Kinh Nguyệt Đăng Tam Muội

Phật Thuyết Nguyệt Đăng Tam Muội Kinh

Lưu Tống Tiên Công dịch

Bản Việt dịch của Tuệ Khai

***

Kinh mười việc hạnh của Bồ tát Văn Thù Sư Lợi.

Tôi nghe như vầy, một thuở đức Phật ở tại vườn cây Cấp Cô Độc – Kỳ Đà trong nước Xá-vệ, cùng với chúng đại Tỳ-kheo gồm năm trăm người và sáu vạn Bồ tát, cùng vô ương số những trời người. Lúc bấy giờ, ngài Văn Thù Sư Lợi ngồi trong chúng hội ấy. Đức Phật bảo ngài Văn Thù Sư Lợi rằng :

– Này đồng tử ! Bồ tát làm bố thí có mười việc. Những gì là mười ?

– Một là chắc chắn trừ diệt ý ganh ghét.

– Hai là ý thường thanh tịnh bố thí.

– Ba là vô số trăm ngàn người chẳng thể chiếm đoạt của cải của người ấy.

– Bốn là nắm giữ pháp vô thượng diệu mà chẳng mất.

– Năm là sinh ra trong gia đình rất giàu sang.

– Sáu là ở chỗ sinh sống ưa bố thí.

– Bảy là được sự ái niệm của bốn bộ chúng.

– Tám là không có gì sợ, vào chúng hội cũng không ngại, mười phương đều nghe danh tiếng của Bồ tát ấy.

– Chín là lúc niên thiếu tay chân mềm mại.

– Mười là thường ưa thiện tri thức… cho đến khi ngồi dưới gốc cây Phật.

Này đồng tử ! Đó là mười việc của Bồ tát làm bố thí.

Đến đây, đức Phật nói kệ rằng :

Đã xa lìa khỏi tật đố

Ý thường ưa bố thí luôn

Giữ pháp màu mà chẳng mất

Liền sinh đến nhà giàu sang

Chỗ sinh sống ý thường lạc

Với bố thí ưa thích làm

Được chúng sinh luôn ái niệm

Tại gia, xuất gia tu hành

Với chúng hội không gì sợ

Chỗ đi đến không nghi nan

Danh tiếng ấy vang xa lắm

Quận quốc, huyện ấp khắp cùng.

Tay chân ấy thường mềm mại

Được sở dục chẳng khó khăn.

Tức là được thiện tri thức

Chư Phật, đệ tử Thế Tôn.

Trọn chẳng sinh ý ganh ghét nữa

Ý thường ưa muốn bố thí luôn

Nắm giữ pháp màu mà chẳng mất

Với việc làm đó không ghét ghen

Liền sinh vào nhà đại hào phú

Với bố thí, ý luôn vui mừng

Được ngần ấy ức người yêu thích

Người ưa bố thí có hạnh lành (đó)

Được thiện tri thức chẳng khó khăn

Thường thấy chư Phật và đệ tử,

Thấy rồi thì thường ưa cúng dường

Người bố thí ấy có hạnh đó.

Đức Phật nói với đồng tử rằng :

– Bồ tát trì giới thanh tịnh có mười việc. Những gì là mười ?

– Một là nguyện của Bồ tát ấy đầy đủ.

– Hai là học Phật đạo.

– Ba là thường tôn trọng ưa thích đối với thông tuệ.

– Bốn là chết chẳng nói dối.

– Năm là thấy đời chẳng chuyển ý.

– Sáu là bỏ sinh tử.

– Bảy là cầu Nê hoàn.

– Tám là tịch mịch hạnh.

– Chín là được tam muội.

– Mười là không hạnh bần cùng.

Này đồng tử ! Đó là mười việc trì giới thanh tịnh của Bồ tát.

Đến đây, đức Phật nói kệ rằng :

Nguyện Bồ tát ấy đầy đủ

Học đạo hạnh các Thế Tôn

Thường ưa thích tôn trí tuệ

Cũng không có lúc kinh hoàng.

