1
2

Cửu Sắc Lộc Kinh

Ngô Chi Khiêm dịch

Bản Việt dịch (1) của Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

Bản Việt dịch (2) của Nguyên Thuận

***

Kinh Cửu Sắc Lộc

Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

Ngày xưa Bồ-tát là thân nai chín màu, nghĩa là lông của nai có chín màu. Sừng của nai trắng như tuyết. Nai thường ở bên bờ nước sông Hằng, uống nước, ăn cỏ, cùng kết bạn với một chú quạ.

Một hôm trong dòng nước có một người bị trôi, khi thì nhô lên, khi thì bị chìm xuống, tình cờ vớ được khúc cây, người đó ngẩng đầu lên kêu trời:

-Thần núi, Thần cây, chư Thiên, Long thần tại sao không thương xót ta!

Nai nghe tiếng người, vội lội vào trong nước, nói với người bị trôi:

-Ông đừng hoảng sợ. Ông có thể cỡi lên lưng và vịn vào hai sừng của tôi, tôi sẽ đưa ông lên bờ.

Khi đã cứu người bị nạn lên bờ rồi, nai đã đuối sức. Người bị nạn, cúi đầu đi quanh nai ba vòng, quay về phía nai cúi đầu, thưa:

-Xin cho cả nhà tôi được làm người nô tỳ phục dịch để hái cỏ lấy nước.

Nai nói:

-Tôi không dám phiền ông, đường ai nấy đi. Muốn báo ân tôi, xin ông chớ chỉ đường cho người khác là tôi ở đây, vì người đời tham da và sừng của tôi ắt sẽ đến giết tôi.

Người bị chìm vâng lời ra đi.

Lúc ấy phu nhân của vua ban đêm nằm mộng thấy con nai chín màu, lông của nai có chín loại màu và sừng của nó trắng như tuyết. Phu nhân cáo bệnh không chịu dậy. Vua hỏi phu nhân:

-Vì sao phu nhân không dậy?

Bà ta đáp:

-Đêm qua thiếp nằm mơ thấy con nai kỳ lạ, lông của nó có chín màu, sừng của nó trắng như tuyết. Thiếp nghĩ là phải lấy được da của nó để làm nệm ngồi và muốn lấy sừng của nó để làm cán phất trần. Bệ hạ hãy tìm nó cho thiếp, nếu vua không tìm được nó, thiếp sẽ chết ngay.

Vua nói với phu nhân:

-Phu nhân hãy trở dậy. Ta là chủ của một nước mà lại không tìm được hay sao?

Nhà vua liền kêu gọi mọi người trong nước:

-Nếu ai có thể tìm được con nai chín màu, ta sẽ chia phân nửa nước để cai trị và ban cho bát vàng đựng đầy gạo bạc, lại ban cho bát bạc đựng đầy gạo vàng.

Khi ấy người bị nạn chìm nghe vua trọng thưởng, sinh ác ý, nghĩ rằng: “Ta sẽ báo cho vua biết chỗ ở của nai để được hưởng phú quý. Dầu sao nai cũng là loài súc sinh, chết sống sá gì”. Nghĩ vậy, hắn liền nói với sứ giả của vua:

-Tôi biết chỗ ở của con nai chín màu.

Sứ giả dẫn người bị nạn chìm đến cung vua và tâu:

-Người này biết chỗ ở của con nai chín màu.

Nhà vua nghe tin này vô cùng vui mừng, nói với người bị nạn chìm:

-Nếu ngươi có thể tìm được con nai chín màu, ta sẽ ban cho ngươi một nửa đất nước của ta, ta không nói dối.

Hắn liền bảo:

-Tôi có thể tìm được.

Ngay lúc ấy trên mặt hắn ta sinh đầy mụn nhọt. Người bị nạn chìm lại tâu vua:

-Con nai này tuy là loài thú nhưng nó có oai thần rất lớn. Vua phải cho nhiều người đi theo mới bắt được nó.

Vua dẫn một đoàn người rất đông tiến đến bờ sông Hằng. Lúc đó có con quạ đang đậu trên cành cây, trông thấy đoàn người của vua, nó nghi rằng họ sẽ giết nai. Chim gọi nai:

-Bạn hiền ơi, hãy dậy đi! Nhà vua đến bắt bạn đó.

Nai vẫn không hay. Quạ liền bay xuống đậu trên đầu nai, nói: -Bạn hiền ơi! Hãy dậy đi. Nhà vua đến rồi kìa!

Nai hoảng sợ đứng dậy nhìn khắp chung quanh, thấy đoàn người của vua đã bao quanh trăm vòng, không thể chạy thoát được. Nai liền đến trước xe vua, lúc đó đoàn người của vua giương cung muốn bắn. Nai nói với họ:

-Xin đừng bắn. Tôi muốn đến chỗ vua, có việc muốn tâu.

