Truyện Các Vị Tăng Thần Dị
Thần Tăng [Truyện, Truyền]
Khuyết danh
Bản Việt dịch của Đức Nghiêm – Đức Thuận – Nguyên Nhứt
***
Thần tăng là những vị tăng biến hóa thần diệu, vượt lên trên tất cả mọi người. Hành trạng của họ đều được ghi chép rãi rác trong Đại tạng. Người học muốn tìm hiểu cũng rất khó, vì ba tạng mênh mông, không thể xem cùng tận. Cũng từ đó mọi người không sao hiểu hết, cũng không thể nghiên cứu thấu đáo, cho nên mới gọi là thần. Trong lúc xem đọc tạng kinh, tôi gắng sức tập hợp truyện kí của các vị tăng này rồi gom chép thành một bộ chín quyển, với mục đích để người học chỉ cần xem qua đã hiểu tường tận, không phải nhọc lòng tìm kiếm, giống như vào kho báu thì tự nhiên thấy rõ hết những vật quí. Vì lí do này, tôi cho khắc bản in ấn lưu truyền, hầu làm rạng rỡ những hành trạng kì đặc của các bậc thần tăng trong trời đất, lại giúp cho người đời biết được sỡ dĩ gọi thần là có chứng cứ vậy. Đây là lí do dùng ba chữ Thần tăng truyện làm tên sách.
Ngày mồng 6 tháng giêng niên hiệu Vĩnh Lạc thứ 15 (1417).
Quyển 1
MA-ĐẰNG
Sư người Thiên Trúc, phong thái uy nghi, thông suốt kinh điển Đại thừa lẫn Tiểu thừa, luôn lấy việc giáo hóa làm sự nghiệp. Có lần sư đến một nước nhỏ thuộc Thiên Trúc giảng kinh Kim quang minh[1], gặp lúc nước này đang bị binh đao loạn lạc, sư thầm nghĩ: “Trong kinh có ghi: Nếu nói kinh này thì sẽ được địa thần ủng hộ, đời sống nhân dân được an lạc. Nay chiến tranh mới bắt đầu, chính là lúc ta làm lợi ích!” Nghĩ thế, sư bèn lập nguyện quên thân hòa giải. Nhờ vậy mà hai nước giao hòa tốt. Do đó, danh tiếng của sư vang dội khắp nơi.
Vào khoảng niên hiệu Vĩnh Bình (58) nhà Hán, một đêm vua Minh Đế mộng thấy người vàng từ trên hư không bay đến. Sáng hôm sau, vua triệu tập quần thần để giải mộng. Trong số đó Phó Nghị là người học thức rất uyên bác tâu vua:
– Thần nghe ở nước Tây Vực có vị thần, hiệu là Phật, người mà bệ hạ mộng thấy chính là vị này.
Vua cho là đúng, bèn sai những vị như: lang trung Thái Âm, bác sĩ đệ tử Tần Cảnh.v.v.. đến Thiên Trúc tìm cầu Phật pháp. Đến đó, Thái Âm v.v. gặp Ma-đằng, bèn thỉnh về nước Hán.
Sư lập nguyện hoằng dương rộng khắp, không ngại gian khổ, mạo hiểm vượt qua sa mạc để đến ấp Lạc. Hán Minh Đế tiếp đãi rất nồng hậu, cho xây một ngôi tinh xá ở phía tây thành để sư an trú. Sư là vị sa-môn đầu tiên ở Trung Hoa. Bấy giờ Phật pháp mới được lưu truyền, nên nơi đây chưa có người tin theo. Vì thế, sư không thể truyền đạt được những kiến thức Phật pháp của mình. Về sau, sư viên tịch ở Lạc Dương.
Có thuyết cho rằng sư dịch một bộ kinh Tứ thập nhị chương[2], lúc đầu cất giữ trong gian thứ mười bốn ở Thạch thất Lan Đài là trụ xứ của sư. Nơi ấy, nay chính là chùa Bạch Mã[3] phía tây thành Lạc Dương. Tương truyền, nước ngoài có một vị vua thường phá hoại chùa chiền, chỉ còn chùa Chiêu-đề là chưa bị phá. Đêm nọ, một con ngựa trắng chạy quanh tháp hí lên buồn thảm. Có người đem việc này trình lên vua, từ đây vua không còn phá hoại chùa chiền nữa. Nhân đó đổi tên chùa Chiêu-đề thành chùa Bạch Mã. Về sau,các chùa đều theo đó để đặt tên.
PHÁP LAN
Sư người Thiên Trúc, làu thông đến mấy vạn chương kinh luận, là thầy của các học giả ở nước này. Lúc bấy giờ, Thái Âm vừa đến. Pháp Lan và Ma-đằng đã kết nguyện giáo hóa nên cùng đến Lạc Dương. Không bao lâu, sư đã thông thạo tiếng Hán nên đã dịch những bộ kinh Thái Âm thỉnh từ Tây Vực về. Sư dịch được 5 bộ: Thập địa đoạn kết, Phật bản sinh, Pháp hải tạng, Phật bản hạnh, Tứ thập nhị chương. Gặp lúc đất nước loạn lạc, bốn bộ kia bị thất truyền, ở Giang Tả chỉ còn lại bộ Tứ thập nhị chương hơn hai ngàn từ. Trong số các kinh hiện còn ở đất Hán, bộ kinh này xuất hiện đầu tiên.
Khi sang Tây Vực, Thái Âm thỉnh được tượng Đức Phật Thích-ca ngồi, đó chính là bức họa thứ tư tượng chiên-đàn[4] do vua Ưu-điền sai thợ khắc. Khi Thái Âm mang bức tượng đến Lạc Dương, vua Hán Minh Đế sai thợ vẽ lại, an trí trên đài Thanh Lương và trong lăng Hiển Tiết. Tượng xưa nay không còn nữa.
Lại nữa, xưa Hán Vũ Đế cho đào ao Côn Minh, thấy dưới đáy có lớp tro đen, bèn hỏi Đông Phương Sóc. Sóc trả lời:
– Bệ hạ nên hỏi vị tăng người Tây Vức.
Khi Pháp Lan đến Lạc Dương mọi người nhớ lại hỏi sư việc đó. Sư trả lời:
-Đây chính là tro khi lửa thiêu rụi thế giới vào kiếp hỏa[5].
Lời này có chứng cứ, mọi người đều tin tưởng.
Về sau, sư mất ở Lạc Dương, thọ hơn 60 tuổi.
AN THẾ CAO
Sư tên là An Thanh, con của vua nước An Tức. Thuở nhỏ nổi tiếng là người hiếu hạnh lại thêm thông minh và hiếu học. Từ sách vở nước ngoài cho đến thất diệu[6], ngũ hành[7] thuốc men thuật số, cả những tiếng chim muông, sư đều thông hiểu.
Có lần đang trên đường đi, nhìn thấy bầy chim yến bay ngang, sư bèn nói với bạn:
– Chim yến bảo có người mang thức ăn đến.
Một lát sau, đúng là có người mang thức ăn đến. Mọi người thảy đều kinh ngạc. Danh tiếng sư nhanh chóng lan truyền khắp Tây Vực. Sau đó, sư nhường ngôi xuất gia tu học, thông suốt kinh tạng, nhất là môn A-tỳ-đàm[8]. Sư du phương khắp các nước để tham học. Năm thứ nhất đời Hoàn Đế nhà Hán, sư đến Trung Hoa. Tại đây, sư học tiếng Hoa và phiên dịch các kinh điển. Sư biểu hiện rất nhiều điều thần kì, tự kể lại kiếp trước mình đã từng xuất gia. Sư có một người bạn đồng học tánh hay sân giận, nếu đi khất thực mà gặp thí chủ không vừa ý thì nổi giận, sư đã nhiều lần khuyên can, nhưng vẫn không chịu sửa đổi, suốt hai mươi năm như vậy. Một hôm sư từ biệt bạn đồng học và nói:
– Tôi phải đến Quảng Châu để trả nợ đời trước, huynh siêng năng và thông thạo kinh điển không thua kém gì tôi, chỉ vì tánh hay sân giận, nên sau khi mạng chung sẽ mang thân hình xấu xí, nếu tôi đắc đạo ắt sẽ độ huynh.
Nói xong, sư đến Quảng Châu. Gặp khi đất nước bị loạn lạc, trên đường, sư gặp một thiếu niên cầm đao nói với sư:
– Đúng là gặp được ông rồi!
Sư bèn mĩm cười nói:
– Đời trước tôi mắc nợ anh, nay tôi đến đây để trả. Anh giận như thế chính là do oan nghiệp đời trước.
Nói xong, sư đưa cổ ra nhận nhát dao mà không hề biến sắc. Người xem rất đông, ai nấy đều kinh ngạc. Thần thức của sư tái sinh làm thái tử nước An Tức. Sau, sư xuất gia và du hóa đến Trung Quốc. Cuối đời Hán Linh Đế, giặc giả nhiễu loạn ở Quan Lạc, sư bèn đi đến Giang Nam và tự nhũ: “Mình phải qua Lô Sơn để độ bạn đồng học đời trước”. Sư đi đến miếu Cung Đình Hồ, miếu này vốn rất linh thiêng, thương buôn cầu cúng thuyền đi đều được thuận buồm xuôi gió, không bị trở ngại gì. Lần nọ, có người xin thần cây trúc, thần chưa cho mà tự tiện lấy thì lập tức thuyền bị chìm và cây trúc trở về chỗ cũ. Từ đó người đi thuyền thảy đều khiếp sợ. Hơn ba mươi thuyền buôn cùng đoàn với sư đến miếu dâng lễ cầu phước, thần miếu bèn nói:
– Dưới thuyền có sa-môn, hãy mời ông ấy đến đây.
Khách buôn đều kinh ngạc, mời sư vào miếu. Thần bèn nói với sư:
– Thuở xưa, ở nước ngoài, tôi với ngài cùng xuất gia học đạo, tôi ưa bố thí nhưng tánh hay sân giận nên nay đọa làm thần trong miếu này, quanh đây ngàn dặm đều do tôi cai quản. Nhờ phước bố thí nên châu báu của tôi rất nhiều, nhưng do sân giận, nên đọa làm thần. Nay gặp lại bạn xưa, tôi thật vui buồn lẫn lộn. Mạng sống của tôi không còn bao lâu nữa mà thân hình tôi lại quá lớn, nếu như tôi chết ở đây e rằng làm nhơ uế sông hồ, nên tôi phải sang đầm nước ở phía tây ngọn núi. Sau khi chết, thân này có lẽ đọa địa ngục, tôi có một nghìn xấp lụa và nhiều vật quý giá khác, ngài hãy đem số của cải này vì tôi mà xây tháp thờ kinh để tôi được sinh vào cõi lành.
Sư nói:
– Tôi từ xa đến đây để độ ông, sao ông không hiện nguyên hình?
Thần miếu đáp:
– Thân hình của tôi rất xấu xí, e rằng mọi người sẽ khiếp sợ.
Sư bảo:
– Ông cứ xuất hiện đi, mọi người sẽ không sợ đâu.