Nguyện Bồ tát ấy chẳng chuyển

Cũng chẳng chuyển các hạnh răn (cấm)

Thường lìa bỏ khỏi sinh tử

Đi tìm kiếm đạo Nê hoàn.

Thường tu hành chỗ tịch mịch

Nên tam muội được đạt liền

Mà không có lúc nghèo cực

Trì giới phẩm liền lập nên.

Sở nguyện người ấy được đầy đủ

Là Bồ tát học đạo Thế Tôn

Kẻ tuệ với người chẳng tự xứng

Người ấy như vậy giới sạch trong.

Giữ nguyện rất bền chẳng lại khó

Trọn chẳng động, việc làm thành tựu.

Do thấy sinh tử vô số ác

Liền ném bỏ, cầu đạo Nê hoàn

Ý ấy chẳng lại chấp trước niệm

Người ấy như vậy lập giới cương (cương lĩnh)

Được cõi chánh không gì chẳng được

Hạnh đó của người giới sạch trong.

Đức Phật nói với đồng tử rằng :

– Bồ tát kiến lập nhẫn nhục có mười việc ? Những gì là mười ?

– Một là lửa chẳng thể đốt cháy.

– Hai là đao chẳng thể hại được.

– Ba là độc chẳng thể hành hạ.

– Bốn là nước chẳng thể nhận chìm.

– Năm là được loài chẳng phải người ủng hộ.

– Sáu là được trang nghiêm thân tướng ấy.

– Bảy là đóng chặc các đường ác.

– Tám là được sinh lên cõi trời Phạm chẳng khó.

– Chín là ngày đêm được yên ổn.

– Mười là an vui chẳng dời.

Này đồng tử ! Đó là mười việc của Bồ tát trụ nhẫn nhục.

Đến đây, đức Phật nói kệ rằng :

Lửa chẳng thể đốt người ấy

Dao cũng chẳng thể hại thương

Độc ấy hành chẳng thể được

Nước cũng chẳng thể trôi chìm.

Các phi nhân đều ủng hộ

Được ba mươi hai tướng liền

Bèn đóng chặc các cửa ác

Người nhẫn nhục đức như trên.

Cầu các Phạm vương, Đế thích

Họ được cũng chẳng khó khăn

Luôn được hạnh yên ổn

Giác ngộ hết việc phi thường.

Dao và lửa cũng chẳng thể hại

Hành ở trong độc chẳng tổn thương

Chư thiên, người, quỉ thần đều hộ

Người nhẫn nhục ấy có hạnh đó.

Thân được ba mươi hai tướng liền

Đường ác, người ấy chẳng sợ nữa

Ở đây chết liền sinh Phạm thiên

Người hành từ tâm có đạo đó.

Ngày đêm liền được hạnh bình yên

Thường ưa thích thân được an định

Với tất cả có ý sạch trong

Trọn không có chí hạnh sân nhuế.

Đức Phật bảo đồng tử rằng :

– Bồ tát tinh tấn có mười việc. Những gì là mười ?

– Một là có uy thần.

– Hai là được sự hộ trì của chư Phật.

– Ba là được loài phi nhân đều ủng hộ.

– Bốn là nghe pháp nhất định chẳng thoái chuyển, quên mất.

– Năm là pháp chưa được nghe thì được nghe.

– Sáu là được trí tuệ cao minh.

– Bảy là được đủ thứ tam muội.

– Tám là nhất định không khi nào bệnh.

– Chín là ăn uống được yên ổn.

– Mười là được mềm mại như Ưu bát chẳng cứng.

Này đồng tử ! Đó là mười việc Bồ tát hành tinh tấn.

Đến đây, đức Phật nói kệ rằng :

Thường là được có uy thần

Trọn chẳng chuyển phạm các ác

Các phi nhân đều giữ gìn

Mau chóng được thành Phật đạo.

