41. Tâm Sở Ganh Tỵ – San Sẻ Những Từ Bi – Bảo Hiểm Tâm
Tâm Sở Ganh tỵ – Issa cetasika
San Sẻ Những Từ Bi
Ganh tỵ hay ghen tuông thường mang đến sự tức tối, bực bội trong thân và trong tâm. Nhìn thấy người khác thành công và hạnh phúc, người chịu không nổi và nảy sinh tà tư duy như mong ước người đó gặp tai nạn hay phá sản cho rồi. Đây là một trạng thái của ích kỷ hay sự vắng bóng của tâm hỷ, tức là không biết vui vẻ hay hạnh phúc với hạnh phúc của người. Sự bực tức khiến người đau khổ vì tràn ngập sự ganh ghét, không thích hay căm giận thành tựu của người khác. Anh em trong nhà còn có sự ganh tỵ, nói chi đến bạn bè, đồng nghiệp hay đối thủ cạnh tranh trên thương trường. Chỉ cần phát khởi tâm hỷ, người có niềm vui với hạnh phúc của người và biết chia sẻ, thông cảm với đau khổ của người, bằng không sẽ ganh tỵ với hạnh phúc của người và hả hê với đau khổ của người. Bên cạnh đó, không chịu chấp nhận và bằng lòng với khả năng hiện có, người bươn chãi quá đáng, cố gắng quá đáng mà không cho phép mình nhìn lại con đường mình đi. Những người thương yêu nhau rất sâu nặng nhưng khi không còn tình cảm nữa thì họ căm thù chất ngất. Máu ghen của Hoạn Thư không phải bà có loại máu như vậy mà chỉ đau đớn khi thấy người khác đẹp hơn mình, đàn hát hay hơn mình và nhìn Thúc Sinh say mê như điếu đổ. Cảm giác không bằng thiên hạ, người ganh tỵ, so đo, phân bì và lúc không đạt được, người mặc cảm hay tự ti. Nhìn người khác tiến bộ, người ghen ghét vô bờ và thấy người tụt hậu hay gặp thiên tai, người khoái chí. Đây là tâm lý tiêu cực vì người xấu xa hơn bao giờ hết. Nếu biết nhường nhịn chút xíu, ai muốn thắng xin nhường cho người thắng, vì họ không phải thắng hoài, nhưng thắng trên con đường danh vọng có phải là thắng không, hay đến lúc nào đó nhiều bế tắc xuất hiện. Người thành công và hạnh phúc vì biết cách thành công và hạnh phúc, vậy nên học hỏi và lắng nghe để biết cách thực tập, còn ngồi đó ganh tỵ, để tâm phán xét và sân hận bủa vây, người tự xây ngục tù cho mình. Vui với cái vui của người là nhiệm vụ của người phụng sự vì phụng sự là đem cái vui cho người nên người có vui, người phụng sự mới thành công.
Nếu suy nghĩ tại sao người dễ chịu còn mình thì không. Nhưng người kia có bắt mình không dễ chịu đâu, chỉ tại mình chọn lấy điều không dễ chịu. Hai người bạn cùng học một lớp nhưng hồi nào tới giờ bạn A được mọi người chú ý, được cô giáo thương hay mọi người kính trọng. Ngày nọ, bạn B học hành vượt trội, thành tích nhiều hơn, bạn A cảm thấy mình bị lu mờ nên dùng nhiều lời chỉ trích bạn B trong khi bạn B chỉ mỉm cười và im lặng. Bạn B có bắt bạn A làm thế đâu, vậy mà A cứ nghĩ B chính là đối tượng làm cho mình khổ đau và tìm mọi cách hạ phẩm giá của B. Nếu A không chìm đắm trong những lời khen và lo học thì sẽ tiếp tục thành công và có thêm một người bạn thành công nữa, có phải có nhiều niềm vui hay không. Nhiều người bạn học giỏi, mình là người may mắn vì sống trong môi trường biết học biết làm việc, vậy mà không chịu tận hưởng, để cho những hạt giống ganh tỵ làm chủ, mình làm khổ mình, vậy còn trách móc ai nữa. Hơn nữa, người mà mình ghen tỵ, có ai xa lạ đâu, đó là người bạn của mình nên thành công của bạn cũng là thành công của mình, nên học cách tự hào về bạn, như vậy đời sống vui hơn nhiều. Ganh tỵ nguy hiểm như vậy, không chỉ làm mình mất đi một người bạn mà còn mất đi chính mình, người khác xa lánh không muốn chơi chung với mình, mình trở nên cô độc và tội nghiệp. Tâm ganh tỵ nếu không làm cho êm dịu sẽ gây tội ác lúc nào không hay vì nó cứ ngấm ngầm, ăn không được, ngủ cũng không yên và có khi rơi vào hành vi sai trái, có hối cũng không kịp. Ganh tỵ dễ xuất hiện ở nhiều người đam mê danh vọng, chủ nghĩa tiêu thụ và đề cao bản ngã. Tích lũy ganh tỵ ngày càng nhiều, người càng đau khổ vô cùng và đánh mất mình rất nhanh. Nghiệp bất thiện sẽ được suy tính và hoàn toàn không biết mình đang tạo nghiệp. Người chọc ghẹo hay quấy rối các nhà sư, dù không ác ý, chỉ giỡn cho vui, nhưng không biết là mình đang tạo nghiệp xấu vì khi giữ giới lời nói nhảm nhí cũng không được nói. Vì vậy, phải cẩn thận mới được, một nghiệp nhỏ cũng không nên tạo như ganh tỵ nhỏ cũng không nên có. Người thích được khen và nếu người khác được khen thì khó chịu lắm. Tâm ích kỷ xui khiến mình ghen tỵ và khi ghen tỵ nổi lên, nhìn ai mình cũng thấy ghét hết, mặc dù người đó chẳng làm gì mình.
