KINH PHẬT VÌ TA GIÀ LA LONG VƯƠNG SỞ THUYẾT ĐẠI THỪA
Phật Vị Sa Già La Long Vương Sở Thuyết Đại Thừa Kinh
Tống Thi Hộ dịch
Bản Việt dịch (1) của Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Bản Việt dịch (2) của Huyền Thanh
Bản Việt dịch (3) của Tuệ Khai
***
Kinh Phật Vì Ta Già La Long Vương Sở Thuyết Đại Thừa
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Đức Phật ngụ nơi đạo tràng Trang nghiêm ở cung điện Long vương Ta-già-la trong biển cả cùng với chúng đại Tỳ- kheo bảy ngàn năm trăm vị và các Đại Bồ-tát đạt được đại trí tuệ từ các thế giới trong mười phương đều vân tập đến.
Lại có trăm, ngàn, ức, triệu trời Phạm vương, Đế Thích và các vị thần hộ thế, tám bộ chúng Trời, Rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Nga-lỗ-nỗ, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già… cũng đều có mặt nơi pháp hội.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn thấy tất cả đại chúng ấy đã tựu đông đủ nơi pháp hội, liền bảo Long vương Ta-già-la:
-Này Long vương! Ông hãy nhìn xem đủ loại hành nghiệp trong thế gian này thảy đều sinh khởi từ nơi hư vọng, vô số các loại tâm pháp cũng sẽ chiêu cảm lấy đủ thứ quả báo. Nếu chẳng hiểu rõ ràng về những sự việc ấy thì sẽ sinh vào trong vô số các nẻo.
Này Long chủ! Ông nên nhìn xem các chúng trong biển cả này, thấy các chúng sinh tạo tác đủ loại sắc tướng.
Này Long chủ! Tất cả các sắc tướng kia đều do tất cả nghiệp thiện, ác nơi thân, miệng, ý, tâm của mỗi loài biến hóa đủ loại.
Tâm pháp này tuy gọi là sắc tướng, nhưng cũng giống như huyễn hóa, không có thể giữ lấy.
Này Long chủ! sắc tướng ấy của tất cả các pháp vốn không có nơi chốn sinh, cũng không có chủ tể, không có ngã, cũng không có ngăn ngại. Chúng sinh tạo tác đủ loại nghiệp như vậy, nhưng tự tánh của các pháp đều như tướng huyễn hóa, chẳng thể nghĩ bàn.
Này Long chủ! Nếu Bồ-tát nào nhận biết tất cả các pháp không sinh, không diệt, không có màu sắc, không có hình tướng, nhận biết đúng như thật vậy rồi thì dù có tạo tác, có tu tập tất cả nghiệp thiện, cũng là không tu tập, tạo tác. Chỗ có sắc tướng và uẩn, xứ, giới, tất cả pháp sinh cũng đều không có chỗ thấy. Nếu thấy được đúng như thật điều kia rồi thì phải nên quan sát sắc tướng thù thắng, vi diệu.
Này Long chủ! sắc tướng thù thắng vi diệu này làm thế nào mà quan sát? Phải nên quán thân tướng của Như Lai. Thân tướng ấy của Như Lai đều từ trăm, ngàn, ức, triệu phước đức sinh ra. Lại nữa, tướng như vậy làm sao để trang nghiêm, giữ gìn, làm sao cung kính tin tưởng nhằm đạt được? Lại đạt được tướng không già, không chết của hàng trời, người. Lại đạt được mười, trăm, ngàn thân của trời Tha hóa tự tại, cho đến thân của trời Đại phạm. Do tâm này chẳng tán loạn, quán tưởng chuyên chú, chiếm ngưỡng thân tối thắng vi diệu của Như Lai, nhận biết đúng như thật tất cả sắc tướng thù thắng, vi diệu, trang nghiêm của thân này đều từ nghiệp thiện nhóm họp mà được.
