1
2
3
4
5
6
7
8
9
10

Quyển 3

Hiệu chính và chú thích: Thích Nguyên An – Thích Tâm Nhãn – Thích Đạo Luận

NHẬN NUÔI ĐỆ TỬ – BẠCH NHỊ

Như Thế Tôn dạy, bí-sô-ni nào đủ mười hai tuổi hạ, muốn thâu nhận đệ tử, phải cầu xin Tăng-già bí-sô-ni tác pháp yết-ma cho phép nuôi đệ tử. Pháp xin này tiến hành theo trình tự: Trải [465b01] tòa, đánh kiền chùy, thưa với chúng. Các Bí-sô-ni tập hợp lại ít nhất là mười hai vị. Bí-sô-ni ấy đến trước Thượng tọa, làm lễ, ngồi xổm, chắp tay, thưa như sau:

1. Thưa thỉnh

– Đại đức ni Tăng-già lắng nghe! Tôi tên là… đủ mười hai tuổi hạ, muốn thâu nhận đệ tử. Tôi là… nay cầu xin Tăng-già bí-sô-ni cho phép được thâu nhận đệ tử. Nay Tăng-già bí-sô-ni cho tôi đủ mười hai tuổi hạ được phép thâu nhận đệ tử. Ngưỡng mong các ngài thương tưởng, thương tưởng tôi.

Lần thứ hai, lần thứ ba cũng thưa như vậy.

2. Tác bạch

Thứ đến, một bí-sô-ni tác bạch yết-ma theo trình tự:

– Đại đức Tăng-già ni lắng nghe! Bí-sô-ni… đủ mười hai tuổi hạ, muốn thâu nhận đệ tử. Nay vị… đến cầu xin Tăng-già bí-sô-ni cho phép thâu nhận đệ tử. Nếu thời gian thích hợp với Tăng-già bí-sô-ni thì Tăng-già bí-sô-ni đồng ý. Tăng-già bí-sô-ni nay cho vị… đủ mười hai tuổi hạ, được phép thâu nhận đệ tử. Đây là lời tác bạch.

3. Yết-ma

Thứ đến tác pháp yết-ma:

– Đại đức Tăng-già ni lắng nghe! Bí-sô-ni… này đủ mười hai tuổi hạ, muốn thâu nhận đệ tử. Nay vị… cầu xin Tăng-già bí-sô-ni cho phép thâu nhận đệ tử. Tăng-già bí-sô-ni nay cho phép vị… đủ mười hai tuổi hạ thâu nhận đệ tử. Nếu các cụ thọ đồng ý cho vị… đủ mười hai tuổi hạ được phép thâu nhận đệ tử thì im lặng. Nếu vị nào không đồng ý thì nói.

Tăng-già bí-sô-ni đã cho phép vị… đủ mười hai tuổi hạ thâu nhận đệ tử rồi. Tăng-già bí-sô-ni đã đồng ý vì im lặng. Nay tôi xin ghi nhận như vậy.

Sau khi đã được tác pháp, vị này được phép thâu nhận đệ tử không nên nghi hoặc.

NI NHẬN NUÔI ĐỆ TỬ KHÔNG GIỚI HẠN – BẠCH NHỊ

Bí-sô-ni nào muốn thâu nhận đệ tử không hạn chế, phải cầu xin Tăng-già bí-sô-ni cho phép thâu nhận đệ tử không hạn chế. Xin phép theo trình tự: Sau khi đã thưa trong chúng, trải tòa, đánh kiền chùy, tác tiền phương tiện[1]…, chắp tay thưa như sau:

1. Thưa thỉnh

– Đại đức Tăng-già ni lắng nghe. Tôi là bí-sô-ni… muốn thâu nhận đệ tử không giới hạn. Nay tôi… cầu xin Tăng-già bí-sô-ni cho phép thâu nhận đệ tử không giới hạn. Ngưỡng mong Tăng-già bí-sô-ni cho phép tôi… được thâu nhận đệ tử không giới hạn. Xin các ngài thương tưởng, thương tưởng tôi.

Lần thứ hai, lần thứ ba cũng thưa như vậy.

2. Tác bạch

Thứ đến một bí-sô-ni tác bạch yết-ma:

– Đại đức Tăng-già ni lắng nghe! Bí-sô-ni… muốn thâu nhận đệ tử không giới hạn. Vị… này cầu xin Tăng-già bí-sô-ni cho phép thâu nhận đệ tử không giới hạn. Nếu thời gian thích hợp với Tăng-già bí-sô-ni thì Tăng-già bí-sô-ni đồng ý. Nay Tăng-già bí-sô-ni cho phép vị… thâu nhận đệ tử không giới hạn. Đây là lời tác bạch.

3. Yết-ma

Thứ đến tác yết-ma:

– Đại đức Tăng-già ni lắng nghe! Bí-sô-ni… muốn thâu nhận đệ tử không giới hạn. Nay vị… này cầu xin Tăng-già bí-sô-ni cho phép thâu nhận đệ tử không giới hạn. Nay Tăng-già bí-sô-ni cho phép vị… thâu nhận đệ tử không giới hạn. Nếu các cụ thọ đồng ý cho phép vị… được thâu nhận đệ tử không giới hạn thì im lặng. Vị nào không đồng ý thì nói.

Tăng-già bí-sô-ni đã cho phép vị… được thâu nhận đệ tử không giới hạn, Tăng-già bí-sô-ni đã đồng ý vì im lặng. Tôi xin ghi nhận như vậy.

Sau khi bí-sô-ni nào đã được Tăng tác pháp rồi, được phép tùy ý nhận đệ tử không giới hạn, chớ có nghi hoặc.

Chú thích:

[1] Tiền phương tiện 前方便: yết-ma có ba giai đoạn là một, gia hành yết-ma cũng gọi là tiền phương tiện; hai, căn bản yết-ma tức giai đoạn yết-ma thành tựu, và từ đó trở đi cho đến khi Tăng giải tán gọi là hậu khởi của yết-ma.

KHÔNG RỜI Y TĂNG-GIÀ-CHI – BẠCH NHỊ

Bí-sô tuổi già sức yếu, hoặc bị bệnh, không thể mang nặng được. Y tăng-già-chi của vị ấy quá nặng nên không thể mang đi. Bí-sô ấy nên cầu xin Tăng-già được phép không rời y tăng-già-chi. Xin phép theo trình tự: Tăng ít nhất là bốn người, vào đàn tràng. Sau khi tác tiền phương tiện, vị bí-sô muốn xin phép phải cởi giày, đắp y bày vai phải, đến trước Thượng tọa, ngồi xổm chắp tay, lễ bái (Cần phải biết, bên phương Tây khi vào trong chúng không có mang giày dép; đây nói cởi là để ngừa. Nếu có mang đến, đều phải cởi ra. Trường hợp có bệnh thì tùy theo đó châm chước) và thưa:

1. Thưa thỉnh

– Đại đức Tăng-già lắng nghe! Con, bí-sô tên… tuổi già sức yếu, hoặc thân bị bệnh không thể mang nặng. Y tăng-già-chi quá nặng nên không thể mang đi. Con, bí-sô… nay cầu xin Tăng-già cho pháp không rời y tăng-già-chi. Ngưỡng mong Đại đức Tăng-già cho con… pháp không rời tăng-già-chi. Xin các ngài thương tưởng, thương tưởng tôi.

