Thiện Ác Nghiệp Báo

Chư Kinh Yếu Tập

Đường Đạo Thế tập

Bản Việt dịch của Thích Quảng An

***

XIII. BÁO ÂN

Gồm bốn phần: Dẫn nhập, Báo ân, Vong ân, Kệ tụng kết khuyến.

XIII.1. Lời dẫn

[67c] Tam bảo có ân rất lớn đối với chúng sinh. Đức Phật là bậc cha lành của bốn loại, giáo hóa rộng khắp mười phương, bình đẳng xem tất cả như con một. Người căn cơ dù kém đến đâu cũng được thấm nhuần; kẻ trí thông lợi cỡ nào vẫn mong dạy dỗ. Vì thế, vua Ưu-điềm tạc tượng chiên-đàn, tượng phóng quang rực rỡ; vua Ba-tư-nặc đúc tượng bằng vàng, tượng rời tòa đi đến đỉnh lễ Phật.

Từ đó về sau, điềm lành nhiều lần ứng hiện, tiếng tốt đồn xa, người người qui hướng. Niệm Phật thì tội diệt phúc sinh; kính Phật thì tâm lành nhiều đời chẳng mất. Nhân vì, Như Lai nuôi dưỡng pháp thân của ta; cha mẹ nuôi nấng nhục thân của ta, ân đức ấy đã sâu, lại cao vời khó báo. Như vậy người trái nghịch với ân nặng, lẽ nào chẳng mãi chìm nổi trong bể khổ?

Thế nên, vợ ngầm bỏ thuốc độc hại chồng mà chồng nhờ đó được vua ban thưởng. Tiều phu phản bội hại gấu liền bị hiện báo rụng tay. Vì vậy, luận Trí độ nói: “Biết ơn là gốc của đại bi, là cửa ngõ đầu tiên để mở ra nghiệp lành, được người kính mến, tiếng tăm vang xa, chết được sinh lên cõi trời, rốt sau thành quả Phật. Người không biết ơn còn tệ hơn cả súc sinh”

XIII.2. Báo ân

Kinh Chính pháp niệm ghi: “Có bốn ân khó báo đáp: một là ân mẹ; hai là ân cha; ba là ân Như Lai; bốn là ân sư trưởng. Nếu có người nào cúng dường bốn hạng người trên thì phúc báo vô lượng, đời này được mọi người khen ngợi, về sau sẽ thành Phật”.

Kinh Đại bát-nhã ghi: “Nếu có người hỏi:

– Ai là người biết ân và báo ân?

Nên đáp ngay rằng:

– Phật là người biết ơn và báo ân.

Vì sao? Vì trong thế gian không ai biết ân và báo ân bằng Phật”.

Kinh Tăng nhất a-hàm ghi: “Bấy giờ, Đức Phật bảo các tì-kheo:

– Nếu có chúng sinh biết ân và báo ân thì dù ân nhỏ còn không quên huống gì ân lớn. [68a] Người ấy thật đáng kính. Hạng người như thế dẫu có cách Ta trăm nghìn do-tuần cũng như ở gần bên Ta, Ta thường khen ngợi. Nếu có chúng sinh không biết ân và báo ân thì ân lớn còn không nhớ huống gì ân nhỏ. Người ấy không thể gần Ta, Ta cũng không gần người ấy. Dẫu người ấy có đắp tăng-già-lê ở bên Ta, nhưng vẫn cách xa Ta. Thế nên, tì-kheo phải biết ân và báo ân, chớ học theo thói bội bạc”.

Kinh Xá-lợi-phất vấn ghi: “Đức Phật dạy:

– Đệ tử Phật tùy theo sức mình mà thực hiện việc báo ân không kể nhiều ít.

Văn-thù-sư-lợi bạch Phật:

– Vì sao Như Lai nói ân cha mẹ không thể không báo đáp, lại nói ân sư trưởng không thể tính lường, vậy ân nào lớn nhất?

Đức Phật dạy:

– Người tại gia phải thường ở bên cạnh hiếu dưỡng cha mẹ, chớ cho rằng ân sinh trưởng bằng ân thầy thế tục. Vì ân sinh dưỡng sâu nặng nên nói là lớn. Nếu theo thầy học thế gian, mở mang kiến thức thì đó là ân lớn thứ hai. Người xuất gia lìa bỏ nhà sinh tử của cha mẹ vào nhà Phật pháp, thụ nhận được giáo pháp vi diệu là nhờ công sức của thầy. Thầy chính là người nuôi lớn pháp thân của ta; đem tài sản công đức vun bồi tuệ mệnh của ta, nên ân ấy to lớn vô cùng, hơn cả ân sinh dưỡng”.

Kinh Trung ấm ghi: “Phật hỏi ngài Di-lặc:

– Ở châu Diêm-phù-đề[13] từ khi đứa bé sinh ra cho đến ba tuổi, người mẹ ẵm bồng cho bú hết bao nhiêu sữa?

Ngài Di-lặc đáp:

– Người châu Diêm-phù-đề bú hết một trăm tám mươi hộc sữa và khi còn trong bụng mẹ lấy hết bốn phần thức ăn của mẹ. Người châu Đông Phất-vu-đãi[14] từ khi sinh ra cho đến ba tuổi bú hết một nghìn tám trăm hộc sữa. Người châu Tây Câu-na-ni[15] từ khi sinh ra cho đến ba tuổi bú hết tám trăm tám hộc sữa. Vì ở châu Bắc Uất-đơn-việt[16] không có sữa, nên đứa bé châu này khi sinh ra được đặt ở đầu đường, người đi ngang cho mút ngón tay, trải qua bảy ngày thì đã lớn khôn.

