Truyền Tâm Pháp Yếu Của Thiền Sư Hoàng Bá

Hoàng Phách Sơn Đoạn Tế Thiền Sư [Truyện, Truyền] Tâm Pháp Yếu

Đường Bùi Hưu tập

Bản Việt dịch của Thích Thanh Từ

***

TRUYỀN TÂM PHÁP YẾU TỰA

Có vị Đại Thiền Sư pháp hiệu Hy Vận ở dưới ngọn Thứu Phong, núi Hoàng Bá huyện Cao An, Hồng Châu. Ngài là đích tôn (cháu lớn) của Tào Khê Lục Tổ, là pháp điệt (con cháu) của Bách Trượng, Tây Đường. Ngài riêng mang ấn Tối Thượng Thừa, rời văn tự, chỉ truyền dạy một tâm, không có pháp gì khác, tâm thể cũng không, muôn duyên đều lặng, như mặt trời lên trên hư không, sáng suốt chiếu soi không có một mảy bụi. Người chứng đó, không mới cũ, không sâu cạn. Người nói đó, không lập nghĩa giải, không lập tông chủ, không mở cửa nẻo, thẳng đó là phải, động niệm liền trái, nhiên hậu mới là bổn Phật. Cho nên, lời nói kia rất gọn, lý ấy chỉ thẳng, đạo cao vót, hạnh này riêng biệt.

Học giả bốn phương trông núi này đua nhau đến, nhìn thấy tướng là ngộ, hải chúng (số chúng đông) tới lui thường hơn ngàn người.

Hội Xương năm thứ hai (842 TL), tôi trấn nhậm Chung Lăng (Hồng Châu) đích thân lên núi rước Ngài đến bổn châu, nghỉ ở chùa Long Hưng, sớm chiều hỏi đạo. Đại Trung năm thứ hai (848 TL), tôi đổi đến Uyên Lăng (Tuyên Châu) cũng đi lễ thỉnh Ngài đến sở bộ an cửa chùa Khai Nguyên. Tôi sớm chiều đến thọ pháp, trở về ghi lại mười phần được một hai, đeo làm tâm ấn không dám bày ra. Nay sợ e tinh nghĩa nhập thần đời sau không được nghe, bèn trao nó cho môn hạ (đệ tử) tăng Đại Châu, Pháp Kiến trở về núi xưa chùa Quảng Đường, hỏi Trưởng lão pháp chúng những ngày trước gần gũi được nghe, đồng khác thế nào.

Hà Đông

Bùi Hưu

PHÁP YẾU TRUYỀN TÂM THIỀN SƯ ĐOẠN TẾ NÚI HOÀNG BÁ

Sư bảo Hưu rằng:

Chư Phật cùng tất cả chúng sanh chỉ là một tâm, không có pháp riêng. Tâm này từ vô thủy đến nay không từng sanh không từng diệt, không xanh không vàng, không hình không tướng, không thuộc có không, không kể mới cũ, chẳng dài chẳng ngắn, chẳng lớn chẳng nhỏ, vượt qua tất cả hạn lượng danh ngôn dấu vết đối đãi, chính thẳng đó là phải, động niệm liền trái. Ví như hư không không có giới hạn, không thểđo lường. Duy một tâm này tức là Phật. Phật cùng chúng sanh không riêng khác. Chỉ vì chúng sanh chấp tướng cầu bên ngoài, càng cầu càng mất, khiến Phật đi tìm Phật, đem tâm bắt tâm, mãn đời cùng kiếp trọn không thể được. Họ chẳng biết, dứt nghĩ quên tính, Phật tự hiện tiền. Tâm này tức là Phật, Phật tức là chúng sanh. Khi làm chúng sanh tâm này không giảm, khi làm chư Phật tâm này không thêm, cho đến lục độ vạn hạnh công đức như hà sa tự sẵn đầy đủ, chẳng nhờ tu mà thêm, gặp duyên liền thi thố, duyên dứt liền vắng lặng. Nếu người không quyết định tin tâm này là Phật, chấp tướng tu hành để cầu được công dụng đều vọng tưởng, cùng đạo trái nhau. Tâm này tức là Phật lại không có Phật khác, cũng không có tâm khác.

Tâm này sáng sạch ví như hư không, không có một điểm tướng mạo, khởi tâm động niệm liền trái pháp thể, tức là chấp tướng. Từ vô thủy đến nay không có Phật chấp tướng. Tu lục độ vạn hạnh muốn cầu thành Phật, tức là thứ lớp. Từ vô thủy đến nay không có Phật thứ lớp. Chỉ ngộ một tâm lại không có một chút pháp có thể được, đây tức là chơn Phật. Phật cùng chúng sanh một tâm không khác. Ví như hư không, không xen lẫn, không hư hoại. Như vầng mặt trời soi bốn phương thiên hạ. Khi mặt trời lên ánh sáng chiếu khắp cả thiên hạ, hư không không từng sáng; Khi mặt trời lặn, bóng tối che trùm thiên hạ, hư không không từng tối. Cảnh tối sáng tựđuổi cướp nhau, tánh hư không rỗng lặng chẳng đổi. Phật và chúng sanh tâm cũng như thế. Nếu xem Phật thấy tướng giải thoát thanh tịnh, sáng suốt, xem chúng sanh thấy tướng nhơ bẩn, tối tăm, người thấy biết như vậy trải qua số kiếp hà sa trọn không được Bồ Đề, vì chấp tướng vậy.

Chỉ một tâm này, trọn không có pháp bằng hạt bụi nhỏ có thể được, tức tâm là Phật. Như nay người học đạo không ngộ tâm thể này bèn ở trên tâm sanh tâm, hướng ra ngoài cầu Phật, chấp tướng tu hành đều là pháp ác, chẳng phải đạo Bồ đề. Cúng dường chư Phật mười phương không bằng cúng dường một đạo nhân vô tâm. tại sao? Vì người vô tâm là không tất cả tâm, thể như như, trong như cây đá không động không lay, ngoài như hư không chẳng bít chẳng ngại, không năng sở, không chỗ nơi, không tướng mạo, không được mất, người thú hướng mà không dám vào pháp này, sợ lạc vào không, không có chỗ nơi nương tựa, trông thấy mé rồi thối lui.

