1
2

QUYỂN HẠ

Bấy giờ, Pháp vương tử Văn-thù-sư-lợi bạch Phật:

– Thế Tôn! Con cũng thích nói bất động tướng.

Phật bảo:

– Ông thích nói thì cứ nói đi!

Ngài Văn-thù-sư-lợi thưa:

– Thế Tôn! Tất cả chúng sinh đều đắc bồ-đề, ấy gọi là bất động tướng?

– Này Văn-thù-sư-lợi! Tại sao việc ấy gọi là bất động tướng?

– Bạch Thế Tôn! Tất cả pháp không hướng, không đắc, tất cả chúng sinh đều vào trong tính bồ-đề, thế nên nói tất cả chúng sinh đều đắc bồ-đề. Lại nữa, bồ-đề này chẳng phải là tướng đắc. Vì sao? Vì tính chúng sinh tức là bồ-đề, thế nên tất cả chúng sinh đều đắc bồ-đề gọi là bất động tướng.

Bạch Thế Tôn! Tất cả chúng sinh đều thành tựu tất cả trí huệ gọi là bất động tướng.

– Này Văn-thù-sư-lợi! Tại sao việc ấy gọi là bất động tướng?

– Bạch Thế Tôn! Tất cả chúng sinh vô tính, vì vô tính nên vào trong Như Lai bình đẳng, từ xưa đến nay tính của tất cả trí huệ này là đồng, nên gọi là bất động tướng.

Bạch Thế Tôn! Tất cả chúng sinh đều là đạo tràng, ấy là bất động tướng.

– Này Văn-thù-sư-lợi! Tại sao việc ấy gọi là bất động tướng?

– Bạch Thế Tôn! Đạo tràng đó có nghĩa gì?

– Này Văn-thù-sư-lợi! Tất cả pháp tướng tịch diệt, tướng vô sinh, tướng vô sở hữu, tướng chẳng thể lấy, ấy là nghĩa đạo tràng.

– Bạch Thế Tôn! Tất cả chúng sinh chẳng nhập vào đạo tràng này ư?

– Đúng thế, đúng thế!

– Bạch Thế Tôn! Thế nên tất cả chúng sinh đều là đạo tràng, ấy gọi là bất động tướng.

Bạch Thế Tôn! Tất cả chúng sinh đều đắc vô sinh pháp nhẫn gọi là bất động tướng.

– Này Văn-thù-sư-lợi! Tại sao việc ấy gọi là bất động tướng?

– Bạch Thế Tôn! Tất cả chúng sinh vô tận, vô sinh, vô diệt, tính ly, vô tính, vì nhập vào bình đẳng, thế nên tất cả chúng sinh đều đắc vô sinh pháp nhẫn gọi là bất động tướng.

Bạch Thế Tôn! Tất cả chúng sinh đều được biện tài vô ngại, gọi là bất động tướng.

– Này Văn-thù-sư-lợi! Tại sao việc ấy gọi là bất động tướng?

– Bạch Thế Tôn! Nhạo thuyết của tất cả chúng sinh ở mười phương tìm chẳng thể có được. Tại sao như thế? Vì đều nhập vào trong pháp bình đẳng biện tài vô ngại.

Bạch Thế Tôn! Tự tính của các nhạo thuyết đều ly, vì không quyết định, vì vô sở hữu, thế nên tất cả chúng sinh đều được biện tài vô ngại gọi là bất động tướng.

Bạch Thế Tôn! Tất cả chúng sinh đều đắc đà-la-ni, gọi là bất động tướng.

– Này Văn-thù-sư-lợi! Tại sao việc ấy gọi là bất động tướng?

– Bạch Thế Tôn! Tất cả chúng sinh chấp lấy tướng chúng sinh để nắm giữ sắc thanh hương vị xúc pháp, vì ức tưởng phân biệt hư dối chẳng thật chấp lấy tướng, thế nên tất cả chúng sinh đều đắc đà-la-ni, gọi là bất động tướng.

Bạch Thế Tôn! Tất cả chúng sinh đều được tâm từ, gọi là bất động tướng.

– Này Văn-thù-sư-lợi! Tại sao việc ấy gọi là bất động tướng?

– Bạch Thế Tôn! Tất cả chúng sinh không có tính chúng sinh, từ xưa đến nay không sân, không từ, được sân và từ bình đẳng vì không phân biệt, thế nên tất cả chúng sinh đều được tâm từ, gọi là bất động tướng.

Bạch Thế Tôn! Tất cả chúng sinh đều thành tựu đại bi, gọi là bất động tướng.

– Này Văn-thù-sư-lợi! Tại sao việc ấy gọi là bất động tướng?

– Tướng của tất cả chúng sinh vô khởi, vô tác đều nhập vào trong pháp bình đẳng Như Lai, chẳng ra ngoài tính của đại bi, vì não và bi không có phân biệt, thế nên tất cả chúng sinh đều thành tựu đại bi, gọi là bất động tướng.

Bạch Thế Tôn! Tất cả chúng sinh đều đắc tam-muội, gọi là bất động tướng.

– Này Văn-thù-sư-lợi! Tại sao việc ấy gọi là bất động tướng?

– Bạch Thế Tôn! Tính của tất cả chúng sinh thường định vì lìa các duyên. Nếu chúng sinh theo duyên mà sinh ra biết; ở trong duyên sinh ra biết, thì chẳng được gọi là biết. Tại sao như thế? Vì các sự biết ấy niệm niệm vô thường rốt ráo không, thế nên tất cả chúng sinh đều thành tựu tam-muội gọi là bất động tướng.

Bạch Thế Tôn! Tất cả chư Phật đều thành tựu tham dục, gọi là bất động tướng.

– Này Văn-thù-sư-lợi! Tại sao việc ấy gọi là bất động tướng?

– Bạch Thế Tôn! Tất cả chư Phật vào trong pháp bình đẳng của tham dục, xa lìa tranh cãi, vì thông đạt tính của tham dục.