Thân trung ấm của bốn châu đều hưởng thụ mùi trong gió mà sống”.

Kinh Nan báo nói: “Nếu có người vai trái cõng cha, vai phải mang mẹ, suốt cả nghìn năm, mặc cho cha mẹ tiểu tiện trên lưng, vẫn chưa đền hết công ơn cha mẹ”.

Kinh Tăng nhất a-hàm nói: “Công đức của người hiếu thuận, nuôi dưỡng cha mẹ sánh bằng công đức của vị bồ-tát Nhất Sinh Bổ Xứ”.

Lục độ tập kinh chép: “Xưa, bồ-tát là một người giàu có, của cải vô lượng, thường cung phụng tam bảo và có lòng thương xót chúng sinh.

Một hôm đi qua chợ, bồ-tát thấy một con ba ba bị bắt đem bán, động lòng trắc ẩn, bồ-tát bèn hỏi mua. Người bán ba ba biết bồ-tát có lòng từ bi nên nói thách:

– Giá một trăm vạn tiền.

Bồ-tát nói:

– Được, tôi mua.

Thế rồi, bồ-tát đem ba ba về nhà, thả xuống dòng sông. Nhìn nó bơi đi mà lòng bồ-tát vô cùng vui vẻ, phát thệ nguyện: ‘Mong cho những chúng sinh gặp nạn được an toàn như ngươi hôm nay’.

Phát nguyện lớn ấy xong, ngài được các Đức Phật khen ngợi.

Vào nửa đêm hôm sau, ba ba đến gặm vào cánh cửa nhà bồ-tát. Nghe tiếng lạ, bồ-tát bèn mở cửa ra xem thì thấy ba ba. Ba ba nói với bồ-tát:

– Tôi mang ơn của ngài nên được bảo toàn thân mạng mà nay không biết lấy gì để đền đáp. Là loài ở dưới nước, tôi biết được sự lên xuống của nước. Nạn hồng thủy sắp xảy ra, nó sẽ gây thiệt hại rất lớn. Mong ngài mau chuẩn bị thuyền, đến lúc ấy tôi sẽ đến đón.

[68b] Bồ-tát nói:

– Tốt lắm!

Sáng hôm sau, bồ-tát vào cung trình bày hết sự việc cho vua nghe. Vua cho rằng bồ-tát trước đây vốn nổi tiếng là người tốt nên tin lời bồ-tát. Liền đó, vua ra lệnh cho di dời từ chỗ thấp đến chỗ cao.

Nước dâng cao, ba ba bơi đến, nói với bồ-tát:

– Ngài hãy mau lên thuyền đi theo tôi sẽ được an toàn. Thuyền của bồ-tát liền theo sau ba ba.

Đi được một đoạn, thấy có con rắn bơi đến thuyền, bồ-tát nói:

– Hãy cứu con rắn.

Ba ba đáp:

– Vâng.

Đi thêm một đoạn, lại gặp một con cáo đang bị nước cuốn trôi, bồ-tát nói:

– Hãy cứu con cáo.

Ba ba cũng đáp:

– Vâng!

Tiến đến đoạn nữa lại gặp một người bị nước cuốn trôi, mặt mày tái nhợt, ngửa mặt lên trời luôn gọi cứu mạng.

Bồ-tát nói:

– Hãy vớt người ấy lên.

Ba ba trả lời:

– Đừng vớt! Người phàm tâm dối trá, ít giữ chữ tín, ưa chạy theo quyền thế, vong ân bội nghĩa, làm chuyện phản nghịch.

Bồ-tát nói:

– Loài vật ta còn cứu vớt, huống hồ là con người mà ta khinh rẻ thì sao gọi là nhân từ? Ta không thể nhẫn tâm!

Thế rồi, bồ-tát vớt người ấy lên. Ba ba nói:

– Rồi ngài sẽ hối hận!

Thuyền của bồ-tát đã đến được một nước an toàn. Ba ba bèn từ biệt và nói với bồ-tát:

– Ân nghĩa đã đền xong, tôi xin từ biệt.

Bồ-tát nói:

– Khi thành tựu được Như Lai, Vô Sở Trước, Chí Chân, Đẳng Chính Giác, ta sẽ độ ngươi.

Ba ba đáp:

– Vâng!

Ba ba đã cáo biệt, rắn và cáo cũng tạ từ, mỗi con đi mỗi đường.

Cáo đào một cái hang để ở, chợt nó phát hiện có một trăm cân vàng ròng của người xưa chôn cất. Nó vui vẻ nói:

– Ta sẽ lấy số vàng này dâng cho bồ-tát để đền ơn.

Nói rồi, cáo đi đến chỗ bồ-tát thưa:

– Tôi mang ơn ngài cứu giúp mà được bảo toàn thân mạng. Khi tôi đào hang để ở gặp được một trăm cân vàng. Hang này không phải gò mã, không phải là nhà. Cho nên số vàng này chẳng phải ăn trộm, cũng chẳng phải cướp giựt. Tôi xin thật lòng mang đến dâng lên hiền giả.

