1. Tâm Sở Thọ – Vượt Thắng Những Sợ Hãi – Bảo Hiểm Tâm

Tâm Sở Thọ – Vedana cetasika
Vượt Thắng Những Sợ Hãi

          Trong từng phút giây của cuộc sống, bất cứ ai cũng đều có cảm giác. Nếu cảm giác bị mất đi, có thể con người đang sống đời thực vật hoặc mang bệnh tật làm mất hết cảm giác. Cảm giác có thể sảng khoái hay dễ chịu, hoặc không sảng khoái cũng không dễ chịu. Thông thường ta chẳng biết rõ ràng thế nào là sảng khoái hay thế nào là dễ chịu, thậm chí còn cho rằng cảm giác khó chịu là sảng khoái và cảm giác sảng khoái là khó chịu. Cảm giác là thọ hay danh pháp bị chi phối. Nói như vậy vì phải có đối tượng tác động mới tạo ra cảm giác, chẳng hạn có người khen thì có cảm giác sảng khoái, có người chê thì có cảm giác khó chịu và chẳng có người nào khen cũng chẳng có người nào chê thì có cảm giác không sảng khoái cũng không dễ chịu. Tất cả thọ đều vô ngã, không phải của ta và không dính vào ta, chủ yếu là do tác động của đối tượng. Vì vậy, không thể bị kẹt vào cảm giác, cho dù cảm giác đó mang đến cho ta sự sung sướng hay đau đớn tột cùng. Cảm giác sảng khoái gọi là thọ lạc, cảm giác khó chịu gọi là thọ khổ và cảm giác không sảng khoái cũng không khó chịu gọi là thọ xả. Đủ thứ cảm giác phát sinh liên tục nhưng tập trung lại đều nằm trong ba loại thọ này. Ba loại thọ thay phiên nhau mà phát khởi và nhiều khi ta không thể thấy rõ hay gọi tên chính xác bản thân đang trong loại cảm giác nào, vì vậy nhiều lúc cảm thấy thọ khổ kéo dài, thọ lạc quá ngắn và không hề biết về thọ xả. Chính sự thất niệm này mà ta chìm đắm trong vô vàn cảm giác, rồi cho chúng là tự ngã và chạy theo những thọ lạc sai trái, quên lãng chuyển hóa thọ khổ.

          Thọ lạc đi kèm với tâm thiện và là kết quả của hành động, lời nói và suy nghĩ thiện. Người làm việc thiện hay sống trong môi trường thiện có cảm giác sảng khoái nhiều hơn người làm việc ác hay sống trong môi trường khuyến khích làm việc ác. Người làm việc ác mà cảm thấy sung sướng là thứ thọ lạc trá hình, không hề biết đó là thọ khổ và chính vì không biết nên chuyên tâm làm việc ác. Thọ khổ đi kèm theo tâm bất thiện hay tâm xấu ác là kết quả của hành động, lời nói và suy nghĩ bất thiện hay xấu ác. Một người đến chửi mắng ta và có cảm giác đau đớn, cảm giác này không do người đó mang đến mà do tâm bất thiện phát khởi làm sinh ra cảm giác không sảng khoái. Thọ xả đi kèm theo tâm không thiện cũng không bất thiện, ở trạng thái bình thường không phân biệt. Buổi sáng dậy sớm ta thường đánh răng trước khi ngồi thiền, có thể những lần đánh răng đầu tiên ta cảm thấy sảng khoái hay khó chịu nhưng nhiều lần như vậy cảm giác này trở nên bình thường đến nỗi ta không còn thấy sảng khoái hay khó chịu nữa, việc đánh răng trở nên chuyện bình thường và thọ xả xuất hiện. Nếu nói thọ xả là sự vắng bóng của thọ lạc và thọ khổ có thể đúng cũng có thể không. Đúng vì trong ba loại thọ, không có thọ này tức là có thọ kia, không đúng vì xả thọ cũng không thể bị kẹt vào. Ta thường phân biệt giữa thiện và bất thiện nhiều hơn không thiện cũng không bất thiện, cho nên thọ lạc và thọ khổ được nhận diện nhiều hơn thọ xả, hơn nữa thọ xả xảy ra rất nhanh và bị thọ lạc, thọ khổ chiếm hết thời gian. Biết về thọ lạc và thọ khổ một cách đơn thuần đến lúc không còn phân biệt sẽ làm cho thọ xả xuất hiện bền lâu. Ta thích nghiêng về thọ lạc và thọ xả nhiều hơn và cố tình né tránh thọ khổ. Vì vậy ta thích mong cầu các đối tượng khiến cho việc hình thành cảm giác sảng khoái xuất hiện, nhưng việc mong cầu càng nhiều mà không thành, ta càng tiếp xúc với thọ khổ hơn và việc mong cầu càng dấn thân, thọ khổ càng lấn lướt. Khi thọ khổ hiện tiền, ước muốn thoát khỏi thọ khổ làm ta khổ hơn nữa, tức là khổ khổ, cái khổ này chồng chất cái khổ kia.