Bạch Thế Tôn! Tham dục tức là bồ-đề. Vì sao? Vì biết thật tính của tham dục là bồ-đề, thế nên tất cả chư Phật đều thành tựu tham dục gọi là bất động tướng.

Bạch Thế Tôn! Tất cả chư Phật đều thành tựu sân khuể gọi là bất động tướng

– Này Văn-thù-sư-lợi! Tại sao việc ấy gọi là bất động tướng?

– Bạch Thế Tôn! Tất cả chư Phật đều nói các pháp hữu vi tội lỗi an trụ trong tính bình đẳng của sân khuể, vì thông đạt tính của sân khuể. Thế nên tất cả chư Phật đều thành tựu sân khuể gọi là bất động tướng.

Bạch Thế Tôn! Tất cả chư Phật đều thành tựu ngu si gọi là bất động tướng.

– Này Văn-thù-sư-lợi! Tại sao việc ấy gọi là bất động tướng?

– Bạch Thế Tôn! Tất cả chư Phật hay độ tất cả chúng sinh tham chấp danh tự, an trụ trong tính bình đẳng của ngu si, vì thông đạt tính của ngu si, thế nên gọi tất cả chư Phật thành tựu ngu si là bất động tướng.

Bạch Thế Tôn! Tất cả chư Phật thành tựu thân kiến gọi là bất động tướng.

– Này Văn-thù-sư-lợi! Tại sao việc ấy gọi là bất động tướng?

– Bạch Thế Tôn! Tất cả chư Phật an trụ trong tính của thân kiến, đối với tất cả pháp chẳng thoái, chẳng sợ, chẳng động, rốt ráo an trụ, vì chẳng trụ pháp, vì thông đạt thân kiến vô sinh, vô khởi, vô tính, thế nên tất cả chư Phật thành tựu thân kiến gọi là bất động tướng.

Bạch Thế Tôn! Tất cả chư Phật đều là tà kiến, gọi là bất động tướng.

– Này Văn-thù-sư-lợi! Tại sao việc ấy gọi là bất động tướng?

– Bạch Thế Tôn! Tất cả chư Phật chỉ dạy tất cả pháp hữu vi là tà, hư dối, chẳng thật, vì thông đạt tính của tà kiến bình đẳng, thế nên tất cả chư Phật đều là tà kiến, gọi là bất động tướng.

Bạch Thế Tôn! Tất cả chư Phật trụ trong bốn điên đảo, năm dục, ba độc đắc Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác, gọi là bất động tướng.

– Này Văn-thù-sư-lợi! Tại sao việc ấy gọi là bất động tướng?

– Bạch Thế Tôn! Tính trụ xứ tức phi trụ xứ.

– Này Văn-thù-sư-lợi! Phi trụ xứ có nghĩa gì?

– Bạch Thế Tôn! Phi trụ xứ nghĩa là tướng lui sụt trở lại, tức là tất cả kẻ phàm phu, tất cả chư Phật đều an trụ trong tính bình đẳng của tham dục, sân khuể, ngu si, bốn điên đảo, năm cái, năm dục ấy. Vì chư Phật an trụ trong tính của tham dục nên đắc Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác. Vì an trụ trong tính của sân khuể, ngu si, bốn điên đảo, năm cái, năm dục nên đắc Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác. Thế nên tất cả chư Phật trụ trong bốn điên đảo, năm cái, năm dục, ba độc đắc Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác, gọi là bất động tướng.

Bấy giờ, Phật bảo ngài Văn-thù-sư-lợi Pháp Vương Tử:

– Nếu có người hỏi ông: Người dứt tất cả pháp bất thiện, thành tựu tất cả pháp thiện được gọi là Như Lai. Ông đáp thế nào?

Ngài Văn-thù-sư-lợi thưa:

– Thế Tôn! Nếu có người hỏi con: “Người dứt tất cả pháp bất thiện, thành tựu tất cả pháp thiện được gọi là Như Lai”. Con sẽ đáp như vầy: Này thiện nam tử! Ông trước hết nên gần gũi thiện tri thức tu tập thiện đạo, đối với pháp không hề hợp, không hề tan, chớ lấy, chớ bỏ, chớ duyên, chớ cầu, chớ khen, chớ chê, chớ kiếm, chớ tìm, chớ nguyện, chớ phân biệt các pháp là thượng, là trung, là hạ. Sau đó phải biết về hành xứ, vô hành xứ, đoạn hành xứ, Phật sở hành xứ chẳng thể nghĩ bàn.

Phật hỏi ngài Văn-thù-sư-lợi:

– Ông đáp như thế, đó là đáp nghĩa gì?

Ngài Văn-thù-sư-lợi thưa:

– Thế Tôn! Con đáp như thế, đó là không hề đáp.

Bạch Thế Tôn! Như Phật ngồi đạo tràng thấy pháp có sinh có diệt chăng?

Phật đáp:

– Không.

– Bạch Thế Tôn! Nếu pháp không sinh không diệt thì pháp ấy có thể được nói là dứt tất cả pháp bất thiện, thành tựu tất cả pháp thiện chăng?

– Không.

– Bạch Thế Tôn! Nếu pháp chẳng sinh chẳng diệt, chẳng dứt tất cả pháp bất thiện, chẳng thành tất cả pháp thiện thì pháp ấy làm sao biết, làm sao đoạn, làm sao chứng, làm sao tu, làm sao đắc!

Lúc nói lời này, trong hư không một muôn thiên tử dùng hoa sen màu xanh, vàng, đỏ, trắng rải lên đức Phật và ngài Văn-thù-sư-lợi, và đều đảnh lễ dưới chân Phật và ngài Văn-thù-sư-lợi, rồi bạch rằng:

– Thế Tôn! Ngài Văn-thù-sư-lợi là bậc đủ đức vô ngại. Ngài Văn-thù-sư-lợi là bậc đủ đức bất nhị, là bậc đủ đức vô dư, là bậc đủ đức vô sở hữu, là bậc đủ đức Như, là bậc đủ đức pháp tính, là bậc đủ đức thật tế, là bậc đủ đức đệ nhất, là bậc đủ đức bậc thượng, là bậc đủ đức vô thượng.

