1
2
3
4

KINH BỐN MƯƠI HAI CHƯƠNG

Tứ Thập Nhị Chương Kinh

Hậu Hán Ca Diếp Ma Đằng Cộng Pháp Lan dịch

Bản Việt dịch (1) của Đoàn Trung Còn – Nguyễn Minh Tiến

Bản Việt dịch (2) của Ban phiên dịch Việt ngữ Vạn Phật Thánh Thành

Bản Việt dịch (3) của Nguyên Thuận

Bản Việt dịch (4) của Thích Tâm Châu

***

Kinh Bốn Mươi Hai Chương

Việt dịch: Đoàn Trung CònNguyễn Minh Tiến

BÀI TỰA KINH

Đức Thế Tôn khi thành đạo rồi, tự nghĩ rằng: “Lìa bỏ ái dục, được lẽ tịch tĩnh, ấy là hay hơn hết.” Ngài trụ nơi đại thiền định, hàng phục các ma chướng.

Ngài ở nơi vườn Lộc gần thành Ba-la-nại mà chuyển bánh xe Pháp, thuyết Tứ diệu đế, độ cho nhóm ông Kiều-trần-như năm người đều đắc đạo.

Có những tỳ-kheo thưa hỏi chỗ nghi của mình, Phật nhân đó chỉ dạy làm cho mọi người đều được khai ngộ. Thảy đều chấp tay cung kính, vâng thuận theo lời dạy của Phật.

CHƯƠNG THỨ NHẤT: XUẤT GIA CHỨNG QUẢ

Phật dạy: “Từ giã người thân, lìa bỏ gia đình, thấu biết lẽ tâm, đạt tới nguồn cội hiểu pháp vô vi, đó gọi là sa-môn. Vị sa-môn thường giữ trọn hai trăm năm mươi giới, mọi hành vi thảy đều thanh tịnh, làm theo Bốn chân lý, thành A-la-hán. Vị A-la-hán có thể bay trên không trung, hiện hóa các phép thần thông, đời sống dài trọn kiếp. Vị ấy ở đâu thì cảm động cả đất trời.

Quả vị thấp hơn là A-na-hàm. Vị A-na-hàm, khi mạng chung sanh lên từng trời thứ mười chín rồi chứng quả A-la-hán.

Quả vị thấp hơn là Tư-đà-hàm. Vị Tư-đà-hàm còn một lần sanh lên cõi trời và một lần trở lại cõi người, rồi chứng quả A-la-hán.

Quả vị thấp hơn nữa là Tu-đà-hoàn. Vị Tu-đà-hoàn còn bảy lần chết, bảy lần sanh mới chứng quả A-la-hán.

“Khi người ta đoạn tuyệt ái dục rồi [thì ái dục đó] ví như tay chân bị chặt đứt, chẳng còn dùng được nữa.”

CHƯƠNG THỨ HAI: TRỪ DỤC DỨT TÌNH

Phật dạy: “Vị sa-môn xuất gia cắt đứt tình dục, lìa bỏ luyến ái, thấu hiểu tận nguồn tâm, đạt lý thâm diệu của Phật, rõ pháp vô vi, trong không có chỗ chứng đắc, ngoài không có chỗ mong cầu, tâm chẳng trói buộc vào đạo, cũng chẳng tạo thêm nghiệp quả, không chỗ niệm tưởng, không tạo tác, chẳng tu chẳng chứng, chẳng trải qua các quả vị, tự nhiên cao tới tột bực. Đó gọi là đạo.”

CHƯƠNG THỨ BA: DỨT BỎ THAM ÁI

Phật dạy: “Người cạo bỏ râu tóc làm sa-môn, lãnh thọ giáo pháp, lìa bỏ tài sản thế gian, khất thực vừa đủ ăn. Mỗi ngày chỉ ăn một lần, dưới cội cây chỉ nghỉ một đêm, tránh không lặp lại. Ấy là vì biết rằng lòng luyến ái và ham muốn làm cho người ta ngu tối.”

