Uyển Lăng Lục Của Thiền Sư Hoàng Bá Đoạn Tế

Hoàng Phách Đoạn Tế Thiền Sư Uyển Lăng Lục

Đường Bùi Hưu tập

Bản Việt dịch của Thích Thanh Từ

***

Bùi Tướng Công hỏi Ngài:

Trong núi bốn năm trăm người, bao nhiêu người được pháp của Hòa Thượng?

Ngài đáp:

Người được không thể tính hết số, vì sao? Vì đạo do tâm ngộ, không tại lời nói, nói năng chỉ là để giáo hóa kẻđồng mông (trẻ thơ).

Hỏi: Thế nào là Phật? Đáp: Tức tâm là Phật, không tâm là đạo. Chỉ không có cái tâm khởi tâm động niệm, có không, ngắn dài, ta người, năng sở, … Tâm vốn là Phật, Phật vốn là tâm. Tâm như hư không, sở dĩ nói “chơn pháp thân của Phật ví như hư không”. Không nên cầu riêng, có cầu đều khổ. Giả sử trải qua số kiếp như cát sông Hằng, tu hành lục độ vạn hạnh được Phật Bồ đề cũng không phải cứu cánh. Vì cớ sao? Vì thuộc về nhơn duyên tạo tác, nhơn duyên nếu hết trở lại vô thường. Sở dĩ nói: “Báo, Hóa không phải chơn Phật, cũng không phải nói pháp”. Cốt biết tâm mình không ngã không nhơn, xưa nay là Phật.

Hỏi: Thánh nhơn không tâm tức là Phật, phàm phu không tâm đâu không chìm nơi không lặng?

Đáp: Pháp không có phàm thánh, cũng không có chìm lặng. Pháp vốn chẳng có, chớ khởi thấy không; pháp vốn chẳng không, chớ khởi thấy có. Có cùng với không đều là tình kiến (thấy biết theo tình chấp), ví như huyễn ế (như huyễn thuật, như mắt bệnh). Sở dĩ nói: “Thấy nghe như huyễn ế, tri giác là chúng sanh”. Trong môn này Tổ Sư chỉ nói “dứt cơ quên kiến”, nên nói “quên cơ thì Phật đạo thạnh, phân biệt thì quân ma lừng”.

Hỏi: Tâm đã xưa nay là Phật, lại cần tu lục độ vạn hạnh chăng?

Đáp: Ngộ tại tâm không quan hệ gì lục độ vạn hạnh. Lục độ vạn hạnh đều là cửa hóa đạo, là việc bên tiếp vật độ sanh. Giả sử Bồ đề, chơn như, thực tế, giải thoát, pháp thân thẳng đến Thập địa, bốn quả vị Thánh đều là cửa hóa độ, không quan hệ Phật tâm. Tâm tức là Phật nên nói: “Tất cả trong cửa tiếp độ Phật tâm là bậc nhất”. Chỉ không tâm sanh tử phiền não … Tức không cần đến pháp Bồ đề … Nên nói: “Phật nói tất cả pháp, độ tất cả tâm, ta không tất cả tâm, đâu dùng tất cả pháp”. Từ Phật đến Tổ không luận việc gì khác, chỉ luận một tâm, cũng nói là “Nhất thừa”. Nên nói “tìm kỹ mười phương lại không có thừa khác, chúng sanh này không còn nhánh lá, chỉ có các hạt chắc”. Bởi vì ý này khó tin nên Tổ Đạt Ma sang xứ này đến hai nước Lương, Ngụy, chỉ có một mình Huệ Khả Đại Sư thầm tin tâm mình, ngay một câu nói liền lãnh hội “Tức tâm là Phật”. Thân tâm đều không, ấy là đại đạo. Đại đạo xưa nay bình đẳng, nên nói “tin sâu chúng hàm sanh đồng một chơn tánh, tâm tánh không khác, tức tánh tức tâm, tâm không khác tánh, gọi đó là Tổ”. Lại có câu “khi nhận được tâm tánh, nên nói không nghĩ bàn”.

Hỏi: Phật độ chúng sanh chăng?

Đáp: Thật không chúng sanh Như Lai độ, ngã còn không thể có, phi ngã làm sao có? Phật cùng chúng sanh đều không thể có. Phàm có tướng đều là hư vọng, nếu thấy các tướng phi tướng là thấy Như Lai. Phật cùng chúng sanh đều do ông khởi vọng kiến, chỉ vì không biết bản tâm, đối khởi thấy biết, vừa khởi thấy Phật liền bị Phật chướng, vừa khởi thấy chúng sanh, liền bị chúng sanh chướng. Khởi thấy phàm, thánh, tịnh, uế … thì cái thấy thành những chướng ấy. Vì chướng tâm ông trọn thành luân hồi, ví như con khỉ chân này buông, chân kia nắm, không khi nào dứt. Nhất đẳng là học, cần phải không học, không phàm không thánh, không sạch không dơ, không nhỏ không lớn, vô lậu vô vi. Như thế trong một tâm, phương tiện khuyên trang nghiêm. Dù ông học được Ba thừa mười hai phần giáo, tất cả cái thấy biết thảy nên dẹp bỏ, nên nói “dẹp bỏ sở hữu, chỉ để một giường nghỉ bệnh mà nằm”(Kinh Duy Ma.). Chỉ là không khởi các kiến chấp, không một pháp có thể được, không bị pháp chướng, vượt khỏi tam giới và cảnh giới phàm thánh mới được gọi là Phật xuất thế. Nên nói: “Đảnh lễ như không chẳng chỗ nương, vượt hơn ngoại đạo, tâm đã chẳng khác, pháp cũng chẳng khác, tâm đã vô vi, pháp cũng vô vi”.

