Ngồi Thiền Dưới Cội Bồ Đề
Sa Môn Gotama Ngồi Thiền Dưới Cội Bồ Đề
Gần sáu năm tu khổ hạnh, con đường giải thoát vẫn chưa đạt tới, Sa Môn Gotama quyết định lựa chọn con đường lối tu trung đạo, theo đó từ bỏ lối tu hành xác, mà ăn uống vừa đủ giữ gìn sức khỏe tinh thần sáng suốt. Ngồi dưới cây Pippala cành lá xum xuê, ngài bắt đầu phát nguyện, Hôm nay, tôi vì chúng sinh đau khổ, nguyện ngồi dưới gốc cây này cho đến khi chứng được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, nếu chưa toại nguyện thì dù tan xương nát thịt quyết không đứng lên.
Ngài dùng xấp cỏ làm bồ đoàn rồi ngồi xuống, trong tư thế kiết già, lưng thẳng đứng hướng về phía gốc cây, mặt hơi cuối xuống về hướng đông, quay về phía bờ sông Neranjana. Ngài thực tập thiền định từ thấp tới cao.
Ngài thực tập Quán niệm hơi thở (Ànàpànasati) để thanh lọc và ổn định thân tâm, đoạn trừ năm triền cái bao gồm tham dục, sân hận, hôn trầm, trạo cử và hoài nghi
Ngài thực tập phần thiền tiếp theo, sử dụng tâm xa lìa ái dục, vọng tưởng, sử dụng năm thiền chi bao gồm tầm – hướng tâm về định tướng, tứ – chú tâm quan sát và theo dõi định tướng, hỷ – tâm cảm thấy thoải mái, lạc – thân cảm thấy thoải mái và trụ – tâm hoàn toàn an trụ vào định tướng. Sau đó ngài nhập Ly Sinh Hỷ Lạc Địa, an trú sơ thiền hay tầng thiền thứ nhất.
Ngài xuất sơ thiền, từ bỏ tầm và tứ, khởi tâm hỷ và lạc, thực tập nhất tâm, nhập Định Sinh Hỷ Lạc Địa, an trú nhị thiền hay tầng thiền thứ hai.
Ngài xuất nhị thiền, từ bỏ hỷ, thực tập an trú xả. Tiếp đến, ngài thực tập chánh niệm tỉnh giác, xả niệm lạc trú, nhập Ly Hỷ Diệu Lạc Địa, an trú tam thiền hay tầng thiền thứ ba.
Ngài xuất tam thiền, xả lạc, xả khổ, ly hỷ ưu, thực tập khởi tâm an nhiên thanh tịnh, trở nên bình đẳng trước mọi ngoại cảnh, nhập Xả Niệm Thanh Tịnh Địa, an trú tứ thiền hay tầng thiền thứ tư.
Ngài xuất tứ thiền, thực tập vượt thoát khỏi sắc tưởng, đoạn diệt hữu đối tưởng, không còn tác ý với dị tưởng, quán thân mình hòa tan vào cõi hư không vô biên giới, nhập định Không Vô Biên Xứ, an trú thân không hay tầng thiền thứ năm.
Ngài xuất định Không Vô Biên Xứ, vượt thoát Không Vô Biên Xứ, quán thân mình cũng không còn, chỉ còn tâm thức vô biên, nhập định Thức Vô Biên Xứ, an trú thức không hay tầng thiền thứ sáu.
Ngài xuất định Thức Vô Biên Xứ, quán tất cả sự vật đều không, vô sở hữu, vô sở đắc, vô sở dụng, nhập định Vô Sở Hữu Xứ, an trú pháp không hay tầng thiền thứ bảy
Ngài xuất định Vô Sở Hữu Xứ, vượt thoát Vô Sở Hữu Xứ, quán thân mình, quán tâm mình, quán toàn thể vạn vật đều không, chỉ còn tri giác biết không, mọi nghĩ tưởng đều không còn, nhập định Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ, an trú tưởng không hay tầng thiền thứ tám
Định lực của ngài trở nên hết sức mạnh mẽ và kiên cố, tri giác khai thông sáng tỏ chưa từng có. Ngài nhập đại định, thấy rõ năm uẩn đều không, bao gồm sắc, thọ, tưởng, hành, thức là năm yếu tố tạo nên con người đều không, thấy rõ mười tám giới chẳng có, bao gồm sáu căn, sáu trần và sáu thức đều chẳng có, mọi chấp ngã đều tiêu tan, chứng được ngã không, nhập định Diệt Thọ Tưởng hay định Vô Tướng Tâm, chứng Phương Quảng Thần Thông Du Hý, định Thủ Lăng Nghiêm, đạt tầng thiền thứ mười.
Ngài tiếp tục nhập định Diệt Thọ Tưởng, tiếp tục tận diệt các vi tế phiền não, chứng Túc Mạng Minh, biết rõ tất cả các tiền kiếp. Ngài tiếp tục tận diệt các vi tế vô minh, chứng Thiên Nhãn Minh, biết rõ sự biến chuyển của vạn vật. Ngài tìm ra phương cách giúp chúng sinh chấm dứt phiền não và vô minh và ngài thoát ra khỏi vòng sinh tử luân hồi, giác ngộ hoàn toàn, trở thành bậc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, chứng Lậu Tận Minh, tìm ra Bốn Chân Lý Vi Diệu, thấy rõ đâu là khổ, đâu là nguyên nhân của khổ, đâu là hạnh phúc chân thật vĩnh cữu và làm thế nào để đạt được chân lý vĩnh cữu đó.
Thiền Minh Sát Tuệ
Thiền Minh Sát Tuệ
Thiền Minh Sát Tuệ là một trong những phương pháp thiền xưa nhất của Ấn Độ. Người có phước báu lớn mới gặp được thiền này và khi thực tập thiền, nếu vượt qua được những trở ngại, sẽ đưa hành giả đến thành tựu rất mau. Bài thiền đã được đức Phật tu tập và giảng dạy trong suốt 45 năm hoằng pháp của ngài. Để thực tập thiền thành công, hành giả cần có người hướng dẫn là người đã, đang và tiếp tục hành thiền Minh Sát. Ngày xưa đức Phật thành đạo cũng nhờ thực tập thiền và thiền tuệ là bài thực tập phù hợp nhất nếu muốn đạt được định và trí tuệ giải thoát. Phương pháp thiền Minh Sát trải qua nhiều thời gian được lưu truyền và được mang đến các nước như Miến Điện, Tích Lan và Thái Lan. Hầu hết các nhà sư theo trường phái Nam Tông hay Phật giáo nguyên thủy đều thực tập thiền Minh Sát và đã mang lại ích lợi rất lớn lao trong việc đem lại sự bình an cho thân và tâm. Sự giác ngộ bao gồm rất nhiều yếu tố như phước báu, công đức, bố thí và giữ giới của nhiều đời, không chỉ đơn thuần từ việc hành thiền mà ra. Tuy nhiên, hành thiền là một phương tiện hữu hiệu giúp cho việc an tịnh và phát triển định cho bản thân hành giả.
Thời gian vô thường nên xóa nhòa đi tất cả, nên các giáo lý liên quan đến thiền Minh Sát hầu như không được tìm thấy nhưng các bài thực tập vẫn được duy trì bởi các nhà sư và tính chất nguyên thủy của nó vẫn được bảo tồn. Không có gì phải giựt mình khi không tìm thấy kinh điển nào nói về thiền Minh Sát ngoài thiền quán Tứ Niệm Xứ hay thiền Quán Niệm Hơi Thở. Hãy nhớ rằng các kinh sách thời đức Phật đều do học thuộc lòng và truyền thừa lại mà ra. Tính chất dị bản chắc chắn sẽ có, vấn đề là tinh thần Phật giáo vẫn là cốt lõi và không bị mai một. Thiền Minh Sát ngày nay đã được chấn hưng trở lại, thậm chí được giới thiệu lại Ấn Độ. Rất nhiều nhà sư truyền bá thiền Minh Sát khắp nơi trên thế giới và là bài thiền cơ bản để phát triển định và trí tuệ. Ngày nay các dòng thiền đã bị biến tướng rất nhiều, chỉ còn thiền Minh Sát giữ được tính truyền thống và nguyên thủy của nó. Người thực tập thiền Minh Sát cần phát nguyện ý chí lớn, nương tựa Tam Bảo, nguyện đi theo con đường đức Phật đã đi và nguyện thành đạo ngay trong kiếp hiện tại.
Trước khi thực tập thiền, hành giả hãy tập quán từ bi. Trước hết đọc kinh Từ Bi nhằm phát khởi tình thương đến khắp tất cả chúng sinh. Việc thực tập này sẽ cởi bỏ những oan trái hay hóa giải những oan trái mà kiếp trước hay kiếp hiện tại đã tạo ra. Những nghiệp duyên không thuận lợi trong quá khứ có thể ngăn cản hành giả tu thiền hay không tiến bộ trong việc tu thiền. Quán từ bi để yêu thương tất cả chúng sinh, tâm lành của hành giả mát mẻ và chúng sinh cũng mát mẻ. Sau khi hành thiền xong, hành giả nên rải tâm từ đến muôn loài ở tất cả các phương. Đọc kinh Rải Tâm Từ rất hay, mình sẽ không bỏ xót bất kỳ chúng sinh nào ở phương hướng nào. Người vừa hành thiền xong, tâm từ và công đức rất lớn, rải đi là chia sẻ năng lượng bình an, việc hành thiền sau này sẽ trở nên dễ dàng hơn.
Cốt tủy của thiền là chánh niệm, nghĩa là biết rõ và nhận diện đơn thuần. Khi đi mình có thiền đi hay thiền hành. Khi ngồi mình có thiền ngồi hay thiền tọa, khi đứng mình có thiền đứng, khi nằm mình có thiền nằm. Ở bất cứ tư thế nào, mình cũng phải biết rõ thân và tâm của mình. Không chỉ thế, thiền được thực tập vào tất cả mọi hoạt động của đời sống như ăn cơm, nấu bếp, lau nhà, làm việc… Thiền là ở mọi lúc mọi nơi, không hẳn vào giờ thiền hay vào thiền đường mới thiền. Thiền Minh Sát không phải bài thiền chia nhỏ hay chẻ sợi tóc ra làm bảy làm tám mà bài thiền giúp mình đi sâu hơn vào giây phút của hiện tại và giúp cho các sát na của thực tại được tiếp xúc vi tế hơn. Thiền giúp nhận ra các phiền não và vô minh, sâu hơn là vi tế phiền não và vi tế vô minh. Nếu không tiếp xúc được với vi tế của thực tại, khó mà biết được vi tế phiền não và vi tế vô minh, bài thiền sẽ không còn sâu sắc, mà sẽ rất hời hợt. Dưới đây là 16 bài thiền Minh Sát Tuệ (Vipassana) được trình bày đầy đủ, dễ hiểu và dễ thực tập. Hãy phát nguyện lớn và nuôi dưỡng ý chí hành thiền, ngay từ lúc bắt đầu thực tập mình đã có hạnh phúc. Hiện tại có hạnh phúc thì tương lai sẽ có hạnh phúc. Thực tập thiền giúp mình nhận ra hạnh phúc đích thực đang hiện tiền.
Bài tập số1. Khi ngồi thiền
Ta thở vào, bụng phồng lên
Ta thở ra, bụng xọp xuống.
Ta thở vào, ghi nhận bụng phồng lên
Ta thở ra, ghi nhận bụng xọp xuống.
Thở vào, phồng à. Thở ra, xọp à.
Khi nằm thiền
Ta thở vào, bụng phồng lên
Ta thở ra, bụng xọp xuống.
Ta thở vào, ghi nhận bụng phồng lên
Ta thở ra, ghi nhận bụng xọp xuống.
Thở vào, phồng à. Thở ra, xọp à.
Khi đi thiền
Bước chân trái, bước chân phải …
Bước chân dừng, bước chân xoay.
Trái bước à, phải bước à …
Đứng à, xoay à
Trái, phải, … đứng, xoay.
Bài tập số 2. Khi ngồi thiền
Ta thở vào, bụng phồng lên
Ta thở ra, bụng xọp xuống
Biết đang ngồi.
Thở vào, phồng à
Thở ra, xọp à, ngồi à.
Khi nằm thiền
Ta thở vào, bụng phồng lên
Ta thở ra, bụng xọp xuống
Biết đang nằm.
Thở vào, phồng à
Thở ra, xọp à, nằm à.
