36. Tâm Sở Hỷ – Nhìn Đâu Cũng Thấy Yêu Thương – Bảo Hiểm Tâm

Tâm Sở Hỷ – Pīti cetasika
Nhìn Đâu Cũng Thấy Yêu Thương

          Hỷ là hoan hỷ, vui mừng, thích thú, hân hoan đối với cảnh bao gồm cả các đối tượng bên trong lẫn bên ngoài. Hỷ là một trong bốn tâm vô lượng người thực tập để trở nên đẹp đẽ và an vui hơn. Đây không phải là thọ hỷ hay thọ lạc vì thọ này vẫn mang tính phàm phu trong khi hỷ phát sinh do nhận biết được sự thật nên an vui trong sự thật đó. Nhiều lầm tưởng đã có vì cho rằng niềm vui do ăn ngon, mặc đẹp hay cảnh vật yên bình nên tạo hỷ. Cũng vậy tâm hỷ xuất phát từ bên trong đi ra bên ngoài, không phải từ bên ngoài đi vào bên trong. Cảnh vật dù vừa ý hay không vừa ý cũng thấy vui vì hỷ tràn ngập châu thân. Điều này khác với việc cảnh đẹp mới thấy vui. Cảnh đẹp chỉ đem lại thọ hỷ, khó đem lại tâm hỷ, nhiều khi cảnh đẹp cũng không đem lại thọ hỷ vì người buồn thì cảnh có vui đâu bao giờ. Người thường bị tác động bởi cảnh nên phần đông người khổ vì chịu sự chi phối bởi các đối tượng bên ngoài. Cái hỷ cũng có sự trá hình nên cũng phải cẩn thận với nó.

          Cho nên hỷ có ba loại: Hỷ bất thiện, hỷ thiện và hỷ không thiện cũng không bất thiện. Hỷ bất thiện là ao ước tìm về cái hỷ, cố gắng kích thích cho nó phát triển và nhiều khi kéo dài lâu. Đối tượng của hỷ này là tốt nhưng vì bươn chãi quá mức nên thành ra tham lam, không còn tự nhiên nữa. Hỷ thiện là niềm vui trước các pháp đẹp. Chẳng hạn, thấy người thành công, mình mừng vì thành công của người, thấy người hạnh phúc, mình mừng vì hạnh phúc của người. Hỷ không thiện cũng không bất thiện là điều cần thực tập hơn cả vì tính cách trong sạch của nó. Giống như bố thí với tâm trong sạch sẽ mang lại niềm vui trong sạch, trắng tinh như tờ giấy. Hoan hỷ và vô cùng hoan hỷ, hoan hỷ tột cùng vì niềm vui tột cùng, trào dâng trong tâm và toả sáng cảnh vật. Thương được người không thương mình cũng nhờ sức lan toả từ bên trong ấy. Hỷ là yếu tố phát khởi khi phát triển được thiền quán, không phải do áp chế khổ đau mà thấy rõ bộ mặt thật của khổ đau. Do vọng tưởng, do chấp thủ, do dính mắc, do bị kẹt đủ thứ, người khổ thôi, buông bỏ chúng thì khoẻ, thấy được niềm vui chân thành. Ly sinh hỷ là như vậy, có ly sẽ có hỷ, bỏ được thì không phải lo, có thì giờ xây dựng niềm vui cho người. Mức độ hỷ có thể cao hay thấp nhưng trước hết phải biết mình đang hỷ, rồi tuỳ theo trình độ chánh niệm của mình, mình biết hỷ to lớn hay nhỏ bé. Niềm vui rất quan trọng, nó có thể là dấu hiệu của việc tìm ra chánh quả, thấy được con đường nên vui mừng. Vì vậy không nên coi thường niềm vui, hãy tận hưởng nó đàng hoàng, niềm vui sẽ mang lại tác dụng vĩ đại không thể tưởng tượng nổi. Có những niềm vui tưởng chừng thoáng qua nhưng thực sự đang rất mạnh mẽ và hiện tiền, thậm chí kéo dài rất lâu. Ví dụ, ngồi thấy mình đang còn sống, vui lắm, sức khoẻ còn tốt, vui lắm, được gặp chánh pháp, vui lắm, … Nhiều cái vui vậy mà mình không biết, mình chạy theo những cái vui nơi chân trời xa thẳm nên mình lúc nào cũng buồn, theo kiểu buồn nhưng không hiểu vì sao tôi buồn.

          Niềm vui to lớn khiến người nhẫy cẫng lên, la lên hay khoa tay múa chân nhưng nếu chánh niệm thực thụ, người làm chủ được niềm vui, bình tĩnh trước cái vui đó. Hỷ chỉ để hỷ hay vui chỉ để vui. Mình vui mình biết mình đang vui. Cái vui cũng vô thường như cái buồn, vui đó rồi buồn đó, nhưng quan trọng vui thì biết và buồn cũng biết, đó là chánh niệm. Biết được thì vui buồn cần gì phân biệt, chỉ là tâm trạng thất thường của con người thôi. Khinh hỷ là một trạng thái khác của hỷ vì thân tâm rất nhẹ nhàng, bình an, sự sống tràn đầy, nhìn đâu cũng thấy sự sống, nhìn đâu cũng thấy yêu thương. Với người lúc này chỉ có yêu thương và yêu thương, rồi thấy những gì mình đã làm thật đẹp và muốn phát huy chúng. Quán niệm về Phật Pháp và Tăng đã có thể sinh hỷ, huống chi thực tập điều đó. Nghĩ đến hạnh phúc, hạnh phúc có mặt ngay tức thì, thực tập hạnh phúc thì còn gì bằng. Nghĩ đến Tam Bảo, Tam Bảo ứng hiện tức thì, nó nằm ngay trong tâm của mình, mình chính là Tam Bảo. Hoan hỷ với lời kinh tiếng kệ, tiếng niệm Phật, tiếng pháp, tiếng cuộc sống, người sẽ thấy vui. Khi tôi ngồi viết những dòng chữ này, bên ngoài người ta xây nhà, các công nhân đang làm việc ầm ầm, nhưng tôi không thấy phiền gì cả, tôi biết mình còn nghe được âm thanh, thấy những người làm việc cần mẫn kiếm đồng tiền nuôi gia đình, chăm sóc cha mẹ, thì âm thanh ầm ầm kia là âm thanh vi diệu, âm thanh của sự bố thí. Âm thanh này là một bài pháp thoại, nó chứng minh cho mình biết sự sống đang có mặt đây, mình hãy vui lên đi. Hồi nhỏ mẹ hay dẫn tôi đi chợ Bến Thành, đi mua đồ ăn, trẻ con nào cũng thích như vậy. Bây giờ lớn rồi, thèm mẹ dẫn đi chợ, nhưng đâu phải lúc nào thèm thì được đâu. Nhưng tôi vẫn thấy được điều đó, nhìn mấy đứa nhỏ được cha mẹ dẫn đi chơi, thấy tụi nó líu lo suốt ngày, niềm vui này thật hay, có phải vậy không?