Nghe vậy, từ sau án thờ thần miếu xuất hiện, đó là con mãng xà rất lớn. Nó đến quì bên gối sư, sư bèn hướng về nó tụng mấy biến thần chú. Mãng xà khóc như mưa, lát sau thì biến mất. Thế rồi sư lấy lụa và các đồ vật cùng với những người thương buôn căng buồm ra đi. Mãng xà đứng trên núi cao nhìn theo, mọi người vẫy tay từ biệt cho đến khi khuất bóng.
Không bao lâu sư đến Dự Chương, mang những đồ vật trong miếu xây dựng Đông tự. Sau khi sư ra đi, vị thần miếu cũng qua đời. Đến chiều hôm ấy, có một thiếu niên lên thuyền quì trước sư, sư chú nguyện xong, thiếu niên liền biến mất. Sư nói với các thương buôn:
– Thiếu niên kia chính là vị thần trong miếu đã lìa bỏ thân hình xấu xí.
Từ đó thần không còn, miếu cũng không còn linh nghiệm.Về sau mọi người thấy xác mãng xà dài mấy dặm nằm trong đầm phía tây ngọn núi. Nơi này, nay chính là thôn Xà thuộc quận Tầm Dương.
Sau đó, sư lại đến Quảng Châu tìm vị thiếu niên đã giết mình đời trước. Lúc này vị thiếu niên vẫn còn ở đó, sư đi thẳng vào nhà nói lại việc trả oán và duyên nghiệp đời trước. Sư vui vẻ nói:
-Tôi còn chút nợ đời trước, nay phải đến Cối Kê[9] để trả cho xong!
Vị thiếu niên mới nhận ra sư là người phi phàm, chợt hiểu và hối hận lỗi lầm trước đây. Ông ta tiếp đãi và cúng dường sư rất nồng hậu rồi theo sư về hướng đông. Khi đến Cối Kê, sư vào chợ, chợt gặp mọi người đang đánh nhau, họ đánh nhầm vào đầu sư, sư liền mạng chung. Vị thiếu niên mới nghiệm ra hai sự báo ứng, bèn siêng năng tu tập, và đem chuyện này kể lại cho mọi người nghe, ai nấy đều cho là kì lạ.
TĂNG HỘI
Sư họ Khương, tổ tiên ở nước Khương-cư, mấy đời ở Thiên Trúc. Cha sư do việc buôn bán nên dời đến Giao Chỉ. Năm sư hơn mười tuổi cha mẹ đều qua đời, chịu tang xong liền xuất gia. Sư là người độ lượng, nhã nhặn, hiểu biết rộng rãi, dốc chí tu học, thông đạt tam tạng, hiểu rộng lục kinh[10] và thiên văn địa lí, lại giỏi việc nói năng, viết lách.
Lúc ấy, Tôn Quyền cai quản vùng Giang Tả, nhưng Phật giáo chưa được lưu hành. Niên hiệu Xích Ô năm thứ mười (247), sư đến Kiến Nghiệp dựng am tranh và tôn trí tượng Phật tu hành. Bấy giờ, dân chúng nước Ngô lần đầu tiên thấy hình bóng sa-môn[11] nhưng chưa biết gì về đạo Phật, họ liền cho là lập dị, nên có người đến tâu Tôn Quyền:
– Có người Hồ vào đất nước chúng ta tự xưng là sa-môn, hình tướng khác lạ, việc này nên xét kĩ.
Tôn Quyền nói:
– Xưa, Hán Minh Đế mộng thấy vị thần, hiệu là Phật. Đạo mà người kia phụng thờ, há chẳng phải di phong của Phật sao?
Ông liền triệu sư vào hỏi:
– Đạo Phật có gì linh nghiệm?
Sư đáp:
– Đức Như Lai đã diệt độ mấy nghìn năm, để lại xá-lợi[12] thần diệu vô cùng. Xưa, vua A-dục cho xây dựng tám vạn bốn nghìn ngôi tháp. Xây chùa tháp là để biểu hiện việc giáo hóa của tiền nhân.
Tôn Quyền cho là hoang đường, bèn bảo sư:
– Nếu có được xá-lợi ta sẽ xây dựng tháp, bằng như dối trá thì quốc gia sẽ có hình phạt.
Sư xin kì hạn bảy ngày, rồi bảo với những người theo mình:
– Phật pháp hưng thịnh hay suy vong chỉ một lần này. Nay không hết lòng chí thành thì sau này hối hận sao kịp?
Thế rồi sư cùng các pháp lữ trì trai giới ở tịnh thất. Sư đặt một bình đồng trên bàn, dâng cúng hương hoa và chí thành đảnh lễ. Kì hạn bảy ngày đã hết mà vẫn vắng lặng không có cảm ứng gì. Sư lại xin thêm bảy ngày nữa, cũng như thế. Tôn Quyền nói:
– Kẻ này dối trá.
Khi sắp chịu hình phạt, sư lại xin thêm bảy ngày nữa, Tôn Quyền lại đặt biệt chấp nhận. Sư bảo với các pháp lữ:
– Khổng Tử có nói: “Văn Vương đã chết, văn không còn ư?” Mây pháp lẽ ra đã giáng mà chúng ta không chí thành, vậy đâu cần đến phép vua. Chúng ta nên lấy cái chết làm kì hạn.
Đến chiều thứ bảy ngày cuối cùng vẫn không thấy có dấu hiệu gì, mọi người đều lo lắng. Canh năm, bỗng nghe trong bình có tiếng leng keng, sư đến xem thì quả thật có xá-lợi. Sáng ra, Tôn Quyền đến cầm bình xá-lợi đổ ra mâm đồng, xá-lợi lăn đến đâu mâm đồng vở vụn đến đó. Tôn Quyền hết sức ngạc nhiên đứng dậy nói:
– Điềm lành hiếm có!
Sư đến bảo:
– Oai thần xá-lợi không chỉ có ánh sáng này mà lửa đốt cũng không cháy, chày kim cang đập cũng không vỡ.
Tôn Quyền liền ra lệnh cho thử. Sư lại phát nguyện:
– Mây pháp che phủ, chúng sanh được thấm nhuần, xin hiện thần tích để hiển bày oai lực linh thiêng.
Tôn Quyền sai đặt xá-lợi lên đe sắt, cho lực sĩ dùng chày đập xuống. Bấy giờ, đe chày đều lỏm vào mà xá-lợi vẫn còn nguyên không bị hư tổn. Tôn Quyền rất thán phục, liền cho xây tháp. Vì ngôi chùa này được xây đầu tiên, cho nên gọi là chùa Kiến Sơ[13], gọi vùng đất đó là làng Phật Đà. Từ đó, Phật pháp ở vùng Giang Tả rất hưng thịnh.
Đến khi Tôn Hạo lên cầm quyền, thực hành chính sách hà khắc, bạo ngược, bỏ việc cúng tế, đập phá chùa Phật. Có lần, ông sai lính vào hậu cung làm vườn, đào đất nhặt được một tượng bằng vàng cao vài thước, đem trình Tôn Hạo. Hạo liền ra lệnh để tượng nơi nhơ uế, lấy nước bẩn rưới lên, rồi cùng với thuộc hạ cười giỡn, lấy đó làm vui. Chỉ trong chốc lát, toàn thân ông ta sưng phù, chỗ kín đau đớn, kêu gào thảm thiết.
Thái sử bốc quẻ bảo:
– Bệ hạ đã phạm đến một vị thần lớn.
Hạo bèn khẩn cầu các miếu, nhưng vẫn không thuyên giảm. Thể nữ liền mang tượng an trí lên điện để thờ, dùng nước thơm tẩy rửa mấy mươi lần, đốt hương lễ bái. Hạo cúi đầu lễ lạy, sám hối tội lỗi mình đã làm. Trong chốc lát, cơn đau giảm đi. Ông liền sai sứ đến chùa thỉnh sư vào thuyết pháp. Sư đến, Hạo hỏi về nguyên do của tội phúc. Sư bèn phân tích tường tận, lời lẽ rất đơn giản mà thiết yếu. Hạo thông minh nên tiếp thu rất nhanh, lòng vui vẻ vô cùng, nhân đó xin sư xem giới luật của sa-môn. Sư cho rằng giới văn cấm bí không thể khinh suất nói ra. Sư bèn lấy một trăm ba mươi lăm nguyện trong kinh Bản Nghiệp, phân làm hai trăm năm mươi điều, đi đứng nằm ngồi đều cầu nguyện cho chúng sinh. Hạo thấy bi nguyện rộng lớn lợi ích khắp nơi, nên phát tâm thiện theo sư thụ trì năm giới. Mười ngày sau liền khỏi bệnh. Hạo bèn sửa sang lại tịnh thất của sư, lệnh cho toàn bộ hoàng thất đều phải tôn kính phụng thờ.
Sư đến triều Ngô luận giảng thuyết kinh pháp, nhưng bản tính của Hạo hung bạo, cạn cợt, không thể tiếp thu hiểu hết nghĩa mầu. Nên sư trình bày những việc báo ứng hiện tại để khai thông tâm ông.
Đến niên hiệu Thiên Kỉ thứ tư (280), Hạo đầu hàng nhà Tấn. Tháng 9, sư lâm bệnh rồi viên tịch, nhằm niên hiệu Thái Khang thứ nhất (280) đời Tấn.
Đến khoảng niên hiệu Hàm Hòa (326) thời Tấn Thành Đế, Tô Tuấn làm loạn, đốt tháp do sư xây cất. Tư không Hà Sung tu sửa, xây dựng lại. Bình tây tướng quânTriệu Dụ, mấy đời không tin Phật pháp, khinh chê tam bảo, đến chùa bảo các vị sư:
– Từ lâu ta nghe nói tháp này nhiều lần phóng ra ánh sáng thật hoang đường, chưa thấy thì không thể tin. Nếu được đích thân nhìn thấy thì không cần bàn luận gì nữa.
Vừa nói xong, bỗng trong tháp phóng ra ánh sáng năm màu, chiếu khắp cả chùa. Triệu Dụ kinh ngạc rúng động toàn thân. Do đó ông kính tin, dựng một ngôi tháp nhỏ ở phía đông chùa.
Đến khoảng niên hiệu Vĩnh Huy (650) đời Đường Cao Tông, sư hiện thân đến đất Việt, tự xưng là tăng du phương, thần khí dị thường, mọi người nhìn thấy đều kinh sợ, không biết thánh hay phàm. Khi ấy, vị tự cương gạn hỏi, mắng chửi đuổi đi. Ra đến cửa, sư liền nói:
– Ta là Khương Tăng Hội! Nếu các vị lưu lại chân thân của ta thì sẽ lợi ích cho già-lam này.
Chỉ trong giây lát, sư đứng thị tịch, hai mắt khép hờ, vẻ tinh anh không mất, hai tay đưa lên như vái chào, chân bước tới như muốn đi. Mọi người bàn nhau đặt sư nằm xuống, rồi đưa vào huyệt mộ để chôn. Thế nhưng, dù họ cố hết sức vẫn không hề lay động. Thấy vậy, mọi người thỉnh nhục thân sư đến vùng đất linh, lập riêng một ngôi miếu để tôn thờ. Người đất Việt chen nhau đem hoa hương, đèn đuốc, lụa là, quả hạt và các phẩm vật khác đến dâng cúng, nếu cầu xin điều gì thì tất cả đều được như nguyện.
