1
2

KINH ĐĂNG CHỈ NHÂN DUYÊN

Đăng Chỉ Nhơn Duyên Kinh

Dao Tần Cưu Ma La Thập dịch

Bản Việt dịch (1) của Thích Nữ Tuệ Thành

Bản Việt dịch (2) của Thích Tâm Nhãn

***

Kinh Đăng Chỉ Nhân Duyên

Việt dịch: Thích Nữ Tuệ Thành

Nếu gieo một ít hạt giống thiện nơi ruộng phúc tốt thì sẽ được hưởng niềm vui cõi người cõi trời, về sau còn được quả Niết-bàn. Vì vậy, người trí phải siêng năng tu tập nghiệp thiện. Ruộng phước ấy, chính là Phật. Thân sáng rực như núi vàng ròng, có công đức và trí tuệ trang nghiêm. Ngài được đôi mắt hoàn hảo thấy rõ căn cơ của chúng sinh. Ngài là ngọn đèn sáng cho thế gian tối tăm, là thiện tri thức cho chúng sinh ngu si, đầy đủ công đức lành, danh tiếng vang khắp. Mâu-ni Thế Tôn là nơi nương tựa của chúng sinh. Thế nên, loài người và chư thiên nếu một lòng tu phúc thì đều được quả báo lành.

Thành Vương Xá ngày xưa được năm ngọn núi vây quanh, là đô thành của nước Ma-kiệt-đà, trung tâm của xứ Ngũ Thiên Trúc. Đường sá, ngõ phố trong thành rộng tương đương với các khu vườn trong cung đình; lại có lầu gác tráng lệ, phòng ốc lộng lẫy, mái hiên cao rộng sáng sủa, chung quanh có lan can. Lại có các hồ trong rừng rất đẹp, rất đáng ưa thích, nước hồ trong vắt, nóng lạnh điều hòa, thông các con sông để dẫn nước ra vào; cây cối rậm rạp, cành lá tốt tươi, hoa quả sum sê che khuất cả mặt trời mặt trăng. Mỗi khi gió thổi vào, thì rừng hoa phát ra mùi hương thơm ngát tuyệt diệu, rồi tỏa khắp trong thành. Những bậc thắng trí tu Phạm hạnh đều cho nơi đây vô cùng trang nghiêm kì đặc, có thể giúp tâm sinh hỉ lạc, nên từ xa đều tụ tập về.

Bấy giờ, chủ tòa thành này là vua A-xà-thế. Đạo đức của Vua vang khắp, xa gần đều qui hướng, lại dùng chính pháp trị nước, nên rất nhiều người tu thiện. Do đó, đất nước vững bền, nhân dân đông đúc, an vui, hạnh phúc. Lúc ấy, trong thành có một vị trưởng giả rất giàu có, kho lẫm tràn đầy như Tì-sa-môn[1], nhưng lại không có con trai nối dõi. Trưởng giả cúng tế thần linh, cầu xin con trai. Không lâu, vợ trưởng giả có thai, đủ mười tháng sinh ra một bé trai. Đứa bé này nhờ gieo trồng phúc đức ở kiếp trước, cho nên mới lọt lòng mẹ, một ngón tay của nó đã phát ra ánh sáng rực rỡ, chiếu sáng đến mười dặm. Vợ chồng trưởng giả rất vui, liền lập đại hội, tụ họp thân tộc và mời các thầy tướng đến đặt tên cho con. Vì có ánh sáng ở ngón tay đứa bé, nên đặt tên cho nó là Đăng Chỉ.

Những người trong hội thấy tướng lạ của đứa bé đều khen là việc chưa từng có! Khi ấy, trong hội có bà-la-môn Bà-tu, thuộc lòng bốn bộ Vệ-đà, nghe nhiều hiểu rộng, không có việc gì mà không biết, thấy dung mạo đứa bé và tướng khác lạ như vậy, nên ông mỉm cười nói: “Đứa bé này hoặc là Na-la-diên thiên[2], hoặc là Thích-đề-hoàn-nhân[3], Nhật thiên tử hoặc là những vị trời đức lớn hiện sinh đến đây vậy!” Cha mẹ đứa bé nghe thế, niềm vui của họ càng tăng gấp bội, liền mở một Đại hội bố thí, làm phúc bảy ngày, bảy đêm. Việc này được truyền nhau, cả nước đều nghe biết: “Trưởng giả sinh một đứa con phúc đức”. Tin lành đồn xa, thấu đến tai vua.