Nghe kinh pháp cũng chẳng quên

Chưa nghe thì cầu được rõ

Người ấy liền được cao minh

Kẻ tinh tấn có đức đó.

Đồng được các hạnh tam muội

Trọn chẳng có lúc tật bệnh

Người tinh tấn trí bao gồm

Người ấy được hạnh Phật đạo.

Việc ăn uống được bình yên

Liền được giữ hạnh tinh tấn

Như Ưu bát tại nước sinh

Lớn từng chút mà trưởng thành (to)

Cũng như vậy pháp trắng trong (thanh bạch)

Khiến Bồ tát thành từng chút.

Trọn không người có thể đương (đương đầu)

Được ở cõi trời an lạc.

Đa đà yết tinh tấn hành

Để tiến vượt vô số kiếp.

Các lực hạnh Bồ tát cần (siêng)

Việc tu, phụng đều đã nói.

Người tinh tấn ấy có uy thần

Thường được sự ủng hộ chư Phật

Mà đạo hạnh đó đều thọ vưng

Chẳng lâu, người ấy được Phật đạo.

Điều đã nghe nhất định chẳng quên

Và lại được còn mọi pháp hạnh

Trí tuệ người ấy tăng thêm dần

Người tinh tấn hạnh có việc đó.

Mọi thứ tam muội thường tự tăng

Người đó trọn không có bệnh tật

Những đồ ăn thức uống ngày thường

Thì tất cả đều là yên ổn

Ngày đêm thành tựu hạnh trắng trong (hạnh Thanh Bạch)

Người tinh tấn không có ngưng nghỉ

Chẳng lâu người ấy thành Thế Tôn !

Người hành tinh tấn quí như vậy !

Đức Phật nói với đồng tử rằng :

– Bồ tát ngồi thiền có mười sự hành. Những gì là mười ?

– Một là chuyên hành trụ.

– Hai là làm việc đạo.

– Ba là không có nạn sợ.

– Bốn là các căn chân chánh.

– Năm là được sự yêu mến của mọi người.

– Sáu là xa lìa dục.

– Bảy là một lòng chẳng chuyển.

– Tám là thoát khỏi ma giới.

– Chín là trụ ở cảnh giới Phật.

– Mười là được giải thoát.

Này đồng tử ! Đó là mười việc làm của Bồ tát ngồi thiền.

Đến đây, đức Phật nói kệ rằng :

Sở hạnh người ấy chẳng chuyển

Tức là trụ hạnh Chánh chân

Chuyên làm những việc của đạo

Hạnh bất chánh họ bỏ luôn.

Việc tu lại không chấp trước

Đã là tịch định các căn

Tức là được vui yên ổn

Ngồi nghĩ suy việc đạo hành.

Người ấy đã lìa ái dục

Ngồi yên ổn một tấm lòng

Do xa lìa ma cảnh giới

Liền trụ cảnh giới Thế Tôn (Phật)

Người chuyên hành có “từ” đó

Người xúc chạm “cây ưa thích” (cây Phật, cây Bồ đề)

Tức liền được hạnh giải thoát

Câu mười việc liền được thành.

Bồ tát ấy trụ hạnh chẳng chuyển

Ném bỏ hết những hạnh chẳng đương (đảm đương)

Bỏ hạnh bất chánh, ưa hạnh chánh

Người niệm Tam muội có việc trên.

Người ấy nhất định không tham trước

Kẻ làm yên ổn, liền chẳng tham

Thân ý khéo hiểu mà trì giới

Người hành tam muội có việc trên.

Dưới cây không hành vô sở úy

Người ấy nhất định không trước tham

Được loài phi nhân đều ái niệm

Như vậy xa lìa hạnh dục tham

Nhất định chẳng tha, chẳng trước dục

Như vậy thoát khỏi ma giới liền

Bèn trụ ở cảnh giới của Phật

Người ấy giải thoát việc tà xong.

Đức Phật nói với đồng tử rằng :

– Bồ tát hành Bát nhã Balamật có mười việc. Những gì là mười ?

