1
2
3
4

QUYỂN 2

Đức Phật bảo A-Nan:

– Như đế vương, tuy là có diện mạo tốt đẹp nhất trong cõi người, nhưng nếu đứng bên cạnh Chuyển luân Thánh vương thì diện mạo, hình tướng của nhà vua ấy rất thô xấu, thể trạng nhà vua chẳng đẹp tí nào. Giống như người hành khất khi đứng bên cạnh vua vậy. Diện mạo xấu xí của nhà vua không bằng sắc diện đẹp đặc thù của Chuyển luân Thánh vương gấp trăm ngàn vạn ức lần.

Như Chuyển luân Thánh vương đẹp tuyệt hảo nhất trong thiên hạ mà đứng bên cạnh Thiên Đế Thích ở cõi trời Đao Lợi thứ hai thì diện mạo nhà vua rất xấu, không bằng diện mạo đoan chánh tốt đẹp của Thiên Thế Thích gấp trăm ngàn vạn ức lần.

Như Thiên Đế Thích đứng bên cạnh Đệ Lục Thiên Vương thì diện mạo của Đế Thích rất xấu, không bằng diện mạo đoan chánh tốt đẹp của Đệ Lục Thiên Vương gấp trăm ngàn vạn ức lần.

Như Đệ Lục Thiên Vương đứng bên cạnh các vị Bồ-tát, A-la-hán trong cõi Phật Vô Lượng Thanh Tịnh thì diện mạo của Thiên Vương rất xấu, không bằng diện mạo đoan chánh tốt đẹp của các vị Bồ-tát, A-la-hán trong cõi Phật Vô Lượng Thanh Tịnh gấp trăm ngàn vạn ức lần.

Đức Phật dạy:

– Diện mạo của các vị Bồ-tát, A-la-hán trong cõi Phật Vô Lượng Thanh Tịnh đều đoan chánh tuyệt hảo, không thể so sánh. Đó là những người tiếp nối nơi đạo Nê-hoàn.

Đức Phật bảo A-Nan:

– Nơi cư ngụ, nhà cửa, đất đai, tinh xá, giảng đường của Phật Vô Lượng Thanh Tịnh và các Bồ-tát, A-la-hán – bên trong hay bên ngoài, trên mỗi hồ tắm – đều có cây bảy báu:

* Có cây thuần bằng bạc, có cây thuần bằng vàng, có cây thuần bằng thủy tinh, có cây thuần bằng lưu ly, có cây thuần bằng bạch ngọc, có cây thuần bằng san hô, có cây thuần bằng hổ phách, có cây thuần bằng xa cừ. Mỗi loại cây tự mọc thành hàng khác nhau.

* Lại có hai loại châu báu cùng tạo thành một cây, như:

1- Cây bạc, gốc bạc, cọng vàng, cành bạc, lá vàng, hoa bạc, quả vàng.

2- Cây vàng, gốc vàng, cọng bạc, cành vàng, lá bạc, hoa vàng, quả bạc.

Đây là cây được tạo thành bởi hai loại châu báu, mỗi loại tự mọc thành hàng khác nhau.

* Có ba loại châu báu cùng tạo thành một cây, như:

1- Cây bạc, gốc bạc, cọng vàng, cành thủy tinh, lá bạc, hoa vàng, quả thủy tinh.

2- Cây vàng, gốc vàng, cọng bạc, cành thủy tinh, lá vàng, hoa bạc, quả thủy tinh.

3- Cây thủy tinh, gốc thủy tinh, cọng bạc, cành vàng, lá thủy tinh, hoa bạc, quả vàng.

Đây là cây được tạo thành bởi ba loại châu báu, mỗi loại tự mọc thành hàng khác nhau.

* Có bốn loại châu báu cùng tạo thành một cây, như:

1- Cây bạc, gốc bạc, cọng vàng, cành thủy tinh, lá lưu ly, hoa bạc, quả vàng.

2- Cây vàng, gốc vàng, cọng bạc, cành thủy tinh, lá lưu ly, hoa vàng, quả bạc.

3- Cây thủy tinh, gốc thủy tinh, cọng lưu ly, cành bạc, lá vàng, hoa thủy tinh, quả lưu ly.

4- Cây lưu ly, gốc lưu ly, cọng thủy tinh, cành vàng, lá bạc, hoa lưu ly, quả thủy tinh.

Đây là cây được tạo thành bởi bốn loại châu báu, mỗi loại tự mọc thành hàng khác nhau.

* Có năm loại châu báu cùng tạo thành một cây, như:

1- Cây bạc, gốc bạc, cọng vàng, cành thủy tinh, lá lưu ly, hoa san hô, quả vàng.

2- Cây vàng, gốc vàng, cọng bạc, cành thủy tinh, lá lưu ly, hoa san hô, quả bạc.

3- Cây thủy tinh, gốc thủy tinh, cọng lưu ly, cành san hô, lá bạc, hoa vàng, quả lưu ly.

4- Cây lưu ly, gốc lưu ly, cọng san hô, cành thủy tinh, lá vàng, hoa bạc, quả san hô.

5- Cây san hô, gốc san hô, cọng lưu ly, cành thủy tinh, lá vàng, hoa bạc, quả lưu ly.

Đây là cây được tạo thành bởi năm loại châu báu, mỗi loại tự mọc thành hàng khác nhau.

* Có sáu loại châu báu cùng tạo thành một cây, như:

1- Cây bạc, gốc bạc, cọng vàng, cành thủy tinh, lá lưu ly, hoa san hô, quả hổ phách.

2- Cây vàng, gốc vàng, cọng bạc, cành thủy tinh, lá lưu ly, hoa hổ phách, quả san hô.

3- Cây thủy tinh, gốc thủy tinh, cọng lưu ly, cành san hô, lá bạc, hoa hổ phách, quả vàng.

4- Cây lưu ly, gốc lưu ly, cọng san hô, cành hổ phách, lá thủy tinh, hoa vàng, quả bạc.

5- Cây san hô, gốc san hô, cọng hổ phách, cành bạc, lá vàng, hoa thủy tinh, quả san hô.

6- Cây hổ phách, gốc hổ phách, cọng san hô, cành vàng, lá bạc, hoa lưy ly, quả thủy tinh.

Đây là cây được tạo thành bởi sáu loại châu báu, mỗi loại tự mọc thành hàng khác nhau.

Có bảy loại châu báu cùng tạo thành một cây, như:

1- Cây bạc, gốc bạc, cọng vàng, đốt thủy tinh, cành lưu ly, lá san hô, hoa hổ phách, quả xa cừ.

2- Cây vàng, gốc vàng, cọng thủy tinh, đốt lưu ly, cành san hô, lá hổ phách, hoa xa cừ, quả bạc.

3- Cây thủy tinh, gốc thủy tinh, cọng lưu ly, đốt san hô, cành hổ phách, lá xa cừ, hoa bạch ngọc, quả vàng.

4- Cây lưu ly, gốc lưy ly, cọng san hô, đốt hổ phách, cành bạch ngọc, lá xa cừ, hoa thủy tinh, quả bạc.

5- Cây lưu ly, gốc lưu ly, cọng hổ phách, đốt bạch ngọc, cành bạc, lá ngọc minh nguyệt, hoa vàng, quả thủy tinh.

6- Cây hổ phách, gốc hổ phách, cọng bạch ngọc, đốt san hô, cành lưu ly, lá xa cừ, hoa thủy tinh, quả vàng.

7- Cây bạch ngọc, gốc bạch ngọc, cọng xa cừ, đốt lưu ly, cành san hô, lá hổ phách, hoa vàng, quả ngọc ma ni.

