1
2
3
4
5
6
7
8
9
10

Quyển 5

Hiệu chính và chú thích: Thích Nguyên An – Thích Tâm Nhãn – Thích Đạo Luận

CÙNG LỢI DƯỠNG NHƯNG THUYẾT GIỚI (BỐ-TÁT) RIÊNG TRONG NĂM NĂM – BẠCH NHỊ

Cụ thọ Ô-ba-ly thưa Thế Tôn:

– Bạch Đại đức, tại tụ lạc… có trưởng giả tạo lập một trú xứ, đầy đủ vật cần dùng, cúng dường cho tứ phương Tăng-già.

Bấy giờ, trưởng giả bị vua bắt giam. Các bí-sô nghe vậy bỏ chùa đi nơi khác. Nhân đó giặc lấy trộm vật của Tam bảo và các tư cụ khác. Khi trưởng giả được thả về, biết chùa bị giặc cướp nên thưa với các bí-sô:

– Thưa Thánh giả, do nhân duyên gì Thánh giả bỏ chùa đi nơi khác?

Bí-sô đáp:

– Tôi nghe trưởng giả bị vua bắt giữ nên sợ hãi bỏ chùa đi nơi khác.

Trưởng giả nói:

– Tôi có thân quyến, họ có thể cung cấp, tại sao quý ngài lại bỏ đi?

Các bí-sô không biết phải làm thế nào, đem sự việc bạch Phật. Phật dạy:

– Hỏi thân quyến của họ, nếu cung cấp được thì tốt. Nếu họ không thể cung cấp được thì các bí-sô bạch nhị yết-ma, cùng những chùa gần bên thọ hưởng lợi dưỡng chung nhưng trưởng tịnh riêng trong năm năm. Trước hết báo cáo chùa kia biết, sau đó tiến hành trải tòa, tác tiền phương tiện, rồi bảo một bí-sô bạch nhị yết-ma:

1. Tác bạch

Đại đức Tăng-già lắng nghe! Hiện nay, thí chủ tên… tạo lập chùa ở trú xứ này, bị vua bắt giữ. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng-già thì Tăng-già đồng ý. Nay Tăng-già ở trú xứ này cùng trú xứ tên… hưởng chung lợi dưỡng nhưng trưởng tịnh riêng trong năm năm. Đây là lời tác bạch.

2. Yết-ma

Thứ đến tác yết-ma:

Đại đức Tăng-già lắng nghe! Nay thí chủ tên… tạo lập chùa ở trú xứ này, bị vua giam giữ. Nay Tăng-già ở trú xứ này cùng trú xứ tên… đồng hưởng lợi dưỡng chung, nhưng trưởng tịnh riêng trong năm năm. Nếu các cụ thọ đồng ý trú xứ này cùng trú xứ kia hưởng lợi dưỡng chung nhưng trưởng tịnh riêng trong năm năm thì im lặng. Nếu vị nào không đồng ý thì nói.

Tăng-già đã đồng ý trú xứ này cùng trú xứ kia hưởng lợi dưỡng chung nhưng trưởng tịnh riêng trong năm năm. Tăng-già đã đồng ý vì im lặng. Nay tôi xin ghi nhận như vậy.

(Nếu có các duyên sự khác, thì tùy sự việc cụ thể để tác pháp).

THÔNG BÁO ĐẾN CÁC NHÀ CƯ SĨ – BẠCH NHỊ

Cụ thọ Ô-ba-ly thưa Thế Tôn:

– Bạch Đại đức, nếu có bí-sô, bí-sô-ni ở nhà thế tục, làm những chuyện phi pháp, khiến người thế tục mất lòng tin, khởi tâm khinh miệt, biếm nhẻ. Các bí-sô không biết phải làm như thế nào?

Phật dạy:

– Này các bí-sô, nên sai một bí-sô đủ năm đức đến nhà thế tục, nói lên những hành động phi pháp của hai người kia, tiến hành theo trình tự: Trải tòa, tiến hành tiền phương tiện xong, đầu tiên, hỏi người có khả năng:

Bí-sô tên… có thể đến nhà thế tục nói lên những hành động phi pháp của bí-sô Quảng Ngạch và bí-sô-ni Tùng Cán[1] không?

Đáp: – Được.

Sai một bí-sô bạch yết-ma:

1. Tác bạch

– Đại đức Tăng-già lắng nghe! Bí-sô tên… có thể đến nhà thế tục, nói lên những hành động phi pháp của bí-sô Quảng Ngạch và bí-sô-ni Tùng Cán. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng-già thì Tăng-già đồng ý. Nay Tăng-già sai bí-sô… đến các nhà thế tục nói lên những hành động phi pháp của bí-sô Quảng Ngạch và bí-sô-ni Tùng Cán. Đây là lời tác bạch.

2. Yết-ma

Thứ đến tác yết-ma.

– Đại đức Tăng-già lắng nghe! Bí-sô… này có thể đến nhà thế tục nói lên những hành động phi pháp của bí-sô Quảng Ngạch và bí-sô-ni Tùng Cán. Nay Tăng-già sai bí-sô… đến nhà thế tục nói lên những hành động phi pháp của bí-sô Quảng Ngạch và bí-sô-ni Tùng Cán. Nếu các cụ thọ đồng ý sai bí-sô… đến các nhà thế tục nói lên những hành động phi pháp của bí-sô Quảng Ngạch và bí-sô-ni Tùng Cán thì im lặng. Nếu vị nào không đồng ý thì nói.

Nay Tăng-già đồng ý sai bí-sô… đến các nhà thế tục nói lên hành động phi pháp của bí-sô Quảng Ngạch và bí-sô-ni Tùng Cán xong. Tăng-già đã đồng ý vì im lặng. Nay tôi xin ghi nhận như vậy.

Chú thích:

[1] Bí-sô Quảng Ngạch, bí-sô-ni Tùng Cán 廣額苾芻松幹苾芻尼. Luật nhiếp 9, T24n1458, p575c24: Bí-sô Quảng Ngạch, bí-sô-ni Tùng Thọ 廣額苾芻松樹苾芻尼

NÓI THÔ TỘI CỦA NGƯỜI KHÁC – ĐƠN BẠCH

Bấy giờ các bí-sô vâng lời Phật dạy, làm bạch nhị yết-ma, sai một bí-sô đến các nhà thế tục, nói lên những hành động phi pháp của hai người kia. Bí-sô Quảng Ngạch nghe việc ấy đến hỏi các bí-sô:

– Quý vị đến nhà thế tục nói những lầm lỗi của tôi phải không?

Bí-sô kia đáp:

– Tôi được phép của chúng Tăng sai đến nhà thế tục nói lên những lầm lỗi của thầy.

Quảng Ngạch nói:

– Ta sẽ gây bất lợi cho ngươi. Ta mổ bụng ngươi, móc ruột ngươi quấn quanh rừng Thệ-đa. Chặt đầu ngươi treo trước cổng chùa.

Các bí-sô nghe vậy bạch Phật. Phật dạy:

– Người kia có thể khinh thường một người, chứ không thể khinh thường chúng Tăng. Nên tác pháp đơn bạch, rồi tập họp chúng Tăng cùng nhau đến nhà thế tục nói lên những sai trái của họ. Đánh kiền chùy, tác tiền phương tiện, bảo một bí-sô tác pháp đơn bạch yết-ma:

Đại đức Tăng-già lắng nghe! Bí-sô Quảng Ngạch cùng bí-sô-ni Tùng Cán làm những việc phi pháp ở nhà người thế tục, khiến họ mất tín tâm. Nay không có cá nhân nào có thể đến nhà thế tục để nói lên những lỗi lầm của họ. Nay Tăng-già cùng nhau đến nhà thế tục nói lên những hành động phi pháp của hai người này. Nên nói như thế này: “Quý vị nên biết rằng, bí-sô Quảng Ngạch cùng bí-sô-ni Tùng Cán phá hoại Thánh giáo, bản thân bị tổn hại, như hạt giống bị cháy không thể sinh mầm, không thể sinh trưởng trong chánh pháp luật. Quý vị nên quán sát những việc làm của đức Như Lai Ứng cúng chánh biến tri và các Đại bí-sô như A-nhã Kiều-trần-như[1] v.v… Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng-già thì Tăng-già đồng ý. Nay Tăng-già cùng nhau đến nhà thế tục nói lên những hành động phi pháp của bí-sô Quảng Ngạch và bí-sô-ni Tùng Cán. Đây là lời tác bạch.