Quân lính đến đất Việt, lúc đầu phần nhiều đóng ở chùa Vĩnh Hân, vợ của họ sinh nở, binh sĩ ăn những món tanh hôi làm ô uế già-lam[14], khiến dân chúng không chịu được cảnh đó. Sư bèn hóa thân đến bảo với Mân liêm sứ Lí Nhược Sơ rằng: “Sau này ông làm chức Phiên điều[15] ở đất Việt, tôi nhờ ông dời quân đi nơi khác”. Nói rồi, sư phất áo ra đi, phút chốc bỗng mất dạng. Lí công vừa mừng vừa sợ, ghi nhớ lời nói của sư. Sau đó, quả thật ông được nhậm chức nơi đây. Một hôm, Lí công đến viếng thăm linh tích, và nhận ra người đến nói lúc đó chính là sư. Do đó, ông liền lệnh rút quân ngay khỏi chùa, trở về doanh trại.
Đêm ấy, có một phụ nữ đang sinh con mà không có đèn đuốc, quanh đó cũng không có ánh sáng nào. Bỗng nhiên, có một vị tăng cầm đuốc từ cửa sổ đi vào. Đến sáng, người chồng vào chùa Vĩnh Hân, nhận ra dung mạo sư chính là vị tăng cầm đuốc đến cứu vợ mình. Từ đó, rất nhiều người dân đến cầu xin con trai hoặc con gái. Thuở trước, sư nhiều lần đến trong thôn xin giày cỏ. Vì thế ngày nay rất nhiều người Việt đem giày cỏ, dầu đèn, phan phướn dâng cúng. Sư đều ứng hiện đến nhà của mọi người, việc ấy không thể kể hết. Mọi người gọi sư là “Siêu Hóa Thiền Sư”.
CHU SĨ HÀNH
Sư người Dĩnh Châu, xuất gia từ thuở bé, chuyên nghiên cứu kinh điển. Sư thường giảng kinh Đạo Hạnh, biết văn nghĩa có chỗ sai lạc, khó hiểu, bèn lập nguyện đi tìm Đại Bản[16]. Sư sang Tây Trúc, đến nước Vu-điền[17], thỉnh được bản kinh tiếng Phạn mang trở về Lạc Dương. Bấy giờ, học chúng nước này tâu lên vua:
– Sa-môn đất Hán dùng kinh điển Ba-la-môn[18] giáo làm rối loạn chính điển. Nếu không ngăn cấm e rằng ông ta sẽ mê hoặc người đất Hán.
Nghe vậy, nhà vua ra lệnh không cho phép mang kinh đi. Sư đau buồn vô cùng, bèn xin vua đốt kinh để làm chứng. Vua chấp nhận, và cho người chất củi trước điện để đốt kinh. Sư đến bên đống lửa lớn phát nguyện: “Nếu Phật pháp thật sự lưu truyền ở đất Hán thì xin cho kinh này không bị cháy. Nếu kinh cháy, tôi sẽ hi sinh thân mạng”. Nói xong, sư ném kinh vào lửa, lửa liền tắt còn kinh không cháy một chữ. Mọi người thấy thế, thảy đều tin theo và cho đó là sự cảm ứng thần kì. Sư được phép đưa kinh đến Trung Quốc.
Về sau sư viên tịch ở Vu-điền, hưởng thọ 80 tuổi. Lúc trà-tỳ, tuy lửa đã tắt, nhưng nhục thân sư vẫn còn nguyên vẹn. Mọi người đều kinh ngạc, bèn chú nguyện: “Nếu sư thật sự đắc đạo thì xin cho nhục thân sư vỡ ra”. Vừa dứt lời, nhục thân sư liền vỡ. Nhân đó, mọi người thâu xá-lợi xây tháp cúng dường.
HA-LA-KIỆT
Không rõ họ tên, chỉ biết sư xuất gia từ nhỏ, tụng thông thuộc đến hai trăm vạn lời kinh. Sư tính tình trầm lặng, giữ gìn giới hạnh, dung mạo tuấn tú, oai nghi nghiêm trang, chuyên tâm hành hạnh đầu-đà[19] một mình ở trong núi hoang đồng vắng.
Vào thời Tấn Vũ Đế, niên hiệu Thái Khang thứ chín (288), sư đến Lạc Dương. Bấy giờ, mọi người dự định khai cho sư một khe dẫn nước. Thấy vậy, sư bèn nói:
– Các vị không cần khổ sở vì tôi!
Sư bèn dùng chân trái đạp lên vách đá phía tây thất, vách đá thủng một lổ sâu bằng ngón chân cái, sư vừa nhấc chân lên thì nước phun ra. Dòng nước vừa trong thơm lại mát ngọt, chảy mãi không dừng, những người đến uống đều hết đói khát, dứt bệnh tật.
Đến niên hiệu Nguyên Khang thứ 8 (299), sư ngồi ngay thẳng thâu thần viên tịch. Đệ tử trà-tỳ sư theo phép tắc nước ngoài, lửa cháy nhiều ngày mà nhục thân sư vẫn còn nguyên vẹn. Mọi người thỉnh nhục thân sư về lại thất đá.
KÌ-VỰC
Sư người Thiên Trúc, chu du khắp Hoa Nhung, không trụ một nơi cố định, thần kì siêu việt, tự tại thoát tục, hành vi phi thường, người đương thời chẳng thể đoán được.
Sư rời Thiên Trúc đến Phù-nam[20], men theo bờ biển, lặn lội đến Giao Quảng[21]. Sư có nhiều điểm linh dị. Lúc đến Tương Dương, sư xin đi nhờ thuyền, những người thương buôn thấy vị sa-môn y phục rách rưới, nên khinh thường không cho đi. Nhưng khi thuyền buôn đến bờ bắc thì sư đã đến trước họ. Trên đường đi, sư gặp hai con hổ, nó quặp tai vẫy đuôi. Sư lấy tay xoa đầu chúng, hổ nhường lối cho sư đi, mọi người hai bên bờ thấy vậy nên đi theo sư rất đông.
Cuối thời Tấn Huệ Đế (290-306), sư đến Lạc Dương. Mọi người tranh nhau đến lễ bái, nhưng sư vẫn quì gối thản nhiên, nét mặt không chút biến đổi. Sư thường nói cho mọi người nghe về kiếp trước của họ, như: Chi Pháp Uyên kiếp trước là loài dê, Trúc Pháp Dự kiếp trước là loài người. Sư lại nhắc nhở chúng tăng: “Mặc y phục se sua, là không đúng với phạm hạnh của người xuất gia”. Sư nhìn thấy cung điện thành quách ở Lạc Dương bèn nói:
– Nơi này hao hao như cung trời Đao-lợi[22], nhưng phong cảnh thiên nhiên và con người thì không giống.
Sư nói với sa-môn Kỳ-xà-quật:
– Người thợ xây cung điện này từ trời Đao-lợi xuống, xây xong đã trở về rồi. Dưới những miếng ngói trên nóc đều có khắc họa một nghìn năm trăm hình con linh tinh.
Bấy giờ, thái thú Hành Dương là Nam Dương Tất Vĩnh Văn đang trú trong chùa Mạn Thủy tại Lạc Dương, hai chân ông ta bị co gắp không thể đi được. Sư thấy vậy bèn nói:
– Ông muốn hết bệnh chăng? Sao không đi lấy bát nước sạch và một cành dương liễu đến đây!
Sư dùng cành dương nhúng nước, vẫy lên người Vĩnh Văn và chú nguyện. Làm như thế ba lần, rồi sư xoa bóp lên gối của Vĩnh Văn và bảo ông ta đứng dậy. Ngay lúc ấy, Vĩnh Văn đi lại bình thường như xưa.
Trong chùa này có cây Tư Duy đã bị khô chết, sư hỏi Vĩnh Văn :
– Cây này chết bao lâu rồi?
Vĩnh Văn đáp:
– Đã nhiều năm rồi!
Sư liền chú nguyện cho cây như cách chú nguyện cho Vĩnh Văn. Cây Tư Duy bỗng đâm chồi nẩy lộc, phát triển xanh tươi.
Trong Thượng phương thư có một người bị ung thư gần chết, sư đem bình bát đặt lên bụng người bệnh và dùng vải trắng phủ lên, rồi chú nguyện mấy nghìn lời, liền có mùi hôi xông khắp nhà. Người bệnh nói:
– Tôi sống rồi!
Sư sai người tháo miếng vải, nhìn thấy trong bình bát có mấy thăng[23] chất ối giống như bùn nhơ, hôi không thể tả. Nhờ thế người bệnh lành hẳn.
Bấy giờ, Lạc Dương gặp binh đao loạn lạc, sư trở về Thiên Trúc. Lúc còn ở Lạc Dương, sư được hàng trăm sa-môn thỉnh đến thụ trai, sư đều hứa khả. Sáng sớm, năm trăm tinh xá đều có bóng dáng sư. Ban đầu, họ cứ tưởng riêng chỗ mình mới được sư đến, nhưng khi hỏi ra mới biết sư phân thân đến khắp nơi. Lúc sư từ biệt, mọi người tiễn đến tận thành Hà Nam, sư chỉ đi từ từ mà họ chạy theo không kịp. Sư lấy tích trượng vạch lên đất nói:
– Chúng ta từ biệt tại đây!
Hôm ấy, có một người từ Trường An đến gặp sư trong một ngôi chùa nơi này. Về sau, lại có một khách buôn tên Hồ Thấp Đăng kể lại, cùng chiều ngày hôm đó ông ta cũng gặp sư ở lưu sa[24], tính ra hôm ấy sư đã đi hơn chín nghìn dặm.
Sau khi về lại Tây-vực, không rõ sư viên tịch nơi nào.
PHÁP LÃNG
Thích Khang Pháp Lãng, du học ở Trung Sơn[25]. Khoảng niên hiệu Vĩnh Gia (307-313), sư cùng một vị tỳ-kheo đi về phương tây, vượt qua sa mạc hơn nghìn dặm đến Thiên Trúc.
Trên đường đi, sư thấy một ngôi chùa Phật bên đường bị hư hoại, không có điện thờ, cỏ lau um tùm. Sư cùng pháp lữ đến đỉnh lễ, thấy hai vị tăng, mỗi người một phòng, một người tụng kinh còn người kia bị bệnh lị, phẩn tiểu đầy phòng. Người tụng kinh không hề chăm sóc người bệnh. Sư cùng người bạn thương xót, bèn nấu cháo, quét dọn và tắm rửa cho vị ấy. Đến ngày thứ sáu, bệnh vị ấy càng trầm trọng, đại tiện tuôn như suối. Đêm đó, sư cùng bạn lo liệu, chữa trị, chăm sóc, nghĩ rằng vị ấy không sống đến ngày mai. Nhưng sáng hôm sau, sư đến xem, thấy sắc mặt người bệnh tươi tắn, vui vẻ, bệnh cũ cũng không còn. Trong phòng, những đồ phẩn uế đều biến thành hoa thơm. Sư và pháp lữ mới biết đây là bậc đắc đạo đến thử lòng người. Bấy giờ vị ấy nói:
– Vị tì-kheo phòng bên cạnh là thầy của tôi. Người đã đắc đạo từ lâu, các ông nên đến đỉnh lễ.