Chấp vào bản ngã hay cái tôi, người không màng đến bản ngã và cái tôi của kẻ khác, đồng thời cho rằng quan điểm của mình là chân lý bất di bất dịch. Ai nói động tới hay ai nói hay hơn là nhảy dựng như con ngựa bất kham. Ngày xưa khi người điều khiển ngựa lần đầu tiên ngồi trên lưng ngựa thì con ngựa đó không cho cưỡi, nó nhảy thật cao hất tung người cưỡi xuống đất. Chỉ khi nào người cưỡi án ngự được trên lưng, tính bất kham của nó mới được điều phục. Mình cũng vậy, mình có tính bất kham, nỏng nảy, khó chịu, dữ dằn, thậm chí có người tự hào về tính nóng nảy đó. Nếu ai đó nói, sao bạn nóng tính quá vậy, tính bất kham nổi lên liền và sần sộ, tôi nóng hồi nào. Giống như người say rượu có bao giờ chịu cho mình đã say đâu trong khi chân nọ xọ chân kia, miệng nói lải nhải và ói mửa tùm lum. Chánh niệm về ganh tỵ để biết dừng lại và phát khởi tâm hỷ. Tập thói quen vui mừng với sự thịnh vượng và hạnh phúc của người khác, bản thân sẽ an lạc và bình thản. Thật kỳ cục nếu đem lòng ganh tỵ với những điều không đáng, thậm chí có người già thích ganh tỵ với trẻ nhỏ mà không dám đập tan cái ngã của mình đi. Mình sẽ thấy khỏe re khi ai kia có niềm vui, và niềm vui đó chắc chắn ảnh hưởng đến mình, mình biết mừng vui, biết chia sẻ. Hạnh phúc thật lớn khi mọi người cùng vui, còn đem hạnh phúc của người khác làm sự bực dọc cho mình, có phải dại dột hay không. Nhận diện và gọi tên cho được tâm ganh tỵ đang phát khởi, mình biết đây là tâm khiến mình mệt mỏi, chán chường, bất lực, cùng lúc đó, năng lượng ganh tỵ giảm dần, đồng thời mình mỉm cười để chia sẻ niềm vui. Không cần tiêu diệt lòng ganh tỵ mà chỉ thực tập cho nó nằm im, không cho nó làm tình làm tội mình. Thực tập tâm hỷ để niềm vui tràn trề, nếu người kia thành công thì mới chỉ có người ấy mừng vui, và khi mình vui nữa, sẽ có nhiều người mừng vui, năng lượng hạnh phúc và vùng không gian hạnh phúc tràn trề hơn.
Kệ Tâm Sở Ganh Tỵ
Ganh tỵ hay ghen tuông
Thường mang đến nỗi buồn
Thêm tức tối, bực bội
Tâm trí dễ phát cuồng.
Ăn ngủ cũng không được
Thân thể sẽ suy nhược
Phát khởi tâm bất thiện
Làm thế giới đảo điên.
Hãy thực tập tâm hỷ
San sẻ những từ bi
Tập thói quen vui mừng
Buông bỏ đi ích kỷ.
42. Tâm Sở Bỏn Xẻn – Hãy Vui Với Niềm Vui Phụng Sự – Bảo Hiểm Tâm
Tâm Sở Bỏn xẻn – Macchariyacetasika
Hãy Vui Với Niềm Vui Phụng Sự
Người có tâm bỏn xẻn tức là hà tiện không đúng chỗ, chỉ muốn thâu tóm mọi thứ về phía mình, không muốn cho ra. Tính keo kiệt này thậm chí ngăn cản người khác bố thí, chê bai hành động bố thí và cho việc bố thí là ngu xuẩn. Những điều tốt đẹp không được hiện bày, khả năng thực hiện điều tốt có thừa nhưng không muốn làm, khả năng có thể bố thí nhưng không dám làm, tâm trạng tiếc nuối và mong muốn chất chứa tràn ngập trong tư tưởng. Không phải người giàu có mới keo kiệt, người nghèo còn keo kiệt hơn nữa. Người giàu vì trước đây có bố thí, lần này không bố thí nữa, cái giàu đó sẽ hết dần. Người nghèo vì trước đây không có bố thí, lần này không bố thí gì, cái nghèo khiến họ càng nghèo thêm. Người bỏn xẻn không muốn khoe khoang, họ giấu kín sự thành đạt và thịnh vượng của mình. Ái ngại trước tình trạng đòi hỏi chia sẻ của kẻ khác, người che dấu những thành tựu của mình. Có người che dấu kinh nghiệm, không muốn chỉ cho ai, nếu chỉ thì đòi hỏi sự đền đáp rất lớn. Tính hà tiện lâu dần sẽ to lên, trở thành trùm sò, sống giữa đầy đủ nhưng vẫn thiếu thốn. Tâm tham làm người kiệt quệ vì làm nhiều, thu nhiều nhưng không dám hưởng, theo kiểu cơm dư thừa nhưng không dám ăn, áo đầy đủ nhưng không dám mặc. Thậm chí ngay cả người thương trong nhà cũng không thể chia sẻ. Thương người mà không chịu nói ra, không chế tác hạnh phúc cũng là dạng người ích kỷ, tiết kiệm lời nói, tiết kiệm tình thương không đúng chỗ.