CHƯƠNG THỨ TƯ: PHÂN RÕ LÀNH DỮ

Phật dạy: “Chúng sanh có mười việc gọi là lành, lại cũng có mười việc gọi là dữ. Những gì là mười? Ba việc do thân tạo ra là: sát sanh, trộm cắp, dâm dục. Bốn việc do miệng tạo ra là: nói hai lưỡi, nói ác, nói dối, nói thêu dệt. Ba việc do ý tạo ra là: ganh ghét, sân hận, ngu si. Làm mười việc ấy chẳng thuận theo Thánh đạo, nên gọi là dữ. Nếu dừng được mười việc dữ ấy, thì gọi là mười việc lành.”

CHƯƠNG THỨ NĂM: CHUYỂN NẶNG THÀNH NHẸ

Phật dạy: “Người ta có những sự lầm lỗi mà chẳng biết tự hối, dứt bỏ ngay đi, thì tội lỗi tích tụ nơi thân mình, như nước đổ về biển, mỗi ngày lại càng thêm sâu rộng. Nếu người có lỗi mà tự biết sai lầm, bỏ dữ làm lành, thì tội tự tiêu diệt; như bệnh toát ra mồ hôi, dần dần được thuyên giảm.”

CHƯƠNG THỨ SÁU: NHỊN KẺ ÁC KHÔNG GIẬN

Phật dạy: “Kẻ ác nghe việc lành cho nên đến quấy rối. Chư tỳ-kheo, hãy lặng yên nhịn chịu đừng giận trách chi. Kẻ ấy làm điều dữ là tự chuốc lấy sự dữ cho mình.”

CHƯƠNG THỨ BẢY: LÀM ÁC GẶP ÁC

Phật dạy: “Có người nghe Phật giữ đạo, hết sức nhân từ, vì thế mà đến mắng chửi. Phật lặng thinh chẳng đáp. Chờ khi người ấy mắng xong, Phật hỏi rằng: Ông mang lễ vật tặng người, nếu người chẳng nhận thì lễ vật ấy có trở về với ông chăng?

“Đáp rằng: Có.

“Phật nói: Nay ông đến mắng ta, ta chẳng nhận, tức là tự ông mang lấy họa về cho chính mình. Cũng như tiếng dội ứng với âm thanh, bóng theo với hình, chẳng hề lìa nhau. Phải thận trọng chớ nên làm điều hung dữ.”

CHƯƠNG THỨ TÁM: TỰ LÀM XẤU MÌNH

Phật dạy: “Kẻ hung dữ hại người hiền, cũng như ngửa mặt lên trời mà phun nước miếng. Nước miếng ấy chẳng lên đến trời, lại rơi xuống mình. Lại như kẻ ngược chiều gió mà tung bụi. Bụi ấy chẳng đến người khác, lại bám lấy mình. Nên chẳng thể làm hại người hiền lành được, mà tai họa sẽ trở lại cho kẻ hung ác.”

CHƯƠNG THỨ CHÍN: VỀ NGUỒN HIỂU ĐẠO

Phật dạy: “Lấy sự nghe biết nhiều, luyến mến nơi đạo, ắt khó mà hiểu đạo. Bền chí phụng sự theo đạo thì mới hiểu thấu đạo rất sâu rộng.”

CHƯƠNG THƯ MƯỜI: TÁN TRỢ ĐƯỢC PHƯỚC

Phật dạy: “Thấy hạnh bố thí của người khác, đem lòng hoan hỷ mà tán trợ thì được phước rất lớn.”

Một vị sa-môn thưa hỏi Phật rằng: “Phước ấy có hết chăng?”

Phật dạy: “Tỷ như lửa từ một cây đuốc, hàng trăm ngàn người đều đến mồi ra để nấu ăn hay soi sáng, cây đuốc kia vẫn còn như cũ. Phước đức ấy cũng như vậy đó.”

CHƯƠNG THỨ MƯỜI MỘT: ĐÃI CƠM KHÁC BIỆT

Phật dạy: “Bố thí cơm ăn cho trăm kẻ ác, chẳng bằng bố thí cơm ăn cho một người thiện.

“Thí cho ngàn người thiện, chẳng bằng thí cho một người giữ năm giới cấm.

“Thí cho vạn người giữ năm giới cấm, chẳng bằng cúng dường một vị Tu-đà-hoàn.

“Cúng dường trăm vạn vị Tu-đà-hoàn, chẳng bằng cúng dường một vị Tư-đà-hàm.

“Cúng dường ngàn vạn vị Tư-đà-hàm, chẳng bằng cúng dường một vị A-na-hàm.

