1
2
3
4

Truyện Các Vị Tỳ Kheo Ni

Tì Kheo Ni [Truyện, Truyền]

Lương Bảo Xướng soạn

Bản Việt dịch của Chúc Giải – Huệ Hạnh – Diệu Tuyền

***

QUYỂN 1

Từng nghe, lòng dạ kiên trinh, ý chí vững bền, khí tiết đặc biệt đâu phải hoàn toàn do bẩm tính tự nhiên mà phải dốc lòng kính ngưỡng, noi theo những bậc có đức hạnh cao vời. Cho nên, kẻ ngưỡng mộ Nhan Uyên[1] thì đồng bạn với Nhan Uyên, người chuộng ngựa hay thì sẽ cưỡi được ngựa giỏi. Hơn nữa, người có phong cách tốt đẹp, đạo đức cao thượng sẽ lưu lại tiếng thơm muôn đời. Do vậy, người viết ghi lại lời này chỉ mong những kẻ chậm lụt nên noi theo lời nói và việc làm của các vị thời gần đây, ngõ hầu lấy đó làm gương để răn dạy người đời sau. Thế nên, dẫu muốn quên lời nhưng không thể được.

Xưa, đấng Đại Giác ứng hiện nơi thành La-vệ[2]. Ánh sáng trí tuệ của Ngài chiếu sáng khắp cõi Diêm-phù[3], làm chỗ nương tựa cho ba cõi, làm nơi qui ngưỡng của bốn loài[4].

Giáo đoàn tì-kheo-ni được hình thành và phát triển bắt đầu từ di mẫu Ái Đạo. Từ đó, việc chứng đắc giai vị và thể nhập đạo quả bên hàng ni giới đời đời không dứt, góp phần làm cho kho tàng giáo pháp lưu truyền rộng rãi như ánh mặt trời tỏa sáng khắp không trung.

Từ khi Đức Thế Tôn hiện thân thị tịch tại rừng Song Thụ, thành Câu-thi[5], trải bao thời kì thăng trầm hỗn tạp; dần dà thời thế suy vi, con người khi thì giữ được niềm tin, lúc lại sinh tâm phỉ báng; có người vừa nêu bày lời hay, ý đẹp thì bị kẻ khác chê bai, bác bỏ. Đó là sự phá hoại của những kẻ bất tài.

Sở dĩ chính pháp suy rồi lại hưng là do các bậc hiền triết duy trì. Vào thời tượng pháp[6], sau khi giáo pháp được truyền sang Trung Quốc, ni sư Tịnh Kiểm là vị ni đầu tiên được xuất gia, thụ giới. Trải qua mấy trăm năm, các vị ni thạc đức nối nhau xiển dương chính pháp, như ni sư Thiện Diệu, Tịnh Khuê là những vị chuyên hành khổ hạnh đến tận cùng; ni sư Pháp Biện, Tăng Quả là những người đạt được chỗ sâu mầu của thiền quán; đến như ni sư Tăng Đoan, Tăng Cơ là những vị lập chí không bao giờ lui sụt; ni sư Diệu Tướng, Pháp Toàn là những người truyền pháp rộng rãi làm chấn động khắp nơi. Các bậc ni lưu như thế dù ở bất cứ nơi nào cũng luôn nêu bật những lời vàng, thước ngọc của đức Như Lai, đem giáo pháp sâu mầu đến tận những nơi núi rừng hiểm trở. Thật xứng đáng là những bậc hiền tài xuất thân từ các tông phái Phật giáo, những vị thực hành pháp tứ y[7] vào cuối thời tượng pháp làm rạng danh cho ni giới.

Về sau, thời thế xoay vần suy thoái, thanh qui[8] dần dần bị mai một, khí tiết và phong cách cao thượng ấy đáng làm khuôn phép cho nghìn đời. Tiếc thay, chí nguyện và việc làm của các vị lại chưa được tập hợp ghi chép thành sách vở. Từ mấy năm nay, mỗi khi nghĩ đến điều này, tôi thường cảm khái thở than, nên bắt đầu gom nhặt các bài bia kí, kệ tụng và sưu tầm tất cả thư tịch, hoặc hỏi thăm những người học rộng nghe nhiều, hoặc tìm đến những bậc trưởng thượng, rồi sắp xếp theo thứ tự trước sau mà viết thành tập truyện này.

Trong khoảng từ đầu niên hiệu Thăng Bình (357-361) đời Đông Tấn đến cuối niên hiệu Thiên Giám (502-519) đời Lương, có khoảng sáu mươi lăm vị ni sư không ưa chốn phồn hoa thị thành mà chỉ thích sống với chân lí đích thực.

Tập truyện này được hình thành, chỉ mong người tìm cầu giải thoát gắng sức suy nghĩ và tu tập sánh bằng các bậc hiền đức thời xưa.

Trong quá trình biên soạn, không sao tránh khỏi sự sai sót vụng về, mong chư tôn đức và các bậc thiện tri thức hoan hỉ bổ chính cho những chỗ còn thiếu sót.

***

Truyện 1: NI SƯ TỊNH KIỂM Ở CHÙA TRÚC LÂM, ĐỜI TẤN

Ni sư họ Trọng, tên là Linh Nghi, người Bành Thành[9]. Cha ni sư giữ chức thái thú[10] Vũ Uy[11]. Thuở nhỏ, ni sư rất hiếu học; lớn lên, lập gia thất, nhưng không may đã sớm mất chồng, gia cảnh nghèo khó nên thường dạy đàn và sách vở cho những kẻ quyền quí tha hương.

Một hôm, nhân nghe pháp, ni sư khởi lòng kính tin, ưa thích nhưng chưa biết thưa hỏi với ai. Về sau, ni sư gặp sa-môn Pháp Thỉ là một vị thông hiểu kinh điển.

Vào giữa niên hiệu Kiến Hưng (313-317), đời Tấn, thầy xây chùa ở cửa phía tây cung thành. Ni sư đến đấy và được nghe thầy thuyết pháp, nhân đó đại ngộ. Vì mong cầu lợi ích của chính pháp và nghĩ mình đang lúc khỏe mạnh, nên ni sư mượn kinh sách của thầy để xem và nhận được ý chỉ sâu xa.

Hôm nọ, ni sư thưa thầy:

– Trong kinh có ghi: “Tì-kheo, tì-kheo-ni”. Nay xin thầy cho con được xuất gia.

Thầy bảo:

– Bên Ấn Độ có hai chúng nam và nữ, nhưng ở đây chưa đủ giới pháp ấy.

Ni sư thưa:

– Kinh đã ghi: “Tì-kheo, tì-kheo-ni”, lẽ nào lại có một giới pháp khác?

Thầy bảo:

– Người nước ngoài nói: “Bên ni có năm trăm giới”. Đó chính là điểm khác biệt. Cô nên đến hỏi hòa thượng.

Hòa thượng dạy:

– Giới của ni phần lớn giống giới bên tăng, chỉ khác vài chỗ, nếu không nhận được điểm khác nhau ấy thì nhất định không được truyền. Bên ni có mười giới được lĩnh thụ từ bên đại tăng, nhưng nếu không có hòa thượng ni thì không có người để y chỉ.

