Pleiku không chỉ hoang sơ với dã quỳ, với sương mù, với Biển Hồ…, mà ẩn sâu trong phố núi ấy là một quần thể kiến trúc tâm linh góp phần tạo thêm ấn tượng cho du khách khi đến với phố núi Pleiku, đó chính là quần thể kiến trúc chùa Minh Thành.
Chùa tọa lạc ở số 14A đường Nguyễn Viết Xuân, phường Hội Phú, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai. Chùa cách trung tâm thành phố 2km về hướng Tây Nam. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông.
Chùa được đại đức Thích Tâm Mãn (trụ trì chùa) vẽ thiết kế và trực tiếp khảo sát, thi công công trình này sau khi đã tham khảo rất nhiều kiến trúc chùa nổi tiếng khác. Chùa được khởi công xây dựng lại từ năm 1997, trên mặt bằng 20.000m2, đến nay đã cơ bản hoàn thành nhiều hạng mục.
Từ cổng tam quan bước vào, du khách sẽ bước qua con suối Hội Phú với mạch nguồn tự nhiên từ bảy con suối nhỏ khác nhập thành. Bước qua con suối, du khách sẽ choáng ngợp trước khung cảnh tự nhiên với những hàng cây lớn hai bên xòe bóng mát. Khoảng sân rộng với 12 hàng trụ bằng bêtông và phía trên mỗi trụ là một tượng Phật Adiđà, dáng đứng uy nghiêm đĩnh đạc bằng đá trắng được đặt theo hàng ngang.
Lên những bậc tam cấp du khách sẽ bước qua một khoảng sân rộng khác, khoảng sân này thường được dùng để tổ chức các buổi lễ lớn ngoài trời. Từ khoảng sân nhìn về phía bên tay phải, du khách sẽ thấy ngôi bảo tháp thờ Xá lợi 9 tầng cao 72m, trước khi đặt chân đến ngôi chùa này du khách đã nhìn thấy đỉnh tháp dù đứng bất cứ vị trí nào trong thành phố.
Những ngày trời giăng sương mù, ngôi bảo tháp càng trở nên lung linh huyền ảo tạo nên một vẻ đẹp thần bí. Bên trong bảo tháp được tôn trí 4 vị Thiên thủ Thiên nhãn, cao 8m và ngang 3,5m, được chạm khắc rất tinh tế, sống động từng chi tiết bằng gỗ mít. Tầng một và các tầng khác là nơi thờ thất Phật và Xá lợi của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, công trình này hiện vẫn còn đang thi công.
Ở giữa sân chùa là hồ Liên Trì, một hồ sen rộng gần 750m2, chính giữa hồ có tượng Phật Adiđà bằng đá trắng cao 7m được các nghệ nhân Đà Nẵng tạc nên, với thế đứng uy nghiêm và tĩnh tại giữa đất trời. Trước mặt hồ có lư đồng nặng 4 tấn, cao 4,5 m. Bước lên khoảng 30 bậc thang bằng đá, du khách phải ngạc nhiên trước vẻ đẹp của kiến trúc chùa, với chính diện là chánh điện.
Phía tay phải là tháp tổ cao ba tầng, thờ cố hòa thượng Thích Giác Đạo (hay thầy Năm) là người sáng lập nên ngôi chùa này từ năm 1970. Phía trái chùa là gác chuông hai tầng với hai quả chuông, quả chuông nặng nhất lên đến 3 tấn và khu tăng phường có diện tích hàng ngàn mét vuông. Những công trình khác như phương trượng đường, khách đường… với những con rồng uốn lượn trên mái, từng miếng ngói vẩy cá được sắp xếp một cách công phu, từng hình chạm khắc một cách khéo léo, tỉ mỉ trên tường…
Du khách sẽ đắm mình trong không gian thanh tịnh với âm thanh trong trẻo của những chiếc chuông gió khiến du khách quên đi mọi sự mệt mỏi, ưu phiền.
Cửa chánh điện có chiều cao 6m, khung cửa dày 4 tấc với 6 cánh cửa dày 2 tấc, tất cả cửa được chạm khắc 6 vị đại bồ tát. Chánh điện chùa cao 16m, trần nhà làm bằng gỗ pơmu và sập gụ. Bộ lư và đèn được làm bằng chất liệu gốm, phục chế theo phong cách đời Lê Mạc. Bàn thờ Phật tại chánh điện lớn nhất, với chiều dài 6m và cao 1,2m.
Chính giữa điện tôn trí tượng Tì Lô Giá Na Phật, cao 6m ngồi trên tòa sen mỗi cánh sen có chạm khắc nổi hình Đức Phật và vách phía sau là bát thập bát Phật (88 vị Phật), ngũ phương Phật (5 vị Phật), bát bộ kim cang (8 vị Hộ Pháp), tượng Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, ngoài ra còn có các tượng Văn Thù, Phổ Hiền.
Hai bên tả hữu, tôn trí tượng thập nhị Duyên Giác (12 vị đại bồ tát), mỗi tượng cao 3m làm bằng gỗ mít, sơn son thiếp vàng, Hai bên vách chánh điện có 30.000 vị Phật. Đứng trên tầng hai của chánh điện du khách có thể ngắm nhìn toàn bộ quang cảnh của Pleiku với lung linh sắc quỳ vàng chen lẫn phố.
Đặc biệt, chùa còn có hơn 600 pho tượng gỗ được các nghệ nhân trong tỉnh và nghệ nhân làng Me (Bắc Ninh) thực hiện ròng rã suốt bốn năm mới hoàn thành. Đáng chú ý nhất là pho tượng Lô Xá Na Phật cao 9m, thân tượng cao 5m, tòa sen cao 4m với 1.000 cánh sen, tất cả các pho tượng này đều được làm bằng gỗ mít.
Mùa xuân đến Pleiku, du khách không thể nào không đến thăm chùa Minh Thành, một điểm nhấn trong nghệ thuật kiến trúc Phật giáo của Pleiku và cả nước. Du khách sẽ cảm thấy tâm hồn mình thật nhẹ nhàng thư thái của thế giới thiền không khi nghe tiếng chim ríu rít bay về làm tổ, tiếng gió hát chuông ngân, tiếng suối reo róc rách.
Quỳ trước Đức Phật lặng im trong một không gian tĩnh tại, du khách cảm thấy mình như đã giũ bỏ được hết bụi trần để bước đến chốn bồng lai, cõi niết bàn như đại đức Thích Tâm Mãn từng nói: “Thiền là sự lắng đọng. Thiền không phải ngồi một chỗ mà thiền đi vào cuộc sống từ ăn, ngủ, nghỉ… Thiền đứng, thiền ngồi, thiền nằm. Tâm phức tạp thì không thể thiền. Có thiền thì mới có thể nhìn mê – nhìn thấu – nhìn chân”.