Lần thứ hai, lần thứ ba cũng thưa như vậy.

2. Tác bạch

Thứ đến, một bí-sô tác bạch yết-ma theo trình tự:

– Đại đức Tăng-già lắng nghe! Bí-sô… già yếu, hoặc thân bệnh không thể mang nặng. Y tăng-già-chi vì quá nặng nên không thể mang đi. Nay bí-sô… cầu xin Tăng-già cho pháp không rời y tăng-già-chi. Nếu thời gian [466a01] thích hợp với Tăng-già thì Tăng-già đồng ý. Nay Tăng-già cho bí-sô… pháp không rời y tăng-già-chi. Đây là lời tác bạch.

3. Yết-ma

Đại đức Tăng-già lắng nghe! Bí-sô… già yếu, hoặc thân bệnh không thể mang nặng. Y tăng-già-chi vì quá nặng nên không thể mang đi. Nay bí-sô…. xin Tăng-già cho pháp không rời y tăng-già-chi. Nay Tăng-già cho bí-sô… pháp không rời y Tăng-già chi. Nếu các cụ thọ cho bí-sô… pháp không rời y tăng-già-chi thì im lặng. Vị nào không đồng ý thì nói.

Tăng-già đã cho vị… pháp không rời y tăng-già-chi rồi. Tăng đã đồng ý vì im lặng. Tôi xin ghi nhận như vậy.

Bí-sô nào đã được tác pháp rồi có thể chỉ mang theo hai y trên và dưới, tùy ý du hành, không nghi ngại gì cả. Bí-sô-ni căn cứ theo bí-sô để thi hành pháp này.

THUYẾT MINH PHÁP KẾT CƯƠNG GIỚI

Như Thế Tôn dạy: “Này các bí-sô, khi ở trú xứ nào cũng cần phải kết cương giới.” Các bí-sô không biết có bao nhiêu loại cương giới và kết như thế nào.

Phật dạy:

– Có hai loại cương giới là tiểu cương giới và đại cương giới. Ngay trong tiêu tướng của đại cương giới, chỗ nào không có các sự nguy hiểm, có thể bố trí tiểu giới trường. Các bí-sô cựu trú phải cùng nhau xem xét bốn phía của tiểu cương giới. Những tiêu tướng có sẵn ở phía đông, như bức tường, hoặc cây, hàng rào, mô đất ngăn, đá dựng, trụ sắt, trụ gỗ. Các tiêu tướng ở hướng nam, tây, bắc tùy theo loại, căn cứ theo đây để biết. Sau khi đã thấy biết các tiêu tướng rồi, phải báo cho mọi người cùng biết. Sau đó tác tiền phương tiện, phải tập họp tất cả bí-sô cựu trú cùng nhau xác định, nói lên những tiêu tướng có sẵn bốn phía của tiểu giới. Sau đó một bí-sô tác bạch yết-ma theo trình tự:

1. Tác bạch

Đại đức Tăng-già lắng nghe! Nay tại trú xứ này, tất cả bí-sô cựu trú cùng nhau xác định vị trí tiểu cương giới. Tiêu tướng sẵn có của bốn hướng gồm: Hướng đông là tướng… hướng nam, tây, bắc là tướng… nếu thời gian thích hợp đối với Tăng-già thì Tăng-già đồng ý. Nay trong khu vực của tiêu tướng này, Tăng-già kết làm tiểu giới trường. Đây là lời tác bạch.

2. Yết-ma

Đại đức Tăng-già lắng nghe! Nay tại trú xứ này, tất cả cựu trú bí-sô cùng nhau xác định vị trí tiểu cương giới. Tiêu tướng sẵn có của bốn hướng gồm: Hướng đông là tướng…, hướng tây, nam, bắc là tướng… Nay ở trong khu vực của tiêu tướng này, Tăng-già kết làm tiểu giới trường. Nếu các cụ thọ đồng ý, ở trong khu vực của tiêu tướng này kết làm tiểu giới trường thì im lặng. Vị nào [466b01] không đồng ý thì nói.

Tăng-già đã đồng ý ở trong tiêu tướng của khu vực này, kết làm tiểu giới trường. Tăng-già đã đồng ý vì im lặng. Nay tôi xin ghi nhận như vậy.

THUYẾT MINH PHÁP KẾT ĐẠI CƯƠNG GIỚI

Trước hết các bí-sô cựu trú cùng nhau xem xét bốn hướng của đại giới. Những tiêu tướng sẵn có ở phía đông, như bức tường, cây, rào dậu, mô đất ngăn, tảng đá, trụ sắt, trụ gỗ. Hướng nam, tây, bắc căn cứ theo đây để biết.

Sau khi đã nêu rõ từng tiêu tướng rồi, tiến hành trải tòa, đánh kiền chùy, tác tiền phương tiện, chúng Tăng phải tập họp tất cả. Các bí-sô cựu trú cùng nhau xác định đại cương giới với tiêu tướng bốn hướng. Sau khi tòan chúng đã biết tiêu tướng, mời một bí-sô tác bạch yết-ma theo trình tự:

1. Tác bạch

– Đại đức Tăng-già lắng nghe! Nay tại trú xứ này, tất cả các cựu trú bí-sô cùng nhau xác định đại cương giới. Tiêu tướng sẵn có của bốn hướng là hướng đông tướng…, hướng nam, tây, bắc tướng… , nếu thời gian thích hợp với Tăng-già thì Tăng-già đồng ý.

Nay trong khu vực của tiêu tướng này, Tăng-già kết làm một trú xứ cùng nhau sống chung và tác pháp bao-sái-đà.[1] Đại cương giới của Tăng từ a-lan-nhã[2] cho đến trú xứ này. Trong phạm vi này, trừ thôn xóm và phần giới quanh xóm. Đây là lời tác bạch.

2. Yết-ma

Thứ đến tác pháp yết-ma:

– Đại đức Tăng-già lắng nghe! Nay tại trú xứ này có các cựu trú bí-sô cùng nhau xác định đại cương giới. Tiêu tướng của bốn hướng có sẵn là hướng đông tướng…, hướng nam, hướng tây, hướng bắc tướng… Nay trong khu vực của tiêu tướng này, Tăng-già kết làm một trú xứ cùng nhau sống chung và tác pháp bao-sái-đà. Đại giới của Tăng-già từ a-lan-nhã cho đến trú xứ này. Trong phạm vi này, trừ thôn xóm và phần giới quanh xóm. Cụ thọ nào đồng ý lấy khu vực của tiêu tướng này kết làm một trú xứ cùng nhau sống chung và tác pháp bao-sái-đà. Đại giới của Tăng-già từ a-lan-nhã cho đến trú xứ này, trừ thôn xóm và phần giới quanh xóm, thì im lặng. Nếu vị nào không đồng ý thì nói. Tăng-già đã đồng ý lấy khu vực của tiêu tướng này kết làm một đại cương giới của Tăng-già cùng nhau sống chung và tác pháp bao-sái-đà. Tăng-già đã đồng ý vì im lặng. Nay tôi xin ghi nhận như vậy.