Lớn hơn cả trong việc suy nghĩ bỏn xẻn là không muốn người khác phát triển, tức là tâm hỷ bị xói mòn, vì vậy tâm ganh ghét sinh ra, kéo theo nhiều tà dục khác. Nói như vậy, người cảm thấy hạnh phúc khi kẻ khác thất bại, cái hạnh phúc này dìm chết người hồi nào không hay. Giống như kẻ chuyên đi hãm hại người khác, đến lúc nào đó, cái hại quay ngược trở lại mình. Tâm sân và tâm tham xui khiến người bỏn xẻn, bản thân cảm thấy chưa đủ, còn đi xúi giục người khác bỏn xẻn như mình. Những người kiếp sống này sống nghèo nàn, thiếu thốn, ăn bữa sớm đã lo bữa trưa, phải biết kiếp xa xưa bỏn xẻn như thế nào. Mức độ nhẹ hơn của bỏn xẻn là sự tiếc rẻ, nuối tiếc và khó chịu về tình trạng cho đi. Về vật chất, cái cho đi cứ được nhắc mãi và bản thân cảm thấy dại dột sao lại buông bỏ. Về tinh thần, cảm giác không đáng khi hiến tặng hạnh phúc đến cho người khác. Lòng không muốn người khác có được sự thừa hưởng lấn ác về vật chất và tinh thần nên cái cho đi nhiều khi không tiếc mà tiếc rằng người kia không đáng thọ lãnh. Một khía cạnh khác có thể phân tích là người thích ăn theo kẻ khác. Ví dụ, mình có xe nhưng không chạy, chỉ thích đi nhờ xe hay đi xe không tốn tiền. Cái này gọi là xài đồ của người khác. Cho nên ăn theo danh tiếng của người cũng là một thứ bỏn xẻn, nói trắng ra là bất tài, tham danh hám lợi. Đối với nhiều người, bố thí là biểu hiện của hành động hạnh phúc, bản thân nhẹ nhàng và xem hạnh phúc của người là hạnh phúc của mình. Đối với người bỏn xẻn, hạnh phúc này hết sức cay đắng, mang đến sự rầu rĩ và nhiều khoảnh khắc thời gian thê lương. Người dấu nhẹm mọi thứ, hưởng thụ một mình không cho ai biết không chia sẻ cùng ai, thậm chí người thân thiếu thốn đủ thứ nhưng không dám tiêu xài, bản thân bệnh tật mà không đành lòng chữa trị.
Bỏn xẻn khác với lối sống giản đơn. Giản đơn là không cầu kỳ, không đòi hỏi quá đáng, tìm niềm vui trong sự nhẹ nhàng trong sáng. Không bố thí thì không tạo phước, bố thí rồi tiếc rẻ thì phước giảm, bố thí mà hoan hỷ thì phước tăng. Bố thí chỉ cho một người và người nhận đó giúp được nhiều người khác, hạnh phúc của người to lớn gấp nhiều lần. Vì vậy, ngăn cản người khác bố thí trong khi người nhận đang chờ đợi giúp nhiều người khác nữa, không những không tạo được phước đức mà còn có tội. Bản thân bỏn xẻn là đủ lắm rồi, đừng bao giờ xúi giục người khác bỏn xẻn và tìm phương tiện chứng minh cho sự bỏn xẻn. Một trường hợp khác, mình không bố thì nhưng người khác bố thí, mình cũng không hài lòng. Ghê gớm đến như vậy, người sợ hãi với chính thành tựu của người khác và thất vọng về sự đi lên của kẻ khác. Đành rằng trong đời sống khó khăn hiện nay, có những lúc người sống thiếu thốn chật vật nhưng dù nghèo vẫn có thể bố thí theo nghèo. Người nghèo tiền nghèo bạc nhưng tấm lòng thì không, bố thí bằng sự chăm sóc, hỏi han, chia sẻ, khuyên răn, tu tập. Quả vị của bố thí không cần đến đời sau mà ngay trong giây phút khởi tâm, người đã có nhiều hạnh phúc. Ngày xưa trưởng giả Cấp Cô Độc bố thí toàn bộ tài sản của mình để giúp đức Phật xây dựng tăng thân đến nỗi phải nghèo đi, vậy mà ông vẫn vui vì niềm vui của ông không nằm ở chỗ chất chứa tiền bạc, ông vui vì được thấy chư tăng, được phụng sự chánh pháp. Tiết kiệm rất quan trọng, cái gì đáng xài cái gì không đáng xài, nhưng tiết kiệm trong sự bố thí là hay nhất. Tức là hành vi cho đi và buông bỏ. Buông bỏ những đòi hỏi tiêu thụ và cho đi những điều cần thiết. Nhờ tiết kiệm, người không lo lắng về thiếu thốn ở hiện tại và tương lai. Còn bỏn xẻn, đó là sự nhồi nhét, thúc ép và chật chội. Đi vào một căn phòng hay ngôi nhà, đồ đạc rất nhiều, người cảm thấy ngột ngạt, khó thở và ô nhiễm. Nếu cho bớt đồ đi, căn phòng nhiều không gian hơn, người thấy thoải mái, dễ chịu và dĩ nhiên sống lâu hơn.
