Kinh Nhân Duyên Xuất Gia

Phật Thuyết Xuất Gia Duyên Kinh

Hậu Hán An Thế Cao dịch

Bản Việt dịch của Thích Nữ Nguyên Nhã

***

Đúng thật như thế, chính tôi được nghe: Một thời, Bà-già-bà[1] cùng với một nghìn hai trăm năm mươi tì-kheo an trú tại núi Kì-xà-quật thuộc thành Vương Xá. Khi ấy ưu-bà-tắc Na-đề và năm trăm ưu-bà-tắc ra khỏi thành Vương Xá lên núi Kì-xà-quật, đến chỗ Đức Phật cúi đầu đỉnh lễ, quì xuống chắp tay thưa:

– Bạch Thế Tôn! Xin Ngài nói cho chúng con nghe năm giới ưu-bà-tắc và nếu hủy phạm chính giới thì phải chịu ác báo gì?

Đức Phật dạy:

– Này ưu-bà-tắc Nan-đề! Làm hại tính mạng chúng sinh thì phải chịu mười việc xấu:

1. Hiện đời có tâm sát hại.

2. Đời sau tâm ác càng tăng mạnh, thường bị thống khổ và tổn hại.

3. Oán oán nối tiếp, mọi người không muốn nhìn.

4. Nghĩ nhiều điều ác, thấy người sợ hãi.

5. Ngủ không yên giấc.

6. Thường gặp ác mộng khiến hoảng sợ.

7. Thức dậy cũng lo sợ.

8. Khi chết tâm cuồng loạn, gieo nhân chết yểu.

9. Sau khi mạng chung rơi vào địa ngục.

10. Nếu được làm người, thì mang nhiều bệnh tật thường phải chết yểu.

– Trộm cướp của cải của người khác phải chịu mười việc xấu:

1. Tham lam vô kể, thường bị mọi người nghi ngờ.

2. Thường khởi nhiều điều ác nặng, hành động không đúng thời, đúng pháp.

3. Gần gũi bạn ác, xa lánh người hiền lương.

4. Cố tình phá giới.

5. Thường sợ vua dò xét, phải dùng tiền mua mạng sống.

6. Gieo nghiệp nghèo nàn khốn khổ, không có vật báu.

7. Sau khi mạng chung rơi vào địa ngục.

8. Dù được làm người nhưng đói lạnh khốn khổ.

9. Khó kiếm được tiền tài, tuy có được ít tiền nhưng cũng bị năm nhà: vua, giặc cướp, nước trôi, lửa cháy và vợ con ác đoạt mất.

10. Nay nếu có chôn giấu cũng không còn.

– Tà dâm có mười việc ác:

1.Thường bị chồng rình bắt, đánh đập đau đớn, gia đình không hòa thuận.

2. Pháp thiện mất hết, pháp bất thiện tăng trưởng.

3. Nguy hại đến thân thể.

4. Không kiểm soát được vợ, không giữ được của cải.

5. Thường bị mọi người nghi ngờ, họ hàng thân thuộc không tin tưởng.

6. Gieo những nghiệp xấu như thế.

7. Gia đình không trinh khiết.

8. Sau khi mạng chung rơi vào địa ngục.

9. Nếu được làm người nữ thì chẳng phải một chủ.

10. Nếu được làm người nam thì rong ruổi tà dâm, tự đánh mất vợ mình.

– Nói dối phải chịu mười điều xấu:

1. Miệng thường hôi thối.

2. Thiện thần lánh xa, quỷ dữ dễ lấn hiếp.

3. Dù nói lời thật lưu truyền ở đời, nhưng mọi người cũng không tin tưởng.

4. Không được luận bàn những việc quan trọng ở thế gian.

5. Việc chưa xảy ra mà tiếng xấu đã đồn xa, bị người khinh chê, không khởi tâm cung kính.

6. Tuy nói thật nhưng mọi người không tin.

7. Thường gặp nhiều chuyện buồn rầu, lo sợ.

8. Gieo nghiệp phỉ báng.

9. Sau khi mạng chung rơi vào địa ngục.

10. Nếu được làm người, thường bị chê bai.

– Uống rượu phải chịu ba mươi lăm lỗi:

1. Phá hết của cải.

2. Bị nhiều hoạn nạn khổ sở.

3.Tăng thêm oán thù, tranh kiện.

4. Thân thể lõa lồ.

5. Tiếng xấu lan xa.

6. Trí tuệ ngày càng giảm.

7. Điều đáng được mà không được.

8. Đã được lại mất.

9. Khen ngợi việc ác.

10. Chủ yếu làm phát khởi cội gốc sầu khổ.

11. Tinh thần hoảng loạn, thay đổi.

12. Dung mạo xấu xí.

13. Xem thường bậc tôn trưởng.

14. Không biết cúng dường sa-môn, bà-la-môn.

15. Đối với mọi người trong gia đình không phân biệt lớn nhỏ.

16. Không tôn kính Phật.

17. Không tôn kính pháp.

18. Không tôn kính tăng.

19. Gần gũi người xấu.

20. Xa lìa bậc hiền tài.

21. Đọa vào đường tà.

22. Không biết hổ thẹn.

23. Không giữ gìn các căn.

24. Thần trí tăm tối, hoang dâm.

25. Không được mọi người quý mến.

26. Mọi người không muốn nhìn.

27. Bậc đức cao quen biết đều đến quở trách.

28. Nhóm họp làm các việc ác.

29. Chỉ muốn dùng uy thế, không dự biết trách nhiệm.

30. Bậc trí đức lẩn tránh.

31. Không phân biệt hình dạng.

32. Xa rời niết-bàn.

33. Gieo nghiệp cuồng điên, mê loạn.

34. Sau khi mạng chung rơi vào địa ngục.

35. Dù được làm người thì cũng ngu si đần độn.

Sau khi nghe Đức Phật giảng nói xong, bốn chúng, ưu-bà-tắc Nan-đề và năm trăm ưu-bà-tắc, trời người đều vâng lĩnh, thụ trì, đỉnh lễ nhiễu quanh Ngài rồi lui ra.

Chú thích:

[1] Bà-già-bà: 婆伽婆 Còn gọi Bạc-già-phạm, một trong các đức hiệu của chư Phật. Theo luận Phật địa, Bà-già-bà gồm các nghĩa: tự tại, xí thạnh, đoan nghiêm, danh xưng, cát tường, tôn quí.

    Xem thêm:

  • Kinh Đăng Chỉ Nhân Duyên - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 65 – Kinh Bhaddàli (Bhaddàli sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Nhập Định Bất Định Ấn - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 13 – Bần Tiện - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích tập 6 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích tập 3 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Bách Dụ – Thích Nữ Như Huyền dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Tạp A-Hàm Quyển 44 - Kinh Tạng
  • Kinh Đồng Tử Vô Ngôn - Kinh Tạng
  • Kinh A Soa Mạt Bồ Tát - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa tập 21 - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Dạy Về Đối Trị Bệnh Tật - Kinh Tạng
  • Kinh Bát Nhã Lý Thú Phân Thuật Tán - Kinh Tạng
  • Kinh Quán Thế Âm Bồ Tát Vãng Sanh Tịnh Độ Bản Duyên - Kinh Tạng
  • Kinh Hiền Nhân - Kinh Tạng
  • Kinh Bách Dụ – Thích Nữ Viên Thắng dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bát Niết Bàn – Đoàn Trung Còn & Nguyễn Minh Tiến dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa tập 23 - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích tập 7 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Thừa Lí Thú Lục Ba La Mật Đa - Kinh Tạng