1
2

Truyện Các Vị Cao Tăng Triều Tiên

Hải Đông Cao Tăng Truyện

Cao Lệ Giác Huấn soạn

Bản Việt dịch của Thích Nguyên LộcThích Thọ Phước

***

QUYỂN 1

Lưu Thông

Luận rằng: Giáo pháp của Đức Phật, tính và tướng thường trụ, bi nguyện rộng sâu, truyền khắp mười phương, ba đời, thấm nhuần như mưa móc, vang rền như sấm sét, không đi mà đến, không nhanh mà nhanh, người đắc ngũ mục[1] không thể thấy được hình tướng ấy, chứng tứ vô ngại giải[2] cũng không thể bàn thấu tướng trạng đó. Thể của giáo pháp không đi không đến, dụng thì có sinh có diệt. Cho nên, Đức Thích-ca Như Lai của chúng ta từ cung trời Đâu-suất[3] ngồi lầu gác chiên-đàn xuống gá vào thai phu nhân Ma-gia.

Đến ngày mùng 8 tháng 4 năm Giáp Dần, đời Chu Chiêu vương.[4] Thái tử sinh ra từ hông phải, trong cung vua Tịnh Phạn. Đêm ấy có luồng ánh sáng năm màu từ phương tây chiếu đến hoàng cung. Chu Chiêu vương hỏi quan thái sử Tô Do về tướng lạ ấy.

Thái sử Tô Do đáp:

– Ở phương tây có một vị thánh nhân xuất hiện.

Chu Chiêu vương lại hỏi:

– Điềm đó lành hay dữ?

Tô Do đáp:

– Vị này trên đời không ai sánh bằng. Một nghìn năm sau, giáo pháp sẽ truyền bá khắp cõi này. Lúc đầu, thái tử sống trong cung cũng giống như người bình thường.

Đến ngày mùng 8 tháng 4 năm Giáp Thân thứ bốn mươi hai, thái tử vượt thành xuất gia. Năm ấy, thái tử vừa tròn 30 tuổi. Ngài ngồi bên gốc cây thành đạo, chuyển pháp luân giáo hóa chúng sinh, như hoa Ưu-đàm lâu lắm mới nở một lần.

Lúc đầu, Đức Phật nói kinh Hoa nghiêm[5]; thứ đến nói kinh Tiểu thừa, lần lượt nói các kinh Bát-nhã[6], Thâm-mật[7], Pháp hoa[8], Niết-bàn[9], tùy cơ giáo hóa tất cả chúng sinh, theo trình độ của họ. Giống như một ngọn gió thổi mà khắp nơi đều mát mẻ, một mặt trăng đều hiện rõ trong nghìn sông. Bốn mươi chín năm, Đức Phật hóa độ chúng sinh, vì thế mọi người tôn xưng Ngài là bậc thánh ở phương tây. Lúc đó, ngài Văn-thù[10] và Mục-kiền-liên[11] đi giáo hóa đến nước Chấn Đán[12].

Đến ngày 15 tháng 2 năm Nhâm Thân thời Mục vương,[13] Đức Phật nhập diệt ở Quỳnh Lâm[14], thọ 79 tuổi. Lúc ấy, mười hai đường cầu vòng màu trắng nổi lên suốt đêm không dứt.

Mục vương hỏi thái sử Hỗ Đa điềm lạ ấy.

Hỗ Đa đáp:

– Ở phương tây có bậc thánh nhân mới vừa diệt độ. Lúc ấy, các tôn giả A-nan..v.v.. kết tập kinh điển, ghi lại đầy đủ trong lá bối. Cũng từ đó, kinh, luật, luận và giới, định, tuệ mới bắt đầu lưu truyền rộng rãi. Nhưng riêng kinh Hoa nghiêm vẫn thường diễn thuyết và được lưu giữ ở long cung. Bấy giờ, các tà thuyết hoành hành, những bộ phái thì suy tàn. Sau đó, có ngài Mã Minh[15] ra đời chấn hưng Phật pháp, rồi đến ngài Trần-na[16], Hộ Pháp[17] lần lượt ra sức xiển dương; dẹp bỏ tà thuyết làm cho chính pháp hiển hiện; diễn giảng ý nghĩa kinh điển, nhờ đó mà giáo pháp được truyền khắp Ấn Độ[18]. Rồi có người đem giáo pháp truyền sang phía đông.

Sau khi Phật nhập diệt một trăm mười sáu năm có vua A-dục[19] ở nước Đông Thiên Trúc[20] thâu lấy xá-lợi Phật, rồi sai binh lính quỉ thần xây dựng tám vạn bốn nghìn ngôi bảo tháp khắp cõi Diêm-phù-đề[21]. Đến năm Đinh Mùi, đời Chu Kính vương[22] thứ hai mươi sau (493 trước T.L), bảo tháp đã xuất hiện khắp mọi nơi. Trải qua hai mươi hai đời vua, đến vua Tần Thỉ Hoàng[23] năm ba mươi bốn (225 trước T.L), ông ta ra lệnh đốt hết kinh sách và đập phá bảo tháp. Vì thế, những ngôi bảo tháp do vua A-dục xây dựng không còn.

Lúc bấy giờ, có sa-môn Lợi Phương và mười tám vị hiền giả mang kinh điển đến truyền bá ở Hàm Dương[24]. Tần Thỉ Hoàng không những không nghe theo mà còn bắt giam họ. Đêm đó, ông ta nằm mộng thấy có một người cầm chày kim cương phá ngục dẫn những người kia ra. Ấy là vì cơ duyên chưa đến.

Mãi đến niên hiệu Vĩnh Bình thứ mười hai (67), đời Hậu Hán, có ngài Ca-diếp Ma-đằng[25] và Trúc-pháp-lan[26] đến Trung Quốc. Từ đó, mây lành trùm khắp chín châu[27]; mưa pháp rưới cùng bốn biển. Nhưng theo bộ truyện Hoắc khứ bệnh[28] ghi: “Vua Hưu Chư[29] cúng tượng vàng. Sau này, ông thấy hình người vàng xuất hiện giống như tượng ông cúng đi vào sa mạc”. Lại nữa, vào thời vua Ai Đế[30] đời Tiền Hán, có Tần Cảnh[31] đi sứ đến nước Nguyệt Thị[32] mới thỉnh được tượng Phật và kinh điển mang về. Lúc ấy mới biết, đời Tiền Hán giáo pháp đã được lưu hành. Sáu mươi ba năm sau, vua Minh Đế[33] mới nằm mộng thấy người vàng.

Như người Hải Đông[34] ta, vào đời vua Giải Vị Lưu, nước Cao-cú-li[35] có ngài Thuận Đạo[36] mang kinh sách đến thành Bình Nhưỡng, tiếp đó có ngài Ma-la-nan-đà[37] từ nước Tấn đến nước Bách Tế,[38] nhằm thời vua Chẩm Lưu[39]. Sau đó, vua Pháp Hưng nước Tân La[40], năm thứ hai mươi ba lên ngôi.

Đến ngày 11 tháng 03 năm Đinh Mùi, niên hiệu Đại Thông thứ nhất (527) đời nhà Lương, có ngài A Đạo[41] đến ở huyện Nhất Thiện. Từ đó, những người có lòng tin Tam bảo làm một ngôi am tranh cho ngài cư ngụ. Bấy giờ, gặp lúc sứ giả nước Ngô qua, nghe tiếng tăm của ngài, liền thỉnh vào hoàng cung, nhưng lúc ấy Phật pháp chưa truyền bá rộng rãi. Sau đó, Xá Nhân Yểm Độc, Xích Tâm Diện Nội mới giải quyết được những mối nghi ngờ của nhân dân trong nước về giáo pháp Đức Phật. Vua tự hỏi:

– Ôi! Phu tử ta phải theo giáo lí nào!

Từ đó, có các ngài như Viên Quang,[42] Từ Tạng[43] ở Tây Vực vào truyền pháp, mọi người đều kính tin và thực hành Phật pháp. Mọi người đều ủng hộ ngày càng đông đúc.

Đến thời Tam Hàn[44], tổ tiên của chúng ta từ lâu rất tôn kính Phật giáo, phần nhiều áp dụng giáo pháp để cai trị nhân dân. Phàm làm vua thì phải tuân theo tổ tiên, nối tiếp truyền thừa không dứt, chỉ có vua Thái Tổ[45] truyền thừa đến bốn đời cháu.

Đến tháng 4 năm Ất Sửu, đời Tuyên vương thứ ba, quốc sư Đại Giác[46] theo thuyền vượt biển đi về phía đông ra nước ngoài cầu học ngũ giáo[47] như Tiểu thừa giáo, Đại thừa thỉ giáo, Đại thừa chung giáo, Đốn giáo, Viên giáo và các tông phái khác; ngài đều thông suốt tất cả. Sau đó, ngài trở về nước, nhưng Phật giáo bắt nguồn từ nhà Chu, truyền vào từ đời Hán, phát triển vào thời Tấn, Ngụy, thịnh hành vào thời Tùy, Đường và kéo dài đến đời Tống, rồi truyền đến Hải Đông

Tính chung, từ khi Đức Phật nhập diệt đến năm Ất Hợi, trải qua hai nghìn một trăm sáu mươi mươi bốn năm. Đức Phật diệt độ một nghìn không trăm mười bốn năm, giáo pháp truyền vào nhà Hậu Hán, đến nay được một nghìn một trăm năm mươi mốt năm. Từ lúc ngài Thuận Đạo vào nước Cao-cú-li đến nay là tám trăm bốn mươi bốn năm.

Vả lại, đạo không thể tự truyền bá mà do con người xiển dương, cho nên viết ra thiên Lưu thông này là để giải thích văn sau.

Căn cứ theo bộ Cao Tăng truyện của các đời Lương, Đường, Tống đều có ghi lại việc phiên dịch kinh điển. Đến triều đại của ta thì không còn việc phiên dịch kinh điển, nên không được ghi lại ở đây.

Thuận Đạo.

Vong Danh.

Nghĩa Uyên.

Đàm Thỉ.

Ma-la-nan-đà.

A Đạo.

Pháp Không.

Pháp Vân.

1. Thích Thuận Đạo

Sư không rõ người xứ nào, có tài đức cao thâm, từ bi cứu độ chúng sinh, lập chí hoằng truyền chính pháp, đi khắp nước Trung Quốc nhưng không trụ một nơi nào cố định; dạy người không biết mệt mỏi.

Đến tháng 6 mùa hạ, năm thứ hai, nhằm năm Nhâm Thân đời vua Giải Vị Lưu thứ mười bảy nước Cao-cú-li, vua Phù Kiên[48] nhà Tần sai sứ và sư đưa kinh tượng về nước Cao-cú-li thờ. Lúc đó, Vua quan nước Cao-cú-li chuẩn bị lễ vật, cùng nhau đến Tỉnh Môn cung nghinh, hết lòng kính tin và truyền bá. Rồi vua sai sứ đến cảm tạ và dâng cúng bảo vật.

Có thuyết nói:

sư Thuận Đạo từ Đông Tấn đến Cao-cú-li. Lúc mới truyền Phật pháp không phân biệt nước Tần, Tấn, cũng không phân biệt nước nào là chính thống thì sư đã qua nước Cao-cú-li để truyền bá Phật pháp của Tây Vực, diễn bày trí tuệ của Đông Di[49]. Sư giảng giải lý nhân quả, hiển bày việc tội phúc. Vì thế, tiếng tăm vang xa, sư cảm hóa tất cả mọi người thành thói quen tốt. Nhưng lúc ấy tâm tính người đời còn chân chất, không biết dẫn dắt họ bằng cách nào? Tuy sư hiểu sâu, giảng rộng nhưng phần đông quần chúng chưa thông hiểu. Từ khi ngài Ca-diếp Ma-đằng sang Trung Quốc vào thời Hậu Hán, đến nay đã hơn hai trăm năm. Bốn năm sau, có ngài A Đạo từ nước Ngụy đến, vua Cao-cú-li mới cho xây dựng Tỉnh Môn tự để sư Thuận Đạo ở.

Lời kí ghi: “Lấy Tỉnh Môn làm chùa”. Nay chính là chùa Hưng Quốc. Về sau viết nhầm là Tiểu Môn. Một thời gian sau, vua lại cho xây dựng chùa Y Phất Lan[50] để ngài A Đạo ở. Người xưa ghi là Hưng Phúc tự. Đây là thời kì đầu của Phật giáo Hải Đông. Quí thay! Người tài đức như thế! Nên ghi vào sách vở để ca ngợi tài đức. Vì thế, tiểu sử của sư được ghi lại đầy đủ trong truyện.