Này Long chủ! Tất cả sự trang nghiêm cũng như phước đức sinh ra trong cung điện của ông ở, đến trong cõi trời Phạm vương, Đế Thích và những vị thần hộ thế, cho đến hàng Trời, Rồng, Dạ-xoa, Càn-thát- bà, A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, người cùng loại phi nhân, có các sự trang nghiêm đều từ nơi phước mà sinh ra.
Này Long chủ! Có đủ loại chúng sinh ở trong biển cả này, hoặc có chúng sinh thấy to lớn, hoặc lại nhỏ bé, hoặc rất xâu xí. Tất cả thân kia đều do tâm hóa hiện đủ loại.
Này Long chủ! Do đây, cho nên nói tùy theo nghiệp của thân, miệng, ý mà đạt được.
Này Long chủ! Kết quả như vậy đều lấy nghiệp làm nhân, nghiệp làm chủ tể, ông nên khiến cho các chúng sinh phát khởi tâm trí tuệ. Tùy theo chỗ tạo tác, chỗ tu học nghiệp thiện, đối với các kiến chấp tà chẳng tạo tác, chẳng an trụ, nhận biết các kiến chấp tà kia chẳng phải là rốt ráo. Nhận biết như vậy xong thì tất cả chúng sinh sẽ cầu làm thầy, cùng nhau đến cúng dường và được chư Thiên, người trong thế gian quy kính, tin tưởng, cúng dường.
Này Long chủ! Có một pháp có thể làm cho chúng sinh dứt hẳn nghiệp ở trong tất cả nẻo xấu ác. Pháp ấy là gì?
Đó là quan sát pháp thiện, nhưng pháp thiện kia làm thế nào để quan sát? Phải nên quan sát thân mình. Trong ngày đêm, ta đi, đứng, nằm, ngồi, sinh khởi tâm ý đều là lỗi lầm. Quan sát nhận biết rõ như vậy sẽ làm cho các pháp ác trong bốn oai nghi chẳng được phát sinh. Đoạn tận các pháp bất thiện như vậy sẽ làm cho pháp thiện được đầy đủ. Lại khiến cho tất cả chúng sinh cùng đạt được pháp thiện, thảy đều đạt được quả vị Thanh văn, Bích-chi-phật, Bồ-tát, cho đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Này Long chủ! Thế nào là pháp thiện?
Nay ta giảng nói pháp thiện nghĩa là mười nghiệp thiện. Đó là chỗ an trụ căn bản cho tất cả, là chỗ an trụ căn bản được sinh vào hàng chư Thiên và loài người trong thế gian, là chỗ an trụ căn bản của pháp thiện thù thắng nơi thế gian và xuất thế gian, là chỗ an trụ căn bản của Bậc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. An trụ căn bản ấy là những gì? Đó là mười nẻo nghiệp thiện. Nếu có thể xa lìa giết hại, trộm cắp, tà dâm, nói dối, nói lời thêu dệt, nói lời thô ác, nói hai chiều, cho đến tham dục, giận dữ, tà kiến thì đó là mười nẻo nghiệp thiện, chính là chỗ an trụ căn bản của thế gian và xuất thế gian.
Này Long chủ! Nếu chúng sinh nào xa lìa việc giết hại thì đạt được mười loại pháp thiện. Những gì là mười loại?
Đó là đạt được sự bố thí không sợ hãi làm cho tất cả chúng sinh khác được an trụ nơi tâm Từ, được hạnh chân chánh, không nghĩ đến các lỗi lầm của tất cả chúng sinh, được ít bệnh, an vui, được mạng sống lâu dài, được vô số loài phi nhân ủng hộ, trong lúc ngủ hay khi thức thảy đều an ổn, lại được bậc Hiền thánh bảo hộ chẳng nhàm chán xả bỏ, khi ở trong mộng chẳng thấy tạo tác nghiệp ác phiền não, tự đạt được sự chẳng sợ hãi đốì với tất cả nẻo xấu ác, sau khi mạng chung được sinh lên cõi trời.