Sau khi tác bạch, đi đến từng nhà nói như vậy.

Cụ thọ Ô-ba-ly thưa thỉnh Thế Tôn:

– Bạch Đại đức, các bí-sô vì hai người kia tác pháp đơn bạch và cũng đến từng nhà người thế tục thông báo xong. Giờ không biết phải làm thế nào, bạch Phật.

Phật dạy:

– Bảo những người tại gia không nên cung cấp y phục, thức ăn, thuốc men. Không được cung cấp tất cả vật dụng cần dùng cho người phạm tội.

Chú thích:

[1] A-nhã Kiều-trần-như 阿若憍陳如: P. Aññāta Koṇḍañña.

CAN GIÁN PHÁ TĂNG – BẠCH TỨ[1]

Cụ thọ Ô-ba-ly thưa thỉnh Thế Tôn:

– Bạch Đại đức! Đề-bà-đạt-đa vì danh lợi đến gặp ngài Ca-nhiếp-ba[2] thưa rằng: “Bạch Đại đức, xin giảng thuyết cho tôi về thần thông”. Lúc đó Ca-nhiếp-ba không quán sát tâm vị ấy nên giảng dạy về thần thông. Đề-bà-đạt-đa nghe pháp xong, tinh cần tu tập suốt đêm. Vào cuối đêm, nương vào thế tục đạo, chứng Sơ tĩnh lự, phát thần thông. Sau khi đắc thần thông, Đề-bà-đạt-đa khởi ác niệm, bảo với bốn người bạn:

Các vị, bốn người hãy cùng tôi phá hòa hợp Tăng của Sa-môn Kiều-đáp-ma, và phá luôn pháp luân. Sau khi ta chết đời sau sẽ truyền tụng tiếng tốt về ta khắp cả mười phương.

Bàn xong Đề-bà-đạt-đa cùng bốn người bạn tìm cách phá hòa hợp Tăng và phá pháp luân. Chúng bí-sô biết việc này bạch Phật. Phật dạy:

– Này các bí-sô, nên vì họ mà can gián riêng.

Khi các bí-sô can gián riêng, họ vẫn cố chấp không bỏ. Họ còn nói việc làm của họ là chân thật, ngoài ra đều là hư vọng. Các bí-sô trình bày việc này lên Phật. Phật dạy:

– Này các bí-sô, nên tác pháp bạch tứ yết-ma để can gián Đề-bà-đạt-đa. Nếu có người nào như vậy cũng can gián theo trình tự: Trải tòa, tiến hành tiền phương tiện, sai một bí-sô bạch yết-ma như sau:

1. Tác bạch

Đại đức Tăng-già lắng nghe! Đề-bà-đạt-đa (Thiên Thọ) muốn phá hòa hợp Tăng-già, gây ra việc đấu tranh, sống một cách phi pháp. Các bí-sô đã vì họ can gián riêng. Khi can gián riêng, họ cố chấp không bỏ, còn nói việc làm của họ là chân thật, ngoài ra là hư vọng.

Nay Tăng-già dùng pháp bạch tứ yết-ma để can gián Đề-bà-đạt-đa:

“Này Đề-bà-đạt-đa, đừng phá hòa hợp Tăng-già, gây ra đấu tranh, sống phi pháp. Này Đề-bà-đạt-đa, nên cùng Tăng-già hòa hợp hoan hỷ không tranh cãi, đồng tâm nhất trí, hòa hợp như nước với sữa, để giáo pháp của bậc Đại sư được xán lạn, sống trong an lạc.”

Nếu thời gian thích hợp với Tăng-già thì Tăng-già đồng ý. Nay Tăng-già làm bạch tứ yết-ma để can gián việc phá Tăng của Đề-bà-đạt-đa. Đây là lời tác bạch.

2. Yết-ma

Thứ đến tác pháp yết-ma:

Đại đức Tăng-già lắng nghe! Đề-bà-đạt-đa muốn phá hòa hợp Tăng, gây ra tranh đấu và sống phi pháp. Các bí-sô đã can gián riêng. Khi can gián riêng, họ cố chấp không bỏ, còn nói là việc làm họ là đúng, ngoài ra đều hư vọng.

Nay Tăng-già dùng pháp bạch tứ yết-ma để can gián Đề-bà-đạt-đa: “Này Đề-bà-đạt-đa, đừng phá hòa hợp Tăng-già, gây ra tranh đấu và sống phi pháp. Này Đề-bà-đạt-đa, nên cùng với Tăng-già hòa hợp hoan hỷ, không tranh cãi, đồng tâm nhất trí, hòa hợp như nước với sữa, để giáo pháp của bậc Đại sư được xán lạn, sống trong an lạc.

Nếu các cụ thọ đồng ý trao cho Đề-bà-đạt-đa pháp bạch tứ yết-ma can gián việc phá Tăng thì im lặng. Nếu ai không đồng ý thì nói ra. Đây là yết-ma lần thứ nhất.

Lần thứ hai, lần thứ ba cũng thưa như vậy.

Nay Tăng-già đã bạch tứ yết-ma can gián việc Đề-bà-đạt-đa phá Tăng. Tăng-già đã đồng ý vì im lặng. Nay tôi xin ghi nhận như vậy.

Chú thích:

[1] Căn bản 14, p700b1: Tăng-già-phạt-thi-sa 10, học xứ: Phá Tăng chống trái sự can gián.

[2] Ca-nhiếp-ba: Thập-lực Ca-diếp(nhiếp)-ba 十力迦葉(攝)波: Skt. Daśabala-kāśyapa, P. Dasabala-kassapa, một trong 5 vị bí-sô được Phật hóa độ đầu tiên.

CAN GIÁN NGƯỜI TRỢ GIÚP PHÁ TĂNG – BẠCH TỨ[1]

Bấy giờ các bí-sô vâng lời Phật dạy, tác pháp yết-ma can gián Đề-bà-đạt-đa. Đề-bà-đạt-đa đã bị Tăng yết-ma nhưng vẫn cố chấp không bỏ. Ông ta lại có bốn người bạn giúp đỡ, là Cô-ca-lý-ca, Khiên-đồ-đạt-phiêu, Yết-tra-mô-lạc-ca-để-sái, [475c01] Tam-một-đạt-la-đạt-đa.[2] Họ đều thuận theo việc phá Tăng-già của Đề-bà-đạt-đa. Các bí-sô đem việc này bạch Phật. Phật dạy:

– Này các bí-sô, nên can gián riêng bốn người kia.

Khi các bí-sô can gián họ, họ nói: “Các Đại đức đừng luận thuyết tốt xấu với Đề-bà-đạt-đa. Vì sao? Vì lời nói của Đề-bà-đạt-đa thuận theo pháp luật.” Bốn bí-sô này khi được can gián vẫn cố chấp ác kiến không bỏ. Các bí-sô đem sự việc này bạch Phật. Phật dạy:

– Này các bí-sô, bạch tứ yết-ma can gián bốn người kia. Nên can gián theo trình tự: Trải tòa, tác tiền phương tiện. Thứ đến sai một bí-sô bạch tứ yết-ma theo như sau:

1. Tác bạch

Đại đức Tăng-già lắng nghe! Các bí-sô Cô-ca-lý-ca, Khiên-đồ-đạt-phiêu, Yết-tra-mô-lạc-ca-để-sái, Tam-một-đạt-la-đạt-đa biết rõ Đề-bà-đạt-đa muốn phá hòa hợp Tăng-già, gây ra việc tranh đấu và sống phi pháp. Khi bốn người này tùy thuận việc phá Tăng-già của Đề-bà-đạt-đa xong. Các bí-sô vì họ can gián riêng. Khi can gián riêng, bốn người Cô-ca-lý-ca v.v… nói:

“Các Đại đức đừng luận thuyết tốt xấu với Đề-bà-đạt-đa. Vì sao? Vì lời nói của Đề-bà-đạt-đa thuận theo pháp luật, nói lời với nhận thức đúng, không nói lời với nhận thức sai. Vị ấy ưa thích điều gì, tôi cũng ưa thích điều ấy.”