          Cảm giác sảng khoái hay vô cùng sung sướng có thể được nghĩ là tuyệt vời, kỳ diệu hay mầu nhiệm, nhưng không ít người lầm tưởng đó là trạng thái hạnh phúc khi hoàn toàn an trú trong chánh pháp. Vị tu sĩ được nhiều người cung kính ái mộ và có trạng thái hạnh phúc vì điều đó, nhưng trạng thái này chính là sự ngộ nhận về tính kiêu mạn của mình. Thực chất mình đang tự kiêu và đây là một thọ khổ chứ không hề là thọ lạc và nếu không nhận biết điều đó, vị tu sĩ đánh mất mình trong thứ thọ khổ đang bị lầm tưởng kia. Thọ khổ và thọ lạc với cùng một đối tượng có thể mang lại cảm giác sảng khoái và khó chịu khác nhau. Với người không tu gặp chuyển khổ sẽ khổ một cách quá đáng và nhiều khi không thể nào vượt qua nổi; hoặc gặp chuyện khổ nhưng không biết là khổ, nên tiếp tục gây thêm khổ đau cho bản thân và người khác. Người có tu ngược lại, gặp cùng chuyện khổ, biết chấp nhận và chuyển hóa nên có thể vượt qua được; đồng thời không làm khổ bản thân hay người khác thêm nữa. Các loại thọ có thể bị chi phối bởi nghiệp vì nghiệp thiện trong quá khứ có thể làm duyên cho việc tạo lập các đối tượng thiện và con người tiếp xúc với thọ lạc hay thọ xả, nghiệp ác cũng tạo cơ hội cho việc tạo lập các đối tượng bất thiện và con người  tiếp xúc với thọ khổ hay thọ xả. Tiếp xúc với các thọ, con người không trở nên sợ hãi nếu biết được các cảm thọ ấy đều do nghiệp tạo nên và không sung sướng với thọ lạc cũng không đau khổ với thọ khổ. Con người được tích lũy những nhận thức khác nhau về đối tượng thông qua giáo dục, tác động khí hậu, môi trường sống và những người xung quanh. Tất cả đều là những điều kiện nhân duyên thiết lập nên cảm giác nên không thể nói đó là cảm giác của mình mà nó có mặt trong giáo dục, khí hậu, điều kiện sinh hoạt hay những người khác. Giống như một chàng trai hiền lành bỗng trở thành tên sát nhân không hẳn là sát nhân, chính môi trường anh ta sống với các điều kiện giáo dục, kinh tế, chính trị… tồi tệ đã biến anh ta thành tên sát nhân. Nếu muốn kết tội người này phải tìm cho ra nguyên nhân, lúc nguyên nhân rõ ràng, tên sát nhân kia đáng thương hơn đáng trách.

          Chánh niệm về thọ để không vướng mắc cũng không mong cầu về thọ bởi vì bản thân chúng không đáng vướng mắc cũng không đáng tham cầu. Thiền Tứ Niệm Xứ nói rõ về việc quán cảm thọ trong cảm thọ cho thấy các cảm giác buồn, vui, giận, thương… chỉ là sự thăng trầm của các loại cảm giác mà thôi và về bản chất chúng không hề khác biệt và có thể làm tương tức cho nhau. Niệm thọ giúp ta không bị kẹt vào bất cứ loại thọ nào cho dù đó là xả thọ có vẻ nghiêm túc và tốt đẹp hơn các loại thọ kia. Chánh niệm về thọ đưa trạng thái an nhiên tự tại đến với con người trong những giây phút thực tập chánh niệm và họ đạt được hạnh phúc, thứ hạnh phúc này không phải có được dưới hình thức của thọ lạc hay thọ xả mà hạnh phúc khi ý thức được loại thọ nào đang có mặt. Cảm giác rất vi tế nên khi niệm về các cảm giác, ta biết chúng thay đổi như chóng chóng, niệm quá chi tiết sẽ chóng mặt không chịu nỗi. Có thể sẽ rơi vào tình trạng sợ hãi khi các cảm giác liên tục sinh rồi liên tục diệt. Lúc sợ hãi đi qua, bản thân sẽ không muốn tầm cầu bất kỳ loại cảm giác nào nữa. Chính sợ hãi này tạo nên thọ khổ và cũng chính thọ khổ làm nhân cho thọ lạc hay thọ xả xuất hiện. Sự tương tức giữa các thọ là điều kiện phát sinh hạnh phúc, an lạc và xa rời tất cả những cảm giác viễn vong. Trong hạnh phúc có đau khổ, trong đau khổ có hạnh phúc và chẳng có gì gọi là đau khổ hay hạnh phúc cả, tất cả đều do cảm giác tạo ra mà thôi. Người đời thường nói trong rủi có may và trong may có rủi hay chẳng có gì gọi là rủi may vì may hay rủi đều do duyên số cả. Lạc, khổ và xả là những khái niệm về thọ và những cảm thọ này làm con người luân hồi, làm chủ được chúng thì hạnh phúc hiện tiền, con đường hạnh phúc rộng mở.

Kệ Tâm Sở Thọ

Ai cũng có cảm giác

Sảng khoái hay dễ chịu

Có thể không sảng khoái

Và cũng không dễ chịu.

Thọ lạc với tâm thiện

Thọ khổ tâm bất thiện

Nói vậy thì thọ xả

Không thiện không bất thiện.

Nhận thức luôn khác nhau

Nên cảm giác khác nhau

Nhận thức không phân biệt

Cảm giác không phân biệt.

Ý thức về cảm giác

Không vướng mắc mong cầu

Không xa lánh trốn chạy

Vượt thắng những sợ hãi.

2. Tâm Sở Tưởng – Nắm Giữ Hiện Tại – Bảo Hiểm Tâm

Tâm Sở Tưởng – Saññā cetasika
Nắm Giữ Hiện Tại

          Tưởng là trạng thái nhớ lại, biết lại do nhận thức một đối tượng nào đó đã từng biết đến. Tưởng do các định chế mà con người đặt nên để có thể phân biệt giữa đối tượng này hay đối tượng khác. Chẳng hạn, danh từ màu xanh là tên gọi được đặt ra chỉ bản chất màu xanh của một vật và con người ấn định màu xanh phải như vậy. Nếu từ xa xưa người ta gọi bản chất xanh đó bằng một tên gọi khác thì bây giờ chắc chắn không có danh từ màu xanh. Tuỳ theo sự phát triển của thời đại mà các danh từ mới xuất hiện và được ấn định theo như thế, nên khi gọi tên nó lên ta mường tượng được đối tượng muốn nói, ví dụ ngày nay có danh từ ‘Internet’ và ‘blog’ mà cách đây một trăm năm không hề có. Nhận thức về những gì đã từng biết bằng cách gọi tên chúng nhưng cái tên là sử dụng phương tiện ngôn ngữ diễn tả điều đã biết nên có thể diễn tả đẩy đủ hoặc không đầy đủ bản chất của đối tượng. Cũng vậy, nhận thức này có thể đúng hoặc không đúng, hời hợt hoặc sâu sắc và theo thời gian hoặc mức độ quan trọng, tưởng được biểu hiện rõ nét hay nhạt nhòa. Khi còn là học sinh, ta học về một định luật vật lý hay phương trình toán học. Định luật này được nhận thức rõ khi còn là học sinh nhưng 20 năm sau ta không thể nào nhận thức nữa và có thể không giải nổi bài toán trước đây mình từng giải rất giỏi. Tưởng dẫn dắt tâm đi đủ thứ nơi, dung chứa đủ thứ nhận thức. Nhận thức chất chứa đó có thể đúng hay không đúng và có khi ta hoang mang không biết cái gì đúng và cái gì sai, để rồi bơi lội trong biển nhận thức không đúng, cụm từ vọng tưởng điên đảo xuất hiện cũng vì vậy.