Này Long chủ! Nếu chúng sinh đạt được mười loại pháp thiện như vậy, thực hành đạo Bồ-tát, tâm được an nơi pháp thiện, thành tựu đầy đủ căn lành thì sẽ đạt được quả vị Bồ-đề vô thượng.
Này Long chủ! Nếu chúng sinh nào xa lìa trộm cắp thì sẽ đạt được mười pháp nương tựa. Những gì là mười pháp? Đó là:
1. Được rất giàu có tự tại.
2. Tránh được các hoạn nạn của vua, nước, lửa, giặc cướp, oan gia.
3. Được nhiều quyến thuộc tùy thuận, hòa nhã.
4. Được nhiều người thương mến chẳng làm cho khổ não, có nói ra điều gì thì tất cả đều lắng nghe và tin nhận.
5. Được đầy đủ vô lượng của báu.
6. Được mọi người khắp nơi tán thán.
7. Đối với tất cả chỗ đi lại không sợ không hãi.
8. Được người khác khen ngợi là bậc trí tuệ.
9. Được sắc đẹp sức lực, mạng sống, biện tài lưu loát, tâm không phân biệt người thân kẻ sơ, không còn phiền não.
10. Sau khi mạng chung, được sinh lên cõi trời.
Này Long chủ! Chúng sinh nào xa lìa việc trộm cắp thì sẽ được mười pháp nương tựa như vậy, đem căn lành ấy hồi hướng đến quả vị Bồ-đề vô thượng, sẽ đạt được quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Này Long chủ! Chúng sinh nào xa lìa tà dâm thì sẽ được bôn pháp trí thiện. Những gì là bốn pháp? Đó là:
1. Thu phục các căn.
2. Xa lìa tán loạn.
3. Được tất cả thế gian tán thán.
4. Lại được giàu sang vô lượng.
Bốn pháp trí thiện như vậy, nhờ căn lành này nên đạt được quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, chứng đắc tướng mã âm tàng của bậc Đại trượng phu.
Này Long chủ! Chúng sinh nào xa lìa lời nói hư dối thì sẽ đạt được tám loại pháp lành của hàng trời, người. Những gì là tám? Đó là:
1. Miệng được thơm sạch như hương hoa sen xanh.
2. Lại được tất cả chánh kiến của thế gian.
3. Được tất cả sự ưa thích của hàng trời, người.
4. Được thân, miệng, ý thanh tịnh.
5. Hóa độ tất cả hữu tình làm cho ba nghiệp an trụ nơi hạnh thanh tịnh.
6. Được thanh tịnh rồi thì đều vui vẻ.
7. Được lời nói chân thật, thành tín, chắc chắn.
8. Được biện tài hơn người, ngôn từ nói ra đều có phương tiện, lìa xa tất cả lỗi lầm nơi hàng trời, người.
Này Long chủ! Chúng sinh nào xa lìa lời nói hư dối thì sẽ đạt được tám loại pháp lành của hàng trời, người như vậy. Nhờ căn lành ấy nên nghiệp khẩu thanh tịnh, hạnh chân chánh thành thật, sẽ đạt được quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Này Long chủ! Chúng sinh nào xa lìa lời nói thêu dệt thì sẽ đạt được ba loại pháp nhất hướng. Đó là đạt được pháp hiểu biết luôn hướng đến sự ái lạc, luôn hướng đến sự chân thật, luôn hướng đến con đường sinh trí tuệ làm thầy hàng trời, người được tất cả hàng trời, người ưa thích, tin theo.
Này Long chủ! Chúng sinh nào xa lìa lời nói thêu dệt thì sẽ đạt được ba loại pháp nhất hướng như vậy, nếu đem căn lành này hồi hướng đến quả vị Bồ-đề sẽ được tất cả Đức Như Lai thọ ký, sẽ chứng đắc đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Này Long chủ! Chúng sinh nào xa lìa lời nói thô ác thì sẽ đạt được tám loại pháp thiện thanh tịnh. Đó là lời nói chân thật, lời nói hòa dịu, lời nói có ý nghĩa, lời nói nhỏ nhẹ, lời nói lìa chấp thủ, lời nói ai cũng ưa thích, lời nói hiền thiện, lời nói có lợi ích.