Bấy giờ, nhà vua nghe được việc này liền ban lệnh đưa đứa bé vào cung. Trưởng giả được lệnh, liền bồng con đến cửa cung. Gặp lúc vua đang mở yến tiệc, trỗi các loại âm nhạc, không có người bẩm báo, nên trưởng giả không được vào diện kiến vua. Lúc ấy ngón tay đứa bé phát ánh sáng, chiếu thẳng vào hoàng cung rồi đến thân vua cho đến tất cả cung điện, khiến cảnh vật nơi đây biến thành một màu vàng rực rỡ. Ánh sáng chiếu khắp hoàng cung, giống như nước lớn tuôn vào tràn ngập mọi vật. Thấy vậy, nhà vua lấy làm lạ mới hỏi: “Ánh sáng này từ đâu phát ra, bỗng nhiên chiếu vào cung ta? Chẳng lẽ đức Thế Tôn muốn giáo hóa chúng sinh nên đến cửa của ta? Lẽ nào một vị trời đức lớn, hoặc Thích-đề-hoàn-nhân, hay Nhật thiên tử[4], v.v…đến đây?

Thế là nhà vua sai người ra ngoài cửa xem xét. Người ấy thấy rồi, liền trở vào tâu:

– Vừa rồi đại vương cho đưa em bé vào cung, nay họ đang bồng nó đứng đợi ngoài cửa. Tay đứa bé này đang đặt trên vai nhũ mẫu, ngón tay nó phát ra ánh sáng chiếu thấu đến đây, nên mới có ánh sáng này.

Vua liền ra lệnh:

– Hãy mau đưa đứa bé vào!

Vừa thấy đứa bé, vua rất lấy làm lạ nên cầm tay và xem tướng mạo của nó. Sau khi nhìn kỹ, nhà vua nói:

– Lục sư ngoại đạo nói không có nhân quả, thật là dối trá! Nếu không có nhân quả thì làm sao có đứa bé như thế! Từ lúc mới sinh ra nó đã có dung mạo siêu tuyệt, ánh sáng từ ngón tay phát ra rực rỡ. Lấy việc này suy xét thì biết bọn ngoại đạo kia muốn khiến chúng sinh phải rơi vào đường ác! Chắc chắn đứa bé này chẳng phải từ trời Tự Tại hóa sinh cũng chẳng phải là thần thánh, tự nhiên sinh ra thì hẳn là nhờ phúc đức đời trước nên được quả báo thiện này. Như thế mới biết lời Phật chân thật, không hư dối! Đức Phật nói các loại nghiệp duyên là để kiến lập thế gian. Như tất cả chúng sinh tận mắt thấy báo ứng mà không tu phúc, thì thật là lạ thay!”.

Nhà vua lại nói:

– Hiện tại vẫn còn chưa biết rõ là ánh sáng của ngón tay này, có khi do mặt trời phát sinh. Nếu muốn kiểm nghiệm thì phải đợi đến nửa đêm.

Chiều tối, vua cho đặt đứa bé trên lưng voi đi trước, còn mình dẫn quần thần theo sau cùng vào trong vườn. Ánh sáng từ ngón tay của đứa bé phát ra khiến các nơi tối tăm đều sáng tỏ! Mọi người nhìn khắp vườn, thấy rõ chim, thú, hoa, quả không khác gì ban ngày.

Thấy thế, vua xúc động tán thán: “Những lời dạy của Phật sao mà chân thật và vi diệu đến thế! Hôm nay, ta sâu nhân quả, xem thường bọn Lục sư ngoại đạo sao mà ngu si mê muội! Thế nên, ta phải quý trọng Đức Phật gấp bội!

Khi ấy, Kì-vực liền thưa với vua:

– Trong khế kinh, Đức Phật dạy: “Do không thấy nghiệp mới có xan tham, nhờ thấy nghiệp nên vĩnh viễn trừ sạch san tham”. Nay thấy được phúc báo của Đăng Chỉ, thì dù cho nghèo khó cũng phải dốc hết tài sản ra để tu nghiệp thiện, huống gì là giàu sang mà không làm phúc!”. Trong lúc luận bàn, thì trời đã sáng, vua lại đưa Đăng Chỉ vào cung. Nhà vua vô cùng vui mừng, ban tặng cho trưởng giả nhiều trân bảo và cho phép về nhà.