Thông thường, những người được sai đi sứ đến phương tây, nếu không muốn phụ mệnh lệnh của vua, ắt phải nhờ đến các bậc hiền giả mới có thể hoàn thành sứ mệnh. Vì thế, có những bậc hiền giả ra nước ngoài bắt đầu hoằng hóa, sự nghiệp vĩ đại chưa từng có, nếu chẳng phải các vị ấy có đại trí tuệ, phương tiện khéo léo và có thần lực không thể nghĩ bàn thì họ làm sao hoằng hóa bằng cách nào? Do đó mới biết, các ngài là bậc dị nhân như Trúc-pháp-lan, Khương Tăng Hội[51] v.v…

2. Thích Vong Danh

Sư người xứ Cao-cú-li, hành đạo với lòng nhân, giữ gìn bản tính nhờ vào đức. Người ta không hiểu mình mà mình không giận, tất cả mọi người trong và ngoài nước đều nghe tiếng. Sư ban ân trạch cùng khắp, người nghe đều được lợi ích. Pháp sư Chi Độn[52] đời Tấn có viết lá thư khen tặng: “Thượng tọa am tường Phật pháp, là đệ tử của Lưu Công ở Trung Châu, tính tình ngay thẳng, kẻ tăng người tục theo học rất đông”.

Sau đó, sư đến ở tại kinh đô, chuyên trì giới luật, mọi người đều kính ngưỡng, sư dốc lòng truyền đạo, được Độn Công và triều đình xem trọng. Sư kết bạn thân với ngài Kí Thinh đều là những bậc kì tài, huống gì các học giả nước ngoài không ai giỏi hơn hai ngài. Há có người nào đối đáp bằng các ngài sao? Vả lại, Phật giáo vốn từ nước Tấn truyền vào Hải Đông thì khoảng thời gian đời Tống, Tề, ắt hẳn cũng có những người tài giỏi cùng thời hoằng dương, nhưng không được ghi vào sách vở. Thương thay!

Có người nước Tống tên Chu Linh Kì trong lúc đi sứ ở Cao-li trở về ngang qua Châu Thượng nước Tề thì nhặt được bình bát của ngài Bôi Độ[53].

Bấy giờ, người nước Cao-li thời Tề chưa biết rõ sự kiện Đức Phật ra đời, nên họ hỏi cao tăng Pháp Thượng[54]. Pháp Thượng dẫn chứng điềm lành của thời Chu Chiêu vương để đối đáp, những bậc cao tăng nghe nói như vậy rất hâm mộ Trung Quốc. Vì thế, những bậc thông hiểu Phật pháp rất nhiều. Thời bấy giờ, không có các vị quan giỏi về sử, nên không có ai ghi chép lại rõ ràng, thật lấy làm tiếc.

Ghi chú:

Thuở xưa ba nước hùng mạnh, dựng nước xưng vương. Nhưng ở những nước ấy chưa có dấu tích của Phật pháp, cũng không có sự cảm ứng đạo giao. Khi các bậc hiền đức đến, vua quan hỏi về việc trị nước.

Các ngài dẫn Kinh dịch[55]: “Có cảm thì liền thông, đó là nguồn gốc trời đất”. Thuận Đạo có được điều ấy. Khi ngài mới đến liền đề xướng việc làm đất nước hưng thịnh và vun bồi phước thiện. Nhân đó mới ghi chép lại thành sử sách, nhưng không có cơ hội để lưu truyền. Nay trái lệnh vua mới lấy ngài Thuận Đạo đặt lên đầu truyện v.v…

3. Thích Nghĩa Uyên

Sư người Cao-cú-li, không rõ lai lịch. Sau khi xuất gia, nhờ sư khéo giữ luật nghi, nên trí tuệ sáng suốt, hiểu biết sâu xa, thông suốt Nho học[56] và Đạo học[57], là nơi nương tựa cho tăng, tục một thời. Sư thích hoằng truyền chính pháp, lòng luôn muốn giáo pháp lưu truyền khắp nơi; mặc dù sư thường dùng pháp bảo vô thượng để diễn bày, làm sáng tỏ thật pháp, nhưng sư chưa rõ được nguồn gốc của đạo Phật.

Sư nghe nói: Sa-môn Pháp Thượng ở chùa Định Quốc[58] triều Tiền Tề, giới đức cao thâm, trí tuệ sáng suốt, là bậc mô phạm cho chúng sinh. Khi sư qua Tề Thế làm chức Đô Thống, tăng ni đến học hơn hai trăm vạn người, sư giữ địa vị ấy hơn bốn mươi năm. Ngay thời Văn Tuyên, Phật pháp truyền bá thịnh hành, trong ngoài nước đều xiển dương, tăng tục đều phụng hành, tài đức rạng rỡ, tiếng tốt vang xa. Lúc bấy giờ, ở nước Cao-cú-li có các vị vua tài đức, tin sâu Phật pháp, tôn sùng Đại thừa, muốn đem giáo pháp truyền bá cùng khắp bốn biển, nhưng họ không biết nguồn gốc của Phật pháp xuất phát từ đâu. Vì thế, họ lặn lội từ tây sang đông để ghi chép lại tất cả sự tích của các vị cao tăng qua các triều vua. Sau đó, vua sai sư đi thuyền đến Trung Quốc để học những điều chưa biết. Sư hỏi ngài Pháp Thượng:

– Thích-ca Văn Phật nhập diệt đến nay bao nhiêu năm? Từ Thiên Trúc truyền đến Trung Quốc mất bao nhiêu năm? Lúc mới truyền đến đất Hán nhằm đời vua nào, niên hiệu gì? Khi truyền qua nước Tấn và Trần thì ai là người theo Phật giáo đầu tiên; đến nay trải qua bao nhiêu đời vua? Xin ngài giải đáp đầy đủ. Ai là người trước tác ra các bộ luận như: Thập địa[59], Đại trí độ[60], Địa trì[61], Kim cương Bát-nhã[62] v.v…? Các truyện về nguồn gốc điềm lành có ghi lại trong truyện kí không? Xin ngài giải thích những chỗ nghi ngờ theo các chứng cứ đã được ghi chép.

Pháp Thượng đáp:

– Đức Phật ra đời vào năm Giáp Dần thời Chu Chiêu vương thứ hai mươi bốn, năm mười chín tuổi xuất gia, ba mươi tuổi thành đạo. Đến năm Quí Mùi thời Chu Mục vương thứ hai mươi bốn, vua nghe bên phương tây có vị thánh nhân xuất hiện, liền sai người sang nơi ấy, nhưng những người được cử đi đều không thấy trở về. Vua cho đó là sự linh nghiệm.

Đức Phật thuyết pháp bốn mưới chín năm, từ khi nhập diệt đến năm Bính Thân, niên hiệu Võ Bình thứ bảy thời Tề (563) được một nghìn bốn trăm sáu mươi lam năm. Sau đó, đến niên hiệu Vĩnh Bình (58) thời Hán Minh đế, kinh điển mới được truyền đến Trung Quốc, rồi được truyền từ đời Ngụy đến đời Tấn.

Đến niên hiệu Xích Ô thứ mười (248), thời vua Ngô Tôn Quyền, Khương Tăng Hội đến đất Ngô mới truyền bá Phật pháp. Bản luận Địa trì do tì-kheo A-tăng-già[63] tiếp nhận được từ bồ-tát Di-lặc[64]. Đến niên hiệu Phong An thời An Đế nhà Tấn, Đàm-vô-sấm[65] vì Hà Tây vương Thư Cừ Mộng Tốn dịch bản luận này ở Cô Tang. Luận Ma-ha-diễn là do bô-tát Long Thọ tạo. Đến niên hiệu Phong An nhà Tấn, ngài Cưu-ma-la-thập[66] đến Trường An vì Diêu Hưng mà phiên dịch. Các bộ luận như: Địa trì, Kim cương Bát-nhã, do Tăng-khư-đệ-ba-tẩu-bàn-đầu (Thế Thân) tạo. Đến thời Tuyên Vũ đế nhà Ngụy, Bồ-đề-lưu-chi[67] mới phiên dịch. Những dẫn chứng, nguồn gốc mà ngài Pháp Thượng trình bày thì rất nhiều, nhưng nay chỉ nêu ra sơ lược những điều cốt yếu thôi.

Nghĩa Uyên khâm phục sự trình bày rành rẽ, am hiểu sâu xa, biện luận thông suốt, lí lẽ mạch lạc của Pháp Thượng. Những điều nghi ngờ xưa kia của sư, nay đều được sáng tỏ. Hiện tại nghĩa lí vi diệu được phơi bày, phương tây nối mặt trời tuệ, phương đông thì rót nguồn pháp, mong chính giáo đến với tất cả mọi loài, truyền diệu pháp mãi không dứt. Nói rằng, vượt qua biển khổ, lấy pháp môn làm rường cột, chỉ có thầy ta!

Sau đó, sư trở về nước xiển dương giáo pháp của Như Lai, dạy dỗ những người mê, nghĩa lí xuyên suốt cổ kim, tiếng tốt vang khắp. Nếu chẳng phải thiên tư sáng suốt, đạo đời tương trợ thì làm sao đạt đến chỗ cùng tột như vậy. Sử sách không trình bày hết, nên không thể nào biên chép hết.

Ghi chú:

Truyện ghi ngày, tháng, năm của Đức Phật ra đời thường không đồng nhất, nhưng đích thân sư Nghĩa Uyên trực tiếp nghe Pháp Thượng nói lại, và đối chiếu với những chứng cứ của bộ luận Biện chính[68] do vị tăng Pháp Lâm[69] đời Đường soạn, nếu thấy trùng hợp nhau thì lấy đó làm kim chỉ nam. Nhưng các nhà nho danh tiếng thời Ngô dẫn chứng văn xưa, và tạo ra bộ luận riêng biệt khác. Giả như có người luận hỏi, dù có giải thích viện dẫn đủ điều, nhưng tất cả cũng không đủ để làm bằng chứng.

4. Thích Đàm Thỉ

Sư người ở Quan Trung[70], từ lúc mới xuất gia đã có nhiều điều kì dị. Chân sư trắng hơn mặt, dù đi trong bùn hay lội nước, nhưng không bao giờ bị thấm ướt, vì thế mọi người thường gọi sư là hòa thượng Bạch Túc. Vào khoảng cuối đời nhà Tấn, vua Hiếu Vũ, niên hiệu Thái Nguyên, sư mang mấy chục bộ kinh, luật đến Liêu Đông để giáo hóa. Ở đó, sư tùy theo căn cơ mà giáo hóa, truyền dạy giáo nghĩa Tam thừa và truyền tam qui ngũ giới. Theo Lương Cao tăng truyện ghi: “Sư là người đầu tiên đem giáo pháp truyền vào Cao-cú-li”. Lúc ấy, nhằm đời vua Khai Độ năm thứ năm; vua Nại Vật nước Tân La năm thứ bốn mươi mốt; vua A Tân nước Bách Tế năm thứ năm; và đó là sau hai mươi lăm năm kể từ khi vua Phù Kiên nhà Tiền Tần đời Đông Tấn sai người mang kinh tượng đến Cao-cú-li. Sau đó bốn năm, ngài Pháp Hiển[71] theo hướng tây đến Thiên Trúc cầu pháp. Hai năm sau, kể từ ngày ngài Pháp Hiển sang Thiên Trúc, ngài Cưu-ma-la-thập đến Trung Quốc và pháp sư Huyền Cao đến Cao-cú-li. Đầu niên hiệu Nghĩa Hi đời tiền Tấn (405), ngài Huyền Cao trở về Quan Trung mở đạo tràng giảng dạy ở Tam Phụ[72].

Bấy giờ, ở Trường An[73] có người tên Vương Hồ, chú của ông ta chết đã mấy năm rồi, bỗng một hôm Vương Hồ nằm mộng thấy chú mình hiện hình về dẫn ông ta dạo khắp các cảnh ở địa ngục chỉ cho biết về các quả báo. Lúc Vương Hồ từ giả trở về dương gian, người chú nói với Vương Hồ rằng: “Đã biết rõ nhân quả của mình thì phải phụng thờ hòa thượng Bạch Túc và nên làm các việc lành”.

Vương Hồ nghe lời chú dặn, sau khi tỉnh dạy, ông ta đi tìm hỏi khắp trong chúng Tăng, nhưng chỉ thấy mỗi mình sư chân trắng hơn mặt. Vì thế, Vương Hồ một lòng theo thờ sư.