Bồ-tát suy nghĩ: ‘Ta không nhận thì cũng vất bỏ một cách vô ích, chi bằng tạm nhận rồi đem chia cho những người nghèo, cứu giúp họ, chẳng phải tốt lắm sao!’.

Ngài bèn nhận lấy số vàng ấy. Người được bồ-tát cứu thấy thế nói:

– Hãy chia cho tôi một nửa.

Bồ-tát bèn lấy mười cân vàng chia cho người ấy. Ông ta lại nói:

– Ngài đào mồ để ăn cắp vàng, tội này phải chết, vì sao không chia cho tôi một nửa? Tôi sẽ báo quan!

Bồ-tát nói:

– Ta muốn chia đều số vàng này cho những người nghèo khổ, ngươi muốn giành về cho mình, chẳng phải không công bằng sao?

Người kia đi báo quan. Bồ-tát bị bắt, ngài không biện bạch, chỉ hướng về tam bảo sám hối lỗi lầm của mình, ăn năn tự trách. Với lòng từ bi ngài nguyện: ‘Mong cho chúng sinh sớm lìa được tám nạn, không bị oán kết như tôi ngày nay’.

Rắn và cáo họp lại bàn:

– Làm thế nào để giải quyết việc này?

Rắn nói:

– Tôi sẽ đi cứu bồ-tát.

[68c] Nói rồi, nó liền ngậm một viên thuốc quý bò vào ngục, thấy bồ-tát thân thể tiều tụy, trong lòng đau xót, liền nói với bồ-tát:

– Nay tôi trao viên thuốc này, ngài hãy mang nó bên mình. Tôi tìm cách cắn vào ngón tay thái tử, chất độc của tôi là cực độc, không ai có thể giải được. Lúc đó, ngài trình lên vua và lấy viên thuốc này xin giải độc cho thái tử thì độc liền được giải và ngài nhờ đó được thoát nạn.

Bồ-tát im lặng làm theo lời của rắn.

Lúc bấy giờ, mạng sống của thái tử đang lâm vào tình huống nguy kịch, vua bèn ra lệnh:

– Nếu có ai trị được chất độc cho thái tử, ta sẽ phong làm thừa tướng và cùng ta cai trị đất nước.

Bồ-tát xin vua được trị độc cho thái tử, thái tử liền hoàn toàn bình phục. Vua rất vui mừng, hỏi duyên cớ. Bồ-tát kể hết sự việc cho vua nghe. Vua buồn bã tự trách:

– Ta thật ngu muội.

Sau đó, vua lệnh bắt người kia chém đầu, rồi ra lệnh ân xá cho tội nhân trong cả nước. Đúng như lời hứa, vua phong bồ-tát làm tướng quốc, cầm tay bồ-tát dắt vào cung, đàm luận Phật pháp. Từ đó, đất nước hưởng cảnh thái bình thịnh trị.

Đức Phật bảo các tì-kheo:

– Người giàu có lúc ấy nay là Ta. Vị vua của đất nước ấy là Di-lặc; ba ba là A-nan; cáo là Xá-lợi-phất; rắn chính là Mục-kiền-liên; người sắp chết đuối ấy là Đề-bà-đạt-đa.

Bồ-tát từ bi, trí tuệ thực hành bố thí ba-la-mật như thế”.

Luận Tân tì-bà-sa ghi: “Thuở xưa thời vua Ba-nị-sắc-ca nước Kiền-đà-la, có một hoàng môn[17] giám sát các việc trong nội cung. Một hôm, ông ra ngoại thành thấy bầy bò năm trăm con đang được đưa vào nội thành. Ông ta đến hỏi người lùa bò:

– Đây là loại bò gì?

– Đây là những con bò đang đưa đi thiến. Người lùa bò trả lời.

Người hoàng môn suy nghĩ: ‘Ta đời trước gây nghiệp ác, đời này mang thân hoàng môn. Nay ta nên xuất tiền cứu đàn bò gặp nạn này’.

Nghĩ rồi, ông đến hỏi giá của cả đàn bò và bỏ tiền cứu thoát chúng. Nhờ năng lực nghiệp thiện vừa làm, ngay đó ông trở lại thành người đàn ông hoàn thiện. Lòng vô cùng sung sướng, ông bèn trở về hoàng cung, đứng ngoài cửa hồi lâu rồi nhờ sứ vào thưa xin được gặp vua. Vua lấy làm lạ cho gọi ông vào và hỏi nguyên do. Vị hoàng môn kể lại đầu đuôi sự việc. Vua nghe kinh ngạc, vui mừng, ban tặng nhiều châu báu và cho ông làm quan lớn coi việc bên ngoài”.

XIII.3. Vong ân

Kinh Bách dụ ghi: “Thuở xưa, có một người phụ nữ hoang dâm vô độ, tính dục lẫy lừng, ghen ghét chồng mình. Bà thường nghĩ phương cách để làm hại chồng, tuy đã lập ra nhiều mưu kế nhưng không thành. Một hôm, bà biết chồng sẽ làm sứ giả đến nước láng giềng, nên đã âm thầm tính kế làm viên thuốc độc để hại. Bà nói dối chồng:

– Nay chàng làm sứ giả đi xa, sợ gặp phải khó khăn thiếu thốn, nên thiếp đã chuẩn bị năm trăm hoan hỷ hoàn[18] dùng làm lương thực để chàng mang theo. Khi chàng ra khỏi nước đến lãnh thổ của người, lúc đói thì có thể lấy lương thực ra dùng.