Trong trú xứ này, nếu Tăng-già đã kết đại cương giới rồi thì trong trú xứ có bao nhiêu bí-sô đều phải tập trung hết về một chỗ để tác pháp bao-sái-đà và tùy ý sự (tự tứ), cùng nhau tác pháp đơn bạch, bạch nhị, bạch tứ yết-ma.

Khi tác pháp nếu chúng Tăng không tập họp lại thì tác pháp không thành, bị tội vượt pháp. Ngay trong phạm vi của đại cương giới kết làm cương giới không mất [466c01] y của bí-sô. Kết cương giới này theo trình tự:

Tác tiền phương tiện, sai một bí-sô tác bạch trước, yết-ma sau:

Chú thích:

[1] Bao-sái-đà 褒灑陀: cách dịch khác là bố-tát 布薩 (Skt. poṣatha, P. uposatha). Hán dịch thuyết giới, trưởng tịnh…

[2] A-lan-nhã 阿蘭若: hay gọi a-luyện-nhã 阿練若, Skt. araṇya, P. arañña, dịch là rừng vắng.

KẾT GIỚI KHÔNG MẤT Y – BẠCH NHỊ

1. Tác bạch

Đại đức Tăng-già lắng nghe! Trước đây, tại trú xứ này, Tăng-già hòa hợp đã cùng nhau kết một trú xứ cùng sống chung và tác pháp bao-sái-đà làm đại cương giới của Tăng-già. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng-già thì Tăng-già đồng ý. Nay Tăng-già cùng trên đại cương giới này kết làm cương giới không mất y của bí-sô. Đây là lời tác bạch.

2. Yết-ma

Đại đức Tăng-già lắng nghe! Trước đây, ngay tại trú xứ này, Tăng-già hòa hợp cùng nhau kết một trú xứ cùng sống chung và cùng tác pháp bao-sái-đà làm đại cương giới của Tăng-già. Nay Tăng-già cũng trên đại cương giới này kết làm cương giới không mất y của bí-sô. Nếu các cụ thọ đồng ý ngay trên đại cương giới này kết làm cương giới không mất y của bí-sô thì im lặng. Vị nào không đồng ý thì nói.

Tăng-già đã đồng ý ngay trên đại cương giới này kết làm cương giới không mất y của bí-sô. Tăng-già đã đồng ý vì im lặng. Nay tôi xin ghi nhận như vậy.

Nếu Tăng-già đã kết cương giới không mất y rồi, khi đi lại trong cương giới chỉ cần mang hai y trên và dưới, không bị lỗi lìa y.

Nếu cần giải đại cương giới, phải bạch tứ yết-ma để giải. Ngay trong đại cương giới, trải tòa, đánh kiền chùy. Nếu chúng Tăng không tập hợp lại hết được thì tối thiểu phải có bốn vị bí-sô. Trước tác bạch, sau đó yết-ma.

GIẢI ĐẠI, TIỂU CƯƠNG GIỚI – BẠCH TỨ

Giải đại cương giới

1. Tác bạch

– Đại đức Tăng-già lắng nghe! Trước đây, ngay tại trú xứ này, Tăng-già hòa hợp cùng nhau kết một trú xứ cùng sống chung và tác pháp bao-sái-đà làm đại cương giới của Tăng. Nếu thời gian thích hợp với Tăng-già thì Tăng-già đồng ý. Nay Tăng-già giải đại cương giới. Đây là lời tác bạch.

2. Yết-ma

Đại đức Tăng-già lắng nghe! Trước đây, ngay tại trú xứ này, Tăng-già hòa hợp cùng nhau kết một trú xứ cùng sống chung và tác pháp bao-sái-đà làm đại cương giới của Tăng-già. Nay Tăng giải đại cương giới này. Nếu các cụ thọ đồng ý giải đại cương giới này thì im lặng. Vị nào không đồng ý thì nói. Đây là yết-ma lần thứ nhất.

Lần thứ hai, lần thứ ba cũng thưa như vậy.

Tăng-già đã giải đại cương giới này rồi. Tăng đã đồng ý vì im lặng. Nay tôi xin ghi nhận như vậy.

Khi muốn giải tiểu cương giới, phải bạch tứ yết-ma giải. Ngay trong tiểu giới trường, trải tòa, đánh kiền chùy. Ít nhất phải có đủ bốn bí-sô. Trước tiên bí-sô [467a01] tác bạch, sau yết-ma:

GIẢI TIỂU CƯƠNG GIỚI

1. Tác bạch

– Đại đức Tăng-già lắng nghe! Trước đây, ngay tại trú xứ này, Tăng-già hòa hợp cùng nhau kết tiểu giới trường. Nếu thời gian thích hợp với Tăng-già thì Tăng-già đồng ý. Nay Tăng-già cùng nhau giải tiểu giới trường này. Đây là lời tác bạch.

2. Yết-ma

Đại đức Tăng-già lắng nghe! Trước đây ngay tại trú xứ này, Tăng-già hòa hợp cùng nhau kết tiểu giới trường. Nay Tăng-già cùng nhau giải tiểu giới trường này. Nếu các cụ thọ đồng ý giải tiểu giới trường này thì im lặng. Vị nào không đồng ý thì nói. Đây là yết-ma lần thứ nhất.

Lần thứ hai, lần thứ ba cũng thưa như vậy.

Tăng-già đã giải tiểu giới trường. Tăng-già đã đồng ý vì im lặng. Nay tôi xin ghi nhận như vậy.

Nếu muốn kết đại và tiểu cương giới một lần hay giải đại và tiểu cương giới một lần, các bí-sô cựu trú trước hết phải xác định tiêu tướng bốn hướng của tiểu cương giới. Trước tiên xác định hướng đông: Tướng tường, cây, rào dậu, bờ đất ngăn che, đá, cọc, trụ. Ở các hướng nam, tây, bắc cũng vậy. Sau đó, xác định tiêu tướng ở bốn hướng của đại cương giới, như trường hợp tiểu cương giới.