Khoảng cuối đời Tấn, rợ Hung Nô phương bắc, đứng đầu là Hách Quân Bột Bột[74] tràn xuống đánh úp, chiếm được Quan Trung và lạm sát vô số; sư cũng bị hại, nhưng gươm giáo không thể làm tổn thương. Thấy vậy, Bột Bột thán phục sư, ông ta liền hạ lệnh tha cho tất cả sa-môn, không được giết một ai. Nhưng cũng từ đó, sư lánh vào núi chuyên tu mật hạnh đầu đà. Chẳng bao lâu sau, Thát Bạt Đào[75] lại chiếm được Trường An, làm bá chủ vùng Quan Lạc. Thời bấy giờ có Bác Lăng Thôi Hạo,[76] theo học Tả đạo từ thuở nhỏ, nên vốn rất ganh ghét đạo Phật. Sau đó, Hạo giữ chức Ngụy Phụ và được Bạt Đào rất tin dùng. Nhân đó, ông ta liền nói với Thiên sư Khấu Khiêm Chi rằng: “Bạt Đào dùng giáo pháp của Phật đã không lợi ích cho đời mà còn làm tổn hại đến lợi ích nhân dân! Chúng ta nên khuyên Đào bỏ Phật giáo”.

Quả nhiên, Đào bị những lời sàm tấu của họ làm mê hoặc.

Đến niên hiệu Thái Bình thứ bảy (449) thuộc triều đại Bắc Ngụy, Đào ra lệnh hủy diệt Phật giáo. Ông ta cho quân lính đi khắp nơi, cướp, đốt chùa chiền và bắt ép tất cả tăng ni trong nước đều phải bỏ đạo hoàn tục. Nếu người nào bỏ trốn thì cho người đuổi theo bắt lại chém đầu bêu trên cây. Vì vậy, cả vùng Quan Lạc không còn hình bóng sa-môn. Bấy giờ, các ngài Huyền Cao v.v… đều bị hại. Trong truyện ghi lại rằng: “Bấy giờ, sư Đàm Thỉ ẩn thân chốn thâm sơn cùng cốc, chỗ binh lính không thể tìm đến được và sư ẩn cư ở đó để chờ đợi thời cơ. Mãi đến cuối niên hiệu Thái Bình, sư đoán biết đã đến lúc phải giáo hóa Bạt Đào. Vào ngày đầu năm, sư xuống núi, tay cầm gậy sắt đi thẳng đến cung vua. Quan giữ cửa vào tâu với vua: Có một đạo nhân chân trắng đang tiến thẳng vào cung, phong thái rất kì lạ. Đào nghe vậy liền sai đao phủ chém sư. Đao phủ dốc hết sức chém sư, nhưng không gây thương tổn gì. Thấy vậy, Đào vô cùng giận dữ tuốt gươm bén đang đeo bên mình chém sư, nhưng thân thể vẫn nguyên vẹn, chỉ chỗ lưỡi kiếm chém trúng có vết ngấn nhỏ như kẻ chỉ. Bấy giờ, ở phía bắc vườn ngự uyển có nuôi một chuồng hổ, Bạt Đào sai đem sư đến cho hổ ăn, nhưng khi bỏ vào chuồng thì tất cả hổ đều tránh xa không dám lại gần. Bạt Đào thử đem Thiên sư đến gần chuồng hổ thì những con hổ dữ gào rống inh ỏi, nhào tới muốn vồ cắn Thiên sư. Lúc ấy, Bạt Đào mới biết oai thần của Phật giáo mà đạo Hoàng Lão[77] không sao sánh bằng. Thấy vậy, vua liền mời sư lên điện và lễ sát chân sư để sám hối những lỗi lầm. Nhân đó, sư nói cho Bạt Đào nghe việc nhân quả báo ứng không bao giờ sai; sư chỉ dạy rõ ràng như chỉ vật trong lòng bàn tay, rồi ngài thị hiện thần thông. Bạt Đào vô cùng sợ hãi, bỏ ác làm lành, nhưng vì tội ác chín muồi nên ông ta mắc phải bệnh hủi. Và bọn ông Khấu Khiêm Chi, Thôi Hạo cũng mắc ác bệnh. Lúc sắp băng hà, Bạt Đào nói: “Ta mắc họa này là do hai người kia tạo tội, không thể tha thứ được.” Rồi vua cho giết hết dòng họ hai người kia. Đồng thời vua ra lệnh cho cả nước phục hưng Phật giáo. Chuông chùa và tiếng tụng đọc kinh khắp nơi vang vọng trở lại. Sau đó, Tôn Thư lên ngôi thanh trừng Ân Giám gắt gao, nhiệt liệt xiển dương Phật pháp. Chế độ cấp bảo điệp bắt đầu từ thời của Hách Quân Bột Bột. Về sau không ai biết sư tịch ở đâu.

Ghi chú:

Lửa dữ bên sườn núi Côn Luân thì dù là ngọc ngà hay đá cội cũng đều bị thiêu đốt. Sương phủ kín trên đồng cỏ thì bất kể là cỏ hay hoa cũng đều khô héo. Sự chịu thương chịu khó của sư thật là đáng nể sợ! Dù cho chặt cây, vót gót cũng không đủ để so sánh. Nhưng sư tùy thời ẩn hiện, hoặc ẩn thân nơi thâm sơn cùng cốc để tránh họa hại thân, hoặc dấn thân nơi phố thị để cứu người chìm nổi; đạo vì thế mà hưng thịnh. Bồ-tát hộ trì chính pháp phải làm như vậy. Khi sư vừa đến vùng Cô-tang giáo hóa xong, rồi nương theo chí nguyện xưa mà đến Cao-cú-li.

5. Thích Ma-la-nan-đà.

Sư người Ấn Độ, có thần thông biến hóa, không biết giai vị của sư bậc nào. Sư thích du phương giáo hóa, không ở nhất định một nơi nào. Căn cứ vào lời ghi chép xưa, sư từ Thiên Trúc đến ở Trung Quốc dùng gỗ che thân, un khói để tìm bạn, vượt qua hiểm nguy, khó nhọc, ở đâu có cơ duyên thì đến, không nơi nào mà sư không đi qua. Lúc bấy giờ, nước Bách Tế thời vua Chẩm Lưu thứ mười bốn, lên ngôi được chín năm chín tháng, sư từ nước Tấn đến, vua ra khỏi vương thành hơn một trăm dặm để nghinh đón mời vào cung, thành kính cúng dường và nghe sư thuyết pháp. Trên được vua quan ưa thích, dưới nhân dân mến mộ, nhờ đó Phật pháp được truyền bá rộng rãi, tất cả mọi người nghe đều khen ngợi và phụng hành. Đồng thời, vua cho truyền tin tức đi khắp nơi. Mùa Xuân năm thứ hai, sư xây dựng chùa ở Hán sơn, độ mười vị tăng. Sư được tôn là Pháp sư. Từ đó, nước Bách Tế và Cao-li Phật pháp mới được hưng khởi. Tính ngược trở lại, từ khi ngài Ma-đằng đến Trung Quốc vào thời Hậu Hán đến nay đã hơn hai trăm tám mươi năm.

Các bậc tiền bối chép rằng: “Thỉ tổ nước Cao-cú-li tên Chu Mông cưới con gái của vua nước Cao-li, sinh được hai người con tên là Tị Lưu và Ân Tổ. Sau đó, hai người cùng nhau đi về phía nam đến Hán sơn lập nước, nay là Quảng Châu”.

Ngày xưa vì trăm nhà qua sông, nên đặt tên nước là Bách Tế. Về sau, tại quận Phù Dư ở Công Châu các vua thay nhau lập lên kinh đô. Vùng đất phía đông nam của Tam Hàn có nước Oa, tức là Nhật Bản. Phía đông bắc của nước Oa có nước Mao Nhân. Phía đông bắc của nước Mao Nhân có nước Văn Thân. Cách phía đông của nước Văn Thân hơn hai nghìn dặm có nước Đại Hán. Cách phía đông của nước Đại Hán hai vạn dặm có nước Phù Tang.

Vào thời Tống có năm vị tăng ở Thiên Trúc du hóa đến đây, để hoằng truyền Phật pháp, nhưng họ chỉ cư trú trong vùng biển, mãi đến khi các vị tăng nước Nhật Bản đến, họ mới vượt biển đến nước này. Ngoài ra, những việc khác đều chưa rõ.

Tam Hàn là Mã Hàn, Biện Hàn và Thần Hàn.

Kinh Tạp bảo tạng[78] ghi:

– Phương đông bắc có nước Chấn Đán, còn gọi là Chi-na, Trung Quốc dịch là Đa Tư Duy, vì người nước này suy nghĩ trăm mối, tức là nước Đại Đường. Nhưng Tam Hàn ở phía đông bắc của cõi Diêm-phù-đề, chẳng phải là hải đảo. Sau khi Đức Phật nhập niết-bàn hơn sáu trăm năm, Phật pháp ở nước này mới được hưng khởi. Trong núi có các bậc thánh cư ngụ, núi tên là Danh-thất-lê-mẫu-đát-lê[79] cao lớn hùng vĩ. Bồ-tát Quán-thế-âm ở trong cung điện trên đỉnh núi ấy, tức là Nguyệt Nhạc. Nơi các bậc thánh cư trú ấy, khó mà ghi chép hết được. Như vậy, nước Bách Tế là tên khác của Mã Hàn.

Tống Cao tăng truyện[80] ghi:

– Ma-la-nan-đà chứng được “như huyễn tam-muội” đi vào trong nước không ướt, vào lửa không cháy, có thể biến đá vàng, hóa hiện vô cùng, lúc ấy vào niên hiệu Kiến Trung (1101). Các niên đại ghi khác nhau, nên e rằng chẳng phải dấu tích của một người.

Ghi chú:

Những người lưu vong ở nước ngoài, phần nhiều tính tình ngang ngược, không nghe theo mệnh vua, không thuận theo pháp lệnh quốc gia. Một mai, họ nghe được những điều chưa từng nghe, thấy điều chưa được thấy, họ liền thay đổi bỏ ác làm lành, tu hành chân chính, thuận theo sự lí.

Truyện kí chép rằng: “Nói ra những lời tốt đẹp thì người ở xa nghìn dặm cũng hưởng ứng, há không đúng sao! Nhưng đạo giáo hóa theo căn cơ, cần phải truyền bá đúng lúc, nên chỉ bỏ một ít công sức mà rất có hiệu quả”.

6. Thích A Đạo.

Có thuyết cho sư là người Thiên Trúc, hoặc nói từ nước Ngô đến, hoặc nói từ nước Cao-cú-li vào đất Ngụy, sau đó trở về Tân La. Không biết ai đúng? Sư có phong thái đỉnh đạc, thần thông biến hóa khôn lường, thường lấy việc giáo hóa làm mục đích. Mỗi khi sư thuyết pháp thì trời mưa hoa báu.

Lúc đầu, vào thời vua Nột Kì nước Tân La, có một người Ấn Độ da sẫm từ nước Cao-cú-li đến quận Nhất Thiện giáo hóa những người có duyên. Trong quận đó có một người tên Mao Lễ đào hầm trong nhà cho ông ta ở. Bấy giờ, nước Lương sai sứ giả mang tặng phẩm vật, lụa là, loại hương, vua và các quan không biết tên của loại hương và cách dùng. Vua mới sai người đem loại hương thơm đi hỏi khắp những người trong và ngoài nước. Người Ấn ấy vừa trông thấy thì nói tên loại hương đó và bảo: Loại hương này khi đốt lên thì hương thơm ngào ngạt. Đó là cách biểu đạt lòng thành kính đối với thần linh, nhưng thần thánh không gì hơn Tam bảo. Tam bảo là Phật-đà[81], Đạt-ma[82], Tăng-già[83]. Nếu đốt hương này rồi phát nguyện ắt sẽ có linh ứng.

Lúc bấy giờ, con gái của vua đang mắc bệnh nguy kịch, vua sai người Ấn ấy đốt hương lên cho vua cầu nguyện. Khi vua vừa cầu nguyện xong thì bệnh đứa con gái liền thuyên giảm. Vua rất vui mừng và thiết đãi, ban tặng cho người Ấn ấy rất nồng hậu. Ông ta trở về, đem tất cả những phẩm vật vua ban, tặng lại cho Mao Lễ để báo đáp ân đức. Nhân đó, ông ta nói: “Tôi có việc xin từ biệt trở về, nói xong bỗng chốc ông biến mất”. Đến thời vua Tì Xứ có hòa thượng A Đạo cùng ba người đệ tử cũng đến ở nhà Mao Lễ, phong thái giống như người Ấn trước kia. A Đạo ở đó được vài năm thân không bệnh mà thị tịch; ba người đệ tử ở đó đọc tụng kinh, luật, những người đến nghe phát khởi lòng tin và tu tập theo.