Khi đi thiền
Chân trái dở, chân trái đạp
Chân phải dở, chân phải đạp.
Dở à, đạp à. Dở, đạp…
Bài tập số 3. Khi ngồi thiền
Ta thở vào, bụng phồng lên
Ta thở ra, bụng xọp xuống
Biết đang ngồi, Đụng sau ót.
Thở vào, phồng à
Thở ra, xọp à, ngồi à, đụng à.
Thở vào, phồng.
Thở ra, xọp, ngồi, đụng.
Khi nằm thiền
Ta thở vào, bụng phồng lên
Ta thở ra, bụng xọp xuống
Biết đang nằm, đụng sau ót.
Thở vào, phồng à.
Thở ra, xọp à, nằm à, đụng à.
Thở vào, phồng.
Thở ra, xọp, nằm, đụng.
Khi đi thiền
Chân trái dở, chân trái bước, chân trái đạp
Chân phải dở, chân phải bước, chân phải đạp.
Dở à, bước à, đạp à.
Dở, bước, đạp…
Bài tập số 4. Khi ngồi thiền
Ta thở vào, bụng phồng lên
Ta thở ra, bụng xọp xuống
Biết đang ngồi, đụng sau ót lần thứ nhất, đụng sau ót lần thứ hai, thứ ba…
Thở vào, phồng à
Thở ra, xọp à, ngồi à, đụng à, đụng à, đụng à…
Thở vào, phồng
Thở ra, xọp, ngồi, đụng, đụng, đụng…
Khi nằm thiền
Ta thở vào, bụng phồng lên
Ta thở ra, bụng xọp xuống
Biết đang nằm, đụng sau ót lần thứ nhất, đụng sau ót lần thứ hai, thứ ba…
Thở vào, phồng à
Thở ra, xọp à, nằm à, đụng à, đụng à, đụng à…
Thở vào, phồng
Thở ra, xọp, nằm, đụng, đụng, đụng…
Khi đi thiền
Chân trái nhón gót, chân trái dở, chân trái bước, chân trái đạp
Chân phải nhón gót, chân phải dở, chân phải bước, chân phải đạp.
Gót à, dở à, bước à, đạp à.
Gót, dở, bước, đạp…
Bài tập số 5. Khi ngồi thiền
Ta thở vào, bụng phồng lên
Ta thở ra, bụng xọp xuống
Biết đang ngồi, đụng bàn tọa bên phải.
Thở vào, phồng à
Thở ra, xọp à, ngồi à, đụng bàn tọa bên phải à.
Thở vào, phồng
Thở ra, xọp, ngồi, đụng (bàn tọa bên phải).
Thở vào, phồng
Thở ra, xọp, ngồi, đụng (bàn tọa bên trái).
Phồng, xọp, ngồi, đụng (đầu gối bên phải).
Phồng, xọp, ngồi, đụng (đầu gối bên trái).
Phồng, xọp, ngồi, đụng (mắt cá bên phải).
Phồng, xọp, ngồi, đụng (mắt cá bên trái).
Khi nằm thiền
Ta thở vào, bụng phồng lên
Ta thở ra, bụng xọp xuống
Biết đang nằm, đụng sau ót.
Thở vào, phồng à
Thở ra, xọp à, nằm à, đụng sau ót à.
Thở vào, phồng
Thở ra, xọp, nằm, đụng (sau ót).
Phồng, xọp, nằm, đụng (vai bên phải).
Phồng, xọp, nằm, đụng (vai bên trái).
Phồng, xọp, nằm, đụng (cùi chỏ bên phải).
Phồng, xọp, nằm, đụng (cùi chỏ bên trái).
Khi đi thiền
Chân trái nhón gót, chân trái dở, chân trái bước, chân trái xuống, chân trái đụng
Chân phải nhón gót, chân phải dở, chân phải bước, chân phải xuống, chân phải đụng.
Gót à, dở à, bước à, xuống à, đụng à
Gót, dở, bước, xuống, đụng…
Bài tập số 6.
Khi ngồi thiền
Ta thở vào, bụng phồng lên
Ta thở ra, bụng xọp xuống
Biết đang ngồi, đụng bàn tọa bên phải.
Thở vào, phồng à
Thở ra, xọp à, ngồi à, đụng bàn tọa bên phải à.
Thở vào, phồng
Thở ra, xọp, ngồi, đụng (bàn tọa bên phải).
Thở vào, phồng
Thở ra, xọp, ngồi, đụng (bàn tọa bên trái).
Phồng, xọp, ngồi, đụng (đầu gối bên phải).
Phồng, xọp, ngồi, đụng (đầu gối bên trái).
Phồng, xọp, ngồi, đụng (mắt cá bên phải).
Phồng, xọp, ngồi, đụng (mắt cá bên trái).
Phồng, xọp, ngồi, đụng (chỗ quả thận bên phải).
Phồng, xọp, ngồi, đụng (chỗ quả thận bên trái).
Phồng, xọp, ngồi, đụng (chỗ lá gan bên phải).
Phồng, xọp, ngồi, đụng (chỗ đối diện lá gan bên trái)
Phồng, xọp, ngồi, đụng (chỗ bên phải bao tử)
Phồng, xọp, ngồi, đụng (chỗ bên trái bao tử)
Phồng, xọp, ngồi, đụng (chỗ lá phổi bên phải)
Phồng, xọp, ngồi, đụng (chỗ trái tim bên trái)
Phồng, xọp, ngồi, đụng (chỗ sau lưng, lá phổi bên phải)
Phồng, xọp, ngồi, đụng (chỗ sau lưng, trái tim bên trái)
Phồng, xọp, ngồi, đụng (chỗ sau lưng, bên phải bao tử)
Phồng, xọp, ngồi, đụng (chỗ sau lưng, bên trái bao tử)
Phồng, xọp, ngồi, đụng (chỗ sau lưng, lá gan bên phải)
Phồng, xọp, ngồi, đụng (chỗ sau lưng, đối diện bên trái lá gan)
Phồng, xọp, ngồi, đụng (chỗ sau lưng, quả thận bên phải)
Phồng, xọp, ngồi, đụng (chỗ sau lưng, quả thận bên trái)
Phòng, xọp, ngồi, đụng (bàn tọa bên phải)
Phòng, xọp, ngồi, đụng (bàn tọa bên trái)…
Khi nằm thiền
Ta thở vào, bụng phồng lên
Ta thở ra, bụng xọp xuống
Biết đang nằm, đụng sau ót.
Thở vào, phồng à
Thở ra, xọp à, nằm à, đụng sau ót à.
Thở vào, phồng
Thở ra, xọp, nằm, đụng (sau ót).
Phồng, xọp, nằm, đụng (vai bên phải).
Phồng, xọp, nằm, đụng (vai bên trái).
Phồng, xọp, nằm, đụng (cùi chỏ bên phải).
Phồng, xọp, nằm, đụng (cùi chỏ bên trái).
Phồng, xọp, nằm, đụng (bàn tọa bên phải).
Phồng, xọp, nằm, đụng (bàn tọa bên trái).
Phồng, xọp, nằm, đụng (sống chân bên phải).
Phồng, xọp, nằm, đụng (sống chân bên trái).
Phồng, xọp, nằm, đụng (gót chân bên phải).
Phồng, xọp, nằm, đụng (gót chân bên trái).
Khi đi thiền
Chân trái nhón gót, chân trái dở
Chân trái bước, chân trái xuống
Chân trái đụng, chân trái ấn
Chân phải nhón gót, chân phải dở
Chân phải bước, chân phải xuống
Chân phải đụng, chân phải ấn.
Gót à, dở à, bước à, xuống à, đụng à, ấn à.
Gót, dở, bước, xuống, đụng, ấn…
Bài tập số 7. Thiền chi tiết, thiền công việc
Thiền ăn cơm
Thấy vật thực, thấy à.
Muốn dùng bữa, muốn à.
Lấy thức ăn, lấy à.
Múc thức ăn, múc à.
Đưa thức ăn, đưa à.
Mở miệng ăn, mở à.
Nhai thức ăn, nhai à.
Nuốt thức ăn, nuốt à.
Dùng bữa xong, xong à…
Thấy à, muốn à, lấy à, múc à, đưa à, mở à, nhai à, nuốt à, xong à…
Thấy, muốn, lấy, múc, đưa, mở, nhai, nuốt, xong…
Đi thiền hành
Gót à, dở à, bước à, xuống à, đụng à, ấn à, ngừng à, quay à, đứng à, …
Gót, dở, bước, xuống, đụng, ấn, ngừng, quay, đứng…
Nhìn bên phải à, nhìn bên trái à, nhìn à, co tay à, co chân à, duỗi tay à, duỗi chân à, co vô à, duỗi ra à…
Nhìn bên phải, nhìn bên trái, nhìn, co tay, co chân, duỗi tay, duỗi chân, co vô, duỗi ra…
Thiền chi tiết
Thấy à, muốn cầm à, đưa tới à, cầm à, muốn đại tiện à, muốn tiểu tiện à, đại tiện à, tiểu tiện à, muốn đi à, muốn ngồi à, muốn ngủ à, muốn đứng à, muốn nói chuyện à, muốn làm thinh à, muốn rửa chén à, muốn lặt rau à, muốn lau nhà à, muốn nấu cơm à…
Thấy à, cầm à, đưa tới à, đại tiện à, tiểu tiện à, đi à, ngồi à, ngủ à, đứng à, nói chuyện à, làm thinh à, rửa chén à, lặt rau à, lau nhà à, nấu cơm à, viết sách à, uống nước à…
Thấy, cầm, đưa tới, đại tiện, tiểu tiện, đi, ngồi, đứng, nói chuyện, làm thinh, rửa chén, lặt rau, lau nhà, nấu cơm, viết sách, uống nước, tưới cây,…
Bài tập số 8.
Khi nhìn thấy một hình sắc, thấy à.
Khi nghe thấy một âm thanh, nghe à.
Khi ngửi được một hương vị, ngửi à.
Khi nếm được một mùi vị, nếm à.
Khi đụng chạm một đồ vật, đụng à.
Khi suy nghĩ một sự việc, nghĩ à.
Thấy à, nghe à, ngửi à, nếm à, đụng à, nghĩ à…
Thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng, nghĩ…
Bài tập số 9.
Khi thấy đau trong cơ thể, đau à.
Khi thấy tê trong cơ thể, tê à.
Khi thấy êm dịu trong cơ thể, êm dịu à.
Khi thoải mái trong cơ thể, thoải mái à.
Khi khó chịu trong cơ thể, khó chịu à.
Khi bình thường trong cơ thể, bình thường à.
Khi thấy một hình ảnh, thấy à…
Đau à, tê à, êm dịu à, thoải mái à, khó chịu à, bình thường à, thấy à…
Đau, tê, êm dịu, thoải mái, khó chịu, bình thường, thấy…
Bài tập số 10.
Khi bản thân có nhu cầu, nhu cầu à.
Khi bản thân khởi tâm tham, tham à.
Khi bản thân không bằng lòng, không bằng lòng à.
Khi bản thân giận, giận à.
Khi bản thân buồn ngủ, buồn ngủ à.
Khi bản thân phóng tâm, phóng tâm à.
Khi bản thân có hoài nghi, hoài nghi à…
Nhu cầu à, tham à, không bằng lòng à, giận à, buồn ngủ à, phóng tâm à, hoài nghi à…
Nhu cầu, tham, không bằng lòng, giận, buồn ngủ, phóng tâm, hoài nghi…
Khi bản thân hết có nhu cầu, hết nhu cầu à.
Khi bản thân hết tâm tham, hết tham à.
Khi bản thân bằng lòng, bằng lòng à.
Khi bản thân hết giận, hết giận à.
Khi bản thân hết buồn ngủ, hết buồn ngủ à.
Khi bản thân hết phóng tâm, hết phóng tâm à.
Khi bản thân hết hoài nghi, hết hoài nghi à…
Hết nhu cầu à, hết tham à, bằng lòng à, hết giận à, hết buồn ngủ à, hết phóng tâm à, hết hoài nghi à…
Hết nhu cầu, hết tham, bằng lòng, hết giận, hết buồn ngủ, hết phóng tâm, hết hoài nghi…
Bài tập số 11.
Khi có hình sắc làm cho tâm thỏa mãn khoái lạc nhục dục, thỏa mãn à, quán chiếu tính không đáng vướng mắc và không đáng tham cầu của nó.
