1
2
3
4

Kinh Bách Dụ

Tăng Già Tư Na soạn Tiêu Tề Cầu Na Tỳ Địa dịch

Bản Việt dịch của Thích Tâm Châu

***

QUYỂN 1

1.- NGƯỜI NGU ĂN MUỐI

Xưa có người ngu đến nhà người khác chơi được chủ-nhân tiếp-đãi vui-vẻ và làm cơm cho ăn. Trong khi ăn, thức ăn hơi lạt, người ngu có vẻ không vừa lòng, chê là kém ý-vị. Chủ nhân nghe hiểu, sai người lấy thêm muối đem lên. Đem lên, người ngu cho thêm muối vào món ăn. Ăn ngon, người ngu liền nghĩ: “Có lẽ vị ngon này là do muối. Cho ít còn ngon thế, huống là cho nhiều!” Người ngu không hiểu biết gì, nghĩ thế liền ăn muối không, miệng giộp, thành bệnh.

Ngoại-đạo nghe nói tiết-chế sự ăn uống đắc-đạo, liền đoạn-thực trong bảy ngày hoặc mười lăm ngày, chỉ làm đói khổ cho thân, không lợi-ích gì cho đạo. Cũng như người ngu ăn muối không, không khác.

2.- ĐỂ DÀNH SỮA

Xưa có người ngu muốn dành sữa đãi khách. Người ấy nghĩ: “Ngày ngày vắt sữa để dành trong hộp, sữa mỗi ngày mỗi nhiều không có chỗ để, lại chua ra, không bằng ta cứ để ngay trong bụng nó, khi mời khách, ta sẽ vắt ra, tốt hơn!”

Nghĩ rồi, người ấy liền dắt những con bò cái buộc một nơi. Độ sau một tháng mời khách đến, người ấy dắt bò về vắt sữa, vú bò khô-quắt, không có một giọt sữa, tân-khách kẻ giận, người cười khôn tả.

Người ngu muốn tu bố-thí, lại nói: “Đợi khi rất giầu ta sẽ bố-thí không vội!” Khi chưa kịp gom góp đủ tiền của đã bị quan tham, nước lụt, lửa cháy, trộm giặc cướp-đoạt hoặc bị chết trước khi định bố-thí. Như thế khác gì người ngu dành sữa!

3.- ĐỂ ĐÁNH VỠ ĐẦU

Xưa có người ngu đầu không có tóc. Một hôm có người lấy cành lê đánh lên đầu hai, ba lần vỡ cả đầu, đau quá mà người kia cứ im-lặng chịu-đựng, không tránh.

Người hàng xóm thấy thế, hỏi: “Sao ông không tránh, để người ta đánh vỡ đầu như vậy?” Người kia đáp: “Người ấy ngu-si, kiêu-mạn, cậy khỏe, thấy đầu tôi không có tóc, cho là đá, nên lấy cành lê đánh vỡ đầu tôi như thế!”

Người hàng xóm bảo: “Ông là người ngu-si, lại bảo người ấy ngu-si. Nếu ông không ngu-si sao để người ta đánh vỡ đầu không tránh?”

Người tu đạo giải-thoát, không tu Tín, Giới, Văn, Tuệ đầy-đủ, chỉ sửa-sang uy-nghi, cầu mong lợi-dưỡng. Như người ngu kia để người ta đánh vỡ đầu, không tránh, còn bảo người ta ngu-si!

4.- ĐÁNH LỪA LÀ CHẾT

Xưa có người ngu lấy được người vợ đẹp, rất yêu, nhưng người vợ vẫn không để lòng tin-yêu mình. Sau một thời-gian lấy nhau, người vợ tư-tình với người khác.