Đây là cây được tạo thành bởi bảy loại châu báu, mỗi loại tự mọc thành hàng khác nhau.

Những hàng cây xen nhau, những thân cây thẳng tắp, từng cành cây vươn lên đều đặn, từng nhánh lá thẳng hướng về nhau, những bông hoa nở đối xứng tốt tươi xinh đẹp, ai cũng thích ngắm nhìn và những trái cây đều nhau.

Đức Phật bảo:

– Tinh xá, giảng đường của Phật Vô Lượng Thanh Tịnh có ao bảy báu ở bên ngoài bên trong bao quanh. Trong đất đai, nhà cửa bảy báu của các vị Bồ-tát, A-la-hán đều có những cây bảy báu. Bên ngoài có ao bảy báu vây quanh. Ven hồ có cây bảy báu nhiều đến trăm, ngàn hàng lớp. Mỗi một hàng cây như vậy tự tạo ra năm âm thanh vô cùng tuyệt diệu.

Đức Phật bảo A-Nan:

– Như vua ở thế gian có vạn loại âm thanh kỹ nhạc, không bằng một âm thanh kỹ nhạc tuyệt vời của Chuyển luân Thánh vương gấp trăm ngàn vạn ức lần. Nhưng vạn loại âm thanh kỹ nhạc của Chuyển luân Thánh vương không bằng một âm thanh kỹ nhạc tuyệt diệu trên trời Đao Lợi thứ hai gấp trăm ngàn vạn ức lần. Vạn loại âm thanh kỹ nhạc trên trời Đao Lợi không bằng một âm thanh kỹ nhạc tuyệt vời trên tầng trời thứ sáu gấp trăm ngàn vạn ức lần. Vạn loại tiếng kỹ nhạc trên tầng trời thứ sáu không bằng một âm thanh tuyệt diệu của hàng cây bảy báu trong nước Phật Vô Lượng Thanh Tịnh gấp trăm ngàn vạn ức lần. Cõi Phật Vô Lượng Thanh Tịnh cũng có vạn loại kỹ nhạc tự nhiên tuyệt vời.

Khi Phật Vô Lượng Thanh Tịnh và các Bồ-tát, A-la-hán muốn tắm thì mỗi vị tự vào trong hồ bảy báu ấy để tắm. Các vị Bồ-tát và A-la-hán ý muốn làm cho nước ngập đến chân thì nước sẽ ngập đến chân, ý muốn làm cho nước ngập đến đầu gối thì nước sẽ đến đầu gối, ý muốn làm cho nước ngập đến lưng thì nước sẽ ngập đến lưng, ý muốn làm cho nước ngập đến nách thì nước sẽ đến nách, ý muốn làm cho nước đến cổ thì nước sẽ đến cổ, ý muốn làm cho nước tự giội lên thân thì nước sẽ giội lên thân, ý muốn làm cho nước trở lại vị trí cũ thì nước sẽ trở lại vị trí cũ… Tha hồ, tùy ý theo sự mong muốn tốt hay xấu của mỗi người.

Đức Phật dạy:

– Khi Phật Vô Lượng Thanh Tịnh và các Bồ-tát, A-la-hán đã tắm xong, mỗi vị tự ngồi trên một hoa sen. Ngay khi ấy, khắp bốn phương tự nhiên nhiều thứ gió nổi lên. Những thứ gió này chẳng phải gió của thế gian, cũng chẳng phải gió trên trời, mà những thứ gió này đều là những thứ gió tự nhiên trong khắp 10 phương cùng hợp lại và hóa sanh như vậy.

Những thứ gió này không lạnh nhiều, cũng không nóng nhiều mà nó luôn luôn ôn hòa, mát mẻ, dễ chịu. Những thứ gió này từ từ nổi lên, không chậm cũng không nhanh mà lại trung bình vừa phải, tùy trường hợp. Khi gió thổi vào cây bảy báu trong cõi nước ấy, những cây bảy báu đó tự phát ra năm âm thanh.

Những thứ gió này thổi đến hoa, làm cho hoa bao phủ cả nước Phật. Và những đóa hoa ấy tự tung lên đức Phật Vô Lượng Thanh Tịnh cùng các Bồ-tát, A-la-hán. Hoa rơi xuống đất dày đến bốn tấc nên mặt đất mềm mại, tốt đẹp, không gì sánh được. Khi hoa sắp tàn héo tức thì tự nhiên những ngọn gió thổi hoa héo ấy đi. Khi ấy bốn phương tự nhiên lại có gió nổi lên thổi vào cây bảy báu và cây bảy báu đó tự phát ra năm âm thanh. Những thứ gió thổi vào hoa, tự nhiên hoa tung lên Phật Vô Lượng Thanh Tịnh và các Bồ-tát, A-la-hán. Hoa ấy rơi xuống đất, tức thì tự nhiên những thứ gió lại thổi vào hoa héo. Khi ấy, bốn phương tự nhiên lại có gió thổi vào hoa của cây bảy báu. Như thế, gió thổi đến bốn lần. Những vị Bồ-tát, A-la-hán trong cõi đó, có người chỉ muốn nghe kinh, có người chỉ muốn nghe tiếng âm nhạc, có người chỉ muốn nghe mùi thơm của hoa, có người không muốn nghe kinh, có người không muốn nghe ngũ âm, có người không muốn nghe mùi thơm của hoa… Tùy theo những điều mọi người muốn nghe, tức thì họ được nghe theo ý muốn của họ; còn những ai không muốn nghe thì chỉ người ấy không nghe… Tất cả đều tùy theo ý họ muốn một cách tự nhiên và vui vẻ, không trái với tâm mong cầu của họ.

Phật Vô Lượng Thanh Tịnh và các Bồ-tát, A-la-hán lúc tắm xong, mỗi vị tự đi ra. Các vị Bồ-tát, A-la-hán ấy tự hành đạo theo cách riêng, trong đó có người giảng kinh nơi đất bằng, có người tụng kinh nơi đất bằng, có người thuyết kinh nơi đất bằng, có người học kinh nơi đất bằng, có người nghe kinh nơi đất bằng, có người niệm kinh nơi đất bằng, có người suy gẫm đạo nơi đất bằng, có người nhất tâm tọa thiền nơi đất bằng, có người kinh hành nơi đất bằng. Có người giảng kinh trong hư không, có người tụng kinh trong hư không, có người thuyết kinh trong hư không, có người học kinh nơi hư không, có người nghe kinh trong hư không, có người niệm kinh trong hư không, có người suy gẫm đạo nơi hư không, có người nhất tâm tọa thiền trong hư không, có người kinh hành trong hư không. Có người chưa đắc đạo Tu-đà-hoàn thì được đạo Tu-đà-hoàn, có người chưa đắc đạo Tư-đà-hàm thì được đạo Tư-đà-hàm, có người chưa đắc đạo A-na-hàm thì được đạo A-na-hàm, có người chưa đắc đạo A-la-hán thì được đạo A-la-hán, có người chưa đạt Bồ-tát Bất thối chuyển thì được Bồ-tát Bất thối chuyển. Mỗi vị Bồ-tát và A-la-hán đều tự thuyết kinh hành đạo, tất cả đều được đắc đạo, không ai mà không hoan hỷ phấn chấn.