Khi có âm thanh làm cho tâm thỏa mãn khoái lạc nhục dục, thỏa mãn à, quán chiếu tính không đáng vướng mắc và không đáng tham cầu của nó.
Khi có mùi hương làm cho tâm thỏa mãn khoái lạc nhục dục, thỏa mãn à, quán chiếu tính không đáng vướng mắc và không đáng tham cầu của nó.
Khi có mùi vị làm cho tâm thỏa mãn khoái lạc nhục dục, thỏa mãn à, quán chiếu tính không đáng vướng mắc và không đáng tham cầu của nó.
Khi có sự tiếp xúc làm cho tâm thỏa mãn khoái lạc nhục dục, thỏa mãn à, quán chiếu tính không đáng vướng mắc và không đáng tham cầu của nó.
Khi tâm đang nổi giận, nổi giận à, quán chiếu tính không đáng vướng mắc và không đáng tham cầu của nó.
Khi tâm đang oán thù, oán thù à, quán chiếu tính không đáng vướng mắc và không đáng tham cầu của nó.
Khi tâm đang dã dượi hôn trầm, buồn ngủ à, quán chiếu tính không đáng vướng mắc và không đáng tham cầu của nó.
Khi tâm đang phóng đi hay lo âu, phóng tâm à, quán chiếu tính không đáng vướng mắc và không đáng tham cầu của nó.
Khi tâm đang hoài nghi, thắc mắc hay bất định, hoài nghi à…
Thỏa mãn à, nổi giận à, oán thù à, buồn ngủ à, phóng tâm à, hoài nghi à…, quán chiếu tính không đáng vướng mắc và không đáng tham cầu của nó…
Thỏa mãn, nổi giận, oán thù, buồn ngủ, phóng tâm, hoài nghi…, quán chiếu tính không đáng vướng mắc và không đáng tham cầu của nó…
Bài tập số 12.
Khi ngồi xuống, muốn ngồi à.
Khi đang ngồi xuống, đang ngồi xuống à.
Khi đã ngồi, ngồi à.
Khi bị ngứa, ngứa à.
Khi muốn gãi ngứa, muốn gãi à.
Khi đưa tay gãi, đụng à.
Khi đang gãi, gãi à.
Khi hết ngứa, hết ngứa à.
Khi để tay xuống, để tay xuống à…
Muốn ngồi à, đang ngồi xuống à, ngồi à, ngứa à, muốn gãi à, đụng à, gãi à, hết ngứa à, để tay xuống à…
Muốn ngồi, đang ngồi xuống, ngồi, ngứa, muốn gãi, đụng, gãi, hết ngứa, để tay xuống…
Bài tập số 13.
Thực tập suốt ngày đêm từ khi mở mắt dậy đến khi đi vào giấc ngủ.
Bài tập số 14.
Thực tập trong một giờ, hiện tượng sanh diệt ít nhất năm lần.
Thực tập trong 30 phút, hiện tượng sanh diệt ít nhất năm lần.
Thực tập trong 20 phút, 15 phút, 10 phút, 5 phút.
Thực tập trong hai tiếng như vậy.
Thực tập suốt ngày đêm như vậy.
Bài tập số 15.
Giữ tâm định vững chắc trong 5 phút, 10 phút, 15 phút, 20 phút, 30 phút, 1 giờ, 2 giờ …, 24 giờ.
Bài tập số 16.
16.1. Phân biệt rõ ràng sự phát sanh và tiêu diệt của danh và sắc: tuệ thấy sự sanh diệt của danh sắc.
16.2. Phát hiện rõ ràng, minh bạch sự tiêu diệt của danh sắc: tuệ diệt.
16.3. Phát sanh dần dần tâm sợ hãi: tuệ sợ.
16.4. Phát sanh tất cả loại phiền não dính liền với danh và sắc như đau đớn, khó chịu, vô thường, khổ não và vô ngã: tuệ thấy tội của năm uẩn.
16.5. Phát sanh sự nhàm chán danh và sắc: tuệ chán nản.
16.6. Phát sanh liên tiếp ý muốn rút lui, bỏ đi lẫn trốn: tuệ muốn giải thoát.
16.7. Phát sanh liên tiếp một cố gắng để tận lực tìm cách rút lui, bỏ đi, lẫn trốn: tuệ suy tư.
16.8. Nghe danh và sắc hoàn toàn bình thản, tự tại: tuệ xả hành.
Thiền Quán Tứ Niệm Xứ
Thiền Quán Tứ Niệm Xứ
Thiền quán Tứ Niệm Xứ là quá trình thực tập tìm về tự do nội tại. Mình không tìm kiếm những tự do ở bên ngoài như tự do về chính trị, tự do về kinh tế hay tự do về đi lại. Tự do nội tại nói đến tự do từ bên trong, không còn bị tham đắm và dính mắc bởi các yếu tố của thân, thọ, tâm và pháp. Thân tự do là không bị kẹt vào thân. Tâm tự do là không bị kẹt vào tâm. Thọ tự do là không bị kẹt vào thọ. Pháp tự do là không bị kẹt vào pháp.
Một dòng sông đang chảy và chảy theo nhiều kiểu khác nhau, tùy theo địa hình và đến lúc nào đó sẽ đi ra biển. Đến biển, tất cả dòng sông đều buông bỏ tên riêng của mình để lấy một tên chung mà thôi. Cho dù đó là sông Hồng, sông Cửu Long, sông Sài Gòn, sông Danube hay sông Mississippi, khi ra đến biển đều mang tên là biển hay đại dương. Con sông nhỏ bé ban đầu trở nên tự do, không bị những bến bờ bồi đắp, không bị ngăn chặn dòng nước, không bị khô cạn. Thiền quán như đi từ nơi khô cạn sang nơi mát mẻ, từ nơi hạn hẹp sang nơi rộng lớn, từ nơi gò bó đến tự do. Mình mất tự do vì không có buông bỏ, cứ tưởng lấp đầy nhiều sẽ có tự do và hạnh phúc, nhưng càng lấp đầy thì càng thiếu, càng mất tự do và khổ đau. Thiền quán là sự thực tập buông bỏ, buông bỏ những yếu tố khiến mình bị mất tự do.
Quán thân bất tịnh để thấy cái thân này hoàn toàn không sạch sẽ, chứa đựng bệnh tật và biến hoại nhanh chóng. Thân này là sự vay mượn, mượn tinh cha huyết mẹ, mượn chất dinh dưỡng trên địa cầu và vũ trụ, mượn các mối quan hệ để có thể biểu hiện, sống trong hiện tại và đi về phía trước. Chiều chuộng thân để hưởng thụ, không thấy được sự bất tịnh của nó, mình ra sức cung phụng cho thân và khi không như ý muốn, mình sẽ đau khổ và nguyên nhân của cái khổ này là quá yêu quí cái thân. Sử dụng thân để tu tập, hay một cách nói thân thể là đền thờ tâm linh, mình thấy thân chỉ là con thuyền giúp mình vượt biển, sử dụng thuyền đúng đắn, mình vượt biển mênh mông, sử dụng thuyền không đúng đắn, mình bị xé tan tác trong những trận cuồng phong. Do bị cuốn hút vào thân, mình chạy theo con đường của sắc dục và tô điểm cho thân, chẳng khắc nào tô điểm cho sự bất tịnh. Sư ông Thanh Từ thường hay dùng từ, thân thể này là một đại gia hôi thúi. Thử không tắm vài ngày hay một ngày, thân thể này cho thấy sự bất tịnh của nó liền. Quán thân không phải buông bỏ cái thân mà để không kẹt vào thân mà sử dụng cái thân để tu tập. Biết giữ giới là trân quý cái thân, bảo tồn các hạt giống trí tuệ mà ba mẹ trao truyền. Không kẹt vào thân là không tự hào về thân mà biết thân sẽ hoại nên dùng thân để phụng sự, tu tập và làm thân giải thoát.
Các bệnh viện thẩm mỹ mọc lên để làm đẹp con người, với nhu cầu sắc đẹp đem lại sự tự tin. Ngày xưa giải phẫu thẩm mỹ phục vụ cho quý cô là chủ yếu, ngày nay quý ông cũng là đối tượng được phục vụ. Minh chứng cho việc này là mỹ phẩm dành cho nam được sản xuất và quảng bá. Giáo dục và xu hướng xã hội khuyến khích mình chạy theo cái thấy bằng mắt hơn là cái thấy bằng tâm. Chưa bệnh viện thẩm mỹ nào làm đẹp tâm hồn con người. Nếu có chắc không đắt khách lắm vì mình đang muốn làm đẹp hình thức và chán chường với làm đẹp bên trong. Quán thân bất tịnh, mình không đáng dính mắc vào cái bên ngoài, hay cái thân này. Thân này sẽ tan biến như hạt bụi, dính vào cái gì rồi sẽ tan biến như hạt bụi là con thiêu thân, đâm sầm vào xô nước mà tưởng là ánh sáng. Quán thân bất tịnh, mình thực tập tâm hồn cao thượng, không dính mắc bất cứ điều gì gọi là thân, là tướng hay là sắc. Nói vậy không phải mình không bảo vệ thân. Quán thân để buông bỏ ý niệm về thân, cho rằng thân này là thường, là ngã, là hạnh phúc trong sắc dục.
Quán tâm vô thường là quán chiếu sự thay đổi liên tục của tâm, không cố định và quay như chong chóng. Người thất niệm không nhận ra tâm, không biết đang nghĩ gì, đang đi đâu và tình trạng ra sao. Không nhận ra tâm nên đang sân, không biết đang sân nên bị sân làm chủ. Không biết đang nghĩ gì nên đối tượng suy nghĩ kéo đi, trôi lăn trong dòng suy nghĩ không bến bờ. Cái này gọi là đi hoang, tâm đang đi hoang, đang ngồi một chỗ nhưng vẫn đi hoang. Không biết tình trạng ra sao, mình bị tình trạng dẫn đi. Không biết rõ tình trạng nguy hiểm của sắc dục, mình bị sắc dục dẫn đi và mê man vô số kiếp. Tâm luôn có sự thăng trầm và tâm làm mọi thứ thăng trầm theo. Hạnh phúc hay khổ đau đều làm cho tâm thăng trầm. Hạnh phúc quá hay đau khổ quá, tâm thăng hoa, như sợi đàn căng quá sẽ bị đứt. Hạnh phúc hay khổ đau không đủ, tâm chùn xuống, như sợi đàn không kịp lên tiếng vì sợi dây không đủ lực tạo ra âm thanh. Quán tâm vô thường, mình đi trong dòng tâm nhưng không kẹt vào tâm. Trong một sát na, rất nhiều tâm đã phát sinh. Chiều theo tâm là chiều theo điều phát sinh đầy dẫy trong một sát na, mình không đủ sức. Tâm nào phát sinh, biết tâm đó phát sinh. Một tâm phát sinh chắc chắn sẽ hoại diệt. Không ai sân 1000 năm, 100 năm, hay nhiều năm. Tâm sân phát sinh thì chắc chắc tâm sân sẽ hoại diệt. Tâm gì phát sinh biết tâm đó phát sinh. Tâm gì hoại diệt biết tâm đó hoại diệt. Tâm đi như dòng sông, biết dòng sông sẽ thấy được biển lớn khi còn là dòng sông.
Một cô gái hay chàng trai nói thương mình vì mình có đôi mắt đẹp, có bàn tay ấm áp hay giọng nói quyến rũ. Nhưng có một sự thật không bao giờ đổi dời là đôi mắt đó không thể đẹp trăm năm, bàn tay đó không thể ấm áp trăm năm, giọng nói đó không thể quyến rũ trăm năm. Đôi mắt sẽ chứa đầy vết nhăn, mờ đi và đến lúc nào đó không còn thấy đường nữa. Bàn tay đó sẽ giá băng, trở nên gân guốc và không vẽ nổi một hình hài. Giọng nói đó rồi sẽ khàn đi, mất tiếng và không tạo nên âm thanh nữa. Kẹt vào sắc thì khổ vì sắc. Hai mươi năm sau, cô gái hay chàng trai dễ thương đánh mất tuổi thanh xuân, cuộc đời trôi đi như cơn gió thoảng, sự hưởng thụ như muối bỏ bể, tình cảm mà chàng trai dành cho cô gái hay ngược lại có thể mặn nồng thêm hay phai nhạt đi. Dù mặn nồng hay phai nhạt, đều là biểu hiện vô thường của tâm, tức là tâm thay đổi. Nếu mặn nồng, cô gái sẽ thấy hạnh phúc, nếu không mặn nồng mà phai nhạt, cô gái sẽ thấy đau khổ. Đây là hạnh phúc có điều kiện và khổ đau có điều kiện. Điều kiện có hạnh phúc là phải được chàng trai thương mãi. Điều kiện có khổ đau là chàng trai không còn thương nữa. Chú ý là mình sẽ không rơi vào trạng thái của hạnh phúc và khổ đau này nếu không rơi vào trạng thái tình cảm nam nữ vừa kể. Không thương không ghét thì tâm ít bị thăng trầm hơn. Biết tâm là biết mình. Tâm thay đổi nhưng không kẹt vào sự thay đổi của tâm, bằng không mình không thể nắm giữ được, mình sẽ không nhận ra mình là ai nữa. Quán tâm vô thường là cách để biết tâm, không sợ hãi tâm bất thiện và không chiều chuộng khi tâm thiện. Biết tâm là đã giúp cho tâm được bình yên rồi.
