Đại Đường Tây Vực Ký
Đường Huyền Trang dịch, Biện Cơ soạn
Bản Việt dịch của Thích Như Điển
***
Quyển thứ nhất
(34 nước)
1. Nước A Kỳ Ni
2. Nước Quật Chi
3. Nước Phạt Lục Già
4. Nước Xích Kiến
5. Nước Giã Thời
6. Nước Phế Hãn
7. Nước Tốt Đỗ Lợi Sắc Na
8. Nước Phong Mạc Kiến
9. Nước Nhi Chư Hạ
10. Nước Kiếp Bố Xương Na
11. Nước Quật Tương Nhi Ca
12. Nước Yết Hãn
13. Nước Bổ Yết
14. Nước Đại Địa
15. Nước Hóa Lợi Tập Di Dà
16. Nước Yết Sương Na
17. Nước Hằng Mật
18. Nước Diệt Ngạc Hạnh Na
19. Nước Nhẫn Lộ Ma
20. Nước Dụ Mạng
21. Nước Cúc Hòa Hằng Na
22. Nước Hoạch Sa
23. Nước Khả Xuất La
24. Nước Câu Mễ Đã
25. Nước Phược Già Lãng
26. Nước Ngật Lộ Tất Ni Kiến
27. Nước Nhẫn Lẩm
28. Nước Phược Yết
29. Nước Duệ Mạt Da
30. Nước Hồ Thật Kiến
31. Nước Đản Sắc Kiến
32. Nước Yết Thức
33. Nước Phạm Hành Na
34. Nước Ca Tất Thí
Lịch sử được diễn ra để dâng hiến cho Hoàng Đế xem xét qua sự việc biên chép, gói ghém những lễ nghi đầu tiên đưa ra làm chấn động. Cái trục quay của bánh xe ấy, đã rũ xuống như chiếc áo che chở lúc ban đầu. Cho nên Ty Mục Lê Nguyên căn cứ vào đây mà chia ra cương lãnh. Huống hồ nhà Đường nhận được mệnh Trời từ Vua Nghiêu, ánh sáng ấy đã nhuần thấm bốn bể. Nhà Ngu, nhà Vũ đã thêm vào địa đồ, cái đức ấy đã nhuần khắp nơi chín cõi. Từ ấy đến nay, những việc Có, Không đều ghi nơi sách vở. Xa nghe nơi phía trước đã sửa đổi và sự nghe biết ấy ghi lại thành sử. Đó chẳng phải là lúc gặp Đạo Vận Vô Vi sao?
Đại Đường của chúng ta tối cao trong trời đất, thừa thời cơ nắm lấy vận mệnh đã từ lâu, mười sáu nơi hợp thành cung nội, bốn mươi ba đời Vua liên tiếp chiếu soi. Sự huyền hóa ấy chan hòa khắp chốn. Gió lành mở cửa, cùng càn khôn chuyên chở, mưa móc nhuần thấm cỏ cây. Làm hưng thịnh phía đông và người phía tây phải triều cống. Sáng Nghiệp ấy chưa hoàn toàn thống nhất, nhưng đã trừ sạch những loạn quân phản chánh. Việc ấy đã hơn hẳn những vị Vua đời trước. Ví như văn hiến cùng cung cách trị nước đã thành công, chẳng ghi chép vào đây cũng không phải là sự tán dương không to lớn. Không được sự soi sáng thì làm sao Nghiệp Đế lại vững bền. Cho nên Huyền Trang mới theo đó mà đi được, đến ở nước kia, để khảo cứu những tập tục lạ. Nhờ lòng tin mà đã vượt qua năm ba cõi. Cùng với nơi kia bị gió mưa làm nhọc; nhưng vẫn chưa nói lời nào để tâng công, đã tự mình vượt qua quan ải, mới đến được các nơi ở Thiên Trúc, chỗ ấy chứa đầy tục lệ khác ta, đều là những nơi chưa hề quen biết, hoặc thừa lúc gió bấc mà thấm vào lời dạy. Đó là do sự huân tập của Người. Nói lên sự thật nơi cửa miệng. Lời văn thật hay nhờ cái Đức cao dày, vì đã xem xét rõ ràng mà được sự che chở. Cho nên thường nghe: Xa xôi mưu nghĩ về sách vở, mà sự thành thật không có hai. Nếu không có sự trung thực hà tất phải viết lại ở đây. Nay căn cứ theo sự thấy nghe ấy mà thuật lại.
Ở thế giới Ta Bà nầy là một trong ba ngàn đại thiên quốc độ, Phật đã vì đây mà nhiếp hóa, ngày nay nhật nguyệt đã chiếu soi trong bốn châu thiên hạ. Căn cứ vào trong ba ngàn đại thiên thế giới ấy, chư Phật Thế Tôn đều vì đó mà giáo hóa, hiện đang sanh, hiện đang diệt. Cả đạo Thánh lẫn đạo Phàm mà Tu Di Sơn đã do bốn báu hợp thành nằm giữa biển lớn. Trên đó có bánh xe vàng, mặt trời, mặt trăng đều chiếu rọi. Đây cũng là nơi chư Thiên qua lại, dạo chơi nơi bãi núi, bãi biển ấy. Xoay tròn như thế, cho đến núi biển sông ngòi, trở thành nước tám công đức. Bên ngoài thất kim sơn kia là biển cả. Trong biển ấy cũng có thể ở được mà đại lược gọi là bốn châu thiên hạ. Phía đông có Tỳ Đề Ha Châu. Phía nam có Chiêm Bộ Châu (Diêm Phù Đề). Phía tây có Cù Đà Ni Châu. Phía bắc có Câu Lô Châu. Tất cả đều được bao bọc bởi Kim Luân Vương trong bốn châu thiên hạ.
Ngân Luân Vương giữ gìn Bắc Câu Lô Châu. Đồng Luân Vương giữ Bắc Cu Lô và Tây Cù Đà Ni. Thiết Luân Vương ở Chiêm Bộ Châu. Phàm là Luân Vương là kẻ làm Vua tùy theo phước báu và chiêu cảm để có được đại Luân Bảo. Nổi trôi trên hư không mà đến và được phân biệt bởi các danh từ: kim, ngân, đồng, thiết sai khác nhau thay vì nêu thứ tự của các cảnh giới là: thứ tư, thứ ba, thứ hai và thứ nhất. Nhân đây mà phóng ra ánh sáng đoan nghiêm để làm hiệu lệnh. Phía Thiệm Bộ Châu ở giữa có đất, lại có hồ Nhiệt Não. Núi Hương Sơn nằm ở phía Nam. Núi Tuyết Sơn nằm ở phía bắc. Chu vi tám trăm vạn dặm. Bên bờ lại được trang sức bởi kim, ngân, lưu ly, pha lê mà thành. Chung quanh có cát vàng bao bọc. Sóng trong xanh như tấm kính. Nơi đại địa Bồ Tát do nguyện lực mà hóa thành Long Vương lấy đó làm nhà.
Ra khỏi nước trong mát kia, nơi cõi Chiêm Bộ Châu, có một cái hồ ở mặt phía đông, màu nước bạc chảy ra khỏi một cái miệng, lớn như miệng bò. Sông Hằng bao quanh hồ nầy, rồi nhập vào phía đông của biển. Mặt hồ phía nam như miệng của Voi, lưu chảy đến sông Tín Độ, vây quanh hồ một đoạn, rồi nhập vào phía tây nam của biển. Mặt hồ phía tây như lưu ly, giống như miệng của con ngựa và chảy đến sông Phược Sô, vây quanh hồ một lần, rồi nước đổ vào biển phía tây bắc. Mặt hồ phía bắc giống như miệng con sư tử Phả Thi chảy vào sông Đồ Đa, vòng quanh hồ một vòng rồi nhập vào phía đông bắc của biển. Hoặc nói rằng thấm vào đất, khiến cho sanh ra núi đá, tức là sông Đồ Đa, cũng gọi là sông khởi nguyên ở giữa nước Ấn Độ.
