Kinh A Nan Vấn Phật Sự Cát Hung

Phật Thuyết A Nan Vấn Sự Phật Cát Hung Kinh

Hậu Hán An Thế Cao dịch

Bản Việt dịch của Thích Nữ Tuệ Thành

***

Đúng thật như thế, chính tôi được nghe:

Một hôm A-nan thưa hỏi Phật:

– Bạch đức Thế Tôn! Có người thờ Phật thì được giàu sang, gia đình hòa thuận. Lại có người thờ Phật thì tài sản suy hao, gia đình bất hòa. Vì sao cả hai cùng thờ Phật mà kết quả lại không giống nhau? Xin Phật, đấng Thiên Trung Thiên hãy vì chúng con mà giảng giải rộng ý nghĩa này!

Phật bảo A-nan:

– Có người thờ Phật, theo minh sư thụ giới, thường tinh tấn hành trì theo giới pháp đã thụ, sớm tối lễ bái, cung kính thắp đèn, luôn ăn chay giữ giới, tâm luôn vui vẻ, được những vị thiện thần ủng hộ, gia đình hòa hợp, mọi việc đều tiến triển thuận lợi; được trời, rồng, quỉ, thần và mọi người cung kính, mai sau chắc chắn sẽ đắc đạo. Những thiện nam tử, thiện nữ nhân này đúng là đệ tử của Phật!

Lại cũng có người thờ Phật mà không gặp được vị thầy sáng suốt, không hiểu lời kinh dạy, lòng tin không kiên cố , cũng có thụ giới và nhận pháp danh, nhưng thường vi phạm giới luật. Đã không có hình tượng Phật để tôn thờ mà người này cũng không đốt hương, thắp đèn sáng để lễ bái, lại thường ôm lòng sân hận, nói lời ác, mắng chửi người, không giữ sáu ngày trai, tự tay giết hại sinh vật. Người này không kính trọng kinh Phật, xem như sách thế tục, xếp chung trong thùng đựng các vật tầm thường khác, hoặc để nơi dơ uế trên giường của vợ con, hoặc treo trên vách, chứ không đặt ngay ngắn trên bàn hay giá đựng sách. Nếu bị bệnh thì không niệm Phật mà thường mời những người đồng bóng đến xem bói, cúng tế, cầu xin thần tà. Từ đó thiên thần lánh xa không che chở; yêu ma quỉ mị ngày càng đến gần họ, ác quỉ tụ tập trước cửa nhà, khiến cho tài sản suy hao, gia đình bất hòa. Hiện đời người tạo tội này chẳng phải là đệ tử Phật, sau khi chết sẽ rơi vào địa ngục, bị đánh đập tra khảo tàn bạo, hồn phách cảm thụ đau đớn khôn tả. Kẻ ngu si này lại không tự suy xét, cho việc làm trước đây là luống công, nên trở lại oán giận trời đất, trách thánh, kể tội trời. Mê lầm như thế thật là quá ngu si, kết quả bị trói buộc trong ba đường ác[1].

Người được đạo đều từ nghiệp thiện, nhờ giữ giới tự điều phục thân, miệng, ý; khéo trang bị áo giáp chắc chắn để không sợ đao binh; khéo làm chiếc thuyền lớn để vượt qua sông cả. Có người tin vào pháp Phật, gia đình hòa thuận an vui, hiện đời luôn gặp may mắn, phúc đức. Vì có tu tập mới có phúc báo, chứ chẳng phải nhờ vị thần nào ban cho mình. Người không tin pháp Phật, không tụng kinh giữ giới, đời sau sẽ càng khốn đốn. Thiện ác theo người như bóng theo hình, chớ có hoài nghi mà rơi vào đường ác, cầu thoát ra rất khó! Tin sâu pháp Phật, giữ giới không phạm thì ở nơi đâu cũng thường an vui. Lời Phật dạy chí thành, hoàn toàn không dối gạt người. Gặp Phật tại thế rất khó, thân người cũng khó được. Nay các ông được gần gũi Phật là nhờ phúc đức lớn của đời trước; nên nhớ báo ân, ban bố giáo pháp, gieo trồng nhiều ruộng phúc, tu tập sẽ được giải thoát, đến nơi đâu cũng không lo buồn.