KẾT TIỂU GIỚI TRƯỜNG

Ngay trên hai cương giới, tập họp hai nhóm Tăng, đều trải tòa, đánh kiền chùy, báo cáo cho đại chúng. Sau khi chúng đã tập họp xong, mời một bí-sô làm người xướng tiêu tướng ở bốn hướng của tiểu giới. Trước tiên từ tiêu tướng… ở hướng đông, cho đến tiêu tướng… ở hướng nam, tây, bắc. Sau khi đã xướng tiêu tướng của tiểu giới, thứ đến xướng tiêu tướng bốn hướng của đại giới. Trước tiên từ tiêu tướng… ở hướng đông, rồi đến tướng… ở hướng nam, tây, bắc. Sau khi xướng tiêu tướng của đại cương giới xong, vị bí-sô yết-ma tác pháp ngay trên hai cương giới; hoặc dùng giường, tấm phản, chiếu… đặt trên hai cương giới. Trước tác bạch, sau yết-ma:

1. Tác bạch

– Đại đức Tăng-già lắng nghe! Ngay tại trú xứ này, các cựu trú bí-sô cùng nhau xướng tiêu tướng sẵn có của tiểu cương giới ở bốn hướng. Hướng đông tướng…, hướng nam, tây, bắc tướng… cùng nhau xướng tiêu tướng sẵn có của đại cương giới ở bốn hướng. Hướng đông tướng…, hướng nam, tây, bắc tướng… Nếu thời gian thích hợp với Tăng-già thì Tăng-già đồng ý. Nay Tăng-già ở trong khu vực của tiêu tướng này, kết làm tiểu giới trường; nay Tăng-già ở trong khu vực của tiêu tướng này kết làm đại giới của Tăng-già, cùng sống chung, cùng tác pháp bao-sái-đà. Đại cương giới của Tăng-già từ a-lan-nhã đến trú xứ này. Trong phạm vi này, trừ xóm làng và phạm vi quanh xóm. Đây là lời tác bạch.

2. Yết-ma

Thứ đến tác yết-ma:

– Đại đức Tăng-già lắng nghe! Nay tại trú xứ này, có các cựu trú bí-sô đã cùng nhau xướng tiêu tướng sẵn có của tiểu cương giới ở bốn hướng. Hướng đông tướng…, hướng nam, tây, bắc tướng… cùng nhau xướng tiêu tướng sẵn có của đại cương giới ở bốn hướng. Hướng đông tướng…, hướng nam, tây, bắc tướng… . Nay Tăng-già ở trong khu vực của tiêu tướng này kết làm tiểu giới trường. Ngay trong khu vực của tiêu tướng này kết làm đại giới cùng sống chung, cùng tác pháp bao-sái-đà. Đại cương giới của Tăng-già từ a-lan-nhã đến trú xứ này. Trong phạm vi này, trừ xóm và phạm vi quanh xóm. Nếu các cụ thọ đồng ý ngay trong khu vực của tiêu tướng này kết làm tiểu giới trường và ngay trong khu vực của tiêu tướng này kết làm đại giới cùng sống chung, cùng tác pháp bao-sái-đà. Đại cương giới của Tăng-già từ a-lan-nhã đến trú xứ này. Trong phạm vi này, trừ xóm và giới phần quanh xóm, thì im lặng. Vị nào không đồng ý thì nói ra.

Nay trong khu vực của tiêu tướng này Tăng-già kết làm tiểu giới trường và ngay trong khu vực của tiêu tướng này kết làm đại giới cùng sống chung, cùng tác pháp bao-sái-đà. Tăng đã đồng ý vì im lặng. Nay tôi xin ghi nhận như vậy.

Sau đó, chúng bí-sô rời chỗ ngồi, đi vào trong đại cương giới. Tập họp lại một chỗ, căn cứ vào khu vực theo tiêu tướng của đại cương giới để kết cương giới không mất y của bí-sô. Bạch nhị yết-ma như nói ở trước.

GIẢI ĐẠI, TIỂU CƯƠNG GIỚI

Nếu muốn giải hai cương giới cùng một lúc, phải tập họp hai nhóm Tăng ngay trên hai giới, trải tòa, đánh kiền chùy, tiến hành tiền phương tiện. Vị Yết-ma sư tác pháp, ngay trên hai cương giới dùng giường, tấm phản, chiếu… đặt lên trên đó. Trước tác bạch, sau yết-ma:

1. Tác bạch

– Đại đức Tăng-già lắng nghe! Trước đây, tại trú xứ này, Tăng-già hòa hợp đã cùng nhau kết đại giới, cùng sống chung, cùng tác pháp bao-sái-đà làm đại giới của Tăng-già và kết tiểu giới trường. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng-già thì Tăng-già đồng ý. Nay Tăng-già giải đại cương giới và giải tiểu giới trường. Đây là lời tác bạch.

2. Yết-ma

Đại đức Tăng-già lắng nghe! Trước đây, tại trú xứ này, Tăng-già hòa hợp đã cùng nhau kết làm một đại giới, cùng sống chung, cùng tác pháp bao-sái-đà làm đại giới của Tăng-già và kết tiểu giới trường. Nay Tăng-già giải đại cương giới và giải tiểu giới trường. Nếu các cụ thọ đồng ý giải đại cương giới, giải tiểu giới trường này thì im lặng. Vị nào không đồng ý thì nói. Đây là yết-ma lần thứ nhất.

Lần thứ hai, lần thứ ba cũng thưa như vậy.

Tăng-già đã giải đại cương giới và tiểu giới trường. Tăng-già đã đồng ý vì im lặng. Nay tôi xin ghi nhận như vậy.

Cụ thọ Ô-ba-ly thưa Thế Tôn:

– Bạch Đại đức! cương giới không tác pháp, phạm vi [467c01] như thế nào?

Phật dạy:

– Nếu các bí-sô trú ở thôn xóm, trong phạm vi có tường rào cùng giới phần quanh xóm, phải tập họp lại một chỗ để làm trưởng tịnh (bố-tát) và tác pháp tùy ý sự (tự tứ), đơn bạch, bạch nhị, cho đến bạch tứ. Tất cả các việc trên đều phải làm như vậy. Nếu không tập họp lại thì tác pháp không thành tựu, bị tội vượt pháp.

– Bạch Đại đức! Chỗ không có thôn xóm, đồng trống thanh vắng, phạm vi như thế nào?

Phật dạy:

– Chu vi đều bằng một câu-lô-xá,[1] các bí-sô tập hợp một chỗ, ở trong phạm vi này, tác pháp trưởng tịnh, cho đến bạch tứ yết-ma đều được. Nếu không tập hợp thì tác pháp không thành, bị tội vượt pháp. (cương giới không tác pháp, nghĩa là không tác pháp để kết. Xưa nói cương giới tự nhiên là sai).

Cụ thọ Ô-ba-ly thưa Thế Tôn:

– Bạch Đại đức! Như Thế Tôn dạy, các bí-sô nên kết cương giới. Các bí-sô không biết kết đại cương giới với phạm vi bao nhiêu?

Phật dạy:

– Kết đại cương giới được phép dài bằng hai du-thiện-na rưỡi. (nói du-thiện-na[2] là phiên dịch không đúng nghĩa chính. Tại Trung Hoa tương đương với một trạm dịch,[3] hơn ba mươi dặm. Xưa gọi do-tuần là sai. Nếu căn cứ cách đo theo thế gian ở các nước phương Tây thì bốn câu-lô-xá bằng một du-thiện-na, mà một câu-lô-xá chừng tám dặm, tức (bốn câu-lô-xá) tương đương ba mươi hai dặm. Nếu căn cứ theo giáo pháp thì tám câu-lô-xá là một du-thiện-na. Tính một câu-lô-xá có năm trăm cung. Mỗi cung khoảng một bước đi. Với số tính mỗi bước đi này chừng hơn một dặm rưỡi. Như vậy, nhân tám lần lên, tương đương mười hai dặm. Đây không bằng một trạm dịch. Theo kinh nghiệm của tôi [Nghĩa Tịnh] thì một du-thiện-na ở phương Tây dài chừng một trạm dịch. Nay có thể phiên dịch thành một trạm dịch, có lẽ không xa lắm, vì từ chùa Na-lan-đà đi về hướng nam đến thành Vương-xá dài năm câu-lô-xá,[4] tính theo số dặm thì khoảng hơn một trạm dịch).

