Xưa, một vì vua Trung Hoa mở dạ tiệc thiết đãi trăm quan. Yến tiệc đang linh đình thì một cơn gió mạnh ập đến, tất cả đèn đuốc đều phụt tắt. Trong bóng tối một cung nữ đến tâu với nhà vua:
– Muôn tâu bệ hạ, thừa dịp tối lửa tắt đèn, một tên vô lại đã cợt nhã với thần thiếp. Thiếp đã bứt được dải áo của hắn…xin bệ hạ cho truy tầm tội phạm ngay lập tức ạ!
Nghe xong vua liền truyền lệnh:
– Hỡi bá quan! Ðể tỏ dạ trung thành và hết lòng vui say với trẫm đêm nay, các khanh hãy bứt hết dải áo đi!
Mọi người y lời. Tiệc tan, nàng cung nữ đến nũng nịu trách nhà vua đã không chịu bắt tội phạm mà còn tạo cơ hội cho hắn phi tang.
Nhà vua mỉm cười đáp:
– Tửu sắc là những điều mà thường nhân khó ai tránh khỏi. Cho ta uống rượu say chuếnh choáng, cận kề bên nữ sắc, gặp cơ hội thuận tiện thì chính ngay bản thân trẫm cũng khó mà tự chủ. Còn như biết được tội phạm mà không trừng trị thì phép nước hết nghiêm minh…Lòng trẫm chưa được vô tư như thánh nhân khi biết rõ người phạm lỗi thì thà rằng chẳng biết còn hơn.
Về sau, nhà vua lâm nạn mọi người đều bỏ chạy, duy chỉ có một viên quan trẻ liều mình cứu giá. Nhà vua thoát chết, hỏi tên họ ân nhân. Chàng trẻ tuổi cung kính thưa:
– Muôn tâu thần chính là người bị bứt dải áo trong buổi dạ yến năm xưa.
Hai vua tôi đều xúc động.
Em thân mến! Vị vua này xử sự thật thông minh và tế nhị biết là bao. Ðọc đến câu chuyện này, tôi và em đều bồi hồi cảm động. Vậy mà trong chuyện tương giao hằng ngày, chúng ta lại cư xử hết sức thô tháo và khờ khạo. Có lẽ vì thế mà chúng ta đã làm tổn thương cho chính mình và bạn bè không ít.
“Nếu biết lỗi người mà lòng mình chưa thể vô tư như thánh nhân thì thà rằng không biết còn hơn.”
Chúng ta có nên ghi đậm nét câu này vào trong lòng không đây?
Trích “Hư Hư Lục” / Thích Nữ Như Thủy