– Một là tất cả sở hữu đều đem bố thí mà không mong cầu gì.

– Hai là chẳng lại phạm giới và chẳng dùng giới ràng buộc mình.

– Ba là trụ ở sức nhẫn nhục, không trụ ở nhân tưởng (tư tưởng người).

– Bốn là hành tinh tấn chẳng tham thân mạng.

– Năm là hành thiền mà chẳng trụ ở thiền.

– Sáu là hàng phục ma tệ ác.

– Bảy là chín mươi sáu thứ ngoại đạo chẳng thể lay động.

– Tám là tự biết được sinh tử.

– Chín là đối với chúng sinh có lòng bi.

– Mười là chẳng cầu đệ tử mà duyên vào Nhất giác địa.

Này đồng tử ! Đó là mười việc của Bồ tát hành Bát nhã Balamật.

Đến đây, đức Phật nói kệ rằng :

Người thí ấy đều bình đẳng

Báo kia cũng chẳng cầu mong

Hộ Kinh giới chẳng dám phạm

Cũng chẳng có “trước” tưởng màng.

Làm nhẫn nhục và trí tuệ

Tưởng có người nhất định không

Thấy người liền có tinh tấn

Không chấp trước ý chí, thân.

Làm nhất tâm và trí tuệ

Không tưởng, không chỗ trụ an

Do hàng phục được ma chúng

Người trí tuệ có đức trên.

Chín mươi sáu thứ ngoại đạo

Đều không thể lay động lòng

Được biết rõ việc sinh tử

Người trí tuệ có việc trên !

Ở tất cả chỗ sinh chúng

Có hạnh đại bi mênh mông

Với đệ tử duyên nhất giác

Đều chẳng nghĩ hạnh cầu mong.

Sở hữu đều cho không mong cầu

Chẳng phạm giới, ác chẳng tưởng màng

Người làm nhẫn nhục không nhân tưởng

Có việc đó, người phụng trí thông (tuệ) !

Tinh tấn là ở chỗ nhàn tịch (không)

Thiền không có tưởng, trụ cũng không

Trí tuệ người ấy hàng phục ma

Có việc đó, người hành trí thông (tuệ) !

Những kẻ ngoại đạo chẳng thể động

Người ấy liền được biết tử sinh.

Với mọi người đều có thương xót

Có việc đó, người hành trí thông (tuệ) !

Các đệ tử và duyên nhất giác

Với người đó trọn không cầu mong !

Người ấy trụ Phật đạo như vậy

Có việc đó, người hành trí thông (tuệ) !

Đức Phật nói với đồng tử rằng :

– Bồ tát nhiều trí có mười việc làm. Những gì là mười ?

– Một là biết ác đạo.

– Hai là biết thiện đạo.

– Ba là hiểu rõ việc nghi.

– Bốn là làm hiện ra đường thẳng (trực đạo).

– Năm là ném bỏ ác đạo.

– Sáu là trụ ở chánh đạo.

– Bảy là ở tại cửa cam lộ.

– Tám là được ngồi dưới gốc cây Phật.

– Chín là vì nhân dân thị hiện con đường sáng.

– Mười là chẳng sợ ác đạo.

Này đồng tử ! Đó là mười việc làm của Bồ tát nhiều trí.

Đến đây, đức Phật nói kệ rằng :

Vì các trần lao biết rõ

Hai việc đó đều hiểu thông

Trần lao người ấy liền bỏ

Theo hạnh của Phật đạo luôn.

Nhờ tuệ hiểu các nghi hoặc

Liền hiện sự thấy ngay thẳng

Thì ném bỏ hạnh đường ác

Liền được ở đạo chánh chơn.

Thấy ở tại cửa cam lộ

Được ngồi dưới cây Thế Tôn (Phật)

Vì nhân dân rõ hiện Chánh

Khiến chẳng sợ các đường ác.