Này Long chủ! Chúng sinh nào xa lìa lời nói thô ác thì sẽ đạt được tám loại nghiệp của miệng thanh tịnh như vậy, đem căn lành này hồi hướng đến quả vị Bồ-đề thì sẽ chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác và được Phạm âm thanh tịnh tối thượng.
Này Long chủ! Chúng sinh nào xa lìa lời nói hai chiều thì sẽ đạt được năm loại kiên cố. Đó là được thân kiên cố, được xa lìa tất cả sự sợ hãi, được quyến thuộc không ly tán, không bị người khác chiếm đoạt, được đức tin kiên cố, được phước báo tín nghiệp, được pháp kiên cố, được chứng quả không thoái chuyển, được bạn lành kiên cố, thường luôn theo nhận lời nói dịu hòa.
Này Long chủ! Chúng sinh nào xa lìa lời nói hai chiều thì sẽ đạt được năm loại kiên cố như vậy, đem căn lành ấy hồi hướng đến quả vị Bồ-đề sẽ chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, khiến tất cả các ngoại đạo, ma vương… đều không thể phá hoại.
Này Long chủ! Chúng sinh nào xa lìa tham độc thì sẽ đạt được tám loại pháp thiện. Đó là tâm tham tiêu trừ, tâm giết hại không sinh, tâm ganh ghét không sinh, thích sinh tâm dòng thánh, được thánh nhân tôn trọng, dùng nghiệp thiện tâm Từ làm lợi ích cho tất cả chúng sinh, được thân tươi đẹp, được nhiều người tôn quý, được sinh ở cõi trời Phạm thiên.
Này Long chủ! Chúng sinh nào xa lìa tham độc thì sẽ đạt được tám loại pháp thiện như vậy, đem pháp thiện này hồi hướng đến quả vị Bồ-đề với tâm không thoái chuyển sẽ chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Này Long chủ! Chúng sinh nào xa lìa sân độc thì sẽ đạt được năm loại nguyện thù thắng viên mãn. Đó là được tu thân, miệng, ý không thoái chuyển, được các căn không tán loạn, được tất cả sự giàu sang rộng lớn viên mãn, được kẻ cừu thù quy phục, được tất cả phước đức rộng lớn viên mãn, tâm thọ dụng mong muốn điều gì cũng được viên mãn, như là phát trăm ngàn nguyện thù thắng tối thượng muốn giàu sang thì đều được viên mãn như ý nguyện.
Này Long chủ! Chúng sinh nào xa lìa sân độc thì sẽ được năm loại nguyện viên mãn như vậy, đem căn lành ấy hồi hướng lên quả vị Bồ-đề vô thượng, sẽ chứng đắc đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, được chúng sinh trong ba cõi tôn kính.
Này Long chủ! Chúng sinh nào xa lìa tà kiến thì sẽ được mười loại pháp công đức. Đó là:
1. Được tự tâm an lành cùng với bạn lành đồng hành tin sâu nhân quả.
2. Không vì thân mạng mà gây nghiệp tội.
3. Sớm chứng được quả vị Thánh hiền.
4. Không mê chấp nơi pháp thiện.
5. Tu hạnh trời, người, không rơi vào cõi Diệm-ma và bàng sinh.
6. Hành đạo của bậc thánh được phưđc tối thượng.
7. Lìa xa tất cả pháp tà.
8. Lìa xa kiến chấp về thân.
9. Thấy được tánh của tất cả tội đều không.
10. Được đầy đủ hạnh chân chánh của hàng trời, người.
Này Long chủ! Chúng sinh nào xa lìa tà kiến thì sẽ được mười loại công đức như vậy, đem căn lành ấy hồi hướng lên quả vị Bồ-đề, sẽ sớm thông tỏ tất cả Phật pháp và chứng đắc đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Lại nữa, này Long chủ! Ta thấy chúng sinh tạo mười pháp bất thiện vi tế, phần nhiều đều đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh.