Nhưng căn cứ vào lời ghi chép xưa: Đến ngày 11 tháng 3 niên hiệu Đại Thông thứ nhất (527) đời Lương, khi sư A Đạo đến quận Nhất Thiện thuộc nước Bách Tế thì trời đất chấn động, tay trái sư cầm vòng vàng và tích trượng, tay phải ôm bát ngọc, thân đắp y bá nạp[84], miệng tụng kinh chú, đầu tiên sư đến nhà Mao Lễ. Mao Lễ đi ra gặp sư, kinh ngạc mà nói rằng: “Ngày xưa có vị cao tăng ở Cao-li vừa đến nước tôi, vua quan thấy lạ cho là điềm không tốt, họ cùng bàn tính giết vị ấy. Lại có vị tăng tên Diệt Cấu Tì từ nước Cao-li đến Bách Tế cũng bị giết như vị tăng trước. Ngài còn muốn gì mà đến đây? Ngài hãy mau mau vào trong, chớ để người xung quanh nhìn thấy”. Mao Lễ dẫn sư xuống mật thất cúng dường mãi không thôi. Vừa lúc ấy, có sứ giả nước Ngô đem năm loại hương đến dâng cho vua Nguyên Tôn, nhưng vua không biết cách sử dụng, nên mang đi hỏi khắp trong nước. Sứ giả đem đến hỏi pháp sư. Sư nói: “Lấy lửa đốt cúng Phật!”. Sau đó, sư đến kinh đô, vua bảo pháp sư tiếp sứ giả. Sứ giả vừa thấy sư liền lễ bái và nói: “Tại sao cao tăng không đến nước kia để vua nhân việc này mà biết Tam bảo đáng kính”. Từ đó, vua cho phép lưu truyền Phật pháp rộng rãi ở nước này.

Lại nữa, căn cứ vào bộ Cao đắc tướng thi sử ghi: “Vua nhà Lương sai sứ giả tên là Nguyên Biểu đưa trầm hương và kinh tượng đến Bách Tế. Nhưng vua nước Bách Tế không biết dùng để làm gì. Vua cho hỏi khắp nơi, sư gặp thời hoằng dương Phật pháp”.

Có người nói rằng: “A Đạo gặp lúc bị hại, nhưng nhờ sư có thần thông nên thoát chết, lánh thân ở nhà Mao Lễ. Vì thế, các sứ giả nước Lương và Ngô không biết rõ tung tích của sư”.

Lại nữa, tung tích của sư A Đạo phần nhiều giống với người Ấn Độ trước kia. Vì sao? Từ niên hiệu Vĩnh Bình (67) đến năm Đinh Mùi niên hiệu Đại Thông (527) hơn bốn trăm mười năm, Phật pháp đã có mặt ở nước Cao-cú-li hơn một trăm năm mươi năm và đã lưu truyền ở nước Bách Tế hơn một trăm bốn mươi năm rồi.

Theo bộ Phác dần lượng thù dị truyện ghi: “Cha của sư là người nước Ngụy, tên Quật Ma, mẹ là người nước Cao-li, tên Cao Đạo Ninh. Quật Ma phụng thánh chỉ đi sứ nước Cao-li tư thông với mẹ sư, rồi trở về nước Ngụy. Nhân đó Đạo Ninh có mang và sinh ra sư. Lúc sư lên năm tuổi thì xuất hiện những tướng lạ. Mẹ sư nói: “Phúc của con không gì hơn làm tăng!”. Sư nghe theo lời mẹ, xuất gia ngay ngày hôm đó. Năm mười sáu tuổi sư sang nước Ngụy thăm cha. Và sư theo hòa thượng Huyền Chương học mười chín năm. Sau đó sư trở về ở với mẹ. Mẹ sư nói: “Nước này cơ duyên chưa đến, khó truyền bá Phật pháp, chỉ có nước Tân La kia, nay tuy chưa có giáo pháp, nhưng hơn ba mươi tháng sau sẽ có bậc minh quân xuất hiện hộ trì chính pháp; đến lúc đó Phật giáo sẽ được xiển dương. Lại ở kinh đô nước ấy có bảy nơi Phật pháp trụ: Một là Kim Kiều Thiên Cảnh Lâm (nay là chùa Hưng Luân); hai là Tam Xuyên Kì (nay là chùa Vĩnh Hưng); ba là Long Cung Nam (nay là chùa Hoàng Long); bốn là Long Cung Bắc (nay là chùa Phân Hoàng); năm là Thần Du Lâm (nay là chùa Thiên Vương); sáu là Sa Xuyên Vĩ (nay là chùa Linh Diệu); bảy là Tế Thỉnh Điền (nay là chùa Đàm Nghiêm). Sở dĩ những nơi này Phật pháp không diệt, vì kiếp trước là đất Già-lam[85]. Con hãy sang nước ấy truyền bá Phật pháp và xây dựng chùa chiền làm Thỉ tổ không tốt sao? Sư nghe theo lời mẹ qua nước Tân La ở tại một ngôi làng phía tây cung vua (nay là chùa Nghiêm Trang)”.

Bấy giờ, nhằm năm Quí Mùi thời vua Vị Trâu lên ngôi được hai năm, sư xin truyền bá Phật pháp. Vì trước đây nhân dân nước này chưa từng thấy chư tăng nên cho là quái lạ, thế là họ định giết sư. Do đó, sư tạm lánh trong nhà Mao Lễ ở Tục Thôn, nay là Thiện Châu. Sư lánh nạn ba năm, đến lúc hoàng hậu nước này mắc bệnh nặng chữa trị mãi không lành, vua sai sứ giả đi khắp nơi tìm người chữa trị. Sư nghe tin tức liền vào cung chữa lành bệnh cho hoàng hậu. Vua vui mừng hỏi sư cần gì. Sư nói: “Tôi muốn xây dựng một ngôi chùa ở Thiên Cảnh Lâm, như thế đã là mãn nguyện rồi”. Vua đồng ý. Nhưng người đời tính tình ương ngạnh, không thể tin theo, sư bèn sửa ngôi nhà trống thành chùa. Bảy năm sau mới có người muốn làm tăng đến xin xuất gia tu học. Em gái của Mao Lễ tên Sử Thị cũng xin xuất gia làm ni. Sư lại xây dựng một ngôi chùa ở Tam Xuyên Kì, đặt tên là Vĩnh Hưng để cho chư ni ở.

Sau khi vua Vị Trâu qua đời, vua nối ngôi không kính trọng Phật pháp, định phá hủy chùa chiền. Sư trở về Tục Thôn, tự xây một ngôi mộ rồi vào bên trong đóng cửa lại thị tịch. Do đó, Phật pháp không được lưu truyền rộng rãi ở nước này.

Hơn hai trăm năm sau, Nguyên Tông Quả mới chấn hưng Phật giáo, tất cả đều đúng như lời của bà Đạo Ninh tiên đoán. Từ vua Vị Trâu đến vua Pháp Hưng trải qua mười một đời vua. Niên đại của sư xuất hiện trước sau có sự sai khác như thế. Tất cả đều là sử liệu xưa nên không thể bỏ cái nào và chọn cái nào. Nhưng vào đời vua Vị Trâu đã có sự lợi ích hoằng truyền Phật pháp, như vậy là cùng thời với ngài Thuận Đạo đã nói ở trên. Trong khoảng thời gian Phật pháp bị phế bỏ, đến niên hiệu Đại Thông (527) nhà Lương thì Phật pháp mới được chấn hưng trở lại, cho nên mới có xuất hiện người Ấn Độ, Nguyên Biểu v.v… tôi xin trình bày ra đây để xem xét vậy.

Ghi chú:

Từ khi Phật giáo dần dần truyền vào phương đông, có người kính tin, có người phá hoại. Lúc xiển dương Phật pháp phải có người nối tiếp nhau. Như ngài A Đạo và người Ấn Độ kia đều dùng pháp thân vô tướng ẩn hiện tự tại, trước sau có chỗ giống và khác nhau. Mọi người muốn nắm bắt, nhưng không thể biết được tung tích của ngài. Trước tiên vua hứa khả, sau đó ngài mới thi hành; như trước lánh nạn, sau mới thành công giống như ngài Lợi Phương thời Tần, ngài Ma-đằng thời Hán cũng không làm gì khác hơn. Kinh dịch ghi: “Người tài giỏi thì biết chờ đợi thời cơ”. Là chỉ cho ngài A Đạo vậy.

7. Thích Pháp Không

Sư là một vị vua đời thứ hai mươi ba của nước Tân La, hiệu là Pháp Hưng Vương, tên là Nguyên Tông. Ông là con trưởng của vua Trí Chứng và phu nhân Diên Đế. Vua có thân hình cao bảy thước, là người nhân từ, đôn hậu, tài năng, đức độ, anh minh, thẳng thắn đối với dân chúng. Vua lên ngôi được ba năm thì có điềm rồng xuất hiện và cây dương mọc trong giếng, bốn năm mới bắt đầu đặt ra binh bộ, bảy năm ban hành pháp luật và chế định sắc phục theo cấp bậc cho các quan. Từ khi mới lên ngôi đến nay, vua luôn luôn có ước nguyện muốn chấn hưng Phật pháp. Nhưng vì quần thần bàn tán xôn xao, nên vua khó mà giải quyết được việc này. Nhớ lại chí nguyện của ngài A Đạo, vua liền triệu tập quần thần lại hỏi: Thánh tổ Vị Trâu và ngài A Đạo gầy dựng Phật pháp, sự nghiệp chưa hoàn mãn mà đã thăng hà, giáo pháp của bậc Năng Nhân vì thế mà bị ngăn trở không được lưu truyền. Trẫm đây thật rất xót xa; nay chúng ta nên xây dựng nhiều ngôi già-lam, tu tạo lại Phật tượng, ấy mới mong tái thiết lại cơ nghiệp của tiên vương. Nếu như các khanh có điều gì không đồng ý thì cứ việc thẳng thắn trình bày.

Các vị đại thần như Cung Yết v.v… can ngăn: “Tâu bệ hạ! Mấy năm gần đây thường bị mất mùa, nhân dân cơ cực, lại thêm giặc giã biên cương nhiễu loạn, chiến sự vẫn còn đó, vì sao ta lại vô cớ bắt bớ nhân dân phải cực khổ xây dựng những ngôi nhà vô dụng ấy!”.

Nghe nói vậy, vua buồn bã vô cùng, biết các vị cận thần không tin Tam bảo; vua than: “Quả nhân vì không có đức tiếp nhận ngai vàng, trời đất chẳng thuận, nhân dân không yên, cho nên bề tôi trái lệnh không nghe theo; ai có thể dùng pháp thuật gì dẫn dụ cho người ngu hiểu không?” Vua ban lời kêu gọi ấy đã lâu mà vẫn không thấy người nào ứng giúp. Đến năm thứ mười sáu, bỗng nhiên có vị quan nội sử tên là Phác Yếm Độc (hay còn gọi là Dị Thứ Đốn, hoặc gọi là Cư Thứ Đốn) mới hai mươi sáu tuổi, là người ngay thẳng, trung thực, học vấn uyên thâm, trung dũng nghĩa khí, muốn giúp nguyện lớn của vua, nên mới ngầm tâu với vua rằng:

– Bệ hạ nếu muốn phát huy Phật giáo thì xin cho thần giả truyền lệnh vua đến các cơ quan quận huyện rằng, vua muốn cho truyền bá Phật pháp, nghe như vậy các quần thần sẽ can ngăn. Lúc ấy, vua ban lệnh rằng: “Trẫm không ban lệnh này”. Có ai giả ban lệnh ấy sao? Khi đó, các vị quan kia sẽ hỏi tội của thần, thần sẽ trình bày cho những vị kia khâm phục.

Vua nói:

– Những người kia vốn ương ngạnh, cống cao ngã mạn, dù giết khanh thì chắc gì họ khuất phục?

Quan nội sử nói:

– Lời dạy của bậc Đại Thánh trời thần đều phụng hành. Nếu hi sinh một vị quan nhỏ mà có được sự thay đổi lớn thì cũng nên làm. Nếu quả thật có sự thay đổi như thế thì ai dám chống trái, cống cao ngã mạn.

