21. Tâm Sở Hôn Trầm – Làm Một Người Tri Túc – Bảo Hiểm Tâm
Tâm Sở Hôn trầm
Làm Một Người Tri Túc
Hôn trầm là tình trạng lười biếng, chậm chạp, không muốn thực hiện dự định hay thờ ơ với sự ghi nhớ. Người thích nghỉ ngơi nhưng không biết mình đang nghỉ ngơi, nên chìm đắm trong sự nghỉ ngơi. Thiếu vắng hay không có sự cố gắng, nghị lực nên khi thực tập hay làm việc gì, người làm cho có, cho hết thời gian và mong mỏi cho thời gian qua mau. Ngồi thiền cũng vậy, hành giả móng tâm cho thời gian mau hết hoặc ngồi thiền nhưng không biết mình đang ngồi, rơi vào tình trạng mở mắt chiêm bao hay thức nhưng không tỉnh. Khó di chuyển, khép kín, co lại và lùi bước trước đối tượng, vì vậy không thể quán chiếu rõ về sự vật. Cái nhìn về đối tượng rất hời hợt và các yếu tố sâu sắc bị bỏ qua. Do không chú ý, người rất dễ vô tâm và dẫn đến nhiều tai hại không thể lường trước. Một bạn nấu nước rồi để quên đến nỗi cạn nước, lửa cháy và hoả hoạn xảy ra. Tình trạng hôn trầm rất khó lay chuyển do bị dính vào thất niệm, thích đi hoang, thích bay nhảy. Hành thiền bị hôn trầm thì khó thực tập thành công, cho nên phải học cách đối trị với hôn trầm, có thể theo sự hướng dẫn trong Kinh Thắp Lại Ánh Sáng Nội Tâm. Hôn trầm làm sút giảm nghị lực, hay lo ra và tâm dễ tán loạn. Mục đích lớn nhất của người tu là giữ cho tâm đừng tán loạn, đừng chạy tới chạy lui, nó chạy tới đâu biết nó chạy tới đó rồi quay trở về, còn tâm chạy đi mà không biết nó chạy đi, tâm đang rong ruổi. Điều độ trong ăn uống, hoạt động để tránh mệt mỏi vì ăn nhiều thì buồn ngủ và mệt mỏi cũng làm cơn ngủ đến nhanh. Trường hợp cơ thể không khoẻ thì không nên ngồi thiền và nếu muốn cho dễ ngủ thì nằm thiền. Tuy nhiên, việc nằm thiền giúp cho ngủ, không phục vụ cho việc thực tập thiền trong tình huống này.
Người thích hưởng thụ sẽ chán chường thực tập, nghị lực ban đầu suy yếu, có khi đánh mất cả tâm bồ đề vì tu đã lâu mà không kết quả gì. Nhiều tự viện bây giờ đổi mới pháp môn nhiều đến nỗi việc thực tập bị xa rời hay thực tập sai lệch, tập hoài không thấy tiến bộ. Bất cứ ai cũng có thể lười biếng, siêng năng thì khó nhưng lười biếng thì dễ. Siêng năng không phải là làm quần quật suốt ngày mà phải ghi nhớ hay biết rõ mình đang làm gì. Người làm quần quật vẫn bị cho là lười biếng vì khi làm việc, không biết mình đang làm việc, đầu óc luôn thất niệm, tán loạn. Người như bị thôi miên, không hiểu rõ chuyện đang xảy ra bên trong lẫn bên ngoài, tâm trở nên cứng đơ. Bên trong còn không nắm rõ làm sao biết bên ngoài, ấy vậy nhiều người lo chuyện bên ngoài mà quên lo chuyện bên trong. Hôn trầm phát khởi từ bên trong nhiều hơn từ bên ngoài, vậy muốn đối trị với hôn trầm, hãy nhìn vào bên trong, còn tìm cách tác động đến bên ngoài, tác dụng rất ít hay không có tác dụng gì. Hôn trầm là do người nuôi cái thân nhiều quá, thân không phải là mình, mình chỉ tận dụng nó để thực tập. Nuôi thân là cung cấp điều kiện vừa đủ cho thân thực tập, không nhằm mục đích gì khác, vì thế phải hiểu thân, nhìn vào thân thấy thân cần chăm sóc nhưng chăm sóc thế nào để hướng nó vào sự thực tập, không hướng nó vào sự hưởng thụ. Thực tập tỉnh thức để không mê muội, biết rõ tình trạng của mình như thế nào để điều chỉnh cho hợp lý. Chẳng hạn, biết đến giờ hành thiền thì không nên ăn nhiều hay làm việc nhiều, giữ gìn sức khoẻ để việc thực tập diễn ra trôi chảy. Tính bơ phờ là biểu hiện của lười biếng, làm phát sinh vô minh rồi không làm chủ được mình, bắt cái tâm chiều theo cái thân. Rất nguy hiểm nếu tu tập mà hẹn ngày mai ngày mốt. Không ai chắc chắn rằng ngày mai mình còn sống nên vào lúc này, tại chỗ này, phải lo tinh tấn hết lòng, từ chối mọi lời gọi mời tham gia sự lười biếng.
Mình nên ở gần người có năng lượng tu tập cao, học hỏi cách thực tập và nương vào sự động viên của họ. Ban đầu mình còn yếu kém nên phải tìm môi trường hay đối tượng thực tập chung, nhưng khi đã vững, mình nương tựa chính mình, thậm chí làm nơi nương tựa cho người khác. Nghe lời những người đối trị với hôn trầm thành công, vào môi trường tu học có tính kỷ luật cao để bản thân nuôi dưỡng nghị lực một cách đàng hoàng. Trò chỉ rời thầy khi trò đủ sức bơi không cần đến phao, chưa biết bơi mà bỏ phao, trò sẽ chết chìm rất mau. Thì giờ hưởng thụ, người sẽ nghèo nàn hơn như tiền xài hoài cũng hết. Thực tập sẽ trở nên giàu có, bây giờ xài không hết, kiếp sau xài tiếp. Người trở nên vĩ đại vì biết buông bỏ, biết tu, biết chứng, nếu không ngày càng nhỏ bé, khổ sở vì dính mắc và ôm đồm nhiều quá. Tỉnh thức trong từng giây phút, người biết hôn trầm có nổi lên hay không, nếu có thì biết phải làm gì. Chánh niệm về hôn trầm, người tìm cách không cho cơn buồn ngủ xâm chiếm hay sự lười biếng chế ngự. Vấn đề không phải là đối trị với hôn trầm mà thực tập như thế nào để không có các điều kiện dẫn đến hôn trầm.
Kệ Tâm Sở Hôn Trầm
Khi tình trạng lười biếng
Buồn ngủ tâm đảo điên
Người rơi vào hôn trầm
Mệt mỏi cứ triền miên.
Chú ý ăn ngủ nghỉ
Điều chỉnh thân hợp lý
Tập tâm luôn tỉnh thức
Hôn trầm được đối trị.