Này Long chủ! Nếu những chúng sinh đó tạo nghiệp sát sinh thì sẽ rơi vào cảnh giới địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, Diệm-ma…, sau khi tái sinh ở nhân gian, vì còn nghiệp cũ nên phải mang hai loại quả báo:
1. Thọ mạng ngắn ngủi.
2. Khổ não.
Nếu chúng sinh nào trộm cắp thì sẽ bị đọa vào cõi địa ngục, súc sinh, Diệm-ma…, sau khi tái sinh ở nhân gian, vì còn nghiệp cũ nên phải mang hai loại quả báo:
1. Sống trong cảnh bần cùng.
2. Không được người khác giúp đỡ cho tiền bạc.
Nếu chúng sinh nào tà dâm thì sẽ bị đọa vào cõi địa ngục, súc sinh, Diệm-ma…, sau khi tái sinh ở nhân gian, vì còn nghiệp cũ nên phải mang hai loại quả báo:
1. Ngu si.
2. Vợ không trinh tiết, trong trắng.
Nếu chúng sinh nào nói lời hư dối thì sẽ bị đọa vào cõi địa ngục, súc sinh, Diệm-ma…, sau khi tái sinh ở nhân gian, vì còn nghiệp cũ nên phải mang hai loại quả báo:
1. Nói lời không thành thật.
2. Người khác không tin theo.
Nếu chúng sinh nào nói lời thêu dệt thì sẽ bị đọa vào cõi địa ngục, súc sinh, Diệm-ma…, sau khi tái sinh ở nhân gian, vì còn nghiệp cũ nên phải mang hai loại quả báo:
1. Lời nói không chân chánh.
2. Luôn thay đổi những điều đã nói.
Nếu chúng sinh nào nói lời hung ác thì sẽ bị đọa vào cõi địa ngục, súc sinh, Diệm-ma…, sau khi tái sinh ở nhân gian, vì còn nghiệp cũ nên phải mang hai loại quả báo:
1. Thường ưa tranh cãi.
2. Người nghe không kính trọng.
Nếu chúng sinh nào nói lời đâm thọc thì sẽ bị đọa vào cõi địa ngục, súc sinh, Diệm-ma…, sau khi tái sinh ở nhân gian, vì còn nghiệp cũ nên phải mang hai loại quả báo:
1. Quyến thuộc đều thấp hèn.
2. Tình cảm trong thân quyến bị chia rẽ.
Nếu chúng sinh nào tham nhiều thì sẽ bị đọa vào cõi địa ngục, súc sinh, Diệm-ma…, sau khi tái sinh ở nhân gian, vì còn nghiệp cũ nên phải mang hai loại quả báo:
1. Không được lợi ích như người khác.
2. Thường bị người khác chiếm đoạt, gây hại.
Nếu chúng sinh nào nhiều sân hận thì sẽ bị đọa vào cõi địa ngục, súc sinh, Diệm-ma…, sau khi tái sinh ở nhân gian, vì còn nghiệp cũ nên phải mang hai loại quả báo:
1. Tâm thường không vui.
2. Không vừa ý việc gì cả.
Nếu chúng sinh nào tà kiến thì sẽ bị đọa vào cõi địa ngục, súc sinh, Diệm-ma…, sau khi tái sinh ở nhân gian, vì còn nghiệp cũ nên phải mang hai loại quả báo:
1. Tà kiến.
2. Biếng nhác.
Này Long chủ! Nếu chúng sinh nào tạo mười việc bất thiện như vậy thì chắc chắn sẽ chịu quả báo như thế và còn phải nhận bao nỗi khổ lớn vô biên khác.
Này Long chủ! Nếu Bồ-tát nào lìa xa việc sát sinh, tu đạo Bồ- tát, thực hành bố thí thì sẽ được giàu sang, sống lâu, phước báo vô lượng, không còn bị kẻ khác chiếm đoạt, làm cho lo sợ.
