1
2
3
4
5
6
7
8
9
10

Quyển 9

Hiệu chính và chú thích: Thích Nguyên An – Thích Tâm Nhãn – Thích Đạo Luận

CHỐNG LỜI TĂNG DẠY, GÂY PHIỀN NÃO CHÚNG – BẠCH TỨ[1]

Lúc bấy giờ, cụ thọ Ô-ba-ly thưa Thế Tôn:

– Bạch Đại đức, cụ thọ Xiển-đà phạm nhiều tội nhưng không như pháp phát lồ sám hối. Các bí-sô muốn cho thầy ấy sống an lạc, lợi ích nên nói rằng: “Này cụ thọ, thầy đã phạm tội, nên như pháp phát lồ sám hối.”

Xiển-đà đáp: “Quý vị có phạm tội, nên như pháp phát lồ sám hối. Tại sao? Vì quý vị đều sinh trong các chủng tộc, các gia đình khác nhau, nhờ Thế Tôn của tôi chứng đắc Đại giác nên quý vị mới được đến cùng nhau nương tựa xuất gia.”

Xiển-đà nói như vậy, chống lại lời dạy, làm phiền não chúng Tăng. Các bí-sô không biết phải làm như thế nào, nên bạch lên Phật.

Phật dạy:

– Này các bí-sô, nên tác yết-ma quở trách Xiển-đà. Nếu có trường hợp tương tự như vậy xảy ra, đều phải căn cứ theo đây. Sau khi tiến hành tiền phương tiện xong, tác bạch yết-ma:

1. Tác bạch

Đại đức Tăng-già xin lắng nghe. Bí-sô Xiển-đà này tự thân phạm tội, nhưng không như pháp phát lồ sám hối. Các bí-sô vì muốn cho vị ấy được sống lợi ích an lạc, nên như pháp can gián, nhưng vị ấy chống lại lời dạy của Tăng-già. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng-già thì Tăng-già đồng ý. [492b01] Nay Tăng-già quở trách bí-sô Xiển-đà chống lại lời dạy của Tăng. Đây là lời tác bạch.

2. Yết-ma

Thứ đến làm yết-ma:

Đại đức Tăng-già xin lắng nghe! Bí-sô Xiển-đà phạm tội, nhưng không như pháp sám hối. Các bí-sô vì muốn cho vị ấy được sống lợi ích an lạc nên như pháp can gián, nhưng vị ấy chống lại lời dạy của Tăng. Nay Tăng-già quở trách bí-sô Xiển-đà chống lại lời dạy của Tăng. Nếu các cụ thọ đồng ý quở trách bí-sô Xiển-đà chống lại lời dạy của Tăng thì im lặng; nếu vị nào không đồng ý thì xin nói.

Lần thứ hai, lần thứ ba cũng thưa như vậy.

Tăng-già đã quở trách bí-sô Xiển-đà vì chống lại lời dạy của Tăng-già. Tăng-già đã đồng ý vì im lặng, nay tôi xin ghi nhận như vậy.

Sau khi bị các bí-sô tác yết-ma quở trách xong, Xiển-đà nghĩ: Sai lầm của ta là vì trả lời với những người kia. Như có bài tụng:

Những người có trí tuệ,

Khéo giữ lời nói mình,[2]

Hãy xem chim trong rừng,

Vì hót nên bị nhốt.

Xiển-đà suy nghĩ như vậy nên im lặng không nói. Sau đó, vào một lúc khác lại phạm tội nữa. Các bí-sô bảo rằng:

– Này cụ thọ, thầy đã phạm tội, nên như pháp phát lồ sám hối.

Xiển-đà không nói gì, lại tỏ thái độ chống đối gây phiền não trước lời dạy của Tăng-già bằng cách im lặng. Các bí-sô không biết phải giải quyết như thế nào nên bạch lên Phật. Phật dạy:

– Này các bí-sô, phải bạch tứ yết-ma để quở trách Xiển-đà đã gây phiền não cho Tăng-già bằng cách im lặng. Tiến hành tiền phương tiện, sau đó bạch yết-ma:

Đại đức Tăng-già xin lắng nghe! Bí-sô Xiển-đà phạm tội, nhưng không như pháp phát lồ sám hối. Các bí-sô vì muốn thầy ấy sống lợi ích an lạc, nên bảo rằng: Này cụ thọ, thầy đã phạm tội, nên như pháp sám hối. Thầy không trả lời, gây phiền não cho Tăng-già bằng cách im lặng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng-già thì Tăng-già đồng ý. Nay Tăng-già quở trách bí-sô Xiển-đà gây phiền não cho Tăng-già bằng cách im lặng. Đây là lời tác bạch.

Yết-ma căn cứ văn bạch tiến hành.

Bấy giờ, các bí-sô làm yết-ma quở trách Xiển-đà xong, Xiển-đà lại tạo tội nữa. Khi các bí-sô đến nói với Xiển-đà như trước, thầy lại gây phiền não cho Tăng-già bằng cách trả lời lại, hoặc là im lặng. Các bí-sô không biết phải làm như thế nào, nên bạch lên Phật. Phật dạy:

– Xiển-đà gây phiền não bằng cách chống lại lời dạy của Tăng-già, phạm ba-dật-để-ca. Nếu chống lại lời dạy của cá nhân, phạm tội ác tác.

Chú thích:

[1] Căn bản 28, p778a21: Ba-dật-để-ca 13, học xứ: Chống trái lời dạy, gây phiền não chúng.

[2] Hán: Tứ chủng ngữ 四種語, là không vọng ngữ, không ác khẩu, không nói hai lưỡi, không nói thêu dệt.

ÚP BÁT – ĐƠN BẠCH

Cụ thọ Ô-ba-ly thưa Thế Tôn:

– Bạch Đại đức, Thiện Hiền thuộc tộc Lật-cô-tỳ,[1] do bị mê hoặc bởi [492c01] ác tri thức nên báng bổ Thật Lực Tử[2] phạm ba-la-thị-ca. Các bí-sô không biết phải làm thế nào nên bạch lên Phật. Phật dạy:

– Hãy làm pháp yết-ma phú bát cho Thiện Hiền. Trường hợp tương tự khác cũng làm như vậy.

Trải tòa… cho đến sai một bí-sô tác yết-ma đơn bạch, căn cứ theo ở trước:

Đại đức Tăng-già xin lắng nghe! Thiện Hiền kia vu khống bí-sô thanh tịnh Thật Lực Tử bằng pháp ba-la-thị-ca không căn cứ. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng-già thì Tăng-già đồng ý. Nay Tăng-già tác pháp yết-ma úp bát đối với Thiện Hiền. Đây là lời tác bạch.

Chú thích:

[1] Lật-cô-tỳ 栗姑毘: Skt. Licchavi, là chủng tộc Sát-đế-lợi ở thành Tỳ-xá-li (Vaiśāli) miền Trung Ấn Độ, là một bộ của tộc Bạt-kỳ (Vrji). Ngũ phần 26, p174c5-6: Lô-di Lực Sĩ Tử 廬夷力士子; Tứ phần 53, p958c18: các đại Ly-xa 諸大離奢.

[2] Thật Lực Tử: xem cht. 2, tr. 189.

MỞ BÁT – ĐƠN BẠCH

Bấy giờ, các bí-sô tác yết-ma úp bát đối với Thiện Hiền xong, không biết phải làm thế nào nữa, nên bạch với Phật. Phật dạy:

– Này các bí-sô, từ nay trở đi, không được đến nhà ấy nữa, cho đến không thuyết pháp cho họ nữa.