Vua nói:

– Trẫm muốn làm phát triển điều tốt, chấm dứt việc xấu, những kẻ phản tặc, trung thần có thể không bị tổn thương sao?

Quan nội sử nói:

– Thần tự giết mình để thành tựu đạo lí làm người và khuôn phép cho quần thần và nhân dân. Huống gì mặt trời trí tuệ của Phật thường chiếu sáng, khiến vương vị càng thêm lâu dài. Ngày mất cũng giống năm sinh vậy. Nhà vua hết sức khen ngợi rằng: “Ông là người bình thường mà tâm ý thông minh”. Rồi vua cùng Yểm Độc kết thệ nguyện lớn. Vua liền truyền lệnh cho xây chùa ở khu rằng Thiên Cảnh, người chấp sự phụng thánh chỉ khởi công xây dựng. việc này đến tai của quần thần, họ liền can ngăn.

Vua nói:

– Trẫm không đưa ra lệnh này.

Yểm Độc nói:

– Thần cố ý làm việc này. Nếu khiến cho Phật pháp lưu hành thì đất nước được thái bình, nhân dân an lạc và có lợi ích trị nước giúp đời. Tôi làm cho đất nước lớn mạnh mà có tội sao?

Bấy giờ, vua cho nhóm họp tất cả quần thần lại để hỏi về việc đó. Lúc ấy, họ đều nói: “Ngày nay thấy tăng đồ cạo bỏ râu tóc, mặc áo hoại sắc, nhân dân cùng bàn tán cho rằng, có điều khác lạ và đạo này chẳng phải chúng ta thường thấy. Nếu vội theo sợ sau này sẽ hối hận, chúng thần phạm tội chết cũng không dám thuận theo chiếu chỉ”. Yểm Độc mạnh dạn nói: “Lời bàn tán của quần thần không đúng”. Phàm có người phi thường sau mới có việc phi thường. Tôi nghe Phật pháp thâm sâu mầu nhiệm nên không thể không truyền bá. Vả lại, chim yến, tước đâu thể biết được chí cao của chim hồng, chim hộc ư!”.

Vua bảo:

– Lời nói của mọi người vững chắc không thể thay đổi được, chỉ có mình ông nói khác, ta không theo cả hai.

Vua liền hạ lệnh cho người giết Yểm Độc. Yểm Độc nhìn lên trời thệ rằng: “Tôi vì Phật pháp mà mất mạng, mong rằng sẽ có nhiều lợi ích do nghĩa cử này; nếu Đức Phật có thần thông, đến khi con chết sẽ hiện nhiều điềm lạ”. Đến lúc chém đầu ông ta thì cái đầu bay đến núi Kim Cương rơi xuống, có sữa trắng từ trong đó phun ra cao mấy chục trượng, ánh sáng mặt trời bỗng nhiên tối sẩm, trời mưa hoa báu, đất đai chấn động; tất cả vua, quan và nhân dân đều kinh sợ sự biến đổi của trời, họ thương xót những vị quan trọng pháp mất mạng khóc gào thảm thiết. Các quần thần thuận theo mệnh vua đem thi thể đến làm lễ mai táng ở núi Kim Cương. Khi đến nơi, vua quan thề rằng: “Từ nay về sau sẽ phụng thờ Phật, qui y tăng, nếu ai phạm lời thề sẽ bị thiên thần quỉ vật hại chết”. Người quân tử nói: “Bậc Đại thánh ứng theo vận số trăm nghìn năm, lòng nhân từ phát khởi phúc lành, nghĩa cử biến thành điềm tốt, không gì mà không cảm ứng, trời đất dung hòa, âm dương chấn động đến quỉ thần, huống gì đối với loài người! Phàm người có lòng tin đối với đạo thì trời đất không thể không cảm ứng; như thế thì công lao sẽ thành tựu, sự nghiệp sẽ được rộng lớn. Ví như có điều tốt thì vì nghĩa cử mà xem thân mạng như núi thái nhẹ tựa lông hồng. Oanh liệt thay! Ngài được chết đúng như sở nguyện. Năm đó, vua hạ lệnh cấm sát sinh (căn cứ theo bộ Quốc Sử và Cổ Chư Truyện Thương Lượng mà thuật lại).

Năm thứ hai mươi mốt, vua cho chặt cây ở rừng Thiên Cảnh để xây dựng tinh xá, lúc quét dọn, thấy trên mặt đất có một cục đá tảng kê chân cột, khám đá và bậc thềm. Quả thật ngày xưa ở đây đã có nền chùa cũ và cột kèo đều làm gỗ của khu rừng này. Khi thợ làm tinh xá xong, vua truyền ngôi vị cho người khác, rồi xuất gia làm tăng, đổi tên là Pháp Không. Ngài luôn nghĩ nhớ ba y và bình bát, ý chí cao xa, bi trí song toàn; nhân đó đặt tên chùa là Đại Vương Hưng Luân tự; vì đại vương ở nơi đó. Đây là ngôi chùa được sáng lập đầu tiên ở nước Tân La. Vương phi cũng kính ngưỡng Phật pháp xuất gia làm ni ở chùa Vĩnh Hưng. Từ đó, Phật pháp được truyền bá rộng rãi. Thụy hiệu của vua là Pháp Hưng, chẳng phải khen ngợi suông. Về sau, mỗi khi đến ngày giỗ của Yểm Độc, đều tổ chức tại chùa Hưng Luân. Vua truy phong Yểm Độc ngang với các bậc vương tôn thời xưa. Tể tướng Kim Lương tin Phật pháp, cho hai cô can gái tên là Hoa Bảo và Liên Bảo vào phục vụ trong ngôi chùa này. Lại những vị quan chống đối vua dù địa vị cao hay thấp, hai hạng người hèn kém ấy đến nay vẫn còn phục dịch. Tôi đi về Đông Đô, lên đỉnh núi Kim Cương thấy nấm mộ quạnh quẽ, bùi ngùi không thể tự kiềm chế được. Ngày hôm ấy những người ẩn cư trong núi nhóm họp ăn uống. Tôi hỏi họ, tại sao có bữa tiệc này? Họ bảo: “Hôm nay là ngày giỗ một vị quan đã mất từ lâu, nhưng chúng tôi nghĩ nhớ ân sâu của vị ấy mà làm bữa tiệc này”. Căn cứ vào văn bia của sư A Đạo, vua Pháp Hưng khi xuất gia pháp danh là Pháp Vân, pháp tự là Pháp Không. Nay căn cứ vào bộ Quốc sử và Thù dị truyện phân chia thành hai truyện. Những người ưa thích chuyện xưa xin hãy xét kỉ.

Ghi chú:

Đại khái nhà vua ban hành chính sách tôn giáo cho thần dân cốt đem lại sự tốt lành cho họ, không vị vua nào không lo trước dân, xem có lợi hay không lợi, tin hay không tin việc ấy. Vì thế, Nguyên Tôn tuy muốn phát khởi Phật giáo, do trong triều có trở ngại nên sự truyền bá bị chậm trễ. Nhưng ngài nương vào nguyện lực của mình, ngôi vị cao quí; lại nhờ hiền thần khuyên nhắc, mới có thể đem những điều tốt đẹp làm lợi ích thiên hạ. Ngài có thể được sánh ngang với Hán Minh đế. Thật vĩ đại thay! Tại sao có lời can gián rằng: “Lấy Lương Vũ đế mà so với ngài thì không hợp”. Vua Lương Vũ đế lấy địa vị chủ của muôn dân mà rất giống tôi tớ của chùa, nên sự nghiệp đế vương bị chấm dứt, Còn ngài Pháp Không thì truyền ngôi lại cho người nối dõi, tự mình xuất gia làm sa-môn, có khó gì đối với ta đâu! Yểm Độc từng cho rằng, làm vua hay tì-kheo chỉ khác nhau hình tướng mà bản thể là một. Như dùng tay phủi sạch mây mờ thì tuệ nhật của tính không hiển bày đều nhờ công lao của Yểm Độc.

8. Thích Pháp Vân

Sư tên tục là Công Lăng Tông, thụy hiệu Chân Hưng. Sư là con của vua Cát Văn, cũng là cháu gọi vua Pháp Hưng bằng bác. Mẹ sư họ Kim, năm bảy tuổi sư lên ngôi. Sư là người nhân từ độ lượng, chính tín, phụng thờ Tam bảo, kính nể người hiền thiện, trừ ác diệt tà. Sau khi lên ngôi được bảy năm, chùa Hưng Luân[86] mới xây xong, sư cho người xuất gia làm tăng ni. Năm thứ tám, sư ra lệnh cho ngài Đại A, Xan Thất Phu biên tập tất cả văn thư trong nước, soạn thành lịch sử đất nước. Năm thứ mười hai, vua Lương sai sứ giả và du học tăng Giác Đức[87] thỉnh xá-lợi Phật về nước. Vua nước Cao-li sai quần thần ra trước đường cung nghinh về chùa Hưng Luân. Năm thứ mười bốn, vua ra lệnh cho quan thứ sử xây dựng cung điện mới ở phía đông Nguyệt thành. Hoàng Long[88] bỗng nhiên xuất hiện trên mảnh đất dự trù xây dựng cung điện ấy, nên vua nghi ngại và đổi lại xây dựng chùa, đặt tên là chùa Hoàng Long. Năm thứ hai mươi sáu, vua nước Trần sai sứ là Lưu Tư và tăng Minh Quán mang kinh luận gồm bảy trăm quyển sang Cao-li. Năm thứ hai mươi bảy, hai ngôi chùa Kì Viên, Thật Tế mới xây dựng xong. Cùng lúc ấy chùa Hoàng Long cũng vừa xây xong. Tháng mười năm thứ ba mươi ba, vua vì các chiến sĩ trận vong thiết hội Bát Quan Trai ở bên ngoài chùa, suốt bảy ngày mới hoàn mãn. Năm thứ ba mươi lăm, vua cho đúc tượng Phật cao một trượng sáu ở chùa Hoàng Long.

Hoặc có thuyết tương truyền rằng: “Thuyền của vua A-dục[89] chở vàng ròng đến Ti Phố góp vào để đúc tượng ấy”. Lời này được ghi lại ở trong truyện Từ Tạng. Năm thứ ba mươi sáu, tượng Phật cao một trượng sáu kia rơi lệ chảy đến chân. Năm thứ ba mươi bảy, vào ngày mùng 1 tháng 1 dâng Nguyên Hoa làm Tiên Lang. Ban đầu, vua và quần thần lo lắng không biết chọn người nào, họ muốn cử từng đoàn người đi khắp nơi để tìm kiếm người có dáng dấp giống như vậy và tiến cử để trọng dụng họ. Cuối cùng họ chọn được hai mỹ nữ, một người tên Nam Vô, người kia tên Tuấn Trinh. Đứng trước đám đông hơn ba trăm người, hai cô gái tranh nhau cho mình là đẹp hơn. Lúc bấy giờ, Tuấn Trinh dắt Nam Vô đi, ép uống rượu đến say mèm rồi xô xuống sông giết chết. Mọi người thấy việc ấy bất bình bỏ đi. Sau đó không lâu, họ lại chọn được một người nam có dung mạo xinh đẹp thoa phấn, bôi son rồi đưa lên làm Hoa Lang. Mọi người nhóm họp lại; có những người nghiên cứu đạo nghĩa, có kẻ cùng nhau vui vẻ ca hát, ngao du sơn thủy, không chỗ nào mà họ không đến. Do vậy, mới biết được sự chính, tà của mỗi người. Từ đó, họ chọn ra người tài giỏi để tiến cử lên triều đình. Nên trong bộ Kim đại vấn thế kí ghi: “Bậc hiền giúp trung thần, từ đó mà có những người tài và tướng giỏi xuất hiện”. Lời tựa bia Loan Lang, Thôi Chí Viễn ghi: “Trong nước có đạo vi diệu, gọi là “Phong Lưu”. Đạo ấy bao trùm cả Tam giáo[90], hóa độ chúng sinh. Vả lại, ở nhà thì hiếu với mẹ cha, ra ngoài thì trung với nước là ý chỉ của Lỗ Tư Khâu[91]. Đối với pháp vô vi, chỉ làm không nói năng là chủ trương của Chu Trụ Sử[92]. Không làm các điều ác, chỉ làm các việc lành là sự cảm hóa của thái tử Trúc Càn[93]”.

