Kinh Từ Thị Bồ Tát Hạ Sanh Thành Phật

Phật Thuyết Di Lặc Hạ Sanh Thành Phật Kinh

Hậu Tần Cưu Ma La Thập dịch

Bản Việt dịch của Nguyên Thuận

***

Đại trí Xá-lợi Tử có thể theo Phật chuyển Pháp luân, là vị đại tướng trong Phật Pháp.

Bởi lòng thương xót chúng sanh nên ngài bạch Phật rằng:

“Bạch Thế Tôn! Như Phật đã giảng qua trong các Kinh trước đây, Đức Từ Thị sẽ hạ sanh thành Phật. Con nay muốn nghe tường tận về công đức thần lực và quốc độ trang nghiêm của ngài. Chúng sanh phải bố thí, trì giới, và tu trí tuệ như thế nào mới thấy được Đức Từ Thị?”

Lúc bấy giờ Phật bảo ngài Xá-lợi Tử:

“Ta nay sẽ nói tường tận cho ông. Ông hãy nhất tâm lắng nghe.

Này Xá-lợi Tử! Khi nước của bốn biển lớn giảm bớt 3.000 do-tuần, lúc ấy đất đai ở châu Thắng Kim sẽ dài 10.000 do-tuần, rộng 8.000 do-tuần, và bằng phẳng như gương. Ở trên đất có đầy khắp hoa xinh đẹp và cỏ mềm mại. Có muôn loại cây cối và hoa quả của chúng rất xum xuê. Những cây đó đều cao 30 dặm.

Các thành ấp gần kề và chỉ cách bằng một chuyến bay của con gà. Loài người sống đến 84.000 năm. Họ có uy đức cùng trí tuệ, sắc lực dồi dào, và sống vui sướng an nhàn.

Duy chỉ có ba bệnh:

1. cần phải đại tiểu tiện

2. cần phải ăn uống

3. phải bị già yếu

Khi người nữ được 500 tuổi thì họ mới xuất giá.

Lúc đó sẽ có một đại thành đoan nghiêm thù diệu và thanh tịnh trang nghiêm, tên là Diệu Tràng Tướng, dài 12 do-tuần, rộng 7 do-tuần, và ở trong đó có đầy khắp những người phước đức. Do phước đức của họ nên cuộc sống an bình thịnh vượng. Thành đó làm bằng bảy báu. Ở trên có những lầu các; cánh cửa, mái hiên, và khung cửa sổ đều làm bằng châu báu. Có màn lưới trân châu phủ trùm ở trên. Những con đường ở ngã tư có chiều rộng là 12 dặm, được rưới nước và quét dọn sạch sẽ.

Lúc đó sẽ xuất hiện một vị đại lực long vương tên là Thủy Quang. Gần cạnh bên thành có một cái hồ và cung điện của long vương ở trong hồ đó. Vào giữa đêm khuya, long vương thường mưa xuống hơi nước để phun trên đất bụi cho đến khi đất ấy thấm ướt tựa như dầu. Những người nào đi trên đó đều chẳng dính bụi bặm.

Do phước đức của dân chúng thời đó, nên ở các khắp nẻo đường và lối đi đều có những cột trụ minh châu và đều cao 10 dặm. Ánh sáng đó ngày đêm chiếu soi êm dịu như nhau. Ánh sáng của đèn đuốc mà so sánh với ánh sáng này thì kém xa. Ở trên lối đi, khu nhà cửa, và thậm chí khắp toàn thành, dẫu một cục đất nhỏ tí ti cũng chẳng có; trên đất chỉ trải toàn là cát vàng. Ở khắp mọi nơi đều có vàng và bạc tích tụ.

Lúc đó sẽ có một đại dạ-xoa thần thường bảo hộ thành này, tên là Thiện Giáo. Vị thần này quét dọn sạch sẽ mọi nơi. Giả như có người đi đại tiểu tiện bất tịnh thì đất sẽ nứt ra để hứng lấy và khép lại như cũ khi xong.

Những người ở thời đó khi sắp mạng chung, họ sẽ tự động đi đến khu mộ để qua đời.

Thế giới vào thời đó rất an lạc, không có oán tặc hay nạn cướp bóc. Cửa ngỏ trong thành ấp hay thôn xóm đều chẳng khép kín. Lại cũng chẳng có sự khổ não từ nước lửa, đao binh, cùng nạn đói khát hay các thứ độc hại gây ra. Dân chúng luôn hiền từ, cung kính hòa thuận, các căn điều phục, và lời nói khiêm tốn.

Này Xá-lợi Tử! Ta nay sẽ nói sơ về sự thịnh vượng và an vui trong thành ấp ở cõi nước kia.

Các ao suối trong những khu viên lâm ở nơi ấy sẽ tự nhiên có nước tám công đức. Ở trên mặt nước có đầy khắp các hoa sen với nhiều màu khắc nhau, như là: xanh, hồng, đỏ, trắng. Những bậc thềm ở xung quanh ao đều làm bằng bốn báu. Ở nơi đó thường có nhiều loài chim bay đến đậu, như là: ngỗng, uyên ương, phỉ thúy, anh vũ, thu lộ, chim mắt đẹp, chim cộng mạng, và còn nhiều vô số kể các loài chim khác lạ với tiếng hót líu lo. Cây ăn trái và cây tỏa hương có đầy khắp cõi nước kia.

Lúc bấy giờ ở châu Thắng Kim luôn có mùi hương thơm ngát và chúng tích tụ ví như một ngọn núi hương. Mùi vị của những dòng nước sẽ rất ngon ngọt và có thể trừ hoạn nạn. Mưa thấm nhuần đúng mùa. Cây lúa tốt tươi, chẳng có cỏ dại, và chỉ trồng một lần mà thu hoạch đến bảy lần. Dân chúng vào thời đó chỉ dùng chút ít công sức nhưng thu hoạch lại rất nhiều. Khi cơm vào miệng thì rất thơm ngon và còn làm cho khí lực sung túc dồi dào.

Lúc bấy giờ ở cõi nước kia sẽ có một vị vua Chuyển Luân tên là Loa. Ngài có bốn loại binh, nhưng ngài sẽ không dùng sức mạnh để trị vì bốn châu thiên hạ. Nhà vua có 1.000 hoàng tử dũng mãnh đầy uy lực, và có thể phá tan oán địch. Nhà vua có bảy báu, gồm có: kim luân báu, voi trắng báu, ngựa xanh báu, thần châu báu, ngọc nữ báu, chủ tàng báu, và chủ binh báu.

Ở cõi nước kia lại có một đài bảy báu, cao vót đến 1.000 trượng, rộng 60 trượng, có 1.000 đầu lái, và 1.000 bánh xe.

Lúc đó sẽ có bốn bảo tàng lớn. Xung quanh mỗi bảo tàng lớn có bốn ức bảo tàng nhỏ.

– Đại bảo tàng Elāpattra ở tại nước Hương Lâm.

– Đại bảo tàng Pāṇḍuka ở tại nước Mithilā.

– Đại bảo tàng Piṅgala ở tại nước Suraṣṭa.

– Đại bảo tàng Śaṅkha ở tại nước Lộc Dã.

Chu vi của mỗi đại bảo tàng này là 1.000 do-tuần. Ở trong ấy có đầy khắp trân bảo và mỗi bảo tàng lớn có bốn ức bảo tàng nhỏ ở xung quanh. Lại có bốn đại long vương canh giữ bốn đại bảo tàng này cùng với các bảo tàng nhỏ nơi đó. Các bảo tàng kia sẽ tự nhiên vọt ra và có hình dạng như hoa sen. Khi đó sẽ có vô số người đều cùng đến tham quan. Các châu báu vào thời đó sẽ không có người canh giữ. Khi dân chúng thấy các bảo tàng này, lòng họ đều chẳng tham luyến. Họ bỏ chúng trên đất như ngói đá, cỏ cây, cục đất.

Lúc thấy xong, họ đều sanh tâm nhàm chán và nghĩ như vầy:

“Chúng sanh thuở xưa vì những châu báu này mà hỗ tương tàn hại. Họ trộm cắp lẫn nhau, lừa dối vọng ngữ, và khiến cho nghiệp duyên của sanh tử khổ não cứ càng ngày càng tăng.”

Phủ trùm trên thành Diệu Tràng Tướng là màn lưới báu. Ở trên ấy treo những chuông báu trang nghiêm. Khi gió thổi qua, chúng phát ra âm thanh hòa nhã như tiếng vang khi gõ vào cái khánh.

Lúc bấy giờ trong thành sẽ có một vị đại Phạm Chí chủ tên là Thiện Tịnh. Phu nhân của ngài tên là Tịnh Diệu. Khi Từ Thị hạ sanh, họ sẽ là cha mẹ của Đức Bồ-tát.

Thân của Đức Từ Thị có màu vàng tím và đầy đủ 32 tướng. Khi chúng sanh nhìn thấy ngài, mắt của họ không muốn rời một thoáng.

Sức mạnh của Đức Từ Thị là vô lượng–chẳng thể nghĩ bàn. Quang minh chiếu sáng và không gì có thể chướng ngại. Ánh sáng của mặt trời, mặt trăng, và hỏa châu thảy đều chẳng hiện.

– Thân hình cao 100 trượng.

– Bề ngực rộng 30 trượng.

– Gương mặt dài 12,4 trượng.

Đức Từ Thị có thân tướng viên mãn, tướng tốt thành tựu, đoan chánh không một ai sánh bằng, và như pho tượng vàng.

Đức Từ Thị có nhục nhãn thanh tịnh và nhìn thấy 10 do-tuần. Ngài luôn có hào quang và chiếu soi ở xung quanh đến 100 do-tuần. Ánh sáng của mặt trời, mặt trăng, và hỏa châu đều chẳng còn hiện–chỉ có Phật quang là vi diệu đệ nhất.

Lúc bấy giờ Từ Thị Bồ-tát quán sát sự tai hại chẳng kể xiết của năm dục ở thế gian. Ngài từ bi thương xót các chúng sanh phải lặn hụp ở trong dòng sanh tử. Tự nghĩ như thế xong, ngài chánh niệm quán sát và chẳng vui thích cuộc sống thế tục.

Lúc bấy giờ, vua Loa cùng các vị đại thần mang đài báu đó để dâng lên Đức Từ Thị. Khi Đức Từ Thị nhận xong, ngài bố thí cho các Phạm Chí. Khi các Phạm Chí nhận xong, họ tự phân chia với nhau các vật đó.

Khi Từ Thị Bồ-tát nhìn thấy sự vô thường ngắn ngủi của đài báu vi diệu kia, ngài biết hết thảy pháp đều sẽ hoại diệt. Sau đó, ngài tu quán tưởng về vô thường, rồi sẽ xuất gia học Đạo và ngồi dưới cây Bồ-đề Long Hoa. Cây đó cao 50 dặm. Cũng chính ở trong ngày đi xuất gia, ngài sẽ đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Lúc đó các thiên long quỷ thần ẩn tàng chẳng hiện thân và mưa xuống hương hoa để cúng dường Đức Phật kia. Khi ấy, Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới chấn động sáu cách. Thân của Phật phóng ra ánh sáng và chiếu đến vô lượng quốc độ. Chúng sanh nào đáng độ thời đều sẽ được thấy Phật.

Lúc bấy giờ dân chúng đều nghĩ như vầy:

“Dẫu chúng ta có thể thọ hưởng vui sướng của năm dục đến cả ngàn vạn ức năm đi nữa, nhưng lại cũng chẳng thể nào thoát miễn khổ ách của ba đường ác. Vợ con và tài sản đều chẳng thể tương cứu. Thế gian là vô thường, mạng sống ngắn ngủi. Nay chúng ta hãy nên tu tịnh hạnh.”

Nghĩ như vậy xong, họ liền đi xuất gia học Đạo.

Bấy giờ có 84.000 đại thần cung kính vây quanh vua Loa và họ cũng đồng đi xuất gia học Đạo.

Lại có 84.000 vị Phạm Chí thông minh tài trí cũng đồng đi xuất gia học Đạo trong giáo Pháp của Phật.

Lại có trưởng giả tên là Thiện Thí, nay cũng chính là Trưởng giả Thiện Thí, cùng với 84.000 người đồng đi xuất gia.

Lại có hai anh em Tiên Thọ và Túc Cựu, cùng với 84.000 người đồng đi xuất gia.

Lại có hai vị đại thần mà nhà vua mến trọng. Vị thứ nhất tên là Chiên Đàn, vị thứ nhì tên là Hảo Ý, cùng với 84.000 người đồng đi xuất gia trong giáo Pháp của Phật.

Bảo nữ của vua Loa tên là Tịch Trường, nay cũng chính là Phu nhân Lộc Tử Mẫu, cùng với 84.000 thể nữ đồng đi xuất gia.

Thái tử của vua Loa tên là Thiên Kim Sắc, nay cũng chính là con của Trưởng giả Thiên Ái, cùng với 84.000 người đồng đi xuất gia.

Diệu Ý, con của một vị Phạm Chí, có trí tuệ sáng suốt và cũng là thân tộc của Đức Phật Từ Thị, nay cũng chính là con của Tỳ-kheo-ni Thắng Thiện Hiền, cùng với 84.000 người đồng đi xuất gia trong giáo Pháp của Phật.

Lại có vô lượng ngàn vạn ức chúng người như thế, vì thấy khổ não của thế gian nên đều cùng đi xuất gia trong giáo Pháp của Đức Phật Từ Thị.

Khi đã thấy các đại chúng vân tập đông đủ, Đức Phật Từ Thị bảo rằng:

“Nay các ông đến chỗ của Như Lai, chẳng vì sự cầu mong sanh lên trời để thọ hưởng vui sướng, lại cũng chẳng vì sự an vui ở đời này, mà chỉ vì nhân duyên thường lạc ngã tịnh của Niết-bàn. Các ông đây đều đã từng ở trong Phật Pháp gieo trồng những căn lành. Thuở xưa, Đức Phật Thích-ca-mâu-ni đã sai các ông đến đây và phó chúc cho Ta. Cho nên, nay các ông đều đến chỗ của Ta. Nay Như Lai sẽ nhiếp thọ các ông.

Trong các ông đây, hoặc có người sanh đến chỗ của Ta là do tu các công đức, như là đọc tụng và phân biệt giảng giải Kinh Luật Luận.

Hoặc lấy y phục cùng thức ăn đem bố thí cho người, trì giới luật và tu trí tuệ, do tu công đức này nên sanh đến chỗ của Ta.

Hoặc dùng tràng phan, lọng che, và hương hoa để cúng dường Phật, do tu công đức này nên sanh đến chỗ của Ta.

Hoặc hành bố thí, ăn chay trì giới, tu tập lòng từ, do tu công đức này nên sanh đến chỗ của Ta.

Hoặc vì sự khổ não của chúng sinh và khiến họ được an lạc, do tu công đức này nên sanh đến chỗ của Ta.

Hoặc trì giới nhẫn nhục, tu hạnh từ tâm thanh tịnh, do tu công đức này nên sanh đến chỗ của Ta.

Hoặc thường cúng dường thức ăn chay cho chư Tăng đến từ khắp nơi để dự Pháp hội, do tu công đức này nên sanh đến chỗ của Ta.

Hoặc do trì giới, đa văn học rộng, tu hành thiền định cùng trí tuệ vô lậu, do tu công đức này nên sanh đến chỗ của Ta.

Hoặc xây tháp để cúng dường xá-lợi, tưởng niệm Pháp thân của Phật, do tu công đức này nên sanh đến chỗ của Ta.

Lành thay! Đức Phật Thích-ca-mâu-ni có thể giáo hóa trăm ngàn vạn ức các chúng sanh và khiến họ đến chỗ của Ta.”

Lúc ấy, Đức Phật Từ Thị sẽ xưng tán Ta ba lần như thế.

Sau đó, Ngài sẽ thuyết Pháp như vầy:

“Chúng sanh các ông có thể ở trong đời ác kia mà làm những việc khó như thế, có thể trì giới và làm các việc công đức ở giữa chốn người đầy tham dục, sân hận, si mê, ngu muội và đoản mạng. Thật là hiếm có thay!

Các chúng sanh thời đó chẳng kính trọng cha mẹ, bậc Sa-môn và Phạm Chí. Họ chẳng biết Đạo Pháp, hỗ tương não hại và dẫn đến chiến tranh. Họ chìm đắm trong năm dục, đố kỵ, nịnh hót, dối trá, xảo quyệt và chẳng có tấm lòng thương xót. Họ giết hại lẫn nhau và ăn thịt uống máu. Vậy mà các ông có thể ở trong đó tu hành việc lành. Thật là hiếm có thay!

Lành thay! Đức Phật Thích-ca-mâu-ni với lòng đại từ bi, có thể ở trong các chúng sanh khổ não mà nói lời thành thật rằng, Ta vào đời vị lai sẽ độ thoát các ông. Vị đạo sư như thế rất là khó gặp. Với lòng thương xót sâu xa, Ngài bạt trừ khổ não cho chúng sanh ở đời ác trược và khiến cho họ được bình an.

Đức Phật Thích-ca-mâu-ni vì các ông mà Ngài đã lấy đầu đi bố thí, cắt xẻo tai mũi, tay chân, thân thể và thọ nhiều khổ não để làm lợi ích cho các ông.”

Khi ấy Đức Phật Từ Thị sẽ khai thị như thế. Ngài an ủi vô lượng chúng sanh để khiến họ đều hoan hỷ, rồi sau đó thuyết Pháp. Người phước đức trí tuệ có đầy khắp trong cõi nước kia. Họ cung kính tín thọ và ai nấy đều khát ngưỡng muốn nghe Pháp từ bậc đại sư.

Họ đều nghĩ như vầy:

“Năm dục bất tịnh, là nguồn gốc của mọi sự khổ não. Nếu như ai có thể dứt bỏ ưu sầu khổ não, biết được pháp nào khổ pháp nào vui thì sẽ thấy chúng đều là vô thường.”

Bấy giờ Đức Phật Từ Thị quán sát và biết được tâm của đại chúng trong Pháp hội đều thanh tịnh, điều phục, và nhu hòa, nên Ngài thuyết giảng Bốn Thánh Đế. Khi ấy, tất cả thính giả đồng thời đắc Đạo Niết-bàn.

Lúc bấy giờ Đức Phật Từ Thị ở trong vườn Diệu Hoa. Vườn ấy có chu vi là 100 do-tuần. Trong đó có dày kín đại chúng.

– Khi Ngài thuyết Pháp ở hội thứ nhất, 96 ức người sẽ đắc Đạo Vô Học.

– Khi Ngài thuyết Pháp ở hội thứ nhì, 94 ức người sẽ đắc Đạo Vô Học.

– Khi Ngài thuyết Pháp ở hội thứ ba, 92 ức người sẽ đắc Đạo Vô Học.

Sau khi chuyển Pháp luân để hóa độ hàng trời người xong, Đức Phật Từ Thị sẽ dẫn các đệ tử vào thành khất thực. Khi đó, vô lượng thiên chúng từ các cõi trời Tịnh Cư sẽ cung kính đi theo Phật và theo Ngài vào thành Diệu Tràng Tướng.

Đương lúc vào thành, Đức Phật Từ Thị sẽ hiện muôn loại thần lực và biến hiện vô lượng.

Khi đó Thiên chủ Đế Thích, chư thiên ở các cõi trời Dục Giới, các Vua trời Đại Phạm, và chư thiên ở các cõi trời Sắc Giới, sẽ trỗi trăm ngàn loại âm nhạc và ca tán công đức của Phật. Các hoa trời và hương bột chiên đàn sẽ rơi xuống để cúng dường Phật. Những cây tràng phan và lọng che sẽ được dựng lên ở ngã tư đường. Nhiều loại hương quý sẽ được đốt lên và khói hương lan tỏa như mây.

Khi Từ Thị Thế Tôn đi vào thành, Đại Phạm Thiên Vương cùng Thiên chủ Đế Thích sẽ chắp tay cung kính và dùng kệ tán thán rằng:

“Lưỡng Túc Tôn bậc Chánh Biến Tri

Khắp trời người không một ai bằng

Hiếm có thay Mười Lực Thế Tôn

Là phước điền vô thượng tối thắng

Ai cúng dường Ngài sẽ sanh thiên

Cúi đầu vô thượng đại tinh tấn”

Lúc bấy giờ, khi hàng trời, người, la-sát, và ngàn vạn ức vô lượng chúng sanh thấy Đức Phật hàng phục đại lực ma vương, họ đều sanh tâm đại hoan hỷ và chắp tay xướng rằng:

“Thật là hiếm có thay! Thật là hiếm có thay! Thần lực và công đức viên mãn của Như Lai là chẳng thể nghĩ bàn!”

Khi ấy chư thiên cùng hàng người cầm muôn loại hoa sen với nhiều màu sắc khác nhau và hoa thích ý mà rải trên đất ở trước Phật; số lượng bông hoa chất cao đến đầu gối. Còn chư thiên ở trong không trung trỗi trăm ngàn loại âm nhạc và ca tán công đức của Phật.

Bấy giờ ma vương ở đầu đêm và cuối đêm sẽ cảnh tỉnh các dân chúng của thế giới kia mà nói lời như vầy:

“Nay các người đã được thân người và lại gặp thời đại tốt. Các người chớ nên ngủ say suốt đêm, khiến tâm trí phải bị che lấp. Các người ở trong mọi lúc–hoặc đứng hay ngồi–luôn phải tinh tấn, chánh niệm, và quán sát tường tận năm uẩn đều là khổ, không, vô thường, và vô ngã. Các người chớ có buông lung mà chẳng thực hành lời Phật dạy. Nếu ai khởi nghiệp ác, tất sẽ phải nuối tiếc về sau.”

Khi đó, tất cả nam nữ ở ngã tư đường đều truyền lại với nhau lời như vầy:

“Các người chớ có buông lung mà chẳng thực hành lời Phật dạy. Nếu ai khởi nghiệp ác, tất sẽ phải nuối tiếc về sau. Chúng ta phải nên siêng tu phương tiện, tinh tấn cầu Đạo, và chớ để mất lợi ích của Phật Pháp mà sa đọa sanh tử. Bậc đại sư khéo bạt trừ khổ não như thế, thật rất khó gặp. Chúng ta phải tinh tấn và tâm kiên cố, thời sẽ đắc thường lạc của Niết-bàn.”

Các đệ tử của Đức Phật Từ Thị vào thời đó thảy đều đoan chánh và đầy đủ uy nghi. Họ đều nhàm chán sanh già bệnh chết, đa văn học rộng, khéo thủ hộ Pháp tạng và siêng tu thiền định. Họ xa lìa mọi dục vọng, như chim rời khỏi vỏ trứng.

Lúc bấy giờ Đức Phật Từ Thị muốn đi đến chỗ của Trưởng lão Đại Ẩm Quang. Sau đó, Ngài cùng với bốn chúng đệ tử liền tới núi Thứu Phong. Và ở trên đỉnh núi, họ sẽ thấy Tôn giả Đại Ẩm Quang. Khi đó trong lòng của các đại chúng đều kinh ngạc.

Đức Phật Từ Thị sẽ ngợi khen rằng:

“Đức Phật Thích-ca-mâu-ni thường ở giữa đại chúng hay ngợi khen Tỳ-kheo Đại Ẩm Quang là vị khổ hạnh đệ nhất, thông đạt thiền định, giải thoát và chánh định. Vị này tuy có sức đại uy thần nhưng không hề cao ngạo. Ngài có thể khiến chúng sanh được sự an vui lớn lao, luôn thương xót những kẻ khốn khổ cùng hàng thấp kém, và cứu vớt những chúng sanh khổ não để họ được an ổn.”

Đức Phật Từ Thị sẽ ngợi khen xá-lợi của Tôn giả Đại Ẩm Quang rằng:

“Lành thay, Tỳ-kheo Đại Ẩm Quang! Vị đệ tử lớn của đại thần đức chúa sư tử Năng Nhân, có thể ở trong đời ác kia mà tu tâm của mình.”

Khi dân chúng thấy Đức Phật Từ Thị ngợi khen Tỳ-kheo Đại Ẩm Quang, do bởi nhân duyên đó, trăm ngàn ức người nhàm chán thế tục và đắc Đạo Quả. Những người đó nhớ tưởng đến Đức Phật Thích-ca-mâu-ni đã ở trong đời ác trược mà giáo hóa vô lượng chúng sanh, khiến họ được đầy đủ sáu loại thần thông và thành bậc Ứng Chân.

Nơi thuyết Pháp của Đức Phật Từ Thị vào thời bấy giờ sẽ có chiều rộng là 80 do-tuần, dài 100 do-tuần. Mỗi người trong đại chúng, hoặc đứng hay ngồi, hoặc gần hay xa, mỗi người họ đều thấy Phật ở tại trước mình và chỉ thuyết Pháp cho riêng họ.

Đức Phật Từ Thị sẽ trụ thế 60.000 năm. Vì thương xót chúng sanh nên Ngài sẽ khiến họ đều đắc Pháp nhãn. Sau khi diệt độ, Chánh Pháp của Đức Phật Từ Thị cũng sẽ trụ thế 60.000 năm.

Các ông phải nên tinh tấn, phát tâm thanh tịnh và làm mọi việc lành. Khi thấy được thân tướng của Đức Phật Từ Thị, các ông cũng sẽ dứt trừ mọi hoài nghi.”

Lúc Phật thuyết Kinh này xong, ngài Xá-lợi Tử và đại chúng hoan hỷ thọ trì.

    Xem thêm:

  • Kinh Di Lặc Hạ Sanh Thành Phật - Kinh Tạng
  • Kinh Năm Giới Tướng Của Ưu Bà Tắc - Kinh Tạng
  • Kinh Nhân Duyên Của Vua Đảnh Sinh - Kinh Tạng
  • Kinh Long Thí Bồ Tát Bổn Khởi - Kinh Tạng
  • Kinh Bách Dụ – Nguyên Thuận dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Từ Thị Bồ Tát Đại Thành Phật - Kinh Tạng
  • Kinh Xưng Tán Tịnh Độ Phật Nhiếp Thọ - Kinh Tạng
  • Kinh Tôn Giả Hộ Quốc Hỏi Về Đại Thừa - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 25 – Kinh Bẫy Mồi (Nivàpa sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 122 – Kinh Ðại Không (Mahàsunnata sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Thừa Trang Nghiêm Bảo Vương - Kinh Tạng
  • Kinh Đức Từ Thị Hạ Sanh Thành Phật - Kinh Tạng
  • Pháp Mật Yếu Trị Bệnh Thiền - Kinh Tạng
  • Kinh Bảy Giấc Mộng Của A Nan – Huyền Thanh dịch - Kinh Tạng
  • Phẩm Đại Oai Đức Tối Thắng Kim Luân Tam Muội Chú Kinh Đà La Ni Đại Phật Đỉnh Như Lai Phóng Quang Tất Đát Đa Bát Đát La Đại Thần Lực Đô Nhiếp Nhứt Thiết Chú Vương - Kinh Tạng
  • Kinh Thiện Ác Nhơn Quả – Thích Giác Quả dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Trường Bộ 34 – Kinh Thập Thượng (Dasuttara Sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Bồ Tát Tòng Đâu Thuật Thiên Hàng Thần Mẫu Thai Thuyết Quảng Phổ - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bi Tâm Đà La Ni - Kinh Tạng
  • Kinh Tô Tất Địa Yết La - Kinh Tạng