Bấy giờ, Thiện Hiền nghe như vậy, sinh tâm tàm quý, đi đến chỗ Phật, lạy sát hai chân Phật, bạch rằng:

– Bạch Thế Tôn, vì bạn xấu ác dạy con nói ra những lời như vầy: “Bí-sô Thật Lực Tử không biết tàm quý, cùng vợ của con làm việc phi pháp, phạm ba-la-thị-ca”. Đây là do bạn ác bày bảo, chứ không phải ý của con.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các bí-sô:

– Thiện Hiền hủy báng Thật Lực Tử không phải do tự ý,[1] nên tác yết-ma mở bát cho Thiện Hiền. Các trường hợp tương tự khác căn cứ theo đây mà làm.

Trải tòa, đánh kiền chùy… bảo Thiện Hiền ngồi xổm, chắp tay, thưa như thế này:

Đại đức Tăng-già xin lắng nghe! Con là Thiện Hiền do bị ác tri thức dối gạt làm cho mê hoặc, dùng sự việc không thật vu khống cho Thật Lực Tử. Do nhân duyên này, Tăng-già đã tác yết-ma úp bát đối với con. Con là Thiện Hiền nay cầu xin Tăng-già cho con yết-ma mở bát. Ngưỡng mong Đại đức Tăng-già tác pháp yết-ma mở bát cho con. Xin các ngài thương tưởng, thương tưởng con.

Thưa ba lần như vậy… cho đến bảo họ đứng chắp tay chỗ thấy nhưng không nghe. Sai một bí-sô tác đơn bạch:

Đại đức Tăng-già xin lắng nghe! Thiện Hiền này bị ác tri thức dối gạt làm cho mê hoặc; vu khống Thật Lực Tử bằng pháp ba-la-thị-ca không căn cứ. Do nhân duyên này, Tăng-già đã tác yết-ma úp bát đối với Thiện Hiền. Nay Thiện Hiền cầu xin Tăng-già tác pháp yết-ma mở bát. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng-già thì Tăng-già đồng ý. Nay Tăng-già cho Thiện Hiền yết-ma mở bát. Đây là lời tác bạch.

Phật dạy:

– Này các bí-sô, sau khi tác yết-ma mở bát Thiện-Hiền rồi, được phép đến nhà ông ta để thọ thực [493a01]…, cho đến được thuyết pháp cho ông ta nghe, tất cả việc ấy đều không phạm.

Chú thích:

[1] Ngũ phần 26: do tỳ-kheo Từ Địa xúi giục.

CAN GIÁN NÓI LỜI THÔ ÁC – BẠCH TỨ

Cụ thọ Ô-ba-ly thưa Thế Tôn:

– Bạch Đại đức, hiện nay có bí-sô phạm nhiều tội. Bí-sô thân hữu muốn làm cho vị ấy sống lợi ích an lạc, bèn bảo rằng:

“Này cụ thọ, thầy đã phạm tội, nên như pháp sám hối.”

Vị kia trả lời: “Nếu có điều phải hối hận thì tôi tự biết lấy.” Rồi nói thêm: “Này các cụ thọ, đừng nói với tôi điều gì cả, dù tốt hay xấu. Tôi cũng không nói với các cụ thọ dù tốt hay xấu. Các Đại đức hãy dừng lại. Đừng khuyên bảo tôi và cũng đừng bàn luận về tôi.”

Các bí-sô không biết phải làm thế nào, bèn bạch Phật.

Phật dạy:

– Nên khuyên bảo riêng họ.

Khi các bí-sô khuyên bảo riêng, vị ấy vẫn cố chấp không bỏ. Các bí-sô đem việc này bạch lên với Phật. Phật dạy:

– Bạch tứ yết-ma can gián. Đánh kiền chùy, tác tiền phương tiện.

1. Tác bạch

Đại đức Tăng-già xin lắng nghe! Bí-sô tên… phạm nhiều tội. Khi các bí-sô y theo những lời Phật dạy trong Giới kinh như pháp như luật để can gián, với ác tánh, vị này không nhận lời cán gián, còn nói rằng: “Này các Đại đức, đừng nói với tôi điều gì cả, dù tốt hay xấu. Tôi cũng không nói với các Đại đức điều gì, dù tốt hay xấu. Các Đại đức hãy ngừng lại, đừng can gián tôi, đừng bàn luận về tôi. Khi các bí-sô can gián riêng thầy này, thầy cố chấp không bỏ, lại còn nói: “Điều tôi nói là sự thật, ngoài ra đều hư vọng.” Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng-già thì Tăng-già đồng ý. Nay Tăng-già bạch tứ yết-ma can gián bí-sô tên… vì có ác tánh, không nghe lời khuyên của Tăng-già. Đây là lời tác bạch.

2. Yết-ma

Thứ đến, tiến hành yết-ma.

Đại đức Tăng-già xin lắng nghe! Bí-sô tên… phạm nhiều tội. Khi các bí-sô y theo những lời Phật dạy trong Giới kinh như pháp như luật để can gián, với ác tánh, vị này không nhận lời cán gián, còn nói rằng: “Này các Đại đức, đừng nói với tôi điều gì cả, dù tốt hay xấu. Tôi cũng không nói với các Đại đức nói điều gì, dù tốt hay xấu. Các Đại đức hãy ngừng lại, đừng can gián tôi, đừng bàn luận về tôi”. Khi các bí-sô can gián riêng thầy này, thầy cố chấp không bỏ, lại còn nói: “Điều tôi nói là sự thật, ngoài ra đều hư vọng”.

Nay Tăng-già bạch tứ yết-ma can gián bí-sô tên… vì có ác tánh, không nghe lời khuyên của Tăng-già. Các cụ thọ đồng ý can gián bí-sô tên… vì ác tánh không nghe lời khuyên can gián của Tăng-già thì im lặng, vị nào không đồng ý thì nói.

Lần thứ hai, lần thứ ba cũng thưa như vậy.

Văn kết thúc yết-ma làm như thường lệ.

[493b01] Các bí-sô làm theo lời Phật dạy, y theo pháp để can gián. Bấy giờ, bí-sô này như trước đã nói, vẫn cố chấp không bỏ. Các bí-sô đem việc này bạch lên Phật.

Phật dạy:

– Bí-sô này phạm tội giống như trước đã nói.

YÊU CẦU CHẤM DỨT NÓI: DỤC, SÂN, SI, BỐ – BẠCH TỨ

Khi chúng Tăng tác pháp can gián Xiển-đà, Xiển-đà phỉ báng Tăng-già là có dục, sân, và si. Đại chúng nên tác pháp yết-ma yêu cầu chấm dứt. Nên tác pháp như sau:

1. Tác bạch

Đại đức Tăng-già xin lắng nghe! Bí-sô Xiển-đà, khi Tăng-già đã như pháp can gián, lại còn nói thế này: “Tăng-già có dục, sân, si”. Nay Tăng-già yết-ma yêu cầu Xiển-đà chấm dứt: “Thầy không được nói những lời phi pháp như vậy”. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng-già thì Tăng-già đồng ý. Nay Tăng-già yêu cầu bí-sô Xiển-đà chấm dứt không được nói những lời phi pháp. Đây là lời tác bạch.

2. Yết-ma

Yết-ma chuẩn theo văn bạch mà làm.

TÁC ĐIÊN CUỒNG – BẠCH NHỊ

Cụ thọ Ô-ba-ly thưa Thế Tôn:

– Bạch Đại đức, bí-sô Tây-yết-đa[1] bị bệnh điên cuồng lên cơn thất thường nên khi lễ bao-sái-đà, khi làm các yết-ma khác, hoặc ngay cả khi tùy ý,[2] thầy ấy lúc thì đến, khi thì không. Khi ấy, các bí-sô không thể tiến hành chấp pháp đối với người biệt trú, nên đem việc này bạch lên Phật. Phật dạy:

– Này các bí-sô, nên tác pháp điên cuồng cho bí-sô Tây-yết-đa. Nếu không tác pháp là thành biệt trú. Nếu có các trường hợp tương tự khác như vậy, đều nên căn cứ theo đây. Nên tác pháp như vầy:

Trải tòa, đánh kiền chùy, thưa hết trong chúng, bảo một bí-sô tác bạch rồi tiến hành yết-ma.