Trong những vị Bồ-tát ấy, có vị muốn được cúng dường vô số chư Phật khắp mười phương, tức thì vân tập đầy đủ ngay trước Phật Vô Lượng Thanh Tịnh mà đảnh lễ, quỳ gối, chắp tay bạch Phật và từ giã ra đi để cúng dường vô số chư Phật khắp mười phương. Phật Vô Lượng Thanh Tịnh im lặng nhận lời và làm cho các vị Bồ-tát đi cúng dường ấy đều rất hoan hỷ, tính đến ngàn vạn ức người. Vô số người không thể tính kể đều được trí tuệ dõng mãnh, mỗi người tự bay đi, hàng hàng người bay đuổi theo sau. Họ bay phân tán ra đến chỗ vô số chư Phật trong khắp mười phương. Họ cùng đảnh lễ dưới chân Phật rồi cúng dường chư Phật.

Những vị Bồ-tát ấy, ý muốn được vạn loại vật dụng tự nhiên hiện ngay trước mặt thì sẽ có trăm hoại hoa nhiều sắc màu xen lẫn, tự nhiên có trăm loại tràng phan sặc sỡ nhiều màu bằng nhung gấm, tự nhiên có vô số tấm vải kiếp-ba, tự nhiên có bảy báu, tự nhiên có đèn sáng, tự nhiên có vạn loại âm nhạc… tất cả đều hiện ngay trước mặt. Hoa, hương và vạn loại vật tự nhiên đó chẳng phải là vật của thế gian, cũng chẳng phải là vật trên trời. Vật vạn loại này đều là những vật trong khắp mười phương tự nhiên kết hợp lại mà hóa sanh như vậy. Người nào có ý mong muốn, tự nhiên chúng sẽ hóa sanh ngay trước mặt. Và ý không muốn dùng nữa, chúng sẽ tự hóa đi. Các vị Bồ-tát cùng đem những vật dụng đó cúng dường chư Phật, chư Bồ-tát và các vị A-la-hán, rồi họ lần lượt đi nhiễu chung quanh nhiều vòng. Nếu ý muốn được tự tại thì sự mong muốn sẽ đến ngay lúc ấy, vô cùng an vui tự tại không thể nói được.

Ý của các Bồ-tát, mỗi vị muốn được 40 dặm hoa thì tự nhiên 40 dặm hoa sẽ hiện ngay trước mặt. Các vị Bồ-tát đều ở trong hư không cùng cầm hoa để tung lên chư Phật, các vị Bồ-tát và A-la-hán. Những đóa hoa ngát hương tươi đẹp này đều từ hư không rơi xuống; đến khi hoa héo, chúng tự rơi xuống đất, tức thì tự nhiên có những ngọn gió thổi đến cuốn đi tất cả những bông hoa héo.

Ý của các Bồ-tát, mỗi vị muốn được 80 dặm hoa, thì tự nhiên 80 dặm hoa hiện ngay trước mặt. Các vị Bồ-tát đều ở trong hư không cùng cầm hoa để tung lên chư Phật, các vị Bồ-tát và A-la-hán. Những đóa hoa này đều từ hư không rơi xuống. Đến khi hoa héo, chúng tự rơi xuống đất, tức thì tự nhiên có những ngọn gió thổi đến cuốn tất cả những bông hoa héo ấy đi.

Ý của các Bồ-tát, mỗi vị muốn được 160 dặm hoa, thì tự nhiên 160 dặm hoa hiện ngay trước mặt. Các vị Bồ-tát đều ở trong hư không cùng cầm hoa để tung lên chư Phật, các vị Bồ-tát và A-la-hán. Những đóa hoa này đều từ hư không rơi xuống. Đến khi hoa héo, chúng tự rơi xuống đất, tức thì tự nhiên có những ngọn gió thổi đến cuốn tất cả những bông hoa héo ấy đi.

Ý của chư Bồ-tát, mỗi vị muốn được 320 dặm hoa, tức thì tự nhiên 320 dặm hoa hiện ngay trước mặt. Các vị Bồ-tát đều ở trong hư không cùng cầm hoa để tung lên chư Phật, các vị Bồ-tát và A-la-hán. Những đóa hoa này đều từ hư không rơi xuống. Đến khi hoa héo, chúng tự rơi xuống đất, tức thì tự nhiên có những ngọn gió thổi đến cuốn tất cả những bông hoa héo ấy đi.

Ý của chư Bồ-tát, mỗi vị muốn được 640 dặm hoa, tức thì tự nhiên 640 dặm hoa hiện ngay trước mặt. Các vị Bồ-tát đều ở trong hư không cùng cầm hoa để tung lên chư Phật, các vị Bồ-tát và A-la-hán. Những đóa hoa này đều từ hư không rơi xuống. Đến khi hoa héo, chúng tự rơi xuống đất, tức thì tự nhiên có những ngọn gió thổi đến cuốn tất cả những bông hoa héo ấy đi.

Ý của chư Bồ-tát, mỗi vị muốn được 1.280 dặm hoa, tức thì tự nhiên 1.280 dặm hoa hiện ngay trước mặt. Các vị Bồ-tát đều ở trong hư không cùng cầm hoa để tung lên chư Phật, các vị Bồ-tát và A-la-hán. Những đóa hoa này đều từ hư không rơi xuống. Đến khi hoa héo, chúng tự rơi xuống đất, tức thì tự nhiên có những ngọn gió thổi đến cuốn tất cả những bông hoa héo ấy đi.

Ý của chư Bồ-tát, mỗi vị muốn được 2.560 dặm hoa, tức thì tự nhiên 2.560 mươi dặm hoa hiện ngay trước mặt. Các vị Bồ-tát đều ở trong hư không cùng cầm hoa để tung lên chư Phật, các vị Bồ-tát và A-la-hán. Những đóa hoa này đều từ hư không rơi xuống. Đến khi hoa héo, chúng tự rơi xuống đất, tức thì tự nhiên có những ngọn gió thổi đến cuốn tất cả những bông hoa héo ấy đi.

Ý của chư Bồ-tát, mỗi vị muốn được 5.120 dặm hoa, tức thì tự nhiên 5.120 dặm hoa hiện ngay trước mặt. Các vị Bồ-tát đều ở trong hư không cùng cầm hoa để tung lên chư Phật, các vị Bồ-tát và A-la-hán. Những đóa hoa này đều từ hư không rơi xuống. Đến khi hoa héo, chúng tự rơi xuống đất, tức thì tự nhiên có những ngọn gió thổi đến cuốn tất cả những bông hoa héo ấy đi.

Ý của chư Bồ-tát, mỗi vị muốn được 1 vạn 240 dặm hoa, tức thì tự nhiên 1vạn 240 dặm hoa hiện ngay trước mặt. Các vị Bồ-tát đều ở trong hư không cùng cầm hoa để tung lên chư Phật, các vị Bồ-tát và A-la-hán. Những đóa hoa này đều từ hư không rơi xuống. Đến khi hoa héo, chúng tự rơi xuống đất, tức thì tự nhiên có những ngọn gió thổi đến cuốn tất cả những bông hoa héo ấy đi.

Ý của chư Bồ-tát, mỗi vị muốn được 2 vạn 480 dặm hoa, tức thì tự nhiên 2 vạn 480 dặm hoa hiện ngay trước mặt. Các vị Bồ-tát đều ở trong hư không cùng cầm hoa để tung lên chư Phật, các vị Bồ-tát và A-la-hán. Những đóa hoa này đều từ hư không rơi xuống. Đến khi hoa héo, chúng tự rơi xuống đất, tức thì tự nhiên có những ngọn gió thổi đến cuốn tất cả những bông hoa héo ấy đi.