Đăng Chỉ dần dần trưởng thành. Trưởng giả bèn tìm chọn một cô con gái của gia đình quyền quý như mình để cưới vợ cho con trai. Trưởng giả đã giàu có, lễ giáo vẹn toàn, gia đình hòa mục, tài sản ngày càng nhiều. Nhưng phàm ở đời có thịnh thì phải có suy, có hợp thì phải có tan. Một ngày nọ, hai vợ chồng trưởng giả cùng lúc qua đời. Giống như mặt trời lặn thì ánh sáng liền tắt, mặt trời mọc thì ánh sáng mặt trăng không hiển lộ; như củi đã thành tro tàn thì lửa mạnh cũng tắt, sức mạnh và sắc đẹp rồi cũng bị bệnh tật hủy hoại, tuổi trẻ rồi sẽ bị sự già nua tước đoạt, mạng sống quý trọng cũng sẽ bị cái chết mang đi.

Cha mẹ đã mất, phương kế sinh nhai cũng dần dần suy sụp. Đăng Chỉ từ nhỏ đến lớn quen sống trong gia đình giàu sang, nhàn nhã, không thông thạo gia nghiệp, lại thêm giao du với bạn xấu, buông thả tâm ý, mê đắm tửu sắc, tiêu tiền vô độ, tài sản trong kho không ai quản lí, nên cũng vơi dần, như mặt trăng đã tròn rồi lại khuyết.

Bấy giờ, theo luật pháp nước ấy, hàng năm tổ chức đại hội ở núi Ban-chu. Khi ấy, Đăng Chỉ phục sức rất xa hoa, đem theo kĩ nhạc, hết thảy đều uy nghiêm xinh đẹp, giống như hàng vương giả đến dự hội. Mọi người thấy Đăng Chỉ như thế đều cung kính và khen ngợi. Lúc đó, mọi người đại hội đều vui vẻ, cùng nhau uống rượu, hoan lạc thỏa thích, lại thêm chuông trống nổi vang, đàn ca cùng diễn, nhảy múa khắp hí trường, vui chơi tràn đồng nội. Âm thanh cuộc vui vang động khắp núi rừng.

Khi ấy, băng cướp sau núi thấy Đăng Chỉ đến dự đại hội chưa về, chúng đột nhập vào nhà Đăng Chỉ cướp hết tài sản. Chiều tối, Đăng Chỉ mới về, thấy tài sản đều bị cướp sạch, chỉ còn lại căn nhà trống thì đau buồn ngất xỉu trên đất. Người bên cạnh vẩy nước vào người, Đăng Chỉ mới tỉnh lại. Đăng Chỉ buồn bã khóc lóc, suy nghĩ: “Xưa kia, cha ta dùng nhiều phương kế tạo dựng gia nghiệp, vất vả mới tích tụ được tiền tài, bảo vật, kho tàng. Tài sản đó do cha ta làm ra, cha lại sinh được mỗi mình ta, mong mỏi có người giao phó gia nghiệp. Tại sao đến ta, ta không tiếp nối nghiệp cha, lại rong chơi, biếng nhác nên bị người lừa dối, chiếm đoạt. Tài sản của cha để lại chỉ trong chốc lát đã tiêu tan, kho lẫm trống không; gia súc tứ tán. Nhìn lại nhà cửa, chỉ còn mình ta, xâu chuỗi đeo trên người cho đến xe ngựa thì để đổi lấy thực phẩm và chi dùng vào những lúc cấp bách; nhưng tiêu xài hết số đó rồi thì phải làm sao?”.

Lúc này, ánh sáng ngón tay Đăng Chỉ cũng mất. Vợ Đăng Chỉ chán cảnh nghèo hèn nên bỏ đi, tôi tớ cũng trốn hết, họ hàng làng xóm cũng đoạn tuyệt. Những người vốn có giao tình thân thiết với Đăng Chỉ bây giờ lại như oán thù. Thấy Đăng Chỉ nghèo túng sợ đến cầu xin, vay mượn nên họ phẫn nộ trước. Vợ còn bỏ mình đi, huống nữa là người khác! Nên biết bần cùng giong như địa ngục. Nếu bần cùng thì sống cũng không khác gì chết ! Trước đã quen với cảnh giàu sang sung sướng, nay bỗng lâm phải cảnh cùng khốn, mất nơi nương tựa, không chỗ nhờ vả, lòng lo buồn sầu khổ như lửa đốt. Do đói khát bức bách, nên dung mạo Đăng Chỉ héo tàn, lộ vẻ tiều tụy, thân thể ốm gầy, hai mắt lõm sâu, xương khớp lộ rõ, da dẻ nhăn nheo, gân mạch bày ra, đầu tóc rối bù, tay chân khẳng khiu, da mặt tái xanh, toàn thân nứt nẻ. Lại không có quần áo, đến nỗi Đăng Chỉ phải đi nhặt những mảnh quần áo cũ rách trong đống rác bẩn rồi khâu vá lại để che thân.