Bốn người Cô-ca-lý-ca v.v… cố chấp không bỏ, nói rằng: Việc làm của họ là đúng, ngoài ra đều là sai. Nay Tăng-già bạch tứ yết-ma can gián bốn người Cô-ca-lý-ca v.v… trợ giúp Đề-bà-đạt-đa phá hòa hợp Tăng-già: “Này bốn người Cô-ca-lý-ca v.v… chớ trợ giúp Đề-bà-đạt-đa phá hòa hợp Tăng-già, gây ra sự tranh đấu, sống phi pháp. Này bốn người Cô-ca-lý-ca v.v… nên hòa hợp cùng Tăng-già, hoan hỷ không tranh cãi, đồng tâm nhất trí, hòa hợp như nước với sữa, để giáo pháp của bậc Đạo sư được xán lạn, sống trong an lạc.”

Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng-già thì Tăng-già đồng ý. Nay Tăng-già bạch tứ yết-ma can gián bốn người Cô-ca-lý-ca v.v… đã hỗ trợ việc pháp Tăng-già của Đề-bà-đạt-đa. Đây là lời tác bạch.

2. Yết-ma

Thứ đến tác yết-ma, chuẩn theo lời bạch mà làm.

Chú thích:

[1] Căn bản 15, p704b27: Tăng-già-phạt-thi-sa 11, học xứ: Tùy thuận phá Tăng chống trái lời can gián.

[2] 孤迦里迦 (Cao-ca-lê-ca 高迦梨迦), 褰荼達驃, 羯吒謨洛迦底灑, 沒達羅達多: Vin.ii. 196: Kokālika, Kaṭamoraka-tissa, Khaṇḍadeviyā-putta, Samuddadatta.

TÁC PHÁP HỌC GIA – ĐƠN BẠCH[1]

Cụ thọ Ô-ba-ly thưa Thế Tôn:

– Bạch Đại đức! Trưởng giả Sư Tử trước đây theo ngoại đạo, nhân vì gặp được Phật, nghe giáo pháp, ngay tại chỗ ngồi đoạn trừ phiền não mê hoặc, [476a01] chứng quả Dự lưu. Vị ấy đối với Tam bảo tâm ý hoan hỷ thuần thiện, phát khởi lòng tin thâm sâu. Vị ấy thường vui đem tài sản của mình bố thí, đến nỗi bị nghèo khó, nên người thế tục chê bai. Các bí-sô không biết phải làm thế nào?

Phật dạy:

– Này các bí-sô, nên tác pháp yết-ma học gia cho trưởng giả Sư Tử, ngăn các bí-sô đến nhà vị ấy. Trải tòa, tác tiền phương tiện. Bảo một bí-sô tác đơn bạch:

Đại đức Tăng-già lắng nghe! Trưởng giả Sư Tử lòng tin kiên cố, ý thuần thiện hoan hỷ đối với Tam bảo, đem tài sản hiện có đều bố thí, ai đến xin cũng không có tâm hối tiếc. Vì nhân duyên này mà y phục, thực phẩm khánh kiệt. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng-già thì Tăng-già đồng ý. Nay Tăng tác pháp yết-ma học gia cho trưởng giả Sư Tử. Đây là lời tác bạch.

Sau khi tác pháp, bí-sô nào đến nhà học gia để khất thực, bị tội vượt pháp.[2]

Chú thích:

[1] Căn bản 50, p900a9: Ba-la-để đề-xá-ni 3, học xứ: Thọ thực từ học gia. Học gia 學家. Thập tụng: chỉ gia đình đã đắc Sơ quả. Pāli: sekkhasammatāni kulāni, những gia đình đã được xác nhận là hữu học; giải thích: đó là gia đình tăng trưởng với tín, nhưng tổn giảm với tài sản.

[2] Tội vượt pháp: xem cht. 2, tr. 20.

XẢ PHÁP HỌC GIA – ĐƠN BẠCH

Sau khi tác pháp học gia cho trưởng giả Sư Tử xong, các bí-sô không đến nhà vị ấy nhận thức ăn nữa.

Sau đó, trưởng giả Sư Tử siêng năng canh tác, không bao lâu kho vựa tràn đầy sung túc hơn trước. Trưởng giả thấy gia nghiệp phát đạt, nghĩ đến việc cúng dường phước điền như trước. Ông ta đến gặp Phật, ân cần xin phép được cúng dường. Phật đồng ý, bảo trưởng giả đem sự việc này bạch lên cho Thượng tọa biết.

Theo nghi thức đánh kiền chùy, tập hợp Tăng-già, ngồi xổm trước Thượng tọa bạch rằng:

– Đại đức Tăng-già lắng nghe! Con là Sư Tử, lòng tin kiên cố, ý thuần thiện hoan hỷ đối với Tam bảo, đem tài sản hiện có đều bố thí, ai đến xin cũng không có tâm hối tiếc; do nhân duyên này mà y phục, thực phẩm khánh kiệt, dẫn đến bần cùng. Tăng-già thấy vậy sinh tâm từ mẫn, tác pháp học gia cho con để các Thánh chúng không đến nhà con. Hiện nay, tài sản của con sung túc trở lại, nay xin Tăng-già tác pháp xả học gia. Ngưỡng mong Đại đức Tăng-già vì con giải pháp học gia. Xin các ngài thương tưởng, thương tưởng con. (Thưa ba lần).

Sau khi thưa, đảnh lễ chúng Tăng rồi lui ra. Tăng sai một bí-sô tác pháp đơn bạch:

Đại đức Tăng-già lắng nghe! Trưởng giả Sư Tử lòng tin kiên cố, ý hoan hỷ thuần thiện đối với Tam bảo. Đem tài sản hiện có đều bố thí, ai đến xin [476b01] cũng không có tâm hối tiếc. Do nhân duyên này mà y phục, thực phẩm khánh kiệt. Cho nên Tăng-già vì trưởng giả kia tác yết-ma học gia, ngăn các bí-sô đến nhà vị ấy nhận thức ăn, nước uống. Hiện nay, trưởng giả đã có thức ăn, y phục đầy đủ lại. Nay cầu xin Tăng-già giải yết-ma học gia. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng-già thì Tăng-già đồng ý. Nay Tăng-già vì trưởng giả giải yết-ma học gia. Đây là lời tác bạch.

Các bí-sô tác pháp giải yết-ma học gia cho trưởng giả Sư Tử xong, không biết phải làm gì nữa nên bạch Phật. Phật dạy:

– Các thầy được phép đến nhà vị ấy nhận thức ăn nước uống không phạm.

THỊ SÁT ĐƯỜNG ĐI NGUY HIỂM TRONG RỪNG – BẠCH NHỊ[1]

Cụ thọ Ô-ba-ly thưa Thế Tôn:

– Bạch Đại đức, vào ngày mãn hạ an cư có các cư sĩ Bà-la-môn đưa thức ăn ngon đến cúng dường Thánh chúng, và họ dẫn theo mấy cô gái hầu, nửa đường họ bị giặc cướp. Các bí-sô ở a-lan-nhã phải đi khất thực, đi nửa đường thấy có thức ăn, (mấy người nữ họ Thích-ca) sai những cô gái hầu đang lộ hình[2] ra dâng thức ăn, khiến những cô gái này xấu hổ. Bấy giờ Bà-la-môn[3] mới nói với bí-sô:

– Nơi rừng nguy hiểm, tại sao không sai người xem xét giữ gìn để chúng tôi đem thức ăn đến không bị giặc cướp.

Các bí-sô không biết làm thế nào.

Phật day:

– Bạch nhị yết-ma, sai một bí-sô đủ năm pháp[4] đến nơi rừng nguy hiểm xem xét để đề phòng. Tác tiền phương tiện, căn cứ theo trước, để làm:

1. Tác bạch

Đại đức Tăng-già lắng nghe! Bí-sô tên… có thể đến chỗ rừng nguy hiểm sợ hãi để quan sát kỹ đường đi. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng-già thì Tăng-già đồng ý. Nay Tăng-già sai bí-sô… làm người quan sát đến chỗ rừng có sự nguy hiểm sợ hãi kia. Đây là lời tác bạch.

2. Yết-ma

Yết-ma chuẩn theo văn tác bạch.

