qua những giới hạn của không gian và thời gian. Lý tưởng đó bao hàm một mảnh lực phi thường và vĩ đại.

Thời gian không còn giới hạn bởi hai đầu sinh – từ của một đời mà chạy dài đến vô tận trong muôn ngàn kiếp, cả thập phương thế giới. Hành động nhưng không đắm chấp, không bị câu thúc bằng kết quả, vượt lên mọi phê phán, mọi thị phi của thế gian, nhưng vẫn lăn trầm trong kiếp đoạ đầy nhân sinh.

Bồ-tát không mang một mẫu người siêu việt nào cả, chỉ là một con người thế tụcnhưng hành động với một tinh thần siêu ngoại, một lý tưởng phi thường, và một tâm Bồ Đề, ngoại trừ các phẩm hạnh đó chẳng có gì xa lạ với phàm phu tục tử nơi chốn trần gian.

“Có, không bóng nguyệt lòng sông
Ai hay không có, có không là gì?”

Đã qua đi bao nhiêu năm tháng, bao nhiêu thăng trầm trôi nổi trên dòng đời, kiếp phù sinh thực như hình, như ảnh. Thầy Viện chủ một mặt bắt tay xây dựng nơi tu hành, hướng dẫn các Tăng sĩ trẻ và hoá đạo chúng sinh trên cái đơn sơ vô cùng tận của phương tiện: có duy nhất một căn nhà nhỏ bằng gạch, lợp tôn, các tường bao quanh chưa được tô trát. Mặt khác lo tổ chức sản xuất hoa màu phục vụ cho đời sống thường nhật, đi núi đốn củi để làm chất đốt. Trong tình hình đó các Tăng sĩ vẫn phải tiếp tục đi học phổ thông, một số ít được đi học Đại học ở xa và hiện nay Thầy Viện chủ đang gửi đi học ở nước ngoài.

Lúc bấy giờ là vào nhưng năm đầu của năm 90, hình ảnh của Thiền Viện chỉ tồn tạitrong tâm thức mọi người như một ngôi chùa vô tướng.

Ngôi chùa vô tướng, thực sự thành tựu trang nghiêm bằng chất liệu công đức, bằng chất liệu trí tuệ và đạo đức. Từ góc độ đó, trên lộ trình tu tập bỏ cái hữu tướng để cầu cái vô tướng, bỏ cái phương tiện cầu cái chân thật; và ngay nơi chốn trú thân cũng chỉ là quán trọ tạm dừng chân trên con đường hành Bồ-tát đạo còn dài xa. Hành giả xuất gia học đạo, thực hiện một đời sống ly dục không cần ăn ngon, mặt đẹp, ở chùa tráng lệ uy nghi. Xuất gia để cầu cho được ngôi chùa tâm linh và quả Vô thượng Bồ Đề làm biểu tượng mô phạmcho Tăng chúng hướng tâm tu học, nương theo thanh tịnh giải thoát, không cầu vật chất ở trần gian như lời Phật dạy trong kinh Kim Cương.

“Tất cả pháp hữu vi
Như bào mộng, như huyền thuật, như bọt nước
Như sương mai, như tia chớp
Cần phải quán như vậy”

Những năm sau này, đất nước đứng trước vận hội mới, nền kinh tế đã phát triển nhanh, đời sống nhân dân đã vượt qua những thời kỳ đen tối của nền kinh tế bao cấp.

Thế giới bắt đầu phẳng dần, nội lực của nền văn hoá không đủ sức chống đỡ các độc tố của nền kinh tế thị trường có nguồn gốc từ các nước phát triển Âu – Mỹ. Xã hội đang rơi vào khủng hoảng về giá trị đạo đức. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân xã hội chưa tạo được nền tảng đạo đức văn hoá vững vàng khả dĩ cân bằng với sự phát triển kinh tế, hậu quả dẫn đến xem trọng đời sống hưởng thụ thậm chí là cứu cánh của đời người. Cũng vì thế mà hai khung cửa chật hẹp nhất của thành trì đạo đức xã hội sau cùng là giáo dục và y tế cũng đã bị chọc thủng để cho các bóng đen tiêu cực len lỏi chiếm cứ: đạo đức y tế và đạo đức giáo dục đã dao động theo hướng xa dần truyền thống của nó.

Sự hỗ thẹn là một phẩm hạnh then chốt trong việc hoàn thiện nhân cách đạo đức và phát triển đời sống tâm linh đã trở nên chai lì, đã trở thành sỏi đá, và đôi khi trở nên xa lạđối với đời sống nhiễm nặng lối sống tiêu thụ, lối sống ích kỷ của chủ nghĩa cá nhân. Nguy hiểm hơn nữa, sự thiếu vắng của hỗ thẹn làm cho con người xem thường quy luật nhân quả, không thành tâm sám hối những lỗi lầm sai trái do mình gây ra – mà chỉ biết tìm mọi cách trăm phương nghìn kế qua mặt được pháp luật. Thiện, ác chỉ là khái niệm đầu môi chót lưỡi.