          Tưởng trở nên dồi dào, phong phú nhờ vào việc tích lũy các nhận thức được sử dụng để suy luận và diễn giải. Nhận thức lệch lạc đưa con người vào lối suy diễn mà cái gì suy diễn thì chẳng bao giờ đúng. Tưởng là sự nhận biết đơn thuần về đối tượng vì ta không thể nào đủ sức nắm bắt thật chi tiết về đối tượng. Nhìn máy vi tính, biết đó là máy vi tính, ta không phải là chuyên gia vi tính nên không thể ngồi mô tả chi tiết từng linh kiện hay các thành phần cấu tạo nên chúng. Nhưng nhờ biết như vậy nên con người rèn luyện trí nhớ và trí nhớ chẳng qua là sự nhận thức về các đối tượng đã từng nhận biết. Ta mất hay giảm trí nhớ vì sự nhận biết các đối tượng đã từng biết ngày càng yếu kém do bệnh tật, sức khỏe hay tuổi già. Nhận thức lệch lạc bao gồm cả dục tưởng, sân tưởng và hại tưởng. Dục tưởng là nhận thức về cái dục, sân tưởng là nhận thức về sân và hại tưởng là nhận thức về hại nhưng không biết dục, sân và hại là những thứ cần phải tránh mà nhận thức chúng để dấn thân vào chúng. Bên cạnh đó cũng có những tưởng đúng đắn khi thực tập có thể xa lìa được tà dục, nhất là tưởng bất tịnh, tưởng sinh diệt, tưởng biết ơn trong bữa ăn, tưởng tính không đáng tham cầu, tưởng vô thường, tưởng rong chơi giữa vô thường, tưởng vô ngã, tưởng tính không đáng dính mắc. Tất cả tưởng này đều được thực tập thông qua chánh niệm và thiền Minh Sát. Con người rơi vào tà kiến vì tưởng nhớ sai lạc và phát sinh trí tuệ nếu tưởng nhớ đúng đắn. Người thực hành mười hạnh lành, sống trong môi trường trong sạch, tiếp xúc với các bậc tri thức, gìn giữ giới luật miên mật sẽ có các cơ hội tiếp xúc với các đối tượng lành mạnh, vì vậy sự tưởng nhớ dễ dàng trong sạch hơn. Đối tượng của tưởng là sáu cảnh đã từng biết tới bao gồm sắc tưởng, thinh tưởng, mùi tưởng, vị tưởng, xúc tưởng và pháp tưởng. Các đối tượng này không phải lúc nào cũng sạch sẽ nhưng người có tu không bị dính mắc vào chúng cho dù sạch sẽ hay không sạch sẽ.

          Trạng thái nhớ lại không chỉ những điều đã biết trong quá khứ của kiếp hiện tại mà còn trong quá khứ xa xưa trong những kiếp xa xưa. Con người khi chưa giải thoát vẫn nằm trong vòng luân hồi và kiếp hiện tại là đời sống nối tiếp của những kiếp quá khứ mà thôi. Tuy nhiên tưởng chỉ làm nhiệm vụ nhận biết đơn thuần nhưng những cái đơn thuần kia có được cũng nhờ các kiếp quá khứ đã từng tiếp xúc và trải qua. Hiện tại làm công việc nhận diện điều đã từng biết và cũng nhận diện điều đang xảy ra. Đối tượng của tưởng có thể bị xóa nhoà, mơ hồ hay rõ nét tuỳ theo tần số xuất hiện của đối tượng. Ta tiếp xúc với rất nhiều đối tượng mỗi ngày và sau một năm số lượng có thể lên đến hằng hà sa số và thường nhớ đến những gì nổi bật hay gây ấn tượng. Giống như một người đi học xa nhà, thời gian đầu nỗi nhớ nhà rất mạnh vì đối tượng gia đình tiếp xúc thường xuyên và sau đó thời gian đầu tư vào việc học lớn hơn, đối tượng học hành chiếm cứ nhiều hơn nên nỗi nhớ gia đình cũng giảm đi. Việc nhớ lại có thể làm ta xa rời hiện tại do phải suy tư và mắc kẹt vào quá khứ, tuy nhiên nếu ý thức trong hiện tại mình đang tưởng nhớ về quá khứ thì việc tưởng kia không bị chìm đắm. Con người có quyền nghiên cứu quá khứ và tương lai nhưng cần đem chúng về hiện tại để chiêm nghiệm hơn là trôi theo chúng. Tà kiến phát khởi do đem sự nhớ về quá khứ và so sánh với hiện tại, cho nên ta tiếc nuối quá khứ, sau đó mường tượng đến tương lai rồi bắt đầu suy diễn. Nếu đem sự nhớ quá khứ để nhận biết hiện tại và ý thức hiện tại đáng sống hơn bao giờ hết nhưng không đồng nghĩa với trốn chạy quá khứ, sự nhớ này đáng làm hơn. Tưởng không làm nhiệm vụ đúng hay sai mà chỉ nhận diện đơn thuần như đã nói ở trên, vì thế tưởng không có tính chất phân biệt mà chỉ sử dụng tên gọi làm phận sự của mình. Nhưng tên gọi có thể sử dụng không đúng, ví dụ nghe bài hát quen thuộc biết là bài hát đó nhưng gọi tên bài hát có thể sai.