1. Tác bạch

Đại đức Tăng-già xin lắng nghe! Bí-sô Tây-yết-đa bị bệnh điên cuồng lên cơn thất thường, khi lễ bao-sái-đà, khi làm các yết-ma khác, hoặc ngay cả khi tùy ý, thầy ấy lúc thì đến, khi thì không, làm cho các bí-sô gần như biệt trú. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng-già thì Tăng-già đồng ý. Nay Tăng-già tác yết-ma điên cuồng đối với bí-sô Tây-yết-đa, để thầy ấy có đến hay đi vẫn không làm trở ngại cho pháp sự. Đây là lời tác bạch.

2. Yết-ma

Thứ đến yết-ma:

Đại đức Tăng-già xin lắng nghe! Bí-sô Tây-yết-đa bị bệnh điên cuồng lên cơn thất thường, nên khi bao-sái-đà, khi làm các yết-ma khác, hoặc cho đến khi tùy ý, thầy ấy lúc thì đến, khi thì không, làm cho các bí-sô gần như biệt trú. Nay Tăng-già tác yết-ma điên cuồng cho bí-sô Tây-yết-đa để thầy ấy có đến hay đi vẫn không làm trở ngại cho pháp sự. Các cụ thọ nào đồng ý tác yết-ma điên cuồng cho [493c01] bí-sô Tây-yết-đa để thầy ấy có đến hay đi vẫn không làm trở ngại cho pháp sự thì im lặng, vị nào không đồng ý thì xin nói. Tăng-già đã đồng ý tác yết-ma điên cuồng cho bí-sô Tây-yết-đa để thầy ấy có đến hay đi vẫn không làm trở ngại cho pháp sự vì im lặng. Nay tôi xin ghi nhận như vậy.

Nếu Tăng-già đã tác yết-ma điên cuồng cho bí-sô Tây-yết-đa rồi, thì Tăng-già tiếp tục làm trưởng tịnh, các yết-ma khác, cho đến tùy ý sự, không nên nghi ngờ.

Chú thích:

[1] Bí-sô Tây-yết-đa 西羯多: Skt. Sekata. Ngũ phần 18, p125c10: Già-già 伽伽; Thập tụng 22, p161a29: Thi-việt 施越. Pāli, Vin. i. 123, Gagga. Tứ phần 36, p823b17: tỳ-kheo Na-na-do 那那由; có thể dư từ “do” vì ảnh hưởng của sự ngắt từ sai.

[2] Tùy ý: xem cht. 3, tr. 90.

CHO BẤT SI – BẠCH TỨ

Lại nữa, bí-sô Tây-yết-đa[1] tâm trí cuồng loạn, khổ não phủ vây, lời nói phần nhiều trái với hành động, mất pháp Sa-môn, làm việc bất tịnh, miệng chảy nước miếng, xoay tròn con ngươi, lật ngược mí mắt, bộ dạng như say ngủ, người khác không bắt nạt nhưng lại nói người khác bắt nạt mình. Vị này vào một lúc khác, tâm trí trở lại bình thường. Các bí-sô đem những việc xấu ác lúc trước của vị ấy ra để trách hỏi. Chúng bí-sô đem việc này bạch lên Phật. Phật dạy:

– Này các bí-sô, nên tác bất si tỳ-nại-da[2] cho bí-sô Tây-yết-đa. Nếu có những trường hợp khác tương tự như vậy cũng căn cứ theo đây. Thưa như thế này:

1. Thưa thỉnh

Đại đức Tăng-già xin lắng nghe! Tôi là bí-sô Tây-yết-đa bị cuồng tâm loạn trí, khổ não trói buộc, lời nói phần nhiều trái với hành động, mất pháp Sa-môn, làm việc bất tịnh, miệng chảy nước miếng, xoay tròn con ngươi, lật ngược mí mắt, bộ dạng như say ngủ, người khác không bắt nạt nhưng lại nói người khác bắt nạt mình. Sau đó, tâm trí tôi trở lại bình thường. Các bí-sô đem việc xấu ác lúc trước để trách hỏi tôi. Tôi, bí-sô Tây-yết-đa, nay theo Tăng-già cầu xin bất si tỳ-nại-da. Ngưỡng mong các ngài thương tưởng, thương tưởng tôi.

Lần thứ hai, lần thứ ba cũng thưa như vậy.

2. Tác bạch

Thứ đến, một bí-sô tác bạch, rồi yết-ma:

Đại đức Tăng-già xin lắng nghe! Bí-sô Tây-yết-đa này tâm trí bị điên cuồng, khổ não bức bách, lời nói và hành động phần nhiều đều trái phạm, không thể tuân hành oai nghi của Sa-môn, miệng chảy nước miếng, xoay tròn con ngươi, lật ngược mí mắt, người khác không bắt nạt nhưng lại nói người khác bắt nạt mình. Giờ tâm trí của bí-sô Tây-yết-đa đã trở lại bình thường, nay cầu xin Tăng-già pháp bất si tỳ-nại-da. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng-già thì Tăng-già đồng ý. Nay Tăng-già cho bí-sô Tây-yết-đa pháp bất si tỳ-nại-da. Đây là lời tác bạch.

3. Yết-ma

Thứ đến yết-ma chuẩn theo văn bạch mà làm… cho đến câu: Nay tôi xin ghi nhận như vậy.

Chú thích:

[1] Tứ phần 47, p914b15: tỳ-kheo Nan-đề 比丘名難提.

[2] Bất-si tỳ-nại-da 不癡毘奈耶. Tứ phần: Bất si tỳ-ni 不癡毘尼. Pāli: amūhavinayo, chiết phục bằng sự bất si. Cf. Cūḷavagga iv (Vin. ii. 80).

CHO CẦU TẠ TỘI TÁNH – BẠCH TỨ[1]

Cụ thọ Ô-ba-ly thưa Thế Tôn:

– Bạch Đại đức, bí-sô Ha-tất-đa[2] sinh tâm khinh mạn đại chúng. Vị này đã phạm tội rồi, nhưng không chịu nhận tội. Các bí-sô vặn hỏi cũng không chịu phục tùng. Các bí-sô đem việc này bạch Phật.

Phật dạy:

– Này các bí-sô nên cho bí-sô Ha-tất-đa pháp cầu tội tự tánh tỳ-nại-da.[3] Nếu có những trường hợp tương tự như vậy, nên tác pháp như thế này: Tiến hành tiền phương tiện, căn cứ theo ở trước. Thứ đến, sai một bí-sô làm người bạch yết-ma:

1. Tác bạch

Đại đức Tăng-già xin lắng nghe! Bí-sô Ha-tất-đa này sinh tâm khinh mạn đại chúng, có tội nhưng không nhận. Các bí-sô vặn hỏi đến lại chống cự. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng-già thì Tăng-già đồng ý. Nay Tăng-già cho bí-sô Ha-tất-đa pháp cầu tội tự tánh tỳ-nại-da. Đây là lời tác bạch.

2. Yết-ma

Thứ đến yết-ma chuẩn theo văn bạch mà làm… cho đến câu: Nay tôi xin ghi nhận như vậy.

Phật dạy:

– Này các bí-sô, sau khi tác yết-ma cầu tội tự tánh cho vị đó xong, có những pháp đương sự cần phải làm, nay Ta sẽ dạy:

Không được cho người khác xuất gia.

Không được truyền giới cận viên (bí-sô) cho người khác.

Không được làm y chỉ.

Không được nuôi cầu tịch (sa-di).

