1
2
3
4

Kinh Phật Thuyết Vô Lượng Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác

Phật Thuyết Vô Lượng Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh

Hậu Hán Chi Lâu Ca Sấm dịch

bản Việt dịch của Thích Nữ Như Phúc

***

QUYỂN 1

Đức Phật ở núi Linh Thứu, nước Xá Vệ cùng với đại chúng đệ tử 1.250 vị, 72 na-do-tha vị Bồ-tát, 500 vị Tỳ-kheo ni, 7.000 thiện nam và 500 thiện nữ, 80 vạn thiên tử ở cõi Dục, 70 vạn thiên tử ở cõi Sắc, 60 na-do-tha thiên tử ở trời Biến Tịnh và một ức vị Phạm thiên đều cùng ở với đức Phật.

Những đệ tử có thần thông biến hóa như: hiền giả Tri Bổn Tế, Mã Sư, Đại Lực, An Tường, Năng Tán, Mãn Nguyện Tý, Vô Trần, Thị Tụ Ca Diếp, Ngưu Tư, Thượng Thời Ca Diếp, Trị Hằng Ca Diếp, Kim Sử Thản Ca Diếp, Xá Lợi Phất, Đại Mục Kiền Liên, Đại Ca Diếp, Đại Ca Chiên Diên, Đa Thùy, Đại Giá Sư, Đại Sấu Đoản, Doanh Biện Liễu, Bất Tranh Hữu Vô, Tri Túc Mạng, Liễu Thâm Định, Thiện Lai, Ly Việt, Si Vương, Thị Giới Tụ, Loại Thân, Thị Phạm Kinh, Đa Dục, Vương Cung Sanh, Cáo Lai, Thị Hắc Sơn, Kinh Sát Lợi, Bác Văn…

Những đệ tử nữ là: Tỳ-kheo ni Đại Khâm Tánh, Huyễn Giả, Liên Hoa Sắc, Sanh Địa Động, Sanh Địa Chiêm, Sanh Tắc Thị Giả Đầu Thống, An Phong Thực, Thể Nhu Nhuyến, Dõng Sanh Hạnh, Tự Tịnh…

Những thiện nam tên: Trưởng giả Cấp Phạn Cô Độc, An Niệm Chúng, Khoái Tý, Hỏa Anh, Thiện Dung, Cụ Túc Bảo, Danh Viễn Văn, Hương Bích Dịch, An Cát, Thí Bảo Doanh, Khâm Tán, Thai Thí Điện, Cúng Dị Đạo, Dõng Long Oán, Bảo Nhị, Bảo Kiết….

Những thiện nữ tên: Ưu-bà-di Sanh Lâu, Hắc Chiết, Tín Pháp, Nhuyễn Thiện, Lạc Lương, Nhẫn Khổ Lạc, Lạc Ái…

Tất cả những vị này đều là bậc đã đoạn tận bụi trần và tinh tấn, thanh tịnh.

Có vô số chúng cùng tham dự đại hội.

Ngay lúc ấy đức Phật ngồi suy tư chánh niệm về đạo. Trên mặt Ngài phóng ra ánh sáng chín màu, số nhiều đến trăm ngàn tia sáng biến khắp, vô cùng rực rỡ.

Hiền giả A-Nan từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa y phục ngay ngắn, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, rồi quỳ gối chắp tay bạch Phật:

– Hôm nay trên mặt Phật tại sao lúc nào cũng có ánh sáng chiếu tỏa khắp nơi như vậy? Ánh sáng ấy có đến trăm ngàn màu tươi đẹp tỏa chiếu xuyên suốt cả trên trời lẫn dưới đất như vậy? Con làm thị giả Phật từ trước đến nay chưa từng thấy thân Phật có ánh sáng chói lòa rực rỡ nhiều như vậy bao giờ. Con cũng chưa từng thấy bậc Chí chơn Đẳng chánh giác nào có ánh sáng và oai thần hoàn thiện tốt đẹp như ánh sáng của đức Thế Tôn hôm nay. Cả hội chúng đang nghĩ đến đức Phật hiện tại hôm nay cùng chư Phật quá khứ, tương lai và cõi nước Phật ở phương khác.

Đức Phật bảo A-Nan:

– Có phải chư thiên đến đây dạy thầy, hay chư Phật dạy thầy hỏi Ta như thế? Hay là xuất phát từ trí của thầy?

A-Nan bạch Phật:

– Không phải chư thiên, cũng không phải chư Phật dạy con thưa hỏi Phật như vậy, mà chính từ nơi ý của con bạch Phật. Mỗi sự thể hiện đứng, ngồi, hoặc đi ra, đi vào của Phật đều có chủ đích, có việc đáng làm, có những điều dạy bảo. Con lãnh hội được ý Phật. Có phải hôm nay Ngài sẽ thể hiện sự giáo hóa giống như ý nghĩ của con, cho nên sắc diện Ngài chiếu sáng như vậy chăng?

Đức Phật dạy:

– Lành thay A-Nan! Những điều thầy thưa hỏi có thiện ý sâu xa và nhiều an lạc giải thoát. Người nào biết thưa hỏi Ta như vậy, còn hơn cả sự cúng dường tất cả A-la-hán và Bích-chi Phật khắp cả thiên hạ, hơn cả bố thí cho chư thiên, loài người và những loài côn trùng nhỏ nhít – trải qua nhiều kiếp – gấp trăm, ngàn, vạn, ức lần…

Này A-Nan! Hiện tại thầy đã độ thoát cho chư thiên, đế vương, loài người và những loài súc sanh nhỏ nhít. Oai thần của Phật rất vi diệu, khó lường, nếu biết hỏi cao sâu như vậy, thầy mới có tâm từ đối với sự xót thương của Phật, là điều thiện lớn cho chư thiên, loài người và Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di ngay lúc ấy đều vượt qua bờ giác.

Này A-Nan! Như ở thế gian có cây Ưu-đàm-bát, chỉ có trái mà không có hoa. Trong thiên hạ có Phật, chính là có hoa xuất hiện vậy. Thế gian có Phật rất khó được gặp. Nay Ta là Phật xuất hiện trong thiên hạ, vì thầy có đức lớn, tâm thông minh, dự đoán được ý Phật, hoặc không quên ở bên cạnh Phật và thân cận Phật. Nay thầy có điều hỏi thì hãy lắng nghe cho kỹ.