Ngay đó, ni sư tự cạo tóc, xin hòa thượng cho thụ mười giới. Lúc ấy, có hai mươi bốn người cũng có tâm nguyện như ni sư. Họ cùng nhau xây chùa Trúc Lâm ở cửa phía tây cung thành. Thời đó chưa có thầy ni, nên họ theo ni sư học hỏi.

Vượt hơn các vị hòa thượng có đức độ là sa-môn Trí Sơn người Tây Vực[12] đang sống ở nước Kế-tân[13], là vị có trí tuệ, bao dung, độ lượng, chuyên tu tập thiền quán và tụng niệm.

Vào cuối niên hiệu Vĩnh Gia (307-313), đời Tấn, sư sang Trung Quốc khất thực để nuôi sống bản thân, những điều nói ra cốt là để hoằng dương đạo pháp, nhưng lòng tin của con người thời ấy còn cạn mỏng, chưa ai biết cầu mong hay thưa hỏi.

Đến niên hiệu Kiến Vũ thứ nhất (317), sư trở về nước Kế-tân. Sau đó, Phật-đồ Trừng[14] từ Ấn Độ sang kể lại công hạnh và đức độ của sư. Nghe xong, mọi người đều cảm thấy hối tiếc.

Ni sư nuôi dạy đồ chúng có phép tắc rõ ràng và thanh cao thoát tục, thuyết pháp giáo hóa có ảnh hưởng rất lớn như gió thổi rạp cỏ.

Vào niên hiệu Hàm Khang (335-342), đời Tấn, sa-môn Tăng Kiến thỉnh được các bộ Tăng-kì-ni, Yết-ma và Giới bản tại nước Nhục-chi[15].

Vào ngày 8 tháng 2 niên hiệu Thăng Bình thứ nhất (357), ni sư thỉnh được vị sa-môn người nước ngoài là Đàm-ma-kiệt-đa lập giới đàn tại Lạc Dương.

Cũng vào đời Tấn, sa-môn Thích Đạo Tràng cho nhân duyên giới kinh rất khó trao truyền, nên pháp sự ấy không thành tựu. Nhân đó, ni sư cùng với ba vị đồng một đàn giới đi thuyền vượt qua sông Tứ, đến chỗ đại tăng để xin thụ giới cụ túc. Vào đời Tấn, ni sư là vị tì-kheo-ni đầu tiên trên mảnh đất Trung Hoa này.

Ngay ngày yết-ma truyền giới, có mùi thơm đặc biệt lan tỏa khắp nơi, đại chúng đều nghe thấy, ai nấy vô cùng vui mừng và càng thêm kính trọng ni sư. Nhờ gìn giữ giới hạnh nghiêm mật, chí tu học không ngừng nghỉ, nên ni sư có rất nhiều thí chủ. Tuy nhiên, được cúng dường bao nhiêu thì ni sư phân phát bấy nhiêu, lúc nào cũng ưu tiên cho người, còn mình thì nhận sau cùng.

Vào cuối niên hiệu Thăng Bình (357-362), ni sư bỗng nghe phảng phất mùi thơm trước đây và thấy một luồng ánh sáng đỏ, lại có cô gái cầm cành hoa năm màu từ trên hư không đi xuống. Thấy vậy, ni sư vô cùng vui mừng và bảo đại chúng:

– Các vị hãy khéo tu trì, giờ ta đi đây!

Nói xong, ni sư chắp tay từ biệt mọi người, rồi bay thẳng lên trời. Đoạn đường ni sư lướt qua sáng rỡ như cầu vồng. Năm đó, ni sư bảy mươi tuổi.

Truyện 2: NI SƯ AN LINH THỦ Ở CHÙA KIẾN HIỀN, NƯỚC TRIỆU

Ni sư họ Từ, người huyện Đông Quản[16]. Cha ni sư tên là Xung, làm quan ngoại binh lang cho nước Triệu. Thuở nhỏ, ni sư rất thông minh, hiếu học, lời nói tao nhã, lưu loát, tính cách thanh cao, giản dị, không ưa cuộc sống thế tục, chỉ thích thảnh thơi, nhàn nhã, an định, lấy Phật pháp để tự vui, không thích lập gia đình.

Một hôm, cha ni sư bảo:

– Con nên lập gia đình, đâu thể ở như vậy được.

Ni sư thưa:

– Con nguyện một lòng tu học Phật đạo, hoàn toàn không muốn lập gia đình. Cho dù mọi người khen hay chê, con vẫn không thay đổi. Bản tính con trong sáng, ngay thẳng, tự biết đủ, thì đâu cần phải tuân giữ tam tòng[17] mới được xem là đúng khuôn phép.

Người cha bảo:

– Con muốn sống độc thân thì chỉ có ích cho bản thân, làm sao phụ giúp cha mẹ được.

Ni sư thưa:

– Con lập chí hành đạo là vì muốn cứu độ tất cả chúng sinh, huống là cha mẹ ư!

Thấy cô con gái đã quyết chí, người cha đem việc này đến hỏi ngài Phật-đồ Trừng. Sư bảo:

– Ông hãy về nhà, ăn chay, ba ngày sau trở lại đây.

Ông Xung làm theo lời dạy. Sau đó, sư lấy cây yên chi[18] mài với dầu mè, lấy phấn ấy bôi vào lòng bàn tay phải của ông Xung, rồi bảo ông nhìn vào đấy. Tức thời, ông nhìn thấy một vị sa-môn có hình dáng như người nữ đang giảng pháp giữa hội chúng đông người. Ông trình bày đầy đủ việc này với sư. Nghe xong, sư bảo:

– Vị ấy là tiền thân của con ông. Đời trước, cô ấy xuất gia, làm lợi ích cho tất cả chúng sinh. Trước kia, cô ấy đã từng làm việc như thế, giờ đây nếu ông thuận theo chí nguyện của cô thì họ hàng của ông sẽ vẻ vang, phát đạt, khiến ông cũng được giàu sang, thoát khỏi biển khổ sinh tử, đạt đến bờ giải thoát.

Vâng lời sư, ông Xung trở về, cho phép con mình xuất gia. Ni sư theo sư xuất gia, thụ giới với ni sư Tịnh Kiểm và xây chùa Kiến Hiền. Sư lấy vải tốt do vua Thạch Lặc[19] cúng dường còn sót lại cắt may thành y bảy điều và lấy chiếc bình rửa hình vòi voi trao cho ni sư.

Ni sư xem tất cả sách vở, vừa đọc qua là đã thuộc lòng, trí thấu hiểu ý chỉ sâu xa, tâm quán chiếu nghĩa lí tường tận. Những người học đạo đương thời không ai không kính trọng ni sư. Nhân đó, có hơn hai trăm người phát tâm xuất gia. Ni sư còn tạo dựng năm, sáu ngôi tinh xá và không ngại độ bọn cướp vì ni sư cho rằng, chỉ cần siêng năng chịu khó thì họ đều tu học thành tựu. Từ đó, Thạch Hổ[20] rất kính phục ni sư.

Về sau, ông Xung được đề cử làm thái thú Thanh Hà giữ chức huỳnh môn thị lang[21].