Chú thích:

[1] Căn bản 50, p900c23: Ba-la-để đề-xá-ni 4, học xứ: Thọ thực ngoài trú xứ a-lan-nhã.

[2] ibid.: Những người nữ họ Thích-ca và cả mấy cô hầu đều bị cướp trấn lột quần áo, xấu hổ mắc cỡ núp trong bụi cây, lùm cỏ, để thức ăn bên ngoài. Khi các bí-sô thấy hỏi, mấy người nữ họ Thích-ca sai mấy cô hầu cũng đang lõa thể ra dâng cúng thức ăn…

[3] ibid.: Những người nam họ Thích hỏi.

[4] ibid.: Năm pháp, không ái, không sân, không sợ, không si.

TRAO HỌC PHÁP CHO NGƯỜI (PHẠM BA-LA-THỊ-CA) – BẠCH TỨ[1]

Cụ thọ Ô-ba-ly thưa Thế Tôn:

– Bạch Đại đức, nay có bí-sô tên Hoan Hỷ,[2] không xả học xứ, hành dâm dục, phá hủy phạm hạnh nhưng không che giấu chút nào cả. Như bị tên độc cắm vào ngực, tâm ý rất đau khổ; không biết phải làm thế nào?

Phật dạy:

– Này các bí-sô, cho bí-sô Hoan Hỷ học xứ trọn đời.[3] Nếu có những trường hợp như vậy xảy ra thì căn cứ theo đây để áp dụng: Đánh kiền chùy, tập họp Tăng v.v… bảo [476c01] bí-sô Hoan Hỷ đến trước Thượng tọa, ngồi xổm chắp tay, cầu xin như thế này:

1. Thưa thỉnh

Đại đức Tăng-già lắng nghe! Tôi bí-sô Hoan Hỷ không xả học xứ, hành dâm dục, phá hủy phạm hạnh. Tôi bí-sô Hoan Hỷ không có chút tâm niệm nào che giấu. Nay tôi cầu xin Tăng-già học xứ trọn đời. Ngưỡng mong Đại đức Tăng-già cho tôi là Hoan Hỷ được học xứ trọn đời. Xin các ngài thương tưởng, thưởng tưởng tôi.

(Thưa như vậy ba lần).

Tăng bảo bí-sô Hoan Hỷ đến đứng ở chỗ mắt thấy nhưng tai không nghe Tăng tác pháp. Tăng sai một vị bí-sô tác pháp yết-ma:

2. Tác bạch

Đại đức Tăng-già lắng nghe! Bí-sô Hoan Hỷ không xả học xứ, phá hủy phạm hạnh, hành dâm dục, nhưng không có một chút tâm ý nào che giấu cả. Nay cầu xin Tăng-già cho học xứ trọn đời. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng-già thì Tăng-già đồng ý. Nay Tăng-già cho bí-sô Hoan Hỷ được học xứ trọn đời. Đây là lời tác bạch.

3. Yết-ma

Đại đức Tăng-già lắng nghe! Bí-sô Hoan Hỷ không xả học xứ, phá hủy phạm hạnh, hành dâm dục, nhưng không có một chút tâm ý nào che giấu cả. Nay cầu xin Tăng-già học xứ trọn đời. Nay Tăng-già cho bí-sô Hoan Hỷ học xứ trọn đời. Nếu các cụ thọ đồng ý cho bí-sô Hoan Hỷ được học xứ trọn đời thì im lặng. Nếu vị nào không đồng ý thì nói ra.

Lần thứ hai, lần thứ ba cũng thưa như vậy.

Tăng-già đã cho bí-sô Hoan Hỷ học xứ trọn đời rồi vì đây im lặng. Nay tôi xin ghi nhận như vậy.

Chú thích:

[1] Tỳ-nại-da tạp sự 10, T24n1451, p245a21; Thập tụng 1, T23n1435, p2c29.

[2] Thập tụng 1, p2c29: Tỳ-kheo tên Nan-đề 難提 (Skt. Nanda, dịch Hoan Hỷ).

[3] Thập tụng 1, p3b1: Nghĩa là người này cùng học lại pháp của sa-di. Tất cả pháp mà Phật kết từ trước tới giờ đều phải thọ hành lại. Người này phải ngồi dưới các tỳ-kheo, phải hầu cơm, nước, thuốc thang cho đại tỳ-kheo. Người này theo sa-di, bạch y dùng cơm nước… Cho học sa-di là không được tính vào số bố-tát, tự tứ, yết-ma. Tất cả pháp yết-ma họ không được làm.

CHO THẬT LỰC TỬ Y – ĐƠN BẠCH[1]

Cụ thọ Ô-ba-ly thưa Thế Tôn:

– Bạch Đại đức, bí-sô Thật Lực Tử[2] được Tăng-già hoà hợp sai người phân ngọa cụ và thức ăn cho Tăng-già. Vị này có tín tâm, ý hoan hỷ thuần thiện, vì chúng Tăng phục vụ không từ lao nhọc. Đối với Tam bảo, vị ấy có tài sản gì vị ấy đều đem dâng cúng. Vì vậy nên ba y của vị ấy hư rách. Không biết phải làm như thế nào.

Phật dạy:

– Này chúng bí-sô, nên tập họp chúng Tăng hoà hợp tác pháp đơn bạch cho Thật Lực Tử y như sau:

Đại đức Tăng-già lắng nghe! Bí-sô Thật Lực Tử có tín tâm, ý hoan hỷ thuần thiện; làm người phục vụ cho Tăng không từ lao nhọc. Đối với Tam bảo, có tài sản gì vị ấy đều đem dâng cúng. Do dâng cúng như vậy, ba y của vị ấy đều bị hư hoại. Hiện nay Tăng có vải nên đưa cho bí-sô Thật Lực Tử may y. [477a01] Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng-già thì Tăng-già đồng ý. Nay Tăng-già đưa vải này cho Thật Lực Tử may y. Đây là lời tác bạch.

Phật dạy:

– Này các bí-sô, sau khi đã tác pháp đơn bạch, nên đem vải này cho Thật Lực Tử là điều đúng pháp.

Chú thích:

[1] Căn bản 27, p774b27: Ba-dật-để-ca 9, học xứ: Chê bai lợi vật của chúng Tăng.

[2] Thật Lực Tử 實力子. P. Dabba Mallaputta.

KHINH CHÊ HUỶ BÁNG TRƯỚC MẶT – BẠCH TỨ[1]

Cụ thọ Ô-ba-ly thưa Thế Tôn:

– Bạch Đại đức, bí-sô Thật Lực Tử được Tăng sai phân ngọa cụ và chia phần ăn cho Tăng. Hai bí-sô Hữu, Địa[2] có thù oán nhiều đời với Thật Lực Tử, nghiệp duyên hai bên chưa hết. Cho nên hai bí-sô này đã khinh chê hủy báng ngay trước mặt Thật Lực Tử. Các bí-sô không biết phải làm thế nào.

Phật dạy:

– Này các bí-sô, nên tác pháp yết-ma quở trách hai bí-sô Hữu, Địa đã khinh chê hủy báng trước mặt Thật Lực Tử. Nếu có trường hợp như vậy cũng xử lý như sau: Đánh kiền chùy, tác tiền phương tiện, bảo một bí-sô tác bạch yết-ma theo trình tự:

1. Tác bạch

Đại đức Tăng-già lắng nghe! Hai bí-sô Hữu, Địa này biết Tăng-già đã hòa hợp sai bí-sô Thật Lực Tử phân ngọa cụ và thức ăn cho Tăng. Nhưng hai bí-sô Hữu, Địa này khinh chê hủy báng trước mặt Thật Lực Tử. Nếu thời gian thích hợp với Tăng-già thì Tăng-già đồng ý. Nay Tăng-già quở trách hai bí-sô Hữu, Địa đã khinh chê hủy báng trước mặt Thật Lực Tử. Đây là lời tác bạch.

2. Yết-ma

Đại đức Tăng-già lắng nghe! Hai bí-sô Hữu, Địa này biết Tăng đã hoà hợp sai Thật Lực Tử phân ngọa cụ và thức ăn cho Tăng. Hai người này lại khinh khi hủy báng trước mặt Thật Lực Tử. Nay Tăng-già quở trách hai bí-sô Hữu, Địa đã khinh chê hủy báng trước mặt Thật Lực Tử. Nếu các cụ thọ đồng ý quở trách hai bí-sô Hữu, Địa đã khinh chê hủy báng trước mặt Thật Lực Tử thì im lặng. Nếu vị nào không đồng ý thì nói.