          Chánh niệm về tưởng sẽ nắm giữ được cảnh hiện tại vì chánh niệm yêu cầu ta biết việc gì đang xảy ra bên trong và bên ngoài cơ thể. Có thể việc gọi tên đối tượng không đúng nhưng biết như vậy. Một cô giáo gặp lại học trò cũ của mình, biết đó là học trò cũ nhưng không thể nhớ nổi tên. Biết mình đang gặp học trò cũ là nhận diện đơn thuần, một việc làm của chánh niệm. Chánh niệm giúp tưởng nhìn thấy cảnh tái hiện theo một đối tượng đã từng biết. Tái hiện không phải là dựng cảnh lên y chang như quá khứ mà có nghĩa những gì biết trong hiện tại do nhân quá khứ mà ra. Tiếp xúc trong quá khứ là nhân, nhận biết trong hiện tại là quả và tiến trình nhớ lại kia là sợi dây liên kết nhân duyên giữa nhân và quả. Người từng gặp đau khổ trong quá khứ và tiếp xúc với đau khổ tương tự trong hiện tại nên biết cách giải quyết hơn, đồng thời không dính mắc vào nó nữa. Người gọi là có kinh nghiệm khi biết được nhiều đối tượng dù biết rõ hay không biết rõ. Hiện tại đang sống chứa đựng vô số yếu tố của quá khứ và nếu không mang vô số yêu tố đó, con người thành ra đãng trí hay mất trí. Mất trí đây không có nghĩa là điên dại mà không còn nhớ gì về quá khứ nữa. Họ phải nhận biết đối tượng từ đầu nhưng không phải những gì trong quá khứ hoàn toàn mất đi mà nó chưa đủ điều kiện để nhớ lại. Người không nhớ chuyện cũ có cơ hội tiếp xúc liên tục hay nhiều lần cảnh cũ đến lúc nào đó sẽ nhớ lại. Niết Bàn không phải là cái sáng chế ra mà là sự thật hiển nhiên và con người tưởng về những điều xa Niết Bàn nên ngày càng xa rời Niết Bàn. Nhận biết Niết Bàn làm cho việc tưởng về Niết Bàn nhiều hơn và gần gũi với Niết Bàn. Chánh niệm về Niết Bàn đưa ta sống trong Niết Bàn ở phút giây hiện tại. Chánh niệm về tưởng để biết tưởng nhớ đến cái gì và giúp tưởng nghĩ nhớ đến điều cao thượng thôi.

 Kệ Tâm Sở Tưởng
Tưởng nghĩa là nhớ lại
Một đối tượng biết đến
Tạo ra sự phân biệt
Hời hợt hoặc sâu sắc.

Tích lũy các nhận thức
Để suy luận, diễn giải

Chỉ nên biết đơn thuần

Về đối tượng mà thôi.

Do đã từng trải qua
Tiếp xúc trong quá khứ
Nhớ lại việc nổi bật

Đắm chìm trong suy tư.
Nắm giữ cảnh hiện tại
Biết rõ việc xảy ra

Bên trong và bên ngoài
Giúp tâm được nhất cảnh.

3. Tâm Sở Tư – Đi Về Nẻo Thiện – Bảo Hiểm Tâm

Tâm Sở Tư – Cetanā cetasika
Đi Về Nẻo Thiện

Tư là suy nghĩ, ngẫm nghĩ, suy gẫm, hay suy tư về đối tượng. Đối tượng có thể rõ ràng hay không rõ ràng vì điều đang suy tư đến hoặc thật hoặc ảo. Suy nghĩ để hành động gọi là tư. Nhìn trời chuyển mây đen kịt biết trời sắp mưa, việc biết này khiến ta ở nhà không đi ra ngoài hoặc mang theo áo mưa. Ý thức trời sắp mưa trên cơ sở mây đen là kinh nghiệm trước đó và việc suy nghĩ nên ở nhà hay đi ra ngoài rồi dẫn đến hành động ở nhà hay mang theo áo mưa ra ngoài là tư. Tư mang nét đặc trưng của hành động hay tạo tác là kết quả của suy nghĩ. Suy nghĩ có chánh niệm dẫn đến hành động có chánh niệm nên muốn hành động không gây nghiệp hãy điều phục suy nghĩ. Suy nghĩ theo hướng thiện làm nên hành động thiện và suy nghĩ theo hướng bất thiện làm nên hành động bất thiện. Hoàn cảnh cũng tác động đến điều kiện hành động cho dù suy nghĩ khác đi với hành động. Đứa trẻ làm việc thiện và bị bạn bè trêu chọc nên sau này có suy nghĩ làm thiện nhưng làm lén lút hoặc không làm nữa. Để các pháp trôi chảy một cách tự nhiên và niệm hiện tại để hiện tượng bị trêu chọc trở thành quá khứ. Chính quá khứ này khiến ta nhận biết hiện tại có thể bị trêu chọc nếu tiếp tục làm thiện trở lại, đây là tưởng. Chấp thủ vào tưởng làm ta rơi vào tà kiến và không muốn làm việc thiện nữa vì bản thân đánh đồng làm việc thiện với bị trêu chọc. Buông bỏ chấp thủ để thấy việc trêu chọc chỉ là hiện tượng của vạn pháp và làm việc thiện được suy nghĩ đúng đắn. Tư tạo ra thức nhưng cũng được tạo ra bởi vô minh. Các yếu tố của mười hai duyên khởi đều có quan hệ tương tức với nhau vì yếu tố này dẫn đến yếu tố kia và các yếu tố mới đều bao hàm tất cả các yếu tố trước đó, nên nói Vô minh sinh ra tất cả cũng không sai.

