26. Tâm Sở Xả – Tĩnh Lặng Như Địa Đàng – Bảo Hiểm Tâm
Tĩnh Lặng Như Địa Đàng
Tâm xả là sự bình thản hay quân bình của tâm thức trước những hiện tượng đang xảy ra bên trong lẫn bên ngoài. Người có những trạng thái buồn, trạng thái vui và trạng thái không buồn không vui. Nếu xem buồn hay vui đều như nhau thì không còn phân biệt gì nữa, cho nên có thể hiểu xả là không còn phân biệt nữa. Trong bốn tâm vô lượng, xả là tâm thứ tư. Theo đó, tâm từ, tâm bi, tâm hỷ là ba tâm hướng đến cảnh hay hướng đến chúng sinh, ngược lại tâm xả được thực tập và phát khởi mà hành giả hướng về mình. Người đôi khi chịu sự tác động bởi cảnh nhưng nhờ tâm xả mà cảnh đó không chi phối người. Chúng sinh chẳng có gì để sở hữu, ngay cả tấm thân này, sự nghiệp này, nhà cửa này, vợ con này, tất cả đều do vay mượn và nương nhờ. Chỉ có nghiệp mới là sở hữu của người, dù nghiệp tốt hay không tốt, vẫn đi theo người như hình với bóng.
Tâm xả không có nghĩa là không chịu quan tâm hay bỏ mặc rồi trở nên vô cảm. Xả là bổn phận và cũng là trách nhiệm. Bổn phận vì cảnh có thể tác động xấu đến người nhưng do quán chiếu được tính vô thường, vô ngã và Niết Bàn của cảnh, người thấy an nhiên tự tại, nên không cần thiết tác động đến cảnh. Trách nhiệm vì cảnh có thể tàn lụi và chúng sinh trong cảnh đó sẽ tàn lụi theo nên người hướng dẫn để chúng sinh thôi không bươn chãi trong đó nữa. Nói tâm từ, tâm bi, tâm hỷ chẳng liên quan gì đến tâm xả thì chưa chính xác lắm, ngược lại chúng có liên hệ tương tức cái nhau, cái này hỗ trợ cái kia và vì có nhau, các tâm đều đồng loạt làm tiền đề lẫn nhau. Tâm từ là chia sẻ tình thương với chúng sinh, nhờ thế người không tác động cảnh, để nó tự nhiên như thế, đó là yếu tố xả của tâm từ. Tâm bi là hiểu rõ nỗi khổ của chúng sinh và phát nguyện cứu giúp chúng sinh, đồng thời ý thức được tạo ra cảnh đó sẽ gây khổ đau nên người không góp phần vào tạo dựng khổ đau nào nữa, đó là yếu tố xả của tâm bi. Tâm hỷ là vui với cái vui của người, giống như lấy hạnh phúc của người làm hạnh phúc của mình và dĩ nhiên cái vui này diễn ra tự nhiên không hề có sự tác động nào cả, tính tự nhiên này là yếu tố xả của tâm hỷ. Tâm này có trong tâm kia và làm điều kiện cho một loại tâm biểu hiện. Có thể nói ba tâm đầu của bốn tâm vô lượng giúp cho tâm xả biểu hiện và là hoa trái của thiền định. Ba tâm đầu giống như giữ giới hay thực tập giữ giới để tình thương đủ lớn rồi đến lúc nào đó tránh xa được hai cực đoan của sự yêu thương và sự oán ghét. Xả là không còn yêu thương cũng không còn oán ghét vì tâm đã tìm về trạng thái vắng lặng, chỉ biết, nắm bắt và ghi nhớ mà thôi. Oán ghét là một sự dính mắc mà yêu thương cũng là một sự dính mắc. Buông bỏ cả yêu thương và oán ghét, người không còn âu lo gì nữa cả, không còn mất thì giờ suy xét người kia thương mình hay ghét mình hoặc mình nên thương hay ghét người kia. Xả có tính chất của sự đồng đều, ai cũng đối xử như nhau không phân biệt.
Thường xuyên hằng phát khởi bốn tâm vô lượng là người có trái tim không biên giới vì không giới hạn tình thương với bất cứ chúng sinh nào về thời gian lẫn không gian. Người trở nên cao thượng vì chỉ một tâm thôi, rất ít người có thể làm được và nếu làm được người mang tâm Bồ Tát, là bậc thánh nhân. Con người thường bị khô cằn, nứt nẻ, héo hắt bởi sức nóng của tham lam, si mê, sân hận, ngã mạn, tà kiến. Nếu được tắm mát bằng tình thương đích thực, thấu hiểu đích thực, niềm vui đích thực và quân bình đích thực, người sẽ an lạc và thảnh thơi. Nói đến Bồ Tát Quán Thế Âm là nói đến tình thương, lắng nghe, nhẫn nhục. Nói đến ma vương là nói đến sự tham đắm, dính mắc, kỳ thị. Chỉ có vậy thôi, người có thể tự đánh giá bản thân là Bồ Tát hay ma vương. Một cuộc sống hiền lương lúc nào cũng được đánh giá cao, đơn giản không cầu thị nhưng tinh thần lúc nào cũng thoải mái nhẹ nhàng. Người thánh thiện vì người là bậc thánh của những điều thiện như suy nghĩ thiện, hành động thiện, lời nói thiện và hoan nghênh những điều thiện đó. Người bất thiện thì thấy người khác làm điều thiện còn khó chịu, thậm chí tìm cách ngăn cản và cho là ngu si, là lý thuyết nữa. Vô lượng là quảng đại, rộng rãi, bao la, to lớn, chứa đựng tất cả, ôm lấy tất cả. Nếu ôm một chúng sinh, cái ôm đó nhỏ lắm. Ôm tất cả chúng sinh, người giàu có chưa từng thấy và không cần phải tìm kiếm gì nữa. Người nghèo không có tài sản bố thí thì hãy bố thí bằng cách rải tâm vô lượng. Rải tâm từ, nguyện yêu thương tất cả chúng sinh. Rải tâm bi, nguyện thấu hiểu mọi khổ đau và giúp chúng sinh chuyển hoá khổ đau. Rải tâm hỷ, nguyện chúng sinh thân tâm luôn được an lạc. Rải tâm xả, nguyện chúng sinh luôn tĩnh lặng trong mọi trường hợp.
