1
2

QUYỂN 2

I. LƯU THÔNG

1. Giác Đức.

2. Trí Minh.

3. Viên Quang.

4. An Hàm.

5. A-li-da-bạt-ma.

6. Tuệ Nghiệp.

7. Tuệ Luân.

8. Huyền Khác.

9. Huyền Du.

10. Huyền Đại Phạm.

1. Thích Giác Đức

Sư người nước Tân La, thông minh học rộng không ai lường được phàm hay thánh. Sư hoằng truyền Phật pháp ở nước Tân La, mọi người đến qui y học hỏi rất đông. Sư thông minh biết theo thời thế mà giáo hóa. Sư nói: “Muốn ra khỏi nơi tăm tối đến chỗ sáng sủa cao rộng thì người học đạo cần phải tìm thầy, nếu nơi nào có đạo thì ở, không có đạo thì ra đi, như vậy chẳng phải hàng Thích tử tự ý quên ân đâu!”. Do đó, sư theo thuyền vượt biển đến nước Lương làm người cầu pháp đầu tiên, nhưng không biết lúc đó là năm thứ mấy? Đây là người Tân La đầu tiên đến Trung Quốc học đạo. Trải qua sự việc tìm thầy học đạo, sư nghe lời giáo huấn như lể được màng và bỏ dăm trong mắt; có trước có sau, không buông lung, lười biếng, đức cao vọng trọng, danh tiếng thiền pháp vang khắp. Như người góp nhặt được châu báu không phải tự mình dùng mà mang về nước giúp đở cho những người nghèo khổ. Đến đời vua Chân Hưng năm thứ mười, sư cùng sứ giả nhà Lương thỉnh xá-lợi Phật về Kinh đô. Lúc ấy, vua Tân La ra lệnh cho quan Hữu ty tập họp các quan chuẩn bị lễ nghi ra đường nghinh đón về chùa Hưng Luân; đây cũng là viên xá-lợi đầu tiên tại nước này.

Ngày xưa, ngài Tăng Hội đến nước Ngô cầu nguyện bảy ngày mới có sự linh ứng. Sư khiến cho vua có lòng tin Phật pháp. Nước Tân La theo Trung Quốc, nhiều lần vua sai sứ đến học phép tắc của Trung Quốc, hoàn toàn không khó khăn gì. Lại nữa, giáo pháp được truyền bá khắp năm châu bốn bể, khiến những người cống cao ngã mạn có ý muốn quay về nương tựa. Công dụng và lợi ích của đạo Phật còn có đạo nào hơn sao? Đến năm thứ hai mươi sáu, vua nước Trần sai sứ giả tên là Lưu Tư và học tăng Minh Quán đưa nhiều bộ kinh, luận Phật giáo về nước, khoảng hơn hai nghìn bảy trăm quyển. Từ đó, Phật pháp mới được truyền bá rộng rãi ở nước Tân La, nhưng kinh, tượng còn thiếu nhiều, đến nay mới được trang bị đầy đủ. Hai sư thị tịch ở đâu đều không biết rõ.

2. Thích Trí Minh.

Sư người nước Tân La, tuệ giải siêu quần, oai nghi mẫu mực, bên trong ẩn tu mật hạnh, luôn khen ngợi công đức của người khác, thường quán chiếu tâm mình, vui vẻ, khiêm nhường từ tốn với mọi người. Giáo pháp từ Thiên Trúc truyền vào Hải Đông, lúc đầu ở đây chưa có, sư tập trung đông đảo, dần dần có các bậc anh tuấn lần lượt sinh ra, mạnh dạn ra tay truyền bá Phật pháp, hoặc có người tự ngộ rồi trình diễn tài năng, hoặc có người đi xa cầu học. Tân y học với Cựu y, cho nên chính tà được phân minh; quan cũ chỉ bảo quan mới, như thầy truyền cho trò. Bấy giờ, những vị tăng từ Ấn Độ vào Trung Quốc đều thông hiểu Phật pháp, các ngài nối gót nhau xiển dương Phật pháp.

Với tài đức nổi tiếng đương thời, đến tháng 7 mùa thu, thời vua Chân Bình năm thứ bảy, sư hỏi thăm đường sá thuận tiện qua nước Trần để cầu pháp, trải qua biển cả, đất liền đi khắp đông tây, nếu nghe ở đâu có người thông hiểu Phật pháp và nổi tiếng, sư liền đến tham vấn và cầu học, như khúc theo dây mực, như vàng làm thành vật trang sức. Một chuyến du học bỗng chốc đã mười năm, sư học được điều cốt tủy, hết lòng muốn truyền bá Phật pháp.

Đến tháng 9 thời vua Chân Bình năm thứ hai mươi bốn, sư theo sứ giả triều cống trở về nước, vua vì khâm phục đạo phong và ngưỡng mộ tinh thần trọng giới luật của sư, nên khen tặng là Đại đức, để khuyến khích người đời sau. Đức của sư cao vòi vọi như núi, tâm lượng bao la như biển, chiếu soi bằng ánh sáng trí tuệ, chấn chỉnh nhờ đạo phong, đây là lới giáo huấn, phép tắc cho người xuất gia và tại gia. Sau này được vua khen tặng thêm là Đại đại đức. Sư ở địa vị cao quí, không biết thị tịch năm nào? Sư vào nước Trần được năm năm, pháp sư Viên Quang đến nước Trần tám năm, Đàm Dục đến nước Tùy bảy năm. Sau đó, các ngài theo sứ giả của triều đình tên là Huệ Văn trở về nước. Sư và Trí Minh đều nhờ đức cao mà nổi tiếng, không thua kém các bậc anh tài đương thời.

Ghi chú:

Quí Trát xét về âm nhạc vương triều nhà Chu, Trọng Ni[95] hỏi Lão Đam[96] về “lễ”, chẳng phải là mới học mà mỗi người đều có chủ trương riêng của mình. Những vị cao tăng thạc đức qua lại Trung Quốc hỏi đạo rồi trở về. Ở đây mỗi người tuy khác nhau, nhưng cùng chung một chí hướng.