Tuy vậy nhưng không đủ che kín tay chân, lại không có chiếu chăn, nên phải nằm ngồi trên rác bẩn. Những người thân thiết trước kia tuy gặp, nhưng không thể nhận ra Đăng Chỉ. Đăng Chỉ lang thang xin ăn qua khắp các con ngõ nhỏ, giống như quạ đói. Đến nổi Đăng Chỉ biết người ấy là bạn, đến xin ăn thì bị người canh cổng ngăn không cho vào. Đăng Chỉ thừa dịp lén vào, thì lại bị họ đuổi ra và làm nhục. Chủ nhà bước ra nhìn thấy đã không quan tâm mà còn đánh đập. Đăng Chỉ chỉ biết cúi đầu, khom lưng vái lạy xin tha tội. Chủ nhà khinh miệt, không thèm quay lại nhìn. Giả sử Đăng Chỉ có vào được nhà ai thì cũng bị xem thường, đã không nói chuyện, lại không mời ngồi, chỉ cho một ít thức ăn đồ uống ném vào trong chén, ăn không đủ no.

Bấy giờ theo tục lệ của nước ấy, khi cưới vợ, sinh con trai hoặc làm lễ thế phát đều mở hội thí thực. Đăng Chỉ vào trong hội, mong được một ít thức ăn thừa. Vì bị coi là thấp hèn nên Đăng Chỉ không được mời ngồi ăn lại còn bị xua đuổi, khẩn thiết cầu xin mới thí cho một ít thức ăn thừa dùng chung bát với bọn tôi tớ.

Khi ấy, Đăng Chỉ suy nghĩ: “Lạ thay! Lạ thay! Tại sao bỗng nhiên hôm nay ta lại nghèo hèn, cô độc như thế?”, rồi tự suy nghĩ: “Như ta hôm nay, tinh thần mê muội, tâm trí mờ mịt, không biết hiện tại vì hình hài này mà lại thụ thân. Ở đời chẳng phải ngẫu nhiên mà gặp cảnh nhọc nhằn, khổ đau. Giống như cây không hoa thì ong không tìm đến. Cỏ non gặp sương muối thì lá úa héo. Ao hồ khô cạn thì hồng nhạn không bơi lội. Rừng bị đốt thì hươu lộc không tìm đến. Như gặt hết lúa thì không có người đến nhặt mót. Hiện tại ta bần cùng khốn khổ mà nói đến quá khứ đã từng giàu sang thì chỉ là nói suông, ai tin điều đó? Thế gian nhiều người không biết ta, bởi vì ta nghèo khổ, không biết đi về đâu!

Giống như cánh đồng cỏ rộng lớn bị đốt cháy thì mọi người không an vui. Như cây khô không bóng mát thì không có người dừng nghỉ. Như lúa non bị sương muối hay mưa đá thì coi như bỏ đi, không thu thập được gì. Như rắn độc đến nhà thì mọi người đều tránh xa. Như thức ăn trộn thuốc độc thì không ai dám nếm. Như ngôi mộ hoang không người lui tới. Như nhà xí dầy dẫy phân dơ. Như kẻ giết người bị mọi người khinh ghét. Như lũ trộm, thường bị người nghi ngờ. Ta cũng như thế, đi đâu hay làm gì cũng bị người khinh chê, ngờ vực; gặp những việc có thể nói nhưng nói ra thì phạm lỗi.

Người nghèo, dù nói lời hay, người khác cũng cho là sai trái; nếu tạo nghiệp thiện, họ cũng cho là thấp hèn; làm việc nhanh nhẹn lại bị cho là khinh suất; nếu làm chậm chạp thì cho là muốn đòi giá cao. Giả sử có lời khen thì người bảo là dua nịnh; nếu không khen thì lại cho là phỉ báng, bảo người bần cùng này thường không có những lời tốt đẹp. Hoặc có chỉ dạy điều gì, họ lại bảo là giả dối, già mà gắng tỏ ra mình có hiểu biết. Người nghèo, nếu nói nhiều, thì bảo lắm lời; im lặng không nói thì cho là che giấu sự thật. Nếu ăn nói ngay thẳng thì bảo là thô lỗ; hoặc xin ý kiến của người thì gọi là nịnh hót. Nếu thường thân cận người thì bảo là mê hoặc dối trá; không thân cận thì nói là kiêu căng, xấc xược. Nếu thuận theo lời người thì bảo là dối lấy lòng người; không thuận theo ý người thì cho là tự chuyên.