Sự hiện diện của tôn giáo trong xã hội là điều cần thiết trong việc xây dựng một xã hội tốt đẹp, góp phần tạo nên một sự cân bằng giữa đời sống vật chất và đời sống tinh thần. Một xã hội tốt theo Phật giáo là một xã hội nơi đó những yếu tố văn hoá và đạo đứcđược đề cao và tôn trọng, giảm thiểu tối đa những yếu tố gây đau khổ cho thân – tâm, phát triển trí tuệ, nhận ra bản chất thực của con người và cuộc đời để vượt qua những nghiệp chướng cá nhân và xã hội, với những nội dung chuẩn mực: lòng từ bi, bình đẳng, bao dung, tương ái trong tinh thần trách nhiệm. Trong kinh Đại Niết Bàn, Ngài có đề cập đến sự hiện diện của Tăng sĩ trong cộng đồng, xem như một yếu tố không thể thiếu vắng. Dù tin hay không tin, Phật giáo là tuỳ vào căn cơ của mỗi cá nhân, thế nhưng, các phương phápchuyển hoá con người trong hệ thống giáo lý của Ngài vô cùng phong phú; và rằng sự phát triển đạo đức không chỉ là tuân thủ các quy phạm của xã hội bên ngoài mà phải phát triển sự nhận thức về đạo đức và tu chính tâm thức từ bên trong của mỗi cá nhân. Những giá trịđạo đức phải luôn luôn được nuôi dưỡng và phát triển trong suốt cuộc đời con người, thế nên sự hiện diện thường xuyên của tôn giáo trong cộng đồng xã hội là vô cùng trọng yếu.

Và chính lúc này, ngôi Chùa vô tướng phải chuyển thành hữu tướng bên ngoài là điều rất cần trong cộng đồng xã hội cho các tín đồ qui ngưỡng gieo trồng căn lành và vì cái hình thức, cái cảnh quan đặc biệt của Chùa không có cảnh quan nào so sánh được. Cảnh Chùa nâng cao tình cảm đối với thiên nhiên, có sự tĩnh lặng chìm trong âm vực thâm trầm uyên áo của tiếng chuông, câu kinh, thức tỉnh lòng người tìm về những điều sâu kín thể hiện triết lý Thiền cao siêu đến độ khó hiểu bằng tư duy thường nghiệm của con người mà đức Phật đã chiêm nghiệm và để lại cho thế gian trong kho tàng kinh sách đồ sộ đã mấy ngàn năm.

Cảm tác bài này vào những ngày cuối thu, thời tiết đã chuyển dần sang đông, không còn thấy bụi thu mờ, thấy mùa thu xoả tóc trắng, thấy mảnh trăng non treo trên ngọn bảo tháp của Thiền Viện. Buổi chiều xuống thật nhanh, dưới tàng lá bồ đề, tôi duyên cảm được một sự an bình kỳ lạ, một khí sắc vương giả, một niềm hân hoan và tràn đầy những cảm kích vô hạn. Tôi đến chiêm bái trước các vị Phật, Bồ- tát: Di Lặc, Quan Thế Âm, Địa Tạng và Phật Thích ca một vị đại sư chịu ứng thân người, cũng gánh chịu thân phận sinh, lão, bệnh, tử, thông qua cái hình hài để chỉ dạy cho con người phương pháp giải thoát khỏi vòng sinh tử. Ngài đã thể hiện trước nhất con đường Bồ-tát đạo, cứu cánh của Đại thừa Phật giáo sau này.

Cũng như những người con Phật, tôi thường viếng cảnh chùa trong các ngày lễ Phật, hay những lúc rảnh rỗi sau giờ căng thẳng đầu óc với các tư duy lạnh lẽo, khô khan của Toán học hoặc các trang kinh kệ sâu thẳm những ẩn nghĩa siêu trần của Đạo Phật. Vẫn còn đó, chánh điện làm Đạo Tràng giảng pháp hướng dẫn tu tập đại chúng, ngôi nhà khách, tất cả đều đơn sơ, giản dị và cũ kĩ. Ngôi Bảo tháp có thờ Xá lợi và vạn Phật, uy nghiêm lạnh lẽo đơn độc vươn cao ngất ngưỡng trên vòm trời lộng gió. Bên cạnh chùa, đang có thợ chuyên nghiệp từ Huế đúc xong bốn tượng Phật bằng đồng rất đẹp có chiều cao hơn ba mét. Phía trước chùa đang được san lấp đất thêm trên các vùng đất sâu. Trong phòng khách có treo mô hình chùa sắp xây trong một ngày thuận lợi. Tất cả đều mang sâu nặng tâm đại nguyện của Thầy viện chủ và các Tăng sĩ trong nhà Chùa. Từng lối đi, từng mô đất gia cố, từng chậu hoa, từng tàng lá cây trong vườn Chùa đều ướt đẫm mồ hôi, ướt đẫm tâm nguyện nhưng hiện xanh màu thành tựu của nhiều năm tháng miệt mài gian khổ rèn luyện Chánh Pháp.

Tôi thầm cảm ơn duyên lành đã đưa đẩy đến nơi chốn linh thiêng nầy, với một niềm hoài vọng tràn ngập trong tâm.

“Trời viễn mộng đọa đày đi mấy thuở
Mộng kiêu hùng hay muối mặn giữa mù khơi.”

(Tuệ – Sỹ)


(Đặng Công Hanh)

Tài Liệu tham khảo:

1.  Chùa cổ Việt Nam: NXB Thanh Niên – 2006
2.  Bồ Tát đạo Tập I, II: Minh Đức – Thanh Lương. NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 1999.
3.  Đặng Công Hanh: Phòng NCKH Đại học Kiến trúc. Khoa Toán Đại học Bách Khoa