Ghi nhớ từng giây phút
Tinh tấn ở mọi lúc
Tránh xa đời hưởng thụ
Làm một người tri túc.
22. Tâm Sở Từ – Những Dòng Nước Từ Tâm – Bảo Hiểm Tâm
Tâm Sở Từ – Metta cetasika
Những Dòng Nước Từ Tâm
Bất cứ tâm nào mà mong mỏi kẻ khác có nhiều hạnh phúc, an lạc, thảnh thơi, tiến bộ, phát triển đều có thể được gọi là tâm từ. Một người không theo tôn giáo hay theo tôn giáo khác phát khởi tâm cầu chúc hạnh phúc đến người khác, cũng đồng nghĩa thực tập Phật giáo, thực tập tâm từ. Người có ý chí, thậm chí xem đó là lý tưởng muốn giúp đỡ kẻ khác để họ nhanh chóng thành tựu, an vui và hạnh phúc. Nhờ có tâm từ, người phát khởi ý nguyện bố thí, thực hiện hành động bố thí và có hỷ lạc với hành động bố thí ấy. Tình yêu chưa hẳn là tâm từ. Tình yêu vẫn còn gói gọn trong đối tượng nhất định, chưa lan tỏa ra nhiều đối tượng khác nhau và vẫn còn thiếu thốn tự do. Tình yêu phát khởi to lớn hơn thành tình thương. Tình thương có thể là quả của tâm từ. Nói đến tình thương là nói đến sự rộng lớn, bao dung tất cả các đối tượng, ôm lấy muôn loài. Tình yêu giữa đôi nam nữ, vợ chồng, người thân lại có thể làm phát khởi tâm từ nên tâm từ là quả của tình yêu. Sự hy sinh của tình yêu, mong muốn người thương có nhiều hạnh phúc, thậm chí hy sinh cả thân mạng, là biểu hiện của tâm từ. Tình yêu mãnh liệt đến nỗi, người có thể tự ôm lấy đau khổ hay thiệt thòi về phía mình để dành hạnh phúc và quảng đại đến người kia. Dù thế nào đi nữa, tình yêu này có sự luyến ái hay quyến luyến, không mang đến hạnh phúc đích thực, nếu như có hạnh phúc thì hạnh phúc này vẫn bị rình rập bởi những bóng ma của khổ đau. Cũng phải nói rằng, chính tình yêu nho nhỏ mới làm nên tình yêu vĩ đại. Có thương cha, thương mẹ, thương vợ, thương chồng, người mới có cơ hội để thương xa hơn.
Tình yêu như vậy gọi là tình thương trong gia đình, nhiều khi lại mang dáng dấp của tâm tham mà phân biệt với đối tượng bên ngoài gia đình, tạo sự dính mắc và tham đắm. Người bị kẹt vào gia đình nhiều quá khó mà tu, thỉnh thoảng có thể tu được nhưng khó đi sâu vào con đường tu đạo. Có câu, Tu đâu cho bằng tu nhà, Thờ cha kính mẹ mới là đi tu. Câu này đúng nhưng chưa có đủ. Tu nhà thì cha mẹ mình là đương nhiên phải thờ kính nhưng đi tu rồi là làm con thiên hạ, tất cả thiên hạ đều là cha mẹ, tình thương này dĩ nhiên to lớn hơn nhiều, trái tim người to lớn hơn nhiều. Người có nhiều tâm từ là người có bóng mát, trẻ em thích chơi đùa với người, kẻ khác thấy an tâm không cần phải phòng bị khi trò chuyện với người. Người rèn luyện tâm từ là tạo tài sản cho chính bản thân và đem chia sẻ tài sản đó đến không biết bao nhiêu chúng sinh. Người thực tập để làm thế nào an trú trong tâm từ ? Một người mà an trú trong tâm từ là an trú trong hạnh phúc, an lạc và tiến bộ. Người muốn hạnh phúc, hãy an trú trong tâm từ, muốn an lạc, hãy an trú trong tâm từ, muốn tiến bộ, hãy an trú trong tâm từ. Cách hay là rải tâm từ đến người mình yêu thương nhất, rồi đến người mình ít yêu thương, đến người chưa yêu thương được và người mình nghĩ là khó yêu thương nhất. Cứ như thế ngày này qua ngày khác, đến lúc thuận duyên, mình thương được tất cả mọi người dù là người dễ thương nhất hay người ít dễ thương nhất. Nếu chỉ rải tâm từ đến người yêu thương thôi, thì đó là tình yêu, chưa phải là tình thương. Nếu rải tâm từ đến cả người khó yêu thương, thì đó mới là tình thương, tình thương này mang lại nhiều tự do hơn, bởi vì người không còn bị kẹt giữa thương và không thương nữa. Và chuyện gì đến cũng sẽ đến, người yêu thương càng yêu thương hơn và người khó yêu thương trở thành người yêu thương. Hình ảnh không đáng yêu thương đã bị xóa nhòa. Tất cả đều trở thành người đáng yêu, dễ thương. Người dễ thương và người không dễ thương trở thành một, phân biệt giữa thiện và ác không còn nữa. Có phải người giàu có hơn không, trước đây chỉ có vài người đáng để người yêu thương nhưng bây giờ ai cũng thương được. Người không còn rầu rĩ ngồi suy nghĩ phải thương người nào hay phải ghét bỏ người nào.
Đối với gia đình huyết thống, người thực tập tình yêu để phát khởi tâm từ nhưng đối với gia đình tâm linh, người thực tập tâm từ để phát khởi tình thương rộng lớn. Dù là người tu hay không, tình thương là điều đáng để thực tập. Tình yêu đôi lứa vẫn còn gói gọn trong tình thương chiếm hữu mà hễ là chúng sinh thì luôn hiện hữu thứ tình yêu như thế. Như con gà mái giang rộng đôi cánh bảo vệ đàn con khỏi nanh vuốt của diều hâu hay hổ dữ thà nhịn đói mà chết chứ nhất quyết không chịu ăn thịt con. Đây là tình mẫu tử như là bản năng của chúng sinh. Tình mẫu tử là đẹp và đáng được người đời khen ngợi. Tuy nhiên vượt thoát được tình yêu này thì tình yêu mới lớn lên được, bằng không cũng chỉ chứng minh một dạng tình thương của đồng loại thôi, chưa ôm hết muôn loài. Tâm từ mãnh liệt có thể chuyển hóa được cả người đang manh tâm làm ác, đang làm ác và đã làm ác. Sự hối hận và buồn tủi sẽ đến trong họ và nếu đủ thuận duyên, bản thân người làm ác kia biết sửa đổi, thậm chí trở thành người thực tập điều thiện mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Người cũng có nhiều khổ đau, rải tâm từ đến khổ đau của bản thân, người giúp cho nó chuyển hóa thành ra an lạc và bình thản, xem khổ đau như điều kiện thực tập tính vững chãi như núi. Mấy tháng nay, tôi có nhờ đứa em làm sách cho mình, nhưng sau đó thì cậu ấy không muốn làm nữa và nhiều lúc dùng lời phỉ báng sách của tôi. Tôi cũng không nói gì, nếu cậu ấy không làm thì tôi sẽ tự làm, chỉ hy vọng rằng công đức vài tháng làm sách sẽ giúp cho cậu ấy có nhiều niềm vui và thành tựu trong cuộc sống. Khi phát sách cho người đọc, tôi rải tâm từ đến sách, nhờ sách mang tâm từ đến người đọc và gia đình họ, nguyện cho mọi người có nhiều hạnh phúc, tu tập mau giải thoát. Tâm từ rất hay. Người thực tập đúng đắn sẽ giúp tâm từ phát triển to lớn chưa từng có, những điều tưởng chừng không chấp nhận được bây giờ cũng chấp nhận được, những điều không thể thương được cũng thương được. Có những hành giả chỉ tập trung vào thực tập tâm từ, tâm bi, tâm hỷ và tâm xả mà chưa bao giờ trải qua thiền định và nếu có thì họ quán từ bi, quán hỷ xả, quán những đề mục liên quan đến bốn tâm vô lượng mà dẫn đến thành tựu. Tình thương giữa người với người trong xã hội khi đã sâu dày sẽ phát triển thành tâm từ chân chính. Nhà chính trị có tâm từ đích thực không hề gây hấn với quốc gia nào, không cần chứng minh là cường quốc số một vẫn có thể mong cầu sự bình an cho đất nước mình và các quốc gia khác.