Ý của chư Bồ-tát, mỗi vị muốn được 5 vạn dặm hoa, tức thì tự nhiên 5 vạn dặm hoa hiện ngay trước mặt. Các vị Bồ-tát đều ở trong hư không cùng cầm hoa để tung lên chư Phật, các vị Bồ-tát và A-la-hán. Những đóa hoa này đều từ hư không rơi xuống. Đến khi hoa héo, chúng tự rơi xuống đất, tức thì tự nhiên có những ngọn gió thổi đến cuốn tất cả những bông hoa héo ấy đi.

Ý của chư Bồ-tát, mỗi vị muốn được 10 vạn dặm hoa, tức thì tự nhiên 10 vạn dặm hoa hiện ngay trước mặt. Các vị Bồ-tát đều ở trong hư không cùng cầm hoa để tung lên chư Phật, các vị Bồ-tát và A-la-hán. Những đóa hoa này đều từ hư không rơi xuống. Đến khi hoa héo, chúng tự rơi xuống đất, tức thì tự nhiên có những ngọn gió thổi đến cuốn tất cả những bông hoa héo ấy đi.

Ý của chư Bồ-tát, mỗi vị muốn được 20 vạn dặm hoa, tức thì tự nhiên 20 vạn dặm hoa hiện ngay trước mặt. Các vị Bồ-tát đều ở trong hư không cùng cầm hoa để tung lên chư Phật, các vị Bồ-tát và A-la-hán. Những đóa hoa này đều từ hư không rơi xuống. Đến khi hoa héo, chúng tự rơi xuống đất, tức thì tự nhiên có những ngọn gió thổi đến cuốn tất cả những bông hoa héo ấy đi.

Ý của chư Bồ-tát, mỗi vị muốn được 40 vạn dặm hoa, thì tự nhiên 40 vạn dặm hoa hiện ngay trước mặt. Các vị Bồ-tát đều ở trong hư không cùng cầm hoa để tung lên chư Phật, các vị Bồ-tát và A-la-hán. Những đóa hoa này đều từ hư không rơi xuống. Đến khi hoa héo, chúng tự rơi xuống đất, tức thì tự nhiên có những ngọn gió thổi đến cuốn tất cả những bông hoa héo ấy đi.

Ý của chư Bồ-tát, mỗi vị muốn được 80 vạn dặm hoa, tức thì tự nhiên 80 vạn dặm hoa hiện ngay trước mặt. Các vị Bồ-tát đều ở trong hư không cùng cầm hoa để tung lên chư Phật, các vị Bồ-tát và A-la-hán. Những đóa hoa này đều từ hư không rơi xuống. Đến khi hoa héo, chúng tự rơi xuống đất, tức thì tự nhiên có những ngọn gió thổi đến cuốn tất cả những bông hoa héo ấy đi.

Ý của chư Bồ-tát, mỗi vị muốn được 160 vạn dặm hoa, tức thì tự nhiên 160 vạn dặm hoa hiện ngay trước mặt. Các vị Bồ-tát đều ở trong hư không cùng cầm hoa để tung lên chư Phật, các vị Bồ-tát và A-la-hán. Những đóa hoa này đều từ hư không rơi xuống. Đến khi hoa héo, chúng tự rơi xuống đất, tức thì tự nhiên có những ngọn gió thổi đến cuốn tất cả những bông hoa héo ấy đi.

Ý của các Bồ-tát, mỗi vị muốn được 300 vạn dặm hoa, thì tự nhiên 300 vạn dặm hoa hiện ngay trước mặt. Các vị Bồ-tát đều ở trong hư không cùng cầm hoa để tung lên chư Phật, các vị Bồ-tát và A-la-hán. Những đóa hoa này đều từ hư không rơi xuống. Đến khi hoa héo, chúng tự rơi xuống đất, tức thì tự nhiên có những ngọn gió thổi đến cuốn tất cả những bông hoa héo ấy đi.

Ý của các Bồ-tát, mỗi vị muốn được 400 vạn dặm hoa, thì tự nhiên 400 vạn dặm hoa hiện ngay trước mặt. Tâm ý của các Bồ-tát vô cùng hoan hỷ phấn chấn. Họ ở trong hư không cùng cầm hoa tung lên chư Phật, Bồ-tát, A-la-hán. Những đóa hoa ấy tự nhiên hợp lại thành một bông hoa nở tròn, với những cánh hoa bằng nhau. Hoa lại tươi đẹp gấp bội những đóa hoa trước và đẹp tuyệt diệu hơn hoa trước rất nhiều. Những đóa hoa có trăm ngàn màu sắc và mỗi một màu hoa có mùi hương khác nhau. Không có ngôn từ nào để diễn tả được mùi hương của hoa.

Các vị Bồ-tát rất vui mừng, cùng ở trong hư không hòa âm tạo thành những kỹ nhạc tự nhiên. Ngay lúc ấy, chư Phật, các Bồ-tát, A-la-hán đều cảm thấy an lạc không thể nói được. Các Bồ-tát đều ngồi nghe kinh. Nghe kinh xong, họ tụng đọc rất lưu loát, biết rõ kinh đạo và trí tuệ thêm sáng suốt.

Những hoa thơm ở cõi này mỗi khi khô héo liền tự rơi xuống đất và tự nhiên có những ngọn gió thổi cuốn tất cả những hoa héo ấy đi; tức thì trong cõi của chư Phật ấy – từ cõi Tứ Thiên Vương thứ nhất đến cõi trời Ba mươi sáu – các vị Bồ-tát khi hoa héo, chúng tự rơi xuống đất, tức thì tự nhiên có những ngọn gió, A-la-hán và trời, người đều ở trong hư không cùng nhau tạo thành những âm thanh kỹ nhạc. Những vị trời người đến trước, chuyển dần cho người đến sau, những người đến sau xoay vần cúng dường như trước, luân phiên như vậy. Những vị trời người hoan hỷ nghe kinh, cùng tạo thành những âm nhạc. Trong lúc này họ vô cùng an lạc, hạnh phúc.

Các vị Bồ-tát cúng dường nghe kinh xong, đều đến đảnh lễ chư Phật mà đi. Họ lại bay đến khắp mười phương – chỗ vô số chư Phật – để cúng dường và nghe kinh. Mỗi vị cũng lần lượt như trước để cúng dường chư Phật, cho đến gần giữa trưa các vị Bồ-tát đều bay đi trở về nước của họ. Họ đảnh lễ trước Phật Vô Lượng Thanh Tịnh rồi ngồi xuống một bên nghe kinh. Nghe kinh xong, họ rất hoan hỷ.

Đức Phật dạy:

– Khi Phật Vô Lượng Thanh Tịnh và các vị Bồ-tát, A-la-hán sắp thọ thực, tức thì tự nhiên nơi ghế bảy báu có tấm vải kiếp-ba, tự nhiên có tòa ngồi bằng nhung gấm rất êm. Phật Vô Lượng Thanh Tịnh và các Bồ-tát, A-la-hán ngồi xuống, trước mặt tự nhiên đều có bát bằng bảy báu, trong bát tự nhiên có đầy đủ thức ăn trăm vị. Những thức ăn này không phải là mùi vị của thức ăn thế gian, cũng chẳng phải mùi vị của thức ăn trên trời. Thức ăn trăm vị này đều là tập hợp những vị ngon trong khắp mười phương, là những tinh chất trong thức ăn tự nhiên, có hương vị ngon tuyệt vời không gì sánh được, tự nhiên chúng hóa sanh như vậy. Những thức ăn ấy có vị ngọt ngon tự tại, tùy theo sở thích của mỗi người.

