Tuy nhiên, tên gọi Kim Cương Thừa chỉ thấy xuất phát từ Tây Tạng, còn các nguồn kinh điển Hán tạng xưa không đề cập đến tên gọi này. Vấn đề này có thể thấy rõ qua nét khác biệt của hai đường lối tu giữa hai trường phái. Mật Tông xuất phát từ Trung Quốc sử dụng sự kết hợp giáo nghĩa của cả hai Kim Cương Giới và Thai Tạng Giới, trong khi đó Mật Tông Tây Tạng hiếm khi đề cập đến Thai Tạng Giới và Kinh Đại Nhật.
Mật Tông du nhập vào Trung Quốc vào khoảng thế kỷ thứ 7 và thịnh hành vào thế kỷ thứ 8 với sự xuất hện của ba vị Cao tăng Ấn Độ sang truyền pháp là Thiện Vô Uý ( 637-735), Kim Cương Trí ( 663-723) và Bất Không Kim Cương (705-774). Ba ngài được tôn vinh là Khai Nguyên Tam Đại Sĩ. Thiện Vô Uý, được phong Quốc sư, là người dịch Đại Nhật kinh (sa. mahāvairocana-sūtra), kinh căn bản của tông này, ra chữ Hán với sự hỗ trợ của Sư Nhất Hạnh. Dòng truyền thừa vào Trung Quốc xuất phát từ trung tâm Phật học Na Lan Đà. Cả 3 Ngài: Kim Cang Trí, Thiện Vô Úy và Bất Không từng được Sư Long Trí (là đệ của Ngài Long Thọ) truyền pháp.
Pháp môn này truyền vào Tây Tạng muộn hơn Trung Quốc, vào khoảng cuối thế kỷ thứ 8 bởi Đại Sư Liên Hoa Sinh và tại đây Kim cương thừa đã hòa nhập với Phật giáo Đại thừa sẵn có của Tây Tạng và được gọi là Lạt Ma giáo. Ở Tây Tạng, đệ tử chỉ được thu nhận vào Mật tông thông qua một nghi lễ khai ngộ (initiation) đặc biệt được tiến hành bởi một lạt ma có tên tuổi. Mật tông cũng chủ trương sự tự giác ngộ thông qua việc thiền định (meditation) và niệm chân ngôn (mantra). Dòng truyền thừa vào Tây Tạng xuất phát từ trung tâm Phật học Vikramasila.
Mật tông du nhập vào Nhật Bản vào khoảng cuối thế kỷ thứ 8 đầu thế kỷ thứ 9 bởi Hoằng Pháp Đại Sư Không Hải. Sư đã đi sang Trung Quốc tầm sư học đạo và làm môn đệ của Đại sư Huệ Quả, một môn đệ của Bất Không. Sau khi về nước và lập ra trường phái Chân ngôn tông (ja. shingon-shū) rất hưng thịnh và là một trong những tông phái quan trọng của nền Phật giáo Nhật Bản.
Các yếu tố quan trọng của Mật tông là phép niệm chân ngôn (thần chú), phép bắt ấn (sa. mudrā) và sử dụng Mạn-đà-la cũng như các lần Quán đỉnh. Mật tông là giáo pháp mà sư phụ truyền cho học trò bằng lời (khẩu quyết) và đó là lí do mà Mật tông không được truyền bá rộng rãi. Mật Tông tại Trung Quốc rất thịnh hành vào đời Đường, nhưng dần dần thoái trào và về sau này thì tuởng như suy vi hẳn. Thật ra, sau này do nhiều pháp sư lạm dụng sự huyền bí của chơn ngôn nên mật tông dần co cụm lại và truyền thụ cho những nguời có duyên với pháp môn này.