Những hãm hại, tai ương hay khổ đau đến với người có thể là do nghiệp của những kiếp xa xưa đến lúc phải trả. Nếu thực tập hạnh nhẫn, xem như nghiệp đã trả xong, người không còn phải trả nghiệp đó nữa. Ngược lại người gây nghiệp cho mình, người tiếp tục lãnh lấy hậu quả không biết đời đời kiếp kiếp nào mới trả hết. Không tin vào nghiệp cũng là vô minh. Nhiều người cho rằng mình bị hãm hại là do người này người kia đem điều đó tới, chứ không phải nghiệp, mà nghiệp từ đâu mà tới, từ chính mình tại mình mà thôi. Vậy việc mình bị hãm hại hay gặp điều tai ương cũng là do mình. Thực tập tâm từ để đón nhận nghiệp một cách bình thản, dù là nghiệp xấu hay nghiệp tốt. Rải tâm từ đến người mình cho là hãm hại mình để người hưởng được năng lượng của yêu thương, đến lúc nào đó tự nhiên dừng lại, hối hận và không làm chuyện dại dột nào nữa. Nói về việc uống thuốc, uống thuốc là để mau lành bệnh, nhưng công dụng của thuốc như thuốc kháng sinh chẳng hạn, có thể diệt trừ được vi trùng. Nhưng đã giữ giới không sát sinh thì tại sao lại uống thuốc để tiêu diệt vi trùng ? Hoặc cái chân bị mục ghẻ, người thoa oxy già hay xức thuốc đỏ, có phải là để sát trùng hay không ? Việc uống thuốc ngừa thai để tiêu diệt tinh trùng hay ngăn không cho kiến tạo sự sống, có phải là phạm giới sát sinh hay không ? Thế thì việc người nam cố tình xuất tinh ra ngoài, làm cho hàng triệu tinh trùng đi ra ngoài mà không thể tạo sự sống có phạm giới sát sinh hay không ? Thực tế thì những hành động này đều là hành động của sát sinh. Vi trùng cũng là chúng sinh, giết vi trùng là giết chúng sinh, nên khi uống thuốc, người phải rải tâm từ đến vi trùng. Sử dụng thuốc xoa mục ghẻ là tiêu diệt chúng sinh, nên khi thoa thuốc, người phải rải tâm từ đến vi trùng ghẻ. Việc sử dụng thuốc ngừa thai khiến tinh trùng chết đi mà tinh trùng là yếu tố tạo nên sự sống, nên đây cũng là hành động tạo nên sự sống, vì vậy việc sử dụng bao cao su được khuyến khích hơn, người phải rải tâm từ đến lượng tinh trùng bị chết đi ấy. Cố tình xuất tinh ra ngoài cũng là sát sinh, nên người không nên hành động như vậy và nên thực tập giữ giới hạnh. Giữ giới là thực tập tâm từ vì nhờ tâm từ mà quyết tâm giữ giới. Rải tâm từ là rải tâm đến chúng sinh mười phương, kể cả chúng sinh nhỏ nhất hay chúng sinh to lớn nhất. Rải tâm từ đến các loài hoa, cỏ cây đất đá, nguyện không làm hại môi trường. Rải tâm từ đến nước, sông hồ, không khí, nguyện không làm hại nguồn nước, nguồn không khí. Người trở nên đẹp đẽ và thánh thiện nhờ thực tập từ tâm như thế.
Con người không phát triển được từ tâm vì tham, sân, si, ngã, mạn, nghi và kiến. Thứ nhất là tâm tham, tham ăn, tham uống, tham ngủ, tham nghỉ, tham mặc, tham khen, tham danh vọng, tham địa vị. Chính cái tham giết chết tâm từ. Người thích lo cho cái sân, giận người này, hờn người kia, so đo đủ thứ. Chính cái sân giết chết tâm từ. Thứ ba, người tom góp cái si, nào là dính mắc vào tình cảm, nào là tham đắm vào sự nghiệp, nào là bươn chãi trong những lo toan hay tương lai xa vời. Chính cái si giết chết tâm từ. Ngã quá lớn, bị lấp đầy bởi cố chấp, cái tôi mà không chịu buông bỏ và vì thế sinh ra sân, hận, si, tà kiến. Ngay cả khi rải tâm từ, người còn nghĩ chính người đang rải tâm từ nữa chứ. Đích thực cái ngã giết chết tâm từ. Thứ năm, sự kiêu mạn nên không chịu lắng nghe, không học hỏi được ai, cho mình là phải là đúng, kết đảng với ma, đây là điều ngu si nhất trong những điều ngu si. Chính sự kiêu mạn giết chết tâm từ. Nghi ngờ mà có tri giác sai lầm, từ đó sinh ra vọng tưởng, vọng tưởng ngày càng điên đảo mà xa rời sự thật, không còn tin vào điều gì nữa. Chính cái nghi ngờ giết chết tâm từ. Và cuối cùng nhưng không phải là hết, tà kiến làm cho không suy nghĩ đúng đắn, cho rằng đời sống này là thường còn, bất biết nên buông trôi theo tà dục. Chính tà kiến giết chết tâm từ.