Ngài Văn-thù-sư-lợi nói với các thiên tử:

– Thôi, thôi! Thiên tử! Các ông chớ chấp tướng phân biệt. Ta chẳng thấy các pháp là thượng, là trung, là hạ như các ông nói. Văn-thù-sư-lợi tôi đủ đức tham dục, đủ đức sân khuể, đủ đức ngu si, thế nên tôi tên Văn-thù-sư-lợi.

Này các Thiên Tử! Tôi chẳng ra ngoài tham dục, sân khuể, ngu si. Kẻ phàm phu phân biệt các pháp nên cầu xuất ly, cầu đạt đến. Các bồ-tát đối với pháp thì không có xuất ly, không có đạt đến.

Các thiên tử thưa:

– Bồ-tát chẳng đến Thập địa, chẳng đến Phật pháp sao?

Ngài Văn-thù-sư-lợi nói:

– Ý của các thiên tử nghĩ sao? Người huyễn có đến Thập địa, có đến Phật pháp chăng?

Các thiên tử thưa:

– Người huyễn còn không trụ xứ, là huống từ trụ địa này đến trụ địa khác.

– Này các thiên tử! Tất cả pháp như huyễn, không đi không đến, không có xuất ly, không có đạt đến.

– Ngài chẳng sẽ đắc Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác sao?

– Này các thiên tử! Ý các ông nghĩ sao? Kẻ phàm phu bị tham dục che tâm có thể ngồi đạo tràng đắc nhất thiết trí chăng?

– Thưa không.

Các thiên tử lại hỏi:

– Thưa ngài Văn-thù-sư-lợi! Hiện nay ngài bị tham dục che tâm có phải Ngài là phàm phu chăng?

Ngài Văn-thù-sư-lợi đáp:

– Đúng thế, đúng thế! Tôi là phàm phu từ tham dục khởi, từ sân khuể khởi, từ ngu si khởi. Tôi là ngoại đạo, là người tà hạnh.

– Vì cớ sao ngài tự nói: Tôi là phàm phu từ tham dục khởi, từ sân khuể khởi, từ ngu si khởi?

– Tính của tham dục, sân khuể, ngu si này tìm nó khắp mười phương chẳng thể thủ đắc. Vì tôi chẳng trụ pháp mà trụ trong tính này nên nói tôi là phàm phu bị ba độc che phủ.

– Thưa ngài Văn-thù-sư-lợi! Ngài tại sao nói ngài là ngoại đạo?

– Tôi chẳng bao giờ đến với ngoại đạo, vì tính của các đạo chẳng thể thủ đắc được nê tôi ở ngoài tất cả đạo.

– Tại sao ngài là người tà hạnh?

– Tôi đã biết tất cả pháp đều là tà, hư vọng, chẳng thật, thế nên tôi là người tà hạnh.

Lúc nói pháp này, một muôn thiên tử được nghe lời này đều đắc vô sinh pháp nhẫn. Mỗi người đều nói:

– Các chúng sinh đều được lợi lớn, được nghe các ngữ cú kim cang chân chính, hà huống nghe rồi tin hiểu, thọ trì, đọc tụng, vì người giải nói, đúng như lời dạy tu hành sẽ được biện tài vô ngại, trong tất cả các pháp được chân huệ chiếu sáng khéo thuyết một môn các pháp nhất tướng, hay chỉ dạy chúng sinh tất cả các pháp đều là Phật pháp.

Bấy giờ, Bồ-tát Hoa Hí Huệ bạch Phật:

– Thế Tôn! Xin ngài nói pháp môn Nhập Âm Thanh Huệ để cho Bồ-tát đời sau nghe pháp như thế chẳng kinh chẳng sợ, cũng biết tính rốt ráo của tất cả âm thanh chẳng nghi chẳng hối, đối với các âm thanh không bị chướng ngại.

Phật nói:

– Thôi, thôi! Chớ hỏi việc ấy. Pháp môn Nhập Âm Thanh Huệ này chẳng nên nói cho bồ-tát mới phát tâm nghe. Tại sao như thế? Vì người mới phát tâm chẳng thể hiểu, chẳng thể biết, chẳng thể suy tư. Nếu vị Đại bồ-tát nhập vào pháp môn âm thanh huệ này, giả sử có người trải qua số kiếp nhiều như cát sông Hằng ác khẩu mắng rủa chê bai hủy nhục, vị này chẳng sinh giận hờn. Nếu có người trải qua số kiếp nhiều như cát sông Hằng đem tất cả đồ dùng vừa ý cúng dường cũng chẳng sinh tâm yêu thích, ví như bậc A-la-hán lậu tận, tất cả điều đáng yêu thích đều chẳng sinh tâm yêu thích, tất cả điều đáng giận ghét đều chẳng sinh tâm giận ghét.

Này thiện nam tử! Bồ-tát nhập pháp môn âm thanh huệ này đối với sự thử thách của tám pháp: lợi, suy, hủy, dự, xưng, cơ, khổ, lạc, tâm chẳng lay động ví như núi chúa Tu-di.

Bấy giờ, Bồ-tát Hoa Hí Huệ bạch Phật:

– Cúi xin ngài nói pháp môn Nhập Âm Thanh Huệ để cho Bồ-tát đời sau được nghe pháp môn này rồi sẽ tự biết lỗi lầm và cũng giáo hóa người khác.

Phật bảo Bồ-tát Hoa Hí Huệ:

– Này thiện nam tử! Ông nay lắng nghe và suy nghĩ kỹ. Ta sẽ nói cho ông nghe.

– Bạch Thế Tôn! Xin vâng.

– Nếu Bồ-tát nghe âm thanh tham dục sinh ra ý tưởng tội lỗi, nghe âm thanh ly dục sinh ra ý tưởng lợi ích, tức là người chẳng học Phật pháp.

Nếu nghe âm thanh sân khuể sinh ra ý tưởng tội lỗi, nghe âm thanh ly sân khuể sinh ra ý tưởng lợi ích, tức là người chẳng học Phật pháp.