Tin theo lời vợ, người chồng khi vào đến địa phận nước khác, định dùng bữa, nhưng chưa kịp ăn thì trời đã sập tối nên phải dừng nghỉ qua đêm trong rừng. [69a] Vì sợ thú dữ, ông leo lên cây, bỏ quên hoan hỷ hoàn dưới gốc. Ngay đêm đó, có năm trăm tên giặc cướp được năm trăm con ngựa và báu vật của vua nước ấy cũng dừng nghỉ bên gốc cây của người đi sứ. Vì vội vàng tháo chạy nên tất cả đều đói khát, nay chợt gặp được hoan hỷ hoàn ở gốc cây, bọn giặc mỗi người lấy ăn một viên. Sau đó, thuốc độc phát tác, năm trăm tên giặc cùng một lúc chết ngay tại chỗ.

Bấy giờ, người ở trên cây đến sáng tỉnh dậy thấy bọn cướp chết ở dưới gốc cây, ông xuống giả lấy dao, tên đâm vào thây người chết, thâu lấy ngựa và của cải châu báu rồi đi đến vua nước ấy. Đúng lúc, vua nước ấy đem quân đuổi theo dấu của bọn cướp, giữa đường gặp người đi sứ, vua hỏi:

– Ngươi là người nước nào, ở đâu có được nhiều ngựa như thế?

Người đi sứ trả lời:

– Tôi là người nước kia, tình cờ ở trên đường gặp bọn giặc cướp nên đã ra tay trừ gian, năm trăm tên giặc đó nay đều chết chung một chỗ ở dưới gốc cây. Vì thế mà tôi có được ngựa, của cải châu báu, nay xin đem đến dâng trả cho bệ hạ. Nếu người không tin thì hãy đến xem nơi giặc đã bị giết chết.

Vị vua kia liền sai người thân tín đi xem thì thật đúng như lời người sứ nói. Vua vui mừng khen ngợi, cho là điều chưa từng có. Sau khi về cung, vua thưởng cho ông ta rất hậu và còn phong cho làm chủ một vùng. Các vị cựu thần của vua đều ghen ghét ông ta nên tâu:

– Người này từ xa đến, chưa tin dùng được, vì sao bệ hạ vội vàng sủng ái, hậu đãi quá mức, thậm chí còn ban chức lớn hơn những vị cựu thần?

Người đi sứ nghe được liền nói:

– Ai là người mạnh mẽ, hãy cùng ta thi đấu, xin mời ra chỗ đất trống so tài. Các vị cựu thần hoảng sợ không ai dám đối địch.

Về sau, ở trong một vùng hoang dã rộng lớn có con sư tử dữ chặn đường giết người, làm cản trở sự qua lại. Lúc đó, các vị cựu thần cùng nhau bàn bạc: ‘Ông ấy tự cho mình là người mạnh mẽ không ai địch nổi, nếu nay ông ta có thể giết sư tử kia trừ họa cho đất nước thì thật là một điều tốt đẹp’. Bàn xong, họ liền tâu vua. Vua nghe theo, lại ban cho người đi sứ đao gậy, sai đi giết sư tử.

Ông ta nhận sắc lệnh của vua, ý chí kiên cường đi đến chỗ sư tử. Sư tử thấy ông đến liền chồm dậy, rống lên rồi lao tới trước, ông sợ hãi liền leo lên cây. Sư tử há miệng ngẩng đầu nhìn lên. Ở trên cây, ông run sợ làm rơi dao trúng miệng sư tử, làm cho sư tử chết ngay tại chỗ. Ông ta vui mừng sung sướng đi đến tâu vua. Vua càng thêm quí trọng. Lúc này, mọi người trong nước đều kính phục và khen ngợi ông ta không một chút nghi ngờ”.

Chư kinh yếu tập ghi: “Có người vào rừng đốn củi nhưng không nhớ lối về, lại gặp trời mưa lớn, đến chiều vì bị đói rét và sợ trùng độc thú dữ làm hại nên người ấy trú trong hang đá. Trong hang ông gặp phải một con gấu rất lớn, người ấy hoảng hốt chạy ra ngoài. Con gấu liền nói:

– Ông chớ khiếp sợ, hang đá này thật ấm áp, hãy trú ngụ nơi đây!

Lúc ấy, trời mưa liên tiếp bảy ngày, gấu thường đem trái ngon nước ngọt cung cấp cho người ấy. Bảy ngày sau trời tạnh, gấu dẫn người ấy ra chỉ lối tắt cho về. Trước khi ông ấy đi, gấu dặn:

– Thân tôi đầy tội lỗi, nhiều người oán ghét, nếu có gặp người nào hỏi, chớ nói là ông đã gặp tôi.

Người ấy trả lời:

– Được!

Người ấy đi về phía trước thì gặp những người đi săn, họ hỏi ông:

– Ông từ đâu đến, có thấy con thú nào không?

Người ấy trả lời:

– Có thấy một con gấu lớn, nhưng nó có ân cứu mạng, tôi không thể chỉ cho các vị.