Sư cùng bạn trước đó trách vị sa-môn ấy không có lòng từ bi, nay nghe như vậy liền đến đỉnh lễ sám hối. Vị ấy bảo:
– Các ông thật có lòng chí thành, nên đều sẽ được đạo. Nhưng Pháp Lãng đời trước tu học còn nông cạn, nên đời này chưa được như nguyện.
Vị ấy quay sang bảo người bạn của sư:
– Huệ Nhã trồng căn lành sâu dày, nên đời này sẽ được như nguyện!
Nói rồi, vị ấy mời người bạn ở lại, còn sư sau đó trở lại Trung Sơn làm đại pháp sư, đạo tục đều tôn kính.
PHẬT ĐỒ TRỪNG
Sư người Tây Vực, họ Bạch, xuất gia lúc nhỏ, là người giữ giới thanh tịnh, chuyên tâm tu học, tụng làu thông mấy trăm vạn lời kinh điển.
Niên hiệu Vĩnh Gia thứ tư (310), sư đến Lạc Dương với chí nguyện hoằng hóa Phật pháp lớn. Sư giỏi chú thuật, có thể sai khiến quỉ thần. Sư lấy dầu mè trộn phấn sáp, xoa vào lòng bàn tay thì các việc xa ngoài ngàn dặm cũng đều hiện rõ như ở trước mắt. Sư cũng có thể khiến cho người trì trai giới thanh tịnh thấy việc đó. Nghe tiếng linh, sư dự đoán trước những việc sắp xảy ra, tất cả đều hiệu nghiệm.
Sư muốn lập chùa ở Lạc Dương, nhưng gặp lúc giặc Lưu Diệu đang đánh phá ở Lạc Đài, khiến cho kinh đô rối loạn. Vì thế, chí nguyện lập chùa của sư không được thành tựu. Sư bèn ẩn thân nơi hoang vắng để quán sát thế sự biến đổi.
Bấy giờ, Thạch Lặc đóng quân ở Cát Pha, chuyên lấy việc chém giết để làm uy, khiến các sa-môn bị hại rất nhiều. Sư thương xót chúng sinh, muốn đem giáo lí để giáo hóa Thạch Lặc. Thế là, sư đến doanh trại của Thạch Lặc. Sư biết đại tướng Quách Hắc Lược vốn rất tôn sùng Phật pháp, nên sư thẳng đến quân doanh ông ấy để giáo hóa. Quách Hắc Lược xin làm đệ tử, thụ trì năm giới cấm.
Sau đó, Hắc Lược cùng Thạch Lặc đi chinh phạt, ông luôn dự đoán được việc thắng bại, Thạch Lặc nghi ngờ liền hỏi:
– Ta không biết khanh có mưu trí xuất chúng như thế nào, mà khi ra quân thường biết các việc lành dữ như thế?
Quách Hắc Lược đáp:
– Tướng quân là bậc thần vũ trời sinh, vượt trội hơn người, nên được các vị thần linh hỗ trợ. Có một vị sa-môn pháp thuật phi thường, vị ấy bảo rằng tướng quân sẽ chiếm được Khu Hạ[26], nên đã nhận làm quân sư. Những việc thần tâu với tướng quân từ trước đến nay, đều là lời của vị ấy.
Thạch Lặc vui mừng nói:
– Trời đã ban cho ta!
Ông liền triệu sư đến hỏi:
– Đạo Phật có gì linh nghiệm?
Sư biết Thạch Lặc không hiểu được giáo lí sâu xa, chỉ dùng chú thuật mới có thể giáo hóa, liền bảo:
– Đường đến đạo tuy xa, nhưng cũng có thể lấy những việc gần để chứng minh.
Nói xong, sư liền lấy bát đựng đầy nước rồi đốt hương chú nguyện. Phút chốc, trong bát bỗng nở một hoa sen màu xanh, ánh sáng chiếu rực rỡ, do đó Thạch Lặc tin phục. Sư khuyên rằng:
– Phàm là bậc đế vương, nếu biết dùng đức cảm hóa, thấm nhuần khắp thiên hạ thì tứ linh[27] sẽ hiện. Chính sách trị nước hà khắc, đạo đức suy đồi, thì sao chổi sẽ xuất hiện. Những thiên tượng tốt xấu đã hiện thì lành dữ theo sau, đó là lẽ thường xưa nay, cũng là điều răn rõ ràng của trời!
Thạch Lặc nghe thế, lòng rất vui mừng. Từ đó, những người đáng tội chết cũng đều được tha, tám chín phần dân được lợi ích, người Hồ ở Trung Châu[28] cũng đều nguyện thờ Phật.
Lúc ấy, có người bị bệnh động kinh, thầy thuốc khắp nơi không ai chữa trị được. Sư đến chữa thì bệnh liền khỏi. Thạch Lặc từ Cát Pha trở về Hà Bắc rồi nghỉ qua đêm tại Phương Đầu. Đêm đó, có người muốn phá doanh trại, sư liền bảo Quách Hắc Lược:
– Lát nữa có giặc tới, ông nên báo trước cho tướng công biết.
Quả đúng như lời sư nói, nhờ có đề phòng nên không bị thất bại. Có lần, Thạch Lặc muốn thử tài sư, tối đến ông đội mũ trụ, mặc áo giáp, cầm đao ngồi, rồi sai sứ đến báo với sư: “Từ tối đến giờ không biết đại tướng quân ở đâu!”
Sứ giả vừa đến chưa kịp mở lời, sư đã hỏi:
– Nơi này bình yên không có giặc cướp, cớ sao ban đêm phải canh phòng nghiêm mật như thế?
Nghe vậy, Thạch Lặc càng kính phục sư hơn. Sau đó, Thạch Lặc do sân giận, định hại các vị sa-môn và muốn làm khổ sư. Sư bèn tránh mặt đến nhà Quách Hắc Lược bảo:
– Nếu sứ giả của tướng công đến hỏi ta ở đâu, ông hãy trả lời là không biết!
Sứ giả đến tìm không gặp sư, liền trở về báo lại cho Thạch Lặc, ông kinh sợ nói:
– Ta có ý xấu với thánh nhân, nên ngài đã bỏ ta đi rồi!
Suốt đêm ông không ngủ được, suy nghĩ mong gặp được sư. Sư biết Thạch Lặc có ý hối cải, nên sáng sớm liền đến, Thạch Lặc hỏi:
– Đêm qua ngài đi đâu?
Sư đáp:
– Tướng công có tâm phẫn nộ, nên đêm qua tôi tạm lánh mặt. Nay tướng công có ý hối cải, vì thế tôi mới dám đến đây.
Thạch Lặc cười lớn, nói:
– Ngài đã hiểu lầm rồi!
Nguồn nước của con hào thành Tương Quốc nằm dưới miếu Đoàn Hoàn cách thành năm dặm bỗng nhiên khô cạn, Thạch Lặc hỏi sư:
– Làm sao có lại được nguồn nước?
Sư đáp:
– Nay phải ra lệnh cho rồng (Long).
Thạch Lặc tự là Thế Long, nên ông cho rằng sư giễu cợt mình, bèn nói:
– Chính vì Long không thể lấy được nước nên mới hỏi ngài như thế!
Sư liền đáp:
– Đây là lời thành thật, chẳng phải đùa! Tại nguồn nước này nhất định có rồng thần ở. Phải đến bảo nó thì nhất định nước sẽ có lại.
Sư cùng với các đệ tử như Pháp Thủ v.v..và vài người khác đi đến đầu nguồn. Nơi đây, nước đã khô cạn từ lâu, nức nẻ như vết bánh xe. Những người theo sư sinh lòng nghi ngờ, cho rằng khó có được nước. Sư ngồi trên ghế đốt hương An-tức[29], chú nguyện vài trăm lời. Trải qua ba ngày, bỗng nhiên nước tràn mênh mông, chảy đi khắp nơi. Có một con rồng nhỏ dài năm sáu tấc, xuất hiện theo dòng nước. Các vị sa-môn tranh nhau đến xem. Sư bảo:
– Rồng đó có độc, chớ đến gần!
Chỉ trong nhốc lát nước chảy đến đầy khắp các hào, rạch.
Sư ngồi than:
– Hai ngày sau, sẽ có một kẻ tiểu nhân làm kinh động nơi đây.
Bấy giờ, Tiết Hợp ở Tương Quốc có hai người con, tuy còn nhỏ, nhưng tính tình kiêu căng, khinh rẻ kẻ nô bộc Hung nô. Nô bộc phẫn nộ, lấy dao giết người em rồi bắt người anh vào phòng, cầm dao doạ rằng: “Nếu có người vào phòng ta sẽ ra tay”. Rồi hắn nói với Tiết Hợp:
– Nếu đưa tôi trở về nước thì con ông được sống, bằng không tôi cùng chết với nó.
Lúc đó, mọi người kinh sợ không ai dám nhìn, Thạch Lặc đến xem, rồi bảo Tiết Hợp:
– Trả kẻ nô bộc về nước, để bảo toàn tánh mạng của con ông thì thật là một việc tốt. Nhưng nếu cách này lan truyền ra, sẽ di họa về sau. Ông hãy thông cảm, nước có phép nước.
Nói xong, Thạch Lặc sai người bắt nô bộc. Hắn liền giết đứa bé rồi tự sát.
Đoàn Ba người Hung nô đem quân đánh Thạch Lặc, thế giặc rất mạnh. Thạch Lặc sợ hãi hỏi Sư. Sư đáp:
– Hôm qua tiếng linh ở chùa kêu: “Ngày mai vào giờ ngọ sẽ bắt được Đoàn Ba”.
Thạch Lặc lên thành cao quan sát, thấy quân Đoàn Ba trùng trùng điệp điệp. Ông ta thất sắc nói:
– Quân giặc đi dậy đất, làm sao có thể bắt được Đoàn Ba, lời này chỉ vỗ an ta mà thôi!
Liền sai Quỳ An đến hỏi. Sư đáp:
– Đã bắt được Đoàn Ba!
Cùng lúc đó, binh lính mai phục ở phía bắc thành xông ra gặp Đoàn Ba và bắt sống. Sư khuyên Thạch Lặc nên khoan hồng, thả cho Đoàn Ba trở về nước. Thạch Lặc làm theo ý sư, còn quân lính bắt được đem về sung quân.
Lúc đó, Lưu Tái đã chết, em chú bác của Lưu Diệu soán vị, đổi niên hiệu là Quang Sơ. Đến niên hiệu Quang Sơ thứ 8, Lưu Diệu sai em họ là Trung Sơn Vương Lưu Nhạc, dẫn quân đánh Thạch Lặc. Lặc sai Thạch Hổ dẫn bộ binh và kị binh chống cự. Đại chiến xảy ra ở phía tây Lạc Dương, Lưu Nhạc bị thất bại, quay về trấn giữ ở Thạch Lương. Thạch Hổ ra sức bao vây. Sư cùng đệ tử từ Quan Tự đến Trung Tự, mới vào cửa chùa sư than:
– Lưu Nhạc thật đáng thương!
Đệ tử Pháp Tộ hỏi nguyên nhân. Sư nói:
– Nhạc đã bị bắt vào giờ Hợi đêm qua!
Quả đúng như lời sư nói.
