Kinh Quán Thế Âm Bồ Tát Vãng Sanh Tịnh Độ Bản Duyên

Thất Dịch Nhơn Danh

Bản Việt dịch của Thích Nguyên Chơn

***

Đúng thật như thế, chính tôi được nghe: Trong thời gian Đức Phật cùng với các vị đại tì-kheo, các vị đại bồ-tát, tám bộ là trời, rồng… cư trú tại đỉnh núi Linh Thứu, thành Vương Xá, một hôm các chúng đệ tử đang vây quanh, cung kính nghe Đức Phật giảng nói nhân duyên của các đại bồ-tát, bỗng có một vầng ánh sáng rực rỡ hiện đến trước Ngài, tỏa sáng khắp Diêm-phù-đề, rồi dần dần chiếu đến các cõi khác. Trong vầng ánh sáng ấy lại vang lên bài kệ:

Thành tựu đại bi giải thoát môn

Thường trụ Phổ Đà, cõi Ta-bà

Ngày đêm sáu thời xem thế giới

Nhân duyên bản nguyện cứu muôn loài.

Đại chúng thấy ánh sáng, lại nghe bài kệ, đều cho là việc chưa từng có, trong lòng nghi ngờ, lần lượt hỏi nhau, nhưng không ai biết. Lúc ấy, từ trong chúng hội, bồ-tát Tổng Trì Tự Tại đứng dậy thưa Đức Phật:

– Bạch Thế Tôn! Vì nhân duyên gì mà có vầng ánh sáng này và do ai phóng ra? Chúng con thấy ánh sáng, lại nghe thuyết kệ, nhưng chưa biết vì sao. Cúi xin Thế Tôn dạy cho chúng con biết!

Đức Phật bảo bồ-tát Tổng Trì Tự Tại:

– Quí thay! Quí thay! Các thầy hãy lắng nghe, Ta sẽ giải đáp! Từ đây đi về phương tây trải qua hai mươi hằng hà sa cõi Phật, thì gặp một thế giới tên là Cực Lạc. Chúng sanh sống trong đó không có các nỗi khổ, chỉ hưởng toàn niềm vui. Giáo chủ cõi ấy là Đức Phật A-di-đà, với vô số bậc thánh Tam thừa an trú cùng khắp. Trong đó có một vị bồ-tát Nhất sanh bổ xứ tên là Quán Thế Âm Tự Tại. Vị này trồng căn lành từ rất lâu xa, đã thành tựu hạnh nguyện đại bi. Hôm nay vị ấy sẽ đến đây trình bày toàn bộ nhân duyên vãng sanh Cực Lạc. Hiện ánh sáng đã chiếu khắp thế giới, hẳn không bao lâu nữa bồ-tát sẽ đến. Lúc ấy các thầy hãy hỏi về nhân duyên bài kệ.

Đức Phật vừa nói xong, bồ-tát Quán Thế Âm Tự Tại cùng với trăm nghìn đại bồ-tát cùng lúc đến đỉnh Linh Thứu lễ lạy, ca ngợi và cúng dường Đức Phật rồi ngồi sang một bên. Bấy giờ bồ-tát Tổng Trì Tự Tại nương uy lực Phật đến gần bồ-tát Quan Thế Âm. Hai bên thăm hỏi xong, bồ-tát Tổng Trì Tự Tại hỏi bồ-tát Quan Thế Âm:

– Thưa ngài! Trong luồng ánh sáng do ngài phóng ra có thuyết kệ tụng nhiệm mầu. Chúng tôi chưa biết nhân duyên và ý nghĩa thế nào. Xin ngài giảng nói cho đại chúng được biết!