          Chánh niệm về hỷ để trân quý giây phút ấy, biết những điều kiện và nhân duyên nào làm cho mình hỷ, sau đó chỉ đi về nẻo thanh bình đó thôi, không đi về nẻo của gai góc nữa. Thực tập để hỷ lớn mạnh, người tu phải biết chế tác cái hỷ này, xem nó như thức ăn hàng ngày, còn nếu mỗi ngày mỗi ỉu xìu, cái hỷ ít dần, đến lúc nào đó trở nên xa lạ với hỷ, thì cẩn thận đấy, xem lại đường tu của mình. Pháp môn Hiện Pháp Lạc Trú rất hay, giúp mình tránh sai đường, tránh đi vào cái lạc thú ảo. Không có cái vui nào bằng cái vui thực tập chánh pháp, càng thực tập càng thấy vui là đúng rồi đấy. Đủ và dư dả cái vui thì mới chia sẻ cái vui được, còn thiếu thốn thì làm sao chia sẻ được. Người ta thích tìm ánh sáng cuối đường hầm, trong khi cả đường hầm đang tràn ngập ánh sáng. Người ta đang tìm hạnh phúc ở cuối đường trong khi cả con đường đầy ắp hạnh phúc. Niềm vui không nằm ở cõi nào xa vời, mà ngay tại cõi này, ngay tại trái đất này. Người mà tâm hỷ lan tràn, gương mặt lúc nào cũng tươi mới, vui vẻ, đôi mắt sáng và nụ cười thân thiện. Người buồn rầu sẽ mau già, giây điện giăng tứ tung và chưa kịp thực tập gì, tuổi thọ đã nhanh chóng qua đi. Thân này, tâm này không đáng bị hành hạ bởi những ảo tưởng ở cuối đường hầm và nếu không tạo ra đường hầm thì đâu cần dò tìm ánh sáng chi nữa. Người có những vụng dại nhưng nhờ vụng dại người mới biết lớn khôn, sự vụng dại là yếu tố tạo nên lớn khôn. Cuộc đời đầy dẫy những đường hầm nhưng nhờ đường hầm người mới biết trân quý ánh sáng, đường hầm là ánh sáng đấy thôi. Nhìn một người, bạn sẽ biết người có niềm vui hay không, cách nói chuyện, cách đi đứng, cách ứng xử, cái vui biểu lộ ra, còn người có tâm rầu rầu thì làm gì cũng thấy rầu rầu. Phật ở trong mình mà Phật là gì, là biểu hiện của sự tỉnh thức, biết yêu thương biết từ bi. Nhắc đến mình là nhắc đến sự dễ thương, mình phần nào thực tập dễ thương, còn nhắc đến mình thì nhắc đến sự khó chịu, bực bội, mình thực tập chưa đúng rồi. Đọc sách cũng vậy, sách nào khi đọc thấy vui, thấy hứng thú, thấy an lạc, thấy hạnh phúc, cuốn sách đáng đọc, còn sách mang lại sự thèm khát, bạo động, hận thù, cuốn sách đó chỉ làm hại mình thôi. Người quyến rũ là người thực tập được khả năng vui vẻ, tươi rói như ông Địa hay bồ tát Di Lạc. Ông Địa lúc nào cũng cười, bồ tát Di Lạc lúc nào cũng vui vẻ, nhìn họ đã thấy khoẻ, nói chi trò chuyện hay thực tập chung với họ. Nếu muốn hỷ, hãy thực tập ngay bây giờ, đừng đợi cái đau thương vồ lấy mới nghĩ đến vì nếu không, cơ thể và tâm hồn bị cày xéo và tan nát lắm. Thấy được tự tánh của sự vật, người sẽ không còn đau buồn, sẽ chuyên tâm thực tập tâm hỷ. Tự tánh của tâm hỷ cũng thế, cũng như sự vật thôi nên tâm hỷ cũng phải buông luôn, đến thì đón nhận, đi thì không níu kéo. Niềm vui nằm ở chỗ có đến và có đi như vô thường, luôn luôn biến đổi. Con người đau khổ vì thực tại là vô thường mà mình cứ tưởng là nó thường, nắm được thực tại, biết rõ bản chất của thực tại, người sẽ vui mừng không thể nào tả nổi, vui mừng vì vô thường, đơn giản vô thường chính là sự sống.

Kệ Tâm Sở Hỷ

Khi hoan hỷ vui mừng
Thích thú và hân hoan
Đây là tâm sở hỷ
Rất đẹp đẽ an lành. 

Người hạnh phúc bình yên
Trước những pháp tươi đẹp
Một niềm vui chánh chân
Trong sạch và tột cùng. 

Bình tĩnh trước cái vui
Thân tâm thành nhẹ nhàng
Đâu cũng thấy hạnh phúc
Đâu cũng thấy yêu thương. 

Hãy cùng nhau tu tập
Cho hỷ được lớn mạnh
Thành thức ăn hàng ngày
Ánh sáng từng phút giây.

37. Tâm Sở Hoài Nghi – An Trú Trong Hiện Tại – Bảo Hiểm Tâm

Tâm Sở Hoài nghi – Vicikiccha cetasika
An Trú Trong Hiện Tại 

          Hoài nghi không phải là nghi ngờ ai hay một đối tượng nào đó mà nghi ngờ về thực tại, cho rằng nó thường còn, có ngã và Niết bàn là gì đó xa vời, không thực tế. Sự nghi ngờ khiến đức tin bị lun lay, hoặc do bản thân thực tập không đúng, nên nghi ngờ những lời dạy của đức Phật, hoặc chỉ đứng bên ngoài chỉ trỏ, không dám dấn thân thực tập và bắt đầu phán xét. Hoài nghi gia tăng, người không muốn gần gũi chánh pháp, nói chi đi trên con đường đó. Hơn thế nữa, người chuyển sang ngăn cản người khác thực tập chánh pháp rồi đánh mất tâm bồ đề ban đầu hồi nào không hay. Có những người thích giỡn chơi như chọc ghẹo hay nói bậy, riết thành thói quen và khó mà sửa chữa được. Hoài nghi mang tính chất do dự, phân vân về con đường mình đã chọn, vì vậy hay đứng ngồi không yên, thậm chí mất ăn mất ngủ vì nó. Đây là mầm mống của vô minh, của tính hời hợt, bồng bột và nhất thời. Hãy nhớ rằng, nhiều đau khổ kéo dài vì tính nhất thời hay vô tình để cho thất niệm xảy ra trong chốc lát. Câu nói, khôn ba năm dại một giờ, thể hiện tính nhất thời. Sống buông thả trong một giây nhưng cả đời hay muôn kiếp phải trả. Thiếu quả quyết và phương pháp thực tập khiến người đi hoài mà không thấy tới nên đâm hoài nghi, thất vọng vì thành tựu không thấy. Giống như làm việc cật lực nhưng tiền lương vẫn vậy, thăng tiến chờ dài cổ, người buồn chán, không tin sếp, đồng nghiệp và cả bản thân nữa.