Không được sai làm người giáo thọ cho ni. Nếu đã sai, phải hủy bỏ.

Không được cật vấn bí-sô, bảo họ phải ức niệm về phá giới, phá kiến, phá oai nghi, phá chánh mạng.

Không được làm trưởng tịnh (bố-tát).

Không được làm tùy ý (tự tứ).

Không được làm yết-ma đơn bạch, bạch nhị, bạch tứ.

Không được thuyết giới. Chừng nào không có người thuyết giới thì được thuyết giới.

Trên đây là những pháp dành cho bí-sô cầu tội. Nếu ai không hành đúng là phạm tội vượt pháp.

Chú thích:

[1] Căn bản 25, p760b16: Ba-dật-để-ca 1, học xứ: Cố ý vọng ngữ. Tứ phần 11, p634a9 v.v…

[2] Bí-sô Ha-tất-đa 訶悉多: Skt. hastaka. Tứ phần 11, p634a23: Tượng Lực 象力. Ngũ phần 6, p37b15: tỳ-kheo pháp sư Sa-lan 法師比丘名沙蘭. Tăng-kỳ 12, p324c08: Trưởng lão Thi-lị-da-bà 長老尸利耶婆. Thập tụng 7, p63b22: tỳ-kheo họ Thích Ha-đa 訶哆釋子比丘. Căn bản 25, p760b17: duyên khởi từ tôn giả La-hầu-la 具壽羅怙羅 (Cụ thọ La-hỗ-la), nhưng chưa chế giới; cho đến duyên khởi bởi tỳ-kheo Pháp Thủ 法手苾芻 mới chế giới. Pāli: Hatthako Sakyaputto.

[3] Cầu tội tự tánh tỳ-nại-da 求罪自性毘奈耶: Ngũ phần 23, tác bổn ngôn trị作本言治. Thập tụng: tác thật mích 作實覓. Tứ phần 47: tác tội xứ sở 作罪處所. P. Tassapāpiyyasikā, tìm kiếm tướng tội; khi người phạm tội không thú thật, trình bày mâu thuẫn thì nêu tội trạng của họ ra.

CHO ỨC NIỆM – BẠCH TỨ

Cụ thọ Thật Lực Tử bị bí-sô-ni Thiện Hữu vu khống việc không có thật. Các bí-sô tra hỏi sự việc này. Khi bị tra hỏi, Thật Lực Tử cảm thấy xấu hổ. Các bí-sô đem việc này bạch Phật.

Phật dạy:

– Này các bí-sô, nên tác pháp ức niệm tỳ-nại-da[1] cho Thật Lực Tử. Nếu có những trường hợp tương tự như vậy nên tác pháp như sau: Trải tòa… cho đến bảo đương sự ngồi xổm, chắp tay thưa:

1. Thưa thỉnh

Đại đức Tăng-già xin lắng nghe! Tôi là Thật Lực Tử bị bí-sô-ni Thiện Hữu vu khống việc không có thật. Bấy giờ, các bí-sô đem sự việc này tra hỏi. Khi bị tra hỏi, tôi cảm thấy xấu hổ. Tôi là Thật Lực Tử nay cầu xin Tăng-già cho ức niệm tỳ-nại-da. Ngưỡng mong các ngài thương tưởng, thương tưởng tôi.

[494b01] Lần thứ hai, lần thứ ba cũng thưa như vậy.

2. Tác bạch

Thứ đến, sai một bí-sô tác bạch, rồi yết-ma:

Đại đức Tăng-già xin lắng nghe! Thật Lực Tử bị bí-sô-ni Thiện Hữu vu khống việc không có thật nên sinh tâm xấu hổ. Nay Thật Lực Tử cầu xin Tăng-già cho ức niệm tỳ-nại-da.

Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng-già thì Tăng-già đồng ý. Nay Tăng-già cho Thật Lực Tử ức niệm tỳ-nại-da. Đây là lời tác bạch.

3. Yết-ma

Thứ đến tác yết-ma:

Đại đức Tăng-già xin lắng nghe! Thật Lực Tử bị bí-sô-ni Thiện Hữu vu khống việc không có thật nên sinh tâm xấu hổ. Nay Thật Lực Tử cầu xin Tăng-già cho ức niệm tỳ-nại-da. Nay Tăng-già cho Thật Lực Tử ức niệm tỳ-nại-da. Nếu các cụ thọ đồng ý cho Thật Lực Tử ức niệm tỳ-nại-da thì im lặng. Vị nào không đồng ý thì nói. Đây là yết-ma lần thứ nhất.

Lần thứ hai, lần thứ ba cũng thưa như vậy.

Tăng-già đã cho Thật Lực Tử ức niệm tỳ-nại-da rồi. Tăng-già đã đồng ý vì im lặng. Nay xin ghi nhận như vậy.

Chú thích:

[1] Ức niệm tỳ-nại-da 憶念毘柰耶: Ức niệm tỳ-ni 憶念比尼: P. Sativinaya, chiết phục bằng sự nhớ lại.

CHỌN NGƯỜI BÌNH CHÁNH – BẠCH NHỊ[1]

Khi phán quyết một tranh chấp, nếu đại chúng không thể giải quyết một cách ổn thỏa, thì nên chọn trong chúng ra mười hoặc mười hai vị Thượng tọa nào đó có đức công bằng chính trực để dập tắt tranh chấp. Nên tác pháp như sau:

1. Tác bạch

Đại đức Tăng-già xin lắng nghe! Hiện tại Tăng-già xảy ra tranh chấp không thể dập tắt được, nay Tăng-già muốn chọn trong chúng ra vài vị Thượng tọa bình chánh để dập tắt tranh chấp, mong được nhanh chóng chấm dứt. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng-già thì Tăng-già đồng ý. Nay Tăng-già muốn chọn trong chúng ra vài vị Thượng tọa bình chánh để dập tắt tranh chấp, mong được nhanh chóng chấm dứt. Đây là lời tác bạch.

2. Yết-ma

Yết-ma chuẩn theo văn bạch mà làm.

Sau khi tác yết-ma, nếu số người này dập tắt được tranh chấp thì thôi. Nếu không chặn đứng được, thì bầu chọn Thượng tọa bình chánh lại một lần nữa. Nên làm như sau:

Chú thích:

[1] Bình chánh nhân 平正人: Tứ phần 54, p971a11: bình đáng nhân 平當人. Ngũ phần 30, p193c21: đoán sự chủ 斷事主. P. ubbāhikāya, bồi thẩm đoàn.

CHỌN NGƯỜI BÌNH CHÁNH LẦN THỨ HAI – BẠCH NHỊ

1. Tác bạch

Đại đức Tăng-già xin lắng nghe! Nay trong Tăng-già có tranh chấp khởi lên. Tuy trong chúng đã chọn người bình chánh để mong dập tắt tranh chấp, nhưng không thể chấm dứt. Nay trong chúng chọn lại người dập tắt tranh chấp, đưa họ đến nơi khác, cho tranh chấp được dập tắt. [494c01] Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng-già thì Tăng-già đồng ý. Nay trong chúng chọn lại người dập tắt tranh chấp một lần nữa để đưa họ đến nơi khác, cho tranh chấp được dập tắt. Đây là lời tác bạch.

2. Yết-ma

Yết-ma chuẩn theo lời bạch mà thành.

CHUYỂN NGƯỜI TRANH TỤNG ĐẾN NƠI KHÁC – BẠCH NHỊ

Nếu tranh chấp trong chúng vẫn không chấm dứt, thì nên đưa người tranh chấp này đến chúng khác, như pháp dập tắt tranh chấp. Tiến hành như sau:

1. Tác bạch

Đại đức Tăng-già xin lắng nghe! Nay trong chúng phát sinh tranh chấp, nhiều lần không thể dập tắt. Vì để dập tắt hoàn toàn, nay Tăng-già muốn đưa bí-sô tên… là người tranh chấp giao cho chúng Tăng ở trú xứ… để họ diệt trừ tranh chấp. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng-già thì Tăng-già đồng ý. Nay Tăng-già muốn đưa cho bí-sô tên… là người tranh chấp giao cho chúng Tăng ở trú xứ… kia, để họ diệt trừ tranh chấp. Đây là lời tác bạch.