Đến năm Quang Sơ thứ 11, Lưu Diệu đích thân xuất binh đánh Lạc Dương. Thạch Lặc muốn tự mình dẫn quân đến đánh Lưu Diệu, nhưng tất cả thuộc hạ đều khuyên can. Thạch Lặc đem việc này hỏi Sư, sư đáp:
– Tiếng linh trên tướng luân[30] kêu rằng: “Tú chi thế lệ cương, bộc cốc câu ngốc đương” đây là tiếng của người Yết (Hung Nô). “Tú chi thế lệ cương” là “xuất”, “bộc cốc” là ngôi vị của Lưu Diệu, “câu ngốc đương” là bắt vậy. Nghĩa là, nếu xuất quân sẽ bắt được Lưu Diệu.
Từ Quang nghe như vậy, cố khuyên Thạch Lặc xuất quân. Thạch Lặc bèn cho trưởng tử là Thạch Hoằng ở lại cùng sư trấn giữ Tương Quốc, đích thân ông dẫn bộ binh và kị binh trung quân, tiến thẳng vào thành Lạc Dương. Hai bên vừa giao chiến, quân Lưu Diệu đã đại bại, ngựa của Diệu bị rơi xuống sông. Thạch Kham bắt sống Lưu Diệu giao cho Thạch Lặc.
Sư lấy dầu xoa trong lòng bàn tay, quan sát thấy trong đó có một người bị đám đông bao vây, lụa đỏ trói tay. Nhân đây, sư bảo Thạch Hoằng:
– Ngay lúc này, Lưu Diệu đã bị bắt sống.
Sau khi bình định được giặc Lưu Diệu, Thạch Lặc tiếm xưng Triệu Thiên vương, hành phép tắc lễ nghi của hoàng đế, đổi hiệu là Nguyên Kiến Bình. Bấy giờ nhằm niên hiệu Hàm Hòa thứ năm (330) đời Tấn Thành Đế. Sau khi Thạch Lặc lên ngôi hoàng đế, ông càng hết lòng tôn kính sư.
Bấy giờ, Thạch Thông có ý muốn tạo phản. Năm ấy, sư căn dặn Thạch Lặc rằng:
– Năm nay trong hành có sâu, ăn vào sẽ có hại, ngài hãy ra lệnh cho nhân dân không được ăn hành.
Thạch Lặc ban sắc cho nhân dân trong nước không nên ăn hành. Đến tháng tám, quả nhiên Thạch Thông trốn chạy. Nhân đây, Thạch Lặc càng tôn trọng sư hơn. Ông muốn làm việc gì, trước đều thỉnh ý sư, sau mới thi hành, ông thường gọi sư là Đại hòa thượng.
Thạch Hổ có người con tên Bân, sau Thạch Lặc nhận làm con, ông rất thương yêu đứa bé này. Một hôm, bỗng nhiên Bân bị bệnh nặng và chết. Qua hai ngày sau, Thạch Lặc nói :
– Ta nghe thái tử Quắc chết mà thần y Biển Thước[31] có thể cứu sống, nay Đại hoà thượng là thần nhân của nước ta, vậy hãy mau đến trình bày, ắt được phúc cứu sống thái tử.
Đến đó, sư liền cầm nhành dương chú nguyện, bỗng nhiên thái tử sống lại, chỉ trong thời gian ngắn thái tử liền bình phục. Do đó, các con nhỏ của Thạch Lặc phần nhiều được đưa vào chùa nuôi dưỡng. Mỗi năm vào ngày mồng tám tháng tư, Thạch Lặc đích thân đến chùa tắm Phật, cầu nguyện cho các con.
Đến tháng tư niên hiệu Kiến Bình thứ tư, bầu trời yên lặng, không chút gió mà trên tháp có tiếng linh ngân lên. Sư bảo đại chúng:
Tiếng linh báo rằng “Năm nay, trong nước có đại tang”. Đúng như dự đoán, tháng 7 năm đó Thạch Lặc chết.
Thái tử Thạch Hoằng kế vị. Không bao lâu, Thạch Hổ soán ngôi, dời đô đến Kiến Nghiệp, đổi niên hiệu là Kiến Võ. Ông dốc lòng phụng thờ sư còn hơn Thạch Lặc.
Lúc ấy, sư dừng lại ở chùa Trung trong thành Kiến Nghiệp. Sư sai đệ tử Pháp Thường đến Tương Quốc. Trong lúc ấy, đệ tử Pháp Tá từ Tương Quốc trở về. Hai người gặp nhau ở thành Lương Cơ, và cùng nghỉ lại nơi đây. Đêm đó, huynh đệ cùng nhau đàm luận về thầy của mình. Khi trời gần sáng, hai người từ biệt. Pháp Tá vừa trở về chùa Trung, liền vào hầu sư. Sư cười vặn hỏi rằng:
– Đêm qua, ngươi và Pháp Thường kề xe nhau cùng nói về Thầy của ngươi phải không? Bậc Thánh xưa có nói: “Người có lòng cung kính, dù ở nơi vắng vẻ cũng không thay đổi; người có lòng thận trọng dù ở một mình cũng không buông lung. Vắng vẻ, một mình là gốc của lòng cung kính và thận trọng, ngươi không biết ư?
Pháp Tá vô cùng kinh ngạc, hổ thẹn xin sám hối. Những người trong nước thường nói với nhau rằng: “Không nên khởi tâm xấu, hòa thượng biết được tâm ông vậy”. Kể từ đây, những nơi sư ở không ai dám hướng về đó mà phóng uế.
Bấy giờ, thái tử Thạch Thúy có hai người con đang ở Tương Quốc. Sư nói với Thạch Thúy:
– Đứa con nhỏ của ông đang bị bệnh, ông nên đến thăm!
Thạch Thúy liền lên ngựa đến đó xem, quả nhiên con của ông bị bệnh đúng như lời sư nói. Thái y Ân Đằng và các đạo sĩ ở nước ngoài bảo là sẽ trị lành. Sư nói với đệ tử Pháp Nha:
– Giả như có thánh nhân xuất hiện cũng không thể trị được chứng bệnh này, huống hồ là các thầy thuốc đó!
Ba ngày sau, quả nhiên đứa bé chết đúng như sư dự đoán. Thạch Thúy đam mê tửu sắc mưu đồ tạo phản. Ông ta nói với hoạn quan:
– Hòa thượng có thần thông, e rằng biết được ý đồ của ta. Sáng mai ông ta đến, ngươi hãy giết đi!
Vào ngày rằm tháng ấy, lúc sắp vào yết kiến Thạch Hổ, sư nói với đệ tử Tăng Huệ:
– Tối hôm qua thiên thần bảo với ta: “Ngày mai nếu có vào cung cũng đừng ghé vào nhà ai”. Nếu ta có ghé thì ông nhớ ngăn ta lại.
Mỗi khi vào triều kiến, sư thường ghé vào phủ của Thạch Thúy. Thạch Thúy biết sư vào, nên chờ đợi rất lâu. Sư định lên Nam Đài thì Tăng Huệ kéo áo lại, sư nói:
– Việc đến nước này thì không thể dừng lại được!
Sư ngồi chưa yên lại vội đứng dậy. Thạch Thúy cố giữ, nhưng không được. Vì thế mà âm mưu của ông ta không thành. Sư trở về chùa than:
– Thái tử mưu đồ tạo phản, sự tình sắp thành nhưng muốn nói cũng khó nói, muốn nhẫn cũng khó nhẫn.
Sư mượn sự việc này từ tốn răn nhắc Thạch Hổ, nhưng Thạch Hổ không hiểu. Không bao lâu, ý đồ tạo phản của Thạch Thúy bại lộ, Thạch Hổ mới ngộ được lời nói của sư.
Về sau, Quách Hắc Lược đem binh chinh phạt rợ Khương ở ngọn núi phía bắc thành Trường An, bị bọn địch vây bắt. Bấy giờ, sư ngồi trong giảng đường cùng với đệ tử Pháp Thường, bỗng nhiên biến sắc đau buồn nói:
– Quách công đã rơi vào vòng vây của địch rồi!
Nói xong, sư bảo chúng tăng cùng với mình chú nguyện. Một lát sau, sư nói:
– Nếu chạy về hướng đông nam thì sống, còn những hướng khác sẽ nguy khốn!
Nói rồi, sư tiếp tục chú nguyện. Trong phút chốc, sư lại nói:
– Thoát rồi!
Hơn một tháng sau, Quách Hắc Lược trở về kể:
– Lúc rơi vào vòng vây của rợ Khương, tôi chạy về hướng đông nam, ngựa đuối sức, bỗng có một thuộc hạ cưỡi ngựa phi tới, hắn ta đẩy ngựa qua cho tôi và bảo: “Ngài hãy cưỡi con ngựa này, tiểu nhân sẽ cưỡi ngựa của ngài, cứu được hay không là tùy vào số mệnh”.
Nhờ đó mà Quách Hắc Lược thoát chết. Nghiệm ra khi ấy chính là lúc sư chú nguyện.
Ngụy đại tư mã yên công Thạch Bân được Thạch Hổ cho trấn giữ U Châu, ông ta tụ tập bọn hung ác làm điều bạo ngược. Sư khuyên Thạch Hổ:
– Tối qua thiên thần có nói với tôi: “Hãy mau chóng thâu ngựa về, mùa thu tới khắp nơi đều (Tề) sẽ bị bệnh dịch bại liệt”.
Thạch Hổ không hiểu lời sư nói, nhưng cũng ra lệnh khắp nơi thâu ngựa về. Đúng mùa thu năm đó, có người đem chuyện Thạch Bân tâu lên Thạch Hổ. Thạch Hổ cho triệu Thạch Bân đến, đánh ba trăm roi và giết mẹ của hắn ta là Tề Thị. Sau đó, Thạch Hổ còn rút tên, dương cung bắn Thạch Bân. Tự giám sát việc phạt Thạch bân như thế mà vẫn cho là nhẹ. Thạch Hổ định tự tay giết năm trăm đồng bọn, nhưng sư liền can:
– Ngài không nên tùy tiện giết hại như thế, người đã chết không thể sống lại. Theo lễ thì vua không nên đích thân giết, làm thế sẽ tổn đến ân đức. Có vị vua nào lại tự tay hành phạt bề tôi!
Nghe thế, Thạch Hổ mới dừng tay.
Về sau, quân Tấn tiến đánh, khiến các vùng Hoài, Tứ, Lũng, Bắc, Ngoã Thành nguy cấp. Khắp nơi cấp báo, lòng người rối loạn. Thạch Hổ giận dữ nói:
– Ta phụng thờ Phật mà vẫn bị nạn ngoại xâm. Phật không linh thiêng sao!
Sáng sớm hôm sau, sư vào triều, Thạch Hổ đem sự việc đó ra hỏi. Sư trách rằng:
– Vào thời quá khứ, bệ hạ đã từng là một thương buôn lớn, thường đến cúng dường một ngôi chùa ở nước Kế-tân[32]. Trong đại hội có sáu mươi vịA-la-hán, tôi cũng có dự trong hội đó. Bấy giờ có một vị đã đắc đạo nói với tôi: “Người thương buôn này sau khi mạng chung đọa làm thân gà, rồi sau đó sinh lại làm vua nước Tấn”. Nay bệ hạ đã làm vua, há chẳng phải đã có phúc ư! Biên cương giặc giả là lẽ thuờng của đất nước, sao bệ hạ lại oán trách Tam Bảo, khởi niệm ác độc như thế!