“Cúng dường một ức vị A-na-hàm, chẳng bằng cúng dường một vị A-la-hán.

“Cúng dường mười ức vị A-la-hán, chẳng bằng cúng dường một vị Phật Bích-chi.

“Cúng dường trăm ức vị Phật Bích-chi, chẳng bằng cúng dường một vị Phật ba đời.

Cúng dường ngàn ức vị Phật ba đời, chẳng bằng cúng dường một người Vô niệm, vô trụ, vô tu, vô chứng.

CHƯƠNG THỨ MƯỜI HAI: KHÓ NHỌC NÊN GẮNG TU

Phật dạy: “Người ta có hai mươi sự khó làm, khó được:

1. Nghèo khổ mà làm được việc bố thí là khó.

2. Giàu sang quyền quý mà học được đạo là khó.

3. Dám bỏ mạng sống đi vào chỗ chết là khó.

4. Được thấy kinh Phật là khó.

5. Sanh ra lúc có Phật ra đời là khó.

6. Tự chế sự ham muốn sắc dục là khó.

7. Thấy vật tốt đẹp mà chẳng mong cầu là khó.

8. Bị nhục mà không giận là khó.

9. Có thế lực mà không ỷ cậy là khó.

10. Gặp việc mà lấy tâm vô tư ứng xử là khó.

11. Học rộng mà vẫn tham khảo nhiều là khó.

12. Trừ diệt tánh ngã mạn là khó.

13. Chẳng khinh người chưa học là khó.

14. Giữ tâm bình đẳng là khó.

15. Chẳng nói những chuyện thị phi là khó.

16. Gặp thiện tri thức là khó.

17. Thấy tánh học đạo là khó.

18. Theo hóa độ người khác là khó.

19. Thấy cảnh mà chẳng động tâm là khó.

20. Khéo hiểu phương tiện là khó.

CHƯƠNG THỨ MƯỜI BA: HỎI VỀ TÚC MẠNG

Một vị sa-môn thưa hỏi Phật: “Nhờ nhân duyên gì có thể được biết túc mạng, hiểu thấu lẽ đạo?”

Phật dạy: “Giữ tâm thanh tịnh, ý chí vững bền thì có thể hiểu thấu lẽ đạo. Như lau chùi tấm gương sạch hết những chỗ dơ bẩn, tự nhiên được sáng trong. Nếu dứt bỏ tình dục và sự mong cầu, tất nhiên biết được túc mạng.”

CHƯƠNG THỨ MƯỜI BỐN: HỎI ĐIỀU TỐT LÀNH

Một vị sa-môn thưa hỏi Phật: “Điều chi là lành? Điều chi lớn nhất?”

Phật dạy: “Tu theo đạo, giữ lấy sự chân thật, đó là điều lành. Tâm ý phù hợp với đạo, đó gọi là lớn.”

CHƯƠNG THỨ MƯỜI LĂM: SỨC MẠNH VÀ SỰ SÁNG

Một vị sa-môn thưa hỏi Phật: “Thế nào là có nhiều sức mạnh? Thế nào là sáng suốt nhất?”

Phật dạy: “Nhẫn nhục là có nhiều sức mạnh, vì chẳng mang lòng hung dữ, lại thêm được yên lành, khỏe mạnh. Người nhẫn không làm điều hung dữ, tất nhiên được người khác tôn trọng.

“Tâm dứt hết cấu nhiễm, trong sạch không chút uế trược, ấy là sáng suốt nhất. Từ thuở chưa có trời đất đến nay, khắp nơi trong mười phương, không có điều chi là chẳng thấy, chẳng biết, chẳng nghe, thành tựu Nhất thiết trí. Như vậy có thể gọi là sáng suốt.”

CHƯƠNG THỨ MƯỜI SÁU: BỎ LUYẾN ÁI ĐƯỢC ĐẠO

Phật dạy: “Người ta ôm ấp lấy sự luyến ái và tham dục nên chẳng thấy được đạo. Ví như nước lóng trong, nay lấy tay quậy lên, mọi người đến đó chẳng ai nhìn thấy được hình chiếu của họ dưới nước. Người ta để cho sự luyến ái và tham dục làm xáo trộn, uế trược trong lòng dấy lên, nên chẳng thấy được Đạo. Sa-môn các ông nên xả bỏ sự luyến ái và tham dục. Ái dục đã trừ hết, có thể thấy được Đạo.”