          Hoài nghi là biểu hiện của tình trạng không hiểu, nao núng, dao động, không chắc chắn, không rõ ràng, không chịu buông bỏ, còn dính mắc, còn ngu si. Bản ngã nhiều lúc làm mình choáng váng vì ý kiến riêng bị kẹt quá mức, trong khi ý kiến có tính biến đổi, không thể thường còn. Đây là tình trạng đơn độc, bơ vơ, lạc lõng vì người không biết bám víu vào cái gì và nhìn mọi thứ bằng con mắt thất thường, nay dời mai đổi, lúc vầy lúc khác. Sự thật còn không tin thì nói chi đến những thứ khác. Người không tin sự thật là đi vào thế giới ảo, che chắn bản thân bằng các ảo tưởng và vọng tưởng. Hai người ngồi cãi nhau về bề mặt của đồng tiền, tức hình là mặt trái còn chữ là mặt phải. Làm vậy chi mất thì giờ, mặt nào cũng là trái hay phải nhưng với cái nhìn vô tướng, đồng tiền đó còn có mặt thứ ba là không có mặt. Sở dĩ người ta đặt tay trái và tay phải để dễ phân biệt, gọi tên và sử dụng, nếu trước đây đặt tên ngược lại thì bây giờ người ta sẽ quen gọi ngược lại. Thay đổi tên gọi không làm thay đổi bản chất của bàn tay, hãy nhớ như vậy. Hoài nghi làm người lúng túng, không biết quyết định thế nào, giống như người theo nguyên tắc nhưng không biết nguyên tắc do mình đặt ra, nó cần sự uyển chuyển, bằng không tự bỏ tù mình bằng các nguyên tắc. Một số nguyên tắc rất vô lý như đi gặp phụ nữ có thai đầu năm là xui xẻo, thế những ông chồng có vợ mang thai phải gặp gỡ hàng ngày đều xui xẻo hết sao. Hậu quả của hoài nghi là làm người tin vào điều không đáng tin, chẳng hạn như giới cấm thủ, tức là người đặt ra một số điều cấm kỵ và tự đặt mình vào khuôn khổ những điều cấm kỵ ấy. Hậu quả khác là thực tại không được nhận biết, mà thực tại tức là Niết Bàn, nó bị cho là một ý niệm người phải đạt tới, phải chế ra mới có.

          Hoài nghi đi kèm với tâm bất thiện. Do không tin tưởng, và đến lúc lên cao độ, người quay sang phỉ báng chánh pháp và hô hào người khác đồng hành với mình. Nghiệp lực cũng ngăn cản người sinh tâm hoài nghi do những việc làm bất thiện trong quá khứ. Người may mắn là người gặp được chánh pháp, hành trì nó và chia sẻ phương pháp với nhiều người. Ngược lại, người không may mắn đã gặp nhưng không hành, thờ ơ và nghi ngờ đủ thứ. Muốn hành trì chánh pháp thành công cũng phải có duyên, như người dạy học có duyên sẽ dạy giỏi, mặc dù kiến thức không bằng một ông tiến sĩ, và dù ông tiến sĩ kiến thức có đầy nhưng không thuận duyên nên sự nghiệp giảng dạy không thành công. Nhân duyên đưa mình đến gần sự tu tập và cũng do nhân duyên đưa mình xa rời việc tu tập. Một số tu sĩ đã xuất gia sau đó vì hoàn cảnh mà ra đời không đi tu nữa, nhưng lại có người khác đi trọn được đường tu. Không nên trách người sinh tâm hoài nghi, không phải họ đang hoài nghi đâu, chỉ tại chưa đủ điều kiện để hoàn toàn đặt niềm tin vào sự thật, vào chánh pháp. Đun một nồi nước đến khoản 70 độ C thì nước nóng thôi chứ chưa sôi, nhưng đến 100 độ C thì nước sẽ sôi và bốc hơi. Hiện tượng này sinh khởi vì nước đã có đủ điều kiện đạt trạng thái sôi và bốc hơi. Cũng thế, bất cứ ai cũng có tâm hoài nghi, nhưng có người ở trạng thái tâm hoài nghi nằm im, người khác hoài nghi chất ngất. Chánh niệm về hoài nghi biết mình đang hoài nghi hay không. Hoài nghi xuất phát từ mình, không ai bắt mình phải thế này hay thế kia. Rất nhiều người đổ thừa hoàn cảnh và chỉ cho rằng hoàn cảnh dẫn đến sự hoài nghi mà không chịu hiểu, tâm hoài nghi xuất phát từ trong mình. Danh sách các ý niệm và kiến thức được chất chứa bấy lâu làm cho mình hoài nghi đủ thứ. Một nhà khoa học đến gặp một nhà sư để được chia sẻ thêm về kiến thức Phật học. Nhà sư mời nước ông ấy và rót đến tràn ly. Nhà khoa học nhắc ông là nước đã tràn. Thật ra nhà sư muốn nhắc nhà khoa học hãy để tâm trong sáng lắng nghe và tạm thời cất hết tất cả những kiến thức của mình. Người học cao hay bị kẹt vào kiến thức và họ đem kiến thức ra để đánh giá kiến thức khác, khi không thoả mãn, họ sinh hoài nghi và thất vọng rất mau rồi kẹt vào mớ kiến thức thế gian của mình. Lời nói của nhà sư có thể là giọt nước tràn ly, nhà khoa học cho rằng kiến thức của mình có đầy nên dù nhà sư nói thế nào, họ cũng không nghe.

