GIÁO TRÌNH PHẬT HỌC 
(BUDDHISM COURSE)

Chan Khoon San
Biên dịch: Lê Kim Kha
Nhà xuất bản PHƯƠNG ĐÔNG 2011

XI

MƯỜI CĂN BẢN CỦA HÀNH ĐỘNG CÔNG ĐỨC

(DASA PUNNA-KIRIYA VATTHU)

DẪN NHẬP

NỘI DUNG 

  1. Những Căn Thiện & Căn Bất Thiện (Akusala Kusala Hetu)
  2. Hành Động Công Đức (Punna-kiriya)
  3. Mười Căn Bản Của Hành Động Công Đức (Dasa Punna-kiriyaVatthu)
  4. Những Loại Nghiệp Thiện (Kusala Kamma)
  5. Phân Loại Con Người (Puggala-bheda)
  6. Sách & Tài Liệu Tham Khảo

1. Những Căn Thiện & Căn Bất Thiện (Akusala Kusala Hetu)

Căn ở đây nghĩa là “gốc rễ”, “căn cơ”, “bản chất”, chứ không phải căn theo nghĩa là “giác quan” trong trường hợp khác.

Có 3 căn xấu ác hay 3 căn bất thiện, mà Đức Phật đã nói đến, là nguồn gốc, nguyên nhân của tất cả mọi đau khổ. Đó là:

  • Tham dục (Lobha),
  • Sân hận (Dosa), và
  • Si mê (Moha)

Ba loại gốc rễ hay bản chất này bao gồm tất cả mọi phạm vi bất thiện, dù chúng thể hiện một cách mờ nhạt hay thể hiện một cách thô thiển nhất.

Ngược lại, có 3 căn tốt hay căn thiện, đó là:

  • Không Tham dục (Alobha) = Không ích kỷ, rộng lượng, hào hiệp, buông bỏ, không tham chấp
  • Không Sân hận (Adosa) = Thương yêu, từ ái, nhẫn nhục và bi mẫn
  • Không Si mê (Amoha) = Hiểu biết, tri kiến, trí tuệ

Giáo Trình Phật Học - 11. Mười Căn Bản Của Hành Động Công Đức - Dẫn Nhập

2. Những Hành Động Công Đức (Punna-kiriya)

Tất cả mọi hành động đều xuất phát từ tâm, do tâm điều khiển, do tâm tạo tác. Thân và lời nói chỉ là những “cánh cửa” để cho tâm thể hiện, biểu hiện hành vi của mình mà thôi.

Người xưa định nghĩa từ  punna (công đức, phước đức) như là: “công đức rửa sạch hay làm trong sạch tâm”. Từ định nghĩa về những căn thiện tạo điều tốt lành và những căn bất thiện tạo ra đau khổ, chúng ta có thể suy ra được chính những căn thiện là nguyên nhân, gốc rễ để tạo ra công đức.

Những hành động công đức là những hành động do ý chí, do tâm chỉ đạo, là những tâm “Hành” được đi kèm bởi 3 căn thiện, đó là Không Tham, Không Sân, Không Si .

Ngược lại, những hành động đáng trách hay làm tổn hại công đức là những hành động do ý chí, do tâm chỉ đạo, là những tâm “Hành” được đi kèm bởi 3 căn bất thiện là Tham, Sân, Si.

Nói tóm lại một cách đơn giản, những căn thiện hay bất thiện tạo ra những nghiệp thiện hay nghiệp bất thiện.

Theo “Vi Diệu Pháp” tạng (Abhidhamma), có tám (8) loại Thức thiện (sobhana citta)[1] tương ứng với việc tái sinh về cõi Dục Giới (Kamavacara). Bốn (4) loại Thức trong số này chỉ chứa có 2 căn thiện là Không Tham & Không Sân, còn bốn (4) loại Thức còn lại thì chứa đầy đủ 3 loại căn thiện là Không Tham, Không Sân & Không Si (Trí Tuệ).