Lúc ấy Vua Luân Vương ứng vận, đất đai ở Chiêm Bộ Châu có bốn vị chủ thần. Phía nam có Tượng Chủ, tức Trứ Thấp Nghi Tượng. Tây Bảo chủ giáp với biển quý. Bắc Mã chủ với Hàng Kinh Nghi Mã. Đông Nhơn chủ, cùng với con người tạo nên quốc gia Tượng chủ. Hay nóng nảy, thường làm điều sai trái và đặc biệt rất nhàn hạ với các nghệ thuật khác. Ăn mặc thì quấn ngang bên phải, đầu chia tóc ra bốn bên, thuộc loại ở nhà cửa lầu các. Đó là quê hương của Bảo chủ. Vô lễ nghĩa trọng tài vật. Chế ra đồ mặc ngắn, cắt tóc và để tóc mai dài ra. Cư trú nơi Đô Thành, thâu gặt buôn bán lấy làm lợi tức. Trong tục lệ của Mã chủ, trời sai hung bạo, tánh tình hay sát hại, lông bụng mọc nổi lên như chim có thể làm tổ được.
Nơi con người làm chủ thì có phong tục, trí tuệ nhân nghĩa được chiếu sáng. Đầu đội mũ, áo mang đai bên phải như quân phục. Đất đai có nhiều loại và cày cấy trồng trọt có nhiều vụ. Trong ba vị làm chủ ấy, phong tục phương Đông đứng đầu. Họ ở nơi phòng ốc và cửa nhà hướng về phía đông. Ngày ngày vào mỗi buổi sáng hướng về hướng đông để lễ bái. Đất đai của con người nằm ở phía Nam, gồm nhiều vật quý. Phong tục đặc thù. Rất đặc biệt nhưng đại khái là như vậy. Họ đối với nhau bằng cái lễ của quân thần có trên, có dưới. Lấy hiến chương làm căn bản và đất đai của con người có giới hạn. Tâm trong sạch, thích nghe lời giải thích khi cần đến và muốn xa lìa nơi sanh tử theo lời dạy.
Trong khi đó, nước Tượng chủ đang có cái lý ưu thế, liền mặc áo đi qua để cật vấn những tục lệ địa phương, rộng biết mở bày xưa nay và tra cứu rõ ràng việc nghe thấy. Cho nên từ đó, giáo pháp của Phật mới truyền sang Đông độ, thông dịch tiếng nói, ngôn ngữ của địa phương. Vì chú âm sai lầm nên ý nghĩa thường không đúng. Khi chữ sai thì lý trái ngược cho nên phải làm cho đúng vậy, đừng cho sai trái. Phàm làm người có cương nhu khác nhau, tiếng nói chẳng giống; nhưng đều giàu có về phong tục và khí hậu đất đai. Có nhiều phong tục được đặt ra. Sông, núi, sản vật, phong tục, tập quán tuy không giống nhau nhưng con người vẫn làm trọng tâm. Có sử sách nước mình ghi lại rõ ràng. Tục lệ của Mã Chủ, làng xóm của Bảo Chủ đã được chuyên chở đầy đủ trên nhiều sử sách. Ở đây xin lược bớt. Nước Tượng Chủ, thì chuyện xưa chẳng rõ. Chỉ biết đất đai nóng và ẩm ướt. Những tập tục tốt và nhân từ được lưu lại. Nhưng còn vấn đề ở đâu, không thấy nêu lên rõ ràng. Há con đường ấy đã có, nhưng vô thường đã thay đổi vậy. Đời sau muốn hiểu biết phải tìm mà đến.
Uống nước nên đến nơi bờ, vượt qua hiểm nguy mà đến nơi cửa ngọc. Cống hiến những điều kỳ lạ mà bái vọng. Bởi lẽ cái khó được mà nói được. Do lý nầy mà phải tìm đường để đi xa. Sự ích lợi ấy còn ghi lại cả phong thổ tập quán. Những đỉnh núi cao đã vượt qua; nhưng tục lệ của Hồ chưa rõ hết. Tuy con người có lớn nhỏ khác nhau, nhưng đều thông suốt và tộc loại có chia ra biên giới lãnh thổ. Đại khái về phong thổ, ăn mặc, xây dựng thành ấp, mùa màng, trồng trọt, ruộng vườn, gia súc, tánh tình hay quý trọng tiền tài. Có nơi tục lệ lại coi nhẹ nhân nghĩa. Giá thú không lễ nghi, tôn ty chẳng có. Có nơi trọng đàn bà, còn đàn ông thì không được trọng dụng. Chết thì thiêu, hài cốt còn vô số. Có chỗ thì mặt bôi than, tai cắt, tóc ngắn, mặc xà rông, giết hại súc vật để cúng tế thần linh. Đồ thì mặc nhiều lớp, hung ác, hèn hạ. Những phong tục như thế đều giản lược bớt, chỉ tuyển ra một vài tập quán với những chính sách đặc thù được chế ra, do từng địa phương khác biệt. Sau đây sẽ ghi lại những phong tục, ngôn ngữ của Ấn Độ, để xướng danh đất nước nầy cho những người gần xa. Đầu tiên là nước A Kỳ Ni.
1) Nước A Kỳ Ni, đông tây hơn sáu trăm dặm. Nam bắc hơn bốn trăm dặm, chu vi của Thủ đô 67 dặm. Bốn phía bao bọc bởi núi non hiểm trở. Sông ngòi ao hồ, lấy nước đó làm ruộng. Ruộng ấy cấy lúa. Trồng hoa, trồng nho, lê và các thứ cây ăn quả khác. Khí hậu điều hoà, phong tục chất trực. Chữ nghĩa lấy từ tiếng Ấn Độ. Dùng vải thô để phục sức, cắt tóc không trang điểm. Tiền thì có tiền vàng tiền bạc và tiền đồng nhỏ. Vua của nước này là người dõng mãnh mưu lược; nhưng nước không có kỷ cương, luật pháp không chỉnh đốn. Nơi đây có hơn 10 ngôi chùa. Tăng tín đồ có hơn 2000 người. Họ theo Tiểu Thừa giáo, Thuyết Nhứt Thiết Hữu Bộ. Kinh điển luật nghi đều học theo Ấn Độ. Sự học tập cũng như văn chương ấy đều lấy giới luật thanh tịnh làm đầu; nhưng dùng tam tịnh nhục, đại biểu cho Tiệm giáo vậy. Từ đây đi đến phía tây Nam hai trăm dặm hơn, phải qua một núi nhỏ, hai con sông lớn. Phía Tây có Bình Nguyên, đi hơn 700 dặm thì đến nước Quật Chi.
2) Nước Quật Chi, đông tây hơn ngàn dặm. Nam Bắc hơn 600 dặm. Thủ đô của nước này 78 dặm. Có trồng lúa mạch, nho, lựu và nhiều đào lê. Những thổ sản như vàng, đồng, thiếc, khí hậu phong tục ôn hoà. Chữ nghĩa cũng lấy từ Ấn Độ để cải biến thành. Đối xử tốt đẹp với các nước láng giềng. Ăn mặc bằng vải thô, tóc cắt ngắn. Tiền bạc dùng bằng đồng vàng, đồng bạc và tiền đồng loại nhỏ. Nước này có Vua mưu lược dõng mãnh, lại có những cường thần. Ở đây có nhiều sự biến thái của dân tộc. Chùa chiền hơn trăm cái. Tăng tín đồ hơn 5.000 người học tập theo Tiểu Thừa giáo thuộc Thuyết Nhứt Thiết Hữu Bộ. Kinh giáo luật nghi đều lấy từ Ấn Độ. Đọc nguyên theo những bản văn chính. Theo tiệm giáo nên dùng tam tịnh nhục. Kẻ thanh tịnh được cung kính. Phía đông của quốc gia này có một ao rất lớn. Nơi đó xuất hiện nhiều con rồng hay lấy nhau với ngựa sanh ra ngựa rồng trông rất khó coi. Ngựa rồng được huấn luyện thuần thục. Cho nên nước này có nhiều ngựa hay. Nghe người xưa thuật lại rằng: Nhà Vua gần đây hiệu là Kim Hoa Chánh Giáo Minh Sát Cảm Long Mã Thừa. Vua muốn khi chết chưa hết tiếng; nên đã truyền lại cho đến ngày nay. Ở trong thành không có giếng mà lấy nước từ ao hồ. Rồng cũng biến thành người, giao hợp với phụ nữ, sanh con mạnh mẽ như ngựa. Như thế những người ở đây đều thuộc giống rồng, dùng sức mạnh để ra uy không tuân theo Vương mệnh. Vua sát hại những người trong thành này, vì không có sách lược nên ít hại được ai và thành này bây giờ cũng không còn người nữa.