Lòng riêng-tây quá mạnh, người vợ ấy muốn bỏ chồng, đi theo tiếng gọi của tình-lang, mới ngấm-ngầm bảo một bà lão: “Bà, sau khi tôi đi, bà kiếm giúp tôi một xác chết của người đàn-bà khác, để trên giường và bảo chồng tôi là tôi đã chết rồi!” Bà lão ưng-thuận. Rình khi người chồng đi vắng bà đem xác chết để trên giường. Người chồng về, bà bảo: “Vợ anh chết rồi!” Người chồng đến coi, tin là vợ mình đã chết, thương-xót, khóc-lóc áo-não, sắm-sửa dầu, củi hỏa-táng, nhặt xương đựng vào trong túi, ngày đêm đeo luôn bên mình.

Thời-gian sau, mầu tình phai-lạt, người vợ ấy lại quay về nhà cũ, bảo chồng: “Thưa anh, em là vợ anh trước đây!” Người chồng đáp: “Thưa bà, vợ tôi chết đã lâu rồi, bà là người lạ, bà nhận bỡn là vợ tôi, chứ có phải đâu?” Người vợ ấy nói đến hai, ba lần người chồng vẫn không tin.

Ngoại-đạo nghe tà-thuyết, tâm say-mê cho là chân-thực, quyết không thay-đổi. Mặc dầu khi được nghe chính-giáo họ vẫn không tin-tưởng, thụ-trì…, như người chồng kia không khác.

5.- KHÁT THẤY NƯỚC SÔNG

Xưa có người ngu, một hôm bị khát nước quá – khát đến nỗi hoa cả mắt, thấy ánh nắng cũng cho là nước – muốn có nước uống, mới chạy đến bờ sông Tân-đầu (Sindhu). Đến đây, người ấy đứng ngắm sông, không uống. Người bên sông thấy thế hỏi: “Ông bị khát, nay đến chỗ có nước sao ông không uống?” Người ngu đáp: “Ông có thể uống hết được, tôi sẽ uống! Nước sông nhiều quá, uống không hết nên tôi không uống!” Mọi người đều cười.

Ngoại-đạo quá thiên về lý, cho mình không giữ đầy-đủ được giới của Phật không dám thụ, thành ra sau này không được đạo-phẩm gì và phải lưu-chuyển trong sinh-tử. Đây và người ngu kia không khác!

6.- CON CHẾT KHÔNG CHÔN

Xưa có người ngu dưỡng-dục được bảy người con. Một hôm có một đứa chết. Thấy con chết, người kia muốn để yên trong nhà, bỏ đi nơi khác.

Người hàng xóm thấy thế bảo: “Sinh, tử đôi đường, ông nên thu xếp chôn tại nơi xa, sao ông lại định để yên trong nhà và muốn bỏ đi nơi khác vậy?” Người ngu nghe nói liền nghĩ: “Không để được ở nhà phải đem chôn, thời giết thêm đứa nữa, gánh hai đầu cho cân!” Nghĩ rồi, người ngu giết ngay đứa nữa, để hai đầu, gánh đến cánh đồng xa chôn. Đương-thời ai ai cũng chê cười, ghê sợ.

Người tu đạo giải-thoát, phạm một giới, ngại hối-cải, im-lặng, che-giấu, tự nói là trong sạch. Có người biết bảo: “Người tu đạo giải-thoát giữ giới cấm như giữ ngọc minh-châu, không để rơi, sứt. Nay phạm những giới đã thụ, sao ông không sám-hối đi?” Người kia đáp: “Nếu phải sám-hối, để phạm nữa, hãy xuất-tội luôn thể!”

Như người ngu kia, đây cũng thế!

7.- NHẬN NGƯỜI LÀM ANH

Xưa có một người hình-dáng đẹp-đẽ, thông-minh, nhiều của, nhân-dân đều khen ngợi.

