Câu 83. Người lành thường xa lìa mà không bàn đến những điều tham dục. Kẻ trí không còn có niệm mừng lo, nên chẳng bị lay động vì khổ, lạc.

Lược giảng

Pháp cú nầy, Phật nêu ra cho ta thấy rõ hai hạng người: Hiền và Trí. Để hiểu rõ hơn, ta thử đặt vấn đề: tại sao người lành thường xa lìa mà không bàn đến những điều tham dục? Nói xa lìa mà xa lìa cái gì? Tức xa lìa ở nơi ái trước. Ở thế gian, con người đau khổ, đều do ái trước mà ra. Chúng ta nhớ lại, trong mười hai nhân duyên, ái là cái nhân chính trong hiện tại, để có ra đời sau.

kinh phap cu 83

Sau “Ái” là “Thủ” (trước) tức chấp chặt, bảo thủ đến cùng không buông ra. Từ “Thủ” rồi tạo nghiệp mà có ra “Hữu” (cõi), đó là thọ sanh qua các cõi ở đời sau. Như vậy, Phật nói người hiền là người mà họ đã nhàm chán ngũ dục. Họ không còn ham muốn những dục lạc thế gian. Vì họ ý thức được vấn đề đau khổ. Càng lún sâu trong ái dục, càng chuốc thêm khổ sầu mà thôi. Cho nên, một khi được thoát ra rồi, họ không muốn bàn đến những thứ đó.

Giống như đàm dãi, khi đã khạc ra khỏi cổ họng, rớt xuống đất, họ nhờm gớm không còn muốn ngó tới. Họ là mẫu người trái ngược với những kẻ còn đầy tham vọng.

Thậm chí, có những hạng người hưởng tất cả dục lạc ở thế gian, mà họ cũng không thấy thỏa mãn. Họ còn muốn phải hưởng cho được những thứ dục lạc ở cõi trời mới vừa ý họ. Như trường hợp vua Đảnh Sanh chẳng hạn. Đối với ông vua nầy, sự thụ hưởng dục lạc, không bao giờ thấy đủ. Nhờ phước báo gây tạo đời trước, nên kiếp nầy ông được làm vua, vui hưởng ngũ dục. Nhưng đối với ông, không bao giờ biết đủ. Do đó, ông thèm thuồng ngôi báu của trời Đế Thích. Vì ông nghe nói, trên cõi trời Đao Lợi có đầy dẫy ngọc ngà châu báu và nhiều cung phi mỹ nữ nhan sắc tuyệt trần. Ông khao khát thèm muốn. Vì những dục lạc thế gian, ông đã hưởng qua, không thấy gì thích thú nữa.

Do đó, với lòng dục vọng thúc đẩy, ông ao ước có được thần thông lên trên đó. Nhờ phước báo, ước gì được nấy, nên ông được lên trên cõi trời Đao Lợi. Khi đến nơi, vua trời Đế Thích đón tiếp ông rất nồng hậu và chia cho ông nửa tòa ngồi chung. Khi đó, ông móng khởi lòng tham ác, muốn xô vua trời Đế Thích rớt xuống trần gian, để ông hưởng trọn ngôi báu nầy. Vừa móng khởi ác tâm như thế, ông liền mất hết thần thông và rơi nhào trở lại thế gian và rồi sau đó, ông lâm trọng bệnh ngặt nghèo. Trước khi chết, ông trăn trối với quần thần, sở dĩ ông đau khổ như thế nầy là vì lòng tham muốn của ông quá độ. Suốt đời, ông thấy không bao giờ biết đủ

Qua câu chuyện trên, cho ta thấy, một con người có quá nhiều tham vọng, không khi nào thấy thỏa mãn. Thử hỏi: con người đó có hạnh phúc không? Dù ở địa vị của một ông vua, nhưng ông không bao giờ có hạnh phúc. Vì sao? Vì lòng ham muốn của ông quá nhiều. Bởi thế, nên trong Kinh bát Đại Nhơn Giác, Phật có dạy: “Đa dục vi khổ, sanh tử bì lao, tùng tham dục khởi, thiểu dục vô vi, thân tâm tự tại”. Nghĩa là: Phật dạy: “Người nào ham muốn nhiều, thì khổ nhiều. Vì ham muốn, nên tạo nghiệp ác. Đã có tạo nghiệp ác, tất nhiên, phải thọ quả báo ác. Trải qua bao sanh tử nhọc nhằn, cũng bởi do lòng tham dục chất chồng mà ra. Người nào muốn không khổ, thì phải biết đủ. Nhờ có biết đủ mà vui sống với đạo Vô Vi, thì thân tâm sẽ được tự tại”.

Qua lời Phật dạy tuy ngắn, nhưng chứa đựng đầy ý nghĩa giải thoát. Yếu lý của sự sống, qua kinh nghiệm bản thân, chúng ta thấy rất rõ về vấn đề nầy. Không có một người nào, lòng họ chứa đầy dục vọng, mà họ sống cảm thấy an vui. Đối với họ, không bao giờ biết đủ dừng lại. Họ đang lái chiếc xe đời của họ càng lúc càng đâm sâu vào tội lỗi. Họ là kẻ đau khổ ngút ngàn. Đời họ chưa bao giờ biết hạnh phúc là gì.