Tư có khả năng tạo nghiệp và ta có hành động, lời nói, suy nghĩ chịu tác động bởi tư. Nghiệp có thể tốt, xấu hoặc không tốt không xấu. Nghiệp tốt chắc chắn tạo quả tốt, nghiệp xấu chắc chắn tạo quả xấu và nghiệp không tốt không xấu chắc chắn tạo quả không tốt không xấu. Nghiệp có thể tác động trở lại tư khiến ta tiếp tục tạo nghiệp xấu hay tạo nghiệp tốt. Thức, thọ và tưởng là các nhân tạo nên tư. Tâm, cảm giác và nhận biết kết hợp nhau thúc đẩy tư phát sinh rồi quyết định hành động được đưa ra. Suy nghĩ tường tận để loại bỏ các bất thiện và lựa chọn hạt giống thiện, từ đó có hành động thiện. Tuy nhiên có người hành động bất thiện theo thói quen, không phân biệt được cái gì thiện và bất thiện, nên họ sa đà vào điều bất thiện, nhưng điều đáng sợ là họ cứ cho như vậy là thiện. Tư trong trường hợp này là tổ hợp nghiệp xấu đang tự tung tự tác không cho người này đủ thời gian hay trí tuệ để suy nghĩ nữa. Tư tích lũy các nghiệp đưa đến quả tái sanh trong các cảnh giới tùy thuộc loại nghiệp. Tích lũy nhiều nghiệp tốt sẽ sanh về cõi trên và nghiệp xấu sẽ sanh về cõi dưới. Người đã giác ngộ không còn tạo nghiệp, kể cả nghiệp tốt hay xấu nên không sanh về cõi trên hay cõi dưới nữa. Tuy nhiên khi kiếp hiện tại của người giác ngộ vẫn còn thì họ vẫn phải trả nghiệp, cả nghiệp tốt và nghiệp xấu. Cảnh Niết Bàn đối với người giác ngộ được tiếp xúc ngay khi người đó chứng đạo nên việc trả nghiệp tốt hay xấu không thành vấn đề với họ, tức là không chìm đắm trong việc hưởng quả nghiệp tốt và không đau khổ khi trả quả nghiệp xấu. Niết Bàn hiện tiền lúc nhận biết về tư và làm cho nó vắng lặng. Kết quả của tâm sở tư diễn ra ngay lập tức hay sau này mới phát khởi. Cái này gọi là nghiệp đồng sanh hay nghiệp cho quả dị thục. Giống như người làm một bộ phim và đến khi công chiếu mới thu được tiền, nhưng kết quả thu tiền không chỉ chịu sự tác động của nhân làm bộ phim mà còn là sự đúc kết của nhiều hành động trong quá khứ nữa.

Đức Phật dạy về sự tưởng nhớ cao thượng, theo đó việc tưởng nhớ đến hạnh phúc sẽ giúp được an lạc trong hiện tại và tưởng nhớ đến đau khổ làm cho hiện tại thêm đau khổ. Một cặp vợ chồng ngồi nhắc lại những kỷ niệm đẹp trong quá khứ nên phút giây hiện tại của họ trở nên thắm thiết và dễ chịu. Sự tưởng nhớ này có tác động mạnh đến việc suy gẫm trong hiện tại và vì thế tư chịu ảnh hưởng. Người vui vẻ thích chấp nhận mọi thứ dù sự việc diễn ra đã từng làm con người đau nhưng tâm trạng đang sầu khổ gặp phải chuyện khổ càng khổ thêm nữa và tư tưởng tuyệt vọng phát sinh. Nuôi dưỡng suy nghĩ tích cực, tâm trạng hân hoan hay thái độ cởi mở là các biện pháp chăm bón cho tinh thần lạc quan và tư được bảo hộ nhiều hơn. Không có ai tự nhiên mang đến sự lạc quan hay tiêu cực nếu các điều kiện nhân duyên chưa đầy đủ. Trời đang nóng không thể tự nhiên mát nếu trời không mây, không gió và không mưa. Những gì ta tiếp xúc đều do nhân quá khứ và hiện tại tạo nên. Đời sống con người giống như một quá trình tạo nghiệp, trả nghiệp và hưởng nghiệp. Nếu suy nghĩ đi về nẻo thiện, đời sống của ta nằm trên con đường thiện nhiều hơn. Không có ai đem đến hạnh phúc hay đau khổ cho mình, chỉ có mình xây dựng nên điều đó. Người đi giúp người khác chính là giúp mình và đi hại người khác là hại chính mình. Giống như nhìn vào chiếc gương, mình nhìn thấy hình ảnh của mình không thể nhìn thấy hình ảnh của ai khác, hoặc ném bụi ngược chiều gió sẽ bị bụi bay vào mắt. Các đối tượng bên ngoài vốn rất yên tịnh nhưng tâm ta vẽ ra đủ thứ kiểu nhận xét rồi xây dựng bản thân nền văn hóa nhận xét nhiều hơn văn hóa tu tập, vì vậy đối tượng trở thành không còn yên tĩnh nữa nhưng thực chất chính mình làm cho mình trở nên không yên tịnh.