Hoàng thành phía Bắc hơn 40 dặm giáp với núi và sông. Có hai ngôi chùa cùng có tên Chiếu Cổ Cốc; nhưng Đông Tây thì tùy xưng. Sự trang sức Phật tượng do nhân công làm lấy. Tăng tín đồ dùng trai thanh tịnh. Tại Phật đường Chùa Chiếu Cổ này có ngọc thạch. Mặt dài hai tấc, màu vàng và trắng giống như nước biển. Tại đây cũng có dấu chân của Đức Phật, chiều dài cở tám tấc, chiều rộng cở sáu tấc. Những ngày lễ lạc đều có thắp đèn. Bên ngoài cửa phía Tây của thành ở hai bên đường đều có dựng tượng Phật. Cao hơn 90 tấc. Nơi trước tượng này cứ mỗi 5 năm có một lần đại hội, cúng lễ mùa thu đến 10 ngày. Tăng tín đồ đều đến đây tập hội. Trên từ quân vương, dưới đến thứ dân theo phong tục này phụng trì trai giới. Thọ kinh thính pháp ngày này qua ngày khác. Chư Tăng sửa soạn Phật tượng nơi già lam dùng vải để trang sức, kết hoa nơi Phật tượng. Vương Đại Thần cũng hội nghị quốc sự cùng với cao Tăng, khi đông nhất có cả ngàn người vân tập thường vào ngày 15 mỗi tháng. Từ hội trường tây bắc qua sông đến A Nhã Lý có hai ngôi Già Lam, nơi đây thờ tự Phật tượng rất đẹp đẽ. Tăng tín đồ siêng năng tu học không giải đãi. Họ là những người có đức độ và học vấn cao. Xa xôi cách mấy cũng có nhiều người đến không dừng. Quốc Vương đại thần thứ dân tả hữu luôn luôn có tứ sự cúng dường và có tâm cung kính. Nghe người xưa nói lại rằng Vua đời trước rất sùng kính Tam Bảo, muốn đi chiêm bái các Thánh Tích, nên để cho mẹ và em nhiếp chính. Người em lãnh giữ, nhưng chưa tự phòng giữ được như vua anh, nên có vấn đề. Khi ngài trở về lại chẳng như ý nên Vua đã cho người khác thay thế. Những kết quả của Vua em làm đã tạo nên những việc loạn dâm trong triều đình cung nội. Khi Vua nghe được như vậy liền giận dữ muốn nghiêm phạt. Người em nói rằng : “Em muốn cho Vương Triều phát đạt tạo nên thế lực lớn, mà sanh ra kết quả khác thường như vậy. Có ngờ đâu sinh ra việc ấy”.
Lại nói khi Vua đi du hành để lại những công việc triều chính, mà người em đã làm hại thì kết quả bây giờ đã có nhật nguyệt chiếu soi. Nhà Vua vì tình cảm anh em mà cho vào ra nơi cung đình không có nghiêm cấm. Sau đó Vua em đã tự tiện giết 500 con bò, thấy thế liền nghi mọi việc băng hoại. Chẳng qua là túc nghiệp của ta giống như loài bò nầy vì lòng từ thiện mà hy sinh vậy. Những kẻ có hình người nam không được nhập cung. Nhà Vua được điều trần trước sau như vậy; nhưng nhà Vua vẫn đặc biệt cho kiến tạo già lam xây dựng chỗ ở cho Tăng. Từ đây đến phía tây sáu trăm dặm, trải qua sa mạc nhỏ đến nước Phạt Lục Già.
3) Nước Phạt Lục Già, đông tây hơn 600 dặm. Nam Bắc hơn 300 dặm, chu vi thành nội 56 dặm, thời tiết phong tục điều hòa. Chữ viết dùng giống như nước Quật Chi. Tiếng nói ít đổi khác. Có sự giao thiệp với nước lân bang rất tốt. Chùa viện có hơn 10 cái. Tăng tín đồ hơn 1000 người tu theo Tiểu Thừa, thuộc Thuyết Nhứt Thiết Hữu Bộ. Phía tây bắc hơn 300 dặm từ núi đá đến Lăng Sơn, phía nầy có núi cao và bình nguyên. Có nhiều sông chảy về hướng đông, núi cao có tuyết. Mùa xuân mùa hạ vẫn còn đóng băng, tùy lúc băng tan rồi trở thành nước. Đường đi hiểm trở, mùa đông gió lạnh thê lương. Nơi đây đa phần những kẻ phạm nhân bị đày, đường đi khó khăn, chẳng mang theo được đồ dùng, kêu nhau lớn tiếng. Nếu có vi phạm thì nguy đến tính mạng. Gió thổi mạnh làm cát đá bay như mưa. Nếu ai gặp phải chẳng toàn sinh mệnh. Đi núi suốt như thế hơn 400 dặm thì tới ao rất lớn, nơi nầy còn gọi là biển nóng, chu vi ngàn dặm. Phía đông tây dài phía nam bắc thì hẹp, bốn phía đều là núi, nước chảy từ trên ấy xuống. Màu nước xanh đen, vị thường đăng đắng. Sóng chao gió đảo có rồng cá đủ loại, linh quái nổi lên. Cho nên khách vãng lai phải tạo phước. Những loài thủy tộc nầy đa phần là cá lớn. Ao nước nầy từ phía tây bắc đi hơn 500 dặm, đến thành Tố Diệp Thủy.
Thành nầy chu vi 67 dặm, đây là nơi các nhà buôn bán ở với nhau lẫn lộn. Thổ sản ở đây là lúa mạch, nho, cây rừng. Khí hậu gió mùa rất lạnh, phía tây thành Tố Diệp nầy còn có mười thành khác riêng lẽ, thành nào cũng dài, nhưng không dùng đến. Tất cả đều loang lỗ. Từ thành Tố Diệp Thủy đến nước Yết Sương Na có địa danh là Tốt Lợi. Người cũng như vậy. Văn tự ngôn ngữ rất tùy tiện. Chữ căn bản rất đơn giản, chỉ có hai mươi chữ. Từ đó phát sanh lưu chuyển rộng rãi. Cũng có thư ký ngồi đọc kinh văn để phụ giúp những giáo thọ sư, ăn mặc đơn giản. Áo phủ đầu, nhưng tóc để lộ ra ngoài hoặc đôi khi che kín, trông hình dung thật khác thường. Tánh tình cũng vậy, phong tục thuần hóa nhưng không thành thật, nhiều tánh tham lam. Cha con kế thừa lợi tức, tiền càng nhiều càng quý. Tiền là trên hết. Có rất nhiều người giàu, tiền bạc lương thực, kẻ ăn người ở rất nhiều.
