Người có tâm oán hận là tự tạo một căn phòng đen tối trong trái tim, khóa chặt tâm mình lại, khiến bản thân không thể được giải thoát. Đời người ngắn ngủi vậy, sao còn ôm giữ mãi tâm oán hận trong lòng làm chi?

Ở một lớp học tiếng anh nọ, để làm một điều tra đơn giản thầy giáo đã hỏi các sinh viên của mình rằng: “Các em! Nếu có người làm tổn thương các em, các em sẽ tha thứ hay là quên đi?”

Sinh viên đầu tiên được hỏi trả lời rõ ràng rằng: “Thưa thầy! Em có thể tha thứ nhưng không thể quên đi!” Phần lớn các sinh viên trong lớp đều có chung câu trả lời như vậy.

Thầy giáo trầm giọng nói: “Kỳ thực, không thể quên đi chính là không thể buông bỏ được tâm oán hận!”

Con người ta sở dĩ thất vọng là bởi vì người ta truy cầu, thất vọng càng lớn thì tức là truy cầu càng nhiều. Một khi bị rơi vào hoàn cảnh khốn cùng, thất vọng mà người khác không thông cảm, thậm chí còn vô tình vô nghĩa đến làm tổn thương thì thật rất khó quên.

Nhưng mà chính vì sự “không thể quên” ấy đã khiến con người rơi vào buồn bực, chán nản và sinh ra oán hận.

Mọi người thường xuyên nói rằng phải học được cách quên đi. Nguyên lai là bởi vì  hoàn toàn “quên đi” mới là cách để buông bỏ tâm oán hận. Sinh mệnh quá ngắn ngủi, để oán hận mất đi, tựa như chưa từng xảy ra thì trong lòng mới thoải mái, rộng rãi.

Con người ta sống cần phải có tấm lòng rộng lớn như biển khơi, phải không ngừng mở rộng tấm lòng của mình, phải nên đặt mình vào hoàn cảnh người khác mà suy nghĩ, suy xét đến khả năng tiếp nhận của người khác.

Sống trên đời, phải nên làm một người có thể bao dung người khác, tha thứ được những lỗi lầm của người khác. Những thương tổn đến từ bên ngoài giống như những tảng đá ngầm bên bờ biển, bất quá chỉ làm cho những bọt sóng thêm trắng xóa xinh đẹp, biển rộng không than thở mà dung nạp hết thảy.

(st)