Chánh niệm về tư giúp ta làm chủ được nghiệp. Nói không ai làm chủ được nghiệp là không đúng. Nếu muốn an tịnh phải suy nghĩ an tịnh và biết về sự an tịnh đó. Khi tâm di chuyển sang hướng bất tịnh, chánh niệm gọi tên cho được những điều bất tịnh, chuyển hóa nó thành ra an tịnh. Sự bất tịnh mang yếu tố của an tịnh và an tịnh cũng vậy mang các yếu tố của bất tịnh. Chánh niệm sẽ nhận diện điều an tịnh và nắm giữ nó, đồng thời bắt tay với bất tịnh để xoa dịu và thay đổi, không đối xử tàn bạo hay xua đuổi bất tịnh. Khi bất tịnh đến, hành vi bạo động sẽ làm cho bất tịnh gia tăng. Xây dựng hoà bình cho bản thân là không ép mình trong khuôn khổ của chối bỏ bất bịnh và chỉ mở cửa chào đón an tịnh. Hoà bình tự thân chấp nhận cả hai phía và biết được điều gì đáng phải làm hơn. Tâm sở tư được chánh niệm không làm ta ngắc ngoải trong suy nghĩ bất tịnh và có thể điều tiết được nghiệp hơn. Nghiệp phát sinh không phải chỉ có hành động mới tạo mà khi suy nghĩ về nó mà không nhận biết rồi bơi lội trong thứ suy nghĩ bất tịnh, nghiệp đã có thể phát sinh rồi. Thời gian suy nghĩ dài hay ngắn không quan trọng nhưng dính mắc vào suy nghĩ và bị nó lôi kéo đi mà không được biết thì ta đã rơi vào tà dục. Cần phân biệt giữa đem đối tượng tà dục ra nghiên cứu với suy nghĩ mang tính chất thỏa mãn tà dục. Một người đọc báo về vụ án giết người và sau đó quán chiếu nguyên nhân vì sao tên sát nhân hành động như vậy để hiểu rõ hành vi gây án của người này. Sự suy nghĩ này không mang tính tà dục vì muốn hiểu người nên đặt mình vào vị trí của người đó. Còn người suy nghĩ về hành vi giết người, lên kế hoạch cho vụ án và dù chưa có làm gì hết nhưng tà dục đã và đang lôi kéo người này, nếu không thực tập chánh niệm sẽ bị tà dục đè bẹp. Tư của người này khác với người kia với cùng loại hành động nhưng nghiệp được tạo tác có thể khác nhau. Ví dụ hai người cùng có ý cùng dường Tam Bảo bằng tài vật nhưng người đầu suy nghĩ thanh tịnh còn người sau tính toán nhiều nên người đầu có nhiều hạnh phúc hơn người sau.

Kệ Tâm Sở Tư

Suy tư về đối tượng
Ấy là tâm sở tư
Mang đến một kết quả
Hành động hay tạo tác.
Tư có thể tạo nghiệp
Nghiệp tác động lại tư
Khi tích lũy nhiều nghiệp
Người mãi sống luân hồi. 

Nuôi dưỡng tâm tích cực
Môi trường sống an lành
Giữ thái độ lạc quan
Luôn đi về nẻo thiện.

Nghiệp do chính người tạo
Nên hãy làm chủ nghiệp
Chuyển hoá những bất tịnh
Cho đời sống an bình.

4. Tâm Sở Xúc – Đừng Bị Kẹt Vào Cảnh – Bảo Hiểm Tâm

Tâm Sở Xúc – Phassacetasika

 Đừng Bị Kẹt Vào Cảnh

          Xúc là sự tiếp xúc giữa tâm và cảnh trần. Chỉ cần tâm gặp cảnh là xúc có mặt. Cảnh ở đây không đơn thuần là đối tượng nhìn thấy, mà còn có âm thanh, mùi hương, vị nếm, xúc chạm và ý thức. Người khuyết tật có thể khiếm khuyết về xúc như người khiếm thị sẽ yếu trong khả năng nhìn thấy. Âm thanh đập vào tai, đến màng nhĩ và tâm ý thức được âm thanh, xúc xác nhận việc làm này. Với người đang thức và có đôi tai tốt vẫn nghe được âm thanh vừa phải nhưng nếu người này đang ngủ say, xúc vẫn không nhận diện được âm thanh đó. Vì vậy có thể nói rằng khi xúc sanh lên tất cả các pháp sẽ sanh lên. Người đang ngủ không nghe được âm thanh khó chịu và xúc không khởi trước sự hiện diện của âm thanh khó chịu nên pháp âm thanh không là yếu tố làm khó chịu. Xúc có khả năng làm cho các tâm sở khác sanh lên. Giống như nếm vị chua của nước chanh, tâm ghi nhận sự chua và xúc phát khởi. Người không thích chua sẽ phát sanh khổ thọ và người thích chua sẽ phát sanh lạc thọ. Xúc khơi mào tất cả mọi tư tưởng và đưa con người đi vào tranh luận này đến tranh luận khác. Sự phân biệt làm cho tâm tán loạn theo cảnh trần và đồng thời với các tán loạn đó là các tán loạn về xúc, kết quả nhiều chập tư tưởng ăn theo ra đời. Theo lý duyên khởi, sáu xứ duyên xúc, tức là sáu đối tượng của cảnh trần cùng với tâm hình thành xúc và từ xúc, nhiều tâm sở khác có mặt. Xúc duyên thọ bởi vì từ sự tiếp xúc, con người bắt đầu có cảm giác hạnh phúc, đau khổ hay trung tính. Nếu tâm không tiếp xúc với cảnh, xúc không có và thọ cũng không. Nhưng làm thế nào có thể không cho phép tâm tiếp xúc với cảnh được, trừ khi các đối tượng cảnh biến mất và bản thân không có sáu xứ. Người tu tập cho phép tâm tiếp xúc cảnh dưới sắc thái không phân biệt khiến cho xúc ở trạng thái định hay xúc không còn nữa thì mới có thể điều tiết được cảm thọ.