          Người thường hay hoài nghi về quá khứ, tương lai, thậm chí cả hiện tại. Thông thường người được khuyên dạy buông bỏ quá khứ, đừng rong ruổi về tương lai và nên an trú trong hiện tại, nhưng nếu thực tập giỏi người cũng phải thôi dính mắc vào hiện tại vì có gì được gọi là hiện tại đâu, vừa mới nói thì nó đã là quá khứ rồi. Một người bạn trong lớp học tiếng Pháp hỏi tôi có biết xem bói không. Người ấy nói muốn biết tương lai thế nào vì thật sự rất lo lắng cho tương lai. Dĩ nhiên là tôi từ chối. Nếu người lo lắng và đem cái tâm đi lo như vậy thì tương lai có chắc hết lo lắng hay không và tương lai là cái gì, năm năm, mười năm hay trăm năm nữa. Hiện tại đang học tiếng Pháp thì lo học tiếng Pháp đi, tại sao phải lo cái không có hay không chắc chắn trong tương lai. Sau đó người bạn quay sang chỉ trích các ông thầy bói hay bà thầy bói nói dối ăn tiền, nói không đúng về tương lai. Bản thân còn không biết mình là ai thì mấy người thầy bói làm sao biết được. Mình tự làm khổ mình rồi còn đi chỉ trích người khác. Sự hoài nghi về tương lai khiến người khổ sở như vậy, những điều kiện mầu nhiệm chứa chan hạnh phúc trong hiện tại mà mình không tận hưởng, cứ mãi chìm đắm về một tương lai xa vời không định trước. Muốn biết tương lai, hãy nhìn hiện tại, hiện tại đàng hoàng thì tương lai mới đàng hoàng, kinh nhân quả nói rõ ràng như vậy. Muốn nước sôi thì phải đun nước, còn không đun nước, không cung cấp nhiệt cho nó mà ngồi cầu mong cho nó sôi lên thì tề thiên đại thánh cũng không làm được. Người có những hoài nghi về Tam Bảo, về đức Phật, về giáo pháp, về tăng đoàn… Đơn giản chỉ vì người chưa tìm hiểu thấu đáo, chưa thực tập, chưa chiêm nghiệm thực tế, mình mới chỉ đọc, nghe và đàm luận về nó thôi. Muốn thực hư thế nào phải tham gia vào Tam Bảo. Người đứng trên cát hỏi, nước biển ơi nước biển mặn thế nào, và cứ hỏi vậy mãi. Một người đi ngang qua chỉ cho, muốn biết nước biển mặn ra sao thì phải nhảy xuống biển, còn đứng trên bờ mà ngồi ngắm ngía, ngàn đời sau cũng không biết vị mặn của nó. Muốn hiểu Tam Bảo thì phải đi vào Tam Bảo, thực tập như Tam Bảo, ăn nói đi đứng nằm ngồi như Tam Bảo, hoạ may có thể hiểu được phần nào, còn đi vòng quanh chỉ trỏ, phán xét, đánh giá thì sẽ sinh hoài nghi thôi. Sinh viên không làm việc thì không có kinh nghiệm, người tu mà không tu như diễn viên mặc chiếc cà sa.

Kệ Tâm Sở Hoài Nghi

Nghi ngờ về thực tại
Cho rằng nó thường còn
Cho rằng nó có ngã
Chánh pháp cứ dần xa. 

Hoài nghi là nao núng
Hay dao động mông lung
Không chắc chắn không hiểu
Sự thật vẫn mịt mùng. 

Người sinh tâm bất thiện
Các ý niệm đảo điên
Bị kẹt vào kiến thức
Đau khổ mãi triền miên. 

Hãy buông bỏ quá khứ
Đừng rong ruổi tương lai
An trú trong hiện tại
Cuộc đời tươi mới hoài.

38. Tâm Sở Tinh Tấn – Tỉnh Thức Như Bình Minh – Bảo Hiểm Tâm

Tâm Sở Tinh tấn – Viriya cetasika
Tỉnh Thức Như Bình Minh

          Tinh tấn là sự cố gắng liên tục với mong mỏi luôn đi tới và tiến về phía trước. Thông thường tinh tấn gắn liền với khuyến khích thúc đẩy, tuy nhiên bản thân tự vận động khiến người tự lực và vững chãi nhiều hơn nhờ vào sự khuyến khích của tha lực. Người có sự tinh tấn luôn thực hiện các hành vi anh hùng, chiến thắng mọi lười biếng, dễ duôi hay trễ nãi. Anh hùng là thắng chính mình, không phải kẻ thù nào khác ở bên ngoài. Tính siêng năng của người hướng về hành động hay đối tượng nào đó phải đúng đắn, nếu không chẳng xây dựng được gì mà còn phá hoại thêm. Một giáo thọ từng dạy là chánh tinh tấn tức là siêng năng, chấp tác hay làm việc càng nhiều càng tốt. Vậy có khác nào tu khổ hạnh, càng khổ hạnh càng tốt !?  Làm việc nhiều mà không có chánh niệm hay tu tập thì làm việc giỏi cách mấy cũng vô ích. Tinh tấn là đối diện trực tiếp, không trốn chạy thực tại hay cố gắng xoá bỏ khổ đau. Chống đỡ với tai nạn vẫn còn mang tính đối trị mà cần phải chấp nhận nó, xem sự có mặt của khổ đau là chuyện bình thường như sự có mặt của hạnh phúc vậy.

          Tinh tấn vì thế có hai loại là chánh tinh tấn và tà tinh tấn. Như đã nói, người siêng năng vào nghiệp ác thì vướng vào tà tinh tấn và siêng năng với nghiệp thiện thì đi vào chánh tinh tấn. Có những tư tưởng sai lầm dẫn đến các hành động sai lầm, nhưng người vẫn gân cổ tranh cãi, cho nó là đúng và ôm ấp nó. Một người đàn ông phạm tội tà dâm và cổ xuý cho hành động của mình, ông đang trong con đường của tà dục và vì cố chấp nên không lắng nghe sự khuyên giải của ai mà còn liên tiếp lên các kế hoạch tà dục khác. Chánh tinh tấn ngược lại, người chỉ chuyên tâm an trú trong các thiện pháp, tìm mọi cách gìn giữ và bảo hộ thân tâm. Vì có sự sáng suốt, nhận hiểu chân chánh, người siêng năng đúng, mang lại lợi ích đích thực cho mình và người. Người trẻ thích đi vào con đường của năm dục và ca ngợi sự tiến bộ của nó trong khi người khác học cách thư giãn, tiếp xúc với sự sống mầu nhiệm của hiện tại. Khi không thỏa mãn, người trẻ đau khổ và tuyệt vọng, thậm chí đánh mất niềm tin. Siêng năng trong lối sống thiểu dục, người vui vẻ với những gì đang có, đồng thời lúc nào cũng hạnh phúc và lạc quan. Muốn thành công phải có sự tinh tấn và người tu muốn giải thoát phải siêng năng thực tập. Người không cần quá kỳ vọng về tương lai tốt đẹp hay mơ mộng quá nhiều, chỉ cần sống trong thực tại, an hưởng niềm vui của thực tại là hay lắm rồi. E rằng người đòi hỏi quá đáng, muốn cái này, thèm cái kia, người đau đớn do chính người tạo ra, chẳng ai mang nó đến cho người cả. Tinh tấn hiểu theo nghĩa cố gắng hết mình nhiều khi bị lầm tưởng là ép xác hay ép tâm. Điều này làm cho thân tâm căng thẳng mà cái gì căng thẳng đều không có kết quả, nếu không được nhận diện, người rơi vào tình trạng tán loạn rất nhanh và phương pháp đang theo đuổi chắc chắn có vấn đề.