Tại Việt Nam, hiện có khá nhiều đạo tràng tu tập thiền tông khế hợp với mật tông. Có nhiều tác giả dịch thuật những bài kinh thuộc tạng kinh mật giáo như Thích Thiền Tâm, Thích Viên Đức, Thiền sư Nhẫn Tế v.v., ngoài ra còn có những vị tu theo mật pháp như Tịnh Danh Pháp Chủ, Nhật Quang, Phương Nghi Huyền Thạch công, Kim Cang Sư Thích Minh Đức v.v. Những tự viện từng theo pháp tu mật tông như chùa Tây Tạng (Bình Dương), Tịnh viện Hải Triều Âm (Đại Ninh)…
Thần chú:
Chú là âm thanh, thần (thần thông) là năng lực thông suốt và giao tiếp giữa các cảnh giới tâm linh khác nhau. Như vậy Thần chú là các âm thanh có khả năng giao tiếp với các cảnh giới tâm linh (tinh túy hơn cảnh giới vật chất).
Thông thường có 2 loại thần chú: – Thần chú có thể tụng niệm không cần sự cho phép, ví dụ âm AUM, là âm tiết thần chú gốc được nhiều tôn giáo tin dùng, nó được coi là âm thiêng từ cõi Phạm Thiên truyền xuống. Câu thần chú OM Ma ni Peme Hum (Án Mai Ni bát Di Hồng) được coi là câu thần chú phổ thông được đức Quán Thế Âm truyền cho nhân gian, chủ yếu về khai mở lòng từ bi và nhiều đức tính liên quan tới đức Quán Thế Âm. Trong mật tông, việc tụng niệm Thần chú (Mantra) là một trong 3 cách thức tác động tới thân khẩu ý của một hành giả.
Bắt ấn:
Mudra (ấn hay thủ ấn) là hình thức thông qua các động tác cơ thể chuyển hóa các năng lực liên quan tới Thân. Trong khi đó, Mantra (thần chú) là hình thức tác động các năng lực âm thanh liên quan tới Khẩu, Quán tưởng là các hình thức phát triển năng lực liên quan tới Ý (tâm). Trong tranh tượng, các đức Phật thường được trình bày với một kiểu tay đặc biệt (kiểu bắt ấn), vừa là một cử chỉ tự nhiên, vừa là một dấu hiệu của tính chất Phật (Phật tính). Trong Đại thừa, các Thủ ấn chỉ các ấn nơi tay, đều tương ứng với các ý nghĩa đặc biệt, đối lập với Khế ấn là những tư thế khác như cầm ngọc, tọa thiền… Đặc biệt, trong các tông phái như Thiên Thai tông, Kim cương thừa, các ấn này thường đi đôi với Man-tra. Ngoài ra, các ấn này giúp hành giả chứng được các cấp tâm thức nội tại, bằng cách giữ vững những vị trí thân thể nhất định và tạo mối liên hệ giữa hành giả với các vị Phật hoặc Đạo sư trong lúc hành trì.
Mạn Đà La:
Là một hình vẽ biểu thị vũ trụ trong cái nhìn của một bậc giác ngộ. Trong tiếng Phạn, mandala có nghĩa là một trung tâm (la) đã được tách riêng ra hay được trang điểm (mand). Có thể coi Mạn-đà-la là một đồ hình vũ trụ thu nhỏ. “Mandala” dịch nghĩa theo chữ Hán là “luân viên cụ túc”, nghĩa là vòng tròn đầy đủ. Theo ý nghĩa thực tiễn thì Mạn đà la là đàn tràng để hành giả bày các lễ vật hay pháp khí cho nghi thức hành lễ, cầu nguyện, tu luyện…
Trong Mật tông Phật giáo còn quan trọng nhấn mạnh tới Bồ đề tâm, vì Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu. Cùng hình thức thực hành Mật tông nhưng không xuất phát từ Bồ đề tâm (tâm cầu giác ngộ cao nhất vì lợi ích chung cho tất cả hữu tình) để hòa nhập với đại nguyện chung của chư Phật- Bồ tát thì đều bị coi là sai lạc, nhẹ nhất thì bị lạc vào tiểu thừa, nặng hơn thì bị rơi vào ngoại đạo bị trôi lăn trong luân hồi.
Sưu tầm và tổng hợp