– Bạch Đại đức, nếu phạm vi dài hơn hai du-thiện-na rưỡi thì được phép lấy làm đại cương giới không?

Phật dạy:

– Phạm vi đại cương giới chỉ được phép dài bằng hai du-thiện-na rưỡi.

– Bạch Đại đức, hướng về bên dưới, đến đâu là giới hạn của đại cương giới?

Phật dạy:

– Đến nơi có dòng nước là giới hạn của đại cương giới.

– Bạch Đại đức, hướng về bên dưới, ngoài hai du-thiện-na rưỡi mới đến chỗ có dòng nước, vậy được gọi là đại cương giới không?

Phật dạy:

– Phạm vi của đại cương giới chỉ trong hai du-thiện-na rưỡi.

– Bạch Đại đức, hướng về bên trên, đến đâu là giới hạn của đại cương giới?

Phật dạy:

– Nếu trong đại cương giới có cây thì giới hạn của cương giới đến ngọn cây, có tường thì giới hạn đến đầu tường. Đó gọi là đại giới.

– Bạch Đại đức, nếu ngoài hai du-thiện-na rưỡi mới đến ngọn cây, đầu tường thì đây được xem là đại cương giới không?

Phật dạy:

– Giới hạn của đại cương giới chỉ trong hai du-thiện-na rưỡi.

– Bạch Đại đức, nếu trong đại cương giới có núi thì giới hạn của đại cương giới đến đâu?

Phật dạy:

– Lên núi đến chỗ có nước.

– Bạch Đại đức, ngoài hai du-thiện-na rưỡi mới đến chỗ nước, có được xem là phạm vi của đại cương giới không?

Phật dạy:

– Hai du-thiện-na rưỡi là khoảng cách đã được ấn định.

Cụ thọ Ô-ba-ly bạch Thế Tôn:

– Nếu không giải cương giới đã kết trước đây, sau đó tại chỗ này lại kết thêm cương giới, có thành tựu không?

Phật dạy:

– Không thành.

– Bạch Đại đức, có thể lấy cương giới này nhập vào cương giới khác không?

Phật dạy:

– Không được.

– Bạch Đại đức, có bao nhiêu loại cương giới không được dính chung với nhau?

Phật dạy:

– Có bốn loại cương giới: một, tiểu giới trường. Hai, chỗ nước ứ đọng. Ba, cương giới bí-sô. Bốn, cương giới bí-sô-ni.

Các cương giới này không được nhập chung với nhau và không được kết chồng lên nhau.

– Bạch Đại đức, có thể lấy cương giới này bao vây cương giới khác không?

Phật dạy:

– Không được, trừ chỗ nước ứ đọng, tiểu giới trường và cương giới bí-sô-ni.

– Bạch Đại đức, có bao nhiêu pháp làm mất đại giới?

Phật dạy:

– Có năm. Thế nào là năm?

Một, tất cả Tăng-già đều chuyển căn.

Hai, tất cả Tăng-già đều quyết định bỏ đi.

Ba, tất cả Tăng-già đều hoàn tục.

Bốn, tất cả Tăng-già đều qua đời.

Năm, tất cả Tăng-già đều tác pháp giải cương giới.

– Bạch Đại đức, có thể lấy một cây làm tiêu tướng cho hai, ba, bốn trú xứ được không?

Phật dạy:

– Được. Mỗi trú xứ đều dựa vào một bên.

– Bạch Đại đức, có thể lấy Phật Thế Tôn làm túc số Tăng-già để tác pháp yết-ma không?[5]

Phật dạy:

– Không được. Do thể của Phật bảo riêng biệt.

– Bạch Đại đức, như Thế Tôn thuyết có tịnh địa và bất tịnh địa. Con chưa biết thế nào là tịnh địa, thế nào là bất tịnh địa?

Phật dạy:

– Chánh pháp còn trụ thế thì có tịnh địa và bất tịnh địa. Nếu sau khi chánh pháp ẩn mất, tất cả đều thành tịnh.[6]

– Bạch Đại đức, vậy thế nào gọi là chánh pháp trụ, thế nào là chánh pháp ẩn mất?

Phật dạy:

– Có người tác pháp yết-ma, có người hành trì thuận theo giáo pháp. Vừa có người bỉnh pháp[7] vừa có người thực hành pháp, đây gọi là chánh pháp trụ thế. Nếu không có người tác yết-ma và không có người hành trì thuận theo giáo pháp, đây gọi là chánh pháp ẩn mất.

– Bạch đại đức, có thể kết cương giới này vượt qua cương giới khác được không?

Phật dạy:

– Không được.

– Nếu như vậy, có bao nhiêu nơi không được vượt qua?

Phật dạy:

– Có năm nơi. Một, tiểu giới trường. Hai, chỗ nước ứ đọng. Ba, cương giới bí-sô. Bốn, cương giới bí-sô-ni. Năm, khoảng giữa hai cương giới.

– Bạch Đại đức, như vậy với những nơi có nước, được phép kết cương giới thông qua không?

Phật dạy:

– Trên những con sông có cầu, được phép kết giới thông qua. Không có thì không được.

– Bạch Đại đức, nếu cầu bị phá, trong thời gian bao lâu được gọi là không mất giới?

Phật dạy:

– Được phép bảy ngày, nhưng không được xả tâm niệm: “Ta sẽ sửa lại cầu này”. Nếu không như vậy, giới ấy liền mất.

– Bạch Đại đức, [468b01] khi đang chính thức kết cương giới, bỗng nhiên người bỉnh pháp bị chết, kết giới có thành không?

Phật dạy:

– Không thành. Nếu đã xướng tiêu tướng tác pháp yết-ma, bỉnh pháp hơn một nửa nghi thức, khi ấy tuy người bỉnh pháp bị chết, nhưng kết giới vẫn thành. Nếu đã xướng tiêu tướng, nhưng tiến hành yết-ma chưa được một nửa thì không thành, phải kết lại. Cương giới bí-sô-ni cũng căn cứ vào đây để biết.

– Bạch Đại đức, một người tác pháp (bỉnh pháp) yết-ma đơn bạch, tác pháp cùng lúc cho cả bốn chỗ được không?