Tôn giả A-nan lại thưa:

– Bạch đức Thế Tôn! Nếu người không tự tay giết hại mà bảo người giết thì tội ấy thế nào? Không có tội chăng?

Phật dạy:

– Này A-nan! Nếu bảo người giết thì tội ấy nặng hơn chính tay mình giết. Vì sao? Vì tôi tớ hay người hạ tiện giết mà họ không có ý giết; hoặc người bị vua quan ép giết, chứ họ không tự ý giết. Kẻ bảo người giết thì đã biết mà cố ý phạm, ngấm ngầm sát hại lại đổ tội cho người, lừa gạt Tam bảo lại nói là tự nhiên, tội ấy rất nặng! Thù oán báo nhau mãi, đời đời gặp tai ương không dứt; hiện tại đã không an ổn, đến khi chết lại bị đọa địa ngục chịu khổ sở đau đớn. Đến lúc được ra khỏi địa ngục thì làm súc sinh bị đồ tể lột da, lóc xương lấy thịt đền trả cho người. Kẻ chịu tất cả những đau khổ ấy là đều do đời trước tàn sát bạo ngược, giết hại chúng sinh, âm thầm ôm lòng hại vật, không có tâm từ, thấy người giết thì thay họ vui mừng. Vì tâm vui mừng như thế nên tội nặng hơn tự giết!

A-nan lại thưa:

– Bạch đức Thế Tôn! Người thế gian và đệ tử Phật xem thường thầy mình, có ý ác với thầy và người đạo đức thì tội ấy thế nào?

Phật dạy:

– Này A-nan! Phàm làm người thì nên yêu mến đức của người khác, vui mừng với điều thiện của người khác, không nên ganh tị với họ. Nếu có ý ác với thầy mình và người đạo đức thì không khác gì có tâm ác với Phật. Lẽ nào lại cầm cây nỏ vạn thạch mà tự bắn vào mình, như vậy có đau đớn không?

A-nan thưa:

– Rất đau đớn, thưa Thế Tôn!

Phật dạy:

– Người có tâm ác với người đạo đức và thầy của mình thì đau đớn hơn bị nỏ bắn vào thân. Làm đệ tử thì không nên xem thường thầy và có ác ý với người đạo đức. Nên xem người đạo đức như Phật, không nên ganh tị và phỉ báng. Người có giới đức thì cảm động đến trời, rồng và quỉ, thần; được những vị này cung kính, tôn trọng. Lẽ nào lại đem thân nhảy vào lửa, dùng dao bén mà cắt thịt mình. Chớ có ganh tị, phỉ báng người thiện! Tội ấy không nhỏ, hãy cẩn thận, hãy cẩn thận!

A-nan lại thưa:

– Bạch đức Thế Tôn! Làm thầy thì được quát mắng đệ tử và cho lỗi nhỏ thành lỗi lớn mà không phạm tội chứ?

Phật dạy:

– Này A-nan! Không phải thế! Không phải thế! Nghĩa thầy trò, theo lẽ ắt có sự cảm thông nhau một cách tự nhiên, nên chân thành tin tưởng nhau, xem đệ tử cũng như mình, những gì mình không làm thì chớ trao cho người. Tôn trọng lễ nghĩa, giới luật và dùng đạo đức để dạy người; sống hòa thuận, trung trinh, tiết tháo, không oán giận hay tranh cãi nhau. Thầy và đệ tử, cả hai nên chân thành, thầy phải giữ đúng phận làm thầy, đệ tử phải theo đúng phận đệ tử. Không nên phỉ báng nhau, chớ ôm lòng hiểm độc! Nếu để oán hận nhỏ trở thành lớn, thì nó sẽ đốt cháy lại mình. Ta xem xét những kẻ ác và bọn tì-kheo xấu xa ở thế gian, thì thầy chẳng giữ đúng phận thầy, đệ tử chẳng theo đúng phận đệ tử; chỉ cùng nhau làm điều xấu ác, không nhớ đến việc tu tập, hủy hoại việc thiện, ham thích sự nghiệp thế tục, không nghĩ đến luật vô thường, cất chứa tiền của, tự đánh mất mình, chết đọa vào đường ác, ngạ quỉ, súc sinh; chưa từng biết điều phải, nhìn nhau như súc vật. Các ông mong cầu gì ở thế gian? Nên nghĩ đến việc báo ân Phật, nên trì kinh, giữ giới, siêng năng tu đạo. Đạo thì không thể không học, kinh thì không thể không tụng, điều thiện thì không thể không làm. Hành thiện, ban đức cứu tâm thoát khổ, xa lìa sinh tử. Gặp người hiền đừng khinh thường, gặp người tốt chớ phỉ báng. Không nên đem lỗi nhỏ mà làm chứng thành tội lớn, ấy là trái với chính pháp, mất đạo lí, tội này rất lớn. Tội phúc luôn có chứng nghiệm. Thật đáng sợ! Thật đáng sợ!

A-nan lại thưa:

– Bạch đức Thế Tôn! Đệ tử Phật sinh vào đời mạt pháp là cõi ma, có nhiều nhân duyên chướng ngại như cầu nhà cửa để ở, những nỗi lo cung dưỡng cho thân miệng thì làm sao tu tập pháp Phật?

Phật dạy:

– Là đệ tử Phật, tuy có nhân duyên như thế, nhưng cần trì giới không được vi phạm, có tâm chân thành, dè dặt cẩn thận, tôn kính qui y Tam bảo, hiếu thuận phụng dưỡng cha mẹ, nội ngoại đều đối xử tốt đẹp; không lừa dối, nịnh bợ; lời nói và ý nghĩ tương ứng; khéo dùng phương tiện thích hợp, tiến thoái đúng lúc; có thể làm những việc thế gian mà không có tâm thế gian.

A-nan thưa:

– Bạch đức Thế Tôn! Thế nào là việc thế gian và tâm thế gian?

Phật dạy:

– Đệ tử Phật có thể kinh doanh buôn bán sinh lợi, nhưng cân, đong, đo, đếm đều theo đúng đạo lí, không được gian xảo, lấn ép, xâm phạm vật của người. Các việc như mai táng, dời chỗ ở, kết hôn, cưới gả … đều là việc thế gian.

Tâm thế gian: Là đệ tử Phật thì không được xem bói, xin bùa chú, trù yểm ma quỉ, cúng tế thần linh, tấu văn cầu thần minh giải nạn, sợ điềm không tốt. Đã thụ trì năm giới của Phật thì là người có phúc đức, không kiêng sợ việc gì. Muốn hành pháp cúng dường thì nên thưa với Phật, pháp, tăng. Không nơi nào đến mà không tốt. Người có giới đức thì lấy việc hộ đạo làm sức mạnh; trời, rồng, quỉ thần đều kính phục. Quí trọng giới thì được người kính trọng, đi đâu cũng thường được an ổn. Người chưa đạt đạo thì tự tạo chướng ngại. Thiện ác do tâm, phúc họa do người, như bóng theo hình, như vang theo tiếng; trời không chỗ nào mà không che, đất không có gì mà không chở; giới hạnh và phúc đức tương ứng tự nhiên; thiên thần ủng hộ, cảm động mười phương; đức độ ngang trời, công huân vòi vọi, chư thánh ngợi ca, không thể nói hết. Bậc trí biết vận mệnh, dù mất thân cũng không khởi tâm tà vạy. Thế mới biết lời Phật dạy đúng là đạo cứu đời.