Hoặc vâng theo ý người thì mắng là hèn hạ; không vâng theo thì bảo là nghèo khổ lại cho là ‘nghèo mà còn tự cao’. Nếu có chút phóng khoáng thì nói là ngu si, không biết kiềm chế, kiêng dè. Nếu ước thúc bản thân thì bảo liêm chính suông, dối cho mình ngay thẳng. Nếu vui đùa qua mức thì nói là dối gạt, giống như người cuồng. Nếu ưu sầu thống khổ thì bảo là có lòng hiểm ác mới không vui. Nếu nghe lời người ta nói mà còn thiếu sót, mình phê phán giải thích thì cho là người này muốn lấy ngu thay trí, thật quá xấu hổ! Nếu im lặng thì cho là ngu xuẩn, ương ngạnh, không hiểu biết đạo lí. Hoặc có chút nói đùa thì cho là không tin tội phúc. Hoặc có xin gì thì cho là không xứng đáng, chẳng biết liêm sỉ. Nếu không xin thì nói nay tuy không đòi hỏi gì, nhưng sau này muốn được nhiều hơn.

Nếu dẫn lời trong kinh sách thì cho là giả làm thông minh. Nếu nói lời thật thà thì chê là đần độn. Nếu nói đúng sự thật trước công chúng thì cho là nói càn. Nếu nói những lời chân chính với riêng ai thì cho là gièm pha. Nếu mặc y phục mới thì cho là vay mượn của người để làm đẹp, mà mặc y phục xấu rách thì nói là nghèo khổ, hèn hạ. Nếu ăn uống nhiều thì cho là đói khát tham ăn, mà ăn ít thì bảo đói rã ruột mà giả bộ thanh cao. Nếu giảng nói kinh luận thì cho là “hắn muốn bày chỗ biết của mình, để nêu điều dở của ta”; nhưng không nói kinh luận thì cho là ngu si, không hiểu biết, đáng sai đi chăn trâu. Nếu tự nói ra sự nghiệp xưa thì bảo là khoác lác, tự khen mình; nhưng im lặng thì cho là dòng dõi thấp hèn.

Những kẻ bần cùng thì ra vào, đi đứng, nói năng, cúi ngước đều sơ suất; còn người phú quí thì dù làm việc sai trái cũng được cho là không lầm lỗi, cử chỉ, ngôn luận, hành vi đều thích hợp. Kẻ bần cùng giống như Khởi thi quỷ[5], ai cũng khiếp sợ; như mắc phải chứng bệnh nan y không thể chữa trị; như ở trong cánh đồng hoang, hung hiểm, không có nước và cây cỏ. Người bần cùng như rớt xuống biển lớn, bị sóng lớn nhận chìm; như bị người bóp cổ không thở được; như trong mắt mờ không không thấy đường đi; như vấy nhiều cáu bẩn khó tẩy sạch; như kẻ thù, tuy cùng ở chung nhưng không thể bỏ được tâm oán ghét; như giếng khô nóng, người nào rơi vào thì ngộp thở; như bị lún sâu trong bùn không thể thoát ra được; như nước lũ từ núi tuôn xuống cuốn trôi và làm cây cối đổ gãy.

Người bần cùng cũng vậy, chịu lắm gian nan! Bần cùng lại hủy hoại nhan sắc, tuổi trẻ, sức khỏe, danh dự, gia đình, dòng họ, trí tuệ, trì giới, bố thí, tàm quý, nhân nghĩa, tín hạnh, dũng vũ, ý chí, v.v… Bần cùng có thể làm cho con người đói rét, oán thù, ganh ghét, khinh suất, nóng nảy, hẹp hòi, lo phiền, ác độc, nghi ngờ, phạm tội v.v… Các khổ như thế đều do bần cùng mà sinh ra. Giống như Phục tạng[6] cất chứa nhiều vật, trong Phục tạng nghèo có nhiều nỗi khổ não của thân tâm. Người giàu sang thì có uy đức lớn, dáng vẻ thảnh thơi, tâm lượng rộng lớn, đầy đủ lễ nghĩa, trí mưu dũng lược, gia nghiệp hưng thịnh, quyến thuộc hòa mục, tiếng tốt vang xa.

Đăng Chỉ suy nghĩ: “Ta nay bần cùng nguy khốn, thế gian ít có ai khổ như ta. Ta muốn chết đi nhưng không thể tự vẫn, vậy phải làm thế nào để sống qua ngày?”. Đăng Chỉ lại nghĩ: “Nghề mà thế gian khinh bỉ nhất không gì hơn là vác xác chết. Nghề này tuy bẩn thỉu, nhưng không tạo nghiệp khổ ở đời sau. Nếu làm nghề khác, như phải sát sinh, thì sẽ tạo các nghiệp ác. Dop đó, ta chấp nhận làm việc này!”.