Chánh niệm về bỏn xẻn để biết tâm tham và tâm sân đang chi phối nên hãy từ bỏ cái tính ích kỷ đó đi. Con người có thể đến gần nhau vì biết quan tâm đến nhau, còn ngược lại, người sẽ rất cô đơn trong rừng vật chất và tiện nghi tinh thần. Hãy xem việc bố thí là phận sự còn bỏn xẻn là tai hoạ hay căn bệnh. Người ta thường dùng từ bệnh keo kiệt, bệnh hà tiện là vậy. Hồi còn nhỏ bà nội có kể tôi nghe một câu chuyện. Có hai cha con câu được con cá lóc. Người cha muốn dành phần ăn nên bỏ ớt vào nước mắm rất cay để đứa con không thể ăn. Nhưng sau nhiều lần thêm ớt, đứa con vẫn ăn được. Ông tức chí bỏ cả hủ ớt vào rồi hỏi, mày ăn được không. Đứa con nếm thử thì ăn không nổi vì cay quá. Đến phiên ông ăn thì thấy không nổi luôn. Cuối cùng đổ cho chó ăn, chó cũng chê phải đem đổ thùng rác. Tính ích kỷ sẽ hại mình hại người, làm mất tình thân. Hai cha con trong nhà còn như vậy huống chi là người ngoài đường. Bên ngoài người ta tính toán từng li từng tí như thế nào. Trong thế gian người bỏn xẻn vật chất và tinh thần. Trong tự viện, người bỏn xẻn pháp, bỏn xẻn kinh điển. Người tu mà bỏn xẻn thì thôi rồi, đi ra ngoài đời ở cho xong. Hãy nhớ rằng người muốn thành tựu đạo nghiệp phải bố thí, đi tu rồi không còn tiện nghi vật chất và tinh thần, chỉ có sự tu tập là bố thi cao thượng. Trì giới là bố thí, giữ uy nghi là bố thí, chia sẻ pháp là bố thí. Làm như vậy không phải là đang giúp người mà thực sự đang giúp mình. Nói cho một cái chăn, thuyết một bài pháp để giúp người giữ ấm, giúp người chuyển hóa. Mình đang giúp mình đấy, nhắc nhở mình nhiều hơn đấy. Trong tiền kiếp đức Phật bố thí không biết bao nhiêu mà kể đến khi thành tựu giác ngộ, ngài tiếp tục bố thí không mệt mỏi. Bố thí là công việc làm hàng ngày, bố thí chỉ để bố thí thôi. Làm bố thí mà tâm còn nghĩ mình đang bố thí, người đã làm mồi cho tâm bỏn xẻn, tham lam ích kỷ rồi. Sự kiêu ngạo hay đề cao bản ngã cũng làm mình bỏn xẻn vì chỉ muốn người khác công nhận mình. Trong tu viện đông người, tình trạng này hay xảy ra vì muốn được chứng minh, muốn được để ý tới. Bỏn xẻn là một sự hổ thẹn, người biết hổ thẹn ít khi bỏn xẻn. Không ít người bố thí vì sĩ diện nên cho nhiều nhưng tâm bỏn xẻn không giảm đi bao nhiêu, vẫn còn hoài, vẫn bực dọc, vẫn khó chịu. Vì tự ái mà bố thí trong khi tâm không muốn điều đó. Người này chẳng có phước đức gì cả, mà còn tạo nghiệp xấu nữa: nghiệp bố thí với tâm hằn học. Cho nên đã không bố thí thì thôi, đừng bố thí sai vì nếu không, nhân gieo sẽ sai và quả gặt được cũng sai theo. Bố thí cho người nhưng cũng phải bố thí cho chính mình. Một bạn trẻ đi làm nói, con tự cho mình một ngày để nghỉ ngơi. Tôi thích câu nói này. Đơn giản ôm đồm nhiều việc vào người cũng là bỏn xẻn, không cho phép bản thân nghỉ ngơi cũng là bỏn xẻn, cái gọi là tham công tiếc việc là minh chứng cho sự bỏn xẻn. Chia sẻ công việc là bố thí công việc trong thời đại khủng hoảng kinh tế, nhiều người thất nghiệp. Chia sẻ thời gian nghỉ ngơi là biết thương trái tim, lá phổi. Muốn hết bỏn xẻn với người, trước hết đừng bỏn xẻn với mình.