Muôn pháp trọn do tâm biến nên nói: “Tâm ta không, nên các pháp không, ngàn phẩm muôn loại thảy đều đồng. Tột không giới mười phương đồng một tâm thể”. Tâm vốn không khác, pháp cũng không khác. Chỉ vì ông thấy biết chẳng đồng nên có sai biệt. Ví như chư Thiên đồng bát ăn báu, mà tùy phước đức mỗi vị, cơm có màu sắc khác. mười phương chư Phật thật không có một chút pháp khá được gọi là A-Nậu Bồđề. Chỉlà một tâm, thật không có tướng khác, cũng không ánh sáng, không có hơn thua. Vì không hơn nên không tướng Phật. Vì không thua nên không tướng chúng sanh.

Hỏi: Tâm đã không tướng, đâu được hoàn toàn không ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp hóa độ chúng sanh?

Đáp: Ba mươi hai tướng thuộc về tướng, phàm có tướng đều hư vọng. Tám mươi vẻ đẹp thuộc về sắc, nếu do sắc thấy ta, ấy là hành đạo tà, không thể thấy Như Lai.

Hỏi: Phật tánh cùng chúng sanh tánh là đồng hay khác?

Đáp: Tánh không đồng khác. Nếu nhằm giáo Ba thừa có nói Phật tánh, chúng sanh tánh, nên có nhơn quả Ba thừa, tức có đồng khác. Nếu nhằm Phật thừa và Tổ Sư truyền nhau, không nói việc như thế, chỉ có một tâm, không đồng không khác, không nhơn không quả. Nên nói “chỉ đạo Nhất thừa này, không hai cũng không ba, trừ Phật phương tiện nói”.

Hỏi: Bồ Tát thân vô biên, tại sao không thấy đảnh tướng của Như Lai?

Đáp: Thật không thể thấy. Vì cớ sao? Vì Bồ Tát thân vô biên chính là Như Lai, Chẳng lẽ lại thấy … Chỉ dạy ông không khởi chấp thấy Phật thì không rơi bên Phật; Không khởi chấp thấy chúng sanh thì không rơi bên chúng sanh; Không khởi chấp thấy có thì không rơi bên có; không khởi chấp thấy không thì không rơi bên không; không khởi chấp thấy phàm thì không rơi bên phàm; không khởi chấp thấy thánh thì không rơi bên thánh; nếu không các kiến chấp tức là thân vô biên. Nếu có chỗ kiến chấp tức là ngoại đạo. Ngoại đạo ưa các kiến chấp. Bồ Tát đối các kiến chấp không động. Như Lai tức nghĩa “Như” của các pháp. Nên nói: “Di Lặc cũng như, các Thánh Hiền cũng như, như tức không sanh, như tức không diệt, như tức không thấy, như tức không nghe”. Đảnh của Như Lai tức là cái thấy tròn, cũng không cái thấy tròn, nên không rơi bên thấy tròn. Do đó thân Phật vô vi không rơi vào các số, tạm lấy hư không làm dụ, tròn đồng thái hư không thiếu không dư, rảnh rang vô sự, chớ gắng biện cảnh ấy, biện đến bèn thành thức. Nên nói: “Viên thành chìm biển thức, trôi lăn tợ bồng bay”(Là loại cỏ bồng, bông nhẹ gặp gió thì bay bổng theo gió.). Chỉ bảo ta biết vậy, học được vậy, khế hội vậy, giải thoát vậy, có đạo lý vậy. Chỗ mạnh ắt như ý, chỗ yếu ắt không như ý. Cái thấy biết ấy có dùng vào chỗ gì? Tôi nói với ông, rảnh rang vô sự chớ dối dụng tâm. Chẳng cần cầu chơn, chỉ phải dứt kiến chấp. Nên nói: “Thấy trong thấy ngoài đều lầm, Phật đạo ma đạo đều ác”. Cho nên Ngài Văn Thù vừa khởi thấy hai liền thấy hai ngọn núi Thiết Vi. Văn Thù tức là thật trí, Phổ Hiền tức là quyền trí. Quyền thật đối trị nhau, cứu cánh không có quyền thật, chỉ là một tâm. Tâm chẳng phải Phật. Chẳng phải chúng sanh, không có thấy khác. Vừa có thấy Phật liền thấy chúng sanh, thấy có thấy không, thấy thường thấy đoạn bèn thành hai ngọn núi Thiết Vi, bị cái thấy che ngại. Tổ Sư chỉ thẳng tất cả chúng sanh bản tâm, bản thể xưa nay là Phật, chẳng nhờ tu mà thành, chẳng thuộc thứ lớp dần dần, chẳng phải sáng tối. Chẳng phải sáng nên vô minh, chẳng phải tối nên vô ám, nên nói: “Không vô minh cũng không hết vô minh”. Vào Tông môn tôi đây cần yếu tại ý như thế. Thấy được gọi đó là pháp, thấy pháp nên gọi đó là Phật, Phật pháp đều không, gọi đó là Tăng. Kêu là Tăng vô vi, cũng gọi là Nhất thể Tam Bảo. Phàm người cầu pháp không nên chấp nơi Phật mà cầu, chẳng chấp nơi Pháp mà cầu, chẳng chấp nơi chúng Tăng mà cầu, nên không có chỗ cầu. Không chấp nơi Phật cầu nên không Phật; không chấp nơi Pháp cầu nên không Pháp; không chấp nơi chúng Tăng cầu nên không Tăng.