Bồ-tát Quan Thế Âm Tự Tại đáp lời bồ-tát Tổng Trì Tự Tại:

– Vào thời quá khứ bất khả thuyết a-tăng-kì kiếp về trước, tại nước Thiên Trúc cõi Nam Diêm-phù có một quốc gia tên là Ma-niết-bà-tra. Trong nước này có Phạm sĩ[1] Trường-na và vợ tên là Ma-na-tư. Vị trưởng giả này rất giàu, nhưng chưa có con nối dõi. Vợ chồng thường oán than: “Tuy chúng ta có rất nhiều tài sản, cũng không còn lo nghĩ điều gì, chỉ hận là chưa có con nối dõi”. Sau đó vợ chồng chí thành cúng tế thiên thần, thiết tha cầu được con trai. Không bao lâu người vợ mang thai. Đủ tháng ngày, bà sanh được một bé trai dung mạo xinh đẹp không ai sánh bằng.

Khi đứa bé này được ba tuổi, bà lại sanh được bé trai thứ hai. Được hai con trai, vợ chồng Phạm sĩ vô cùng vui mừng, liền mời thầy tướng đến xem. Sau khi xem, thầy tướng lộ vẻ mặt không vui. Ông im lặng hồi lâu rồi nói:

– Hai đứa bé này tuy dung mạo xinh đẹp, đoan chính, nhưng không bao lâu sẽ lìa xa cha mẹ. Vì vậy đặt tên cho đứa lớn là Tảo Li, đứa nhỏ là Tốc Li.

Tuy nghe thầy tướng nói như vậy, nhưng vợ chồng Phạm sĩ vẫn thương yêu, nuôi dưỡng không mảy may ghét bỏ. Vào năm Tảo Li bảy tuổi, Tốc Li năm tuổi, một hôm bỗng nhiên bà Ma-na-tư-la bị bệnh nặng, thân hình tiều tụy, đớn đau bức bách, không thể ngồi nằm, bỏ cả uống ăn. Lúc bà sắp chết, anh em Tảo Li, Tốc Li đứng bên giường nhìn thân hình mẹ mà lòng đau xót, kêu khóc thảm thương. Nghe hai con than khóc bi thương, máu lệ tuôn trào, bà gượng ngồi dậy, đưa hai tay xoa đầu hai anh em và bảo:

– Không ai tránh khỏi sanh tử hủy hoại, đúng như lời thầy tướng đã nói lúc trước. Chỉ hận một điều là các con chưa kịp đến tuổi trưởng thành mà ta bỏ ra đi. Ta có tội báo gì? Sao các con bất hạnh như vậy?

Nghe mẹ nói thế, Tảo Li mê ngất, té ngã bên giường mẹ, hồi lâu mới tỉnh, lại kêu trời than trách:

– Chúng con hôm nay còn nhỏ dại, chưa biết điều gì. Nếu chẳng có mẹ, thì ai dạy cho con chí đạo đây? Trời đất thật mênh mông, nhưng tâm thần chúng con thật không có nơi nương tựa. Sao bỗng nhiên mẹ bỏ chúng con ra đi?

Người mẹ vội an ủi:

– Pháp thế gian là như thế, có sanh ắt có diệt, giống như dòng thác, nước tuôn ào ạt không phút giây dừng nghỉ. Nghe tiếng khóc than bi thảm, lòng mẹ lại tiếc hận cho bệnh của mình.

Tốc Li còn nhỏ chỉ biết hai đưa tay ôm lấy chiếc cổ khô gầy của mẹ mà khóc lóc. Bấy giờ bà Ma-na-tư-la bảo hai con:

– Muốn rõ chí đạo, không có gì hơn phát tâm Bồ-đề. Tâm Bồ-đề chính là tâm đại bi. Nếu đến trưởng thành mà muốn báo bốn ân, thì nên phát tâm Bồ-đề. Bây giờ các con không nên khóc lóc nữa! Tuy mẹ ra đi, nhưng các con có thể sống cùng cha.

Bảo ban các con xong, bà cho mời chồng là Phạm sĩ Trượng-na đến và dặn dò: “Thiếp với chàng như hai bánh của một chiếc xe, như đôi cánh của một con chim. Chúng ta có hai con trai, nay thiếp ra đi, chàng ở lại nên thương yêu chăm sóc chúng như lúc thiếp còn sống. Nếu chàng theo duyên mới, thì cũng chớ thay đổi lòng này”.