Phía tây Tố Thành đi bốn trăm dặm hơn đến 1000 cái suối, người địa phương gọi là ngàn suối, cách hơn 200 dặm về phía nam, có núi Tuyết, ba mặt khác giáp bình nguyên, đất đai tốt tươi, cây trái xanh tốt. Những tháng mùa xuân có hoa lạ, nước nơi ngàn suối nầy cung cấp mà nên. Sau đó chảy vào nhiều nơi khác nhau, làm cho mọi nơi được xanh tốt. Người qua lại chỗ nầy chốn nọ cũng không có gì kinh sợ lắm. Họ thường quây quần với nhau. Kẻ có tội thì giết, không có ân xá. Cho nên sự sống thành tập đoàn nầy rất có ý nghĩa. Từ phía tây một ngàn suối nầy đi hơn 145 dặm đến thành Đản La Tu, thành nầy chu vi 89 dặm, các nước buôn bán tạp lục ở đây. Đất đai khí hậu cây cối ôn hòa, đi về phía nam hơn 10 dặm có một thành riêng biệt, nơi đó có 300 căn nhà, trong ấy có người ở. Ngày xưa chỉ là những hang động. Sau nầy thành nước non để cùng giữ thành nầy. Những người sống trong đó ăn mặc giống nhau, tiếng tăm lễ nghĩa vẫn còn bảo tồn. Từ đây đi qua phía tây nam hơn hai trăm dặm đến thành Bạch Thủy, thành nầy chu vi 67 dặm, đất đai thổ sản phong tục khí hậu hơn hẳn ở Đản La Tu. Phía tây nam đi hơn 200 dặm thì đến thành Cung Ngự, thành nầy chu vi 56 dặm, nơi đây có nhiều cây cối to lớn. Từ phía nam nầy đi hơn 45 dặm, đến nước Xích Kiến.
4) Nước Xích Kiến, chu vi hơn ngàn dặm, đất đai tốt tươi, nhà xây tường. Cây cỏ hoa trái sum sê, có nhiều loại nho quý. Thành ấp có trăm thành, mỗi thành có vị đứng đầu. Đến lui đi ở thưa trình. Tất cả tụ lại thành khu và tổng xưng là nước Xích Kiến. Từ phía tây bắc đi hơn 200 dặm, đến nước Giả Thời.
5) Nước Giả Thời, chu vi hơn ngàn dặm, phía tây giáp Diệp Hà, phía đông tây hẹp, phía nam bắc dài, đất đai khí hậu cũng giống như nước Xích Kiến. Thành ấp hơn mười cái, mỗi cái đều có vị đứng đầu, nhưng không có người tổng chỉ huy. Từ phía đông nam nầy, hơn ngàn dặm, đến nước Phế Hãn.
6) Nước Phế Hãn, chu vi bốn ngàn dặm. Bốn bề núi bao bọc, đất đai hẹp, nhà cửa xây tường, có nhiều hoa quả và ngựa dê. Khí hậu gió mưa con người đều cương trực. Ngôn ngữ khác với các nước kia. Hình hài cũng khác biệt. Từ hơn mười năm không có vị đứng đầu. Vì lẽ ai cũng tranh quyền lực không phục nhau. Có hiểm họa sẽ chia đất. Từ phía tây đi đến hai ngàn dặm thì đến nước Tốt Đỗ Lợi Sắc Na.
7) Nước Tốt Đỗ Lợi Sắc Na, chu vi một ngàn bốn trăm năm chục dặm, phía đông giáp sông Diệp, từ sông Diệp nầy về hướng bình nguyên phía bắc, từ tây bắc chảy tiếp tục với lưu lượng nước chảy xiết, đất đai phong tục cũng giống như nước Giả Thời, từ xưa đã có Vương Phủ cai trị. Từ phía tây bắc vào đến sa mạc chẳng có cỏ nước gì cả. Giữa đường khó biết được biên giới nơi đâu, chỉ nhìn núi cao để tìm dấu vết, mới có thể biết được. Từ đó đi qua hơn năm trăm dặm nữa, đến nước phong Mạc Kiến.
8) Nước Phong Mạc Kiến, chu vi một ngàn sáu trăm bảy mươi dặm, phía đông tây dài, phía nam bắc hẹp, chu vi của thủ đô hơn 20 dặm, có nhiều Cư dân sinh sống. Có nhiều hàng hóa trân quý của các nước khác đem đến nước nầy, đất đai màu mỡ, nhà làm bằng gỗ và xây tường. Cây cỏ hoa quả tốt tươi, nơi đây có nhiều ngựa quý và có nhiều đồ công nghệ tốt đẹp. Khí hậu ôn hòa, phong tục sống động. Phàm các nước lân cận đến nước nầy, phải theo quy tắc xa gần mà giữ lấy. Vua của nước nầy tôn trọng luật pháp của lân bang. Binh mã hùng dũng, đa phần giống như tánh cách hùng dũng của người nước Giã Thời và nước Yết Sương Na, xem nhẹ sự chết không luyến tiếc. Từ đây đến phía đông nam đi đến nước Nhi Mạc Hà.
9) Nước Nhi Mạc Hà, chu vi bốn trăm năm chục dặm, có nhiều sông; đông tây hẹp, nam bắc dài, đất đai phong tục giống như nước Phong Mạc Kiến. Từ phía bắc đến nước Kiếp Bố Đãn Na.
10) Nước Kiếp Bố Đãn Na, chu vi 1450 dặm, phía đông tây dài, phía nam bắc hẹp, đất đai phong tục giống như nước Phong Mạc Kiến. Từ nước nầy đi về phía tây hơn 300 dặm, đến nước Quật Tương Nhi Ca.
11) Nước Quật Tương Nhi Ca, chu vi một ngàn bốn trăm năm mươi dặm, đông tây hẹp, nam bắc dài, đất đai phong tục giống như nước Phong Mạc Kiến. Từ nước nầy đi qua phía tây hai trăm dặm hơn đến nước Yết Hãn.
12) Nước Yết Hãn, chu vi hơn một ngàn dặm, đất đai phong tục giống như nước phong Mạc Kiến, từ phía bắc nước nầy đi về phía tây hơn 400 dặm đến nước Bổ Yết.
13) Nước Bổ Yết, chu vi một ngàn sáu trăm bảy mươi dặm, đông tây dài nam bắc hẹp, đất đai phong tục giống như nước Phong Mạc Kiến. Từ nước nầy đi về phía tây hơn bốn trăm dặm đến nước Đại Địa.
14) Nước Đại Địa, chu vi hơn bốn trăm dặm, đất đai phong tục giống như nước Phong Mạc Kiến, từ đây đi về phía tây nam hơn năm trăm dặm, đến nước Hóa Lợi Tập Di Già.
15) Nước Hóa Lợi Tập Di Già, hai bên có sông bao bọc, đông tây hơn hai mươi ba dặm, nam bắc hơn năm trăm dặm, đất đai phong tục giống như nước Đại Địa, ngôn ngữ không khác mấy. Từ nước phong Mạc Kiến đi về phía tây nam hơn 300 dặm, đến nước Yết Tương Na.
16) Nước Yết Tương Na, chu vi một ngàn bốn trăm năm chục dặm, đất đai phong tục giống như nước Phong Mạc Kiến, từ đây đi về phía tây nam hơn hai trăm dặm đến núi, đường núi hẹp rất nguy hiểm ít người qua lại, hiếm cỏ cây và nước. Từ núi phía đông nam đi hơn ba trăm dặm, qua một cái cổng làm bằng sắt, hai bên cổng sắt núi non bao phủ, càng lúc càng hẹp, sự hiểm trở càng nhiều hơn. Đường hai bên đá dựng đứng màu sắc giống như màu thiếc, tất cả đều giống như thiếc vậy. Có nhiều chuông làm bằng sắt treo nơi cửa ra vào để kiểm tra sự nguy hiểm. Ra khỏi cổng sắt đến nước Đỗ Hóa La.