43. Tâm Sở Nhất Hành – Tâm Nhất Cảnh – Bảo Hiểm Tâm
Tâm Sở Nhất hành – Ekaggata Cetasika
Tâm Nhất Cảnh
Nhất hành là trạng thái không chao động, làm cho các tâm khác phát sinh cùng đứng yên với nó. Không chao động không có nghĩa là trống rỗng mà tâm gì đang khởi lên, niệm tâm đó, biết tâm đó đang có mặt. Nhất hành phát triển mạnh mẽ có sức mạnh trở thành định, người an trú trong định, biết rõ việc đang xảy ra bên trong lẫn bên ngoài. Tâm diễn biến không ngừng nhưng nhờ niệm, người nắm được tâm, hiểu tình trạng của nó như thế nào, nhờ thế định phát khởi. Tâm yên lặng đối với cảnh, không tạo ra sự phân biệt, như mặt hồ tĩnh tại, không có gió, tạo thành tấm gương trong soi rõ vạn vật. Trường hợp tâm nhất cảnh, cảnh sao tâm vậy, tâm sao cảnh vậy, tâm và cảnh trở thành đối tượng của nhau nhưng không làm biến chất nhau. Các pháp lấy định làm kim chỉ nam nhưng các pháp vốn đã định, nên tìm lại định chứ không đi về hướng của định. Định không là một sự sáng tạo hay chế tác mà là biểu hiển khi các yếu tố niệm đầy đủ. An trú trong cảnh nhưng cảnh không làm chủ, tâm cũng không làm chủ, tâm và cảnh, không ai làm chủ ai. Bởi không có sự phân biệt nên vấn đề làm chủ không cần phải tính đến. Như uống ngụm nước vào cơ thể, mình đâu làm chủ được ngụm nước, đâu có kêu nó phải chảy chỗ này không được chảy chỗ kia. Tâm nhất cảnh giúp người gắn kết với hiện tại. Phẩm chất này càng cao, thực tại càng cùng tột và phẩm chất cùng tột lên cao, ngay cả hiện tại hay cái gọi là thực tại kia cũng buông bỏ được. Tâm hợp cảnh thì cảnh bỏ rồi, tâm này còn gì phải níu kéo. Chắp hai bàn tay lại với nhau hình búp sen. Nếu tay phải là tâm, tay trái là cảnh, việc chắp lại hay việc gặp nhau của đôi bàn tay là biểu hiện tâm gặp rồi hợp nhất với cảnh. Nhưng nếu đổi lại vai trò của hai bàn tay thì tâm kia, cảnh kia, lấy gì mà phân biệt.
Định giúp cho người không còn lay động giữa đôi bàn tay hay tâm và cảnh. Trạng thái vắng lặng, im re dù bao nhiêu âm thanh, khó chịu đang sỗ sàng ở bên ngoài, nhưng bên trong rất bình thản, chính cái bình thản bên trong này khiến cái khó chịu sỗ sàng không là nghĩa lý gì cả. Giữ tâm quân bình không phải chuyện dễ nhưng bất cứ ai cũng có thể thực tập được. Gặp chuyện vui, tâm quân bình, không say đắm cái vui. Gặp chuyện buồn, tâm quân bình, không chìm đắm nỗi buồn. Quân bình không mang tính thờ ơ mà tiếp xúc sâu sắc, vì sâu sắc nên thấy vui buồn kia trôi đi rất nhanh, nhanh một cách hững hờ. Đối với người thực tập tâm vững, các pháp trên một đối tượng được gìn giữ. Đối tượng đó mang tính vô thường, tính vô ngã, tính vắng lặng, cho dù nó mang đi đến chỗ khác hay bị dẹp đi, nó cũng sẽ như thế. Biết vậy, cái già đến không buồn, cái mất đi không tiếc, cái được không quá nâng niu, bình thường thì sẽ quân bình được. Người vững trong cảnh nhưng không để cảnh tác động ngược trở lại. Thực ra cảnh không tác động lại mà do tâm tác động nên lầm tưởng là tác động đến từ bên ngoài. Cảnh có muôn hình vạn trạng nhưng với tâm không động, muôn hình vạn trạng kia chỉ là một. Bồ Tát Quan Âm hiện thân dưới hình tượng người mẹ, cụ già, em bé, người đi đường, bác nông dân…, nhiều hình tướng nhưng tính bồ tát chỉ một. Tà dục cũng vậy, biểu hiện ở nhiều sắc thái nhưng qui chụng lại, chúng chỉ là tà dục. Cái nhà này đẹp, nhà kia xấu, chung qui lại cũng chỉ là cái nhà, bản chất cư ngụ không phân biệt nhà đẹp hay xấu. Người thường nghĩ càng náo nhiệt, ồn ào mới vui, đó chỉ là sự hưng phấn hay kích động, không phải sự yên vui đích thực. Muốn yên vui đích thực phải có sự bình an, bởi vì có an mới có lạc, nên muốn lạc phải an. Người thử ngồi yên hàng giờ quán chiếu cảnh sẽ thấy những thứ ồn ào cách mấy đều biểu hiện tính an của nó.