Nghe vợ nói, Phạm sĩ mê ngất, té ngã trên đất. Hồi lâu ông mới tỉnh lại và nói:

– Nếu xe thiếu một bánh thì không thể đi, dù chỉ một tấc; chim mất một cánh thì không thể nào bay, dẫu có vài gang. Nay nàng sắp vào cõi chết, ta sẽ cùng với ai chăm sóc dưỡng dục hai con thơ? Nghĩa vợ chồng li biệt, tình ân ái thật thảm sầu. Nay ta không còn ham thích thế gian, sẽ xả mạng để chết cùng nàng!

Người vợ vội nói:

– Hai con là do thiếp và chàng sanh ra, xin chàng chớ chết theo, hãy ở lại dưỡng dục chúng

Nói xong bà nhắm mắt lìa đời. Phạm sĩ cùng hai con y theo di ngôn, an táng bà xong liền trở về nhà. Bấy giờ đứa lớn ngồi trên đùi phải ông, nét mặt bi thương nhớ mẹ; đứa nhỏ ngồi trên đùi trái đòi ăn mà lòng buồn thảm. Ông suy nghĩ: “Ta không đủ sức, có lẽ phải tìm một người vợ về nuôi nấng hai con nhỏ”.

Lúc ấy, Phạm sĩ Tì-la có một cô con gái bản tính thuần lương, ông liền đến xin cưới làm vợ. Một thời gian sau, đất nước đói kém, tiền tài lúa gạo trong nhà ông dần dần dùng hết, kho lẫm cũng trống rỗng. Không biết lấy gì sinh sống, ông nói với người vợ kế:

– Ta nghe nói đi về phương bắc bảy ngày đường sẽ đến núi Đàn-la. Trong núi có quả Trấn đầu ngon ngọt. Ta sẽ đến núi ấy hái quả ngọt mang về nuôi nàng và hai con. Trong thời gian ta vắng nhà, nàng hãy chăm sóc chúng.

Người vợ nghe lời chồng, thương yêu chăm sóc hai con như con ruột của mình. Một mình ông Phạm sĩ đến núi Đàn-la, trải qua mười bốn ngày mà vẫn chưa về. Bấy giờ người vợ khởi lòng độc ác, bà suy nghĩ: “Nếu Trượng-na đến núi ấy mà không trở về, thì ta làm sao nuôi dưỡng hai đứa bé này. Ví như có hái được quả ngọt mang về, thì cũng cho hai đứa con mà ông ta yêu thương, chứ ta nào có phần! Nay ta hãy tìm cách trừ khử chúng”. Thế là bà nói trước với một người đi biển, ấn định thời gian đưa đi. Sau đó bà nói với hai đứa bé:

– Ta không đủ sức nuôi dưỡng hai con, còn cha các con thì chưa về. Từ đây đi về hướng nam không xa có một hòn đảo, bên bờ biển hoang ấy có quả ngọt, trên bãi vắng lại có rau xanh. Ta và các con hãy đến sống nơi hòn đảo hoang ấy.

Thế là bà đưa hai đứa bé đến chỗ người đi biển, cả ba cùng ngồi thuyền ra hoang đảo. Khi đến đảo, bà bảo hai đứa bé:

– Hai con hãy xuống trước vui đùa trên cát đi! Ta nán lại trên thuyền lo liệu lương thực rồi sẽ xuống sau để cùng các con đi tìm rau quả.