Những người đi săn nói:

– Ông là loài người, hãy đứng về phía của con người, sao lại tiếc một con gấu. Ông chỉ lạc đường một lần hôm nay, biết khi nào ông mới trở lại chỗ này? Ông hãy chỉ cho tôi, tôi sẽ chia cho ông nhiều hơn.

Người ấy xiêu lòng, dẫn thợ săn đến hang gấu. Thợ săn giết con gấu, chia cho ông ta phần nhiều, nhưng khi vừa đưa hai tay ra lấy thịt thì lập tức hai tay ông ta lìa khỏi thân. Người thợ săn hỏi:

Ông có tội gì thế?

Người ấy trả lời:

– Gấu này xem tôi như cha với con, thế mà nay tôi vong ân bội nghĩa, cho nên mới đưa đến quả báo này.

Người thợ săn nghe nói hoảng sợ không dám ăn thịt gấu, họ lại đem đến cúng dường cho chúng tăng. Trong đó có vị thượng tọa đã đắc A-la-hán bảo các vị hạ tọa:

– Đây là thịt của bồ-tát, tương lai ngài sẽ thành Phật, các vị chớ ăn thịt này.

Chư tăng bèn xây tháp cúng dường. Vua nghe việc đó liền ban sắc lệnh: “Người trong nước ta, nếu ai vong ân bội nghĩa thì bị đuổi ra khỏi nước”.

(Luận Tân-bà-sa ghi: “Khi ấy, vị thượng tọa quán sát biết đó là thịt của bồ-tát nên đã cùng nhau lấy gỗ hương thiêu nhục thân rồi gom xương còn lại để xây tháp lễ bái cúng dường, giống như thờ tháp Phật”).

Kinh Cửu sắc lộc ghi: “Thuở xưa, bồ-tát là một con nai có bộ lông chín màu, sừng nai trắng như tuyết. Con nai thường ra bờ sông ăn cỏ, uống nước và làm bạn với một con quạ. Một hôm, có một người bị nước cuốn trôi giữa dòng. Người ấy ngoi ngóp, ngóc đầu lên kêu cứu: ‘Hỡi tiên thần, thụ thần, chư thiên, long thần, sao không thương tôi!’. Nghe tiếng kêu, con nai liền bơi xuống sông cứu người ấy. Nai nói:

– Ông hãy ngồi lên lưng và nắm chặt hai sừng của tôi, tôi sẽ đưa ông lên bờ.

Sau khi được đưa lên bờ, người ấy đi quanh con nai ba vòng cúi đầu lạy tạ mà nói:

– Nay tôi xin làm kẻ hầu hạ, tùy ý ngài sai khiến như lấy nước, hái rau v.v..

Con nai nói:

– Thôi, không cần đâu! Từ nay, đường ai nấy đi. Nếu muốn đền ơn, tôi chỉ xin ông một điều là đừng nói cho ai biết tôi ở đây. Vì người ta thích da và sừng của tôi, nếu biết được chỗ của tôi, nhất định họ sẽ tìm giết.

Bấy giờ, hoàng hậu của vua nước ấy, đêm nằm mộng thấy có con nai chín màu, rồi bà giả bệnh nằm mãi không ngồi dậy. Thấy vậy, vua hỏi nguyên nhân, hoàng hậu tâu:

– Đêm qua thiếp nằm mộng thấy một con nai rất lạ, lông nó có chín màu, [69c] sừng nó trắng như tuyết; thiếp mong sao có thể lấy da nó làm nệm lót ngồi, lấy sừng nó làm cán cho cây quét bụi. Bệ hạ hãy tìm bắt nó cho thiếp. Nếu bệ hạ không tìm được chắc thiếp sẽ chết mất!

Nghe xong, vua thông báo cho cả nước biết, nếu ai tìm được con nai như vậy thì sẽ chia đất nước cho cùng cai trị và ban cho bát vàng đựng đầy hạt lúa bạc; bát bạc đựng đầy hạt lúa vàng.

Bấy giờ, người bị nước cuốn trôi nghe được tin ấy, vì muốn được giàu sang nên anh ta nghĩ: ‘Nai là loài vật, sống chết đâu có nghĩa gì’! Nghĩ vậy rồi, người ấy đến cung vua và tâu: ‘Tôi biết chỗ ở của con nai ấy’.

Nhà vua vui mừng nói: ‘Nếu ngươi lấy được da và sừng của nó đem về đây thì ta sẽ chia cho ngươi một nửa đất nước’. Vua nói lời ấy xong thì bỗng dưng mặt người ấy sinh mụn độc. Ông lại tâu:

– Đại vương! Con nai kia tuy là loài vật, nhưng nó có oai thần lớn. Bệ hạ nên cho nhiều binh lính cùng đi mới có thể bắt được nó.

Nghe lời người ấy, vua đích thân dẫn một đạo quân lớn đi thẳng đến bên bờ sông Hằng. Bấy giờ, con quạ đang đậu trên ngọn cây trông thấy binh lính nhà vua ồ ạt kéo đến, nó liền gọi nai: ‘Bạn ơi !Hãy tỉnh dậy mau! Quân lính nhà vua đã đến!’ Nai vẫn ngủ say, không hề biết. Thấy vậy, con quạ bay xuống mổ vào tai con nai, nai vừa tỉnh giấc, ngoái nhìn bốn phía thì thấy quân lính đã vây kín không còn đường thoát. Nai đi đến cạnh xe của vua, có vị đại thần đứng gần vua định bắn, nhưng nhà vua ngăn: ‘Đừng bắn! Con nai này trông rất lạ, chắc có lẽ đây là thiên thần!’.