Nước nầy nam bắc hơn ngàn dặm, đông tây hơn ba ngàn dặm, phía đông nguy hiểm có núi cao, phía tây tiếp xúc với Ba Lặt Kỳ, phía nam có núi tuyết, phía bắc có cổng sắt, chung quanh sông ngòi bao bọc chảy về hướng tây, từ hơn một trăm năm nay, vương tộc không có người nối quyền. Do vậy những thế lực cạnh tranh với nhau để nắm quyền, thật là nguy hiểm. Nước nầy chia làm 27 nước nhỏ, chỉ có một khu tổng hành dinh. Khí hậu nơi đây khá ôn hòa nhưng dễ sinh bệnh. Cuối mùa đông đầu mùa xuân, luôn luôn có mưa phùn, do vậy cảnh trí ở phía nam ôn hòa hơn phía bắc, phong thổ của nước nầy thuộc ôn đới nên có nhiều bệnh tật. Vào ngày 16 tháng 12 Tăng tín đồ của nước nầy vào an cư đến 15 tháng 3 thì giải chế, mùa nầy cũng là mùa mưa cho nên cũng thích hợp vậy. Phong tục nầy đã lâu đời, mọi người tuân theo tin tưởng vào sự tu học. Ngôn ngữ được dùng khá khác biệt với các nước khác. Chữ gốc chỉ có 25 chữ, từ đó phát triển ra, để dùng viết thư, chữ viết ngang, đọc từ trái qua phải. Ngôn ngữ đa phần giống như chữ của nước Tốt Lợi, y phục, hàng hóa dùng tiền để mua, đối với nước nầy từ sông phía bắc xuống hạ lưu đến nước Đãn Mật Quốc.
17) Nước Đãn Mật Quốc, chu vi đông tây hơn 600 dặm, nam bắc hơn 400 dặm. Thủ đô của nước này hơn 20 dặm. Đông Tây dài, Nam Bắc hẹp. Có hơn 10 cảnh chùa. Tăng tín đồ hơn 1.000 người. Nước này nằm gần biên giới của nước Tốt Đỗ Lợi. Nơi đây, có xây nhiều ngọn tháp; nhưng nay đã không còn. Các tượng Phật cũng như các tượng thần linh dáng vẽ khác nhau. Đi đến phía Đông thì gặp nước Diệt Ngạc Hạnh Na.
18) Nước Diệt Ngạc Hạnh Na, chu vi đông tây 400 dặm hơn. Tây bắc hơn 500 dặm. Chu vi thủ đô hơn 10 dặm. Chùa chiền có năm cơ sở. Tăng tín đồ rất ít. Đi đến phía đông là nước Nhẫn Lộ Ma.
19) Nước Nhẫn Lộ Ma, chu vi đông tây hơn 100 dặm. Nam bắc hơn 300 dặm. Chu vi của thủ đô hơn 10 dặm. Nước này có Vua. Chùa có hai ngôi. Tăng tín đồ trên 100 người. Phía đông giáp nước Dụ Mạn.
20) Nước Dụ Mạn chu vi đông tây hơn 400 dặm. Nam bắc hơn 100 dặm. Chu vi thủ đô hơn 16,7 dặm. Nước này cũng có Vua. Chùa có hai ngôi. Tăng tín đồ rất ít. Phía Tây nam giáp với sông. Kế đến là nước Cúc Hòa Hạnh Na.
21) Nước Cúc Hòa Hạnh Na, chu vi đông tây hơn 200 dặm. Nam bắc hơn 300 dặm. Chu vi của thủ đô hơn 10 dặm. Có ba ngôi chùa. Tăng tín đồ hơn 100 người. Phía đông giáp nước Hoạch Sa.
22) Nước Hoạch Sa, chu vi đông tây hơn 300 dặm. Nam bắc hơn 500 dặm. Thủ đô 16,7 dặm. Phía đông thì giáp nước Khả Xuất La.
23) Nước Khả Xuất La, chu vi đông tây hơn 1.000 dặm. Nam Bắc hơn 1.000 dặm. Thủ đô của nước này hơn 20 dặm. Phía đông giáp với núi cao. Tiếp đến nước Câu Mê Đa.
24) Nước Câu Mê Đa, chu vi đông tây 2.000 dặm. Nam bắc hơn 200 dặm. Giữa nước có núi cao. Thủ đô chu vi hơn 20 dặm. Phía tây nam giáp với sông hồ. Phía nam giáp với nước Hộ Khí. Qua phía nam vẫn còn sông. Tiếp với nước Đạt Ma Tất Thiết Đế, nước Bát Thích Sáng Na, nước Dâm Bạt Kiến, nước Quật Lãng Nô, nước Ma Đẳng La, nước Bát Lợi Yết, nước Cật Phiếu Sắc Ma. Nước Yết La Hồ. Nước A Lợi Ni. Nước Tào Kiến. Nước Tự Hoạt. Đi về hướng đông nam, đến nước Khoát Tất Đa và nước An Đãn La. Trong hồi ký, viết rằng từ nước Hoạt đến phía tây nam là nước Phược Gia Lãng.
25) Nước Phược Gia Lãng, chu vi đông tây 50 dặm. Nam bắc 200 dặm. Thủ đô hơn 10 dặm. Phía nam tiếp với nước Ngật Lộ Tất Ni Kiến.
26) Nước Ngật Lộ Tất Ni Kiến, chu vi hơn 1.000 dặm. Thủ đô hơn 14 dặm. Phía tây bắc giáp với nước Nhẫn Lẩm.
27) Nước Nhẫn Lẩm, chu vi hơn 800 dặm. Đô thành chu vi 56 dặm. Nơi đây có 10 ngôi chùa. Tăng tín đồ hơn 500 người. Phía tây giáp với nước Phược Yết.
28) Nước Phược Yết, đông tây hơn 800 dặm. Nam bắc hơn 400 dặm. Phía bắc có nhiều sông ngòi. Thủ đô chu vi hơn 20 dặm. Người ở đây thường gọi Tiểu Thành Vương Xá. Tuy nhiên trong thành sống rất ít người. Đất đai màu mỡ. Sản vật rất nhiều. Hoa quả cũng lắm loại. Già Lam có hơn 100 ngôi. Tăng tín đồ trên 3.000 người. Tất cả đều theo Tiểu Thừa. Phía ngoài thành tây nam có Già Lam lớn do tiên đế đã kiến thiết nên. Có các vị Đại Luận Sư tập họp ở núi tuyết phía Bắc. Chỉ có nơi Già Lam này là tuyệt đẹp không thể xưng tán hết. Những tượng Phật là những bảo vật trân quý vô giá. Chùa trang hoàng những bảo vật rất lộng lẫy. Vì vậy có nhiều nước lân bang công kích. Chùa này có tượng Tỳ Sa Môn Thiên Vương. Những vật quý được bảo vệ nơi đây. Gần đó lại có những hang động. Vì lẽ có khuynh hướng sống theo bộ lạc cho nên hay di động, mà Gia Lam này trở thành biểu tượng trân quý. Trong quá khứ điều này khó có được. Có người trong đêm mộng thấy vị Tỳ Sa Môn Thiên Vương nói rằng:
– Nếu nhà ngươi có sức lực cũng không nên phá hoại Già Lam này. Vì đây là não bộ của con người. Nếu phá đi thì con người sẽ bệnh hoạn.
Trong mộng cũng báo rằng nên thỉnh chư tăng sám hối lễ tạ. Nếu trái lại thì có nguy cơ. Trong đất Già Lam này ở phía nam Phật đường có nhiều tượng Phật màu sắc vàng của đá khác nhau. Đây cũng có răng Phật, chiều dài hơn mấy tấc, chiều rộng 8, 9 phân. Răng có màu vàng màu trắng chiếu ánh sáng, lại cũng có áo Cà Sa của Phật ngay cả Y Tăng Già Lê cũng có. Chiều dài hơn hai thước, chiều ngang bảy tấc. Gồm nhiều vật quý hợp thành. Ba vật quý này mỗi năm đến kỳ tế lễ chư Tăng đem trần thiết trang hoàng, để cúng dường. Vì sự chí thành cảm ứng nên răng đã phóng quang. Phía bắc của chùa này có tháp cao hơn 20 thước. Gọi là tháp Kim Cang. Trong đó trang trí nhiều đồ quý và ở giữa có thờ Xá Lợi rất quý giá.