Có người ngu thấy người ấy thế, nhận là anh tôi – vì người ấy có của, muốn dùng gì thì dùng – Sau vì sự vay-mượn phải trả, lại bảo không phải là anh. Người hàng xóm bảo: “Ông là người ngu, khi cần dùng của thì gọi người ta là anh, đến khi mang nợ lại bảo không phải là anh?” Người ngu đáp: “Muốn được tiền của người nên tôi nhận là anh, chứ có phải là anh đâu! Phải mang nợ còn gọi là anh làm chi!” Mọi người đều cười.

Ngoại-đạo nghe lời hay của Phật, ăn cắp làm của mình, khi người ở gần bảo họ tu-hành, họ không làm, nói: “Tôi vì lợi-dưỡng, lấy lời của Phật hóa-đạo chúng-sinh, chứ thực không có chi cả, thời tu-hành làm sao?”

Như người ngu kia, đây cũng vậy.

8.- TRỘM ÁO NHÀ VUA

Xưa có người mọi lấy trộm các đồ-vật trong kho nhà vua rồi chạy trốn. Nhà vua sai người đi khắp nơi tìm, bắt đem về. Vua hỏi: “Áo kia của ngươi do đâu có?” – Người mọi đáp: “Áo này là bảo-vật của ông cha tôi để lại!” – Vậy ngươi mặc xem? – nhà vua bảo. Người mọi mặc: Tay áo mặc vào đầu gối, lưng áo trùm lên đầu. Nhà vua thấy đúng là áo ăn trộm mới họp quần-thần lại, nói rõ đầu-đuôi rồi quay sang bảo người mọi: “Áo này nếu là của ông cha ngươi để lại, thời ngươi phải biết mặc, sao ngươi mặc lộn-bậy như vậy? Vì ngươi không biết mặc nên biết hẳn áo này là áo ngươi ăn trộm, chứ không phải là vật cũ của nhà ngươi!”

Mượn làm ví-dụ: “Vua” ví như “bảo-tạng như-pháp” (chân-lý) của Phật; “người mọi ngu-si” ví như ngoại-đạo nghe trộm chính-pháp của Phật lồng vào trong pháp của mình, cho là mình có. Song, vì không hiểu-biết, xếp-đặt Phật-pháp lộn-lạo trên, dưới, không biết pháp-tướng (sự-tướng trong Phật-pháp, tướng-trạng của sự-vật) ra sao. Như người mọi được áo quý của nhà vua, không biết lần-lượt, mặc lộn-bậy đầu-đuôi cũng thế!

9.- KHEN ĐỨC-HẠNH CHA

Xưa có người ở trong đám đông khen đức-hạnh cha mình: “Cha tôi nhân-từ không làm hại ai, không ăn trộm của ai; hay nói thực và hay làm việc bố-thí!”

Có người ngu nghe lời ấy rồi, bảo: “Đức-hạnh cha tôi còn hơn cha ông nhiều!” Mọi người đều hỏi: “Cha ông có đức-hạnh gì xin ông cho chúng tôi biết?” Người ngu đáp: “Cha tôi từ nhỏ đến giờ đoạn-tuyệt dâm-dục, không chút nhiễm-ô!” Mọi người cười nói: “Cha ông đoạn dâm-dục sao sinh được ông?”

Người vô-trí ở đời, muốn khen đức người, không biết đức thực của người, trái lại thành ra chê-bai. Người ngu, ý muốn khen cha mình lại thành lầm-lỗi. Đây cũng như thế!

10.- CẤT LẦU BA TẦNG

Xưa có người giầu ngu-si không biết chi cả. Một hôm đến chơi nhà giàu khác, người ấy thấy nhà họ có nhà lầu ba tầng, cao-rộng, đẹp-đẽ… muốn có một cái như vậy. Người ấy nghĩ: “Tiền của ta không kém chi họ, sao từ trước tới nay ta không cất một cái nhà như thế!”