So sánh để tìm thấy biết rộng. Sở dĩ người thấy biết như lông, người ngộ đạo như sừng, Văn Thù xứng lý, Phổ Hiền xứng hạnh. Lý là lý chơn không vô ngại. Hạnh là hạnh lìa tướng không cùng. Quan Âm xứng đại từ, Thế Chí xứng đại bi, Duy Ma là Tịnh Danh. Tịnh là tánh, danh là tướng. Tánh tướng không khác nên hiệu là Tịnh Danh. Các vị Đại Bồ Tát tiêu biểu nơi người đều sẵn có, không rời một tâm, ngộđó tức phải. Nay người học đạo không hướng trong tâm mình mà ngộ, bèn ở ngoài tâm chấp tướng theo cảnh đều trái với đạo. Cát sông Hằng, Phật nói là cát, chư Phật, Bồ Tát, Thích Phạm, chư Thiên đạp giẫm đi qua, cát cũng chẳng mừng; trâu, dê, trùng, kiến dày xéo lên trên, cát cũng chẳng giận. Trân bảo thơm tho, cát cũng chẳng tham; phân uế hôi thối, cát cũng chẳng ghét. Tâm này tức tâm mà không tâm, lìa tất cả tướng, chúng sanh chư Phật không có sai biệt, chỉ hay vô tâm liền là cứu cánh. Người học đạo nếu không thể thẳng đó vô tâm thì nhiều kiếp tu hành trọn không thành đạo, bị công hạnh Tam thừa ràng buộc, không thể được giải thoát.

Nhưng, chứng tâm này có nhanh chậm. Có người nghe pháp một niệm liền được vô tâm. Có người đến Thập tín, Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng mới được vô tâm. Dài hay ngắn được vô tâm mới trụ, lại không có thể tu, không có thể chứng, thật không sở đắc, chơn thật không dối. Người chỉ một niệm mà được, cùng người đến Thập địa mới được, công dụng tương đương, không có sâu cạn, chỉ là nhiều kiếp luống chịu khổ nhọc vậy.

Tạo ác, tạo thiện đều là chấp tướng. Chấp tướng tạo ác luống chịu luân hồi; chấp tuớng tạo thiện luống chịu nhọc nhằn, thảy đều không bằng một câu nói tự nhận được bổn pháp. Pháp này tức là tâm, ngoài tâm không có pháp. Tâm này tức là pháp, ngoài pháp không có tâm. Tâm tự vô tâm, cũng không vô tâm, đem tâm cầu vô tâm, tâm trở lại thành hữu (có). Thầm khế hội mà thôi. Dứt các nghĩ bàn, nên nói dứt đường ngôn ngữ, diệt chỗ tâm hành. Tâm này là cội nguồn thanh tịnh. Phật và người đều có. Các loài bò bay máy cựa cùng chư Phật, Bồ Tát một thể không khác. Chỉ vì vọng tưởng phân biệt tạo các thứ nghiệp. Trên quả Phật sẳn có, thật không một vật, rỗng suốt vắng lặng sáng sủa, nhiệm màu an lạc. Phải sâu tự ngộ nhập, thẳng đó là phải, tròn đầy sẳn đủ không có thiếu sót.

Giả sử người tinh tấn tu hành trải qua ba vô số kiếp, qua các địa vị, cùng người do một niệm chứng được, chỉ là chứng cái sẵn có. Kỳ thực, trên Phật của mình không có thêm được một vật gì, xem lại công dụng nhiều kiếp thảy đều là việc làm trong mộng. Cho nên Như Lai nói: “Ta đối với A-Nậu Bồ-Đề (Vô Thượng Chánh Giác) thật không có sở đắc, nếu có sở đắc, Đức Phật Nhiên Đăng ắt không thọ ký cho ta”. Lại nói: “Pháp ấy bình đẳng không có cao thấp, ấy gọi là Bồ Đề”. Tức tâm bản nguyện thanh tịnh này, chúng sanh, chư Phật, núi sông, thế giới, có tướng, không tướng, khắp cả mười phương thế giới, tất cả đều bình đẳng không có tướng ta và kia. Tâm bản nguyên thanh tịnh này thường tự tròn sáng soi khắp, mà người đời không ngộ, chỉ nhìn thấy cái nghe hiểu biết làm tâm, bị cái thấy nghe hiểu biết che đậy, sở dĩ không thấy được bản thể tinh minh.

Chỉ nên thẳng đó vô tâm thì bản thể tự hiện. Như vầng mặt trời lên trên hư không soi sáng khắp mười phương không có chướng ngại. Người học đạo chỉ nhận cái thấy nghe hiểu biết động tác thi vi; không dẹp cái thấy nghe hiểu biết tức là con đường tâm bặt dứt không có lối vào. Chỉ nơi cái thấy nghe hiểu biết nhận bản tâm. Song bản tâm không thuộc cái thấy nghe hiểu biết, cũng không rời cái thấy nghe hiểu biết. Cốt yếu là chớở trên cái thấy nghe hiểu biết khởi phân biệt, cũng chớở trên cái thấy nghe hiểu biết mà động niệm, cũng chớ lìa cái thấy nghe hiểu biết tìm tâm, cũng chớ bỏ cái thấy nghe hiểu biết mà nhận pháp. Không tức, không ly, không trụ, không trước, tung hoành tự tại đều là đạo tràng.