A-nan nghe những lời Phật dạy, liền chỉnh sửa ca-sa, cúi đầu sát đất đảnh lễ Phật rồi thưa:

– Thật đúng thế, thưa Thế Tôn! Chúng con có phúc, được gần gũi Như Lai, thụ nhận pháp vị. Ân đức và tâm từ bi của Phật rộng lớn, thương xót hết thảy chúng sinh, làm ruộng phúc cho chúng sinh, khiến chúng sinh được thoát khổ. Lời Phật chân thành mà ít người tin. Thế gian nhiều xấu ác, chúng sinh nguyền rủa lẫn nhau, phần nhiều tin vào quỉ thần, bỏ chính pháp theo tà pháp; nên thiên đường trống vắng mà địa ngục thì đầy chật chúng sinh. Thật đáng thương thay! Như có tin, cũng chỉ một hoặc hai người, thì đâu thể làm gì với thế gian suy bại, nên mới thành như thế. Sau khi Phật diệt độ, tuy còn lại kinh pháp, nhưng ít có người chịu tu tập, con người dần dần dối trá, nên pháp Phật dần dần cũng bị diệt vong.

Than ôi! Đau đớn thay! Thế thì chúng sinh biết nương tựa vào đâu? Cúi xin đức Thế Tôn vì những người học Phật đời sau mà ở lại thế gian giáo hóa, chưa nên nhập niết-bàn!

Tôn giả A-nan nhân đó trình kệ:

Phật vì ba cõi mà cứu giúp,

Ân rộng, lòng từ thật lớn lao;

Cúi xin thương tưởng hàng hậu thế,

Thế Tôn chớ vội nhập niết-bàn!

Đau đớn thay! Người chưa đạt đạo,

Ngu si tối tăm chẳng biết chân;

Gióng hồi trống pháp, tam thiên động,

Mà sao tất cả chẳng hề nghe?

Đời ô trược lắm người xấu ác

Tự si mê rơi chốn đảo điên,

Không tin nhận thế gian có Phật,

Tự gây ra gốc tội não phiền;

Sau khi chết rơi vào địa ngục,

Bị gươm đao phân tán thân hình,

Giết súc vật cúng tế thần linh,

Thì chịu khổ trong nồi nước nóng;

Tội dâm dục ôm cột đồng đỏ,

Sức nóng ấy đốt thiêu thân hình;

Phỉ báng bậc giới đức thanh cao,

Thì móc sắt kéo rút căn lưỡi;

Rượu gây cuồng không còn lễ tiết,

Nước đồng sôi rót đổ vào mồm;

Nếu được sinh trở lại làm người,

Thì ngu si, không theo đạo lí.

Không sát sinh được thân trường thọ,

Chẳng bệnh tật, sức khỏe dồi dào.

Không trộm cắp, sau được giàu sang,

Tiền của luôn tự nhiên sung túc.

Không dâm dục được hương tịnh khiết,

Thân thể thường tươi sáng, thơm tho.

Thật thà không dối gian lừa đảo,

Được mọi người thương mến tin theo.

Không uống rượu sẽ được thông minh,

Người đời luôn kính yêu, tôn trọng.

Năm phúc ấy vượt hơn pháp khác,

Người và trời đồng đến kết thân

Khi phúc kia tăng thêm vạn bội,

Đạt được chân đế thật rõ ràng.

Kẻ ngu si không phân rõ đạo,

Ngăn che thánh đạo, hủy chính giác[2];

Sau khi chết rơi vào địa ngục,

Đội bánh xe sắt nóng trên đầu;

Bấy giờ muốn chết cũng không được,

Chỉ trong chốc lát đổi thay hình,

Bị giáo kích đâm thủng thân mình,

Cơ thể bị cắt thành từng mảnh.

Trí u tối, không thông mọi việc,

Ác rồi ác kéo dắt lẫn nhau,

Nên sinh tử xoay vần các nẻo,

Thụ thân chim thú và sáu loài[3]

Bị người giết hại, đem mổ xẻ

Lấy thịt để đền oán hận xưa.

Không đạo đức, đọa vào đường ác;

Mong thoát thân cũng khó lắm thay!

Được thân người đã là rất khó,

Được nghe Phật pháp lại khó hơn!

Thế Tôn chính là bậc Chúng Hựu

An trụ nơi địa vị Đặc Tôn[4].

Ban chúng sinh vị pháp cam lộ[5],

Người học sau xin nguyện hành trì!