Những tâm sở bất thiện đầy dẫy trong người làm che mờ những tâm sở thiện và vì bất thiện nhiều quá, người trở thành bất thiện, thành tên trộm cướp, phá nát từ tâm mà cha mẹ, tổ tiên trao truyền. Có tâm từ thì cũng có những tâm không từ. Có người niệm tâm từ thì cũng có người niệm tâm không từ, như người thì niệm Phật, người thì niệm ma. Khi người ra sức rải tâm từ cho chúng sinh, cũng có người ra sức rải tâm ma cho chúng sinh. Có Phật đạo thì cũng có ma đạo, người cần tỉnh giác từng thời để có thể nhận diện tính Phật và tính ma trong người, đồng thời quyết chí thực tập để tính Phật phát khởi và tính ma nằm im. Người có những thói quen và chính thói quen xui khiến người làm điều thiện hay bất thiện. Nhiều lúc không muốn làm điều sai quấy nhưng thói quen đẩy người đi và người bị kẹt trong những thói quen như vậy. Tu là thực tập từ bỏ những thói quen sai trái và thực tập những thói quen mới. Tham, sân hay si là những ngọn lửa thói quen, có thể thiêu rụi thân tâm người rất nhanh, làm biến chất cả một người từ tốt thành ra xấu. Thói quen xấu quá lớn, ngọn lửa sẽ ngùn ngụt, đụng vào là phỏng tay. Tâm từ là dòng nước của bao dung, hạnh phúc, an lạc và thảnh thơi sẽ dập tắt những ngọn lửa của tham, sân và si. Chăm sóc và nuôi dưỡng dòng nước tâm làm cho nó ngày càng trở nên trong ngần, có thể làm dịu mát mọi đau khổ của chúng sinh. Thật vậy, tâm là cần phải nuôi dưỡng, có nuôi dưỡng thì mới lớn lên được. Như một đứa con, được chăm sóc, được dạy dỗ và đứa con trưởng thành đứng trên đôi chân của mình. Tâm cũng như thế, cũng phải lớn lên, vững chãi và tự tại.
Kệ Tâm Sở Từ
Khi người rải tâm từ
Là rải những mong mỏi
Rải hạnh phúc, an lạc
Rải tiến bộ, thảnh thơi.
Thực tập tình thương lớn
Một trái tim chánh chơn
An trú trong tâm từ
Trở thành người giàu có.
Với gia đình huyết thống
Người thực tập tình yêu
Với gia đình tâm linh
Người thực tập tâm từ.
Xin nguyện rải tâm từ
Đến chúng sinh mười phương
Mong nhận diện con đường
Cùng đi về nẻo phúc.
Hãy diệt trừ cái tham
Để phát triển tâm từ
Hãy diệt trừ cái sân
Để phát triển tâm từ
Hãy diệt trừ cái si
Để phát triển tâm từ
Hãy diệt trừ cái mạn
Để phát triển tâm từ
Hãy diệt trừ cái nghi
Để phát triển tâm từ
Hãy diệt trừ tà kiến
Để phát triển tâm từ.
Khi tâm từ phát triển
Tâm không từ rút lui
Chăm sóc và nuôi dưỡng
Những dòng nước từ tâm.
23. Tâm Sở Vô Tàm – Con Mắt Trí Tuệ – Bảo Hiểm Tâm
Tâm Sở Vô tàm – Ahirita cetasika
Con Mắt Trí Tuệ
Vô tàm là vô tâm và nặng hơn là thiếu lương tâm. Người đời hay dùng chữ lương tâm bị cắn rứt, thậm chí có người chẳng còn lương tâm đâu nữa mà cắn. Không biết hổ, không biết thẹn hay không biết mắc cỡ, người phạm nhiều sai lầm và các sai lầm đó tiếp tục được lập lại. Người biết xấu hổ thấy ghê sợ tội lỗi, biết rõ sự bất an trong giây phút hiện tại và quả báo tương lai nên từ bỏ từ từ đến khi chấm dứt các hành động xấu ác.
Vô tàm là biểu hiện của làm điều không thiện nhưng được cho là thiện, cổ vũ cho điều bất thiện và ngày càng mù mờ trên con đường đang đi. Một tên cướp giết người không gớm tay vì bản thân chưa chịu được nỗi đau thân xác và tinh thần khi người khác giết hại, đồng thời tự cho mình cái quyền cướp đi sinh mạng của kẻ khác. Người thích dấn thân vào nơi dơ dáy và đồng hoá mình với điều bẩn thỉu rồi sung sướng ảo với những gì hiện tiếp xúc. Có người chỉ cho hoặc chìa nắm tay ra nhưng không chịu nắm lấy mà còn chỉ trích trở lại rồi ngùn ngoằn bỏ đi. Các phiền não được chất chứa cao ngất nhưng không hề biết đó là phiền não, đã vậy còn khen ngợi phiền não của mình. Ông A thích ăn các món khoái khẩu và cái miệng tham ăn khiến ông bị béo phì rồi đủ thứ căn bệnh xuất hiện. Vậy mà ông cũng không chịu từ bỏ tính tham ăn của mình, và tiếp tục bày đủ thứ trò phục vụ cho bản thân. Bệnh tật do thức ăn mang đến là một phần, chủ yếu do ông ăn không điều độ và lạm dụng thức ăn. Người thiếu tự trọng, không gìn giữ bản thân, để cho các điều xấu đưa qua đẩy lại và sự thoả mãn không biết bao giờ mới đủ. Biết làm chuyện bất thiện sẽ rất sai nhưng không đủ can đảm nói không với nó, mặc cho tình thế buông xuôi và đi hoài không thấy bến đậu. Khi ai đó nói về đạo đức, họ không muốn nghe, không muốn tham gia hoặc từ chối thảo luận. Hơn nữa, họ còn lên tiếng bác bỏ thực tập đạo đức, đả kích người thực tập đạo đức và tôn thờ các giá trị xa rời đạo đức. Cuộc sống trở nên hoang tàn, vô tội vạ, đến khi đau khổ ập đến thì không biết làm cách nào. Bằng lòng tự trọng chân chính, người bảo vệ sự trong sáng của mình, không phạm sai lầm và cảnh giác với mọi thế lực xua đuổi hay níu kéo. Bản thân và người khác không bị bức hại, lãnh thổ thân tâm tạm thời được bảo toàn.