3. Thích Viên Quang.

Sư họ Tiết, còn gọi là Phác, người ở kinh đô. Năm mười ba tuổi, sư xuống tóc xuất gia làm tăng (theo bộ Tục Cao Tăng Truyện ghi: Sư xuất gia ở chùa Đường) khí khái khoan thai, thông minh hơn người, đã từng khảo xét qua nghĩa lý sâu kín của huyền học và nho học, đam mê văn chương, ý chí cao vời, không ưa ở chỗ ồn ào. Năm ba mươi tuổi vào ở ẩn trong núi Tam Kì, không ra khỏi động. Bấy giờ, có một vị tì-kheo đến ở gần đó, xây dựng một ngôi chùa để tu học. Vào một đêm kia, trong lúc sư đang ngồi tụng kinh, có một vị thần đến nói: “Hay thay! Người xuất gia tu hành tuy nhiều, nhưng không thấy ai hơn pháp sư! Nay vị tì-kheo kia chuyên tu theo chú thuật, chỉ khuấy nhiễu việc tụng niệm của sư và làm cản trở sự đi lại của tôi mà không chứng đắc gì. Bấy lâu nay, tôi rất oán giận ông ta, xin ngài khuyên bảo ông ta dời đi nơi khác, nếu ông ta không chịu nghe theo thì nhất định sẽ bị tai họa”.

Sáng sớm hôm sau, Sư đến nói với vị tì-kheo rằng:

– Ông hãy dời đi chỗ khác ở để tránh tai họa, nếu không sẽ gặp việc không may.

Tì-kheo đáp:

– Phẩm hạnh cao cả của chúng ta đã bị bọn ma quỷ làm trở ngại, tại sao ngài còn sợ lời hăm doạ của bọn yêu quỉ kia?

Đêm đó vị thần kia đến hỏi sư việc đã nói trước, xem thử tì-kheo kia trả lời thế nào. Nhưng vì sợ vị thần kia nổi giận nên sư đã nói tránh:

– Tôi chưa có nói việc mà ngài đã giao, chứ vị tì-kheo kia nào dám không nghe theo.

Vị thần nói:

– Tôi đã biết tất cả mọi việc rồi. Vả lại, tôi thấy người kia vẫn còn ở đó là đủ biết rồi.

Đến tối, có tiếng động lớn như sét đánh. Tờ mờ sáng hôm sau, sư đến xem, quả thật có một ngọn núi lỡ đè lên ngôi già-lam. Vị thần cũng đến và nói: “Tôi sống đã mấy nghìn năm rồi, uy lực rất mạnh mẽ, chỉ chừng này thôi cũng chưa lấy gì làm lạ”.

Nhân đó, vị thần khuyên bảo: “Nay ngài tuy có phần tự lợi nhưng còn thiếu phần lợi tha, tại sao không đến Trung Quốc mà học pháp Ba-la-mật để giáo hóa đồ chúng sau này?”.

Tì-kheo nói:

– Học đạo ở Trung Quốc vốn là ý nguyện của tôi, nhưng đường biển, đường bộ xa xôi hiểm trở, không thể tự đến được.

Bấy giờ, vị thần chỉ rõ cho sư biết về việc đi tham học ở Trung Quốc. Mùa xuân tháng 3 thời vua Chân Bình năm thứ mười hai, sư đến nước Trần, đi khắp các trường giảng kinh, luận và thông suốt giáo pháp vi diệu. sau đó, sư được truyền thụ luận Thành Thật, kinh Niết-bàn, ba tạng kinh, Số luận. Sau, sư đến núi Hổ Khâu ở nước Ngô, tu định tuệ; nhân đó các tín sĩ thỉnh giảng luận Thành thật, mọi người ngưỡng mộ sư, nên xếp hàng nối nhau đến cầu thỉnh. Bấy giờ, gặp lúc binh lính nhà Tùy vào đánh chiếm Dương Đô, chủ tướng thấy tháp bị đốt, liền dập lửa và thấy sư bị trói ở trước tháp, thần sắc sư không đổi, ông ta lấy làm lạ và cỡi trói cho sư. Đến niên hiệu Khai Hoàng (…), khi học thuyết Nhiếp Luận bắt đầu hưng thịnh, sư bèn nghiên cứu luận này, tiếng tăm ngày càng vang xa, công đức thành tựu. Phật pháp cần phải được điếp nối ở Hải Đông, do đó triều đình ban sắc thỉnh sư về nước. Năm Canh Thân đời vua Chân Bình thứ hai mươi hai, sư theo sứ thần tên Nại Ma và quan Đại xá[97] cùng họ với nhà vua, cả ba người trở về nước. Khi ra giữa biển, bỗng có một dị nhân xuất hiện đỉnh lễ và hỏi sư: “Xin Ngài vì tôi mà xây dựng một ngôi chùa để giảng dạy giáo pháp, đệ tử được phúc báo thù thắng”. Sư chấp nhận lời của vị kia. Sư lui tới nhiều năm, tất cả những người già trẻ đều vui vẻ, vua cũng tỏ lòng cung kính và ngưỡng mộ giáo pháp của Đấng Năng Nhân. Sư đến ở chỗ cũ tại núi Tam Kì, nửa đêm có vị thần đến hỏi:

– Ngài trở về rồi sao?

Sư tạ ơn và nói:

– Nhờ vào ân giúp đỡ của ngài mà tôi được trăm việc đều như ý.

Vị thần nói:

– Tôi luôn ủng hộ Ngài.

Vả lại, sư hứa với thần long xây dựng chùa, nay thần long cũng đến. Sư hỏi:

– Chỗ nào có thể xây dựng được?

Vị thần nói:

– Lúc đến Vân Môn mà thấy con chim khách mổ chỗ đất nào thì xây dựng ngôi chùa ở đó.

Đến sáng sớm mai, sư cùng thần long trở về, quả thật thấy chỗ đất đó, liền cho người đào đất thì thấy có một cái tháp đá ở đó. Sư liền xây tại đó một ngôi già-lam, đặt tên là Vân Môn, rồi sư trụ trì ở đó. Vị thần kia luôn ủng hộ, một hôm thần bảo: “Không bao lâu nữa tôi sẽ chết, nay xin sư cho tôi thụ giới bồ-tát để làm vốn liếng cho việc ra đi vĩnh viễn”. Sư truyền giới xong, vị thần phát thệ nguyện đời đời giúp đỡ lẫn nhau. Sư hỏi: “Hình tướng của thần tôi có thể thấy được không?”. Thần nói: “Đợi lúc trời gần sáng, ngài hãy nhìn về phương đông sẽ thấy một cánh tay xuyên qua đám mây trên bầu trời”. Thần lại nói tiếp: “Ngài muốn thấy cánh tay của tôi ư! Tuy tôi là thần nhưng chưa tránh khỏi sự chia phối của vô thường, đến một ngày nào đó chết cũng trở về với đất, xin đến từ biệt”. Tới kì hạn, sư đến xem, thấy một con li màu đen kêu gào mà chết, tức là vị thần đó.