Này A-Nan! Kiếp quá khứ đã qua, có đại chúng đông không thể tính kể, vô lượng vô biên không thể nghĩ bàn. Khi ấy có chư Phật quá khứ tên: Định Quang Như Lai, Diệu Quang, Nhật Nguyệt Hương, An Minh Sơn, Nhật Nguyệt Diện, Vô Trần Cấu, Vô Triêm Ô, Như Long Vô Sở Bất Phục, Nhật Quang, Đại Âm Vương, Bảo Khiết Minh, Kim Tàng, Diệm Bảo Quang, Hữu Cử Địa, Lưu Ly Quang, Nhật Nguyệt Quang, Nhật Âm Thinh, Quang Minh Hoa, Thần Thông Du Trì Ý Như Hải, Ta Thán Quang, Cụ Túc Bảo Khiết, Quang Minh Hóa, Đại Hương Văn, Long Quai Nhuế Tật, Diệu Lưu Ly Tử Ma Kim Diện, Tâm Trì Đạo Hoa Vô Năng Quá Giả, Tích Chúng Hoa, Thủy Nguyệt Quang, Trừ Chúng Minh, Nhật Quang Cái, Uẩn Hòa Như Lai, Pháp Ý, Sư Tử Oai Tượng Vương Bộ, Thế Hào, Tịnh Âm, Bất Khả Thặng, Lâu Di Thuyên La Phật, làm giáo thọ suốt trong bốn mươi hai kiếp, đều thuộc về quá khứ. Đến kiếp ấy, lúc làm Phật là bậc anh hùng trong trời người, là bậc tướng dõng mãnh trong đạo pháp.

Đức Phật vì trời người giảng dạy giáo pháp không ai sánh kịp. Thế Nhiêu Vương nghe giáo pháp, vui vẻ nhận thức rõ ràng, nên từ bỏ vương vị để làm thầy Tỳ-kheo tên là Đàm Ma Ca Lưu. Thầy Tỳ-kheo này phát tâm Bồ-tát, là bậc tài cao, trí tuệ dõng mãnh, không ai hơn được, là bậc tuyệt diệu ở đời.

Bồ-tát Pháp Bảo Tạng đến chỗ Phật Thế Nhiêu Vương cúi đầu đảnh lễ, quỳ gối chắp tay ca ngợi đức Phật:

– Vô lượng sáng rực rỡ

Oai thần Phật cực kỳ

Sáng chói lọi như thế

Không ai sánh bằng được

Đem nhật-quang ma ni

Lửa, trăng, ánh sáng, nước

Ánh sáng ấy và sắc

Không bằng ánh sáng Phật

Nhan sắc cũng khó lường

Tối thượng trong thế gian

Phật âm thanh kỳ vĩ

Vang khắp vô số cõi

Hoặc dùng tam muội định

Tinh tấn và trí tuệ

Oai đức Phật cao vời

Hy hữu và thù thắng

Niệm thiện thật sâu mầu

Được pháp Phật từ đây

Trí tuệ Ngài như biển

Vô lượng không tận cùng

Ngu si và sân hận

Không có nơi Thế Tôn

Ca ngợi Phật thế hùng

Muôn đời không thấy đủ

Phật như cây hoa đẹp

Ai mà chẳng thích yêu

Người nào được trông thấy

Chắc chắn sẽ vui mừng

Khiến con khi làm Phật

Xin được như Pháp vương

Vượt qua bờ sanh tử

Giải thoát hết tất cả

Bố thí điều phục ý

Giới nhẫn và tinh tấn

Tam muội định như vậy

Trí tuệ là tối thượng

Nguyện con được làm Phật

Đạt được những việc này

Bao nhiêu điều sợ hãi

Con vẫn được an lành

Giả sử có trăm ngàn

Vạn ức na-do-tha

Số Phật nhiều như vậy

Ví như cát sông Hằng

Hằng hà sa số Phật

Đều cúng dường tất cả

Không bằng cầu chánh giác

Dõng mãnh không khiếp sợ

Thí như nước sông Hằng

Cát chảy khắp thế giới

Gấp bội không tính được

Vô số các cõi nước

Ánh sáng soi tất cả

Khắp đến những nước này

Như vậy sức tinh tấn

Oai thần khó thể lường

Nếu con làm Thế Tôn

Cõi nước tuyệt vô cùng

Mọi người đẹp thù thắng

Đạo tràng hơn các cõi

Nơi cõi nước nhớp dơ

Và không được bằng phẳng

Con sẽ thường thương xót

Cứu độ hết mọi người

Vãng sanh mười phương cõi

Tâm họ vui thanh tịnh

Tương lai đến nước con

An vui và hạnh phúc

Gặp Phật và kính tin

Là con đạt bậc nhất

Phát nguyện ở nơi kia

Sự mong sức tinh tấn

Mười phương chư Thế Tôn

Đều có tuệ vô ngại

Luôn nhớ đấng đại hùng

Rõ việc làm tâm con

Khiến thân con an trú

Ở những nơi khổ độc

Con hành sức tinh tấn

Nhẫn suốt đời không hối.

Tỳ-kheo Pháp Bảo Tạng nói lời ca ngợi đức Thế Nhiêu Vương Như Lai Chí Chơn Đẳng Chánh Giác rồi, phát tâm mong cầu đạo Vô Thượng Chánh Chơn Tối Chánh Giác:

– Xin nguyện những gì đức Như Lai có, con cũng được như vậy. Ngài nhổ bật những gốc rễ sanh tử khổ đau, con đều làm như vậy. Xin Ngài hãy thuyết kinh, con xin thực hành theo để chóng được thọ ký. Khi con làm Phật, làm cho không ai sánh kịp. Nguyện Phật vì con nói về công đức của các nước Phật, con sẽ vâng theo thực hành và ở trong đó, theo nguyện làm cõi nước Phật cũng như vậy.

Đức Phật bảo A-Nan:

– Đức Phật Thế Nhiêu Vương biết rõ ý nguyện hoàn thiện, sáng suốt, cao cả kia, nên nói kinh cho Bồ-tát Pháp Bảo Tạng: “Thí như một người đong lường nước biển lớn liên tục trong một kiếp, còn có thể khô cạn được và làm cho biển cạn đến tận đáy bùn. Như vậy, người chí tâm cầu đạo lẽ nào không đạt đạo?! Người mong cầu đạo, tinh tấn không ngưng nghỉ sẽ gặp được tâm như ý nguyện”.