Hai đứa bé vâng lời, liền rời thuyền lên bờ, rồi chạy đông rảo tây, vui đùa thỏa thích, không còn nghĩ đến việc gì khác. Thế rồi người mẹ kế âm thầm theo thuyền ấy trở về nhà. Khi hai đứa bé trở lại chỗ cũ, thì không còn thấy thuyền và cả mẹ kế cũng chẳng biết đi đâu. Thế là chúng vừa chạy vừa gọi đến sức kiệt hơi tàn mà chẳng có ai đáp. Cả ngày đêm hôm ấy, hai đứa trẻ kêu khóc thật bi thương. Tảo Li lại than thở: “Mẹ hiền thì sớm bỏ chúng ta ra đi không trở lại, cha kính thì đến núi Đàn-na chẳng trở về, còn kế mẫu thì bỏ chúng ta trên hoang đảo rồi âm thầm đi mất. Chúng ta làm sao giữ được mạng sống đây?”. Bỗng nhiên Tảo Li nhớ lại lời mẹ dặn dò trước lúc lâm chung, nên nghĩ: “Ta nên phát đạo tâm vô thượng, thành tựu tâm đại bi của bồ-tát, tu hành môn giải thoát, trước cứu độ hết mọi người, rồi mới thành Phật. Nếu vì người không có cha mẹ, thì ta hiện hình tướng cha mẹ họ. Nếu vì người không có bổn sư thì ta thị hiện thân bổn sư cho họ. Nếu vì người nghèo khổ thì ta hiện thân giàu sang. Cho đến nếu vì vua, quan, trưởng giả, cư sĩ, tể quan, bà-la-môn, bốn chúng, tám bộ, ta đều tùy theo đó mà hiện các thân hình. Ta nguyện thường trú tại đảo này mà ban an lạc cho tất cả chúng sanh khắp các cõi ở mười phương. Ta lại nguyện biến thành núi, sông, mặt đất, cây cối, ngũ cốc, quả ngọt khiến ai thọ dụng sẽ sớm thoát sanh tử. Ta cũng nguyện sanh vào nơi mẹ đã sanh, lại không lìa nơi sanh của cha”. Anh em Tảo Li phát một trăm thệ nguyện như vậy rồi qua đời.

Bấy giờ tại quê nhà, Phạm sĩ Trường-na từ núi Đàn-na-la mang theo quả Trấn đầu trở về nhà. Trước tiên ông hỏi hai con mình, người vợ bảo hai con hôm nay ra ngoài xin thức ăn chưa về. Phạm sĩ liền đến nhà một người bạn thân tìm con. Người bạn ấy nói:

– Anh ra đi hơn mười bốn ngày, thì mẹ kế chúng nó đã đưa chúng ra bỏ ngoài hoang đảo ở biển nam. Nhất định chúng đã chết đói rồi!

Trường-na nghe bạn nói, liền thở than tự trách: “Ta đến núi Đàn-na-la hái quả ngọt về nuôi hai con, ta có tội tình gì mà bỗng nhiên phải chịu hai nỗi đau li biệt. Trước kia đã không chịu được nỗi li biệt vợ hiền, nay lại chịu thêm cảnh sống mà biệt li. Ta thật không cam tâm!”.

Ông liền tìm một chiếc thuyền nhỏ, rồi một mình chèo ra hoang đảo tìm kiếm, nhưng chỉ thấy xương trắng tụ tập một nơi, còn quần áo thì rải rác trên bờ biển. Biết là hài cốt của con mình, ông đớn đau khóc than, dùng áo bọc gói lại rồi phát nguyện:

– Ta nguyện độ tất cả chúng sanh xấu ác, giúp họ mau thành tựu Phật đạo. Ta nguyện biến thành mặt đất, hoặc biến thành nước, lửa, gió, hoặc biển thành cây cỏ, rừng rậm, làm nơi nương tựa cho chúng sanh. Hoặc ta biến thành ngũ cốc nuôi lớn thân chúng sanh, hoặc biến thành trời, người, thần và các loại thân hình sang hèn, thị hiện khắp các cõi nước.