Người đời nghe nói “Chư Phật đều truyền tâm pháp”, cho là trên tâm riêng có một pháp có thể chứng, có thể thủ, bèn đem tâm tìm pháp. Họ không biết tâm tức là pháp, pháp tức là tâm, không thểđem tâm lại cầu tâm, trải ngàn muôn kiếp lại không có ngày được. Đâu bằng chính nơi đó vô tâm, tức là bổn pháp. Như người lực sĩ quên hạt châu trên trán, hướng ra ngoài tìm kiếm, chạy khắp mười phương trọn không thể được. Người trí chỉ cho, liền đó tự thấy bản châu như cũ. Người học đạo mê bản tâm mình không nhận là Phật, bèn hướng ra ngoài tìm cầu khởi công dụng hạnh, y thứ lớp chứng, nhiều kiếp cần cầu hằng không thành đạo. Không bằng thẳng đó vô tâm, quyết định biết tất cả pháp vốn không sở hữu, cũng không sở đắc, không y không trụ, không năng không sở, không động vọng niệm, liền chứng Bồ đề. Đến khi chứng đạo, chỉ là chứng bản tâm, Phật nhiều kiếp dụng công đều là tu suông, như lực sĩ khi được châu chỉ được hạt châu sẳn trên trán, không quan hệ gì sức chạy ra ngoài tìm cầu. Cho nên Phật nói: “Ta đối A-Nậu Bồ-Đề thật không sở đắc”. Sợ e người không tin nên dẫn ngũ nhãn đã thấy, năm câu đã nói, chơn thật không dối là đệ nhất nghĩa đế.

Người học đạo chớ nghi tứ đại làm thân, tứ đại không ngã (không thường còn và làm chủ), ngã cũng không chủ, cho nên biết thân này không ngã cũng không chủ. Chớ nghi năm ấm làm tâm, năm ấm không ngã cũng không chủ, cho nên tâm này không ngã cũng không chủ. Sáu căn, sáu trần, sáu thức hòa hợp sanh diệt cũng lại như vậy. Mười tám giới đã không thì tất cả đều không, chỉ có bản tâm thênh thang trong sạch.

Có thức thực, có trí thực. Thân tứ đại là bệnh ghẻđói, tùy thuận nuôi dưỡng không sanh tham đắm, gọi là trí thực. Buông lung ý, chấp mùi vị vọng sanh phân biệt, chỉ cầu món ngon không sanh nhàm chán, gọi là thức thực.

Thinh văn là nhơn tiếng được ngộ, nên gọi là Thinh văn. Bởi không rõ tự tâm, nên trên lời dạy sanh hiểu biết, hoặc nhơn thần thông, hoặc nhơn tướng tốt, ngôn ngữ vận động, nghe có Bồ đề Niết bàn tu hành trải qua ba vô số kiếp mới thành Phật đạo, đều thuộc đạo Thinh văn, gọi đó là Thinh văn. Phật duy chỉ thẳng chóng rõ tự tâm xưa nay là Phật, không có một pháp có thể được, không có một hạnh có thể tu, đây là đạo vô thượng, đây là chơn như Phật. Người học đạo chỉ sợ một niệm có, tức cùng đạo ngăn cách, niệm niệm không tướng, niệm niệm vô vi, tức là Phật. Người học đạo nếu muốn thành Phật thì tất cả Phật pháp thảy đều không dụng học, chỉ học không cầu, không đắm trước. Không cầu tức tâm không sanh, không đắm trước tức tâm không diệt, không sanh không diệt tức là Phật. Tám muôn bốn ngàn pháp môn đối trị tám muôn bốn ngàn phiền não, chỉ là môn giáo hóa tiếp dẫn. Vốn không tất cả pháp, lìa tức là pháp, người biết lìa là Phật. Chỉ lìa tất cả phiền não là không pháp có thểđược.

Người học đạo muốn được biết yếu quyết thì chớở trên tâm để một vật nói là Phật. Chơn pháp thân ví như hư không. Đây là dụ pháp thân tức hư không, hư không tức pháp thân. Người thường bảo pháp thân đầy khắp hư không, trong hư không gồm chứa pháp thân. Họ không biết pháp thân tức hư không, hư không tức pháp thân. Nếu quyết định nói có hư không thì hư không chẳng phải pháp thân. Nếu quyết định nói có pháp thân thì pháp thân chẳng phải hư không. Chớ khởi hiểu hư không thì hư không tức pháp thân. Chớ khởi hiểu pháp thân thì pháp thân tức hư không. Hư không cùng pháp thân không có tướng khác. Phật cùng chúng sanh không có tướng khác. Sanh tử cùng Niết bàn không có tướng khác. Phiền não cùng Bồ đề không có tướng khác. Lìa tất cả tướng tức là Phật.

Phàm phu chấp cảnh, Đạo nhơn chấp tâm. Tâm cảnh cả hai đều quên mới là chơn pháp. Quên cảnh vẫn dễ, quên tâm rất khó. Người không dám quên tâm, sợ rơi vào chỗ không, không sờ mó đến. Không biết không vốn chẳng không, chỉ một chơn pháp giới. Tánh linh giác này từ vô thủy đến nay tuổi đồng với hư không, chưa từng sanh, chưa từng diệt, chưa từng có, chưa từng không, chưa từng uế, chưa từng tịnh, chưa từng ồn náo, chưa từng vắng lặng, chưa từng bé, chưa từng già, không chỗ nơi, không trong ngoài, không số lượng, không hình tướng, không sắc tượng, không âm thinh, không thể tìm, không thể cầu, không thể dùng trí huệ mà biết, không thể dùng ngôn ngữ mà nhận, không thể dùng cảnh vật mà hội, không thể dùng dụng công mà đến. Chư Phật, Bồ tát cùng tất cả hàm linh xuẩn động đồng tánh đại niết bàn này. Tánh tức là tâm, tâm tức là Phật, Phật tức là pháp. Một niệm lìa chơn đều là vọng tưởng. Không thểđem tâm lại tìm tâm, không thể đem Phật lại cầu Phật, không thểđem pháp lại cầu pháp. Người học đạo thẳng đó vô tâm, thầm khế hội mà thôi. Nghĩ tâm tức là sai, lấy tâm truyền tâm đây là chánh kiến. Dè dặt chớ hướng ra ngoài, chạy theo cảnh, nhận cảnh làm tâm là nhận giặc làm con. Vì có tham, sân, si nên lập giới, định, huệ. Vốn không có phiền não thì đâu có bồ đề. Cho nên Tổ sư nói: “Phật nói tất cả pháp vì trừ tất cả tâm, ta không tất cả tâm đâu dùng tất cả pháp”. Trên bổn nguyên thanh tịnh Phật lại không để một vật. Ví như hư không, dù lấy trân bảo vô lượng để trang nghiêm, trọn không thể được. Phật tánh đồng hư không, dù lấy công đức trí huệ vô lượng để trang nghiêm, trọn không thể được. Chỉ mê bản tánh bèn không thấy vậy. Nói rằng “Pháp môn tâm địa” là muôn pháp đều y tâm này dựng lập, gặp cảnh tức có, không cảnh tức không, không thể trên tánh tịnh lại khởi biết cảnh. Nói định huệ là quán dụng thì rõ ràng vắng lặng tỉnh táo, thấy nghe hiểu biết đều phải. Trên cảnh khởi hiểu, tạm vì người trung hạ căn nói thì được. Nếu muốn thân chứng đều không thể khởi thấy hiểu như thế, toàn là cảnh pháp, có chỗ lặn mất thì lặn mất ắt có nơi. Chỉ đối tất cả pháp không khởi thấy có không, tức là thấy pháp.