Người trẻ thường hay bồng bột, thích được chứng tỏ, khoe khoang kiến thức hay muốn khẳng định cái tôi nên không màng đến người khác, và để leo lên nấc thang danh vọng, người không thèm từ bỏ bất cứ thủ đoạn nào. Không quán chiếu thấu đáo nguyên nhân và kết quả của hành động, người sẵn sàng triệt tiêu các đối tượng đáng lẽ phải trân quý. Người như thế chẳng khác nào người điên, đi trong cõi mộng nhưng cứ chối cãi, Đâu có tôi đang tỉnh đó chứ. Một người được khuyên thực tập thiền định thì gân cổ lên nói, Bận quá, tập tành cái gì, con chưa đi đón, cơm nước chưa ai nấu, tập có nước chết đói à. Đúng là chưa hiều gì về thiền, càng nói càng thấy sai nhưng cứ huyênh hoang tự đắc là mình đúng. Trước khi làm hay nói một điều gì, phải suy nghĩ thật kỹ, xem hành động hay lời nói đó có mang lại hạnh phúc cho mình và cho người, có hỗ trợ mình thực tập Năm giới Cư sĩ hay các điều giới luật dành cho tu sĩ, có giúp phát triển hoà bình trong thực tại… hay không. Nếu hành động và lời nói khiến phá vỡ các tiêu chuẩn này, người hãy dừng lại hay nói không với cám dỗ đang tìm cách phá vỡ đó. Trường hợp không làm được, người để cho vô tàm ra oai và đạp đổ mọi thứ tốt đẹp được xây dựng bấy lâu. Trường hợp khác, người bị hoàn cảnh làm chủ, vướng vào tà dục và quên mất chánh niệm, nhiều lúc cái tôi trỗi lên quá nhanh, phiền não lấp đầy thân tâm, người không biết mình đang ở đâu và làm mồi cho các tâm hành bất thiện. Người thường hay suy nghĩ bằng con mắt vô minh, tức là có cái tôi trong đó, đau khổ chính là tôi, hạnh phúc cũng chính là tôi nên cho rằng chính người kia làm mình đau khổ, chính người kia mới đem lại hạnh phúc cho mình. Thế rồi họ đi tranh cãi cho cái tôi không có. Cái gì không có thực đều là ảo tưởng, mơ hồ, viễn vong. Một lần, tôi tặng sách cho một người bạn, người này đem về cất tủ, một chữ cũng không thèm đọc, nhưng đến khi gặp chuyện đau khổ, không biết phải ứng xử thế nào, mới bắt đầu lấy ra đọc, đọc từ trang này đến trang khác, sau đó hối tiếc vì sao không đọc sớm hơn. Giống như người thương của mình, mình tìm cách làm họ buồn, họ giận, họ đau khổ, đến khi họ đột ngột qua đời, mình mới cảm thấy hối tiếc tại sao mình trót dại như vậy.
Chánh niệm về vô tàm biết người đang thiếu lòng tự trọng, biết điều bất thiện đang hăm he xâm chiếm. Chấp nhận những yếu tố bất thiện của hoàn cảnh để cho thân tâm tĩnh lặng hơn. Tâm tĩnh lặng là dù hạnh phúc cũng không dính mắc và dù đau khổ cũng không chìm đắm, bình thản trước mọi hạnh phúc và khổ đau. Chánh niệm khởi động lại dây thần kinh xấu hổ, biết đau với nỗi đau và biết vui với cái vui. Khi đau mà không biết đau, khi vui mà không biết vui, người trở thành kẻ mộng du vì cơn mộng chi phối. Nhiều người cho rằng tôi bị điên hay bị tâm thần vì nói câu vừa rồi, nhưng tôi mặc kệ bởi vì họ không đủ sức để hiểu hết những điều được nghe thấy. Không đủ sức không có nghĩa là không bao giờ, đến lúc nào đó đủ sức nghe hiểu, họ sẽ biết được vì sao tôi nói như vậy. Người có đầy dẫy những mục tiêu và lên các kế hoạc thực hiện danh sách này rồi nói rằng mình thực sự đang sống. Chẳng qua người phục vụ cho lối sống tôn thờ cái gọi là mục tiêu hay mục đích mà không biết rằng mình thực sự có an lạc với mục tiêu của mình không, hay từ ngày đặt ra mục tiêu, mình bắt đầu khổ sở, lu bu, bận rộn, bệnh tật, mệt mỏi và chán chường. Phiền não hay giả dạng và núp bóng dưới hằng hà sa số hình thức, nếu không tỉnh thức, người miên man trôi giạt về phía trước nhưng quả thực, mình đang thụt lùi và không bao giờ tiến bộ được. Hãy nhìn cho kỹ, người đã làm gì, thời gian trôi qua rất nhanh, nên người hãy đầu tư cho mình, cho phép mình được từ chối và cũng cho phép mình được đồng ý. Từ chối những phiền não và chấp nhận thanh tịnh. Từ chối không có nghĩa là xua đuổi mà hãy để cho điều mình từ chối được nằm im.
Kệ Tâm Sở Vô Tàm
Vô tàm là vô tâm
Để việc xấu nẩy mầm
Không còn biết hổ thẹn
Đánh mất cả lương tâm.
Có mắt như đã mù
Phiền não tận thiên thu
Quên thực tập đạo đức
Mãi chất chứa hận thù.
Hãy quán chiếu suy nghĩ
Hành động và lời nói
Bằng con mắt trí tuệ
Hạnh phúc được vun bồi.
Chánh niệm về vô tàm
Từ chối sân, si, tham
Thức dậy lòng tự trọng
Việc thiện ta cứ làm.
25. Tâm Sở Vô Quý – Soi Sáng Bản Thân – Bảo Hiểm Tâm
Tâm Sở Vô quý – Anottappa cetasika
Soi Sáng Bản Thân
Vô quý là thiếu thận trọng hay vô liêm sỉ trong việc gìn giữ thân tâm của mình. Người có hành động, lời nói và suy nghĩ bất cẩn, không biết trước biết sau và không nể nang ai. Hành vi sai trái gây hậu quả nghiêm trọng nhưng lại không sợ hãi hay không lo lắng gì cả. Đây đích thực là thái độ vô cảm, đặc biệt là trước các nỗi đau do chính mình gây ra. Người làm điều bất thiện hay xấu ác không mắc cỡ đã đành mà còn không biết ghê sợ. Không ghê sợ tỗi lỗi rất nguy hiểm, việc ác sẵn sàng làm không gớm tay, thậm chí xem đó như một trò tiêu khiển. Do tính bất cẩn, hậu quả của sự việc không được quán chiếu kỹ càng, chỉ thấy việc trước mắt và dù cho hậu quả có ra sao cũng không màng. Người đi như đang mò mẫm trong đêm tối, có vài ánh đèn chiếu sáng cũng không để ý tới vì kết quả không thèm quan tâm thì việc đang diễn ra còn nghĩa lý gì nữa. Hành động sai trái là đối tượng mang lại khoái cảm, như người thích nói dối vì sướng cái miệng, thoả mãn tâm khoe khoang mà chẳng cần biết người nghe có tin hay không và uy tín của bản thân có đảm bảo không. Hoặc trường hợp người thích được khen và chìm đắm trong lời khen, không biết hậu quả cúa nó là trở nên tự kiêu và ngạo mạn nên có ai lên tiếng chê một chút thì chịu không nổi. Người làm nô lệ cho những cảm giác ảo hay cảm xúc ảo và vì ảo nên không thật. Phục vụ cho điều không thật nên người cảm thấy cô đơn, bơ vơ, lạc lõng, giữa chốn đông người vẫn thấy đơn độc. Việc sắp làm hay đang làm có thể dẫn đến tai nạn cho bản thân và người khác nhưng người mặc kệ, không hề sợ hãi và nhiều khi lại ca ngợi tai nạn đó. Nếu thực sự như vậy, nhiều điều đáng tiếc xảy ra, ấy vậy cảm giác hối hận cũng không hề có. Do không kinh sợ, người không thể kiềm chế bản thân và dám làm những chuyện tưởng chừng không thể nào làm được. Nghiệp xấu tạo ra vì tà kiến chất đầy, cứ tưởng rằng không có hiện tượng hồi quang phản chiếu.