Này Long chủ! Nếu Bồ-tát nào lìa xa việc trộm cắp, tu đạo Bồ-tát, thực hành bố thí thì sẽ được giàu sang, phước báo vô lượng, tâm không bủn xỉn đối với tất cả mọi người, chứng đắc pháp nghĩa vô thượng của chư Phật giảng dạy bằng trí tuệ sâu xa.
Này Long chủ! Nếu Bồ-tát nào lìa xa việc tà dâm, tu đạo Bồ- tát, thực hành bố thí thì sẽ được giàu sang, phước báo vô lượng, được cha mẹ, vợ con quyến thuộc thương yêu, không có ác kiến.
Này Long chủ! Nếu Bồ-tát nào lìa xa lời nói hư dối, tu đạo Bồ-tát, thực hành bố thí thì sẽ được giàu sang, phước báo vô lượng, được lời nói nhỏ nhẹ, hiền thiện, một khi phát nguyện chân thành thì được vững chắc, không thay đổi.
Này Long chủ! Nếu Bồ-tát nào lìa xa lời nói thêu dệt, tu đạo Bồ-tát, thực hành bố thí thì sẽ được giàu sang, phước báo vô lượng, nói lời chân thật được người nghe tin nhận, một khi nói lời gì ra là dứt trừ sự nghi ngờ cho người khác.
Này Long chủ! Nếu Bồ-tát nào lìa xa lời nói hung ác, tu đạo Bồ-tát, thực hành bố thí thì sẽ được giàu sang, phước báo vô lượng, nói ra điều gì cũng được mọi người tin nhận, không chối bỏ, không có lỗi lầm ở nơi các chúng.
Này Long chủ! Nếu Bồ-tát nào lìa xa lời nói đâm thọc, tu đạo Bồ-tát, thực hành bố thí thì sẽ được giàu sang, phước báo vô lượng, tâm trụ bình đẳng đối với các quyến thuộc, thương họ như nhau, không bị ly tán.
Này Long chủ! Nếu Bồ-tát nào lìa xa tham độc, tu đạo Bồ-tát, thực hành bố thí thì sẽ được giàu sang, phước báo vô lượng, được thân tướng đẹp đẽ, các căn đầy đủ, ai thấy cũng yêu mến, không nhàm chán.
Này Long chủ! Nếu Bồ-tát nào lìa xa sân độc, tu đạo Bồ-tát, thực hành bố thí thì sẽ được giàu sang, phước báo vô lượng, không có tâm thù hằn dấy khởi, được nghe pháp chính yếu của Phật, có thể sinh niềm tin sâu xa.
Này Long chủ! Nếu Bồ-tát nào lìa xa tà kiến, tu đạo Bồ-tát, thực hành bố thí thì sẽ được giàu sang, phước báo vô lượng, đầy đủ chánh kiến đốì với Tam bảo, thường gần gũi Phật, được nghe pháp vi diệu, không biếng nhác bỏ bê sự cúng dường cho chúng Tăng, giáo hóa chúng sinh làm cho họ đều phát tâm Bồ-đề.
Này Long chủ! Nếu ai khéo tu mười nghiệp thiện này, hành đạo Bồ-tát, dùng sự Bố thí để trang nghiêm thì sẽ được giàu sang, phú quý, phước báo viên mãn.
Nếu dùng sự Trì giới để trang nghiêm thì sẽ được tất cả pháp Phật, ý nguyện đầy đủ, phước báo viên mãn.
Nếu dùng sự Nhẫn nhục để trang nghiêm thì sẽ được phước báo tròn đầy, được trí tuệ Phật, được ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp và được đầy đủ Phạm âm.
Nếu dùng sự Tinh tấn để trang nghiêm thì sẽ được phước báo viên mãn, có khả năng hàng phục Thiên ma, ngoại đạo, rồi đem pháp của chư Phật cứu độ cho họ.
Nếu dùng sự Thiền định để trang nghiêm thì sẽ được phước báo viên mãn, đầy đủ chánh niệm, pháp hành thanh tịnh.