          Người thường thích thiện pháp và né tránh bất thiện pháp. Với con mắt không phán xét, người ôm ấp thiện pháp nhưng cũng chấp nhận bất thiện pháp. Thực tập đến lúc thấy mọi pháp đều vô thường nên buông bỏ được ý niệm thiện hay bất thiện. Nếu còn phân biệt, tâm khó đạt được trạng thái hành xả và dĩ nhiên người chỉ giải thoát khi không dính mắc vào sự kỳ thị. Tinh tấn nhắc người không rơi tuột mà phải ở vị thế sẵn sàng và hành động. Năng lượng tu tập luôn giữ ở mức quân bình dù hoàn cảnh bên ngoài lẫn bên trong biến chuyển như thế nào. Không thể nói hôm qua người tu giỏi còn hôm nay thì dở ẹt. Giống như người chấp vào ngày tốt ngày xấu mà cho rằng ngày tốt thì xuất hành còn ngày xấu thì nên ru rú trong nhà thì hơn. Tinh tấn không đòi hỏi quét sạch nội kết và phiền não mà nhìn nhận chúng, cho phép chúng nằm im, không hại mình hại người. Không thể đối trị với phiền não như người không thể quét sạch lá đa. Quét hết đợt lá này, đợt lá khác lại rụng xuống. Nói rằng người đã quét sạch phiền não là vọng ngữ. Con người khác  nhau vì cách hành xử của họ với phiền não khác nhau mà thôi. Thật ra chẳng có gì gọi là phiền não. Tinh tấn đón nhận phiền não bằng con mắt không kỳ thị, người đạt được trạng thái bồ đề của phiền não. Còn nói đã quét sạch phiền não thì phiền não đâu, lấy ra cho tôi coi, để tôi quét nó đi, thử xem có được không. Tinh tấn liên tục, người không còn phóng dật. Tâm phóng dật khiến người nghĩ tới nghĩ lui mà chẳng nắm được cảnh nào hay chẳng có đối tượng nào ra hồn. Người tu cũng có người thực tập rất hời hợt, làm cho có, cho hết thì giờ hay khoe khoang khả năng tu với người khác. Tinh tấn mang lại sự sâu sắc của việc thực tập, như một đứa trẻ biết cách học, học cho ra học và chơi cho ra chơi. Bố thí và trì giới có thành tựu do người cam kết tinh tấn suốt ngày đêm, thực tập hết lòng không bao giờ sao nhãng. Tinh tấn bố thí, người buông bỏ được những thứ tưởng chừng không thể buông bỏ được. Tinh tấn trì giới, người không còn dính mắc vào những thứ tưởng chừng không thể hết dính mắc.

          Chánh niệm về tinh tấn, người biết mình đang lười biếng hay siêng năng. Khi siêng năng, người biết mình đang siêng năng. Khi lười biếng, người biết mình đang lười biếng nhưng biết tình trạng lười biếng của mình cũng đồng nghĩa người có sự tinh tấn. Người không tinh tấn không biết mình đang lười biếng hay đang siêng năng. Tinh tấn đến nỗi mạng sống, người thân, gia sản, danh tiếng, lợi lộc cũng không màng. Ngay cả mạng sống cũng cho đi với điều kiện là làm sao thực tập được tinh tấn. Tinh tấn mạnh mẽ khiến hạnh nhẫn nhục dâng cao. Nhẫn nhục không có nghĩa chịu đựng cho người ta sỉ nhục mà có nghĩa phát khởi tình thương với người gây hấn hay làm hại mình. Không ai gây đau khổ, họ chỉ đang cung cấp cho người các bài thực tập để xem người tu hành thế nào, có còn hay nổi giận nữa không. Người giàu có là người chất đầy sự tinh tấn, thực tập mọi lúc mọi nơi, mặc cho mưa gió bão bùng, mặc cho kẻ nói ngả nói nghiêng, người vẫn kiên tâm thực tập con đường đã chọn. Người bần cùng và nghèo nàn là người không chịu tu tập, thậm chí được dâng cho phương pháp, kề đến miệng vẫn không buồn ăn lấy. Một bài báo có nói về những chàng trai không bao giờ lớn, tức là đã già tuổi nhưng hành xử như một đứa trẻ, không thể tự lập được. Người tu không nhất thiết cố gắng quá mức để hòng chứng đạt bởi vì khi nhân duyên đầy đủ, sự chứng đạt tự nhiện mà đến. Chỉ cần tinh tấn miên mật, thản nhiên với mọi thành công hay thất bại, đến lúc nào đó họ sẽ được đền đáp. Tu tập mà nóng vội thì thôi đừng tu nữa. Cần phải tinh tấn nhưng tinh tấn trong chánh niệm là như vậy. Nếu không các công sức bấy lâu đổ sông đổ biển, hư bột hư đường hết. Tinh tấn giây phút này, giây phút đó có hạnh phúc và an lạc liền, không cần đợi ngày mai hay ngày mốt.

Kệ Tâm Sở Tinh Tấn

 Người cố gắng liên tục
Mong mỏi từng giây phút
Là tâm sở tinh tấn
Siêng năng ở mọi lúc. 

Thực tập sáng tinh thần
Tự thúc đẩy phấn chấn
Nhiệt tình với nghiệp thiện
Bảo hộ tâm và thân. 

Người sẵn sàng hành động
Tu tập quyết một lòng
Quét sạch những phiền não
Hiện tại bước thong dong. 

Người biết sống một mình
Tỉnh thức như bình minh
Làm người rất giàu có
Tìm hướng đi hoà bình.