Truyện 3: NI SƯ TRÍ HIỀN Ở TÂY TỰ, TƯ CHÂU

Ni sư họ Triệu, người Thường Sơn. Cha ni sư tên là Trân, phụ tá huyện lệnh[22] Liễu. Thuở nhỏ, ni sư đã có ý chí kiên trinh, khí tiết cao thượng. Đến khi xuất gia, ni sư giữ gìn giới hạnh vẹn toàn, tâm trí an định, sáng suốt, rỗng rang, không tạp loạn.

Thái thú Đỗ Bá rất sùng tín đạo Hoàng Lão, không ưa đạo Phật. Ông ta ra lệnh các chùa hẹn ngày tuyển chọn người có cốt cách cao vời hội đủ các tiêu chuẩn qui định để đào thải những kẻ tầm thường. Nghe tin ấy, các vị trẻ tuổi đều sợ hãi chạy trốn, riêng ni sư không lo sợ, nét mặt tươi vui, an nhiên như bình thường.

Trường bắn ở ngoài thành tập trung toàn là các bậc tuổi cao đức trọng. Đến ngày thi tuyển, trong số ni chúng chỉ có một mình ni sư là người khỏe khoắn, mạnh mẽ. Trước hết, Đỗ Bá thử cốt cách của ni sư thì hội đủ các tiêu chuẩn. Dáng vẻ của ni sư thanh cao, dịu dàng, lời nói trong sáng, khôn khéo. Đỗ Bá vốn có tâm xấu xa, ép ni sư ở lại một mình. Biết lòng dạ ông ta, ni sư nguyện không hủy phạm giới pháp. Bất kể đến tính mạng, ni sư lớn tiếng chống cự lại. Đỗ Bá nổi giận, dùng dao chém vào ni sư đến hơn hai mươi nhát, khiến ni sư bất tỉnh, ngã lăn ra đất. Khi hắn bỏ đi, ni sư mới tỉnh lại.

Từ đó, ni sư càng thêm tinh tiến gấp bội, chỉ ăn rau quả và thực hành khổ hạnh. Ni sư có hơn trăm người đệ tử, lúc nào cũng hòa hợp như nước với sữa. Đến khi Phù Kiên[23] soán ngôi, nghe danh tiếng ni sư, ông ta rất kính trọng, may ca-sa[24] bằng gấm lụa trị giá đến trăm vạn lượng vàng để ban tặng ni sư, ba năm mới hoàn thành.

Sau, ni sư sống ở Tây tự, Tư châu, hoằng dương chính pháp, làm cho mọi người phát khởi tín tâm và theo đó thực hành.

Vào giữa niên hiệu Thái Hòa (366-371) đời Tấn, đã ngoài bảy mươi tuổi, ni sư vẫn thường tụng kinh Chính pháp hoa[25], một ngày đêm là trọn bộ. Chim chóc thường bay đến đậu quanh chùa. Những lúc ni sư kinh hành, chúng hót vang, bay lượn theo sau ni sư.

Truyện 4: NI SƯ DIỆU TƯỚNG Ở BẮC NHẠC, HOẰNG NÔNG

Ni sư họ Trương, tên là Bội Hoa, người Hoằng Nông. Cha ni sư tên là Mậu, gia đình vốn giàu có, sung túc. Thuở nhỏ, ni sư đã nghiên cứu kinh sách của các bậc thánh hiền.

Năm ni sư mười lăm tuổi, gặp lúc quan thái tử xá nhân[26], người thuộc bộ tộc Thát Đát[27] ở vùng phía bắc Trung Quốc, đang chịu tang cha, nên không thể đi sính lễ. Do không thích lập gia đình, nên ni sư xin từ hôn. Nhân đó, ni sư xin xuất gia và được cha đồng ý. Ni sư chỉ ăn rau quả, tinh tiến tu học, để tâm rong chơi trong kho tàng chính pháp và thông đạt được pháp tướng.

Ni sư sống trong một nơi hoang vắng ở phía tây Ấm lâm, thuộc Bắc Nhạc[28], Hoằng Nông. Ni sư có rất nhiều đệ tử, ai cũng thích cuộc sống thanh thoát, an nhàn. Ni sư ẩn thân ở đó hơn hai mươi năm, chuyên tu khổ hạnh ngày càng tinh tiến. Mỗi khi thuyết pháp độ người, ni sư thường sợ người nghe không chú tâm, có khi phải rơi nước mắt để mọi người cùng hiểu. Vì thế, những người được ni sư chỉ dạy đều đạt được nhiều lợi ích.

Vào giữa niên hiệu Vĩnh Hòa (345-357) đời Tấn, thái thú Hoằng Nông thỉnh cúng dường bảy ngày. Một hôm, thấy vị cư sĩ ngồi trên tòa thưa hỏi về Phật pháp mà lời nói cao ngạo, không khiêm tốn, ni sư nghiêm mặt nói:

– Ông chẳng những có kiến chấp cao ngạo mà còn quá coi thường vị quan trưởng ở đây. Sao lại vô lễ, tự cho mình là hơn hẳn mọi người?

Nói xong, ni sư cáo bệnh, rồi lui về. Những kẻ đạo tục thời ấy đều khen ngợi, cảm phục ni sư.

Sau, ni sư bị bệnh nằm trên giường nhiều ngày. Khi lâm chung, thần sắc rất tươi tỉnh, ni sư bảo các đệ tử:

– Không luận là giàu hay nghèo, hễ có sinh ắt có tử, hôm nay thầy từ biệt các con.

Nói xong, ni sư thị tịch.

Truyện 5: NI SƯ KHANG MINH CẢM Ở CHÙA KIẾN PHÚC

Ni sư họ Chu, người Cao Bình. Lúc chưa xuất gia, ni sư tu theo kinh Đại thừa. Một hôm, ni sư bị tên cướp bắt giữ, hắn muốn ép làm vợ. Ni sư phải chịu nhiều khổ sở, thề không chịu nhục, nên bị đày đi chăn dê suốt mười năm. Ni sư rất muốn về thăm quê hương, nhưng không biết đường đi, nên thường nghĩ đến tam bảo và mong được xuất gia.

Ngày nọ, gặp một vị tì-kheo, ni sư liền xin thụ năm giới và được vị tì-kheo trao cho quyển kinh Quán Thế Âm[29]. Nhận được kinh, ni sư tụng trì suốt ngày đêm không nghỉ, cầu mong được về đến nhà để xây tháp năm tầng. Không dằn được nỗi lòng, ni sư đành bỏ trốn, đi về phía đông. Hoàn toàn không biết đường đi, ni sư phải trèo đèo lội suối suốt ngày đêm. Đi thẳng đến một ngọn núi, ni sư thấy có con hổ vằn chỉ cách ni sư vài bước. Lúc đầu, ni sư vô cùng sợ hãi; nhưng chốc lát nhiếp niệm lại, quyết tâm đi tiếp theo sau hổ, trải qua nhiều ngày thì đến được Thanh châu. Khi sắp vào thôn xóm, hổ bỗng nhiên biến mất.