Quán pháp vô ngã thấy rõ mọi sự vật, hiện tượng trong thế gian này không có cái ta hay cái ngã riêng biệt. Ngã là một ý niệm, không phải tồn tại một cái ngã rồi thực tập để chứng cái vô ngã để đối lập với ngã. Vô ngã là một sự thật nên quán vô ngã là tìm về sự thật. Ngã là sự trá hình nên tu tập để đập tan bản ngã, đây chính là buông bỏ ý niệm về ngã. Sắc là vô ngã vì không thể tự tác động đến sắc. Thọ là vô ngã vì không thể tự tác động đến thọ. Tưởng là vô ngã vì không thể tự tác động đến tưởng. Hành là vô ngã vì không thể tự tác động đến hành. Thức là vô ngã vì không thể tự tác động đến thức. Sắc thân này sinh ra, lớn lên, già đi, bệnh tật và tàn lụi, không thể yêu cầu sắc thân này không thể tàn lụi được. Các cảm giác do tác động bên ngoài hay bên trong tạo nên sự dễ chịu, khó chịu hay không dễ chịu cũng không khó chịu, không thể yêu cầu cảm thọ phải như thế này hay phải như thế kia. Các tri giác có thể sai lầm hay đúng đắn. Tri giác đúng đắn vì thu thập đủ dữ kiện và bản thân đủ hiểu biết để tiếp nhận hiện tượng đúng sự thật. Tri giác sai lầm vì thu thập không đủ dữ kiện và bản thân không đủ kinh nghiệm để tiếp nhận hiện tượng đúng sự thật. Không thể yêu cầu tri giác này phải là đúng đắn vì đó là ý kiến của tôi. Nếu không có các điều kiện đầy đủ thì làm gì có cái gọi là tri giác. Tâm này là vô ngã. Không có cảnh thì không có tâm và ngược lại, không có tâm thì cái gì gọi là cảnh, nên nói tâm an cảnh sẽ an là vậy. Tâm hành được thống kê thành 51 loại và biến chuyển liên tục trong mỗi sát na. Nói tâm vô thường tức là tâm vô ngã vì tâm biến chuyển do tác động của ngoại cảnh và nội cảnh. Không thể bắt tâm không trở nên vô thường. Các kiến thức, sự hiểu biết và kinh nghiệm không tự nhiên mà có, mà phải học, phải tìm hiểu và phải kinh qua. Nhưng nếu đã học, tìm hiểu và kinh qua, cái gọi là thức này cũng không nắm bắt được, không ai nhớ lâu nếu không làm việc nhiều hay nhắc tới. Đứa trẻ sinh ra không thể tự nhiên bắt nó biết làm toán và khi về già, không thể bắt người già nhớ rõ mình đã học được gì trong lúc còn thiếu thời.
Hồi năm 2011 tôi đi Hà Nội và thăm viếng một số ngôi chùa. Chùa ở Hà Nội và miền Bắc rất cổ kính, được xem là cái nôi của Phật giáo Bắc tông Việt Nam. Gần tết nên thời tiết khá khắc nghiệt. Trời lạnh và rét. Dự báo thời tiết cho rằng năm nay rét đậm rét hại và kéo dài nhất từ trước đến nay. Các năm trước, trời rét ở Hà Nội kéo dài khoảng một tuần nhưng năm nay cái rét kéo dài đến bốn tuần, thậm chí có thể vượt qua tháng thứ hai. Bây giờ, đứng giữa trời Hà Nội, mình kêu lên, thời tiết ơi đừng có lạnh nữa, nắng ấm lên đi, để con rũ bỏ lớp áo ấm dày đặc này, để đôi tay bớt lạnh lẽo, cho con đi lễ chùa được thuận lợi. Làm vậy chắc không được. Trời vẫn lạnh và rét. Thời tiết là hiện tượng, là pháp vô ngã. Thời tiết vận hành theo các điều kiện nhân duyên của trời đất, không khí, độ nóng, độ lạnh… Vào Sài Gòn, trời nắng như đổ lửa, lớp áo ấm dày đặc phải cởi bỏ, mồ hôi nhễ nhại. Nắng xuyên qua cửa kính làm không khí thêm oi bức và hầm hập. Bây giờ kêu ông trời ơi, hãy mát mẻ đi, hãy mưa đi, hãy đổ tuyết xuống đi. Làm vậy chắc không được. Ở Vũng Tàu, trời cũng nóng, nhưng chiều đến, gió biển tràn vào, thời tiết êm dịu và không khí thanh lọc hơn, không bị ô nhiễm như ở Sài Gòn. Biển thanh lọc không khí ở Vũng Tàu nhưng không khí muốn được thanh lọc ở Sài Gòn, chính quyền và người dân phải trồng nhiều cây cối, hoặc trông chờ trời mưa xuống. Vậy tự thân thời tiết vận hành theo các nhân duyên, không vận hành theo bản thân thời tiết muốn hay bản thân con người muốn. Trong kỳ Thế Vận Hội ở Bắc Kinh, người ta dự trù sẽ sử dụng phương tiện bắn mây để ngăn ngừa trời mưa nếu như mưa vào buổi lễ khai mạc hay bế mạc. Mình nghĩ xem, thời tiết không thuận lòng người hay người không thuận lòng thời tiết. Có mây gặp lạnh ắt sẽ rơi xuống thành mưa, muốn không mưa phải dùng phương tiện để làm tan mây, tức là tạo duyên. Vậy mây là pháp, gặp lạnh là pháp, rơi xuống thành mưa là pháp. Pháp là vô ngã vì không thể yêu cầu thay đổi theo ý muốn của pháp hay ý muốn của người đang quan sát pháp.
Quán thọ khổ để thấy các cảm giác đều bị tác động bởi những ý niệm, có điều kiện hoặc trá hình. Mình có xu hướng chạy theo các tiện nghi về vật chất hay các tiện nghi về tinh thần. Tiện nghi vật chất như sống trong ngôi nhà đẹp, xe cộ bóng loáng, thức ăn ngon hay thức uống hợp khẩu vị. Cảm giác dễ chịu có thể được mang lại bởi vật chất đầy đủ và cảm giác không dễ chịu do thiếu thốn vật chất. Mình mua chiếc iPad về và ngồi sử dụng nó, nghe nhạc, chơi game, xem phim, đọc tin tức hay tán gẫu. Cảm giác dễ chịu xuất hiện, mình cho rằng đây là cảm giác mình đang có và do chiếc máy mang lại. Người không có đủ khả năng mua máy và sử dụng thì giờ đi vào chùa, làm công quả, nghe pháp thoại, học thiền. Cảm giác dễ chịu họ có được không nhờ sử dụng tiện nghi vật chất mà do thực tập, đi vào môi trường thuận lợi giúp cho cảm giác dễ chịu phát khởi. Không có điều kiện sử dụng iPad sẽ tạo khổ đau hay cảm giác khó chịu. Không có điều kiện đi chùa cũng có thể tạo khổ đau vì mong muốn đi chùa không thành hiện thực, cảm giác khó chịu xuất hiện vì không đi chùa đồng nghĩa với việc đi vào chỗ khác với chùa, đi vào chỗ không tạo cảm giác dễ chịu. Mình thường tầm cầu cảm thọ dễ chịu và né tránh cảm thọ khó chịu. Cảm thọ đến rồi đi nên cảm thọ vô thường, và vô thường có yếu tố của khổ, nên nói cảm thọ có tính chất khổ. Đối với tiện nghi tinh thần như được khen ngợi hay thành công mang lại cảm giác dễ chịu, bị chê bai hay thất bại mang lại cảm giác khó chịu. Ngoại cảnh tạo ra cảm giác và kẹt vào ngoại cảnh thì kẹt vào cảm giác. Ngoại cảnh không vừa ý sẽ tạo cảm giác khó chịu. Ngoại cảnh vừa ý sẽ tạo cảm giác dễ chịu. Ngoại cảnh là pháp vô ngã nên thọ cũng vô ngã. Nếu cho thọ này là mình, là có ngã, mình khổ thôi, khổ vì ý niệm có ngã của thọ
Con người không phải loài vô tình nên chắc chắn có cảm thọ. Người thân trong nhà qua đời đột ngột, mình có cảm giác khổ đau, mình nhớ lại những hình ảnh thân thương khi người thân còn sống như cùng ăn cơm, cùng đi chơi, cùng trò chuyện, cùng xem ti vi. Mình bắt đầu mường tượng trong thời gian tới, các hình ảnh này không còn nữa, mình mường tượng phải ăn cơm một mình, đi chơi một mình, nói chuyện một mình hay xem ti vi một mình. Chỉ mới mường tượng thôi, mình đã có cảm thọ khổ đau. Cũng vậy, người thương còn sống đó, vẫn nói cười, vẫn đi lại khỏe mạnh, mình có cảm giác bình an, tức là có sự che chở, có sự phụ thuộc, cảm thọ dễ chịu vì thế mà xuất hiện. Cảm thọ lạc chẳng qua là mặt khác của cảm thọ khổ. Nhờ khổ mà mình biết lạc mà nhờ lạc mà mình biết khổ. Cảm thọ còn có mặt thứ ba là cảm thọ xả, tức là bình thản hay an nhiên trước tất cả cảm thọ. Khi mình không có thọ lạc lẫn thọ khổ, tức là thọ xả đang hiện tiền. Bây giờ mình không có người thân gì hết, không có ai để lại kỷ niệm hay không có ai đang hiện hữu bên cạnh, bạn không có cảm giác mất người thân hay không có cảm giác người thân đang kề bên, không chuyện gì xảy ra thì bạn không cảm thấy buồn cũng không cảm thấy vui, bạn đang ở trong tình trạng xả của thọ. Với người sống một mình mà cảm thấy cô đơn, thọ khổ đang biểu hiện. Với người sống một mình mà cảm thấy thoải mái tự do, thọ lạc đang biểu hiện. Thọ lạc chẳng qua là sự vắng mặt của thọ khổ. Thiền quán cảm thọ biết thọ nào đang phát sinh, không kẹt vào thọ nào, kể cả thọ xả. Thọ cũng là biểu hiện của tâm nên biết tâm, cũng là biết thọ vậy.
16 Bài Thiền Quán Tứ Niệm Xứ
16 Bài Thiền Quán Tứ Niệm Xứ
Quán thân bất tịnh
Bài tập số 1
Tôi đang thở vào và ý thức rõ rệt về trọn thân thể tôi.
Tôi đang thở ra và ý thức rõ rệt về trọn thân thể tôi.
Bài tập số 2
Khi đi, biết mình đang đi.
Khi đứng, biết mình đang đứng.
Khi ngồi, biết mình đang ngồi.
Khi nằm, biết mình đang nằm.
Khi thân thể ở tư thế nào, biết thân thể ở tư thế ấy.
Bài tập số 3
- Chiếu dụng ý thức sáng tỏ khi đi tới hoặc đi lui.
- Chiếu dụng ý thức sáng tỏ khi nhìn trước nhìn sau, cúi xuống, ngẩng lên.
- Chiếu dụng ý thức sáng tỏ khi mặc áo, mang bát.
- Chiếu dụng ý thức sáng tỏ khi ăn cơm, uống nước, nhai thức ăn, nếm thức ăn.
- Chiếu dụng ý thức sáng tỏ khi đi đại tiện, tiểu tiện.
- Chiếu dụng ý thức sáng tỏ khi đi, đứng, nằm, ngồi, ngủ, thức, nói năng hoặc im lặng.