Nai nói với vua:

– Đại vương chớ bắn tôi. Trước đây tôi có cứu sống một người trong nước của nhà vua.

Nói rồi nó lại quỳ xuống và hỏi nhà vua:

– Ai đã chỉ cho bệ hạ biết tôi ở đây?

Nhà vua chỉ sang người đứng bên cạnh xe và nói:

– Chính người mặt có đầy mụn độc kia đã dẫn ta đến đây.

Con nai ngước nhìn vào mặt người kia, nó nghẹn ngào rơi lệ, không sao cầm lại được và nói với nhà vua:

– Người kia trước đây bị nước cuốn trôi, tôi không tiếc thân mạng, liều mình xuống mang anh ta lên bờ. Khi chia tay người kia đã hứa không nói cho ai biết chỗ tôi ở. Người này chẳng biết báo ân, cứu người này không bằng vớt một khúc gỗ trôi sông.

Nhà vua nghe nai nói, lấy làm hổ thẹn mới mắng người kia:

– Ngươi chịu ơn cứu mạng của nai, vì sao lại trở lòng muốn làm hại? Nói rồi, vua liền hạ lệnh khắp cả nước:

– Nếu người nào đuổi bắt con nai này thì bị giết cả năm họ!

Từ đó, một bầy nai mấy nghìn con thường đến cư trú ở nước này, chúng chỉ ăn cỏ, uống nước mà không hề phá hoại lúa mạ. Nước ấy mưa hoà gió thuận, ngũ cốc được mùa, nhân dân không có bệnh dịch và thiên hạ an hưởng thái bình.

Phật nói với các tì-kheo:

– Con nai chín màu thuở đó nay chính là Ta. Con quạ là A-nan; nhà vua nước kia nay là vua Tịnh Phạn ; hoàng hậu của vua thuở đó nay là Tôn-đà-lợi; người bị nước cuốn trôi kia nay chính là Điều-đạt. Dù Ta có lòng tốt mà Điều-đạt[19] lại cố muốn hại Ta song vẫn không được toại nguyện”.

Kinh Tước vương ghi: “Thuở xưa, bồ-tát là một chim sẻ chúa, với tâm từ bi cứu độ tất cả chúng sinh. Có lần, vì cứu mạng chúng sinh mà bồ-tát bị thương.

Lúc ấy, có một con hổ chuyên ăn thịt các loài vật. Một hôm ăn thịt xong, răng nó bị mắc xương nên không ăn uống gì được, đói khát kéo dài sắp chết. Chim sẻ chúa thấy vậy bay vào miệng mổ gỡ xương giúp nó. Ngày nào chim sẻ chúa cũng bay vào miệng mổ gỡ xương cho hổ, nhưng cũng vì thế mà mỏ của chim sẻ chúa bị thương, không ăn được, thân thể gầy mòn.

[70a] Sau khi lấy xương ra, hổ được thoát chết, chim sẻ chúa bay lên cây nói cho hổ nghe lời Phật dạy: ‘Giết hại mạng sống là việc làm tàn bạo, tội ác ấy không tội nào lớn bằng!’.

Nghe tiếng khuyên bảo của chim sẻ chúa, hổ đùng đùng nổi giận và nói:

– Ngươi mới vừa thoát khỏi miệng của ta mà còn dám nhiều lời!

Thấy hổ không thể giáo hóa được, chim sẻ chúa liền bay xa.

Đức Phật dạy:

– Chim sẻ chúa thuở ấy nay chính là Ta, còn con hổ kia nay chính là Điều-đạt”.

Kinh Tạp bảo tạng ghi: “Bấy giờ, Đề-bà-đạt-đa luôn ôm lòng ác muốn hại Đức Phật, ông thuê năm trăm bà-la-môn giỏi bắn cung bắn Đức Phật. Khi giương cung thì những mũi tên bắn ra đều hóa thành các bông hoa. Năm trăm bà-la-môn thấy sự thần biến như thế đều rất sợ hãi, lập tức buông bỏ cung tên, lễ Phật sám hối. Đức Phật thuyết pháp, tất cả đều chứng được quả Tu-đà-hoàn.

Năm trăm bà-la-môn lại bạch Phật:

– Cúi xin Đức Thế Tôn cho phép chúng con được xuất gia học đạo.

Phật nói:

– Thiện lai tì-kheo!

Năm trăm bà-la-môn râu tóc tự rụng, pháp phục được đắp lên thân. Phật lại thuyết pháp cho họ, khiến tất cả đều chứng được quả A-la-hán.

Bấy giờ, các tì-kheo bạch Phật:

– Thần lực của Đức Thế Tôn thật là hiếm có, Đề-bà-đạt-đa luôn muốn hại Phật, nhưng Ngài thường khởi lòng từ đối với ông ta.

Đức Phật nói:

– Không chỉ đời này như thế. Vào thời quá khứ, trong nước Ba-la-nại có một vị chủ buôn tên là Bất Thức Ân. Một hôm, ông cùng với năm trăm người lái buôn vào biển tìm châu báu. Khi tìm được châu báu, trên đường trở về đến đoạn vực sâu nước xoáy, lại gặp la-sát dưới nước bắt giữ, nên thuyền không thể đi được. Mọi người đều rất sợ hãi đồng thanh kêu cứu:

– Thiên thần, địa thần, các thần mặt trời, thần mặt trăng, xin các ngài xót thương cứu giúp chúng tôi.