Mỗi nhóm lại được phân chia ra thành nhiều loại khác, tùy thuộc vào chúng được trợ duyên hay không được trợ duyên và tùy thuộc vào chúng có đi kèm với tâm Hỉ (hoan hỉ, vui vẻ) hay tâm Xả (vô tư, thản nhiên). Khi bàn về ý nghĩa tột cùng, 8 loại Thức thiện này bao gồm tất cả mọi hành động công đức hay tất cả mọi Nghiệp thiện tương ứng với cõi Dục Giới.

Tám (8) loại Thức thiện theo danh sách dưới đây, đó là:

a) Thức thiện có tâm Hỉ đi kèm, trợ duyên, cùng trí tuệ

b) Thức thiện có tâm Hỉ đi kèm, trợ duyên, không trí tuệ.

c) Thức thiện có tâm Hỉ đi kèm, không trợ duyên, cùng trí tuệ.

d) Thức thiện có tâm Hỉ đi kèm, không trợ duyên, không trí tuệ.

e) Thức thiện có tâm Xả đi kèm, trợ duyên, cùng trí tuệ

f) Thức thiện có tâm Xả đi kèm, trợ duyên, không trí tuệ.

g) Thức thiện có tâm Xả đi kèm, không trợ duyên, cùng trí tuệ.

h) Thức thiện có tâm Xả đi kèm, không trợ duyên, không trí tuệ.

3. Mười Căn Bản Của Hành Động Công Đức (Dasa Punna-kiriya Vatthu

Nếu một người thật sự muốn tích lũy nhiều nghiệp thiện trong đời sống này, thì có 10 căn bản hay 10 phương cách (Dasa vatthu) để thực hiện thành công công đức hay việc làm công đức (Punna-kiriya) để tạo ra nghiệp quả tốt lành, và điều quan trọng là hãy cố gắng làm hết sức mình và bằng mọi phương tiện, điều kiện mình có được để thực hiện việc công đức. Đó là những căn bản, nền tảng hay những cách hay những việc làm như sau:

1) Dana: Việc Sự Bố Thí, cho tặng, sự rộng lượng, hào hiệp.

2) Sila: Việc tuân giữ Giới Hạnh đạo đức, đó là Năm Giới căn bản, Tám Giới hay Mười Giới Thập Thiện…

3) BhavanaThiền hành, cả thiền định và thiền quán minh sát.

4) Apacayana: Việc Tôn kính người lớn tuổi, bậc thánh nhân.

5) Veyyavacca: Sốt sắng Phục vụ, giúp đỡ thực hiện những việc thiện.

6) Pattidana: Việc Chia sẻ, hồi hướng công đức.

7) Pattanumodana: Sự Hoan hỉ, vui mừng cho công đức của người khác, tùy hỷ công đức (HV).

8) Dhamma-savanaNghe học Giáo Pháp.

9) Dhamma-desanaTruyền, dạy Giáo Pháp.

10)DitthijukammaChánh tín, cũng có niềm tin một cách ngay thẳng, chính trực, được dựa vào chánh kiến.

Mười căn bản hay nền tảng của Hành động công đức được phân thành 3 nhóm khác nhau:

  • DanaNhóm Bố Thí, bao gồm việc Bố Thí, Hồi Hướng Công Đức & Tùy Hỷ Công Đức.
  • SilaNhóm Giới Hạnh, bao gồm Giới Hạnh, Tôn Kính & Phục Vụ
  • BhavanaNhóm Thiền Hành, bao gồm Thiền, Nghe học Giáo Pháp, Truyền Dạy Giáo Pháp & Củng Cố Chánh Kiến dựa vào chánh kiến.