Bồ-tát Pháp Bảo tạng nghe đức Phật Thế Nhiêu Vương nói kinh như vậy, vô cùng hoan hỷ, phấn chấn. Đức Phật ấy đã tuyển chọn những tốt, xấu của quốc độ và điều thiện điều ác của trời người ở trong hai trăm mười ức cõi Phật, rồi tùy theo tâm vị ấy mong muốn mà ban cho.

Đức Phật Thế Nhiêu Vương nói kinh xong, Bồ-tát Pháp Bảo Tạng nhất tâm liền đạt thiên nhãn, thấy xuyên suốt tất cả. Bồ-tát thấy hai trăm mười ức chư thiên, nhân dân trong nước Phật và những tốt xấu, thiện ác trong đất nước họ. Ngài chọn những điều nguyện ước của họ để kết thành hai mươi bốn kinh nguyện, cho họ thực hành theo.

Bồ-tát tinh tấn nỗ lực tìm cầu khổ nhọc, trải qua vô số kiếp thừa sự cúng dường chư Phật. Chư Phật quá khứ cũng nhiều vô số. Mãi đến về sau, Bồ-tát Pháp Bảo Tạng chứng quả vị Phật, hiệu là Vô Lượng Thanh Tịnh Giác Tối Tôn. Phật có trí tuệ dõng mãnh chói sáng, không thể so sánh, hiện đang ở cõi nước vô cùng tốt đẹp, sung sướng. Nơi cõi nước phương khác, Ngài giáo hóa vô số chư thiên, loài người và những loài côn trùng nhỏ nhít ở khắp mười phương, tất cả đều được giải thoát, vượt khỏi sự lo buồn khổ não.

Lúc Phật Vô Lượng Thanh Tịnh khi còn là Bồ-tát, Ngài thường thực hành 24 lời nguyện và luôn trân quý, tôn trọng, giữ gìn, kính thuận, tinh tấn thiền hành 24 lời nguyện ấy. Bồ-tát siêu tuyệt vững chãi, không ai có thể sánh kịp.

Đức Phật dạy:

– Hai mươi bốn lời nguyện đó là:

1- Khi ta thành Phật, nguyện cho trong nước của ta không có địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh và những loài côn trùng nhỏ nhít. Lời nguyện được thành tựu, ta mới thành Phật. Nếu không đạt được nguyện này thì ta không bao giờ thành Phật.

2- Khi ta thành Phật, nguyện cho nhân dân trong nước của ta đời sau cũng sanh vào nước của ta và mãi mãi từ đó trở đi sẽ không sanh trở lại địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh và loài côn trùng. Nếu chúng sanh nào còn trở lại những nơi đó thì ta không thành Phật.

3- Khi ta thành Phật, nhân dân nào sanh vào nước ta mà thân không cùng sắc vàng thì ta không thành Phật.

4- Khi ta thành Phật, nhân dân nào sanh vào nước ta mà loài người và trời khác nhau thì ta không thành Phật.

5- Khi ta thành Phật, nhân dân nào sanh vào nước ta đều có túc mạng biết rõ sanh – tử ở nơi nào và từ đâu sanh đến đây trong mười vạn ức kiếp. Nếu họ không nhớ biết sanh – tử ở nơi nào và từ đâu sanh đến đây thì ta không thành Phật.

6- Khi ta thành Phật, nhân dân nào sanh vào nước ta mà không thấu triệt được tất cả thì ta không thành Phật.

7- Khi ta thành Phật, nhân dân nào sanh vào nước ta mà không biết trong tâm người khác đang nghĩ gì thì ta không thành Phật.

8- Khi ta thành Phật, nhân dân nào ở trong nước của ta mà không biết bay thì ta không thành Phật.

9- Khi ta thành Phật, nhân dân nào ở trong nước của ta mà không nghe được tất cả âm thanh thì ta không thành Phật.

10- Khi ta thành Phật, nhân dân nào ở trong nước của ta có ái dục thì ta không thành Phật.

11- Khi ta thành Phật, nhân dân nào ở trong nước của ta cũng đều được an trú nơi Niết-bàn, nếu không như vậy thì ta không thành Phật.

12- Khi ta thành Phật, các đệ tử trong nước của ta làm cho mười phương trong mỗi ngàn ức cõi nước, chư thiên, nhân dân, loài côn trùng đều thành đại đệ tử Duyên giác, đều nhất tâm thiền định cùng với những đệ tử trong nước của ta trụ đến trăm ức kiếp không thể tính được. Nếu không như vậy thì ta không thành Phật.

13- Khi ta thành Phật, nguyện cho ánh sáng của ta vượt hơn cả mặt trời, mặt trăng, gấp trăm vạn ức ánh sáng của chư Phật. Ánh sáng ấy luôn tỏa chiếu vô số những nơi tối tăm sâu thẳm trong thiên hạ. Chư thiên, nhân dân và những loài côn trùng thấy ánh sáng của ta đều sanh tâm từ, làm điều thiện và sanh vào nước của ta. Nếu không như vậy thì ta không thành Phật.

14- Khi ta thành Phật, nguyện cho chư thiên, nhân dân và côn trùng trong mười phương vô số cõi nước đều đắc quả Duyên-giác, chứng quả Thanh-văn, nhất tâm tọa thiền. Muốn tính biết tuổi thọ của ta – ngàn vạn ức kiếp hay bao nhiêu – không ai có thể biết được giới hạn của nó. Nếu không được như vậy thì ta không thành Phật.

15- Khi ta thành Phật, nhân dân nào sanh vào nước ta, ngoại trừ những người đã nguyện ở trong nước ta, ngoài ra tuổi thọ của nhân dân không thể tính đếm được. Nếu không như vậy thì ta không thành Phật.

16- Khi ta thành Phật, nhân dân trong nước của ta không một ai có tâm ác. Nếu không như vậy thì ta không thành Phật.

17- Khi ta thành Phật, danh tiếng của ta vang khắp mười phương vô số cõi nước. Mỗi chúng đệ tử của chư Phật đều ca ngợi công đức thiện của vương quốc ta. Chư thiên, nhân dân và những loài côn trùng khi nghe tên ta đều hân hoan sanh vào nước ta. Nếu không như vậy thì ta không thành Phật.