Vào làng, ni sư lại bị Minh Bá Liên bắt giữ, nên viết thư gửi về nhà để chồng con đến chuộc về. Sau khi về nhà, bị gia đình ngăn cản, chí nguyện chưa thành tựu, nên ni sư rất buồn khổ. Từ đó, ni sư nỗ lực không ngừng suốt ba năm ròng, dốc chí thiền định, giữ gìn các học giới, nếu có lỡ phạm thì sám hối trong nhiều ngày, chủ yếu thấy được tướng tốt mới thôi. Các tướng tốt như là thấy mưa hoa, hoặc nghe tiếng nói giữa hư không, hoặc thấy hình tượng Phật, hoặc đêm mộng thấy điềm lành… Năm tháng trôi qua, công phu tu tập càng thuần thục, rất nhiều nam, nữ ở vùng phía bắc Trường giang đến nương tựa ni sư và kính thờ như bậc thầy.

Mùa xuân niên hiệu Vĩnh Hòa thứ tư (348), đời Tấn, ni sư cùng với mười vị như Tuệ Trạm v.v… vượt qua Trường giang, đến vùng đất của quan tư không[30] tên là Hà Sung. Vừa gặp ni sư, ông Sung vô cùng kính trọng. Lúc đó, ở kinh đô chưa có chùa ni, ông Sung sửa nhà riêng của mình thành chùa, rồi cúng dường ni sư. Ông ta hỏi ni sư:

– Nên đặt tên chùa là gì?

Ni sư trả lời:

– Ngày nay, nước Tấn mới có đủ bốn bộ chúng[31], chùa chiền do đàn-việt[32] xây cất đều nhằm tạo phúc nghiệp, nên đặt tên là “Kiến Phúc tự”.

Thế là ông thuận theo lời ni sư.

Về sau, ni sư bị bệnh trong thời gian ngắn, rồi qua đời.

Truyện 6: NI SƯ ĐÀM BỊ Ở CHÙA VĨNH AN

Ni sư họ Đào, người Kiến Khang, Đan Dương. Từ nhỏ, ni sư đã có lòng tin trong sạch, muốn tu học chính pháp. Vì không có anh em, chỉ một mình sống với mẹ, nên ni sư hết lòng phụng dưỡng mẹ, bà con xóm làng ai cũng khen ngợi.

Vào tuổi thành niên, có người đến dạm hỏi, nhưng ni sư không bằng lòng. Người mẹ chiều ý con mình, nên cho phép xuất gia. Ni sư giữ giới hạnh rất tinh nghiêm, ngày đêm không lười mỏi.

Mục đế đời Tấn kính trọng ni sư, lấy lễ mà đón tiếp. Vua thường ca ngợi:

– Càng nhìn lâu, thấy ni sư càng đẹp.

Vua nói với Chương hoàng hậu họ Hà:

-Kinh đô này ít có vị tì-kheo-ni nào đẹp như Đàm Bị!

Đến niên hiệu Vĩnh Hòa thứ mười (354), hoàng hậu cho xây chùa ở làng Định Âm để cúng dường ni sư, đặt tên là Vĩnh An (nay là chùa Hà Hậu). Ni sư hóa độ chúng sinh với tâm khiêm hạ, chưa từng tỏ vẻ kiêu căng hay xem thường người khác. Nhờ vậy, danh tiếng ngày càng vang xa, mọi người xa gần tấp nập kéo về, trong đó có khoảng ba trăm người theo làm đệ tử ni sư.

Niên hiệu Thái Nguyên thứ hai mươi mốt (396), ni sư viên tịch, thọ bảy mươi ba tuổi.

Đệ tử Đàm La tinh thông kinh luật, tài nghệ khéo léo, là người được thừa kế sự nghiệp của ni sư, lại xây tháp bốn tầng, giảng đường, phòng ốc và dựng điện thờ tượng Phật nhập niết-bàn cùng bảy Đức Phật đời quá khứ[33].

Chú thích:

[1] Nhan Uyên 顏淵: người học trò cực hiền của Khổng Tử.

[2] La-vệ 羅衛 (S: Kapila-vastu): Tức đô thành Ca-tì-la-vệ, nơi Đức Phật đản sinh và cũng là vương quốc của dòng họ Thích-ca, nay là Tilorakot, Ta-rai, Népal.

[3] Diêm-phù閻浮 (S: Jambu-dvīpa): vốn chỉ cho Ấn Độ, về sau chỉ chung cho thế giới nhân gian.

[4] Bốn loài 四生: bốn cách sinh sản khác nhau của loài hữu tình trong sáu đường thuộc ba cõi. Bốn loài là 1. Noãn sinh: loài sinh ra từ trứng, như ngỗng, khổng tước, gà, rắn…; 2. Thai sinh: loài sinh ra từ thai mẹ, như con người, ngựa, trâu, bò…; 3. Thấp sinh: loài sinh ra từ khí ẩm ướt ở những nơi ẩm thấp, như các loài thiêu thân, muỗi, sâu, mối mòng…; 4. Hoá sinh: loài không chỗ nương tựa mà bỗng nhiên sinh ra, như các loài hữu tình: chư thiên, địa ngục, trung hữu, đều do nghiệp lực đời quá khứ mà hóa sinh.

[5] Câu-thi 拘尸 (S: Kuśinagara): đô thành Câu-thi-na-yết-la ở Trung Ấn Độ, nơi Đức Phật nhập niết-bàn.

[6] Tượng pháp 像法: thời kì mà giáo pháp tương tợ với thời chính pháp. Thời kì này chỉ có giáo thuyết và người tu hành thì ít người chứng quả.

[7] Tứ y 四依: bốn điều y chỉ. Ở đây chỉ hành tứ y: bốn hành pháp mà người tu hành y chỉ. Bốn hành pháp này là duyên để nhập đạo, là chỗ y chỉ của bậc thượng căn lợi khí. Đó là mặc y phấn tảo, thường đi khất thực, ngồi dưới gốc cây và dùng trần hủ dược.

[8] Thanh qui 清規: những qui định tổ chức trong tự viện mà chúng tăng cần phải tuân thủ để cho đại chúng được thanh tịnh.

[9] Bành Thành 彭城: tên một vùng đất cổ thuộc miền trung tỉnh Hà Nam ngày nay.

[10] Thái thú 太守: chức quan cao nhất cai trị trong một quận.

[11] Vũ Uy 武威: danh hiệu tướng quân thời xưa.

[12] Tây vực 西域: danh từ Tây Vực nói trong lịch sử không có phạm vi nhất định, tên gọi các nước Tây Vực cũng tùy theo sự chuyển biến của thời đại mà thay đổi. Còn danh từ Tây Vực trong lịch sử Phật giáo là chỉ cho các vùng phải đi qua khi truyền Phật giáo từ Ấn Độ sang Trung Quốc bằng đường bộ. Trong các nước, những nước có quan hệ với Phật giáo như: về phía tây Thông Lĩnh có Nhục-chi, An Tức, Khương-cư, Kiền-đà-la, Kế-tân; về phía đông Thông Lĩnh có Vu-điền, Chước-cú-ca, Qui-tư, Sơ-lặc, Cao Xương (nay là Thổ-lỗ-phồn).