          Tâm cùng các tâm sở cùng sanh một lúc và đây là tướng trạng của xúc. Mắt nhìn cây lúa, tâm biết là cây lúa vì tưởng được sử dụng để nhớ lại việc đã tiếp xúc với các hình ảnh về lúa, lòng thích thú ngửi được mùi thơm của lúa. Tâm xác nhận cảnh trần như thế xảy ra đồng thời với xúc và tâm sở tưởng cũng như tâm sở thọ. Các tâm sở sanh đồng thời gắn liền với tâm vào thời điểm đó không tách rời. Kết hợp đầy đủ các điều kiện như hạt giống, nước, phân bón, ánh mặt trời, sự chăm sóc… làm cho cây lúa có mặt. Cũng vậy, xúc là sự hiển lộ đầy đủ của tâm và cảnh làm phát sinh nhiều tâm sở ngay trong quá trình tiếp xúc ấy. Cõi người có đầy đủ sáu cảnh nhưng không phải lúc nào cũng có đủ sáu xúc. Người khuyết tật có thể thiếu ít nhất một trong sáu xúc này, tuy nhiên người bình thường cũng có thể thiếu do tình trạng thất niệm gây ra. Sáu xúc đều riêng rẽ về phương diện nhận biết cảnh nhưng đều có điểm chung là tạo tình trạng mong cầu, dính mắc và tham đắm. Vì mong muốn có xúc khoái lạc nên tìm kiếm khoái lạc, rồi dính mắc vào nó để cho việc tham đắm diễn ra khó mà thoát khỏi được. Ý xúc không mang tính riêng rẽ mà lại mang tính đồng nhất hơn và ý xúc nhận biết tất cả các xúc còn lại bao gồm, nhãn xúc, nhĩ xúc, tỷ xúc, thiệt xúc và thân xúc. Nói cách khác, năm xúc này không thể gỡ nhau nhưng đều có thể gặp gỡ ý xúc. Tự tánh của xúc là sự hoà hợp của tâm và tâm sở khiến cho chúng tiếp xúc được với cảnh. Cảnh vì vậy trong lúc tiếp xúc lấp đầy tâm và tâm sở.

          Xúc là chi phần quan trọng trong Mười hai Nhân duyên, theo đó nếu không có xúc sẽ không có cảm thọ, nến muốn quản lý cảm thọ, hãy quản lý xúc. Khi có thọ lạc, biết đó là thọ lạc, đồng thời biết nguyên nhân dẫn đến thọ lạc do sự tiếp xúc của tâm với cảnh trần, đó là xúc. Biết xúc sẽ biết được thọ. Kiểm soát được xúc sẽ kiểm soát được thọ, ta sẽ không bị kẹt vào xúc, vì thế không bị kẹt vào thọ. Tóm lại, xúc là sự giao tiếp, gạch nối, va chạm hay đụng nhau giữa căn và trần. Sáu xúc giao tiếp tương ứng với sáu căn và sáu trần, có thể được nói như thế. Chánh niệm về xúc giúp cho tâm không kẹt vào cảnh trần. Nhìn thấy cảnh trần, biết như vậy và khi không bị kẹt vào nó, cảm thọ sẽ bình thường, tức là không đứng về phía nào của ba nhóm cảm thọ.

Kệ Tâm Sở Xúc

Xúc là sự tiếp xúc
Giữa tâm và cảnh trần
Làm các tâm sở khác
Phát sinh liên tiếp nhau. 

Tâm hiển lộ đầy đủ
Hoà hợp các tâm sở
Tiếp xúc được với cảnh
Là tự tánh của xúc. 

Nếu như không có xúc
Sẽ không có cảm thọ
Muốn kiểm soát được thọ
Hãy kiểm soát được xúc.

 

5. Tâm Sở Dục – Buông Bỏ Dính Mắc Và Tham Đắm – Thiền Môn Nhật Tụng

Tâm Sở Dục – Chandacetasīka

Buông Bỏ Dính Mắc Và Tham Đắm

          Dục là sự mong ước muốn nắm lấy đối tượng. Đối tượng có thể thiện hay bất thiện nhưng đã là mong ước không được đáp ứng thì chỉ đem đau khổ đến cho người. Tuy nhiên cái khổ này không bắng tâm tham bởi vì sự mong ước mang tính đơn thuần, còn sự tham lam khiến con người dính mắc và chạy theo đối tượng. Người sinh viên mong ước sau khi tốt nghiệp trở thành nhà quản lý và có trở thành hay không tuỳ thuộc vào khả năng của người này. Muốn trở thành nhà quản lý là một thứ dục nhưng xem nó là của nợ rồi tìm đủ mọi cách để đạt được, tâm tham đã xen lấn vào và khi không đạt được, anh sinh viên sẽ khổ rất nhiều. Tâm sở dục không mang tính bất thiện nhưng nếu kết hợp với tâm tham thành ra bất thiện. Giới hạn của dục được đo lường nhưng tâm tham khó đo lường được. Khát nước muốn uống nước nhưng lo sợ khát nữa hay lo sợ hết nước nên cố uống cho nhiều thành ra dục muốn uống nước bị biến chất.

          Sự mong mỏi về năm loại cảnh trần bao gồm sắc, thinh, hương, vị, xúc hay những mong muốn về những cảnh dễ chịu khác nếu tồn tại quá lâu sẽ sanh ra tham và tham quá độ thành ra dính mắc. Mắt muốn nhìn thấy sắc đẹp, tai muốn nghe lời nói ngon ngọt, mũi muốn hửi mùi thơm, lưỡi muốn nếm vị ngon, thân thể muốn có những xúc chạm dễ chịu. Tất cả những điều này khiến con người mê lầm và trở nên vô mình không biết chúng không thuộc về ta cũng như thay đổi vô thường. Cũng có người thích làm chức cao, thích nhận xét người khác, thích làm ăn kiếm tiền nhiều hay thích ở nhà cao sang trọng. Nhiều cái thích quay con người như chong chóng và biến con người sử dụng phương tiện của dục thỏa mãn tâm tham. Đây gọi là dục dục. Dục thứ hai gọi là tác dục. Vì có sự mong muốn nên có ý muốn làm điều mình mong muốn đó. Một cậu bé muốn nghe nhạc và điều này thúc đẩy cậu có ý mua một máy ipod để nghe. Một người tu sĩ với mong muốn giải thoát và cứu độ chúng sanh đã thúc đẩy ông có ý muốn tu tập, tham thiền, tụng kinh, buông bỏ mọi dính mắc. Dục thứ ba là pháp dục. Trường hợp giống như mong muốn đạt được kết quả của điều mình mong cầu. Người muốn thấy sắc đẹp nên mong muốn nhìn thấy người đẹp. Muốn nghe nhạc nên mong muốn nghe được âm thanh của bản nhạc mình yêu thích. Muốn tu tập có hạnh phúc nên mường tượng ra cảm giác hạnh phúc khi thực chứng hay đắc đạo. Sự mong mỏi làm con người tưởng tượng đủ thứ và tâm bắt đầu chạy vòng quanh, không còn an trụ trong thế giới hiện tại nữa. Con người bị dục lôi kéo đi, mất hết sự tự chủ và có thể dẫn đến việc phạm giới hay đánh mất đạo đức của mình.