Ngược lại, người biết đủ là người có tràn trề hạnh phúc. Phật khen người đó là người lành. Vì họ biết an phận sống, không bon chen tranh danh đoạt lợi. Do đó, họ có đời sống rất an nhàn, thanh thoát. Kinh Di Giáo Phật dạy: “Tri túc giả, tuy ngọa địa thượng, du vi an lạc. Bất tri túc giả, tuy xử thiên đường diệc bất xứng ý”. Nghĩa là: “Người biết đủ, tuy họ nằm trên đất mà họ vẫn cảm thấy an vui. Còn kẻ không biết đủ, dù họ ở trên trời, cũng không sao vừa ý”.

Đến vấn đề thứ hai, Phật nói: “Kẻ trí không còn có niệm mừng lo, Nên chẳng bị lay động vì khổ lạc”. Ở đời, có những điều không đáng lo mà ta lo. Có những điều không đáng mừng mà ta mừng. Mừng và lo đó là hai trạng thái bất an của kẻ vô trí.

Trường hợp như vua Ba Tư Nặc, khi mẹ ông chết, ông cư tang lo buồn thảm não. Một hôm, ông đến thăm Phật, đức Phật thấy ông thân hình tiều tụy khổ não. Phật hỏi duyên cớ: Vì sao mà nhà vua buồn lắm thế? Ông liền kể bày tự sự hết tình cảnh của ông cho Phật nghe, về cái chết của mẫu thân ông. Ông rất đau lòng, nên mất ăn, mất ngủ, đâm ra thân hình nó bị hốc hác tiều tụy.

Nghe qua, Phật rất thương cảm cho ông và nhân đó, Phật dạy cho ông một bài học về những cái không đáng lo mà lo. Còn những cái đáng lo thì lại quên lãng không lo. Phật nói: Có thân, thì phải có bệnh, có chết. Đó là quy luật tự nhiên của vũ trụ. Thân của nhà vua cũng không tránh khỏi quy trình đó. Ngay cả thân Như Lai cũng không tránh khỏi. Đã không ai tránh khỏi, thì nhà vua lo buồn có ích lợi gì! Trước mắt là nhà vua đang khổ. Còn cái đáng lo mà nhà vua lại quên mất. Đó là cái sanh tử khổ đau về sau. Biết thế, thì nhà vua gắng chí tu niệm, để đời sau được an vui. Nghe qua những lời Phật dạy, nhà vua thức tỉnh và không còn bi lụy khóc than. Từ đó, vua Ba Tư Nặc càng tinh tấn tu hành nhiều hơn (tóm lược câu chuyện trong truyện cổ Phật giáo).

Người trí, vượt ra ngoài cái mừng lo. Sở dĩ con người đau khổ nhiều, cũng chỉ vì “được thì mừng, mất thì lo”. Mừng, lo, khổ, vui, lúc nào cũng luôn xảy ra đối với con người. Hằng ngày, chúng ta sống trong sự âu lo sợ hãi. Mừng vui không lâu, thì khổ sầu lại đến. Chúng cứ đắp đổi thay nhau, gây cho tâm ta không lúc nào an ổn. Đó là tâm bệnh của kẻ phàm phu. Những con người còn đầy chấp trước. Ngược lại, kẻ trí thì không như thế. Kẻ trí coi chuyện mừng lo, khổ vui của cuộc đời, như trò huyễn hóa. Các Ngài không có gì phải bận tâm. Bởi những thứ đó là những thứ giả trá tạm bợ. Vì họ thấy rõ như thế, nên lòng họ rất bình thản an vui. Họ không khởi niệm suy tư kẹt dính vào những thứ mà người đời u mê dính mắc. Họ biết rõ, trên đời không có gì quan trọng. Bản thân họ không thật, thì thử hỏi, ngoài họ có gì thật đâu mà phải quan tâm lo lắng. Tâm niệm của họ “sống chơi, chết chơi!” Đã có mặt với đời, thì cứ diễn cho hết vở tuồng làm kiếp con người. Lúc nào họ cũng biết, họ là kẻ diễn viên đang diễn xuất trên sân khấu trường đời. Điều chắc chắn của một kẻ diễn viên là phải có lúc mãn tuồng. Biết thế, thì còn âu lo chi đến việc diễn xuất. Khen chê, chỉ là trò đùa, hơi sức đâu để tâm nghĩ tới.

Chuyện khen chê ngày nào chẳng có
Chẳng bận lòng quăng xó ngoài tai
Dù cho ai nói dở hay
Lòng không dính mắc vui thay! Gì bằng.
Chuyện thế sự thăng trầm phải hỏi
Thâu càng nhiều thêm chán lỗ tai
Việc mình mình biết mình hay
Việc người, người biết thày lay làm gì.

Lo chi những chuyện không đâu
Để ta phải khổ âu sầu ngày đêm
Lá rơi trước gió bên thềm
Khổ vui, vui khổ, mãi chìm khổ vui.
Thăng trầm bởi tại cái “tôi”
Suy đi, nghĩ lại trọn đời không ra
Bao giờ hết khổ Ta bà
An vui niệm Phật mới là người khôn.

Tại sao ta suy nghĩ nhiều về sự sống, mà ta không chịu sống ngay trong giây phút hiện tại? Chỉ có từng giây phút sống trong chánh niệm mới thật sự là người biết sống. Đã thế, thì chuyện khổ, lạc làm gì lay động được họ. Vì họ là người biết quý trọng và nâng cao sự sống trong từng bước đi an lạc trong chánh niệm. Họ là người đáng sống nhứt trên trần gian nầy.

Thích Phước Thái