Long nữ ở biển phía tây thường theo sư nghe giảng. Lúc vừa xảy ra đại hạn, sư bảo long nữ:

– Ngươi hãy làm mưa.

Long nữ thưa:

– Thượng đế không cho phép. Nếu tôi cố làm mưa, ắt sẽ đắc tội với trời; vì không có sự cúng tế cầu xin.

Sư nói:

– Với năng lực của ta có thể tránh được tội đó.

Bỗng chốc có ráng hồng xuất hiện ở Nam sơn và chẳng bao lâu sau thì trời đổ mưa. Bấy giờ, trời nổi sấm sét sắp trừng phát long nữ. Long nữ cấp báo; sư bèn giấu long nữ ở dưới sàn giảng kinh. Sứ giả của trời đến nói:

– Tôi nhận lệnh của thượng đế bảo sư giao người phạm tội lẩn trốn. Lệnh của chủ tôi truyền đến mà tôi không tuân theo thì biết làm sao?”.

Sư chỉ vào cây lê ở trong sân nói:

– Con rồng kia biến thành cây này, ông hãy bắt đi.

Thiên sứ bèn dùng sét đánh cây lê rồi bỏ đi. Rồng mới xuất hiện lễ tạ sư và nghĩ: “Cây này đã thay ta chịu trừng phạt”. Nói xong, rồng dùng tay vuốt ve thân cây, cây ấy liền sống lại.

Đến đời vua Chân Binh năm thứ ba mươi, vua bị họa nước Cao-cú-li nhiều lần xâm lấn biên cương; vua muốn mượn binh lính nhà Tùy để chinh phạt nước Cao-cú-li. Vua lệnh cho sư đưa ra mưu lược đánh nước Cao-cú-li. Sư nói: “Vì bảo toàn mình mà tiêu diệt người khác, đó chẳng phải là hạnh của sa-môn, nhưng bần đạo ở trong đất đại vương, hao tổn cơm áo của đại vương thì đâu dám không nghe theo”. Sư liền tâu mưu lược cho nhà vua.

Sư tính tình vị tha, phóng khoáng, cười cười nói nói, không tỏ vẻ giận hờn. Vua lấy những lời của sư trình bày cho chép lại thành sách. Đó là những điều được rút ra từ tâm can, cả nước đều nghe theo, lấy đó làm chính sách cai trị đất nước, tùy thời mà áp dụng và làm khuôn phép cho các triều đại sau.

Năm ba mươi lăm, chùa Hoàng Long mở hội Bách Tòa, tập hợp chư tăng giảng kinh, sư là người đứng đầu. Sư thường ở lại chùa Gia Tất giảng kinh.

Hai ông Quí Sơn và Chửu Đỉnh ở Sa Lượng Bộ đến chùa nắm lấy y của sư và thưa: “Người đời ngu muội chẳng có hiểu biết gì, mong ngài cho một lời khuyên để mọi người làm phép tắc trọn đời”.

Sư nói:

– Có giới bồ-tát, trong đó đặc biệt có mười giới, nếu tất cả đều là người tầm thường, e rằng không thể thực hành được. Nay có năm giới dành cho người bình thường:

1. Tận trung với vua.

2. Hiếu thảo với cha mẹ.

3. Giữ lòng tin với bạn bè.

4. Ra trận không thoái lui.

5. Không tùy tiện sát hại sinh mạng.

Mọi người nhớ thực hành những điều này, chớ lãng quên.

Quí Sơn nói:

– Bốn điều trên đã vâng giữ rồi, nhưng không hiểu thế nào không tùy tiện sát hại sinh mạng.

Sư nói:

– Tháng đầu của mùa xuân, hạ[98] và sáu ngày trai trong mỗi tháng thì không được sát sinh. Đó là chọn thời gian mà giết. Không giết những loài vật nuôi để sai sử, như trâu, ngựa, gà, chó. Không giết những con vật nhỏ mà thịt không đủ một miếng ăn. Đó là chọn vật mà giết. Trái lại, nếu gặp phải trường hợp buộc phải giết thì cũng không được giết quá nhiều. Đây có thể gọi là thiện giới của người thế tục. Quí Sơn các ông! Phải giữ gìn giới này chớ có vi phạm.

Một thời gian sau, vua bị bệnh nặng, uống thuốc không lành, nên thỉnh sư thuyết pháp. Sư vào cung ngồi ngay ngắn, hoặc giảng kinh, hoặc nói chuyện, vua đều hết lòng tín thụ phụng hành. Vào đầu hôm, vua thấy trên đỉnh đầu của sư có ánh sáng màu vàng ròng như vầng mặt trời, tất cả những người trong cung cùng nhau đến xem, bệnh của vua lập tức thuyên giảm. Sư tuổi cao sức yếu, mỗi lần vào cung phải ngồi xe, y phục, thuốc thang đều do chính tay vua cung cấp, với mục đích chỉ cầu mong được phúc. Những tài vật cúng dường nhận được, sư đều dùng để xây chùa. Sư chỉ dùng y, bát làm vật tùy thân để tuyên dương chính pháp. Sư tận tụy giảng dạy cho kẻ tăng người tục cho đến những ngày cuối đời. Vua đích thân đến an ủi, nhân đó, sư căn dặn nhà vua nên làm cho giáo pháp lưu truyền khắp mọi người trong nước và nói cho họ biết những điềm lành.

Năm thứ năm mươi tám, niên hiệu Kiến Phúc, sư ngồi lặng lẽ suốt bảy ngày, sau đó sư dặn dò đệ tử phải giữ gìn giới luật và cảnh tỉnh vô thường. Dặn dò xong, sư ngồi ngay ngắn và thị tịch ngay tại chỗ. Lúc ấy, trong không trung phía tây bắc chùa Hoàng Long âm nhạc vang cả hư không, hương thơm lạ tràn ngập khắp phòng, cả nước buồn vui lẫn lộn, quan tài và đồ tẫm liệm giống như lễ an táng của vua, hưởng thọ 99 tuổi; năm ấy nhằm niên hiệu Trinh Quán thứ tư (608). Sau đó có người bị hư thai, nghe lời tục ngữ truyền rằng, nếu chôn ở bên cạnh mộ người có đức thì sẽ được con đàn cháu lũ. Biết được điều đó, người ấy lén đem thai nhi chôn bên mộ kia. Ngày hôm ấy, sấm sét dữ dội, thai nhi bị đánh văng khỏi mộ. Tháp Tam Kì Sơn đến nay vẫn còn đó.