(a) Nhóm Bố Thí (Dana) đại diện cho phẩm chất Không Tham (alobha), có nghĩa là cho, tặng, hào hiệp, không ích kỷ, buông bỏ. Nó đối nghĩa, đối nghịch với sự ghen tỵbủn xỉn hay ích kỷ.

(b) Nhóm Giới Hạnh (Sila) đại diện cho phẩm chất Không Sân (adosa), có nghĩa là từ ái, thiện chí. Nó đối nghĩa, đối nghịch với Tham chấp (lobha) và Sân hận, thù ghét (dosa).

(c) Nhóm Thiền Hành (Bhavana) đại diện cho phẩm chất Không Si (amoha), có nghĩa là trí tuệ hay sự hiểu biết. Nó đối nghĩa, đối nghịch với Si mê, ngu dốt và tà kiến, mù quáng.

Mười căn bản hay mười chủ đề của hành động công đức được thực hiện cùng với tám (8) loại Thức thiện, trừ khi một người chứng đạt những tầng Thiền Định (Jhana) hay giác ngộ Đạo thức (magga, Thức con đường Đạo) bằng phương pháp thiền. Vì thế, mười căn bản của hành động công đức này thường làm khởi sinh tạo ra những nghiệp thiện, tương ứng cõi trời Dục Giới.

4. Những Loại Nghiệp Thiện (Kusala Kamma)

(a) Những Nghiệp Thiện 2-Căn và Nghiệp Thiện 3-Căn

Nếu một người thực hiện những hành động thiện, việc thiện với kiến thức, hiểu biết về Nghiệp (Kamma) và những nghiệp quả, những thức thiện có đi kèm cùng trí tuệ hiểu biết. Tâm ý hay tâm Hành sẽ được đi kèm bởi 3 căn thiện: Không Tham, Không Sân, Không Si. Vì vậy nên tạo ra Nghiệp thiện 3-căn (tihetuka). Càng tốt hơn nữa, trong quá trình thực hiện những hành động thiện, một người có thể phát triển trí tuệ bên trong tức trí tuệ minh sátbằng cách lý giải mọi sự việc là vô thường, khổ và vô ngã. Nghiệp thiện tạo ra sẽ lại được đi kèm bởi ba căn thiện.

Mặt khác, nếu một người thực hiện những hành động thiện mà không có trí tuệ, hiểu biết về Nghiệp (Kamma) và những nghiệp quả, thì người đó đang thực hiện hành động đó mà không có chút hiểu biết hay trí tuệ nào cả. Vì thế, tâm ý hay tâm Hành sẽ không được đi kèm với căn Không Si, mà chỉ có 2 căn Không Tham & Không Sân. Như vậy sẽ tạo ra Nghiệp thiện 2-căn (dvihetuka).

(b) Nghiệp Thiện Ưu Việt & Nghiệp Thiện Thấp Kém

Trong khi thực hành trên 10 căn bản của việc công đức, một người có tâm ý hay ý định trước và sau khi khi hành động công đức được thực hiện là rất quan trọng. Nếu một người phát triển Thức Thiện trước khi thực hiện một hành động công đức, thì tâm ý (hay tâm Hành) về đạo sau khi thực hiện sẽ được bao quanh bởi nhiều tâm ý thiện khác và hệ quả là tiềm năng thiện căn mạnh mẽ hơn nhiều. Nghiệp thiện được tạo ra như vậy được gọi làNghiệp Thiện Ưu Việt (ukkatha).

Để tạo được Nghiệp Thiện ưu việt này, một người luôn nghĩ về hành động công đức trước khi thực hiện nó và luôn cảm thấy vui mừng, hoan hỉ vì có được cơ hội để thực hiện hành động công đức đó. Và hơn nữa, sau khi đã thực hiện xong hành động công đức đó, một người nên quán chiếu về điều đó và luôn cảm thấy vui vẻ, mãn nguyện hay vui mừng về khía cạnh hướng thiện, về mặt tốt lành của hành động công đức đó.