Hỏi: Nay thấy Hòa Thượng nói Pháp thì đâu thể nói không Tăng cũng không Pháp?

Đáp: Nếu ông thấy có Pháp nên nói, tức là lấy âm thinh cầu ta, nếu thấy có ta tức là xứ sở, Pháp cũng không Pháp, Pháp tức là tâm. Tổ Sư nói: “Khi trao tâm pháp này, pháp pháp đâu từng pháp”. không pháp không bổn tâm mới hiểu tâm tâm pháp. Thật không một pháp có thể được gọi là ngồi đạo tràng. Đạo tràng chỉ là không khởi các kiến chấp. Ngộ pháp vốn không, gọi là Không-Như-Lai-Tàng.

Xưa nay không một vật, chỗ nào dính bụi bặm. Nếu được ý trong đây, tiêu diêu đâu có chỗ bàn.

Hỏi: Xưa nay không một vật, không vật là phải chăng?

Đáp: Không cũng chẳng phải, Bồ đề không chỗấy, cũng không không hiểu biết.

Hỏi: Sao là Phật?

Đáp: Tâm ông là Phật, Phật tức là tâm, tâm Phật không khác. Nên nói “tức tâm là Phật”. Nếu lìa tâm ra không có Phật khác.

Hỏi: Nếu tâm mình là Phật. Tổ Sư từẤn Độ sang truyền thọ thế nào?

Đáp: Tổ Sư từẤn Độ sang chỉ truyền tâm Phật, chỉ thẳng tâm các ông xưa nay là Phật, tâm tâm không khác nên gọi là Tổ. Nếu thẳng đó thấy ý này tức chóng vượt khỏi Tam thừa tất cả các vị, xưa nay là Phật không nhờ tu hành.

Hỏi: Nếu như vậy, chư Phật mười phương ra đời nói pháp gì?

Đáp: Chư Phật mười phương ra đời chỉ cùng nói một tâm pháp. Vì thế, Phật thầm trao cho Đại Ca-Diếp một tâm pháp thể này. Tột hư không khắp pháp giới gọi là lý luận chư Phật, pháp ấy đâu phải ông ở trên ngôn cú mà hiểu được, cũng không phải ở trên một cơ một cảnh mà thấy được. Ý này chỉ là thầm khế hội. Một môn ấy gọi là pháp môn vô vi. Nếu muốn hội được chỉ biết không tâm, chợt ngộ liền được. Nếu dụng tâm nghĩ học lấy thì càng đi xa. Nếu không tâm chia chẻ,

không tất cả tâm thủ xả, tâm như cây đá, mới có phần học đạo.

Hỏi: Như hiện nay có các thứ vọng niệm làm sao nói không?

Đáp: Vọng vốn không thể, tức là tâm ông khởi lên. Nếu ông biết tâm ông là Phật, tâm vốn không vọng, đâu có khởi tâm lại nhận là vọng? nếu ông không sanh tâm động niệm, tự nhiên không vọng. Sở dĩ nói “Tâm sanh thì các thứ pháp sanh, tâm diệt thì các thứ pháp diệt”.

Hỏi: Nay chính khi vọng niệm khởi, Phật ở tại chỗ nào?

Đáp: Nay khi ông biết vọng khởi, biết ấy chính là Phật. Vì thế, nếu không vọng niệm thì Phật cũng không. Tại sao như vậy? Vì ông khởi tâm chấp thấy Phật, bèn bảo có Phật nên thành. Chấp thấy chúng sanh, bèn bảo có chúng sanh nên độ, khởi tâm động niệm thảy là chỗ thấy của ông. Nếu không tất cả thấy thì Phật có

chỗ nào? như Văn Thù vừa khởi thấy Phật liền liếc thấy hai ngọn núi Thiết Vi.

Hỏi: Nay chính khi ngộ Phật ở chỗ nào?