Hiểu rõ vô số trần lao pháp

Hai việc như vậy hiểu biết thông

Trần lao, người ấy liền ném bỏ

Liền ở đó học thượng pháp lành

Vì tất cả người giải nghi ấy

Bèn được thấy ngay thiện chánh chơn

Liền ném bỏ đi các đường ác.

Người nhiều trí trụ ở đạo luôn.

Thường được trụ ở cửa cam lộ

Được ngồi tại cây Phật không lường

Vì vô lượng ức người hiện sáng

Đường ác, người ấy chẳng kinh hoàng.

Đức Phật nói với đồng tử rằng :

– Bồ tát tôn trọng pháp thí, đem pháp cho người khác thì có mười việc. Những gì là mười ?

– Một là ném bỏ ác.

– Hai là phụng hành thiện.

– Ba là tu chánh sĩ.

– Bốn là tịnh cõi Phật của Bồ tát ấy.

– Năm là ngồi dưới gốc cây Phật.

– Sáu là bố thí cho mọi người.

– Bảy là hàng phục các trần lao.

– Tám là ban tất cả trí cho người.

– Chín là hành từ tâm.

– Mười là hiện tại ý được yên ổn.

Này đồng tử ! Đó là mười việc Bồ tát thọ trì tôn trọng pháp thí, dùng pháp thí cho người khác.

Đến đây, đức Phật nói kệ rằng :

Các bất thiện đều ném bỏ

Các việc thiện đều phụng hành

Được trụ ở trí tuệ pháp

Ý thường ưa bố thí luôn.

Tịnh cõi Phật Bồ tát ấy

Liền được đất nước không trên (vô thượng)

Thì ngồi dưới gốc cây Phật

Hưng pháp thí như bảo trân.

Bố thí tất cả sở hữu

Liền học với các Pháp Vương

Thì các trần lao trừ sạch

Phật, người ấy chẳng khó thành.

Tất cả người đều bố thí

Hạnh từ tâm, có luôn luôn

Người ấy không hạnh ganh ghét

Làm yên ổn các phi nhân.

Nhiều trí liền bỏ các bất thiện

Người ấy luôn luôn trụ ở lành

Với tôn pháp, lòng bền chẳng động

Người nhiều trí ấy cho pháp luôn.

Tức thời được đất nước thanh tịnh

Việc của Phật đạo thường phụng hành

Nên thường được ở dưới cây Phật

Người hưng pháp thí có việc trên (đó).

Không có trần lao bố thí chúng

Tức thời biết rõ việc thân mình

Đều giải thoát hết những thế sự

Người ấy trọn không chỗ ngại ngăn

Người ấy tự biết mà phát ý

Vì tất cả người như vậy cho (thí)

Kẻ có từ tâm không ganh ghét

Không có ngã, thấy các pháp an.

Đức Phật nói với đồng tử rằng :

– Bồ tát hành “không” có mười việc. Những gì là mười ?

– Một là hành Phật đạo.

– Hai là không chấp trước hành động.

– Ba là chẳng nguyện sở sinh.

– Bốn là chẳng phạm giới pháp.

– Năm là chẳng bài báng người hiền.

– Sáu là chẳng làm tranh tụng.

– Bảy là không sở đắc.

– Tám là một mình làm đạo.

– Chín là chẳng tranh cãi Phật.

– Mười là thọ pháp hạnh.

Này đồng tử ! Đó là mười việc “không” của hạnh Bồ tát.

Đến đây, đức Phật nói kệ rằng :

Hạnh những bậc thượng nhân ấy

Được các thế giới thượng tôn

Người dũng mãnh ở hạnh đó

Những điều chẳng được mạng thân.

Đều chẳng chấp trước thế giới

Ngồi nghỉ yên ổn với thiền

Các chỗ sinh cũng chẳng nguyện

Liền hiểu biết các pháp không.

Trọn chẳng lại phạm giới pháp

Giữ giới không có quở trách

Trọn đời họ chẳng nói ác

Chẳng bài báng đến người hiền.