CHƯƠNG THỨ MƯỜI BẢY: SÁNG ĐẾN TỐI ĐI

Phật dạy: “Phàm kẻ hiểu được đạo cũng như người cầm đuốc đi vào nhà tối. Sự tối liền mất đi, chỉ còn sự sáng. Người học đạo hiểu ra chân lý thì ngu si tối tăm phải dứt, chỉ còn lại trí tuệ sáng suốt mà thôi.”

CHƯƠNG THỨ MƯỜI TÁM: NGHĨ TƯỞNG LẼ KHÔNG

Phật dạy: “Giáo pháp của ta niệm tưởng cái ý vô niệm, thực hành cái hạnh vô hành, nói ra cái điều vô ngôn, tu tập nơi chỗ không tu. Ai hiểu được thì gần đạo, ai mê muội thì xa đạo. Chỗ nói năng dứt hết, sự vật cũng chẳng trói buộc được. Chỉ sai lệch đôi chút thì phút chốc đã mất ngay.”

CHƯƠNG THỨ MƯỜI CHÍN: QUÁN SÁT CHÂN GIẢ

Phật dạy: “Quán xét trời đất, nghĩ nhớ lẽ vô thường. Quán xét thế giới, nghĩ nhớ lẽ vô thường. Quán xét linh giác thấy đó là Bồ-đề. Chỗ thấy biết như vậy có thể mau được đắc đạo.”

CHƯƠNG THỨ HAI MƯƠI: NGÃ VỐN LÀ KHÔNG

Phật dạy: “Nên nghĩ đến bốn chất lớn ở trong thân, mỗi chất tự nó đều có tên, rốt cuộc không chất nào là ta cả. Cái ta đã không có, chỉ như huyễn hóa thôi.”

CHƯƠNG THỨ HAI MƯƠI MỐT: THAM DANH MẤT GỐC

Phật dạy: “Người ta thuận theo tình dục, cầu lấy danh tiếng. Khi được danh tiếng thì thân không còn nữa. Tham danh theo thế tục mà chẳng chịu học đạo, chỉ uổng công phu, nhọc hình hài. Cũng như đốt hương, tuy nghe được mùi hương, mà hương đã cháy tàn rồi. Kìa ngọn lửa hại thân đang chực sẵn phía sau ta đó.”

CHƯƠNG THỨ HAI MƯƠI HAI: TÀI SẮC CHUỐC SỰ KHỔ

Phật dạy: “Của cải và sắc dục đến mà người mà chẳng chịu buông bỏ, cũng tỷ như lưỡi dao có dính chút mật, chẳng đủ thành bữa ăn ngon, trẻ con liếm vào phải bị cái hại đứt lưỡi.”

CHƯƠNG THỨ HAI MƯƠI BA: VỢ CON TRÓI BUỘC

Phật dạy: “Người ta trói buộc với vợ con, nhà cửa còn hơn cả sự giam cầm nơi lao ngục. Lao ngục còn có hạn kỳ được thả ra, vợ con chẳng thể có lấy một chốc lát xa lìa. Chỗ tham luyến đối với sắc đẹp, đâu có ngại phải bôn ba? Dầu có sa vào miệng cọp cũng cam tâm chịu. Tự mình chìm đắm xuống chỗ bùn lầy, nên gọi là phàm phu. Qua được cửa ấy là bậc La-hán xuất trần.

CHƯƠNG THỨ HAI MƯƠI BỐN: SẮC DỤC CHE LẤP ĐẠO

Phật dạy: “Trong các thứ ham muốn, ái luyến, không gì sâu nặng bằng sắc đẹp. Sắc đẹp gây ra sự ham muốn chẳng có gì bằng. May là chỉ có một mình nó mà thôi. Nếu có đến hai thứ như vậy, thì khắp nơi không còn ai có thể theo đạo được nữa.”

CHƯƠNG THỨ HAI MƯƠI LĂM: LỬA DỤC THIÊU THÂN

Phật dạy: “Người say mê ái dục giống như kẻ cầm đuốc đi ngược gió, thế nào cũng bị họa cháy tay.”

