Kinh Lão Nữ Nhân

Phật Thuyết Lão Nữ Nhơn Kinh

Ngô Chi Khiêm dịch

Bản Việt dịch của Nguyên Thuận

***

Tôi nghe như vầy:

Một thuở nọ, Đức Phật đến thành Quảng Nghiêm và dừng nghỉ ở xứ Nhạc Âm, cùng với 800 vị Tỳ-kheo và 10.000 vị Bồ-tát.

Bấy giờ có một bà lão nghèo khổ đến chỗ của Phật, cúi đầu sát đất và đảnh lễ Đức Phật, rồi bạch Phật rằng:

“Bạch Thế Tôn! Con có việc muốn thưa hỏi. [Kính mong Như Lai cho phép.]”

Đức Phật bảo:

“Lành thay! Hãy cứ hỏi.”

Bà lão thưa rằng:

“Thưa Thế Tôn!

– Sanh từ nơi nào đến và sẽ đi về đâu?

– Già từ nơi nào đến và sẽ đi về đâu?

– Bệnh từ nơi nào đến và sẽ đi về đâu?

– Chết từ nơi nào đến và sẽ đi về đâu?

– Sắc thọ tưởng hành thức từ nơi nào đến và sẽ đi về đâu?

– Mắt tai mũi lưỡi thân ý từ nơi nào đến và sẽ đi về đâu?

– Đất nước gió lửa với hư không từ nơi nào đến và sẽ đi về đâu?”

Đức Phật bảo:

“Lành thay! Câu hỏi rất hay.

– Sanh chẳng từ nơi nào đến và cũng chẳng đi về đâu.

– Già chẳng từ nơi nào đến và cũng chẳng đi về đâu.

– Bệnh chẳng từ nơi nào đến và cũng chẳng đi về đâu.

– Chết chẳng từ nơi nào đến và cũng chẳng đi về đâu.

– Sắc thọ tưởng hành thức chẳng từ nơi nào đến và cũng chẳng đi về đâu.

– Mắt tai mũi lưỡi thân ý chẳng từ nơi nào đến và cũng chẳng đi về đâu.

– Đất nước gió lửa với hư không chẳng từ nơi nào đến và cũng chẳng đi về đâu.

Các pháp đều như vậy. Ví như khi hai que củi cọ xát phát ra lửa, và lửa trở lại đốt cháy củi. Khi củi đã cháy hết, lửa liền tắt.”

Đức Phật hỏi bà lão:

“Lửa này vốn từ nơi nào đến và khi tắt nó sẽ đi về đâu?”

Bà lão thưa rằng:

“Thưa Thế Tôn! Khi nhân duyên tụ hợp thì liền phát lửa. Khi nhân duyên ly tán thì lửa liền tắt.”

Đức Phật bảo:

“Các pháp đều như vậy. Khi nhân duyên tụ hợp thì mới hình thành. Khi nhân duyên ly tán thì liền diệt mất. Các pháp chẳng từ nơi nào đến và cũng chẳng đi về đâu. Mắt thấy sắc tức là ý. Ý tức là sắc. Cả hai thảy đều không. Không có sự hình thành. Diệt mất cũng như thế.

Các pháp ví như cái trống. Nó không phải chỉ do một yếu tố mà được. Nếu có người cầm dùi đánh vào cái trống, cái trống sẽ vang ra âm thanh. Tuy nhiên, âm thanh đang vang ra từ cái trống đó cũng là không, âm thanh sẽ vang ra cũng là không, và âm thanh đã vang ra cũng là không. Âm thanh đó cũng chẳng phải vang ra từ gỗ, da, dùi, hay tay người đánh. Do hội đủ nhân duyên nên mới vang ra tiếng trống. Âm thanh từ không và tiêu tan về không.

Tất cả vạn vật cũng lại như thế. Bổn nguyên đều thanh tịnh và chẳng có một vật. Do nhân duyên mà từ không hiện hữu sanh ra các pháp. Các pháp cũng là không hiện hữu. Ví như mây đen kéo đến thì sẽ liền mưa. Mưa cũng chẳng từ thân rồng tuôn ra, và cũng chẳng từ tâm rồng lưu xuất. Đó đều là do nhân duyên việc làm của rồng nên mới có mưa này.

Các pháp chẳng từ nơi nào đến và cũng chẳng đi về đâu. Ví như họa sĩ trước tiên chuẩn bị bản vẽ trắng, rồi sau đó hòa hợp các màu sắc và vẽ theo ý muốn. Bức họa đó chẳng phải từ bản vẽ trắng mà hiện ra, và cũng chẳng phải từ tay người mà hiện ra. Nó tùy theo ý của họa sĩ mà mỗi chi tiết được vẽ ra.

Sanh tử cũng lại như vậy. Mỗi loài tùy theo nghiệp của mình tạo mà ứng hiện quả báo. Địa ngục, thiên thượng, hay nhân gian cũng thế. Ai có thể liễu giải tức là bậc trí tuệ, và không chấp trước cảnh hiện hư vọng.”

Khi nghe Phật dạy, bà lão vui mừng khôn xiết và liền tự nói rằng:

“Nhờ ân đức của Phật mà con đắc Pháp nhãn. Tuy thân con đã già yếu, nhưng nay cũng được khai ngộ và liễu giải.”

Bấy giờ ngài A-nan sửa sang y phục, rồi quỳ hai gối và thưa với Phật rằng:

“Thưa Thế Tôn! Khi vừa nghe lời Phật dạy, bà lão này liền hiểu rõ. Nhân duyên gì mà bà lão có trí tuệ dường ấy?”

Phật bảo ngài A-nan:

“Khi ta phát tâm học Đạo ở đời trước, bà lão đó chính là mẹ của ta.”

Ngài A-nan hỏi Phật rằng:

“Thưa Thế Tôn! Do nhân duyên gì mà bà lão này phải chịu bần cùng khốn khổ như thế?”

Đức Phật bảo:

“Vào thuở xa xưa ở nơi của Đức Phật Sở Ưng Đoạn, bấy giờ ta muốn làm Sa-môn, nhưng mẹ ta thuở đó do quá thương luyến nên không cho phép ta đi xuất gia. Thế là ta rất buồn bã và đã bỏ ăn một ngày. Bởi nhân duyên ấy mà suốt 500 đời sanh ra ở thế gian về sau, bà ấy phải chịu bần cùng.

Sau khi thọ mạng ở hiện đời chấm dứt, bà lão này sẽ sanh về quốc độ của Đức Phật Vô Lượng Thọ và ở cõi nước kia cúng dường chư Phật. Trải qua 68 ức kiếp về sau, thời sẽ thành Phật, hiệu là Puṣpakara. Quốc độ tên là Hóa Hoa. Nhân dân trong cõi nước ấy sẽ có y phục và ẩm thực để dùng như ở trên trời Tam Thập Tam, và đều sống lâu đến một kiếp.”

Khi Phật thuyết Kinh này xong, bà lão và ngài A-nan, chư Bồ-tát, các vị Tỳ-kheo, cùng các quỷ thần, trời, rồng, người và phi thiên đều rất vui mừng. Họ cúi đầu đảnh lễ sát đất ở trước Phật, rồi cáo lui.

    Xem thêm:

  • Kinh Lão Mẫu - Kinh Tạng
  • Kinh Diệu Pháp Liên Hoa – Nguyên Thuận dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Sáu Điều Thiết Yếu Cho Bà Lão - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích tập 1 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Pháp Cú – Nguyên Thuận dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích tập 7 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Quán Di Lặc Bồ Tát Hạ Sanh – Thích Nữ Như Phúc dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích tập 8 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh A Nan Vấn Phật Sự Cát Hung – Thích Nữ Tuệ Thành dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích tập 2 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Vợ Trưởng Giả Pháp Chí - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích tập 3 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Vô Lượng Thọ Phật - Kinh Tạng
  • Kinh Nhân Duyên Của Thái Tử Phước Lực - Kinh Tạng
  • Kinh Bốn Mươi Hai Chương - Kinh Tạng
  • Kinh A Di Đà Tam Da Tam Phật Tát Lâu Phật Đàn Quá Độ Nhơn Đạo - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích tập 9 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Hoa Chánh Pháp - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Phương Đẳng Đại Tập Hiền Hộ Bồ Tát – Thích Hằng Đạt dịch - Kinh Tạng
  • Bích Nham Lục Của Thiền Sư Phật Quả Viên Ngộ – Thích Thanh Từ dịch - Kinh Tạng