Phật dạy:

– Ngay trong bốn cương giới phải bố trí mỗi nơi ba người. Người bỉnh pháp có thể dùng giường, chiếu, phản, tấm ván… đặt trên ranh giới của bốn giới, sau đó bỉnh pháp. Người bỉnh pháp cùng ba vị kia là đủ túc số Tăng để tác pháp trên bốn cương giới. Nếu có pháp sự với túc số Tăng năm người thì trên bốn cương giới, mỗi cương giới bố trí bốn người. Nếu pháp sự với túc số Tăng mười người thì trên bốn cương giới, mỗi cương giới bố trí chín người. Nếu pháp sự với túc số Tăng hai mươi người thì trên bốn cương giới, mỗi cương giới bố trí mưới chín người. Các yết-ma khác cũng vậy, lấy một người bỉnh pháp, ngay trên bốn cương giới, bỉnh tất cả các pháp yết-ma.

Lại có năm loại Tăng-già tác pháp yết-ma. Thế nào là năm? Một, Tăng bốn người. Hai, Tăng năm người. Ba, Tăng mười người. Bốn, Tăng hai mươi người. Năm, Tăng nhiều hơn hai mươi người.

Trú xứ có bốn người, được phép làm các yết-ma, trừ tùy ý sự, truyền cận viên, xuất tội (Tăng tàn) với túc số Tăng hai mươi vị.

Trú xứ có năm người, được phép làm các yết-ma, trừ truyền thọ cận viên tại thành phố lớn, xuất tội (Tăng tàn) với túc số hai mươi vị.

Trú xứ có mười người, được phép làm tất cả các yết-ma, trừ xuất tội (Tăng tàn).

Trú xứ có từ hai mươi người trở lên, được phép hành tất cả các pháp yết-ma; không nên nghi ngại.

Đại cương giới, tiểu cương giới, cương giới không mất y của bí-sô-ni, hoặc giải hoặc kết, tác pháp phi tác pháp, tiêu tướng phạm vi bốn hướng đồng như đại bí-sô. Căn cứ theo đây thì biết, không phải lặp lại.

Chú thích:

[1] Câu-lô-xá 俱盧舍: Skt. Krośa, P. Kosa, là tên thước đo của Ấn Độ vào thời cổ đại. Theo Đại Đường Tây Vức ký 2 thì, cự ly của một câu-lô-xá bằng năm trăm cung. Theo Tứ phần luật sao bổ tùy cơ yết-ma sớ 1 thì một cung bằng bốn khuỷu tay, một khuỷu tay bằng một thước tám tấc. Cho nên một câu-lô-xá bằng 3.600 thước.

[2] Du-thiện-na 瑜膳那: hay gọi do-tuần 由旬, Skt. Yojana, đơn vị đo đường dài ở Ấn Độ. Theo Đại Đường Tây Vực ký 2, thì một do-tuần là chỉ cho lộ trình hành quân một ngày của nhà vua. Nhưng theo thuyết của các học giả cận đại như ông J. Flect đổi Do-tuần tính theo cây số ngàn (kilometre), thì một do-tuần xưa bằng 19,5 km, theo quốc tục Ấn Độ là 14,6 km, Phật giáo là 7,3 km. Nếu theo ông Major Vost thì một do-tuần xưa bằng 22,8 km; quốc tục Ấn Độ là 17 km, Phật giáo 8,5 km.,

[3] Dịch 驛: ngày xưa đặt các trạm để truyền đưa văn thư, mỗi trạm có một chức quan coi giữ.

[4] Xem Yết-ma yếu-chỉ (Thích Đỗng Minh, Thích Nguyên Chứng biên tập) phần giải thích cương giới. Trong sách Đường về xứ Phật trang 172 của Thượng tọa Minh Châu, thì từ Na-lan-đà đến thành Vương-xá khoảng mười hai cây số ngàn. Kết hợp với Yếu-chỉ thì một câu-lô-xá dài khoảng 1.800 mét = 1,8km. (cht. Dg).

[5] Hán: bỉnh yết-ma 秉羯磨.

[6] Chữ “tịnh 淨” ở đây dịch ý tiếng Phạn kalpa (P. kappa), nghĩa chính là “tư duy phân biệt” (Nghĩa Tịnh dịch là phân biệt), theo đó, vật tịnh, hay được tác tịnh, là vật được chỉ định (hợp thức hoá) cho sử dụng đặc biệt nào đó. Chữ tịnh như vậy không liên quan gì đến ô uế hay thanh tịnh. Tức bất tịnh địa là vùng đất bị loại ra. Còn nơi nào Tăng yết-ma kết sử dụng, sinh hoạt là tịnh địa.

[7] Bỉnh pháp 秉法: là pháp yết-ma thứ nhất trong 4 pháp yết-ma. Như hỏi nay Tăng hòa hợp để làm gì. Trong chúng có người đáp, yết-ma bố-tát, hay yết-ma gì đó…. (Di-sa-tắc yết-ma bổn 1, T22n1424, p214c1).

THUYẾT GIỚI BỐ-TÁT

Cụ thọ Ô-ba-ly bạch Thế Tôn:

– Thưa Đại đức, thuyết giới kinh Ba-la-để-mộc-xoa[1] có bao nhiêu trường hợp?

Phật dạy:

– Có năm trường hợp: Một, chỉ thuyết bài tựa giới kinh: “Ngoài ra những điều còn lại, quý vị đã từng nghe”, rồi cáo tri. (Phạn ngữ là bao-sái-đà.[2] Bao-sái nghĩa là trưởng dưỡng. Đà nghĩa là thanh tịnh, tẩy sạch. Nghĩa là muốn người phạm tội nhớ lại tội đã làm trong nửa tháng, đối trước người không phạm tội, phát lồ tội của mình, để sửa đổi lỗi lầm đã làm. Thứ nhất, chặn đứng những hành động sai phạm trong hiện tại. Thứ hai, ngăn ngừa sự kiêu mạn trong tương lai. Thế nên, cần phải tập họp Tăng lại hết để nghe kinh biệt giải thoát, làm cho thiện pháp tăng trưởng, chánh pháp tồn tại phát triển. Như vậy, đâu phải cùng nhau lên điện Phật chỉ lễ sám thôi! Đấy chỉ là làm theo bạn bè thế tục, giấu thô tướng mà nêu bày tâm. Nếu căn cứ theo giáo pháp quy định thì làm như thế chưa đủ sạch, tội ấy đáng trách. Trước đây gọi bố-tát là sai).

Hai, khi thuyết bài tựa giới kinh và bốn pháp ba-la-thị-ca[3] [468c01] xong, sau đó nói:

“Những điều còn lại, như các vị thường nghe.”

Ba, thuyết bài tựa giới kinh cho đến mười ba pháp tăng-già-phạt-thi-sa[4] xong, nói:

“Ngoài ra như các vị thường nghe.”

Bốn, thuyết bài tựa giới kinh cho đến hai pháp bất định rồi nói: “Ngoài ra như các vị thường nghe.”

Năm, thuyết bài tựa giới kinh cho đến hết.

Bấy giờ, vào ngày mười lăm, ngày bao-sái-đà, Thế Tôn ngồi trên tòa giữa chúng bí-sô, bảo mọi người:

– Đêm đã qua, Ta có thể làm trưởng tịnh.

Khi ấy có một bí-sô đứng dậy, mặc y bày vai phải, chí thành chắp tay thưa:

– Bạch Đại đức, trong phòng con có một bí-sô đang bệnh. Trường hợp này phải làm sao?