Rải tâm từ là để tâm thức thấm nhuần trong tình thương bao la. Tình thương không có biên giới, chỉ tại lòng người hạn hẹp mà thôi. Kẻ thù của chúng ta không phải là con người, không là sinh vật thực vật nào, chỉ tại tâm người chưa đủ yêu thương nên lúc nông lúc sâu. Muốn rải tâm từ đến ai, hãy hướng đến người đó, trở thành một với người đó, thay mặt người đó mà phát khởi tâm từ. Rải như thế nào mà không thấy mình là người rải, không thấy người đó là người nhận và cũng chẳng thấy tâm từ nữa, chỉ thấy tình thương trào dâng như thác lũ, chỉ muốn ban tặng chứ không muốn thu vào. Có thể đọc bài Kinh Rải Tâm Từ, một đoạn trong đó như sau : Nguyện chúng sinh khắp mười phương không oan trái lẫn nhau, không có khổ thân, không có khổ tâm, thân tâm luôn được an lạc, nếu chúng sinh đến khổ, xin đừng cho có khổ, nếu chúng sinh đến sợ, xin đừng cho kinh sợ, nếu chúng sinh đến thương tiếc, xin đừng cho thương tiếc, bác ái đến chúng sinh, từ bi không biên cương. Chị tôi một lần hướng dẫn tôi rải tâm từ cho cơn mưa và nhờ năng lượng của cơn mưa mà mang tình thương khắp chúng sinh. Hãy quỳ xuống, hướng về cơn mưa, niệm Bồ Tát Quán Thế Âm, nguyện cơn mưa biến thành mưa cam lộ, từng hạt mưa là từng giọt nước cam lộ của Bồ Tát Quan Thế Âm, mưa rơi tới đâu, chúng sinh sống an lành, biết tu tập và giải thoát đến đó. Cách thực tập này rất hay, năng lượng từ bi phát khởi như vũ bão, người và cơn mưa trở thành một, đi vào cơn mưa tiếp xúc với hằng hà sa số chúng sinh. Cách thứ ba là rải tâm từ theo tiếng chuông. Hành giả quỳ xuống, niệm danh hiệu Bồ Tát Địa Tạng và đọc bài kệ trước khi thỉnh chuông. Kệ Thỉnh Chuông như sau : Nguyện tiếng chuông này – Vang khắp pháp giới – Tiếng chuông vừa tới – Mọi loài đều nghe – Thân tâm khoẻ nhẹ – Vượt thoát tử sanh – Hơi thở an lành – Hướng về giác ngộ. Tình thương của người đi theo tiếng chuông, làm phát khởi năng lượng to lớn, hỗ trợ chúng sinh tu tập và mau giải thoát lên bờ giác ngộ.
Muốn rải tâm từ thì người phải có tâm từ mới rải được, còn tâm đang tán loạn mà rải thì đồng nghĩa với rải cái tán loạn đi. Người có nhiều cơn giận, bực tức trong lòng, cơ thể nóng như sa mạc khô cằn, chỉ cần rải tâm từ cho chính mình, người như hứng trận mưa cam lộ, mát mẻ cả thân tâm. Khi bản thân đầy dẫy tâm từ, người hướng đến người muốn rải và bằng năng lượng mạnh mẽ, người kia sẽ cảm thấy bình an, nhiều niềm vui xuất hiện và bất giác nụ cười nở trên môi. Tham sân si ngủ ngầm trong tâm thì từ vẫn ngủ ngầm trong tâm. Ngay cả kẻ ác nhân nhất vẫn có tâm từ, chỉ tại người chối bỏ và xua đuổi tâm từ mà thôi. Dưới đây là bài kinh rải tâm từ đầy đủ :
Kinh Rải Tâm Từ
Xin nguyện cho tất cả
Chúng sanh trong hướng đông
Không oan trái lẫn nhau
Luôn được sự yên vui.
Xin nguyện cho tất cả
Chúng sanh hướng đông nam
Không oan trái lẫn nhau
Luôn được sự yên vui.
Xin nguyện cho tất cả
Chúng sanh trong hướng nam
Không oan trái lẫn nhau
Luôn được sự yên vui.
Xin nguyện cho tất cả
Chúng sanh hướng tây nam
Không oan trái lẫn nhau
Luôn được sự yên vui.
Xin nguyện cho tất cả
Chúng sanh trong hướng tây
Không oan trái lẫn nhau
Luôn được sự yên vui.
Xin nguyện cho tất cả
Chúng sanh hướng tây bắc
Không oan trái lẫn nhau
Luôn được sự yên vui.
Xin nguyện cho tất cả
Chúng sanh trong hướng bắc
Không oan trái lẫn nhau
Luôn được sự yên vui.
Xin nguyện cho tất cả
Chúng sanh hướng đông bắc
Không oan trái lẫn nhau
Luôn được sự yên vui.
Xin nguyện cho tất cả
Chúng sanh trong hướng trên
Không oan trái lẫn nhau
Luôn được sự yên vui.
Xin nguyện cho tất cả
Chúng sanh trong hướng dưới
Không oan trái lẫn nhau
Luôn được sự yên vui.
Xin nguyện cho tất cả
Chúng sanh trong khắp nơi
Bốn phương và tám hướng
Ba giới và bốn loài
Chư Thiên và Phạm Thiên
Không oan trái lẫn nhau
Luôn được sự yên vui
Không có khổ bệnh hoạn
Luôn rộng rãi tình thương
Luôn thành tựu đầy đủ
Luôn sống lâu an vui
Hạnh phúc mãi tràn đầy.
Chúng sanh nếu đến khổ
Xin đừng cho có khổ
Chúng sanh nếu đến sợ
Xin đừng cho kinh sợ
Chúng sanh nếu thương tiếc
Xin đừng cho thương tiếc.
Bác Ái đến chúng sanh
Từ Bi không biên cương.
Quả thật, từ và bi là hai tâm không biên cương, tức là không bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Về không gian, tâm từ được rải không phân biệt vị trí, quốc độ, đối tượng. Về thời gian, tâm từ được rải trong quá khứ, hiện tại, vị lai đến vô lượng kiếp. Tâm từ lấn át những tâm gây khổ đau và chuyển hoá chúng mang các yếu tố từ. Người và chúng sanh là một, nhìn thấy chúng sanh cũng là nhìn thấy mình vì tất cả chúng sanh đều cùng bản thể không hề sai biệt nên nói rải tâm từ cho chúng sanh, thực ra là rải tâm từ cho chính mình. Việc rải tâm từ là nuôi dưỡng những hạt giống lành trong người, đã nói là hạt giống thì phải nuôi dưỡng và khi các hạt giống lành phát triển, các hạt giống không lành sẽ ngủ yên. Không phải người xua đuổi điều ác mà điều ác xa lánh người mà người thực tập sự bình thản trước điều ác, sẽ thấy điều ác là điều kiện giúp người làm bài tập rải tâm từ. Nguyện cầu người thương con lẫn người không thương con đều sống an lành, tu tập giải thoát và mau sớm đắc quả vị Phật. Người ôm lấy muôn loài, thấy muôn loài là phản ánh của chính mình. Trong nhân tướng học, có câu « tâm sinh tướng », tướng đẹp do có tâm đẹp. Từ khi sinh ra đức Phật đã có ba mươi hai tướng tốt, đó là do thực hành tâm đẹp trong muôn lượng kiếp.