Có sự nhắc nhở, giáo dục và khiển trách từ cha mẹ, thầy cô, bạn bè hay các đối tượng xã hội khác, người đủ điều kiện học hỏi và sửa mình. Tuy nhiên, rất nhiều người lờn với lời chỉ bảo hay khuyên can của người khác mà cứ thích dấn thân vào hành động không được khuyến khích và ủng hộ bởi các thiện tri thức. Cân nhắc kỹ càng các hành vi, người soi sáng bản thân và nuôi dưỡng thân tâm bằng các hành động an toàn, sạch sẽ. Một chàng thanh niên thành công trong sự nghiệp làm người, tức là luôn cẩn trọng trong đời sống của mình, ở bên trong lẫn bên ngoài; còn cái gọi là thành công sự nghiệp hay tiền bạc chỉ là phục vụ sự ngã mạn và hạnh phúc trá hình. Có thể người được dạy nhiều về thực hiện điều đúng đắn nhưng vì không thường xuyên tự nhắc nhở nên hay quên. Vài năm sau đó nhớ lại mới thấy sao mình dại dột, đã lỡ làm nhiều chuyện xằng bậy. Không chánh niệm về thực tại nên những điều mầu nhiệm bị bỏ quên rồi đóng đinh vào điều không thiện, không thực tại. Thực tại rất bình thường nhưng vì thêm mắm thêm muối nên nó có đủ thứ hương vị của hạnh phúc hay khổ đau. Vô minh cứ lấp đầy đời sống đi mãi không thấy đường về hay đã một lần đi thì không trở về nữa. Mấy ai chịu nhận mình là vô minh, chỉ cho mình làm đúng, còn những người khác đều sai hết. Người cần buông bỏ và nếu ngồi liệt kê, danh sách buông bỏ chắc dài lắm. Đời sống nặng nề vì ôm đồm nhiều quá, nhưng khi cho đi hay từ bỏ, người cảm thấy khoẻ khoắn và thảnh thơi. Hạnh phúc là những thứ cho đi chứ không phải thu vào. Nhận biết phiền não hay đau khổ là lúc tận diệt được chúng và tìm được con đường. Thực sự phiền não không tiêu tan mà chỉ nằm im, cho nên đạt trạng thái tĩnh lặng. Chánh niệm về vô quý, người biết mình đang thiếu thận trọng và dừng ngay lại tình trạng bất cẩn đó. Thực tập từ tốn để không vội vàng, hấp tấp, bất cẩn và có đủ thì giờ quán chiếu những hậu quả không hay có thể xảy ra.
Kệ Tâm Sở Vô Quý
Những lúc thiếu thận trọng
Là tâm sở vô quý
Bất cẩn trong hành vi
Sự việc không xét kỹ.
Hãy soi sáng bản thân
Ghi nhớ rõ tinh thần
Chánh niệm về thực tại
Niềm vui thật chánh chân.
25. Tâm Sở Bi – Tình Thương Khắp Ruộng Đồng – Bảo Hiểm Tâm
Tình Thương Khắp Ruộng Đồng
Tâm bi là biểu hiện của lòng xót thương trước những đau khổ của người, mong muốn chia sẻ các pháp môn thực tập giúp người nhẹ bớt khổ đau và chuyển hoá khổ đau. Khổ đau tự nhiên đến rồi cũng tự nhiên đi và khổ đau thoáng qua hay khổ đau tồn tại lâu. Sự thương hại không phải là tâm bi mà nhìn thấy khổ đau của người chính là khổ đau của mình, người mới bước vào ngưỡng cửa của tâm bi. Người chấm dứt các hành động gây khổ cũng là biểu hiện của tâm bi, để cho tâm bi thường trực tức là bầu bạn với tâm từ, để yêu thương ngập tràn và hạnh phúc trào dâng. Khổ đau có thể tạo sự bức bách khiến người muốn gây thêm khổ đau nữa, nhưng tâm bi giúp người dừng lại, quay sang ước nguyện muốn giảm thiểu khổ đau và đập tan khổ đau. Thấy khổ đau, người khởi lên tâm muốn chia sẻ, muốn giúp đỡ và mong rằng thà người gánh chịu khổ đau đó để không ai khác còn khổ đau nữa. Người đi vào vùng của khổ đau, đồng hoá với khổ đau mới biết cách giúp khổ đau mềm ra. Một người đang sân không phải người ấy đang sân mà tâm sân đang khống chế và chiếm lĩnh người ấy. Cũng vậy, có ai là đang khổ đau đâu, chỉ vì tâm tham, tâm sân, tâm si đang điều khiển người nên người thấy khổ đau. Giúp người bớt khổ là giúp nhận thấy mấy cái tâm đang giày vò người. Tâm thiện đang có đầy, hãy sử dụng nó để làm nhẹ bớt khổ đau, không cho những cái tâm bất thiện sai sử và làm tổn thương thân tâm.
Có những nỗi bất an, khó chịu về tâm linh hay nỗi thống khổ về tâm linh do mong muốn giúp người nhưng không thể giúp được nên thấy áy náy, giày vò. Giúp được hay không cũng là do nhân duyên, nhân duyên không đủ thì muốn giúp cũng không giúp được, hay người muốn đi tu nhưng thuận duyên chưa đủ thì dù muốn cũng khó mà tu. Vậy hãy tự tạo nhân duyên cho người, tạo điều kiện cho việc giúp người được đầy đủ, chưa đủ điều kiện tu trong chùa thì tu ở nhà, tu ở chợ. Tu trong chùa thì dễ, tu ở nhà ở chợ mới khó. Tâm bi hướng về người để thực tập, bản thân vẫn còn nhiều khổ đau, vẫn còn bị lu mờ bởi những tâm bất thiện. Vì vậy làm cho nằm im và chuyển hoá những tâm bất thiện của người, giúp người soi sáng được tâm làm vơi đi khổ đau là bày tỏ tâm bi hay rải tâm bi đến chính người, người đang giúp chúng sanh bằng tâm bi của người rồi đấy. Việc thương xót nỗi khổ của người khác là điều tốt, tuy nhiên người còn đầy dẫy nỗi khổ thì làm sao rải tâm bi đến kẻ khác được. Người học pháp không đơn thuần để trở thành học giả mà phải là một hành giả. Bất cứ giáo lý hay kinh điển nào đều phải đem ra áp dụng thực tế và hành trì, bằng không thì nói giỏi cách mấy cũng chỉ là trót lưỡi đầu môi. Tâm bi muốn mạnh mẽ, người phải thực tập hạnh phúc, tức là thực tập vắng mặt khổ đau. Vắng mặt khổ đau không có nghĩa là không có khổ đau nào cả, mà khi khổ đau biểu hiện, người biết cách nhận diện và chuyển hoá khổ đau. Người chưa biết khổ đau, chưa chuyển hoá khổ đau mà nói mình đang rải tâm bi là vọng ngữ. Phải thực sự nằm trong vùng khổ đau, biết đau với cái đau của chính người, người mới phát khởi tâm bi được. Tâm bi có sự tương tức với tâm từ, tức là nhờ có tâm từ người thương cái khổ đau của chúng sinh và nhờ có tâm bi, người trân quý hạnh phúc của chúng sinh. Tà dâm có tương tức với trộm cắp. Con cái chưa lập gia đình thì phải hiểu quyền của cha mẹ trong đó, tức là phải có sự cho phép của cha mẹ mới có thể ăn nằm với nhau được, nếu không thì người phạm giới trộm cắp, ăn cắp cái quyền của cha mẹ và tiếp theo đó là phạm giới tà dâm. Người có tâm từ thương cha mẹ, tôn trọng quyền của cha mẹ, biết rằng cha mẹ sẽ khổ nếu vượt quyền hạn của cha mẹ, nên tâm bi nhìn thấy điều đó mà quyết bảo vệ tiết hạnh của người, con trai cũng như con gái cũng phải biết bảo vệ tiết hạnh.