18- Khi ta thành Phật, nhân dân nơi các cõi có ai muốn thực hành Bồ-tát đạo, thường nghĩ đến tâm tinh khiết trong sạch của ta, đến lúc qua đời sẽ có ta và vô số chúng Tỳ-kheo bay đến tiếp đón người ấy cùng đứng trước ta. Ngay khi đó, người ấy sanh vào nước của ta và được Nhất thiết trí. Nếu không như vậy thì ta không thành Phật.

19- Khi ta thành Phật, nhân dân ở các phương khác – vào đời trước – nếu có làm ác, nhưng khi được nghe tên ta rồi sẽ làm việc đạo chân chánh, muốn sanh đến nước ta, đến khi qua đời sẽ không sanh trở lại ba đường ác, được sanh vào cõi nước ta, tùy tâm mãn nguyện. Nếu không như vậy thì ta không thành Phật.

20- Khi ta thành Phật mà các Bồ-tát ở nước ta không được Bất thối chuyển, không thành tựu trọn vẹn với công đức đã nguyện thì ta không thành Phật.

21- Khi ta thành Phật, nếu các Bồ-tát ở nước ta không được 32 tướng tốt thì ta không thành Phật.

22- Khi ta thành Phật, các Bồ-tát ở nước ta cũng muốn cúng dường vô số chư Phật ở mười phương, ta sẽ làm cho họ bay đi. Nếu họ muốn đủ loại vật dụng, các vật dụng sẽ tự nhiên hiện ra trước mặt và họ đem những vật dụng đó cúng dường chư Phật. Sau khi đã cúng dường khắp các đức Phật mà chưa đến giữa ngày thì họ trở lại nước ta. Nếu không như vậy thì ta không thành Phật.

23- Khi ta thành Phật, các Bồ-tát ở nước ta muốn thọ trai thì ngay trong bát bảy báu tự nhiên sanh ra thức ăn trăm vị. Thọ trai xong, những chiếc bát ấy đều tự mất đi. Nếu không như vậy thì ta không thành Phật.

24- Khi ta thành Phật, các Bồ-tát trong nước ta luôn giảng kinh, hành đạo như Phật. Nếu không như vậy thì ta không thành Phật.

Đức Phật bảo A-Nan:

– Đức Phật Vô Lượng Thanh Tịnh khi còn làm Bồ-tát thường phụng hành 24 lời nguyện, tu hành bố thí, không phạm giới cấm, nhẫn nhục, tinh tấn, nhất tâm, trí tuệ, chí nguyện thường dõng mãnh, không hủy phạm kinh pháp, luôn tìm hiểu nghiên cứu, không lười nhác. Bồ-tát từ bỏ vương vị, sống một mình, trút bỏ của cải, tài sản, tỉnh giác nguyện cầu, viễn ly hoàn toàn. Trải qua vô số kiếp tích lũy công đức, Bồ-tát tự thành tựu quả vị Phật, nhưng vẫn không quên công hạnh trước đây.

Đức Phật dạy:

– Hào quang của đức Phật Vô Lượng Thanh Tịnh rực rỡ tối thượng, không ai có thể sánh được. Ánh sáng của chư Phật khác cũng không thể sánh kịp. Trong khắp 10 phương vô số chư Phật, có đức Phật trong đảnh có ánh sáng chiếu bảy trượng, có đức Phật trong đảnh có ánh sáng chiếu một dặm, có đức Phật trong đảnh có ánh sáng chiếu năm dặm, có đức Phật trong đảnh có ánh sáng chiếu 20 dặm, có đức Phật trong đảnh có ánh sáng chiếu 40 dặm, có đức Phật trong đảnh có ánh sáng chiếu 80 dặm, có đức Phật trong đảnh có ánh sáng chiếu 160 dặm, có đức Phật trong đảnh có ánh sáng chiếu 320 dặm, có đức Phật trong đảnh có ánh sáng chiếu 640 dặm, có đức Phật trong đảnh có ánh sáng chiếu 1.300 dặm, có đức Phật trong đảnh có ánh sáng chiếu 2.600 dặm, có đức Phật trong đảnh có ánh sáng chiếu 5.200 dặm, có đức Phật trong đảnh có ánh sáng chiếu 1 vạn 400 dặm, có đức Phật trong đảnh có ánh sáng chiếu 2 vạn 1.000 dặm, có đức Phật trong đảnh có ánh sáng chiếu 4 vạn 2.000 dặm, có đức Phật trong đảnh có ánh sáng chiếu 8 vạn 4.000 dặm, có đức Phật trong đảnh có ánh sáng chiếu 17 vạn dặm, có đức Phật trong đảnh có ánh sáng chiếu 120 vạn dặm, có đức Phật trong đảnh có ánh sáng chiếu 300 vạn dặm, có đức Phật trong đảnh có ánh sáng chiếu 600 vạn dặm, có đức Phật trong đảnh có ánh sáng chiếu 1.200 vạn dặm, có đức Phật trong đảnh có ánh sáng chiếu một nước Phật, có đức Phật trong đảnh có ánh sáng chiếu hai nước Phật, có đức Phật trong đảnh có ánh sáng chiếu bốn nước Phật, có đức Phật trong đảnh có ánh sáng chiếu tám nước Phật, có đức Phật trong đảnh có ánh sáng chiếu 15 nước Phật, có đức Phật trong đảnh có ánh sáng chiếu 30 nước Phật, có đức Phật trong đảnh có ánh sáng chiếu 60 nước Phật, có đức Phật trong đảnh có ánh sáng chiếu 120 nước Phật, có đức Phật trong đảnh có ánh sáng chiếu năm trăm nước Phật, có đức Phật trong đảnh có ánh sáng chiếu 1.000 nước Phật, có đức Phật trong đảnh có ánh sáng chiếu 2.000 nước Phật, có đức Phật trong đảnh có ánh sáng chiếu 4.000 nước Phật, có đức Phật trong đảnh có ánh sáng chiếu 8.000 nước Phật, có đức Phật trong đảnh có ánh sáng chiếu 1 vạn 6.000 nước Phật, có đức Phật trong đảnh có ánh sáng chiếu 3 vạn 2.000 nước Phật, có đức Phật trong đảnh có ánh sáng chiếu 6 vạn 4.000 nước Phật, có đức Phật trong đảnh có ánh sáng chiếu 13 vạn nước Phật, có đức Phật trong đảnh có ánh sáng chiếu 26 vạn nước Phật, có đức Phật trong đảnh có ánh sáng chiếu 50 vạn nước Phật, có đức Phật trong đảnh có ánh sáng chiếu 100 vạn nước Phật, có đức Phật trong đảnh có ánh sáng chiếu 200 vạn nước Phật.