Các vị Bồ-tát, A-la-hán, trong đó có vị muốn được bát bằng bạc, có vị muốn được bát bằng vàng, có vị muốn được bát bằng thủy tinh, có vị muốn được bát bằng lưu ly, có vị muốn được bát bằng san hô, có vị muốn được bát bằng hổ phách, có vị muốn được bát bằng bạch ngọc, có vị muốn được bát bằng xa-cừ, có vị muốn được bát bằng mã-não, có vị muốn được bát bằng ngọc minh nguyệt, có vị muốn được bát bằng ngọc ma-ni, có vị muốn được bát bằng vàng ròng… Trong những chiếc bát ấy có đầy những thức ăn ngon, tha hồ tùy ý đưa đến người dùng. Những thức ăn này không từ đâu đến, cũng không có ai làm ra, tự nhiên mà hóa sanh.

Các vị Bồ-tát, A-la-hán đều thọ thực, họ không dùng nhiều, cũng không dùng ít, tự nhiên bằng nhau. Các vị Bồ-tát, A-la-hán thọ thực không nói ngon hay dở, cũng không vì ngon mà vui. Thọ thực xong, những bát cơm và tòa ngồi đều tự nhiên biến mất. Khi sắp thọ thực nó sẽ hóa sanh trở lại như trước. Các vị Bồ-tát, A-la-hán với tâm thanh khiết, không nghĩ đến việc ăn uống, chỉ dùng để có khí lực.

Đức Phật bảo A-Nan:

– Khi đức Phật A-Di-Đà thuyết pháp cho các vị Bồ-tát và A-la-hán đều ở trên giảng đường trong đại hội. Các Bồ-tát, A-la-hán và chư thiên, nhân dân trong cõi nước ấy nhiều vô số, không thể tính đếm được. Họ bay đến chỗ Phật Vô Lượng Thanh Tịnh đảnh lễ dưới chân Ngài rồi ngồi xuống nghe kinh. Phật Vô Lượng Thanh Tịnh vì các Tỳ-kheo Tăng, các vị Bồ-tát, A-la-hán, chư thiên, nhân dân giảng rộng về đại kinh đạo trí. Mọi người nghe hiểu kinh, đạo tâm được khai mở, giải thoát nên họ rất hoan hỷ phấn chấn. Ngay khi ấy, những ngọn gió từ bốn phương tự nhiên thổi đến những hàng cây bảy báu, tạo thành năm âm thanh. Những ngọn gió ấy lại thổi vào hoa bảy báu, tạo thành những chiếc lọng hoa che trên cõi nước ấy. Những lọng hoa đều ở trên hư không che xuống. Hoa rất thơm và tươi đẹp, hương thơm tỏa khắp cõi nước. Hoa tự tung lên Phật Vô Lượng Thanh Tịnh, các vị Bồ-tát và A-la-hán. Hoa rơi xuống đất dày bốn tấc. Khi hoa sắp héo, tự nhiên có những ngọn gió thổi đến cuốn hoa héo ấy đi, tức thì bốn phương tự nhiên đều có những ngọn gió nổi lên thổi vào cây bảy báu, tạo thành năm âm thanh. Những ngọn gió thổi vào cây hoa bảy báu, hoa cũng như trước, tự nhiên tung lên Phật Vô Lượng Thanh Tịnh, chư Bồ-tát và A-la-hán. Hoa rơi xuống đất dày đến bốn tấc. Khi hoa sắp héo, tự nhiên có những ngọn gió thổi những hoa héo ấy bay đi.

Những ngọn gió thổi hoa như vậy đến bốn lần, tức thì chư thiên nhân cõi Tứ Thiên Vương thứ nhất, chư thiên nhân trên trời Đao Lợi thứ hai, chư thiên nhân cõi trời thứ ba, chư thiên nhân cõi trời thứ tư, chư thiên nhân cõi trời thứ năm, chư thiên nhân cõi trời thứ sáu, chư thiên nhân cõi Phạm thiên thứ bảy, cho đến chư thiên nhân cõi trời thứ mười sáu, đến chư thiên nhân cõi trời thứ ba mươi sáu đều đem vạn loại đồ vật tự nhiên của cõi trời, trăm thứ hoa đủ các sắc màu, hương vị, trăm thứ nhung gấm nhiều màu, trăm thứ vải kiếp-ba, vạn loại kỹ nhạc với những âm thanh tuyệt diệu nhất. Mỗi vị đều mang đến cúng dường, đảnh lễ Phật Vô Lượng Thanh Tịnh và các vị Bồ-tát, A-la-hán.

Chư thiên nhân lại trỗi những âm nhạc hay để làm vui lòng Phật Vô Lượng Thanh Tịnh và các vị Bồ-tát, A-la-hán. Trong thời điểm này, ai cũng vui vẻ, an lạc không thể diễn tả được.

Lần lượt, lần lượt… hàng trời người đến đảnh lễ cúng dường đức Phật rồi lui ra, nhường chỗ cho hàng trời người phía sau tiến đến cúng dường như trước, rồi lại đi ra…

Nơi phương Đông, vô số cõi Phật nhiều không thể tính kể, nhiều như số cát sông Hằng, mỗi một hạt cát tính là một đức Phật. Tất cả chư Phật này dạy vô số Bồ-tát đông không thể tính kể, cùng bay đến chỗ Phật Vô Lượng Thanh Tịnh, cung kính đảnh lễ dưới chân Ngài và tất cả đều ngồi qua một bên để nghe kinh. Nghe kinh xong, các vị Bồ-tát đó hoan hỷ vô cùng, liền đứng dậy cúi đầu đảnh lễ đức Phật mà đi ra.

Phương Tây, vô số cõi Phật nhiều không thể tính kể, nhiều như số cát sông Hằng, mỗi một hạt cát tính là một đức Phật. Tất cả chư Phật này dạy vô số Bồ-tát đông không tính hết, cùng bay đến chỗ Phật Vô Lượng Thanh Tịnh, cung kính đảnh lễ dưới chân Ngài và tất cả đều ngồi qua một bên để nghe kinh. Nghe kinh xong, các vị Bồ-tát này rất hoan hỷ, liền đứng dậy cúi đầu đảnh lễ đức Phật mà đi ra.

Phương Bắc, vô số cõi Phật nhiều không thể tính kể, nhiều như số cát sông Hằng, mỗi một hạt cát tính là một đức Phật. Tất cả chư Phật này dạy vô số Bồ-tát đông không tính kể, cùng bay đến chỗ Phật Vô Lượng Thanh Tịnh, cung kính đảnh lễ dưới chân Ngài và tất cả đều ngồi qua một bên để nghe kinh. Nghe kinh xong, các vị Bồ-tát đó hoan hỷ vô cùng, liền đứng dậy cúi đầu đảnh lễ đức Phật mà đi ra.

Phương Nam, vô số cõi Phật nhiều không thể tính kể, nhiều như số cát sông Hằng, mỗi một hạt cát tính là một đức Phật. Tất cả chư Phật này dạy vô số Bồ-tát đông không tính kể, cùng bay đến chỗ Phật Vô Lượng Thanh Tịnh, cung kính đảnh lễ dưới chân Ngài và tất cả đều ngồi qua một bên để nghe kinh. Nghe kinh xong, các vị Bồ-tát rất hoan hỷ, liền đứng dậy cúi đầu đảnh lễ đức Phật mà đi ra.

Bốn phương góc, vô số cõi Phật nhiều không thể tính kể, nhiều như số cát sông Hằng, mỗi một hạt cát tính là một đức Phật. Tất cả chư Phật này dạy vô số Bồ-tát đông không tính kể, cùng bay đến chỗ Phật Vô Lượng Thanh Tịnh, cung kính đảnh lễ dưới chân Ngài và tất cả đều ngồi qua một bên để nghe kinh. Nghe kinh xong, các vị Bồ-tát rất hoan hỷ, liền đứng dậy cúi đầu đảnh lễ đức Phật mà đi ra.