Khi lòng mong muốn cứu giúp người nhưng không đủ khả năng, người dễ rơi vào trạng thái phiền muộn, điều này có thể nguy hiểm vì tâm trở nên đau khổ do không biết phải làm thế nào. Mong muốn giúp người là điều tốt nhưng vì thế mà phiền muộn thì đó lại không tốt. Nhiều người bị kẹt vào việc làm từ thiện và cho đó là điều kiện tiên quyết chứng minh tấm lòng thiện của mình. Dích mắc vào làm từ thiện chính là tham ái mà tham ái là nguồn gốc của đau khổ. Cường độ tham ái gia tăng, xung đột tâm sẽ gia tăng và vì thế mà phiền não. Làm từ thiện mà phiền não thì đừng có làm, rải tâm bi mà phiền muộn thì đừng có rải. Đức Phật dạy không thờ ơ trước thực tại khổ đau nhưng khi giúp người thì hãy giúp trong khả năng của mình, đừng vì quá rầu rĩ rồi sinh ra mặc cảm, bản thân sẽ là người cần được cứu độ nhiều hơn. Cái này gọi là thực tập nhẫn trong tâm bi. Đành rằng người có ước nguyện cứu đời cứu người nhưng năng lực hạn hẹp thì làm sao cứu, cho nên phải nhẫn mới được. Người vừa mới tu học, chưa có nhiều năng lượng nhưng đã đòi đi hoằng pháp hay cứu giúp chúng sanh, e rằng còn sớm quá. Tại sao người không tự cứu người trước rồi hãy nghĩ đến chuyện cứu chúng sanh. Cứu bản thân chính là cứu chúng sanh vậy, nên rải tâm bi đến người là rải lòng xót thương đến bản thân.
Trong Kinh Từ Bi có đoạn : Nguyện tình thương cả thảy chúng sanh – Như lòng mẹ bao la cần mẫn – Trăm cay ngàn đắng vẫn vui cười – Dù cho sanh mạng mất tất cả – Tình thương vẫn bao la thiên hạ – Từ bi thênh thang như trời xanh. Tất cả chúng sanh đều yêu thương và tình thương này là ôm hết muôn loài. Lòng mẹ là biểu hiện của tình thương cao cả, lúc nào cũng cần mẫn vì con, chăm sóc đứa con như máu thịt của mình. Mỉm cười trong những trận đòn đời, dù cho đời có cay có đắng. Nụ cười vẫn nở trên môi, không oán giận không than trách ai. Như có người phát nguyện dù cho thịt nát xương tan, dù cho thân mạng không còn, người vẫn giữ giới và hành trì chánh pháp không mệt mỏi. Thiên hạ bao nhiêu chúng sanh, thương hết bấy nhiêu. Trong quá khứ, hiện tại và vị lai, bao nhiêu chúng sanh cũng đều thương. Thương hết thì đâu có ai mà phân biệt là thù là bạn nữa. Bầu trời cao rộng bao nhiêu, tình thương dàn trải to lớn bấy nhiêu. Rải tâm từ và tâm bi vào bầu trời bao la, nhờ trời cao mang tình thương đến muôn loài. Hành xử như một người mẹ hay người cha che chở cho đứa con, nhìn xuống chúng sanh đang đau khổ. Hãy xem người già như ông bà, cha mẹ, hãy xem người nam như anh em trai, hãy xem người nữ như chị em gái để bảo vệ lẫn nhau. Hãy xây dựng tình thương cho mình, xây ngôi nhà Như Lai cho mình, mọi ái dục đều phải buông bỏ. Muốn thoát khổ thì phải tu, có tu thì tâm bi mới phát triển, biết thương hạnh phúc lẫn khổ đau. Thử nhìn một người hiền trí, luôn kiếm tìm chân lý và hành trì chân lý. Các hạnh Ba la mật đều thực tập và kinh qua. Đời người đến rồi đi, rồi lại đến nên đã mang thân người thì lo tu, quẳng gánh lo mà tu đi. Tu để thấy ngay cả khổ đau cũng phải thương vì càng đấu tranh khổ đau càng dày thêm, còn thương được khổ đau thì mới có cơ hội làm cho khổ đau tan chảy. Bấy lâu người lầm đường lạc lối, đi như kẻ mộng du, thức như kẻ ngủ mê, bỗng chốc vớt được một cái bè, vậy tại sao còn chần chừ mà không leo lên để đến bờ giải thoát. Có những khổ đau khiến người tỉnh ngộ nhưng cũng có những khổ đau dìm chết người. Tất cả đều do vô minh, do ái dục sai khiến. Rải tâm bi đến người vô minh để thấy cái vô minh vẫn có thể bị tiêu diệt, chỉ có minh là thường còn. Người còn vô minh thì còn đau khổ và đau khổ làm cho vô minh hơn nữa, khiến người oán trách bản thân, giận những người xung quanh và ngày càng xa rời minh. Người muốn thoát ra khỏi vùng khổ đau nhưng không đủ can đảm, người đi du lịch, đi sang quốc gia khác nhưng khổ đau vẫn còn vì gốc rễ của nó chưa bao giờ được chuyển hoá. Vậy nếu lặn xuống biển sâu hay đi vào rừng thẳm, khổ đau vẫn còn đó, vẫn nằm chình ình trong người và làm người tàn tạ, héo hon.