Nghe vậy, Thạch Hổ tỉnh ngộ, quỳ xin sám hối. Thạch Hổ hỏi sư:
– Đạo Phật cấm sát sinh, trẩm làm vua thiên hạ nếu không dùng hình phạt thì không thể giữ yên đất nước. Trẩm làm như vậy là đã trái với giới sát sinh, dù phụng thờ Phật cũng đâu được phước!
Sư đáp:
– Bậc đế vương phụng thờ Phật là ở thân cung kính tâm tri thuận, xiển dương Tam bảo, không làm điều bạo ngược, không hại kẻ thế cô. Đối với kẻ bạo ngược, vô lại, nếu không giáo hóa thì họ không sửa đổi được. Kẻ có tội không thể không giết, người độc ác không thể không gia hình. Nhưng, người đáng giết thì giết, kẻ đáng hành hình thì hành hình. Nếu bạo ngược, tùy tiện giết người vô tội, thì dù có đem hết của cải để phụng sự Phật pháp cũng không thoát khỏi tai họa. Xin bệ hạ hãy giảm bớt sự tham muốn và ban trải lòng từ đến muôn loài. Có vậy, Phật pháp mới luôn hưng thịnh, ân đức bệ hạ thấm nhuần muôn phương.
Thạch Hổ tuy không làm theo hết như lời sư khuyên, nhưng ích lợi từ lời dạy của sư cũng không nhỏ.
Thượng thư của Thạch Hổ như Trương Li, Trương Lương.v.v.. hết lòng phụng thờ Phật pháp, mỗi nhà đều xây một ngôi tháp lớn. Thấy thế, sư nói:
– Phụng thờ Phật cốt là trong lòng thanh tịnh, không tham muốn, biết thương xót mọi loài. Đàn việt tuy thờ phụng Phật pháp, nhưng lòng tham lam, bỏn sẻn chưa dứt, săn bắn vô độ, tích chứa không cùng, e sẽ chịu tội trong đời hiện tại, mong gì có được phước báo?
Về sau, Trương Li, Trương Lương đều bị giết chết.
Lúc ấy, ở vùng đó hạn hán kéo dài, từ tháng giêng đến tháng sáu, Thạch Hổ sai thái tử đến cửa sông Tây Phủ ở Lâm Chương để cầu mưa, trải qua một thời gian lâu vẫn hạn hán. Thạch Hổ liền thỉnh sư đến. Ngay lúc ấy, bỗng có một con rồng trắng hai đầu xuất hiện ở miếu. Ngày đó mưa lớn đổ xuống khắp nơi, năm ấy mùa màng bội thu. Dân Nhung Mạch[33] lúc đầu chưa biết đến Phật pháp, nhưng nghe danh sư là bậc thần thông, nên từ xa họ hướng đến lễ bái. Sư không nói một lời mà vẫn cảm hóa được họ.
Có lần, sư sai đệ tử đến Tây Vực mua hương. Sau đó, sư bảo với các đệ tử khác rằng:
– Nhìn trong lòng bàn tay, ta thấy người đệ tử đi mua hương đang ở chỗ kia bị cướp sắp giết chết.
Từ xa, sư liền đốt hương chú nguyện để cứu người đệ tử. Sau đó vị ấy trở về kể lại:
– Ngày ấy, tháng ấy tại nơi ấy con sắp bị bọn cướp giết, bỗng nhiên nghe mùi hương lạ. Không biết duyên cớ gì, bọn cướp sợ hãi nói: “Cứu binh đã đến!” Nói rồi, bọn chúng bỏ chạy.
Sau đó, Thạch Hổ đến trùng tu ngôi tháp ở sông Lâm Chương, nhưng thiếu thừa lộ bàn Sư liền bảo:
– Dưới ngôi tháp cổ của vua A-dục trong thành Lâm Truy có thừa lộ bàn và tượng Phật, bên trên cây cối tốt tươi, ông đào lên sẽ thấy.
Sư liền vẽ bản đồ trao cho sứ giả, sứ giả y lời, đào lên liền thấy Thừa lộ bàn và tượng Phật.
Thạch Hổ có ý định đánh nước Yên, sư liền ngăn:
– Vận thế của nước Yên chưa hết, nên rất khó thắng.
Mấy lần Thạch Hổ đem quân đánh, nhưng đều thất bại, mới tin lời sư.
Hoàng Hà từ lâu không có loài ba ba, nhưng nay bỗng nhiên người dân ở đó bắt được một con đem dâng lên Thạch Hổ. Sư thấy vậy liền than:
– Không bao lâu Hoàng Ôn sẽ vào!
Ôn tự là Nguyên Tử[34]. Về sau, quả đúng như lời sư nói.
Lúc ấy, ở huyện Ngụy có một lưu dân[35], không rõ họ tên, thường mặc y phục thô xấu, vào chợ xin ăn, nên lúc bấy giờ gọi ông là Ma Nhu[36], lời nói thật siêu việt, nhưng hình dáng giống như người điên. Khi xin được gạo cơm lại không ăn, mà vãi tung lên đường, nói:
– Cho ngựa trời ăn!
Thái thú Triệu Hưng cho người bắt ông ta đem đến Thạch Hổ. Trước đó, sư có bảo với Thạch Hổ:
– Ngày đó, tháng đó, từ phía đông của đất nước hai trăm dặm, sẽ đưa đến một người khác thường, nhưng chớ giết ông ta!
Đúng kì hạn ấy, quả nhiên Ma Nhu đến. Thạch Hổ cùng ông ta đàm luận, nhưng ngôn ngữ bất đồng. Ông ta chỉ nói:
– Sau này, bệ hạ mạng chung dưới “nhứt trụ điện”!
Thạch Hổ không hiểu lời này, liền dẫn Ma-nhu đến chỗ sư.
Sư cùng với ông ta đàm luận suốt ngày mà mọi người không thể hiểu được. Có người trộm nghe, chỉ hiểu được vài lời, xét kĩ thì giống như họ đang bàn luận việc cách đây đã vài trăm năm.
Thạch Hổ sai người đem xe ngựa đưa ông ta về chốn cũ. Lúc ra khỏi thành, ông từ chối và xuống đi bộ. Ông nói:
– Tôi phải ghé một nơi, thành thật xin lỗi, không thể đi cùng. Ông đến cầu Hợp Khẩu dừng lại đợi tôi.
Sứ giả liền vâng lời ra đi. Chưa đến cầu Hợp Khẩu đã thấy Ma Nhu đứng trên cầu. Tính ra, ông đi nhanh như bay.
Đêm nọ, Thạch Hổ mộng thấy đàn dê mang những con cá từ hướng đông bắc đến. Thức dậy, ông liền đến hỏi sư, sư đáp:
– Điềm mộng này không tốt! Bộ tộc Tiên Ti sẽ chiếm ở Trung Nguyên sao!
Quả thật về sau họ Mộ Dung định đô ở đây.
Có lần, sư cùng Thạch Hổ đang ở giảng đường, bỗng sư giật mình nói:
– U Châu đang bị hoả thiêu!
Sư liền vẫy rượu.
Hồi lâu, sư cười nói:
– Đã cứu được rồi!
Thạch Hổ cho người đến U Châu kiểm chứng. Quả đúng ngày đó lửa bốn phía bốc cháy, bỗng từ hướng nam có đám mây đen bay đến, mưa xuống dập tắt ngọn lửa, trong mưa có mùi rượu.
Tháng bảy, niên hiệu Kiến Vũ thứ mười bốn (317), Thạch Tuyên và Thạch Thao mưu đồ giết hại nhau. Thạch Tuyên đến chùa, cùng với sư ngồi trên tháp, bỗng một tiếng linh reo lên, sư bảo với Thạch Tuyên:
Ông hiểu tiếng linh nói gì không? Tiếng linh nói rằng: “Hồ tử lạc độ!”
Thạch Tuyên biến sắc nói:
– Lời này có ý gì?
Sư liền nói lãng đi:
– Lão hồ tu đạo mà không thể ở trong núi, cũng không quan tâm đến nệm dày, áo đẹp. Đây há chẳng phải “lạc độ” ư?
Thạch Thao đến sau, sư nhìn chằm chằm, ông ta lo lắng hỏi sư, sư đáp:
– Kì lạ! Máu của ông có mùi hôi, cho nên tôi nhìn ông như thế.
Tháng tám, sư bảo hơn mười người đệ tử đến thất riêng, sư cũng vừa từ cửa hướng đông đi vào. Thạch Hổ cùng Đỗ hậu đến thăm hỏi. Sư bảo:
– Bên hông có giặc! Nội trong mười ngày, từ tháp này đến phía tây, từ điện này đến phía đông sẽ có đổ máu, chớ đi về hướng đông.
Đỗ hậu nói:
– Hòa thượng đã lớn tuổi, e đã nhầm lẫn! Nơi này sao lại có giặc?
Sư liền nói tránh đi:
– Lục tình[37] đều là giặc. Tôi tự biết mình đã già, nhưng cũng có thể giúp cho người sáng suốt!
Sư liền dùng ngụ ngôn mà không nói rõ mục đích. Hai ngày sau, quả đúng Thạch Nghi sai người đến chùa giết Thạch Thao, và thừa lúc Thạch Hổ đến viếng tang để hành thích. Thạch Hổ nhờ sư răn trước nên thoát nạn. Việc bại lộ, Thạch Nghi bị bắt. Sư can ngăn Thạch Hổ:
– Đã là con của bệ hạ sao lại gia hình phạt nặng như thế? Nếu bệ hạ nén lòng giận, trải lòng từ, thì có thể sống đến 60 tuổi. Nếu bệ hạ giết, thì Thạch Nghi sẽ làm sao chổi quét sạch Nghiệp cung[38] này.
Thạch Hổ không nghe, dùng móc sắt xỏ cằm Thạch Nghi kéo đến để trên đống củi và đốt, lại còn bắt hơn ba trăm thuộc hạ của Thạch Nghi cột vào xe, kéo khắp nơi, phanh thây ném xuống sông Chương. Sư liền bảo các đệ tử rời khỏi thất riêng.
Hơn một tháng sau, có một con ngựa xuất hiện, bờm và đuôi đều có vết cháy. Nó chạy vào cửa Trung Dương và ra cửa Hiển Dương, rồi quay đầu về đông chạy vào đông cung, nhưng đều không vào được. Nó lại chạy về phía đông bắc, trong chốc lát không thấy nữa. Nghe kể, sư liền than:
– Tai họa sắp đến rồi!
Đến tháng mười một, Thạch Hổ thết đãi quần thần ở điện Đại Vũ. Sư ngâm rằng:
– Điện! Điện! Cây gai thành rừng, làm rách áo người!
Thạch Hổ liền cho người đào đá dưới điện xem xét, quả có cây gai mọc ở đó.
Sư trở về chùa, nhìn tượng Phật nói:
– Thật buồn, không được trang nghiêm!
Rồi tự nói một mình:
– Được ba năm ư?
Và tự đáp:
– Không được! Không được!
Sư lại nói:
– Được hai năm, một năm, một trăm ngày, một tháng ư?
Và tự đáp:
– Không được!