Tâm bi là tâm thương xót chúng sanh phải chịu khổ đau và mong muốn chúng sanh thoát khổ. Khổ đau đẫy dày trong thế gian, chìm đắm thế gian như nước biển. Lòng ước nguyện người thoát khổ, vượt qua bờ bên kia là biểu hiện cao cả của tâm bi. Nhìn người đau khổ mà bản thân chịu không nổi, như ai đó cứa vào da thịt của mình, bi lớn nhanh như thổi khiến người phát nguyện chịu khổ thay cho chúng sanh, vì chúng sanh mà chấp nhận mọi khổ nạn. Bồ Tát Quán Âm cứu khổ chúng sanh, nguyện mọi khổ đau đều tan nát như vi trần. Rải tâm từ thì phải rải tâm bi, nguyện chúng sanh « nếu đến khổ, xin đừng cho có khổ, nếu đến sợ, xin đừng cho kinh sợ ». Nếu cái khổ đến, xin cho cái khổ ấy tan nát như vi trần, nếu cái sợ đến, xin cho cái sợ ấy tan nát như vi trần. Lời nói chê bai trong tình trạng khổ đau hết sức nguy hiểm, sẽ làm gia tăng nghiệp. Thấy người khổ đau, đừng tưởng rằng khổ đau đó không đến với mình. Cháy rừng ở Úc chắc chắn ảnh hưởng đến sinh thái của cả Địa Cầu. Người khổ đau, mình chắc chắc không nằm ngoài phủ sóng. Rải tâm bi để giúp người đau khổ hưởng được năng lượng bình an, như tuới một cây con giúp cây ấy phát triển lớn mạnh. Người sống đời thực vật, không còn cảm giác gì nhưng vẫn còn sự sống, sự sống nhỏ bé thế nào cũng phải bảo vệ. Không có cái gì gọi là quyền ban phát cái chết được. Nếu cầu nguyện, nguyện cho người bệnh đó mau trút hơi thở cuối cùng để thân tâm thêm nhẹ nhàng, đó là cầu nguyện sai lầm vì khiến cho người đó đã đau càng đau thêm. Cần rải tâm bi như thế này, nguyện cho người đó vượt qua khổ đau, cái đau không làm hại người đó và nhanh chóng tan biến, hơi thở hồi sinh, sự sống trào dâng, nguyện người mau tỉnh lại, tu tập an lạc giải thoát ngay trong đời sống này. Cái gọi là quyền được chết mà luật pháp một số quốc gia công nhận là hành động sát sinh, không thể mang đến an lạc cho người bệnh mà còn làm gia tăng nghiệp của cả hai phía.
Nhìn thấy đau khổ, người mong muốn giảm bớt khổ đau hay giúp người vơi đi khổ đau hay chia sẻ các phương pháp thực tập để người thoát khổ. Ý thức được khổ đau có thể to lớn chịu không nổi, người quyết chí giải trừ khổ đau, không làm cho ai khổ đau, lên tiếng gọi chấm dứt khổ đau và hành động để xóa tan khổ đau. Không làm ai khổ là giúp người. Lên tiếng gọi chấm dứt khổ đau là giúp đời. Hành động để xoá tan khổ đau là giúp chúng sanh. Mọi thứ đều bắt đầu từ tâm bi. Muốn làm được thế, phải quán chiếu khổ đau của người có sự tương tức với mình, không hề nằm ngoài mình. Người bệnh đau tim, cái đau đó là cái đau của mình vậy. Chúng sanh đều là con cháu và cha mẹ của nhau nên cái đau của người này là cái đau của người kia. Thấu hiểu như thế, người mau chóng thực tập tâm bi chân chánh.
Tâm hỷ (Mudita cetasika) là sự vui mừng khi thấy người thành công, hạnh phúc, viên mãn, thành tựu, hoàn thiện, tu tập, tiến bộ, giải thoát. Sự thành công của người làm giàu có cho xã hội, mang đến nhiều lợi lạc cho nhân loại, nhìn thấy điều đó, người hãy mừng vui lên. Tôi thích câu « I’m so proud of you » mà người Mỹ dành cho con cái của họ, đó là lời khen tặng, có sức mạnh khuyến khích thúc đẩy rất lớn. Niềm hạnh phúc của người làm cho nhân loại bình an, có hoà bình. Còn gì bằng nghe những tiếng cười của mọi người. Mấy bữa nay nghỉ bệnh không đi dạy học, vậy mà tôi thèm nghe tiếng của học trò, thèm nghe các trò cười. Tiếng cười nói huyên thuyên của các trò trở thành thứ thuốc phiện đối với tôi. Nhiều đứa ngồi kể tôi nghe mấy bữa nay học hành thế nào, công việc ra sao hay, tu tập tiến bộ hay không, vậy mà lòng tôi ấm áp lạ lùng. Học trò là hạnh phúc nên tôi trân quý sự có mặt của các trò. Sự viên mãn của người là đóng góp cho bản thân, cho gia đình người. Điều đó làm đôi mắt người sáng lên, người nở nụ cười thật tươi, đẹp như mặt trời lên từ biển xa xôi. Người hãy vui vì điều đó. Sự thành tựu của người làm biết bao người hãnh diện. Hãy bỏ đi những cố chấp, buông bỏ cái bản ngã mong manh mà đón nhận thành tựu của người. Chắc chắn người vẫn còn nhiều hiềm giận, ganh ghét, ích kỷ, san tham nhưng hãy dừng lại, mừng vui với sự tu tập, tiến bộ và giải thoát. Một số người thấy người tu là chịu không nổi, đó là biểu hiện của sự sợ hãi, sợ đạo đức, sợ tiến bộ, sợ giải thoát. Rải tâm hỷ là trước hết phát khởi niềm vui trong người, tức là ban phát niềm vui đến chính người rồi đến chúng sanh, nguyện chúng sanh luôn được giàu sang, luôn được hạnh phúc, luôn được vui vẻ. Bồ Tát Di Lạc là hiện thân của tâm hỷ. Ngài thường xuyên mỉm cười và nụ cười đó là vui với cái vui của chúng sanh, mừng với cái mừng của chúng sanh.
Khi chứng kiến sự thành tựu trong hỷ lạc của chúng sanh, đừng đánh mất cơ hội đó mà rải tâm hỷ, nguyện rằng niềm vui đó được kéo dài mãi mãi, đồng đều nhau cả thảy. Năm nay có kỳ World Cup, một đội bóng thua trận, đội này buồn lắm, đau khổ thể hiện trên gương mặt của các cầu thủ. Lúc này hãy rải tâm từ và tâm bi. Đội bóng kia thắng trận, niềm hoan hỷ thể hiện trên gương mặt của đội, ban huấn luyện và công chúng. Lúc này hãy rải tâm hỷ để niềm vui đó bền lâu. Chánh niệm về tâm từ biết tâm từ đang phát khởi và lập tức rải tâm từ. Chánh niệm về đối tượng để biết đây có phải là thời điểm cần thiết rải tâm từ hay không, hay nên rải tâm bi, tâm hỷ. Chánh niệm về tâm bi biết tâm bi đang phát khởi và lập tức rải tâm bi. Chánh niệm về tâm xả biết tâm xả đang phát khởi và lập tức rải tâm xả. Khi rải tâm , hãy nghĩ về đối tượng, quán chiếu người và đối tượng là một, thì hiệu lực rải tâm rất mạnh, đem lại nhiều hạnh phúc và lợi lạc cho đối tượng được quán chiếu.