Về nhà, người ấy gọi thợ mộc, hỏi: “Ông có biết cái nhà lầu của nhà kia không?” – Thợ mộc đáp: “Nhà đó tôi làm!” – Người ấy bảo: “Nay ông làm giúp tôi cái nhà lầu như thế!” – Thợ mộc nhận lời, đi san đất, đào móng để làm. Người ngu thấy thế thắc-mắc hỏi: “Ông làm thế nào?” – Thợ mộc đáp: “Làm lầu ba tầng!” – Người ngu nói: “Tôi không thích làm hai tầng dưới, ông hãy làm cho tôi tầng trên nhất đã!” – Thợ mộc đáp: “Không làm thế được: không làm tầng dưới cùng sao làm được tầng thứ hai, không làm tầng thứ hai sao làm được tầng thứ ba!” – Người ngu cố nói: “Tôi không dùng hai tầng dưới, ông cố làm cho tôi tầng trên nhất!” Đương thời, ai cũng cười là quái-gỡ: “Không làm tầng dưới, sao làm được tầng trên!”

Như các đệ-tử xuất-gia, tại-gia của Phật lười-biếng không tu-kính Tam-bảo: Phật, Pháp, Tăng lại muốn cầu đạo-quả, nói: “Tôi chỉ cầu quả A-la-hán, chứ không cầu ba quả: A-na-hàm, Tư-đà-hàm, Tu-đà-hoàn.” Những đệ-tử này cũng bị chê cười như người ngu không khác.

11.- GIẾT CON TỎ ĐỨC

Xưa có người Bà-la-môn (6) đối với kỹ-nghệ, nghệ-thuật xem tinh-tượng… cậy mình là thông-suốt hết thảy.

Muốn tỏ đức mình, người ấy đi sang nước khác, ôm con khóc. Có người hỏi: “Tại sao ông khóc?” – Người ấy đáp: “Bảy ngày nữa đứa nhỏ này sẽ chết. Tôi thương nó chết non nên tôi khóc!” – Những người ở đấy nói: “Mệnh người khó biết, tính-toán hay lầm, nhỡ bảy ngày nó không chết thì sao, vạ gì ông phải khóc trước vậy?” Người ấy đáp: “Mặt trời, mặt trăng có thể tối, tinh-tú có thể sa nhưng, sự ghi nhận của tôi quyết không sai được!”

Vì danh-lợi, hết bảy ngày người ấy tự giết con mình để chứng-nghiệm cho lời nói của mình. Và, sau đó những người địa-phương nghe biết con người ấy đã chết, ai cũng khen ngợi: “Thực bậc trí-giả, nói đúng không sai!” Từ đó họ sinh tâm tín-phục và quy-kính.

Các đệ-tử Phật vì lợi-dưỡng tự cho mình là đắc đạo, đem những pháp làm ngu-mê nhân-loại, giết chết hạt giống lành của chúng-sinh, trá hiện đức từ-bi…, để mai sau này phải chịu khổ vô cùng. Như người Bà-la-môn muốn chứng-nghiệm lời nói của mình, giết con để mê-hoặc người đời, không khác.

12.- NẤU NƯỚC THẠCH-MẬT

Xưa có người nấu thạch-mật, một hôm có người nhà giầu tới nhà, người ấy nghĩ: “Ta đem nước thạch-mật này mời ông ấy uống!” Nghĩ rồi, người ấy lấy ít nước cho vào nồi để trên bếp lửa, lấy quạt quạt mong chóng nguội, đãi khách. Người hàng xóm thấy thế bảo: “Dưới ông không đập lửa, lại quạt liền như thế, làm sao nguội được?” Mọi người đều cười.

Ngoại-đạo không dập được lửa phiền-não, đi làm ít hạnh khổ-hạnh như nằm trên gai góc… mong được đạo tịch-tĩnh, thanh-lương thời hoàn-toàn không được, chỉ để người trí-giả chê cười. Và, trong hiện-tại chịu khổ, tai-ương còn truyền cả đến kiếp sau. Đây cùng người nấu nước thạch-mật không khác.