Từ Đại Sư Đạt Ma đến Trung Quốc chỉ nói một tâm, chỉ truyền một pháp. Lấy Phật truyền Phật chẳng nói Phật khác, lấy pháp truyền pháp, chẳng nói pháp khác. Pháp tức là pháp không thể nói, Phật tức là Phật không thể thủ mới là tâm bản nguyên thanh tịnh vậy. Chỉ một việc này thật, có hai cái khác thì chẳng phải chơn. Bát nhã là huệ, huệ này tức là bổn tâm vô tướng. Phàm phu không đến đạo, chỉ buông lung sáu tình là đi trong sáu đạo. Người học đạo một niệm chấp sanh tử liền rơi vào ma đạo; một niệm khởi các kiến (các thứ thấy biết khác) liền rơi vào ngoại đạo, thấy có sanh tiến đến diệt liền rơi vào Thinh Văn đạo; chẳng thấy có sanh, chỉ thấy có diệt, liền rơi vào Duyên Giác đạo; không khởi cái thấy có hai, chẳng chán chẳng ưa, tất cả các pháp chỉ là một tâm, nhiên hậu mới là Phật thừa.

Phàm phu đều theo cảnh sanh tâm, tâm bèn ưa chán. Nếu muốn không cảnh phải quên tâm ấy. Tâm quên tức là cảnh không, cảnh không tức là tâm diệt. Nếu không quên tâm mà chỉ trừ cảnh thì cảnh không thể trừ, càng thêm lăng xăng. Cho nên muôn pháp chỉ là tâm, tâm cũng không thể được, lại cầu cái gì? Người học bát nhã không thấy một pháp có thể được, dứt ý nơi Tam thừa, chỉ một chơn thật không thể chứng được. Bảo là ta hay chứng hay đắc đều là người tăng thượng mạn. Trên hội Pháp Hoa phủi áo ra đi, đều là bọn người này. Phật nói: “Ta đối với Bồ đề thật không sởđắc”, Thầm khế hội mà thôi.

Phàm nhơn khi sắp mạng chung chỉ quán năm uẩn đều không, bốn đại vô ngã, chơn tâm không tướng, chẳng đi chẳng đến, khi sanh tánh cũng chẳng đến, khi tử tánh cũng chẳng đi, yên lặng tròn bặt, tâm cảnh nhất như. Chỉ hay quán như thế liền đó chóng liễu ngộ. Chẳng bị ba đời ràng buộc bèn là người xuất thế. Dù người không được ít phần thú hướng, nếu thấy tướng lành, chư Phật đến đón và các thứ hiện trước cũng không khởi tâm đi theo; nếu thấy tướng dữ và các thứ hiện trước cũng không sanh tâm kinh sợ; chỉ tự quên tâm đồng với pháp giới liền được tự tại, đây tức là tiết yếu vậy. Nói Hóa thành đó, Nhị thừa và Thập địa, Đẳng giác, Diệu giác, đều là giáo quyền lập để tiếp dẫn, thảy là Hóa thành. Nói Bảo sởđó là bảo chơn tâm, bản Phật, tự tánh, cái bảo này không thuộc về tình lượng, không thể kiến lập, không Phật, không chúng sanh, không năng không sở, chỗ nào có thành? Nếu hỏi: Đây đã là Hóa thành, chỗ nào là Bảo sở? Bảo sở không thể chỉ, chỉ tức có chỗ nơi, không phải là chơn Bảo sở. Cho nên nói “Ở gần” mà thôi. Không thể định lượng nơi đó, chỉ chính đây khế hội là phải.

Nói xiển đề đó, lòng tin không đủ vậy. Tất cả chúng sanh trong sáu đạo cho đến Nhị thừa không tin có Phật quả, đều gọi là đoạn thiện căn xiển đề. Bồ Tát đó, tin sâu có Phật pháp không thấy có Đại thừa, Tiểu thừa, Phật cùng chúng sanh đồng một pháp tánh gọi là thiện căn xiển đề.

Đại để, nhơn nghe giáo mà ngộ gọi là Thinh Văn, quán nhơn duyên mà ngộ gọi là Duyên Giác. Nếu không hướng trong tâm mình mà ngộ, tuy đến thành Phật cũng gọi là Phật Thinh Văn. Người học đạo phần nhiều đối trên pháp giáo mà ngộ, không ở trên tâm pháp mà ngộ, tuy trải nhiều kiếp tu hành trọn không phải là bổn Phật. Nếu không nơi tâm mà ngộ, chỉ đối trên giáo pháp mà ngộ tức là khinh tâm trọng giáo, bèn thành theo khối (theo hình tướng) mà quên bản tâm. Cho nên chỉ khế hội bản tâm, chẳng cần cầu pháp, tâm tức là pháp vậy.