Lại nữa, bộ Đường linh cô trừng Tân La quốc kí ghi: “Chọn ra người con, em cao quí xinh đẹp bôi son, tô phấn và trang sức đưa lên gọi là Hoa Lang. Tất cả mọi người trong nước đều tôn trọng người này. Đây là phương pháp cảm hóa của vua. Từ Nguyên Lang cho đến La Mạt có hơn hai trăm người, trong số đó có bốn vị tiên nhân rất hiền đức”. Vả lại, trong Thế kí ghi: “Vua lên ngôi lúc còn nhỏ, hết lòng phụng thờ Phật pháp; đến khi tuổi già, xuống tóc xuất gia là sa-môn, mặc pháp phục tự lấy hiệu là Pháp Vân, nghiêm giữ giới luật, ba nghiệp thanh tịnh. Đến lúc mạng chung, nhân dân trong nước làm lễ an táng ngài trên ngọn núi phía bắc của chùa Ai Công”. Năm đó pháp sư An Hàm[94] từ nước Tùy đến mới truyền bá Phật pháp rộng rãi.

Ghi chú:

Phong tục đối với người thế gian rất quan trọng vậy. Vua muốn thay đổi đối với người hiện tại dễ như dòng nước chảy xuôi. Dòng nước chảy mạnh ai có thể ngăn chặn được? Lúc đầu vua Chân Hưng Lực rất tôn sùng Phật pháp, nên vua thiết lập Hoa Lang, hết thảy mọi người trong nước yêu thích bắt chước theo như tìm đến nơi châu báu, như lên Xuân đài, cần phải nương tựa bỏ ác làm lành, hết lòng noi theo giáo nghĩa, dần dần tiến đến đạo lớn mà thôi. Hán Ai đế chỉ vì yêu thích sắc đẹp, cho nên Ban Cố nói: “Sắc đẹp làm lung lay ý chí con người, chẳng phải riêng gì người nữ, bởi vì người nam cũng đẹp. Do đó, khi bình luận về việc ấy, không thể nói là như nhau được.

Chú thích:

[1] Ngũ mục 五目 (Cg: ngũ nhãn): 1. nhục nhãn, 2. thiên nhãn, 3. huệ nhãn, 4. pháp nhãn, 5. Phật nhãn.

[2] Tứ vô ngại giải 四無礙解 (S.catasraḥ pratisaṃvidaḥ): bốn thứ năng lực lí giải (tức trí giải) và năng lực diễn đạt bằng ngôn ngữ (tức biện tài) một cách tự do tự tại không trệ ngại. Bốn thứ này ddeuf lấy trí tuệ làm bản chất nên gọi là tứ vô ngại trí; nếu nói theo năng lực lí giải thì gọi là tứ vô ngại giải.

[3] Trời Đâu-suất 兜率天 (S:Tuṣita): một tầng trời thuộc cõi Dục, ở khoảng giữa trời Dạ-ma và trời Lạc Biến Hóa. Cõi trời này chia làm hai phần: phần Nội viện là Tịnh độ của bồ-tát Di-lặc, Ngoại viện là nơi vui chơi của các thiên chúng.

[4] Chu Chiêu vương 周昭王: (995 TCN-977 TCN)

[5] Kinh Hoa nghiêm 華嚴經 (S: Buddhàvatamsaka-mahãvaipulya): bộ kinh trọng yếu của Phật giáo Đại thừa, cũng là pháp môn tự nội chứng mà Như Lai tuyên thuyết cho các Bồ-tát thượng vị như bồ-tát Văn-thù, bồ-tát Phổ Hiền, sau khi Ngài thành đạo dưới cội Bồ-đề.

[6] Kinh Bát-nhã 般若經 (S:Prajñāpāramitā-sūtra): những kinh điển, giảng nói về nghĩa lí của Bát-nhã Ba-la-mật.

[7] Kinh Thâm-mật 解深密經 (S: Saṃdhinirmocana-sūtra): kinh, 5 quyển, do ngài Huyền Trang dịch vào đời Đường, Trung Quốc, được xếp vào Đại chính tạng, tập 16. Bộ kinh này thuộc hệ Đại thừa vào thời kì giữa. Nội dung chia làm 8 phẩm.

[8] Kinh Pháp hoa 法華經: kinh, 7 quyển hoặc 8 quyển, gồm 28 phẩm, do ngài Cưu-ma-la-thập dịch vào đời Hậu Tần, được xếp vào ĐạI chính tạng, tập 9. Nội dung chủ yếu là khai thị cho chúng sinh ngộ nhập Phật tri kiến, tức đề xướng thuyết Tam thừa qui nhất Phật thừa. Kinh này dung hòa kiến giải Tiểi thừa và Đại thừa, dùng nhiều phương tiện để hiển bày giáo pháp vi diệu của Đức Phật.

[9] Kinh Niết-bàn涅槃經 (S: Mahaõ-parinirvaõna-Suõtra): gồm 40 quyển, do ngài Đàm Vô Sấm dịch vào năm 421, đời Bắc Lương, Trung Quốc, được xếp vào Đại chính tạng, tập 12. Nội dung kinh này giảng thuyết về giáo nghĩa Như Lai thường trụ, chúng sinh đều có Phật tính, hạng Xiển-đề thành Phật…

[10] Bồ-tát Văn-thù 文殊菩薩 (S:Mañjuśrī): vị bồ-tát có quan hệ rất sâu xa với kinh điển Bát-nhã, một trong bốn vị vị Đại Bồ-tát của Phật giáo Trung Quốc.

[11] Mục-kiền-liên 目犍連 (S:Mahā-maudgalyāyana, Cg: Ma-ha Mục-kiền-liên): một trong 10 đệ tử lớn của Đức Phật. Thần thông đệ nhất.

[12] Chấn Đán 震旦: ngày xưa Ấn Độ gọi Trung Quốc là Chấn Đán

[13] Mục vương 穆王: Mục vương đời Chu. (976 TCN-922 TCN)

[14] Quỳnh Lâm 瓊林: chỉ cho một khu rừng. Người xưa cho đó là nước Phật, cảnh tượng tráng lệ như cõi tiện.

[15] Mã Minh 馬鳴 (S: Aśvaghoṣa): vị tổ thứ 12 được phó pháp tạng, cũng là một Đại Luận sư, một thi nhân Phật giáo, thuộc dòng dõi bà-la-môn, người ở thành Ta-chi-đa nước Xá-vệ, Trung Ấn Độ.

[16] Trần-na 陳那 (S: Dignāga, Dinnāga): đại luận sư Ấn Độ, sống vào thế kỉ V, VI, là người tập đại thành Nhân Minh Luận của Phật giáo Ấn Độ, người nước Hương Chí thuộc nam Ấn Độ, dòng dõi bà-la-môn.

[17] Hộ pháp 護法 (S: Dhammapāla): cao tăng Ấn Độ, sống vào khoảng thế kỉ VI, người thành Kiến-chí-bổ-la, là con của quan đại thần nước Đại-la-tì-đồ thuộc miền nam Ấn Độ, là một trong mười vị đại luận sư Duy Thức.

[18] Ấn Độ 印度 (S: Indu): bán đảo lớn, nằm ở phía nam dãy núi Himalaya, nhô ra về phía nam từ giữa đại lục Châu Á.

[19] Vua A-dục (A-dục vương 阿育王, S: Aśoka): vị vua thứ ba của vương triều Khổng Tước ở nước Ma-kiệt-đà thuộc Trung Ấn Độ. Ông ra đời vào khoảng thế kỉ thứ III, trước TL, là vị vua thống nhất Ấn Độ và là một nhân vật đóng góp công sức lớn nhất trong việc hộ trì Phật giáo.

[20] Đông Thiên Trúc quốc 東天竺國: một trong năm khu vực của nước Ấn Độ.

[21] Diêm-phù-đề 閻浮提 (S: Jambu-dvīpa): cõi nước có trồng nhiều cây Diêm-phù và sản xuất ra vàng Diêm-phù-đạn. Diêm-phù-đề vốn chỉ cho Ấn Độ, về sau chỉ chung cho thế giới nhân gian.

[22] Chu Kính vương 周敬王: (519 TCN-476 TCN)

[23] Tần Thỉ Hoàng 秦始皇: (259 TCN-210 TCN) tên húy là Doanh Chính, được xem là Hoàng đế đầu tiên trong lịch sử Trung Hoa, vì ông đã có công tiêu diệt các nước chư hầu thời Chiến Quốc phân tán để thống nhất lập nên một đế quốc lớn.

[24] Hàm Dương 咸陽: một tỉnh ở Trung Quốc.

[25] Ca-diếp Ma-đằng 迦葉摩騰 (S: Kāśyapa Mātaṅga): cao tăng đầu tiên truyền Phật giáo vào Trung Quốc. Ngài là người Trung Ấn Độ, sinh trong gia đình bà-la-môn, thông hiểu nhiều kinh điển Đại thừa, Tiểu thừa.

[26] Trúc-pháp-lan 竺法蘭: cao tăng Ấn Độ, sang Trung Quốc dịch kinh vào thời Đông Hán. Sư tụng kinh, luận mấy vạn chương, là bậc thầy của các học giả Thiên Trúc.

[27] Chín châu 九州: ngày xưa, Trung Quốc phân ra chín châu là Kí châu, Cổn châu, Thanh châu, Từ châu, Dương châu, Kinh châu, Dự châu, Lương châu, Ung châu.

[28] Truyện hoắc khứ bệnh 霍去病傳: một bộ truyện của nhà Hán. Nội dung nói về vua Hưu Đồ cúng tượng vàng, tướng mạo giống như tượng Phật vàng.

[29] Hưu Chư vương 休屠王: tên hiệu của vua nước Hung Nô.

[30] Ai Đế 哀帝: một vị vua nhà Hán (Lưu Hân,-TCN 1)

[31] Tần Cảnh 秦景: Tần Cảnh là một trong 12 vị đệ tử của Vương Tôn. Ông ta đi qua nước Nguyệt Chi chếp bộ kinh Tứ Thập Nhị Chương mang về nước.

[32] Nước Nguyệt Thị (Nguyệt Thị quốc 月氏國, Cg: Nhục Chi): ở phía tây Ấn Độ.

[33] Minh Đế 明帝: một vị vua nhà Hán (Lưu Trang, 29-75/76)

[34] Hải Đông 海東: vùng đất bao gồm ba nước: 1. Tân-la, 2. Bách Tế, 3. Cao-cú-li.

[35] Cao-cú-lệ 高句麗: tên nước ngày xưa, hiện tại là Triều Tiên.

[36] Thuận Đạo 順道: cao tăng Trung Quốc, sống vào đời Đông Tấn. Sư phát nguyện hoằng truyền giáo pháp, dùng sức từ nhẫn để cứu độ chúng sinh, ngài đi khắp trong nước, dạy người không mỏi mệt. Năm 372, sư vâng lệnh vua Phù Kiên nhà Tiền Tần, cùng các sứ giả mang tượng Phật, kinh điển đến thành Bình Nhưỡng, nước Cao-cú-lệ.

[37] Ma-la-nan-đà 摩羅難陀 (S: Mālānanda): cao tăng Ấn Độ, người đầu tiên truyền Phật pháp vào nước Bách Tế. Vào năm 384, khi vua Chẩm Lưu đời thứ 15 nước Bách Tề lên ngôi, ngài Ma-la-nan-đà từ Trung Quốc đến nước này hoằng dương Phật pháp.

[38] Nước Bách Tề 百濟國: tên nước ngày xưa, nay là Triều Tiên.

[39] Vua Chẩm Lưu 枕流王: vua nước Bách Tề, vào năm 384, vua Chẩm Lưu năm thứ 15 lên ngôi.

[40] Tân La 新羅: chỉ cho đất nước Triều Tiên ngày xưa.

[41] A Đạo 阿道: cao tăng đời Đông Tấn, có thuyết nói sư là người Thiên Trúc hoặc là người nước Cao-cú-lệ. Sư có phong nghi khác thường, thần biến rất lạ lung, trong khi giảng kinh thường có mưa hoa. Năm 374, đời Đông Tấn, sư đến nước Cao-cú-lệ. Năm sau, vua Tiểu Phú Lâm xây chùa Y-phất-lan thỉnh sư trụ trì. Phật giáo Triều Tiên bắt đầu truyền bá rộng từ đó.