Ông phát năm trăm nguyện lớn như thế, rồi lại nguyện thường trụ tại cõi Ta-bà thuyết pháp giáo hóa chúng sanh. Sau đó, ông nhịn ăn một thời gian rồi qua đời. Lúc ấy mặt đất rung động mạnh, các vị trời tụ tập đến, chim muông bất an kêu gào bi thương, chim bay tán loạn trên không trung, rồi tự hủy mình để cúng dường những bộ xương trắng.

Bấy giờ bồ-tát Quán Thế Âm Tự Tại nói tiếp:

– Phạm sĩ Trường-na chính là Thích-ca Như Lai hôm nay. Bà Ma-la-tư-na chính là A-di-đà Như Lai ở phương tây. Tảo Li chính là ta, Tốc Li là bồ-tát Đại Thế Chí; người bạn của Trường-na chính là bồ-tát Tổng Trì Tự Tại. Núi Đàn-na-la ngày xưa chính là núi Linh Thứu hôm nay. Hoang đảo ấy chính là núi Phổ Đà Lạc ngày nay. Vào kiếp hoại, tuy thế giới bị hủy diệt hết, nhưng đến kiếp thành, thì núi này xuất hiện trước nhất. Mặt bắc núi này có một hang động như kim cang, trong đó có phiến đá lớn tên là Bảo Nghiệp, ta thường ngồi trên tảng đá này thuyết môn Đại bi hạnh giải thoát, giúp chúng sanh thành tựu đạo nghiệp; đó là nơi khi xưa Tảo Li đã phát đại nguyện. Trên tại đỉnh núi này có cung điện bảy báu, trang nghiêm kì diệu, ta thường trụ trong cung điện này thị giáo lợi hỉ[2]; đây chính là nơi khi xưa Tảo Li kêu gọi cha mẹ. Ta nương nơi ấy mà vãng sanh Tịnh Độ, được giai vị Bất thoái chuyển. Nay ta nghĩ đến đến việc xả thân ngày xưa, cho nên thường trú tại núi này. Những loài cầm thú được ta hóa độ khi xưa, nay hiện thành cây cỏ mà cành lá đều rạp về nơi ta xả thân. Các vị nên biết, trong vầng ánh sáng có vang lên bốn câu kệ tụng có toàn bộ nhân duyên như vậy.

Bấy giờ Thích-ca Như Lai khen ngợi bồ-tát Quan Thế Âm:

– Hay thay, hay thay! Đúng như lời ông nói, nhân duyên ngày trước đều đúng như vậy. Các ông nên biết, ngày hôm nay Ta và Phật A-di-đà trước sau chỉ có một pháp giáo hóa. Giống như cha mẹ có một đứa con còn thơ bé, chẳng may rơi xuống giếng sâu. Người cha vội vàng xuống giếng vớt lên đặt trên bờ. Người mẹ bế đem về chăm sóc nuôi dưỡng. Thân thuộc trợ giúp người mẹ bồi dưỡng ý chí cho đứa bé, rồi kết thành tình bằng hữu, không còn để bé phải rơi vào giếng sâu nguy hiểm nữa. Các ông nên biết! Ta giống như từ phụ, chúng sanh trong đời năm trược như đưa bé rơi vào giếng sâu, A-di-đà Như Lai giống như mẹ hiền, bờ giếng giống như Tịnh Độ. Quán Thế Âm… giống như những bằng hữu. Được giai vị Bất thoái giống như không còn phải rơi lại giếng sâu. Ta vào cõi Ta-bà đầy dẫy năm trược giáo hóa chúng sanh ngu si trong sáu đường, nay họ sanh về Tịnh Độ, Phật A-di-đà luôn tiếp dẫn không bao giờ lìa bỏ. Quán Thế Âm, Đại Thế Chí giúp đỡ bảo vệ để không bị lui sụt. Tất cả những điều đó đều y theo nhân duyên thệ nguyện đời quá khứ.

Khi Thích-ca Như Lai nói những lời này xong, Đức Phật A-di-đà cùng với vô số trăm nghìn thánh chúng hiện ra trong hư không thuyết kệ:

Quí thay! Thích-ca Văn!