Phía tây nam của Chùa có một tinh xá thành lập đã lâu đời. Xa gần lui tới toàn những bậc cao đức. Họ chứng thánh quả không nói hết được. Tại đây cũng có Vị A La Hán đã nhập Niết Bàn và đã thị hiện thần thông mọi người biết được. Cho nên những tháp khác được mọc lên số kể hơn 100 ngôi. Tuy chứng thánh quả; nhưng không phải tất cả đều biến hoá. Quả việc này có ngàn cách khác nhau không ghi hết được. Lúc đó Tăng tín đồ hơn 100 người ngày đêm túc trực nơi đền thánh.
Chu vi thành hơn 50 dặm. Tiếp đến là thành khác. Thành phía bắc hơn 40 dặm. Tiếp đó có thành Ba Lợi. Ở trong thành có một ngôi tháp cao 3 thước. Ngày xưa nơi đây Như Lai đã sơ chứng Phật quả. Sau khi rời khỏi cây Bồ Đề có hai vị trưởng giả người Miến Điện gặp Ngài với oai đức uy nghiêm. Dáng đi trầm mặc thong thả. Thế Tôn vì người mà nói phước báu của nhân thiên. Thế Tôn đã truyền ngũ giới thập thiện cho họ. Sau khi nghe Pháp họ đã cúng dường mật ngọt. Như Lai đã cho họ tóc và móng tay. Hai trưởng giả này về lại nước với lòng tôn kính vô biên. Như Lai đã làm việc ấy khi Tăng Già chưa thành lập. Kế đến là dâng Uất Đa La Tăng y và những y áo khác cũng như bình bát. Họ đã làm tháp để thờ. Hai người này khi trở lại nước đã vâng thánh chỉ của Vua mà tôn sùng kiến tạo chùa tháp để tôn thờ giáo pháp của Đức Thích Ca. Đây là ngôi tháp đầu tiên vậy.
Thành phía tây hơn 70 dặm có một tháp khác cao hơn 2 thước. Tháp này được kiến tạo từ thời Phật Ca Diếp. Từ thành lớn này ở phía tây nam đi vào núi tuyết thì đến nước Duệ Mạt Đa.
29) Nước Duệ Mạt Đa, đông tây 56 dặm; nam bắc hơn 100 dặm. Đô thành hơn 10 dặm. Phía tây nam giáp đến nước Hồ Thỉ Kiến.
30) Nước Hồ Thỉ Kiến, đông tây hơn 500 dặm; nam bắc hơn 1.000 dặm. Đô thành hơn 20 dặm. nơi đây có nhiều sông núi và có nhiều ngựa hay. Phía tây bắc giáp nước Đản Sắt Kiến.
31) Nước Đản Sắt Kiến, đông tây hơn 500 dặm. Nam bắc hơn 56 dặm. Kinh thành chu vi hơn 10 dặm. Phía tây tiếp với biên giới của nước Ba Sắc Kỳ. Tiếp theo là nước Phược Yết. Đi về phía nam hơn 100 dặm thì gặp nước Yết Chức.
32) Nước Yết Chức, đông tây hơn 500 dặm; nam bắc hơn 300 dặm. Đô thành chu vi 45 dặm. Đất đai phì nhiêu nhưng ít hoa quả, nhiều lúa mạch. Khí hậu lạnh, phong tục lành mạnh. Có hơn 10 cảnh chùa. Tăng tín đồ trên 300 người. Họ theo phái Tiểu Thừa thuộc Thuyết Nhứt Thiết Hữu Bộ. Phía đông nam đi vào núi tuyết. Núi cao vòi vọi nguy hiểm khôn cùng. Gió tuyết ngay cả mùa Hạ cũng đông lạnh. Tuyết đóng thành băng nên rất khó đi. Ở đây họ tôn trọng sơn thần và những loài quỷ mị. Bọn cướp hợp đoàn tung hoành ngang dọc sát hại. Đi thêm sáu trăm dặm nữa thì đến nước Đô Hoá. Sau đó là nước Phạm Hạnh Na.
33) Nước Phạm Hạnh Na, đông tây hơn 2.000 dặm; nam bắc hơn 300 dặm. Nằm ngay trong núi tuyết. Người người hay sống trong hang động. Đô thành đa phần cũng là động đá. Chiều dài 67 dặm. Phía bắc rất cao, có lúa mạch, ít hoa quả. Nuôi gia súc, đa phần là dê và ngựa. Khí hậu lạnh, phong tục tốt đẹp, đa phần ăn mặc kín đáo. Chữ nghĩa phong tục do sự giáo hoá mà thành. Sử dụng tiền tệ giống như nước Đô Hoá La. Ngôn ngữ ít có sự sai khác. Lễ nghi đại khái giống nhau. Có lòng tin cũng giống như nước láng giềng. Trên cũng kính Tam Bảo, dưới cho đến thần dân không bị mất cướp, thành thật, tâm địa tôn kính. Có nhiều khách thương vãng lai. Thiên thần thường hay xuất hiện. Đó là do sự biến hoá của việc cầu phước đức mà nên. Chùa chiền hơn 10 ngôi. Tăng tín đồ hơn 1.000 người. Họ theo Tiểu Thừa Giáo thuộc Thuyết Xuất Thế Bộ. Vương thành phía đông bắc gần núi có tượng Phật đá đứng cao 145 mét. Màu sắc vàng, trang sức bằng những loại đá quý. Phía đông có Già Lam do Tiên đế đã kiến tạo nên. Tiếp đó có tượng Thích Ca bằng đá đứng cao hơn 100 thước. Phân thân đứng riêng biệt để trở thành một quần thể như thế.
Thành phía đông có 23 dặm. Giữa chùa có tượng Phật nhập Niết Bàn nằm, chiều dài 100 thước. Vua nước này thường hay thiết lễ cầu siêu. Trên từ vợ con dưới đến thần dân đều lấy của trong kho của Vua, đem ra bố thí. Quần thần tả hữu cũng đều làm việc đó như là một nhiệm vụ.
Chùa có tượng Phật nằm. Đi về hướng đông nam hơn 200 dặm thì gặp núi tuyết. Phía đông đến một số sông nhỏ. Có ao hồ cây trái sum sê, lại có một cảnh chùa khác giữa chùa có thờ Răng Phật, và thờ Răng Phật của Bích Chi, dài hơn 5 phân, ngang 4 phân. Lại cũng có Răng của Kim Luân Vương dài 3 phân, rộng 2 phân. Thương Na Hòa Tu Đại A La Hán cũng có bình bát bằng thiếc, tám chín cái. Tất cả ở đây đều là đồ vật của các Thánh Hiền và những phong thư vàng, lại có y Tăng Già Lê, cửu điều của ngài Thương Na Hòa Tu. Y nầy có màu hoại sắc làm bằng da và cỏ. Đệ tử của Ngài A La Hán Thương Na Hòa Tu đã làm nên những chiếc y nầy, nhân cơ hội an cư của chúng tăng mà cúng dường. Đây là y Phước Điền để hàng phục thân trung ấm trong thời gian năm trăm lần. Đến thân sau cùng sẽ được đầu thai trở lại. Thân thể cao thấp y nầy sẽ theo đó mà lớn rộng ra. Và theo các vị A La Hán khác để xuất gia. Y nầy sẽ trở thành Pháp phục để đầy đủ cụ túc giới. Và cũng biến thành y Tăng Già Lê, cửu điều chứng tịch diệt nhập vào biên tế định. Phát thành trí tuệ và nguyện lực, lưu giữ nơi Ca Sa nầy, cho đến đời Thích Ca Như Lai, sau khi giáo pháp diệt rồi y nầy sẽ biến hoại. Đây là ý chỉ lòng tin vi diệu vậy. Từ phía đông nầy, đi vào núi tuyết tên là Du Việt Hắc đến nước Ca Tất Thí.