CHƯƠNG THỨ HAI MƯƠI SÁU: THIÊN MA QUẤY RỐI PHẬT

Một vị thiên ma mang cô gái rất đẹp đến dâng cho Phật, muốn phá hoại ý chí của Phật. Phật nói: “Này cái túi da đựng những món dơ, ông đến đây mà làm gì? Đi đi. Ta không dùng đến.” Thiên ma càng thêm kính phục, nhân đó thưa hỏi về lẽ đạo. Phật giảng thuyết cho nghe, [vị ấy] liền đắc quả Tu-đà-hoàn.

CHƯƠNG THỨ HAI MƯƠI BẢY: KHÔNG VƯỚNG MẮC

Phật dạy: “Người cầu đạo như cây gỗ thả dưới nước, theo dòng trôi đi. Nếu chẳng vướng ở hai bờ, chẳng bị người ta lấy mất, chẳng bị quỉ thần ngăn trở, chẳng bị chỗ nước xoáy cuốn vào, lại cũng chẳng mục nát, thì ta nói chắc rằng cây ấy sẽ trôi ra biển. Người học đạo nếu chẳng bị tình dục làm mê hoặc, chẳng bị các thứ tà ác quấy rối, lại tinh tấn theo lẽ vô vi, thì ta nói chắc rằng người ấy thế nào cũng đắc đạo.”

CHƯƠNG THỨ HAI MƯƠI TÁM: CHỚ BUÔNG THẢ TÂM Ý

Phật dạy: “Chớ tin nơi tâm ý, tâm ý không thể tin cậy được. Thận trọng chớ gần gũi sắc dục, gần gũi sắc dục tất sanh tai họa. Đắc quả A-la-hán rồi, mới có thể tin cậy nơi tâm ý.”

CHƯƠNG THỨ HAI MƯƠI CHÍN: CHÁNH QUÁN TRỪ SẮC DỤC

Phật dạy: “Thận trọng chớ ngắm nhìn đàn bà, cũng đừng nói năng tiếp xúc. Nếu cần nói chuyện, nên giữ tâm chân chánh mà suy nghĩ rằng: Ta là sa-môn, ở đời ác trược phải như hoa sen, chẳng vấy bùn nhơ. Đối với phụ nữ già cả, hãy tưởng như mẹ mình; đối với phụ nữ lớn tuổi hơn, tưởng như chị gái; hoặc nhỏ tuổi hơn thì tưởng như em gái; nhỏ tuổi hơn nhiều thì tưởng như con gái của mình. Tưởng như thế rồi sanh tâm muốn độ thoát họ, dập tắt mọi ý nghĩ xấu.”

CHƯƠNG THỨ BA MƯƠI: LÌA XA LỬA DỤC

Phật dạy: “Người cầu đạo ví như kẻ mặc áo bằng cỏ khô, khi lửa đến gần thì phải lo tránh. Người học đạo thấy sự tham dục phải lo tránh xa.”

CHƯƠNG THỨ BA MƯƠI MỐT: TĨNH TÂM TRỪ DỤC

Có người kia lòng dâm dục chẳng dứt, muốn tự tay cắt bỏ dương vật. Phật dạy người ấy rằng: “Nếu cắt bỏ dương vật, chẳng bằng lo dứt đoạn tâm. Vì tâm như người cai quản, nếu người cai quản dừng, thì những kẻ tùy tùng cũng phải dừng. Tà tâm chẳng dứt, cắt bỏ dương vật có ích gì?”

Phật vì người ấy mà thuyết kệ rằng:

Dục sanh ra từ ý,

Ý do tư tưởng sanh.

Ý, tưởng đều tịch tĩnh,

Không sắc, không hành dâm.

Phật nói: “Bài kệ ấy do Phật Ca-diếp thuyết.”

CHƯƠNG THỨ BA MƯƠI HAI: TRỪ NGÃ KHÔNG CÒN SỢ

Phật dạy: “Người ta vì ái dục sanh ra lo nghĩ, vì lo nghĩ sanh ra sợ sệt. Nếu lìa khỏi ái dục thì còn chi phải lo, còn chi phải sợ?”

CHƯƠNG THỨ BA MƯƠI BA: TRÍ SÁNG PHÁ TÀ MA

Phật dạy: “Người cầu đạo tỷ như một người chiến đấu chống muôn người. Mặc áo giáp lên đường, hoặc có ý khiếp sợ, hoặc nửa đường thối lui, hoặc đánh nhau mà chết, hoặc chiến thắng trở về. Sa-môn học đạo nên giữ vững lòng mình, tinh tấn dũng mãnh, chẳng sợ những gì sắp tới, phá diệt chúng ma mà chứng đắc đạo quả.”