Rồi sư im lặng trở về phòng, bảo đệ tử Pháp Tộ:
– Năm Mậu Thân tai họa bắt đầu manh nha, năm Kỉ Dậu họ Thạch sẽ bị tiêu diệt. Nhân lúc giặc chưa nổi loạn, ta thị tịch trước vậy!
Sau đó, sư sai người đến từ biệt Thạch Hổ rằng: “Tất cả sự vật theo lẽ hẳn dời đổi, thân mạng khó bảo toàn. Thân gánh vác đạo pháp này đã đến lúc phải ra đi. Đã mang ân sâu nặng, nên kính cẩn tâu với đại vương vậy!”
Thạch Hổ buồn bã nói:
– Không nghe hòa thượng bị bệnh, sao nay bỗng nhiên Ngài bảo sẽ thị tịch?
Ông liền đích thân đến chùa thăm hỏi. Sư nói với Thạch Hổ:
– Đến đi, sống chết đó là lẽ thường, mạng sống dài ngắn phân định rõ ràng không thể kéo dài thêm. Phàm, đạo trọng ở chỗ hạnh vẹn toàn, đức quí ở chỗ tâm không giải đãi. Nếu giữ gìn giới đức không khiếm khuyết, dù chết đi nhưng vẫn không mất. Còn như ngược lại, thì dù được kéo dài thêm mạng sống tôi cũng không muốn. Nay tôi có điều muốn nói: Đó là nên vì quốc gia để tâm vào Phật lý, tuân phụng giáo pháp, không tâm tham tiếc, xây dựng chùa miếu cao rộng trang nghiêm, với phúc đức đó, phải hưởng được phúc lạc. Nhưng, đường lối cai trị hà khắc, hình phạt tàn bạo, bên ngoài trái với thánh điển, bên trong trái với giới pháp. Nếu không xem xét điều sai trái để sửa đổi thì hoàn toàn không có phúc đức. Nếu biết điều phục tâm ý, thay đổi suy nghĩ, ban ân đức cho muôn dân thì vận nước sẽ kéo dài, đạo tục đều được lợi lạc, dù tôi có mất đi cũng không hối tiếc.
Thạch Hổ khóc lóc ngẹn ngào, biết chắc ngài sẽ thị tịch. Ông liền cho xây một ngôi mộ tháp lớn. Đến mùng 8 tháng 12, sư thị tịch ở chùa Nghiệp Cung, nhằm năm thứ tư niên hiệu Vĩnh Hòa (345-357) đời Tấn Mục Đế. Quan dân buồn thương gào khóc chấn động cả đất nước. Sư thọ thế 117 tuổi, nhập tháp ở ngoại thành, phía tây sông Chương, tức là nơi Thạch Hổ đã xây cất.
Không bao lâu, Lương Độc nổi loạn, qua năm sau Thạch Hổ mất. Nhiễm Mẫn soán ngôi, tiêu diệt toàn bộ họ Thạch. Mẫn lúc nhỏ tự là Cức Nô, đúng như lời sư tiên đoán ngày trước “Cức mọc thành rừng”.
Bên ngực trái của sư có một lỗ hổng rộng khoảng bốn, năm tấc thông xuống bụng. Sư lấy bông bít lại, ban đêm muốn đọc sách, rút bông ra thì ánh sáng rực chiếu khắp phòng. Vào ngày trai, sư đến bến sông lấy ruột ra, rửa xong lại nhét vào bụng.
Sư cao tám thước[39], thân hình đoan nghiêm, tinh thông kinh điển, ngoài ra còn am tường các thuyết thế gian. Lúc sư giảng đều nêu cao tông chỉ, khiến cho văn từ trước đến sau đều rõ ràng dể hiểu, lại trải tâm từ thấm nhuần quần sanh, thường cứu giúp những nguy khổ.
Đương thời, hai vua họ Thạch hung ác bạo ngược vô đạo. Nếu không có sư thì ai có thể khuyên can đây? Nhưng hàng ngày trăm họ được lợi ích mà không biết vậy. Trúc Phật-điều, Tu-bồ-đề v.v.. mấy mươi danh tăng từ Thiên Trúc, Khương Cư, không ngại đường xa vạn dặm, lặn lội qua sa mạc đến sư xin thọ học. Thích Đạo An ở Phiền Miện, Trúc Pháp Nhã ở Trung Sơn, vượt qua bao núi sông hiểm trở đến nghe sư thuyết giảng, họ đều thông đạt yếu chỉ sâu xa. Sư kể rằng:
– Quê ta ở cách Kiến Nghiệp hơn chín vạn dặm, bỏ tục vào đạo một trăm lẻ chín năm, rượu không thấm môi, quá ngọ không ăn, việc trái giới không làm, không tham, không cầu. Đệ tử thân cận thường có mấy trăm, tổng cộng môn đồ khoảng một vạn, lập tám trăm chín mươi ba ngôi chùa ở các châu, quận mà ta đã đến. Việc hoằng pháp hưng thịnh trước nay chưa từng có.
Lúc trước, khi Thạch Hổ liệm sư, có lấy bình bát và tích trượng của sư lúc sinh tiền bỏ vào quan tài. Nhưng sau, Nhiễm Mẫn soán ngôi, sai người mở ra thì chỉ còn lại bình bát và tích tượng, không thấy thi hài của sư.
Có người nói:
– Sư mất được một tháng, có người thấy sư ở sa mạc.
Thạch Hổ nghi ngờ sư còn sống, liền cho người quật mộ, mở quan tài ra xem, chỉ thấy một hòn đá. Thạch Hổ nói:
– Thạch là trẫm vậy! Sư chôn ta rồi ra đi!
Không lâu sau, Thạch Hổ mất.
Mộ Dung Tuấn đống đô tại Kiến Nghiệp ở trong cung điện của Thạch Hổ. Một hôm, mộng thấy cọp (Hổ) cắn cánh tay mình, ý bảo Thạch Hổ quấy phá. Mộ Dung liền cho người tìm mộ của Thạch Hổ, đến Đông Minh Quán quật mộ lên, thấy thi thể Thạch Hổ vẫn còn nguyên vẹn, Dung Tuấn đạp chân lên thi thể Thạch Hổ, mắng rằng:
– Đã chết rồi sao còn dám dọa thiên tử đang sống? Ông xây xong cung điện, nhưng lại bị con ông mưu đoạt, huống gì là người khác!
Mắng rồi, ông ta dùng roi đánh và ném thây Thạch Hổ xuống sông Chương. Thi thể Thạch Hổ vướng chặt vào chân cầu. Tướng nhà Tần tên Vương Mãnh trông thấy liền vớt lên chôn cất. Đúng như lời Ma Nhu đã nói “nhất trụ điện” vậy.
Về sau, Phù Kiên chinh phạt Kiến Nghiệp, con Dung Tuấn là Vĩ bị đại tướng của Phù Kiên là Quách Thần Hổ bắt. Nghiệm lại thật đúng điềm mộng Mộ Dung Tuấn thấy cọp lúc trước.
PHẬT ĐIỀU
Không rõ họ tên, chỉ biết sư là đệ tử của ngài Phật Đồ Trừng. Sư đến ở chùa Thường Sơn nhiều năm, tính tình chất phác, không nói lời hoa mỹ, do đó người bấy giờ rất coi trọng sư.
Ở Thường Sơn có hai anh em nhà nọ rất mến mộ Phật pháp, nhà ở cách chùa khoảng một trăm dặm. Vợ người anh bị bệnh nặng, đưa đến cạnh chùa để gần thầy thuốc. Người anh là đệ tử sư, sớm chiều đến chùa học hỏi tu tập. Một hôm, bỗng nhiên sư đến nhà của họ, người em hỏi thăm sư về bệnh tình của chị dâu và sức khỏe anh trai mình. Sư nói:
– Bệnh của chị dâu con có bớt chút đỉnh, còn anh trai thì vẫn khỏe!
Sau khi sư đi rồi, người em cũng cưỡi ngựa theo sau. Đến nơi, anh em thăm hỏi nhau, khi người em nói đến việc sáng nay hoà thượng có đến nhà, người anh kinh ngạc nói:
– Sáng sớm nay, hòa thượng không ra khỏi chùa, sao em gặp ngài được?
Hai anh em tranh cãi nhau rồi cùng đi hỏi sư, sư chỉ mĩm cười, không đáp. Thấy vậy, hai anh em đều lấy làm lạ.
Có lần, sư một mình vào ở trong núi sâu, trải qua một năm rưỡi nhưng chỉ mang theo vài đấu lương khô, thế nhưng khi trở về lương khô vẫn còn dư. Lần nọ, có người theo sư vào núi, đi được vài mươi dặm thì trời đã chiều, tuyết xuống rất nhiều. Sư đi vào ngủ trong hang cọp. Cọp trở về đành phải ngủ trước hang. Sư thấy vậy nói:
– Chiếm chỗ của ngươi, ta thật hổ thẹn quá!
Nghe vậy, hổ cụp tai đi xuống núi. Mọi người thấy thế thảy đều kinh hãi.
Về sau, sư dự báo ngày ra đi, mọi người gần xa đều về thăm, sư nói:
– Trời đất lâu dài mà còn hư hoại, huống là con người lại mong được trường tồn sao! Nếu có thể tẩy trừ tam cấu[40], chuyên tâm nơi chân tịnh, thì vận mạng tuy khác nhưng vẫn cùng tụ hội.
Mọi người đều rơi lệ cố giữ sư ở lại. Sư nói:
– Sống chết có số mạng, làm sao cầu xin được!
Sư bèn trở về phòng tọa thiền, lấy y trùm đầu, an nhiên thị tịch.
Vài năm sau, tám người đệ tử tại gia của sư vào ngọn núi phía tây đốn cây, chợt thấy sư đứng trên đỉnh núi cao, áo quần đẹp đẽ, nét mặt tươi vui. Mọi người vừa kinh ngạc vừa vui mừng, cùng cúi đầu đỉnh lễ và thốt lên:
– Hòa thượng còn sống ư!
Sư đáp:
– Ừ! Ta vẫn còn sống đây! Xin hỏi thăm những người quen biết cũ, được không?
Đối đáp một hồi lâu, sư mới ra đi. Tám người đều gác lại công việc, trở về nhà kể lại với những người đồng tu học, ai cũng muốn kiểm chứng. Họ cùng đào mộ và mở quan tài sư ra, quả nhiên không thấy thi thể, chỉ thấy y phục sư mà thôi.
PHÁP TUỆ
Sư người Quan Trung, tính tình ngay thẳng, có giới hạnh, vào núi Tung Cao xin làm đệ tử ngài Phù-đồ-mật.
Niên hiệu Kiến Nguyên thứ nhất (343) thời Tấn Khương Đế, sư đến ở chùa Dương Thúc Tử tại Tương Dương. Sư không nhận thỉnh thụ trai riêng mà hàng ngày đi khất thực, mang theo thằng sàng[41], hể gặp đường vắng thì bày ra mà ngồi. Gặp lúc trời mưa, sư dùng áo choàng để che. Khi mưa tạnh, người ta chỉ thấy thằng sàng mà không thấy sư đâu. Mọi người hỏi nhau chưa dứt lời thì sư đã xuất hiện.