34) Nước Ca Tất Thí, chu vi bốn ngàn dặm hơn, nằm phía bắc Hy Mã Lạp Sơn, ba bên có ngọn núi cao, chu vi thủ đô hơn mười dặm. Nơi đây có nhiều lúa mạch và hoa quả. Sản xuất nhiều ngựa quý và uất kim hương (nghệ). Có nhiều làng mạc trong quốc gia nầy. Khí hậu phong thổ lạnh. Nhân tình hiền hậu. Lời nói dễ nghe, cưới hỏi phức tạp. Chữ viết giống như nước Đổ Hóa La, nhưng phong tục, ngôn ngữ và tôn giáo có nhiều khác biệt. Ăn mặc dùng toàn đồ bằng lông và da. Tiền tệ thì sử dụng tiền vàng, tiền bạc và tiền đồng. Về cách thức sử dụng cũng có nhiều khác biệt tại quốc gia nầy. Nhà vua nước nầy cũng có mưu trí mãnh liệt, hay đi uy hiếp lân bang, thống hợp hơn 10 nước, nhưng có tâm thương bá tánh và tôn sùng Tam Bảo, đã kiến tạo tám tượng Phật bằng bạc và thường chẩn tế để cứu độ sanh linh. Chu cấp cho những người nghèo khổ. Già lam có hơn 100 ngôi. Tăng tín đồ có hơn 6000 người, đa phần người ở đây theo Phật giáo Đại Thừa. Tháp, chùa được xây dựng rộng lớn để hoằng pháp giáo hóa một cách nghiêm tịnh. Chùa Viện của tôn giáo khác hơn mười ngôi, những người theo đạo khác hơn 1000 người, hoặc lõa thể, hoặc bôi mình, hoặc nhuộm từ đầu đến chân.
Thành lớn phía đông hơn ba dặm tư, dưới chân núi phía bắc cũng có một đại Già Lam, Tăng tín đồ hơn 300 người. Họ theo Tiểu Thừa giáo. Nghe người xưa nói lại rằng đây là nước Kiền Đà La của vua Ca Nị Sắc Ca uy hiếp lân bang chinh phục những nước ở xa, binh lính dàn trải cho đến dãy núi phía đông. Và vượt sông sang phía tây để uy hiếp tiếp tục. Vua Ca Nị Sắc Ca được toại nguyện, xây dựng cung điện ở nhiều nơi theo mùa nóng và lạnh. Mùa đông ở các nước tại Ấn Độ, mùa hè trở về nước Ca Tất Thí. Mùa xuân và mùa thu thì đến kiến thiết nước Kiền Đà La. Nhà Vua nầy chia cách sinh hoạt làm ba nơi, kiến tạo Già Lam và những Già Lam nầy là chỗ ở mùa hạ vậy. Trên tường của những nơi nầy có những bức họa dung nhan phục sức khác nhau, giữa mùa hạ, trở lại bổn quốc để duỡng tâm. Tuy cách trở giang sơn nhưng vẫn phát tâm cúng dường cho tăng chúng trong mùa an cư kiết hạ. Tổ chức nhiều trai đàn pháp hội để cầu phước bố thí, điều đó luôn luôn được diễn ra, không bao giờ ngừng nghỉ. Chùa Viện ở cửa đông có tạo nên tượng Nam Đại Thần Vương. Chân bên phải có những vật quý, có nghĩa rằng người nầy giữ gìn cho Già Lam. Tướng của vị nầy rất hung bạo. Nghe chùa nầy có nhiều của quý, được tồn trữ, nên nhiều người muốn khai quật. Các tượng thần vương cũng có hình chim oanh vũ, có cất được tiếng kêu. Đất nơi đây có thể giao động. Nhà Vua và quân lính đến nơi đây thì trở lại yên ổn và lại ra về.
Phía bắc Già Lam nầy có núi cao, và trong núi ấy có nhiều phòng ốc bằng đá, dùng để học tập. Trong nầy cũng có chứa nhiều của quý. Ở trong nầy cũng có bảo tồn những loài thuốc quý, nếu có ai muốn khai quật lấy đi bảo vật, thì thuốc nầy sẽ được biến hiện khác hình hoặc trở thành Sư Tử, hoặc trở thành mãng xà mãnh hổ độc trùng, hình thù biến dị cho nên chẳng có người nào có thể lấy được. Từ những động đá nầy hơn bốn trăm hai mươi ba dặm, đến núi cao và trên ấy có tượng đức Quán Tự Tại Bồ Tát, người nào có lòng thành sẽ thấy được. Bồ Tát từ nơi tượng nầy phát xuất ra những màu sắc vi diệu để an ủi những người muốn cầu.
Cách thành lớn từ phía đông nam hơn ba mươi dặm thì đến Tăng Già Lam Yết La Cổ La, nơi đó cũng có đại tháp cao hơn 100 thước. Khi đến giờ Ngọ trai thì đốt đèn, dùng đèn dầu để đốt ra khói màu đen. Vào đêm tối lại nghe âm nhạc. Chuyện xưa kể rằng đây là nơi được kiến thiết bởi vị Đại Thần Yết La Cổ La, sau khi xây thành xong nằm mộng thấy có người bảo rằng: Ngươi nên kiến lập bảo tháp, sau đó ắt có xá lợi. Ngày hôm sau quả nhiên như vậy có người hiến xá lợi. Nhà Vua đã cho thỉnh vào triều. Do chỗ cầu nguyện mà nhà vua muốn rằng nhà vua có trước. Vua bảo sau nầy sẽ làm một nơi để bái vọng tại nước Yết La Cổ La. Ta chỉ là một người mang Xá Lợi. Vị Đại Thần hỏi rằng:
– Cúng Xá Lợi nào?
Đáp:
– Xá Lợi của Phật
Vị Đại Thần nói:
– Hạ Thần đang giữ đây, xin tâu bệ hạ biết Nước Yết La Cổ La, sợ Vua trân quý Xá Lợi mà không suy nghĩ. Do đó cho nên dựng xây già lam và bảo tháp.
Vì lẽ chí thành cho nên được cảm ứng, bát bằng đá kia tự mở nắp để an trí Xá Lợi vào. Khi an trí xong, niêm phong rồi bảo mọi người thối lui, đóng cửa đá lại. Từ đó sinh ra mùi hương dầu màu đen. Thành phía nam hơn bốn chục dặm, đến thành Tập Tô Đa Đợi Sắc Ty. Phàm có động đất, đến độ nào, thành nầy vẫn không giao động.