Lúc ấy, có một con rùa lớn, lưng nó rộng một dặm, nghe tiếng cầu cứu, sinh lòng thương xót liền đến chỗ thuyền, chở mọi người vào bờ.

Khi đến bờ, rùa nằm thiếp đi, Bất Thức Ân muốn lấy đá đập đầu giết rùa, thì mọi người đều can:

– Chúng ta nhờ ơn cứu nạn của rùa nên mới toàn mạng, nếu giết nó là điều không tốt, là kẻ vong ân.

Bất Thức Ân nói:

– Giải quyết cơn đói đang bức bách, ai còn nghĩ đến việc ân nghĩa.

Nói xong, anh ta liền giết rùa ăn thịt. Ngay trong đêm ấy bỗng có một bầy voi lớn kéo đến giày đạp chết hết cả bọn thương buôn.

Đức Phật bảo các tì-kheo:

– Con rùa lớn lúc ấy chính là thân Ta; Bất Thức Ân chính là Đề-bà-đạt-đa, còn năm trăm thương buôn chính là năm trăm bà-la-môn xuất gia đắc đạo ngày nay. Thuở xưa, ta cứu họ thoát hoạn nạn, bây giờ lại giúp họ thoát khỏi họa sinh tử”.

Phật thuyết kinh chiên-đàn thụ ghi: “Phật bảo A-nan:

– Hãy lắng nghe và lĩnh thụ. Lúc bấy giờ, trong nước Duy-da-li[20]có năm trăm người ra biển tìm châu báu, họ bỏ thuyền đi bộ trở về theo con đường tắt xuyên qua rừng sâu. Trời sụp tối, họ dừng nghỉ và dự định sáng đi sớm. [70b] Sáng đến, bốn trăm chín mươi chín người đều ra đi nhưng có một người vì ngủ say nên dậy trễ. Do đó lạc đoàn, lại gặp lúc trời mưa tuyết xóa mất lối đi. Người này khốn đốn trong rừng, gào khóc kêu trời.

Trong rừng có cây chiên-đàn hương rất lớn, vị thụ thần của cây này đến nói với người lạc đường: ‘Ngươi có thể lưu trú ở đây, ta sẽ cung cấp thức ăn đồ mặc cho ngươi, đợi đến mùa xuân thì có thể đi’.

Người lạc đường liền ở lại ba tháng. Một hôm, người lạc đường nói với thụ thần:

– Tôi nhờ ân của ngài nên mới bảo toàn được tính mạng, lại chưa có chút gì báo đáp, nhưng tôi còn song thân ở quê nhà nên muốn trở về, xin ngài chỉ giúp đường.

Thụ thần nói:

– Được.

Thần còn tặng cho người lạc đường một bình vàng, lại nói:

– Đi không bao xa sẽ trở về làng.

Người lạc đường sắp đi bèn hỏi thọ thần:

– Cây này có hương thơm thanh khiết, thật ít có ở đời, nay tôi sắp ra về, muốn được biết tên của nó.

Thụ thần nói:

– Anh chẳng nên hỏi làm gì.

Người lạc đường lại nói:

– Tôi nhờ cây này che chở trải qua ba tháng, nếu trở về quê nhà thì phải tuyên dương công ơn của cây này.

Thụ thần đáp:

– Cây này tên chiên-đàn, gốc rễ cành lá của nó đều chữa được nhiều bệnh, hương của nó bay xa. Đây là cây quí hiếm, nên nhiều người rất muốn được nó, xin ông đừng nói cho ai biết.

Người lạc đường trở về quê hương, họ hàng thân tộc đều rất vui mừng.

Sau đó không lâu, vua nước này mắc bệnh đau đầu, đã cầu cúng các thần đất, trời, non nước… nhưng bệnh không khỏi. Danh y xem bệnh nói: ‘Chỉ có cây chiên-đàn hương mới chữa khỏi bệnh cho bệ hạ’.

Nghe xong, vua liền sai người tìm khắp nhưng không có, vua lại ra lệnh trong nước nếu ai tìm được cây chiên-đàn hương thì sẽ được phong hầu và gả cho công chúa.

Bấy giờ, người lạc đường nghe vua ban thưởng hậu hỉ liền đến tâu: ‘Tôi biết chỗ có cây chiên-đàn hương’.

Vua liền ra lệnh cho thợ mộc cùng người lạc đường đốn cây đem về. Khi đến nơi vị quan thấy cây to cao sừng sững, cành lá sum suê, hoa quả rực rỡ hiếm thấy nên không nỡ chặt, song nếu không chặt thì trái lệnh vua, đang phân vân do dự chưa biết phải làm sao thì nghe từ không trung có tiếng của vị thụ thần nói:

– Hãy chặt đi, nhưng để gốc lại rồi lấy máu người bôi vào và lấy ruột gan đắp lên trên thì cây tự nhiên sẽ xanh tốt lại như cũ. Vị quan nghe thụ thần nói như vậy liền sai người chặt cây.