Khi ấy, có người nghe được lời này của Đăng Chỉ, liền mướn Đăng Chỉ vác xác chết. Đăng Chỉ nhận tiền công rồi vác xác chết theo lời người ấy ra đến nghĩa địa. Đến nơi, Đăng Chỉ định ném xuống nhưng xác chết khi ấy vội ôm chặt lấy Đăng Chỉ giống như đứa bé ôm cha mẹ nó, ghì chặt không chịu buông ra. Đăng Chỉ cố sức gỡ, nhưng vẫn không được. Xác chết bám dính vào lưng Đăng Chỉ giống như keo, không cách nào thoát được, gạt đẩy đều không rời. Đăng Chỉ hoảng sợ, nghĩ: “Nay ta cứ vác xác chết trên lưng như thế này thì sẽ sống ở đâu?”. Đăng Chỉ liền đi đến xóm Chiên-đà-la và nói với họ: “Ai có thể gỡ bỏ được xác chết trên lưng tôi, tôi sẽ báo đáp trọng hậu!” Những Chiên-đà-la cùng ráng hết sức kéo gỡ xác chết, nhưng không được. Những người khác thấy thế, mắng Đăng Chỉ: “Kẻ điên kia! Làm gì mà vác xác chết vào xóm người?”. Thế rồi họ tranh nhau đánh đập và ném đá vào Đăng Chỉ. Đăng Chỉ bị thương tích đầy người, vừa sợ hãi, vừa đau đớn cùng cực!

Có người thương xót, dẫn Đăng Chỉ đến một tòa thành nọ. Nhưng vừa đi đến cổng thành, thì bị người canh cửa chặn lại đánh, không cho Đăng Chỉ đến gần cổng, còn mắng: “Kẻ ngu si này, sao lại muốn vác thây chết vào thành?”. Đăng Chỉ thấy thân thể mình bị đánh đập, đá ném thương tích đầy người, quá đau khổ, bậc khóc lớn, kể lể: “Vì miếng ăn mà tôi làm nghề hạ tiện này. Nay bỗng nhiên lại gặp nạn khổ lớn. Tôi bần cùng khốn khổ, không chọn được việc làm nên mới làm nghề hèn kém này, mong được ít tiền để nuôi thân. Sao trong chốc lát lại mắc khổ nạn này? Thà làm việc khác mà chết, chứ không vác thây chết mà sống!”.

Đăng Chỉ vừa khóc vừa kể. Người giữ cửa thương xót, thả cho về nhà. Về đến căn nhà trống không của mình, nơi mà trước đó Đăng Chỉ đã cùng với những người nghèo khổ xin ăn chung sống. Bây giờ từ xa họ thấy xác chết trên lưng Đăng Chỉ thì đều bỏ đi. Đăng Chỉ vào nhà thì xác chết tự rơi xuống đất.

Bấy giờ, Đăng Chỉ càng thêm sợ hãi, bất tỉnh té xuống đất, hồi lâu tỉnh lại, thì thấy ngón tay xác chết đều là vàng. Tuy còn sợ hãi nhưng thấy vàng, Đăng Chỉ liền đến nhìn kĩ rồi dùng dao cắt thử thì đúng là vàng thật! Được vàng, Đăng Chỉ vui mừng, cắt đầu, cổ, tay, chân của xác chết, nhưng khi cắt xong thì nó mọc trở lại. Đăng Chỉ vẫn cứ cắt, chỉ trong thời gian ngắn mà số đầu, tay, chân bằng vàng chất cao hơn con người. Khi ấy, Đăng Chỉ giống như vương giả mất nước giờ được trở lại ngôi vị, như người mù được sáng, như lau ngày tưởng nhớ người thương bây giờ được cùng nhau vui vẻ, như người tu thiền hoát nhiên chứng đạo. Đăng Chỉ vui mừng cũng y như vậy. Bấy giờ kho lẫm chất đầy trân bảo, gấp nhiều lần hơn xưa; uy đức, danh dự của Đăng Chỉ còn hơn ngày trước; thân thuộc, bạn bè, vợ con, tôi tớ đều quay về.

Đăng Chỉ than: “Ôi, lạ lùng thay! Giàu sang có năng lực mạnh khiến mọi người quay về cực nhanh! Ôi, kì lạ thay! Nghèo khổ cũng có năng lực mạnh khiến thân thuộc bỏ ta cực nhanh! Trước đây ta nghèo khổ, những người thân thiết tuyệt giao, không ai muốn nói chuyện với ta! Bây giờ tất cả đều ngưỡng mộ vâng theo, chắp tay cung kính ta! Dẫu được nơi sinh như Đế Thích, dũng lực như La-ma[7], hiểu biết như Thiên sư, nhưng nếu không có của cải, tiền bạc thì cũng không có một chút giá trị nào! Người giàu có thì bất luận ngu trí đều cho là người tốt, dù sự thật họ không hiểu biết gì nhưng vẫn được người cho là trí, là uy dũng, có danh tiếng tốt. Tuy họ xấu xí, già nua suy nhược, nhưng cũng vẫn được những phụ nữ trẻ ưa thích gần gũi!”