Lần thứ hai, lần thứ ba cũng thưa như vậy.

Tăng-già đã đồng ý việc quở trách hai bí-sô Hữu, Địa đã khinh khi hủy báng trước mặt Thật Lực Tử xong. Tăng-già đã đồng ý vì im lặng. Nay tôi xin ghi nhận như vậy.

Chú thích:

[1] Căn bản 28, p777a22: Ba-dật-để-ca 12, học xứ: Hủy báng khinh tiện.

[2] Hai bí-sô Hữu, Địa 友地二苾芻: P. Mettiya, Bhummaja.

MƯỢN CỚ KHINH TIỆN HỦY BÁNG – BẠCH TỨ[1]

Khi các bí-sô vâng lời Phật dạy tác yết-ma quở trách hai bí-sô Hữu, Địa xong, một thời gian khác, hai người ấy (mượn chuyện khác) không nêu thẳng tên, [477b01] trước mặt Thật Lực Tử hủy báng khinh khi. Các bí-sô nghe vậy bạch Phật. Phật dạy:

– Này các bí-sô, nên tác yết-ma quở trách cho hai người Hữu, Địa vì mượn việc khác, không nêu thẳng tên, ngay trước mặt Thật Lực Tử hủy báng khinh khi. Tiến hành tác pháp như sau:

1. Tác bạch

Đại đức Tăng-già lắng nghe! Hai bí-sô Hữu, Địa đã biết Tăng hòa hợp sai Thật Lực Tử phân ngọa cụ và thức ăn cho Tăng, nhưng hai bí-sô này mượn việc khác, không nêu thẳng tên, ngay trước mặt Thật Lực Tử hủy báng khinh khi. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng-già thì Tăng-già đồng ý. Nay Tăng-già quở trách hai bí-sô Hữu, Địa đã mượn việc khác, không nêu thẳng tên hủy báng khinh khi. Đây là lời tác bạch.

2. Yết-ma

Thứ đến tác pháp yết-ma:

Đại đức Tăng-già lắng nghe! Hai bí-sô Hữu, Địa đã biết Tăng-già hoà hợp sai Thật Lực Tử phân ngọa cụ và thức ăn cho Tăng, nhưng hai bí-sô này mượn việc khác, không nêu thẳng tên, ngay trước mặt Thật Lực Tử hủy báng khinh khi. Nay Tăng-già quở trách hai bí-sô Hữu, Địa mượn việc khác, không nêu thẳng tên, hủy báng khinh khi. Nếu các cụ thọ đồng ý quở trách hai bí-sô Hữu, Địa đã mượn việc khác, không nêu thẳng tên hủy báng khinh khi thì im lặng. Nếu vị nào không đồng ý thì nói ra.

Lần thứ hai, lần thứ ba cũng thưa như vậy.

Tăng-già đã đồng ý quở trách hai bí-sô Hữu, Địa mượn việc khác, không nêu thẳng tên, hủy báng khinh khi. Tăng đã đồng ý vì im lặng. Nay tôi xin ghi nhận như vậy.

Sau khi Tăng-già tác yết-ma cho hai bí-sô ấy, nhưng họ vẫn tìm mọi cách mượn cớ để bôi bác ngay trước mặt Thật Lực Tử. Các bí-sô bạch Phật. Phật dạy:

– Sau khi yết-ma, nếu ai không từ bỏ hành động sai ấy thì phạm tội ba-dật-để-ca. Ngay mười hai hạng người được Tăng sai khiến, nếu bôi bác họ cũng bị tội. Nếu biết mười hai hạng người này được Tăng sai đã xong, mà chửi rủa họ cũng bị tội ác tác.

Chú thích:

[1] Căn bản 28: Ba-dật-để-ca 12.

NHÂN DUYÊN ỨC NHĨ

1. Tăng-già biên địa

Bấy giờ cụ thọ Ức Nhĩ[1] từ chỗ ngồi đứng dậy, chắp tay thưa Phật:

– Bạch Đại đức, Ca-đa-diễn-na[2] là Thân giáo sư[3] của con, ở nước biên giới, bảo con đảnh lễ Thế Tôn, thăm hỏi sức khỏe của Thế Tôn và mượn lời Thế Tôn thăm hỏi các bí-sô sinh hoạt đi lại có được an lạc không?

Bạch Đại đức, Thân giáo sư của con có năm việc [477c01] kính cẩn thưa hỏi với Thế Tôn. Ngưỡng mong Thế Tôn từ bi quyết đoán cho việc ấy.

Bạch đại đức, ở quốc độ biên giới có ít bí-sô, nếu truyền thọ cận viên khó đủ túc số Tăng mười người.

Bạch Đại đức, nếu ở những quốc độ đất quá cứng đến nỗi trâu bò đi cũng khó khăn, vậy được phép mang giày da không?

Nếu ở địa phương chuộng sự tắm rửa nhiều, được phép tắm rửa nhiều lần không?

Có những quốc độ ở biên giới dùng da bò, dê, nai v.v… làm ngọa cụ có được không?

Nếu bí-sô này gửi y cho bí-sô kia, y chưa đến thì vị kia chết. Do không đưa y đến được, quá thời hạn 10 ngày ai phạm ni-tát-kỳ?

Phật dạy:

– Ta đồng ý ở các quốc độ biên giới, có người thứ năm hiểu biết Tỳ-nại-da[4] thì được thọ cận viên.

Gặp chỗ đất quá cứng cho phép dùng giày dép da một lớp; không được dùng hai, ba lớp. Nếu hư đế có thể thay đế khác.

Nơi nào cần tắm rửa nhiều thì cho phép tùy ý tắm rửa. Gặp địa phương dùng ngọa cụ da thì cho phép tùy ý dùng.

Bí-sô này gởi y cho bí-sô khác, người kia chết trước khi nhận y, không ai bị tội xả đọa.

Cụ thọ Ô-ba-ly thưa Thế Tôn:

– Như lời Thế Tôn dạy, ở quốc độ biên giới, hiểu biết Tỳ-nại-da là người thứ năm được truyền thọ cận viên. Bạch Đại đức, thế nào là quốc độ biên giới?

Phật dạy:

– Phương đông có nước tên Bôn-đồ-bạt-đạt-na.[5] Phía đông thành này không xa có cây Sa-la tên Bôn-đồ-các-xoa, đây là biên giới phía đông. Từ điểm này trở đi là quốc độ biên giới.

Phương nam có thành tên Nhiếp-bạt-la-phạt-để.[6] Phía Nam thành có sông Nhiếp-bạt-la-phạt-để. Đây là biên giới phương nam. Từ điểm này trở đi gọi là quốc độ biên giới. Phương tây có thôn Tốt-thổ-nô và Ô-ba-tốt-thổ-nô.[7] Cả hai thôn đều là trú xứ của Bà-la-môn. Đây là biên giới phương tây. Từ điểm này trở đi gọi là quốc độ biên giới. Phương bắc có núi Ôn-thi-la-kỳ-lợi,[8] là biên giới phương bắc. Từ đây trở đi gọi là quốc độ biên giới. (Đại khái, tính theo số lớn thì khoảng cách gần xa từ đông sang tây hơn ba trăm trạm dịch. Từ nam sang bắc hơn bốn trăm trạm dịch. Tuy không thể thấy tường tận nhưng hỏi mới biết. Từ biên giới đông nam đi khoảng bốn mươi trạm dịch đến nước Đam-ma-lập-để,[9] chùa có khoảng năm, sáu nơi, thuộc đông Thiên Trúc, thời ấy dân chúng giàu có. Từ đây đến chùa Mạc-ha-bồ-đề và Thất-lợi-na-lan-đà có khoảng sáu mươi trạm dịch, là nơi lên thuyền vào biển về nhà Đường [Trung Quốc]. Từ đây đi hai tháng, thuyền theo nước về hướng đông nam đến nước Yết-trà,[10] đây thuộc Phật-thệ.[11] Khi thuyền đến đúng vào tháng hai. Theo đường thuyền, nếu đi về hướng tây nam đến châu Sư Tử[12] có bảy trăm trạm dịch. Thuyền ngừng ở đây đến mùa đông. Thuyền lên đường đi về phương nam khoảng một tháng đến châu Mạt-la-du,[13] nay là thuộc nước Phật-thệ. Đúng vào tháng hai mới đến, tạm nghỉ đến giữa mùa hạ, thuyền theo hướng về phương bắc chừng hơn một tháng đến Quảng Phủ,[14] thời gian nghỉ đến nửa năm. Ai có phước lực hộ trì thì vui vẻ như đi mua sắm. Ai phước lực mỏng, đến chỗ này thật nguy hiểm, rất dễ chết. Nhân đây lược nói lộ trình đi bốn hướng biên giới, ghi lại để thức giả tạm biết thêm.