Đức Phật dạy:

– Tám phương trên dưới, vô số chư Phật đều dạy các vị Bồ-tát bay đến chỗ Phật Vô Lượng Thanh Tịnh để cúng dường và nghe kinh; lần lượt từ phương trên đến phương dưới rồi lui ra.

Tám phương vô số cõi Phật, mỗi một phương chư Phật nhiều như số cát sông Hằng, mỗi một hạt cát tính là một đức Phật. Mỗi đức Phật dạy vô số Bồ-tát đông không thể tính kể, cùng bay đến chỗ Phật Vô Lượng Thanh Tịnh và cung kính đảnh lễ dưới đức Phật A-Di-Đà, rồi ngồi nghe kinh. Sau khi nghe kinh, các vị Bồ-tát rất hoan hỷ, đứng dậy đảnh lễ Phật Vô Lượng Thanh Tịnh mà lui ra.

Chư Phật phương trên dạy các vị Bồ-tát bay đến chỗ Phật Vô lượng Thanh Tịnh để cúng dường và nghe kinh; lần lượt, lần lượt… từ lớp người này đến lớp người khác cùng bay đến và cũng nghe kinh, cúng dường như vậy trong thời gian liên tục không bao giờ ngưng nghỉ.

Nhiều như số cát sông Hằng

Cõi Phật phương Đông cũng thế

Mỗi đức Phật bảo Bồ-tát

Cung kính lễ Vô Lượng Giác

Phương Tây, Nam, Bắc cũng vậy

Như vậy hằng hà sa số cõi

Chư Phật đều bảo Bồ-tát

Cung kính lễ Vô Lượng Giác

Mười phương Bồ-tát bay về

Mang vải đựng đầy hoa thơm

Những đồ vật quý cõi trời

Đến cúng dường Vô Lượng Giác

Tất cả Bồ-tát vân tập

Kính lễ bậc sáng vô lượng

Chắp tay đi nhiễu ba vòng

Ngợi khen Phật Vô Lượng Giác

Mang hoa thơm tung lên Phật

Tâm thanh tịnh ngợi khen Ngài

Đứng trước Phật tự thưa rằng:

“Nguyện cõi con cũng như đây”

Hoa được tung, tụ giữa trời

Kết thành lọng lớn bao la

Lọng quý trang nghiêm xinh đẹp

Phủ che trên khắp hội chúng

Bồ-tát câu hội như mây

Khó thay gặp cõi chư Tôn

Những ai được nghe danh Phật

Được nhiều lợi ích an lành

Hàng chúng ta được đức này

Biết bao tốt đẹp cõi đây

Thấy nước ta như giấc mộng

Vô số kiếp tịnh độ này

Thấy Bồ-tát nhiễu quanh Phật

Oai linh trường thọ vô cùng

Hội chúng an nhiên thanh tịnh

Vô số kiếp khó nghĩ bàn

Lúc ấy Thế Tôn mỉm cười

Ba mươi sáu ức do-tha

Ánh sáng từ miệng phát ra

Rực rỡ khắp vô số cõi

Trở lại xoay vòng quanh Phật

Ba vòng nhập vào trong đảnh

Ánh sáng bỗng nhiên không hiện

Trời người ai cũng vui mừng

A-Nan rời tòa đứng dậy

Sửa y, đảnh lễ, hỏi thưa

Bạch Phật vì sao mỉm cười

Cúi xin nói ý cho con

Chỉ dạy con bản tánh KHÔNG

Thương giúp thành trăm tướng phước

Ai nghe thấy âm thanh này

Cũng đều vui vẻ hân hoan

Tiếng Phạm như tiếng sấm rền

Tám loại âm thanh tuyệt diệu

Phật truyền dạy bảo A-Nan

Lắng nghe Ta nói nguyên nhân

Các Bồ-tát khắp thế giới

Đến Tu-ma-đề lễ Phật

Nghe pháp hoan hỷ phụng hành

Chóng được về nơi thanh tịnh

Đã đến nước nghiêm tịnh này

Chóng được đầy đủ thần túc

Mắt, tai nghe tiếng suốt thông

Và biết rõ ràng túc mạng

Khi Ta còn là Bồ-tát

Vốn Ta đời trước nguyện rằng:

Tất cả người nghe thuyết pháp

Chóng sanh đến nước của Ta

Nguyện của Ta đều viên mãn

Từ các nước họ sanh đến

Đều đến sanh vào cõi này

Một đời được bất thối chuyển

Bồ-tát nào luôn chánh nguyện

Muốn khiến nước như cõi Ta

Cũng nhớ độ cho tất cả

Làm cho nguyện đến mười phương

Nhanh chóng vượt lên nơi chốn

Thế giới cõi nước an vui

Đến cõi vô lượng ánh sáng

Cúng dường nơi vô số Phật

Phụng sự vạn ức Thế Tôn

Biến hóa bay khắp các nước

Cung kính cúng dường rồi đi

Trở về nơi Tu-ma-đề

Nếu người không có công đức

Làm sao nghe được tên kinh?

Chỉ người giữ giới thanh tịnh

Mới đến nghe chánh pháp này

Từng được gặp đấng đại hùng

Ắt được tin nơi việc này

Cung kính lãnh hội phụng hành

Hết lòng vui mừng phấn chấn

Giải đãi, kiêu mạn, xấu xa

Khó được tin nơi pháp này

Ai từng gặp Phật đời trước

Thích nghe lời dạy Thế Tôn

Ví như người mù bẩm sinh

Muốn được làm người dẫn đường

Thanh văn hay bậc Đại thừa

Huống chi đến kẻ phàm phu

Mà biết ý Thiên trung thiên

Thanh văn không rõ hạnh Phật

Bích-chi Phật cũng như vậy

Riêng Chánh giác mới biết được

Nếu tất cả đều thành Phật

Trí tuệ thanh tịnh vốn KHÔNG

Dầu trải qua vạn ức kiếp

Trí Phật thật không thể sánh

Giảng luận bàn vô số kiếp

Trọn cuộc đời cũng không biết

Trí tuệ Phật quá vô biên

Như thế thực hành thanh tịnh

Theo Ta dạy mới kính tin

Hy vọng người này hiểu rõ

Tin thọ những điều Phật dạy

Đó là chứng quả đệ nhất

Khó thay làm được thân người

Phật tại thế càng khó gặp

Có trí tin chưa thể đạt

Người nghe tinh tấn mong cầu

Khắc ghi giáo pháp không quên

Liền gặp được bậc chí kính

Khéo hay thân cận bên Ta

Thế cho nên phát tâm đạo

Giả sử lửa đầy thế giới

Vượt qua để được nghe pháp

Chắc chắn sẽ được làm Phật

Vượt tất cả sanh – già – chết.

Đức Phật bảo A-Nan:

– Phật Vô Lượng Thanh Tịnh nói kinh cho các Bồ-tát, A-la-hán xong, trong chúng trời người những ai chưa được đạo quả Tu-đà-hoàn thì được đạo quả Tu-đà-hoàn. Những ai chưa được đạo quả Tư-đà-hàm thì được đạo quả Tư-đà-hàm. Những ai chưa được đạo quả A-na-hàm thì được đạo quả A-na-hàm. Những ai chưa được đạo quả A-la-hán thì được đạo quả A-la-hán. Những ai chưa được Bồ-tát Bất thối chuyển thì được Bồ-tát Bất thối chuyển.