Bài tập số 4 – Chín phép quán tưởng trên thân thể (Quán cửu tưởng)
1. Quán thân thể từ gót tới chân và từ đỉnh tóc trở xuống bao bọc bởi một lớp da và chứa đầy nhiều loại bất tịnh: đây là tóc, đây là lông, đây là móng, đây là răng, đây là da, đây là thịt, đây là gân, đây là xương, đây là tủy, đây là thận, đây là tim, đây là gan, đây là hoành cách mạc, đây là lá lách, đây là phổi, đây là ruột, đây là màng ruột, đây là phân, đây là mật, đây là đàm, đây là mủ, đây là máu, đây là mồ hôi, đây là mỡ, đây là nước mật, đây là mỡ da, đây là nước bọt, đây là nước mủ, đây là nước ở các khớp xương, đây là nước tiểu.
2. Quán thân từ gót chân tới đầu và từ đỉnh tóc trở xuống, thân thể này gồm có yếu tố đất, yếu tố nước, yếu tố lửa và yếu tố gió.
3. Quán thân như một xác chết, bị liệng vào bãi tha ma được vài ngày, sình lên, xanh lại, thối nát ra và quán chiếu thân thể mình “chính thân thể này cũng như vậy, cũng sẽ trở thành như thế, không có lối nào tránh thoát.”
4. Quán thân như xác chết, bị liệng vào bãi tha ma, bị quạ rỉa, bị diều hâu, kên kên và chó sói rừng ăn và bị các loài dòi bọ rút tỉa, rồi quán chiếu thân thể mình “chính thân thể này cũng như vậy, cũng sẽ trở thành như thế, không có lối nào tránh thoát.”
5. Quán thân như xác chết, bị liệng vào bãi tha ma, chỉ còn là một bộ xương dính ít thịt và máu, các khúc xương còn được nối liền nhau nhờ có những sợi gân, rồi quán chiếu thân thể mình “chính thân thể này cũng như vậy, cũng sẽ trở thành như thế, không có lối nào tránh thoát.”
6. Quán thân như xác chết, bị liệng vào bãi tha ma, chỉ còn là một bộ xương, không còn dính chút thịt nào và cũng không còn dính chút máu nào, các khúc xương còn được nối liền nhau nhờ có những sợi gân, rồi quán chiếu thân thể mình “chính thân thể này cũng như vậy, cũng sẽ trở thành như thế, không có lối nào tránh thoát.”
7. Quán thân như xác chết, bị liệng vào bãi tha ma, chỉ còn lại một đống xương rời rạc đó đây, chỗ này là xương tay, chỗ nọ là xương ống chân, chỗ kia là xương bắp vế, chỗ kia nữa là xương mông, chỗ kia là xương sống, chỗ kia là đầu lâu…, rồi quán chiếu thân thể mình “chính thân thể này cũng như vậy, cũng sẽ trở thành như thế, không có lối nào tránh thoát.”
8. Quán thân như xác chết, bị liệng vào bãi tha ma, chỉ còn lại một mớ xương trắng màu vỏ ốc, rồi quán chiếu thân thể mình “chính thân thể này cũng như vậy, cũng sẽ trở thành như thế, không có lối nào tránh thoát.”
9. Quán thân như xác chết, bị liệng vào bãi tha ma, chỉ còn lại một đống xương khô, để hơn một năm trên bãi, sau đó chỉ còn lại một mớ xương mục tan thành bụi theo gió, rồi quán chiếu thân thể mình “chính thân thể này cũng như vậy, cũng sẽ trở thành như thế, không có lối nào tránh thoát.” (3)
Quán thọ khổ
Bài tập số 5
1. Khi có cảm thọ khoái lạc, ý thức rằng: “Ta đang có cảm thọ khoái lạc. “
2. Khi đang có cảm thọ khổ đau, ý thức rằng: “Ta đang có cảm thọ khổ đau.”
3. Khi đang có cảm thọ không khoái lạc cũng không khổ đau, ý thức rằng: “Ta đang có cảm thọ không khoái lạc cũng không khổ đau.”
Bài tập số 6
1. Khi có cảm thọ khoái lạc vật chất, ý thức rằng: “Ta đang có cảm thọ khoái lạc vật chất.”
2. Khi có cảm thọ khổ đau vật chất, ý thức rằng: “Ta đang có cảm thọ khổ đau vật chất.”
3. Khi có cảm thọ vật chất không khoái lạc cũng không khổ đau, ý thức rằng: “Ta đang có cảm thọ vật chất không khoái lạc cũng không khổ đau.”
Bài tập số 7
1. Khi có cảm thọ khoái lạc tinh thần, ý thức rằng: “Ta đang có cảm thọ khoái lạc tinh thần.”
2. Khi có cảm thọ khổ đau tinh thần, ý thức rằng: “Ta đang có cảm thọ khổ đau tinh thần.”
3. Khi có cảm thọ tinh thần không khoái lạc cũng không khổ đau, ý thức rằng: “Ta đang có
cảm thọ tinh thần không khoái lạc cũng không khổ đau.”
Bài tập số 8
Khi có cảm thọ khoái lạc, cảm thọ khổ đau, cảm thọ không khoái lạc hay không khổ đau khi được khen ngợi, xấu hổ, bực tức, bị sỉ nhục, vui mừng, hân hoan, nhẹ nhàng, thanh thản, hồi hộp, buồn phiền, giận dữ, si mê, ngứa ngáy, tê chân, nóng bức, chán chường, sợ hãi, tuyệt vọng,…, ý thức rằng: “Ta đang có cảm thọ khoái lạc”, hoặc “Ta đang có cảm thọ khổ đau”, hoặc “Ta đang có cảm thọ không khoái lạc cũng không khổ đau.”
Quán tâm vô thường
Bài tập số 9
1. Khi nội tâm có tham dục, ý thức nội tâm có tham dục.
2. Khi nội tâm không có tham dục, ý thức là nội tâm không có tham dục.
3. Khi trong tâm có sân hận, ý thức là trong tâm không có sân hận.
4. Khi trong tâm không có sân hận, ý thức là trong tâm không có sân hận.
Bài tập số 10
1. Khi tâm thức si mê, ý thức là tâm thức si mê.
Khi tâm thức không si mê, ý thức là tâm thức không si mê.
2. Khi tâm thức có thu nhiếp, ý thức là tâm thức có thu nhiếp.
Khi tâm thức tán loạn, ý thức là tâm thức tán loạn.
Bài tập số 11
1. Khi tâm thức trở thành khoáng đạt, ý thức là tâm thức trở thành khoáng đạt.
Khi tâm thức không trở thành khoáng đạt, ý thức là tâm thức không trở thành khoáng đạt.
2. Khi tâm thức trở nên hạn hẹp, ý thức là tâm thức trở nên hạn hẹp.
3. Khi tâm thức đạt trạng thái cao nhất, ý thức là tâm thức đạt trạng thái cao nhất.
Khi tâm thức không đạt trạng thái cao nhất, ý thức là tâm thức không đạt trạng thái cao
nhất.
Bài tập số 12
1. Khi tâm thức có định, ý thức là tâm thức có định.
Khi tâm thức không có định, ý thức là tâm thức không có định.
2. Khi tâm thức giải thoát, ý thức là tâm thức giải thoát.
Khi tâm thức không giải thoát, ý thức là tâm thức không giải thoát.
Quán pháp vô ngã
Bài tập số 13
Năm triền cái
Khi có ái dục, ý thức rằng có ái dục. Khi không có ái dục, ý thức không có ái dục. Ý thức sự sinh khởi, đang diễn ra và sự khử diệt của ái dục.
Khi có sân hận, ý thức rằng có sân hận. Khi không có sân hận, ý thức không có sân hận. Ý thức sự sinh khởi, đang diễn ra và sự khử diệt của sân hận.
Khi có mê muội và buồn ngủ, ý thức rằng có mê muội và buồn ngủ. Khi không có mê muội và buồn ngủ, ý thức không có mê muội và buồn ngủ. Ý thức sự sinh khởi, đang diễn ra và sự khử diệt của mê muội và buồn ngủ.
Khi có giao động bất an và hối hận, ý thức rằng có giao động bất an và hối hận. Khi không có giao động bất an và hối hận, ý thức rằng không có giao động bất an va hối hận. Ý thức sự sinh khởi, đang diễn ra và sự khử diệt của giao động bất an và hối hận.
Khi có nghi ngờ, ý thức rằng có nghi ngờ. Khi không có nghi ngờ, ý thức không có nghi ngờ. Ý thức sự sinh khởi, đang diễn ra và sự khử diệt của nghi ngờ.
Năm thủ uẩn
Đây là hình thể vật chất (sắc), đây là sự phát sinh của hình thể vật chất, đây là sự hủy diệt của hình thể vật chất.
Đây là cảm thọ (thọ), đây là sự phát sinh của cảm thọ, đây là sự hủy diệt của cảm thọ.
Đây là tri giác (tưởng), đây là sự phát sinh của tri giác, đây là sự hủy diệt của tri giác.
Đây là tâm tư (hành), đây là sự phát sinh của tâm tư, đây là sự hủy diệt của tâm tư.
Đây là nhận thức (thức), đây là sự phát sinh của nhận thức, đây là sự hủy diệt của nhận thức.
Bài tập số 14
Sáu nội ngoại xứ – Sáu căn và sáu trần – Sáu giác quan và sáu loại đối tượng
Ý thức về mắt và đối tượng của mắt là hình sắc. Ý thức về những nội kết tạo nên do mắt và hình sắc. Ý thức về sự phát sinh, đang diễn ra, sự khử diệt và không còn tái sinh về những nội kết tạo nên do mắt và hình sắc.
Ý thức về tai và đối tượng của tai là âm thanh. Ý thức về những nội kết tạo nên do tai và âm thanh. Ý thức về sự phát sinh, đang diễn ra, sự khử diệt và không còn tái sinh về những nội kết tạo nên do tai và âm thanh.
Ý thức về mũi và đối tượng của mũi là mùi hương. Ý thức về những nội kết tạo nên do mũi và mùi hương. Ý thức về sự phát sinh, đang diễn ra, sự khử diệt và không còn tái sinh về những nội kết tạo nên do mũi và mùi hương.
Ý thức về lưỡi và đối tượng của lưỡi là vị nếm. Ý thức về những nội kết tạo nên do lưỡi và vị nếm. Ý thức về sự phát sinh, đang diễn ra, sự khử diệt và không còn tái sinh về những nội kết tạo nên do lưỡi và vị nếm.
Ý thức về thân và đối tượng của thân là xúc chạm. Ý thức về những nội kết tạo nên do thân và xúc chạm. Ý thức về sự sinh khởi, đang diễn ra, sự khử diệt và không còn tái sinh về những nội kết tạo nên do thân và xúc chạm.
Ý thức về ý và đối tượng của ý là pháp trần. Ý thức về những nội kết tạo nên do ý và pháp trần. Ý thức về sự phát sinh, đang diễn ra, sự khử diệt và không còn tái sinh về những nội kết tạo nên do ý và pháp trần.
Bài tập số 15
Bảy giác chi – Thất bồ đề phần – Bảy yếu tố của sự ngộ đạo
Khi có yếu tố chánh niệm, ý thức có yếu tố chánh niệm. Khi không có chánh niệm, ý thức không có chánh niệm. Ý thức về sự phát sinh, đang phát sinh, đã phát sinh và thành tựu viên mãn về chánh niệm.
Khi có yếu tố quán chiếu, ý thức có yếu tố quán chiếu. Khi không có quán chiếu, ý thức không có quán chiếu. Ý thức về sự phát sinh, đang phát sinh, đã phát sinh và thành tựu viên mãn về một tác dụng quán chiếu.
Khi có yếu tố tinh tấn, ý thức có yếu tố tinh tấn. Khi không có tinh tấn, ý thức không có tinh tấn. Ý thức về sự phát sinh, đang phát sinh, đã phát sinh và thành tựu viên mãn về tinh tấn.
Khi có yếu tố an vui, ý thức có yếu tố an vui. Khi không có an vui, ý thức không có an vui. Ý thức về sự phát sinh, đang phát sinh, đã phát sinh và thành tựu viên mãn về an vui.
Khi có yếu tố nhẹ nhõm, ý thức có yếu tố nhẹ nhõm. Khi không có nhẹ nhõm, ý thức không nhẹ nhõm. Ý thức về sự phát sinh, đang phát sinh, đã phát sinh và thành tựu viên mãn về nhẹ nhõm.