Nếu người nghe âm thanh ngu si sinh ra ý tưởng tội lỗi, nghe âm thanh ly ngu si sinh ra ý tưởng lợi ích, tức là người chẳng học Phật pháp.

Nếu đối với âm thanh thiểu dục sinh ra ý tưởng hoan hỷ, đối với âm thanh đa dục sinh ra ý tưởng e ngại tức là chẳng tu hành pháp môn âm thanh.

Nếu đối với âm thanh tri túc sinh ra ý tưởng hoan hỷ, đối với âm thanh chẳng tri túc sinh ra ý tưởng e ngại, tức là chẳng tu hành pháp môn âm thanh.

Nếu đối với âm thanh tế hạnh sinh ra ý tưởng hoan hỷ, đối với âm thanh thô hạnh sinh ra ý tưởng e ngại, tức là chẳng tu hành pháp môn âm thanh.

Nếu đối với âm thanh “ưa thích tĩnh lặng” thì hoan hỷ, còn đối với âm thanh ồn náo cảm thấy e ngại, tức là chẳng học Phật pháp.

Nếu đối với âm thanh nhẫn nhục sinh ra ý tưởng lợi ích, đối với âm thanh sân khuể sinh ra ý tưởng e ngại, tức là chẳng học Phật pháp.

Nếu đối với âm thanh tinh tấn sinh ra ý tưởng lợi ích, đối với âm thanh giải đãi sinh ra ý tưởng e ngại, tức là chẳng học Phật pháp.

Nếu đối với âm thanh thiền định sinh ra ý tưởng lợi ích, đối với âm thanh tán loạn sinh ra ý tưởng e ngại, tức là chẳng học Phật pháp.

Nếu đối với âm thanh trí huệ sinh ra ý tưởng lợi ích, đối với ngu si sinh ra ý tưởng e ngại, tức là chẳng học Phật pháp.

Nếu đối với âm thanh gần đạo sinh hoan hỷ, đối với âm thanh xa đạo sinh e ngại, tức là chẳng học Phật pháp.

Đối với sinh tử thấy lỗi lầm, đối với niết-bàn thấy lợi ích, tức là chưa nhập pháp môn âm thanh.

Đối với bờ kia thì hoan hỷ, đối với bờ này thì e ngại, tức là chưa học pháp môn âm thanh.

Đối với âm thanh xóm làng sinh ra ý tưởng e ngại, đối với âm thanh rảnh không sinh ra ý tưởng hoan hỷ, tức là chẳng học pháp môn âm thanh.

Nếu đối với âm thanh đi một mình sinh ra ý tưởng hoan hỷ, đối với âm thanh đi đông người sinh ra ý tưởng e ngại, tức là chẳng học pháp môn âm thanh.

Đối với âm thanh nói về việc làm của tỳ-kheo thì sinh ra ý tưởng hoan hỷ, đối với âm thanh nói về việc làm của cư sĩ thì sinh ý tưởng e ngại, tức là chẳng học pháp môn âm thanh.

Đối với oai nghi thì hoan hỷ, đối với không oai nghi thì e ngại, tức là chẳng học Phật pháp.

Đối với hạnh thanh tịnh thì hoan hỷ, đối với hạnh không thanh tịnh thì e ngại, tức là chẳng học Phật pháp.

Đối với nhất hạnh thì hoan hỷ, đối với tạp hạnh thì e ngại, tức là chẳng học Phật pháp.

Đối với hạnh ly dục thì hoan hỷ, đối với hạnh dâm dục thì e ngại, tức là chẳng học Phật pháp.

Đối với ly sân thì hoan hỷ, đối với sân thì e ngại, tức là chẳng học Phật pháp.

Đối với ly si thì hoan hỷ, đối với si thì e ngại, tức là chẳng học Phật pháp.

Đối với không thì hoan hỷ, đối với có thì e ngại, tức là chẳng học Phật pháp.

Đối với vô tướng thì hoan hỷ, đối với hữu tướng thì e ngại, tức là chẳng học Phật pháp.

Đối với vô tác thì hoan hỷ, đối với hữu tác thì e ngại, tức là chẳng học Phật pháp.

Đối với hạnh Bồ-tát thì hoan hỷ, đối với hạnh Thanh văn, Bích-chi-phật thì e ngại, tức là chẳng học Phật pháp.

Nếu nói tội lỗi của bồ-tát thì xa Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác và cũng mang tội của nghiệp chướng. Nếu nói lỗi lầm oai nghi của bồ-tát thì xa Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác. Nếu bồ-tát xem thường bồ-tát khác và tự nghĩ mình cao hơn thì đó là tự làm thương tổn và cũng mang tội của nghiệp chướng. Nếu bồ-tát muốn dạy bồ-tát khác phải tưởng như Phật rồi sau đó mới dạy. Bồ-tát nếu muốn chẳng xả bỏ Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác thì chẳng nên sinh tâm khinh khi bồ-tát khác.

Này thiện nam tử! Không có gì diệt mất công đức cho bằng sự khinh khi bồ-tát khác. Thế nên, bồ-tát muốn giữ thiện căn công đức và đối với tất cả pháp được huệ vô chướng ngại thì phải ngày đêm sáu thời đảnh lễ tất cả các bồ-tát đang cầu Phật đạo.