Đức Phật A-Di-Đà ngay khi đó tùy theo sự mong cầu đạo quả xưa kia của họ, tùy tâm ý của họ ưa thích mong cầu nhiều hay ít thì Ngài sẽ nói kinh và ấn chứng cho họ, làm cho những người ấy chóng được kiến đạo, được trí tuệ sáng suốt, chính họ được cảm nhận sự hỷ lạc. Người có sở nguyện về kinh đạo, không ai mà không vui thích tụng tập, tức thì mỗi người tự tụng kinh đạo thông suốt, không có nhàm chán.

Trong những vị Bồ-tát, A-la-hán đó, có người tụng kinh âm thanh như sấm rền, có người nói kinh như gió lốc, mưa rào. Khi những vị Bồ-tát, A-la-hán nói kinh hành đạo, mỗi người đều như vậy. Trọn một kiếp mà họ vẫn không bao giờ giải đãi. Tất cả đều được trí tuệ dõng mãnh, thân thể thư thái, không bao giờ bị bệnh tật, đau đớn. Những lúc đi, đứng, nằm ngồi, thân họ đều khỏe mạnh, sảng khoái. Như vua trong loài sư tử ở chốn rừng sâu, cần đến nơi nào thì hướng thẳng đến đó mà không hề bị ngăn chận. Những Bồ-tát, A-la-hán trong cõi Phật Vô Lượng Thanh Tịnh lúc nói kinh, hành đạo đều dõng mãnh, không có ý thắc mắc nghi ngờ, tất cả do tâm tạo nên, không do dự tính toán, gấp trăm ngàn vạn ức lần. Đó là vua trong loài sư tử oai hùng. Như vậy, gấp trăm ngàn vạn ức lần là vua trong loài sư tử oai hùng còn không bằng đệ tử thứ hai của Ta là Ma-ha Mục Kiền Liên dõng mãnh gấp trăm ngàn vạn ức lần. Các Bồ-tát, A-la-hán ở cõi Phật Vô lượng Thanh Tịnh đều hơn Ma-ha Mục Kiền Liên, vị đệ tử thứ hai của Ta.

Đức Phật dạy:

– Sự dõng mãnh của Ma-ha Mục Kiền Liên đối với những A-la-hán trong các cõi rất cao tột, không thể so sánh. Ma-ha Mục Kiền Liên bay đi hay dừng lại trí tuệ dõng mãnh, thấy nghe xuyên suốt, biết mọi sự quá khứ, tương lai hay hiện tại nơi khắp mười phương gấp trăm ngàn vạn ức lần hợp lại làm một trí tuệ dõng mãnh ngay nơi cõi Phật Vô Lượng Thanh Tịnh. Các A-la-hán trong đây, đức của họ cũng không bằng trí tuệ dõng mãnh của một A-la-hán ở cõi Phật Vô Lượng Thanh Tịnh gấp trăm ngàn vạn ức lần.

Khi ấy, trong hội chúng có một vị Bồ-tát tên A-Dật. Bồ-tát A-Dật đến trước Phật, quỳ gối chắp tay thưa:

– Bạch đức Thế Tôn! Các vị A-la-hán trong nước Phật A-Di-Đà có nhập Niết-bàn chăng? Con muốn được nghe về điều này.

Đức Phật bảo Bồ-tát A-Dật:

– Nếu ông muốn biết, ông hãy nhìn những ngôi sao ở khắp bốn phương trời, có ai mà không thấy chăng?

Bồ-tát A-Dật thưa:

– Thưa vâng, ai cũng thấy cả.

Đức Phật bảo:

– Đệ tử thứ hai của Ta là Ma-ha Mục Kiền Liên bay khắp bốn phương – trong một ngày một đêm, đếm những ngôi sao khắp bầu trời và biết có bao nhiêu ngôi sao. Như vậy, ngôi sao ở bốn phương trời rất nhiều không thể tính hết được, mà Mục Kiền Liên còn tính được ngôi sao khắp bốn phương trời, gấp trăm ngàn vạn ức lần.

Đức Phật bảo:

– Như nước biển lớn trong thế gian, đem bớt đi một giọt, có thể làm cho nước biển ấy vơi chăng?

Bồ-tát A-Dật thưa:

– Lấy bớt trăm ngàn vạn ức đấu nước trong biển cả cũng không thể làm cho biển giảm đi chút nào.

Đức Phật bảo:

– Các A-la-hán trong cõi Phật A-Di-Đà tuy có nhập Niết-bàn thì cũng như lấy một giọt nước trong biển cả vậy, không thể làm cho các vị A-la-hán bị giảm để biết là còn ít. Lấy đi một khe nước của biển cả, có thể làm cho nước biển vơi bớt chăng?

Bồ-tát A-Dật thưa:

– Lấy bớt trăm ngàn vạn ức khe nước cũng không thể làm cho nước biển giảm đi để biết được có giảm.

Đức Phật bảo:

– Các Bồ-tát trong nước Phật A-Di-Đà có nhập Niết-bàn thì cũng như lấy bớt một khe nước trong biển cả, không thể làm giảm đi những vị A-la-hán để mà biết được ít đi vì giảm. Giảm đi một sông Hằng nước của biển cả thì có thể làm giảm bớt nước biển không?

Bồ-tát A-Dật thưa:

– Lấy đi trăm ngàn vạn ức sông Hằng trong biển cả cũng không thể làm vơi bớt nước trong biển ấy để làm giảm mà biết là ít.

Đức Phật bảo:

– Các A-la-hán trong nước Phật A-Di-Đà có nhập Niết-bàn vô số thì những vị mới đắc quả A-la-hán trong hiện tại ở nước ấy cũng nhiều vô số, hoàn toàn không bị tăng giảm. Làm cho những dòng nước khắp bốn phương trời đều chảy vào trong biển lớn, há có thể làm cho nước biển được tăng thêm chăng?

Bồ-tát A-Dật thưa:

– Không thể làm cho nước biển tăng thêm được. Vì sao? – Vì biển cả là vua trong những dòng nước khắp thế gian, cho nên mới có thể như vậy.

Đức Phật dạy:

– Cũng vậy, làm cho vô số chư thiên, loài người và tất cả những loài côn trùng ở trong vô số cõi Phật khắp mười phương đều được vãng sanh vào cõi Phật Vô Lượng Thanh Tịnh rất nhiều vô cùng, không thể tính hết. Các Bồ-tát, A-la-hán và chúng Tỳ-kheo Tăng trong cõi Phật Vô Lượng Thanh Tịnh cùng một thường pháp như nhau nên tăng thêm nhiều. Vì sao? – Vì cõi Phật Vô Lượng Thanh Tịnh là cõi an vui tối thắng trong số các cõi Phật nơi khắp mười phương, là vua trong chúng Bồ-tát. Cõi Phật Vô Lượng Thanh Tịnh là một nước oai hùng nhất trong vô số các cõi Phật. Cõi Phật Vô Lượng Thanh Tịnh là trân bảo quý giá nhất trong vô số các cõi Phật. Cõi Phật Vô Lượng Thanh Tịnh là cõi tồn tại dài lâu nhất trong vô số các cõi Phật. Cõi Phật Vô Lượng Thanh Tịnh hào kiệt nhất trong vô số các cõi Phật. Cõi Phật Vô Lượng Thanh Tịnh rộng lớn nhất trong vô số các cõi Phật. Cõi Phật Vô Lượng Thanh Tịnh vô vi, hoàn toàn tự nhiên nhất trong vô số các cõi Phật. Cõi Phật Vô Lượng Thanh Tịnh hạnh phúc, tốt đẹp, sáng láng, vui vẻ tột đỉnh nhất.