13.- BẢO NGƯỜI HAY GIẬN

Xưa có người cùng ngồi với nhiều người trong một nhà, khen một người ngoại-đạo có đức-hạnh tốt nhưng, còn bị hai lỗi: một là hay giận, hai là làm việc hấp-tấp.

Trong khi ấy người kia đi qua ngoài cửa nghe thấy tức-giận vào ngay trong nhà, núm lấy người kia, đánh một thôi. Những người đứng bên hỏi: “Cớ sao ông lại đánh người ta?” Người ấy đáp: “Tôi có khi nào hay giận và làm việc hấp-tấp đâu, thế mà ông này dám bảo tôi là hay giận và làm việc hấp-tấp!” Những người đứng bên bảo: “Chà, cái dáng hay giận và hấp-tấp của ông hiện rõ-ràng như thế mà ông còn kiêng-kỵ! Người nói lỗi ác cho, lại sinh ra oán-trách như thế, quyết bị mọi người chê là ngu-hoặc!”

Bọn uống rượu say-sưa làm nhiều sự càn-rỡ, thấy người chê-trách sinh tâm oán-ghét, dẫn chứng sự mê-khổ, tự làm rõ-ràng thêm. Như người ngu kiêng nghe lỗi mình, thấy người nói tới là muốn đánh!

14.- GIẾT CHỦ TẾ TRỜI

Xưa có bọn lái buôn muốn đi bể, cần tìm một người đạo-sư dẫn đường mới đi được. Tìm được, cùng nhau ra đi. Đi qua một khoảng đồng rộng có một ngôi miếu thờ trời. Muốn qua ngôi miếu này được yên-ổn phải giết một người để tế.

Gặp việc khó giải-quyết, họ suy-tính: “Tất cả chúng ta là bạn thân, nỡ nào giết đi để tế trời, nay chỉ có ông đạo-sư này là người xa-lạ, chúng ta giết đi vậy!” Suy-tính rồi, họ liền giết đi để tế. Tế xong, cả bọn đều lạc đường không biết đi, về đâu, sau bị khốn cùng và chết hết.

Người đời muốn vào bể “Phật-Pháp” nhặt những của quý, cần tu hạnh lành làm đạo-sư. Nay phá-hủy hạnh lành, đường dài sinh-tử quyết không ra khỏi được, phải trải qua các ngả ác, chịu đau-khổ mãi-mãi. Như bọn lái-buôn, sắp đi bể lại giết người dắt-dẫn, lầm-lạc bến-bờ, đến nỗi chết cả vậy!

15.- PHƯƠNG THUỐC CHÓNG LỚN

Xưa có ông vua sinh được một con gái, liền gọi thầy thuốc vào bảo: “Tôi vừa sinh được một con gái, thầy làm cho tôi phương thuốc, cho nó uống chóng lớn!” Thầy thuốc đáp: “Tôi sẽ cho một phương thuốc tốt, Công-chúa uống vào lớn ngay. Nhưng, hiện đây không có phương thuốc ấy, tôi phải đi kiếm xa; dù chậm được thuốc xin vua đừng mong. Và, từ nay xin vua đừng thường thăm nom Công-chúa, đợi khi tôi đem thuốc về cho Công-chúa uống, rồi tôi thân đem Công-chúa đến yết-kiến!” Nhà vua ưng-thuận.

Sau đó ông thầy thuốc đi sang nước khác ngay. Tìm thuốc ròng-rã mười hai năm. Được thuốc đem về cho Công-chúa uống. Uống rồi, ông thầy thuốc đem Công-chúa lên hầu vua. Nhà vua trông thấy vui mừng tự nghĩ: “Thầy thuốc giỏi thật, cho con gái mình uống thuốc chóng lớn quá!” Nghĩ rồi, nhà vua sai cận-thần đem châu-báu biếu ông thầy thuốc. Đương thời ai cũng cười nhà vua là vô-trí, không biết tính năm, tháng ra sao, thấy khôn lớn cho là do thuốc.