Đáp: Hỏi từđâu đến, biết từđâu khởi, nói nín động tịnh, tất cả thinh sắc, đều là Phật sự, chỗ nào lại tìm Phật? không thể trên đầu lại để thêm đầu, trên mỏ lại để thêm mỏ (mỏ chim). Chỉ chớ sanh kiến chấp khác thì núi là núi, nước là nước, Tăng là Tăng, tục là tục, núi sông, quả đất, mặt trời, mặt trăng, sao, thảy đều không ngoài tâm ông. ba ngàn thế giới trọn là tự thể của ông, chỗ nào có nhiều thứ? ngoài tâm không pháp, khắp thấy núi xanh, hư không thế giới rõ ràng mà không có bằng mảy tơ sợi tóc cho ông sanh hiểu biết, nên nói “tất cả thinh sắc là mắt huệ của Phật”. Pháp không khởi riêng, nương cảnh mới sanh, vì vật nhiều có trí nhiều. Trọn ngày nói mà đâu từng nói, trọn ngày nghe mà đâu từng nghe, nên nói “Thích-Ca bốn mươi chín năm nói pháp mà chưa từng nói một chữ”.

Hỏi: Nếu như vậy, chỗ nào là Bồ đề?

Đáp: Bồ đề không phải chỗ. Phật cũng không được Bồ đề, chúng sanh cũng không mất Bồ đề, không thể do thân mà được. Không thể lấy tâm mà cầu.

Tất cả chúng sanh tức là tướng Bồđề.

Hỏi: Thế nào là phát tâm Bồ đề?

Đáp: Bồ đề không sở đắc, nay ông chỉ phát tâm không sở đắc, quyết định không được một pháp, tức là tâm Bồ đề. Bồ đề không có chỗ trụ, thế nên không có đắc, nên nói “Ta ở nơi Phật Nhiên Đăng không có một chút pháp có thể được, Phật liền thọ ký cho Ta”. Biết rõ tất cả chúng sanh vốn là Bồ đề, không lẽ lại được Bồ đề. Nay ông nghe nói phát tâm Bồ đề, bèn cho là có một tâm học làm Phật. Chỉ nghĩ làm Phật, dù ông tu ba a-tăng-kỳ kiếp cũng chỉ là Phật báo thân, hóa thân cùng với Phật chơn tánh bản nguyên của ông có gì liên hệ, nên nói “cầu Phật có tướng bên ngoài cùng ông không tương tợ”.

Hỏi: Xưa đã là Phật, sao lại có tứ sanh, lục đạo các thứ hình mạo chẳng đồng?

Đáp: Chư Phật thể tròn không tăng giảm, trôi vào lục đạo mỗi chỗ đều tròn, trong muôn loài mỗi mỗi đều là Phật. Ví như có viên thủy ngân, phân tán các chỗ, mỗi mảnh đều tròn, nếu khi không phân chỉ là một khối. Đây là một tức tất cả, tất cả tức một. Các thứ hình mạo dụ như nhà cửa, bỏ nhà lừa vào nhà người, bỏ thân người đến thân trời, cho đến nhà Thinh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, Phật đều là chỗ lấy bỏ của ông. Do đó có sai khác chớ tánh bản nguyên đâu có sai khác.

Hỏi: Chư Phật thế nào hành đại từ bi vì chúng sanh thuyết pháp?

Đáp: Phật từ bi là vô duyên nên gọi đại từ. Từ là không thấy có Phật để thành. Bi là không thấy có chúng sanh để độ. Phật thuyết pháp là không nói không dạy. Người nghe pháp là không nghe không được, ví như huyễn sĩ vì người huyễn nói pháp. Pháp ấy nếu vì nói, ta từ thiện tri thức ngay một câu liền nhận được, hội được, ngộ được, cái ấy là từ bi. Nếu ông khởi tâm động niệm học được hiểu biết

của người, không phải là tự ngộ bản tâm, rốt ráo vô ích.

Hỏi: Thế nào là tinh tấn?

Đáp: Thân tâm không khởi ấy gọi là đệ nhất dũng mãnh tinh tấn. Vừa khởi

yêu bọt: Bầy khỉ

tâm hướng ngoại tìm cầu, gọi là Ca Lợi Vương, Di hầu yêu bọt(Di hầu

ở trên cây cạnh bờ sông, thấy khối bọt nước do ánh nắng mặt trời chiếu lóng lánh bèn đua nhau nhảy xuống vớt. Kết

quả đều chết chìm.). Tâm không chạy ra ngoài là tiên nhơn nhẫn nhục. Thân tâm đều không, tức là

Phật đạo. Hỏi: Nếu không tâm hành, đạo này được chăng?

Đáp: Không tâm tức là hành đạo này, lại nói cái gì được cùng chẳng

được? Vả lại vừa khởi một niệm bèn là cảnh, nếu không một niệm tức là

cảnh mất, tâm cũng tự diệt, không cần lại tìm kiếm.

Hỏi: Thế nào là xuất tam giới?

Đáp: Thiện ác đều chớ suy nghĩ, ngay chỗấy liền xuất tam giới.

Như Lai ra đời vì phá ba cõi, nếu không tất cả tâm, tam giới cũng chẳng có.

Như một hạt bụi đập làm trăm phần, chín mười chín phần là không, một

phần là có, thì pháp Đại thừa không thể xuất hiện, trăm phần đều không thì

pháp Đại thừa mới hay xuất hiện.