Bấy giờ, ngài Văn-thù-sư-lợi bạch Phật:

– Thế Tôn! Như con biết nghĩa của Phật đã nói: Âm thanh tham dục và âm thanh Phật bình đẳng, không có khác. Âm thanh sân khuể và âm thanh Phật bình đẳng. Âm thanh ngu si và âm thanh Phật bình đẳng. Âm thanh ngu si và âm thanh Phật bình đẳng. Âm thanh ngoại đạo và âm thanh Phật bình đẳng. Âm thanh thiểu dục và âm thanh đa dục bình đẳng đồng. Âm thanh tri túc và âm thanh chẳng tri túc bình đẳng. Âm thanh tế và âm thanh thô bình đẳng. Âm thanh ưa ở một mình và âm thanh ưa thích đông người bình đẳng. Âm thanh bờ này và âm thanh bờ kia bình đẳng. Âm thanh xa và âm thành gần bình đẳng. Âm thanh sinh tử và âm thanh niết-bàn bình đẳng. Âm thanh xóm làng và âm thanh rảnh không bình đẳng. Âm thanh bố thí và âm thanh keo kiết bình đẳng. Âm thanh trì giới và âm thanh phá giới bình đẳng. Âm thanh nhẫn nhục và âm thanh sân khuể bình đẳng. Âm thanh tinh tấn và âm thanh giải đãi bình đẳng. Âm thanh thiền định và âm thanh loạn ý bình đẳng. Âm thanh trí huệ và âm thanh ngu si bình đẳng.

Bấy giờ, Bồ-tát Hoa Hí Huệ hỏi Pháp vương tử Văn-thù-sư-lợi:

– Do nhân duyên gì mà đều bình đẳng?

Ngài Văn-thù-sư-lợi nói:

– Này thiên tử! Ý ông nghĩ sao? Âm thanh tham dục là thế nào?

– Âm thanh tham dục rỗng không như âm vang.

– Ông biết âm thanh Phật cũng như thế nào?

– Cũng chẳng ngoài rỗng không, cũng như âm vang.

– Do nhân duyên này nên tôi nói hai âm thanh đều là bình đẳng.

Bấy giờ, Phật bảo ngài Văn-thù-sư-lợi:

– Đời trước lúc ông mới phát tâm, chưa nhập vào các pháp tướng như thế, ông khởi tội chướng nào, ông hãy thuật lại cho các bồ-tát giả danh đời sau nghe tội chướng của ông để họ sẽ tự giữ gìn.

Ngài Văn-thù-sư-lợi bạch Phật:

– Xin vâng! Thế Tôn! Con sẽ tự thuyết lại tội chướng để người được nghe sẽ sinh tâm lo sợ mà diệt được tội của nghiệp chướng và được huệ vô ngại đối với tất cả pháp.

Bạch Thế Tôn! Vô lượng vô biên bất khả tư nghị a-tăng-kỳ kiếp về thuở quá khứ, có Phật hiệu Sư Tử Hống Cổ Âm Vương Như Lai, Ứng Cúng, Chính Biến tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn. Phật ấy thọ mạng mười muôn ức na-do-tha năm, dùng pháp ba thừa để độ chúng sinh. Nước tên là Thiên Quang Minh. Nước ấy cây cối đều bằng bảy báu và phát ra pháp âm như là tiếng không, tiếng vô tướng, tiếng vô tác, tiếng vô sinh, tiếng vô sở hữu, tiếng vô thủ tướng, dùng các pháp âm này làm cho chúng sinh đắc đạo. Hội thuyết pháp đầu tiên của Phật Sư Tử Hống Cổ Âm Vương có chín mươi ức đệ tử Thanh văn đều đắc A-la-hán các lậu đã hết, bỏ các gánh nặng, đã được lợi mình, hết bị trói buộc trong ba cõi, nhờ chính trí được giải thoát. Chúng bồ-tát cùng chín mươi chín ức đều đắc vô sinh pháp nhẫn hay khéo nhập vào các pháp môn, thân cận cúng dường trăm nghìn muôn ức các đức Phật, và được trăm nghìn muôn ức các đức Phật ngợi khen, có năng lực độ trăm nghìn muôn ức vô lượng chúng sinh, có năng lực sinh vô lượng môn đà-la-ni, có năng lực khởi vô lượng trăm nghìn muôn ức môn tam-muội; và các bồ-tát mới phát tâm nhiều không kể xiết. Cõi nước Phật ấy vô lượng trang nghiêm nói không kể hết. Phật ấy trụ thế giáo hóa đã xong, nhập vô dư niết-bàn. Sau khi Phật diệt độ, pháp trụ sáu muôn năm, các cây chẳng còn phát ra tiếng nói pháp nữa.

Bấy giờ, có bồ-tát tỳ-kheo tên Hỷ Căn đang làm pháp sư chất trực, đoan chính, chẳng hoại oai nghi, chẳng bỏ thế pháp. Chúng sinh thuở ấy căn cơ linh lợi thích nghe luận sâu. Pháp sư Hỷ Căn ở trước mọi người chẳng khen thiểu dục, tri túc, tế hạnh ở một mình, duy dạy mọi người về thật tướng các pháp, nghĩa là tính của tất cả pháp tức là tính của tham dục, tính của tham dục tức là tính của các pháp, tính của sân khuể tức là tính của các pháp, tính ngu si tức là tính của các pháp. Pháp sư Hỷ Căn ấy dùng phương tiện này giáo hóa chúng sinh khiến cho họ đều tu pháp nhất tướng, chẳng thị phi nhau, tâm không sân si đối với đạo tu hành. Do vì nhân duyên không sân si nên chóng đắc pháp nhẫn, ở trong Phật pháp quyết định chẳng bị hư hoại.

Bạch Thế Tôn! Bấy giờ, lại có tỳ-kheo pháp sư hành đạo Bồ-tát tên là Thắng Ý. Tỳ-kheo Thắng Ý này gìn giữ cấm giới, đắc tứ thiền, tứ vô sắc định, hành mười hai pháp đầu-đà.

Bạch Thế Tôn! Tỳ-kheo Thắng Ý này có các đệ tử, tâm họ khinh mạn thích thấy lỗi người.