Vào năm trược độ sinh

Ai nghe tên, thấy hình

Nhất định thành Phật đạo

Do nhân duyên ngày trước

Nay hiện trong hư không

Ai muốn sanh cõi Ta

Ta nhất định nghinh đón

Thích-ca Như Lai thuyết kệ ca ngợi Đức Phật A-di-đà:

Quí thay! Lưỡng Túc Tôn!

Làm lợi ích cõi này

Chứng minh pháp chân thật

Từ bi ban tất cả

Nếu kẻ nghiệp chướng nặng

Không nhân sanh Tịnh Độ

Nương nguyện lực Di-đà

Nhất định được vãng sanh.

Nếu người tạo nhiều tội

Đáng lẽ đọa địa ngục

Vừa nghe danh Di-đà

Lò lửa thành ao sen.

Nếu niệm A-di-đà

Liền tiêu vô lượng tội

Hiện đời được an vui

Mai sau sanh cõi Tịnh.

Khi ấy bồ-tát Quán Thế Âm từ chỗ ngồi đứng dậy thuyết kệ:

Hai Phật như mặt trời

Phá tăm tối tử sanh

Nêu nhân duyên ngày trước

Trải số kiếp chẳng tiêu.

Con nhớ vô lượng kiếp

Trên một hoang đảo kia

Nhân duyên lúc phát tâm

Nguyện thường trụ Bổ Đà

Ngày xưa còn sanh tử

Hai Phật là mẹ cha

Nay tại cõi Tịnh-Uế

Giúp nhau độ thế gian

Bồ-tát Đại Thế Chí thuyết kệ:

Lúc con mới phát tâm

Theo hai Phật chẳng rời

Nay nghe nhân duyên xưa

Biết được duyên không mất

Khi con động một chân

Khổ não ba đường dứt

Nếu ai sanh cõi Tịnh

Con đưa tay tiếp dẫn

Bồ-tát Tổng Trì Tự Tại Vương cũng thuyết kệ:

Xưa con là bằng hữu

Ngày hôm nay mới biết

Mai sau ai nghe tên

Nhất định sanh Tây Phương

Bấy giờ Đức Phật A-di-đà bỗng nhiên biến mất. Đại chúng trong đạo tràng vui mừng đảnh lễ chư Phật rồi trở về trú xứ của mình.

Chú thích:

[1] Phạm sĩ: tức Phạm chí.

[2] Thị giáo lợi hỉ 示教利喜: Chỉ bày ý nghĩa, dạy dỗ tu hành, nêu lợi ích của việc tu tập thành tựu, khen ngợi để người vui mừng.

    Xem thêm:

  • Kinh Năm Giới Tướng Của Ưu Bà Tắc - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 16 – Kinh Tâm Hoang Vu (Cetokhila sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Hiền Nhân - Kinh Tạng
  • Kinh Đăng Chỉ Nhân Duyên - Kinh Tạng
  • Kinh Thí Dụ - Kinh Tạng
  • Kinh Thiện Ác Nhơn Quả – Thích Giác Quả dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Thái Tử Tu Đại Noa - Kinh Tạng
  • Đại Đường Tây Vực Ký - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 13 – Bần Tiện - Kinh Tạng
  • Kinh Hiếu Tử - Kinh Tạng
  • Kinh Thiện Ác Nhơn Quả – Thích Trung Quán dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Bồ Tát Bản Duyên - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Bản Hạnh Tập Phẩm 31 Đến Phẩm 40 - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Bản Hạnh Tập Phẩm 11 Đến Phẩm 20 - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 15 – Báo Ân - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Bản Hạnh Tập Phẩm 21 Đến Phẩm 30 - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 24 – Thọ Báo - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Thừa Lí Thú Lục Ba La Mật Đa - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 14 – Khuyến Khích Tu Tập - Kinh Tạng
  • Truyện Các Vị Tăng Thần Dị - Kinh Tạng