Người đời cũng thế, tới bậc thiện-tri-thức (bạn tốt) thưa rằng: “Nay tôi muốn cầu đạo, xin Ngài truyền dạy sao cho tôi trở thành bậc thiện-tri-thức ngay được!”

16. NƯỚC MÍA TƯỚI MÍA

Xưa có hai người trồng mía thề nguyền với nhau: “Ai trồng tốt được thưởng, ai trồng xấu phải phạt”.

Một trong hai người nghĩ rằng: “Mía ngọt, nếu ép nước nó tưới cho cây nó tất phải ngọt, tốt lắm, ta quyết thắng người kia!” Nghĩ rồi, người ấy ép nước mía tưới cho mía mong vị nó sẽ đậm, tốt hơn, không ngờ mầm mía hư, những cây đã trồng đều hỏng cả.

Người đời muốn cầu phúc lành, cậy mình giầu-sang, chuyên nhờ quyền-thế, bách-hiếp dân thường, bóc-lột của-cải đem làm việc phúc, mong cầu được quả tốt. Nhưng, họ không biết rằng sau này không những họ không được gì lại còn bị nhiều tai-hoạn. Như người ngu ép mía tưới mía, hai đàng đều mất!

17. MANG NỢ NỬA TIỀN

Xưa có người lái buôn nợ một người khác nửa tiền. Lâu không trả được, một hôm người ấy đi trả, đi qua một con sông lớn, phải trả hai tiền đò. Đến nơi, người kia đi vắng không gặp, trở về lại phải trả hai tiền đó nữa. Thế là, nợ nửa tiền, mất bốn tiền, lại thêm đi đường vất-vả. Nợ ít, mất nhiều, ai nghe biết chuyện này cũng bật cười.

Người đời cầu chút danh-lợi, hủy bỏ đại-hạnh; tạm dung-thân mình, không đoái đến lễ-nghĩa, hiện bị tiếng xấu, sau phải khổ-báo cũng như vậy!

18. LÊN LẦU MÀI DAO

Xưa có người nghèo-cùng, khốn-khổ, làm việc trong nhà vua lâu năm, thân-thể gầy-yếu, xấu-xa. Nhà vua trông thấy thương-hại mới cho một con lạc-đà chết.

Được con lạc-đà, người ấy đem lột da nhưng, dao cùn lột không nổi, phải đi tìm đá mài. Tìm được hòn đá mài trên lầu, người ấy đem dao mài sắc, xuống lột. Lột cùn lại lên mài. Cứ thế, đi đi, lại lại mệt quá, người ấy mới nghĩ một kế là đem treo con lạc-đà lên lầu, gần chỗ mài dao cho tiện. Mọi người trông thấy ai cũng buồn cười.

Người ngu phá-hủy giới-cấm, kiếm nhiều của-cải để làm phúc-thiện mong sinh lên trời. Cũng như người treo lạc-đà lên lầu, công mài dao nhiều mà kết-quả chẳng được bao nhiêu.

19. ĐI THUYỀN MẤT CHÉN

Xưa có người đi thuyền qua bể đánh rơi cái chén bạc xuống nước. Người ấy nghĩ: “Nay ta vạch nước làm ghi, trở lại ta sẽ mò lấy!”

Qua hai tháng sau, đến nước khác người ấy trông thấy con sông có nước liền xuống mò chén cũ. Người địa-phương trông thấy hỏi: “Ông mò gì thế?” – Người ấy đáp: “Trước tôi đánh rơi cái chén bạc, nay tôi mò lấy về!” – Hỏi: “Ông đánh rơi chỗ nào?” – Đáp: “Khi tôi vào bể tôi đánh rơi ở bể!” – Ông đánh rơi bao lâu rồi!” – Đáp: “Hai tháng rồi!” – Hỏi: “Mất hai tháng tại bể sao nay ông mới mò mà lại mò tại đây?” – Đáp: “Khi tôi đánh rơi, tôi có vạch nước làm ghi: nước chỗ tôi vạch trước cùng với nước chỗ này như nhau nên tôi mò tại đây!”. Những người địa-phương nói: “Nước tuy không khác nhưng, trước ông đánh rơi ở chỗ khác, nay ông tìm ở đây sao được!” Mọi người đều cười.