Người đệ tử lớn của sư Viên Quang cũng là người Tân La. Ngài cơ phong rất bén nhạy, thích ngao du sơn thuỷ, rất ngưỡng mộ những thắng tích; vì thế, ngài theo hướng bắc đi đến kinh đô của chín nước, nhưng ngài không thể đến được Đông Quán[99]. Sau đó, ngai đi về Tây Yên, Bắc Ngụy và sau đó lại sang Đế kinh, do vậy ngài biết được tất cả địa lý phong tục ở nhiều nơi. Ngoài ra, ngài còn tìm học các kinh luận, thông suốt luật tạng, hiểu rõ ý kinh, đạo hạnh cao vời và ngài thường giảng dạy cho kẻ tăng người tục. Quan Đặc tiến tên là Túc Vũ thỉnh ngài trụ lại đây, nên xây ngôi chùa Tân Lương, thuộc huyện Lam Điền và cúng dường bốn thứ cần dùng[100], nhưng về sau không biết ngài tịch ở đâu.

Ghi chú:

Thuở xưa ngài Viễn Công[101] trong quá trình giảng luận thường lấy dẫn chứng của sách thế tục. Ngài lấy những dẫn chứng của Trang tử, Lão tử có liên quan để làm cho mọi người hiểu được những ý chỉ sâu mầu của kinh luận. Giống như một người thầy giỏi, khi giảng về giới của người tại gia, thì phải học thông cả nội điển và ngoại điển; có như vậy mới tuỳ căn cơ thuyết pháp để đạt được hiệu quả.

Nhưng sát sinh cũng phải có sự lựa chọn. Vì sao Thang bảo đặt lưới phải chừa ba hướng? Còn Trọng Ni khuyên bắn chim chớ bắn con đang ngủ? Mặt khác, nếu làm động đến thiên thần, trái với thiên sứ thì đạo lực chắc chắn có thể biết được vậy.

4. Thích An Hàm.

Sư họ Kim, là cháu của nhà thi phú Y San. Vừa sinh ra sư đã thông tuệ, tính tình phóng khoáng, ý chí quả quyết và thanh cao. Sư đi khắp nơi xem xét phong tục tập quán nhiều vùng. Đời vua Chân Bình thứ hai mươi hai, sư kết bạn với cao tăng Huệ Túc. Sau đó, sư chèo chiếc bè tre trôi dạt ngược xuôi khắp các vùng sông nước. Một hôm, sư chèo bè xuống phía dưới một hòn đảo thì bỗng gặp sóng gió thổi chiếc bè của sư quay ngược lại, dạt vào bến của nước Tân La. Năm sau, vua có lệnh tuyển chọn những người được coi là pháp khí vào triều để khảo thí về trình độ học vấn. Qua cuộc khảo thí vua ban lệnh, pháp sư là người thích hợp đi sứ. Rồi sư với sứ thần cùng xuống thuyền vượt biển. Thuyền vượt sóng gió rất xa mới tới được triều đình, thị thần ra đón đưa vào chầu vua. Vừa gặp sư, hoàng thượng vô cùng vui mừng, liền hạ lệnh cho sư về ở tại chùa Đại Hưng Thánh. Trong vòng một tháng, sư giảng giải tỉ mĩ những nghĩa lý sâu kín của Phật pháp. Lúc ấy, có vị tiên mang đến cho sư mười con ngựa trạm, đúng giờ ngày hôm đó, sư trở về nước. Ai nghe được tiếng trống trong đêm! Từ núi Tần Lãnh cách cung vua là một nghìn dặm đường, dong ruỗi nhanh như sao băng, há đợi tiếng chuông vào buổi sáng sớm sao? Mười thừa pháp quán bí mật[102], nghĩa lý sâu mầu của kinh văn, trong vòng năm năm không sao có thể xem hết được. Trải qua hai mươi bảy năm, có các sa-môn Tì-ma-chân-đế ở nước Vu Điền, sa-môn Nông-già-đà v.v… đều đến Tân La. Ngoài ra cũng có các vị tăng ở Tây Vức, Ấn Độ đến thẳng Kê Lâm. Vì đều bắt nguồn từ đây vậy. Cho nên, Thôi Trí Viễn soạn bộ truyện Nghĩa Tương có ghi: “Đời vua Chân Bình, niên hiệu Kiến Phúc thứ bốn mươi hai, sư mới sinh ra. Năm ấy, có vị thánh nhân ở Tân La là pháp sư An Hoằng và hai vị Tam tạng pháp sư ở Ấn Độ, và cũng có hai vị tăng người Hán từ nước Đường đến”.

Lời chú ghi: “Năm thứ bốn mươi bốn, có ngài Tì-ma-la-chân-đế ở Ô Trành phía bắc Thiên Trúc đến. Năm thứ bốn mươi sáu thì có ngài Nông-già-đà đến. Cũng năm thứ bốn mươi sáu có ngài Phật-đà-tăng-già ở nước Ma-đầu-la đến. Các ngài đi qua năm mươi hai nước mới đến được Trung Quốc. Rồi theo hướng đông đến Tân La ở lại chùa Hoàng Long dịch ra các bộ kinh Chiên đàn hương, Hỏa tinh quang, Diệu nữ và vị tăng ở địa phương tên Đàm Hòa bút thụ. Không bao lâu sau, hai vị tăng người Hán dâng biểu xin trở về nước, vua đồng ý và tiễn họ về. Thế thì ngài An Hoằng chính là hòa thượng vậy.