Sư thượng đường nói: Tức tâm là Phật, trên đến chư Phật, dưới đến các loài bò bay máy cựa đều có Phật tánh, đồng một tâm thể. Sở dĩ Tổ Đạt Ma từẤn Độ sang chỉ truyền một tâm pháp, chỉ thẳng tất cả chúng sanh xưa nay là Phật. Chẳng nhờ tu hành. Chỉ như hiện nay biết nhận tâm mình, thấy bản tánh mình, chớ cầu cái gì khác. Thế nào biết tâm mình? Chính hiện nay nói năng đó tức là tâm ông. Nếu không nói năng cũng không có tác dụng của tâm thể thì giống hệt như hư không, không có tướng mạo, cũng không chỗ nơi, cũng không một bề là không hay có, cũng không thể thấy. Tổ Sư nói: “Chơn tánh tâm địa tàng, không đầu cũng không đuôi, ứng duyên mà hóa vật, phương tiện gọi là trí. Nếu khi chẳng ứng duyên, không thể nói nó là có không, chính khi ứng duyên cũng không dấu vết”. Đã biết như thế, hiện nay chỉ nhằm trong không chỗ nương tựa, tức là đi con đường chư Phật. Kinh nói: “Nên không có chỗ trụ mà sanh tâm kia”.

Tất cả chúng sanh luân hồi sanh tử do ý duyên tâm chạy rong ra ngoài, nơi sáu đạo không dừng đến phải chịu các thứ khổ. Kinh Tịnh Danh nói: “Người khó giáo hóa tâm như khỉ vượn, cho nên dùng bao nhiêu thứ pháp chế ngự tâm kia, nhiên hậu mới điều phục”. Nên nói “Tâm sanh các thứ pháp sanh, tâm diệt các thứ pháp diệt”. Cho nên biết tất cả pháp đều do tâm tạo, cho đến trời, người, tu la, địa ngục, … sáu đạo, trọn do tâm tạo. Hiện nay chỉ học không tâm, chóng dứt các duyên, chớ sanh vọng tưởng phân biệt, không người không ta, không tham không sân, không yêu không ghét, không hơn không thua. Trừ hết những thứ vọng tưởng này tánh tự xưa nay thanh tịnh, tức là tu hành pháp Bồ đề, Phật … Nếu không hội ý này, dù ông học rộng, siêng năng khổ hạnh tu hành, ăn cây mặc lá mà không biết tâm đều gọi là hạnh tà, sau này sẽ thành thiên ma ngoại đạo và các vị thần trong nước, trên đất, tu hành như thế sẽ có lợi ích gì? Ngài Chí Công nói: “Bản thể là tâm mình nhận, đâu thể trong văn tự tìm”. Nay chỉ nhận tâm mình, dừng bặt nghĩ tính, vọng tưởng trần lao tự nhiên không sanh. Kinh Tịnh Danh nói: “Chỉ để một giường bệnh mà nằm” tức là tâm không khởi vậy. Nay nằm bệnh, các phan duyên đều dứt, vọng tưởng diệt sạch tức là Bồ đề. Nếu trong tâm lăng xăng chẳng định, dù ông học đến các vị Tam thừa, Tứ quả, Thập địa, chỉ là đến trong chỗ phàm thánh mà ngồi, các hạnh hết trở lại vô thường, thế lực đều có khi hết. Ví như bắn tên trong không, sức đẩy hết lại rơi xuống đất, trở lại vào trong sanh tử luân hồi. Người tu hành như thế không hiểu ý Phật luống chịu khổ nhọc, đâu không phải lầm to ! Ngài Chí Công nói: “Chưa gặp thầy sáng ra đời, uổng uống thuốc pháp Đại thừa”. Hiện nay chỉ trong tất cả thời đi đứng ngồi nằm chuyên học không tâm, không phân biệt, không nương tựa, không trụ trước, trọn ngày mặc tình lặng lẽ, giống hệt người ngu, người đời hoàn toàn không biết ông, ông cũng chẳng cần dạy cho người biết hay chẳng biết, tâm như hòn đá nhẵn không tì vết, tất cả pháp vượt qua tâm ông không thủng, cao vót không dính mắc, như thế mới có ít phần tương ưng.

Vượt qua được cảnh tam giới gọi là Phật ra đời. Tâm tướng không chảy gọi là trí vô lậu. không tạo nghiệp người, trời, không tạo nghiệp địa ngục, không khởi tất cả tâm, các duyên hết chẳng sanh, tức thân tâm này là người tự tại. Không phải một bề không sanh, chỉ là tùy ý mà sanh. Kinh nói: “Bồ Tát có thân ý sanh” ấy vậy. Nếu như chưa lãnh hội “không tâm”, chấp tướng mà tạo tác đều thuộc về nghiệp quỷ, cho đến làm Phật sự Tịnh độ thảy đều thành nghiệp, gọi là Phật chướng. Vì chướng tâm ông nên bị nhơn quả quản thúc, đứng đi đều không có phần tự do … Vì thế pháp Bồ đề … vốn không phải có, Như Lai nói ra đều vì giáo hóa người, ví như cầm lá vàng nói là vàng để vỗ trẻ con khóc. Cho nên thật không có pháp gọi là A-Nậu Bồ đề.