Khi có yếu tố định, ý thức có yếu tố định. Khi không có định, ý thức không có định. Ý thức về sự phát sinh, đang phát sinh, đã phát sinh và thành tựu viên mãn về định.
Khi có yếu tố buông thả, ý thức có yếu tố buông thả. Khi không có buông thả, ý thức không có buông thả. Ý thức về sự phát sinh, đang phát sinh, đã phát sinh và thành tựu viên mãn về buông thả.
Bài tập số 16
Bốn thánh đế – Bốn sự thật cao quý
1. Khi sự kiện là khổ đau, quán niệm: “Đây là khổ đau.”
2. Khi sự kiện là nguyên nhân tạo thành khổ đau, quán niệm: “Đây là nguyên nhân tạo thành khổ đau.”
3. Khi sự kiện là khổ đau có thể được chấm dứt, quán niệm: “Đây là khổ đau có thể được chấm dứt.”
4. Khi sự kiện là con đường dẫn đến sự chấm dứt khổ đau, quán niệm: “Đây là con đường dẫn đến sự chấm dứt khổ đau.”
Quán Không
Quán Không
Bài tập số 1: Không Vô Biên Xứ – An Trú Thân Không
1. Thực tập thiền quán về tứ đại.
. Quán thân mang yếu tố đất (địa đại).
. Quán thân mang yếu tố nước (thủy đại).
. Quán thân mang yếu tố lửa (hỏa đại).
. Quán thân mang yếu tố gió (phong đại)
. Quán thân như sau: cái gì cứng hay thô là đất.
. Quán thân như sau: cái gì chảy hay kết dính là nước.
. Quán thân như sau: cái gì làm cho chín hay nóng là lửa.
. Quán thân như sau: cái gì làm cho đẩy hoặc hỗ trợ là gió.
. Quán vi tế về yếu tố đất trong thân như sau: cứng là đất, thô là đất, nặng là đất, mềm là đất, tròn mịn là đất, nhẹ là đất.
. Quán vi tế về yếu tố nước trong thân như sau: chảy ra là nước, kết dính là nước.
. Quán vi tế về yếu tố lửa trong thân như sau: nóng là lửa, lạnh là lửa.
. Quán vi tế về yếu tố gió trong thân như sau: đẩy là gió, hỗ trợ là gió.
. Quán sát về lực đẩy của yếu tố nước ở đầu, cổ, thân mình, hai tay, hai chân, bàn chân, lồng ngực, cơ bụng và toàn thân.
. Quán sát về tính cứng của yếu tố đất ở răng, xương và toàn thân.
. Quán sát về tính thô của yếu tố đất ở môi, mí mắt, da đầu, da thân và toàn thân.
. Quán sát về tính nặng của yếu tố đất ở tay, chân, đầu và toàn thân.
. Quán sát về tính hỗ trợ của yếu tố gió ở lưng, tay, chân và toàn thân.
. Quán sát về tính mềm của yếu tố đất ở lưỡi, mắt, tim và toàn thân.
. Quán sát về tính trơn mịn của yếu tố đất ở môi, lưỡi, da đùi và toàn thân.
. Quán sát về tính nhẹ của yếu tố đất ở ngón tay, ngón chân và toàn thân.
. Quán sát về tính nóng hay ấm của yếu tố lửa ở hơi thở vào ra mũi và toàn thân.
. Quán sát về tính lạnh hay mát của yếu tố lửa ở hơi thở vào ra mũi và toàn thân.
. Quán sát về đặc tính kết dính của yếu tố nước ở da, thịt, gân, máu và toàn thân.
. Quán sát về đặc tính chảy của yếu tố nước ở máu, nước miếng, không khí, hơi nóng và toàn thân.
2. Thực tập thiền vượt khỏi sắc tưởng: vượt thoát mọi sắc tưởng
. Quán thân trong thân về khu rừng, đồng cỏ, núi đồi, thung lũng, sông biển.
. Quán thân trong thân về địa cầu.
. Quán thân trong thân về bầu trời.
. Quán thân trong thân về đường chân trời và buông bỏ đường chân trời.
. Quán thân trong thân không có giới hạn.
3. Thực tập thiền đoạn diệt hữu đối tưởng: quán thân diệt trừ mọi chướng ngại tưởng và mọi nguy hiểm của sắc.
4. Không tác ý với dị tưởng: quán thân diệt trừ các loại tưởng sai biệt.
5. Hư không là vô biên: quán thân hòa tan vào cõi hư vô không biên giới.
6. Nhập Không vô biên xứ định: an trú thân không. (4)
Bài tập số 2
Thức Vô Biên Xứ – An Trú Thức Không
1. Hướng tâm từ không gian đến cái thức đã trải nghiệm Không vô biên xứ.
2. Quán không có gì là sự xác tính của một cá nhân riêng rẽ, mà chỉ có sự đồng nhất.
3. Quán ý thức đồng nhất trong suốt quá trình tư duy.
4. Quán một trong tất cả và tất cả trong một hay quán sự tương tức.
5. Quán tâm không còn bị giới hạn trong một phạm vi cụ thể.
Bài tập số 3
Vô Sở Hữu Xứ – An Trú Pháp Không
1. Quán không có người nào và không có vật gì.
2. Quán sự chuyển động rất vi tế, không dừng dứt, sự thay đổi rất vi tế của các pháp.
3. Quán vô sở hữu, tâm trống rỗng, không có chỗ trụ, không bắt đầu cũng không kết thúc.
4. Quán vô sở đắc, không phân biệt nhĩ ngã, mình và người.
5. Quán vô sở dụng.
Bài tập số 4
Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ – An Trú Tưởng Không
1. Quán thân, tâm và toàn thể vạn vật đều không, chỉ còn tri giác biết không.
2. Chấm dứt không còn gì để nghĩ tưởng.
Bài tập số 5
Diệt Thọ Tưởng – An Trú Ngã Không
1. Quán năm uẩn đều không, bao gồm sắc, thọ, tưởng, hành, thức.
2. Quán mười tám giới chẳng có, bao gồm sáu căn, sáu trần, sáu thức.
3. Quán ngã chấp tiêu tan.
Bài tập số 6
Sự Tận Diệt – Tầng Thiền Thứ Chín
1. Tận diệt các vi tế phiền não, các phiền não ẩn náu trong tâm làm nhân nghiệp cho sinh tử luân hồi.
2. Tận diệt các vi tế vô minh, biết rõ nhân duyên nghiệp báo.
Con Đường Trung Đạo – Dưới Cội Bồ Đề Một Đóa Bình Yên
Sa Môn Gotama khi được 35 tuổi, nhận thấy lối tu khổ hạnh có thể tạm thời dẹp bỏ những đòi hỏi của dục vọng nhưng với một thân thể suy nhược, khó mà đạt tới giác ngộ hoàn toàn. Chính vì thế, ngài chọn lối tu trung đạo, không hành xác bản thân và không buông lơi bản thân. Ăn uống vừa đủ để giữ gìn sức khỏe, tinh thần minh mẫn mới đủ khả năng thực tập, tìm con đường giải thoát. Bằng chứng là ngài đã giác ngộ sau bốn mươi chín ngày ngồi thiền dưới cội bồ đề. Con đường trung đạo đã trở thành tiêu chí tu tập với bậc xuất gia nào, thậm chí có thể áp dụng cho cả cư sĩ. Người tu tại gia vẫn có thể theo con đường trung đạo nhằm thực tập lối sống thiểu dục và tri túc, không quá dính mắc vào các chuyện của thế gian, có nhiều thì giờ tu tập và hành trì chánh pháp. Ngày xưa, đức Phật yêu cầu các đệ tử chỉ nên ăn mỗi ngày một bữa và trước giờ ngọ. Nếu bữa nào đi khất thực không xin được thức ăn, bữa đó xem như phải nhịn đói hay các huynh đệ khác có đủ thức ăn thì chia sớt cho. Thì giờ còn lại là nghe pháp thoại, học giáo lý hoặc hành thiền Minh sát. Ngày nay, bên trường phái Nam Tông vẫn duy trì phương thức ăn mỗi ngày một bữa, còn bên Bắc Tông thì ăn mỗi ngày hai hoặc ba bữa nhưng chủ yếu là ăn chay. Việc ăn uống quá dư thừa sẽ làm gia tăng năng lượng tình dục, việc tu tập vì thế gặp nhiều cản trở. Tiếp đến, việc đi lại hồi thời đức Phật không nhiều phương tiện như bây giờ. Đức Phật cùng tăng đoàn lúc đi hoằng hóa chủ yếu là đi bộ, vì lòng từ bi nên ngài không dùng ngựa hay voi, phương tiện chủ yếu thời bây giờ. Những năm gần đây, các tu sĩ có rất nhiều phương tiện để đi hoằng hóa, như máy bay, tàu lửa, xe hơi hay xe gắn máy. Tuy nhiên, thực tập chánh niệm và thái độ khiêm cung trong việc sử dụng các phương tiện là điều cần thiết, bằng không con đường trung đạo sẽ bị phai nhạt, mình bị kẹt vào các phương tiện hơn là sử dụng phương tiện hỗ trợ cho việc tu tập.
Đức Thế Tôn thường dạy các đệ tử, chúng ta phải tự xây dựng hải đảo tự thân của chính mình, phải tự thắp đuốc lên mà đi và phải xây dựng niềm tin nơi tín thí. Khi mới tu tập, năng lượng yếu kém, phải nương tựa các thầy. Khi vững mạnh rồi, hãy nương tựa chính mình, mình chính là hải đảo vững chãi để tiếp tục đi xa hơn nữa. Không có ai tu dùm mình, mình tự tu thì mới tự ngộ. Sử dụng quá nhiều phương tiện để tu chưa chắc giỏi, mà nhiều khi vài phương tiện hay một phương tiện nhưng thực tập miên mật, thế nào cũng thành công. Tu với phương tiện nhưng không kẹt vào phương tiện vì phương tiện chỉ là ngón tay chỉ mặt trăng. Mình đi tu rồi, không làm gì để nuôi thân về mặt tài chính nên phải nhờ sự cúng dường của tín thí. Các vị thí chủ đặt niềm tin nơi mình rất lớn, họ cần giáo pháp, họ cần giải thoát, nên họ tìm đến mình, biết mình là người tu nên họ yểm trợ cho mình. Nhiệm vụ của mình là phải tu mới được, mà đã tu thì phải tu cho giỏi, không có tu sơ sơ, bữa có bữa không. Khi có kinh nghiệm tu tập, chia sẻ pháp môn cho các tín thí. Nên tu là phương cách trả ơn, trả ơn Phật, trả ơn tăng thân, trả ơn ba mẹ, trả ơn tín thí, trả ơn bạn bè. Mình không lo tu thì mình bất hiếu dữ lắm. Muốn là đứa con hiếu thảo, mình phải biết lo tu. Chọn con đường trung đạo để bớt tốn kém cho đàn na thí chủ. Sống thiểu dục thì chỉ sống trong phạm vi duy trì sự sống, sử dụng thân làm chiếc bè đi qua sông, không đòi hỏi những màu mè trong nghi thức, sự cúng dường và sử dụng các phương tiện. Sống tri túc là sống lành mạnh, biết tu tập, biết đạo đức và đây là đời sống chủ yếu. Sáng sớm dậy tham thiền, tụng kinh, tụng giới, ban ngày làm việc trong chánh niệm, tối đến lại tụng kinh, tham thiền, tụng giới, học giáo lý, viết sách, với cư sĩ thì thêm phần phụng dưỡng ba mẹ. Lối tu trung đạo ngày nay là như vậy đó, kính thưa quý vị.