Nếu dùng Trí tuệ để trang nghiêm thì sẽ được phước báo viên mãn, trừ sạch tất cả tà kiến.
Nếu dùng đại Từ để trang nghiêm thì sẽ được phước báo viên mãn, có khả năng làm cho tất cả chúng sinh hàng phục tất cả phiền não vi tế.
Nếu dùng đại Bi để trang nghiêm thì sẽ được phước báo viên mãn, tất cả chúng sinh luôn gần gũi.
Nếu dùng tâm đại Hỷ để trang nghiêm thì sẽ được phước báo viên mãn, nhất tâm không tán loạn.
Nếu dùng tâm đại xả để trang nghiêm thì sẽ được phước báo viên mãn, phiền não vi tế thảy đều tiêu trừ.
Này Long chủ! Cho đến dùng bốn Nhiếp pháp để trang nghiêm thì sẽ được phước báo viên mãn, được tất cả chúng sinh thuận theo sự giáo hóa.
Nếu dùng bốn Niệm xứ để trang nghiêm thì có thể hiểu rõ về thân, thọ, tâm, pháp.
Nếu dùng bốn Chánh đoạn để trang nghiêm thì có khả năng làm cho tất cả pháp bất thiện đều diệt mất, được tất cả pháp thiện viên mãn.
Nếu dùng bốn Thần túc để trang nghiêm thì có khả năng làm cho thân tâm đều được nhẹ nhàng, lợi ích.
Nếu dùng năm Căn để trang nghiêm thì sẽ được tín, tấn không thoái chuyển, tâm không mê hoặc, thấu rõ các nghiệp nhân, dứt hẳn phiền não.
Nếu dùng năm Lực để trang nghiêm thì sẽ được hiểu rõ tất cả pháp một cách như thật.
Nếu dùng tám Chánh đạo để trang nghiêm thì sẽ chứng đắc trí chân chánh.
Nếu dùng thiền định để trang nghiêm thì sẽ đoạn trừ được tất cả phiền não.
Nếu dùng thiền quán để trang nghiêm thì sẽ được trí tuệ thấu rõ tất cả pháp.
Nếu dùng chánh đạo để trang nghiêm thì sẽ rõ biết tât cả pháp phương tiện, hữu vi và vô vi.
Này Long chủ! Nay ta đã giảng nói tóm lược về mười điều thiện để trang nghiêm, cho đến nói về mười Lực, bốn Trí, mười tám pháp Bất cộng và tất cả pháp phần của Như Lai đều được viên mãn.
Này Long chủ! Ông phải nên tu học, cho đến giảng nói rộng rãi mười nghiệp đạo thiện và công việc trang nghiêm ấy.
Này Long chủ! Ví như đại địa có khả năng làm cho con người, thế giới cùng tất cả cõi nước, thành ấp, xóm làng, cho đến cỏ cây, vườn rừng đều được an trụ.
Lại nữa, các nghiệp đều có hạt giống. Hạt giống thành cây đều nhờ vào bốn đại. Ví như hạt lúa, từ khi nẩy mầm cho đến lúc chín đều nương vào đất. Này Long chủ! Mười nghiệp đạo thiện này có khả năng làm cho chư Thiên, loài người, tất cả hữu tình đều được an trụ nơi chốn thù thắng vi diệu, làm cho tất cả hành hữu vi, vô vi đều được phước báo trí tuệ, tất cả Thanh văn, Bích-chi-phật cho đến Bồ-tát và Bậc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác đều được an trụ. An trụ như vậy cũng tức là an trụ nơi tất cả pháp Phật.
Này Long chủ! Những lời của ta dạy đây các ông nên đem tâm chân chánh để hết lòng tin hiểu.
Bấy giờ, trong chúng hội, Long vương Ta-già-la cùng các Đại Bồ-tát, tất cả hàng Thanh văn, chư Thiên, loài người, A-tu-la, Càn-thát-bà… tất cả đại chúng nghe Phật chỉ dạy rồi đều vui vẻ phụng hành.