Thương chúng con, Phật hiện tuệ sâu,

Xót cho phàm ngu không trí tuệ.

Khai ngộ chúng sinh, Phật dạy đạo,

Hành giả tu trì thoát tử sinh;

Người có phúc, hiện đời theo Phật,

Đạt Kiến đế, thích đạo Vô sinh.

Xin qui y bậc Thánh nhân từ

Gieo hạt giống vào nơi bất tử;

Ân từ bi không ai hơn Phật,

Lại thần diệu hiện tỏa uy quang.

Con xin nguyện tất cả chúng sinh

Được nếm trọn cam lộ pháp vị;

Chèo thuyền tuệ đến bờ giác ngộ,

Tiếng khánh pháp vang cả tam thiên;

Con và người không còn ngã tưởng[6],

Được Chúng Hựu chuyển đại pháp luân,

Nên chúng con được niềm an lạc,

Lìa vòng trói buộc mười hai duyên[7].

Cúi đầu vui mừng xin đảnh lễ,

Và qui y đấng Tối Thượng Tôn!

Tôn giả A-nan cúi đầu trình kệ rồi, đại chúng trong pháp hội đều chứng quả vị Bất thoái chuyển, tâm ý thông suốt, mặc áo giáp đại thệ nguyện, quyết chí cầu đạo Vô thượng, xông hương pháp cam lộ khắp mười phương, hiển bày chính đạo, làm chiếc cầu[8] cho chúng sinh.

Bấy giờ, quốc vương, quan, dân, trời, rồng, quỉ, thần … nghe Phật thuyết pháp và A-nan trình kệ xong, thảy đều vừa buồn tủi, vừa thương xót, vừa cảm thán, vừa vui mừng cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật và tôn giả A-nan, nhận lĩnh giáo pháp rồi lui.

*

Chú thích:

[1] Ba đường ác 三塗: Địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh.

[2] Chính giác 正覺 Phạm: amyaksaôbodhi Pàli: ammà-sambodhi. Chỉ sự giác ngộ chân chính. Còn gọi Chính giải, Đẳng giác, Đẳng chính giác, Chính đẳng chính giác, Chính đẳng giác, Chính tận giác. Đẳng, là nói về lý được chứng – tận, là nói về hoặc bị đoạn. Tức là tiếng nói tắt của Vô thượng đẳng chính giác, Tam-miệu tam bồ-đề. Tiếng Phạm: ambodhi, dịch ý là Chính giác, dịch âm là Tam bồ-đề. Có nghĩa là trí biết chân chính chứng ngộ hết thảy các pháp, là thực trí của Như lai, vì thế, thành Phật còn gọi là thành Chính Giác.

[3] Sáu loài: Bò, ngựa, dê, chó, lợn và gà.

[4] Đặc Tôn 特尊: Bậc đầy đủ trí và đức, là bậc tôn quí nhất trong ba cõi.

[5] Pháp cam-lộ 甘露法: Giáo pháp của đức Như lai. Tức pháp vị thanh tịnh, nuôi dưỡng thân tâm chúng sinh, ví như tính chất của cam lộ.

[6] Ngã tưởng: ý niệm chấp ngã, cho ngã là thật có.