Tâm xả (Upekka cetasika) là sự quân bình, thăng bằng, tĩnh lặng. Người nhìn muôn hình vạn trạng sự vật bằng tâm bình thản, đứng đắn, không thiên vị, không dao động. Đây có thể được cho là sự tuyệt đối của không phân biệt. Cái đau và cái dễ chịu cũng vậy thôi, không oán ghét khổ đau và cũng không hả hê với dễ chịu. Thương và ghét cũng vậy thôi, không lôi kéo cái thương và cũng không xua đuổi cái ghét. Người là biểu hiện của nghiệp. Dù sanh về cõi nào, nghiệp vẫn chi phối tất cả cho đến khi hoàn toàn giải thoát. Người đẹp cũng do nghiệp, người xấu cũng do nghiệp, vậy bình thản với cả cái xấu lẫn cái đẹp. Cái xấu không làm người mặc cảm và cái đẹp không làm người kiêu ngạo. Khi rải tâm từ đến người đang đau khổ giúp người sống an lạc và tâm mát mẻ với đau khổ của người, đồng thời những thiện nghiệp xa xưa hội tụ lại giúp người có đủ thuận duyên tu học. Bản thân muốn thoát khổ, người phải lo tu tập để chuyển nghiệp. Điều này cho thấy tự tu thì tự ngộ và có tu thì mới ngộ được. Nhiều người chỉ nghe vài câu kinh mà đã có thể đắc đạo là vì đã tu hằng hà sa số kiếp, nên đã chứa sẵn đại tạng kinh trong tâm, chỉ cần một cái gõ mạnh trợ duyên là có thể thành tựu. Người có nhiều ác nghiệp có xu hướng đi về nẻo ác, nhưng nếu biết tu sức mạnh của nghiệp ác sẽ giảm đi. Người có nhiều thiện nghiệp sẽ đi về nẻo thiện và có nhiều điều kiện để tu tập. Người thực tập tâm xả không còn phân biệt ác nghiệp và thiện nghiệp. Nghiệp nào thì cũng vậy thôi, đã còn nghiệp thì vẫn phải trả, dù là ác hay thiện. Người không thể tu dùm để người kia giải thoát, nhưng vì biết cách thực tập, người phải thực tập miên mật để đủ sức chia sẻ, lúc đó mới giúp mình giúp đời được.
Bốn tâm vô lượng, còn gọi là bốn tâm không biên giới, biểu hiện sự cao thượng, trước hết là thay đổi cách suy nghĩ của người, rồi biết cách giữ giới, sau đó chia sẻ tình thương đến tất cả chúng sanh. Buổi sáng thức dậy, ngồi nhìn tia nắng chiếu trên thềm, nhâm nhi chén trà, lắng nghe sư cô Tâm Tâm giảng về Vi Diệu Pháp, thân tâm thường lạc, rải bốn tâm vô lượng đến từng hạt nắng, người sẽ thấy khoảnh khắc bình an. Tâm rải đến hạt mưa, rải đến hạt nắng cũng là điều nhắc nhở thường xuyên thực tập tình thương không biên giới. Sau bao số kiếp, người đã dung túng và hun đúc quá nhiều tâm bất thiện, vậy bây giờ hãy phát nguyện và thực hành bốn tâm vô lượng, đồng thời tiếp tục như thế đến hằng hà sa số kiếp sau. Thực hành nhưng không thấy người đang thực hành, ấy mới đích thực là thực hành vậy. Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Như Lai Phật. Đệ tử hôm nay ngồi dưới Phật đài, xin nguyện không trụ quá khứ, hiện tại và vị lai, thành tâm tri ân công đức không thể nghĩ bàn của tất cả chư Phật đã vì chúng con mà chuyển pháp luân. Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Như Lai Phật. Đệ tử hôm nay ngồi dưới Phật đài, xin nguyện phát tâm bồ đề, thành tâm thực tập bốn tâm cao thượng không thể nghĩ bàn mà tất cả chư Phật đã vì chúng con mà chia sẻ. Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Như Lai Phật. Đệ tử hôm nay ngồi dưới Phật đài, xin nguyện rải bốn tâm vô lượng, thành tâm ghi nhớ tình thương không biên giới của tất cả chư Phật đã vì chúng con mà ban phát không ngừng nghỉ.
Đây là một làn sóng tâm, chảy ngút ngàn xuyên qua quá khứ, hiện tại và vị lai, không trụ lại bất cứ nơi đâu, bao nhiêu phiền lụy tiêu tan hết, bao nhiêu bình an cứ thế mà tuôn chảy mãi không thôi. Ở đâu có người phát bồ đề tâm, ở đó có chấn động. Chấn động biểu hiện là do làn sóng tâm từ, tâm bi, tâm hỷ, tâm xả dâng lên ngùn ngụt, làm tan nát những khổ đau. Người đau khổ, người kêu trời, kêu Phật, kêu cha mẹ, nhưng bây giờ hãy kêu tâm từ, tâm bi, tâm hỷ, tâm xả trong mình. Cầu nguyện có hiệu lực là cầu nguyện từ chính bốn tâm vô lượng trong mình. Da thịt này có thể tan chảy, hoàn cảnh này có thể khổ đau tột cùng, địa ngục này có thể lan rộng, nhưng chỉ cần một giọt nước cam lộ của bốn tâm vô lượng, vết thương được chữa lành, khổ đau được hàn gắn, bất cứ địa ngục nào cũng đều tiêu tan. Hãy ngồi xuống mà mỉm cười đi. Có cái gì gọi là thịt nát xương nan nữa đâu ? Có cái gì gọi là khổ đau chồng chất nữa đâu ? Có cái gì gọi là địa ngục nữa đâu ? Trái tim không biên giới ôm lấy muôn loài, đã ôm hết thì có chi mà than vãn nữa. Người chưa bao giờ được thương, vậy hãy thương người. Người chưa bao giờ được thấu hiểu và thông cảm, vậy hãy lắng nghe và chia sẻ với người. Người chưa bao giờ được vui và hạnh phúc, vậy hãy mang niềm vui và hạnh phúc đến người. Người chưa bao giờ được tĩnh lặng và tự tại, hãy mang bình an và nụ cười thanh thoát đến người. Người không phải là những tín đồ mà là những hành giả, thực tập liên tục không ngừng nghỉ. Hãy học theo hạnh của đức Phật Dược Sư, người đã hành không biết bao nhiêu hạnh Bồ tát, thực tập không biết bao nhiêu hạnh Phật và cứu giúp không biết bao nhiêu chúng sanh, vậy mà người vẫn cứ đi như thế. Mặt trời, mặt trăng có thể rơi xuống, đỉnh núi Everest có thể lay động và sụp đổ nhưng con đường người hành trì chánh pháp sẽ không thể thay đổi.