Theo bộ Tân La bản kí: “Đời vua Chân Hưng, năm thứ ba mươi bảy, ngài An Hoằng sang Trung Quốc cầu pháp. Sau đó, ngài cùng với hai vị tăng Ấn Độ là Tì-ma-la v.v… trở về nước, dâng lên hai bộ kinh Lăng-già, Thắng man và xá-lợi Phật. Từ cuối đời vua Chân Hưng đến đời vua Chân Bình, niên hiệu Kiến Phúc cách nhau khoảng năm mươi năm. Như vậy vị Tam tạng nào đến và trở về trước đó? Do đó, giả thiết cho rằng sư An Hàm, An Hoằng, như vậy thật có hai người. Nhưng hành trạng của các vị này so với các ngài Tam tạng không khác và danh tiếng cũng không khác. Nay tập hợp lại viết thành truyện. Lại cũng không rõ các vị Tam tạng người Ấn Độ kia đi, ở hay mất ở đâu. Hòa thượng trở về nước sau đó có viết một quyển sấm kí. Việc in ấn, khắc chữ có khi ghép lại, có lúc tách riêng ra, cho nên việc đó khó mà phỏng đoán biết được; mặt khác, ý nghĩa sâu kín xét lý lẽ thật khó mà cùng tận. Như nói con chim cú mèo tan tác (Văn bia khó hiểu, không rõ ràng). Hoặc nói, hoàng hậu được mai táng ở trời Đao-lợi; như sự thất bại của chiến binh ở nghìn dặm; như hoàn tất của chùa Tứ Thiên Vương; như năm vương tử trở về quê hương; như năm nhà vua thạnh trị; tất cả đều là lời tiên đoán những việc về sau, như tận mắt trông thấy không hề sai sót.

Sư tịch ở đạo tràng Vạn Thiện, vào ngày 23 tháng 9 năm thứ chín đời vua Thiện Đức, hưởng thọ 62 tuổi. Cũng vào tháng đó, sứ thần từ đất Hán trở về, tình cờ gặp pháp sư ngồi trên sóng biếc an nhiên đi về hướng tây. Đó đích thực gọi là vọt lên không như bước trên thềm, ngồi trên nước như đi trên đất. Quan hàn lâm họ Tiết, phụng chiếu vua soạn lời bia; ông ta ghi: “Hoàng hậu được mai táng ở cung trời Đao-lợi, xây cất chùa Tứ Thiên Vương, đêm chim lạ kêu, ngày binh lính chết, vương tử vượt qua cửa ải vào triều, ở với nhà vua năm năm, ra nước ngoài ba mươi năm rồi trở về lại, qua lại nổi trôi, người và ta làm thế nào tránh khỏi, hưởng thọ 62 tuổi, tịch ở Vạn Thiện, sứ thần dong thuyền trở về cũng có gặp sư, sư ngồi trên mặt nước, nhắm hướng tây mà đi (văn bia bị rêu phủ, chữ bị hư hỏng không còn nguyên vẹn, mười phần mất đi bốn năm phần, nên chọn lấy những gì nhìn thấy được, phác thảo lại thành văn). Bởi vì không cần dựa vào tư liệu khác cũng thấy được phần nào những hành trạng của sư.

Ghi chú:

Sư đã đạt được thần thông và giải thoát nên sống chết tự tại, là việc làm tự nhiên của đại bồ-tát, ở trong đó đâu cho ghi chép nói năng. Như vậy từ khi sư mới vào triều và cùng với các vị Tam tạng ở Tây Vức, nắm giữ nguồn chân, thổi ốc pháp và tuôn mưa pháp, thấm nhuần cả chân trời góc biển. Còn về chữ viết đúng tên của bậc thánh nhân hoằng pháp thì tôi e rằng hai chữ hàm, hoằng (含,弘) có một chữ bị viết sai. Bởi vì văn tự mà viết đi viết lại nhiều lần sẽ sai đi, như chữ ô, chữ yên (烏, 焉) viết thành chữ mã (馬).

5. Thích A-li-da-bạt-ma.

Sư thông minh trí tuệ, hình dáng khác người thường. Sư là người Tân La đầu tiên sang Trung Quốc tìm thầy học đạo. Sư đi cầu học hết nơi này đến nơi khác, dù đó là chốn sơn cùng thủy tận. Với ý chí xung thiên, sư không chỉ là bậc mô phạm, gương mẫu lúc ấy mà còn là người có nhiều nhiệt huyết về việc giảng dạy, dắt dẫn cho người đời sau.

Do đó, sư đã quyết chí đi tham quan khắp nơi, những chỗ xa xôi hẻo lánh nhất sư đều đến. Sau đó, sư sang Tây Trúc cầu pháp. Sư lặn lội đường xa vạn dặm vượt qua dãy Thông Lĩnh để tìm đến những thắng tích kì vĩ. Nhờ đó, sư đã chiêm ngưỡng được nhiều thánh tích và ước nguyện ngày xưa đã thỏa mãn. Nhưng cùng lúc ấy, lương thực mang theo cũng vừa hết, sư trụ lại chùa Na-lan-đà, chẳng bao lâu sau, sư tịch ở đó. Lúc ấy có vị cao tăng tên Huệ Nghiệp trụ ở chùa Bồ-đề. Ngoài ra còn có hai ngài Huyền Khác, Huyền Chiếu đến chùa Đại Giác. Vào niên hiệu Trinh Quán, bốn người vừa kể trên đều đến Tây Trúc cầu pháp, ngoài ra còn có bốn vị tăng khác người Tân La cũng cùng đi trong đợt này. Tất cả những vị ấy đều là những người đã gieo trồng nhân duyên thù thắng nên mới có đầy đủ hạt giống Phật và từ xa vọng về bái tạ quê xưa. Sau đó, các ngài đi khắp đất nước Ấn Độ chiêm bái tất cả thánh tích. Các ngài nổi tiếng khắp đông tây, trải phúc lành cùng vạn nẻo; nếu chẳng phải những bậc có tâm rộng lớn, thì đâu có thể làm được việc này? Theo bộ Niên phổ nói: “Sư và ngài Huyền Trang[103] tam tạng cùng đến Ấn Độ, nhưng không biết đi vào năm thứ mấy mà thôi”.

6. Thích Huệ Nghiệp.

Sư tính tình độ lượng, khí phách cao vời, dung nghi đĩnh đạc, dáng dấp thanh cao, nói năng chuẩn mực. Sư vào Trung Hoa, đến niên hiệu Trinh Quán, sư sang Tây Vực. Sư vượt qua bãi sa mạc rộng lớn mênh mông và leo qua ngọt núi tuyết cao chót vót. Ban ngày sư thường ẩn thân trong rừng sâu, trăng sáng thì sư lên đường. Sư giãi nắng dầm sương, vượt qua bao sóng gió, không tiếc thân mạng, quyết chí làm cho giáo pháp được lưu truyền rộng rãi. Sư lần lượt đến chùa Bồ-đề, chiêm ngưỡng, đỉnh lễ các thánh tích; rồi lại đến chùa Na-lan-đà, tu dưỡng chân tính một thời gian rất lâu và xin đọc kinh Tịnh Danh. Nhân đó, sư kiểm nghiệm lại bản kinh đời Đường và nhờ vậy mà sư hiểu được một cách thông suốt.