Mặt khác, nếu một người cảm thấy lười biếng hay ngập ngừng hay ghen tỵ hay bủn xỉn trước khi quyết định làm việc công đức, ví dụ như bố thí, và cảm thấy tiếc nuối sau khi hành động công đức đã được thực hiện, thì tâm ý (hay tâm Hành, ý Hành) về đạo đức này sẽ bị bao vây bởi những tâm ý bất thiện khác, và hệ quả là tiềm năng thiện sẽ bị suy yếu. Nghiệp thiện được tạo ra như vậy được gọi là Nghiệp Thiện thấp kém (omaka).

Như vậy, có 4 loại Nghiệp thiện được tạo ra trong việc thực hiện những hành động hay những việc công đức, đó là:

i) Nghiệp thiện ưu việt 3-căn

ii) Nghiệp thiện thấp kém 3-căn

iii) Nghiệp thiện ưu việt 2-căn

iv) Nghiệp thiện thấp kém 2-căn

Mỗi Nghiệp thiện trong 4 loại trên có thể được thực hiện cùng với tâm hoan Hỉ hay với tâm buông Xả, như vậy sẽ tạo ra tám (8) loại Thức thiện như đã nói.

▪ Trong bốn (4) loại Nghiệp thiện, loại (i) là tốt nhất, tối ưu việt. Nếu Nghiệp này trợ duyên cho Thức Tái Sinh, thì người đó sẽ được tái sinh với 3 căn thiện (tihetuka) vào cảnh giới phúc lành làm người hay làm thiên thần (devas) và sẽ sở hữu được khả năng chứng đạt những tầng Thiền Định (Jhana) và Thức con đường Đạo (Magga).

▪ Loại Nghiệp thiện (ii) và (iii) gần như là tương đương với nhau. Nếu Nghiệp này trợ duyên cho Thức Tái Sinh, người đó sẽ được tái sinh với 2 căn thiện (dvihetuka) vào cảnh giới phúc lành để làm người hay làm thiên thần (devas). Những người ấy không sở hữu được khả năng chứng đạt những tầng Thiền Định (Jhana) và Thức con đường đạo (Magga).

▪ Loại Nghiệp thiện (iv) là thấp kém nhất. Nếu nghiệp này trợ duyên cho Thức Tái Sinh, người đó cũng sẽ được tái sinh vào cảnh giới phúc lành (sugati), nhưng tiếc thay người đó không có được căn thiện nào (ahetuka) và sẽ làm người tật nguyền, dị dạng hoặc làm thần bị giáng xuống làm địa thần (TA: earth-bound degraded deva) ở cõi thấp kém hơn là cõi trời Tứ Đại Thiên Vương (Catumaharajika), có thể làm những quỷ thần dị dạng.

5. Phân Loại Con Người (Puggala-bheda)

Con Người (Puggala) có nghĩa là một cá nhân, một người. Theo “Vi Diệu Pháp” (Abhidhamma), con người được phân thành 12 loại, trong đó bao gồm 4 loại người phàm tục (puthujjana, world-lings) và 8 loại người thánh thiện hay thánh nhân (ariya-puggala). Mười hai (12) loại người đó lần lượt là:

1) Loại Người Phàm Phu Không Có Căn Thiện ở Cõi Xấu (Duggati ahetuka puggala)

Đây là những hạng người bị sinh vào cõi xấu đó là: Địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ, quỷ thần. Những hạng người này không có được một căn thiện (Không Tham, Không Sân, Không Si) nào. Vì thế được gọi là hạng người Vô Thiện Căn (Duggati: Cõi xấu, ahetuka: không có căn thiện, puggala: phàm phu).

2) Loại Người Phàm Phu Không Có Căn Thiện ở Cõi Phúc Lành (Sugati ahetuka puggala)

Đây là những hạng người được sinh ra với thân hình tật nguyền hay dị dạng ở cõi người hay cõi trời thấp của Tứ Đại Thiên Vương (Catumaharajika), nhưng họ không có được một căn thiện nào. Người vô thiện căn.

3) Loại Người Phàm Phu 2-Căn Thiện (Dvihetuka puggala)

Đây là loại người và những thiên thần (devas) được tái sinh chỉ có 2-căn thiện là: Không Tham, Không Sân. Những loại người này không có khả năng chứng đạt những tầng Thiền Định (jhanas) và chứng ngộ Thức con đường Đạo (magga) trong kiếp sống này, nhưng đa số họ đều cố gắng tu tập.

Tuy nhiên, họ có thể trở thành loại người phàm phu có 3-căn thiện (tihetuka puggala) trong kiếp sau nếu họ nỗ lực hành thiền trong kiếp này, và họ sẽ chứng đạt những tầng Thiền Định (jhanas) và chứng ngộ Thức con đường Đạo (magga) nếu họ tiếp tục hành thiền trong kiếp sống sau.

4) Loại Người Phàm Phu 3-Căn Thiện (Tiihetuka puggala) 

Đây là loại người và thiên thần (devas) được tái sinh với 3-căn thiện là: Không Tham, Không Sân và Không Si. Những người này có khả năng chứng đạt những tầng Thiền Định (jhanas) và chứng ngộ Thức con đường Đạo (magga) trong kiếp sống này nếu họ nỗ lực, tinh tấn thực hành Thiền Định, và Thiền Quán Trí Tuệ bên trong (Thiền Minh Sát). Những người phàm phu có 3-căn thiện có thể chứng ngộ những tầng Thánh quả khác nhau bằng cách thực hành Thiền Minh Sát (Vipassana).

Hạng người 3-căn thiện này, nếu nỗ lực tu tập thực hành Thiền Quán Minh Sát, thì có thể sẽ lần lượt chứng ngộ được Thức con đường Đạo (magga)[2] và Thức Đạo Quả (phala) của bốn (4) Thánh Đạo & Quả, để trở thành 8 loại người thánh thiện hay 8 bậc Thánh nhân, như sau:

5) Thức Hướng Nhập Lưu (Sotapatti maggattha) [= đang hướng Thức con đường Đạo hay tầng Nhập Lưu, tầng thánh thứ nhất].

6) Thức Quả Nhập Lưu (Sotapatti phala) [= khi chứng được Quả Nhập Lưu, tầng thánh thứ nhất].

7) Thức Hướng Nhất Lai (Sakadagami magga), tầng thánh thứ hai.

8) Thức Quả Nhất Lai (Sakadagami phala), tầng thánh thứ hai.

9) Thức Hướng Bất Lai (Anagami magga), tầng thánh thứ ba.

10)Thức Quả Nhất Lai (Anagami phala), tầng thánh thứ ba.

11)Thức Hướng A-la-hán (Arahatta magga), tầng thánh cuối cùng.

12)Thức Hướng Quả A-la-hán (Arahatta phala), tầng thánh cuối cùng.

6. Sách & Tài Liệu Tham Khảo

1) “The Roots of Good and Evil” (Những Căn Tốt và Căn Xấu), tác giả Trưởng Lão Nyanaponika Thera, số phát hành “The Wheel No. 251/253”.

2) “The Essence of Buddha Abhidhamma” (Cốt Lõi Vi Diệu Pháp của Đức Phật), tác giả Tiến Sĩ Mehm Tin Mon.


[1] Lưu ý, theo “Vi Diệu Pháp”, thì lúc này khái niệm Thức và Tâm (Citta) là đồng nghĩa nhau. Vì thế có người gọi là Thức thiện, có người gọi là Tâm thiện – ND

[2] Tức là đã vào giai đoạn hay chặng của tầng Thánh và đang tu tập hướng đến Thánh Quả của tầng Thánh đó -ND)

Nguồn: thuvienhoasen