[13] Nước Kế-tân 罽賓國: một nước cổ ở bắc Ấn Độ, nay thuộc Kaśhmir.

[14] Phật-đồ Trừng佛圖澄 (232-348): cao tăng người Thiên Trúc (có thuyết nói là người Qui-tư). Sư họ Bạch, trì luật rất nghiêm, có hành tung rất huyền bí như thần thông, chú thuật. Đệ tử xuất gia gần một vạn người, thường có vài trăm vị theo hầu sư. Ni sư An Linh Thủ là một trong những đệ tử của sư.

[15] Nước Nhục-chi月支國: một nước thuộc phía tây Ấn Độ.

[16] Đông Quản東莞: một huyện thuộc tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.

[17] Tam tòng三從: ba đức tính mà người phụ nữ thời xưa phải suốt đời tuân giữ. Đó là ở nhà thì theo cha, lập gia đình thì theo chồng, chồng mất thì theo con.

[18] Yên chi 臙脂: loại cây hột có phấn trắng.

[19] Thạch Lặc 石勒 (274-333): vị vua thứ nhất của nhà Hậu Triệu trong mười sáu nước Ngũ Hồ, Trung Quốc. Tính ông hung hãn, hiếu sát, nhân dân rất ghê sợ. Ngài Phật-đồ Trừng bất nhẫn trước cảnh sinh linh đồ thán nên hiện thần thông giáo hóa ông. Ông rất tin phục, tính nóng lần lần giảm bớt, tâm hiếu chiến lắng dịu và cho phép người Hán xuất gia.

[20] Thạch Hổ 石虎 (295-349): tên vị vua đời thứ ba của nhà Hậu Triệu trong mười sáu nước Ngũ Hồ, Trung Quốc, là cháu họ của vua Thạch Lặc, tự là Quí Long, dũng mãnh không ai bằng, giỏi đánh giặc, rất được Thạch Lặc coi trọng. Sau khi Thạch Lặc qua đời, Tử Hoằng nối ngôi, phong Thạch Hổ làm tướng và phong chức Ngụy vương. Năm 334, ông giết Tử Hoằng rồi lên ngôi. Ông rất tôn thờ và kính tin ngài Phật-đồ Trừng, bất cứ việc gì cũng đều thưa hỏi sư rồi mới làm. Phật giáo miền bắc Trung Quốc nhờ đó mà được hưng thịnh.

[21] Huỳnh môn thị lang 黃門侍郎 (Cg: cấp sự huỳnh môn thị lang): tên một chức quan, có nhiệm vụ theo hầu vua, truyền đạt các chiếu mệnh.

[22] Huyện lệnh 縣令: vị quan đứng đầu một huyện.

[23] Phù Kiên 符堅 (338-385): vua Tiền Tần đời Đông Tấn, Trung Quốc, tự là Vĩnh Cố, Văn Ngọc. Ông là người học rộng, nghe nhiều, khoan dung độ lượng. Ông giết Phù Sinh rồi lên ngôi, lấy hiệu là Tần Thiên vương. Ông rất kính trọng tam bảo, ưu đãi các bậc cao tăng, đích thân nghe pháp.

[24] Ca-sa 袈裟 (S: kasaya): pháp y của chúng tăng.

[25] Kinh Chính Pháp hoa 正法華經: kinh gồm mười quyển, do ngài Trúc Pháp Hộ dịch vào đời Tây Tấn, Trung Quốc, được xếp vào Đại chính tạng tập 9. Đây là bản xưa nhất trong ba bản dịch kinh Pháp hoa hiện còn.

[26] Thái tử xá nhân 太子舍人: tên một chức quan, là quan thuộc của thái tử.

[27] Thát Đát (Nguyên bản: Đạt đạt 達達): một bộ lạc ở phía bắc Trung Quốc, tức xứ Mông Cổ ngày nay.

[28] Bắc Nhạc 北岳: tức là Hoằng sơn, một trong năm ngọn núi lớn ở Trung Quốc.

[29] Kinh Quán Thế Âm 觀世音經(S: Samantamukhaparivarto nāmāvalokiteśvara-vikurvaṇa-nirdeśa; Cg: Quán Âm kinh, Phổ môn phẩm): kinh gồm một quyển, được xếp vào Đại chính tạng, tập 9, là bản biệt hành của phẩm Quán Thế Âm bồ-tát phổ môn thứ 25 trong 28 phẩm của kinh Pháp hoa 7. Nội dung kinh này nói về diệu dụng thị hiện rộng khắp của bồ-tát Quán Thế Âm.

[30] Tư không 司空: tên một chức quan, là một trong sáu chức quan lớn đời Chu, tương đương với bộ trưởng bộ Xây dựng ngày nay.

[31] Bốn bộ chúng 四部: bốn bộ đệ tử tì-kheo, tì-kheo-ni, cư sĩ nam, cư sĩ nữ.

[32] Đàn việt 檀越 (S: dāna-pati): người có lòng kính tin Tam bảo, thường hành hạnh bố thí.

[33] Bảy Đức Phật 七佛: bảy Đức Phật đời quá khứ: 1. Phật Tì-bà-thi, 2. Phật Thi-khí, 3. Phật Tì-xá-phù, 4. Phật Câu-lưu-tôn, 5. Phật Câu-na-hàm Mâu-ni, 6. Phật Ca-diếp, 7. Phật Thích-ca Mâu-ni.

Truyện 7: NI SƯ TUỆ TRẠM Ở CHÙA KIẾN PHÚC

Ni sư họ Bành, người Nhâm Thành[1]. Ni sư có tướng mạo thanh thoát, chí khí cao vời, tâm tính khoan dung, thường mặc y phục xấu, ăn các thức dở để vui sống, luôn lấy việc độ sinh làm chính.

Có lần, ni sư đắp y, đi vào núi, giữa đường thì gặp bọn cướp. Chúng đưa dao định chém ni sư, nhưng tay không nhấc lên được. Nhân đó, chúng xin chiếc y mà ni sư đang đắp. Ni sư vui vẻ cười và nói:

-Các ông lòng tham thì quá lớn nhưng cái có được rất ít ỏi.

Nói xong, ni sư cởi chiếc áo trong và cái váy mới đưa cho chúng. Bọn cướp từ chối, không nhận, xin trả lại, nhưng ni sư để đó, rồi bỏ đi.

Niên hiệu Kiến Nguyên thứ hai (344), ni sư vượt qua Trường giang. Vừa gặp ni sư, quan tư không Hà Sung rất kính trọng và mời ni sư về trụ tại chùa Kiến Phúc.

Truyện 8: NI SƯ TĂNG CƠ Ở CHÙA DIÊN HƯNG

Ni sư họ Minh, người Tế Nam. Thuở nhỏ, ni sư đã hướng tâm về đạo, phát nguyện xuất gia nhưng mẹ không cho phép.