Bộ Lương luận quyển hạ ghi: “Dưới cây Phật Xỉ, có vị tăng người Tân La tên Huệ Nghiệp ghi lại”. Truyện kể rằng: “Ngài Huệ Nghiệp tịch ở chùa này, thọ hơn 60 tuổi”. Những bản kinh chữ Phạn do sư chép lại đều từ chùa Na-lan-đà.

7. Thích Huệ Luân.

Sư người nước Tân La, tên tiếng Phạn là Bát-nhã-bạt-ma (theo cách dịch đời đường là Huệ Giáp 甲, nhưng theo nguyên bản thì ghi là chữ Thân 申,nghĩa là Huệ Thân). Sư xuất gia ở nước Tân La và ước ao được chiêm ngưỡng các thánh cảnh. Do đó, sư dong thuyền vượt biển đến Mân Việt[104] và lặn lội tìm đến Trường An, sư giãi nắng dầm sương, trải qua bao gian nan hiểm trở như thế. Sau đó, sư vâng lệnh vua, theo hầu pháp sư Huyền Chiếu trong chuyến đi Ấn Độ, cũng băng rừng, vượt suối gian nguy khổ sở. Sau khi đến được Ấn Độ, sư đi khắp nơi đỉnh lễ hết tất cả những thánh tích. Sư ở lại chùa Tín Giả thuộc nước Am-ma-la-ba được mười năm. Sau đó không lâu, sư lại tiếp tục đi về phía đông Ấn Độ. Bấy giờ, chùa Sơn Trà ở Kiện-đà-la tài sản dồi dào, nên thiết trai cúng dường, những chùa khác không chùa nào hơn chùa này. Bấy giờ, những vị tăng ở phía bắc Ấn Độ đến đều trụ lại ở chùa này. Chư tăng nhóm họp ở đây rất đông đảo, mỗi vị thực hành riêng pháp môn của mình. Qua trao đổi học tập, sư đã rất giỏi chữ Phạn, nhờ đó hiểu được cốt tủy của luận Câu-xá. Những chuyện này ngày sau vẫn còn. Sư thọ 40 tuổi. Về chuyện của sư được ghi lại đầy đủ như trong truyện Nghĩa Tịnh tam tạng cầu pháp cao tăng .

8. Thích Huyền Khác.

Sư người Tân La, tướng mạo uy nghiêm, tính tình cứng cỏi, học sâu hiểu rộng, tính ưa giảng pháp, tùy cơ giáo hóa. Người bấy giờ ví sư như hoa phù dung trong lửa. Sư thường than là mình sinh ra ở vùng biên địa, chưa thấy được Trung Quốc; sư nghe đến phong tục tập quán Trung Quốc thì sinh lòng vui thích, liền theo đường núi đi đến, càng xa quê nhà, càng vui khi đến Trung Quốc. Sư hổ thẹn suốt ngày, chí muốn tham vấn khắp nơi, giống như mặt trăng vận hành, nửa đêm tùy ý vận chuyển. Hoặc lơ lửng trên đỉnh núi, mây ngàn cao vút, hoặc trải qua băng tuyết dài nghìn dặm, hoặc đi như gió, hoặc dừng như mây. Sư và pháp sư Huyền Chiếu cùng nhau đến ở chùa Đại Giác xứ Ấn Độ. Sau đó, sư dạo khắp nẻo đường ở Mãn Diệm, ngắm nhìn cảnh trí ở Vô Ảnh, đọc sách, nghiên cứu giáo lí, như mài ngọc thành đồ trang sức. Năm hơn 40 tuổi, sư mắc bệnh mà chết. Sư Huyền Chiếu cũng là vị cao tăng nước Tân La. Huyền Chiếu và sư là đồng môn cùng chí hướng. Không rõ sư tịch ở đâu!

Sau này có hai vị tăng người Tân La, không rõ tên tuổi cũng phát xuất từ Trường An, đi thuyền trôi dạt đến nước Thất-lợi-phật-thệ thì mắc bệnh và chết.

9. Thích Huyền Du.

Sư người Cao-cú-li, tính tình hòa nhã, bẫm chất thanh cao, lòng luôn nghĩ đến sự tự lợi và lợi tha, chí mong học hỏi, sư đứng trên chiếc cốc vượt ngược dòng, chịu bao khó nhọc đến nước Đường, đỉnh lễ thờ thiền sư Tăng Triết để học tập. Tăng Triết nhớ nghĩ đến dấu tích của bậc thánh, liền theo thuyền vượt biển đến Tây Vức, tùy duyên giáo hóa. Ngài đi đỉnh lễ khắp tất cả các thánh tích. Sau đó, sư từ Ấn Độ trở về Trung Quốc, sư kết giao với quan, do đó mà sự nghiệp thành tựu. Nhờ ở lại đây, tài đức của sư ngày càng rạng rỡ, thiền phái chóng thịnh hành, kẻ tăng người tục khắp nơi lui tới tu học đông đảo. Sư xứng đáng là trụ cột của Phật giáo, là bậc lãnh đạo của tăng đồ. Sau này, sư suy ngẫm biến đổi của thế sự, xót xa cho sự thay đổi của thế sự, thương cho cuộc đời vô thường, giống như củi hết lửa tắt, còn có gì đáng để luyến tiếc!

Tam tạng Nghĩa Tịnh[105] khen sư tuổi trẻ đã có lòng mến mộ Phật pháp, chí mong đến xứ Đông Hạ[106], lại muốn cầu học ở Ấn Độ, nhiều lần qua lại Trung Quốc, vì mọi người mà ở lại đây, truyền dạy mười pháp[107] để hoằng dương Phật pháp trọn nghìn năm chứ chẳng phải một năm. Dù bỏ thân ở xứ người cũng không có ý muốn trở về quê xưa. Công đức và tiếng tăm của ngài vòi vọi như thế, sao lại không ghi vào sử sách để chỉ dạy cho người đời sau! Do đó, mới soạn ra bộ Cầu pháp cao tăng truyện[108]. Tôi tình cờ xem trong Đại tạng kinh, khi đọc đến đoạn này, trong lòng rất ngưỡng mộ, liền trích ra chép vào bộ sách này.