Tại sao chỉ riêng cõi Phật Vô Lượng Thanh Tịnh thù tắng tuyệt hảo nhất? – Vốn xưa kia khi cầu đạo Bồ-tát, Ngài đã có nguyện lực dõng mãnh, tinh tấn không lười nhác, tích tụ nhiều phước đức nên mới được như vậy.

Bồ-tát A-Dật vô cùng hoan hỷ, quỳ gối chắp tay thưa:

– Đức Phật nói về cõi Phật Vô Lượng Thanh Tịnh có những A-la-hán nhập Niết-bàn nhiều vô số và những sự tốt đẹp tối thắng, những an vui tuyệt hảo nhất mà vô số cõi nước khác không thể so sánh, chính là chỉ riêng cõi Phật như vậy ư?

Đức Phật dạy:

– Chỗ ở của các Bồ-tát, A-la-hán nơi cõi Phật Vô Lượng Thanh Tịnh trong nhà cửa bảy báu, có người ở trong hư không, có người ở nơi đất liền, có người ý muốn làm cho nhà cửa thật cao thì nhà cửa sẽ cao, có người ý muốn làm cho nhà cửa thật lớn thì nhà cửa sẽ lớn, có người ý muốn làm cho nhà cửa ở trong hư không thì nhà cửa sẽ ở trong hư không… Tất cả đều tự nhiên tùy ý làm theo sự mong muốn. Trong đó có những người không thích có nhà thì họ được tùy theo ý muốn làm việc khác. Vì sao? – Vì những gì có thể làm được như vậy, do đời trước – khi còn cầu đạo Bồ-tát – những người này có tâm từ, tinh tấn làm nhiều điều thiện, phước đức tích tụ nên đạt được quả tốt đẹp như vậy. Còn những ai không được quả như ý là do đời trước – khi còn cầu đạo – mà thiếu tâm từ, không tinh tấn, ít làm điều thiện nên phước đức ít ỏi. Mỗi nhân tạo tác đều dẫn đến quả tốt hay xấu. Về y phục và thực phẩm, tự nhiên đầy đủ, bình đẳng, tùy theo đức của người đó nhiều hay ít nên quả báo cũng không giống nhau. Nếu ai biết tinh tấn dõng mãnh sẽ gặp được những phước báo tốt.

Đức Phật bảo Bồ-tát A-Dật:

– Ông có thấy nơi cư trú của thiên vương ở cõi trời thứ sáu chưa?

Bồ-tát A-Dật đáp:

– Thưa vâng, con có thấy.

Đức Phật bảo:

– Giảng đường, nhà cửa ở cõi Phật Vô Lượng Thanh Tịnh tốt đẹp gấp trăm ngàn vạn ức lần nơi cư trú của thiên vương cõi trời thứ sáu. Các vị Bồ-tát, A-la-hán nơi cõi Phật Vô Lượng Thanh Tịnh đều thấy, nghe thông suốt tất cả. Họ thấy biết mọi sự kiện thời quá khứ, tương lai và hiện tại khắp mười phương. Họ biết vô số nhân dân trên trời, dưới trời và những loài súc sanh, côn trùng nhỏ bé. Họ biết tâm ý cùng những điều thiện ác của chúng sanh nhớ nghĩ, những điều muốn nói. Và biết cả thời gian năm nào, kiếp nào những chúng sanh ấy được sanh vào cõi người, cho đến lúc vãng sanh vào cõi Phật Vô Lượng Thanh Tịnh, được làm Bồ-tát đạo và A-la-hán đạo. Họ dự biết tất cả.

Trên đảnh của các Bồ-tát, A-la-hán cõi Phật Vô Lượng Thanh Tịnh đều có ánh sáng. Ánh sáng ấy tỏa chiếu tự nhiên, có nơi lớn hoặc nhỏ. Trong số những vị Bồ-tát ở cõi này, có hai vị Bồ-tát tối cao thường ở hai bên trái phải của Phật Vô Lượng Thanh Tịnh để phụ giúp chấp chánh việc bàn bạc. Đức Phật Vô Lượng Thanh Tịnh thường cùng với hai vị Bồ-tát này pháp thoại, thảo luận việc quá khứ, tương lai, hiện tại trong khắp mười phương. Nếu Phật Vô Lượng Thanh Tịnh muốn dạy hai vị Bồ-tát này đến vô số chư Phật trong khắp mười phương, tức thời hai vị Bồ-tát này bay ngay đến chỗ vô số chư Phật trong khắp mười phương. Tùy ý Phật muốn hai vị Bồ-tát đến chư Phật phương nào thì hai vị sẽ bay đến phương ấy một cách nhanh chóng như Phật. Hai vị dõng mãnh không ai sánh bằng. Bồ-tát thứ nhất tên Di-Lâu-Thuyên-La, vị thứ hai tên Ma-Ha-Na-Bát, đều có ánh sáng và trí tuệ siêu tuyệt. Ánh sáng trên đảnh của hai vị Bồ-tát tỏa chiếu đến phương khác cả ngàn núi Tu-Di mà cõi Phật vẫn thường sáng rực rỡ. Ánh sáng trên đảnh của các Bồ-tát ở cõi Phật Vô Lượng Thanh Tịnh chiếu đến ngàn ức vạn dặm. Ánh sáng trên đảnh của các A-la-hán chiếu đến bảy trượng.

Đức Phật bảo:

– Những thiện nam, thiện nữ, nhân dân trong thế gian, có ai gặp tai nạn khủng bố, bức bách, hay bị quan quyền mà tự họ quy y kính lễ Bồ-tát Di-Lâu-Thuyên-La thì không có nạn nào mà không được giải thoát.

    Xem thêm:

  • Kinh Phật Vì Ta Già La Long Vương Sở Thuyết Đại Thừa - Kinh Tạng
  • Kinh Thiện Ác Nhơn Quả – Thích Giác Quả dịch - Kinh Tạng
  • Uyển Lăng Lục Của Thiền Sư Hoàng Bá Đoạn Tế - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Nói Về Phúc Báo Tạo Hình Tượng Phật - Kinh Tạng
  • Kinh Lầu Các Chánh Pháp Cam Lồ Cổ - Kinh Tạng
  • Kinh Vợ Trưởng Giả Pháp Chí - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Dạy Tu Tập Mười Nghiệp Lành - Kinh Tạng
  • Phật Thuyết Công Đức Của Tu Lại - Kinh Tạng
  • Kinh Vị Tằng Hữu Thuyết Nhân Duyên - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Đại Ca Diếp Vấn Đại Bảo Tích Chánh Pháp - Kinh Tạng
  • Kinh Văn Thù Sư Lợi Thỉnh Vấn Về Bồ Đề - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 113 – Kinh Chân Nhân (Sappurisa sutta) - Kinh Tạng
  • Bích Nham Lục Của Thiền Sư Phật Quả Viên Ngộ – Thích Thanh Từ dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Thọ Đề Già - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Tội Nghiệp Báo Ứng Giáo Hóa Địa Ngục - Kinh Tạng
  • Kinh Cư sĩ Tịnh Ý Thưa Hỏi - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Vô Úy Thọ Sở Vấn Đại Thừa - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Đại Thừa Nhật Tử Vương Sở Vấn - Kinh Tạng
  • Kinh A Di Đà Tam Da Tam Phật Tát Lâu Phật Đàn Quá Độ Nhơn Đạo - Kinh Tạng
  • Giảng Giải Tinh Yếu Kinh A Di Đà - Kinh Tạng