Phàm nhơn phần nhiều bị cảnh ngại tâm, sự ngại lý, thường muốn trốn cảnh để an tâm, đuổi sự để còn lý, không biết chính là tâm ngại cảnh, lý ngại sự. Chỉ khiến tâm không, cảnh tự không, chỉ khiến lý lặng sự tự lặng, chớ dụng tâm lộn ngược. Phàm nhơn phần nhiều không chịu không tâm, sợ rơi vào không, chẳng biết tâm mình vốn không. Người ngu trừ sự không trừ tâm, người trí trừ tâm không trừ sự. Bồ Tát tâm như hư không, tất cả đều xả, làm những việc phước đức đều không tham trước. Nhưng, xả có ba bậc: trong ngoài thân tâm tất cả đều xả, ví như hư không, không có chỗ thủ trước, nhiên hậu tùy phương tiện làm lợi ích chúng sanh, năng sở đều quên, ấy là đại xả. Nếu một bên hành đạo bủa đức, một bên lại xả không có tâm mong cầu. Ấy là trung xả. Nếu rộng tu các việc thiện có chỗ mong cầu, nghe pháp biết không nên mới không trước, ấy là tiểu xả.

Đại xả như cây đuốc sáng để ở trước, lại không có mê ngộ. Trung xả như cây đuốc sáng để một bên, hoặc sáng hoặc tối. Tiểu xả như cây đuốc sáng để phía sau, không thấy hầm hố. Cho nên, Bồ Tát tâm như hư không tất cả đều xả; quá khứ tâm không thể được là quá khứ xả, hiện tại tâm không thể được là hiện tại xả, vị lai tâm không thể được là vị lai xả. Nên nói: “Ba thời đều xả”.

Từ đức Như Lai trao pháp cho Tổ Ca Diếp đến nay, lấy tâm ấn tâm, tâm tâm không khác. Ấn (con dấu) in trong hư không thì in không thành dấu. Ấn in nơi vật tức ấn không thành pháp. Cho nên lấy tâm ấn tâm, tâm tâm không khác. Năng ấn và sởấn đều khó khế hội nên người được ít. Song, tâm tức vô tâm, được tức không được.

Phật có ba thân: Pháp thân nói pháp tự tánh rỗng suốt, Báo thân nói

pháp tất cả thanh tịnh, Hóa thân nói pháp lục độ vạn hạnh. Pháp thân nói pháp

không thể dùng ngôn ngữ, âm thinh hình tướng văn tự mà cầu, không có nói,

không có chứng, tự tánh rỗng suốt mà thôi. Cho nên nói: “Không pháp có thể

nói, ấy gọi là nói pháp”. Báo thân, Hóa thân này đều tùy cơ cảm mà hiện, có nói

pháp cũng tùy sự hợp cơ để vì nhiếp hóa đều không phải là chơn pháp. Cho nên

nói: “Báo, Hóa không phải chơn Phật, cũng không phải nói pháp”(Hai đoạn

dẫn kinh đều là kinh Kim Cang.).

Nói “đồng là một tinh minh phân làm sáu hòa hợp”(Kinh Lăng Nghiêm.). Một tinh minh là một tâm. Sáu hòa hợp là sáu căn. Sáu căn này mỗi cái cùng trần hợp. Mắt cùng sắc hợp, tai cùng tiếng hợp, mũi cùng mùi hợp, lưỡi cùng vị hợp, thân cùng xúc hợp, ý cùng pháp hợp. Khoảng giữa sanh sáu thức là mười tám giới. Nếu rõ mười tám giới không thật có, trói sáu hòa hợp làm một tinh minh. Một tinh minh là tâm vậy. Người học đạo đều biết cái này. Chỉ không thể khỏi cái hiểu “một tinh minh và sáu hòa hợp”, bèn bị pháp trói không thể khế hội bản tâm. Như Lai ra đời muốn nói nhất thừa chơn pháp, ắt chúng sanh không tin sanh ra hủy báng chìm trong biển khổ, nếu hoàn toàn không nói thì mắc lỗi xan tham, chẳng vì chúng sanh chỉ dạy diệu đạo. Ngài bèn lập phương tiện nói có ba thừa, thừa có Đại Tiểu, được có cạn sâu đều không phải là bổn pháp. Cho nên nói “chỉ có đạo Nhất thừa, có hai chẳng phải chơn”(Kinh Pháp Hoa). Nhưng, vẫn chưa có thể hiển bày một tâm pháp, cho nên triệu Ca Diếp đồng trong pháp tòa riêng trao một tâm pháp rời nói năng, một nhánh pháp này khiến riêng thực hành. Nếu người hay khế ngộ liền đến Phật địa.

Hỏi: Thế nào là đạo? tu hành thế nào?

Đáp: Đạo là vật gì mà ông muốn tu hành?

Hỏi: Các nơi Tông sư truyền nhau tham thiền học đạo là thế nào?

Đáp: Lời tiếp dẫn kẻ độn căn, chưa có thể y cứ.

Hỏi: Đây là lời tiếp dẫn kẻ độn căn, chưa biết tiếp dẫn người thượng căn

lại nói pháp gì?

Đáp: Nếu là người thượng căn, tại sao lại đến người khác mà tìm, tự mình còn không thể được huống là riêng có pháp xứng tình. không thấy trong kinh nói:

“pháp pháp hình trạng gì?”.

Hỏi: Nếu như vậy hoàn toàn không cần tìm kiếm?

Đáp: Nếu cùng mài thì sức tâm tỉnh giác.

Hỏi: Như thế thì lẫn thành đoạn tuyệt, không thể là không?

Đáp: Ai dạy kia không? kia là cái gì ông nghĩ tìm kia?

Hỏi: Đã không cho tìm, cớ sao lại nói “chớđoạn kia”?

Đáp: Nếu không tìm liền thôi, ai dạy ông đoạn? ông thấy hư không ở

trước mắt, làm thế nào để đoạn nó?

Hỏi: Pháp này có thểđồng với hư không chăng?

Đáp: Hư không sớm chiều đến, ông nói có đồng có khác với ta chăng? Chỉ

tạm nói như thế, ông bèn nhắm vào nó mà sanh hiểu.