39. Tâm Sở Tà Kiến – Không Có Gì Gọi Là Tôi – Bảo Hiểm Tâm

Tâm Sở Tà Kiến – Ditthi cetasika
Không Có Gì Gọi Là Tôi

          Tà kiến là cách nhìn sai lệch, méo mó, huyễn hoặc về thực tại, vì thế xa lánh thực tại và đi trên con đường của thế giới ảo. Thực tại không được nhận biết nên người chìm đắm trong những cái không phải là thực tại, như quay về quá khứ và rong ruổi trong tương lai. Bản ngã, cái tôi, cá tính hay tính tự cao tự đại làm xoá nhoà thực tại và không được công nhận. Người như vậy rất cố chấp và chấp là nguyên nhân to lớn gây ra những khổ đau. Thực tại bị tưởng lấn áp nên bị biến dạng ít nhiều thông qua cái nhìn của người, trong khi bản chất của nó vẫn như thế, không thay đổi. Đem con mắt phân biệt nhìn sự vật, mọi thứ đều trở nên khác nhau và tạo ra thế giới với muôn hình vạn trạng điều phân biệt. Đem con mắt không phân biệt nhìn sự vật, mọi thứ đều trở nên như nhau với muôn hình vạn trạng điều nương tựa nhau để phát khởi và thay đổi. Nhìn cái bàn theo tính thuần tuý của nó, đó là hợp tướng của vô vàn yếu tố như rừng cây, đất đai, hơi nước, sức nóng, cưa, bào, người thợ, sức lao động… Hợp thì phải tan, đến lúc nào đó cái bàn tan ra quay về các yếu tố định hình lên nó, hay thay hình đổi dạng dưới hình thức hợp tướng mới. Dù dưới hình thức nào, thì nó cũng chỉ là hình thức. Cái bàn là tên gọi giả danh, được đặt tên để dễ nhận biết hình tướng của nó, bằng chứng là người Anh không gọi cái bàn như người Việt mà gọi table. Với hình tướng cái bàn có hàng trăm tên gọi khác nhau nên dù gọi thế nào, nó cũng chỉ là cái bàn thôi. Thực tại không là tên gọi, không là ý niệm, không là quan điểm, mà đó là cái đang là, các yếu tố tạo nên cái đang là. Thực tại không thường còn, thay đổi đến chóng mặt, có bản chất không sinh không diệt nhưng lại rất thanh tịnh. Vì không có cái tôi, thực tại đơn thuần là thực tại, nhận diện nó một cách đơn thuần.

          Người tà kiến hay xuyên tạc sự thật, không chấp nhận nổi sự thật và sợ hãi sự thật. Nhận thức xa sự thật là sai lầm nghiêm trọng, bơi lội trong thế giới ảo và không khả năng an trú trong thực tại. Người dễ đi vào tà đạo, ngộ nhận đủ thứ và rơi vào ác đạo nhanh chóng. Giống như người lạc lối nhưng chưa bao giờ nhận mình đi lạc, cứ cho mình đúng, còn tất cả đều sai hết. Cho rằng con đường vật chất và tà dục là con đường hạnh phúc, người đi mãi nhưng không thấy đích đến. Sự xô bồ của con đường quật ngã nhiều lần nhưng người vẫn chưa chịu đứng dậy, cứ để nó xô ngã. Đây là người thiếu khôn ngoan. Nói về kẻ ngu, người trí. Kẻ ngu là kẻ không thấy được lỗi lầm và thấy rồi nhưng không chịu sửa, để nó lấn át mọi hành vi. Kẻ trí là kẻ thấy được lỗi lầm và thấy rồi nên sửa để không phạm lỗi lầm nữa. Người tà kiến từ chối thấy lỗi, nói chi đến việc chấp nhận nó và sửa lỗi. Mọi thứ đều do vô minh, không có trí tuệ, đúc kết từ việc thất niệm và không có định. Tâm tán loạn, chạy tới chạy lui, không ở yên một chỗ, thực tại không nhận biết được là chuyện đương nhiên. Phiền não cứ thế phát triển, dâng cao và che lấp tháng ngày. Đáng thương hơn, đang phiền não nhưng không biết phiền não, người lấn sâu vào phiền não và khổ đau chồng chất. Đam mê phiền não là một hiện tượng có thật, thích đau khổ, thích những nỗi đau và tâm ít có dịp bình an. Người tin vào chuyện không đạo đức, xem đó là niềm tin đúng đắn. Xã hội ngày nay ngày càng suy đồi vì tin vào điều gây ngộ nhận, gây tranh cãi, gây xa cách thực tại. Nhận biết thực tại là dấu hiệu của chánh niệm, không cần quá chi tiết, nhưng phải biết, biết rõ cái đang là mang tính chất vô thường, vô ngã và Niết Bàn. Biết thực tại nhưng không dính mắc vào thực tại. Thực tại không chỉ bên ngoài mà còn bên trong. Lối tu khổ hạnh, ép xác, ép tâm cũng làm đánh mất thực tại vì thân tâm bị hành hạ, không đủ sức nhận diện cái gì nữa cả. Vui thì biết vui, buồn thì biết buồn, không vất vả trong việc ép thân tâm cho vui hay ép thân tâm cho buồn. Vui có nhiều mức độ và buồn có nhiều mức độ. Nhận biết vui buồn và mức độ của nó đồng nghĩa với việc thoát khỏi buồn vui.

          Đừng tìm cách tận diệt phiền não mà trước hết nhận diện được nó. Không nhận diện được thì diệt hay chuyển hoá cái gì. Tìm hiểu nguyên nhân gây ra phiền não và biết chúng là vô minh, ngu si, sợ hãi, mệt mỏi, chán nản… Phiền não là một thực tại nên cũng vô thường, đến lúc nào đó cũng thay đổi. Chánh niệm về tà kiến để kịp thời ngưng tà kiến đó lại và thay đổi theo hướng tốt đẹp hơn. Biết phiền não nhưng không hiểu rõ nguyên nhân đồng nghĩa với thất niệm. Người tà kiến không tham dự buổi nói chuyện về đạo đức, lảng tránh sự tu tập và không thích người tu. Họ xem thế giới này là tiêu thụ và hưởng thụ, là thường còn, là phải dính mắc. Người chơi với những người bạn giống mình, u mê, tăm tối, không dám thoát ra khỏi cánh tay đang siết chặt của khổ đau. Kẻ trí ít lắm, kẻ ngu thì nhiều. Kẻ trí phải sống chung với kẻ ngu và lắm lúc phải giả ngu nhưng không trở nên như kẻ ngu. Nếu kẻ ngu được kẻ trí chỉ cho, họ từ chối lời chỉ dạy đó nên kẻ trí phải giả ngu để gần gũi, hướng dẫn được kẻ ngu. Tích luỹ phiền não, kẻ ngu trở thành khối phiền não, nhắc đến là đã thấy phiền não. Đây là thành tích lớn nhất của người tà kiến, đi về phe của khổ đau. Nhiều sai lầm liên tiếp phạm phải và nghiệp phát sinh, trả hoài cũng không hết. Trong khi ai cũng công đức vô biên, còn người lại phiền não vô biên, người đáng thương hơn bất cứ ai. Nghiệp lực có thể thúc đẩy người vào con đường chánh kiến hay tà kiến nhưng dù thế nào cũng do người chọn và người có quyền quyết định số phận của chính mình. Thay đổi để có nhiều hạnh phúc và đó phải là hạnh phúc đích thực. Người luôn có nhiều cơ hội phục vụ cho việc thay đổi nên thay đổi đúng hướng. Các hiện tượng xấu phát khởi được nhận biết và tránh xa, còn đi vào rồi làm nó phát triển, đây là tư tưởng truỵ lạc. Người đứng đầu tổ chức như viện chủ, sư trưởng, người lãnh đạo, ban giám đốc, nguyên thủ quốc gia,… dẫn dắt người khác có chánh niệm thì tập thể có khuynh hướng đi theo như vậy, còn ngược lại rất nguy hiểm, dẫn đi thất niệm, tập thể sẽ đi theo con đường thất niệm.

