Có một người quăng một khúc cây xuống biển. Trên khúc cây ấy có một cái lỗ. Một ngọn gió từ phương Đông thổi nó trôi qua hướng Tây; một ngọn gió từ phương Tây thổi nó trôi qua hướng Đông. Và một ngọn gió từ phía Bắc thổi nó trôi qua phía Nam; một ngọn gió từ phía Nam thổi nó trôi qua phía Bắc. Cứ thế, khúc cây bị gió thổi trôi lênh đênh trên biển.
Trong biển lớn ấy có một con rùa mù. Một trăm năm rùa mù mới trồi đầu lên mặt nước một lần. Nhiều, rất nhiều lần của một trăm năm, rùa trồi lên để đút đầu vào đúng cái lỗ cây ấy!
Câu hỏi được đặt ra là: đến bao giờ thì rùa mù mới có thể làm được cái việc cực kỳ hy hữu ấy?
Lỗ cây và con rùa mù là một ẩn dụ nổi tiếng bậc nhất trong kinh điển Phật giáo. Ẩn dụ này được Đức Phật ví cho cái sự khó của việc được sinh làm người, một khi bị rơi vào đọa xứ.
Các Tỷ kheo trả lời câu hỏi trên như sau: “Nếu có được chăng nữa, bạch Thế Tôn, thời chỉ được một lần, sau một thời gian rất lâu dài”.
Tuy vậy, Đức Phật dạy rằng: “Còn mau hơn, này các Tỷ kheo, con rùa mù ấy có thể chui cổ vào khúc cây có lỗ hổng kia; nhưng này các Tỷ kheo, ta tuyên bố rằng còn khó hơn được làm người trở lại, một khi người ngu bị rơi vào đọa xứ. Vì sao vậy? Vì ở đấy, này các Tỷ kheo, không có pháp hành, an tịnh hành, thiện hành, phước hành. Này các Tỷ kheo, ở đây chỉ có ăn lẫn nhau và ăn thịt kẻ yếu”.
… Đọc ẩn dụ lỗ cây và con rùa mù, chúng ta thấy mình quá đỗi hạnh phúc và may mắn khi có được thân người – nhân thân nan đắc; và càng hạnh phúc hơn khi được học hỏi Chánh pháp – Phật pháp nan văn. Có được thân người, theo lời Phật dạy, là do chúng ta biết giữ gìn ngũ giới. Vậy mà phần đông chúng ta, dù mang được thân người, nhưng từ khi sinh ra cho đến khi chết đi, đều vô cùng bận rộn với cái ăn cái mặc, với những mối quan hệ, với những sự vui chơi giải trí, với những thứ hư danh phù phiếm và với những nỗi lo buồn, hỷ nộ ái ố… Khổ đau vì thế cũng quanh vây trùng trùng.
(st)
Mời quý vị cùng xem thêm pháp thoại: Chớ để mất thân người do ĐĐ. Thích Phước Tiến thuyết giảng.