Tâm sở nhất hành trái với tâm sở phóng dật vì phóng dật có tính chất lang thang, bay nhảy nhưng không biết rõ điều đó, còn nhất hành thì không chạy như vậy nữa. Khi đang đi biết mình đang đi, người không có sự phóng dật mà an trú trong sự đi này. Khi tâm không còn loạn động, đạt trạng thái bình yên, nhìn cảnh sẽ trở nên vô tư, cảnh không bị phán xét hay so đo nữa. Cảnh tốt hay xấu cũng vậy mà thôi vì chẳng có cảnh nào gọi là tốt và chẳng có cảnh nào gọi là xấu. Không có cảnh lắng yên, chỉ có tâm lắng yên và tâm thì vốn lắng yên rồi. Định sinh khởi do sự lắng yên lớn mạnh, đến lúc đầy đủ, trí tuệ sẽ bừng dậy. Khi nhất hành biểu hiện, các danh pháp đồng sinh kết dính vào nhau không bị phân tán, đơn giản vì sự lắng yên giúp đủ thì giờ và năng lực nhận biết điều đó. Như người rảnh rang có thể làm nhiều việc cùng một lúc. Trong kinh doanh, một ngành xuất hiện, nhiều ngành khác xuất hiện theo, nói cách khác các ngành nương nhau cùng biểu hiện. Nhất hành có thể cho là sự nương tựa của nhiều danh pháp đồng sinh, tạo ra sự liên kết không bị tách rời, vì thế tính biểu hiện của sự kiện càng thêm sâu đậm. Quán xét về danh sắc, người biết cái nào là danh cái nào là sắc, biết vậy thôi chứ không can thiệp vào cái biết ấy. Do biết nên đạt niệm và từ niệm đạt định rồi từ định trí tuệ rỡ ràng. Người không bị tán loạn, không ở tình trạng bị xua đuổi, lấn áp, dồn nén, bức bách hay ngột ngạt nào. Giống như một sự bung ra, giải phóng, hoàn toàn không bị kẹt vào các khái niệm, phán xét hay đặt để quan niệm. Người đạt an lạc nhờ giải phóng sự tù túng, bức bách, nghẹt thở. Giải phóng sự ôm đồm, chật chội, cưu mang quá nhiều để được thảnh thơi, vững chãi và giản đơn. Thân an, tâm an. Tâm an, mọi phiền não sẽ an. Phiền não vẫn có tính an như thường, chỉ tại người đặt cho nó cái tên phiền não, thực ra bản chất của phiền não là an. Một người nói mình đang phiền não, vậy hãy tìm cho ra cái an của nó và làm cho nó lan toả. Nhiều khi không cần làm gì đến phiền não hết, tính an tự nhiên sẽ biểu hiện, còn làm đủ thứ, phiền não rối rắm thêm, chưa giải quyết hay chuyển hóa được gì đã trở nên phức tạp.
Tâm vốn an lạc và có khuynh hướng tìm kiếm sự an lạc. Trường hợp không an lạc, tức là phiền não, có dao động, có hoài nghi. An lạc cũng cần hiểu ở khía cạnh của sự đích thực vì nhiều an lạc cũng trá hình, đánh lừa người tu. Tâm đang vùng vẫy phải biết nó đang vùng vẫy và thoát khỏi tình trạng vùng vẫy. Vùng vẫy mặc cho vùng vẫy hay đang vùng vẫy mà cứ tưởng là an, người đang bị sai khiến nhiều hơn là tự làm chủ mình. An lạc không từ ngoài đi vào mà từ bên trong đi ra nên đi vào môi trường không thích hợp, người thấy an lạc thì xem như thành công. Đòi hỏi sự thích hợp mới tạo an lạc chỉ là sự thực tập sơ sơ hay lúc ban đầu còn chưa thành tựu. An lạc trong thiền tập có thể chứng minh điều này vì thiền là thiền khắp mọi nơi, không phải đi vào thiền đường mới thiền. Thiền đường là môi trường thích hợp thực tập an lạc nhưng đi ra chợ, vào nhà máy hay giữa biển cả bao la vẫn thiền, vẫn an lạc, mọi nơi trở thành thiền đường. Hãy tận dụng mọi cơ hội thực tập an lạc là như vậy. Thân tác động đến tâm thì tâm cũng sẽ tác động đến thân. Thân bệnh nhưng tâm an, căn bệnh phần nào thuyên giảm cái đau. Thân khoẻ nhưng tâm bệnh, cái tâm sẽ hành hạ cái thân. Tuy nhiên thân và tâm hỗ trợ lẫn nhau để truyền tải năng lượng từ chỗ này sang chỗ kia. Như nước cao chảy xuống chỗ thấp, chỗ đầy chảy vào chỗ trũng, cái an mạnh sẽ xoa dịu cái khổ yếu ớt làm nó tan chảy, còn cái khổ mạnh và cái an yếu ớt, cái khổ sẽ ngập tràn. Điều quan trọng là tập cho sự an lạc đầy đủ, dư dả và thừa thải, lúc này cái khổ mới mong được chuyển hoá.