Họ làm đạo không tranh cãi

Nhất định không có tụng tranh,

Họ liền biết những sự việc

Đó như pháp mà tập hành (quen làm)

Cho đến quên mất mạng ấy

Trọn chẳng bài báng Thế Tôn

Tích lũy với tất cả pháp

Tự giữ ý không kinh hoàng (sợ)

Ở tất cả các thế giới

Phật đạo chẳng thể nghĩ bàn

Liền phụng trì các Phật pháp

Lại chẳng nghi ngờ pháp không.

Hạnh của người ấy mà thượng diệu

Chẳng ở tại ngoại đạo trụ yên

Hành thiền yên ổn không chấp trước

Những việc không mạng cũng không nhân (người).

Người ấy trọn không có tham trước

Hành nhất tâm thì không tưởng màng

Do biết không nhân, không ngã pháp

Với sở nguyện nhất định lại không.

Hiểu biết những việc của pháp “không”

Trọn chẳng chấp trước mọi việc cần

Người ấy không ý niệm tham trước

Có ý tịnh tín với Phật luôn

Người ấy trọn không việc tranh tụng.

Chỗ riêng tu hành, mọi dụng không

Người ấy được trụ ở Phật đạo

Liền nắm giữ các pháp Thế Tôn.

Đức Phật nói với đồng tử rằng :

– Bồ tát ở chỗ một mình tu hành có mười việc. Những gì là mười ?

– Một là có ý thanh tịnh.

– Hai là không có dục.

– Ba là nghĩ đến các đức Phật.

– Bốn là tín hạnh.

– Năm là tuệ chẳng nghi.

– Sáu là có quay trở lại với chư Phật.

– Bảy là chẳng bài báng pháp.

– Tám là tịch mịch hạnh.

– Chín là được trụ điều hòa.

– Mười là có việc “Trí tự giải”.

Này đồng tử ! Đó là mười việc của Bồ tát tu hành tại chỗ riêng một mình.

Đến đây, đức Phật nói kệ rằng :

Trọn không có hạnh ái dục

Thường thường có ý sạch trong

Liền phụng sự không sở dục

Ở chỗ riêng tu một lòng (thiền).

Nghĩ suy khắp thế gian sáng

Nhờ người ấy chuyển thành tin

Với trí tuệ không nghi ngại

Phật tuệ chẳng thể nghĩ bàn.

Với chư Phật có quay về (quay trở lại)

Pháp Phật trọn chẳng lãng quên (ném bỏ)

Mà liền làm hạnh tịch định

Bèn ở pháp tịch trụ yên.

Người ấy liền được hiểu rõ

Vui ở với cây một mình

Liền ném bỏ hết tài lợi

Mà làm đạo một chỗ riêng.

Người ấy thì có ý thanh tịnh

Các việc ác thường đều ném bỏ

Hành tịch không ai trên người ấy

Trọn chẳng nghi ngờ tuệ Thế Tôn

Người ấy nghĩ suy Phật vô thượng

Tin vào hạnh đấng Thiên Trung Thiên

Cũng chẳng lại nghi các Phật tuệ

Có việc đó, người hành tịch nhiên !

Với các thượng nhân có quay về (quay trở lại)

Các pháp hạnh trọn chẳng bỏ quên

Tu hành chỗ riêng mà tịch mịch

Có việc đó, người tu chỗ nhàn !

Liền được chắc chắn đất tịch mịch

Có việc chứng liền mau giải thông

Thường giải nói Kinh nhiều vô số

Người ấy không có lúc ngại ngăn.

Đức Phật nói với đồng tử rằng :

– Bồ tát tu hành tại chỗ nhàn có mười việc. Những gì là mười ?

– Một là tịch hạnh.

– Hai là lìa xa mọi người.

– Ba là không tranh tụng.

– Bốn là không sân nhuế.

– Năm là chẳng vào các hạnh.

– Sáu là chẳng liên can vào tội của người.

– Bảy là nghĩ đến việc giải thoát.