2. Yết-ma

Yết-ma căn cứ văn bạch mà làm.

Nếu sự tranh chấp kéo dài lâu ngày không thể trừ diệt, trong Tăng kết bè phái với nhau, phải làm thẻ pháp và thi hành giữa chúng. Bạch như sau:

Đại đức Tăng-già xin lắng nghe! Nay trong chúng này phát sinh tranh chấp, đã lâu nhưng không giải quyết được. Nay Tăng-già vì muốn dập tắt, nên thi hành thẻ pháp. Nếu thời gian thích hợp với Tăng-già thì Tăng-già đồng ý. Nay Tăng-già hành thẻ pháp. Đây là lời tác bạch.

Yết-ma chuẩn theo văn bạch mà làm.

Nếu yết-ma hành thẻ pháp rồi mà tranh chấp vẫn không chấm dứt, Tăng-già vẫn còn kết bè phái với nhau, thì áp dụng pháp diệt tránh như trong Đại luật[1] có trình bày rõ.

Chú thích:

[1] Đại luật 大律: là các bản luật thuộc Hữu bộ xếp trong tạng Đại chánh tập 23, 24.

KẾT TỊNH TRÙ – BẠCH NHỊ

Phật dạy:

– Này các bí-sô, nên kết tịnh trù.[1]

Bấy giờ, các bí-sô không biết phải kết tịnh trù như thế nào và có bao nhiêu loại.

Phật dạy:

– Tổng quát có năm loại tịnh trù. Năm loại đó là gì? 1. Sinh tâm làm; 2. Cùng nhau ấn trì; 3. Như trâu nằm; 4. Chỗ cũ phế bỏ; 5. Tác bỉnh pháp[2] (Đây có thể kết chung hoặc kết riêng một bên).

1. Sinh tâm làm: Khi bí-sô tri sự hay người thế tục tạo phòng. Lúc đặt móng đá, tâm nghĩ: “Nay tại trú xứ này sẽ làm tịnh trù cho Tăng-già ”.

2. Cộng ấn trì: Cùng nhau xác định, bí-sô tri-sự khi muốn hưng công dựng móng đá, bảo với các bí-sô đang ở chung rằng: “Này các cụ thọ, xin quý vị cùng liễu tri cho, nay tại chỗ này sẽ làm tịnh trù cho Tăng-già”.

3. Như trâu nằm: Phòng không đúng tiêu chuẩn, dùng tạm thời. [495a01]

4. Chỗ cũ phế bỏ: Chỗ không sử dụng.

(Hai loại trên không thấy dùng nhiều. Ba loại còn lại thường thấy sử dụng. Hoặc kết luôn phòng trong chùa, hoặc qui định riêng một chỗ, đều không trở ngại. Như chùa Na-lan-đà thì kết chung một nhà trù, kết lấy một chỗ xa về phía bắc. Đây có thể tùy theo sở thích từng nơi để làm đều được cả. Những chỗ khác có nói rộng).

5. Chúng cùng kết[3] (tác bỉnh pháp): Đại chúng cùng đồng ý tiến hành bạch nhị yết-ma, nên kết như vầy: trước hết xác định nơi không có trở ngại và nguy hiểm; phạm vi từ chỗ tận cùng nhất trong nội giới và cương giới bên ngoài một tầm sẽ kết tịnh trù. Tăng-già đồng ý thì ngay tại chỗ này trải tòa, đánh kiền chùy… cho đến sai một bí-sô tác yết-ma:

1. Tác bạch

Đại đức Tăng-già xin lắng nghe! Nay tại trú xứ này đã sửa chữa xong, lấy phạm vi từ chỗ tận cùng nhất trong nội giới và cương giới bên ngoài một tầm kết làm tịnh trù. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng-già thì Tăng-già đồng ý. Nay Tăng-già tại trú xứ đã sửa chữa xong, phạm vi từ chỗ tận cùng nhất trong nội giới và cương giới bên ngoài một tầm kết làm tịnh trù. Đây là lời tác bạch.

2. Yết-ma

Đại đức Tăng-già xin lắng nghe! Nay tại trú xứ đã sửa chữa xong, lấy phạm vi từ nơi tận cùng trong nội giới và cương giới bên ngoài một tầm, kết làm tịnh trù. Nay Tăng-già tại trú xứ đã sửa chữa xong này, lấy phạm vi từ nơi tận cùng trong nội giới và cương giới bên ngoài một tầm kết làm tịnh trù. Nếu các cụ thọ đồng ý, ngay tại trú xứ đã tu sửa xong này, lấy phạm vi từ nơi tận cùng trong nội giới và phạm vi bên ngoài một tầm kết làm tịnh trù thì im lặng, vị nào không đồng ý thì xin nói. Tăng-già đã đồng ý ngay tại trú xứ đã tu sửa xong này, lấy phạm vi từ nơi tận cùng trong nội giới và phạm vi bên ngoài một tầm kết làm tịnh trù vì im lặng. Nay tôi xin ghi nhận như vậy.

Tăng-già sau khi đã cùng nhau kết tịnh trù xong, thì ngay tại trú xứ này được hai điều lợi lạc:

1. Ngoài cương giới được chứa và trong cương giới được nấu.

2. Trong cương giới được chứa và ngoài cương giới được nấu đều không có lỗi.

Lúc bắt đầu lập chùa, khi giăng dây xác định vị trí, ngay tại bốn hướng chùa, nên đặt gạch đá để làm chỗ xác định. Ngay lúc ấy, nếu có điều kiện thuận lợi, nên tiến hành yết-ma hoặc khi ấy đại chúng nên nói thế này: “Tôi dự định sẽ kết làm tịnh trù trong phạm vi từ góc chùa này đến cương giới bên ngoài”.

Lần thứ hai, lần thứ ba cũng thưa như vậy là thành tác tịnh trù.

Bấy giờ có bí-sô Sư Tử muốn ăn đường cát. Phật dạy:

– Thời và phi thời, bệnh hay không bệnh đều tùy ý ăn (Các nước Tây Vực khi làm đường cát đều pha bột gạo, như làm đường cục đều có sữa và dầu. Phật cho phép dùng phi thời, vì phòng thô tướng và nuôi lớn đạo hạnh, bổ ích cho thân thể. Các xứ ở Nam Hải, nấu nước từ các loại cây có chất ngọt làm đường, phi thời đều được ăn. Căn cứ lý này thì đường mạch nha ở xứ này – [495b01] Đông Hạ – phi thời cũng được dùng. Tại sao mía thì cho là thời, mà nước trái cây ép là phi thời. Gạo mì, tuy gọi là chính thời, mạch nha không cho dùng quá ngọ. Xét kỹ ra, tuy có lý này, nhưng khi làm không được buông lung theo ý mình. Nước ép cô lại cho đặc thì không cho phép dùng phi thời. Mật nấu với khoai sắn cũng được liệt vào điều cấm này).