Có lần sư nói với đệ tử Pháp Chiêu:
– Đời trước ông chặt chân gà, quả báo nay sắp đến rồi!
Không bao lâu, Pháp Chiêu bị người ném, đôi chân tàn tật suốt đời.
Sau, sư nói với đệ tử:
– Ở cánh đồng kia có một ông lão sắp qua đời, ta muốn độ ông ấy!
Nói xong, sư đến bên bờ ruộng, quả thấy một ông lão đang dẫn trâu cày. Sư đi theo ông lão xin con trâu, ông lão không cho. Sư đến phía trước tự tiện xỏ mũi trâu lôi đi. Ông lão sợ hãi, cho là lạ kỳ bèn đưa trâu cho sư. Sư dẫn trâu đi và chú nguyện, đi được bảy bước rồi trở lại trả trâu cho ông lão. Vài ngày sau, ông lão qua đời.
Về sau, Chinh tây Dữu Trữ Cung trấn giữ Tương Dương. Người này không tin Phật pháp, nghe sư có những điều phi thường nên đem lòng đố kị. Sư nói với đệ tử:
– Nợ kiếp trước của ta đã tìm đến rồi!
Sư khuyến khích mọi người siêng năng tu tập phước thiện.
Hai ngày sau, quả nhiên sư bị bắt và bị hành hình, thọ 58 tuổi. Lúc sắp mạng chung, sư dặn dò mọi người:
– Ba ngày sau khi ta chết, trời sẽ có một trận mưa lớn.
Đến kỳ, quả có một trận mưa lớn, nước ngập cửa thành sâu đến một trượng, người dân chết chìm rất nhiều.
-Hết quyển 1-
Chú thích:
[1] Kinh Kim quang minh 金光明經: (S: suvarna-prabhāsottama-sūtra) kinh 4 quyển, do ngài Đàm-vô-ấm dịch vào đời Bắc Lương, Trung Quốc, được xếp vào đại chính tạng tập 16.
Nội dung gồm 19 phẩm, chủ yếu nói về sự hộ vệ quốc gia của chư thiên và các thiện thần.
[2] Kinh Tứ thập nhị chương 四十二章經: kinh 1 quyển, do hai ngài Ca-diếp ma-đằng và Trúc Pháp Lan dịch vào đời Hậu Hán, Trung Quốc, là bộ kinh Phật giáo được phiên dịch sớm nhất ở Trung Quốc, được xếp vào Đại chính tạng tập 17.
Nội dung mỗi chương ngắn gọn, nêu bậc trọng điểm giáo nghĩa Phật giáo và các việc, chứng quả của sa-môn, các nghiệp thiện ác…và nói rộng vè nghĩa xuất gia học đạo.
[3] Bạch Mã 白馬寺: Chùa ở phía đông Lạc Dương, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, được xây dựng vào năm 75 đời vua Minh đế thời Đông Hán.
[4] Chiên-đàn tượng 旃檀像: Tượng Phật Thích-ca bằng gỗ chiên-đàn, do vua Ưu-điền mời vị trời Tì-thủ-yết-ma tạc để tưởng nhớ Đức Phật Thích-ca tong thời gian ba tháng Ngài lên cung trời Đao Lợi thuyết pháp cho mẹ.
[5] Kiếp hỏa 劫火: Cg: Kiếp tận hỏa, Kiếp thiêu. Hỏa tai khởi lên vào kiếp Hoại. Trong thời kì Hỏa tai, trên trời xuất hiện bảy mặt trời, các tầng trời từ cõi Sơ thiền trở xuống đều bị kiếp hỏa thiêu đốt.
[6] Thất diệu七曜: bảy ngôi sao: Nhật. Nguyệt, Hỏa, Thủy, Mộc, Kim, Thổ. Thông thường, bảy
[7] Ngũ hành 五行: năm yếu tố: Thủy, hỏa, kim, mộc, thổ. Năm thứ này vận hành không dứt trong trời đất, nó là yếu tố nẩy nở và sinh trưởng muôn vật.
[8] A-tì-đàm 阿毘曇: pháp môn A-tì-đàm, tức Phát trí luận là Lục túc luận, là cửa thông vào niết-bàn, đối lại với Côn-lặc môn, Không môn.
[9] Cối Kê 會稽: tên một quận, nay thuộc phía đông của tỉnh Giang Tô, phía tây tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc.
[10] Lục kinh 六經: Sáu cuốn sách cổ của Trung Hoa, gồm kinh Thi, kinh Thư, kinh Dịch, kinh Lễ, kinh Nhạc và kinh Xuân Thu. Khi nói Ngũ kinh tức là không kể kinh Nhạc .
[11] Sa-môn 沙門 : Sa-môn: S: śramaṇa, P: samaṇa. Hán âm: Thất-la-mạt-noa, Xá-ra-ma-noa; Thất-ma-na-noa, Ma-na-noa, Sa-ca-mãn-nang. Cg: Sa-môn-na, Sa-văn-na, Sa-môn, Tang-môn , Táng-môn. Hán dịch: Cần lao, Công lao, Cù lao, Cần khẩn, Tĩnh chí, Tịnh chí, Tức chỉ, Tức tâm, Tức ác, Cần tức , Tu đạo, Bần đạo, Phạp đạo. Người xuất gia cạo bỏ râu tóc, dứt bỏ các điều ác, khéo điều hòa thân tâm, siêng năng làm các việc thiện để mong đạt đến Niết-bàn
[12] Xá-lợi 舍利: tử thi, di cốt. Thông thường chỉ cho di cốt của Phật, gọi là cốt Phật, Phật xá-lợi. Về sau cũng chỉ cho xương còn sót lại sau khi thiêu nhục thân của vị Cao tăng.
[13] Chùa Kiến Sơ 建初寺: Cg: Tụ Bảo Sơn, Báo Ân tự. Chùa ở bên ngoài Tụ Bảo Môn, Thiên Tử Tự thuộc ngoại thành Kiến Nghiệp,(nay là huyện Giang Ninh tỉnh Giang Tô), Trung Quốc, do vua nước Ngô là Tôn Quyền xây dựng vào khoảng năm 247.
[14] Già-lam 伽籃: Cg: Tăng-già-lam, khu vườn nơi chúng tăng cư trú, thường gọi là tự viện.
[15] Phiên điều 藩條: chức Thứ sử.
[16] Đại bản大本 : Chỉ cho kinh Vô Lượng Thọ.
[17] Vu-điền 于闐 (S: ku-stana; cg: Khê đan): Tên một vương quốc xưa ở Tây vực. Nước này đất đai hơn phân nữa là sa mạc, khí hậu ấm áp, tính người khiêm cung ôn hòa, kính chuộng Phật Pháp. Kinh điển truyền vào Trung Quốc phần nhiều phải đi qua xứ này.
[18] Bà-la-môn 婆羅門 (S: Bràhmana): Giai cấp tăng lữ, là giai cấp cao nhất trong bốn giai cấp ở xã hộ Ấn Độ cổ. Chính giai cấp Bà-la-môn này làm lũng đoạn tất cả hệ tri thức của Ấn Độ thời ấy. Họ tự cho mình là dòng dõi cao quí nhất.
[19] Đầu-đà 頭 陀 (S: dhùta): Tu tập để dứt bỏ tham trước y phục, uống ăn, chổ ở… ngõ hầu điều phục thân tâm.
[20] Phù-nam 扶南: Tức nước Campuchia, nằm trên bán đảo Đông dương, bắc giáp Lào, nam giáp vịnh Thái Lan, đông giáp Việt Nam, tây giáp Thái Lan, vốn là một quốc gia lấy Phật giáo là, quốc giáo.
[21] Giao Quảng : Giao châu và Quảng châu.
[22] Đao-lợi 忉利天 ( S: trāyastriṃśa). Tần trời thứ hai trong sáu tần trời ở cõi Dục.
[23] Thăng : Tên một đơn vị đo lường ngày xưa, bằng một phần mười của đấu. Ta thường đọc là thưng.
[24] Lưu sa: Vùng sa mạc rộng lớn ở Mông Cổ
[25] Trung Sơn 中 山: Tên một quốc gia xưa, do người Tiễn Nô thành lập cuối thời Xuân Thu. Nay thuộc huyện Định tỉnh Hà Bắc.
[26] Khu Hạ 區夏: Vùng đất của Chư Hạ, chỉ cho Hoa Hạ ở Trung Quốc.
[27] Tứ linh 四靈: Long, lân, qui, phụng.
[28] Trung châu 中州: Xưa là Dự châu, nằm giữa vùng đất Cữu châu, nên gọi lả Trung châu.
[29] Hương An-tức 安息香: (S: Guggula) Cg: Càn-đà-la thụ hương. Một loại hương liệu do nhựa cây An-tức đông đặc mà thành. Loại cây này cao lá rụng, phần nhiều mọc ở Ấn Độ, Sumảta, Thái Lan, Ba Tư. Cây cao hơn một mét, lá hình bầu dục bóng láng, hoa bên trong màu nâu đỏ, bên ngoài màu trắng, da cây màu xám tro, nhựa cây có thể làm thuốc và chế làm hương đốt. Phần nhiều lấy cây này xay thành bột trộn với keo để cho đóng cứng lại mà thành. Hương liệu này, đầu tiên do người thương buôn nước An-tức mang vào Trung Quốc, nên gọi là An-tức hương.
[30] Tướng luân 相輪:(Cg: thừa lộ bàn) kiến trúc hình tròn dẹp được xếp chồng lên nhau trên phần “bình đầu” của tháp Phật. Tương truyền, tướng luân là một phần trong toàn bộ tháp theo kiểu dáng củ Ấn Độ.
[31] Biển Thước 扁鵲: Tên một danh y thời Hoàng đế, thượng cổ Trung Hoa — Hiệu của Trần Việt Nhân, người đất Mạc thời Chiến quốc, học thuốc với Trường Tang Quân, nổi tiếng thần y. Người đời tặng hiệu là Biển Thước.
[32] Kế-tân 罽賓: Tên của một nước Tây vực đời nhà Hán, phíá bắc Ấn Độ, ngày nay gọi nước n`y là Ca-thấp-di-la.
[33]Nhung Mạch 戎貊: Tức hai dân tộc Nhung và Mạch; Mạch là tên khác của Bắc Địch một dân tộc thiểu số ở tây bắc. Nhung ở phía tây, Địch ở phía bắc.
[34] Nguyên tử : Là con trưởng của chư hầu và thiên tử.
[35] Lưu dân: Người không có nghề nghiệp nhất định, sống lang thang đây đó. Đám dân bị đày tới miền xa.
[36] Ma nhu : Chỉ cho áo vải thô xấu.
[37] Lục tình 六情: Sáu căn. Các kinh điển cựu dịch phần nhiều dịch là “lục tình”. Vì sáu căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý đều có tình thức nên gọi là lục tình.
[38] Nghiệp Cung 鄴都: Chỉ cho cung điện ở Nghiệp Đô, cuối đời Hán, do Nguỵ Vương Tào Tháo định đô ở đây.
[39] Thước: Một thước Trung Quốc băng 1/3 mét ta.
[40] Tam cấu 三垢: thuật ngữ Phật giáo, tức là tam độc: tham, sân, si.
[41] Thằng sàng: Một loại ghế xếp mà mặt ghế và tựa lưng được đan bằng dây.