Phật dạy:

– Nên nhận sự tùy thuần thanh tịnh[5] của vị ấy.

Các bí-sô không biết ai thích hợp việc nhận sự tùy thuận thanh tịnh. Phật dạy:

– Một người được nhận sự tùy thuận thanh tịnh một người, hai người, cho đến nhiều người. Ai có thể ở giữa đại chúng nói hết tên được thì tùy ý nhận sự tùy thuận thanh tịnh nhiều người. Nay Ta sẽ hướng dẫn phương pháp cho người gửi sự tùy thuận thanh tịnh.

Các bí-sô muốn gởi sự tùy thuận thanh tịnh, trước hết mặc y bày vai phải, bỏ giày dép, làm lễ, ngồi xổm, chắp tay thưa như sau:

Cụ thọ ghi nhận cho! Hôm nay ngày mười bốn, Tăng-già làm lễ bao-sái-đà. Tôi bí-sô… vào ngày mười bốn cũng làm lễ bao-sái-đà. Tôi bí-sô… thanh tịnh không có các chướng pháp, vì nhân duyên bệnh, với tăng sự như pháp kia, tôi xin gửi sự tùy thuận thanh tịnh. Có sự việc gì xảy ra trong Tăng sự kia, xin nói cho tôi được biết.

Lần thứ hai, lần thứ ba cũng thưa như vậy.

– Bạch Đại đức, nếu có bí-sô muốn gửi sự tùy thuận thanh tịnh, nhưng bệnh quá nặng không ngồi dậy được. Trường hợp dùng thân biểu nghiệp để gửi sự tùy thuận thanh tịnh, có thành gửi sự tùy thuận thanh tịnh không?

Phật dạy:

– Trường hợp này thành gửi sự tùy thuận thanh tịnh. Dùng khẩu nghiệp để gửi sự tùy thuận cũng thành gửi sự tùy thuận thanh tịnh. Nếu người bị bệnh nặng không thể biểu hiện bằng thân ngữ, các bí-sô có mặt phải tề tựu tại chỗ người bệnh, hay đưa người bệnh vào giữa chúng để tác pháp. Nếu không làm như vậy, tác pháp không thành, bị tội biệt trú.

Phật dạy:

– Nay Ta sẽ nói những pháp thức cho người nhận sự tùy thuận thanh tịnh của bí-sô:

Khi bí-sô này đã nhận sự tùy thuận thanh tịnh rồi, không được chạy mau, không được nhảy nhót, không nhảy qua hố, không được đi chỗ hành lang nguy hiểm; đi lên lầu ở trong chùa, không được nhảy hai cấp, không được bước hai bậc thang, không được đi ra [469a01] ngoài cương giới, không được đi trên hư không, không được ngủ, không được nhập định. Lại có hai việc xấu: một, không biết xấu hổ; hai, lười biếng.

Trong lúc thuyết Ba-la-đề-mộc-xoa hỏi thế này:

Các bí-sô không đến có gửi sự tùy thuận và thanh tịnh không?

Người mang sự tùy thuận thanh tịnh đến trước vị ngồi gần, hoặc đối trước vị khác, nói thế này:

Đại đức ghi nhận cho, ngay tại phòng… có bí-sô… bị bệnh. Hôm nay ngày mười bốn, Tăng-già làm lễ bao-sái-đà. Vị bí-sô… vào ngày mười bốn cũng làm lễ bao-sái-đà. Vị bí-sô… tự nói thanh tịnh không có các chướng pháp, vì bệnh duyên, tùy thuận Tăng sự như pháp, gửi sự tùy thuận thanh tịnh. Nay, tôi xin trình bày lại đầy đủ những điều vị kia đã trình bày.

Có duyên sự khác, nên tùy lúc trình bày. Nếu không làm đúng như vậy, tác pháp không thành, bị tội biệt trú.

Cụ thọ Ô-ba-ly thưa Thế Tôn:

– Bạch Đại đức, người mang sự tùy thuận thanh tịnh cho bí-sô, sau khi vừa nhận sự tùy thuận thanh tịnh, vị ấy qua đời, có thành mang sự tùy thuận thanh tịnh không?

Phật dạy:

– Không thành, phải nhận sự tùy thuận thanh tịnh lại.

– Bạch Đại đức, người mang sự tùy thuận thanh tịnh của bí-sô, nếu tự nói: Ta là cầu tịch, hay nói ta là người thế tục, hay nói ta là người biệt trú. Những trường hợp như vậy có thành mang sự tùy thuận thanh tịnh không?

Phật dạy:

– Không thành mang sự tùy thuận thanh tịnh.

– Bạch Đại đức, người mang sự tùy thuận thanh tịnh đang trên đường đi, hoặc đến giữa chúng, bỗng nhiên qua đời, thành mang sự tùy thuận thanh tịnh không?

Phật dạy:

– Không thành, phải nhận sự tùy thuận thanh tịnh lại. Các bí-sô phải biết rõ trình tự gửi sự tùy thuận thanh tịnh và nhận sự tùy thuận thanh tịnh của các bí-sô. Trong này có trường hợp khác nhau. Nếu là tiến hành lễ bao-sái-đà thì phải nói gửi sự tùy thuận thanh tịnh. Trường hợp không phải lễ bao-sái-đà mà làm các yết-ma khác thì chỉ nói gửi sự tùy thuận, chứ không nói thanh tịnh. Nếu tiến hành cả hai yết-ma thì nói gửi sự tùy thuận và thanh tịnh.

Cụ thọ Ô-ba-ly thưa Thế Tôn:

– Bạch Đại đức, nếu trú xứ chỉ có một bí-sô sống độc cư, đến ngày trưởng tịnh phải làm thế nào?

Phật dạy:

– Đến ngày trưởng tịnh, bí-sô sống nơi thanh vắng dùng phân bò[6] mới tráng nền và quét sạch sẽ, trải tòa, đánh kiền chùy, tác tiền phương tiện, rồi tụng vài bài kinh. Sau đó đến chỗ cao, nhìn khắp bốn hướng. Nếu thấy có bí-sô khác đến, sau khi chào hỏi, thưa:

Cụ thọ, hôm nay là ngày Tăng-già trưởng tịnh, ngài có thể cùng tôi đến một nơi để làm trưởng tịnh.

Nếu không có ai đến, thì bí-sô này ngồi vào chỗ của mình, tâm niệm, miệng nói như sau:

Hôm nay ngày mười bốn, Tăng-già trưởng tịnh. Tôi, bí-sô… vào ngày mười bốn cũng trưởng tịnh. Tôi, bí-sô… [469b01] đối với các chướng pháp, tự xét mình thanh tịnh. Nay, tôi cũng tạm thọ trì trưởng tịnh. Sau này, gặp chúng Tăng hòa hợp, tôi sẽ trưởng tịnh đầy đủ các giới tụ.

(Nói như vậy ba lần).