Đức Phật dạy:

– Vô số chư Phật ở mười phương đều có ánh sáng chiếu từ trong đảnh của chư Phật như vậy. Riêng ánh sáng trong đảnh của Phật Vô Lượng Thanh Tịnh tỏa chiếu ngàn vạn cõi nước. Tại sao ánh sáng của chư Phật tỏa chiếu có gần, có xa? – Vốn do túc mạng đời trước, tùy theo công đức thệ nguyện khi còn hành đạo Bồ-tát nên có lớn nhỏ khác nhau, cho đến lúc những vị ấy sau khi thành Phật, đạt mỗi điều nguyện khác nhau. Thế nên hào quang chiếu sáng không đồng nhau, tuy nhiên oai thần của chư Phật thì đồng nhau, ý tự tại và sự mong muốn hành động không thể nào biết được. Ánh sáng tỏa chiếu từ Phật Vô Lượng Thanh Tịnh vô cùng tối thắng, còn ánh sáng của chư Phật khác hoàn toàn không thể sánh kịp.

Đức Phật ca ngợi ánh sáng của Phật Vô Lượng Thanh Tịnh:

– Ánh sáng của Phật Vô Lượng Thanh Tịnh rất hoàn hảo. Trong ánh sáng hoàn hảo ấy, vô cùng hoan hỷ, không thể so sánh, nghĩa là tuyệt diệu thù thắng vô cùng cực.

Ánh sáng thù thắng tốt đẹp của Phật Vô Lượng Thanh Tịnh vượt hơn cả ánh sáng của mặt trăng, mặt trời gấp trăm vạn ức lần.

Ánh sáng của Phật Vô Lượng Thanh Tịnh cực sáng nhất trong những ánh sáng của chư Phật.

Ánh sáng của Phật Vô Lượng Thanh Tịnh tốt đẹp nhất trong những ánh sáng của chư Phật.

Ánh sáng của Phật Vô Lượng Thanh Tịnh hùng vĩ nhất trong những ánh sáng của chư Phật.

Ánh sáng của Phật Vô Lượng Thanh Tịnh hoan hỷ an lạc nhất trong những ánh sáng của chư Phật.

Ánh sáng của Phật Vô Lượng Thanh Tịnh là vua trong những ánh sáng của chư Phật.

Ánh sáng của Phật Vô Lượng Thanh Tịnh lâu dài vô tận nhất trong những ánh sáng của chư Phật.

Ánh sáng của Phật Vô Lượng Thanh Tịnh thường sáng soi đến tất cả những chỗ tối tăm sâu thẳm của vô số giống loại, từ loài người cho đến những loài côn trùng nhỏ nhít đều được thấy ánh sáng của Phật Vô Lượng Thanh Tịnh.

Chúng sanh nào được thấy ánh sáng của Phật Vô Lượng Thanh Tịnh, không ai mà không sanh tâm từ và hoan hỷ.

Những kẻ dâm dục, sân hận, ngu si trong thế gian mà thấy ánh sáng của Phật Vô Lượng Thanh Tịnh, họ sẽ trở thành người tốt.

Những nơi đầy rẫy sự đau khổ như bị tra khảo, đánh đập, đày đọa trong chốn địa ngục, súc sanh mà được thấy ánh sáng của Phật Vô Lượng Thanh Tịnh chiếu đến thì những chúng sanh nơi đó sẽ được nhẹ nhàng, chấm dứt mọi khổ đau và sau khi chết sẽ được thoát khỏi mọi sự đau khổ, lo âu.

Ánh sáng của Phật Vô Lượng Thanh Tịnh lan truyền khắp 10 phương vô cùng, vô tận, vô số cõi nước. Chư thiên, loài người, ai ai cũng đều nghe biết. Đã nghe biết rồi, không ai mà không được Phật hóa độ.

Đức Phật dạy:

– Không phải chỉ có riêng Ta ca ngợi ánh sáng của Phật Vô Lượng Thanh Tịnh, mà khắp cả 10 phương vô số chư Phật, Bích-chi Phật, Bồ-tát, A-la-hán… cũng đều ca ngợi như vậy.

Đức Phật dạy:

– Có thiện nam, thiện nữ nào nghe âm thanh ca ngợi ánh sáng của Phật Vô Lượng Thanh Tịnh như vậy, suốt ngày luôn ca ngợi ánh sáng hoàn thiện ấy, chí tâm tha thiết không ngừng nghỉ, thâm tâm mong cầu được sanh đến cõi Phật Vô Lượng Thanh Tịnh, những người đó sẽ được chư Phật, A-la-hán tôn kính và được trí tuệ dõng mãnh. Nếu những người đó về sau được thành Phật, cũng sẽ được khắp 10 phương vô số Bích-chi Phật, Bồ-tát, A-la-hán ca ngợi ánh sáng tốt đẹp như vậy. Các chúng Tỳ-kheo Tăng, chư Bồ-tát, A-la-hán, chư thiên, Đế vương, nhân dân nghe danh của vị Phật này cũng đều hân hoan vui mừng, ca ngợi tán thán.

Đức Phật dạy:

– Ta chỉ nêu lên một vài nét tiêu biểu mà thôi, chứ nói về sự tốt đẹp thù thắng và ca ngợi sự an vui hoàn hảo, ánh sáng chói lọi rực rỡ của Phật Vô Lượng Thanh Tịnh suốt ngày đêm trọn một kiếp cũng còn chưa hết.

Đức Phật nói về Phật Vô Lượng Thanh Tịnh khi cầu đạo Bồ-tát đạt hai mươi bốn lời nguyện này.