– Tám là hạnh một lòng yên ổn.

– Chín là mau chóng tạo tác chứng giải thoát.

– Mười là do không sở trước nên được tam muội.

Này đồng tử ! Đó là mười việc tôn quí của hạnh Bồ tát ở chỗ nhàn.

Đến đây, đức Phật nói kệ rằng :

Luôn luôn có việc tịch mịch

Liền lìa xa chỗ người đông

Trọn không có lúc tranh tụng

Mà riêng tự tác tu hành.

Thường không có ý sân nhuế

Trọn chẳng chuyển đắm thế gian

Cũng lại chẳng tạo tranh tụng

Có đức đó ở chỗ nhàn !

Thuận tiện làm hạnh tịch mịch

Thì thường ở hạnh chỗ riêng (độc xứ)

Liền có được việc giải thoát

Bèn được đi qua khỏi nhanh.

Riêng một mình ngồi trên nhàn xứ

Thường ném bỏ ác, chỗ người đông

Người ấy trọn chẳng vào nhân sự

Có việc đó, người ở trong rừng !

Liền chán hết tất cả sinh tử

Mọi việc người ấy không có tham

Cũng không có mọi sự sợ hãi

Có việc đó, ngồi dưới cây rừng !

Nhất định chẳng cùng người tranh tụng

Người thường độc hành ưa tịch nhiên

Thường giữ gìn với thân, miệng, ý

Người ở chỗ nhàn đức vô cùng (số)

Có được sự giải thoát thượng diệu

Liền ưa ngồi tam muội tịch nhiên

Người ấy ở rừng tập hạnh tịch.

Người ở chỗ nhàn có đức đó !

Đức Phật nói với đồng tử rằng :

– Bồ tát đi khất thực có mười việc. Những gì là mười ?

– Một là chẳng muốn khiến cho ai biết hạnh ấy.

– Hai là chẳng khiến cho người biết công đức ấy.

– Ba là chẳng muốn có tài lợi.

– Bốn là chẳng có tự khen cũng không dua nịnh.

– Năm là trụ ở đạo hiền thánh.

– Sáu là chẳng tự nói lên công đức.

– Bảy là chẳng theo người khác lấy cho đủ.

– Tám là đến nhà người khác cũng chẳng mừng, cũng chẳng lo.

– Chín là lìa khỏi bố thí ăn mặc, đem pháp thí cho người.

– Mười là trụ ở đức, không dua nịnh, khiến cho mọi người chọn lấy pháp thí ấy. Này đồng tử ! Đó là mười việc mà Bồ tát đi khất thực, trụ ở đức, không dua nịnh.

Đến đây, đức Phật nói kệ rằng :

Kia chẳng muốn cho biết hạnh

Cũng chẳng chấp trước việc làm

Lợi, không lợi, ý bình đẳng

Người đó theo lời dạy răn.

Cũng chẳng phạm việc hiền thánh

Chẳng dua nịnh, chẳng tự khen

Cũng chẳng tự nói thiện ấy

Ác người khác chẳng nói lên.

Cũng chẳng buồn, chẳng hoan hỉ

Nói pháp lìa khỏi ăn mặc (y thực)

Lời nói đều khiến hoan hỉ

Người xin ăn có đức đó !

Chẳng muốn tự xưng, chẳng cầu tiếng (danh tiếng)

Thường trụ ở bốn hạnh thánh hiền

Cũng chẳng dua nịnh cầu tài lợi

Có việc đó, người chịu dạy răn (giáo lệnh)!

Chẳng tự ngợi khen, chẳng nói xấu

Người xấu, chẳng nói họ trước tiên

Người nghe công đức thường hoan hỉ

Người khất thực ấy biết đủ, dừng.

Lìa ăn mặc, khéo ban pháp thí

Với tài lợi cũng chẳng cầu mong

Lời nói tốt người đều hoan hỉ

Có việc đó, người nhận dạy răn !