[42] Viên Quang 圓光: (532 – 630) cao tăng người nước Tân-la, thuộc tông Nhiếp Luận, họ Phác. Năm 25 tuổi, Sư đi thuyền đến Kim Lăng. Năm 589, Sư đến Trường An, gặp khi học thuyết Nhiếp Luận bắt đầu thịnh, bèn nghiên cứu luận này cùng tột, tiếng tăm ngày càng vang xa. Vua nước Tân-la nghe danh Sư bèn ban sắc thỉnh Sư về nước. Về già, Sư trụ trì chùa Hoàng Long hoằng pháp. Sư thị tịch năm 630, thọ 99 tuổi.

[43] Từ Tạng 慈藏: cao tăng người nước Tân-la, họ Kim, xuất thân từ vương tộc Tân-la, sớm có chí xuất trần. Sauk hi song thân qua đời, Sư từ giả vợ con, xây chùa Nghiêm Ninh trên đất vườn. Vừa lúc ấy, nhà vua ban cho sư chức Đài phụ. Năm 634 sư dẫn mười đệ tử như Tăng Thật… sang Trung Quốc.

[44] Tam Hàn 三韓: thời nhà Hán, phía nam Triều Tiên có các nước Mã Hàn. Thần Hàn. Đời Tam Quốc có nước Biện Hàn; gộp chung lại gọi là Tam Hàn.

[45] Thái Tổ 太祖: người đầu tiên khai sáng ra triều đại.

[46] Quốc sư Đại Giác 大覺國師: xem bia Quốc sư Đại Giác. Sư làm thái tử cầu xin xuất gia, khi Sư đến nước Tống mới thể nhập được giáo pháp của năm tông như Hiền Thủ, Đạt-ma, Thiên Thai, Từ Ân, Nam Sơn. Sau đó, Sư đến Tứ Thượng lễ tháp Tăng-già, đến chùa Thiên Trúc lễ tượng Quan-âm đều có phát ánh sáng.

[47] Ngũ giáo 五教: năm loại giáo pháp phân chia giáo pháp Đức Phật nói trong một đời. Theo ngài Hiền Thủ lập: 1. Tiểu thừa giáo, 2. Đại thừa thỉ giáo, 3. Đại thừa chung giáo, 4. Đốn giáo, 5. Viên giáo. Có rất nhiều thuyết khác nhau…

[48] Vua Phù Kiên 符堅王: vua Tiền Tần đời Đông Tấn, Trung Quốc, tự là Vĩnh Cố, Văn Ngọc. Ông là người học rộng, nhiều tài, có chí lớn, khoan dung độ lượng. Ông rất có lòng tin Tam bảo, ưu đãi các bậc cao tăng, thích nghe thuyết pháp. Ông từng sai người chuyển kinh Phật, tượng Phật đến Cao-li, khởi đầu cho việc truyền bá Phật pháp ở nước này và Nhật Bản. Lúc sắp bị hại, ông vẫn chỉnh y lễ Phật rồi mới chết.

[49] Đông Di 東暆: Trung Quốc

[50] Chùa Y-phất-lan 伊弗蘭寺: chùa ở Bình Thành, Hàn Quốc, được xây cất vào năm 375 khi vua Tiểu Phú Lâm đời thứ 17 của nước Cao-li lên ngôi. Chùa này và chùa Tiêu Môn đều là những ngôi chùa Phật đầu tiên do Cao-li xây dựng. Ngài A Đạo người đời Tấn, Trung Quốc trụ trì đời thứ nhất.

[51] Khương Tăng Hội 康僧會: danh tăng Việt Nam, người Giao Chỉ gốc Khương Cư (miền Bắc Tân Cương) sang Trung Quốc dịch kinh vào thời Tam Quốc. Sư thông minh, siêng năng tu học, trí thức vượt hơn người, thông suốt ba tạng kinh Phật, Nho giáo, Lão giáo, cho đến cả thiên văn địa lí, chế tạo máy móc. Sư giỏi cả chữ Phạn, Hán, có tài thuyết pháp và biện luận, nên có nhiều người theo quy y thụ giáo. Năm 280, sư viên tịch, đồ chúng lập tháp thờ, được vua ban thụy hiệu là “Siêu Hóa Thiền Sư”.

[52] Chi Độn pháp sư 支遁法師: cao tăng kiêm học giả Trung Quốc, Sư họ Quan, tự Lâm, quê ở Trần Lưu, huyện Khai Phong, tỉnh Hà Nam. Có thuyết cho Sư là người ở Lâm Lự, Hà Đông (Chương Đức, Hà Nam). Về sau thầy của Sư đổi thành họ Chi, người đợi gọi là Chi Đạo Nhân, Chi Đạo Lâm. Gia đình kính tin Phật pháp, Sư sớm rõ lí vô thường, ẩn cư ở núi Dư Hàng, Cối Kê, chuyên nghiên cứu kinh điển hệ Bát-nhã. Năm 25 tuổi, Sư xuất gia, đến kinh đô Kiến Khương, khi giảng kinh, Sư đều nêu tông chỉ bộ kinh rất rõ ràng nên được danh sĩ tán thưởng. Năm 362, vua Ai Đế thỉnh sư đến trụ trì chùa Đông An tại kinh sư, giảng kinh Đạo Hạnh Bát-nhã. Năm 366, Sư thị tịch ở núi Dư Dao Ô, hưởng dương 53 tuổi. Sư trước tác các bộ như: Tứ Sắc Du Huyền Luận, Thánh Bất Biện Tri Luận; Đạo Hành Chỉ Qui, HọC Đạo Giới…

[53] Bôi Độ 杯渡: thiền sư Trung Quốc, sống vào đời Tấn, người xứ Kí Châu. Sư thường ngồi trên một cái chén bằng gỗ để qua song, nên người đời gọi Sư là hòa thượng Bôi Độ, thiền sư Bôi Độ.

[54] Pháp Thượng 法上: cao tăng Trung Quốc, sống vào thời Bắc Triều, họ Lưu, người Triều Ca (nay là huyện Kì, tỉnh Hà Nam). Năm lên 9 tuổi, Sư nhờ đọc kinh Niết-bàn nên có chí nguyện xuất trần. Năm 12 tuổi, Sư xuất gia với thiền sư Đạo Dược, chuyên tâm tu tập, thần khí thanh cao, thông suốt lí lẽ, người đời gọi Sư là thánh sa-di. Sau Sư thụ giới Cụ túc với luật sư Huệ Quang, nhờ tinh thông nghĩa lí, nên Sư giảng dạy và sớ giải các kinh luận như: Thập Địa Kinh Luận, kinh Lăng-già, kinh Niết-bàn… Trải qua hai triều Ngụy, Tề, Sư đảm nhiệm chức Chiêu Huyền Tào Tăng Thống, quản lí công việc trong chúng tăng gần 40 năm, cai quản hơn bốn vạn ngôi chùa, hang tăng, ni hơn 200 vạn. Sư thị tịch vào năm 580, hưởng thọ 86 tuổi.

[55] Kinh dịch 經易: là cuốn sách kinh điển rất lấu đời của người Trung Hoa. Nó mô tả hệ thống tư tưởng triết học và vũ trụ học của người Trung Hoa cổ đại. Tư tưởng triết học cơ bản dựa trên cơ sở của sự cân bằng thông qua sự đối kháng và thay đổi (chuyển dịch). Ở phương Tây, nhiều người hiểu Kinh Dịch đơn thuần như một hệ thống để bói toán, nhưng thực ra về bản chất nó là biểu hiện của kiến thức, sự hiểu biết và triết học của người Trung Hoa cổ đại.

[56] Nho học 儒學: học thuyết của nhà Nho; những người học theo đạo Khổng, Mạnh.

[57] Đạo học 道學: học thuyết của đạo giáo.

[58] Chùa Định Quốc (Định Quốc tự 定國寺): chùa ở Chương Đức, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, do ông Cao Hoan thời Đông Ngụy xây dựng để kỉ niệm chiến thắng Nhĩ Châu Vinh. Các danh tăng như Đạo Thân thời Bắc Tề, Linh Dụ đời Tùy đã từng trụ ở chùa này.

[59] Luận Thập Địa 十地論 (S: Daśabhūmikasūtra-śāstra; Cg: Thập Địa Kinh Luận): luận, 12 quyển do ngài Thế Thanh người Ân Độ soạn, ngài Bồ-đề-lưu-chi, Lăng-na-ma-đề dịch vào đời Bắc Ngụy, được xếp vào Đại chính tạng, tập 26. Nội dung giải thích các giai vị tu hành của Bồ-tát, cho rằng mười địa dung nhiếp tất cả thiên pháp; trong đó, ba địa đầu nói về thiện pháp thế gian, bốn địa kế nói về tướng trạng tu hành của Tam thừa, ba địa cuối cùng nói về giáo pháp nhất thừa.

[60] Luận Đại trí Độ 大智度論 (S: Mahāprajñāpāramitaśastra): gồm 100 quyển, do bồ-tát Long Thụ soạn, ngài Cưu-ma-la-thập dịch vào đời Hậu Tấn, Trung Quốc, được xếp vào Đại chính tạng, tập 25. Nội dung luận này giải thích kinh Đại Phẩm Bát-nhã.

[61] Luận Địa Trì 地持論 (S: Bodhisattva-bhūmi; Cg: Bồ-tát Địa Trì Kinh): kinh, 10 quyển (hoặc 8 quyển), do ngài Đàm-vô-sấm dịch vào đời Bắc Lương, Trung Quốc, được xếp vào Đại chính tạng, tập 30. Nội dung kinh nêu rõ phương tiện tu hành của Bồ-tát Đại thừa.

[62] Luận Kim Cương Bát-nhã 金剛般若論 (S: Vajracchedikā-prajñāpāramitopadeśa; Cg: Kim Cương Bát-nhã Ba-la-mật kinh): luận, 3 quyển, do bồ-tát Thiên Thanh soạn, ngài Bồ-đề-lưu-chi dịch vào đời Bắc Ngụy, được xếp vào Đại chính tạng, tập 25. Nội dung kinh này là chú thích bộ Kim Cương bát-nhã kinh luận tụng của ngài Vô Trước.

[63] A-tăng-già 阿僧伽 (S: Asaṅga; Cg: Vô Trước): đại luận sư sáng lập Du-già Hành phái thuộc Phật giáo Đại thừa ở Ấn Độ, sống vào khoảng thế kỉ IV, V, người Purusa-pura thuộc nước Kiện-đà-la, Bắc Ấn Độ.

[64] Bồ-tát Di-lặc 彌勒菩薩 (S:Maitreya): vị bồ-tát Nhất sinh bổ xứ được Đức Phật thụ kí thành Chính giác ở tương lai.

[65] Đàm-vô-sấm 曇無懺 (S: Dharma-rakṣa): danh tăng người Trung Ấn Độ, sang Trung Quốc dịch kinh vào đời Bắc Lương, xuất thân từ dòng dõi bà-la-môn. Lúc đầu Sư tu pháp Tiểu thừa và ngũ minh, giảng nói thông suốt, ứng đáp trôi chảy. về sau Sư gặp thiền sư Bạch Đầu, học kinh Đại Bát Niết-bàn. Năm 20 tuổi, Sư có thể tụng hơn 200 vạn lời kinh Đại thừa và Tiểu thừa. Sư thị tịch năm 49 tuổi.

[66] Cưu-ma-la-thập 鳩摩羅什 (S: Kumārajīva): cao tăng Trung Quốc sống vào thời Đông Tấn, người nước Quy Tư, là một trong bốn nhà dịch kinh lớn. Sư thông minh từ thuở bé, năm 7 tuổi xin mẹ vào đạo. Sau Sư đến Thiên Trúc tham học khắp các bậc danh đức. Sư học rộng nhớ dai, tiếng tốt vang khắp năm xứ Thiên Trúc. Thời bấy giờ, vua Phù Kiên nghe danh đức của sư, nên sai tướng Lữ Quang đem quân đến thỉnh. Lữ Quang thắng được nước Qui Tư, thỉnh La-thập về Tiền Trần, nhưng đi được nữa đường thì nghe tin vua Phù Kiên, Lữ Quang tự lên làm vua ở Hà Tây, Sư bị giữ lại ở Lương Châu 16-27 năm. Năm 401 vua Dao Hưng đánh bại họ Lữ, Sư mới được rước về Trương An. Vua Dao Hưng tôn làm Quốc sư, trụ ở vườn Tiêu Dao chuyên dịch kinh điển. Sư ở Trường An được 12 năm thì thị tịch, hưởng thụ 70 tuổi, bấy giờ là đời Tấn, năm 413. Có thuyết cho là năm 409.