          Điều tốt cần phát huy và điều xấu cần giảm thiểu. Tuy nhiên một số người thấy điều tốt thì đè bẹp nó, làm cho nó mờ nhạt. Cũng vậy, một số người thấy điều xấu thì tránh xa, chuyển hóa nó để không làm gia tăng tính trầm trọng. Tà kiến xuất hiện do tác động của cảnh không ít, nhưng phần lớn do sự buông thả bên trong, không điều phục thân tâm, không chuyển hóa được các năng lượng xấu xa. Không ai biết được sau khi chết mình sẽ sinh về đâu, ngay cả các bậc A La Hán cũng không biết được, và cũng chẳng cần biết về điều đó. Vấn đề là lo tu tập, đừng để bản thân quên, vì những gì mình đang thực hành chưa bao giờ đủ cả. Thực tập để chánh kiến phát khởi và làm cho tà kiến nằm im. Chánh kiến dẫn đến hạnh phúc, tà kiến dẫn đến cay đắng, người khôn ngoan sẽ lựa chọn con đường để thực tập. Trong hằng hà sa số kiếp, người đã đi sai đường thì kiếp này biết sửa sai, đi lại con đường, không có gì là quá muộn. Người ra chợ mua trái cây, trước hết sẽ lựa trái đẹp, sau đó lựa trái ngon ngọt để có thể dùng được. Cũng vậy, con đường tươi đẹp thì nên đi, đừng đi con đường của đau khổ, khi nào vững chãi rồi, con đường nào đi cũng vững chãi, không bị ngả nghiêng, không bị chảy máu. Nếu tà kiến không được nhận biết, sự lầm lạc rất lớn và người mãi nằm trong sự sinh tử triền miên, không biết bao giờ mới thoát ra được. Đối với cư sĩ, giữ gìn Năm giới, đối với tu sĩ, giữ nhiều giới hơn, việc giữ giới làm tiền đề cho các pháp hành khác và tránh xa các pháp xấu ác. Tập buông bỏ bản ngã, để cái tôi mềm dịu, hoà đồng với tập thể và thực tập tâm quảng đại. Buông bỏ còn giúp diệt trừ tâm tham, tham là một trong các yếu tố dẫn đến tà kiến. Chuyển hóa từ từ các tâm bất thiện, tâm tà kiến có cơ hội được chuyển hóa.

40. Tâm Sở Mạng Quyền – Không Sinh Không Diệt – Bảo Hiểm Tâm

Tâm Sở Mạng quyền – Jīvitindriyacetasika
Không Sinh Không Diệt

          Mạng quyền là việc kiểm soát sự tồn tại của các pháp, theo đó các pháp sinh ra thì sẽ tồn tại rồi hoại diệt. Thực chất không có gì sinh ra cũng không có gì mất đi, chẳng qua các pháp chỉ thay hình đổi dạng, chuyển biến liên tục từ hình thái này sang hình thái khác. Có hai loại mạng quyền là mạng quyền danh và mạng quyền sắc. Mạng quyền sắc do tâm tạo hay nghiệp tạo, nên nói vạn vật do tâm tạo là như vậy. Cái tâm có thể vẽ đủ thứ, muôn hình vạn trạng nên nếu điều phục được tâm, cảnh dù bao la đến đâu cũng như nhau. Các pháp sinh diệt liên tục nên nói chung không sinh cũng không diệt vì tính biến đổi triền miên của chúng. Cái vừa mới sinh lên đã diệt và khi diệt xong, hình thái khác đã xuất hiện. Sự chết không nói về kết thúc mà là thay đổi, nói cách khác chết là một tiến trình của sự sống, không có ai đang chết và không có ai đang sống, hay đang sống đây cũng có nghĩa là đang chết. Sống chết chỉ là tên gọi, đặt ra cho một sự kiện, mà tên gọi là giả danh, nên nếu không kẹt vào giả danh này, người không thấy cái gì gọi là chết và cái gì gọi là sống cả. Mạng quyền nuôi dưỡng danh sắc, giúp cho sự sống được duy trì. Khi người chết đi, hơi ấm không còn, bỏ lìa thân xác, bây giờ người ta đem chôn hay đem hỏa táng, nhìn lại nắm đất hay tro bụi, đâu có gì được gọi là sự sống nữa. Có thể nói danh và sắc có liên hệ tương tức với nhau, danh nuôi dưỡng cho sắc và sắc nuôi dưỡng cho danh đến nỗi chúng trở thành một. Tuy nhiên tách lìa danh và sắc, người sẽ chết đi, không còn sự sống nữa. Mạng quyền có tác dụng duy trì sự sống. Sự sống không phải gói gọn trong một kiếp mà rất nhiều kiếp và cứ như thế. Hoa mai úa tàn thì hoa mai đi về với đất, hoa mai tiếp nối sự sống của đất và đi vào thân mai, đến lúc nào đó, nụ mai lại hé nở. Con người cũng vậy, sinh ra, lớn lên, già đi và chết, rồi lại sinh ra, lớn lên, già đi và chết. Vòng sinh tử luân hồi cứ lẩn quẩn, còn lâu mới kết thúc. Danh nương vào sắc để sống và sắc nương vào danh để biểu hiện. Vạn vật nương vào nhau, người này nương vào người kia, cái này có vì cái kia có, cái này sinh vì cái kia sinh, cái này diệt vì cái kia diệt, thế thôi. Tuổi thọ người này khác người kia, loài sinh vật này khác sinh vật kia vì sự điều tiết của danh sắc cũng khác nhau. Nghiệp lực cũng tác động đến sự điều tiết này. Cũng dễ hiểu, người có tu tập, thân tâm đều lành mạnh và khỏe khoắn, người sống lâu hơn người không có tu tập, thân tâm bệ rạc và nứt nẻ.