Lúc bấy giờ thái tử A-xà-thế cùng 500 đại trưởng giả thiện nam, mỗi người cầm một lọng hoa bằng vàng đem dâng lên đức Phật, rồi tất cả cùng ngồi qua một bên nghe kinh. Thái tử A-xà-thế cùng 500 vị trưởng giả nghe 24 lời nguyện của Phật Vô Lượng Thanh Tịnh đều rất hân hoan vui mừng. Họ thầm nguyện trong tâm: “Nguyện cho chúng con sau khi thành Phật đều được như Phật Vô Lượng Thanh Tịnh”.

Đức Phật biết ý nguyện của họ nên bảo các thầy Tỳ-kheo:

– Thái tử A-xà-thế và 500 vị trưởng giả này nơi vô số kiếp về sau sẽ được làm Phật như Phật Vô Lượng Thanh Tịnh.

Đức Phật dạy:

– Thái tử A-xà-thế và 500 vị trưởng giả này tu Bồ-tát đạo từ trước đến nay trải qua vô số kiếp, mỗi người đều đã cúng dường 400 ức đức Phật, nay lại đến cúng dường Ta. Thái tử A-xà-thế cùng 500 vị này – vào thời đức Phật Ca Diếp – đời trước là đệ tử của Ta, nay trở lại cùng gặp gỡ nơi đây.

Các thầy Tỳ-kheo nghe đức Phật dạy như vậy, họ vô cùng sung sướng hân hoan.

Đức Phật bảo A-Nan:

– Đức Phật Vô Lượng Thanh Tịnh thành Phật đến nay trải qua mười tiểu kiếp, Ngài ở nước Tu-Ma-Đề, ngay tại phương Tây, cách thế giới Diêm Phù Lợi và cõi nước Tu Di Sơn ngàn vạn ức. Cõi Phật Vô Lượng Thanh Tịnh hoàn toàn bằng bảy báu tự nhiên: 1- Bạch ngân. 2- Hoàng kim. 3- Thủy tinh. 4- Lưu ly. 5- San hô. 6- Hổ phách. 7- Xa cừ. Bảy báu này tự tạo thành mặt đất vô cùng rộng rãi mênh mông, chúng tự xen nhau, hòa lẫn với nhau. Ánh sáng rực rỡ của từng loại tự hòa hợp tạo thành ánh sáng tuyệt diệu. Đất báu mịn màng tự nhiên và rất đặc thù tốt đẹp, không gì sánh được. Đất quý báu, tốt đẹp như vậy được kết thành bởi những trân bảo trong khắp 10 phương. Chúng tự nhiên hợp lại và cùng hóa sanh như vậy. Trân bảo ấy sánh bằng bảy báu của tầng trời thứ sáu.

Trong nước Phật Vô Lượng Thanh Tịnh không có núi Tu-Di. Sao, trăng và mặt trời ở cõi này là đệ nhất Tứ Thiên Vương, đệ ngũ Đao Lợi Thiên đều ở trong hư không. Mặt đất ở cõi này không có biển lớn, cũng không có biển nhỏ, không có sông lớn, sông nhỏ, cũng không có núi, rừng, khe, hang; không có chỗ tối tăm u ám. Mặt đất bảy báu ở cõi này đều bằng phẳng, không có địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh và những loại côn trùng nhỏ nhít. Không có A-tu-luân và các loài rồng, quỷ, thần. Không bao giờ có mưa lớn, cũng chẳng có bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông. Không có thời tiết quá nóng hay quá lạnh, khí hậu luôn ôn hòa dễ chịu, vô cùng sung sướng không gì sánh được.

Nơi cõi này vạn vật sanh ra tự nhiên, thức ăn thức uống có trăm vị ngon, ý muốn thế nào thì được thế ấy, chúng sẽ hiện ngay trước mặt; ý không muốn dùng nữa thì tự nhiên nó biến mất. Ví như vật tự nhiên ở tầng trời thứ sáu, tùy ý thích thế nào thì chúng tự nhiên có đầy đủ.

Trong cõi này đều là các bậc Bồ-tát, A-la-hán, không có phụ nữ. Mạng sống rất trường thọ, tuổi thọ cũng vô số kiếp. Người nữ được vãng sanh đều hóa sanh làm thân nam. Ở cõi này chỉ có vô số Bồ-tát, A-la-hán mà thôi, tất cả đều thông tuệ, thấu triệt tất cả và nhìn xa, nghe rõ, ở cách xa vẫn trông thấy nhau được, từ xa vẫn nghe rõ âm thanh, ngôn ngữ của nhau, đều cùng mong cầu đạo toàn thiện, đồng một giống loại, không có người khác. Những vị Bồ-tát, A-la-hán ở đây có diện mạo đoan chánh, vô cùng phương phi thanh khiết, đồng một sắc diện và không có tướng xấu ác. Các vị Bồ-tát, A-la-hán này đều thông minh trí tuệ và tài giỏi, hùng mạnh. Y phục ở cõi này đều là y phục tự nhiên, do tâm nghĩ đến nhưng thường nghĩ đạo đức. Những điều người khác chưa nói thành lời đều có thể dự đoán biết ý của họ. Nếu người ấy nghĩ nói về đạo thì họ sẽ thường nói về năm pháp uẩn.

Các vị Bồ-tát, A-la-hán trong nước Phật Vô Lượng Thanh Tịnh tự nói với nhau bằng một loại ngôn ngữ và chỉ nói kinh đạo, ngoài ra không bao giờ nói những điều ác của người khác. Âm vang ngôn ngữ của họ như ba trăm tiếng đại hồng chung, ai nghe cũng kính mến, không thể nào ghét được. Ngôn ngã của họ tùy theo già trẻ, cao thấp, theo trình tự mà nói, qua lại với nhau bằng nghĩa mà có lễ, tôn trọng lẫn nhau như anh em, đối đãi nhau bằng nhân nghĩa, không hành động sai lầm và nói lời thành thật khuyên dạy lẫn nhau, không có sự chống trái nhau mà hòa nhã vâng lời nhau. Tâm của họ trong sạch, không có tham luyến, không bao giờ có tâm dâm dục, giận dữ và trạng thái ngu si. Họ không có tâm tà, ý nghĩ đến phụ nữ. Trí tuệ hoàn toàn mạnh mẽ, tâm vui vẻ ôn hòa, vui thích kinh đạo. Họ tự biết đời trước và cội nguồn nơi họ sinh ra hay tiền thân từ vạn ức kiếp, sự thiện ác mất còn, cho đến biết tận cùng cả đời sống hiện tại.