Các đảo biển Nam đều kính tín vua chúa, tôn sùng phước đức. Từ Phật-thệ mở rộng về phía dưới, Tăng chúng có hơn một ngàn người đều có học vấn, phần nhiều khất thực [hành bát], sự học hỏi không khác Trung Quốc, nghi thức của Sa-môn cũng vậy. Nếu Tăng sĩ đời Đường nào muốn Tây du để học có thể ở đây học pháp thức một hai năm rồi đến Ấn cũng rất tốt).

2. Những qui định da thuộc

Cụ thọ Ô-ba-ly thưa Thế Tôn:

– Bạch Đại đức, như Thế Tôn dạy: Bí-sô nào được giày da của người thế tục đã sử dụng thì được phép dùng. Bạch Đại đức, con không hiểu thế nào là giày của người thế tục đã từng dùng qua?

Phật dạy:

– Là giày của người thế tục đã mang đi bảy tám bước, gọi là vật đã sử dụng qua.

– Nếu được giày dép chưa sử dụng qua và giày dép mới, phải sử dụng như thế nào?

Phật dạy:

– Đưa giày dép ấy cho người thế tục đáng tin, bảo họ rằng: Đây là vật của ông. Người kia nên nghĩ đây là vật của mình, mang vào đi bảy tám bước rồi đem giày dép này đến chỗ bí-sô bạch rằng: “Thánh giả, đây là vật của con, xin ngài từ mẫn tùy ý sử dụng.”

Cụ thọ Ô-ba-ly thưa Thế Tôn:

– Bạch Đại đức, như Thế Tôn dạy: ở những nước lạnh có tuyết cho phép cất giữ giày phú-la.[15] Vậy không biết nước có tuyết là thế nào?

Phật dạy:

– Những nơi có sương tuyết, vật dụng đựng nước đông thành băng.

Chú thích:

[1] Ức Nhĩ 億耳: P. Soṇa Koḷivisa.

[2] Ca-đa-diễn-na 迦多衍那: Ma-ha Ca-chiên-diên, Skt. Mahākātyāyana. Một trong mười đại để tử của Phật.

[3] Hán: Ô-ba-đà-da: xem cht. 4, tr. 17.

[4] Người hiểu biết Tỳ-nại-da, tức người trì luật, thông thạo các nghi thức yết-ma. Ở vùng biên cương chỉ cần 5 bí-sô trong đó ít nhất có một vị thông suốt luật.

[5] Bôn-đồ-bạt-đạt-na 奔荼跋達那: Skt. Puṇḍra-vardhana, P. Puṇḍra-varddhana, dịch là nước đầy phước (Mãn phước quốc). Tên một nước xưa ở miền đông Ấn Độ. Mahāsthāna ở phía bắc nhà ga Bogra thuộc đông Bengal hiện nay là nơi thành cũ của nước này.

[6] Nhiếp-bạt-la-phạt-để 攝跋羅伐底: P. Setakaṇṇika nīgama. Thập tụng 25, T23n1435, p181c29: Tụ lạc Bạch Mộc 白木聚落. Vị trí hiện nay chưa rõ.

[7] Thôn Tốt-thổ-nô và Ô-ba-tốt-thổ-nô 窣吐奴鄔波窣吐奴: P. Thūṇa Brāhmaṇagāma. Thập tụng 25, p182a1: Tụ lạc Bà-la-môn trú 住婆羅門聚落. Tứ phần 39, T22n1428, p846a8: Núi Nhất-sư-lê Tiên nhân chủng 一師梨仙人種山. Vị trí thôn này hiện nay suy định là Sthāneśvara, tức Tây vực kí 4, T51n2087, p890c8 ghi nước Tát-tha-nê-thấp-phạt-la, gần Ma-thâu-la (Madhurā).

[8] Núi Ôn-thi-la-kỳ-lợi 嗢尸羅祇利: P. Usīraddhajapabbata. Thập tụng 25, p182a2: Núi Ưu-thi-la, cách không xa có cây Bồ-tuyền-tát-la 優尸羅山去山不遠有蒲泉薩羅樹.

[9] Nước Đam-ma-lập-để 耽摩立底國: Skt. Tāmraliptī, P. Tāmalittī. Vị trí hiện nay là huyện Medinipur, phía tây bang Bengal, Ấn Độ.

[10] Nước Yết-trà 羯茶國: nằm phía bờ tây bắc đảo (bang) Pinang thuộc Malaysia ngày nay.

[11] Phật-thệ 佛逝: Skt. Śrīboja, Sri Vijaya, gọi đủ Thất-lợi-phật-thệ 室利佛逝. Ngày nay gọi là Samboja, nằm trên đảo Borneo. Đảo chia làm ba phần thuộc chủ quyền của ba nước Brunei, Indonesia và Malaysia.

[12] Châu Sư Tử 師子洲: Tích-lan 錫蘭 (Sri Lanka, Ceylon).

[13] Châu Mạt-la-du 末羅遊洲: Malayu, Mạt-la-du là cách gọi xưa theo tiếng Malaysia. Nay là Thất-lợi-phật-thệ (xem cht. 2 trên).

[14] Quảng Phủ 廣府: xưa người Ấn Độ gọi Trung Quốc là Quảng Phủ.

[15] Phú-la 富羅: Phiên Phạn ngữ (T54n2130, tr.997b13): “Phú-la, dịch là mãn 滿, Skt. pūra? (dẫn Thập tụng 9, p65a15: dùng da thuộc khâu lại làm giày phú-la).” Nhất thiết kinh âm nghĩa (T54n2128, p740b7): phú-la, các phiên âm khác: phúc-la 福羅/腹羅, bố-la 布羅, một loại ủng cổ ngắn (đoản áo ngoa 短靿靴). Skt. pūlā.

CÁC LOẠI THUỐC

Như Thế Tôn dạy, có bốn loại thuốc (dược) có thể thọ dụng:

1. Thời dược; 2. Canh dược; 3. Thất nhật dược; 4. Tận thọ dược. Các bí-sô không biết thể chất của chúng.

Phật dạy:

– Thời dược là năm loại kha-đãn-ni[1] (dịch là năm loại thức ăn nhai,[2] chỉ cho gốc, nhánh, hoa, lá, trái. Với ý nghĩa khi ăn phải nhai, cắn). Và năm loại bồ-thiện-ni[3] (dịch là năm loại thức ăn mềm:[4] chỉ cho lương khô,[5] cơm, bánh, đậu, thịt, và bánh, ý nghĩa loại này là nhai và nuốt. Cách dịch cũ xa-da-ni.[6] Xem trong bản tiếng Phạn không có tên này).

Canh dược[7] là tám loại nước tương:[8]

1. Chiêu giả tương[9] (nước chua như trái mơ, cây giống bồ kết).

2. Mao giả tương[10] (nước chuối chín).

3. Cô-lạc-ca tương[11] (quả nó như trái táo chua).

4. A-thuyết-tha tử tương[12] (nước hạt bồ-đề).

5. Ô-đàm-bạt-la tương[13] (quả lớn như quả mận).

6. Bát-lổ-sái tương[14] (quả như trái anh túc).[15]

7. Miệt-lật-trụy tương[16] (nước quả nho).

8. Khát-thọ-la tương[17] (quả giống trái táo nhỏ, chát mà lại ngọt, xuất xứ từ nước Ba Tư. Ở Trung phương [Trung Quốc] cũng có nhưng vị hơi khác. Cây một thân như cây cọ, có nhiều quả, quả nhiều nước, (thân) nhiều góc cạnh nên người ta gọi là táo Ba Tư, vị cũng có hơi giống cây hồng khô).