Thành Tập Tô Đa Đợi Sắc Ty từ phía Nam hơn 30 dặm đến núi A Lộ Như. Trên núi nầy có nhiều hang động. Đỉnh núi mỗi năm cao thêm hàng trăm phân, cùng với nước Tào Thần Ngật và núi Hiếp Na Tu La, hai bên gần nhau và cùng thịnh suy như nhau. Được biết từ các phong tục rằng: Ngày xưa Hiếp Na Thiên Thần từ xa đến, muốn dừng chân ở núi nầy. Sơn Thần phẩn nộ, dao động thành hang động. Thiên Thần nói: Nếu không chừa bỏ thì sẽ khuynh động đổi thành tài sản của chủ mới. Ta nay đến nước Tào Thần Ngật và núi Hiếp Na Tu La, mỗi năm ta nhận lễ vật từ Quốc Vương Đại Thần hiến dâng và luôn luôn phải như vậy, thì núi A Lộ Như sẽ được nâng cao lên, bằng không sẽ bị băng hoại. Vương thành phía tây bắc hơn 200 dặm thì đến núi Tuyết, trên đỉnh có hồ. Do sự cầu nguyện mà nước mưa luôn có. Nghe người xưa thuật lại rằng: xưa có vị A La Hán ở nước Kiền Đà La thường hay nhận sự cúng dường từ Long Vương ở ao hồ nầy. Mỗi ngày cho đến bữa ăn trưa hay dùng thần thông để ngồi trên giường bay qua lại nơi hư không. Các thị giả Sa Di đều được an ổn ở nơi ấy. Chỉ có vị A La Hán thì hay qua lại Long Cung. Khi gặp Sa Di, Long Vương mời ở lại dùng cơm. Long Vương dùng đồ ăn cam lồ của A La Hán biến thành hương vị của nhân gian cho vị Sa Di, A La Hán khi dùng cơm xong vì Long Vương mà thuyết các Pháp quan trọng. Sa Di như thường lệ vì Thầy mà rửa bát. Trong bát có dư hạt cơm có hương vị liền khởi lên niệm ác rằng hận Thầy và phẩn nộ với Long Vương. Nguyện cho các phước lực ngay bây giờ đoạn mất mệnh của Long Vương và ta tự làm vua. Khi Sa Di phát nguyện như vậy rồi thì Long Vương bị đau đầu. Khi A La Hán thuyết pháp xong, Long Vương tạ lễ, Sa Di phẩn nộ vì chưa được có lời tạ nên trở lại Già Lam và phát nguyện tiếp: nhờ phước lực mà đêm nay mệnh chung vì Đại Long Vương uy đức mà phát. Chờ vào nơi ao để sát hại Long Vương và ở luôn nơi Long Cung, để thống lĩnh tất cả mọi loài. Do lời nguyện đó mà gió mưa nổi dậy làm gãy đổ cây cối và hại cả Già Lam. Cho nên Vua Ca Nị Sắc Ca kinh ngạc và hỏi rằng vị A La Hán nầy có phải là Vua không? Vị Vua đó tức là rồng đang ở trong núi tuyết, lập Tăng Già Lam kiến tạo bảo tháp cao hơn 100 thước. Rồng vì giận mà làm cho nổi mưa nổi gió. Vua vì có tâm hoằng truyền Phật Pháp, rồng vì sân hận mà làm dữ, nên chùa viện và bảo tháp sáu cái bị hư biến thành bảy. Vua Ca Nị Sắc Ca xấu hổ vì chẳng thành công nên muốn trấn hồ rồng nầy để làm chỗ cư ngụ. Cho nên đã đem binh lính đến dưới núi Tuyết sơn. Lúc ấy bị Long Vương nhớ lại chuyện xưa làm chấn động biến thành một người Bà La Môn già lạy Vua mà trần tình rằng: Đại Vương ngày xưa đã trồng nhiều căn lành nhiều loại khác nhau cho nên thắng vậy. Được làm vua trên đời, chẳng có ý niệm báo ân. Ngày hôm nay, vì cớ sao mà giao tranh với Long Vương. Phàm là rồng thuộc về loại súc sanh vậy, cũng thuộc loài ác. Vì sao mà uy lực không đủ để cạnh tranh, như hô phong hoán vũ để có nước mà người thường không làm được. Há rằng tâm vua vẫn còn phẩn nộ sao? Vua bây giờ vừa cầm nước vừa cầm binh cùng chiến đấu với một con rồng, sự thắng chắc chắn thuộc về vua, không còn xa xôi gì nữa. Do vậy mà vua cũng không có gì xấu hổ, cho nên Vua lập kế rút binh. Về sau trở thành vua Ca Nị Sắc Ca vậy.Rồng cũng trở lại hồ nghe được âm thanh chấn động, gió mưa cuồn cuộn làm cho cây cối đất đá lung lay, mưa rơi nặng hạt làm cho quân mã kinh hoàng. Nhà vua quy y Tam Bảo thỉnh cầu lực gia hộ cho nên ngay lúc đó có được nhiều phước và được làm vua trên cõi đời. Uy hiếp những cường địch thống lĩnh các bộ châu. Cho nên nay mới đến đảo tìm rồng mà té ra ta là người bạc phước vậy. Nguyện cho các phước đức hiện tiền nếu có thì ở nơi hai vai ta bốc khói lên. Rồng liền dứt gió ngưng mưa, trời trở nên trong lặng. Vua đã ra lệnh cho quân lính dùng đá để trấn Long Trì. Long Vương biến lại thành Bà La Môn yêu cầu Vua rằng:
– Ta là Long Vương của ao kia, xin quy mệnh. Nhưng xin Vua vì lòng từ mà nghĩ về quá khứ, nếu Vua muốn các sinh linh được sống lâu làm sao để cho ta bị sát hại. Nếu Vua muốn sát hại ta, ta sẽ cùng vua bị đọa vào ác đạo mà vua trở thành đoản mệnh. Ta nhớ lại tâm sợ hãi lo lắng kia vì nghiệp báo và thiện ác sẽ rõ ràng. Vua lùi bước và rồng minh thị rằng nếu ai phạm thì không xứng đáng. Rồng nói rằng ta vì ác nghiệp mà thọ thân làm rồng. Tánh rồng hung ác không thể tự giữ được tâm sân hận khi khởi lên lại hay quên mà không chế ngự được. Nay Vua làm chùa, đừng hủy hoại nữa. Mỗi người chúng ta nên trở về núi, nếu có mây đen nổi lên thì nên thối lui. Ta nghe tiếng rằng do tâm ác kia mà vua nầy tu phước kiến tạo Già Lam, Bảo Tháp, hầu muốn mưa gió không dứt. Nghe tục lệ chép lại rằng: Nơi bảo tháp kia có nhục cốt xá lợi của Như Lai có thể hơn một thăng, biến hóa vô cùng khó nói hết được, có lúc ở trong tháp nầy có khói phát ra, từ cửa nhỏ phát ra khói lớn. Lúc đó có người nghi rằng tháp kia tự bốc cháy. Chiêm ngưỡng lâu thì lửa tắt khói tiêu. Lại thấy Xá Lợi trắng như lưu ly trở vào nơi bát và thăng lên không trung, thăng lên trên cao rồi hạ xuống trở lại.
Vương thành phía tây bắc có sông lớn. Phía nam có Già Lam. Ở bên trong có răng nhỏ của đức Thích Ca chiều dài hơn một phân, tại Già Lam nầy phía đông nam lại có một Già Lam nữa cũng có tên của Tiên vương. Lại có xá lợi xương của Như Lai một mảnh bề rộng hơn một tấc, màu vàng, còn lông tóc màu trắng rất rõ ràng. Lại cũng có tóc của Như Lai màu xanh mượt giống như màu đá, dài hơn một thước, có thể cuốn lại phân nửa. Phàm ba việc nầy gặp được là nhà vua và đại thần tung hoa cúng dường. Từ Già Lam đến phía tây nam có một Già Lam khác trong Bảo Tháp có thờ tượng vàng cao hơn 100 thước. Được biết từ phong tục rằng ở trong tháp nầy, lại có Xá Lợi Phật hơn một đấu, mỗi tháng vào ngày 15, giữa đêm phát ra ánh sáng tròn. Ánh sáng kia rất rực rỡ bay lên hạ xuống rồi nhập vô tháp.
Thành phía tây nam có núi Tỳ Là Bạt có tạo tượng sơn thần, cũng gọi là tượng hiền. Ngày xưa khi Như Lai còn tại thế, thần nầy phụng thỉnh đức Thế Tôn cùng với một ngàn hai trăm vị Đại A La Hán, trên đỉnh núi có bàn đá lớn, Như Lai ngồi đó thọ sự cúng dường của thần. Từ đó về sau, nhà Vua đã xây tháp nơi bàn đá nầy cao hơn 100 thước. Đời nay, người ta gọi là tháp Tượng Hiền vậy. Lại cũng gọi là tháp có hơn một đấu Xá Lợi Như Lai.
Ở phía bắc của tháp Tượng Hiền, dưới chân núi có một hồ rồng, nơi đây chính là nơi đức Như Lai thọ lãnh bữa cơm của thần và nơi mà các vị A La Hán ăn xong xỉa răng. Nhờ trồng thiện căn nầy mà thành cây rừng, để người đời sau kiến tạo thành Già Lam tên là Bi Thích Khứ, (Tước Dương Chi). Từ phía đông đi qua hơn 600 dặm, núi khe tiếp giáp với đỉnh đồi. Vượt qua đỉnh núi đen, vào biên giới phía bắc Ấn Độ đến Lam Bà.