Tinh xá, giảng đường, chỗ giảng dạy của Phật Vô Lượng Thanh Tịnh đều được làm bằng bảy loại báu tự nhiên như: kim ngân, thủy tinh, lưu ly, bạch ngọc, hổ phách, xa cừ… rất sáng đẹp tuyệt vời, không gì sánh được. Không có ai tạo tác, cũng không biết chúng có từ đâu, ai đem chúng đến và rồi chúng sẽ đi đâu?

Do sở nguyện nhiều phước đức của Phật Vô Lượng Thanh Tịnh cho nên người ở cõi ấy chỉ làm điều thiện, luận kinh nói nghĩa, giảng kinh hành đạo. Trong hội giảng của Phật tự nhiên hóa sanh như vậy. Tinh xá, giảng đường của Phật đều có lan can chung quanh bằng bảy báu: Kim ngân, thủy tinh, lưu ly, bạch ngọc, hổ phách, xa cừ,… làm màn giăng. Ngọc trắng, ngọc minh nguyệt, ngọc ma ni làm màn lưới, bên trên có lọng che. Tự chúng tạo thành năm âm thanh và những âm thanh ấy rất vi diệu, không gì sánh được.

Chỗ ở, nhà cửa… của các vị Bồ-tát, A-la-hán ở cõi Phật Vô Lượng Thanh Tịnh đều do bảy báu: kim ngân, thủy tinh, lưu ly, san hô, hổ phách, xa cừ, mã não hóa thành. Nhà cửa của mỗi người đều có bảy báu làm lan can chung quanh. Lại dùng kim ngân, thủy tinh, lưu ly, bạch ngọc, hổ phách, xa cừ, làm màn giăng. Ngọc trắng, ngọc minh nguyệt, ngọc ma ni làm màn lưới, bên trên có lọng che. Mỗi châu báu như vậy đều tạo thành năm âm thanh.

Tinh xá, giảng đường của Phật Vô Lượng Thanh Tịnh và chỗ ở của các Bồ-tát, A-la-hán từ trong ra ngoài, ở khắp mọi nơi trong những căn nhà bằng bảy báu đều có ao, hồ, suối, khe, nước chảy tự nhiên. Những ao hồ này đều do bảy báu tự nhiên như: kim ngân, thủy tinh, lưu ly, hổ phách, xa cừ… cùng nhau tạo thành. Cát ở dưới đáy ao hồ này cũng bằng bảy báu: kim ngân, thủy tinh, lưu ly, san hô, hổ phách, xa cừ.

Có ao thuần là bạch ngân, cát dưới đáy ao toàn là vàng.

Có ao thuần bằng vàng, cát ở dưới đáy ao toàn là bạch kim.

Có ao thuần bằng thủy tinh, cát dưới đáy ao toàn là lưu ly.

Có ao thuần bằng lưu ly, cát dưới đáy ao toàn là thủy tinh.

Có ao thuần bằng san hô, cát dưới đáy ao toàn là hổ phách.

Có ao thuần bằng hổ phách, cát dưới đáy ao toàn là san hô.

Có ao thuần bằng xa cừ, cát dưới đáy ao toàn là mã não.

Có ao thuần bằng mã não, cát dưới đáy ao toàn là xa cừ.

Có ao thuần bằng bạch ngọc, cát dưới đáy ao toàn là vàng ròng.

Có ao thuần bằng vàng ròng, cát dưới đáy ao toàn là bạch ngọc.

Có hai thứ châu báu cùng tạo thành một cái ao, cát dưới đáy ao toàn là kim ngân.

Có ba thứ châu báu cùng tạo thành một cái ao, cát dưới đáy ao toàn là kim ngân, thủy tinh.

Có bốn thứ châu báu cùng tạo thành một cái ao, cát dưới đáy ao toàn là kim ngân, thủy tinh, lưu ly,.

Có năm thứ châu báu cùng tạo thành một cái ao, cát dưới đáy ao toàn là kim ngân, tủy tinh, lưu ly, san hô, hổ phách.

Có sáu thứ châu báu cùng tạo thành một cái ao, cát dưới đáy ao toàn là kim ngân, thủy tinh, lưu ly, san hô, hổ phách, xa cừ.

Có bảy thứ châu báu cùng tạo thành một cái ao, cát dưới đáy ao toàn là kim ngân, thủy tinh, lưu ly, san hô, hổ phách, xa cừ, mã não.

Hồ tắm trong cõi Phật Vô Lượng Thanh Tịnh có hồ dài 40 dặm, có hồ dài 80 dặm, có hồ dài 160 mươi dặm, có hồ dài 320 dặm, có hồ dài 640 dặm, có hồ dài 1.280 dặm, có hồ dài 2.560 dặm, có hồ dài 5.120 dặm, có hồ dài 1 vạn 240 dặm, có hồ dài 2 vạn 480 dặm. Chiều ngang và rộng của mỗi hồ cũng ngang bằng như vậy. Những hồ tắm này là nơi rất khả ái mà các Bồ-tát, A-la-hán thường tắm gội.

Đức Phật dạy:

– Hồ tắm của Phật Vô Lượng Thanh Tịnh dài bốn vạn tám ngàn dặm, rộng cũng tám vạn bốn ngàn dặm. Hồ tắm ấy được tạo thành bởi bảy báu, cát dưới đáy hồ cũng bằng bảy báu và ngọc trắng, ngọc minh nguyệt, ngọc ma ni. Phật Vô Lượng Thanh Tịnh và các Bồ-tát, A-la-hán tắm nước trong hồ rất trong sạch, thơm tho, tinh khiết. Trong hồ ấy có trăm loại hoa thơm tự nhiên sanh ra, mỗi loại đều có màu sắc, hương thơm khác nhau, hoa có ngàn cánh, những đóa hoa này rất thơm, không gì có thể sánh được và không thể diễn tả bằng ngôn từ. Hương của những loài hoa này cũng chẳng phải như hoa của thế gian và nó còn đặc biệt hơn cả hoa trên trời. Hương của hoa này là sự tinh khiết của mùi hương các loài hoa trong khắp 10 phương, tự nhiên chúng sanh ra như vậy. Nước trong hồ trôi chảy tuôn thành dòng. Nước hồ chảy không nhanh không chậm và tự tạo thành năm âm thanh vi diệu.