Chú thích:

[1] Tịnh trù 淨厨: Theo qui chế của Phật, trong địa phận Tăng-già-lam không được phép đun nấu. Song do trường hợp một tỳ-kheo bị bệnh tiêu chảy, nhờ người trong thành nấu cháo. Nhưng tối hôm đó có duyên sự cổng thành đóng sớm, không ai vào lấy cháo được nên đêm đó tỳ-kheo ấy mệnh chung. Nhân cớ này Phật cho kết tịnh địa trong địa phận Tăng già-lam để tạm thời đun nấu. Có thể chọn bất cứ khu đất trống nào hay bất cứ phòng nào kết làm tịnh trù (Tứ phần 43, p874c, Kiền-độ Dược). Chữ Hán nói tịnh trong tịnh trù, tịnh khố, tác tịnh, đều dịch ý tiếng Phạn kalpa (P. kappa), nghĩa chính là “tư duy phân biệt” (Nghĩa Tịnh dịch là phân biệt), theo đó, vật tịnh, hay được tác tịnh, là vật được chỉ định (hợp thức hoá) cho sử dụng đặc biệt nào đó. Chữ tịnh như vậy không liên quan gì đến ô uế hay thanh tịnh..

[2] Hán: Bỉnh pháp tác 秉法作. Bỉnh pháp: xem cht. 1, tr. 120.

[3] Hán: Chúng kết tác 眾結作.

Y (VẢI)

Như Thế Tôn dạy:

– Này các bí-sô, phải sử dụng y cắt rọc.

Bấy giờ, có bí-sô được y bằng lông lớn nhiều lớp nên đem dao, kéo, ban ngày đến trú xứ để cắt rọc. Thế Tôn đến chỗ vị này hỏi:

– Thầy đang làm gì vậy?

Bí-sô này đem sự việc bạch Phật. Phật dạy:

– Này các bí-sô, có năm loại y không nên cắt rọc: 1. Loại thảm dày; 2. Mền dày dệt bằng lông; 3. Mền kết nhiều tấm thô dày nặng; 4. Vải thô mắt chim. (Người ở các nước phía Tây không mặc bá nạp); 5. Vải nhỏ cắt sẽ không đủ.

Năm loại vải này Ta cho phép các bí-sô được xếp gấp lại mà mang. Trong năm loại này, trừ loại thứ năm được phép lấy nệm dày xếp vào loại thứ năm, là năm loại không cần phải cắt rọc. (Có người cho rằng dùng ngọa cụ làm ba y, điều này tuy cũng có thể gọi là nghĩ sâu đấy, nhưng thật ra chỉ là ức đoán chủ quan. Luật nói: Ngọa cụ là tấm nệm lót ngủ, làm sao cắt ra để dùng làm ba y? Cắt rọc như vậy không hợp lý. Ở đây xin được nói rõ, chứ e là cứ ôm mối nghi ngờ như vậy, nên mới ghi chú thêm.)

Như Thế Tôn dạy: Các bí-sô không được dùng ngọa cụ của Tăng nếu không có tấm bọc.

Bấy giờ, nhóm sáu bí-sô dùng loại vải nhơ bẩn, mồ hôi, mỏng, hư nát để bọc ngọa cụ của Tăng. Thế Tôn vào buổi sáng, mặc y ôm bát, đi vào thành Bệ-xá-ly khất thực, cụ thọ A-nan-đà làm thị giả. Thế Tôn thấy một người bày lưng đen sạm. Ngài hỏi A-nan-đà:

– Thầy có thấy người bày lưng đen sạm không?

A-nan-đà đáp:

– Dạ thấy, bạch Thế Tôn.

Phật dạy:

– Người này trong quá khứ xuất gia trong chánh giáo của đức Như Lai Ca-nhiếp-ba, ông ta tự tiện dùng vật xấu để bọc ngọa cụ của Tăng. Do ác báo của nghiệp đen thời ấy, ông ta bị đọa địa ngục, sinh được làm người thì năm trăm đời lưng bị đen sạm là do lỗi lầm kia.

Thế nên, bí-sô không nên dùng vật thưa mỏng, hư nát, nhơ bẩn để bọc ngọa cụ của Tăng. Nếu là vật dày có thể dùng một lớp, nếu là loại mỏng phải dùng hai lớp bọc lại mới được dùng. Ai không làm như vậy, phạm tội vượt pháp.

Bấy giờ, có bí-sô dùng vật nhiều màu làm ni-sư-đãn-na[1] để sử dụng, lại làm thêm tua vải dài. Hàng Bà-la-môn và người thế tục thấy vậy chê cười.

Phật dạy:

– Ngọa cụ nên làm hai lớp và nhuộm cho hoại sắc, hoặc màu xanh lam (luật văn không cho màu xanh đậm đẹp, tùy lúc nhuộm cho mất màu), hoặc màu bùn (Quảng luật giải thích: màu bùn có thể là màu đất đỏ, đá đỏ, hoặc đúng màu bùn, nhưng không được dùng màu toàn đen, màu này là của ngoại đạo), hoặc màu kiền-đà (tiếng Phạn gọi là ca-sa-dã,[2] dịch là màu đỏ sẫm). Chỗ phần thứ ba [495c01] phải cắt may lại thành lá, bốn bên có biên (Ngọa cụ trước kia vốn bọc bằng vải nỉ, sợ thấm mồ hôi, nên chiều dài cao hơn người, chiều rộng như chiếc chiếu nhỏ, mức lượng được ghi rõ trong Quảng văn, còn ý chính như ở đây là chẳng phải dùng để lễ bái. Vấn đề phải-trái sẽ thuật rõ ở các chỗ khác).

Như Thế Tôn dạy: Lợi dưỡng có tám trường hợp. Thế nào là tám?

1. Giới sở đắc lợi.

2. Lập chế sở đắc lợi.

3. Y chỉ sở đắc lợi.

4. An cư sở đắc lợi.

5. Tăng-già sở đắc lợi.

6. Bí-sô sở đắc lợi.

7. Đối diện sở đắc lợi.

8. Định xứ sở đắc lợi.

1. Giới sở đắc lợi: là ngay trong một cương giới có phạm vi rõ ràng, hoặc trong hai hay nhiều cương giới, tùy theo một nơi nào đó thu nhận được lợi dưỡng đều phải căn cứ vào các vị cựu trú ở trong cương giới ấy để cùng nhau phân chia.

2. Lập chế sở đắc lợi: là các bí-sô cùng sống tùy theo một nhóm hay không tùy theo một nhóm, cùng nhau lập quy ước: Sau này chúng ta an cư ở trú xứ, làng xóm, phố phường, đường phố nào đó, thì nhà này thuộc về tôi, nhà kia thuộc về thầy. Khi được vật lợi dưỡng thì y cứ vào quy ước trên để thu nhận. Nói đầy đủ như trong Đại luật. (Tùy theo một nhóm là chỉ cho trường hợp tùy thuận bè đảng Đề-bà-đạt-đa.[3] Không tùy theo một nhóm chỉ cho đệ tử Phật. Và ở đây do tùy trú xứ nào thì phân chia vật dụng trong trú xứ đó, chứ không phải hai nơi rồi phân chia thành hai chúng. Hiện nay trú xứ phương Tây vẫn còn chủng tộc [nhóm] Thiên Thọ xuất gia [Đề-bà-đạt-đa], nghi thức, học tập tam tạng đa phần đồng với giáo lý Phật, cho đến [quan niệm] năm đường luân hồi, sinh thiên, giải thoát đều rất giống nhau. Họ không ở trong tinh xá chùa lớn, sống nơi gò đống ở thôn làng, khất thực tự sống; phần nhiều tu tịnh hạnh, dùng hồ lô làm bát, y phục chỉ hai tấm khăn, màu vải nhàu cũ, không ăn bơ sữa. Họ ở chùa Na-lan-đà rất đông, thấy họ nghe đủ loại kinh điển.