44. Tâm Sở Mạn – Vạn Vật Nương Nhau Mà Sống – Bảo Hiểm Tâm
Tâm Sở Mạn – Mana cetasika
Vạn Vật Nương Nhau Mà Sống
Mạn hay ngã mạn là thái độ tự cao tự đại, xem mình là quan trọng, là trung tâm vũ trụ. Ngày nay, người ta đề cao cái tôi, cái ngã, cái cá tính mà quên mình và người không có sự phân biệt nào. Người luôn so sánh bản thân với kẻ khác rồi sinh tâm so đo, phân bì, đồng thời tự cho là giỏi, cao siêu, thậm chí vào bậc nhất. Vì kiêu ngạo nên không lắng nghe ai, thấy ai cũng dở, chỉ mình là hay, là giỏi, là đúng. Nhiều người luôn cho kẻ khác là sai lầm, còn mình luôn luôn tuyệt vời, vì thế chấp mắc xảy ra, gỡ hoài cũng không được. Thật sự người không giỏi như tưởng tượng, như mình thấy, nhưng cứ mãi cho như thế. Có khi không ai khen mình, người lên kế hoạch tự khen, tự nâng bốc, đưa mình lên và vô tình chà đạp người khác xuống. Một số người không nổi tiếng vì tài năng ảo, nên cố tình lăng xê bản thân, tạo ra tài năng thực và đánh bóng tên tuổi. Nói nhiều chưa chắc làm giỏi vì nói nhiều chỉ lấp liếm cho thói hư tật xấu và khoả lấp những khoảng trống với cảm giác thua thiệt. Ngã mạn bao gồm hai yếu tố, giỏi hơn hoặc tệ hơn. Điều gì giỏi thì chứng minh là mình giỏi, đi gặp người này người kia nói tôi biết như thế, có ai nói thì gân cổ lên cãi, chứng minh cho quan điểm eo hẹp của mình. Thực sự giỏi chẳng cần chứng minh gì cả, ai cũng biết. Thứ hai, mạn bắt người không hài lòng với cái tệ, sự thua kém hay sa sút mà tìm cách qua mặt với tâm bực bội, tức tối. Người đang ở trạng thái đau khổ vì không chấp nhận nổi sự thật, đó là đứng ở thứ hạng thấp kém hay người khác giỏi hơn mình, và sinh tâm ghét họ.
Ngã mạn xuất hiện ở người có đối tượng dựa dẫm. Người tu có ông thầy giỏi, ở chùa to, nổi tiếng, bắt đầu kiêu căng. Người trẻ có cha mẹ giàu có, làm địa vị cao trong xã hội, bắt đầu vênh váo. Người mới thành tựu, chút ít tiền của, vài bằng cấp, làm việc ở chỗ tốt, bắt đầu khoe khoang và ước ao cơ hội chứng tỏ hay khẳng định mình. Thấy người giỏi, mình không hài lòng, tâm hoan hỷ là gì đó rất xa lạ và ngộ nghĩnh. Thấy người ngang bằng, mình không chịu, chỉ muốn bản thân là giỏi nhất, ai giỏi hơn thì khó chịu lắm, ăn không ngon, ngủ không yên. Thấy người dở hơn, tìm cách chê bai, làm mất mặt người. Khi tự cho mình giỏi, người chỉ thích được khen và không hài lòng với lời chê. Họ thích sự xu nịnh và làm bạn với kẻ xu nịnh. Tâm bất thiện phát sinh, từ suy nghĩ đến lời nói và hành động, rồi đi nói xấu người khác, nhưng không bao giờ dám nói trước mặt. Người tạo nghiệp xấu, đến lúc nào đó, nó quật ngã mình, trở tay cũng không kịp. Mạn đi kèm với tham, tham chứng minh sự giỏi hơn. Có thể nói mạn là sự phát triển khác của tham. Người tu mà tự cao tự đại sẽ luôn thất bại, khó tu được vì mầm mống của tham chưa được bứng rễ. Chẳng cần nói đến người tu mà nói đến tất cả hạng người, dù đi đâu mà kiêu ngạo đều không được kính trọng và dễ gặp thất bại trong công việc, nếu thành công thì chỉ là vẻ bề ngoài không vững chắc. Mạn còn làm nổi sân, là tức giận trước thành tựu của người và buông lời chê bai hay miệt thị. Tâm hỷ bị che lấp và sự vắng mặt của tâm hỷ khiến tâm sân phát khởi. Mình chỉ muốn bản thân thành công, không muốn ai thành công như mình hay hơn mình. Người ngã mạn khổ lắm, tình thương rất nhỏ giọt, gương mặt bị biến đổi, trở nên vênh váo và không muốn nghe ai, xem quan điểm của mình là chân lý bất di bất dịch. Vì thế, họ khổ, họ không chấp nhận được ai, không sống chung hạnh phúc với ai và đời sống mệt mỏi vô chừng. Mạn cũng do tưởng tượng mà ra, tức là rơi vào sự bất tịnh, thất vọng, nóng giận. Nghĩ rằng người kia đang có ý tranh giành với mình, trong khi vị trí hay lời khen đó phải thuộc về mình. Âu cũng là tự cao hay mặc cảm trong hơn, thua, kém, bằng…, bản thân tự tạo rối rắm, làm hại thân tâm.