Bạch Thế Tôn! Sau đó, một hôm, bồ-tát Thắng Ý vào xóm khất thực, ngẫu nhiên đến nhà đệ tử của Hỷ Căn, thấy cư sĩ chủ nhà, Thắng Ý liền vào nhà trải tòa ngồi xuống vì cư sĩ mà ngợi khen tế hạnh thiểu dục tri túc, nói cái lỗi của lời nói vô ích, ngợi khen người xa lìa chúng, thích đi một mình. Vì ở trước cư sĩ nói lỗi lầm của pháp sư Hỷ Căn là tỳ-kheo chẳng chân thật dùng đạo tà kiến giáo hóa chúng sinh, là người tạp hạnh nói dâm dục không chướng ngại, sân khuể không chướng ngại, ngu si không chướng ngại, tất cả pháp đều không chướng ngại. Cư sĩ này lợi căn đã đắc vô sinh pháp nhẫn liền nói với tỳ-kheo Thắng Ý:

– Bạch Đại đức! Ngài biết tham dục là pháp gì?

Thắng Ý đáp:

– Này cư sĩ! Tôi biết tham dục là phiền não.

– Bạch Đại đức! Phiền não này là ở trong hay là ở ngoài?

– Chẳng ở trong, chẳng ở ngoài.

– Bạch Đại đức! Nếu tham dục chẳng ở trong, chẳng ở ngoài, chẳng ở mười phương đông, tây, nam, bắc, bốn góc, trên dưới thì tức là vô sinh. Nếu vô sinh thì tại sao nói là nhơ, là sạch.

Bấy giờ, tỳ-kheo Thắng Ý nổi giận chẳng vui, từ chỗ ngồi đứng dậy nói: “Tỳ-kheo Hỷ Căn dùng pháp vọng ngữ mê hoặc mọi người”. Tỳ-kheo Thắng Ý này vì chẳng học pháp môn Nhập Âm Thanh nên nghe âm thanh Phật thì hoan hỷ, nghe âm thanh ngoại đạo thì giận; đối với âm thanh phạm hạnh thì hoan hỷ, đối với âm thanh phi phạm hạnh thì giận. Do vì chẳng học pháp môn Nhập Âm Thanh nên đối với âm thanh sạch thì hoan hỉ, đối với âm thanh nhơ thì giận. Do vì chẳng học pháp môn Nhập Âm Thanh nên đối với âm thanh thánh đạo thì hoan hỷ, đối với âm thanh phàm phu thì e ngại. Do vì chẳng học pháp môn Nhập Âm Thanh nên đối với âm thanh vui thì hoan hỷ, đối với âm thanh khổ thì e ngại. Do vì chẳng học pháp môn Nhập Âm Thanh nên đối với âm thanh xuất gia thì hoan hỷ, đối với âm thanh thế gian thì e ngại. Do vì chẳng học pháp môn Nhập Âm Thanh nên đối với bố thí thì sinh ra ý tưởng có lợi, đối với keo kiết thì sinh ra ý tưởng e ngại. Do vì chẳng học pháp môn Nhập Âm Thanh nên đối với trì giới sinh ra ý tưởng có lợi, đối với phá giới sinh ra ý tưởng e ngại.

Tỳ-kheo Thắng Ý ra khỏi nhà kia rồi trở về chỗ cư trú, thấy Bồ-tát Hỷ Căn ở trong chúng tăng, bèn nói với mọi người rằng:

– Tỳ-kheo này phần nhiều đem tà kiến hư vọng giáo hóa chúng sinh như là nói dâm dục chẳng phải chướng ngại, sân khuể chẳng phải chướng ngại, ngu si chẳng phải chướng ngại, tất cả pháp chẳng phải chướng ngại.

Bấy giờ, Bồ-tát Hỷ Căn nghĩ rằng: “Tỳ-kheo này hôm nay đang khởi tội của nghiệp chướng ngại. Ta nay sẽ vì ông ấy mà nói pháp sâu xa này để làm nhân duyên tu đạo pháp trợ bồ-đề.

Bấy giờ, bồ-tát Hỷ Căn ở trước chúng tăng nói bài kệ này:

Tham dục là niết-bàn,

Sân si cũng như vậy,

Ở trong ba độc này

Có vô lượng Phật pháp.

Nếu có người phân biệt

Tham dục, sân khuể, si

Người này cách Phật xa

Ví như trời với đất.

Bồ-đề cùng tham dục

Là một, chẳng phải hai

Đều vào một pháp môn

Bình đẳng không có khác.

Phàm phu nghe sợ hãi

Cách Phật đạo rất xa

Tham dục chẳng sinh diệt

Chẳng khiến tâm phiền não.

Nếu người có tâm Ngã

Và người chấp có đắc

Người này bị tham dục

Lôi vào trong địa ngục.

Tính thật của tham dục

Tức là tính Phật pháp,

Tính thật của Phật pháp

Cũng là tính tham dục.

Hai pháp này nhất tướng

Đó chính là vô tướng

Nếu hay biết như vậy

Là Đạo sư thế gian.

Nếu có người phân biệt

Là trì giới, phá giới

Bị trì giới làm cuồng

Mà khinh miệt người khác,

Người này không bồ-đề

Cũng không có Phật pháp

Chỉ tự an trụ trong

Kiến chấp có sở đắc.

Nếu ở chỗ rảnh không

Tự quý mà khinh người

Còn chẳng được sinh Thiên

Hà huống đắc bồ-đề.

Đều do chấp rảnh không

Mà trụ nơi tà kiến,

Tà kiến cùng bồ-đề

Bình đẳng, không có khác.

Chỉ do vì danh tự

Ngôn ngữ nên nói khác,

Nếu thông đạt điều này

Ắt là gần bồ-đề.

Phân biệt phiền não nhơ

Tức là chấp tịnh kiến,

Không pháp Phật bồ-đề

Trụ kiến chấp có đắc.

Nếu tham chấp Phật pháp

Ấy là xa Phật pháp,

Vì tham pháp vô ngại

Trở lại chịu khổ não.

Nếu người không phân biệt

Tham dục, sân khuể, si

Vào trong tính ba độc

Ắt là thấy bồ-đề,

Người này gần Phật đạo

Chóng đắc vô sinh nhẫn.

Nếu thấy pháp hữu vi

Cùng pháp vô vi khác

Người này trọn chẳng được

Thoát khỏi pháp hữu vi.

Nếu biết hai tính đồng

Ắt là đấng Thế Tôn.