Hỏi: Lý ưng cùng người sanh hiểu chăng?

Đáp: Tôi không từng chướng ông, cốt cái hiểu thuộc về tình, tình sanh thì

trí cách.

Hỏi: Ở trong đó chớ sanh tình phải chăng?

Đáp: Nếu không sanh tình ai nói là phải?

Hỏi: Vừa nhằm chỗ Hòa Thượng nói ra, là tại sao lại rơi vào nói năng?

Đáp: Ông tự là người không hiểu lời nói, có cái gì là rơi vào?

Hỏi: Từ trên đến đây nói nhiều như thế đều là lời phản lại, hoàn toàn chưa

từng chỉ bày thật pháp cho người?

Đáp: Thật pháp không điên đảo, nay chỗ hỏi của ông tự sanh điên đảo, tìm thật pháp chỗ nào?

Hỏi: Đã là chỗ hỏi tự sanh điên đảo thì chỗđáp của Hòa Thượng thế nào?

Đáp: Ông hãy tự lấy gương soi mặt mình, chớ xem sóc người khác. Chỉ giống như con chó ngu thấy có tiếng động là sủa, không phân biệt gió thổi hay cây cỏ động.

Về Thiền tông tôi đây từ các bậc tiền bối trao truyền đến nay, không từng dạy người cầu hiểu cầu biết, chỉ nói “học đạo” là lời để tiếp dẫn. Nhưng, đạo cũng không thể học, còn nghĩ học hiểu trở thành mê đạo. Đạo không có chỗ nơi gọi tâm Đại thừa. Tâm này không ở trong, ngoài, chặn giữa, thật không có chỗ nơi, hay nhất là không được khởi hiểu biết.

Chỉ nói với ông chỗ tình lượng hiện nay, tình lượng nếu hết thì tâm không chỗ nơi. Đạo thiên chơn này vốn không danh tự. Bởi vì thế gian không biết, mê ở trong tình, sở dĩ chư Phật ra đời nói để phá việc này, sợ e các ông không rõ, quyền lập tên “Đạo”. Không thể nhận tên sanh hiểu, nên nói “được cá quên nôm”. Thân tâm tự nhiên đạt đạo, biết tâm, đạt nguồn cội hiệu là Sa môn. Quả Sa môn là dứt duyên lự mà thành, không phải từ học mà được. Ông nay đem tâm cầu tâm, bên cạnh nhà người chỉ toan học lấy, có khi nào được. Người xưa tâm lanh lợi vừa nghe một câu bèn dứt học, sở dĩ nói là “tuyệt học vô vi nhàn đạo nhơn”. Người thời nay chỉ muốn được biết nhiều hiểu rộng, rộng cầu văn nghĩa, bảo là tu hành, không biết biết nhiều hiểu rộng trở thành bít lấp. Chỉ cần biết nhiều sánh với trẻ con ăn tô ăn sữa, trọn không biết tiêu cùng chẳng tiêu.

Người học đạo Tam thừa đều giống như thế, chung gọi là ăn không tiêu. Nên nói: “Hiểu biết không tiêu đều là thuốc độc”. Hoàn toàn nhằm trong sanh diệt mà lấy, trong chơn như trọn không có việc này. Nên nói “trong kho vua của ta không có đạo như thế”. Từ trước có tất cả chỗ hiểu biết cần phải dẹp sạch, khiến không lại không phân biệt tức là Không-Như-Lai-Tạng. Như Lai tạng lại không một mảy bụi có thể có, tức là vị Pháp Vương phá hữu xuất hiện ở thế gian, cũng nói rằng: “Ta ở chỗ Phật Nhiên Đăng không có một chút pháp có thể được”. Lời nói này chỉ là không. Tình lượng hiểu biết của ông cần được tiêu dụng, trong ngoài tình hết, trọn không y chấp là người vô sự. Cương yếu giáo lý Tam thừa chỉ là thứ thuốc hợp cơ, tùy nghi nói ra, tạm thời lập bày, mỗi mỗi không đồng, chỉ cần rõ biết thì không bị mê hoặc là hay bậc nhất. Không được bên một cơ, một giáo chấp văn nhận hiểu. Tại sao như thế? Thật không có pháp nhất định Như Lai có thể nói. Tông môn của tôi đây chẳng bàn việc này, chỉ biết dứt tâm liền thôi, không cần suy trước tính sau.

Hỏi: Từ trước đến nay đều nói “tức tâm là Phật”, chưa biết tức tâm nào là Phật?

Đáp: Ông có bao nhiêu thứ tâm?

Hỏi: Tức tâm phàm là Phật hay tức tâm Thánh là Phật?

Đáp: Ông chỗ nào có tâm phàm thánh?

Hỏi: Nay trong Tam thừa nói có phàm thánh, Hòa Thượng đâu được nói không?

Đáp: Trong Tam thừa rõ ràng nói với ông “tâm phàm thánh là vọng”, nay ông không hiểu trở lại chấp là có, đem không làm thật, đâu không phải là vọng, vọng nên mê tâm. Ông chỉ trừ dẹp tình phàm cảnh thánh, ngoài tâm không có Phật khác. Tổ Sư từẤn Độ đến, chỉ thẳng mọi người toàn thể là Phật. Nay ông không biết chấp phàm chấp thánh, nhằm ngoài chạy tìm, trở lại mê tâm mình, vì thế nên đến ông nói “tức tâm là Phật”. Một niệm tình sanh liền sa vào cõi khác, từ vô thủy đến giờ không khác ngày nay. Không có pháp khác nên gọi thành Đẳng Chánh Giác.

Hỏi: Hòa Thượng nói “tức” là đạo lý gì?

Đáp: Tìm đạo lý gì? Vừa có đạo lý bèn tức tâm khác.

Hỏi: Trên nói “từ vô thủy đến giờ không khác ngày nay”, lý này thế nào?

Đáp: Chỉ vì tìm nên ông tự khác người, ông nếu không tìm thì chỗ nào có

khác?

Hỏi: Đã là không khác sao lại phải nói “tức”?