Đức Phật dạy:

– Khắp 10 phương vô số cõi Phật, chư thiên nhân dân và những loài côn trùng nhỏ nhít, tất cả sự sanh ra của muôn loài nơi cõi Phật Vô Lượng Thanh Tịnh đều được hóa sanh từ hoa sen nơi ao bảy báu, tự nhiên lớn lên, không cần được nuôi dưỡng bằng dòng sữa, ăn thực phẩm có tự nhiên. Thân thể của họ chẳng phải là thân thể của người thế gian, cũng chẳng phải là thân thể của người trên trời, và thân ấy được tích chứa bằng công đức thiện nên họ được thân thể hư không tự nhiên. Thân thể ấy vô cùng tốt đẹp, không gì sánh được.

Đức Phật bảo A-Nan:

– Nếu như bảo kẻ hành khất khốn cùng trong thế gian đứng bên cạnh vị vua thì mặt mũi, hình dáng của người ấy thế nào? Có phải sắc diện, dáng dấp của người ấy cũng giống như vua?

Hiền giả A-Nan thưa:

– Nếu như bảo người hành khất đứng bên cạnh vua thì mặt mũi của người ấy rất xấu xí, không giống như dáng dấp, mặt mũi rất xinh đẹp của vua gấp trăm ngàn vạn ức lần. Vì sao? – Vì trông người hành khất thật là nghèo nàn, khốn khổ, chưa bao giờ được bữa ăn ngon. Thức ăn đã tệ thì làm sao có thể no lòng? Vì ăn như vậy nên gân cốt, tay chân kẻ hành khất rã rời, đứng không vững. Vì không có gì để nuôi thân nên người ấy thường bị đói khát, thiếu thốn, bị rét cóng, sợ hãi, khổ sầu. Những người như vậy do đời trước ngu si thiếu trí tuệ, giàu có mà tham lam, có của cải nhưng không có từ tâm thương xót, không có nhân từ để làm việc, thiếu lòng bác ái, bố thí nhưng lại muốn lợi nhiều về mình, tham tiếc ăn uống và chỉ muốn ăn ngon cho riêng mình. Họ không tin rằng: bố thí rộng rãi, về sau sẽ được quả báo tốt; họ không tin là làm điều thiện đời sau sẽ được phước báo, mà lại mê muội, nhẫn tâm càng làm thêm những điều ác. Thế nên đến lúc họ qua đời, của cải tan tác, chẳng có chút ân đức làm sao có chỗ để cậy nhờ? Vì vậy họ bị rơi vào đường ác, nhận lấy khổ đau. Về sau được thoát khổ, sanh làm người lại ở nơi nhà bần cùng, hạ tiện, thân thể đen đũi, tướng mạo xấu xí, y phục rách rưới, không đủ che thân, một mình cô quạnh, đời sống khốn cùng, đói lạnh khổ sở, mặt mày tiều tụy, chẳng giống loài người. Do nghiệp đời trước người đó đã tạo nên phải chịu hình phạt như vậy. Mọi người trông thấy ai mà chẳng xót thương! Những kẻ đó bị vất bỏ giữa phố chợ, đường sá, trần trụi xấu xí, đen đũi xấu ác, chẳng giống loài người.

Vì sao đế vương lại là vị độc tôn, tốt đẹp nhất trong cõi người? – Bởi vì đời trước họ là người chỉ làm việc thiện, tin kinh đạo, ân đức bố thí, sống với nghĩa tình bác ái, nhân từ hoan hỷ bố thí, không tham ăn uống, ban bố cho mọi loài không có tham tiếc và không chống trái. Những người được phước đức như vậy, lúc qua đời có phước nghiệp theo cùng nên không đọa vào đường ác. Đời nay sanh làm người được sanh vào nhà quý tộc, tôn quý tự nhiên. Chỉ có vua là bậc chúa tể mới chinh phục được nhân dân, là người hùng mạnh, có diện mạo trắng trẻo, dáng vẻ phương phi, thân thể đoan chánh, ai cũng tôn thờ. Họ được thức ăn ngon, y phục đẹp, tha hồ tùy ý ưa thích; tùy theo sự mong muốn, tự nhiên những vật dụng sẽ hiện ra không trái ý. Họ được sự tốt đẹp nhất trong cõi người, hạnh phúc an vui, sắc diện tươi sáng và mọi sự tốt đẹp như vậy.

    Xem thêm:

  • Kinh Phật Vì Ta Già La Long Vương Sở Thuyết Đại Thừa - Kinh Tạng
  • Kinh Thiện Ác Nhơn Quả – Thích Giác Quả dịch - Kinh Tạng
  • Uyển Lăng Lục Của Thiền Sư Hoàng Bá Đoạn Tế - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Nói Về Phúc Báo Tạo Hình Tượng Phật - Kinh Tạng
  • Kinh Lầu Các Chánh Pháp Cam Lồ Cổ - Kinh Tạng
  • Kinh Vợ Trưởng Giả Pháp Chí - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Dạy Tu Tập Mười Nghiệp Lành - Kinh Tạng
  • Phật Thuyết Công Đức Của Tu Lại - Kinh Tạng
  • Kinh Vị Tằng Hữu Thuyết Nhân Duyên - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Đại Ca Diếp Vấn Đại Bảo Tích Chánh Pháp - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 113 – Kinh Chân Nhân (Sappurisa sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Văn Thù Sư Lợi Thỉnh Vấn Về Bồ Đề - Kinh Tạng
  • Bích Nham Lục Của Thiền Sư Phật Quả Viên Ngộ – Thích Thanh Từ dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Thọ Đề Già - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Tội Nghiệp Báo Ứng Giáo Hóa Địa Ngục - Kinh Tạng
  • Kinh Cư sĩ Tịnh Ý Thưa Hỏi - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Vô Úy Thọ Sở Vấn Đại Thừa - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Đại Thừa Nhật Tử Vương Sở Vấn - Kinh Tạng
  • Kinh A Di Đà Tam Da Tam Phật Tát Lâu Phật Đàn Quá Độ Nhơn Đạo - Kinh Tạng
  • Giảng Giải Tinh Yếu Kinh A Di Đà - Kinh Tạng