Từ đó, người mẹ lặng lẽ hứa gả cho người và âm thầm nhận sính lễ. Sắp đến ngày rước dâu, ni sư mới biết. Thế là ni sư tuyệt thực, nước cũng không uống. Họ hàng đều khuyên can nhưng ni sư quyết không thay đổi chí nguyện. Đến ngày thứ bảy, người mẹ gọi chàng rễ đến. Vốn là người có lòng kính tin tam bảo, thấy ni sư đang trong cơn nguy kịch, chàng rễ nói với người mẹ:

– Mỗi người có một chí nguyện riêng, chúng ta không nên cưỡng ép theo ý của mình.

Người mẹ thuận theo lời ấy. Nhờ vậy, ni sư được xuất gia; lúc đó, ni sư hai mươi mốt tuổi. Bà con hai bên nội ngoại đều đến thăm hỏi, chúc mừng. Ai cũng đem theo gấm lụa quí báu và các món quà giá trị để ban tặng ni sư. Vị quan châu mục cấp kĩ quận thú[2] đích thân đến thăm, đạo tục đều khen là điều chưa từng có. Sau khi xuất gia, ni sư giữ gìn giới hạnh tinh nghiêm, siêng năng học tập kinh điển, thường được sánh với ni sư Đàm Bị là vị ni nổi tiếng. Ni sư có nhiều biệt tài, những điều sâu xa bí ẩn đều am hiểu, lời nói khéo léo, việc làm giỏi giang, nên được vua ca ngợi, lấy lễ mà đón tiếp.

Niên hiệu Kiến Nguyên thứ hai (344), hoàng hậu họ Trữ cho xây chùa ở trong hẽm Thông Cung thuộc làng Đô Đình, đặt tên là Diên Hưng, mời ni sư về trụ trì và có hơn một trăm người theo làm đệ tử. Ni sư làm Phật sự rất trong sáng nên đạo tục ngày càng kính trọng.

Vào năm đầu niên hiệu Long An (397), ni sư thị tịch, thọ sáu mươi tám tuổi.

Truyện 9: NI SƯ ĐẠO HINH Ở ĐÔNG TỰ, THÀNH LẠC DƯƠNG

Ni sư họ Dương, người Thái sơn, bản tính chuyên cần, luôn hòa thuận với mọi người. Lúc còn là sa-di, ni sư luôn vì đại chúng làm mọi việc và miệng thường nhẩm tụng kinh.

Đến năm hai mươi tuổi, ni sư tụng các kinh Pháp hoa[3], Duy-ma[4] v.v… Sau khi thụ giới cụ túc, ni sư nghiên cứu nghĩa lí kinh điển, thường ăn rau quả, thực hành khổ hạnh; càng lớn tuổi càng tinh tiến hơn.

Thời gian trụ tại Đông tự, thành Lạc Dương, ni sư thường luận bàn ý chỉ Phật pháp và thông đạt nhất là kinh Tiểu phẩm[5], chú trọng ở chỗ thông hiểu nghĩa lí, không quan tâm đến ngôn từ. Những người học đạo ở châu này đều tôn ni sư làm thầy. Trong số các tì-kheo-ni giảng kinh, ni sư là người đầu tiên.

Vào niên hiệu Thái Hòa (366-371), đời Tấn, có một cô gái tên là Dương Linh Biện, là người sùng tín đạo Hoàng Lão, chuyên luyện phép phục khí[6]. Thời gian đầu, cô ấy được nhiều người kính trọng và tôn làm thầy, nhưng đến khi ni sư nổi tiếng thì phép thuật của cô ta không được để ý đến nữa. Từ đó, Linh Biện giả kết làm người cùng họ và thường tới lui thăm hỏi ni sư, ngược lại trong lòng thì ganh ghét, ngầm tìm cách hãm hại.

Lần nọ, cô ta lén bỏ thuốc độc vào thức ăn của ni sư. Thế là ni sư bị trúng độc, chữa đủ mọi cách vẫn không khỏi. Các đệ tử thưa:

– Ai đã làm thầy bệnh?

Ni sư bảo:

– Thầy đã biết rõ người hại, nhưng mọi việc đều tùy thuộc vào nghiệp duyên, các con đừng hỏi nữa. Giả sử nói ra mà có lợi ích, thầy còn không nói, huống là không có ích lợi.

Vừa dứt lời, ni sư thị tịch.

Truyện 10: NI SƯ ĐẠO DUNG Ở CHÙA TÂN LÂM

Ni sư người Lịch Dương, ở chùa Ô Giang. Ngoài việc giữ gìn giới hạnh tinh nghiêm, ni sư còn giỏi xem bói tốt xấu, đoán biết được những việc tội phúc, nên được người đời tôn là bậc thánh.

Bấy giờ, Minh đế đời Tấn rất kính trọng và thờ ni sư làm thầy. Một hôm, muốn thử xem ni sư là phàm hay thánh, vua cho người lấy hoa lót dưới tòa ngồi của ni sư, thì quả nhiên hoa không bị dập nát.

Đến đời Giản Văn đế, ban đầu ni sư thờ sư Thanh Thủy làm thầy, là người được vua phong là Vương Bộc Dương. Sư cho xây một giảng đường trong dinh thự của mình để ni sư hoằng pháp. Ni sư đến đây thuyết giảng nhiều lần nhưng chưa có ai theo học. Sau đó, mỗi khi vua bước vào thì thấy có một vị thần, hình dáng như sa-môn, to lớn chật cả phòng. Vua nghi đó là do ni sư biến ra, nhưng không dám quả quyết.

Thời gian sau, quạ làm tổ trên điện Thái Cực, vua sai Khúc An Viễn xem bói. Ông ta tâu:

– Phía tây nam có vị sư nữ có khả năng diệt trừ điều quái lạ này.

Khi ấy, vua sai người đến chùa Ô Giang mời ni sư vào cung để hỏi việc này. Ni sư nói:

– Chỉ có cách ăn chay bảy ngày và thụ trì tám pháp trai giới[7] thì việc ấy tự nhiên diệt trừ.

Vua làm theo lời ni sư dặn và hết lòng cung kính hành trì. Chưa đủ bảy ngày, bầy quạ tập trung lại và dời tổ đi nơi khác. Từ đó, vua càng kính tin sâu sắc, xây chùa, mời ni sư về trụ trì và cúng dường mọi thứ cần dùng. Vua lấy tên rừng để đặt tên chùa là Tân Lâm; đồng thời, vua tôn ni sư làm thầy và phụng thờ chính pháp. Về sau, nhà Tấn hiển vinh, người dân mến mộ đạo Phật, đó là nhờ năng lực tu trì của ni sư.

Đến đời Hiếu Vũ đế, ni sư càng được mọi người kính trọng tôn sùng.

Vào niên hiệu Thái Nguyên (376-396), bỗng nhiên không thấy tung tích ni sư nữa, tìm hỏi cũng không biết ở đâu. Vua cho chôn y bát của ni sư, nên bên cạnh chùa có một ngôi mộ.

Truyện 11: NI SƯ LINH TÔNG Ở TƯ CHÂU

Ni sư họ Mãn, người làng Kim, Cao Hồ. Thuở nhỏ, ni sư có lòng tin trong sạch, nên được xóm làng khen ngợi. Gặp thời loạn lạc, gia đình li tán, nên ni sư bị giặc bắt, nhưng vẫn chí thành tha thiết niệm Phật, pháp, tăng và tụng phẩm Phổ môn. Một hôm, ni sư nhổ hết lông mày, dối nói là bị bệnh hủi và khẩn khoản xin được thả về.