Tâm bi không phân biệt đối tượng như trong lớp có học trò ngoan ngoãn, cũng có học trò ngỗ nghịch nhưng học trò không ngoan ngoãn hay không ngỗ nghịch thì sao gọi là học trò. Đã nói thương thì phải thương đồng đều. Bất kể đối tượng là ai, nhiệm vụ của người cũng chỉ là thương thôi. Tâm bi rải khắp chúng sanh ba cõi bốn loài, mười phương tám hướng, nguyện chúng sanh không còn khổ não, nếu có thì cái khổ không làm hại đến chúng sanh, chúng sanh vượt qua được và an nhiên trong mọi hoàn cảnh. Tâm bi có gốc rễ vững chắc trong người hành tâm Bồ tát. Nó trở thành hơi thở và đi theo người trong từng hoàn cảnh. Khổ đau không phải là đối tượng để chinh phục. Tự hào gì mà chiến thắng khổ đau. Khổ đau là cái để ôm ấp, để tìm ra hạnh phúc. Nói người vượt qua khổ đau, đó cũng là ngã đấy. Tâm bi sẽ tan nát nếu như cái ngã che lấp người. Một chấp, hai chấp, người sẽ khổ. Buông bỏ tất cả thì chẳng cần phải lo toan gì nữa. Đời sống ở thế gian này đau khổ như thế, biết bao nhiêu ai oán gào thét thấu tận trời xanh chỉ vì chấp mà ra. Chỉ có tâm từ, tâm bi, tâm hỷ, tâm xả mới đủ khả năng làm cho những tiếng gào thét kia im tiếng. Người thường ngồi than vãn hơn là thực tập sự thánh thiện. Đơn giản vì người đang sợ hãi, đang khốn đốn, đang hớt ha hớt hải, không biết rõ chuyện gì đang xảy ra với mình. Kẻ thù của chúng ta không phải là con người mà là tâm sân, tâm tham, tâm si, tâm ngã mạn, tâm tà kiến. Mình nói người kia làm khổ mình. Nếu quán chiếu kỹ, mình thấy người có nhiều tham, sân, si, nên nói giận người tức là giận cái tham, cái sân, cái si. Quay lại nhìn bản thân, mình cũng có cái tham, cái sân, cái si giống như vậy, cho nên giận người có khác nào giận mình đâu. Nếu kiểm soát được các tâm bất thiện, để các tâm thiện phát triển, người kia có làm cái gì đi chăng nữa, mình vẫn an nhiên như thường. Một học trò nói sách của tôi chỉ là lý thuyết thôi, chẳng áp dụng được gì đâu bởi vì nó không thực tế. Chẳng trách được vì người có bao giờ tập được tâm bi, tâm từ đâu mặc dù chúng đã có sẵn trong người. Người để cho bực tức, mệt mỏi điều khiển người bấy lâu nên người chỉ biết đón nhận khổ đau và thờ ơ trước thực tại hạnh phúc. Cầu cho người có đủ phước báu để nhận ra con đường mình cần phải đi.
Ma vương luôn che mờ sự sáng suốt của người. Tâm từ phải rải đến cả ma vương nữa. Ma vương có nhiều đau khổ vì không thể chịu nổi những lời từ ái hay trạng thái tĩnh lặng. Người sợ sự tu tập đến nỗi chỉ mới nghe một tiếng chuông thôi, thân tâm đã co rúm lại. Người thường xuyên uống rượu bia, bây giờ bắt không nên uống nữa, chắc là sợ hãi lắm vì đã bị cái sung sướng ảo của rượu bia sai sử và làm chủ mất rồi. Người thoát được sẽ hạnh phúc, không thoát được sẽ đau khổ thôi. Biết hút thuốc lá sẽ gây ung thư phổi nhưng vẫn cứ hút. Vậy đâu phải thuốc lá làm người bệnh tật mà do cái tham và cái si của người làm người bệnh thôi. Tham và si chiếm hữu lấy người và tu là đập tan cái tham cái si đó. Tham là khổ nên rải tâm bi là rải đến cái tham đó, không hẳn là rải đến đối tượng. Thương lấy cái tham để cái tham trở nên từ bi hơn. Đề Bà Đạt Đa ám hại đức Phật vì người đã có ý niệm về Phật, đó là minh chứng cho sự sợ hãi trước tĩnh lặng. Im lặng đến sấm sét cũng phải sợ, trận cuồng phong cũng phải lùi. Sự im lặng khiến đau khổ chán chường, không dám ra oai nữa. Đề Bà Đạt Đa làm sao hiểu nổi trên thế gian này lại có người tĩnh lặng đến thế, cái tĩnh lặng mà ngay cả ma vương cũng không thể chịu nổi mà cứ liên tục yêu cầu đức Phật nhập Niết Bàn cho rồi. Đây gọi là tà tư duy.
Tâm bi rải đến hằng hà chúng sanh, nguyện bao nhiêu đau khổ đều tiêu tan hết. Nếu người hằn học vì đau khổ thì người cứ hằn học, tôi đã chỉ cho người mà người không nghe thì người phải tự gánh chịu. Tôi sẽ tiếp tục sứ mệnh của mình chia sẻ tâm bi đến người cởi mở, biết tu tập, biết xoa dịu niềm đau. Đến lúc nào đó khi nhân duyên đầy đủ, người sẽ đủ sức lắng nghe và bươn chãi. Tâm bi rải đến đâu, chúng sanh thoát khổ và giải thoát đến đó. Đừng để cho đau khổ xử bắn người, đừng sập bẫy của lưới giăng đau khổ. Đức Phật đã đạt quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác vậy mà còn phải trả nghiệp, huống chi là chúng sanh mê muội. Chánh niệm về tâm bi thì phải chánh niệm về đối tượng đau khổ. Không có đau khổ thì không có tâm bi được. Tâm bi rải ra cho ai khi mà chẳng ai đau khổ cả. Đây là một trong cách giải thích vì sao phải trân quý khổ đau. Giống như người bệnh, nhờ có bệnh nên mới trân quý sức khoẻ thế nào.
Kệ Tâm Sở Bi
Xót thương những khổ đau
Là biểu hiện tâm bi
Giúp người mau hành trì
Mặc cho sóng dâng trào.
Có nhiều nỗi bất an
Hãy tập sống đàng hoàng
Rải tâm bi khắp chốn
Mọi phiền não tiêu tan.
Mong muốn cứu giúp người
Tình thương chẳng đầy vơi
Hãy tự cứu lấy mình
Một tâm thiện rạng ngời.
Dù thân mạng không còn
Hay kiếp sống héo hon
Như bầu trời cao rộng
Tình thương khắp ruộng đồng.
Thực hành tâm Bồ tát
Niềm tin yêu bát ngát
Đường đời vẫn an nhiên
Dù khổ đau hiện tiền.
Phật Pháp Ứng Dụng chân thành cảm tạ Thiền giả Minh Thạnh đã cho phép chúng tôi sử dụng bài viết để trích đăng trên Website. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu đến quý độc giả.
TG.Minh Thạnh
http://sachminhthanh.wordpress.com
Theo Phật Pháp Ứng Dụng