Vua A-xà-thế nghe chuyện Đăng Chỉ giàu có trở lại, liền sai người đến lấy của báu ấy. Nhưng khi họ chuyển của báu đi thì nó lại biến thành xác chết, ném lại vào nhà thì thấy toàn là vàng. Đăng Chỉ biết vua muốn được của báu này nên lấy đầu, tay và chân bằng vàng dâng lên vua. Vua được vàng liền chở về cung.

Sau đó, Đăng Chỉ suy gẫm, nói kệ:

Ngũ dục rất loạn động

Như ánh chớp, nọc rắn!

Giàu sang chẳng bền lâu.

Nên sinh tâm chán ghét!

Đăng Chỉ đem trân bảo bố thí cho mọi người, rồi nương pháp Phật, xuất gia cầu đạo, tinh tấn tu tập, chứng quả vị A-la-hán. Tuy được đạo quả mà thây quí báu này vẫn luôn theo ông.

Bấy giờ, các tì-kheo hỏi Phật:

– Tì-kheo Đăng Chỉ nhờ nhân duyên gì mà từ lúc mới sinh đã có ánh sáng ở ngón tay? Vì nhân duyên gì ông ấy phải chịu bần cùng khốn khổ, lại nhờ nhân duyên gì mà thây quí báu thường theo ông?

Đức Phật dạy:

– Này các tì-kheo, hãy chí tâm lắng nghe! Ta sẽ nói nhân duyên đời trước của tì-kheo Đăng Chỉ cho các ông biết! Đó là vào thời quá khứ xa xưa, tì-kheo Đăng Chỉ sinh ra trong một gia đình trưởng giả rất giàu có ở Ba-la-nại. Lúc còn nhỏ, có lần ngồi xe ra ngoài vui chơi. Do về muộn, các cửa ra vào đã đóng chặt, đứa trẻ gọi to nhưng không có ai ra mở cửa. Rất lâu người mẹ mới ra mở cửa cho con vào. Đứa trẻ tức giận, mắng mẹ: “Cả nhà đi vác thây chết hay bị giặc cướp bắt hết rồi sao mà không có ai ra mở cửa cho tôi vậy?”. Vì nhân duyên này mà sau khi chết Đăng Chỉ bị đọa địa ngục. Sau khi ra khỏi địa ngục sinh trở lại làm người, nhưng vì dư báo, nên mới bị bần cùng khốn khổ như thế”.

Về nhân duyên ánh sáng ở ngón tay và thây quí báu, ta sẽ lần lượt kể cho các ông: Cũng vào thời quá khứ cách đây chín mươi mốt kiếp, có Đức Phật hiệu là Tì-bà-thi xuất hiện ở đời. Sau khi đức Phật này nhập niết-bàn, giáo pháp của Ngài vẫn còn lưu hành ở đời. Đăng Chỉ khi ấy là một đại trưởng giả rất giàu có, thường đến chùa tháp lễ bái cung kính, thấy ngón tay của pho tượng Phật bằng đất sét bị vỡ, Đăng Chỉ liền tu sửa, rồi dát vàng ngón tay ấy. Tu bổ xong, Đăng Chỉ phát nguyện: ‘Con nguyện dùng công đức mang hương hoa, trỗi âm nhạc cúng dường và tu sửa tượng Phật này cầu sinh vào loài người và chư thiên. Tại đây luôn được giàu sang. Giả như bị mất những thứ ấy thì cũng tìm lại được và sẽ khiến cho con được ở trong pháp Phật xuất gia đắc đạo!’. Đăng Chỉ nhờ tu bổ ngón tay Phật cho nên được ánh sáng ở ngón tay và thây chết bằng vàng; vì nói lời ác nên đọa địa ngục xong thì chịu quả báo bần cùng”.

Khi Phật thuyết kinh Nhân duyên Đăng Chỉ, chư thiên rải hoa trời, trỗi nhạc trời cúng dường. Cúng dường xong, họ trở về cung trời.