10. Thích Huyền Thái.

Sư người Tân La, pháp danh Tát-bà-thận-bồ-đề-bà (Đời Đường dịch là Nhất Thiết Trí Thiên), lúc nhỏ sư rất sâu sắc kín đáo, có tướng của bậc đại nhân, không ăn thịt cá. Sư từng theo thuyền đến nước Đường (Trung Quốc), học vấn sâu rộng, hiểu thấu đạo lí cùng tột.

Trong niên hiệu Vĩnh Huy đời vua Cao Tông (650-655), sư đến Trung Ấn Độ đỉnh lễ cây bồ-đề. Sư đi một mình như sư tử du hành, không giao du bạn bè. Sư chống tích trượng đến Ngũ Thiên Trúc, mong bước lên thềm báu Tam thừa[109]. Vì quá ngưỡng mộ nên sư vượt qua bao gian nan khó nhọc để học hỏi tất cả phong tục tập quán của các nước, nhưng vẫn chưa thể thông hết được. Sư trở về trụ tại chùa Đại Giác nghiên cứu kinh, luận và tìm hiểu phong tục của các nơi. Sau đó, sư trở về Chấn Đán (Trung Quốc) truyền bá Phật pháp, giáo hóa chúng sinh. Huyền Tích mới ghi lại những thành tựu lớn lao của sư..

Ghi chú:

Những ngài đã được nói trên đây đều sang Trung Quốc noi theo dấu của các ngài Pháp Hiển[110], Huyền Trang, nên họ đến các nước ở xa xôi coi như đi trong xóm làng. Có thể sánh các ngài với các vị đi sứ như Trương Khiên, Tô Vũ.

Chú thích:

[95] Trọng Ni 仲尼: người nước Lỗ đời Chu, tên là Khâu, tự là Trọng Ni, từng làm quan nước Lỗ, sau một thời chu du thiên hạ, trở về nước Lỗ, soạn lại Kinh Thi, Kinh Thư, định lại Kinh Lễ, phê bình giảng giải Kinh Dịch và soạn ra Kinh Xuân Thu, đồng thời mở trường dạy học, khai sáng Nho giáo, học trò có tới hơn ba ngàn người, thọ 73 tuổi (551 – 479 trước TL).

[96] Lão Đam 老聃: một đại triết gia đời Chu, họ Lí, tên Nhỉ, là người khởi xướng đạo Lão.

[97] Đại xá 大舍: một chức quan ở Tân La.

[98] Tháng đầu của mùa xuân, hạ: tháng giêng và tháng năm.

[99] Đông Quán 東觀: là tên của một cái đền ở nội cung phía nam thành Lạc Dương.

[100] Cúng dường bốn món cần dùng (Tứ sự cúng dường 四事供養): dâng cúng bốn món cần thiết trong sinh hoạt hằng ngày lên Phật và tăng. Mốn món là y phục, thức ăn uống, ngọa cụ và thuốc men hoặc chỉ cho y phục, thức uống ăn, thuốc men và phòng xá.

[101] Huệ Viễn 慧遠: cao tăng Trung Quốc, sống vào đời Đông Tấn, họ Giả, người Lâu Phiền, Nhạn Môn (huyện Quách, tỉnh Sơn Tây), là sơ tổ tông Tịnh độ Trung Quốc. Năm 13 tuổi, Sư đi tham học ở Hứa Xương, Lạc Dương, Sư thông hiểu sâu rộng Lục kinh (Thi, Thư, Dịch, Lễ, Nhạc, Xuân Thu) và Lão Trang. Năm 21 tuổi, Sư cùng em là Huệ Trì nghe ngài Đạo An giảng kinh Bát-nhã ở Hằng Sơn, Thái Hành (phía tây bắc huyện Khúc Dương, tỉnh hà Bắc), có chỗ tỉnh ngộ, xúc động than rằng: “Chín phái của đạo Nho đều là trấu cám” (chín phái: Nho, Đạo, Âm Dương, Pháp, Danh, Mặc, Tung Hoành, Tạp, Nông gia), liền cùng em đỉnh lễ ngài Đạo An cầu xuất gia. Sư rất giỏi về học thuyết tính Không của Bát-nhã, năm 24 tuổi lên pháp tòa, thường dẫn sách của Trang Tử để nói về nghĩa thật tướng của Phật giáo, khiến cho những người có tâm mê hoặc tin hiểu. Năm 381, sư đến núi Lô Sơn trụ chùa Đông Lâm truyền pháp, đệ tử rất đông. Năm 402, Sư và hơn 100 vị như ông Lưu Di Dân… sáng lập Bạch Liên xã, chuyên dùng Tịnh Độ Niệm Phật làm pháp môn tu hành, cùng nguyện vãng sinh Tây phương Tịnh Độ, hơn 30 năm sư không hề rời núi. Sư rất thông hiểu Phật lí và giỏi ngoại điển nên được người đương thời tôn trọng và được chúng tăng ở nước ngoài tôn thờ. Sư tịch vào năm 416, thụ 83 tuổi.

[102] Thập thừa quán pháp 十乘觀法: muời pháp quán làm khuôn mẫu cho đối tượng chính quán sau khi đã tu tập xong 25 phương tiện trong pháp Chỉ quán viên đốn của tông Thiên Thai; đó là: 1. Quán bất tư nghị cảnh; 2. Phát chân chính bồ-đề tâm; 3. Thiện xảo an tâm chính quán; 4. Phá pháp biến; 5. Thức thông tắc; 6. Đạo phẩm điều thích; 7. Đối trị trợ khai; 8. Tri thứ vị; 9. Năng an nhẫn; 10. Vô pháp ái.