Có lần tôi [Nghĩa Tịnh] hỏi họ: “Nghi dung, cách thức của thầy rất giống bậc đại sư, nhưng sao vẫn còn thấy có chỗ quái dị, có vẻ giống với Thiên Thọ? Lẽ nào thầy là dòng dõi của Thiên Thọ?” Người đó đáp: “Tổ của tôi chẳng phải Thiên Thọ.” E rằng họ sợ người ta khinh khi nên tránh né về mình có thân thuộc. Tuy phần nhiều giống với Phật pháp nhưng nhìn chung sự hành trì thì giáo lý Thánh chế có phân đôi đường, mỗi mỗi tự hành riêng và có sự cúng dường riêng. Có khác gì ngoại đạo chấp đoạn chấp thường, vọng chấp tự nhiên, nói suông sự chứng ngộ; giờ ăn lúc ngồi lung tung, đồng tục không khác, hàng xu phụ lấy đó làm gương, qua lại nhiễm xúc, sông Kính, Vị cùng dòng.[4] Vì thế, bậc cao thượng cần xem xét điều này, đừng giống họ. Nên hiểu sâu việc này.)

3. Y chỉ sở đắc lợi: là y chỉ theo nam, nữ, hay bán-trạch-ca để an cư, nhờ vào họ mà được lợi dưỡng.

4. An cư sở đắc lợi: lợi vật nhận được trong mùa an cư này tùy sự cúng dường của thí chủ.

5. Tăng-già sở đắc lợi: là vật đã được quyết định, nhưng không phân cụ thể. Vật này thí chủ đem đến quyết định cúng cho Tăng, nhưng trong ấy không phân biệt cụ thể vật này cúng cho người an cư mùa hạ hay vật này cho người hiện tiền. Trường hợp này nên hỏi lại thí chủ.

6. Bí-sô sở đắc lợi: vật đã được quyết định và phân cụ thể. Những người trú ở trong phòng, viện, được thọ dụng lợi vật này. [496a01]

7. Đối diện sở đắc lợi: là những lợi vật được nhận trực tiếp từ người cúng dường.

8. Định xứ sở đắc lợi: nơi của đức Bổn sư một đời hành hóa. Tổng cộng có tám chỗ, gọi là tám chế-để[5] lớn:

Một, nơi Phật giáng sinh, rừng Lam-tỳ-ni[6] ở thành Kiếp-tỳ-la-phạt-tốt-đổ.[7]

Hai, nơi Phật thành đạo, trên tòa kim cương dưới gốc bồ-đề, rừng pháp a-lan-nhã,[8] nước Ma-yết-đà.[9]

Ba, nơi Phật chuyển pháp luân, tại rừng Thí lộc chỗ tiên nhân đọa,[10] nước Bà-la-nê-tư.[11]

Bốn, nơi Phật niết-bàn, giữa hai cây Sa-la, ở thành Câu-thi-na.[12]

Năm, vườn Trúc Lâm, núi Thứu Phong, tại thành Vương Xá.[13]

Sáu, trong giảng đường Cao Các,[14] bên bờ hồ Di Hầu,[15] tại thành Quảng Nghiêm.[16]

Bảy, tại vườn Cấp Cô Độc, rừng Thệ-đa, thành Thất-la-phạt.[17]

Tám, tại tụ lạc Bình Lâm,[18] nơi đức Phật từ thiên giới bước xuống nhân gian.

Từ chỗ thứ nhất đến chỗ thứ tư là định xứ. Từ chỗ thứ năm đến chỗ thứ tám là bất định xứ.

Nếu dự định đem vật cúng dường chỗ đản sinh thì nên cúng dường chỗ ấy, không nên di chuyển nơi khác.

Nếu không có khả năng đưa đến ba nơi kia thì tùy trường hợp cúng dường một chỗ. Ba chỗ còn lại cũng theo đây mà suy ra. Bốn chỗ chế-để sau cùng không đồng với trường hợp này.

Chú thích:

[1] Ni-sư-đãn-na 尼師但那: Skt. niṣīdana, P. nisīdana, Hán dịch phu tọa 敷坐, phu cụ 敷具, tọa cụ 坐具, là khăn trải để ngồi.

[2] Ca-sa-dã 袈裟野: Skt. kaṣāya.

[3] Đề-bà-đạt-đa 提婆達多: Skt./P. Devadatta, dịch là Thiên Thọ 天授.

[4] Hán: Kính, Vị 涇渭: sông Kính bắt nguồn từ tỉnh Cam Túc, chảy vào tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Sông Vị bắt nguồn từ tỉnh Cam Túc, chảy qua tỉnh Thiểm Tây đổ vào sông Hoàng Hà, Trung Quốc. Sông Kính đục, sông Vị trong, vì thế phân biệt thanh trọc gọi là kính vị 涇渭.

[5] Chế-để: xem cht. 2, tr. 154.

[6] Rừng Lam-tỳ-ni 嵐毘尼林: Skt. Luṁbinī, dịch giải thoát xứ (nơi giải thoát).

[7] Kiếp-tỳ-la-phạt-tốt-đổ 劫比羅伐窣覩: Skt. Kapilavastu, thường gọi Ca-tỳ-la-vệ, dịch chỗ ở người tiên tóc vàng… Nay là vùng Tilorakot gần biên giới nước Nepal.

[8] Pháp a-lan-nhã 法阿蘭若: a-lan-nhã, Skt. araṇya, P. arañña, dịch là rừng vắng, cũng là nơi nói pháp bổn lai tịch tĩnh thậm thâm…, do vậy mà gọi nơi pháp a-lan-nhã (pháp a-lan-nhã xứ 法阿蘭若處).

[9] Ma-yết-đà 摩揭陀國: Skt.=P. Magadha, 1 trong 16 nước lớn thời đức Phật. Vị trí hiện nay nằm phía Đông bắc Ấn Độ, giữa bang Bihar và Jharkhand.

[10] Hán: Tiên nhân đọa xứ Thí lộc lâm trung 仙人墮處施鹿林中. Đại tì-bà-sa luận 183, T27n1545, p917a28: “Xưa có năm trăm tiên nhân bay trên hư không, đến chốn này gặp nhân duyên thối thất (thấy các thể nữ khỏa thân động lòng dục) rơi xuống nơi này. Và xưa quốc vương Phạm-đạt-đa lấy rừng này cho bầy nai nên gọi rừng Thí lộc (rừng cho nai).” Vị trí hiện nay là Sārnāth, cách thành phố Varanasi 6 cây số về mạn Bắc, thuộc Bắc Ấn Độ.

[11] Bà-la-nê-tư 婆羅痆斯: Skt. Vārāṇasī, P. Bārāṇasī, hay gọi Ba-la-nại, nay là thành phố Benares, cũng là Varanasi.

[12] Câu-thi-na 拘尸那: P. Kusinārā (Skt. Kuśinagara, Kuśinagarī, Kuśigrāmaka, 拘尸那竭: Câu-thi-na-kiệt). Thủ phủ của người Mạt-la.

[13] Thành Vương Xá: xem cht. 1, tr. 244.

[14] Hán: Cao các đường 高閣堂, P. kūṭāgārasālā, ngôi nhà sàn dùng làm nhà hội. Tứ phần và Thiện kiến dịch là Cao các giảng đường 高閣講堂. Trường a-hàm 11, T01n1, p66a24: Tập pháp đường 集法堂. Tạp a-hàm 3, T02n99, p20b29…: Trùng các giảng đường 重閣講堂…

[15] Hán: Di Hầu trì 獼猴池: Skt. Markaṭa hrada. Di Hầu là một giống khỉ nhỏ. Nhất thiết kinh âm nghĩa 59, T54n2128, p699b18 nói: ao khỉ bên cạnh vườn Am-la nước Tỳ-xá-ly (Trung Ấn Độ), ngày xưa đàn khỉ tập họp đào ao cho đức Phật. Tỳ-ni quan yếu 3, X40n720, p505b1 giải thích: loài Di Hầu này thường đến bên sông (ao) tắm rửa, nên gọi là sông Di hầu.