Ngoài kia, ánh nắng ban mai rọi qua từng kẽ lá. Dưới cội bồ đề, một đóa bình yên đã nở ra. Đức Phật chính là đóa bình yên đó. Ngài đã từng là chú nai tơ ngơ ngác giữa rừng sâu, là con cá tung tăng dưới làn nước xanh trong, từng tức tưởi dưới địa ngục vô vàn, từng là muôn hình vạn trạng chúng sinh, nhưng giờ đây mọi thứ đó đã rơi rụng xuống, ngài không còn run rẩy trước những bàn tay kềm kẹp của vô minh. Ngài không còn sợ hãi vì bình yên nơi ngài đã trở nên vĩnh cữu. Trên thế gian này, không có gì đánh đổi được sự bình yên này, không có chiếc máy nhiệt kế nào đo lường được tần suất của sự bình yên. Đóa hoa bình yên nở ra, khiến cho các đóa hoa bình yên khác nở theo, tạo ra một khu vườn tràn ngập sự bình yên. Ngài đứng dậy, ngắm nhìn bình minh vừa tới, rồi nhìn lại chỗ ngồi, nơi cội bồ đề tạo thuận duyên cho ngài tìm về chốn bình yên. Ngài biết ngài đã là bình yên tự bao giờ
Trong sách Rong Chơi Tuổi Thơ, tôi có viết một bài kệ có tựa đề là Một Chút. Một chút mỉm cười giữa dòng đời – Một chút thảnh thơi giữa muôn trùng khơi – Trong vườn hoa nở một chút nắng – Một chút yên ắng những ngày hè. Dòng đời này tất bật lắm, ngồi thiền một giờ cũng không có làm sao ngồi được 49 ngày như đức Phật. Mỉm cười một chút giữa sự tất bật làm cho sự tất bật mềm ra, tất bật trở nên bình yên hơn. Trong bức tranh lởm chởm đá núi, một bông hoa nở cũng làm cho cả bức tranh được bình yên. Trùng khơi có nhiều sóng to gió lớn như cuộc đời có nhiều khổ đau. Khổ đau vì xa nhau, vì không như ước nguyện, vì hoàn cảnh không thuận lòng mình. Mình cho mình một chút thảnh thơi, tức là biết dừng lại, dù chỉ trong phút giây, những khổ đau, những trùng khơi đã phần nào tan chảy. Giữa một nơi ồn ào náo nhiệt, bỗng nhìn thấy một nhà sư cất bước thảnh thơi, khoan thai đi trên đường, chắc hẳn lòng mình sẽ dạt dạo tình thương. Buối sáng nắng lên, cây cối nghiêng về ánh nắng tiếp nhận sự sống. Những ngày mây đen vần vũ, không một ánh nắng, lát sau mây dần tan, một tia nắng le lói chiếu xuống khu vườn, bấy nhiêu thôi cũng đủ làm cho khu vườn rực sáng. Mình thấy khu vườn sáng vì tâm mình bình yên. Như trong đêm tối bỗng bật lên một đóm lửa nhỏ, ánh lửa leo lét vẫn đủ soi sáng cả bóng đêm. Đêm hè trời nóng, mình bắt ghế ra ngoài sân, đây là dịp mình ngắm nhìn trăng sao. Bấy lâu mình tất bật nên không ngắm gì được, bây giờ mới biết giây phút ngắm trăng sao bình yên biết mấy. Nhờ mùa hè, nhờ trời nóng, mình mới thấm thía được sự yên ắng của ngày hè. Cái yên ắng chút xíu thôi nhưng mình thấy như bất tận. Nhiều cái chút bình yên tạo thành bình yên to lớn, mình sống được là nhờ những bình yên nho nhỏ như vậy.
Cho tôi một chút bình yên nhé – Một chút nhớ mẹ bao mùa đông – Một chút thong dong trong hư không – Một chút từ bi tận đáy lòng. Thường mình hay xin bình yên từ ai đó, như ông trời, như một đấng thần linh, như ông Phật, như ba mẹ, như người thương, hãy cho mình một chút bình yên. Thật ra chẳng ai ban phát bình yên cho mình mà chính tự mình tiếp xúc với bình yên. Bình yên không nắm bắt được vì bình yên là một ý niệm, chỉ biết rằng khi mình biết im lặng, biết dừng lại những đòi hỏi, biết tha thứ, biết yêu thương, thì mình bình yên, vậy thôi. Mẹ chính là bình yên. Ai ngồi bên mẹ mà không tận hưởng sự bình yên thì uổng quá. Mùa đông xứ lạnh chẳng đứa con nào mà không nhớ mẹ. Nhớ cái hồi còn nhỏ, trời trở lạnh, mẹ bảo, Út à, trời lạnh đó con, mặc thêm cái áo vào cho ấm. Nếu chẳng may bị cảm, ăn bát cháo nóng mẹ nấu, ngồi bên bếp lửa hồng, lòng ấm áp không phải vì ánh lửa mà vì tình thương mẹ trao. Chỉ mới nhớ mẹ một chút thôi, mình đã ấm áp rồi. Dù mùa đông băng giá, năng lượng bình yên tỏa ra từ tình mẹ đã làm xua tan cái lạnh xám xịt của mùa đông. Trời lạnh vậy, nhưng hãy mở cánh cửa ra mà đi vào hư không. Không phải mình mở cánh cửa ra vào để đi ra ngoài hay bước vô nhà, mà mở cánh cửa lòng. Bấy lâu nay cánh cửa lòng cài then gài chốt lâu quá, mình không chấp nhận được ai, mình không thương được ai, ngay cả bản thân mình. Bây giờ mình khác rồi, mình đã biết thương yêu, biết chấp nhận sự khác biệt, biết ôm lấy niềm đau, dù cánh cửa chưa mở toang, mới hé mở một chút, mình đã trở nên thong dong, thong dong trong vô vàn sự thay đổi của hư không. Vì mình biết thong dong nên thay đổi dù lớn hay nhỏ cũng không làm hại được mình. Có phong ba nào làm hại được người đã biết bình yên chứ. Từ sâu thẳm, một nụ hoa từ bi vừa hé nở. Chỉ mới là nụ hoa nhưng nụ hoa đã là hiện thân của tình thương và cống hiến. Đơn giản nụ hoa là kết tinh của tình thương và cái đẹp của hoa chỉ muốn cống hiến cho đời. Trước đây mình để cho tham lam, giận dữ, mê muội, kiêu ngạo, nghi ngờ, ý niệm làm che mờ, nên tấm lòng của mình không được sáng trong, tấm lòng của mình bị đóng cửa, nhưng sau đó mình tập cho đi, tập lắng nghe, tập buông bỏ, tập khiêm nhường, tập xây dựng niềm tin, tập chấp nhận nên mình biết chút ít bình yên, tấm lòng dần dần mở cửa. Mưa dầm thấm lâu, từ đất bình yên nở ra đóa hoa từ bi, đóa hoa vẫn còn nhỏ bé lắm nhưng nhờ nó, mình biết phẩm chất của bình yên quan trọng như thế nào.
Một chút màu xanh giữa cánh đồng – Cho hòa bình về với mênh mông – Một chút bao dung trong nghịch cảnh – Tâm đã an rồi cảnh cũng an. Thành phố ồn ào náo nhiệt. Cuối tuần mình muốn về quê chơi. Vừa ra khỏi thành phố mình thấy khỏe liền. Mắt ngắm nhìn những cánh đồng xanh trải dài sự sống. Ngày xưa chiến tranh Việt Nam, cánh đồng bị dày xéo trở nên xám xịt, một chút màu xanh cũng không có. Tuy nhiên, giữa sự xám xịt đó, một đám lúa mạ được gieo xuống, một chút màu xanh hiện tiền, bấy nhiêu thôi cũng đủ làm cho toàn bộ khung cảnh trở nên bớt đau thương. Một chút bình yên nhân rộng ra thành cánh đồng bình yên, cho một chút hòa bình nhân rộng thành mênh mông. Trong chiến tranh, trong nghịch cảnh đau thương, một chút bao dung, một chút lắng nghe, một chút tha thứ, cũng đủ làm an bình thân tâm. Tâm an cảnh sẽ an, tâm bình thế giới bình. Chỉ mới an một chút thôi, hòa bình đã hiện tiền mà hòa bình là con cháu của bình yên, là hoa trái của sự thiền tập. Đức Thế Tôn thực tập thiền mà tìm về chốn bình yên. Thật ra bình yên không phải là nơi tìm về hay nơi đến mà bình yên đang hiện tiền. Thực tập thiền để tiếp xúc với bình yên đang có sẵn đó. Những yếu tố không bình yên sẽ tự nhiên buông bỏ và các yếu tố bình yên có dịp khoe sắc. Lúc này các yếu tố không bình yên cũng trở nên bình yên hơn nên không cần phải trốn chạy yếu tố làm cho mình không bình yên. Bình yên là một ý niệm. Không bình yên cũng là một ý niệm. Bình yên lẫn không bình yên cũng là ý niệm. Buông bỏ ý niệm về bình yên, về không bình yên, về bình yên lẫn không bình yên thì mình bình yên thôi. Lúc này, mình là đóa hoa bình yên, đóa hoa không chỉ nở dưới cội bồ đề mà khắp mọi nơi. Nơi nào cũng là đóa hoa bình yên thì nơi nào cũng là cội bồ đề. Thiền tập là khắp mọi nơi. Bất cứ đâu cũng có thể là cội bồ đề và bất cứ đâu cũng nở đóa hoa bình yên. Hãy là một đóa hoa bình yên, bạn thân yêu nhé.
Phật Pháp Ứng Dụng chân thành cảm tạ Thiền giả Minh Thạnh đã cho phép chúng tôi sử dụng bài viết để trích đăng trên Website. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu đến quý độc giả.
Theo Phật Pháp Ứng Dụng
Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ – An Trú Tưởng Không
1. Quán thân, tâm và toàn thể vạn vật đều không, chỉ còn tri giác biết không.
2. Chấm dứt không còn gì để nghĩ tưởng.
Bài tập số 5
Diệt Thọ Tưởng – An Trú Ngã Không
1. Quán năm uẩn đều không, bao gồm sắc, thọ, tưởng, hành, thức.
2. Quán mười tám giới chẳng có, bao gồm sáu căn, sáu trần, sáu thức.
3. Quán ngã chấp tiêu tan.
Bài tập số 6
Sự Tận Diệt – Tầng Thiền Thứ Chín
1. Tận diệt các vi tế phiền não, các phiền não ẩn náu trong tâm làm nhân nghiệp cho sinh tử luân hồi.
2. Tận diệt các vi tế vô minh, biết rõ nhân duyên nghiệp báo.
Con Đường Trung Đạo – Dưới Cội Bồ Đề Một Đóa Bình Yên
Sa Môn Gotama khi được 35 tuổi, nhận thấy lối tu khổ hạnh có thể tạm thời dẹp bỏ những đòi hỏi của dục vọng nhưng với một thân thể suy nhược, khó mà đạt tới giác ngộ hoàn toàn. Chính vì thế, ngài chọn lối tu trung đạo, không hành xác bản thân và không buông lơi bản thân. Ăn uống vừa đủ để giữ gìn sức khỏe, tinh thần minh mẫn mới đủ khả năng thực tập, tìm con đường giải thoát. Bằng chứng là ngài đã giác ngộ sau bốn mươi chín ngày ngồi thiền dưới cội bồ đề. Con đường trung đạo đã trở thành tiêu chí tu tập với bậc xuất gia nào, thậm chí có thể áp dụng cho cả cư sĩ. Người tu tại gia vẫn có thể theo con đường trung đạo nhằm thực tập lối sống thiểu dục và tri túc, không quá dính mắc vào các chuyện của thế gian, có nhiều thì giờ tu tập và hành trì chánh pháp. Ngày xưa, đức Phật yêu cầu các đệ tử chỉ nên ăn mỗi ngày một bữa và trước giờ ngọ. Nếu bữa nào đi khất thực không xin được thức ăn, bữa đó xem như phải nhịn đói hay các huynh đệ khác có đủ thức ăn thì chia sớt cho. Thì giờ còn lại là nghe pháp thoại, học giáo lý hoặc hành thiền Minh sát. Ngày nay, bên trường phái Nam Tông vẫn duy trì phương thức ăn mỗi ngày một bữa, còn bên Bắc Tông thì ăn mỗi ngày hai hoặc ba bữa nhưng chủ yếu là ăn chay. Việc ăn uống quá dư thừa sẽ làm gia tăng năng lượng tình dục, việc tu tập vì thế gặp nhiều cản trở. Tiếp đến, việc đi lại hồi thời đức Phật không nhiều phương tiện như bây giờ. Đức Phật cùng tăng đoàn lúc đi hoằng hóa chủ yếu là đi bộ, vì lòng từ bi nên ngài không dùng ngựa hay voi, phương tiện chủ yếu thời bây giờ. Những năm gần đây, các tu sĩ có rất nhiều phương tiện để đi hoằng hóa, như máy bay, tàu lửa, xe hơi hay xe gắn máy. Tuy nhiên, thực tập chánh niệm và thái độ khiêm cung trong việc sử dụng các phương tiện là điều cần thiết, bằng không con đường trung đạo sẽ bị phai nhạt, mình bị kẹt vào các phương tiện hơn là sử dụng phương tiện hỗ trợ cho việc tu tập.