Đáp: Ông nếu không nhận phàm thánh thì ai đến ông nói “tức”, tức như

không tức, tâm cũng chẳng tâm, nên trong ấy tâm tức đều quên, người nào lại nghĩ, nhằm chỗ nào tìm?

Hỏi: Vọng hay chướng tâm mình, chưa biết nay nên lấy cái gì dẹp vọng?

Đáp: Khởi vọng, dẹp vọng cũng thành vọng. Vọng vốn không gốc, chỉ nhơn phân biệt mà có, ông chỉ nên đối hai chỗ phàm thánh tình chấp hết, tự nhiên không vọng. Nếu vì dẹp nó trọn không được có một mảy y chấp, gọi là “ta bỏ hai cánh tay ắt sẽđược Phật”.

Hỏi: Đã không y chấp thì truyền trao thế nào?

Đáp: Lấy tâm truyền tâm.

Hỏi: Nếu tâm truyền nhau tại sao nói tâm cũng không?

Đáp: Không được một pháp gọi là truyền tâm, nếu rõ tâm này tức là không

tâm không pháp.

Hỏi: Thế nào là truyền?

Đáp: Ông nghe nói truyền tâm bèn cho là có khả đắc. Sở dĩ Tổ Sư nói: “Khi nhận được tâm tánh nên nói không nghĩ bàn, rõ ràng không sở đắc, khi được không nói biết”. Việc này nếu đem dạy ông đâu kham lãnh hội.

Hỏi: Như hư không ở trước mắt, thật không phải cảnh, sao không chỉ cảnh để thấy được tâm?

Đáp: Tâm gì mà dạy ông nhằm trên cảnh thấy? Giả sử ông thấy được chỉ là cái tâm chiếu cảnh. Như người dùng gương soi mặt, tất nhiên thấy được mày mắt rõ ràng, nguyên lai chỉ là bóng dáng, đâu quan hệ gì việc của ông?

Hỏi: Nếu không nhơn chiếu khi nào được thấy?

Đáp: Nếu vậy liên hệ đến nhơn thường phải nhờ vật, có khi nào được liễu ngộ. Ông không thấy người đến ông nói: “Buông tay tợ người không một vật, luống công dối nói mấy ngàn điều”.

Hỏi: Nếu người hiểu rồi chiếu cũng không vật sao?

Đáp: Nếu là không vật thì cần gì phải chiếu, ông nếu mở mắt thì nói hết ngủ.

Ngài thượng đường bảo:

Biết nhiều trăm thứ, chẳng bằng không cầu, tột bậc nhất vậy. Đạo nhơn là người vô sự, thật không có những tâm nhiều ấy, cũng sự không có đạo lý gì có thể nói. Vô sự giải tán đi.

Hỏi: Thế nào là thế đế?

Đáp: Nói nhánh nhóc ấy làm gì? Xưa nay thanh tịnh đâu nhờ nói năng vấn đáp, chỉ không tất cả tâm liền gọi là trí vô lậu. Ông mỗi ngày đi đứng ngồi nằm tất cả nói năng, chớ đắm pháp hữu vi, nói ra nháy mắt thảy đồng vô lậu. Như nay nhằm đời mạt pháp, phần nhiều người học thiền học đạo đều đắm tất cả thinh sắc, sao không cùng ta mỗi tâm đồng hư không đi, như cây khô hòn đá đi, như tro tàn lửa tắt đi, mới có một ít phần tương ứng. Nếu không như thế, hôm nào sẽ bị Diêm Vương dẫn ông đi.

Ông chỉ lìa hẳn các pháp hữu vô, tâm như vầng mặt trời trong hư không, ánh sáng tự nhiên không chiếu mà chiếu, không phải là việc của sức phản tỉnh. Khi đến đây thì không chỗ nương tựa, tức là làm hạnh của chư Phật, bèn là “nên không có chỗ trụ mà sanh tâm kia”. Đây là pháp thân thanh tịnh của ông, gọi là A¬Nậu Bồ-đề (Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác). Nếu không lãnh hội được ý này, dù ông học được biết nhiều, siêng năng khổ nhọc tu hành, áo cỏăn cây, không biết tâm mình đều gọi là hạnh tà, quyết định sẽ làm quyến thuộc của thiên ma, tu hành như thế sẽ có ích lợi gì? Chí Công nói: “Phật vốn tâm mình làm, đâu được trong văn tự cầu”. Dù ông học được Tam Hiền Tứ Quả, Thập địa mãn tâm, cũng chỉ là ngồi trong phàm thánh, không thấy đạo. Các hạnh vô thường là pháp sanh diệt, thế lực hết thì tên lại rơi xuống, chiêu cảm quả đời sau không như ý. Đâu bằng môn thật tướng vô vi, một phen vượt lên thẳng đến địa vị Như Lai. Vì ông không thể như người kia nên cần đến hóa môn của cổ nhân, học hiểu cho rộng.

Chí Công nói: “Không gặp minh sư xuất thế, uổng uống pháp dược Đại thừa”. Ông hiện nay trong tất cả thời đi đứng ngồi nằm chỉ học vô tâm, lâu ngày sẽ thật đắc. Vì ông lực lượng kém không thể đốn siêu, cần được ba năm, năm năm hoặc mười năm phải được chỗ vào, tự nhiên hội giải. Nếu ông không thể như thế, thiết tha đem tâm học thiền học đạo, Phật pháp có gì liên hệ? Cho nên nói: “Như Lai nói ra đều vì giáo hóa người, như nắm lá vàng bảo là vàng để vỗ trẻ con khóc, quyết định không thật”. Nếu có thật đắc thì không phải người khách trong Tông môn của ta, vã lại cùng bản thể của ông có gì liên hệ? Cho nên kinh nói: “Thật không có chút pháp có thể được gọi là A-Nậu Bồ-đề”.