Nếu đã lãnh hội được ý này, đâu cần phải ở chỗ riêng rẽ, chỉ tùy duyên tiêu nghiệp cũ, lại chớ tạo nghiệp mới trong tâm sáng rỡ, nên nói “khi xưa thấy biết cần phải dẹp sạch”. Kinh Tịnh Danh nói: “Trừ bỏđã có”. Kinh Pháp Hoa nói: “Trong mười hai năm thường dạy trừ phẩn”. Chỉ là trừ bỏ chỗ thấy biết trong tâm, lại nói “dẹp trừ phẩn hý luận”. Vì thế, Như Lai tàng vốn tự không lặng trọn không dung chứa một pháp, nên kinh nói “cõi nước chư Phật cũng đều không”.

Nếu nói Phật đạo tu học mà được, thấy biết như thế hoàn toàn không liên hệ. Hoặc tạo một cơ một cảnh, nhướng mày chớp mắt, chỉ vì đối người đương cơ nói để khế hội. Được chứng ngộ thiền lý, chợt gặp một người không hiểu bèn nói, trọn không biết đối cơ người kia, nếu họ được đạo lý trong tâm liền hoan hỷ, nếu bị người khác chiết phục không bằng họ, trong tâm ôm ấp buồn bã. Người học thiền tâm ý như thế có gì được liên hệ. Dù ông hội được ít phần đạo lý, chỉ là được cái tâm sở pháp, thiện đạo không liên hệ. Sở dĩ Tổ Đạt Ma mặt xây vô vách, đều khiến cho người không có chỗ thấy, nên nói: “quên cơ là Phật đạo, phân biệt là cảnh ma”.

Tánh này dù khi ông mê cũng không mất, khi ngộ cũng không được, tự tánh thiên chơn vốn không mê ngộ, hư không giới khắp mười phương nguyên lai là một tâm thể của ta. Dù ông động dụng tạo tác đâu rời hư không, hư không xưa nay không lớn không nhỏ, vô lậu vô vi, không mê không ngộ, thấy rõ ràng không một vật, cũng không người không Phật, nếu có lượng bằng mảnh tơ, cũng không nương tựa, không ràng rịt. Một đạo trong sạch trôi chảy là tự tánh, Pháp nhẫn vô sanh đâu có nghĩ bàn. Chơn Phật không miệng chẳng biết nói pháp, thật nghe không tai thì cái gì được nghe? Trân trọng !

Một hôm, sư thượng đường chỉ dạy đại chúng: Về trước, nếu đập không thấu triệt, đêm ba mươi tháng chạp (giờ lâm chung) đến rồi, bắt buộc ông bứt rứt rối loạn.

Có một bọn ngoại đạo vừa thấy người nói tập công phu bèn cười lạt bảo: “Vẫn còn cái đó”. Tôi hỏi ông bổng nhiên giờ mạng chung sắp đến, ông lấy cái gì để chống cự sanh tử? Ông hãy suy nghĩ xem, có đạo lý nào được gọi Di Lặc trời sanh, Thích-Ca tự nhiên ư? Có một bọn thần lười, quỷ rỗi vừa thấy người có chút bệnh, bèn bảo: “Ông hãy buông xuôi đi !”. Đến khi bọn ấy mắc bệnh, đem chỗ lý hội áp dụng chẳng được. Tay chân co rút rối loạn, mặc sức da thịt ông đau nhức như dao cắt, làm chủ không được. Muôn việc lúc rảnh rỗi cần phải giải quyết cho xong, đến khi mê loạn mới đắc dụng ! phải có ít nhiều sức tỉnh giác, chớ đợi sắp khát mới đào giếng. Trói tay khóa chân lại gặp chỗ cọp sói đuổi cắn làm sao chạy tránh, đường trước tối tăm? Tín thí cúng cơm trắng thịt tươi, bây giờbịdùi bịđánh, khổthay ! khổthay !

Ngày thường chỉ học tam muội (Chánh định) ở ngoài miệng. Nói thiền nói đạo, nạt Phật trách Tổ, đến chỗ này rồi hoàn toàn dùng không được. Ngày thường chỉ nhằm lừa người, đâu biết đến nay là tự dối mình. Trong địa ngục A-tỳ quyết định không thể thả ông.

Nay sắp chìm trong thời mạt pháp, cốt phải nhờ sức mạnh của mình. Chư huynh đệ ! Cố gắng gánh vác huệ mạng Phật tiếp nối chớ để đoạn dứt. Thời nay vừa có một người, nửa người đi hành khước, cốt đi để xem sơn ngoạn cảnh, không biết tháng ngày đâu có chờ ta, một hơi thở ra không trở lại đã qua đời khác, chưa biết cái gì là đầu mặt. Than ôi ! Khuyên các huynh đệ khi thân thể còn cường tráng, phải nhận được cái chỗ thấu hiểu của mình, không bị người lừa là một phần việc lớn. Cái then chốt này rất là dễ dàng, tại tự ông không chịu nhận thôi.