Kệ Tâm Sở Xả
Tâm Xả là bình thản
Mọi việc đều nhẹ nhàng
Khổ đau hay hạnh phúc
Tĩnh lặng như địa đàng.
Con người từng tạo nghiệp
Dung túng vô số kiếp
Không ghét cũng không thương
Cùng nhau mà đi tiếp.
Người phát bồ đề tâm
Nơi đó có chấn động
Những khổ đau chất chồng
Tan nát như vi trần.
27. Tâm Sở Chú Tâm – Hành Trì Thanh Tịnh – Bảo Hiểm Tâm
Hành Trì Thanh Tịnh
Khi chú tâm đến một đối tượng nào đó thì tâm sở chú tâm khởi lên, tâm thức tràn ngập đối tượng được chú tâm. Người có thể trở thành đối tượng mà mình chú tâm. Chú ý đến một bông hoa, người trở thành bông hoa đó, chú ý đến em bé, người trở thành đứa bé đó. Có câu mình là cái mình nghĩ là như vậy. Không phải có một sự vật bên ngoài đi vào trong tâm thức rồi hoán chuyển bản thân mà trong giây phút ấy, đối tượng choán ngợp tâm khiến cho tâm không còn để các đối tượng khác chen vào nữa. Sự chú tâm là điều cơ bản giúp tâm an trú trên đối tượng. Chưa cần biết đối tượng đó như thế nào nhưng trước hết tâm tạm thời không đi lang thang. Do có chú tâm, người có thể niệm được và niệm miên mật, phẩm chất chú tâm tăng cao. Niệm Bồ Tát Quan Thế Âm, người không đem Bồ Tát từ ngoài đi vào mà chỉ khởi xướng bản chất Quan Âm của người mà thôi. Bản chất này có sẵn trong mình, khi có đủ điều kiện, nhất là điều kiện của sự chú tâm, bản chất đó sẽ phát triển mạnh mẽ. Xin đừng hiểu lầm chú tâm là mang hình ảnh từ bên ngoài vào, nó là sự quán chiếu, là sự an trú hay sự điều khiển tâm không bị lệch lạc chạy theo xu hướng miệt mài theo cảnh.
Một số tâm sở có thể phát khởi trong lúc chú tâm như tâm sở xúc, tâm sở niềm tin, tâm sở tỉnh giác, tâm sở tham lam, tâm sở sân hận, tâm sở thọ, tâm sở tri giác, tâm sở ý hành hay tâm sở mạng căn. Tâm sở tham lam hay tâm sở sân hận phát khởi là do tâm bị dính mắc vào cảnh hay bị cảnh chi phối, quên đi nhiệm vụ nhận diện đơn thuần của chánh niệm. Chỉ cần thêm mắm muối vào cảnh, tô điểm nó bằng ý kiến riêng thì cảnh bị mất đi bản chất thanh tịnh vốn có. Cảm giác về đối tượng là tâm sở thọ cũng vậy, cảm giác gì cũng phải ghi nhận, không phải khống chế cảm giác mà biết về nó để không chìm đắm, không bị sai khiến. Chú tâm đàng hoàng, người không bị hớt hải trong cảnh hay suy nghĩ. Chú tâm không đàng hoàng, người ngụp lặn trong thế giới ảo, mà thế giói ảo ở đây là gì, là sự tham đắm, là sân hận, là si mê, là nghi ngờ, là tà kiến, là kiêu ngạo, là khoe khoang. Chánh niệm về chú tâm để biết người đang chú tâm, biết đối tượng mình đang chú tâm. Không nhất thiết phải chuyển đổi đối tượng chú tâm. Các pháp đều thanh tịnh thì chú tâm bất cứ đối tượng nào cũng vậy thôi.
Kệ Tâm Sở Chú Tâm
Chú tâm một đối tượng
Người trở thành đối tượng
Ta với người là một
Cùng đi chung con đường.
Hãy chú tâm đàng hoàng
Cẩn thận thân, miệng, ý
Cuộc đời có mấy khi
Thanh tịnh nhớ hành trì.
28. Tâm Sở Tác Ý – Cho Đời Mãi Màu Xanh – Bảo Hiểm Tâm
Cho Đời Mãi Màu Xanh
Tác ý là khởi lên sự suy nghĩ hay có dự định về một sự việc nào đó. Biết rõ điều đang suy nghĩ, người sẽ không bị trôi lăn, bằng không người sẽ dính vào tiến trình trôi lăn đó. Ba đối tượng lớn nhất người thường nghĩ tới là nghĩ về các thú vui thể xác, nghĩ về sự hiềm giận, ganh ghét, và nghĩ về các phương cách làm hại kẻ khác. Nghĩ về các thú vui thể xác, người chăm chút cho thể xác của mình, tìm kiếm sắc đẹp và các hình thái thoả mãn sắc dục. Nghĩ về sự hiềm giận, người tiềm kiếm lời nói ác ngữ, mong mỏi trả thù và oan trái chồng chất. Nghĩ về sự làm hại, người thu thập các phương tiện nguy hiểm, chế tác bạo động và gieo rắc khổ đau. Ngược lại ba đối tượng thiện thường nghĩ tới là nghĩ về sự buông bỏ, nghĩ về tình thương và nghĩ về sự chia sẻ. Nghĩ về buông bỏ, người xa rời các hành vi luyến ái và không tìm kiếm các hành vi ấy. Nghĩ về tình thương, người thường xem xét khía cạnh bản thân xem đã thương được, đã chấp nhận được người làm mình khổ chưa. Nghĩ về sự chia sẻ, người luôn giúp đỡ kẻ khác trong hoạn nạn quên cả thân mình, đồng thời hướng về con đường phụng sự. Sắc dục có hằng hà sa số cái vòi bạch tuột và khi bị ít nhất một cái vòi bắt lấy, con mồi chỉ có chết. Người đam mê sắc dục thì thân tàn ma dại, tìm mọi cách để thoả mãn nhưng kỳ thực chẳng bao giờ thoả mãn cả. Tuy nhiên, nếu buông bỏ các loại ái dục, người trở nên nhẹ nhàng và khoẻ re, có nhiều thì giờ thực tập hạnh phúc, không phải mỏi gối chồn chân trong việc đi tìm đi kiếm nữa. Nanh vuốt của ái dục rất sắc, rất bén, một khi đã ngoạm con mồi, nó sẽ hút hết sức lực không bao giờ chịu buông tha. Người có tư tưởng độc ác như muốn chém giết, muốn hãm hại, muốn trả thù, muốn gây chiến tranh… và dù chỉ mới suy nghĩ thôi, họ đã toả ra thứ năng lượng nóng, hằn lên gương mặt và các bộ phận trong cơ thể cũng bị dày xéo. Bệnh tật dĩ nhiên sẽ phình ra và bệnh do tâm là như vậy.