          Con người hay các loài chúng sinh sung sướng vô cùng hay đau khổ trăm bề cũng do tâm tạo ra, rồi nghiệp chồng chất, nghiệp tốt thì sẽ hạnh phúc, nghiệp xấu sẽ làm đau khổ trầm luân. Nhiều người muốn trường sinh bất tử như Tần Thủy Hoàng ngày xưa nhưng bất tử để làm gì nếu như sống lâu mà không thấy có hạnh phúc, gây thêm tai họa cho dân. Có thấy kẻ nào ăn chơi mà sống lâu đâu, nếu có chăng thì đó là những chuỗi ngày đau khổ. Đức Phật dạy, kẻ sống trăm năm mà không thấy pháp diệt sinh đâu bằng kẻ sống một ngày mà thấy pháp diệt sinh. Giống như, kẻ nghèo ăn một củ khoai mà sung sướng vô cùng, vẫn hơn kẻ giàu ăn cao lương mỹ vị, nhưng trong đầu lúc nào cũng trăm lo ngàn lắng. Có những pháp đáng gìn giữ và cũng có những pháp không đáng gìn giữ. Pháp thiện dĩ nhiên phải giữ rồi và càng giữ lâu càng tốt, còn pháp không thiện cũng phải biết để tránh hay buông bỏ, không cần níu kéo hay cố gắng làm cho nó trụ lâu. Người tu thản nhiên với các pháp thiện lẫn pháp không thiện vì các pháp không cần phải phân biệt. Khi không phân biệt, người không mất thì giờ vào việc phân loại, lên án, bình phẩm hay chỉ trích, xem nó bình thường như cơn gió thoảng qua. Tuy nhiên, với người thân tâm còn hay lay động, rung chuyển, chạy tới chạy lui, cần nuôi dưỡng các pháp thiện vì nó có tác dụng thúc đẩy người đi về nẻo thiện, tạo thuận duyên cho sự tu học. Như chiếc lá buổi sáng hướng về ánh mặt trời hay tận hưởng giọt mưa để nuôi dưỡng bản thân thì con người cũng có lúc héo úa, tàn tạ, cần được chăm sóc, cần được nuôi dưỡng bằng cách thực tập các tâm sở đẹp hay các tâm hành đẹp, đi vào nẻo thiện để nương vào đó mà chuyển hóa. Người khôn ngoan biết lựa chọn môi trường thích hợp mà tu tập, biết nương vào cái gì và không nương vào cái gì. Khi đã vững chãi, người nương tựa chính mình, không nương tựa bất cứ điều gì khác bên ngoài, cho dù đó là thiện pháp hay bất thiện pháp.

          Người phải chăm sóc cho thân tâm của mình để biết mình đang còn sống và tận hưởng các hạnh phúc đang có mặt. Người mù nếu được sáng mắt thì sẽ hạnh phúc lắm vì điều kiện hạnh phúc của họ là đôi mắt. Bây giờ đôi mắt mình đang còn sáng và trong trẻo, tại sao mình không lo hạnh phúc đi. Suy nghĩ như vậy, người thấy hạnh phúc bên trong và bên ngoài tràn trề, lấp đầy cả không gian và thời gian. Nếu tu tập thực sự và thành tựu, hạnh phúc đó vượt thắng cả không gian và thời gian. Nhiều người sống như đã chết, hoặc không biết mình đang sống, nên đời sống cằn cỗi, tha hóa và đi vào những con đường của tà dục. Người thường xuyên chết tức tưởi mà không biết, nên cái chết choáng ngợp đời người. Người đi nhưng không biết mình đang đi, người chết trong cái sự đi đó. Người ăn nhưng không biết mình đang ăn, nên người ăn không phục vụ cho sự sống mà đang phục vụ cho cái chết, ăn để chết. Sự sống là một tiến trình đang lão hóa và cũng là đang trẻ hóa. Ngày xưa tôi xem bộ phim của Mỹ có tựa đề là Người Trẻ Hóa. Thông thường người càng già sẽ càng yếu và qua đời, nhưng ở đây người sinh ra đã già và càng ngày càng trẻ. Càng trẻ không có nghĩa là khỏe mạnh hơn mà yếu đuối hơn, bệnh tật nhiều và ít có khả năng tự chăm sóc mình. Nói người già trông như con nít là vậy. Nói người già không phải người trẻ là không đúng vì nếu không trẻ thì làm sao già được. Người già mang các yếu tố của người trẻ và người trẻ mang các yếu tố của người già. Cho nên đừng bao giờ kiêu ngạo vì sức khỏe hay tài năng. Sức khỏe hay tài năng kia có kéo dài lâu không hay đến lúc nào đó sẽ kiệt quệ, úa tàn như thanh gỗ mục rỗng toét giữa cánh rừng hoang vu. Sức khỏe kia đâu phải của mình, tài năng kia đâu phải của mình. Chúng đều do sự đóng góp của hằng hà sa số yếu tố tạo nên, vì vậy mình chẳng là cái thá gì giữa muôn hiện tượng trùng trùng duyên khởi.

          Chánh niệm về mạng quyền để biết nắm lấy sự sống, tạo điều kiện đầy đủ cho sự sống tồn tại lâu dài và hữu ích. Thiền tập, ăn uống chánh niệm, giải trí lành mạnh, người tạo điều kiện được sống lâu, được tiếp nối đàng hoàng. Ăn chơi sa đọa, giải trí tầm bậy, người tạo điều kiện cho mình ít sống lâu. Nhiều người tự hào về sức khỏe nhưng đùng một cái, họ ngã lăn ra chết mà đến bác sĩ cũng không biết nguyên nhân vì sao. Hay nhiều người sức khỏe rất kém, vậy mà sống lâu, muốn chết cũng không được. Sống lâu hay không lâu không quan trọng, điều quan trọng là phải biết tu tập, sớm hay muộn không thành vấn đề. Còn sống thì lo tu, còn trẻ thì lo tu, đừng đợi đến khi có chuyện bất trắc mới biết tu, hay đợi đến già mới biết tu. Việc tu không đợi tuổi già, không đợi chuyện gian nan mà tu ngay bây giờ, ngay lúc này. Người có chắc ngày mai mình còn sống, đến kiếp tiếp theo, có chắc gặp được Phật Pháp, gặp được Phật Pháp, có chắc biết lo tu. Mọi thứ đều thường tình,  việc tu tập cũng vậy, nhưng cái thường tình này làm nên chuyện. Mọi thứ đều vô thường nhưng thường trong vô thường, nên nhớ điều này. Thường mang yếu tố vô thường và vô thường mang yếu tố thường. Mọi thứ vô thường chính là yếu tố thường. Nhìn bông hoa, bông hoa sẽ héo vào ngày mai vì bông hoa vô thường, nhưng cái thay đổi này mang tính thường, thường trong sự thay đổi. Nghe khó hiểu nhưng nếu quán chiếu sâu sắc, người thấy như vậy. Bông hoa tàn nhưng bông hoa đâu có chết, nó chỉ làm cuộc hành trình trở về, về với đất, nước, lửa, gió. Đây là cuộc trở về vĩ đại vì trở về với không gian thênh thang. Sau đó đất có từ bông hoa có thể không trở lại cây hoa mà trở lại cây cỏ, cây cam, ngôi nhà, đất nông nghiệp… Như vậy bông hoa ban đầu kia đi vào nhiều yếu tố hơn, thênh thang hơn, to lớn hơn. Nếu người biết cách trở về, người cũng thênh thang, đẹp đẽ như bông hoa kia.

Phật Pháp Ứng Dụng chân thành cảm tạ Thiền giả Minh Thạnh đã cho phép chúng tôi sử dụng bài viết để trích đăng trên Website. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu đến quý độc giả.

TG.Minh Thạnh

http://sachminhthanh.wordpress.com

Theo Phật Pháp Ứng Dụng