Người có chí liều chết thực tập công phu, chỉ ngại đạo khó hiểu rõ, khó đạt được. Đâu thể dạy ông biết được trên cây tự sanh bắp trầm. Ông phải tự khéo chuyển biến mới được. Nếu là bậc trượng phu khán công án, như có vị Tăng hỏi Triệu Châu: “Con chó có Phật tánh hay không?”. Châu đáp: “Không”. Kia đi rồi, trong mười hai giờ khán một chữ “Không”. Ngày tham, đêm tham, đi đứng ngồi nằm, chỗ mặc y ăn cơm, chỗđi tiểu đi đại, tâm tâm xem nhau, chăm bẳm tỉnh sáng, chỉ giữ một chữ “Không”. Lâu ngày dài tháng đập thành một khối, bỗng nhiên tâm hoa tự sanh, ngộ được máy màu của Phật, Tổ bèn không bị Lão Hòa Thượng đầu lưỡi lừa, liền hội mở đại khẩu.

Tổ Đạt Ma từẤn Độ sang không gió nổi sóng. Thế Tôn giơ cành hoa cả hội đều ngơ ngác. Đến được chỗấy nói gì lão Diêm La, đến ngàn thánh còn không bì được ông. không tin đạo, hẳn có nhóm kỳ đặc rất tột như thế, việc chỉ sợ người có tâm.

Tụng:

Trần lao quýnh thoát sự phi thường

Hệ bã thằng đầu tố nhất trường

Bất thị nhất phiên hàn triệt cốt

Tranh đắc mai hoa phốc tỷ hương.

Dịch:

Vượt khỏi trần lao việc chẳng thường Đầu dây nắm chặt giữ lập trường Chẳng phải một phen xương lạnh buốt Hoa mai đâu dễ ngửi mùi hương.

TIỂU SỬ NGÀI HOÀNG BÁ

Ngài hiệu Hy Vận, người tỉnh Mân (tỉnh Phước Kiến), Hồng Châu, thuở nhỏ xuất gia tại bổn châu trên núi Hoàng Bá. Trên trán Ngài có cục thịt nổi vun lên như hạt châu, âm thinh trong trẻo, ý chí đạm bạc.

Đi dạo núi Thiên Thai, Ngài gặp một vị Tăng nói chuyện với nhau nhưđã quen biết từ xưa, nhìn kỹ là người Mục quang xạ. Hai người cùng đi gặp khe suối, nước đầy chảy mạnh, Ngài lột mũ chống gậy dừng lại, vị Tăng kia thúc Ngài đồng qua.

Ngài bảo:

-Huynh cần qua thì tự qua.

Vị Tăng kia liền vén y bước đi trên sóng nhưđi trên đất bằng. Qua đến bờ vị Tăng kia xây lại hối:

-Qua đây ! Qua đây ! Ngài bảo:

-Dốt ! Ấy tự rõ. Tôi sớm biết sẽ chặt bắp đùi anh. Vị Tăng kia khen:

-Thật là pháp khí Đại thừa, tôi không bì kịp. Nói xong không thấy vị Tăng ấy nữa. Sau Ngài đến kinh đô nhờ người mách đến tham với Tổ Bá Trượng. Ngài hỏi Bá Trượng:

-Từ trước Tông thừa chỉ dạy thế nào? Bá Trượng lặng thinh. Ngài thưa:

-Không thể dạy người sau dứt hẳn mất. Bá Trượng bảo:

-Sẽ nói riêng với ông. Bá Trượng đứng dậy đi vào phương trượng. Ngài cũng đi theo sau thưa:

-Con đến riêng một mình.

Bá Trượng bảo:

-Nếu vậy ông sau sẽ không cô phụ ta. Một hôm Bá Trượng hỏi:

-Ởđâu đến đây? Ngài đáp:

-Nhổ nấm dưới Đại Hùng đến. Bá Trượng lại hỏi:

-Lại thấy đại trùng chăng? Ngài bèn làm tiếng cọp rống. Bá Trượng cầm búa thủ thế. Ngài liền vỗ vào chân Bá Trượng một cái. Bá Trượng cười to bỏđi. Bá Trượng thượng đường bảo đại chúng:

-Dưới núi Đại Hùng có một đại trùng các ông nên xem. Lão Bá Trượng này hôm nay đích thân bỗng gặp và bị cắn một cái.

Lúc Ngài ở chỗ Tổ Nam Tuyền, một hôm toàn chúng đi hái trà. Nam Tuyền hỏi: “Đi đâu?”

Ngài thưa:

-Đi hái trà. Nam Tuyền hỏi:

-Đem cái gì hái? Ngài đưa con dao lên. Nam Tuyền bảo:

-Đại gia hái trà đi. Một hôm Nam Tuyền bảo Ngài:

-Lão Tăng ngẫu hứng làm bài ca “Chăn trâu”, mời Trưởng Lão hòa. Ngài thưa:

-Tôi tự có thầy rồi.

Ngài từ giã đi nơi khác, Nam Tuyền tiễn đến cổng, cầm chiếc mũ của Ngài đưa lên hỏi:

-Trưởng Lão thân to lớn mà chiếc mũ rất nhỏ vậy? Ngài thưa:

-Tuy nhiên như thế, đại thiên thế giới đều ở trong ấy. Nam Tuyền bảo: Vương lão sư vậy. Ngài bèn đội mũ ra đi.