Men theo con đường đi về phía nam để đến Kí châu, ni sư lại bị bọn giặc đuổi theo. Lập tức, ni sư leo lên cây, chí thành niệm Phật. Bọn giặc chỉ ngó phía trước mà không nhìn lên trên, tìm kiếm một hồi không được, chúng đành bỏ đi. Ni sư trèo xuống và đi tiếp, không dám xin ăn mà vẫn không hề thấy đói. Chiều tối thì đến Mạnh tân[8] nhưng không có thuyền để qua sông, ni sư lo sợ thấp thỏm nên lại niệm tam bảo. Bỗng nhiên, ni sư thấy một con nai trắng không biết từ đâu tới, rồi lội xuống sông. Nó đi đến đâu thì cát nổi lên đến đó và mặt nước không hề có sóng. Ni sư theo nai qua sông mà không bị thấm ướt, đi qua bình an như đi trên đất liền. Nhờ vậy, ni sư về đến nhà. Ngay đó, ni sư xuất gia học đạo, nghiên cứu Phật pháp, tinh tiến tu hành, thông suốt giáo nghĩa và lĩnh hội được yếu chỉ.

Nghe tin này, Hiếu Vũ đế đời Tấn sai người mang thư đến hỏi thăm. Về sau, nhân dân trong nước bị bệnh dịch, nhiều người đói khát, khốn khổ. Ni sư dốc hết tiền của để ban phát cho tất cả những người đến xin. Không ngại xa xôi, gian khó, hễ ai đến xin, ni sư đều cung cấp đầy đủ theo nhu cầu của họ. Số người đến nương nhờ ngày càng đông làm cho ni sư phải chịu đói, vất vả, hình hài tiều tụy.

Năm bảy mươi lăm tuổi, vào một sáng nọ, ni sư gọi các đệ tử vào và kể lại giấc mộng hồi hôm. Ni sư nói:

– Tối qua, thầy mộng thấy một ngọn núi lớn tên là Tu-di[9], cao lớn sừng sững chọc trời, được trang trí bằng nhiều vật báu, chiếu sáng rực rỡ như ánh mặt trời. Lại có tiếng trống pháp vang rền, khói hương phảng phất, có tiếng nói văng vẳng bên tai khiến thầy ngạc nhiên, sợ hãi, thức dậy. Ngay lúc đó, trong người thầy bỗng cảm thấy khác thường, tuy không đau đớn mà như bị xây xẩm mặt mày.

Nghe vậy, người đồng học Đạo Tân nói:

– Đó chính là cõi Cực Lạc.

Trò chuyện chưa xong, ni sư bỗng nhiên thâu thần thị tịch.

Truyện 12: NI SƯ CHI DIỆU ÂM Ở CHÙA GIẢN TĨNH

Không rõ ni sư người xứ nào. Thuở nhỏ, ni sư đã dốc chí tu đạo, sống ở chốn kinh thành, tinh thông cả nội và ngoại điển, đặc biệt giỏi về văn chương.

Hiếu Vũ đế đời Tấn, thái phó[10] Vương Đạo và Mạnh Khải ở Cối Kê[11] v.v… đều kính trọng ni sư. Mỗi khi cùng với vua, thái phó và các học sĩ trong triều bàn luận về văn chương, ni sư thường thể hiện tài năng kiệt xuất. Nhờ vậy, danh tiếng ni sư vang khắp.

Niên hiệu Thái Nguyên thứ mười (385), thái phó lập chùa Giản Tĩnh, mời ni sư về trụ trì và có hơn trăm người theo làm đệ tử. Nhờ nương theo ni sư tu học, ai cũng tinh thông nghĩa lí về nội lẫn ngoại điển và tất cả đều thành đạt. Thí chủ đến cúng dường không ngớt, mỗi ngày có hơn trăm chiếc xe ngựa chở phẩm vật đến chùa cúng dường, nên ni sư trở thành người giàu nhất kinh thành, bất luận kẻ sang người hèn đều tôn ni sư làm thầy.

Khi thứ sử[12] Vương Thầm ở Kinh châu[13] qua đời, trong lòng Liệt Tông muốn đưa Vương Cung lên thay ông ấy. Nhưng trước đây, do nghe theo lời Vương Cung xúi giục, Thầm đã đánh bại Hoàn Huyền tại Giang Lăng, nên giờ đây Hoàn Huyền rất sợ Vương Cung. Lúc Ân Trọng Kham còn là học trò của Vương Cung, Hoàn Huyền biết Ân Trọng Kham là người kém tài cũng dễ sai bảo, nên trong lòng muốn đưa Trọng Kham lên thay. Vì vậy, Hoàn Huyền sai sứ đến nhờ ni sư Diệu Âm sắp đặt việc nhậm chức ở Kinh châu cho Trọng Kham. Ít lâu sau, Liệt Tông đến hỏi ni sư:

– Kinh châu đang thiếu một vị quan. Xin hỏi: “Ai là người đáng được nhậm chức?”.

Ni sư nói:

– Bần đạo là người xuất gia, đâu nên tham dự vào sự mưu tính ở đời, nhưng nghe mọi người bàn luận và đều nói: “Không có người nào giỏi hơn Ân Trọng Kham vì ông ta có những ý tưởng rất sâu sắc, nên xứng đáng trấn nhậm Kinh châu”.

Thuận theo lời ni sư, vua ban lệnh cho Trọng Kham lên thay Vương Thầm. Từ đó, ni sư có quyền hành khuynh loát cả triều đình, uy thế trùm khắp trong ngoài.

Truyện 13: NI SƯ ĐẠO NGHI Ở CHÙA HÀ HẬU

Ni sư họ Giả, người Lâu Phiền, Nhạn Môn[14], là cô của ngài Huệ Viễn. Đến tuổi thành niên, ni sư được gả cho Giải Trực là người cùng quận. Đang lúc làm huyện lệnh tại Tầm Dương, Giải Trực qua đời.

Năm hai mươi hai tuổi, ni sư buông bỏ việc đời, xuất gia học đạo. Là người thông minh, nhanh trí, học rộng, nhớ lâu, nên khi tụng kinh Pháp hoa, học kinh Duy-ma và kinh Tiểu phẩm, ni sư đều thông hiểu ý nghĩa, lĩnh hội lí mầu và nhờ tu tâm mà tự mình tỏ ngộ, giới hạnh cao vời, tinh thần thư thái.

Nghe ở kinh đô, kinh luật dần dần đầy đủ, các hội giảng kinh diễn ra liên tục, nên vào cuối niên hiệu Thái Nguyên (376-396) đời Tấn, ni sư đến kinh đô, trụ tại chùa Hà Hậu, chuyên tâm nghiên cứu yếu chỉ sâu xa của luật tạng. Ni sư luôn khiêm hạ, kính thuận mọi người, dù ở nơi thanh vắng vẫn không hề lười mỏi. Ni sư thường mặc y phục thô xấu, mang bát, cầm gậy đi khất thực với dáng vẻ thanh thoát, tự tại, nên tăng tục đều kính trọng.