Nếu tư tưởng độc ác kết hợp với sân hận sẽ hết sức nguy hiểm, giống như người thông minh nhưng tư tưởng hiểm độc thì chỉ có phá hoại. Dù cho sóng thần, động đất, bão tố, núi lửa cũng không bằng một cái tâm hiểm độc. Và nếu các thiên tai vừa kể xảy ra cùng một lúc và thêm lực cho nó hằng hà sa số lần cũng không bằng một tâm hiểm độc. Tâm ác nhấn chìm tất cả, thậm chí làm đen tối cả vũ trụ. Cũng vậy, tâm từ dù chỉ một giọt nhỏ bé cũng có thể rưới đầy mười phương, làm biến đổi cả vũ trụ, cho dù cái vũ trụ khó tính nhất. Vì tâm từ là chất liệu xây dựng nên thế giới, thế giới có mặt hay không là nhờ tâm từ. Nói vậy để thấy thế giới đi gần đến diệt vong là minh chứng cho loài người đầy dẫy tâm ác và cái năng lượng này làm khô héo sự sống. Trong tâm phát sinh tư tưởng mong muốn người khác được an vui, không có oan trái lẫn nhau, không có khổ thân, không có khổ tâm và thân tâm luôn được bình an. Chưa làm gì hết, chỉ mới phát tâm thôi, hạnh phúc đã ngập tràn và hạnh phúc này là vô biên. Một trong những ác tâm là thích ngược đãi kẻ khác. Chắc ai cũng biết câu chuyện về nàng Tấm bị dì ghẻ hành hạ hay bên Tây phương cũng có câu chuyện về nàng Cinderrela với nội dung tương tự. Nhưng rồi kết cục như thế nào, không nói chắc người cũng biết. Ở hiền thì sẽ gặp lành, nhưng cũng chẳng cần gặp lành làm gì, vấn đề là dù trong hoàn cảnh nào, người chỉ chuyên tâm ở hiền thôi. Tâm bi biết thương xót người bất hạnh, người đang gặp khó khăn hay đang khổ đau. Giúp cho một người bớt khổ, nỗi khổ trong mình cũng vơi dần. Đây là tâm bồ tát, không chỉ châm mẫm giải thoát cho riêng mình, mà còn phát nguyện giải thoát cho tất cả chúng sinh. Hạnh nguyện của bồ tát Địa Tạng là như thế, đem cái giải thoát của người làm cái giải thoát cho mình. Bản thân ngài chỉ muốn giải thoát sau cùng, hỗ trợ và nhường sự giải thoát cho các chúng sinh. Thật là một nguyện đẹp, có phải vậy không.
Người có đủ khả năng, thậm chí dư thừa để khởi tâm thiện và chỉ chuyên tâm vào việc đó thôi, đồng thời người cũng đủ khả năng và dư thừa không khởi tâm ác nữa. Chánh niệm giúp người ý thức đây là tâm thiện, đây là tâm ác và lựa chọn cách suy nghĩ đúng đắn. Làm người phải có sự nỗ lực, nhưng nỗ lực cho đúng chỗ. Tại sao có người chuyên trồng cây và tại sao lại có người chuyên đi chặt cây? Đơn giản vì hành động thể hiện cái tâm của họ. Nuôi dưỡng tâm thiện, mình sẽ là cái thiện, nuôi dưỡng tâm ác mình sẽ là cái ác. Mình chính là cái mình suy nghĩ, mình nói, mình hành động, mình tác ý ra.
Kệ Tâm Sở Tác Ý
Khởi lên sự suy nghĩ
Dự định một sự việc
Là tâm sở tác ý
Điều thiện hay bất thiện.
Biểu hiện của tâm ác
Là sân hận hiểm độc
Biểu hiện của tâm thiện
Là tâm từ tâm bi.
Chánh niệm có ý thức
Nuôi dưỡng hạt giống lành
Trở thành con người tốt
Cho đời mãi màu xanh.
29. Tâm Sở Toại Ý – Ôi Giáo Pháp Nhiệm Mầu – Bảo Hiểm Tâm
Ôi Giáo Pháp Nhiệm Mầu
Toại ý là sự thoả mãn của tâm, còn gọi là mãn ý. Hỷ lạc không phải là toại ý vì toại ý nhiều khi mang tính chất của dục. Cái thân tác động đến cái tâm rất nhiều và ngược lại, nên sự toại ý cũng vậy, dễ dàng chiều theo nhau. Tâm này cũng chịu ảnh hưởng bởi người tôn thờ cái ngã, phù hợp với tiêu chí của mình thì mãn nguyện, bằng không thì bất mãn. Bất mãn đối nghịch với hài lòng nhưng nếu nhìn kỹ tính chất mãn nguyện là nguyên nhân dẫn đến sự bất mãn do đòi hỏi muốn được hài lòng. Toại ý chân thật giúp người mong muốn tìm kiếm sự chân thật và an trú trong chân thật đó. Ngược lại, người dính mắc vào các mong muốn mơ hồ, không bao giờ toại ý như người tưởng tượng. Thật như thế, có những thoả mãn do tưởng tượng ra hay không chắc chắn vì muốn chứng tỏ với người khác là mình đang hạnh phúc, trong khi khổ đau lấp đầy. Nếu lòng mong muốn tìm kiếm sự chân thật và đạt được sự chân thật đó thì sự thoả mãn đích thực hơn và hạnh phúc cũng đích thực hơn. Tuy nhiên đây vẫn là một sự đòi hỏi, tính chất đích thực vẫn chưa nằm trong sự tột đỉnh. Toại ý đích thực chính là không cần toại ý vì mọi vạn vật đều nằm ở mức độ toại ý tột đỉnh rồi, chỉ tại tâm người dao động nên không lấy làm thoả mãn mà thôi.
Xét về mức độ tu tập, người nên chế tác các thoả mãn chân thật như mãn nguyện lúc nghe pháp, lúc pháp đàm, lúc thiền tập. Khi các thứ này nhuần nhuyễn, mình đem việc thực tập mãn nguyện vào các trường hợp khác như sợ hãi, bực tức hay tuyệt vọng… Tức là thoả mãn ngay cả trong lúc sợ hãi, thoả mãn về mức độ an nhiên trong tình huống đáng lẽ phải sợ hãi. Tu là tập, là sửa đổi và làm cái gì cũng cần kiên nhẫn, nếu không sự thực tập không những không đem lại hạnh phúc mà còn đem lại khổ đau và phản tác dụng. Mãn nguyện chân thật dẫn dắt mình chế tác các hành động chân thật, tu tập các pháp môn chân thật, hành xử chân thật và bản thân trở thành chân thật. Trong cái đau, người ta vẫn thấy mãn nguyện vì trong cái đau, người tìm được hạnh phúc, là thuận duyên cho sự tu học. Phiền não tức bồ đề, bồ đề tìm trong phiền não. Người sống trong hạnh phúc chưa chắc biết hạnh phúc. Người sống trong khổ đau có ý thức đón nhận hạnh phúc hơn và khi tiếp xúc được, người vô cùng trân quý nó. Toại ý chân thật là một thứ hạnh phúc đích thực, như bản thân là một người phụng sự và còn biết ơn cả người được phụng sự, đơn giản vì người kia cho mình cơ hội để phụng sự. Nếu làm phụng sự bằng tâm ái dục hay ngã mạn, người sẽ đau khổ và dễ dàng làm biến chất con đường phụng sự đang tươi đẹp. Chánh niệm về toại ý để biết người đang có hạnh phúc, đang thoả mãn và niệm chúng. Niệm hạnh phúc mới biết hạnh phúc có mặt để đón nhận, thậm chí chấp nhận. Đón nhận để không tự cao, biết mình cần có hạnh phúc để sống, để yêu thương. Chấp nhận vì hạnh phúc là vô thường, cần trân quý sự có mặt của nó, không tìm kiếm cái gì lạ lẫm nữa.