Thất nhật dược[18] là bơ, dầu, đường, mật.

Tận thọ dược[19] (là các loại thuốc gồm rễ, nhánh, hoa, lá, quả, tức chỉ chung các loại thuốc về cây cỏ, tính chung cho loại dược phẩm dùng trọn đời) và năm loại muối như đã nói rõ ở các chỗ khác.

Trong đây thời dược, canh dược, thất nhật dược và tận thọ dược thì ba loại sau (canh dược, thất nhật dược và tận thọ dược) nếu dùng với thời dược thì dùng đúng thời, quá thời không được dùng. Hai loại dược sau (thất nhật dược và tận thọ dược) cùng dùng với canh dược thì uống như canh dược. Loại dược sau (tận thọ dược) dùng xen lẫn với thất nhật dược thì dùng như thất nhật dược. (Trước đây nói bốn loại thuốc tùy hòa theo sức khỏe tốt mà uống, đúng thời, hay phi thời, bản thân khỏe yếu không cần nhiều ít. Còn nói men rượu và gừng hòa nhau; men rượu nhiều là [thuốc] đúng thời, nhai gừng nhiều là phi thời, tất cả đều là ước đoán).

Tác bạch dùng thuốc

Muốn giữ tận thọ dược [478b01] để dùng lâu dài nên làm theo trình tự: Trước hết rửa sạch tay nhận lấy thuốc, ngồi xổm đối trước một bí-sô, chắp tay thưa rằng:

– Cụ thọ ghi nhận cho! Tôi bí-sô tên… có bệnh… Đây là thuốc thanh tịnh. Nay tôi thủ trì đến trọn đời, để tôi và các vị đồng phạm hạnh dùng.

Lần thứ hai, lần thứ ba cũng thưa như vậy.

Thất nhật dược và canh dược cũng hành giữ như trên. Canh dược chỉ dùng trong ngày. Nếu về đêm nên dùng vào canh đầu (Theo luật chế, một đêm phân làm ba canh. Phần một gọi là sơ canh. Qua sơ canh không được dùng. Nếu căn cứ vào năm canh, thì hết canh một đến nửa canh hai là thời điểm không dùng nữa. Xưa gọi phi thời là dịch không chính xác).

Ba loại dược này, khi cần dùng đều phải dùng uống trước giờ ngọ, đây là sự chế định của luật.

(Hỏi: Ba loại dược sau [canh dược, thất nhật dược, tận thọ dược] như pháp thủ trì rồi, mà phân chia rõ ràng thì không cần thủ trì, vậy cách dùng như thế nào?

Đáp: Ba loại dược này nên thọ trong và trước giờ ngọ. Quá ngọ không được dùng. Nếu thọ trì quá ngọ thì canh một được dùng như canh dược. Bốn loại này đã tự thọ rồi, dùng chưa quá hạn bị người chưa thọ cụ túc xúc chạm, tùy trường hợp có thể thọ lại để dùng. Nếu quá thời hạn, dù bị xúc chạm hay không xúc chạm đều phải vứt bỏ.

Hỏi: Như ba loại dược kia, trước đã thủ trì, bị người chưa thọ cụ túc vừa xúc chạm xong, có dùng được không?

Đáp: Bản ý của sự thủ trì là phòng ngừa việc tự mình lấy vật mà người khác đã xúc chạm, theo phép tắc là bỏ. Theo lý thì vứt không dùng lại. Tất nhiên, đối với người nghèo thì khai cho được đổi với họ. Quyết ý đã cho người rồi, nhưng họ cho lại được phép lấy. Ý nghĩa việc này đồng như mới nhận được).

Chú thích:

[1] Kha-đãn-ni 珂但尼: hoặc gọi khư-xà-ni 佉闍尼. P.=Skt. khādaniya, thức ăn cần phải cắn; thức ăn cứng.

[2] Hán: ngũ tước thực 五嚼食.

[3] Bồ-thiện-ni 蒲膳尼: P. bhojanīya, thức ăn mềm.

[4] Hán: ngũ đạm thực 五噉食.

[5] Hán: xiếu 麨, mạch yến mài nát vụn (Khang Hy). Hoặc đọc là khứu 糗, lương khô (Thiều Chửu). Từ nguyên: xiếu 麨, tức khứu 糗; gạo, lúa mạch các thứ rang chín sau đó nghiền thành bột làm lương khô.

[6] Xa-da-ni 奢耶尼.

[7] Canh dược: xem cht. 3, tr. 41.

[8] Tương 漿: là loại nước ép.

[9] Chiêu giả tương 招者漿: Skt. coca.

[10] Mao giả tương 毛者漿: Skt. moca.

[11] Cô-lạc-ca tương 孤落迦漿: Skt. kurakā, nước táo chua.

[12] A-thuyết-tha tử tương 阿說他子漿: Skt. aśvattha.

[13] Ô-đàm-bạt-la tương 烏曇跋羅漿: Skt. udumbara, nước quả mận.

[14] Bát-lỗ-sái tương 鉢嚕灑漿: Skt. parūṣa, nước hạt anh túc.

[15] Anh túc 蘡薁: là cây nho dây bông (tên khoa học vitisthunbergii).

[16] Miệt-lật-trụy tương 蔑栗墜漿: Skt. mṛdvikā.

[17] Khát-thọ-la tương 渴樹羅漿: Skt. kharjūra. Tên khoa học Phoenix Sylvestris, là cây Chà là Ấn Độ. Loài thực vật có hoa thuộc họ Arecaceae.

[18] Thất nhật dược: xem cht. 4, tr. 41.

[19] Tận thọ dược: xem cht. 5, tr. 41.

XEM XÉT ĐẤT LÀM PHÒNG NHỎ – BẠCH NHỊ[1]

Cụ thọ Ca-nhiếp-ba thưa Thế Tôn:

– Bạch Đại đức, có các bí-sô làm phiền thí chủ vì thường xuyên yêu cầu họ giúp đỡ làm phòng xá rộng lớn. Sau khi làm xong, các bí-sô lại chê nhà dài, ngắn, rộng, hẹp, không biết phải làm thế nào?

Phật dạy:

– Bí-sô xây cất phòng phải xin phép Tăng xem xét đất làm phòng: Đủ ba điều kiện thanh tịnh mới cho phép làm. Thế nào là ba? Một, chỗ đúng pháp thanh tịnh. Hai, chỗ không có sự tranh cãi. Ba, chỗ có lối đi.

– Bạch Đại đức, phòng phải dài ngắn rộng hẹp như thế nào?

Phật dạy:

– Phòng phải dài 12 gang tay Phật và rộng bảy gang tay Phật, đó là mức quy định. Bí-sô muốn xây cất phòng, đánh kiền chùy, tác tiền phương tiện như trước, ngồi xổm, chắp tay bạch như thế này:

1. Tác bạch

Đại đức Tăng-già lắng nghe! Tôi bí-sô tên…, tại chỗ đất… đã xem xét thanh tịnh, không có các sự nguy hiểm trở ngại, muốn làm phòng nhỏ. Ngưỡng mong Đại đức Tăng-già đồng ý cho tôi là bí-sô… tạo phòng nhỏ ở chỗ đất thanh tịnh. Ngưỡng mong các ngài thương tưởng, thương tưởng tôi.

(Nói ba lần như vậy).

Thứ đến, bảo hai hay ba bí-sô đáng tin cậy, hoặc Tăng chúng cùng nhau đến xem xét. Nếu không có các nguy hiểm trở ngại, đủ ba điều kiện thanh tịnh thì cho phép làm phòng. Sau khi quán sát, trở lại trong chúng, tác tiền phương tiện như sau:

Đại đức Tăng-già lắng nghe! Bí-sô tên… muốn cất phòng nhỏ, đã chọn đất cất phòng nhỏ. Chúng tôi… thân hành đến quán sát, đủ ba điều kiện thanh tịnh, không có nguy hiểm trở ngại. Ngưỡng mong Đại đức Tăng-già đồng ý cho bí-sô… cất phòng nhỏ.

Đại chúng biết rõ, sau đó tiến hành yết-ma.