Phật chẳng thấy bồ-đề

Cũng chẳng thấy Phật pháp

Vì chẳng chấp các pháp

Hàng ma, thành Phật đạo.

Nếu muốn độ chúng sinh

Chớ phân biệt tính ấy

Tất cả các chúng sinh

Đều đồng với niết-bàn.

Nếu hay thấy như vậy

Ắt là được thành Phật.

Tâm kia chẳng vắng lặng

Mà hiện tướng vắng lặng,

Người này trong trời, người

Chính là kẻ giặc dữ,

Người này không bồ-đề

Cũng không có Phật pháp.

Nếu người nguyện thế này:

Tôi sẽ được làm Phật,

Kẻ phàm phu như thế

Bị sức vô minh lôi.

Phật pháp rất thanh tịnh

Dụ như hư không kia

Trong ấy không thể lấy

Cũng không có thể bỏ.

Phật chẳng đắc Phật đạo

Cũng chẳng độ chúng sinh,

Phàm phu cố phân biệt

Làm Phật độ chúng sinh,

Người này với Phật pháp

Cách nhau thật rất xa.

Nếu thấy chúng sinh khổ

Ắt là người thọ khổ,

Chúng sinh không chúng sinh

Mà nói có chúng sinh,

Trụ trong tướng chúng sinh

Ắt không có bồ-đề.

Nếu người thấy chúng sinh

Là rốt ráo giải thoát

Không có dâm, khuể, si

Ấy là vị thế tướng[2].

Nếu chẳng thấy chúng sinh

Chẳng thấy phi chúng sinh

Chẳng đắc Phật pháp thật

Phật đồng tính chúng sinh,

Nếu hay biết như vậy

Là vị tướng thế gian.

Nếu người muốn thành Phật

Chớ hoại tính tham dục

Tính tham dục tức là

Công đức của chư Phật.

Nếu người muốn phát tâm

Tùy thuận đạo bồ đề

Chớ tự có phân biệt

Tâm khác với bồ-đề,

Phát tâm tức bồ-đề

Biết là vị thế tướng.

Nếu nói ngoại đạo ác

Khen Phật thế gian tôn

Hai lời này chẳng khác

Biết là vị thế tướng.

Nếu người cầu bồ-đề

Người này không bồ-đề,

Nếu thấy tướng bồ-đề

Ắt là xa bồ-đề.

Bồ-đề, phi bồ-đề

Phật-đà, phi Phật-đà

Nếu biết là nhất tướng

Là Đạo sư thế gian.

Nếu người nghĩ thế này:

Tôi sẽ độ chúng sinh

Là chấp tướng chúng sinh,

Người này không bồ-đề

Cũng không có Phật pháp

Vì trụ trong chấp có.

Tham dục không trong ngoài

Cũng chẳng ở các phương

Phân biệt là tướng không

Phàm phu bị thiêu đốt.

Như huyễn, như tiếng vang

Như mộng, con thạch nữ

Các phiền não cũng vậy

Chắc chắn chẳng thật có,

Vì chẳng biết là không

Nên phàm phu bị gạt.

Phiền não tức là đạo

Nếu có người phân biệt

Là đạo, là phi đạo

Người này trọn chẳng được

Bồ-đề vô phân biệt.

Phàm phu sợ Phật pháp

Cách Phật pháp rất xa,

Nếu chẳng nghi pháp không

Người này đắc bồ-đề.

Tất cả pháp hữu vi

Tức là pháp vô vi

Số ấy chẳng nắm được

Vô số nên vô vi.

Nếu đem tâm bồ-đề

Tự cao không sợ hãi

Tự nghĩ sẽ làm Phật

Người này không bồ-đề

Cũng không có Phật pháp,

Lìa bảo ấn bồ-đề.

Nếu người chỉ đọc kinh

Ức tưởng mà phân biệt

Chẳng suy tư nghĩa lý,

Chỉ vì tham danh lợi

Tự nghĩ sẽ làm Phật

Ắt thành, không có nghi.

Chỉ tham nơi danh lợi

Đọc kinh, ở chỗ vắng

Phân biệt hạnh thiểu dục

Trở lại bị tham lôi.

Nếu muốn xa lìa tham

Thì chẳng xa được tham,

Nếu đạt tính của tham

Người này lìa được tham.

Chẳng được pháp thật tế

Tuy đêm dài trì giới

Được các thiền vô ngại

Chẳng vào pháp vị Phật.

Biết pháp không có tính

Chẳng hoại tất cả pháp

Chẳng nói giới, phi giới

Được thoát khỏi chấp có,

Dùng tính không trì giới

Để biết pháp trì giới.

Chư Phật là pháp vương

Pháp tạng chẳng nghĩ bàn

Vô lượng sức phương tiện

Dẫn đạo các chúng sinh,

Dùng pháp môn nhất tướng

Khiến vào đạo tịch diệt.

Phàm phu nghe Phật nói

Vô ngã, không có pháp

Nhất tướng, tự tính không

Chẳng tin, sa hầm sâu.

Tuy bạch y thọ dục

Nghe pháp này chẳng sợ

Hơn người hành đầu-đà

Trụ nơi kiến chấp có.

Hiện tại mười phương Phật

Lợi ích các thế gian

Biết pháp như hư không

Đều đã đắc bồ-đề.

Nếu có người vô trí

Ưa thích pháp phân biệt

Nghe pháp thật tướng này

Sinh nghi ngờ, sợ hãi,

Người này vô lượng kiếp

Chịu đủ các thống khổ.

Lúc nói kệ pháp này, ba muôn thiên tử đắc vô sinh pháp nhẫn, một muôn tám nghìn người lậu tận giải thoát, tức thời đất nứt, tỳ-kheo Thắng Ý đọa đại địa ngục. Do vì nhân duyên tội của nghiệp chướng này nên trải qua trăm nghìn ức na-do-tha kiếp tỳ-kheo Thắng Ý ở đại địa ngục chịu các khổ sở. Từ địa ngục ra bảy mươi bốn muôn đời thường bị phỉ báng, trong trăm nghìn kiếp chẳng nghe danh tự của Phật. Từ đó về sau mới được gặp lại Phật, xuất gia học đạo mà không có ý chí, trong sáu mươi ba muôn đời thường bỏ đạo hoàn tục, cũng vì tội dư thừa của nghiệp chướng này mà ở trong trăm nghìn đời các căn bị ám độn.