Tinh tấn rất quan trọng, nhất là tinh tấn để chế tác hạnh phúc trong mọi hoàn cảnh. Vì hạnh phúc dẫn đến sự toại ý nên muốn toại ý thì hãy biết hạnh phúc. Tuy nhiên, có những toại ý không phải có từ những hạnh phúc mà từ khổ đau, từ không hạnh phúc cũng không khổ đau, đấy là sự tự tại, an nhiên. Hạnh phúc có được từ sự buông bỏ dính mắc và đam mê, toại ý từ những việc như vậy. Hay mọi thứ đã tắt ngấm, người trở về trạng thái yên lặng và toại ý này mang tính chất tĩnh tại. Khi toại ý hiện tiền, thoả mãn như không thoả mãn vậy. Người quyết tâm và ý chí lớn, người xác lập lý tưởng cho bản thân. Cái lý tưởng này không phải để trở thành anh hùng, trở thành vị thánh nhân hay vị Phật nào, mà trước hết là xây dựng hạnh phúc ngay trong giờ phút hiện tại và nắm bắt bản chất hạnh phúc của thực tại. Các yếu tố dẫn đến toại ý cao thượng đều có thể thực tập như cúng dường cao thượng, bố thí cao thượng, hành thiền cao thượng hay phụng sự cao thượng. Cái cao thượng ở đây là làm cái cao thượng nhưng không cho là cao thượng và không bị kẹt vào cao thượng đó.
Kệ Tâm Sở Toại Ý
Toại ý là mãn nguyện
Tìm kiếm sự chân thật
An trú trong hạnh phúc
Từng giây sống đích thực.
Phiền não tức bồ đề
Hạnh phúc trong khổ đau
Ôi giáo pháp nhiệm mầu
Hãy tu tập trân quý.
Nhớ luôn luôn tinh tấn
Vui tươi mọi hoàn cảnh
Buông bỏ mọi dính mắc
Sống tự tại an nhiên.
30. Tâm Sở Hối Hận – Tỏa Ngát Bồ Đề Tâm – Bảo Hiểm Tâm
Tỏa Ngát Bồ Đề Tâm
Hối hận là tình trạng bối rối lo lắng về sân hận và cảm thấy nuối tiếc tại sao người để điều đó xảy ra. Có thể xem đây là một nhánh của tâm sân, tức sân phát khởi do không kiềm chế được bản thân và khi tỉnh táo mới thấy dại dột. Ăn năn hối lỗi xuất hiện ở người biết lỗi, mặc dù có biểu hiện của buồn bã và đau khổ. Người nổi sân, gây nhiều chuyện tang tóc nhưng không chịu hối lỗi, tiếp tục dấn thân vào con đường sai trái. Hối hận có thể xem là thiện hay không thiện. Thiện vì biết dừng lại, còn không thiện vì đó là kết quả của tâm sân đang đi đến hồi kết nhưng chưa hẳn là. Người đã làm điều xấu và bị sai khiến, hành động đã diễn ra nên người chắc chắn sẽ trả nghiệp. Hối hận chỉ mới có tác dụng khiến nhớ lại hành động và chưa có suy nghĩ cụ thể nào để sửa sai, sám hối hay làm mới. Tuy nhiên, người quán chiếu đến nguyên nhân sâu xa, thấy được vì đâu dẫn đến cái sân và biết rõ tận cùng của khổ đau là gì. Thay đổi bản thân là chuyện đương nhiên nhưng nếu không biết thay đổi điều chi, người vẫn chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra. Do thất niệm trong suy nghĩ, hành động và lời nói, người đánh mất mình trong sân hận và si mê, không thể tạo nên sự biến chuyển, nếu có thì đó là hướng đi tồi tệ. Ân hận chưa chắc là kết quả của hành vi không thiện mà còn là bỏ lỡ những hành vi thiện. Ví dụ, người gặp bạn cũ nhưng vì vô tình quên cất tiếng chào khiến bạn giận. Người đâu muốn như thế, chỉ vì không để ý mà có sự hiểu lầm. Một số chúng sinh ân hận cả đời khi đã trót làm việc không thiện và thờ ơ với việc làm thiện. Chàng trai đối xử với mẹ không tốt và cứ tưởng mẹ làm khổ, gò bó mình. Một ngày mẹ đột ngột qua đời, anh hối hận không dành nhiều thời gian gần gũi và chăm sóc mẹ. Cũng vậy, chàng trai khác là người hiếu thảo, để dành tiền mua cho mẹ chiếc áo len nhưng anh không tặng vội mà đợi đến vài ngày sau, sinh nhật mẹ mới đưa. Ai ngờ đâu, mẹ gặp tai nạn, ra đi không một lời từ giã, chàng trai ân hận sao mình không tặng mẹ ngay.
Hối hận xảy ra lập tức hoặc một thời gian lâu sau đó. Đơn giản vì người trả nghiệp lập tức hoặc nghiệp chưa hiện tiền. Đau khổ vì trả nghiệp khiến người đau đớn suy nghĩ tại sao mình lại vô tâm làm những chuyện như vậy với người khác. Tính ích kỷ là nguyên nhân khiến người không làm những việc đáng làm và làm những việc không đáng làm. Chính vì không chịu làm việc đáng làm, người hối hận và chính vì dấn thân vào những công việc không đáng làm, người cũng hối hận. Lòng ích kỷ ghê gớm, nó giết chết con người sống trong sự hẹp hòi, tính toán và đầy dẫy nguyên tắc. Người sao nhãng trong việc thực tập chánh niệm nhưng lại rất siêng năng thất niệm. Giống như người cố gắng gân cổ để tranh cãi một quan điểm, chấp vào nó mà không dám buông bỏ hay thỏa hiệp với điều khác biệt. Người thông minh không phải là người có chỉ số IQ cao, dồi dào vật chất hay địa vị tốt trong xã hội mà họ thông minh vì không bỏ qua những chuyện phải làm trong hiện tại. Nếu thương mẹ, hãy nói với mẹ và chăm sóc bà ấy ngay bây giờ, đừng có đợi lát nữa, mai mốt hay để từ từ. Muốn tu tập, phải tu tập vào lúc này, tại chỗ này, còn đợi khi nào rảnh mới tu, thì e rằng chẳng bao giờ tu được. Người ngu dốt hay để dành, như để dành tình thương, lời nói, hành động thiện. Nói một lời thương yêu với mẹ hay gia đình đâu có khó khăn gì, tại sao phải để dành. Tu cũng vậy, tu mà để dành tu làm chi, ngày mai muốn tu nhưng ngày mai già yếu rồi, khởi một câu niệm Phật hay theo dõi một hơi thở còn không kịp. Nỗi sợ hãi làm người hối hận mau. Sợ bị trả nghiệp, sợ đau khổ, sợ tai tiếng, sợ bị hành hạ… Sở dĩ có nhiều điều xảy ra vì người đã từng lăn lộn vào các hành động gây sợ hãi. Thực ra chẳng có ai mang nỗi sợ đến mình, bản thân tự mang đến mà thôi.