Đức Thế Tôn thường dạy các đệ tử, chúng ta phải tự xây dựng hải đảo tự thân của chính mình, phải tự thắp đuốc lên mà đi và phải xây dựng niềm tin nơi tín thí. Khi mới tu tập, năng lượng yếu kém, phải nương tựa các thầy. Khi vững mạnh rồi, hãy nương tựa chính mình, mình chính là hải đảo vững chãi để tiếp tục đi xa hơn nữa. Không có ai tu dùm mình, mình tự tu thì mới tự ngộ. Sử dụng quá nhiều phương tiện để tu chưa chắc giỏi, mà nhiều khi vài phương tiện hay một phương tiện nhưng thực tập miên mật, thế nào cũng thành công. Tu với phương tiện nhưng không kẹt vào phương tiện vì phương tiện chỉ là ngón tay chỉ mặt trăng. Mình đi tu rồi, không làm gì để nuôi thân về mặt tài chính nên phải nhờ sự cúng dường của tín thí. Các vị thí chủ đặt niềm tin nơi mình rất lớn, họ cần giáo pháp, họ cần giải thoát, nên họ tìm đến mình, biết mình là người tu nên họ yểm trợ cho mình. Nhiệm vụ của mình là phải tu mới được, mà đã tu thì phải tu cho giỏi, không có tu sơ sơ, bữa có bữa không. Khi có kinh nghiệm tu tập, chia sẻ pháp môn cho các tín thí. Nên tu là phương cách trả ơn, trả ơn Phật, trả ơn tăng thân, trả ơn ba mẹ, trả ơn tín thí, trả ơn bạn bè. Mình không lo tu thì mình bất hiếu dữ lắm. Muốn là đứa con hiếu thảo, mình phải biết lo tu. Chọn con đường trung đạo để bớt tốn kém cho đàn na thí chủ. Sống thiểu dục thì chỉ sống trong phạm vi duy trì sự sống, sử dụng thân làm chiếc bè đi qua sông, không đòi hỏi những màu mè trong nghi thức, sự cúng dường và sử dụng các phương tiện. Sống tri túc là sống lành mạnh, biết tu tập, biết đạo đức và đây là đời sống chủ yếu. Sáng sớm dậy tham thiền, tụng kinh, tụng giới, ban ngày làm việc trong chánh niệm, tối đến lại tụng kinh, tham thiền, tụng giới, học giáo lý, viết sách, với cư sĩ thì thêm phần phụng dưỡng ba mẹ. Lối tu trung đạo ngày nay là như vậy đó, kính thưa quý vị.
Ngoài kia, ánh nắng ban mai rọi qua từng kẽ lá. Dưới cội bồ đề, một đóa bình yên đã nở ra. Đức Phật chính là đóa bình yên đó. Ngài đã từng là chú nai tơ ngơ ngác giữa rừng sâu, là con cá tung tăng dưới làn nước xanh trong, từng tức tưởi dưới địa ngục vô vàn, từng là muôn hình vạn trạng chúng sinh, nhưng giờ đây mọi thứ đó đã rơi rụng xuống, ngài không còn run rẩy trước những bàn tay kềm kẹp của vô minh. Ngài không còn sợ hãi vì bình yên nơi ngài đã trở nên vĩnh cữu. Trên thế gian này, không có gì đánh đổi được sự bình yên này, không có chiếc máy nhiệt kế nào đo lường được tần suất của sự bình yên. Đóa hoa bình yên nở ra, khiến cho các đóa hoa bình yên khác nở theo, tạo ra một khu vườn tràn ngập sự bình yên. Ngài đứng dậy, ngắm nhìn bình minh vừa tới, rồi nhìn lại chỗ ngồi, nơi cội bồ đề tạo thuận duyên cho ngài tìm về chốn bình yên. Ngài biết ngài đã là bình yên tự bao giờ.
Trong sách Rong Chơi Tuổi Thơ, tôi có viết một bài kệ có tựa đề là Một Chút. Một chút mỉm cười giữa dòng đời – Một chút thảnh thơi giữa muôn trùng khơi – Trong vườn hoa nở một chút nắng – Một chút yên ắng những ngày hè. Dòng đời này tất bật lắm, ngồi thiền một giờ cũng không có làm sao ngồi được 49 ngày như đức Phật. Mỉm cười một chút giữa sự tất bật làm cho sự tất bật mềm ra, tất bật trở nên bình yên hơn. Trong bức tranh lởm chởm đá núi, một bông hoa nở cũng làm cho cả bức tranh được bình yên. Trùng khơi có nhiều sóng to gió lớn như cuộc đời có nhiều khổ đau. Khổ đau vì xa nhau, vì không như ước nguyện, vì hoàn cảnh không thuận lòng mình. Mình cho mình một chút thảnh thơi, tức là biết dừng lại, dù chỉ trong phút giây, những khổ đau, những trùng khơi đã phần nào tan chảy. Giữa một nơi ồn ào náo nhiệt, bỗng nhìn thấy một nhà sư cất bước thảnh thơi, khoan thai đi trên đường, chắc hẳn lòng mình sẽ dạt dạo tình thương. Buối sáng nắng lên, cây cối nghiêng về ánh nắng tiếp nhận sự sống. Những ngày mây đen vần vũ, không một ánh nắng, lát sau mây dần tan, một tia nắng le lói chiếu xuống khu vườn, bấy nhiêu thôi cũng đủ làm cho khu vườn rực sáng. Mình thấy khu vườn sáng vì tâm mình bình yên. Như trong đêm tối bỗng bật lên một đóm lửa nhỏ, ánh lửa leo lét vẫn đủ soi sáng cả bóng đêm. Đêm hè trời nóng, mình bắt ghế ra ngoài sân, đây là dịp mình ngắm nhìn trăng sao. Bấy lâu mình tất bật nên không ngắm gì được, bây giờ mới biết giây phút ngắm trăng sao bình yên biết mấy. Nhờ mùa hè, nhờ trời nóng, mình mới thấm thía được sự yên ắng của ngày hè. Cái yên ắng chút xíu thôi nhưng mình thấy như bất tận. Nhiều cái chút bình yên tạo thành bình yên to lớn, mình sống được là nhờ những bình yên nho nhỏ như vậy.
Cho tôi một chút bình yên nhé – Một chút nhớ mẹ bao mùa đông – Một chút thong dong trong hư không – Một chút từ bi tận đáy lòng. Thường mình hay xin bình yên từ ai đó, như ông trời, như một đấng thần linh, như ông Phật, như ba mẹ, như người thương, hãy cho mình một chút bình yên. Thật ra chẳng ai ban phát bình yên cho mình mà chính tự mình tiếp xúc với bình yên. Bình yên không nắm bắt được vì bình yên là một ý niệm, chỉ biết rằng khi mình biết im lặng, biết dừng lại những đòi hỏi, biết tha thứ, biết yêu thương, thì mình bình yên, vậy thôi. Mẹ chính là bình yên. Ai ngồi bên mẹ mà không tận hưởng sự bình yên thì uổng quá. Mùa đông xứ lạnh chẳng đứa con nào mà không nhớ mẹ. Nhớ cái hồi còn nhỏ, trời trở lạnh, mẹ bảo, Út à, trời lạnh đó con, mặc thêm cái áo vào cho ấm. Nếu chẳng may bị cảm, ăn bát cháo nóng mẹ nấu, ngồi bên bếp lửa hồng, lòng ấm áp không phải vì ánh lửa mà vì tình thương mẹ trao. Chỉ mới nhớ mẹ một chút thôi, mình đã ấm áp rồi. Dù mùa đông băng giá, năng lượng bình yên tỏa ra từ tình mẹ đã làm xua tan cái lạnh xám xịt của mùa đông. Trời lạnh vậy, nhưng hãy mở cánh cửa ra mà đi vào hư không. Không phải mình mở cánh cửa ra vào để đi ra ngoài hay bước vô nhà, mà mở cánh cửa lòng. Bấy lâu nay cánh cửa lòng cài then gài chốt lâu quá, mình không chấp nhận được ai, mình không thương được ai, ngay cả bản thân mình. Bây giờ mình khác rồi, mình đã biết thương yêu, biết chấp nhận sự khác biệt, biết ôm lấy niềm đau, dù cánh cửa chưa mở toang, mới hé mở một chút, mình đã trở nên thong dong, thong dong trong vô vàn sự thay đổi của hư không. Vì mình biết thong dong nên thay đổi dù lớn hay nhỏ cũng không làm hại được mình. Có phong ba nào làm hại được người đã biết bình yên chứ. Từ sâu thẳm, một nụ hoa từ bi vừa hé nở. Chỉ mới là nụ hoa nhưng nụ hoa đã là hiện thân của tình thương và cống hiến. Đơn giản nụ hoa là kết tinh của tình thương và cái đẹp của hoa chỉ muốn cống hiến cho đời. Trước đây mình để cho tham lam, giận dữ, mê muội, kiêu ngạo, nghi ngờ, ý niệm làm che mờ, nên tấm lòng của mình không được sáng trong, tấm lòng của mình bị đóng cửa, nhưng sau đó mình tập cho đi, tập lắng nghe, tập buông bỏ, tập khiêm nhường, tập xây dựng niềm tin, tập chấp nhận nên mình biết chút ít bình yên, tấm lòng dần dần mở cửa. Mưa dầm thấm lâu, từ đất bình yên nở ra đóa hoa từ bi, đóa hoa vẫn còn nhỏ bé lắm nhưng nhờ nó, mình biết phẩm chất của bình yên quan trọng như thế nào.
Một chút màu xanh giữa cánh đồng – Cho hòa bình về với mênh mông – Một chút bao dung trong nghịch cảnh – Tâm đã an rồi cảnh cũng an. Thành phố ồn ào náo nhiệt. Cuối tuần mình muốn về quê chơi. Vừa ra khỏi thành phố mình thấy khỏe liền. Mắt ngắm nhìn những cánh đồng xanh trải dài sự sống. Ngày xưa chiến tranh Việt Nam, cánh đồng bị dày xéo trở nên xám xịt, một chút màu xanh cũng không có. Tuy nhiên, giữa sự xám xịt đó, một đám lúa mạ được gieo xuống, một chút màu xanh hiện tiền, bấy nhiêu thôi cũng đủ làm cho toàn bộ khung cảnh trở nên bớt đau thương. Một chút bình yên nhân rộng ra thành cánh đồng bình yên, cho một chút hòa bình nhân rộng thành mênh mông. Trong chiến tranh, trong nghịch cảnh đau thương, một chút bao dung, một chút lắng nghe, một chút tha thứ, cũng đủ làm an bình thân tâm. Tâm an cảnh sẽ an, tâm bình thế giới bình. Chỉ mới an một chút thôi, hòa bình đã hiện tiền mà hòa bình là con cháu của bình yên, là hoa trái của sự thiền tập. Đức Thế Tôn thực tập thiền mà tìm về chốn bình yên. Thật ra bình yên không phải là nơi tìm về hay nơi đến mà bình yên đang hiện tiền. Thực tập thiền để tiếp xúc với bình yên đang có sẵn đó. Những yếu tố không bình yên sẽ tự nhiên buông bỏ và các yếu tố bình yên có dịp khoe sắc. Lúc này các yếu tố không bình yên cũng trở nên bình yên hơn nên không cần phải trốn chạy yếu tố làm cho mình không bình yên. Bình yên là một ý niệm. Không bình yên cũng là một ý niệm. Bình yên lẫn không bình yên cũng là ý niệm. Buông bỏ ý niệm về bình yên, về không bình yên, về bình yên lẫn không bình yên thì mình bình yên thôi. Lúc này, mình là đóa hoa bình yên, đóa hoa không chỉ nở dưới cội bồ đề mà khắp mọi nơi. Nơi nào cũng là đóa hoa bình yên thì nơi nào cũng là cội bồ đề. Thiền tập là khắp mọi nơi. Bất cứ đâu cũng có thể là cội bồ đề và bất cứ đâu cũng nở đóa hoa bình yên. Hãy là một đóa hoa bình yên, bạn thân yêu nhé.
Phật Pháp Ứng Dụng chân thành cảm tạ Thiền giả Minh Thạnh đã cho phép chúng tôi sử dụng bài viết để trích đăng trên Website. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu đến quý độc giả.
TG.Minh Thạnh
http://sachminhthanh.wordpress.com/
Theo Phật Pháp Ứng Dụng