[67] Bồ-đề-lưu-chi 菩提留支 (S: Bodhiruci): cao tăng thời Bắc Ngụy, người Bắc Thiên Trúc, là học giả hệ phái Du-già của Đại thừa, bẩm tính thông minh, thông cả Tam tạng, tinh thông chú thuật, sớm có chí hoằng pháp. Năm 508 đời vua Tuyên Vũ Đế thời Bắc Ngụy, Sư đến Lạc Dương, nhà vua rất kính trọng, vua thỉnh Sư trụ ở chùa Vĩnh Ninh, để lo việc dịch kinh tiếng Phạn sang tiếng Hán. Sư dịch được 39 bộ, 127 quyển, như: Thập Địa Kinh Luận… Về sau, Sư không phiên dịch nữa, chỉ chuyên việc thiền quán. Năm 727, Sư đến ở chùa Trương Thụ, Lạc Dương. Tháng 9 năm 727, Sư tuyệt thực, không thuốc men mà thần sắc vẫn bình thường. Ngày mùng 5 tháng 11, Sư yên lặng mà thị tịch, thụ 166 tuổi (có thuyết nói 156 tuổi). Vua truy tặng chức Hồng Lô Đại Khanh, ban thụy hiệu là Khai Nguyên Nhất Thiết Biến Tri Tam Tạng. Sư là một nhà dịch kinh giỏi vào đời Đường.

[68] Luận Biện chính 辨正論: gồm 8 quyển, do sa-môn Pháp Lâm đời Đường soạn. Nội dung so sánh đạo Nho với Phật giáo.

[69] Pháp Lâm 法琳: cao tăng Trung Quốc, sống vào đời Đường, họ Trần, người Dĩnh Xuyên nay thuộc Hứa Xương, tỉnh Hà Nam. Sư xuất gia từ nhỏ, học rộng và nghiên cứu về đạo Nho, đạo Phật và tư tưởng của Bách gia, đặc biệt tinh thông ba yếu chỉ Tam luận. Đời Tùy, năm 601 Sư đến Trường An học đạo thuật. Năm 617 Sư đổi tăng phục thành đạo phục, đến ở đạo quán. Năm 618 đời Đường, Sư quay về với Phật. Năm 636, Sư vâng lệnh vua trụ trì chùa Long Điền và nhận làm bút thụ trong việc phiên dịch kinh điển. Năm 639, do lời dèm siểm của Tần Thế AAnh, Sư bị hạ ngục. Sau được thả ra, trên đường về chùa Ích Bộ Tăng, Sư bị bệnh mà tịch, hưởng thụ 69 tuổi. Tác phẩm của Sư để lại trên 30 quyển.

[70] Quan trung 關中: là tên một vùng đất thời xưa. Nay là một nhánh sông của sông Vị ở Thiểm Tây, Trung Quốc.

[71] Ngài Pháp Hiển 法顯 : cao tăng Trung Quốc sống vào đời Đông Tấn, người Vũ Dương, Bình Dương (nay là tỉnh Sơn Tây) Trung Quốc, họ Cung. Sư xuất gia năm 3 tuổi, 20 tuổi thụ giới Cụ túc. Năm 399, Sư cùng các ngài Huệ Cảnh, Đạo Chỉnh, Huệ Ứng , Huệ Ngôi…. rời Trường An băng qua vùng sa mạc, vượt núi Thông Lãnh đến Thiên Trúc cầu pháp.

[72] Tam Phụ 三輔: vùng đất ở gần kinh thành.

[73] Trường An 長安: tên của một kinh đô thời xưa. Vào đời vua Cao Tổ nhà Hán năm thứ 7 (200 .BC) đóng đô ở đây.

[74] Hách Quân Bột Bột 赫軍勃勃: một họ của tộc Hung Nô. Quân Hung Nô đánh xuống phía Nam có người từng cứới con gái người Hán. Con cháu của người ấy lấy họ Lưu làm họ.Đến đời Lưu Hổ, mẹ của ông ta là người Tiên Ti nhưng người phương bắc gọi những người có cha là người Hung Nô, mẹ là người Tiên Ti là “Thiết Phất”. nhân đó Hổ lấy Thiết Phất làm hiệu. Đến niên hiệu Nghĩa Hi, đời Đông Tấn năm thứ 3 (407, con của Lưu Hổ là Bột Bột (còn gọi là Quật Tử) tự xưng là Đại Hạ Thiên Vương, nghe gọi họ mình là “Thiết Phất” lấy làm thẹn nên mới đổi thành họ “Hách Quân”; với ý nghĩa “Huy Hách với Thiên Liên”

[75] Tháp Bạc Đào 拓跋燾: một người trong hoàng tộc họ Thác Bạc thời Bắc Ngụy.

[76] Bác Lăng Thôi Hạo 傳陵崔浩: một Tể tướng thời bắc Ngụy, người ở Thanh Hà (nay là tỉnh Sơn Đông), tự là Bá Uyên. Ông ta theo cha mình học kinh sử của Bá gia. Ông theo tư tưởng chính trị xã hội hiện thực của nho gia. Đến niên hiệu Tần Thường thứ 8, (423), hoàng đế Thái Tông băng ông mới được làm quan. Sau đó, ông cùng với đạo sĩ Khấu Khiêm Chi kết giao với nhau và được Thái Võ Đế xem trọng. Hai người xúi dục Thái Võ Đế theo đạo giáo của phái Thiên Sư . Ngòai ra, Thôi Hạo còn khuyên vua hủy diệt Phật giáo. Vào niên hiệu Thái Bình Chân Quân, thứ 7 (446) Võ Đế hạ chiếu hủy diệt Phật giáo.

[77] Hoàng lão 黃老: là cách gọi chung của Hoàng đế và Lão tử. Các đạo gia đời sau tôn xưng là Thỉ Tổ.

[78] Kinh tạp bảo tạng 雜寶藏經 (S: Saṃyukta-ratna-piṭaka-sūtra): kinh, 10 quyển (hoặc 8 quyển, 13 quyển) do ngài Cát-ca-dạ và Đàm Diệu cùng dịch vào đời Nguyên Ngụy, Trung Quốc, được xếp vào Đại chính tạng, tập 4. Nội dung kinh này nói về các sự tích liên quan đến Đức Phật và đệ tử cùng những duyên sự sau khi Đức Phật nhập diệt.

[79] Danh-thất-lê-mẫu-đát-lê 名室梨母怛梨: đời Đường gọi là Tam Ấn sơn.

[80] Tống Cao tăng truyện 宋高僧傳: truyện kí, 30 quyển, do ngài Tán Ninh (919-1002) soạn vào đời Tống, Trung Quốc, được xếp vào Đại chính tạng, tập 50. Nội dung gom chép truyện kí các cao tăng sống trong thời gian 343 năm từ giữa niên hiệu Trinh Quán (627-649) đời Đường đến năm 988.

[81] Phật-đà 佛陀 (S: Buddha): từ gọi chung cho ba đời mười phương chư Phật.

[82] Đạt-ma 達摩 (S: Dharma): pháp. Giáo pháp, biện pháp.

[83]Tăng-già 僧伽 (S: Saṃgha): những vị đệ tử của Đức Phật, xuất gia tu học đạt được đầy đủ giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, trụ trong giai vị Tứ hướng Tứ quả hoặc chỉ cho đoàn thể gồm bốn vị tì-kheo trở lên sống hòa hợp trong tinh thần của giới luật hoặc chỉ chung cho bảy chúng xuất gia và tại gia của phái đoàn Phật giáo.

[84] Y bá nạp百衲衣: y của chư tăng, y này được nối kết bằng nhiều mảnh vải vụn, cũ rách, có nhiều màu sắc.

[85] Già-lam 伽藍 (S: Saṃghārāma, Cg: Tăng-già-lam-ma): khu vườn nơi chúng tăng cư trú, thường gọi là tự viện.

[86] Chùa Hưng Luân 興輪寺: chùa ở thành phố Khánh Châu, tỉnh Khánh Thượng Bắc, Hàn Quốc. Năm 527, quan Xá luân tên Phác Yểm Độc bị tội xử tử, khi xử tử có hiện điềm lạ, làm cho quần thần sinh tâm tôn kính Phật pháp. Sau khi ông chết dân chúng làm lễ an táng ông, đồng thời sáng lập một ngôi chùa tên là Thích Thu. Từ năm 534 đến năm 544 hoàn thành một ngôi chùa lớn, đổi tên chùa là Đại Hưng Luân. Về sau, vua Chân Hưng và Vương phi xuất gia cùng trụ ở chùa này, nên vua ban hiệu là chùa Đại Vương Hưng Luân, là ngôi chùa đầu tiên của nước Tân La.

[87] Giác Đức 覺德: danh tăng Tân La, sống vào thế kỉ thứ VI, từng đến Trung Quốc học giáo pháp. Năm 549, Sư cùng sứ nhà Lương rước xá-lợi Phật từ Trung Quốc về nước Tân La.

[88] Hoàng Long 黃龍: tên một loại đông vật trong truyền thuyết thời cổ đại. Các nhà sấm vĩ cho đó là điềm lành của vua.

[89] Vua A-dục (A-dục vương 阿育王, S: Aśoka): vị vua thứ ba của vương triều Khổng Tước ở nước Ma-kiệt-đà thuộc Trung Ấn Độ. Ông ra đời vào khoảng thế kỉ III tr. TL, là vị vua thống nhất Ấn Độ và là một nhân vật đóng góp công sức lớn nhất trong việc hộ trì Phật giáo.

[90] Tam giáo 三教: Phật giáo, Nho giáo và Lão giáo.

[91] Lỗ Tư Khâu 魯司寇: Khổng Tử làm chức quan Tư Khâu ở nước Lỗ.

[92] Chu Trụ Sử 周柱史: Lão Tử làm chức quan Trụ Sử ở nước Chu.

[93] Thái tử Trúc Càn 竺乾太子: Phật Thích-ca Mâu-ni.

[94] An Hàm 安含: danh tăng nước Tân La, họ Kim. Khi Sư mới sinh ra là giác ngộ, tính tình thanh cao, ý thích ngao du, xem xét theo phong tục riêng mà giáo hóa. Vào thời vua Chân Bình năm thứ hai mươi hai, Sư cùng Huệ Túc vượt biển đến Trung Quốc, nhưng khi đi thì sống gió hiểm nguy nên quay trở về. Năm tới, Sư được chọn làm lưu học tăng cùng với sứ thần theo thuyền vượt biển đến Trung Quốc gặp vua Văn Đế thời Tùy, và đươc vua ban cho Sư ở chùa Đại Hưng Thánh, khoảng năm năm thì Sư thông hiểu hết kinh giáo. Đến thời vua Thiện Đức năm thứ chín Sư thị tịch ở Vạn Thiện đạo tràng, hưởng thụ 62 tuổi.

    Xem thêm:

  • Truyện Cao Tăng Sang Tây Vực Cầu Pháp - Kinh Tạng
  • Truyện Các Vị Tỳ Kheo Ni - Kinh Tạng
  • Truyện Các Vị Tăng Thần Dị - Kinh Tạng
  • Tịnh Lưu Ly Tịnh Độ Tiêu - Kinh Tạng
  • Ngữ Lục Của Thiền Sư Đàm Châu Quy Sơn Linh Hựu - Kinh Tạng
  • Ngữ Lục Của Thiền Sư Thụy Châu Động Sơn Lương Giới - Kinh Tạng
  • Ngữ Lục Của Thiền Sư Quân Châu Động Sơn Ngộ Bổn - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 10 – Thụ Trai - Kinh Tạng
  • Đại Đường Tây Vực Ký - Kinh Tạng
  • Truyện Ký Kinh Hoa Nghiêm - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 17 – Làm Phúc - Kinh Tạng
  • Bích Nham Lục Của Thiền Sư Phật Quả Viên Ngộ – Thích Thanh Từ dịch - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 04 – Kính Tháp - Kinh Tạng
  • Kinh Tối Thắng Hỏi Về Việc Trừ Cấu Đoạn Kết Của Bồ Tát Thập Trụ - Kinh Tạng
  • Những Truyện Cảm Ứng Về Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm - Kinh Tạng
  • Vạn Pháp Quy Tâm Lục - Kinh Tạng
  • Ngũ Bách Danh Quán Thế Âm Kinh - Kinh Tạng
  • Tập Vãng Sanh - Kinh Tạng
  • Bích Nham Lục Của Thiền Sư Phật Quả Viên Ngộ – Thích Mãn Giác dịch - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 32 – Linh Tinh - Kinh Tạng