Hành vi không thiện nếu đã làm sẽ dính mắc vào người như hình với bóng, thậm chí dính chặt nhiều hơn bóng nữa. Tuy vậy, không phải người không thể cởi bỏ đó, chỉ cần hiểu rõ nguyên nhân, hứa bản thân không làm điều sai trái và chuyên tâm thực hành điều lành, những oan kết xưa mới mong được giải. Người đã biết hối hận và dù sao đi nữa vẫn còn tốt hơn người không bao giờ biết hối hận. Người đau khổ kể cả khi hối hận và khi không hối hận. Hối hận nên mới đau khổ và không hối hận nên ngập ngụa trong đau khổ. Áy náy về việc làm đã qua là dấu hiệu của hối hận, tuy nhiên đừng có kẹt vào những lỗi lầm đã qua. Chuyện đau buồn xảy ra cũng đã xảy ra rồi, vấn đề là bây giờ hãy xắn tay áo đi vào thực tập để hiện tại và tương lai không gặp những đau khổ như thế nữa. Người cảm thấy bất hạnh vì đang đòi hỏi về những điều được cho là không bất hạnh. Chẳng ai đem bất hạnh đến cho mình, chẳng qua vì trái tim xao xuyến nhiều quá, chuyện gì cũng đụng vào và ôm đồm đủ thứ, người mệt mỏi và bức xúc. Vậy tại sao không dám buông bỏ những mệt mỏi và bức xúc đó, để cho bình yên của tâm được lên ngôi. Ngồi than vãn hay ân hận cũng chẳng ích gì. Việc đáng làm thì hãy làm đi và việc không đáng làm thì đừng có làm. Khi hối hận, người có thể phóng tâm rất nhanh đến hằng hà sa số đối tượng và đau khổ là hiện trạng phóng tâm này. Người nghĩ đến người này người kia, vấn đề này vấn đề kia hay vẽ ra trong đầu bao nhiêu viễn cảnh và giải pháp. Ngồi lại theo dõi hơi thở, niệm phóng tâm, người sẽ chuyển hóa được đau khổ của mình và các phương tiện tốt đẹp hiện ra trước mắt. Người sẽ tha thứ được mình, thương được người làm mình giận và không còn oán trách bản thân nữa. Nếu không, người sẽ sống trong sự dằn vặt, khép lại cánh cửa cuộc đời và bỏ tù mình trong những đau khổ triền miên. Nếu ngày nào cũng ngồi hối hận, thì giờ đâu nữa thực tập hạnh phúc và thương yêu.
Chánh niệm về suy nghĩ, hành động và lời nói, người sẽ làm chủ được bản thân, tình trạng hối hận sẽ không xảy ra. Nếu thực sự nó xảy ra, người biết về nó không để nó điều khiển và nô dịch. Thực tập chánh niệm để thất niệm không có cơ hội biểu hiện. Người biết hối hận chứng tỏ tình thương trong người vẫn còn và nếu biết cách làm cho tình thương dồi dào phong phú thêm, người sẽ không sợ hãi gì nữa. Không có tình thương, người không biết hối hận là gì và buông trôi bản thân trong các hành vi không thiện. Bản chất của hối hận là không, nên hối hận không thực sự có. Hành thiền minh sát, tâm hối hận nổi lên, người niệm cho đến khi hối hận biến mất và biến mất rồi biết hối hận không còn nữa. Không cần phải tác động vào hối hận vì có gì gọi là hối hận đâu. Nếu vận động nhiều quá vào việc giải quyết vấn đề, hối hận bị nhiễu sóng, người không biết mình đã từng hối hận và giải pháp mình đang thực hiện lại phục vụ cho bản ngã của mình mà thôi. Đừng quá siêng năng vào cái gì và cũng đừng quá lười biếng. Sống một cách quân bình, biết người biết mình. Ngay cả chánh niệm, nếu thực tập đàng hoàng, đến lúc nào đó có chánh niệm như không, niệm mà không niệm. Rất nhiều người trẻ hớt hải về tương lai mà quên lãng hiện tại nên khi về già bắt đầu tiếc nuối quá khứ, rồi tự đặt câu hỏi vì sao hồi đó mình không làm cái này, đừng làm cái kia, quên mất cái đang là. Không nhất thiết hối hận, ân hận, áy náy, dằn vặt, bực bội điều gì cả, có phải cuộc sống dễ thở hơn không. Buông cái đã qua, nắm cái trước mắt và ngưng mong mỏi cái tương lai. Việc làm dễ ợt tại sao lại khó đến vậy. Bỏ đi ý niệm tôi đang hối hận, tôi hối hận về cái này hay đây là hối hận của tôi, đồng nghĩa với việc người biết hối hận hay đang dừng lại chính mình. Hối hận là một dạng của phiền não và nếu lấp đầy thân tâm, người ê chề đến nỗi chẳng làm ăn gì được, tối ngày cứ than thân trách phận. Chân tướng của hối hận là nguyên nhân gây ra khổ đau và một khi biết rõ nguyên nhân, người thấy được con đường.
Kệ Tâm Sở Hối Hận
Người ăn năn hối lỗi
Biết mình đã gây tội
Sai lầm đã dính mắc
Ân hận lúc nằm ngồi.
Dù muộn vẫn hơn không
Người quyết chí một lòng
Sám hối hay làm mới
Sửa đổi trong hành động.
Đau khổ được biết rõ
Nguyên nhân làm sáng tỏ
Tâm đã thôi dằn vặt
Khi thực tập buông bỏ.
Tình thương người vẫn còn
Dù lên biển hay non
Tâm bồ đề toả ngát
Không chờ đợi mỏi mòn.
Phật Pháp Ứng Dụng chân thành cảm tạ Thiền giả Minh Thạnh đã cho phép chúng tôi sử dụng bài viết để trích đăng trên Website. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu đến quý độc giả.
TG.Minh Thạnh
http://sachminhthanh.wordpress.com
Theo Phật Pháp Ứng Dụng