Bạch Thế Tôn! Pháp sư Hỷ Căn của thuở ấy, ngày nay ở phương đông qua mười muôn ức cõi Phật, có nước tên Bảo Trang Nghiêm, ở đó đắc Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác hiệu là Thắng Quang Minh Oai Đức Vương Như Lai, Ứng Cúng, Chính Biến Tri. Còn tỳ-kheo Thắng Ý kia nay chính là con.

Bạch Thế Tôn! Lúc con chưa nhập pháp môn này, phải chịu khổ như vậy, khổ phân biệt, khổ điên đảo. Thế nên, nếu có người phát tâm bồ-đề, hoặc người phát tâm Tiểu thừa chẳng muốn khởi tội của nghiệp chướng như vậy, chẳng muốn chịu khổ não như vậy thì chẳng nên chống nghịch Phật pháp, không có chỗ nơi để sinh giận hờn.

Phật bảo, ngài Văn-thù-sư-lợi:

– Ông nghe kệ này, được những lợi gì?

– Bạch Thế Tôn! Con hết tội của nghiệp chướng ấy rồi, nhờ nhân duyên được nghe kệ này mà sinh ra chỗ nào cũng lợi căn trí huệ, được pháp nhẫn sâu, được nhẫn quyết định, khéo thuyết pháp thâm diệu.

– Này Văn-thù-sư-lợi! Nhờ sức của ai mà ông nhớ được nhân duyên tội của nghiệp chướng từ vô lượng a-tăng-kỳ kiếp như vậy?

– Bạch Thế Tôn! Các bồ-tát nhớ được, nói được, suy tư được đều là nhờ sức thần của Phật. Tại sao như thế? Tất cả các pháp đều từ sinh Phật ra.

Phật bảo Văn-thù-sư-lợi:

– Nếu có người nghe kinh này thì người ấy đồng với người đắc thập lực của Phật, không khác. Nếu người đắc vô sinh pháp nhẫn và người nghe kinh này cũng đồng, không khác.

Ngài Văn-thù-sư-lợi thưa:

– Như con biết nghĩa Phật đã nói, người nghe kinh này được công đức lợi ích vô lượng chẳng thể nghĩ bàn.

– Này Văn-thù-sư-lợi! Đúng thế, đúng thế! Người nghe kinh này được công đức lợi ích vô lượng chẳng thể nghĩ bàn, nhưng Phật chẳng nói cặn kẽ. Vì sao? Vì người chẳng tu đạo, chẳng tinh tấn, người ác như thế nghe nói sự lợi ích này thì chẳng thể tin nhận.

Bấy giờ, Pháp vương tử Văn-thù-sư-lợi và bồ-tát Di-lặc bạch Phật:

– Thế Tôn! Chúng con hộ niệm kinh này, vào thời vị lai, sau năm trăm năm, sẽ khiến kinh này lưu bố khắp nơi, mọi người đều được thọ trì, ma hoặc thiên ma chẳng được cơ hội thuận tiện khuấy phá.

Bấy giờ, Đức Phật muốn hộ niệm kinh này nên nhìn hai bên, tức thời vô lượng cõi nước nhiều như số cát sông Hằng khắp mười phương đều chấn động sáu cách như vậy ắt vì hộ niệm kinh này, và chư Phật nhiều như số cát sông Hằng khắp mười phương cũng đều hộ niệm kinh này.

Lúc nói kinh này, vô lượng chúng sinh nhiều như số cát sông Hằng trong cõi nước mười phương đắc vô sinh pháp nhẫn, hà huống người đắc quả vô học của Thanh văn, hà huống người trụ học địa.

Bấy giờ, ngài A-nan liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch y bày vai hữu, bạch Phật:

– Thế Tôn! Kinh này tên là gì? Và phải phụng trì thế nào?

Phật bảo A-nan:

– Kinh này tên là Chư Pháp Vô Hành.

Nói kinh này xong, Pháp vương tử Văn-thù-sư-lợi, Đại bồ-tát Di-lặc, Đại bồ-tát Sư Tử Du Bộ, Thiên tử Hoa Hí Huệ v.v…, tất cả chúng Bồ-tát và A-nan, Trời, Người, A-tu-la v.v… nghe điều Phật nói, đều rất vui mừng.

Chú thích:

[2] Vị tướng quân của thế gian.

    Xem thêm:

  • Kinh Lão Nữ Nhân – Nguyên Thuận dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Quán Sát Chư Pháp Hạnh - Kinh Tạng
  • Kinh Thiên Vương Thái Tử Bích La - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Quán Di Lặc Bồ Tát Hạ Sanh – Thích Nữ Như Phúc dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa tập 12 - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Vì Thiên Tử Thắng Quang Dạy Vương Pháp - Kinh Tạng
  • Kinh Lão Mẫu - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Nguyệt Quang Đồng Tử - Kinh Tạng
  • Kinh Diệu Pháp Liên Hoa – Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa tập 16 - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Tập Đại Hư Không Tạng Bồ Tát Sở Vấn - Kinh Tạng
  • Kinh Nhơn Vương Hộ Quốc Bát Nhã Ba La Mật Đa - Kinh Tạng
  • Kinh Hải Long Vương - Kinh Tạng
  • Kinh Diệu Pháp Liên Hoa – Thích Minh Định dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích tập 8 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Những Nghi Vấn Về Pháp Môn Tịnh Độ - Kinh Tạng
  • Kinh Văn Thù Sư Lợi Thỉnh Vấn Về Bồ Đề - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích tập 7 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Những Điều Trái Nghịch Của Ma - Kinh Tạng
  • Kinh A Di Đà (Văn Vần) - Kinh Tạng