CHƯƠNG THỨ BA MƯƠI BỐN: TRUNG ĐẠO

Một vị sa-môn ban đêm tụng kinh Di giáo của Phật Ca-diếp. Tiếng tụng nghe buồn bã và gấp rút, trong lòng hối tiếc, muốn thối chí. Phật hỏi: “Khi còn ở nhà, ông đã từng làm gì?

Đáp rằng: “Con thích khảy đàn.”

Phật hỏi: “Dây chùng quá thì sao?”

Đáp rằng: “Chẳng kêu.”

“Dây căng quá thì thế nào?”

Đáp rằng: “Mất tiếng.”

“Chẳng chùng, chẳng căng, giữ mức vừa phải thì thế nào?”

Đáp rằng: “Các âm đều vang lên đủ.”

Phật dạy: “Sa-môn học đạo cũng giống như vậy. Nếu tâm được điều hòa vừa phải, thì có thể đắc đạo. Đối với đạo nếu tâm mạnh mẽ thái quá tất thân phải mỏi mệt. Thân đã mỏi mệt, ý tất sanh buồn não. Nếu ý sanh buồn não, việc làm tất thối lui. Việc làm đã thối lui, tội lỗi tất tăng thêm nhiều. Chỉ nên thanh tịnh, an lạc thì đạo chẳng mất.”

CHƯƠNG THỨ BA MƯƠI LĂM: TRỪ CẤU NHIỄM

Phật dạy: “Như người luyện sắt, loại bỏ cặn dơ mà rèn thành đồ vật. Đồ vật ấy tất là rất tốt. Cũng vậy, người học đạo trừ bỏ những cấu nhiễm trong tâm tất sẽ được hạnh trong sạch.”

CHƯƠNG THỨ BA MƯƠI SÁU: ĐƯỢC CHỖ TỐT HƠN

Phật dạy: “Người ta lìa khỏi các đường ác, được làm người là khó.

“Được làm người, tránh thân nữ nhi được làm nam tử là khó.

“Được làm nam tử, có đủ sáu căn là khó.

“Có đủ sáu căn, được sanh nơi xứ trung tâm là khó.

“Được sanh nơi xứ trung tâm, gặp Phật ra đời là khó.

“Được gặp Phật ra đời, hiểu được lẽ đạo là khó.

“Hiểu được lẽ đạo, phát khởi lòng tin mạnh mẽ là khó.

“Đã phát khởi được lòng tin mạnh mẽ, phát tâm Bồ-đề là khó.

“Đã phát tâm Bồ-đề, đạt đến chỗ vô tu vô chứng là khó.

CHƯƠNG THỨ BA MƯƠI BẢY: GIỮ GIỚI GẦN ĐẠO

Phật dạy: “Đệ tử Phật tuy ở cách xa Phật nhiều ngàn dặm, nhưng luôn nhớ nghĩ đến giới luật, tất được chứng quả. Còn như kẻ kề cận bên ta, thường được thấy ta, nhưng chẳng làm theo giới luật, rốt cùng chẳng thể đắc đạo.”

CHƯƠNG THỨ BA MƯƠI TÁM: CÓ SANH CÓ DIỆT

Đức Phật hỏi một vị sa-môn: “Mạng sống người ta là bao lâu?” Thưa rằng: “Được vài ngày.” Phật nói: “Ông chưa hiểu đạo.”

Phật lại hỏi một vị sa-môn khác: “Mạng sống người ta là bao lâu?” Thưa rằng: “Chỉ trong một bữa cơm.” Phật nói: “Ông chưa hiểu đạo.”

Phật lại hỏi một vị sa-môn khác: “Mạng sống người ta là bao lâu?” Thưa rằng: “Chỉ trong hơi thở vào ra mà thôi.”

Phật dạy: “Hay thay! Ông thật đã hiểu đạo.”

CHƯƠNG THỨ BA MƯƠI CHÍN: LỜI DẠY CHẲNG SAI

Phật dạy: “Người học đạo Phật, đối với những lời Phật dạy, đều nên tin nhận. Giống như khi ăn mật, phía trong và phía ngoài đều là vị ngọt. Kinh điển của ta cũng như vậy đó.”