Vua hạ lệnh quân lính:

-Không được bắn nai! Đây là con nai hiếm có, hoặc là Thần trời.

Nai lặp lại câu nói của vua:

-Xin đừng giết tôi, tôi có ân lớn đối với đất nước của vua.

Vua hỏi nai:

-Ngươi có ân gì?

-Trước đây tôi có cứu sống một người trong nước của vua.

Nai quỳ xuống hỏi lại nhà vua:

-Ai đã chỉ đường cho ngài là tôi ở đây?

Nhà vua chỉ bên xe một người mặt đầy ung nhọt. Nai nghe vua nói, nước mắt giàn giụa như mưa tâu rằng:

-Đại vương, có một ngày trước đây, người này bị chìm dưới dòng sông sâu, trôi theo dòng nước chảy, có lúc trồi lên có lúc chìm xuống. Ông ta vớ được khúc cây, ngẩng đầu than trời: “Thần núi, Thần cây, chư Thiên, Long thần, tại sao không thương xót ta”. Lúc đó tôi không tiếc thân mạng, vội lao vào trong nước cõng ông ta lên. Ông ấy đã hứa không chỉ chỗ tôi ở. Con người không biết suy xét, chẳng bằng để cho ôm khúc gỗ nổi trôi theo dòng nước cho rồi!

Vua nghe nai nói rất lấy làm hổ thẹn, trách mắng người kia: -Ngươi thọ trọng ân tại sao trở lại muốn giết nai?

Ngay khi ấy nhà vua hạ lệnh cho mọi người trong nước: Từ nay về sau nếu ai đuổi theo loài nai này ta sẽ tru di ngũ tộc.

Từ đó hàng ngàn bầy nai đều đến quây quần bên nai chín màu. Chúng ăn cỏ, uống nước không xâm phạm lúa má của người khác.

Mưa thuận, gió hòa, ngũ cốc tươi tốt, dân chúng không bị tật bệnh, tai hại không sinh, đất nước thái bình, mạng sống được lâu dài.

Đức Phật dạy:

-Con nai chín màu lúc bấy giờ chính là thân Ta và con quạ hiền khi ấy nay là A-nan. Nhà vua khi đó nay là Duyệt-đầu-đàn, phu nhân của vua nay là Tiên-đà-lợi. Người bị nạn dưới nước nay là Điều-đạt. Điều-đạt cùng Ta đời đời có ân oán với nhau. Tuy Ta có thiện ý với ông ấy nhưng rồi ông ấy vẫn muốn hại Ta. Còn A-nan có lòng chí thành sẽ đắc thành đạo Vô thượng. Bồ-tát hành sằn-đề ba-la-mật, nhẫn nhục như vậy.

    Xem thêm:

  • Kinh Nhân Duyên Của Vua Đảnh Sinh - Kinh Tạng
  • Truyện Các Vị Cao Tăng Triều Tiên - Kinh Tạng
  • Đại Đường Tây Vực Ký - Kinh Tạng
  • Kinh Di Lặc Hạ Sanh Thành Phật - Kinh Tạng
  • Phật nói Luận A Tỳ Đàm về Sự Thế Giới Thành Lập - Kinh Tạng
  • Truyện Các Vị Tăng Thần Dị - Kinh Tạng
  • Kinh Trường Thọ Diệt Tội Và Thần Chú Bảo Hộ Các Em Bé - Kinh Tạng
  • Kinh Trường A-Hàm Phần 4 – HT Thích Tuệ Sĩ dịch - Kinh Tạng
  • Bích Nham Lục Của Thiền Sư Phật Quả Viên Ngộ – Thích Thanh Từ dịch - Kinh Tạng
  • A Di Đà Thông Tán Sớ - Kinh Tạng
  • Ngữ Lục Của Thiền Sư Thụy Châu Động Sơn Lương Giới - Kinh Tạng
  • Nghi quỹ Đà-la-ni Tùy Cầu Tức Đắc Thần biến gia trì thành tựu Kim cang đảnh Du-già tối thắng Bí mật thành Phật - Kinh Tạng
  • Kinh Lục Độ Tập - Kinh Tạng
  • Kinh Du Già Tập Yếu Cứu A Nan Đà La Ni Diệm Khẩu Quỹ Nghi - Kinh Tạng
  • Ngữ Lục Của Thiền Sư Quân Châu Động Sơn Ngộ Bổn - Kinh Tạng
  • Nghi thức Du Già Tập Yếu Diệm Khẩu Thí Thực - Kinh Tạng
  • Nghi thức Du Già Tập Yếu Diệm Khẩu Thí Thực - Kinh Tạng
  • Vạn Pháp Quy Tâm Lục - Kinh Tạng
  • Truyện Cao Tăng Sang Tây Vực Cầu Pháp - Kinh Tạng
  • Quy Nguyên Trực Chỉ - Kinh Tạng