          Dục không phải hoàn toàn xấu như người ta nghĩ về bề mặt của ngôn từ mà dục cũng có thể đem con người đến giải thoát. Như người tu sĩ đã nói ở trên với mong muốn giải thoát và làm lợi lạc chúng sanh, ông đã quán tưởng về con đường và sự thành tựu của mình nhằm hướng bản thân đi trên con đường về đến cái đích đó. Sự tu tập hàng ngày là đích đến vững chắc không phải đợi đến cuối con đường, nhưng niềm tin dẫn dắt ông đi mãi không bao giờ biết dừng lại và việc tu tập theo đó được duy trì cho đến khi thành tựu đạo quả. Người tu không có quá mong cầu vào việc giải thoát vì bản thân không hề biết được điều đó. Đúng ngày đúng giờ thì đạt được giải thoát không sai khác, cho nên việc người tu mong mỏi giải thoát là một thứ dục nhằm duy trì niềm tin mà thôi, không biến họ thành cái máy tu hay lầm đường lạc lối. Tất cả các pháp đều lấy dục làm nền tảng và người tu muốn giải thoát đều do dục mà ra. Người không tìm cầu hạnh phúc vĩnh hằng chắc chắn không chịu rèn luyện tâm, thiền định, thực tập chánh niệm. Chính vì nhu cầu hạnh phúc có thực và thúc đẩy người tu thực hành giáo pháp không ngừng nghỉ. Dục có thể dẫn đến tham nhưng dục chưa hẳn là tham và tham chắc chắn bao hàm dục. Dính mắc vào cảnh trần hay các pháp khả ái khiến con người tham đắm, mong muốn đạt được và khi đã đạt rồi thì bắt đầu chất chứa cho nhiều đến lúc sanh ra ngán ngẩm hay chán nản. Người tu cũng vậy, tu nhiều quá đâm ra chán và phản tác dụng. Tu cũng cần làm mới và đổi kiểu, nếu chỉ có mỗi một kiểu, người tu khó tìm thấy sự nối tiếp hạnh phúc trong khi tu. Nhưng thay đổi liên tục cũng tạo ra sự dính mắc, cái gì cũng cần phải thay đổi có thể làm xa rời tinh thần đúng đắn của chánh pháp. Nhiều người mong muốn chứng minh cái tôi, cá tính, bản ngã hay lúc nào cũng cho mình đúng sẽ ôm ấp cái mình cho là đúng đó và nếu ai đụng đến thì nổi giận. Nổi giận có thể là kết quả của dục vì sự ham thích cái giận. Lòng mong muốn bám víu cảnh làm mình giận và triệt tiêu đối thủ nên cơn giận là kết quả của nhân dục.

          Dục phát sinh khi xuất hiện sự mong muốn về đối tượng cảnh trần và chánh niệm về cảnh trần sẽ kiểm soát được dục không cho cảnh kéo dục đi theo. Người ăn chay thấy thức ăn mặn có thể sẽ chảy nước miếng và khởi tâm muốn dùng nó. Nhưng nhờ có chánh niệm người này biết rằng ăn mặn sẽ phạm giới và khó giữ được lòng từ bi với muôn loài nên việc bày thức ăn mặn ra cũng không động đũa đến. Biết về cảnh trần sẽ không làm nô lệ cho nó, mà vẫn ngang nhiên dù cảnh trần đang lượn lờ khắp nơi. Dục không nắm giữ cảnh như trường hợp tâm tham nắm giữ cảnh, nên có thể nói dục hàm chứa những mong muốn đơn thuần, mang lại lợi ích cho bản thân và những người xung quanh. Chẳng hạn, lòng mong muốn thế giới hòa bình, mong trời mưa nơi khô hạn, mong dịch bệnh cúm heo mau chấm dứt tại Mexico hay có đủ tiền giúp trẻ em mổ tim trong chương trình “Trái Tim Cho Em”. Không bám chắc vào cảnh làm cho dục trở nên lành mạnh hơn so với tham. Con người nhiều mơ ước và dĩ nhiên không phải tất cả đều thành. Sự mong ước này được ban đi nhiều hơn là thu vào nhưng kỳ thực đó lại là thoả mãn bản thân. Người làm công quả ở chùa để giúp nhà chùa sắp xếp các công việc chấp tác, tức là mang thuận lợi đến cho người khác nhưng bản thân lại có nhiều niềm vui, dĩ nhiên niềm vui này không được mua ở siêu thị hay nhà hát. Khi đã có sự mong muốn về cảnh, dục làm tiếp nhiệm vụ mong muốn tìm kiếm cảnh và như đã nói cảnh có thể thiện hay bất thiện. Chánh niệm về cảnh giúp con người biết dừng lại, lựa chọn và từ bỏ. Nếu tâm tham mạnh, cảnh bất thiện bị chi phối nhiều hơn, khi tâm tham yếu hay không có, cảnh thiện được chi phối nhiều hơn. Chánh niệm nhận ra tâm tham và giúp ta quay trở về với trạng thái nguyên thủy của tâm sở dục. Mong muốn giải thoát cũng là biểu hiện của dục nên giải thoát mà bị dính mắc thì cũng không thể giải thoát được. Giải thoát là điều đến tự nhiên nên có quyền mong ước về nó nhưng đừng bị kẹt vào nó.

Phật Pháp Ứng Dụng chân thành cảm tạ Thiền giả Minh Thạnh đã cho phép chúng tôi sử dụng bài viết để trích đăng trên Website. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu đến quý độc giả.

TG.Minh Thạnh

http://sachminhthanh.wordpress.com

Theo Phật Pháp Ứng Dụng