Tính tự đắc làm tính tham có dịp ra oai. Bất cứ ai cũng tham, tham vật chất hay tham tinh thần, mạn là một thứ tham tinh thần. Tiện nghi về tinh thần có sức hút mãnh liệt, thậm chí nhiều hơn tiện nghi vật chất. Người ta khổ nhiều về tinh thần, đây là minh chứng cho người giàu vẫn khổ, người giàu cũng khóc là vậy. Mạn không đẹp, trở thành thói quen hay tập khí, giống như người thích đi phán xét người khác mà quên bản thân mình. Tập khí mang tính tự tung tự tác, khó kiểm soát lời nói, hành động sai rất mau, làm tổn thương đến người xung quanh và chất chứa khổ đau. Các pháp không thiện được tích lũy miệt mài, trong khi các pháp thiện tích lũy rất chậm, phải thực tập mới tích lũy được. Của cải có thể được làm ra, chất thành đống, nhưng buông bỏ chúng hay đem một ít đi bố thí, sao thấy khó quá. Tính tự đắc cũng vậy, nếu không thực tập khiêm cung, sự ngã mạn tả xung hữu đột, lấn chiếm toàn bộ tâm trí. Kiêu hãnh đi đến ngã mạn chỉ qua một bức tường mỏng manh, rất khó nhận biết, nếu có người nói sao kiêu ngạo quá vậy, mình phản ứng liền và chỉ muốn tô vẽ cho cái tôi của mình. Một số ngã mạn được liệt kê như ngã mạn về địa vị gia đình, sức khỏe, sự trẻ trung, cuộc sống thuận lợi, lợi lộc, danh vọng, được kính trọng, tiền tài, đông đúc nhân viên, sắc đẹp, học thức uyên bác, trí thông minh, uy tín, thường bố thí, thành đạt, nổi tiếng, khéo léo, cao ráo, dễ thương, thân hình hoàn hảo, thuyết pháp giỏi, giảng dạy hay… Bất cứ thành tựu nào đều dẫn đến sự kiêu ngạo và nếu không khéo sẽ rơi vào tà đạo. Hoàn cảnh thuận lợi kể trên đều có thể mang yếu tố độc hại, không tỉnh thức là dính ngay. Ngày nay người ta đề cao các tiện nghi và quên đi hành xử thiện rất nhiều vì hầu như mọi thứ từ xã hội, kinh tế, chính trị, giáo dục, nghệ thuật… đều đi theo hướng đó. Những đứa trẻ được cho là thần đồng cũng vì tài năng hơn đạo đức. Tài năng ban đầu không được mài dũa cho thấm nhuần đạo đức, đứa trẻ giỏi cách mấy cũng như không.
Năm căn ảnh hưởng đến mạn. Mắt thích nhìn sắc đẹp nên coi trọng sắc đẹp. Tai thích nghe âm thanh quyến rũ nên coi trọng lời quyến rũ. Mũi thích ngửi mùi thơm nên coi trọng hương thơm. Lưỡi thích nếm vị ngon nên coi trọng thức ăn ngon. Thân thể thích xúc chạm dễ chịu nên coi trọng các phương tiện đem đến sự dễ chịu. Người đẹp kiêu hãnh về cái đẹp của mình. Người có giọng nói hay kiêu hãnh về giọng nói của mình… Dính mắc vào những cái tự cho là của ta nên tìm cách bảo vệ chúng, nếu nó mai một thì sinh đau khổ và chán chường. Đức Phật dạy, thất bại lớn nhất của đời người, ấy là tự đại quả không sai, kiêu ngạo khoe khoang không khiêm tốn, đánh mất niềm tin hại cuộc đời. Người đời hay nói đùa, một khiêm tốn bằng bốn tự cao, chẳng qua để ngụy biện cho sự ngã mạn của họ. Chánh niệm về mạn để biết mình đang kiêu ngạo, đang suy nghĩ kiêu ngạo, đang nói lời khoe khoang, đang hành động khoe khoang và nhờ chánh niệm, mình ngưng lại, không để cho tính kiêu ngạo làm biến chất. Người tu muốn giỏi phải buông bỏ cái ngã, đập tan tính kiêu ngạo, có làm được vậy mới đi xa, mới nhẫn được, tức là nhẫn cả những lời khen chê, nhẫn với sự đòi hỏi chứng tỏ mình. Cảm giác sảng khoái vì được khen, được tâng bốc rất nhất thời, trôi qua mau chóng, như hơi thở vào rồi hơi thở ra, nên khen đó rồi sẽ chê đó. Tâm người biến chuyển không ngừng. An trụ trong khiêm cung thì không phải lo người khen hay chê mình. Người khen thì quán chiếu để phát huy tâm thiện, có trách nhiệm với lời khen. Người chê thì không sầu khổ, dành thời gian nhìn lại mình xem đã làm gì sai để sửa chữa. Điều phục tâm ý để đừng bị lôi kéo bởi tà dục xấu xa. Mạn làm nhiều tà dục sinh ra và người cứ thế, tiếp tục ngụp lặn trong tà dục, đến lúc muốn hối cải lại không đủ điều kiện. Không nên để ngoại cảnh, hoàn cảnh hay đối tượng bên ngoài tác động đến mình mà bản thân phải làm chủ bên ngoài. Sự bình an đi từ bên trong đi ra, không phải từ ngoài vào. Người nào để bên ngoài làm ô nhiễm thân tâm, sẽ khổ thôi vì khổ không phải là các đối tượng kia, mà là thân tâm dao động đảo điên nên đối tượng bên ngoài chi phối. Thực tập khiêm cung để học hỏi thêm, lắng nghe mọi đối tượng, không để tâm phán xét, trách móc và kỳ thị. Nhìn lại mình xem đã tốt đẹp chưa, nếu chưa thì thay đổi cho hay hơn, còn tự cho mình là giỏi nhất thì quả quýt dày có móng tay nhọn, ngọn núi này cao, ngọn núi kia cao hơn.
Phật Pháp Ứng Dụng chân thành cảm tạ Thiền giả Minh Thạnh đã cho phép chúng tôi sử dụng bài viết để trích đăng trên Website. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu đến quý độc giả.
TG.Minh Thạnh
http://sachminhthanh.wordpress.com
Theo Phật Pháp Ứng Dụng