Nếu như hội được ý này mới biết Phật đạo ma đạo đều lầm. Chỗ xưa nay thanh tịnh trong sáng, không tướng vuông tròn, lớn nhỏ, dài ngắn, v.v… Vô lậu vô vi không mê không ngộ, rõ ràng thấy không một vật, không người cũng không Phật, “hạt bọt trong biển đại thiên sa giới, tất cả thánh hiền nhưđiện chớp”. Tất cả không bằng tâm chơn thật pháp thân, từ xưa đến nay cùng Phật Tổ đồng một loại, chỗ nào thiếu kém một mảy lông? Đã hội được ý như thế cần phải cố gắng trọn một đời này thôi, hơi thở ra không bảo đảm trở vào!

Hỏi: Lục Tổ không hiểu Kinh sách sao được truyền y làm Tổ, Thượng tọa Tú là thủ tọa của năm trăm người, làm thầy giáo thọ, giảng được ba mươi hai bổn kinh luận, tại sao không được truyền y?

Đáp: Vì kia (Tú) có tâm là pháp hữu vi, có tu có chứng cho là phải. Ngũ Tổ trao cho Lục Tổ, Lục Tổ khi ấy chỉ nhằm khế hội, được thầm trao ý thậm thâm của Như Lai. Sở dĩ truyền y cho Ngài ông chẳng thấy nói:

Pháp bổn pháp vô pháp

Vô pháp pháp diệc pháp

Kim phó vô pháp thời

Pháp pháp hà tằng pháp

Dịch: Pháp bổn pháp là không pháp Pháp không pháp cũng là pháp Nay trao cái không pháp này Mỗi pháp đâu từng là pháp

Nếu hội được ý này mới là kẻ xuất gia, mới là tu hành tốt. Nếu không tin tại sao Thượng tọa Minh chạy đến ngọn Đại Dữu tìm Lục Tổ, Lục Tổ hỏi: “Ngươi đến cầu việc gì, vì cầu y vì cầu pháp?”. Thượng tọa Minh nói: “Không vì y mà đến, chỉ vì pháp mà đến”. Lục Tổ bảo: “Ông hãy tạm thời liễm niệm, thiện ác đều chớ nghĩ tính”. Thượng tọa Minh nhận lời này. Lục Tổ bảo: “Không nghĩ thiện, không nghĩ ác, chính khi ấy hiện lại bộ mặt thật của Thượng tọa Minh khi cha mẹ chưa sanh”. Thượng tọa Minh ngay câu nói đó bổng nhiên thầm khế hội, bèn lễ bái thưa: “Như người uống nước, lạnh nóng tự biết, tôi ở trong hội Ngũ Tổ uổng dùng công phu ba mươi năm, ngày nay mới biết lỗi trước”.

Lục Tổ bảo: “Khi đến đây mới biết TổSưtừẤn Độđến, chỉthẳng tâm người thấy tánh thành Phật, không ở nói bàn”. Đâu không thấy Tổ A-Nan hỏi Tổ Ca-Diếp: “Thế Tôn ngoài truyền kim lan (y xiêm), còn riêng truyền pháp gì?”, Ca-Diếp gọi: “A-Nan”. A-Nan đáp: “Dạ!”, Ca-Diếp bảo: “Cột phướn trước chùa ngã lật ngược”. Đây là chỗbộc lộ của TổSưvậy. Ngài A-Nan ba mươi năm làm thịgiảchỉ vì trí huệ đa văn bịPhật quở: “Người ngàn ngày học huệ, không bằng một ngày học đạo. Nếu không học đạo, một nhỏnước cũng không tiêu”.

Hỏi: Thế nào được không rơi vào giai cấp?

Đáp: Chỉ hằng ngày ăn cơm mà chưa từng nhai một hạt gạo trắng, trọn ngày đi mà chưa từng đạp một cân đất, cùng khi ấy không có tướng nhơn, tướng ngã, …, trọn ngày không rời tất cả việc mà không bị các cảnh mê hoặc, mới gọi là người tự tại. Lại, lúc nào mỗi niệm đều không thấy tất cả tướng, chớ nhận ba thời trước sau, quá khứ không đi, hiện tại không dừng, vị lai không đến, ngồi ngay an ổn mặc tình không câu chấp, mới gọi là người giải thoát. Cố gắng! Cố gắng! Trong môn này ngàn người, muôn người chỉ được ba người, năm người. Nếu không làm việc này, ắt có ngày thọ ương. Cho nên nói: “Cố gắng đời nay phải xong xuôi, còn đâu nhiều kiếp mang tai họa”.

    Xem thêm:

  • Uyển Lăng Lục Của Thiền Sư Hoàng Bá Đoạn Tế - Kinh Tạng
  • Ngữ Lục Của Thiền Sư Đàm Châu Quy Sơn Linh Hựu - Kinh Tạng
  • Ngữ Lục Của Thiền Sư Viên Châu Ngưỡng Sơn Huệ Tịch - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Phật Danh – Thích Thiện Chơn dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Văn Thù Sở Thuyết Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm tập 1 - Kinh Tạng
  • Kinh Tín Lực Nhập Ấn Pháp Môn - Kinh Tạng
  • Kinh Độ Chư Phật Cảnh Giới Trí Quang Nghiêm - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm tập 2 - Kinh Tạng
  • Ngữ Lục Của Thiền Sư Thụy Châu Động Sơn Lương Giới - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Phương Đẳng Đại Tập Hiền Hộ Bồ Tát – Thích Minh Lễ dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích tập 1 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Hiện Tại Hiền Kiếp Thiên Phật Danh – Thích Huyền Tôn dịch - Kinh Tạng
  • Ngữ Lục Của Thiền Sư Quân Châu Động Sơn Ngộ Bổn - Kinh Tạng
  • Kinh Phật dạy Lão Bà La Môn Ở Vườn Hoàng Trúc - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Nói Năm Điều Đáng Sợ Hãi Ở Đời - Kinh Tạng
  • Bích Nham Lục Của Thiền Sư Phật Quả Viên Ngộ – Thích Thanh Từ dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Hồng Danh Lễ Sám - Kinh Tạng
  • Phương Pháp Niệm Phật - Kinh Tạng
  • Kinh Tăng Nhất A-Hàm Tập 2 – HT Thích Thanh Từ dịch - Kinh Tạng