Người ngoại-đạo không tu chính-hạnh, trong những việc thiện tương-tự, chấp càn là phải, làm cho thân khốn-khổ vất-vả để cầu giải-thoát. Như người ngu mất chén một nơi tìm một nẻo!

20. NÓI VUA BẠO NGƯỢC

Xưa có người nói nhà vua rất bạo-ngược làm việc cai-trị, chính-trị nhiều điều vô-lý. Nhà vua nghe thấy giận quá, không xét ai là thủ-phạm, tin kẻ nịnh-thần, bắt ngay một hiền-thần lóc một trăm lạng thịt nơi xương sống.

Sau có người chứng-minh là hiền-thần đó không nói lời ấy, tâm vua hối-hận đem một nghìn lạng thịt đến vá vào chỗ cũ. Nửa đêm hiền-thần kia rên-rỉ, khổ-não nhà vua nghe tiếng hỏi: “Sao mà khổ-não, lấy thịt trăm lạng, đền thành nghìn lạng còn không đủ ư?” Những người cận-vệ đáp: “Tâu Đại-vương, như chặt đầu con đi, tuy có đền lại nghìn đầu cũng không khỏi sự chết của người con. Nay hiền-thần này tuy được thịt gấp lên mười lần, cũng không khỏi được sự đau-khổ?”

Người ngu ở đời không sợ gì đời sau, tham-khát sự vui hiện-tại, làm khổ-sở chúng-sinh, bới-móc trăm họ, kiếm nhiều của-cải để làm phúc, mong diệt tội, được phúc. Như ông vua kia lóc lấy thịt người, đem thịt khác vá vào mong không đau-đớn thực khó có vậy!

21. ĐÀN-BÀ MUỐN CON

Xưa người đàn-bà có một con muốn được thêm con nữa mới hỏi người đàn-bà khác: “Thưa bà, bây giờ ai có thể làm cho tôi được thêm con nữa bà nhỉ?” Trong chỗ ấy có bà lão bảo: “Tôi có thể bảo cô cách cầu thêm con được, bằng cách là phải tế trời!” Người đàn-bà kia hỏi: “Thưa bà, tế trời cần dùng những vật gì?” – Bà lão bảo: “Cô hãy giết đứa con hiện có của cô đi để lấy máu tế trời thời sẽ được nhiều con!” Người đàn-bà kia nghe lời, đang toan giết con lấy máu tế trời, bên cạnh nhà có bậc trí-thức thấy thế gọi mắng: “Đồ ngu không có trí-tuệ gì cả, đời nào con chưa đẻ thêm đã giết đứa con hiện có đi bao giờ không?”

Người ngu ở đời cũng thế, mong sinh lên trời; chưa được sinh đâu, đã tự gieo mình vào hố lửa hại thân! (7)

***

Chú thích:

(1) Bộ này chính tên là “Bách-Dụ Kinh”. Nội-dung toàn bộ đều là lời thí-dụ, ngụ-ý răn dạy những người ngu-si, không hiểu, để đi thẳng vào đường hiểu-biết chân-chính, nên nay đổi là “Phật-học Ngụ-ngôn”.

Bách-Dụ Kinh là cuốn kinh số 209 (tập 4, trang 543-557) Trong Đại-Tạng-Kinh. Bộ kinh này chia làm 4 quyển, do ngài Cầu-Na-Tỳ-Địa (Ấn-Độ) dịch chữ Phạm ra chữ Hán, trong đời Tiêu-Tề.