CHƯƠNG THỨ BỐN MƯƠI: LỄ BÁI DO NƠI TÂM

Phật dạy: “Sa-môn đi quanh cung kính, đừng như con trâu kéo cối xay, thân tuy đi quanh, mà tâm chẳng tùy theo. Nếu tâm đã cung kính, cũng chẳng cần việc đi quanh như thế.”

CHƯƠNG THỨ BỐN MƯƠI MỐT: LÒNG NGAY TRỪ DỤC

Phật dạy: “Người học đạo ví như con trâu chở nặng đi giữa bùn sâu. Đành rằng nó mỏi mệt hết sức, song phải chú tâm chẳng dám nhìn qua hai bên. Đến chừng ra khỏi bùn lầy, mới có thể tươi tỉnh nghỉ ngơi. Sa-môn nên quán tưởng tình dục còn nguy hiểm hơn cả bùn lầy, hãy đem lòng ngay thẳng mà nghĩ nhớ đến đạo, mới có thể thoát được các điều khổ.”

CHƯƠNG THỨ BỐN MƯƠI HAI: BIẾT ĐỜI LÀ HUYỄN

Phật dạy: “Ta xem ngôi vị vua chúa như bụi qua kẽ hở, xem của báu vàng ngọc cũng như ngói sạn, xem y phục gấm vóc như mảnh lụa rách, xem cõi đại thiên thế giới như một trái táo, xem nước hồ A-nậu như dầu thoa chân.

“Ta xem cửa phương tiện đặt ra như của báu biến hóa mà có, xem Vô thượng thừa như vàng lụa trong giấc mộng, xem đạo Phật như đóa hoa trước mắt, xem thiền định như cây trụ chống đỡ núi Tu-di, xem Niết-bàn như thức dậy sau giấc ngủ đêm, xem sự thấy biết đúng sai cũng như sáu con rồng lượn múa, xem lẽ bình đẳng như địa vị chân thật duy nhất, xem việc hành hóa đạo lý như cây cối bốn mùa.

Các vị đại tỳ-kheo nghe Phật thuyết kinh này xong, thảy đều vui vẻ phụng hành.

    Xem thêm:

  • Kinh Tăng Chi Bộ Chương 2 – Hai Pháp - Kinh Tạng
  • Kinh A Hàm Khẩu Giải Mười Hai Nhân Duyên - Kinh Tạng
  • Kinh Nói Về Mười Hai Phẩm Sanh Tử - Kinh Tạng
  • Kinh Bách Dụ – Thích Tâm Châu dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Thông Phương Quảng Sám Hối Diệt Tội Trang Nghiêm Thành Phật – Thích Thiền Tâm dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Thông Phương Quảng Sám Hối Diệt Tội Trang Nghiêm Thành Phật – Thích Trung Quán dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Phương Đẳng Đại Tập Hiền Hộ Bồ Tát – Thích Minh Lễ dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Giới Tiêu Tai – Thích Nguyên Chơn dịch - Kinh Tạng
  • Phẩm Đại Oai Đức Tối Thắng Kim Luân Tam Muội Chú Kinh Đà La Ni Đại Phật Đỉnh Như Lai Phóng Quang Tất Đát Đa Bát Đát La Đại Thần Lực Đô Nhiếp Nhứt Thiết Chú Vương - Kinh Tạng
  • Kinh Trường A-Hàm Phần 3 – HT Thích Tuệ Sĩ dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Quán Di Lặc Bồ Tát Thượng Sanh Đâu Suất Thiên – Thích Tâm Châu dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Tăng Chi Bộ Chương 10 – Mười Pháp - Kinh Tạng
  • Kinh Thần Chú Hộ Mạng Pháp Môn - Kinh Tạng
  • Bích Nham Lục Của Thiền Sư Phật Quả Viên Ngộ – Thích Mãn Giác dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Trường A-Hàm Phần 1 – HT Thích Tuệ Sĩ dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Trường A-Hàm Phần 4 – HT Thích Tuệ Sĩ dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Trường A-Hàm Phần 2 – HT Thích Tuệ Sĩ dịch - Kinh Tạng
  • Bảo Vương Tam Muội Niệm Phật Trực Chỉ - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích tập 5 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích tập 7 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng