Kinh Thí Dụ

Đường Nghĩa Tịnh dịch

Bản Việt dịch của Nguyên Thuận

***

Tôi nghe như vầy:

Một thuở nọ, Đức Phật ở tại vườn Kỳ Thụ Cấp Cô Độc trong thành Xá-vệ. Khi ấy Thế Tôn ở giữa đại chúng mà bảo vua Ba-tư-nặc rằng:

“Này đại vương! Ta nay sẽ vì bệ hạ mà lược nói một thí dụ về sự tham đắm hương vị, tạo lỗi lầm, và gặp hoạn nạn của chúng sanh ở chốn sanh tử. Nay đại vương hãy lắng nghe và khéo tư duy.

Vô lượng kiếp vào thuở quá khứ, có một người đi vào nơi hoang dã và bị một con voi hung dữ rượt đuổi. Gã hoảng sợ chạy bạt mạng và không có chỗ lánh thân. Bất chợt kẻ đó thấy một cái giếng khô và cạnh giếng có một rễ cây thòng xuống. Và thế là hắn liền bám rễ cây leo xuống và đu tòn ten trốn trong giếng.

Lúc ấy có hai con chuột, một trắng một đen, cùng nhau gậm nhấm rễ cây ở phía trên. Ở xung quanh giếng có bốn con rắn độc muốn cắn kẻ kia, còn ở bên dưới thì có một con rồng độc. Trong lòng của hắn kinh hoàng bởi rắn với rồng, và lo sợ rễ cây sẽ bị đứt. Thế nhưng ở trên chùm rễ cây còn có tổ ong mật và lúc đó có năm giọt mật rơi vào trong miệng người ấy. Khi cây dao động, đám ong bay xuống chích hắn. Lại còn có những bụi lửa hoang cứ lăn đến thiêu đốt gốc cây kia.”

Nhà vua thưa:

“Thưa Thế Tôn! Sao người này đang chịu vô lượng khổ ách mà còn tham đắm chút hương vị kia?”

Lúc bấy giờ Thế Tôn dạy rằng:

“Này đại vương! -Nơi hoang dã dụ cho đêm dài dằng dặc của vô minh. -Kẻ chạy trốn dụ cho phàm phu. -Con voi dụ cho vô thường. -Cái giếng dụ cho bờ sanh tử nguy hiểm. -Rễ cây dụ cho tánh mạng. -Hai con chuột, một trắng một đen, dụ cho ngày và đêm. -Sự gậm nhấm rễ cây dụ cho từng niệm suy diệt. -Bốn con rắn độc dụ cho tứ đại. -Năm giọt mật dụ cho ngũ dục. -Con ong dụ cho tà niệm. -Lửa dụ cho già, bệnh. -Rồng độc dụ cho cái chết.

Cho nên, đại vương! Phải biết rằng sanh lão bệnh tử thật quả là đáng sợ. Bệ hạ hãy luôn tư duy ý niệm của mình, chớ để bị ngũ dục bức bách và nuốt chửng.”

Lúc bấy giờ Thế Tôn dùng kệ tuyên lại rằng:

“Hoang dã dụ vô minh

Kẻ chạy dụ phàm phu

Con voi dụ vô thường

Giếng dụ bờ sanh tử

Rễ cây dụ tánh mạng

Hai chuột dụ ngày đêm

Gậm rễ dụ niệm diệt

Bốn rắn dụ tứ đại

Giọt mật dụ ngũ dục

Con ong dụ tà niệm

Lửa hoang dụ già bệnh

Rồng độc dụ cái chết

Người trí quán việc này

Chán vô thường sanh tử

Ngũ dục tâm không dính Mới là người giải thoát

Trú ở biển vô minh Luôn bị tử thần rượt Tham luyến sắc thanh hương Nên gọi là phàm phu”

Khi nghe Phật giảng về các sự hoạn nạn của sanh tử, vua Ba-tư-nặc được điều chưa từng có và sanh tâm nhàm chán sinh tử vô cùng. Sau đó ngài chắp tay cung kính, nhất tâm chiêm ngưỡng, rồi bạch Phật rằng:

“Bạch Thế Tôn! Như Lai với lòng đại từ nên đã thuyết Pháp nghĩa vi diệu như vậy, con nay xin đảnh thọ.”

Đức Phật bảo: “Lành thay, lành thay! Đại vương hãy như thuyết tu hành và chớ buông lung.”

Lúc đó vua Ba-tư-nặc cùng các đại chúng thảy đều hoan hỷ và tín thọ phụng hành.

    Xem thêm:

  • Kinh Bách Dụ – Nguyên Thuận dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 122 – Kinh Ðại Không (Mahàsunnata sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Pháp Cú – Nguyên Thuận dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Pháp Cú – Tâm Minh Ngô Tằng Giao dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Pháp Tập Yếu Tụng - Kinh Tạng
  • Kinh Trường Bộ 34 – Kinh Thập Thượng (Dasuttara Sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Từ Thị Bồ Tát Hạ Sanh Thành Phật - Kinh Tạng
  • Kinh Năm Giới Tướng Của Ưu Bà Tắc - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Phật Mẫu Xuất Sinh Tam Pháp Tạng Bát Nhã Ba La Mật Đa - Kinh Tạng
  • Kinh Trường A-Hàm Phần 2 – HT Thích Tuệ Sĩ dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Bảy Giấc Mộng Của A Nan – Huyền Thanh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích tập 4 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 16 – Kinh Tâm Hoang Vu (Cetokhila sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Xưng Tán Tịnh Độ Phật Nhiếp Thọ - Kinh Tạng
  • Kinh Tăng Chi Bộ Chương 9 – Chín Pháp - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa tập 23 - Kinh Tạng
  • Kinh Bi Hoa – Thích Nữ Tâm Thường dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Thừa Lí Thú Lục Ba La Mật Đa - Kinh Tạng
  • Truyện Các Vị Tăng Thần Dị - Kinh Tạng
  • Kinh Diệu Pháp Liên Hoa – Nguyên Thuận dịch - Kinh Tạng