Trong lúc chặt, người lạc đường đứng bên tàng cây bỗng nhiên bị cành cây rơi xuống đè chết. Chặt xong, vị quan nói với mọi người:

– Lúc đầu thụ thần có nói nên lấy máu và gan ruột của người để tế cây, nhưng không biết phải lấy ai để thay thế. Nay người này đã chết luôn tiện dùng ông ta để tế.

Bàn xong, họ liền mổ thân người chết lấy máu và gan làm theo lời của vị thụ thần, cây liền xanh tốt như cũ.

Xe chở cây về nước, ngự y bào chế thuốc đem dâng vua, vua uống bệnh liền khỏi, khắp nước đều rất vui mừng. Vua ra lệnh cho dân chúng trong nước nếu có ai mắc bệnh đều được ban cho cây chiên-đàn hương để chữa trị. Thế là mọi bệnh đều khỏi, người người hân hoan hưởng cảnh thái bình.

[70c] Bấy giờ, ngài A-nan rời tòa đỉnh lễ Đức Phật thưa:

– Bạch Thế Tôn! Vì sao người ấy lại bội ân, thất hứa với vị thụ thần.

Phật đáp:

– Khi xưa, vào thời Đức Phật Duy-vệ[21], có ba cha con một nhà nọ; người cha trì trai giữ giới rất tinh tiến, người con lớn thường ra khoảng trống ở sân đốt hương cúng dường mười phương chư Phật, còn người con út ngu si chẳng biết tam bảo nên thấy anh đốt hương cúng dường liền lấy áo phủ lên trên. Người anh nói:

– Tội này rất nặng, sao em dám phạm?

Người em vì oán giận liền dọa lại người anh:

– Coi chừng, em chặt hai chân của anh đấy.

Người anh lại nghĩ: ‘Ta phải đánh chết người em này mới được’. Người cha nghe hai anh em cãi nhau nói:

– Hai con cải nhau làm cho cha đau đầu.

Người anh thưa:

– Con xin đem thân này làm thuốc chữa bệnh cho cha để cha được bình phục.

Lời nói không mất nên đời đời họ phải chịu tội: người em khởi lòng ác muốn chặt chân anh, nên quả báo về sau dẫn người đến chặt thân cây. Người anh muốn đánh chết em, nên nay làm thụ thần, quả đúng là do thân cây đánh chết người em. Vị quốc vương đau đầu ấy kiếp trước chính là phụ thân của người lạc đường, vì trước đây trì trai giữ giới nên nay được tôn quý. Lúc ấy ông ta nói: ‘Anh em cải nhau làm ta đau đầu’, nên quả báo về sau lại bị đau đầu. Mỗi người phải tự chuốc họa của mình”.

Phật bảo:

– Tội phúc báo ứng theo nhau như bóng với hình.

XIII.4. Kệ kết khuyến

Vòi vọi thay Đức Thế Tôn,

Từ bi cứu khổ làm đầu,

Tùy cơ chúng sinh ứng hiện,

Thương yêu, chăm sóc, vỗ về.

Chồn tặng vàng, rắn đưa thuốc,

Hoàng môn cứu trâu phúc hiện,

Người biết ân báo đáp đức,

Âm thầm cảm được phúc lành.

Vợ ác hạ độc hại chồng,

Vua ban tước vị oai quang,

Giặc cướp, ác thú tránh khỏi,

Lại được báo đáp nhiều năm.

Quên ân bội nghĩa nỡ đành,

Họa lai tai đến nguy thân,

Tham sang giàu có chặt cây,

Máu gan tế hiến cho thần.

    Xem thêm:

  • Kinh Bồ Tát Quở Trách Sắc Dục - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 26 – Dối Trá - Kinh Tạng
  • Kinh Ngài Ma Ha Ca Diếp Độ Bà Lão Nghèo - Kinh Tạng
  • Thiền Tông Vĩnh Gia Tập - Kinh Tạng
  • Kinh Nhân Duyên Xây Tháp Bồ Tát Hiến Thân Cho Hổ Đói - Kinh Tạng
  • Bích Nham Lục Của Thiền Sư Phật Quả Viên Ngộ – Thích Thanh Từ dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Phạm Võng 62 Tà Kiến - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 23 – Tứ Sinh - Kinh Tạng
  • Pháp Nghi Quỹ Tôn Thắng Phật Đỉnh Tu Du Già - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Phương Tiện Phật Báo Ân - Kinh Tạng
  • Kinh Bách Dụ – Thích Nữ Như Huyền dịch - Kinh Tạng
  • Du Già Tập Yếu Diệm Khẩu Thí Thực Duyên Khởi Từ A Nan - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 27 – Lười Biếng Và Kiêu Mạn - Kinh Tạng
  • Kinh Thiện Ác Nhơn Quả – Thích Trung Quán dịch - Kinh Tạng
  • Đại Đường Tây Vực Ký - Kinh Tạng
  • Ngữ Lục Của Thiền Sư Quân Châu Động Sơn Ngộ Bổn - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 14 – Tiểu Kinh Khổ Uẩn (Cùladukkhakkhanda sutta) - Kinh Tạng
  • Bích Nham Lục Của Thiền Sư Phật Quả Viên Ngộ – Thích Mãn Giác dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Pháp Cú – Tâm Minh Ngô Tằng Giao dịch - Kinh Tạng
  • Ngữ Lục Của Thiền Sư Thụy Châu Động Sơn Lương Giới - Kinh Tạng