Khi đức Phật nói kinh đó thì bảy vạn hai ngàn người phát ý đạo Vô Thượng Chánh Chân, một vạn Bồ tát được pháp nhẫn Vô Sở Tùng Sinh. Đức Phật nói như vậy, đồng tử Văn Thù Sư Lợi và tất cả chúng hội gồm trời, rồng, người đời đều vui mừng, trước đức Phật làm lễ mà đi ra.

ĐỨC PHẬT NÓI KINH NGUYỆT ĐĂNG TAM MUỘI

– Hết tập thứ nhất –

Ghi chú :

Đây là bản dịch Kinh Nguyệt Đăng Tam Muội trong Đan Tạng của ngài Tiên Công mà nếu đem so Kinh đó với Kinh Nguyệt Đăng Tam Muội trong hai tạng Hương, Tống thì văn nghĩa khác hẳn, chưa biết Kinh nào đúng. Căn cứ vào Khai Nguyên Lục thì Kinh này có hai bản dịch khác nhau. Một là bản dịch của ngài An Thế Cao đời Hậu Hán mà Khai Nguyên Lục chỉ nêu mà không có dịch bản. Hai là bản dịch của ngài Sa môn Tiên Công đời Tống mà Khai Nguyên Lục có chép bản dịch. Cả hai đều nói rằng, rút ra từ quyển thứ bảy của bộ kinh Đại Nguyệt Đăng. Bản dịch của ngài Tiên Công, dưới đề mục có chú rằng, một tên khác là Kinh Văn Thù Sư Lợi Bồ tát Thập Sự Hạnh, lại còn chỉ ra nhiều ít rằng, mỗi một pháp có mười điều. Nay kiểm nghiệm bản Kinh của Đan tạng này, bắt đầu từ Lục độ cho đến Phân vệ (khất thực), tính ra trải mười hai pháp, đều lấy mười việc mà nói. Vã lại việc nhiều ít ấy chính là mười điều cổ xưa, có mười hai hạnh thì biết bản dịch Kinh Nguyệt Đăng của ngài Tiên Công là chính xác. Riêng việc chép rằng, rút ra từ quyển thứ bảy của bộ kinh Đại Nguyệt Đăng, thì nay kiểm soát lại thấy Kinh đó rút ra từ nửa phần trước của quyển thứ sáu. Điều ấy là chưa hợp, ngờ là sự phân quyển xưa và nay có khác, hoặc lúc chép sách lầm lẫn sáu và bảy vậy.

    Xem thêm:

  • Kinh Nguyệt Ðăng Tam Muội - Kinh Tạng
  • Pháp Thức Thực Hành Tam Muội Chuẩn Đề - Kinh Tạng
  • Kinh Pháp Cú – Nguyên Thuận dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Thừa Lí Thú Lục Ba La Mật Đa - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Phương Đẳng Đại Tập Hiền Hộ Bồ Tát – Thích Hằng Đạt dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Bi Hoa – Nguyễn Minh Tiến dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Pháp Bảo Đàn - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Thừa Đại Tập Địa Tạng Thập Luân - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Phương Đẳng Đại Tập Hiền Hộ Bồ Tát – Thích Minh Lễ dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Hải Long Vương - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bát Niết Bàn – Đoàn Trung Còn & Nguyễn Minh Tiến dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Quán Phật Tam Muội Hải - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Nguyệt Quang Đồng Tử - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Thừa Đại Bi Phân Đà Lợi - Kinh Tạng
  • Kinh A Di Đà Tam Da Tam Phật Tát Lâu Phật Đàn Quá Độ Nhơn Đạo - Kinh Tạng
  • Dược Sư Tam Muội Hành Pháp - Kinh Tạng
  • Bảo Vương Tam Muội Niệm Phật Trực Chỉ - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Thừa Công Đức Tạo Tượng Phật - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Tập Đại Phương Đẳng Bồ Tát Niệm Phật Tam Muội - Kinh Tạng
  • Kinh Bồ Tát Hư Không Dựng - Kinh Tạng