[103] Huyền Trang 玄奘: cao tăng Trung Quốc, sống vào đời Đường, họ Trần, tên Huy, người huyện Câu Thị, Lạc Châu (nay là huyện Yển Sư, tỉnh Hà Nam), là sơ tổ tông Pháp tướng và là nhà dịch kinh nổi tiếng nhất của Trung Quốc, được người đời tôn xưng là Tam tạng pháp sư, hoặc là Đường tam tạng. Có thuyết cho rằng Ngài sinh năm 600 đời tùy, phụ thân của Ngài làm quan ở đất Giang Lăng, ông có bốn người con trai, Huyền Trang là con út. Ngài xuất gia thuở nhỏ. Năm 622 đời Đường, Ngài thụ giới cụ túc, học luật bộ. Sau đó, học luận Thành Thật với ngài Đạo Thâm, học luận Câu-xá với ngài Đạo Nhạc, học Nhiếp Đại Thừa Luận với ngài Pháp Thường và Tăng Biện. Nhưng ngài thường than rằng, các Sư giảng không đồng nhất, xem xét trong các Thánh điển cung có chỗ khác nhau, cho nên sinh ra nhiều mối nghi ngờ, không biết nương vào đâu để làm căn bản. Do đó, Ngài phát nguyện đến Thiên Trúc tìm cầu kinh sách Phật giáo để giải quyết mối nghi. Năm 629, Ngài khởi hành, trải qua nhiều gian nan, nguy hiểm đến được Thiên Trúc, Ngài chiêm bái các thánh tích như Trúc lam, vườn Cấp Cô Độc… cuối cùng Ngài dừng lại chùa Na-lan-đà ở nước Ma-kiệt-đà, lễ đại sư Giới Hiền làm thầy. Lúc đó là năm 631, Ngài 30 tuổi. Ngài trụ ở đây năm năm nghe ngài Giới Hiền giảng kinh, luận. Sau đó, Ngài rời khỏi chùa Na-lan-đà đi tham học với các danh hiền, thạc đức và tìm kiếm các bản kinh tiếng Phạn trên khắp xứ Ấn Độ. Ngài về lại chùa Na-lan-đà, được ngài Giới Hiền giao cho giảng luận Nhiếp Đại Thừa, luận Duy Thức Quyết Trạch. Năm 643, ngài Huyền Trang về nước, năm 645, Ngài về đến Trường An. Ngài thị tịch ngày 5 tháng 2 năm Giáp Tý (664) niên hiệu Lâm Đức thứ hai, tại cung Ngọc Hoa, thọ 63 tuổi. Xây tháp thờ Ngài trên ngọn đồi phía bắc Phiền Xuyên.

[104] Mân Việt 閩越: tên đất thời xưa, nay thuộc tỉnh Phúc Kiến. Cũng là tên chỉ tỉnh Phúc Kiến. Còn gọi là Mân Việt.

[105] Nghĩa Tịnh 義淨: cao tăng Trung Quốc, sống vào đời Đường, họ Trương, tự Văn Minh, người huyện Trác, tỉnh Hà Bắc. Sư xuất gia từ thuở nhỏ, bản tính thông minh, tham học khắp các bậc danh đức. Năm 20 tuổi, Sư thụ giới cụ túc. Sau đó, Sư là một trong bốn vị dịch kinh nổi tiếng ở Trung Quốc. Sư tịch năm 713, hưởng thọ 79 tuổi, tháp được xây ở Lông Môn, Lạc Dương.

[106] Đông Hạ 東夏: chỉ cho miền đông của Trung Quốc thời cổ đại.

[107] Mười pháp (Thập pháp 十法): mười pháp mà Bồ-tát thành tựu được sẽ an trụ trong Đại thừa. Theo kinh Đại Thừa Thập Pháp. Đó là: 1. Thành tựu chính tín; 2. Thành tựu hạnh; 3. Thành tựu tính; 4. Ưa thích tâm bồ-đề; 5. Ưa pháp; 6. Ưa quán chính pháp; 7. Thực hành chính pháp và thuận pháp; 8. Xa lìa mạn, ngã mạn…; 9. Khéo léo thông đạt các lời nói bí mật vi diệu; 10. Không thích pháp Thinh văn và Duyên giác.

[108] Cầu Pháp Cao Tăng truyện 求法高僧傳: gọi đủ là Đại Đường Cầu Pháp Cao Tăng Truyện. gồm 2 quyển, do ngài Nghĩa Tịnh soạn vào đời Đường ở nước Thất-lợi-phật-thệ. nội dung ghi lại hành trạng năm mươi sáu vị cao tăng cầu pháp ở Tây Vức.

[109] Tam thừa 三乘: Thinh Văn, Duyên Giác, Bồ-tá.

[110] Pháp Hiển 法顯: cao tăng Trung Quốc, sống vào đời Đông Tấn, người Vũ Dương, Bình Dương (nay là tỉnh Sơn Tây) Trung Quốc, họ Cung. Sư xuất gia năm 3 tuổi, 20 tuổi thụ giới cụ túc. Năm 399 sư cùng các ngài Huệ Cảnh, Đạo Chỉnh, Huệ Ứng, Huệ Ngôi… rời khỏi Trường An băng qua vùng sa mạc, vượt núi thông lĩnh đến Thiên Trúc cầu pháp. Lúc bấy giờ Sư đã 60 tuổi. Sau khi chiêm bái các vùng Phật tích, Sư ở lại thành Hoa Thị học 3 năm, 2 năm học ở hạ du sông Hằng, sau đến Tích Lan 2 năm. Sư mang rất nhiều kinh tiếng Phạn về nước. Sư thị tịch tại Tân Tự, Kinh Châu vào khoảng năm (418-423) thụ 86 tuổi.

    Xem thêm:

  • Truyện Cao Tăng Sang Tây Vực Cầu Pháp - Kinh Tạng
  • Truyện Các Vị Tỳ Kheo Ni - Kinh Tạng
  • Truyện Các Vị Tăng Thần Dị - Kinh Tạng
  • Tịnh Lưu Ly Tịnh Độ Tiêu - Kinh Tạng
  • Ngữ Lục Của Thiền Sư Đàm Châu Quy Sơn Linh Hựu - Kinh Tạng
  • Ngữ Lục Của Thiền Sư Thụy Châu Động Sơn Lương Giới - Kinh Tạng
  • Ngữ Lục Của Thiền Sư Quân Châu Động Sơn Ngộ Bổn - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 10 – Thụ Trai - Kinh Tạng
  • Đại Đường Tây Vực Ký - Kinh Tạng
  • Truyện Ký Kinh Hoa Nghiêm - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 17 – Làm Phúc - Kinh Tạng
  • Bích Nham Lục Của Thiền Sư Phật Quả Viên Ngộ – Thích Thanh Từ dịch - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 04 – Kính Tháp - Kinh Tạng
  • Kinh Tối Thắng Hỏi Về Việc Trừ Cấu Đoạn Kết Của Bồ Tát Thập Trụ - Kinh Tạng
  • Những Truyện Cảm Ứng Về Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm - Kinh Tạng
  • Vạn Pháp Quy Tâm Lục - Kinh Tạng
  • Ngũ Bách Danh Quán Thế Âm Kinh - Kinh Tạng
  • Tập Vãng Sanh - Kinh Tạng
  • Bích Nham Lục Của Thiền Sư Phật Quả Viên Ngộ – Thích Mãn Giác dịch - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 32 – Linh Tinh - Kinh Tạng