Nhờ gieo trồng một ít nhân duyên phúc đức nơi hình tượng Phật nên được phúc báo. Ngay cả cúng dường tượng Phật niết-bàn mà còn được phúc báo như thế, huống nữa là cúng dường pháp thân Như Lai? Nếu siêng năng tu tập theo giáo pháp Phật thì được công đức vô lượng. Nếu muốn sinh ở cõi người và cõi trời hưởng thụ cuộc sống sung sướng thì nên chí tâm nghe pháp! Vì nhân duyên nói lời ác sẽ bị khổ báo cùng cực. Các ông cũng`nên sợ các thứ khổ mà xa lìa lời ác và các nghiệp bất thiện. Từ đó xét biết, tất cả phú quý vinh hoa ở đời không đáng để tham đắm; đối với sự tôn quí ở cõi người hay cõi trời cũng không nên vui mừng. Phải biết bần cùng là nơi các khổ lớn tụ tập, muốn dứt bần cùng thì không nên xan tham. Vì thế, trong kinh nói bần cùng là nỗi khổ lớn vậy!

Chú thích:

[1] Tì-sa-môn 毘沙門: Tên của vị thiên vương phương bắc, là một trong bốn đại thiên vương.

[2] Na-la-diên thiên那羅延天: Na-la-diên, Phạm và Pàli: Nàràyaịa. Cũng gọi Na-la-diên-na thiên, Na-la-dã-noa thiên. Hán dịch: Kiên cố lực sĩ, Kim cương lực sĩ, Câu tỏa lực sĩ, Nhân trung lực sĩ, Nhân sinh bản thiên. Vị thần có sức rất mạnh trong thần thoại Ấn-độ cổ đại.

[3] Thích-đề-hoàn-nhân釋提桓因: Còn gọi là Thiên Đế Thích, gọi tắt là Đế Thích (làm chủ cõi trời Đao-lợi).

[4] Nhật thiên日天子: Cũng gọi Nhật thiên, Nhật thần. Tên của đấng Tạo hóa trong thần thoại Ấn độ, cũng là tên khác của thần Mặt trời (Phạm: Sùrya, Hán âm: Tô lợi da). Sau khi được đưa vào Mật giáo, Nhật thiên trở thành một trong mười hai vị trời, tức là Đại Nhật Như lai trụ trong Phật Nhật tam muội, vì lợi ích của chúng sinh mà tùy duyên xuất hiện nơi đời, khi phá các tối tăm thì tâm bồ-đề tự nhiên hiển bày, giống như mặt trời chiếu soi hết thảy chúng sinh, cho nên gọi là Nhật thiên.

[5] Khởi thi quỷ起尸鬼: Tên một loài quỉ. Ở Ấn-độ thời xưa, có pháp chú gọi là Tì-đà-la, khi tụng pháp chú này có thể khiến xác chết đứng dậy đi giết người.

[6] Phục tạng伏藏: Nơi chôn giấu báu vật trong lòng đất. Từ xưa, các chùa viện lớn ở Ấn độ, Nhật bản đều có thiết trí Phục tạng để cất giữ vàng bạc, trân bảo và kinh điển. Ở Tây tạng, người ta cũng từng đào được kinh sách của Phật giáo đời xưa.

[7] La-ma羅摩: Phạm, Ràma. La-ma: Nhân vật chính trong thiên Anh hùng ca La-ma-da-na (Phạm: Ràmàyaịa) của Ấn Độ thời xưa.

    Xem thêm:

  • Kinh Diệu Pháp Liên Hoa – Thích Minh Định dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Duy Ma Cật Sở Thuyết – Thích Huệ Hưng dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Diệu Pháp Liên Hoa – Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Duy Ma Cật Sở Thuyết – HT Thích Duy Lực dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Hiền Nhân - Kinh Tạng
  • Kinh Nhân Duyên Của Thái Tử Phước Lực - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích tập 8 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa tập 19 - Kinh Tạng
  • Kinh Hoa Chánh Pháp - Kinh Tạng
  • Kinh Vị Tằng Hữu Thuyết Nhân Duyên - Kinh Tạng
  • Kinh Những Điều Trái Nghịch Của Ma - Kinh Tạng
  • Kinh Diệu Pháp Liên Hoa – Thích Trí Quang dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Thiêm Phẩm Diệu Pháp Liên Hoa - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 18 – Chọn Bạn Kết Giao - Kinh Tạng
  • Những Nghi Vấn Về Pháp Môn Tịnh Độ - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích tập 9 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích tập 7 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Bích Nham Lục Của Thiền Sư Phật Quả Viên Ngộ – Thích Thanh Từ dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích tập 5 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Tăng Nhất A-Hàm Tập 3 – HT Thích Thanh Từ dịch - Kinh Tạng