Sau, Ngài ở Hồng Châu chùa Đại An, đồ chúng tìm đến rất đông.

Tướng quốc Bùi Hưu trấn Uyển Lăng lập Đại thiền uyển thỉnh Ngài đến thuyết pháp. Vì Ngài quá mến núi cũ nên để hiệu Hoàng Bá.

Một hôm, thượng đường đại chúng vân tập, Ngài bảo:

Toàn là bọn ăn hèm, thế mà xưng hành khước để cho người chê cười. Chỉ cam thấy một ngàn tám trăm người đi chớ không chịu sựồn náo. Tôi khi đi hành khước hoặc gặp dưới rễ cỏ có một cái ấy là đem hết tâm tư mà xem nó. Nếu biết ngứa ngáy khả dĩ lấy đãy đựng gạo cúng dường. Trong lúc đó, nếu dễ dàng như các ông hiện giờ thì làm gì có việc ngày nay. Trong nước Đại Đường chẳng có thiền sư sao?

Có một vị Tăng ra hỏi:

-Bậc Tôn túc ở các nơi họp chúng chỉ dạy, tại sao nói không Thiền sư? Ngài bảo:

-Chẳng nói không Thiền, chỉ nói không Sư. Xà lê chẳng thấy sao, dưới Mã Tổ Đại Sư có tám mươi tám (bốn) người ngồi đạo tràng, song được chánh nhãn của Mã Tổ chỉ có hai ba người, Hòa Thượng Lô Sơn là một trong sốấy.

Phàm người xuất gia phải biết có sự phần từ trước lại. Vả như, dưới Tứ Tổ, Đại Sư Ngưu Đầu Pháp Dung nói ngang vẫn chưa biết then chốt hướng thượng, có con mắt trí này mới biện được tông đảng tà chánh. Người hiện giờ không hay thể hội, chỉ biết học ngôn ngữ, nghĩ đến những việc trong đãy da xưng là ta hội Thiền. Nó có thể thay ông việc sanh tử chăng?

Khinh thường bậc lão túc vào địa ngục nhanh như tên bắn. Tôi vừa thấy người vào đến cửa liền biết được ông rồi. Lại biết chăng? Cần kíp cố gắng, chớ có dung dị. Mặc y ăn uống mà để một đời luống qua, người trí chê cười.

Ông thời gian sau hẳn sẽ bị người tục lôi đi, phải tự xem xa gần cái gì là việc trên mặt. Nếu hội tức là hội, nếu không hội thì giải tán đi.

Sư Lâm Tế Nghĩa Huyền đến hỏi:

-Thế nào ý Tổ từẤn Độ sang?

Ngài liền đập một gậy. Đến ba phen hỏi đều bị đập một gậy. Sau cùng Sư Lâm Tế từ giã Ngài đi nơi khác. Ngài dạy qua tham vấn Đại Ngu. Sau này Sư Lâm Tế đắc ngộ ý chỉ của Ngài. Chỗ chỉ dạy của Ngài đều nhắm vào bậc thượng căn, người trung và người hạ khó thấy được yếu chỉ.

Đời Đường khoảng niên hiệu Đại Trung (847-860 TL), Ngài tịch ở núi Hoàng Bá. Nhà vua sắc thụy là Đoạn Tế Thiền Sư, tháp hiệu Quảng Nghiệp.

    Xem thêm:

  • Ngữ Lục Của Thiền Sư Đàm Châu Quy Sơn Linh Hựu - Kinh Tạng
  • Truyền Tâm Pháp Yếu Của Thiền Sư Hoàng Bá - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Phật Danh – Thích Thiện Chơn dịch - Kinh Tạng
  • Bích Nham Lục Của Thiền Sư Phật Quả Viên Ngộ – Thích Thanh Từ dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm tập 1 - Kinh Tạng
  • Kinh Na-Tiên Đàm Đạo - Kinh Tạng
  • Ngữ Lục Của Thiền Sư Viên Châu Ngưỡng Sơn Huệ Tịch - Kinh Tạng
  • Kinh Tăng Nhất A-Hàm Tập 2 – HT Thích Thanh Từ dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Na Tiên Tỳ Kheo - Kinh Tạng
  • A Di Đà Thông Tán Sớ - Kinh Tạng
  • Kinh Bách Dụ – Thích Nữ Như Huyền dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm tập 2 - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bát Niết Bàn – Đoàn Trung Còn & Nguyễn Minh Tiến dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Bản Hạnh Tập Phẩm 21 Đến Phẩm 30 - Kinh Tạng
  • Kinh Trường Thọ Diệt Tội Và Thần Chú Bảo Hộ Các Em Bé - Kinh Tạng
  • Truyện Các Vị Cao Tăng Triều Tiên - Kinh Tạng
  • Kinh Lăng Già Tâm Ấn - Kinh Tạng
  • Kinh Độ Chư Phật Cảnh Giới Trí Quang Nghiêm - Kinh Tạng
  • Kinh Văn Thù Sở Thuyết Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Phương Đẳng Đại Tập Hiền Hộ Bồ Tát – Thích Minh Lễ dịch - Kinh Tạng