Năm bảy mươi tám tuổi, ni sư bị bệnh đã đến lúc nguy kịch, nên càng nhiếp tâm dốc sức tụng niệm, không biết mỏi mệt. Thấy vậy, đệ tử đến thưa:

-Xin thầy nghỉ ngơi để mau lành bệnh.

Ni sư bảo:

-Các con không nên nói như vậy.

Vừa dứt lời, ni sư thị tịch.

-HẾT QUYỂN 1-

Chú thích:

[1] Nhâm Thành 任城: tên huyện thời xưa, là vùng Tế Ninh thuộc phía tây nam tỉnh Sơn Đông.

[2] Châu mục cấp kĩ quận thú 州牧給伎郡守: vị quan đứng đầu một quận.

[3] Pháp hoa 法華(S: Saddharma-puṇḍarīka sūtra; Gđ: Diệu pháp liên hoa kinh): kinh gồm 7 hoặc 8 quyển, 28 phẩm, do ngài Cưu-ma-la-thập dịch vào đời Hậu Tần, được xếp vào Đại chính tạng, tập 9. Đây là một trong các bộ kinh quan trọng của Phật giáo Đại thừa. Nội dung chủ yếu là khai thị cho chúng sinh ngộ nhập Phật tri kiến, tức đề xướng thuyết Tam thừa qui Nhất Phật thừa, với tư tưởng tất cả chúng sinh đều có thể thành Phật.

[4] Duy-ma (Duy-ma 維摩; S: Vimalakīrti-nirdeśa; Cg: Duy-ma-cật sở thuyết kinh, Duy-ma-cật kinh, Bất khả tư nghì giải thoát kinh): kinh gồm 3 quyển, 14 phẩm, do ngài Cưu-ma-la-thập dịch vào đời Dao Tần, được xếp vào Đại chính tạng, tập 14. Mục đích kinh này nói về pháp môn giải thoát không thể nghĩ bàn mà ngài Duy-ma đã chứng ngộ. Kinh này đặt trên tư tưởng Không của bát-nhã để xiển dương chân lí và sự thực hành của Phật giáo Đại thừa, đồng thời nói rõ vai trò của bồ-tát đạo và những công hạnh của cư sĩ tại gia.

[5] Kinh Tiểu phẩm (Tiểu phẩm 小品; S: Aṣṭasāhasrikā-prajñāpāramitā; Cg: Tiểu phẩm bát-nhã kinh; Ma-ha bát-nhã ba-la-mật kinh): kinh 10 quyển, 27 phẩm, do ngài Cưu-ma-la-thập dịch vào năm 408, đời Hậu Tần, Trung Quốc, được xếp vào Đại chính tạng, tập 8. Đây là một trong các bộ kinh căn bản về bát-nhã không quán vào thời kì đầu của Phật giáo Đại thừa.

[6] Phục khí 服氣: phép dưỡng sinh để kéo dài tuổi thọ.

[7] Tám pháp trai giới (bát giới 八戒; S: aṣṭāṅga-samanvāgatōpavasa; Cg: bát quan trai giới): học xứ cho hàng đệ tử tại gia tập sự xuất gia do Đức Phật chế định. Người thụ trì phải tạm rời gia đình một ngày một đêm đến ở trong tăng đoàn để học tập cách sinh hoạt của người xuất gia. Tám pháp trai giới là không sát sinh, không trộm cắp, không dâm dục, không vọng ngữ, không uống rượu, không dùng hương hoa trang sức nơi thân hay xem nghe ca múa, không ngồi nằm giường rộng cao đẹp và không ăn phi thời.

[8] Mạnh tân 孟津: tên một bến đò ở Hoàng hà thời xưa, tức ở phía tây nam huyện Mạnh, tỉnh Hà Nam ngày nay.

[9] Tu-di須彌: vốn là ngọn núi trong thần thoại Ấn Độ, được Phật giáo sử dụng, cho rằng đây là ngọn núi cao đứng sừng sững ở chính giữa một tiểu thế giới. Lấy núi này làm trung tâm, có tám lớp núi, tám lớp biển bao bọc chung quanh, hình thành một thế giới (thế giới Tu-di).

[10] Thái phó 太傅: chức quan thứ nhì trong hàng tam công: thái sư, thái phó và thái bảo.

[11] Cối Kê 會稽: tên quận, nay thuộc phía đông tỉnh Giang Tô và phía tây tỉnh Triết Giang, Trung Quốc.

[12] Thứ sử 刺史: chức quan ở Trung Quốc thời xưa, cai quản một vùng lớn ở xa kinh đô.

[13] Kinh châu 荊州: vùng đất nằm ở phía bắc Trường giang, tỉnh Hồ Bắc, phía bắc tiếp giáp với lưu vực sông Hán Thủy, là một khu vực trọng yếu trên trục lộ giao thông giữa hai miền nam-bắc Trung Quốc và cũng là nơi hoằng pháp của nhiều đời tổ sư thời xưa.

[14] Nhạn Môn 雁門: tên quận, vùng nước Triệu thời Chiến Quốc, nhà Tần đặt thành quận, nay các vùng phía bắc tỉnh Sơn Tây đều thuộc vùng đất này.

    Xem thêm:

  • Truyện Cao Tăng Sang Tây Vực Cầu Pháp - Kinh Tạng
  • Truyện Các Vị Tăng Thần Dị - Kinh Tạng
  • Vãng Sanh Tịnh Độ Cảm Hiện Điềm Lành - Kinh Tạng
  • Tập Vãng Sanh - Kinh Tạng
  • Bích Nham Lục Của Thiền Sư Phật Quả Viên Ngộ – Thích Thanh Từ dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Quan Trung Sáng Lập Giới Đàn Đồ - Kinh Tạng
  • Truyện Ký Kinh Hoa Nghiêm - Kinh Tạng
  • Tông Chỉ Phái Lâm Tế - Kinh Tạng
  • Bích Nham Lục Của Thiền Sư Phật Quả Viên Ngộ – Thích Mãn Giác dịch - Kinh Tạng
  • Ngữ Lục Của Thiền Sư Đàm Châu Quy Sơn Linh Hựu - Kinh Tạng
  • Kinh Pháp Bảo Đàn - Kinh Tạng
  • Tây Phương Xác Chỉ - Kinh Tạng
  • Pháp Thức Thực Hành Tâm Chú Thiên Thủ Thiên Nhãn Đại Bi - Kinh Tạng
  • Kinh Tăng Nhất A-Hàm Tập 1 – HT Thích Thanh Từ dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Cửu Sắc Lộc - Kinh Tạng
  • Bảo Vương Tam Muội Niệm Phật Trực Chỉ - Kinh Tạng
  • Truyện Các Vị Cao Tăng Triều Tiên - Kinh Tạng
  • Thanh Quy Của Ngài Bách Trượng - Kinh Tạng
  • Quy Nguyên Trực Chỉ - Kinh Tạng
  • Ngữ Lục Của Thiền Sư Thụy Châu Động Sơn Lương Giới - Kinh Tạng