[7] Mười hai duyên 十二因緣: Phạm: dvādaśāṅgapratītya-samutpāda. Chỉ cho 12 điều kiện (tức 12 Hữu chi) cấu thành sự sinh tồn của loài hữu tình. Theo giáo nghĩa cơ bản nói trong kinh A-hàm thì 12 nhân duyên là: Vô minh (Phạm: Avidỳa), Hành (Phạm: aôskàra), Thức (Phạm: Vijĩàna), Danh sắc (Phạm: Nàma-rùpa), Lục xứ (Phạm: Wađ-àyatana), Xúc (Phạm: parza), Thụ (Phạm: Vedanà), Ái (Phạm: Tfwịà), Thủ (Phạm: Upàdàna), Hữu (Phạm: Bhava), inh (Phạm: Jàti) và Lão tử (Phạm: Jaràmuraịa). Cứ theo kinh Đại duyên phương tiện trong Trường A-hàm quyển 10 thì nhân nơi si mà có hành, nhân hành có thức, nhân thức có danh sắc, nhân danh sắc có lục nhập (lục xứ), nhân lục nhập có xúc, nhân xúc có thụ, nhân thụ có ái, nhân ái có thủ, nhân thủ có hữu, nhân hữu có sinh, nhân sinh mà có các đại hoạn: Lão, tử, ưu, bi, khổ não nhóm họp, đó chính là ấm duyên đại khổ này. Trong 12 chi này, mỗi chi trước là nhân sinh khởi của chi sau, nếu chi trước diệt thì chi sau cũng diệt. Nếu đứng về phương diện giá trị và ý nghĩa sự sống còn của loài hữu tình mà quán xét ý nghĩa của 12 duyên khởi thì 12 duyên khởi cho thấy những khổ não của đời sống con người hình thành như thế nào (Lưu chuyển môn) và làm thế nào để diệt trừ khổ não mà đạt đến khai ngộ (Hoàn diệt môn). Tức sự sinh tồn (Hữu) của loài người bắt đầu từ sự hoạt động của Thức, các hoạt động của Thức trở thành kinh nghiệm sinh hoạt (Hành), rồi lại do sự tích lũy các hoạt động mà hình thành nội dung của Thức; nhưng sự hoạt động của Thức là thông qua các khí quan cảm giác(tức Lục nhập: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) mà tiếp xúc (Xúc) với các đối tượng của sự nhận thức (tức tất cả tâm, vật– Danh sắc), đây là việc cảm nhận (Thụ) về mặt chủ quan. Thức của phàm phu lấy Vô minh làm nội tướng, lấy khát ái (Ái, tham yêu không chán) làm ngoại tướng, khát ái là tướng căn bản của Thức, rồi từ đó phát triển mà nắm giữ lấy tất cả làm ngã để trở thành ngã chấp (Thủ), Thức được huân tập bởi các hoạt động nhiễm ô này mà phải trải qua các nỗi thống khổ của cảnh sống, già, chết… vô thường ở thế gian. Trái lại, bậc Thánh nhờ diệt được vô minh và khát ái mà các nỗi thống khổ sinh, già, chết của thế gian cũng diệt.

[8] Chiếc cầu 橋梁: Cầu thường bị người ta giẫm đạp lên để đi qua, được dùng để ví dụ người có đức khiêm cung nhẫn chịu sự khinh nhờn của người khác đối với mình. Chú Duy-ma-cật kinh quyển 7 (Đại 38, 391 thượng), ghi: Nói lời khiêm nhường, bị người lăng nhục, dày đạp, nhẫn chịu không sân, giống như cái cầu.

    Xem thêm:

  • Kinh Phật Nói Về Xá Lợi Phất Sám Hối Tội Lỗi - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Đại Ca Diếp Vấn Đại Bảo Tích Chánh Pháp - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Nói Về Sự Tu Hành Của Bồ Tát - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Thừa Đại Bi Phân Đà Lợi - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Thừa Đại Tập Địa Tạng Thập Luân - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 25 – Kinh Bẫy Mồi (Nivàpa sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Viên Giác - Kinh Tạng
  • Kinh Bất Tất Định Nhập Định Nhập Ấn - Kinh Tạng
  • Kinh Nhân Duyên Xuất Gia - Kinh Tạng
  • Kinh Chiêm Sát Nghiệp Báo Thiện Ác - Kinh Tạng
  • Kinh Bốn Vị Thiên Vương - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích tập 3 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Bồ Tát Hư Không Dựng - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 18 – Chọn Bạn Kết Giao - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích tập 6 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Thừa Công Đức Tạo Tượng Phật - Kinh Tạng
  • Kinh A Hàm Khẩu Giải Mười Hai Nhân Duyên - Kinh Tạng
  • Kinh Diệu Pháp Liên Hoa – Thích Trí Quang dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích tập 5 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Phương Đẳng Đại Tập Hiền Hộ Bồ Tát – Thích Hằng Đạt dịch - Kinh Tạng