Bộ kinh này có vài điểm khác-biệt: 1/ Phần “Chính tôi được nghe…” để cuối quyển nhất, chứ không để đầu kinh như thường-lệ của các kinh. 2/ Dưới đề-mục kinh và bài kệ cuối kinh lại đề tên “Tôn-giả: Tăng-già-tư-na soạn” mà theo thông-lệ kết-tập trong các kinh đã có “Chính tôi được nghe…” thời không có soạn-giả. 3/ Lẽ ra kinh Bách-Dụ phải đủ 100 bài thí-dụ, nhưng đây chỉ có 98 bài. Mặc dầu có những điểm khác-biệt trên nhưng, trực-nhận nội-dung bộ này toàn là những lời ngụ-ý răn dạy rất hay, chúng tôi lược-dịch để cống-hiến Phật-tử. Bổ-khuyết vào chỗ khác-biệt trên, chúng tôi đem đoạn “Chính tôi được nghe…” lên đầu kinh cho hợp; rút 2 bài ở kinh khác thêm vào sau cho đủ 100 bài và, không chia riêng quyển như cũ nhưng, có ghi lại nơi chú-thích mỗi khi hết quyển để tiện bề tìm hiểu (lời dịch-giả).

(2) Xem kinh Quán-Âm thụ-ký đã giải.

(3) Dị-học Phạm-chí: Những người Bà-la-môn có những học thuyết kỳ lạ, khác đạo Phật.

(4) Ngũ-giời: Năm điều răn: không sát-sinh, không trộm-cắp, không tà-dâm, không nói dối và không uống rượu.

(5) Tu-đà-hoàn (Srotàpanna-phala): Trung-Hoa dịch là “Nhập-lưu, Nghịch-lưu, Dự-lưu” và có nghĩa là vị tu-hành đi ngược dòng sinh-tử, phàm-phu đã được dự vào dòng Thánh-đạo. Đây là quả thứ nhất trong 4 quả-vị của Thanh-Văn. Bậc Thanh-Văn tu Tứ-đế chứng 4 quả là: 1/ Tu-đà-hoàn. 2/ Tư-đà-hàm (Sakràgami), Trung-Hoa dịch là “Nhất-lai”: còn phải một lần sinh Nhân, Thiên. 3/ A-na-hàm (Angàmi), Trung-Hoa dịch là “Bất-lai”: không phải sinh trong Dục-giới. 4/ A-la-hán (Arahat), Trung-Hoa dịch là “Vô-sinh”: không còn sinh-tử.

(6) Giai-cấp tu-sĩ Ấn-Độ-giáo. Xem kinh Niết-Bàn giải rõ.

(7) Đến đây là hết quyển nhất.

    Xem thêm:

  • Kinh Bách Dụ – Nguyên Thuận dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Bách Dụ – Thích Nữ Như Huyền dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Bách Dụ – Thích Nữ Viên Thắng dịch - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 22 – Dục Cái - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích tập 7 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 26 – Dối Trá - Kinh Tạng
  • Kinh Trường A-Hàm Phần 4 – HT Thích Tuệ Sĩ dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Tăng Nhất A-Hàm Tập 1 – HT Thích Thanh Từ dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Tăng Nhất A-Hàm Tập 2 – HT Thích Thanh Từ dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bát Niết Bàn – Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Phương Đẳng Đại Tập Hiền Hộ Bồ Tát – Thích Minh Lễ dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Diệu Pháp Liên Hoa – Thích Minh Định dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Diệu Pháp Liên Hoa – Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Tăng Nhất A-Hàm Tập 3 – HT Thích Thanh Từ dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích tập 3 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích tập 4 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Trường A-Hàm Phần 2 – HT Thích Tuệ Sĩ dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích tập 5 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Cựu Tạp Thí Dụ - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích tập 1 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng