Kinh Vợ Trưởng Giả Pháp Chí
Phật Thuyết Trưởng Giả Pháp Chí Thê Kinh
Thất dịch
Bản Việt dịch của Thích Tâm Nhãn
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời đức Phật cùng đại chúng Tỳ-kheo 1250 vị và vạn Bồ Tát, ở tại vườn Kỳ-thọ Cấp-cô-độc nước Xá Vệ.
Một hôm, vào lúc sáng sớm đức Phật đắp y ôm bát vào thành khất thực, tất cả chúng Tỳ-kheo, Bồ Tát đều theo hầu. Chư Thiên, Long thần, Thần Hương-âm, Thần Vô-thiện-chi, Thần Phượng-hoàng, Thần-núi, Vua thần Chấp-lạc, họ đều tung rải hoa, đốt hương tấu các loại âm nhạc, tán thán ca tụng đức của Thế-Tôn bằng kệ:
Từ vô số ức kiếp
Tích hạnh khó thể lường
Từ-bi thương chúng sanh
Phát khởi hành đại-đạo
Ba cõi giống như huyễn
Tất cả đều vốn không
Tuệ đó có thể hiểu
Độ thoát khắp mười phương
Ba mươi hai tướng tốt
Cùng tám mươi vẻ đẹp
Nói vạn ức âm thanh
Công đức tự nghiêm-dung
Thị-hiện trong tam-giới
Khai thị ba đạo tràng
Ba thứ dơ đã diệt
Tội ba đời trừ hết
Tâm như vầng trăng sáng
Cõi dục không nhiễm trước
Bình đẳng lìa thương, ghét
Tất cả không thân, sơ
Lúc ấy, nhân dân nghe lời ca tụng về đức của Thế-Tôn, cả nước tụ hội thấy đức Phật đi lại cử chỉ từng bước khoan thai chậm rãi dung nhan oai nghi đẹp đẽ giống như mặt trăng giữa các vì tinh tú, như ánh mặt trời vừa ló dạng chiếu khắp bầu trời không bị ngăn ngại. Như Phạm-vương hay Thiên Đế-thích ở giữa chư thiên nơi cung trời Đao-lợi tôn quí. Như núi Tu-di hiện giữa biển lớn, trong bốn cõi được bình yên không bị chấn động. Mọi người vui mừng hớn hở chấp tay qui mạng Thế-Tôn. Đức Phật đến nhà Pháp Chí, đứng giữa cánh cửa đang đóng phóng ánh hào quang lớn chiếu khắp mười phương. Vợ trưởng giả đang ngồi trên giường tô điểm, trang sức các loại vàng ngọc quí lên thân thể, thoa dầu thơm chiên-đàn, diện mạo đầy son phấn. Vợ trưởng giả cho là năm màu rực rỡ của những thứ trang sức kia là vĩnh hằng, nên tôi tớ, nô tỳ hễ có chút lỗi lầm, thì bà đánh đập thậm tệ không hỏi lý do phải, trái. Lúc trông thấy vầng hào quang của Phật chói sáng hơn ánh mặt trời, bà suy nghĩ: “Vầng hào quang hiền dịu kia không phải ánh sáng mặt trời, mặt trăng, hay ánh sáng của Phạm-thiên Đế-thích, chư Thiên, cũng không phải của phàm tục. Ánh sáng ấy trông mát mẻ an ổn vô lượng; thân ta mà được ánh sáng này thì hết hoạn nạn, không còn đói khát tự nhiên no đầy. Làm thế nào ta được ánh sáng ấy để có thế lực sai bọn tôi tớ phục tùng?” nghĩ rồi đến cánh cửa khép, nhìn qua thấy Thế-Tôn tướng hảo oai nghi sáng rực khó có thể ví dụ. Các căn tịch định đầy đủ tướng hảo, giống như núi bảy báu hùng vĩ chót vót. Vợ trưởng giả nữa mắc cỡ khép nép nữa vui mừng cảm mến, rồi đảnh lễ sát chân Phật nói:
Con đã phạm tội lỗi quá nhiều con xin sám hối. Sân hận vui mừng đều do mình, làm người nữ thì không thể tránh khỏi. Nay biết lỗi lầm lần đầu con không dám che giấu.
Phật bảo:
Lành thay! Lành thay! Thấy tội lỗi của mình, cải đổi bỏ hết sai trái là đã đạt được thiện lợi. Từ nay trở đi phải tu tập, thân người khó được, kinh Phật khó gặp. Sở dĩ muôn đời bi đe dọa làm thân nữ? Vì trong thân ấy có dáng vẻ dâm dục, không thể tu thân, ý tứ phóng tâm, tật đố nhiều lời, tự mình tham đắm dựa vào hình mạo, không biết thế gian vô thường giàu có oai quyền chỉ trong khoảnh khắc mà thôi. Giàu sang bần tiện như vầng nguyệt khi mờ khi tỏ, như mặt trời mọc rồi lặng. Như nước, lửa, gió, khởi lên không lâu rồi cũng hết. Tất cả đạo, tục đều từ tâm hưng khởi. Cõi trời, nhân gian, địa-ngục, ngạ-quỉ, súc-sanh đều do mình vậy! Phật là đấng Thiên-trung-thiên, Thanh-văn, Duyên-giác cũng như thế. Nay thân Ta được 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp vì quán thấu suốt khắp mười phương đều thông đạt, và xem chúng sanh như con ruột.
Bà nghe Phật nói vui mừng khôn xiết, kính lễ với Phật một lần nữa, thầm trách mình vì ngu muội nên nghe lời dạy khai hoá Vô-thượng quá muộn màng.
Phật dạy:
Nên thực hành mười điều thiện: Thân không sát sanh, trộm cắp, dâm dục. Miệng không nói dối, không nói hai lời, không nói thêu dệt, không nói ác khẩu. Ý không tham, sân, si. Thường hành lục-độ: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ. Noi theo tứ đẳng tâm: Từ, bi, hỷ, xả, đại bi hoằng hoá phổ độ tự mình sẽ được 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp. Khi mình sai bảo tôi tớ, nô tỳ nên đem việc khổ đau, sinh tử, tội phước mà chỉ cho họ. Hay chỉ bảo họ về hoạn nạn trong tam-đồ, hoặc nói nghĩa lý giữ giới truyền đạt cho mọi người hay hơn là đánh đập. Còn trang nghiêm anh lạc có bốn việc: 1. Tín tâm, 2. Giữ giới, 3. Tu tịnh, 4. Trí tuệ. Đó là bốn việc trang điểm. Nếu Bồ Tát trang nghiêm tâm hướng đến đại-thừa, thì không nam, không nữ giống như huyễn như hoá. Như hoạ sĩ vẽ theo ý liền thành, hiểu rõ “không tuệ” tất cả vốn thanh tịnh, đắc vô-danh-thân (vô-ngã), tứ-vô-sở-uý, tứ sự (phòng xá, thuốc thang, quần áo, lương thực) không giữ riêng thứ gì. Một mình đi trong tam-giới độ thoát tất cả.
Nghe Phật dạy vợ trưởng giả tâm khai ngộ thấu suốt, liền phát đạo ý vô thượng chánh chơn, đạt được địa vị bất thối chuyển.
Bấy giờ, Thiên Đế-thích đến phía sau Phật nói với vợ trưởng giả rằng:
Phật đạo khó được chi bằng cô hãy cầu chuyển thân nữ thành thân nam, làm Nhật-nguyệt-thiên-đế, Chuyển-luân-thánh-vương.
Vợ trưởng giả làm kệ đáp:
Thiên-đế Nhật-nguyệt-vương
Chúa chuyển-luân bốn cõi
Oai thế không mấy chốc
Nương tựa chẳng bao lâu
Giàu sang như sương sớm
Trong mộng thấy có cảnh
Tỉnh giấc cảnh biến tan
Ngũ-ấm như huyễn hoá
Không biết chỗ tụ hợp
Tam-giới do mình tạo
Ba đời đều bình đẳng
Tâm-đạo cùng bạn-lữ
Hiểu chơn-đế là thế
Vậy ai nam, ai nữ?
Thiên Đế-thích nghe nói vậy im lặng không nói nữa.
Phật bảo:
Thành thật nói như vậy rất hay! rất hay! ba cõi như huyễn hoá, như ảnh, âm vang, như hơi đất, như ánh trăng dưới nước, như cây chuối.
Người đời không hiểu cho là có ngã, có ta, lại dính mắc tam giới nên không thể cứu mình.
Tâm Bà ngộ, liền biến thành thân nam vui mừng hớn hở đảnh lễ sát chân Phật.
Phật bảo:
Đời sau con trải qua hằng-sa-kiếp sẽ được thành Phật hiệu là Vô-cấu-vương Như Lai, Chí-chơn-đẳng-chánh-giác, Minh-hạnh-thành-vi, Thiện-thệ-thế-gian-giải, Vô-thượng-sỹ, Đạo-pháp-ngự, Thiên-nhơn-sư, Phật hiệu Thiên-trung-thiên, cõi ấy tên Quang-tịnh.
Lúc này, mọi người trong hội, chư Thiên, nhân dân, vô số hàng nghìn người thấy sự việc ứng biến này, đều phát tâm đạo Vô-thượng-chánh-chơn. Vợ trưởng giả và tất cả tôi tớ đứng trước đức Phật hỏi:
Kính thưa Thế-Tôn! Người cao, kẻ thấp vốn có khác nhau không?
Phật đáp:
Tất cả vốn không khác nhưng tồn tại tuỳ theo tâm. Tuy làm người thấp kém nhưng phát tâm đạo thì có thể thành Phật. Còn làm người giàu sang quyền quí, nhưng với tâm kiêu mạn thì bị đọa vào đường ác: địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh, như mặt trăng khi tròn khi khuyết, như cây cối khi tươi khi héo. Tất cả chẳng thường không có thứ gì vững bền. Duy chỉ có trí tuệ thâm sâu mới có thể vĩnh viễn, hư không, không tới không lui.
Khi ấy, tôi tớ hân hoan vui mừng cùng phát đại đạo ý, biến thành thân nam đắc được pháp-nhẫn.
Phật bảo A-nan:
Ngũ-ấm không chỗ, lục-tình không căn, mười hai nhân-duyên không đầu mối, bốn đại nương đâu mà thành người.
Phật nói như vậy ai cũng vui.