Đại đức Tăng-già lắng nghe! Bí-sô… muốn làm phòng nhỏ ngay tại chỗ đất… Chúng Tăng đã xem xét thanh tịnh không có các trở ngại nguy hiểm đúng như pháp. Nay xin Tăng-già cho phép tạo phòng nhỏ. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng-già thì Tăng-già đồng ý. Nay Tăng-già đồng ý cho bí-sô… được làm phòng nhỏ tại chỗ đất… thanh tịnh, không có các sự trở ngại. Đây là lời tác bạch.

2. Yết-ma

Sau khi tác yết-ma, chuẩn theo lời tác bạch mà thành.

Chú thích:

[1] Căn bản 12, p688a19: Tăng-già-phạt-thi-sa 6, học xứ: Tạo phòng nhỏ.

XEM XÉT ĐẤT LÀM CHÙA LỚN – BẠCH NHỊ[1]

Đức Phật ở tại vườn Cù-sư-la,[2] nước Kiều-thiểm-tỳ,[3] bấy giờ nhóm sáu bí-sô[4] xin được nhiều tài vật, lại chặt cây đại thọ hình dáng đẹp để xây cất trú xứ lớn, làm tổn hại nhiều sinh vật, gây cho người thế tục mất lòng tin. Các bí-sô đem sự việc này bạch Phật. Phật dạy:

– Bí-sô nào muốn làm trú xứ lớn phải cầu xin Tăng xem xét chỗ đất ấy đủ ba điều kiện thanh tịnh, không có các nguy hiểm trở ngại. Tăng xem xét xong, nếu đủ ba điều kiện thanh tịnh thì cho phép làm trú xứ. Ngoài ra phép tắc xin phép như trường hợp làm phòng nhỏ ở trước.

1. Tác bạch

Như trước.

2. Yết-ma

Thứ đến tác yết-ma:

Đại đức Tăng-già lắng nghe! Bí-sô tên… muốn vì Tăng-già đứng ra làm trú xứ lớn. Ngay tại đất định làm trú xứ, chúng Tăng đã xem xét là chỗ thanh tịnh, không có các trở ngại nguy hiểm, đúng như pháp. Nay cầu xin Tăng-già cho phép làm trú xứ lớn. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng-già thì Tăng-già đồng ý. Nay Tăng-già đồng ý cho bí-sô tên… được trú xứ lớn tại chỗ thanh tịnh, không có các nguy hiểm trở ngại. Đây là lời tác bạch.

Tác yết-ma theo như lời bạch mà thành.

Chú thích:

[1] Căn bản 12, p689a25: Tăng-già-phạt-thi-sa 7, học xứ: Xây cất chùa lớn.

[2] Vườn Cù-sư-la 瞿師羅園: Skt. Ghoṣilārāma, P. Ghositārāma, dịch là tiếng hay, giọng dịu dàng. Vườn Cù-sư-la do trưởng giả Cù-sư-la xây dựng tinh xá trong khu vườn cúng dường cho đức Thế Tôn.

[3] Kiều-thiểm-tỳ 憍閃毘: Skt. Kauśāmbī, P. Kosambī. Một trong 16 nước lớn thời đức Phật, ở Trung Ấn Độ. Theo ông A. Cunningham đoán vị trí nước này nằm ở thôn Kosām, gần sông Jumna, về mạn Tây bắc Allahabad.

[4] Nhóm sáu bí-sô, Hán: Lục chúng bí-sô 六眾苾芻 (Lục quần Tỳ-kheo 六群比丘), Skt. ṣaḍvargīka-bhikṣu, P. chabbaggiyābhikkhū. Sáu người này kết thành nhóm, không giữ giới luật, hay làm việc xấu. Tên 6 người này các bộ luật ghi chép khác nhau. Theo Pāli. 1. Assaji (A-thuyết-thị 阿說示, A-thuyết-ca 阿說迦, Mã Sư 馬師; Ngũ phần: Át-bệ 頞鞞), 2. Punabbasu (Tăng-kỳ, Thập tụng: Mãn Túc 滿宿, Tứ phần: Phú-na-bà-sa 富那婆娑), 3. Paṇḍuka (Bàn-na 盤那); 4. Lohitaka (Lô-hê 盧醯); 5. Mettiya (Từ), 6. Bhummaja (Địa). Hai Tỳ-kheo Từ, Địa: Ngũ phần, Tăng-kỳ, Thập tụng (Thập tụng gọi âm Di-đa-la-phù-ma 彌多羅浮摩, Mettiyabhummaja) gọi chung Tỳ-kheo Từ Địa 慈地比丘. Căn bản: Nan-đà 難陀 (Skt. Nanda), Ô-ba-nan-đà 鄔波難陀 (Skt. Upananda, Bạt-nan-đà 跋難陀), A-thuyết-ca (Skt. Aśvaka), Bổ-nại-bà-tố-ca 補捺婆素迦 (Skt. Punarvasu, Mãn Túc), Xiển-đà 闡陀 (Skt. Chanda), Hắc Ca-lưu-đà-di 黑迦留陀夷 (Skt. Kālodāyin, Udāyin: Ô-đà-di 鄔陀夷).

CHO BÍ-SÔ CÔNG TÁC LÀM PHU CỤ (KHI CHƯA QUA) SÁU NĂM – BẠCH NHỊ[1]

Nếu bí-sô làm việc cho Tăng có phu cụ bị hư nát trong thời gian sáu năm, muốn làm cái mới, đánh kiền chùy, tập hợp Tăng. Người này đến trước Thượng tọa, ngồi xổm, chắp tay thưa thế này:

1. Tác bạch

Đại đức Tăng-già lắng nghe! Tôi là bí-sô tên… trong thời hạn 6 năm muốn làm phu cụ mới. Ngưỡng mong Đại đức Tăng-già cho phép tôi là bí-sô tên… trong thời hạn 6 năm làm phu cụ mới. Xin các ngài thương tưởng, thương tưởng tôi.

Lần thứ hai, lần thứ ba cũng thưa như vậy.

2. Yết-ma

Thứ đến tác pháp yết-ma:

Đại đức Tăng-già lắng nghe! Bí-sô phụ trách công tác tên… trong thời hạn sáu năm xin làm phu cụ mới. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng-già thì Tăng-già đồng ý. Nay Tăng-già cho phép bí-sô phụ trách công tác tên… trong thời hạn sáu năm làm phu cụ mới. Đây là lời tác bạch.

Yết-ma chuẩn theo văn bạch mà thành.

Chú thích:

[1] Căn bản 21, p736b23: Ni-tát-kỳ ba-dật-để-ca 14, học xứ: Dùng phu cụ dưới sáu năm.

    Xem thêm:

  • Giới Kinh Căn Bản Của Thuyết Nhứt Thiết Hữu Bộ - Luật Tạng
  • Giới Kinh Căn Bản Bật Sô Ni Của Thuyết Nhứt Thiết Hữu Bộ - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 16. Diệt Tránh - Luật Tạng
  • Pháp Thức Căn Bản Của Thuyết Nhứt Thiết Hữu Bộ Tì Nại Da Về Việc Tự Tứ - Luật Tạng
  • Cương Yếu Giới Luật – Phần 1C - Luật Tạng
  • Căn Bản Thuyết Nhứt Thiết Hữu Bộ Ni Đà Na Mục Đắc Ca - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 13 - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 12 - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 9. Câu Thiểm Di - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 11. Khiển Trách - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 14. Già Yết Ma - Luật Tạng
  • Cương Yếu Giới Luật – Phần 1B - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 1: Giới Tỳ Kheo – Chương 8. Bảy Diệt Tránh - Luật Tạng
  • Pháp Thức Căn Bản Của Thuyết Nhứt Thiết Hữu Bộ Tì Nại Da Về Việc Xuất Gia - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Trọn Bộ 40 Quyển - Luật Tạng
  • Giới Tì Kheo Ni Trong Luật Tứ Phần – Thích Trí Quang dịch - Luật Tạng
  • Pháp Thức Căn Bản Của Thuyết Nhứt Thiết Hữu Bộ Tì Nại Da Về Yết Sỉ Na Y - Luật Tạng
  • Bước Tới Thảnh Thơi phần 1 – Thi Kệ Thực Hành Chánh Niệm - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 37 - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 11 - Luật Tạng