Nếu tại một trú xứ có hai bí-sô, đến ngày trưởng tịnh cũng tiến hành theo trình tự trước, sau đó tác pháp đối thú với nhau. Nếu tại trú xứ có ba bí-sô, cũng tiến hành như trước. Sau đó tác pháp với nhau. Nếu trú xứ có đủ bốn bí-sô phải tiến hành trưởng tịnh như pháp, nhưng không được nhận sự tùy thuận thanh tịnh. Nếu trú xứ có năm bí-sô trở lên, phải tiến hành trưởng tịnh như pháp đầy đủ. Nếu có duyên sự, cho phép một người được gửi sự tùy thuận thanh tịnh.

Vào ngày mười lăm hành lễ bao-sái-đà, bí-sô nào nhớ tội đã phạm phải như pháp sám hối với bí-sô thanh tịnh. Sám trừ tội như pháp xong, mới được làm trưởng tịnh.

Vào ngày mười lăm trưởng tịnh, bí-sô nào còn nghi ngờ về tội của mình phải phải đến gặp vị bí-sô thông hiểu tam tạng để thỉnh vấn trừ tội đang nghi ngờ, như pháp sám hối, sau đó mới được trưởng tịnh.

Vào ngày mười lăm khi trưởng tịnh, lúc đang ở trong chúng, bí-sô nào nhớ đến tội đã phạm, đối với tội ấy tự tâm niệm thủ trì rằng: “Hôm nay ngày mười lăm, Tăng-già đang trưởng tịnh. Tôi, bí-sô… cũng trưởng tịnh vào ngày mười lăm. Tôi, bí-sô đang ở trong Tăng, nhớ đến tội đã phạm. Tôi, bí-sô… đối với tội đã phạm, tự tâm niệm thủ trì.

Sau khi Tăng-già trưởng tịnh xong, tôi sẽ đối trước bí-sô thanh tịnh như pháp sám hối trừ tội ấy”.

Vào ngày mười lăm khi trưởng tịnh, bí-sô nào đang ở trong chúng, sinh tâm nghi ngờ về tội đã phạm, đối với tội ấy nên tâm niệm thủ trì: “Hôm nay ngày mười lăm, Tăng-già đang trưởng tịnh. Tôi, bí-sô… vào ngày mười lăm cũng trưởng tịnh. Tôi, bí-sô… sinh tâm nghi ngờ về tội đã phạm. Tôi, bí-sô… đối với tội còn nghi ngờ này, tự tâm niệm thủ trì. Sau khi Tăng-già trưởng tịnh xong, tôi sẽ đến gặp vị bí-sô thông hiểu tam tạng để thỉnh vấn giải quyết tội đang nghi ngờ. Tôi sẽ như pháp sám hối trừ tội.”

Khi đang thuyết giới kinh Biệt giải thoát, bí-sô nào đang ngồi nhớ đến tội đã phạm, hay tội đang nghi ngờ, theo trình tự ở trước, tự tâm niệm thủ trì. Sau đó, đối trước bí-sô thanh tịnh, như pháp sám hối tội.

Chú thích:

[1] Ba-la-để-mộc-xoa 波羅底木叉: Skt: pratimokṣa; P. pāṭimokkha, dịch là tùy thuận giải thoát, biệt giải thoát.

[2] Bao-sái-đà: xem cht. 1, tr. 104.

[3] Ba-la-thị-ca 波羅市迦: Skt.=P. pārājika, cách dịch khác ba-la-di. Tăng-kỳ (p237b24): “Ba-la-di, là đối với pháp trí mà thối thất, đọa lạc, không có đạo quả phần.” Tứ phần (p571c6): “Ba-la-di, ví như cái đầu của con người đã bị chặt thì không thể mọc trở lại.” Thập tụng (p4b13): “Ba-la-di, là đọa lạc, không bằng 墮不如; là tội cực ác, sâu nặng.” Căn bản (p630c6): “Ba-la-thị-ca 波羅市迦, là tội cực trọng, rất đáng ghê tởm, rất đáng bị ruồng bỏ… mất thể tính bí-sô, trái ngược với thể tính Niết-bàn; là sự đọa lạc, sụp đổ, bị kẻ khác đánh bại không còn cứu được nữa.” Pāli, Vin.iii. 28: pārājiko hotī ti seyyathāpi nāma puriso sīrascchinno abhobbo tena sarīrabandhanena jīvituṃ, “Pārājika, người phạm ba-la-di, như một người mà cái đầu đã bị chặt, không thể sống với thân được ráp nối lại.”

[4] Tăng-già-phạt-thi-sa 僧伽伐尸沙: Skt. saṃghāvaśeṣa, dịch là Tăng tàn… Căn bản 11, p681b6: Tăng-già (Skt. saṃgha), là phạm tội này cần phải nhờ Tăng-già hướng dẫn pháp sám hối, nương nơi Tăng-già mà đặng xuất tội, chứ không nương nơi người khác mà giải quyết được. Phạt-thi-sa (Skt. avaśeṣa), là “dư tàn”. Nếu bí-sô phạm một trong bốn pháp ba-la-thị-ca thì không có dư tàn, không được sống chung. Còn đối với mười ba pháp này, nếu bí-sô phạm thì có dư tàn, có thể chữa trị được nên gọi là Tăng tàn.

[5] Hán: Dục tịnh 欲淨: tức dữ dục thanh tịnh 與欲清淨, P. adatvā, tùy thuận.

[6] Phân bò, Hán: cù-ma 瞿摩 (cù-ma-da 瞿摩耶), Skt. gomaya.

    Xem thêm:

  • Giới Kinh Căn Bản Của Thuyết Nhứt Thiết Hữu Bộ - Luật Tạng
  • Giới Kinh Căn Bản Bật Sô Ni Của Thuyết Nhứt Thiết Hữu Bộ - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 16. Diệt Tránh - Luật Tạng
  • Pháp Thức Căn Bản Của Thuyết Nhứt Thiết Hữu Bộ Tì Nại Da Về Việc Tự Tứ - Luật Tạng
  • Cương Yếu Giới Luật – Phần 1C - Luật Tạng
  • Căn Bản Thuyết Nhứt Thiết Hữu Bộ Ni Đà Na Mục Đắc Ca - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 13 - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 12 - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 9. Câu Thiểm Di - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 11. Khiển Trách - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 14. Già Yết Ma - Luật Tạng
  • Cương Yếu Giới Luật – Phần 1B - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 1: Giới Tỳ Kheo – Chương 8. Bảy Diệt Tránh - Luật Tạng
  • Pháp Thức Căn Bản Của Thuyết Nhứt Thiết Hữu Bộ Tì Nại Da Về Việc Xuất Gia - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Trọn Bộ 40 Quyển - Luật Tạng
  • Giới Tì Kheo Ni Trong Luật Tứ Phần – Thích Trí Quang dịch - Luật Tạng
  • Pháp Thức Căn Bản Của Thuyết Nhứt Thiết Hữu Bộ Tì Nại Da Về Yết Sỉ Na Y - Luật Tạng
  • Bước Tới Thảnh Thơi phần 1 – Thi Kệ Thực Hành Chánh Niệm - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 37 - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 11 - Luật Tạng