Câu 81: Như ngọn núi kiên cố, chẳng bao giờ bị gió lay, những lời phỉ báng hoặc tán dương, chẳng bao giờ lay động được người đại trí.

Lược giảng

Pháp cú nầy, Phật lấy hòn núi vững chắc để làm thí dụ và so sánh. So sánh cái gì? So sánh giữa hòn núi cùng lời khen chê. Hòn núi đứng sừng sững vững chắc, dù bị trải qua biết bao nắng táp mưa sa, phong ba bảo tố, nhưng không bao giờ làm lay động hòn núi. Hòn núi vẫn vươn mình thẳng đứng trơ gan cùng tuế nguyệt, không hề lay động. Hòn núi để dụ cho sức Định thâm sâu của bậc đại trí. Người tu hành có một định lực kiên cố và trí huệ sáng ngời, thì thử hỏi có ngọn gió khen chê nào thổi mà làm lay động họ được. Đối với những vị nầy, chẳng những một hay hai ngọn gió thổi thôi, mà dù cho cả tám ngọn gió thổi tới tắp cùng một lúc, thì đối với họ, thật cũng không hề hấn gì. Ngược lại, đối với chúng ta thì sao? Chừng mấy ngọn gió thổi chúng ta lay động? Chúng ta có chịu nỗi tám ngọn gió thổi không? Hay là chỉ cần một ngọn thổi thôi là chúng ta đã bị trốc gốc rồi. Mỗi người tự kiểm điểm lại mình, coi sức tu hành của mình tới đâu? Và có thể chịu đựng được bao nhiêu ngọn gió thổi? Nếu chỉ một ngọn gió khen hoặc chê thổi tới mà chúng ta không đủ sức chịu đựng được, thì sự tu hành của ta còn quá kém. Một ngọn gió chịu không nỗi, thì làm sao chịu nỗi tám ngọn? Mà tám ngọn gió nầy, không lúc nào lại không thổi tới chúng ta. Chúng thổi thường xuyên và có khi thổi lên tới cấp tám, cấp chín.

kinh phap cu 81

Thế thì phải làm sao? Muốn chống lại chúng, thì chúng ta phải chuyên cần trau giồi thêm định lực. Giống như người tập võ phải chịu khó vận công luyện tập thường xuyên. Dù cho một người có võ lực cao cường đến đâu, mà hằng ngày anh ta thiếu gia công kiên trì luyện tập chuyên cần, thì chắc chắn võ lực của anh ta sẽ bị suy kém lụt dần. Lúc đó, bất thần, khi bị địch thủ hạng nặng tấn công, thì anh ta không thể nào trở tay cho kịp. Thế là hậu quả đối với anh thật là tai hại. Người tu hành cũng thế. Nếu mình không vận dụng công phu tu tập, cho có một nguồn định lực khá, thì khi đối cảnh xúc duyên mà cụ thể như Phật nói ở đây là những lời khen chê phải trái đưa tới, thì chắc chắn không làm sao giữ tâm không lay động. Đã có lay động, tất nhiên, theo sau đó là có những tệ hại phiền não xảy ra. Định lực đối với người tu rất là quan trọng. Dù tu bất cứ pháp môn nào, cũng phải tiêu trừ phiền não để có được định lực.

Nhưng muốn có định lực, hành giả cần phải có huệ. Trí huệ có một năng lực rất lớn trong việc phá tà hiển chánh. Nhờ có trí huệ, hành giả mới thấy rõ được bản chất của sự vật. Bản chất của sự vật là không. Tất cả đều hư huyễn, giả có. Chúng chỉ là những thứ duyên hợp, như tia điện chớp. Điện chớp loé lên rồi chợt tắt, có đó rồi lại không. Nhưng bầu trời trong sáng vẫn luôn luôn an định bất biến. Vạn vật ở đời cũng thế. Mọi sự biến động qua lại, chỉ là trò đùa đối với người đạt đạo. Có gì mà phải bận tâm dính mắc. Vạn vật đã thế, thì bát phong cũng chỉ là tám ngọn gió thổi chơi trong bầu trời trong tạnh. Vấn đề thị phi, đối với một con người chứng đạo, như Ngài Vĩnh Gia Huyền Giác nói:

“Tùng tha báng, nhậm tha phi
Bả hỏa thiêu thiên đồ tự bì
Ngã văn kháp tợ ẩm cam lồ
Tiêu dung đốn nhập bất tư nghì”.

Nghĩa là:

Tốt và xấu nhà nhà đều có
Thị với phi chốn chốn “hưởng” đồng nhau
Mặc tâng khen, mặc phỉ báng, đừng nao
Họ tự bỏng, bằng ngọn lửa đốt trời trong tay họ
Lời phỉ báng, nghe như ru, như gió thoảng
Ngọt như cam lồ, mát tợ xuân phong
Tìm đâu ra! bực bội với u sầu?
Nó tan biến trong cảnh giới “Bất tư nghì” giải thoát.

(Hòa Thượng Từ Thông dịch)

Với cái nhìn của người chứng đạo, các Ngài coi chuyện thị, phi, nhơn, ngã, bỉ, thửnhư trò đùa của những đứa trẻ giởn chơi bắt bóng. Những chuyện đó, ở đâu lại không có, nhà nào lại không vào, xứ nào mà tránh khỏi. Nhưng, ta nên nhớ rằng:

Thị phi chung nhựt hữu
Bất thính tự nhiên vô.

Nghĩa là:

Chuyện thị phi mỗi ngày đều có
Chẳng nghe tự nhiên không.

Muốn chẳng nghe, ta cần phải tập có “chánh niệm”. Khi có chánh niệm, ta có thể đối phó với những nghịch cảnh dễ dàng. Điều nầy là chuyện có thật không phải nói ngoa. Nếu ta chịu khó cố gắng tập cho có chánh niệm, thì ta sẽ thấy hiệu quả của nó. Nhưng muốn có được chánh niệm, ta phải cố gắng vun bồi trí huệ. Nhờ có năng lực trí huệ bát nhã, ta mới thường xuyên quán chiếu các pháp, nhứt là đối với sáu trần. Nhờ thế, mà tâm ta bớt nhiễm ở nơi sáu trần. Từ đó, ta mới có được tâm an định. Như vậy, định và huệ là hai yếu tố, chúng hỗ tương nhau rất là mật thiết.

Trên bước đường tu tập, Phật dạy chúng ta phải cố gắng trau dồi hai loại vũ khí: “Trí huệ và Thiền định” nầy. Phải có được sức định như hòn núi, vững chắc bất động, thì sự tu hành mới có thể thành công được. Nếu chưa được rắn chắc như thế, thì ta không thể nào xao lãng trong việc tu hành. Phải thường xuyên huấn luyện tâm ta, như một viên sĩ quan tập lính. Hay giống như một tên lính giữ thành nghiêm nhặt. Đã giữ thành mà xao lãng, không canh chừng theo dõi đề phòng quân giặc cẩn mật, thì ta đánh giá tên lính đó như thế nào? Có thể nói, tên lính đó không còn, mà thành trì cũng mất về tay quân giặc. Có người chẳng những xao lãng không thôi, mà còn bỏ thành đi rong chơi. Thành trì đã bỏ trống, mặc cho quân giặc cứ vào. Tệ hơn nữa, có người còn đồng lỏa rước giặc vào thành. Bao nhiêu đồ quý giá trong thành đều dâng hiến cho quân giặc hết. Những tưởng lo lót như thế kẻ giặc thương tình mà cho mình được yên thân, nào có ngờ đâu họ lại lầm to. Quân giặc, sau khi tom góp hết đồ đạc quý báu trong thành rồi, chúng còn thẳng tay hạ sát tên giữ thành không chút nương tay. Thế là cả chùy lẫn chày đều mất hết.

Thật là đau đớn lắm thay! Bấy giờ, biết than van cùng ai đây! Có ăn năn hối hận cũng đã muộn lắm rồi! Chúng ta có cảm thương cho tên giữ thành đó lắm không?! Hay là chúng ta đều một mặt lên án chê trách, kết tội tên giữ thành đó là con người phản bội, chết đáng kiếp? Nếu chúng ta đồng thanh lên án kết tội anh ta là kẻ phản bội như thế, thì chúng ta hãy thật tâm nhìn lại mình xem có giống tên giữ thành đó hay không? Nếu giống thì sao? Ai kết tội lên án mình đây? Hiện tại mình đang làm gì? Mình có phải là kẻ giữ thành cẩn mật hay là kẻ rước giặc vào thành? Cửa thành luôn luôn mở trống để cho quân giặc tự do ồ ạt tấn công vào. Giặc trong giặc ngoài đều nổi dậy phá nát thành trì. Thử hỏi mình là kẻ trí hay ngu? Ai cũng trách tên giữ thành kia là kẻ ngu muội. Nếu là người trí thì ai mà rước giặc vào thành? Để bọn giặc vào thành và lấy hết của báu. Và nếu là người trí, thì phải giữ thành nghiêm mật. Chẳng những giữ thành thôi, mà còn xây dựng cho thành trì của mình càng ngày càng thêm kiên cố để chống lại giặc trong và giặc ngoài. Có thế mới mong vươn cao ngọn cờ chiến thắng và mới được an bình giải thoát. Đằng nầy, ngược lại, chẳng những thành trì bị mất về tay quân giặc, mà tất cả đồ đạc quý báu trong thành do ông cha nhiều đời để lại một phút chốc mất hết về tay quân giặc. Nghĩ thế, có đau thương rơi lệ lắm không?! Nếu có, thì tự hỏi lòng mình phải làm sao đây? Làm sao khôi phục lại thành trì? Xin mỗi người trong chúng ta hãy suy gẫm kỹ và hãy tìm câu trả lời thích đáng.

Thích Phước Thái