Tất thảy các loài hữu tình, từ bò, bay, máy, cựa, không chân, hai chân, bốn chân, nhiều chân cho đến chúng sanh có cánh, không cánh, có vây, không vây… ở trên mặt đất, dưới biển, ao hồ, sông rạch, trên hư không… chúng đều có sự sống, biết đau đớn – thì người Phật tử phải biết tôn trọng, chẳng nên giết hại.

Dù sanh ra từ trứng, từ thai sanh, hóa sanh, thấp sanh, chúng đều do sự chi phối, tác động của nghiệp, là thừa tự của nghiệp. Khi trả hết ác nghiệp, chúng có thể trở lại thân người.

Trái lại, nếu con người không tu tạo phước lành, cứ tà kiến, ngu si, ác độc làm việc dữ… thì chúng ta cũng phải bị đọa vào các cảnh giới đau khổ ấy.

Để tránh khỏi sự khổ báo và trả vay nhân quả, chúng ta chẳng nên sát sanh hại vật; dù sinh mạng chúng nhỏ nhiệm thế nào.

Nếu biết vĩnh viễn từ bỏ sự giết hại, người Phật tử sẽ tăng trưởng lòng từ.

Những trạng thái tâm ác độc, hung dữ lần hồi sẽ lắng dịu. Tâm từ càng phát triển thì tâm sân hận, giết hại, ưu não sẽ không còn.

Khi ấy, bạn sẽ cảm nhận một năng lực từ hòa, mát mẻ từ bên trong lan tỏa ra bên ngoài, thấm nhuần khắp cả không gian, người, vật, cây, cỏ…

Đó là lúc nghiệp lành bất sát đã thành tựu tuyệt hảo, trọn vẹn, viên mãn vậy.

“- Muôn loài sự sống đều nhau
Có thân, có thức biết đau như mình
Nỡ nào giết hại hữu tình
Ruột mềm máu chảy thương sinh não nùng”.


-st-