[16] Thành Quảng Nghiêm 廣嚴城: hay gọi Tỳ-xá-ly, Phệ-xá-ly, Tỳ-da-ly… (Xem cht. 1, tr. 244).

[17] Thành Thất-la-phạt: xem cht. 1, tr. 17.

[18] Tụ lạc Bình Lâm 平林聚落: (?)

GIỮ ĐỒ VẬT CỦA NGƯỜI CHẾT – ĐƠN BẠCH

Bấy giờ cụ thọ Ô-ba-nan-đà đã qua đời, tất cả tài sản vật dụng để lại giá trị ba ức tiền vàng. Bí-sô ở sáu đô thành lớn tập hợp về đều nói rằng:

“Tôi được dự phần chia các vật này”.

Các bí-sô không biết phải giải quyết như thế nào, đem sự việc bạch Phật.

Phật dạy:

– Bí-sô nào có mặt trong năm lúc này thì được phân. Thế nào là năm?

1. Có mặt khi đánh kiền chùy tập hợp.

2. Có mặt khi đọc ba lần khải bạch.

3. Có mặt khi lễ bái chế-để.

4. Có mặt khi kiểm số.

5. Có mặt khi tác bạch.

Có mặt trong năm lúc này thì được chia phần. Nên tiến hành như sau: Trải tòa, đánh kiền chùy, chúng Tăng tập họp xong, sai một bí-sô tác yết-ma đơn bạch. Trước khi tác pháp, phải hỏi người nuôi bệnh và người sống chung, để biết người này có nợ ai vật gì không? và có ai nợ vật gì với người này không? Sau khi giải quyết xong, tiến hành tác bạch:

Đại đức Tăng-già xin lắng nghe! Bí-sô Ô-ba-nan-đà mạng chung ở đây, có những tài sản hiện tại và không hiện tại, gồm y và các vật khác, nay tiến hành cất giữ. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng-già thì Tăng-già đồng ý. Nay Tăng-già cùng cất giữ chung những tài sản [496b01] hiện tại và không hiện tại gồm y và các vật khác của bí-sô Ô-ba-nan-đà vừa mất. Đây là lời tác bạch.

Sau khi tác pháp đơn bạch xong, các bí-sô hiện diện trong cương giới đều được phân chia các vật kia. Nếu không tác pháp thì đức Thế Tôn và chúng đệ tử Thanh văn hiện trú trong cõi châu Thiệm-bộ,[1] hoặc trú xứ khác đều được có phần.

Đây là nghi thức phân vật của bí-sô qua đời. Đồng thời, nên biết rằng, nếu gặp việc ồn ào rắc rối, khó tập trung chúng Tăng, khai cho tác pháp đầu và cuối. Nghĩa là nên đưa cho vị Thượng tọa lớn nhất mười tiền và vị nhỏ nhất năm tiền. Ghi nhớ như vậy.

Chú thích:

[1] Châu Thiệm-bộ 贍部洲: Skt. Jambu-dvīpa, P. Jambu-dīpa. Thiệm-bộ (Jambu) là tên cây táo hồng; giống cây này sinh trưởng ở Ấn Độ. Trước đây Thiệm-bộ vốn chỉ riêng cho Ấn Độ, về sau chỉ chung cho thế giới nhân gian.

CỬ (BÍ-SÔ) QUẢN LÝ VẬT DỤNG CỦA NGƯỜI QUA ĐỜI – ĐƠN BẠCH

Nếu trong mùa hạ (an cư) có nạn duyên, nên sai một bí-sô làm người quản lý y vật của bí-sô qua đời. Đại chúng tập hợp xong trước tiên hỏi:

– Thầy tên… có thể vì Tăng làm người quản lý y vật của bí-sô qua đời không?

Người kia đáp:

– Được.

Sai một bí-sô tác đơn bạch yết-ma:

Đại đức Tăng-già xin lắng nghe! Bí-sô tên… này có thể vì Tăng-già làm người quản lý y vật của bí-sô qua đời. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng-già thì Tăng-già đồng ý. Nay sai bí-sô tên… làm người quản lý y vật của bí-sô qua đời. Đây là lời tác bạch.

Như Thế Tôn dạy, bất hòa yết-ma và hòa yết-ma. Thế nào là bất hòa yết-ma? Nghĩa là, các bí-sô khi cùng tác yết-ma, trong một cương giới, chúng Tăng không tập hợp lại hết, người phải gửi sự tùy thuận (gửi dục) nhưng không gửi sự tùy thuận; tuy tập hợp lại hết, người đủ điều kiện quở trách đã quở trách, nhưng không ngừng lại; vẫn cố làm yết-ma. Như vậy gọi là bất hòa yết-ma.

Thế nào là hòa yết-ma? Nghĩa là, các bí-sô cùng nhau trong một cương giới, khi tác pháp yết-ma đều cùng nhau tập hợp đông đủ; người phải gửi sự tùy thuận có gửi; người đủ điều kiện quở trách đã quở trách, khi được quở trách thì ngừng lại. Như vậy gọi là hòa hợp yết-ma.

Cụ thọ Ô-ba-ly thưa Thế Tôn:

– Bạch Đại đức, có bao nhiêu hạng người nói nhưng không cần ghi nhận, quở trách nhưng không thành quở trách?

Phật dạy:

– Có mười hai hạng người.

Thế nào là mười hai?

1. Vô tàm; 2. Có tỳ vết; 3. Ngu; 4. Si; 5. Không phân minh; 6. Lời nói không thiện xảo; 7. Ở ngoài cương giới; 8. Bị loại bỏ; 9. Nói không thứ tự; 10. Xả uy nghi; 11. Mất bản tánh; 12. Người thọ học.

(Xem giải thích đủ trong [Hữu bộ] Ni-đà-na mục-đắc-ca).

– Bạch Đại đức, có bao nhiêu hạng người lời nói phải được ghi nhận, quở trách được thành quở trách?

Phật dạy:

– Có bốn hạng người. [496c01] Thế nào là bốn?

1. Giữ nguyên bản tính; 2. Ở trong cương giới; 3. Không xả uy nghi; 4. Lời nói có thứ tự.

    Xem thêm:

  • Giới Kinh Căn Bản Của Thuyết Nhứt Thiết Hữu Bộ - Luật Tạng
  • Giới Kinh Căn Bản Bật Sô Ni Của Thuyết Nhứt Thiết Hữu Bộ - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 16. Diệt Tránh - Luật Tạng
  • Pháp Thức Căn Bản Của Thuyết Nhứt Thiết Hữu Bộ Tì Nại Da Về Việc Tự Tứ - Luật Tạng
  • Cương Yếu Giới Luật – Phần 1C - Luật Tạng
  • Căn Bản Thuyết Nhứt Thiết Hữu Bộ Ni Đà Na Mục Đắc Ca - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 13 - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 12 - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 9. Câu Thiểm Di - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 11. Khiển Trách - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 14. Già Yết Ma - Luật Tạng
  • Cương Yếu Giới Luật – Phần 1B - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 1: Giới Tỳ Kheo – Chương 8. Bảy Diệt Tránh - Luật Tạng
  • Pháp Thức Căn Bản Của Thuyết Nhứt Thiết Hữu Bộ Tì Nại Da Về Việc Xuất Gia - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Trọn Bộ 40 Quyển - Luật Tạng
  • Giới Tì Kheo Ni Trong Luật Tứ Phần – Thích Trí Quang dịch - Luật Tạng
  • Pháp Thức Căn Bản Của Thuyết Nhứt Thiết Hữu Bộ Tì Nại Da Về Yết Sỉ Na Y - Luật Tạng
  • Bước Tới Thảnh Thơi phần 1 – Thi Kệ Thực Hành Chánh Niệm - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 37 - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 11 - Luật Tạng